Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta nhắc đến một vị lãnh tụ vĩ đại,

một con người xứng đáng với ý nghĩa rộng rãi nhất của hai tiếng con người. Hồ
Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị, nhà cách mạng trọn đời phấn đấu, hy sinh
cho dân tộc mà người còn là một nhà văn, một nhà thơ. Bác đã để lại cho văn học
Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị như “Nhật kí trong tù”, “Cảnh rừng Việt Bắc”,
“Tức cảnh Pắc Bó”,… Trong 134 bài thơ của tập thơ “Nhật kí trong tù” , người đọc
sẽ thấy rõ hai yếu tố hòa quyện với nhau, đó chính là chất thép và chất tình. Hai
đặc điểm này thể hiện rất rõ trong một bài thơ nổi tiếng của người -“Chiều tối” đã
khắc họa chân thật nét đẹp trong tâm hồn của người chiến sĩ, thi sĩ Hồ Chí Minh.
Bài thơ được lấy bối cảnh ở cuối chặng đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ
Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào lúc chiều tối giữa núi rừng. Mặc bù tay, chân vướng
xiềng nhưng người không hề bị vướng bận bởi khó khăn gian khổ, tâm hồn thi
nhân không bị giam hãm bởi xiềng xích mà nó vượt lên tất cả, hòa mình vào thiên
nhiên cuộc sống núi rừng.
Mở đầu tác phẩm là khung cảnh thiên nhiên núi rừng rộng lớn, vắng lặng buổi
chiều tối
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Phải thực sự trải qua cảnh tù đày đầy khổ sở của người chúng ta mới cảm nhận hết
ý nghĩa sâu xa của “Mộ”. Suốt ngày phải chuyển lao đầy gian khổ, gần về tối,
người lữ tù ngẩng đầu lên bầu trời rồi bất chợt nhận ra hình ảnh cánh chim và
chòm mây lững lờ trôi. Đó là hình ảnh chim bay về rừng sau một ngày kiếm tìm
thức ăn vất vả, để sáng hôm sau lại đón chào ngày mới. Trong thơ xưa, khi nhắc về
cánh chim là nhắc đến sự lạc lõng, biểu hiện cho cái tôi nhỏ bé của con người
nhưng với Hồ Chí Minh, cánh chim tuy mệt mỏi nhưng lại trở về tổ ấm của mình,
nơi mà nó có thể nghỉ ngơi sau một ngày vất vả tượng trưng cho sự sống bất diệt.
Không những thế, hình ảnh “Cô vân” gợi lên làn mây lẻ loi, cô đơn cũng chính là
nỗi buồn man mác của cảnh chiều, của nhà thơ. Từ “mạn mạn” làm cho làn mây
trôi chậm chạp hơn như tư thế tĩnh tại của chủ tịch. Qua hai câu thơ , bầu trời có
cánh chim, có mây nhưng mây thì lẻ loi, cánh chim thì mệt mỏi và cảnh ngộ thì
chia lìa: chim bay về rừng, chòm mây ở lại giữa tầng không. Đó cũng chính là khát
vọng muốn được tự do, nỗi nhớ nhà, nhớ cố quốc của Bác Hồ. Hai câu thơ đầu đã
khắc họa bức tranh thiên nhiên, thời gian chiều tà đượm buồn, êm ả, tĩnh lặng vùa
mang nét cổ điển, vừa mang tinh thần hiện đại của “Mộ”.
Đến hai câu thơ cuối, điểm nhìn của thi sĩ có sự chuyển dịch từ cao xa đến thật
gần, từ bức tranh thiên nhiên đến cuộc sống con người
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
Đến với hai câu thơ này, bức tranh trữ tình về cảnh trời mây đã nhường chỗ cho
bức tranh sinh hoạt gần gũi ấm áp của con người. Nhưng ý thơ thì sinh động và
đẹp đẽ biết bao trong nguyên văn “Sơn thôn thiếu nữ”, mà dịch thành “cô em xóm
núi” thì lời dịch phần nào đã làm sai lệch mất ý thơ rất hay trong nguyên tác. Với
câu thơ ấy, bác đã đưa hình ảnh cô gái lao động lên vị trí trung tâm, đẩy lùi về phía
sau nền trời chiều với cánh chim bay mỏi và làn mây trôi nhẹ. Đó là hình ảnh
người lao động bình dị, khỏe khoắn, trẻ trung gợi lên cuộc sống tuy vất vả nhưng
vô cùng bình yên và ấm áp. Phải chăng đây cũng chính là ước mơ của Bác Hồ dù
trong lao tù, trong ngục tối nhưng vẫn mơ ước về một cuộc sống dân dã, tự do. Bài
thơ tứ tuyệt của Bác không có câu thơ nào có chữ “tối” mà nói được cái tối, bởi
thời gian cứ trôi dần theo cánh chim bay, làn mây, cùng nhịp vòng quay cối xay
ngô. Điệp ngữ vắt dòng “bao túc” được Bác dùng để chỉ sự vận dộng của vòng
quay, cối xay ngô cũng chính là sự tuần hoàn luân chuyển của thời gian và cho đến
khi cối xay dừng lại lò than đã rực hồng. Chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ. Ánh
hồng ấy không chỉ tỏa ra từ chiếc bếp lửa bình dị của một "sơn thôn thiếu nữ" mà
chủ yếu được tỏa ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Đó
là ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, yêu con người không bao giờ tắt trong lòng
nhà thơ. Thế mà bản dịch đã đưa thêm một chữ tối vào làm giảm tính hàm xúc và
mất đi vẻ đẹp cổ điển tinh tế có màu sắc rất Đường Tống này của Bác. Hai câu thơ
cuối đã thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của người chiến sĩ, thi sĩ với tinh thần lạc
quan, niềm tin vào ngày mai. Đó chính là chất thép của bài thơ

Thành công của bài thơ chính là yếu tố cổ điển kết hợp với hiện đại, giữa tâm hồn
thi sĩ và tinh thần thép của người tù cách mạng. Bài thơ đã làm người đọc xúc động
trước tình cảm nhân ái bao la của người tù chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù trong
hoàn cảnh tù đày nơi đất khách quê người nhưng Người vẫn vượt lên trên tất cả
mọi sự khổ đau, đọa đày vè thể xác để đưa đến cho người đọc những vần thơ tuyệt
bút. Qua bài thơ ta càng hiểu, càng yêu hơn lãnh tụ Hồ Chí Minh của nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa. Xin được mượn bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu thay cho
lời kết:
"Lại thương nỗi đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ tóc bạc
Mà thơ bay cánh hạc ung dung"

You might also like