Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 12

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

KHOA/VIỆN: AEP

BÀI TẬP LỚN


MÔN KINH TẾ CHÍNH TRỊ

Đề bài:
Tích lũy tư bản là gì? Vì sao phải tích lũy tư
bản? Hãy tưởng tượng bạn là một nhà tư
bản (một doanh nhân), bạn phải làm gì để
quy mô tư bản của mình ngày càng phát
triển.

Họ và tên: Trần Ngọc Linh


Lớp: Quản trị Marketing 63D
Mã SV: 11218592

HÀ NỘI, NĂM 2022


PHẦN MỞ ĐẦU
Nước ta đang trong quá trình hội nhập phát triển năng động nhất mọi thời đại,
đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về về kinh tế, chính trị, nâng cao vị thế của
đất nước trên cảnh quốc tế. Đó là những thành quả rất đáng tự hào mà chúng ta
có được nhờ sự lựa chọn đúng đắn đường lối phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng sáng tạo các phương pháp, nguyên lý cơ
bản của phát triển kinh tế vào điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng
nhận thấy chỉ có đường lối, kế hoạch đúng đắn để xây dựng và phát triển kinh tế
là chưa đủ, còn cần nguồn lực vật chất tương ứng đi kèm. Vốn có được từ tích
lũy tư bản là cơ sở để tạo ra việc làm, để có công nghệ tiên tiến, để tăng năng
lực sản xuất của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Nhận thức được tầm quan
trọng và tính thực tiễn của việc tích lũy tư bản mà em chọn đề tài này.
I. Tích lũy tư bản là gì? Tại sao phải tích lũy tư bản?
Để chỉ ra bản chất của tích lũy tư bản, cần nghiên cứu về tái sản xuất.
Trong thực tế nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, quá trình sản xuất liên tục
được lặp đi lặp lại không ngừng. Quá trình sản xuất được lặp đi, lặp lại không
ngừng được gọi là tái sản xuất.
Tái sản xuất có hai hình thức chủ yếu là tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở
rộng.
Tái sản xuất giản đơn là sự lặp lại quá trình sản xuất với quy mô như cũ. Trong
trường hợp này, ứng với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, toàn bộ giá trị thặng dư
đã được nhà tư bản tiêu dùng cho cá nhân.
Tuy nhiên, tư bản không những được bảo tồn mà còn phải không ngừng lớn lên.
Để thực hiện tái sản xuất mở rộng, nhà tư bản phải biến một bộ phận giá trị
thặng dư thành tư bản phụ thêm. Sự chuyển hóa một phần giá trị thặng dư thành
tư bản gọi là tích lũy tư bản.
Bản chất của tích lũy tư bản là quá trình tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa
thông qua việc chuyển hóa giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm để tiếp tục
mở rộng sản xuất kinh doanh, giành thắng lợi trong cạnh tranh thông qua mua
thêm hàng hóa sức lao động, mở mang nhà xưởng, mua thêm nguyên vật liệu,
trang bị thêm máy móc thiết bị… Nghĩa là, nhà tư bản không sử dụng hết giá trị
thặng dư thu được cho tiêu dùng cá nhân mà biến nó thành tư bản phụ thêm.
Cho nên, khi thị trường thuận lợi, nhà tư bản bán được hàng hóa, giá trị thặng
dư vì thế sẽ ngày càng nhiều, nhà tư bản trở nên giàu có hơn.
Thực chất, nguồn gốc duy nhất của tư bản tích lũy là giá trị thặng dư. Nhờ có
tích lũy tư bản, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không những trở thành thống
trị, mà còn không ngừng mở rộng sự thống trị đó.
II. Nếu như bạn là một nhà tư bản (một doanh nhân), bạn phải làm gì để
quy mô tư bản của mình càng ngày càng phát triển.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay,
với nhiều thành phần kinh tế trong đó có thành phần kinh tế tư nhân, không thể
phủ nhận chủ doanh nghiệp tư bản tư nhân thông qua hoạt động sản xuất kinh
doanh hợp pháp đã góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và nâng cao
mức sống của người lao động.
Đối với các doanh nghiệp hiện nay, việc vận dụng quy luật của tích lũy tư bản
vào trong huy động vốn và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả là vô cùng
quan trọng và cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần phải tiết kiệm sao cho hợp lý,
việc xây dựng cơ sở sản xuất và thiết bị cũng cần phải được tính toán kỹ càng.
Nếu như em là một nhà tư bản (một doanh nhân), để quy mô tư bản của mình
ngày càng phát triển, em có thể áp dụng những nhân tố ảnh hưởng đến quy mô
tích lũy tư bản để có phương hướng phát triển doanh nghiệp của mình.
Với khối lượng giá trị thặng dư nhất định, quy mô tích lũy tư bản phụ thuộc vào
tỷ lệ phân chia giữa tích lũy và tiêu dùng. Nếu tỷ lệ giữa tích lũy và tiêu dùng đã
được xác định thì quy mô tích lũy tư bản phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng
dư.
Dựa trên các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới quy mô tích lũy, em có thể đưa ra
các phương hướng để mở rộng quy mô tích lũy tư bản.
1. Nhân tố thứ nhất là trình độ khai thác sức lao động
Tỷ suất giá trị thặng dư là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị thặng dư và tư bản khả
biến để sản xuất ra giá trị thặng dư đó. Như vậy, tỷ suất giá trị thặng dư tăng sẽ
tạo tiền đề tăng quy mô giá trị thặng dư. Từ đó mà tạo điều kiện để tăng quy mô
tích lũy. Để nâng cao tỷ suất giá trị thặng dư, ngoài sử dụng các phương pháp
sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và sản xuất giá trị thặng dư tương đối, các nhà
tư bản còn có thể sử dụng các biện pháp cắt xén tiền công, tăng ca tăng kíp, tăng
cường độ lao động.
Trước hết, các nhà tư bản nâng cao trình độ bóc lột sức lao động bằng cách cắt
xén vào tiền công. Khi nghiên cứu sự sản xuất giá trị thặng dư, C.Mác giả định
rằng sự trao đổi giữa công nhân và nhà tư bản là sự trao đổi ngang giá, tức là
tiền công bằng giá trị sức lao động. Nhưng trong thực tế, công nhân không chỉ
bị nhà tư bản chiếm đoạt lao động thặng dư, mà còn bị chiếm đoạt một phần lao
động tất yếu, tức cắt xén tiền công, để tăng tích lũy tư bản.
Bên cạnh đó, các nhà tư bản còn nâng cao trình độ bóc lột sức lao động bằng
cách tăng cường độ lao động và kéo dài ngày lao động để tăng khối lượng giá trị
thặng dư, nhờ đó tăng tích lũy tư bản. C.Mác đã khẳng định giá trị thặng dư
không phải do tư bản (tiền) được đầu tư vào sản xuất sinh ra, hoặc do máy móc
tạo ra. Giá trị thặng dư là do lao động thặng dư của người lao động tạo ra.
Cái lợi ở đây còn thể hiện ở chỗ nhà tư bản không cần ứng thêm tư bản để mua
thêm máy móc, thiết bị mà chỉ cần ứng tư bản để mua thêm nguyên liệu là có
thể tăng được khối lượng sản xuất, tận dụng được công suất của máy móc, thiết
bị, nên giảm được hao mòn vô hình và chi phí bảo quản của máy móc, thiết bị.
Điều đó có nghĩa là thời gian công nhân sáng tạo ra giá trị càng được kéo dài ra
nhưng chi phí càng được cắt giảm, do vậy khối lượng giá trị thặng dư càng lớn
và quy mô của tích lũy tư bản càng lớn

2. Nhân tố thứ hai tác động đến quy mô tích lũy tư bản là sử dụng hiệu quả
máy móc
C.Mác gọi việc này là chênh lệch giữa tư bản sử dụng và tư bản tiêu dùng. Tư
bản sử dụng là giá trị của máy móc, thiết bị và tư liệu sản xuất được sử dụng
trong quá trình tạo ra giá trị thặng dư. Tư bản tiêu dùng là giá trị tiêu hao của
máy móc, thiết bị, sự xuống cấp của chúng sau mỗi quá trình sử dụng. Sự chênh
lệch giữa hai yếu tố này càng lớn sẽ càng làm ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ
đến quy mô tích lũy tư bản.
Theo C.Mác, máy móc được sử dụng toàn bộ tính năng của nó, song giá trị chỉ
được tính dần vào giá trị sản phẩm qua khấu hao. Sau mỗi chu kỳ như thế, máy
móc vẫn hoạt động toàn bộ nhưng giá trị của bản thân nó đã giảm dần do tính
giá khấu hao để chuyển vào giá trị sản phẩm.
Hệ quả là, mặc dù giá trị đã bị khấu hao, song tính năng hay giá trị sử dụng thì
vẫn nguyên như cũ, như lực lượng phục vụ không công trong sản xuất. Sự phục
vụ không công ấy được lao động sống nắm lấy và làm cho chúng hoạt động.
Chúng được tích lũy lại cùng với tăng quy mô tích lũy tư bản. Đồng thời, sự lớn
lên không ngừng của quỹ khấu hao trong khi chưa cần thiết phải đổi mới tư bản
cố định cũng trở thành nguồn tài chính có thể sử dụng cho mở rộng sản xuất.
Như vậy, nhà tư bản thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết
bị và tư liệu sản xuất được sử dụng trong quá trình sử dụng để tăng quy mô tích
lũy tư bản cho doanh nghiệp.

3. Nhân tố thứ ba là đại lượng tư bản ứng trước


Để sản xuất ra giá trị thặng dư, nhà tư bản phải ứng trước tư bản ra để mua tư
liệu sản xuất và sức lao động. Nếu thị trường thuận lợi, hàng hóa luôn bán được,
tư bản ứng trước càng lớn sẽ là tiền đề cho tăng quy mô tích lũy.
Công thức tính quy mô tư bản ứng trước là M = m’.V. Khi trình độ khai thác
sức lao động (chính là yếu tố tỷ suất giá trị thặng dư m’) không thay đổi thì khối
lượng giá trị thặng dư (M) do khối lượng tư bản khả biến (V) sẽ quyết định.
Trong quy mô của tư bản ứng trước, nếu bộ phận tư bản khả biến càng lớn thì
khối lượng giá trị thặng dư bóc lột càng tăng theo để tạo điều kiện tăng thêm
quy mô cho tích lũy tư bản.
Nhà tư bản căn cứ vào thị trường để đưa ra quyết định về quy mô của tư bản
ứng trước. Thị trường thuận lợi, hàng hóa bán được, nhà tư bản sẽ tăng đại
lượng tư bản ứng trước, tạo tiền đề tăng quy mô tích lũy tư bản.

4. Nhân tố thứ tư là năng suất lao động xã hội


Năng suất lao động tăng làm cho giá trị tư liệu sinh hoạt giảm xuống, làm giảm
giá trị sức lao động giúp cho nhà tư bản thu được nhiều giá trị thặng dư hơn,
góp phần tạo điều kiện cho phép tăng quy mô tích lũy. Sự giảm này đem lại hai
hệ quả cho tích lũy tư bản:
Một là, với khối lượng giá trị thặng dư nhất định, phần dành cho tích lũy có thể
tăng lên, nhưng tiêu dùng của các nhà tư bản không giảm, thậm chí có thể cao
hơn trước.
Hai là, một lượng giá trị thặng dư nhất định dành cho tích lũy có thể chuyển hóa
thành một khối lượng tư liệu sản xuất và sức lao động phụ thêm lớn hơn trước.
Do đó, quy mô của tích lũy không chỉ phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng dư
được tích lũy, mà còn phụ thuộc vào khối lượng hiện vật do khối lượng giá trị
thặng dư đó có thể chuyển hóa thành.
Như vậy năng suất lao động xã hội tăng lên sẽ có thêm những yếu tố vật chất để
biến giá trị thặng dư thành tư bản mới, nên làm tăng quy mô của tích lũy. Nếu
năng suất lao động cao, thì lao động sống sử dụng được nhiều lao động quá khứ
hơn, lao động quá khứ đó lại tái hiện dưới hình thái có ích mới, được sử dụng
làm chức năng của tư bản ngày càng nhiều, do đó cũng làm tăng quy mô của
tích lũy tư bản.

Ngoài ra, dựa trên quan điểm của C.Mác, nhà tư bản có thể vận dụng các nhân
tố ảnh hưởng đến năng suất lao động để tăng năng suất lao động.

Trước hết là trình độ khéo léo của người lao động. Đây là nhân tố đầu tiên
C.Mác đề cập trong hệ thống các nhân tố tác động đến năng suất lao động. Theo
C.Mác, người lao động có trình độ thành thạo càng cao, thì năng suất lao động
càng cao. Điều này không chỉ xảy ra đối với những người lao động thủ công, mà
còn xảy ra đối với những người lao động bằng máy móc. Bởi vì, tốc độ làm việc
của máy móc rất cao, đòi hỏi người lao động phải có trình độ thành thạo tương
ứng, thì mới theo kịp được tốc độ làm việc của máy móc.

Đồng thời, mức độ thành thạo của người lao động sẽ được nâng lên khi người
lao động được đào tạo hoặc được làm một công việc nào đó thường xuyên. Bởi
vì, khi thường xuyên làm một việc sẽ giúp người lao động làm việc trơn tru, liền
mạch và tiêu tốn ít thời gian hơn. Do đó, với độ dài ngày lao động như nhau,
trình độ thành thạo của người lao động càng cao, thì năng suất lao động càng
tăng.

Như vậy, một nhà tư bản cần có những giải pháp nâng cao chất lượng của người
lao động như: chú trọng công tác tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người
lao động học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: thúc đẩy việc nhân viên
tự tìm tòi, học hỏi và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo
trực tuyến, internet và tạo môi trường học tập ngay tại doanh nghiệp. Điển hình
như việc sắp xếp nhân viên mới cùng bộ phận với những nhân viên kỳ cựu để
họ có thể học việc nhanh nhất,…

Tiếp theo là khả năng áp dụng khoa học vào quá trình sản xuất. Khi nghiên cứu
nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác thấy rằng, khoa học tách ra khỏi lao động
trở thành “tiềm lực sản xuất độc lập”. Tuy nhiên, để thực sự trở thành động lực
thúc đẩy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, thì những thành tựu khoa học
đó phải được đem vào ứng dụng trong quá trình sản xuất.

Theo C.Mác, biểu hiện rõ nét của việc ứng dụng khoa học vào quá trình sản
xuất đó là việc đổi mới quy trình sản xuất và đưa ngày càng nhiều máy móc vào
các quá trình sản xuất. Trong hệ thống các nhân tố tác động đến năng suất lao
động, C.Mác thấy rằng, “máy móc là phương tiện mạnh nhất để tăng năng suất
lao động”.

Theo C.Mác, “máy móc chứa đựng lao động ít bao nhiêu, thì giá trị mà chúng
chuyển vào sản phẩm lại càng ít bấy nhiêu”. Vì vậy, nếu sử dụng ngày càng
nhiều máy móc với quy mô ngày càng lớn kết quả là “… chẳng những sản xuất
ra đủ bảo đảm sự tiêu dùng dồi dào cho tất cả mọi người trong xã hội và gây
một quỹ dự trữ quan trọng...”.

Như vậy, một nhà tư bản cần đổi mới quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học
công nghệ và thiết bị máy móc vào quá trình sản xuất để tăng năng suất lao
động, dẫn đến tăng quy mô tích lũy tư bản.

Ngoài ra, phải kể đến sự phân công lao động và sự kết hợp xã hội của quá trình
sản xuất. Trước khi xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, các hoạt động
sản xuất là độc lập, mỗi người phụ trách các công đoạn của quá trình sản xuất.
Nhưng khi phương thức tư bản chủ nghĩa xuất hiện, quá trình sản xuất được tổ
chức thành nhiều công đoạn, người lao động chỉ hoạt động ở một công đoạn của
quá trình sản xuất này và chỉ sản xuất một hoặc một số sản phẩm.

Nhờ chỉ chuyên môn làm một công việc, mà mỗi người công nhân bộ phận
dùng ít thời gian hơn người thợ thủ công lần lượt làm cả một chuỗi công việc.
Vì rút ngắn được thời gian sản xuất của từng công đoạn, nên thời gian sản xuất
một sản phẩm hoàn chỉnh cũng được rút ngắn.

Chính vì vậy, C. Mác coi phân công lao động chính là “phương tiện để sản xuất
ra được nhiều hàng hóa hơn với một số lượng lao động như cũ”, hay phân công
lao động chính là một nhân tố quan trọng nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, để nâng cao năng suất lao động, theo C.Mác, không chỉ có phân
công lao động, mà còn phải gắn phân công lao động với kết hợp xã hội trong
quá trình sản xuất. Theo đó, phải đưa người lao động đơn lẻ, làm việc trong
những khâu, những bước khác nhau vào một không gian chung, có sự liên kết
với nhau trong quá trình sản xuất.

Theo C.Mác, thì sự kết hợp không chỉ xảy ra ở các công trường thủ công, mà
ngay cả khi bước vào giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, khi mà sản xuất bằng
máy móc ngày càng nhiều hơn, thì càng cần đến sự kết hợp xã hội ấy. “Vì bản
thân tổng thể máy móc là một hệ thống gồm nhiều chiếc máy khác nhau, hoạt
động cùng một lúc và kết hợp với nhau, cho nên sự hiệp tác dựa trên hệ thống
máy móc đó cũng đòi hỏi phải phân chia những nhóm công nhân khác loại cho
những máy móc khác loại”.
Như vậy, nhà tư bản cần phân công công việc phù hợp cho người lao động, phải
đưa người lao động riêng lẻ, làm việc ở những công đoạn khác nhau vào một
không gian chung, có sự liên kết với nhau trong quá trình sản xuất.
PHẦN KẾT
Trên đây là toàn bộ phần trình bày của em về vấn đề tích lũy tư bản. Do trình độ
nhận thức của em về vấn đề này còn giới hạn, cho nên bài tập của em chắc chắn
còn nhiều sai sót. Em sẽ làm tốt hơn nếu như sau này em còn quay lại nghiên
cứu vấn đề này.
Em xin chân thành cảm ơn cô!
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô, T.N và nnk. (2019). Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác – Lênin

Bùi, Đ.H & Trịnh, X.V. (2021). Một số giải pháp tăng năng suất lao động ở
Việt Nam trên cơ sở vận dụng lý luận của C.Mác. Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Đinh, T.T.H. (2021). Vận dụng học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác trong
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ
http://truongchinhtrithaibinh.edu.vn/Tin-Tuc/baiviet-chuyende/991_Van-dung-
hoc-thuyet-gia-tri-thang-du-cua-CMac-trong-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-
dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-Viet-Nam

You might also like