Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 14

ĐỀ CƯƠNG NGỮ VĂN

*Nhàn ( kết bài )


Như vậy, nhàn không chỉ là một trạng thái, một lối sống mà đó chính là một lựa chọn, một nhân
cách, một tấm lòng. Nhàn cũng không phải là lánh đời mà chỉ là xa lánh danh lợi, thoát khỏi
vòng “hiểm độc”. Nhàn không phải là thoát tục mà là để đề cao nhân cách sống thuận theo tự
nhiên dựa trên những thông tuệ về lẽ đời, về nhân thế.

Bằng những sáng tạo và những sự phá vỡ tính qui phạm, vừa trang nhã lại vừa có xu hướng bình
dị, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện một lối sống thanh cao, coi thường phú quý. Ông đề cao
cuộc sống bình dị hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo lẽ tự nhiên. Đó là lối sống là lựa chọn của
những con người có nhân cách thanh tao, khí chất của một nhà nho trong tâm thế của một đạo sĩ.
Chính những đặc sắc đó đã khiến cho bài thơ vượt qua giới hạn của một bài thơ giáo huấn để trở
nên hấp dẫn hơn. Nó không chỉ thể hiện được nhân cách của nhà thơ mà còn gửi gắm cả những
xúc cảm chân thành sâu sắc. Bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ vì thế đã vượt qua thử
thách thời gian để sống mãi trong lòng bạn đọc, vượt qua khoảng cách về thời đại, về văn hóa để
trở nên hấp dẫn hơn.

* Tự tình II ( Xuân Hương )

Thơ là thư kí của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn thi sĩ. Nó phản ánh cuộc
sống của con người, xã hội, để qua đó người nghệ sĩ bộc bạch nỗi lòng mình. Hay
nói cách khác, mỗi bài thơ chính là tiếng hát của trái tim, được thể hiện như một
hình thức nghệ thuật cao quý, tinh vi. Trong những nhà thơ tiêu biểu như Nguyễn
Du, Nguyễn Trãi, Xuân Diệu… Hồ Xuân Hương nổi lên như một hiện tượng văn
học độc đáo. Hồ Xuân Hương đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều bài thơ giá trị
như “Bánh trôi nước”, “mời trầu”… Tiêu biểu trong đó là “Tự tình II”. Bài thơ đã
bộc lộ tâm trạng vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng
hạnh phúc trong tâm hồn nhà thơ.

‘ Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

…………………………………………

Manh tình san sẻ tí con con !’

Được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”, Xuân Hương đem “tiêng lòng” của mình
và những người phụ nữ xã hội xưa vào thi ca. Bà có cuộc đời và tình duyên éo le,
trắc trở nên đã mượn ngòi bút để cất lên tiếng nói thương cảm cho thân phận người
phụ nữ
Hai câu đề đã mở ra thời gian và không gian nghệ thuật rất đặc biệt.

‘Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.’

Đêm đã về khuya, là khi tác giả đang thao thức trong nỗi cô đơn, đợi chờ. Tính từ
“văng vẳng” đã được nữ sĩ sử dụng rất tự nhiên, tinh tế, khiến ta cùng lúc nhận ra
không gian vừa mênh mông vừa vắng lặng lúc nửa đêm. Ở dây, Xuân Hương đã
khéo léo sử dụng bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thi pháp cổ điển là lấy động
tả tĩnh. “Trống canh dồn”, tiếng trống canh thôi thúc, gấp gáp, liên hồi thể hiện
bước đi dồn dập của thời gian. Tiếng trống của tâm trạng – tâm trạng rối bời vì thời
gian trôi qua nhanh có nghĩa là tuổi xuân của nhà thơ cũng qua mau. Cách cảm
nhận bước đi của thời gian qua tiếng trống điểm canh là cách cảm nhận rất đỗi Á
Đông. Đó là thời gian tâm lí thấm đậm chất trữ tình. Đêm khuya là lúc vạn vận
chìm trong giấc ngủ, đó lại cũng là lúc lòng người sâu lắng nhất, là lúc con người
đối diện với chính bản thân mình. Mở đầu bài thơ, ta đã cảm nhận được cái buồn
man mác len lỏi trong từng câu chữ được gợi ra từ sự tĩnh lặng của đêm khuya.
Tiếng trống văng vẳng không quá gần mà lại nghe thấy cái nhịp “dồn” vội vàng ,
gấp gáp… Bởi, đó là tiếng trống gợi sự bước đi của thời gian, gợi sự tàn phá và nó
được nghe bằng tâm trạng của người phụ nữ mang tâm thức cô đơn, ám ảnh trước
thời gian. Không gian và thời gian đã được mở ra như thế, rất tài tình và tinh tế.
Nhà thơ đã cảm nhận sự bẽ bàng của duyên phận qua câu thơ “Trơ cái hồng nhan
với nước non”. Từ “trơ” được đảo lên đầu câu gây ấn tưởng mạnh mẽ. “Trơ” là tủi
hổ, là bẽ bàng. Thêm vào đó là hai từ “hồng nhan” là để chỉ sắc đẹp của người con
gái, mà lại đi với từ “cái” thì thật rẻ rúng, mỉa mai. Cái hồng nhan “trơ” ra với
nước non, với không gian, thời gian. Câu thơ đã gợi lên sự hồng nhan bạc phận. Vì
vậy, nỗi xót xa càng thấm thía, đau xót. Nhịp điệu 1/3/3 cũng là để nhấn mạnh sự
bẽ bàng. Trong văn cảnh này, chữ “trơ” không chỉ là tủi hổ, bẽ bàng mà còn là
thách thức. “Từ “trơ” kết hợp với nước non thể hiện sự bền gan, thanh đố. Như vậy
ở đay ra thấy được bên cạnh nỗi đau Xuân Hương là bản lĩnh Xuân Hương.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”


Ở hai câu đề, nữ thi sĩ đã tái hiện cho chúng ta thấy một không gian vắng lặng lúc
đêm khuya. Trong thời khắc ấy, khi chủ thể trữ tình vẫn còn thao thức chưa ngủ ắt
hẳn có điều gì trăn trở. Như thách thức số phận, nhà thơ mượn rượu để quên đi nỗi
sầu. Cụm từ “say lại tỉnh” như là một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại, tình duyên như
trở thành trò đùa, càng say lại càng tỉnh, càng cảm nhận nỗi đau thân phận. Mong
muốn chút niềm an ủi từ thiên nhiên, cảnh vật, tác giả dùng câu thơ tả cảnh ngụ
tình. Câu thơ là ngoại cảnh mà cũng là tâm cảnh, tạo nên sự đồng nhất giữa ánh
trăng và con người. Cảnh tình của Xuân Hương được thể hiện qua hình ảnh thơ
chứa đựng sự éo le: Trăng sắp tàn mà vẫn “khuyết chưa tròn”. Tuổi xuân đã trôi
qua mà tình duyên còn chưa trọn vẹn. Hương rượu để lại vị đăng chát, hương tình
thoảng qua để chỉ còn “phận hẩm duyên ôi”. Sự đối lập giữa “say”-“tỉnh”,
“khuyết”-“tròn” đã gợi lên cho người đọc cảm giác chông chênh, không xác định
được ranh giới giữa không và có, say và tỉnh. Cặp từ trái nghĩa đã giúp ta nhận ra
được điều đó giữa hi vọng mong manh về hạnh phúc và hiện thực phũ phàng. Từ
hình ảnh “vầng trăng” nhà thơ bắt đầu chuyển sang mượn thiên nhiên để miêu tả
tâm trạng:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.”

Hai câu thơ tả cảnh được cảm nhận qua tâm trạng cũng như mang theo nỗi niềm
phẫn uất của con người. Những sinh vật bé nhỏ như đám rêu kia cũng không chịu
mềm yếu, khuất phục mà phải xiên ngang mặt đất trỗi dậy mạnh mẽ. Đá đã rắn
chắc lại phải cứng cáp hơn để “đam toạc chân mày”. Biện pháp đảo ngữ trong hai
câu luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của cỏ cây, cũng như sự phẫn uất trong tâm
trạng. Không chỉ vậy những động từ mạnh “xiên, đâm” cũng được kết hợp với bổ
ngữ “ngang”, “toạc” độc đáo thể hiện sự bướng bỉnh, ngang trái. Điều đó đã thể
hiện một phong cách Xuân Hương, không chỉ phẫn uất mà còn phản kháng, không
khuất phục trước số phận đau khổ, muốn vươn lên bằng chính sức sống mãnh liệt
của mình. Với tài năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh mạnh mẽ, táo bạo, lấy cảnh ngụ
tình, hai câu thơ đã gợi lên cảnh vật sinh động, đầy sức sống. Đó cũng chính là tâm
hồn đầy sức sống, cõi lòng nhiều khao khát của Xuân Hương.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mối tình san sẻ tí con con.” Đến hai câu kết, Hồ
Xuân Hương đã bộc bạch hết nỗi cay đắng của đời người. “Ngán” là ngán ngẩm
với nỗi đời éo le, với vòng xoáy của số phận. Từ “xuân” nay mang hai nghĩa, vừa
là mùa xuân, vừa là tuổi xuân. Mùa xuân qua đi rồi lại trở lại với thiên nhiên, với
muôn nghìn cây cỏ, hoa lá. Nhưng, với con người thì tuổi xuân qua là không bao
giờ quay trở lại. Hai từ “lại” trong cụm từ “xuân đi xuân lại lại” cũng mang hai ý
nghĩa khác nhau. Từ “lại” thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ “lại” thứ hai nghĩa là
trở lại. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Thủ pháp
nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo
le hơn. “Mảnh tình” đã bé lại phải “san sẻ” thành ra ít ỏi, chỉ còn “tí con con” nên
càng xót xa, tội nghiệp. Câu thơ kết thúc trong nỗi xót xa, mỉa mai đến tội nghiệp
của “cái hồng nhan” trong xã hội phong kiến xua. Câu thơ là nỗi lòng của người
phụ nữ vừa đau buồn vừa thách thức duyên phận, gắng gượng nhưng vẫn rơi vào bi
kịch. Vì vậy, ý nghĩa nhân văn của bài thơ càng sâu sắc, thấm thía hơn.

Trái tim Xuân Hương đã thức giấc để đập nhịp cùng những tâm hồn của người phụ
nữ. Hồ Xuân Hương đối với văn học là quá khứ, nhưng bài học và những cảm xúc
mà bà mang lại cho thế hệ ngày nay vẫn tồn tại, hiện hữu. Đó là bài học về sự vượt
qua khó khăn, chiến thắng đau khổ. Cuộc đời nữ sĩ Xuân Hương đã hai lần chồng
và đều thất bại, nhưng trong tim bà vẫn giữ nguyên nhịp đập hy vọng về hạnh phúc
và tình yêu.

Tự tình II là bài thơ tự than thân, tự bộc lộ, tự bày tỏ nỗi lòng của người phụ nữ lận
đận tình duyên nhưng luôn khao khát có được một tình yêu trọn vẹn, xứng đáng
với tấm chân tình của mình. Đặc sắc trong bút pháp của nữ sĩ cho thấy tài năng thi
ca của tâm hồn, với việc sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, thủ pháp tả cảnh ngụ
tình, dùng động từ mạnh kết hợp với đảo ngữ và các từ láy càng làng cho bài thơ
trở nên sâu sắc, thấm đẫm cái ý cái tình của người phụ nữ.

Tự tình II hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng lòng đau buồn, phẫn uất
trước duyên phận hẩm hiu,là gắng gượng vẫy vùng vươn lên nhưng rốt cuộc vẫn
không thoát khỏi bi kịch của nữ sĩ. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng
hạnh phúc mãnh liệt và tài năng độc đáo của “Bà chúa thơ Nôm” trong nghệ thuật
sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng.
*Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi)

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng dành những lời trân trọng nhất “Nguyễn Trãi
là người đầu đội trời Việt Nam, chân đạp đất Việt Nam, tâm hồn lộng gió thời
đại…” Vẻ đẹp ấy của hồn thơ Nguyễn Trãi đã được phác họa qua những vần thơ
của “Cảnh ngày hè”, một trong số bài thơ của chùm thơ 61 bài “Bảo kính cảnh
giới”. Ở đó, ta không chỉ bắt gặp một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước thiên nhiên
của một người nghệ sĩ mà còn thấy được một tấm lòng luôn cháy sáng vì nước vì
dân của vị anh hùng dân tộc.

Thiên nhiên vốn là mảnh đất vô cùng màu mỡ của biết bao thi nhân trung đại cày
xới và cũng, là nguồn thi hứng không bao giờ vơi cạn Nguyễn Trãi .Nhà thơ sống
giữa thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên, và lấy từ thiên nhiên những bài học
quý giá làm “gương báu răn mình” để rồi ghi lại trong tập thơ “Bảo kính cảnh
giới”. Một nhân cách thanh cao “tỏa sáng tựa sao khuê”, một tấm lòng cao cả, vẫn
luôn tha thiết với nhân dân, với đất nước dẫu trong tình cảnh ngặt nghèo bị nghi kị,
dèm pha hay ngay cả khi có cuộc sống yên bình, nên thơ giữa thiên nhiên của
Nguyễn Trãi đã đến với người đọc chính qua những vần thơ ấy. Tám câu thơ của
“Cảnh ngày hè” đã góp thêm nét vẽ để bức chân dung tâm hồn của Ức Trai hiện
lên rõ nét nhất.

Ngay từ những câu thơ đầu tiên, tác giả đã dẫn chúng ta đến với một bức tranh
thiên nhiên rực rỡ, tràn trề sự sống của mùa hè, đến với một không khí náo nhiệt,
rộn ràng của cuộc sống thường nhật vẫn đang tiếp diễn.

“Rồi, hóng mát thuở ngày trường.”

Câu thơ mở đầu cho bài thơ tác giả đã giới thiệu về hoàn cảnh hưởng “nhàn” bất
đắc dĩ của mình.Lời thơ biểu đạt sự nhàn hạ trong một ngày hè của một con người
không bị vướng bận bởi điều gì với nhịp của chữ “rồi” tách riêng khỏi nhịp của câu
thơ như nhấn mạnh sự rảnh rỗi của nhà thơ. Nhưng khi đọc sâu, ngẫm kĩ vào từng
câu chữ ta lại cảm nhận được tiếng thở dài trong câu thơ. Cụm từ “thuở ngày
trường” trong câu đầu có cùng nghĩa với “hạ nhật trường” trong một câu thơ của
Cao Biền thời Đường:

“Lục thu âm nồng hạ nhật trường.”

(Cậy xanh bóng rợp ngày hè dài)


Bài thơ được viết trong thời gian Nguyễn Trãi an nhàn lui về ở ẩn xa dời chốn bon
chen đầy cám dỗ của quan trường, và như thế nhà thơ đã có cơ hội để cảm nhận
trọn vẹn cái “ngày hè dài” ấy. Thế nhưng liệu đó có phải chỉ là những cảm quan về
thời gian, ngày tháng? Hay đằng sau hai chữ “ngày trường” cùng với nhịp thơ như
trải dài ấy còn là tâm trạng nhân vật trữ tình, những nỗi niềm của Ức Trai chăng?
Và phải chăng tất cả những tâm tư ấy đang dồn nén vào trong bức tranh thiên nhiên
ngày hè mãnh liệt và căng tràn sức sống trước mắt và được nhà thơ nâng niu ghi
lại:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.”

Chỉ trong ba câu thơ hàm súc tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh
mùa hè rực rỡ với những gam màu đậm, tươi tắn cùng những hình ảnh đặc trưng
của mùa hè. Bao trùm lên bức tranh ấy chính là những “chiếc lọng” xanh biếc của
tán hòe đang bung sắc như làm dịu đi cái chói chang, gay gắt của nắng hè. Đặt
điểm nhìn xuống thấp hơn, nhà thơ đã khéo léo đan cài màu đỏ rực rỡ của thạch
lựu trước hiên nhà cùng sắc hồng của ao sen đang tỏa hương thơm ngát lan tỏa
khắp không gian. Nếu thơ ca cổ điển ưa những gam màu trầm hơn là những sắc
gắt, ưa tả tĩnh hơn tả động thì Nguyễn Trãi đã dám bước qua cái khuôn khổ ấy để
thoát khỏi những bức tranh thanh đạm, tiêu sơ và để đến gần hơn với bức tranh
cảnh ngày hè tươi vui, đầy sức sống. Nhà thơ không chỉ cảm nhận được hình sắc
của thiên nhiên tạo vật mà còn nhận thấy một mạch sống đang ứa căng, tràn trề,
đang đùn đùn phun ra những sắc xanh, sắc đỏ của hoa lá, cỏ cây. Thiên nhiên của
Nguyễn Trãi hiện lên qua những động từ mạnh “đùn đùn”, “phun”, “tiễn”
“giương” như đang trào dâng một sức sống nội sinh mãnh liệt, mạnh mẽ ẩn sâu bên
trong mỗi tạo vật. Hòe không được miêu tả như một vật thể thông thường mà nó
được đặt trong sự vận động, phát triển của tự nhiên. Ao sen cũng không chỉ gợi
một thứ hương dịu nhẹ mà còn thể hiện sự lan tỏa, sự chuyển động của mùi hương
ấy khắp không gian. Đều lấy tâm điểm là những bông hoa thạch lựu đỏ như những
đốm lửa nhưng nếu Nguyễn Du gợi tả được màu sắc qua phép điệp âm”lửa lựu lập
lòe” trong câu thơ “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” (Truyện Kiều) thì hoa
lựu trong thơ Nguyễn Trãi còn có cả nhựa sống dồi dào bên trong đang “phun” tỏa,
phát lộ ra ngoài. Cái sinh khí rực rỡ, viên mãn nhưng cũng rất thanh thoát ý vị ấy
khác hẳn với cái nóng nực của mùa hè mà các nhà thơ trong “Hồng Đức quốc âm
thi tập” đã biểu hiện:

“Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi

Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè.”

Phải chăng chính nhà thơ đã mở rộng tâm hồn mình để cảm nhận cuộc sống, để
phát hiện ra cái thế giới bên trong đang tuôn tràn của thiên nhiên, và cái vận động
không ngừng trong tự nhiên.

Nhưng trong thi của Nguyễn Trãi không chỉ có họa, có hương mà còn có cả
những thanh âm muôn vẻ của cuộc sống thường nhật:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”

Thiên nhiên không hề u ám, trầm lặng khi nắng chiều buông mà trái lại, rất rộn rã
và sôi động. Nhà thơ đã đưa vào bức tranh của mình những hình ảnh vô cùng quen
thuộc, gần gũi nhưng lại không đi theo khuôn sáo, lối mòn nào. Hai từ láy “lao
xao”, dắng dỏi được đảo lên đầu mỗi câu thơ làm bật lên cái âm thanh sôi động,
náo nhiệt, xóa tan không khí quạnh hiu, cô tịch lúc ‘tịch dương”. Cảnh phiên chợ –
một dấu hiện của sự sống con người hiện ra trong câu thơ với tiếng người mua, kẻ
bán, tiếng cười nói, tiếng chuyện trò gian thật bình yên và ấm áp! Nhà thơ không
hề thoát tục, không hề xa dời cuộc sống mà là đang hướng lòng mình về với cuộc
sống bình dị từ những âm thanh bình dị nhất. Nhà thơ như căng mở hết tất cả
những giác quan cả thị giác, khứu giác, thính giác và cả những liên tưởng bất ngờ
“dắng dỏi cầm ve”. Tiếng ve inh ỏi – một thứ âm thanh không xa lạ với mùa hè
được ví như một cung đàn mùa hạ tấu lên một cách rộn ràng hòa chung với bản
đàn rạo rực, hối hả của nhịp sống căng tràn trong thiên nhiên. Lời thơ như diễn tả
một cuộc sống đang sinh sôi, tiếp diễn ngay cả khi ngày sắp tàn, một khung cảnh
thật êm đềm và thanh bình nơi làng quê. Cùng viết về mùa hè nhưng những cảm
xúc trong mỗi bài thơ lại đem đến một mùa hè khác nhau:
“Tháng tư đầu mùa hạ

Tiết trời thực oi ả

Tiếng dế kêu thiết tha

Đàn muỗi bay tơi tả.”

Nếu như ta cảm nhận được mùa hè rộn ràng, náo nhiệt trong những vần thơ Ức
Trai thì mùa hè của Nguyễn Khuyến oi nồng và có phần u uất. Bởi, với “Cảnh
ngày hè” Nguyễn Trãi đã cảm nhận thiên nhiên sự sống bằng chính sức sống dồi
dào trong tâm hồn mình, bằng sự tha thiết với cuộc sống còn Nguyễn Khuyến đã
mượn mùa hè để dãi bày những bức bối, u uất của mình đúng như tên bài thơ
“Than mùa hè”. Thi nhân như đang náo nức muốn hòa cùng niềm vui sự sống với
một tâm hồn thiết tha yêu thiên nhiên để rồi từ đó thổi bùng lên khát vọng bấy lâu
nay của một con người luôn hết lòng vì đất nước.

Sống giữa vòng tay bình yên của mẹ thiên nhiên, giữa cuộc sống “vô ưu vô tư”
nhưng chưa giây phút nào Nguyễn Trãi quên đi bổn phận của mình:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

Sâu trong tâm khảm, Ức Trai luôn mang một nỗi niềm dân nước, một hoài bão về
sự an thịnh như thời Đường Ngu nên đã mượn điển tích Ngu cầm để nói lên tấm
lòng của mình. Liệu có phải nhà thơ muốn có cây đàn Ngu cầm để gẩy nên khúc
Nam Phong để ngợi ca cảnh thái bình, thịnh trị đang hiện hữu mà tiếng lao xao của
cuộc sống bình yên đã dẫn dắt đến tâm sự ấy? Hay đó chỉ là những ước mong,
khao khát ở phía trước của nhà thơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân
nước? Dù hiểu theo cách nào thì người đọc đều cảm nhận được tấm lòng “ưu dân
ái quốc” của nhà Nguyễn Trãi mà trong một bài thơ khác, Ức Trai cũng đã nhắc tới
sở nguyện này:

“Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn

Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền.”


Những lời thơ vô cùng giản dị và mộc mạc được cất lên từ một tấm lòng rất đỗi
chân thành, một con tim luôn cháy bỏng tình yêu với đất nước, với nhân dân.
Nguyễn Trãi rảnh rỗi nhưng không hề thanh thản, ông nhàn thân nhưng không
nhàn tâm, trong lòng nhà Nho chân chính ấy luôn canh cánh nỗi niềm dân nước:

“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu

Hậu thiên hạ chi lạc ưu lạc.”

Nguyễn Trãi luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu với một niềm
mong mỏi rất cao cả “khắp nơi không một tiếng oán hờn”. Nếu như với Nguyễn
Bỉnh Khiêm “nhàn” là tránh xa phú quý quay về hòa hợp với thiên nhiên để giữ
trọn cốt cách thì qua “Cảnh ngày hè”, vị anh hùng dân tộc đã khẳng định triết lí
“nhàn” của mình: Sự nhàn rỗi, thảnh thơi luôn phải song hành với cuộc sống no
đủ, bình yên. Chính kết cấu đầu cuối tương ứng của hai câu lục ngôn ở đầu và cuối
tác phẩm đã khép mở hai tâm trạng tạo nên mạch hàm ẩn của toàn bài thơ.

“Cảnh ngày hè” được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn với nhịp thơ đa
dạng và linh hoạt. Bài thơ đã thoát khỏi tính quy phạm khuôn thước của văn học
trung đại bằng việc sử dụng nhiều hình ảnh sinh động, qua cách miêu tả thiên
nhiên và đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ. Bằng các động từ mạnh, các từ tượng
thanh được sử dụng liên tiếp làm cho bức tranh mùa hè không phải là hình ảnh tĩnh
trên trang giấy mà căng tràn nhựa sống. Nguyễn Trãi đã đưa ngôn ngữ thơ ca về
gần với ngôn ngữ đời sống, mở đường cho khuynh hướng dân tộc hóa, bình dị hóa
của thơ ca Việt Nam sau này. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ đã được Nguyễn Trãi
tái hiện một cách đầy chân thực và sinh động. Nhưng đọc bài thơ, ta không chỉ đơn
thuần thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên mùa hè rực rỡ, sống động mà còn cảm
nhận được vẻ đẹp phong phú, thanh cao của hồn thơ Nguyễn Trãi. Một hồn thơ đã
bắt rễ sâu vào đời sống thiên nhiên, một cảm xúc thơ đã hòa nhịp với mạch sống
nhân dân, dân tộc.

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng khẳng định rằng “Thơ khởi phát từ trong lòng
người ta”. Quả thực không có những cảm xúc, những tâm sự sâu kín nén chặt, chất
chứa trong lòng sẽ chẳng bao giờ có thơ. Qua “Cảnh ngày hè” ta không chỉ ngưỡng
mộ tài năng của nhà văn hóa lớn mà ta còn nghe được tiếng lòng, tiếng yêu cuộc
sống, tiếng yêu quê hương, dân tộc của Ức Trai tiên sinh tha thiết hơn bao hết.
* Thương vợ

Hình ảnh người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở trong nền thi ca Việt Nam. Tuy
nhiên, thơ văn viết về người vợ bằng tình cảm của người chồng đã ít, nay lại viết
“tế sống” người vợ còn hiếm hoi hơn. Và Trần Tế Xương là người đàn ông đã đưa
hình ảnh người vợ của mình vào những dòng thơ trữ tình nhưng cũng không kém
phần trào phúng. Trần Tế Xương hay còn gọi là Tú Xương, sống trong buổi giao
thời đầy nghèo khổ nửa thực dân nửa phong kiến. Ông là người thông minh ham
học có tài làm thơ nhưng lại lận đận trong thi cử. Ông nổi tiếng trong hai mảng thơ
trữ tình và trào phúng có pha chút giọng cười châm biếm, sắc sảo bắt nguồn từ tâm
huyết với dân với nước với đời. Tú Xương đã từng được mệnh danh là nhà thơ trào
phúng xuất sắc nhất của văn học Việt Nam cuối thể kỷ XIX. Những tác phẩm ông
để lại chủ yếu là thơ Nôm và có nhiều bài rất đặc sắc, có thể nói là tuyệt mỹ cả về
nội dung lẫn nghệ thuật. Minh chứng rõ nhất là bài thơ Thương vợ. Tú Xương đã
bộc lộ tình yêu thương, sự trân trọng và cả nỗi ăn năn trước sự hi sinh của vợ trong
bài thơ này:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Thương vợ nằm trong những sáng tác của Tú Xương về bà Tú cũng là một trong
những bài thơ hay, cảm động nhất của ông về vợ mình. Bài thơ được viết bằng chữ
Nôm với những ngôn từ bình dị và hình ảnh đẹp đẽ. Nó không chỉ đề cập đến
nhiều khía cạnh trong xã hội mà còn là tiếng lòng tha thiết đầy xót xa của Tú
Xương – nạn nhân của xã hội bấy giờ, đã biến con người trở nên vô tích sự với
chính bản thân và gia đình. Đồng thời bài thơ cũng giúp người đọc thấy được đức
hi sinh to lớn của người phụ nữ xưa đối với gia đình.

Mở đầu tác phẩm Tú Xương giới thiệu về hoàn cảnh và công việc mưu sinh của
bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dần được mở ra với bức tranh toàn cảnh về nỗi khó
nhọc lo toan của bà Tú. Câu vào đề như để giới thiệu hoàn cảnh lam lũ vất vả qua
cách nêu thời gian, địa điểm. Tác giả sử dụng từ “quanh năm” – cụm từ chỉ một
khoảng thời gian rất dài, lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn khép kín của tự
nhiên, tác giả đã diễn tả được nỗi vất vả triền miên của bà Tú trải hết ngày này qua
tháng khác, mặc kệ nắng mưa. Chỉ có thế cũng đã đủ để lại trong lòng độc giả một
hình ảnh tần tảo, đầu tắt mặt tối của bà Tú. Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, cách cân
đo đong đếm thời gian như thế còn góp phần làm bật lên cái không gian buôn bán
của bà thông qua hình ảnh “mom sông”. Địa thế “mom sông” đầy hiểm nguy khôn
lường bởi đó là nơi có thế đất hiểm trở, là doi đất nhô ra, ba bề là nước, khá chênh
vênh lại là chỗ làm ăn buôn bán hàng ngày của người phụ nữ,. Tú Xương đã quan
sát, thấu hiểu cho nỗi vất vả của người vợ. Bởi vậy, ẩn sau mỗi lời thơ nôm na bình
dị là một niềm cảm thông, thương mến sâu lắng . Với người vợ, một lời cảm thông
như vậy của chồng cũng đủ để bù đắp cho bao nỗi đắng cay. Thời gian dài đằng
đặng kết hợp với địa điểm trắc trở càng tôn lên hình ảnh bà Tú tảo tần, hết lòng hết
sức vì miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Với giọng thơ hỏm hỉnh cùng tài năng
trong nghệ thuật thơ trào phúng, Tú Xương đã làm nên một câu thơ thứ hai như lời
lên án gay gắt xã hội phong kiến đã biến những người đàn ông vốn là trụ cột trong
gia đình thành kẻ vô tích sự, sống dựa dẫm và cả đời “ăn lương vợ”.

“Trống hầu vừa dứt, bố lên thang

Hỏi ra quan ấy ăn lương … vợ”

(Quan tại gia – Trần Tế Xương)

Đôi vai của bà Tú đã nặng nay lại càng nhân lên những nỗi gian truân khi phải
“bất đắc dĩ” trở thành trụ cột trong gia đình. Từ “đủ” vừa biểu thị chất lượng vừa
biểu thị số lượng. Bên cạnh đó cách đặt hai từ số đếm “năm” và “một” tưởng
chừng khập khiễng nhưng lại hóa độc đáo và mới lạ. Tú Xương tự chế giễu mình
khi so sánh bản thân với năm người con. Ông tự cho mình là “đứa con đặc biệt”,
ngầm nâng cao vị thế của người vợ lên một thứ bậc thiêng liêng. Hơn thế nữa, cấu
trúc năm-một cùng từ “với” chất chứa bao nỗi hổ thẹn của người chồng phải sống
dựa vào vợ. Hai câu mở đầu đã thể hiện được tất cả những đức tính cao đẹp của bà
Tú: chịu thương, chịu khó để nuôi đủ gia đình. Qua đó Tú Xương cũng khéo léo
thể hiện sự biết ơn của mình, đồng thời còn là sự hổ thẹn khi phải đặt mình tương
đồng với những đứa con thơ. Thật xót xa, ngậm ngùi biết bao!

Thấu hiểu được những nỗi lo toan, vất vả của người vợ, Tú Xương liên tưởng đến
hình ảnh con cò trong ca dao:

“Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

để cực tả nỗi khổ tâm của bà Tú trong hai câu thực:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Tú Xương sử dụng từ “thân cò” vừa thể hiện cái tính riêng, sự sáng tạo mang tính
thời đại trong phong cách thơ của mình, vừa đồng nhất thân phận của bà Tú nói
riêng và hình ảnh của người phụ nói chung với hình ảnh mỏng manh của “cái cò”.
Tiếp đó chữ “thân” tuy đơn giản nhưng nghe thật cay đắng, nó gợi cho người đọc
về một thứ gì đó nhỏ bé tội nghiệp đến vô cùng. “khi quãng vắng” là một cụm từ
rất đặc biệt, nó không chỉ gợi lên cái không gian rợn ngợp, cảm giác đầy nguy
hiểm rình rập nơi mom sông heo hút mà còn diễn tả nỗi khắc khoải của thời gian.
Cùng với nghệ thuật đảo ngữ, từ láy “lặn lội” đã nhấn mạnh hình ảnh vất vả mưu
sinh đến xót xa, gầy guộc của người phụ nữ. Nếu câu thơ thứ ba gợi lên nỗi cực
nhọc đơn chiếc thì câu thứ tư lại là sự vật lộn với cuộc sống bán mua đông đúc.
Một lần nữa Tú Xương lại dùng biện pháp đảo ngữ với từ láy tượng thanh “eo sèo”
gợi sự tấp nập ồn ã để nhấn mạnh cảnh tượng thường tình nơi chợ búa gắn liền với
người phụ nữ có “năm con với một chồng”. Hình ảnh “buổi đò đông” cũng góp
phần làm bật lên một bà Tú cần mẫn, tất bật. Buổi đò đông cùng với “khi quãng
vắng” đã tạo nên sự nguy hiểm, gian lao gấp nhiều lần. Ông cha ta có câu “ sông
sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” nhưng vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền cho chồng
con mà bà Tú đã phải dấn thân vào chốn hiểm nguy đó. Hai câu thực dù đối nhau
về từ ngữ “buổi đò đông”- “khi quãng vắng” nhưng lại tiếp nhau về ý làm nổi lên
sự lam lũ gian truân của người phụ nữ nhỏ bé này.

Đến với hai câu thơ tiếp theo, Tú Xương như nhập vai vào chủ thể trữ tình nhằm
mượn lời vợ để ngầm ca ngợi những hi sinh âm thầm mà bà dành cho chồng con:

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.”

Theo quan niệm phong kiến xưa, “duyên” và “nợ” là hai định nghĩa hết sức
thiêng liêng về mối quan hệ vợ chồng do ông trời định sẵn, xuất phát từ sợi chỉ
hồng của ông tơ bà nguyệt. Thế nhưng khi đưa vào lời thơ Tú Xương, hai thứ đó
trở nên nặng nề như một lời than thở khi duyên chỉ có một mà nợ lại tới hai. Bên
cạnh đó việc sử dụng hai thành ngữ song song với nhau “một duyên hai nợ” –
“năm nắng mười mưa” vừa đối nhau về từ, vừa đối nhau về ý đã khiến cho câu thơ
trầm lắng trước nỗi khổ tâm của bà Tú. Không những thế sự đối lập này còn thể
hiện rất rõ tài năng văn chương điêu luyện của thi sĩ. Đức hi sinh cao cả của bà Tú
còn được nhắc đến qua hai cụm từ “âu đành phận” và “dám quản công”. Nguyên
nhân dẫn đến sự lam lũ hi sinh âm thầm đầy cam chịu của bà tuy giản đơn mà cao
quý. Đó là vì mối nhân duyên với người chồng và đàn con thơ. Từ việc pha trộn lời
thơ đan xen với những thành ngữ và biện pháp đảo ngữ cực kì tinh tế, nhà thơ Tú
Xương đã khắc họa thành công tấm chân tình của người vợ với đầy đủ đức hi sinh,
tần tảo như một người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

Vì thương vợ, thương cho thân phận đời nữ nhi mà lại sắm vai trụ cột trong gia
đình, Tú Xương đã tự trách bản thân mình. Hai câu thơ cuối cũng vì thế giống như
tiếng chửi vừa cay đắng vừa phẫn nộ cho những định kiến khắt khe:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”


Mạch cảm xúc của thi phẩm dường như có sự chuyển biến đột ngột. Tú Xương
không còn ẩn mình sau những dòng thơ để tán dương vợ mà đã xuất hiện để nói
thay, để trách ông chồng, để trách phận mình của bà Tú. “Cha mẹ thói đời ăn ở
bạc” là một cách nói rất phù hợp với phong cách thơ trào phúng đó là sự giận đời
vì cái xã hội thối nát lúc bấy giờ. Thêm vào đó ít ai biết được rằng đằng sau tiếng
chửi đời đầy dứt khoát ấy lại là một bi kịch của con người chất chứa bao nỗi đau
xót. Tú Xương chửi cái “thói đời” nhưng cũng là sự chửi mình, tự chửi một đống
nam nhi đang trên đường công danh mà không giúp được vợ lại thành kẻ ăn bám.
Tú Xương coi mình là một người “hờ hững” trong trách nhiệm của một kẻ làm cha,
làm chồng. Thế nhưng nếu nhìn nhận lại sự việc thì Tú Xương quả là đáng thương
hơn đáng trách. Bởi, suy cho cùng chính xã hội kia đã đẩy ông vào đường cùng.
Hai câu thơ khép lại tác phẩm là lời tự rủa mình, rủa đời của Tú Xương nhưng lại
mang đậm ý nghĩa lên án xã hội sâu sắc, góp phần khẳng định tình cảm của ông
với vợ mình. Người ấy tuy “ăn lương vợ” nhưng rất chu đáo luôn dõi theo bà, đặc
biệt luôn tỏ lòng biết ơn của mình đối với người phụ nữ ông yêu thương. Thi phẩm
kết thúc thật bất ngờ vừa thấm đượm được cái bi, cái bất hạnh trong nỗi niềm riêng
của tác giả, vừa dí dỏm hài hước.

Tấm lòng thương vợ của Tú Xương đối với cả thời quá khứ và hiện tại vẫn là tấm
gương sáng cho bao người. Bài thơ giữ nguyên giá trị cùng với ý nghĩa nhân văn
sâu sắc về sự yêu thương, trân trọng và thấu hiểu những nỗi đau, sự hi sinh của
người phụ nữ cho gia đình. Đồng thời đó cũng là tiếng nói phê phán sự bất công
của xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng.

Như vậy, bài thơ Thương vợ là một thi phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Với chất thơ bình dị mà trữ tình mang chút trào phúng, Tú Xương đã thành công
trong việc khắc họa một bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ,
vừa mộc mạc chất phác, vừa cứng rắn mạnh mẽ. Vì vậy quả thật Tú Xương chính
là thi nhân viết thơ về vợ hay và cảm động nhất. Ông đã để lại cho đời những áng
văn chân thành xúc động và đầy giá trị.

* Tràng Giang

You might also like