Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

Dạy học ngoại khoá

Hình thức dạy học nội khoá được tổ chức theo các tiết học của từng môn học,
còn ngoại khoá được nhà trường tổ chức cho học sinh vào thời gian ngoài giờ lên
lớp theo bài học, chủ đề, môn học... nhất định.
Khi tham gia các hoạt động ngoại khoá, các em được tiếp xúc với thực tiễn
cuộc sống xã hội phong phú, tham gia các hoạt động đa dạng, qua đó, học sinh vận
dụng những tri thức, kĩ năng được hình thành qua hình thức nội khoá để giải quyết
các vấn đề thực tiễn, nhờ đó, phát triển năng lực theo mục tiêu bài học đề ra. Bên
cạnh đó, hoạt động ngoại khoá còn làm cho việc học tập trở nên hấp dẫn, hứng thú,
phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của các em...
Hoạt động ngoại khoá ở tiểu học được tổ chức qua nhiều hình thức
cụ thể, như câu lạc bộ môn học, báo tường, tham quan, lao động, hoạt động nhân
đạo...
Về phạm vi nội dung, hình thức hoạt động ngoại khoá ở tiểu học có thể được tổ
chức theo bài, nhóm bài, hay chủ đề... liên quan đến nhiều môn học ở tiểu học,
nhất là Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Đạo đức, Tiếng Việt...
Về địa điểm, tuỳ nội dung bài học, môn học, các hoạt động ngoại khoá có thể
được tổ chức cho các em tại trường học, nhưng chủ yếu là ngoài trường, nơi “chứa
đựng” nội dung học tập liên quan bài học.

Ví dụ: Khi dạy học bài “Biết ơn những người có công với quê hương, đất nước”
(môn Đạo đức, lớp 5), giáo viên có thể tổ chức cho học sinh những hình thức hoạt
động ngoại khoá như: tham gia lao động chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ (với những
công việc như: chăm sóc cây, hoa; quét dọn, thu gom rác, lá rụng...); giúp đỡ một số
gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương (với những công việc vừa sức như: chăm
sóc cây trồng, vật nuôi, dọn dẹp nhà cửa...); tham gia các phong trào đền ơn đáp

1
nghĩa (tặng khăn ấm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng chẳng hạn); quyên góp giúp
đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam (công tác xã hội)...
Khi tổ chức hoạt động ngoại khoá, giáo viên cần:
– Xác định hình thức hoạt động ngoại khoá: Tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung,
mục tiêu của bài học, chủ đề, khả năng của học sinh tiểu học, điều kiện thực hiện
(phương tiện, thời gian...)..., giáo viên lựa chọn hình thức hoạt động ngoại khoá cụ
thể (lao động, tham quan, công tác xã hội...).
– Xác định mục tiêu hoạt động: Mục tiêu hoạt động ngoại khoá phụ thuộc vào
mục tiêu của bài học, chủ đề đã xác định và bảo đảm vừa sức với học sinh và các
điều kiện thực hiện.
– Xác định nội dung hoạt động: Việc lựa chọn nội dung phụ thuộc vào mục
tiêu, tính chất của bài học, khả năng của học sinh, điều kiện thực tế khách quan
(thời gian, cơ sở vật chất...)... Nội dung của hoạt động ngoại khoá (ví dụ, đặc điểm,
tính chất của một số sự vật, hiện tượng...) phải mang lại những điều mới lạ, bổ ích,
có tác dụng thiết thực cho học sinh.
– Dự kiến những công việc học sinh cần thực hiện: Theo nội dung đã xác định,
giáo viên dự kiến những công việc học sinh cần thực hiện khi tham gia hoạt động
ngoại khoá (ví dụ, khi tham quan, học sinh có thể cần thực hiện những công việc
cụ thể như: quan sát những sự vật, hiện tượng liên quan, giải thích các sự vật, hiện
tượng, nghe báo cáo những vấn đề đã được “đặt hàng” trước, ghi chép những nội
dung cần thiết, nếu có điều kiện thì có thể chụp ảnh, thu thập một số hiện vật...).
– Dự kiến phương pháp tổ chức hoạt động: Các phương pháp có thể được vận
dụng khi tổ chức hoạt động ngoại khóa khá đa dạng: giảng giải, thảo luận lớp, thảo
luận nhóm, điều tra, rèn luyện, dự án...
– Dự kiến phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức hoạt động: Giáo
viên dự kiến phương tiện đi lại (nếu cần), những dụng cụ phục vụ cho việc tham

2
gia, thực hiện hoạt động (phụ thuộc phương pháp được vận dụng), những đồ đạc,
đồ dùng phục vụ nhu cầu cá nhân như mũ, nón, giày, áo mưa, đồ ăn... (nếu cần).
– Dự kiến thời gian tổ chức hoạt động: Giáo viên dự kiến thời điểm tiến hành
(như vào buổi sáng ngày chủ nhật...) và khoảng thời gian dành cho hoạt động (có
thể diễn ra trong một vài tiếng đồng hồ, hay cả một buổi sáng chẳng hạn...). Thời
gian tiến hành hoạt động ngoại khoá cần được tính toán cho phù hợp với nội dung
hoạt động, khả năng của học sinh...; tránh việc kéo thời gian quá dài gây mệt mỏi
cho các em.
– Dự kiến địa điểm tiến hành hoạt động: Giáo viên lựa chọn nơi tiến hành hoạt
động ngoại khoá một cách phù hợp với tính chất bài học, môn học, hứng thú và
khả năng của học sinh, tốt nhất là tại địa phương, thuận lợi cho việc đi lại, sinh
hoạt của học sinh tiểu học...
– Dự kiến lịch trình tổ chức hoạt động: Giáo viên dự kiến lịch trình, trong đó,
có thể cần xác định rõ trình tự các công việc sẽ được tiến hành qua hoạt động,
khoảng thời gian và nơi tiến hành cho từng công việc...
– Dự kiến việc phối hợp các lực lượng giáo dục: Giáo viên cần bảo đảm rằng,
việc tổ chức hoạt động ngoại khoá nhận được sự đồng tình của cha mẹ học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên còn tính đến sự ủng hộ về tinh thần, tiền của, công sức của
cha mẹ học sinh, những lực lượng xã hội liên quan (nếu cần), cơ quan chủ quản nơi
diễn ra hoạt động ngoại khoá...
– Dự kiến việc đánh giá hoạt động: Giáo viên dự kiến việc kiểm tra, đánh giá
quá trình và kết quả tham gia, thực hiện hoạt động của học sinh, trong đó, tạo điều
kiện cho học sinh tự đánh giá và các lực lượng giáo dục tham gia đánh giá hoạt
động một cách thích hợp (nếu cần).

3
Có thể coi những yếu tố trên như là một bản thiết kế chi tiết, chặt chẽ hoạt động
ngoại khoá cho học sinh. Nhờ đó, giáo viên có thể chủ động, tự tin tổ chức hoạt
động cho học sinh tiểu học một cách có hiệu quả.
Trước khi tham gia hoạt động ngoại khoá, học sinh cũng cần được biết kế
hoạch một cách chi tiết – cần làm những công việc gì, ở đâu, khi nào; cần chuẩn bị
những vật dụng gì; kết quả cần đạt được là gì; hoạt động của mình được đánh giá
như thế nào...

Ví dụ: Vận dụng hình thức hoạt động ngoại khoá khi dạy phần Thực vật (môn
Tự nhiên và Xã hội, lớp 3).
Bản thiết kế một hoạt động ngoại khoá cho chủ đề này gồm những yếu tố khác
nhau như:
– Lựa chọn hình thức hoạt động ngoại khoá: Tham quan công viên
cây xanh.
– Xác định mục tiêu hoạt động: Học sinh phân tích được đặc điểm các bộ phận
của cây (thân, rễ, lá, hoa, quả) và từ đó, phân loại được cây xanh theo những đặc
điểm đó.
– Xác định nội dung: Đặc điểm các bộ phận của các loại cây xanh:
+ Về thân cây: Những loại cây xanh có thân mọc đứng, thân leo, thân bò, thân
gỗ, thân thảo, thân phình ra thành củ.
+ Về rễ cây: Những loại cây xanh có rễ cọc, rễ chùm, rễ phụ, rễ phình ra thành
củ.
+ Về lá cây: Những loại cây xanh có lá màu xanh, màu tím...; vẽ một số loại lá
với gân lá mà các em quan sát được.
+ Về hoa: Những loại cây xanh có màu đỏ, màu vàng, màu hồng, màu trắng...
+ Về quả: Những loại cây xanh có quả màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu
tím...
4
Trên cơ sở đó, học sinh phân loại những cây xanh mình nghiên cứu được trong
công viên.
Lớp được chia thành các nhóm thích hợp, theo đó, mỗi nhóm tìm hiểu đặc điểm
một bộ phận của cây (có thể tổ chức cho các em tìm hiểu một số hoặc tất cả những
nội dung trên).
– Dự kiến phương pháp tổ chức hoạt động: Các phương pháp có thể được vận
dụng khi tổ chức hoạt động ngoại khóa khá đa dạng: giảng giải, thảo luận lớp, thảo
luận nhóm, điều tra...
– Dự kiến những công việc học sinh cần thực hiện: Học sinh cần thực hiện
những hoạt động, công việc sau:
+ Quan sát, tìm kiếm, phát hiện những loại cây xanh theo yêu cầu.
+ Ghi chép lại những quan sát của mình.
+ Chụp ảnh một số cây xanh (nếu có điều kiện).
– Dự kiến thời gian: Chẳng hạn buổi tham quan được tiến hành vào buổi sáng
ngày chủ nhật và thời gian dành cho hoạt động là từ 8 giờ đến 9 giờ 45 phút.
– Dự kiến địa điểm: Công viên cây xanh tại địa phương chẳng hạn.
– Dự kiến phương tiện, cơ sở vật chất:
+ Phương tiện đi lại (nếu cần).
+ Những dụng cụ phục vụ cho việc tham quan (bút, sổ ghi chép, máy ảnh, mũ,
nón, giày, áo mưa, nước uống...)...
– Dự kiến lịch trình tổ chức hoạt động: Trình tự các công việc có thể được tiến
hành là: tập hợp học sinh, giao nhiệm vụ cho các nhóm (giờ cụ thể); các nhóm thực
hiện công việc của mình (với khoảng thời gian cụ thể, 1 tiếng đồng hồ chẳng hạn);
các nhóm học sinh tập hợp lại (giờ cụ thể); học sinh báo cáo kết quả tham quan (với
khoảng thời gian cụ thể, 30 phút chẳng hạn)...
– Dự kiến việc phối hợp với các lực lượng giáo dục:
5
+ Thông báo cho cha mẹ học sinh về những yếu tố liên quan đến cuộc tham
quan (mục đích, nội dung, địa điểm, thời gian...).
+ Liên hệ trước với ban quản lí công viên.
– Dự kiến việc đánh giá kết quả hoạt động:
+ Giáo viên theo dõi, quan sát những biểu hiện hành vi của học sinh về thực
hiện nhiệm vụ được giao.
+ Học sinh báo cáo, thảo luận quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chia sẻ
kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ, bày tỏ cảm xúc đối với môi trường công viên,
cây xanh và với công việc học tập.
+ Giáo viên nêu nhận xét về những hành động của học sinh thể hiện qua việc thực
hiện nhiệm vụ, về kết quả học tập của cuộc tham quan.
Trước khi tham quan, học sinh cũng cần được biết kế hoạch một cách chi tiết –
cần làm những công việc gì, ở đâu, khi nào; cần chuẩn bị những vật dụng gì; kết
quả cần đạt được là gì...
Lời bình:
– Hoạt động ngoại khoá trên nhằm giúp học sinh gắn kết, liên hệ, đối chiếu
những kiến thức về các bộ phận của cây mà các em được học trên lớp với thực tiễn
xung quanh các em. Do đó, hoạt động này được tiến hành sau khi học sinh học các
bài học liên quan.
Việc chọn địa điểm tham quan phù hợp là rất quan trọng, nhất là tại nơi đó có
nhiều loại cây xanh với tính chất đa dạng của thân, rễ, lá, hoa, quả.
– Trong khi tham gia hoạt động, học sinh cần được trải nghiệm tích cực, ví dụ
như đào bới để nghiên cứu, xem xét rễ của cây... Các tính chất của các bộ phận của
cây cụ thể phải được học sinh tự phát hiện (mà không phải là sự chỉ dẫn của giáo
viên).

6
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động, giáo viên nên thiết kế sẵn tờ phiếu để học
sinh ghi chép cho thuận lợi. Ví dụ, nội dung về tính chất của rễ có thể được thiết kế
như sau:

Loại rễ Tên cây cụ thể


Rễ cọc

Rễ chùm

Rễ phụ

Rễ phình ra thành củ

You might also like