Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,

Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,

Say thơ xa lạ, mê tình bạn,

Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.

Những bước song song xéo dặm trường,

Đôi hồn tươi dậm ngát hoa hương,

Họ đi, tay yếu trong tay mạnh,

Nghe hát ân tình giữa gió sương.

Kể chi chuyện trước với ngày sau;

Quên ngó môi son với áo màu;

Thây kệ thiên đường và địa ngục!

Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

(Thơ thơ, 1938)

Áng thơ trên - với tên gọi Tình trai - là một trong những sáng tác tiêu biểu
của Xuân Diệu, người được Hoài Thanh và Hoài Chân mệnh danh là nhà thơ mới
nhất trong các nhà thơ mới. Thơ Xuân Diệu toát lên hơi thở tươi trẻ, lãng mạn và
căng tràn sức sống của thời đại. Có thể nói, ông chính là tác giả đại diện cho phong
trào thơ mới.

Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916 tại xã Phước
Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha ông là một nhà nho tú tài, quê ở xứ
Nghệ - Tĩnh vốn có truyền thống văn hiến lâu đời. Xuân Diệu đã thừa hưởng từ
cha đức tính cần cù, hiếu học, say mê rèn luyện, sáng tạo. Mẹ ông lại đến từ miền
đất Quy Nhơn. Có thể nói, đất mẹ Quy Nhơn đã dưỡng thành một tâm hồn nhiệt
tình, phóng khoáng, nồng nàn nơi Xuân Diệu.

Tại Huế, Xuân Diệu đã gặp Huy Cận khi theo học trường Quốc học. Ngay
khi vừa chạm mặt, giữa hai nhà thơ đã hình thành một mối liên kết sâu sắc không
thể chia rẽ, chia cắt. Đó là một mối tri âm tri kỷ cả trong thi ca và trên đường đời.
Khi Huy Cận in tập thơ đầu tay Lửa thiêng năm 1940, Xuân Diệu đã viết lời tự
rằng: Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh;
gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm
hồn thơ thới.

Trong bài Mai sau, Huy Cận cũng viết:

Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận,

Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên,

Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên

Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.

Là thành viên cuối cùng của nhóm Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu từng viết rất
nhiều thể loại khác nhau, nhưng ông được biết đến nhiều nhất dưới tư cách một
nhà thơ, với những thi phẩm trữ tình mang đậm một cá tính rất Xuân Diệu, rất mới
lạ, giao thoa giữa cái nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam và cái táo bạo,
say mê, tân thời của thơ Pháp. 

Là một nhà trí thức Tây học, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thơ Pháp,
đặc biệt là thơ chủ nghĩa tượng trưng. Trong thơ ông, xuất hiện nhiều hình ảnh
tượng trưng, tiêu biểu như trong Hy mã lạp sơn, Núi xa, Cây đàn vỡ... và đã rất
tiệm cận chủ nghĩa tượng trưng đúng nghĩa. Còn trong bài Huyền diệu, Xuân Diệu
đã để lên hàng đầu câu thơ của Baudelaire: Les parfums, les couleurs et les sons se
répondent (Hương thơm, màu sắc và âm thanh tương ứng với nhau) và phát triển ý
đó trong bài thơ.

Một câu thơ nổi tiếng khác của Xuân Diệu – Yêu, là chết trong lòng một ít -
là sự vay mượn của câu thơ của Edmond Haraucourt: Partir, c'est mourir un peu
(Đi là chết đi một ít).

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân dành cho Xuân
Diệu một từ say đắm. Cùng là chủ nghĩa lãng mạn, cùng là thoát ly hiện thực
nhưng ông không thoát lên tiên như Thế Lữ hay bước vào thế giới điên cuồng của
trường thơ Loạn. Thay vào đó, ông chọn cách say đắm trong tình yêu, trong cuộc
sống muôn hình vạn trạng. Như Hoài Thanh và Hoài Chân từng nói, ông đã đốt
cảnh Bồng lai và xua ai nấy về hạ giới. Thế giới trong thơ Xuân Diệu chính là thế
giới của thực tại, nhưng đã được tô điểm thêm bởi rất nhiều những cảm xúc sâu
sắc, những rung động tinh vi của thi nhân. 

Chỉ có trong thơ Xuân Diệu, ta mới có thể tìm thấy:

Những luồng run rẩy rung rinh lá...


hay:

Lung linh bóng sáng bỗng rung mình

Và đọc những áng thơ tình của ông, ta lại càng thấm thía những rung động,
những tiếng lòng xôn xao đến run rẩy của những kẻ đang yêu:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!

Em, em ơi, tình non đã già rồi.

Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,

Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi.

Thơ của Xuân Diệu tràn ngập sức sống tuổi trẻ, nồng nhiệt và sôi nổi vô
cùng. Cảm hứng thơ của Xuân Diệu đến từ ham muốn được sống, được yêu, một
nỗi cần thiết phải sống vội vàng, sống cuống quýt, phải yêu cuồng nhiệt, yêu đến
say mê. Dường như ông bị ám ảnh bởi dòng dịch chuyển một chiều của thời gian:
một đi là không trở lại. Ông luôn muốn tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi của mình.

Niềm khao khát được yêu và được sống hết mình trong thơ Xuân Diệu đưa
ta quay lại với cuộc đời của ông. Thơ là nỗi lòng của người thi nhân, là một cách
để bày tỏ cảm xúc của tác gia trước cuộc đời. Niềm yêu say đắm của ông trước cả
thiên nhiên và con người chưa một lần biến mất trong thế giới thơ của ông dù ý
thơ, giọng thơ có thay đổi ra sao, bởi cuộc đời của ông tràn ngập nỗi buồn và nỗi
cô đơn. Càng đau buồn, càng cô độc, ông là càng muốn tìm đến tình yêu, đến cái
vui của đời, khao khát được đắm chìm trong đó. 

Ông sống độc thân suốt cả quãng đời còn lại sau khi ly dị với đạo diễn Bạch
Diệp. Rất nhiều người cho rằng Xuân Diệu là một người đồng tính và sau này, khi
hồi ký Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài được xuất bản, điều này cũng được
khắc hoạ lại trong tác phẩm. 

Thời bấy giờ, tình yêu của Xuân Diệu không hề được đáp lại. Ông viết trong
bài Yêu:

Yêu, là chết ở trong lòng một ít,

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.


và trong Tương tư, chiều...:

Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!

Chính sự lạc lõng đó đã khiến Xuân Diệu khắc khoải về tình yêu, mãi nhớ
thương về một bóng hình nào đó. Thật trớ trêu làm sao khi người được mệnh danh
là "ông hoàng thơ tình" lại chẳng bao giờ nhận được tình yêu đôi lứa đúng nghĩa.

Nhưng Xuân Diệu vẫn nhận được một thứ tình yêu khác, một tình yêu sẽ
trường tồn mãi mãi với thời gian, ấy là tình yêu từ những người mến mộ ông,
những người đã trót đem lòng say mê những tứ thơ của ông. Khi ông đến với làng
thơ Việt Nam, đã có những người khen kẻ chê thơ của ông. Người khen, khen hết
sức, người chê, chê không tiếc lời. Những người thích thơ ông là những người trẻ
tuổi và cả những ai lòng còn trẻ. Và bởi vậy, Hoài Thanh - Hoài Chân đã tưởng
rằng với những ai chê thơ Xuân Diệu, ông đã có thể trả lời theo lối Lamartine
ngày trước: Đã có những thiếu niên, những thiếu nữ hoan nghênh tôi. 

Với một nhà thơ còn gì quý cho bằng sự hoan nghênh của tuổi trẻ.

Cho đến ngày nay và thậm chí cho đến cả những ngày sau nữa, thế hệ độc
giả trẻ vẫn sẽ luôn yêu thơ Xuân Diệu, trân quý những di sản mà ông để lại. Những
đầu sách đã xuất bản của ông có thể kể đến: Thơ thơ (thơ, 1938), Gửi hương cho
gió (thơ, 1945), Phấn thông vàng (truyện ngắn, 1939), Trường ca (bút ký, 1945)...

Và để khép lại một đời thơ vẹn tròn của Xuân Diệu, ta sẽ đến với thi phẩm
nổi tiếng nhất của ông - Vội vàng:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si.


Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;


Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

You might also like