Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 317

Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức ( kỳ 1 đến kỳ 10 

 Markus Wolf                          
“…Khi một quốc gia là kẻ thù độc hại nhất của chính mình, có được một cơ quan tình
báo hải ngọai giỏi nhất thế giới cũng chẳng giúp nên trò trống gì, điều này các lãnh tụ
của Đông Đức đã khám phá ra khi chính quyền Cộng sản sụp đổ…”
http://ethongluan.org/component/content/article/411-ngi-khong-chan-dung-k-1-markus-
wolf.html
 
Lời toà soạn: 

Chúng tôi xin gởi đến quý bạn, trong nhiều kỳ, toàn bộ bản dịch quyển « Man Without A
Face » của Markus Wolf, trùm gián điệp của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Các hoạt động
gián điệp của ông rất là tinh vi và lan tỏa khắp thế giới, nhưng chung quy ông phục vụ
cho quyền lợi của Liên Xô nhiều hơn là cho đất nước ông. Ông Wolf tin vào hệ thống xã
hội chủ nghĩa và từ đó tin vào người anh cả Xô Viết đã cưu mang gia đình ông. Nhưng
khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ông đã không được người anh cả Liên Xô giúp đỡ, trái lại
chỉ muốn xua đuổi ông cho rảnh nợ. Bao nhiêu thông tin gom góp với bao nhiêu hy sinh
để cuối cùng chẳng giúp cho nước CHDC Đức tồn tại. Tất cả chỉ vì hệ thống chính trị xã
hội chủ nghĩa đã hư hỏng từ trong nội tạng, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của toàn khối xã
hội chủ nghĩa Liên Bang Xô Viết và khối Đông Âu. Xin mời quý bạn theo dõi nhật ký
của Markus Wolf để thấy rõ nội tình và cách tổ chức tình báo của ông.
Markus Wolf: Người không chân dung
Hồi kí của trùm gián điệp Cộng Sản Đông Đức

Lời Mở Đầu
Trong vòng ba mươi bốn năm tôi đã giữ chức vụ giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại của
Bộ Công An của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Ngay cả những kẻ thù gay gắt nhất của
tôi cũng công nhận đây có lẽ là cơ quan năng lực và hiệu dụng nhất lục địa châu Âu.
Chúng tôi thu thập nhiều bí mật chiến lược và kỹ thuật của những đội binh uy lực bày
binh bố trận để đánh chúng tôi và chuyển chúng,nhờ tay của tình báo Xô Viết, đến các bộ
tư lệnh của Hiệp Ước Warsaw tại Moscow. Có rất nhiều người nghĩ rằng tôi biết nhiều về
những bí mật của Cộng Hòa Liên Bang Đức hơn cả Thủ tướng tại Bonn. Thực ra, chúng
tôi cài đặt điệp viên trong văn phòng riêng của hai vị thủ tướng, trong số khoảng một
ngàn văn phòng mà chúng tôi đã xâm nhập vào trong tất cả mọi ngành của sinh hoạt
chính trị Tây Đức, kinh doanh và các lãnh vực khác của xã hội. Nhiều người trong số
những điệp viên này là công dân Tây Dức, họ phục vụ cho chúng tôi hoàn toàn vì lý
tưởng.
Tôi nhìn lại quãng đời cá nhân và nghề nghiệp của tôi như vòng cung lớn khởi sự từ cái
gọi là lý tưởng cao đẹp theo tiêu chuẩn khách quan. Chúng tôi, những người Đông Đức
theo đuổi xã hội chủ nghĩa, cố gắng xây dựng nên một loại xã hội trong đó những tội ác
của nước Đức cũ sẽ không bao giờ có cơ hội lập lại. Trên hết mọi sự, chúng tôi quyết tâm
không muốn chiến tranh tái diễn trên nước Đức.
Những tội lỗi và những sai lầm của chúng tôi cũng là những tội lỗi và sai lầm của tất cả
mọi cơ quan tình báo. Nếu chúng tôi có khuyết điểm, và chắc chắn chúng tôi có, đó là
những khuyết điểm của tính chất nghề nghiệp quá đam mê không được tôi luyện bởi
đường chỉ không viền của cuộc sống bình thường. Giống như hầu hết mọi người Đức,
chúng tôi tuân thủ kỷ luật đến độ sai lầm.Phương pháp của chúng tôi quá hữu hiệu nên
chúng tôi đã vô tình phá hỏng sự nghiệp của một nhà chính trị có tầm nhìn xa nhất của
nước Đức hiện đại, ông Willy Brandt. Việc sát nhập cơ quan tình báo vào trong Bộ Công
An có nghĩa là cơ quan này và tôi gánh trách nhiệm về những cuộc đàn áp trong nội bộ
nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức và hợp tác với bọn khủng bố quốc tế.
Thực không dễ kể chuyện về cuộc chiến tình báo từ khía cạnh của kẻ thua cuộc đứng ở
bên này Bức Màn Sắt để cho những người sông bên kia hiểu được trọn vẹn. Kể lại câu
chuyện của tôi về cuộc chiến độc nhất vô nhị thời Chiến Tranh Lạnh, tôi không có mục
đích van xin để được tha lỗi trong vị thế của một kẻ thua cuộc. Phía chúng tôi tranh đấu
chống lại sự hồi phục của chủ nghĩa phát-xít. Chúng tôi tranh đấu cho một mẫu mực xã
hội chủ nghĩa phối hợp với tự do, một mục tiêu cao cả nhưng đã hoàn toàn thất bại,
nhưng tôi vẫn tin là vẫn có thể thực hiện được. Tôi vẫn giữ nguyên niềm tin của tôi, mặc
dù ngày nay niềm tin này đã bị kiềm hãm vì thời gian và trải nghiệm. Nhưng tôi không
phải là kẻ đào ngũ, và hồi ký này không phải là một lời thú tội để xin được chuộc lại lỗi
lầm.
Từ khi tôi tiếp quản cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức vào những thập niên 1950 cho
đến khi hình ảnh của tôi bị lén chụp năm 1979 và bị một kẻ đào thoát nhận dạng, phương
Tây không hề biết mặt mũi của tôi ra sao. Họ gọi tôi là « người không chân dung », một
biệt hiệu đã hầu như biến những sinh hoạt điệp báo của chúng tôi và cuộc chiến tình báo
giữa Đông và Tây thành ra lãng mạn. Nhưng nó chẳng lãng mạn tí nào cả. Người người
đau khổ. Đời sống chật vật. Tha thứ hay nhân nhượng không có chỗ đứng trong cuộc
chiến giữa hai ý thức hệ. Cuộc chiến này đã bao trùm phần nửa thế kỷ của chúng ta và
một cách nghịch lý đã cho phép châu Âu có được một thời kỳ hòa bình lâu dài nhất kể từ
khi đế quốc La Mã sụp đổ. Đôi bên đều phạm những tội ác trong cuộc chiến toàn cầu này.
Giống như đa số những người trên thế giới, tôi cảm thấy hối hận.
Trong quyển hồi ký này, tôi cố gắng kể lại dưới nhãn quan của tôi toàn bộ những sự kiện
mà tôi được biết. Những độc giả, những nhà phê bình và các chuyên gia có thể xem xét
chúng, tin chúng và kiểm chứng chúng. Nhưng tôi phản bác những lời tố cáo của một vài
đông hương của tôi là tôi không có quyền kể lại và xem xét trong từng chi tiết những
thành công và những thất bại trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Tại Đức đã có
những nỗ lực, bằng phương tiện tòa án hoặc phương tiện khác, nhằm đưa ra quyết định
chỉ có một phương hướng duy nhất giải thích lịch sử được phổ biến. Tôi không đi tìm
biện luận đạo đức để tự bào chữa và cũng không đi tìm tha thứ, nhưng sau một thời gian
tranh đấu khốc liệt đây là thời gian để cả đôi bên suy gẫm.
Bất cứ lịch sử nào đích thực có danh xưng là lịch sử không thể chỉ do kẻ thắng trận viết
ra.

Lời Tựa
(của Graig R. Whitney)
Khi một quốc gia là kẻ thù độc hại nhất của chính mình, có được một cơ quan tình báo
hải ngọai giỏi nhất thế giới cũng chẳng giúp nên trò trống gì, điều này các lãnh tụ của
Đông Đức đã khám phá ra khi chính quyền Cộng sản sụp đổ như một toà nhà bằng giấy
vào năm 1989. Sự trớ trêu này không thoát khỏi nhận xét của Markus Wolf, nhân vật đã
gầy dựng nên cơ quan tình báo Đông Đức và lãnh đạo trong vòng 34 năm với những
thành tích nổi bật. Đông Đức cần gián điệp, vì các cấp lãnh đạo Cộng Sản muốn được an
tâm trong những ngày đầu của cuộc Chiến Tranh Lạnh, vì vị thế vượt trội của nền kinh tế
Tây Đức, cộng với sức mạnh quân sự của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO)
đe dọa chấn áp Đông Đức. Nhưng mặc dù họ có 4.000 nhân viên điệp báo, 109.000 điềm
chỉ viên làm việc cho Cơ Quan Công An Nhà Nước và cứ 105 công dân thì có một tên
điềm chỉ, cấp lãnh đạo Cộng sản không nhận ra cho đến khi quá trễ là chính những sai
lầm nội tại, những đường lối chỉ đạo hỏng tự căn bản của tất cả những hệ thống xây dựng
trên sự đàn áp và cưỡng ép, đã đánh đổ họ.
Vì những lý do cá nhân, ông Wolf đã tự ý xin về hưu năm 1986 và dọn đến ở một căn
phòng lầu 6 nhìn xuống con sông Spree, nơi trước đây là trung tâm của Đông Đức. Đây
là một địa điểm chọn lọc chiếu theo mô hình tổ chức của Cộng Sản, kế cận một nơi được
chế độ tân trang để nhắc nhở lại không khí tiền chiến của Bá-linh (Berlin); đường phố lót
gạch xanh cho bộ hành và những cửa quán của những nghệ nhân chen lẫn vào cao ốc với
màu sắc nước sáng nhạt nhằm gợi lên hình ảnh dĩ vãng thế kỷ thứ 18. Sau khi Bức Tường
Bá-linh sụp đổ năm 1989, những tờ báo lá cải gọi căn phòng của Wolf là căn phòng sang
trọng, kiểu mẫu mà các chủ nhân ông trong Cơ Quan An Ninh Quốc Gia – các vị « Stasi
» đáng sợ, như người Đức thường gọi họ như vậy – tự dành riêng, không một thường dân
Đông Đức nào có được. Báo chí thường hay nói quá đáng.
Có tất cả 99 bậc thang để lên lầu 6 và cao ốc này không có thang máy. Mặc dù ở vào
trung tuần 70, ông Wolf vẫn còn sức để leo những bậc thang này. Trên lối đi xập xệ đến
căn phòng, có kẻ nguệch ngọac viết « Stasi chó má » trên hộp thư nhôm của ông Wolf,
một hành vi có thể đưa vào tù tức khắc trong những ngày cai trị của Cộng Sản. Cách đó
vài căn, con của ông Wolf trong cuộc hôn nhân trước đây nay kiếm tiền túi trong một
quán bán pizza nằm dưới gầm cầu xe lửa của nhà ga Friedrichstrasse S-bahn, ranh giới
đầu tiên giữa Đông và Tây khi quan khách đến trong những ngày Chiến Tranh Lạnh. Ông
Wolf là một người đã tuột dốc từ trên cao.
Không như các đồng nghiệp Stasi của ông, ông Wolf không bao giờ dùng họat động tình
báo để làm giàu cho cá nhân mình. Bản thân ông Wolf có một sức quyến rũ mạnh, ông
cao 1 thước 83, người gọn ghẽ, đầu tóc màu xám, một khuông mặt cởi mở và thon dài,
đôi mắt nâu sâu sắc, bàn tay với ngón dài thon và thanh nhã của người trí thức. Giọng nói
Đức của ông lịch lãm và hùng hồn. Ông nói chuyện về Goethe và Brecht hoặc về Tolstoi
và Mayakovsky cùng một vẻ lưu loát. Để giết thời gian trong giai đọan ông bị ép buộc
lưu đày (lần thứ hai) tại Moscow sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, ông tổng
hợp được quyển sách mang tựa đề Những Bí Quyết Nấu Nướng của nước Nga
(Geheimnisse der russischen Küche), một mớ thực đơn hấp dẫn để thực hiện món bò
Stroganoff, blini, piroshki với hình ảnh và những mẩu chuyện dí dỏm từ công tác điệp
báo.
Nhưng nhìn ông ngày hôm nay, người ta không thể cầm lòng tự hỏi ông sẽ đóng vai trò
nào nếu ông là người Tây Đức: có thể là một ông tướng hay là một bộ trưởng ngoại giao,
hay là giám đốc của một xí nghiệp lớn của Đức. Có lẽ ông sẽ thành công, cố nhiên là như
vậy, giàu có và hãnh diện, có thể ông sẽ thêm ít ký-lô ở bụng và có một chiếc Mercedès
trên lối đi vào nhà. Nhưng thay vì vậy, ông sống theo lối tiểu tư sản của cấp lãnh đạo
Cộng Sản Đông Đức, những khuôn mẫu tầm thường già nua mà ông vẫn trung thành
nhưng đồng thời cũng tự cảm thấy vượt lên trên trình độ trí thức của họ. Sống trong một
trong những môi trường khắc nghiệt và đàn áp chính trị mạnh bạo nhất tại Châu Âu, ông
đã thành công và sống sót nhờ trí tuệ, nhờ biết ứng dụng khả năng học hỏi và nét duyên
dáng thu hút để thuyết phục người Tây Âu phản bội quốc gia mình và phục vụ cho lý
tưởng Cộng Sản. Nhìn lại lý tưởng thảm não của Đông Đức, câu hỏi được đặt ra là: Làm
sao một người tài giỏi và thông minh như vậy lại có thể lãng phí tài sức cho một hệ thống
tồi tệ như vậy?
*
        Một cách trớ trêu, cuộc đời của Markus Wolf khởi sự tại Tây Đức. Sinh năm 1923
tại Hechingen, một thành phố nhỏ tại Württemberg, phiá Tây Nam nước Đức, ông là con
trai đầu lòng của một bi kịch sĩ, một tác giả và một y sĩ đồng liệu tương pháp tên
Friedrich Wolf, một người Do-thái tôn thờ chủ nghĩa Mác. Giống như chồng, Else, bà mẹ
của ông Wolf, là một thành viên năng động của Đảng Cộng Sản Đức. Khi Quốc Xã lên
nắm chính quyền năm 1933 và gia đình Wolf bị liệt kê vào danh sách truy nã, ông bố của
Markus chạy trốn sang Pháp. Bà Else, Markus và em trai Konrad sau đó theo ông bố, và
năm 1934 cả già đinh tị nạn chính trị tạiMoscow.
        Tại đây, trong vòng mười năm, hai cậu bé được uốn nắn theo kiểu mẫu giáo dục,
văn hóa và chính trị của Cộng Sản Nga. Konrad trở về Đức năm 1944 theo binh lính
trong Hồng Quân. Markus theo học ngành kỹ sư hàng không tại Nga và năm 1945, lúc 22
tuổi, được phái trở về Đức theo lệnh của Đảng Cộng Sản Đức để giúp xây dựng một đài
phát thanh tuyên truyền trong cảnh đổ nát của thành phố Bá-Linh.
        Nhờ ăn nói lưu loát tiếng Nga và thấm nhuần tư tưởng cộng sản từ trong nôi, ông
Wolf giao hảo mật thiết với các cấp lãnh đạo Hồng Quân trong vùng chiếm đóng của Nga
tại Đông Đức và với các người Đức lưu vong và còn sống sót, được đưa lên hàng lãnh
đạo Cộng Hoà Dân Chủ Đức năm 1949. Cho dù có làm điều gì khác đi nữa, Stalin đã cứu
gia đình Wolf thoát nạn Tiêu Diệt (Holocaust) của Đức Quốc Xã. Sự kiện này cùng với
cảm giác say sưa trong quyền lực khởi sự từ lúc ông nhận lãnh trách nhiệm trong một
nước Cộng Sản đầu tiên trên mảnh đất Đức luôn luôn nặng cân hơn tất cả những gì
Markus Wolf sau này khám phá về bộ mặt đen tối và đàn áp của chế độ cộng sản.
        Chẳng bao lâu các cấp chỉ huy nhận ra ông Wolf rất có tài. Họ gởi ông sangMoscow
với tư cách là nhà Ngọai Giao Đông Đức trong vòng vài năm và sau đó đưa ông về lại cơ
quan tình báo hải ngọai Đông Đức đang phôi thai, giao cho ông trách vụ lãnh đạo cơ
quan này năm 1952, khi ông chưa đầy 30 tuổi. Một năm sau, cơ quan này được sát nhập
vào Cơ Quan An Ninh Quốc Gia, biến ông Wolf thành một phó giám đốc hầu như độc
lập của cơ quan Stasi trong chức vụ giám đốc của HVA – Hauptverwaltung Aufklärung,
« Tổng Cục Tình Báo Trung Ương », và ông mang quân hàm đại tướng trong cơ quan
này.
        Trong những ngày đầu bấp bênh của Đông Đức, có rất nhiều mối đe dọa từ ngoài
đến cần phải lưu tâm. Cộng Hoà Liên Bang Đức, về mặt diện tích to lớn nhất trong hai
quốc gia hậu duệ của Quốc Xã Đức, đơn phương tuyên bố xác định tính cách chính thống
lịch sử của họ và sẽ không thiết lập ngọai giao với bất cứ quốc gia nào công nhận người
anh em láng giềng Đông Đức. Dưới con mắt của Tây Âu, chẳng có gì đáng gọi là dân chủ
trong nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức, và phần đông những quốc gia dám chọc giận Tây
Đức bằng cách thiết lập ngọai giao với Đông Đức là những nước vệ tinh chư hầu của Xô-
viết hoặc là những nước đồng hội đồng sàn.
        Trong những ngày đầu ngắn ngủi này, Bộ Trưởng phụ trách về an ninh quốc gia của
Đông Đức là Erich Mielke, một anh Cộng sản cáo già chuyên luồn lách thuộc thế hệ đàn
anh hơn ông Wolf 16 tuổi. Hai nhân vật này là hai mẫu người thật tương phản hiếm có.
Mielke sinh trưởng trong một gia đình thuộc giới lao động tại Bá-Linh năm 1907, trong
một môi trường cực kỳ khó nhọc, và đã gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1930. Bị bỏ tù sau
khi ám sát hai cảnh sát viên Bá-Linh năm 1931, y đã đào thoát và trốn sangMoscow. Sáu
mươi hai năm sau, y bị kết án vì tội này theo những tang chứng mà y đã cất khóa kĩ lưỡng
trong tủ sắt Stasi của chính y. Trong suốt thời gian đứng đầu bộ máy công an mật vụ của
Cộng Hoà Dân Chủ Đức (GDR), Mielke, ám ảnh bởi mối đe dọa bị khuynh đảo ngay
trong nội bộ, đã biến Đông Đức thành một quốc gia công an hữu hiệu và tàn bạo nhất
Đông Âu.
        Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Mielke trở thành một đối tượng mà mọi người kinh
tởm. Cả ông Wolf cũng không có chút cảm tình nào đối với y. Ông mô tả Mielke là một
tên bạo chúa, một cấp lãnh đạo mà ông luôn phải đối đầu vật lộn trong những thủ tục
hành chánh để bảo vệ tính cách độc lập và tự trị của ngành điệp báo của ông.
Nhưng cùng lúc, Wolf phủ nhận trách nhiệm về những họat động của Stasi có dính líu ít
nhiều với điệp báo hải ngọai, chẳng hạn như những lệnh « bắn bỏ » được chỉ thị cho lính
biên phòng canh gác Bức Tường Bá-linh. Ông phủ nhận việc ra lệnh thủ tiêu các điệp
viên ngọai quốc. Ông phủ nhận mối quan hệ với Biệt Đoàn XXII của Stasi, biệt đoàn này
chứa chấp một thời gian ngắn bọn khủng bố và sử dụng bọn này như những thành phần
khuynh đảo Tây Âu.
        Biệt đoàn XXII theo dõi rất sát những thành phần cực đoan như Đoàn Hồng Quân
(Red Army Faction) thô bạo của Tây Đức. Thành viên của Hồng Quân đã ám sát một
chục kỹ nghệ gia và các viên chức cao cấp vào những thập niên 70; Ilyich Ramirez
Sanchez, tên khủng bố quốc tế, mang bí danh là « Carlos »; và nhiều thành viên khác của
Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO). Cơ quan Stasi dùng những tên khủng bố này để
biến chúng thành những nhân tố khuynh đảo tại Tây Âu, cung cấp cơ sở lẩn trốn cho
chúng tại Đông Đức. Chính một đại tá của Stasi đã cung cấp hơn 22 ký chất nổ cực mạnh
cho tên phụ tá của Carlos tại Đức năm 1983 vào lúc trước ngày đánh bom lãnh sự Pháp
tại Tây Đức. Cũng như Wolf tường thuật lại trong quyển sách này, các sĩ quan của Stasi
trong Biệt Đoàn XXII biết rõ kế họach của các nhà ngọai giao Lybia đánh bom một hộp
đêm tại Tây Bá-Linh, nơi có đông đảo binh lính G.I. Mỹ thường lui tới. Bom nổ giết chết
bốn người và gây thương tích cho hơn 200 người năm 1986, một vài tháng trước khi
Wolf về hưu. Nhưng Đông Đức không hề can thiệp để ngăn chặn việc này.
*
Ngay từ lúc đầu vào những thập niên 1950, nhiệm vụ chính của Wolf là tìm hiểu những
gì các cấp lãnh đạo Tây Đức bàn tính về cái nước Đông Đức thật nhỏ bé này. Dưới sự
lãnh đạo của ông, Đông Bá-linh hầu như đạt đến điểm cao chưa ai đạt được trong trò chời
gián điệp với Tây Đức. Cơ quan của Wolf « lật ngược » các điệp viên Tây Đức, đưa họ
trở qua lại Bức Tường Bá-linh để làm điệp viên ngược lại cho Cộng Sản. Họ kết nạp các
thương gia và các luật gia thuộc lẫn phe tả và phe hữu và nhờ họ xâm nhập để biết được
những thông tin về đường lối kinh tế và chính trị của Tây Đức. Họ gởi đi những anh
chàng « Romeo », những chàng trai độc thân quyến rũ, để tán tỉnh những phụ nữ độc thân
đầy mặc cảm, những cô chỉ biết miệt mài với công việc làm thư ký cho các chính trị gia
Bonn. Cơ quan của Wolf đã dẫn dụ quá nhiều thành phần chiêu hồi về với chủ nghĩa
Cộng Sản nên đã trở thành một mối bận tâm. Những thành phần chiêu hồi này bao gồm
những viên chức trong ngành tình báo và phản gián của Tây Đức, có vấn đề rượu chè, lo
lắng về tài chánh hoặc có lòng ngờ vực về viễn tượng phục vụ suốt đới cho chính nghĩa
của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo trên đất nước chia đôi của họ: « Probst », « Günter », «
Kohle », « Komtess », « Mauerer », và cuối cùng « Topaz » – tên thật là Rainer Rupp,
một gián điệp thượng thặng của Wolf nằm trong tổng tham mưu Liên Minh Bắc Đại Tây
Dương (NATO) tại Brussels, không hề bị phát hiện cho đến khi Chiến Tranh Lạnh chấm
dứt. (Sau khi mãn hạn tù tháng 12 năm 1998, Rupp được Đảng tân Cộng Sản Dân Chủ
Xã Hội Chủ Nghĩa, trong một buổi họp sơ bộ của họ tại Quốc Hội Đức mời làm tham
vấn, nhưng cuối cùng đã không dám mời vì bị đả kích dữ dội.)
*
        Wolf cũng nếm mùi thất bại, một điều chắc chắn: Các cá nhân trốn chạy chủ nghĩa
cộng sản như Werner Stiller, đã đưa cho tình báo Tây Đức những tài liệu vi phim tương
đương với 20.000 trang giấy, cho phép Tây Đức phát hiện các điệp viện ẩn nấp và, một
cách ngẫu nhiên, bức hình đầu tiên của Wolf từ 30 năm nay, từ trước cho đến giờ trong
hồ sơ của họ vẫn là một « người không chân dung ». Nhưng những thất bại này không
đáng kể so với những thắng lợi của ông.
        Cơ quan của Wolf gởi đi hàng chục những « con chuột chũi », nấp sâu trong lòng
của xã hội Tây Đức, suy tính rằng với thời gian và may mắn, một vài con chuột sẽ tìm
đường lên gần đỉnh cao của những chính đảng Tây Đức và sẽ cung cấp những tin tức có
giá trị liên quan đến kế họach điều động quân số của Tây Đức và, quan trọng hơn hết cho
mối quan hệ chiến lược của Đông Đức với Liên Bang Xô-viết, ý định quân sự và chiến
lược của Hoa kỳ trong trường hợp Chiến Tranh Lạnh trở nên nóng bỏng. Một trong
những con chuột nằm vùng là Günter Guillaume và bà vợ Christel, đã xâm nhập Tây Đức
vào giữa những thập niên 50 với bí danh là « Hansen » và « Heinze » để tìm đường đạt
đến cấp bậc cao của Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Frankfurt. Họ đã thành công ngoài sức
tưởng tượng của Wolf khi Guillaume trở thành phụ tá cho Thủ Tướng Willy Brandt năm
1972.
        Khi bị phát giác là gián điệp, Guillaume đã kéo ông Brandt ngã theo vào năm 1974.
Có thể nói đây là một thất bại nặng nề nhất mà Đông Đức tự gieo lấy cho chính mình
trước khi sụp đổ 15 năm sau. « Ostpolitik » (Chính Sách Đông Âu) của ông Brandt đã cải
thiện mối bang giao giữa các nước vốn kèn cựa với nhau. Chính quyền Bonn cuối cùng
ngưng không đánh phá phe Cộng Sản và bắt đầu có những trao đổi ngọai giao. Nhưng
lãnh tụ Cộng Sản Erich Honecker không tin Ostpolitik (Đông Sách) của Brandt, xết rằng
mối giao hảo giữa Tây Đức và Moscow đe dọa đến tính cách chính thống của Đông Đức.
Chính vì vậy tại Đông Bá-Linh, Wolf không bị khiển trách vì đã tác động đến việc ngã
đài của ông thủ tướng Tây Đức.
        Danh sách liệt kê tất cả điệp viên của ông Wolf có thể đóng thành nhiều tập. Ông
Wolf chỉ nhận diện những ai đã chết hoặc đã bị bắt và đem xử. Mặc dù có được một hệ
thống rộng lớn nhân viên nằm vùng và điệp viên, ông Wolf đôi khi vẫn cảm thấy ấm ức
về kết quả của trò chơi gián điệp của ông. Các điệp viên của ông đã thực hiện được
những gì trên mô hình rộng lớn của các dữ kiện ? « Hầu hết tất cả những tài liệu mà Liên
Minh Bắc Đại Tây Dương sản xuất ra, đóng dấu « mật » và « tối mật », mà chúng tôi đã
bỏ bao nhiêu công sức để thu thập, truy xét cho kỳ cùng chẳng đáng dùng làm giấy chùi
đít », ông viết trong quyển nhật ký vào cuối năm 1974. Về phía Cộng sản ông cũng đánh
giá như vậy – hệ thống rộng lớn và to phù của nhóm thư lại sản xuất những núi giấy vô
dụng. Tại Moscow, tại Warsaw, tại Đông Bá-Linh, bộ máy tiếp tục xay nghiền, cố gắng
che chở, bảo vệ và lưu truyền một hệ thống không thể cứu vớt được nữa vì đã lầm tưởng
từ căn bản rằng hạnh phúc và phồn thịnh của con người có thể áp đặt lên đầu người dân
bởi bộ máy hành chánh quyền uy của Cộng Sản.
        Ở cả hai bên tuyến ngăn cách ý thức hệ, nhóm thư lại mà John Le Carré mô tả là «
điệp lại » đào sâu vào lòng lãnh thổ địch, đưa những con chuột nằm vùng xâm nhập, âm
mưu và bàn định kế họach, nhưng rồi cuối cùng họ chẳng làm được gì nhiều để thay đổi
một cách cơ bản đời sống của người dân ở cả hai phía. Tại A-phú-hãn (Afghanistan), CIA
gây điêu đứng cho Hồng Quân Nga, cung cấp cho nhóm chiến sĩ hồi giáo mujahidin hỏa
pháo không-không Stinger, và cuối cùng đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi nước. Nhưng
thay thế vào đó là một bọn cuồng tín độc tài Hồi giáo đàn áp còn kinh khủng hơn chế độ
Cộng Sản, và chẳng bao lâu ai cũng lo ngại các hỏa pháo Stinger lọt vào tay bọn khủng
bố cuồng tín. Tại Đông Âu, không phải CIA hoặc cơ quan tình báo Tây Đức, cơ quan
BND, đã làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản và khối Hiệp Ước Warsaw, nhưng là do những
dồn nén và những mâu thuẫn nội tại về chính trị, kinh tế và xã hội của xã hội cộng sản.
        Ông Wolf đã không chờ cho đến khi quá muộn để công khai phê bình những sai lầm
trong hệ thống Cộng Sản trong một hồi ký nói về tuổi trẻ và lý tưởng Cộng Sản xuất bản
tại Đông Đức chỉ cách vài tháng trước khi Bức Tường Bá-Linh sụp đổ năm 1989. Quyển
hồi ký Die Troika, tiếp nối công trình khởi sự bởi người em trai của ông Wolf, tên
Konrad, trước khi qua đời năm 1982, là một trong những cố gắng hiếm hoi tại Đông Đức
nhằm khảo sát, mặc dù là dè dặt, những lỗi lầm các cấp lãnh đạo Cộng Sản tại Moscow
và những nơi khác nhân danh chủ thuyết Stalin. Mặc dù trước đó Nikita Khrushchev
cũng đã làm, nhưng những lời chỉ trích như vậy chỉ xuất hiện tại Liên Bang Xô-viết sau
khi Mikhail Gorbachev nắm quyền lãnh đạo năm 1985 và đưa ra chính sách perestroika,
một cố gắng nhằm cải tổ chủ nghĩa cộng sản, nhưng thay vì vậy ông đã khai tử nó, đúng
như Khrushchev lo ngại vì cởi bỏ tất cả những hạn chế sẽ làm cho tan tành. Honecker
không phải đương đầu với tình trạng này tại Đông Đức và vì vậy sách của ông Wolf đã
tạo nên náo động.
        Nhưng vị thế của ông Wolf vào lúc đó không được các đồng hương của ông đánh
giá đúng mức cho đến khi nhân dân Đông Đức rốt cuộc xuống đường vào mùa thu đó để
đòi hỏi tự do. Trong một bài diễn văn đọc tại Bá-Linh tháng 10 năm 1989, Gorbachev nói
rõ là hơn nửa triệu Hồng Quân đồn trú tại Đông Đức sẽ không dùng súng và xe tăng để
đàn áp họ. Diễn ván này đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Đức. Chẳng
bao lâu các cuộc biểu tình thoát vòng kiểm soát, càng lúc càng lớn tràn ngập Leipzig,
Dresden và Bá-linh, và khi ông Wolf xuất hiện và đề nghị đem khả năng để giúp cải tổ
guồng máy, quần chúng tẩy chay và ông phải rút lui. Người Đông Đức muốn được tự do
đi lại, muốn có Đức Mã, muốn những xe hơi Mercedes và BMW, và tất cả những tiện
nghi vật chất mà Tây Đức có, họ không muốn một cuộc cải cách hâm nóng chế độ cộng
sản. Kế họach thống nhất hai nước Đức đang trên đà tiến mà không sức nào có thể cản
nổi.
        Ngày 3 tháng 10 năm 1990, Đông Đức không còn nữa, bị khóa chặt và chôn vùi
trong nước Cộng Hoà Liên Bang Đức. Nước Đức thống nhất có nhu cầu thanh toán
những món nợ với Markus Wolf. Khi đồng hồ gõ đúng 12 giờ đêm vào ngày đã mong đợi
từ lâu, ông Wolf biết rằng mình sẽ vào tù. Một cách bình tĩnh, ông bắt đầu quay điên
thọai gọi bạn bè trong cơ quan KGB để bàn tính kế họach xin tị nạn tai Moscow.
*
        Không những chính quyền Tây Đức có những món nợ cần thanh toán với ông Wolf,
cả CIA cũng có nhiều ân oán với ông. Khoảng năm 1990, cơ quan tình báo của Hoa Kỳ
bị khủng hoảng trầm trọng. Liên Bang Xô-viết, kẻ thù chính và cũng là lẽ sống còn của
CIA, đang trên tiến trình giải thể. Nhưng khoảng một chục điệp viên Xô-viết mà CIA kết
nạp và nuôi dưỡng với bao nhiêu khó khăn đã bị lộ tẩy và bị hành quyết, do sự phản bội
của một công dân Hoa Kỳ. Hành vi phản bội này được phát giác khi Aldrich Ames bị bắt
4 năm sau, năm 1994. Năm 1990, CIA chỉ biết là có một người đang bán những bí mật
sâu kín nhất của họ và đã gây thiệt hại chí mạng. CIA lúc đó nghĩ rằng ông Wolf có thể
giúp họ tìm ra tên phản bội.
        Ngày 22 tháng Năm, Gardner A. Hathaway, gần đây đã về hưu rời chức vụ phụ tá
giám đốc về phản gián, đến căn nhà bồi dưỡng của ông Wolf, một căn nhà gỗ nhỏ nấp
dưới những cây thông ở ngọai ô Đông Bắc Bá-Linh, tay cầm một bó hoa và một hộp xô-
cô-la để tặng bà vợ Andrea của ông Wolf. Hathaway đưa ra một đề nghị rất đặc biệt: Xin
giúp chúng tôi và chúng tôi đưa ông ra khỏi Đức để sang Hoa Kỳ trước khi họ đến bắt
ông vào tháng Mười.
        Đưa tôi sang Hoa Kỳ trước đã và chúng ta sẽ nói chuyện tại đó, ông Wolf đáp lời đề
nghị, nhưng ông Hathaway nhấn mạnh: Không có thỏa thuận hợp tác thì không có vé
máy bay. Ông Wolf nhìn nhận rằng lời mời rất là hấp dẫn mặc dù ông chỉ ước định những
gì CIA muốn ông giúp đỡ. CIA đã có một danh sách ghi vào vi phim của tất cả những
nhân viên của ông, ông biết chắc chắn như vậy, vì danh sách này đã được bí mật thu thập
do các tay chiêu hồi hoặc tham lợi thuộc thành phần viên chức HVA cung cấp (CIA sau
này xác nhận là họ có những thông tin này nhưng vào năm 1999 họ từ chối trao lại danh
sách này cho chính quyền Đức khi chính quyền Đức chính thức yêu cầu). Nhưng có lẽ
CIA muốn biết thêm tin tức nằm ngoài danh sách này. Có lẽ họ cũng muốn học hỏi ông
Wolf về những phương thức hành động của Xô-viết với mục đích huy động nhân viên
phản gián tại Langley (trụ sở của tình báo CIA tại Hoa Kỳ) để truy tìm những nhân viên
của Moscow.
        Khi ông quyết định không tiết lộ những gì ông biết, ông Wolf đã gây bực tức cho
Washington, và vì chính quyền Bonn đuổi sát bên nách, ông không còn lựa chọn con
đường nào khác là trốn chạy nước Đức một lần nữa, giống như cha của ông trước đây.
Ông vẫn còn những bàn tay giúp đỡ cao cấp tại Moscow, những người bạn như Vladimir
A. Kryuchkov, một người bạn Nga đồng nghiệp đã trở thành thủ lãnh của KGB. Sáu ngày
trước ngày 3 tháng 10, ông Wolf và bà Andrea, người vợ nhỏ hơn ông 13 tuổi, đào thoát
ra khỏi Đông Bá-Linh và trốn qua biên giới Áo, và một vài tuần sau tìm đường tẩu thoát
– dầu sao ông Wolf cũng biết khá rõ kỹ thuật này – sang Hungaria rồi sang Ukraine và
đến Nga.
        Nhưng khung cảnh mà ông Wolf đã được biết tại Nga nay đang thay đổi một cách
mau chóng. Đối với Gorbachev, chià khóa cửa ngõ tương lại của Nga không phải là cơ
quan KGB nữa mà là mối giao hảo với nước Đức và vị Thủ tướng, ông Helmut Kohl.
Ông Wolf là biểu tượng của một quá khứ không đáng tin cậy, và khi bạn của ông Wolf,
Kryuchkov tham gia cuộc đảo chánh bất thành nhằm hạ bệ Gorbachev tháng 8 năm 1991,
ông Wolf biết rằng nước Nga sẽ không còn chấp chứa ông nữa. Một tháng sau, ông trở về
lại nước Đức.
        Ông Wolf ra đầu thú tại biên giới Áo và lập tức bị bắt, sau đó được tại ngọai hậu tra
nhờ sự can thiệp của bạn bè và các cộng tác viên cũ tại Đông Bá-Linh. Ông rất ngạc
nhiên khi nghe Cộng Hoà Liên Bang Đức có ý định kết án ông về tội phản bội. Vì ông
chỉ huy một cơ quan gián điệp chống lại Cộng Hoà Liên Bang từ Bá-Linh và Bá-Linh bây
giờ đã trở thành trở lại thủ đô của nước Đức, các công tố viên không muốn kết án ông
Wolf với tư cách là một điệp viên ngọai quốc, nhưng buộc tội ông là một tên phản quốc.
Trường hợp của ông có vẻ đen tối. Klaus Kinkel, một cấp lãnh đạo cũ của cơ quan tình
báo Liên Bang Đức, đương giữ chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp của Đức và do một sự ngẫu
nhiện kỳ lạ, ông cũng sinh đẻ ở Hechingen.
        Toà án xét xử ông Wolf nằm tại Düsseldorf, cũng cùng một phòng ốc trong một toà
nhà kiên cố, nơi mà trước đây gần 20 năm Günter Guillaume đã bị kết án, khởi sự vào
mùa xuân 1993 và kết thúc vào tháng 12 với bản án kết tội và án lệnh 6 năm tù ở. Phải
chờ cho đến giữa năm 1995, Toà Án Đức tương đương với Tối Cao Pháp Viện mới gác
lại bản án này và ghi nhận tính cách vô lý của nó. Toà án tối cao phán quyết Ông Wolf
không thể nào phạm tội phản bội khi ông ta lãnh đạo cơ quan điệp báo của Đông Đức,
bởi vì Đông Đức là một nước có chủ quyền mà lúc đó chính Tây Đức trong gần 20 năm
đã thừa nhận. Ngoài ra, chính bản thân ông Wolf không hề đặt chân lên đất Tây Đức để
làm công tác điệp báo. Ông không thể nào phạm tội phản bội không khác gì Yevgueny
Primakov lúc đó chuẩn bị lãnh đạo cơ quan KGB tại Moscow.
        Các công tố viên lại tìm một lý cớ khác, kết tội ông Wolf lần nữa vào năm 1997 dựa
trên những tội hình nhẹ hơn – họ kết tội ông Wolf đã ra lệnh bắt cóc và đàn áp nhân dân
từ bên kia bên giới Đông Đức vào những thập niên 1950 và 1960, những tội trạng này
cũng phạm pháp chiếu theo luật pháp Đông Đức vào thời điểm đó. Tháng 5 năm 1997,
lần nữa tại Düsseldorf, ông Wolf bị kết tội với ba tội trạng như vậy và bị kết án hai năm
tù treo thay vì một năm tù ở. Vì thiếu tiền để trả chi phí toà án mỗi lúc một nhiều, ông
Wolf đã quyết định lên tiếng ghi nhận thắng lợi về mặt tinh thần và tiếp tục kháng án.
        Nhưng chính quyền vẫn không buông tha ông. Tháng Giêng năm 1998, họ lại mở
phiên toà, yêu cầu ông Wolf làm chứng nhân trong vụ án của Gerhard Flämig, một luật
gia của Tây Đức bị cáo buộc làm gián điệp cho Đông Đức trong thời kỳ Chiến Tranh
Lạnh. Ông Wolf từ chối trả lời những câu hỏi then chốt và, nhờ gần đến ngày sinh nhật
75 tuổi của ông, đã bị bỏ tù ba ngày vì tội phỉ báng toà án. Đứa cháu trai 7 tuổi của ông
đã gởi cho ông bức hình vẽ bánh sinh nhật, trong đó có dán một cái dùi mài, làm như thể
ông có thể dùng nó để cưa chấn song để vượt ngục, nhưng các luật sư của ông Wolf đã
kháng án để bác bỏ tội phỉ báng. Ông Wolf lại được tự do lần nữa, nhưng tự do của ông
khiến cho các kẻ thù cũ của ông tại Đức phải nghiến răng vì họ quyết tâm muốn ông phải
tiết lộ khai báo.
*
        Hoa kỳ, hoặc vì những lý do riêng của họ hoặc vì lời yêu cầu của chính phủ Đức
(Klaus Kinkel trở thành Bộ Trưởng Ngọai Giao của Đức năm 1992), cũng chơi cái trò đó
với Ông Wolf. Mặc dù Do-thái, từ trước đến nay vẫn e ngại những tên khủng bố tiềm
tàng, đã tiếp đón Ông Wolf năm 1996, Hoa kỳ đã từ chối không cho ông bước chân vào.
Khi các nhà xuất bản của ông Wolf mời ông sang Hoa Kỳ để giúp hoàn tất ấn bản đầu
tiên của quyển sách này, chính phủ Hoa Kỳ đã dùng những tình nghi liên lạc với khủng
bố của ông để viện cớ không cho ông đặt chân lên lãnh thổ của Hoa Kỳ.
        Bức thư Ông Wolf nhận ngày 12 tháng Ba năm 1996 của Tổng Lãnh Sụ Hoa Kỳ tại
Bá-Linh tố cáo về tội phạm mà ngay cả chính quyền Tây Đức cũng không dám kết thành
tội :
        Thưa ông Wolf,
        Qua những trao đổi điện thọai ngày hôm qua, chúng tôi xác nhận Bộ Ngọai Giao
Hoa Kỳ từ chối không cho ông vào Hoa Kỳ quy chiếu đoạn 212(a), chương 3(B) về Luật
Di Trú và Quốc Tịch của Hoa kỳ.
        Theo chương 3(b), các ngọai kiều đã tham dự vào những hành vi khủng bố bị khước
từ không được vào Hoa Kỳ. Chương 3(b) liệt kê những loại hành vi khủng bố, trong đó
có việc chuẩn bị và bàn định kế họach hành động khủng bố cũng như cung cấp những vật
liệu hỗ trợ cho những cá nhân thực hiện hay hoạch định những hành vi khủng bố.
        Bộ An Ninh Quốc Gia của GDR (Cộng Hoà Dân Chủ Đức) tích cực khuyến khích
và cổ võ khủng bố quốc tế và khủng bố do quốc gia hỗ trợ. Với chức vụ Thứ Trưởng Bộ
An Ninh Quốc Gia của GDR và là cựu thủ lãnh của điệp báo hải ngọai thuộc Bộ An Ninh
Quốc Gia của GDR, ông nắm giữ một vị thế quyết định và tham gia trong việc ấn định
chính sách và những đối tượng của Bộ này. Vì vậy ông có trách nhiệm trong những hành
vi phát xuất từ chính sách đó.
        Dựa trên căn bản này chúng tôi thẩm định ông đã tham dự trong những hành vi
khủng bố.
        Vào thời điểm này, Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ nghĩ không thuận lợi cho yêu cầu Sở Di
Trú và Quốc Tịch cấp cho ông giấy phép đặc biệt để ông vào đất Hoa Kỳ.
Nay kính,
Glen C. Keiser
Lãnh Sự Hoa Kỳ
Trong một lá thư bằng tiếng Anh khống mấy lưu loát của ông, Ông Wolf một tuần lễ sau
đã yêu cầu ông Clinton can thiệp.
“Thưa Tổng Thống,
     Tin tưởng nơi cá nhân Tổng Thống cũng như những lo ngại của tôi về những thủ tục
hành chánh thư lại đã khiên tôi phải viết thư đích danh đến ông để xin ông phê chuẩn cho
đơn xin nhập cảnh của tôi vào Hoa Kỳ.
   Viếng thăm quốc gia của ông có một tầm quan trọng vượt lên trên những lý do viện dẫn
của Bộ Ngọai Giao để từ chối đơn xin nhập cảnh của tôi. Tôi có ý định gặp tạiNew York
(Nữu Ước) nhà xuất bản của tôi để hoàn tất ấn bản dứt khoát của bản biên tập tay của
quyển sách của tôi. Những lý do từ chối cấp hộ chiếu cho tôi có những hàm ý mà tôi nghĩ
là mâu thuẫn, không thế chấp nhận được. Lẽ cố nhiên, có những lý lẽ nhằm đánh giá và
duyệt xét quãng đường đời của tôi, những nẻo đường được đề cập đến trong quyển sách
sẽ do Random House xuất bản. Tôi phải trả lời những câu hỏi liên quan đến câu chuyện,
kể cả những câu hỏi gây đau đớn cho bản thân tôi.
   Những quốc gia Âu Châu tự nhận mình xã hội chủ nghĩa, trong số này có Đông Đức, đã
thất bại và họ tự hào đã phục vụ cho một ảo vọng của nhân loại. Vào cuối cuộc đời của
tôi, tôi tự hỏi trong quyển sách sắp xuất bản đây, bắt đầu từ lúc nào và khởi sự từ đâu
chúng tôi đã sai lầm, bắt đầu từ thời điểm nào chúng tôi thấy những sai lầm nhưng đã qua
muộn và do đâu chúng tôi thành thủ phạm. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Vì vậy tôi
cũng không muốn mang gánh nặng bị gắn ép phạm tội. Lời tuyên bố trong quyết định của
Bộ Ngoại Giao cho rằng tôi dính líu đến những họat động khủng bố không có căn cơ và
không đúng sự thật. Ông có thể thấy điều này trong thơ kháng án đính kèm của tôi.
   Có nhiều nét trong cuộc đời và trong đường lối chính trị của ông mang tính chất phá lệ
không khô cứng trong khuôn mẫu đã làm cho tôi thán phục như tôi đã thán phục Tổng
Thống John F. Kennedy và khuyến khích tôi bước một bước bất thường này. Đối với ông,
gánh nặng của những hàm ý vô căn cứ và võ đoán cũng không xa lạ gì. Tin tưởng vào
tinh thần công chính của ông, với lời cầu chúc tốt lành nhất cho ông, tôi luôn thành kính
nơi ông”.
        Cho dù lá thư của Ông Wolf có giọng nịnh bợ họăc là một lối khiêu khích mỉa mai –
tổng thốngClinton đã có phán ứng gì đi nữa nếu ông có đọc qua – lá thư này chẳng giúp
ông Wolf đi đến đâu cả. Một năm sau, khi quyển sách xuất bản, phát ngôn nhân Bộ
Ngoại Giao Nicholas Burns nói ông Wolf vẫn không đuợc vào nước Mỹ. “Chúng tôi nghĩ
rằng không thể cấp hộ chiếu cho một người đã ra công sức suốt cuộc đời mình chống lại
một nước Đức tự do, nước Tây Đức, chống lại nhân dân Đức, và một người có tinh thần
bài Mỹ và âm mưu lật đổ chính quyền của chúng tôi và đỡ đầu những họat động khủng
bố đánh vào chúng tôi; tại sao chúng tôi phải cấp chiếu khán cho đương sự? Vì vậy
đương sự không vào đựoc đất Hoa Kỳ. Đương sự có thể viết những quyển sách bán chạy
nhất, nhưng đương sự không thể nào an hưởng cuộc đời trên đất nước Hoa Kỳ cho đến
mãn đời của đương sự, chúng tôi chẳng liên can gì nữa”, ông Burns tuyên bố trong một
cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao.
        Khi được hỏi tại sao ông Wolf bị khước từ ở mọi địa điểm vào, trong khi đó những
người như Bộ Trưởng Ngọai giao Primakov và lãnh tụ Palestin Yasser Arafat bây giờ
được tiếp đón, ông Burns trả lời “Chúng tôi có mối liên hệ tốt với Yevgeny Primakov.
Ông là Bộ Trưởng Ngọai giao của một trong những nước bạn, một nước thân thiện với
Hoa Kỳ. Markus Wolf là một người Cộng Sản không biết cảnh tỉnh, vẫn chủ trương
khủng bố trên quy mô quốc gia chống lại Hoa kỳ. Đó là một sự khác biệt đáng kể”.
        Cũng có một sự khác biệt khá lớn giữa việc kết tội chủ trương khủng bố và sự thật
tại sao chính quyền Hoa Kỳ không muốn cho Markus Wolf nhập cảnh Hoa Kỳ. Các viên
chức cao cấp Hoa Kỳ sau này thú nhận CIA tình nghi ông Wolf vẫn chưa nói hết những
gì ông biết. Mãi mấy năm sau khi Liên Bang Xô-viết tan rã, cơ quan CIA mới hồi phục
lại sau những tổn thất mà các tên phản bội làm việc cho KGB đã gây nên. CIA nghi ngờ
ông Wolf hoặc những đồng nghiệp cũ của Ông Wolf biết rõ những tên nội tuyến hiện vận
còn họat động. Họ muốn biết tên tuổi của những tên đó. Đầu năm 1998, đầu não của cơ
quan phản gián Đức, ông Volker Foertsch, bị điều tra vì tinh nghi ông họat động gián
điệp cho Nga. Cuộc điều tra không có kết quả vì thiếu bằng chứng.
        Nếu chính quyền Hoa Kỳ mong đợi ông Wolf ra tay giúp họ, họ sẽ sớm thất vọng.
Tình báo thời Chiến Tranh Lạnh rất phức tạp và là một trò chơi tốn kém vô cùng, nó có
những lô-gích và những luật chơi của chính nó. Nguyên tắc căn bản là không để bị qua
mặt. Nhưng một khi bị qua mặt và lỡ rơi vào tay địch thủ, quý vị không nên bao giờ tiết
lộ những gì đối thủ đã biết rõ. Cả hai bên đã áp dụng luật chơi này trong thời Chiến
Tranh Lạnh và lặng lẽ duy trì hệ thống trao đổi điệp viên để tưởng thưởng những ai biết
kín miệng. Mặc dù sống trong sự điêu tàn của một thất bại chính trí lớn hơn, ông Wolf
vẫn tỏ ra hãnh diện một cách ngoan cố về những thành tích nghề nghiệp của ông. Ông sẽ
không bán danh dự để có một chuyến đi sang Hoa Kỳ. Vì vậy Yevgeny Primakov, bây
giờ là Thủ Tướng của Nga, lúc nào cũng được tiếp đón niềm nở, và ông Wolf sẽ luôn mãi
là một người bất hảo (persona non grata).                                          
*
        Vì nhiều lý do, đây không phải là một quyển sách “thành thật khai báo”. Ông Wolf
vẫn tiếp tục là một nhân vật gây nên nhiều tranh cãi, một phần vì ông cố bày tỏ cuộc đời
của ông không phải là một thất bại đáng ghê tởm, trong khi đó các kẻ thù trước đây của
ông cho rằng đúng là như vậy. Những điều không nói ra trong sách sẽ làm thất vọng
những độc giả mong muốn tìm thấy lời khai thú trong đó, nhưng những lời khai thú trong
nghề điệp báo thường là táng mạng, và ông Wolf là một con người cũng muốn thụ hưởng
cuộc đời. Đọc ông Wolf để có một thoáng nhìn khâm phục, chỉ một thoáng thôi, để đi sâu
vào tâm não đầy sức thu hút của một trong những bầc thầy điệp báo lớn của thời đại
chúng ta, một người mang nặng ấn dấu của cuộc Hỏa Diệt Do Thái do quốc xã Đức phát
động và sau đó là của cuộc phân tranh ý thức hệ thời Chiến Tranh Lạnh, một người đứng
bên kia trận tuyến đối đầu với phần đông độc giả. Có lẽ ông có quyền đem một ít bí mật
theo ông xuống mồ.
Trọng Khiêm dịch
 (Còn tiếp)
Hồi ký Markus Wolf – kỳ 2 (Markus Wolf)                         
“…Đất nước của tôi, nước Đông Đức, đã thất bại không đáp ứng được với danh xưng
Cộng Hoà Dân Chủ Đức, đang phải chấp nhận một cuộc hôn nhân cưỡng ép với anh
khổng lồ kinh tế Châu Âu, nước Tây Đức…”
Hồi Kỳ trùm gián điệp Đông Đức Markus Wolf
Mục Lục
Lời mở đầu
Lời tựa
Chương 1 Cuộc đấu giá
Chương 2 Thoát khỏi ác bóng Hitler
Chương 3 Học trò của Stalin
Chương 4 Cộng Hòa Dân Chủ Đức lớn mạnh và tôi lớn theo
Chương 5 Vừa học vừa làm
Chương 6 Khrushchev mở mắt cho chúng tôi
Chương 7 Giải pháp bê-tông
Chương 8 Làm gián điệp vì tình
Chương 9 Hình bóng của Thủ Tướng
Chương 10 Nọc độc của sự phản bội
Chương 11 Tình báo và Phản gián
Chương 12 « Những biện pháp tích cực »
Chương 13 Phong trào khủng bố và nước CHDCĐ
Chương 14 Trong lòng địch
Chương 15Cuba
Chương 16 Chấm dứt trật tự cũ
Chương 17 Lời kết
Chương 1
Cuộc Đấu Giá
Vào mùa hè năm 1990, hai nước Đức chuẩn bị thống nhất sau bốn mươi năm chia cách
và gây hấn khởi sự từ lúc trật tự hậu chiến do Đồng Minh chiến thắng đặt để vào năm
1945 và được duy trì do sự xung đột tiếp nối của các cường quốc. Công trình đời tôi,
cống hiến cho lý tưởng xã hội chủ nghiã, đang sụp đổ trước mắt tôi. Đất nước của tôi,
nước Đông Đức, đã thất bại không đáp ứng được với danh xưng Cộng Hoà Dân Chủ
Đức, đang phải chấp nhận một cuộc hôn nhân cưỡng ép với anh khổng lồ kinh tế Châu
Âu, nước Tây Đức. Tiến trình hình thành một nước Đức độc lập đang trên đường hoàn
tất, và dù tôi không rõ một nước Đức thống nhất có ý nghĩa gì đối với Châu Âu, tôi biết
chắc một điều: Tôi sẽ bị truy lùng.
         Ngày thống nhất được ấn định vào ngày 3 tháng 10 năm 1990. Đi đến đâu tôi cũng
thấy đất nước của tôi và hệ thống đã gầy dựng nên nó đang trở thành vật phế thải. Những
kẻ tìm kiếm kỷ vật nhộn nhịp mua bán huy chương và đồng phục, những gì đã từng tạo
nên niềm hãnh diện cho những ai khoác mặc tại Đông Đức. Nhưng tâm hồn tôi lúc đó
không hề vui hoặc có một nỗi buồn man mác nào cả.
         Mặc dù chúng tôi đều là người Đức, có cùng một ngôn ngữ và một nền văn hóa sâu
sắc hơn cả những chia cắt của hàng rào kẽm gai thời hậu chiến tại Châu Âu, tinh thần của
chúng tôi thuộc một loại tranh chấp đặc biệt. Đây không những là một cuộc chiến huynh
đệ tương tàn, giữa người Đức với người Đức. Đây là một cuộc đối đầu giữa nước Đức tư
bản với nước Đức cộng sản, nằm trong bối cảnh toàn diện nhằm thanh toán những di sản
của Mác và Lê-nin và những bất công thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Đất nước tôi
là môt minh chứng hùng hồn nhất về sự chia rẽ giữa hai bên ý thức hệ sau Đệ Nhị Thế
Chiến. Sự chia cắt này chấm dứt với một tốc độ mà không một ai ngờ trước được, cả
Đông lẫn Tây.
         Tôi vẫn luôn xác nhận công tác điều khiển cơ quan điệp báo mang một trách nhiệm
đặc biệt trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Trong một bài hát tôi giúp soạn tháo từ khuôn
mẫu Xô Viết để huy động tinh thần các tân binh, tôi đặt công tác của họ nằm trong
«Chiến Tuyến Vô Hình». Đây không phải là một lối nói cường điệu. Trong vòng 40 năm
sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, chúng tôi luôn tự đặt mình vào vị thế chiến đấu
chống lại các thế lực của tư bản chủ nghĩa đang bủa vây chúng tôi.
         Trung tâm điểm của công tác chúng tôi là Bá Linh, nơi phân chia giữa hai hệ thống
ý hệ nằm trong trạng thái đông đặc. Các chiến lược gia và các chính trị gia ở cả hai bên
đều nghĩ nếu có xảy ra chiến tranh thứ ba, có lẽ Bá Linh là điểm phát xuất. Nhưng tiếp
theo sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh tháng 11 năm 1989 và cánh cửa Đông Đức mở
toang ra thế giới, nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức mau chóng tan biến và không còn là một
quốc gia nữa. Thực sự, tôi không thể nào mường tượng được công trình của đời tôi lại có
thể chôn vùi trong sự sụp đổ toàn diện của nước Đông Đức tôi đã từng phục vụ. Bốn năm
trước khi Bức Tường sụp đổ, vì cảm thấy ngột ngạt trong những cơ cấu hành chánh sơ
cứng quanh tôi, tôi về hưu và rút lui khỏi cơ quan để bắt đầu cầm viết; dưới sự lãnh đạo
trì trệ của một Erich Honecker đau yếu, tôi không thấy một triển vọng thay đổi nào phát
xuất từ bên trong. Nhưng chính tôi cũng bị hoàn toàn bất ngờ vì tốc độ suy sụp của quốc
gia này. Đối với rất nhiều người, màn kết khi đến không vui chút nào cả; có người kể cho
tôi nghe nỗi nhục nhã của họ.
         Các nhân viên thuộc Cơ Quan Công An Đông Đức, một trong những cột trụ chính
của nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức, đã bị kết tội bởi giới truyền thông, giới chính trị và
tòa án, họ trở thành Kẻ Thù Công Cộng Số Một. Đây là một diễn biến không thể tránh
khỏi, ở vào chừng mực nào đó, đây là một diễn tiến đau đớn mà những nguời công dân
của một chế độ sụp đổ phải gánh chịu và đương đầu với thực tế của quá khứ.
Ngày 15 tháng Giêng 1990, đám đông giận dữ tràn vào tổng tham mưu của Bộ Công An
Nhà Nước trên con đường Normannestrasse và tìm thấy một kho hồ sơ to lớn mà bộ đã
lưu trữ dùng để rình rập các công dân mình. Tôi như đang sống trong một cái bẫy nghiệt
ngã đang xiết chặt lại. Tâm thần tôi lúc đó chỉ nghĩ đến rút lui và từ chức. Tôi biết tất cả
mọi hy vọng cải tổ nhà nước xã hội chủ nghĩa bây giờ đã tan tành (có một vài người nghĩ
rằng những năm tôi về hưu là để trở thành một nhà cải cách tương lai theo kiểu Mikhail
Gorbachev). Tôi cần một lối thoát tạm thời ra khỏi quốc gia nóng bỏng này.
         Tôi hướng vềMoscow, thành phố của thời niên thiếu của tôi, nơi đã cho gia đình tôi
trú ẩn tránh nạn Hitler và nơi tôi luôn ghi đậm tâm tình. Trái ngược với suy luận bình
thường, cuộc trốn chạy của tôi không có một kế hoạch rõ rệt nào cả. Tôi đang viết hồi ký
về những biến cố năm 1989 và tôi cần thời gian và không gian để hoàn tất nó trong lặng
lẽ. Nhưng tôi biết việc thống nhất có nghĩa là tôi sẽ bị giam cầm; đã có trát lệnh bắt tôi tại
Tây Đức ngay trước ngày sụp đổ, tố cáo tôi về tội gián điệp và phản bội. Những con cá
mập đang bủa vây.
         Cô em gái dị bào Lena Simonova cho tôi trú ngụ tại dacha và căn phòng nằm trong
căn phố nổi tiếng Nhà trên Bờ Đổ Bộ, nhà của các thành phần uư đãi thuộc giới ưu tú
củaMoscow kể từ những thập niên 1930. Mỗi lần tôi bước qua ngưỡng cửa đầy trang trí
của căn phố này, tôi không thể nào quên được hùng khí bừng lên trong lòng của thanh
niên Cộng Sản tại Moscow, nơi chúng tôi nương thân với cha mẹ chúng tôi để trốn chạy
Đệ Tam Đức Quốc (của Hitler). Bây giờ, nhìn xuống con Sông Moscow đông đặc vào
tháng Hai, tôi cảm thấy an toàn trở lại. Gió mùa đông giá buốt kích thích đầu óc suy nghĩ.
Tôi rảo bước thật lâu quanh đường phố chật hẹp của khu Arbat cũ, suy gẫm về cuộc đời
mình và những thăng trầm đã đưa đẩy tôi, một người sanh đẻ ở miền Nam nước Đức, đến
Moscow vào tuổi thiếu niên, đến nước Đức chia cắt vào tuổi trung niên, và bây giờ trở lại
Moscow lúc tuổi hưu dưỡng.
         Mục đích khác của chuyến đi sangMoscow này của tôi nhằm xem những đồng minh
cũ trong KGB và điện Cẩm-linh có thể giúp đỡ tôi và các đồng nghiệp của tôi trong cộng
đồng điệp báo đến chừng mực nào, nay quốc gia của chúng tôi đã thực sự tan vỡ. Chẳng
có đồng chí anh emMoscow nào vồn vã hỗ trợ chúng tôi trong suốt mấy tháng căng thẳng
vừa qua. Giống như chúng tôi, họ cũng hoàn toàn bị bất ngờ khi biến cố xẩy đến. Tình
anh em muôn thuở vẫn thường được tán tụng năm này sang năm nọ nay trở thành một mớ
giẻ rách. Nơi trước đây các đường giây điện thọai ưu tiên vẫn suốt ngày reo giữaMoscow
và Đông Bá Linh theo những cấp độ khác nhau giữa hai đồng minh, nay chẳng còn trao
đổi gì nữa. Thư từ không ai đáp lại. Im lặng phủ kín.
         Hộp thư tôi tràn ngập thư từ của các cựu sĩ quan trong cơ quan, cơ quan HVA
(Hauptverwaltung Aufklärung, « Tổng Cục Tình báo Trung Ương » – cơ quan điệp báo
hải ngọai), họ than phiền bị bỏ rơi và đơn độc gánh chịu cơn thịnh nộ của đồng hương,
nay tất cả những thái quá của Bộ Công An Nhà Nước đã được phơi bày. Quần chúng
phẫn nộ khi họ khám phá tầm kiểm soát rộng lớn của hệ thống công an trên khắp lãnh
thổ. Mặc dù công tác của tôi trong cơ quan HVA không bao giờ nhắm vào 17 triệu dân tại
Đông Đức mà mục tiêu chỉ nhắm tìm hiểu ý đồ của các quốc gia khác đối với khối Đông
Âu, tôi biết chẳng có mấy ai có chút tinh tế để phân biệt các ngành trong cơ quan Stasi
(tên tắt quần chúng thường đặc biệt dùng cho Ministerium für Staatssicherheit, mà cơ sở
chúng tôi cũng trực thuộc; một danh từ không một nhân viên nào trong ngành sử dụng và
chính tôi cũng tránh dùng)*. Tôi muốn biết bây giờ chúng tôi còn trông nhờ được gì với
tư cách nhân viên của một cơ quan trước đây đã từng là cơ quan điệp báo giỏi nhất khối
Xô Viết.
         Khi tôi đến, tôi được tiếp đón như thường lệ ở ngọai ô phía Tây Nam Moscow tại
toà nhà lớn ở Yasenovo, trụ sở của Đại Tổng Cục KGB, trung tâm điều nghiên công tác
điệp báo quốc tế. Giám Đốc điệp báo hải ngọai Leonid Shebarshin và ban điều hành chào
đón tôi thật là niềm nở. Chúng tôi biết nhau từ chục năm nay. Họ đem Vodka và ân cần
thăm hỏi về điều kiện sinh sống của tôi tạiMoscow. Nhưng rồi sau đó cơ quan KGB xem
ra không còn khả năng giúp đỡ chúng tôi đuợc nữa, vì họ ở thế kẹt trong cuộc tranh giành
quyền lực, bùng nổ vào giai đọan cuối bấp bênh khi Gorbachev cầm quyền.
         Vì trường hợp của tôi và số phận các sĩ quan, nhân viên và điệp viên trong ngành
điệp báo của Đông Đức quá sức tế nhị về mặt chính trị nên Tổng thống Gorbachev đích
thân giám định. Tôi biết những mối liên hệ của tôi với điện Cẩm-linh đều qua trung gian
của Valentin Falin, một Ủy Viên Trung Ương có uy tín và cố vấn ngọai giao cho
Gorbachev, một người tôi hiểu rõ qua những nỗ lực quan trọng trong việc thắt chặt liên
hệ Xô Viết và Đức. Việc can thiệp của Falin, một người được Tây Đức biết tiếng và kính
trọng, báo cho tôi biết tôi là một mối phiền toái chính trị tiềm tàng. Ông được giao nhiệm
vụ không mấy gì là đẹp giúp đỡ tôi nhưng không được quá lộ liều để làm phiền phía Tây.
         Đây không phải lần đầu trong cuộc đời của tôi, tôi nằm trong vị thế phải trông nhờ
Bà Mẹ Nga cứu vớt tôi. Nhưng trái với những lời đồn đãi, tôi chẳng có liên hệ chính thức
nào với thượng tần lãnh đạoMoscow khi tôi rời cơ quan điệp báo hải ngọai năm 1986.
Giám đốc KGB tại Bá Linh, trước đó là Wassily T. Shumilov và sau đó là Gennadi
W.Titov, cả hai đều liên lạc mật thiêt với Erich Mielke, Bộ trưởng Bộ Công An nhà
nước, và tránh tiếp xúc với tôi. Có một vài người đồn đãi tôi cùng với ông Cộng Sản cải
cách Hans Modrow đang chuẩn bị đảo chánh Honecker. Nhưng mặc dù tôi đã cảnh báo
Falin và các đồng nghiệp khác tại Moscow chế độ Đông Bá Linh đang trên đà tan vỡ, tôi
không hề yêu cầu hoặc nhận trợ giúp để áp lực lên cơ cấu lãnh đạo sau khi Honecker bị
hạ bệ nhằm thúc đẩy một cuộc đảo chánh lật đổ ông ta ngay trong nội bộ Bộ Chính Trị.
         Thực tế mà nói, tôi có thể đoan quyết lý do khiến cấp lãnh đạo Nga tránh liên lạc
với tôi sau khi tôi về hưu nằm ngoài lý do trung tín và phép xã giáo. Trong thời gian
ởMoscow, Falin và Sherbashin bàn luận rất cởi mở về những ưu tư của tôi đối với Đông
Đức, nhưng họ bị lôi cuốn vào các vấn đề của perestroika. Sau khi Bức Tường sụp, các
biến cố dồn dập với một tốc độ hầu như không một ai bắt kịp. Có lẽ đã quá trễ khi tôi viết
một lá thư cho Gorbachev vào ngày 22 tháng 10 năm 1990 và trình bày như sau :
         Chúng tôi là bạn của quý vị. Chúng tôi đeo trên ngực rất nhiều huy chương của quý
quốc. Chúng tôi được tiếng đã đóng góp rất lớn cho an ninh của quý vị. Bây giờ, tôi thiết
nghĩ quý vị sẽ không từ chối giúp đỡ chúng tôi.
         Bức thư tiếp tục yêu cầu lãnh tụ Xô Viết có thể nào xin ân xá cho tất cả những điệp
viên Đông Đức và lồng điều kiện này vào thỏa hiệp thống nhất nước Đức. Một bức thư
hồi âm của Vladimir Kryuchkov, giám đốc KGB, nói rằng Gorbachev đã phái Đại Sứ đến
Bonn để bàn thảo lời yêu cầu của tôi với Thủ Tướng Helmut Kohl. Thực ra ông Đại Sứ
được ông Horst Teltschick, Đổng lý Văn Phòng của ông Kohl, tiếp chuyện. Họ bàn thảo
về việc ân xá trong suốt mùa hè năm 1990 trước ngày Đồng Minh bàn đến việc thống
nhất nhưng họ không đạt đến một thỏa thuận nào cả. Kryuchkov nghĩ rằng Gorbachev sẽ
khơi động vấn đề này lại nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Arys, miềnCaucasus, để hoàn tất
những chi tiết trong việc thống nhất. Lời hồi đáp không cỏ vẻ gì khả quan. Lần đầu tiên,
tôi bắt đầu nghi ngờ về lòng thành của Gorbachev. Có thể nào ông giao chúng tôi một
cách vô điều kiện cho chính quyền Tây Đức, kẻ thù trước đây của chúng tôi ?
         Nhưng khi thỏa thuận việc thống nhất với Thủ Tướng Kohl tại Caucasus từ ngày 14
đến 16 tháng 7 năm 1990, Gorbachev hoàn toàn bỏ rơi chúng tôi. Vào những ngày cuối
của cuộc đàm phán, ông từ chối đưa ra bàn thảo lời yêu cầu miễn tố của chúng tôi. Lúc
bấy giờ mối quan tâm bức thiết của ông là trưng bày một hình ảnh đèp đẽ đối với Tây Âu
và gọn ghẽ quên đi trước đây ông cũng là một người Cộng Sản. Chính quyền Tây Đức
sẵn sàng bàn thảo vấn đề miễn tố cho những ai đã phục vụ cho Đông Đức, nhưng khi vấn
đề được đề cập nhanh chóng tại cuộc hội thảo, Gorbachev khoác tay và nói với Kohl là
người Đức nên tìm cách khôn khéo giải quyết vấn đề với nhau. Đây là lần phản bội tột
cùng của Xô Viết đối với những người bạn Đông Đức, những người đã từng làm việc hơn
40 năm nay để cung cố sức mạnh của Liên Bang Xô Viết tại châu Âu.
*
         Trong khi các nhà đầu tư mua bán mặc cả các cơ sở kỹ nghệ và cơ quan của Đông
Đức, một cuộc đấu giá tuyệt mật khác khởi sự. Đó là cuộc đấu giá trên cá nhân tôi họăc
chính xác hơn trên những hiểu biết tình báo và họat động của tôi. Và giá treo đắt hơn hết
mọi thứ : tự do của tôi.
         Cuộc đấu giá bắt đầu từ một phía hoàn toàn bất ngờ, các địch thủ trước đây tại Tây
Đức, cơ quan BfV (Bundesamt für Verfassungsschutz) Văn Phòng Liên Bang Bảo Vệ
Hiến Pháp, môt tổ chức tôi đã cài đặt các điệp viên và gián điệp nhị trùng xâm nhập vào
ngõ ngách thâm sâu của nó từ hàng chục năm nay.
         Tháng 3 năm 1990, cuộc bầu cử đầu tiên sau năm 1945 diễn ra tại Đông Đức đưa
Đảng Dân Chủ Thiên Chúa lên cầm quyền, đuợc hỗ trợ mạnh mẽ bởi liên minh lãnh đạo
của Thủ Tướng Kohl tại Bonn. Đây là một chính phủ biết chăm lo; công tác chính là nâng
cao Đông Đức theo kịp đà thống nhất và đồng thời giảm thiểu những nội lọan. Ông Bộ
Trưởng Nội Vụ là một người ăn mặc gọn ghẽ, một anh chàng có vẻ năng động tên Peter-
Michael Diestel, xuất hiện từ một trong những đảng bảo thủ thành lập tại Đông Đức vào
những ngày đầu Đông Đúc sụp đổ.
         Lúc này, Erich Mielke, từng là Bộ Trưởng Bộ Công An của nước Cộng Hoà Dân
Chủ Đức và là cấp trên trực tiếp của tôi trước khi tôi về hưu, đã bị bắt và áp lực trên các
nhân viên và sĩ quan cũ trong cơ quan của chúng tôi buộc họ phải tiết lộ những bí mật
mỗi ngày một gia tăng. Phản bội lan tràn và có những cuộc mặc cả giữa các nhân viên kỳ
cựu và chính quyền Tây Đức. Cuộc thương lượng thường xoay quanh vấn đề miễn truy tố
đổi lấy những bí mật của Đông Đức. Các sĩ quan tình báo lo sợ họ phải nằm tù vào những
ngày đầu của nước Đức thống nhất. Mỗi ngày tôi nhận điện thọai của các nhân viên tuyệt
vọng yêu cầu tôi can thiệp. Tôi được biết hai nhân viên cao cấp trong Bộ đã tự vẫn. Bern,
thằng con rể của tôi, chỉ huy một ban trong cơ quan HVA đặc trách về điệp báo nhắm vào
cơ quan phản gián của Tây Đức, gần đây cũng được đề nghĩ miến tố và hưởng nửa triệu
Đức Mã đổi lấy những hiểu biết về họat động điệp báo và những mục tiêu trước đây của
đương sự.
         Đương sự bác bỏ lời đề nghị nhưng, vì tuyệt vọng bởi sự nghiệp đổ vỡ thình lình và
sụp đổ của một hệ thống mà đương sự đã từng tin tưởng với hết tâm can, rơi vào khủng
hoảng tinh thần và đã định tự sát. Giống như trường hợp của hàng chục người khác cuộc
đời dù đúng hay sai đã dính liền với hệ thống đổ nát này, đương sự cảm thấy hết thời và
vô dụng. Họ không được một trợ giúp tâm lý nào cả; tinh thần tự trọng và lòng tin vào
chủ nghĩa của họ qua một đêm sụp đổ cùng với Bức Tường Bá Linh.
         Vào lúc này, Diestel gọi cho tôi tại dacha ở Prenden, gần Bá Linh, và mời tôi đến
gặp tại tư gia ông ta. Ngay từ lúc gặp gỡ đầu tiên tôi rõ biết ông ta làm việc theo lệnh của
Bộ Trưởng Nội Vụ Tây Đức, ông Wolfgang Schäuble. Nhưng khác với các chính trị gia
mới, ông ta không lấy gì làm vui thú nhìn sự bất hạnh của tôi. Trái lại, anh ta mong muốn
tạo nên một bầu không khí thân thiện giữa hai chúng tôi. Mặc dù có những khác biệt rất
lớn trong chính trường Đông Đức (và tôi chắc chắn bất đồng với lập trường cực kỳ Bảo
Thủ của ông Diestel) cùng chung một quá khứ giúp chúng tôi có được một chút tâm cảm.
         « Chúng ta cùng nhau dùng một bữa ăn tối và bàn thảo về những tiến triển tới, nhé ?
» ông ta hỏi một cách nhẹ nhàng. Ông nói người phụ tá sẽ thu xếp mọi việc.
         Một vài ngày sau, một chiếc xe BMW xanh lơ đến rước tôi, lọai phuơng tiện di
chuyển mới của những kẻ có thế lực, thay thế cho những chiếc Citroën và Volvos trước
đây vẫn được các lãnh tụ Cộng Sản ưa chuộng. Tôi có ý định vặn hỏi ai trong cấp lãnh
đạo trước đây được tài xế đưa rước cách đây vài tháng, nhưng tôi tế nhị không nói.
         Tôi cảm thấy thú vị khi nhận ra những người hầu bữa ăn tối đều làm việc cho Bộ
Công An trước đây. Diestel nói : « Những gì tôi đề nghị với ông bây giờ là tuyệt mật ».
Ông giải thích chính quyền Tây Đức rất khổ sở trong cố gắng mổ xẻ tìm hiểu những họat
động tình báo rộng lớn và tinh vi của Đông Đức, điều nghiên những tài liệu do hệ thống
cộng sản để rơi lại trong lúc sụp đổ không kèn không trống. Người kế vị tôi khi tôi rời bỏ
nhiệm sở năm 1986 ông Werner Grossmann và môt sĩ quan cao cấp khác, ông Bernd
Fisher, đã được lệnh hướng dẫn các viên chức Tây Đức trong sồ lượng khổng lồ tài liệu
nhưng họ không theo dõi kịp danh sách những nhân viên điệp báo và điệp viên, và không
có một bảng tổng kết tương đối rõ rệt về những hiểu biết của họ. Ông Bộ Trưởng Nội Vụ
Schäuble rất nôn nóng, đoan chắc các nhân viên điều tra của ông đã thất bại trong việc
tìm hiểu toàn bộ công trình của chúng tôi.
         « Ai là người có thể giải thích rõ cho họ ngoài tác giả đã xây dựng tất cả nền móng
này và điều khiển cho nó chạy như một cây kim đồng hồ? » Diestel thúc gịuc tôi đồng
thời châm nước vào ly của tôi. Ông không chỉ đơn thuần xin tôi một ơn huệ. Lẽ cố nhiên
là sẽ có phần thưởng : đuợc miễn truy tố về tội phản bội nhà nước Tây Đức. « Lên xe của
tôi », ông nói, « và đến văn phòng của Boeden với tôi [Gerhard Boeden lúc đó là giám
đốc cơ quan phản gián của Tây Đức, cơ quan BfV]. Nói cho chúng tôi biết khoảng 10 hay
12 tên điệp viên cao cấp tại Tây Đức và giúp đỡ chúng tôi nhận diện những tai hại mà
phía các ông đã làm, và chúng tôi sẽ dàn xếp để ông không bị truy tố. »
         Boeden, ông ta nói tiếp, sẵn sàng bảo đảm cho tôi được tự do không có chuyện bẳt
bớ nếu tôi chấp nhận khai báo cho đương sự. Cuộc thảo luận đã được cẩn thận dàn xếp từ
trước, Boeden sẽ nhẫn nại chờ đón tôi cách đó vài dặm để xác minh cho lời mời của
Diestel. Chúng tôi cũng đề cập đến việc tôi cộng tác với cơ quan truy lùng khủng bố của
Tây Đức với những hiểu biết sâu rộng của tôi.
         Bây giờ đến lượt tôi thương thuyết. Tôi nói tôi chân thành cảm tạ đề nghị miễn tố
nhưng tôi cũng có trách nhiệm với những thượng cấp và nhân viên của tôi trước đây.
         Một đỗi sau Diestel cảm thấy chán ngán với cuộc dằng co này. « Ông Wolf » ông
nói, « Tôi thiết nghĩ ông biết rõ tất cả chúng ta sẽ vào tù không vì lý do này cũng vì lý do
khác. Vấn đề duy nhất là miếng ăn và điều kiện sẽ ra sao khi chúng ta vào trong đó. »
         Ông có ý ám chỉ những ai như chúng tôi đã từng phục vụ cho Đông Đức bây giờ
chẳng còn chỗ đứng nào trong nước Đức mới. Trường hợp của tôi nhất định không thể
nào thoát tội phản quốc và chùi bò vài năm trong xà-lim.
         Tôi sẽ là kẻ nói láo nếu tôi không nhìn nhận lời mời có sức quyến rũ mãnh liệt. Tôi
muốn được tự do. Nhưng tôi cũng hiểu rõ tự do của tôi sẽ nguy hại đến tự do của các
nhân viên nam nữ đã cống hiến cuộc đời của họ cho cơ quan của tôi và, đối với các nhân
viên làm việc bí mật tại Tây Đức, nguy cơ ngồi tù nhiều năm. Họ sẽ đánh giá tôi như thế
nào, người mà họ vẫn gọi là Ông Xếp, nếu tôi bán đứng họ lúc này? Tôi cám ơn Diestel
về bữa cơm tối thân mật nhưng tôi từ chối lời đề nghị.
         « Tôi để cho kẻ khác phản bội » tôi nói.
         « Sẽ không thiếu người ghi danh, » ông nói và đồng thời quay lưng ra đi.  « Nếu
ông thay đổi ý kiến, sẽ luôn có xe sẵn chờ đưa ông cùng với tôi đến văn phòng của
Boeden.»
*
         Quả không thiếu những người muốn mua chuộc tôi. Một lời mời khác phát xuất từ
một nơi mà tôi không thể ngờ dù là trong những ước vọng điên cuồng nhất của tôi, giúp
tôi thẳng tiến trên đường tìm tự do.
         Ngày 28 tháng 5 năm 1990, hai người Mỹ đến trước cổng nhà tôi ở dưới quê. Họ tự
giới thiệu với một vẻ bình thản lạ lùng, họ đại diện cho cơ quan tình báo CIA và đưa một
bó hoa to và một hộp chô-cô-la cho vợ tôi. Không hiểu bó hoa đó để khen tặng hay để
đưa đám.
         Người đàn ông cao niên, bộ mặt ốm và tóc hoa râm, mặc một bộ đồ đen xậm, áo sơ-
mi trắng toát ủi ngay ngắn và đeo cà-vạt sọc. Ông ta tự giới thiệu là Hathaway và người
ủy nhiệm của ông William Webster, lúc đó là Giám đốc của Cơ Quan Trung Ương Tình
Báo của Hoa kỳ và thừa lệnh ông ta đến đây. Ông nói tiếng Đức chính xác và gãy gọn.
         « Một tên thư lại văn phòng » bà vợ Andrea tôi nói vậy, thì thầm nơi tai tôi khi
chúng tôi lui vào bếp để vợ đi kiếm bình bông, tôi đi kiếm thuốc lá và gạt tàn. Hathaway
là một trong những anh chàng cực đoan chống hút thuốc và yêu cầu tôi đừng mồi thuốc.
Tôi hỏi đùa đây có phải là một chiến dịch mới của CIA không và ông cười một cách xã
giao không có vẻ gì thực thà cho lắm.
         Người tháp tùng, trẻ và béo mập hơn, vui vẻ tự giới thiệu là Charles và xưng là
Trưởng Ban của cơ quan tại Bá Linh, nhưng theo nhận xét của tôi đương sự có vóc dáng
của một tên cận vệ. Hắn nói và phản ứng rất ít trong lúc trò chuyện, dù là mãi sau tôi mới
biết y cũng am hiểu tiếng Đức. Andrea nghĩ đến những anh chàng Mỹ được thấy trên
phim truyền hình về chiến tranh ViệtNam.
         Họ đã cẩn thận không dùng điện thoại để liên lạc với tôi, hiển nhiên họ cảnh giác
việc KGB và chính phủ Tây Đức đặt đường giây nghe lén. Họ năm lấy cơ hội một người
sưu tầm quân phục tại Hoa Kỳ để liên lạc với tôi, và hỏi tôi có sẵn quân phục Đông Đức
để bán không. Qua đường dây tiếp cận mới này giữa Đông và Tây, họ quyết định liên lạc
với tôi.
         Từ khi Bức Tường sụp đổ, tôi cũng có cơ hội bằng phương tiện fax nhận thơ thăm
hỏi của một người trước đây họat động cho CIA tại Âu Châu; đương sự hầu như chẳng
bao giờ moi móc tôi một điều gì; lời lẽ của đương sự biểu hiện thái độ thán phục phong
cách của một địch thủ uy tín. Nhưng nay tôi tự hỏi đương sự có thể nằm trong kế họach
tiếp cận tôi.
         Dù thế nào đi nữa, có người trong tổng tham mưu CIA đã tìm ra được tên và địa chỉ
của Eberhard Meier người phụ tá thân tín của tôi, và đã liên lạc với đương sự để dọ hỏi
xem tôi có muốn tiếp hai đối tác Mỹ không. Họ tỏ ra rất là chuyên nghiệp, không bao giờ
dùng điện thọai hoặc thơ từ để có thể bị tiếp thu, và luôn tìm những phương tiện khác để
gởi thông điệp đến tôi qua người phụ tá, không bao giờ trực tiếp. Tôi nói với anh phụ tá
mời họ đến biệt thư của tôi, một nơi gặp gỡ kín đáo hơn là căn phòng của tôi tại Bá Linh.
Tuy nhiên tôi vẫn ngẫm nghĩ không biết họ muốn gì. Đã 4 năm tôi rời cơ quan, tôi đâu
còn gì để bắt cóc tôi, họ đeo đuổi việc gì đây ?
         Tôi không còn những phương tiện điệp báo như xưa nên tôi trở về với những
nguyên tắc thuở ban đầu và khôn khéo thu thanh cuộc họp mặt trong một máy ghi âm
giấu ở cạnh bàn. Bất cứ ai dù biết sơ sai kỹ thuật điệp báo cũng không bao giờ liên lạc
với một thế lực thù địch mà không ghi âm toàn bộ buổi họp để tự bảo vệ tránh sau này bị
nạn xăng-ta.
         Hathaway bỏ ra cả nửa ngày trình bày nỗi thông cảm với những khó khăn của tôi
trong giờ phút thống nhất nước Đức và việc tất yếu tôi sẽ bị bắt giữ. Ông tâng bốc tôi cao
độ và tôi danh tiếng trở thành một trong những cấp lãnh đạo tình báo đứng đầu thế giới.
         Tôi cảm nhận ông ấy biết rất nhiều về tôi và ông đang cố gắng lựa lọc những định
kiến của ông về tôi và chọn lựa những điều phù hợp với tình thế hiện tại. Thật ra, trong
phong cách của một nhân viên tình báo có bản lãnh, ông tiết lộ rất ít về cá nhân ông để có
được một tiết lộ quan trọng của người đối thọai. Ông nói ông đã từng họat động tại Bá
Linh vào những thập niên 1950 và theo dõi rất sát những năm đầu của tôi trong nghề. Tôi
ước đoán trong lúc đối thọai ông cũng đã từng lãnh đạo trụ sở CIA tạiMoscow.
         « Ông là một người làm việc cần mẫn và thông minh, » Hathaway nói.
         Đầu tiên là củ cà-rốt, tôi tự nhủ, sau đó là cây gậy. Chúng tôi uống hình như là một
biển cà-phê. Tôi hút thuốc và người khách của tôi bất bình ra mặt. Cuối cùng tôi không
chịu đựng được.
         « Thưa hai ông », tôi nói, « tôi thiết nghĩ hai ông từ đường xa đến đây không phải
để ca ngợi cặp mắt tôi đẹp. Tôi đoan chắc hai ông cần tôi làm một chuyện gì đây ».
         Cả hai đều phá lên cười, cảm thấy nhẹ nhọm, chiếc bánh rồi ra cũng được cắt
đôi.Giọng của Hathaway trầm xuống.
         «Ông là một người Cộng Sản kiên định, chúng tôi biết điều này. Nhưng nếu ông cố
vấn và giúp chúng tôi, ông có thể làm việc chung với tôi. Không ai biết chuyện này cả.
Chúng tôi có thể dàn xếp, ông biết rõ. Chúng tôi có thể thực hiện được công việc này. »
         Đầu óc của tôi bắt ngay những tín hiệu của ngôn ngự mật mã và chuyển sang một
tốc độ cao hơn. Đây là phái viên của chính phủ Hoa Kỳ, kẻ thù chính trong cuộc Chiến
Tranh Lạnh, đang chuẩn bị cung cấp cho tôi nơi tá túc để tránh sự phục thù của một đồng
minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước Đức thống nhất.
         «California, » ông tiếp tục nói bằng tiếng Đức trôi chảy, « là một địa điểm rất thoải
mái. Khí hậu tốt quanh năm. »
         « Tây-bá-lợi-á cũng thoải mái lắm, » tôi nói đùa nhưng lại đau sót thấy cách nói
chuyện trong ngành tình báo thực tế đôi lúc cũng giống văn phong của tiêu thuyết gián
điệp.
         Chúng tôi đều phá cười, nhờ vậy tôi được một khoảnh khắc suy nghĩ.
         « Vấn đề là tôi không biết rõ Hoa kỳ. Tôi không mường tượng được cuộc sống của
tôi tại đó ».
         Hathaway nói Webster muốn mời tôi đến tổng hành dinh của CIA
tạiLangley,Virginia, để bàn thảo. Ông tiếp tục : « Chúng tôi có thể cải trang hoặc sửa mặt
cho ông để ông có thể cảm thấy an toàn hơn».
         Tôi phải cố gắng hết sức để không phi cười khi tôi nghĩ đến những năm đầu tập
tễnh học nghề gián điệp.
         « Tôi mãn nguyện với hình thù nguyên vẹn của tôi », tôi trả lời.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 3 (Markus Wolf)                        
“…Nếu các ông còn muốn nói chuyện với tôi, hãy mời tôi sang Hoa Kỳ một cách chính
thức và chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh, như nguời lớn. Tôi cần được biết đất nước
của quý ông để tôi có thể quyết định…”
Một lần nữa, người đối thọai với tôi cười gằn. Đương sự nói tiếp là một số tiền rất lớn sẽ
được trao cho tôi. Chúng tôi không đề cập đến những chi tiết, nhưng tôi biết một sĩ quan
của tôi phụ trách về điệp báo nhắm vào Hoa Kỳ, Jürgen Rogalla, đã được một trưởng ban
CIA tại Bá Linh hứa trao một triệu Mỹ kim để đương sự khai hết những gì đương sự biết,
nhưng anh ta đã từ chối. Chúng tôi xã giao bàn về những hậu quả của sự sụp đổ của chủ
nghĩa cộng sản và danh tiếng tốt của cơ quan do tôi chỉ huy.
         « Lẽ cố nhiên, » ông nói « ông phải làm một việc gì đó cho chúng tôi ».
         Lo ngại phải nhắc lại lời mời của chính quyền Đức trong việc khai tên các nhân
viên của tôi để bù lấy tự do, tôi trả lời tôi không sẵn sàng trao danh tánh của bất cứ nhân
viên nào của tôi.
         « Chắc chắn sẽ có đền bù cho ông trong vấn đề này, lẽ cố nhiên là vậy » Hathaway
nói.
         Câu này gây cho tôi một cảm giác khó chịu, có lẽ vì nó gợi lại phong cách của
chính tôi khi tôi dùng lối tâng bốc và kẻ cả để nói chuyện với nhân viên của tôi vào thời
vàng son của tôi. Cái đám người này là cái thá gì mà dám nói với tôi như vậy.
         « Thưa quý ông », tôi trả lời, « Tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc các ông
đang cố gắng làm hôm nay. Tôi biết rất rõ các ông nghĩ gì. Các ông đòi hỏi đối tác của
các ông rất nhiều nhưng đối tác của các ông không lấy gì làm vồn vã. Các ông phải biết
kiên nhẫn. Các ông phải bàn thảo rất nhiều chuyện và mổ xẻ kỹ lưỡng vấn đề trước khi đi
đến một quyết định chính thức ».
         Đây là lối diễn tả khéo nhất những gì tôi suy nghĩ. Nhưng trong thâm tâm tôi chỉ
muốn nói toẹt với Hathaway là đương sự lầm to, đương sự nói chuyện với tôi như thể nói
chuyện với một nhân viên quèn mà đương sự có thể mua và bán dễ dàng. Tôi muốn nói
thẳng với đương sự làm việc như vậy không được, chúng ta phải nói chuyện một cách
nghiêm chỉnh trên cấp độ của hai người biết chuyện quá thành thạo.
         « Nhưng ông phải giúp chúng tôi, » Hathaway nói.
         «Có lẽ điều này đúng nếu tôi cầu cứu đến các ông » tôi nói, lần này không cần dấu
diếm sự bực tức của tôi, « Các ông có thể vặn hỏi tôi đóng góp được gì cho các ông.
Nhưng đàng này tôi không nộp mình cho các ông. Chính các ông đến đây mời gọi tôi ».
         « Vâng, vâng, » Hathaway vội vã nói « đúng là chúng tôi đặc biệt đến Bá Linh để
nói chuyện với ông ».
         « Luôn luôn có giới hạn trong những cuộc bàn thảo như vậy, » tôi nói « Giới hạn
của tôi là tôi không bao giờ phản bội bất cứ ai làm việc cho tôi. Không tên tuổi gì hết.
Nếu các ông còn muốn nói chuyện với tôi, hãy mời tôi sang Hoa Kỳ một cách chính thức
và chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh, như nguời lớn. Tôi cần được biết đất nước của
quý ông để tôi có thể quyết định. ».
         « Nhưng an ninh của ông ở đây không khả quan chút nào, » Hathaway phản bác,
nhắc nhở cho tôi biết nếu tôi ở lại Đức, chỉ còn một vài tuần nữa tôi sẽ bị bắt và điều này
tôi biết quá rõ.
         « Nước Nga luôn chờ đón tôi », tôi đáp lại.
        Khi nghe câu này, người đối thoại với tôi thình lình trỗi dậy, cảm nhận đương sự
đang đấu giá với một đối thủ uy thế khác.
         « Chớ đi Moscow, » đương sự nói « Đời sống nơi đó cực lắm. Hãy nghĩ đến
Andrea. Hãy đến một nước mà mọi sự sẽ thoải mái cho ông, nơi đây ông có thể làm việc
và viết sách một cách yên tĩnh. Theo ý kiến cá nhân của tôi, điều này chỉ có thể thực hiện
được tại Hoa kỳ mà thôi ».
         Viễn tượng về hưu sung túc và nằm phơi nắng tạiCalifornia hoặcFlorida hơn là nếm
mùi vị của nhà tù Đức đối với tôi thật là quyến rũ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bất an khi
nhìn thấy viễn tượng nộp mạng làm con tin cho CIA. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu họ quyết
định siết chặt gọng kềm lên tôi ? Đoán chừng họ cũng ghi âm buổi nói chuyện, và họ có
thể hô hoán là tôi đã ngụy tạo cuộc họp nếu cuộc đàm phán bất thành. Tôi muốn có được
bảo đảm là họ thật tâm muốn tiến xa hơn nữa để tôi có thể tiếp tục nói chuyện ; vì vậy tôi
yêu cầu họ viết thư mời tôi sang Hoa Kỳ, qua trung gian của một cơ quan ngoại vi của
CIA.
         Các vị khách của tôi không hài lòng với lời đề nghị của tôi, họ giải thích rằng họ
làm việc trong một khuôn khổ giới hạn số khách ngọai quốc được mời, khó vượt qua. Lẽ
cố nhiên họ lo ngại Tây Đức sẽ khám phá việc trao đổi này. Dù sao đi nữa, việc âm mưu
thu nhận một cán bộ cao cấp đã từng làm việc lâu năm cho kẻ thù như tôi được coi như
một phản bội lớn đối với các đồng minh tại Âu Châu và đặc biệt đối với Đức. Tôi đề nghị
họ tìm một nhà xuất bản hoặc một hãng phim gà nhà qua đó họ mời tôi với tư cách là tác
giả – một phương pháp hiệu nghiệm để ngụy trang một công tác. Đây chắc chắn là
phương pháp để dàn xếp một cuộc trao đổi tại khối Đông Âu, và tôi thiết nghĩ CIA có
thừa phương tiện để kiếm ra một tổ chức viết thư mời rồi sau đó biến thành thường trú tại
Hoa Kỳ nếu cuộc trao đổi thành công.
Bầu không khí chìm trong im lặng một lúc lâu, sau đó Hathaway lắc đầu. Nhưng rồi họ
bỏ lửng, tiếp tục nhấn mạnh tôi có thể có những đóng góp giá tri cho cơ quan CIA mà
không phản bội các nhân viên của tôi. Lần hồi tôi mới hiểu rõ họ không như chính phủ
Tây Đức, họ không ưu tiên chú ý đến những việc làm của tôi với tình báo Đông Đức,
nhưng chú ý đến những hiểu biết của tôi về KGB và cơ cấu của cơ quan tình báo Xô Viết.
         « Thưa quý ông, » tôi nói, với hy vọng đưa cuộc thảo luận đi mau chóng vì tôi bắt
đầu ưu tư, « tôi không biết rõ quý vị thuộc ngành nào trong cơ quan, nhưng tôi có thể
đoán chừng. Có phải quý ông muốn tôi cung cấp một sự kiện rất đặc biệt cho quý ông, có
phải thế không ? »
Cuối cùng Hathaway nói toạc vấn đề.
         « Ông Wolf, » ông nói nhỏ nhẹ, « chúng tôi đến đây vì chúng tôi biết ông có những
thông tin trong đường dây họat động có thể có ích cho chúng tôi trong một trường hợp
đặc biệt trầm trọng. Chúng tôi đang tìm một tên nằm vùng ngay trong cơ quan chúng tôi.
Y đã gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi. Đã xẩy ra nhiều chuyện không tốt cho chúng tôi
khoảng năm 1985. Không những tạiBonn mà còn tại những nơi khác nữa, những nơi mà
ông rất quen thuộc. Chúng tôi đã thiệt mạng vài người – có thể từ 30 đến 35, và từ 5 đến
6 thuộc thành phần cao cấp».
Ông có vẻ thông thạo Tình Báo Xô Viết và biết rõ ai chỉ huy ngành điệp vụ hải ngọai và
những công tác của ngành này. Điều này xác định nhận xét trước đây của tôi trong lúc
nói chuyện, ông là một nhân vật cao cấp trong tình báo Mỹ. Chúng tôi nói chuyện dè dặt
về những tên phản bội nổi tiếng của Xô Viết – Penkovsky, Gordievsky, Popov – những
người đã thay lòng đổi dạ giúp cho Hoa Kỳ theo kịp tình báo Xô Viết. Ông cảm phục
tướng Kireyev, một người bạn đồng nghiệp của tôi, đứng đầu phản gián hải ngọai
tạiMoscowvà tôi đã từng phối hợp với ông trong nhiều cộng tác chống lại CIA. Ông cũng
biết đôi chút về những cơ sở này và muốn quay cuộc thảo luận sang ông Felix Bloch, một
nhân viên ngoại giao Mỹ mà CIA tình nghi đã bịMoscowmóc nối, nhưng họ không đưa ra
tòa xét xử vì thiếu tang chứng. Tôi đoán chừng trung tâmLangleyđã rất khổ sở tìm kiếm
những mối giây liên lạc của tôi với KGB và họ hy vọng trong vấn đề này họ có thể biết
được danh tính của tên nằm vùng mà họ tìm kiếm.
Tôi không rõ việc này. Loại tin tức này được mấy ông Xô Viết bảo vệ rất chặt chẽ. Tôi
cũng không hề báo cho Xô Viết biết danh tính của những điệp viên nằm vùng cao cấp
cũng như nhân viên của tôi, mặc dù ngoài mặt chúng có cùng chung chí hướng anh em.
Cùng lắm chúng tôi nói nhẹ nhàng với nhau chúng tôi có « người ngồi » trong lòng của
địch thủ, và không thêm một chi tiết nào khác.
Qua lối tiếp cận khẩn khoản và những cố gắng dai dẳng của Hathaway để dẫn dụ tôi ngả
theo phiá Hoa Kỳ, rõ ràng là CIA đang ở trong trạng thái hoảng hốt vì bị xâm nhập. Họ
phải ngậm đắng nuốt cay để trình bày vấn đề của họ cho tôi. Hơn nữa, họ có thể gây hiềm
khích với đối tác Tây Đức khi họ tiếp xúc với tôi. Trong những trường hợp vô vọng như
vậy, ngay cả những gắn bó ý thức hệ cao độ nhất cũng vỡ tan.
Ngày 29 tháng 5 họ trở lại lần nữa, nhưng chúng tôi không đạt đến một thỏa hiệp nào để
chính thức mời tôi sang Hoa Kỳ. Hathaway nói ông sẽ báo cáo cho Webster và nếu tôi
muốn xúc tiến vấn đề này, tôi có thể liên lạc với ông. Họ thật sự hy vọng, với áp lực mỗi
ngày một kề cận tội bị bắt giam, tôi sẽ chấp thuận khép mình duới lọng che của họ, theo
những điều kiện họ muốn. Đến đây Charles nhập vào chuyện và nói với Andrea, mô tả
những vui thú tại Hoa Kỳ. Trước khi lên đường, họ trao cho tôi một số điện thoại miễn
phí của trung tâm Langley, và chúng tôi trao đổi mật tự để liên lạc mai sau. Tôi không
cung cấp và cũng không hứa bất cứ điều gì với họ. Tôi biết họ đang chơi trò chờ đợi và
tình trạng của tôi mỗi ngày bi thảm hơn.
Vào trung tuần tháng 8 lời mời của chính quyền Đức do Peter-Michael Diestel đứng ra
làm trung gian mất đi hoàn toàn hiệu lực. Tôi nhận thấy những lựa chọn của tôi không
còn bao nhiêu. Cơ quan CIA lẽ cố nhiên cũng tiên đoán như vậy, vì họ liên lạc với tôi lần
nữa cũng theo con đường cũ. Chúng tôi thu xếp một cuộc gặp gỡ khác tại dacha của tôi
và Hathaway một lần nữa nhắc nhở điều ông gọi một cách tế nhị « tình thế khó khăn »
của tôi. Webster, ông nói tiếp, vẫn tiếp tục từ chối gởi lời mời đích danh cá nhân tôi,
nhưng họ vẫn sẵn sàng mở cửa đón nhận tôi tại Hoa Kỳ với điều kiện tôi giúp họ săn lùng
tên điệp viên nằm vùng. Lần này Charles có vẻ họat bát hơn. Y giải thích nếu tôi quyết
định kêu gọi sự giúp đỡ của họ, tôi có thể phái Andrea đến trạm xe hỏa Bahnhof Zoo nằm
phía Tây của Bá Linh và gọi một số điện thọai miễn phí. Andrea tự giới thiệu là Gertrud
và nói « Tôi muốn nói chuyện với Gustav ». Cuộc đào thoát của tôi như vậy đã được tính
toán tại Bá Linh và một người tên Charles sẽ đảm nhiệm trường hợp của tôi.
Tôi đoán chừng từ đó mật hiệu Gertrud sẽ tự động chuyển sang Trung Tâm Langley và
đồng thời cho cả đầu giây CIA tại Bá Linh. Bốc tôi ra khỏi nước Đức không phải là một
chuyên khó, có lẽ bằng máy bay, tương tự như Xô Viết đã làm khi họ đưa vị lãnh tụ thất
sủng Erich Honecker ra khỏi Đông Đức trên một chiếc máy bay quân sự để đến Moscow.
Hồi tưởng năm 1945 ngồi trên một trong những chuyến bay đầu tiên trở về nước Đức
Cộng Sản từ Moscow sau khi Hitler sụp đổ, tôi suy gẫm tịnh huống trớ trêu của tôi chấm
dứt sự nghiệp 45 năm sau lại trốn bỏ Bá Linh dưới sự bảo trợ của Hoa kỳ.
 Chúng tôi có thêm một lần họp nữa, lần này tại căn phòng trong thành phố của tôi, và
cuối tháng 9, nhưng không có một tiến triển nào trong lời mời của Hoa Kỳ.
Tới đây, Tòa Biện Lý Tây Đức trịnh trọng tuyên bố các sĩ quan cảnh sát đã bày binh bố
trận trước cửa nhà tôi vào đêm ngày 2 tháng 10 để bắt tôi. Tờ báo lá cải Bild-Zeitung đã
gởi một đại diện đến đề nghị trả chi phí tòa án bào chữa cho tôi bù lại họ được độc quyền
đăng tải về việc bắt giam tôi. Tôi nói với họ tôi sẽ nghĩ đến việc này. Đây là cả một trò hề
dàn cảnh mà tôi không muốn tham dự vào. Tôi nói với tờ Bild-Zeitung tôi không có ý
định rời bỏ nước Đức. Điều này hầu như là đúng, vì chắc chắn tôi có ý định rời bỏ nước
Đức một thời gian, nhưng tôi không biết phải đi nơi nào. Vì khi tôi từ chối trở thành một
tên phản bội theo mệnh lệnh củaBonn, tôi đã từ bỏ mọi lựa chọn để ở lại Đức để tránh
không phải ra tòa và cố nhiên vào tù.
Mãi sau này tôi khám phá ra tên tuổi của tay nằm vùng đã làm đau đầu CIA. Tên của y là
Aldrich Ames, tên phản bội tai hại nhất trong lịch sử gián điệp Hoa Kỳ. Ames đã lợi
dụng vị thế của mình trong trách vụ truy lùng những công tác phản gián của Xô Viết trên
khắp thế giới để bán cho Xô Viết tên tuổi các điệp viên của Hoa Kỳ, và đã hữu hiệu phá
vỡ mạng lưới tình báo của Hoa Kỳ tại Liên Bang Xô Viết từ bên trong. Hắn phục vụ
choMoscowtrong vòng 9 năm, cả dưới chế độ cộng sản và thời của BorisYeltsin, trong
chức vụ này và sau này trong ngành bài trừ ma túy. Qua cuộc buôn bán, hắn đã nhận 2,7
triệu Mỹ kim ; sự kiện này biến hắn trở thành tên nằm vùng đắt giá nhất trong lịch sử
điệp báo. Ông Gardner A. Hathaway, người khách từ Langley đến gặp tôi không chỉ là
một đặc phái viên của William Webster, nhưng, sau này tôi được biết, ông là Giám Đốc
ngành phản gián Hoa kỳ, về hưu vài tháng trước khi đến thăm tôi.
Gus Hathaway, một sĩ quan kỳ cựu của Nha Giám Đốc Điều hành Công tác của CIA,
nhận trách vụ được hơn một năm, ghi nhận một số tín hiệu càng ngày càng nhiều có một
tên phản bội ở cấp cao trong cơ quan. Ông là một trong những người hiếm hoi biết rõ
những tổn thất nặng nề của điệp báo Hoa Kỳ trong lòng Liên Bang Xô Viết – mười vụ
hành quyết và một chục bị kết án tù nặng – và ông am hiểu rất rõ sự hiện diện của tên
phản bội trong hàng ngũ đang làm xuất huyết tình báo Hoa Kỳ.
         Tôi cũng tìm hiểu về Hathaway và có điều gì đó nơi ông làm cho tôi kính phục. Khi
tôi được biết ông ta vừa về hưu, tôi có phần tâm cảm với ông trong tư cách của một sĩ
quan tình báo về hưu. Giống như trường hợp của tôi, ông không có khả năng chấm dứt
cuộc đời sự nghiệp của ông và đơn sơ hưởng những năm còn lại để làm vườn, nghỉ mát,
và tận hưởng tất cả những thú vui gia đình mà chúng tôi mơ ước khi về hưu. Ông bị lôi
cuốn vào mớ bòng bong chết người mà ông đã bỏ những năm cuối làm việc để tìm cách
gỡ rối : Ai là kẻ phản bội liên tục ngay trong cơ quan của ông? Tôi liên tưởng đến ánh
mắt của ông khi chúng tôi đối diện nhau ông thú nhận sự thất bại của CIA trong những
lời ngắn ngủi và đứt đọan. Có lẽ ông đã hy sinh tự ái rất nhiều để đi sang Bá Linh cầu
cứu với kẻ thù trước đây. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp và vì cá tính, ông bị ám ảnh
trong việc truy tìm tênAmes. Đơn vị truy lùng cũng được giữ bí mật ngay trong nội bộ
CIA. Đội truy lùng phần đông gồm những sĩ quan về hưu để bảo vệ bí mật và được gọi là
Toán Công Tác Đặc Biệt. Toán này có một nữ sĩ quan cao cấp trong ngành điều nghiên –
một sự kiện hiếm có trong CIA hoặc trong các cơ quan tình báo khác. Bà này đã tìm hiểu
trường hợp của một tên nằm vùng gốc Trung Hoa làm việc cho CIA trong vòng 30 năm
mà không hề bị phát giác và trường hợp của một đồng nghiệp đáng kính trong cơ quan
tình báo Xô Viết. Tôi khâm phục khả năng điều hành của Hathaway. Trong vị thế của
ông tôi sẽ hành sử đúng như ông đã hành sử và giữ số người trong đội càng ít càng tốt.
Dùng những sĩ quan đã về hưu là một phuơng thức hành sử càng khôn ngoan hơn nữa, vì
dùng những nhân viên làm việc trong Ban Điều Nghiên Xô-viêt của CIA sẽ có nguy cơ
báo động và ngay cả tuyển chọn tên nằm vùng. Phương sách hoạt động trong những
trường hợp này phải là : bủa lưới một cách nhẹ nhàng.
         Cuối cùng cơ quan FBI, đối thủ của CIA, phát giác hành tung củaAmes. Tôi ngờ
những khó khăn Hathaway vấp phải là do thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu hiểu biết. Hơn
thế nữa, ông không phải là một người có nhiều sáng kiến và, theo lời của một vài đồng
nghiệp của ông, ông là người của bàn giấy. Nhưng tôi không trách lỗi ông đã thất bại
trong việc nhận dạng tên phản bội đã đánh phá tình báo Hoa Kỳ như con vi khuẩn độc hại
nằm trong ruột. Công việc bội bạc và mệt nhọc để truy lùng tên phản phé lúc nào cũng có
vẻ giản dị khi nhìn lại hơn là lúc đang lâm cuộc. Những điểm then chốt lúc nào cũng có
vẻ hiển nhiên – nhưng chỉ sau khi lùng bắt đuợc con mồi.
         Tìm những điểm lạ trong phong cách của một tên nằm vùng là phương pháp đúng
đắn. Nhưng rất nhiều người trong bất cứ ngành nghề nào – chưa kể đến nghề điệp báo
đầy bức xúc – cũng có vấn đề rượu chè, tư cách hoặc vấn đề gia đình, họ cảm thấy không
được cấp trên đánh giá đúng mức hoặc cần tiền nhiều hơn mức thu nhập lương thiện của
họ. Các nhân viên trong ngành điệp báo do môi trường bưng kín họ sống hoặc làm việc
được khuyến khích cảm nhận những nguyên tắc áp dụng cho những người khác nhưng lại
không áp dụng cho họ. Các nhân viên CIA nỗ lực làm việc trong ngành phản gián Xô
Viết phải biết rõ tâm não của kẻ địch để rồi càng ngày càng dễ rơi vào lối suy nghĩ của
địch thủ và rồi, như trong trường hợp của Ames, những mối ràng buộc với quốc gia và cơ
quan của mình tự nhiên tan biến do những mặc cảm thua kém và ấm ức dồn nén.
         Khi Xô Viết móc nối Ames vào năm 1985, đương sự đuợc điều khiển bởi Stanislav
Androsov, một nhân viên KGB thường trú ( sĩ quan KGB được chính thức bổ nhiệm) tại
Đại Sứ Quán Xô Viết tại Washington. Một năm sau Ivan Semyonovich Gromakov thay
thế Androsov. Tôi quen biết Gromakov từ năm 1960 khi ông làm giám đốc đơn vị KGB
tại Đức (Cục 4 của Đệ Nhất Tổng Cục). Tôi biết Gromakov nói được tiếng Đức, tôi
không rõ về khả năng tiếng Anh của ông, vì vậy tôi hơi ngạc nhiên nghe tin bổ nhiệm ông
tạiWashington. Người ông dáng dấp thấp béo và vui tính, mắt đeo gương. Ông có thói
quen khó chịu gầm thét làm người khác nhảy nhổm mỗi khi ông nâng ly chúc mừng sự
thành công của KGB. Tôi không hề được nghe ông nói về việc bắt con mồi lớn này, như
tôi có thể mường tượng nỗi vui sướng của ông, khi ông làm việc ngay trong lòng địch và
Ames rơi vào trong rọ của ông.
        Khi câu chuyện phản bội của Ames được tiết lộ, tôi thật sửng sốt không ngờ hắn làm
việc không bị phát giác một thời gian khá lâu và phản gián Hoa Kỳ tỏ ra quá bất tài và
quá tuyệt vọng để buộc phải cầu cứu cấp lãnh đạo điệp báo của kẻ thù để tìm hắn.
         Quý vị có thể lấy làm lạ vì tôi sẵn sàng nói chuyên với CIA. Dù sao đi nữa, tôi
không có ý định rời nước Đức và tôi đã chính thức tuyên bố tôi không có ý định di cư.
Tôi phản đối Tây Đức với tư cách kẻ chiến thắng Chiến Tranh Lạnh đòi áp đặt hình thức
pháp luật của họ lên tôi và các đồng nghiệp của tôi; đối với tôi đòi hỏi này mang sắc thái
một đòn trả thù. Lời mời của CIA lôi cuốn tôi chỉ vì nó cho phép tôi tam thời rời đất nước
tôi trong những ngày đầu thống nhất hai nước. Tôi biết trong những tuần lễ và tháng đầu
lòng hăm hở trả thù lên cao. Nếu có thể, tôi muốn tránh giải pháp lánh nạn sangMoscow,
vì sự biệt tích của tôi tạiMoscow là một tín hiệu không tốt cho mối liên lạc của tôi với
nước Đức mới, tạo nên lý cớ khuyến khích những người trong nước két án tôi. Tôi sẽ bị
tố cáo là trốn sangMoscow để đưa tên tuổi những điệp viên, lời đồn này đã được tung ra
khi tôi chạy sangMoscow ở hai tháng vào đầu năm 1990. Thực tế không phải như vậy.
Tôi quá nhiều lo lắng trong việc tìm cách tránh đỡ cho cá nhân tôi cũng như cho các nhân
viên cũ của tôi, các điệp viên và các người nằm vùng không bị truy tố để tôi có thời giờ
chơi trò nước đôi với Xô Viết.
        Giả như CIA chuẩn bị đón nhận tôi sang Hoa Kỳ, có lẽ tôi sẽ đắn đo suy tính chấp
nhận lời mời này như một giải pháp tạm thời hữu lý. Nhưng tôi nghi ngại một khi thỏa
thuận xong xuôi và tôi bay sang Hoa Kỳ không có lời mời chính thức, CIA có thể phao
tin tôi xin đầu thú và ép tôi hợp tác với họ theo điều kiện của họ. Với phong cách hống
hách của một cơ quan tình báo lớn, CIA chắc mẩm tôi mong ước làm việc với họ nên tôi
sẵn sàng tự đặt vào một vị thế yếu kém, một trường hợp mà mọi người đào thoát khôn
ngoan đều muốn tránh – bị ép buộc phải thương luợng trên lãnh thổ của kẻ địch. Mặc dù
Hathaway đích thân sang Bá Linh ngày 26 tháng 9 và chúng tôi đã chuẩn bị hành lý, cuộc
thảo luận cuối cùng của chúng tôi cũng chỉ mệt nhọc quay luẩn quẩn không đi đến đâu
cả.
*
         Điều mà không một ai có thể ngờ kể cả Hoa Kỳ, Nga vả Tây Đức, có một tay bí mật
khác nhảy vào đấu giá. Đó là Do-thái. Tôi là người Do thái, một điều không bình thường
trong giới lãnh đạo tình báo cao cấp của khối Xô Viết. Chính xác hơn, tôi có nửa phần
Do thái vì mẹ tôi là Gentile (người không theo đạo Do Thái). Nhưng cũng đủ thành người
Do thái để bị phân loại và bị bách hại theo luật pháp phân biệt chủng tộc Nuremberg
được ban bố năm 1936 , nếu gia đình của tôi bị Đức Quốc Xã bắt kịp khi chúng tôi trốn
chay sang Pháp rồi sau đó sang Nga. Chủ thuyết tôi theo đuổi một khi Chiến Tranh Lạnh
chấm dứt có thể biến tôi thành kẻ kình địch củaIsrael. Nhưng tôi luôn quan tâm theo dõi
tình hình Do thái, và gia đình tôi đã cho phép tôi thừa hưởng truyền thống Do thái, chưa
kể đến đức tin Do thái.
         Mối liên lạc của tôi với Tel Aviv (thủ đô Do thái) đến rất trễ nếu không muốn nói là
bất ngờ, do sự xuất hiện của tôi nhân một buổi họp ngày 4 tháng11 năm 1989 tôi kêu gọi
cải cách trong chế độ Đông Đức. Tại đây tôi gặp một phụ nữ tên Irene Runge, người điều
khiển trung tâm Văn Hóa Do thái, thành lập tại Đông Bá Linh vào những thập niên 1980
sau hàng chục năm truyền thống Do thái bị đàn áp tại Đông Âu, do sự cấu kết giữa Cộng
Hòa Dân Chủ Đức với khối Ả-rập. Tôi trả lời cuộc phỏng vấn của Irene để đăng trên một
nhật báo Do thái, và tôi tham dự một cuộc họp của hội bà ta với tư cách là khách, sau đó
tôi không màng đến nữa.
         Vào mùa hè năm1990, thình lình bà ấy gọi tôi để báo tin ông Rabbi Tsvi Weinman,
một vị lãnh đạo cao cấp của Chính Thống Giao tại Jerusalem, muốn làm quen với tôi.
Đúng hôm đó rơi vào ngày thứ sáu, có nghĩa là Ngày Sabbath Do thái sẽ khởi sự lúc mặt
trời lặn và vị này không thể nào gặp gỡ tôi tối nay được. Tôi điện thoại cho ông và chúng
tôi vui vẻ đùa cợt với nhau và đồng ý gặp nhau lần tới khi ông ghé Bá Linh. Không bao
lâu sau ông xuất hiện trở lại nói rằng lý do chính ông đến đây là để thăm trung tâm Văn
Hóa Do-thái. Tôi mời ông đến căn phòng của tôi. Ông đến rất đúng giờ hẹn. Ông trạc 50
tuổi, đội nón vành tròn đen và không có một dấu hiệu nào khác chứng tỏ ông là Do thái
chính thống giáo. Ông ân cần hỏi thăm tình trạng của tôi, ở vị trí của một người có bản
sắc Do thái và kinh nghiệm bách hại, trước tình thế sắp đương đầu với tòa án chính trị
của nước Đức. Ông khôn khéo tránh đề cập đến công việc trước đây của tôi, nhưng hỏi
tôi có muốn thăm viếng Israel không. Tôi liền suy nghĩ mục đích của ông Weinman
không lẽ chỉ vì vấn đề văn hóa. Liền sau đó tôi nhận được thư của một nhật báo Do-thái
tờ Yediot Abranoth mời tôi sang thăm viếngIsrael.
         Tìm hiểu về Weinmann tôi được biết có lời đồn ông làm việc cho Mossad (tình báo
Do thái) hồi còn thanh niên. Ông đích thân phản bác chuyện này và nói ông đã phục vụ
trong quân đội nhưng không hề làm việc cho ngành tình báo. Chúng tôi thường xuyên
điện thoại cho nhau và trông chờ chuyến đi của tôi, và tôi hình dung bộ mặt thiểu não của
Bonn, Moscow và Washington khi họ thấy những hàng tựa lớn đăng tin sự xuất hiện
thình lình của tôi tại Israel. Tôi đoán chừng Mossad cũng muốn dò xét những hiểu biết
của tôi về những nhóm Palestine và hoạt động của họ, một điều mà tôi biết rất ít, nhưng
tôi quyết định bước qua cầu khi tôi đặt chân xuống Đất Thánh. Dù gì đi nữa, cuộc viếng
thăm này cho tôi một cơ hội mới để thoát ra khỏi nước Đức. Tôi không thể nào để cho
miếng mồi này vuột khỏi tay tôi.
         Hai tuần trước ngày thống nhất nước Đức, tôi nhận cú điện thoại bất ngờ của
Weinmann. Ông có vẻ thất thần và hơi ngượng ngùng. Cuộc viếng thăm bị bãi bỏ. Tờ báo
không còn chú ý đến tôi, ông nói, vì sự xuất hiện của một quyển sách chỉ trích Mossad và
phương pháp làm việc của cơ quan này đã gây phẫn nộ trong quần chúng. Bây giờ không
đúng thời điểm để mời tôi sang. Tôi hiểu ngay là Do thái lạnh cẳng vào giờ phút chót,
chắc chắn họ e sợ tất cả những dịch vụ tôi cung cấp cho họ không bù lại những tai hại mà
tôi có thể gây nên cho mối giao hảo của họ với Tây Đức vì sự hiện diện của tôi tạiIsrael.
Cánh cửa hy vọng vừa hé mở đã bị đóng xầm lại. Nhưng Tel Aviv không cắt đứt hoàn
toan mối dây liên lạc với tôi. Sau cuộc điện đàm với Weinmann, tôi nhận được một cú
điện thọai khác từ tòa báo, hứa cấp cho tôi chiếu khán và vé máy bay vào một ngày khác.
Tôi dàn xếp để họ cất giữ cho tôi tạiVienna. Nhưng khi tôi kiểm soát lại một vài tuần sau,
tôi không nhận được gì cả. Nếu quả vé đó nằm tại đây thì nay nó không còn đó nữa.
         Đến đây áp lực rất mãnh liệt, và tôi biết chính quyền Đức nông nón nhìn thấy tôi
đứng trước vành móng ngựa. Tôi trốn nơi nào đây? Và giá phải trả là bao nhiêu? Tôi
không còn lựa chọn nào đáng trông đợi nữa, và tôi không còn đủ thời giờ nữa.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 4 (Markus Wolf)                        
“…Chúng tôi cũng được huấn luyện kỹ lưỡng về kỹ thuật tuyên truyền. Trong một lớp
huấn luyện, một người được chỉ định để trình bày những lý luận của kẻ thù Quốc Xã đạt
đến mức thuyết phục tối đa, trong khi đó những người khác phản bác lại với những luận
cứ chống phát-xít…”
Thoát khỏi ác bóng Hitler
Cha tôi, Friedrich Wolf, sinh tạiRhinelandnăm 1888, xuất thân từ một gia đình Do thái
ngoan đạo. Buổi thiếu thời, bố mẹ muốn ông trở thành thầy cả Rabbi, nhưng ông kháng
cự và đòi học y khoa. Lòng tôn thờ chủ nghĩa Mác-xít đạt đến cao độ năm 1928, vào lúc
ông 40 tuổi, và ông thấm nhập chủ thuyết này qua những nẻo đường ngoằn ngoèo. Ông
không thuộc diện trí thức phải bắn bỏ lúc khởi sự Cách Mạng Tháng Mười năm 1917 tại
Nga. Xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản Do thái – cha của ông là một thương gia – cha
tôi trôi nổi trong phong trào hiếu hòa và mộng tưởng, góp nhặt tư tưởng của Tolstoy,
Strindberg, Upton Sinclair, Nietzsche và Kropotkin, trước thời kỳ hãi hùng Thế Chiến
Thứ Nhất. Ông ta phục vụ trong quân đội của Kaiser (tước hiệu Đế Vương của nước Đức
từ 1871-1918) và bị trọng thương nhưng đồng thời ông cũng bị cấp sĩ quan Đức hất hủi
khinh thường, khiến ông trở nên cực đoan và bài bác tinh thần quốc gia. Thất vọng vì sự
thất bại của các nhà cách mạng Đức trong nỗ lực xây dựng một quốc gia công bằng và
bình đẳng vào năm 1918 và sau đó vào những năm đầu của Đệ Nhất Cộng Hòa Đức, ông
chuyển hướng sang ôm ấp những lời hứa hẹn đem hài hòa xã hội và kinh tế do Mác và
Lê-nin đề xướng.
Nhưng gia đình chúng tôi luôn có khuynh hướng cực đoan. Cha tôi thường nói với tôi
giáo dục chính trị của ông bắt đầu lúc ông 5 tuổi, khi bà ông bế ông đi xem Kaiser kéo
màn khai trương pho tượng của Friedrich Wilhelm, một nhà lãnh đạo Đức vào thế kỷ thứ
19. Trong lúc quần chúng tung hô vị lãnh tụ và ngóng cổ để nhìn cho rõ pho tượng, bà
nâng cao thằng bé lên và nói thẳng thừng, « Fritzsche, đây không phải là tay anh hùng,
đây là một quan vua ham chuộng súng đạn đã ra lệnh bắn các công nhân ». Bà ám chỉ
cuộc tàn sát đẫm máu của Friedrich Wilhelm dẹp cuộc nổi loạn đòi tự do năm 1848 tại
Đức. Else, mẹ của tôi, cũng có đầu óc trái khoái. Trẻ hơn cha tôi 10 tuổi, có bộ tóc vàng
của miền Rhineland, mẹ tôi đã đoạn tuyệt với gia đình khi quyết định lấy một anh Do
thái.
Cả đến khi chết cha tôi vẫn còn để lại một hình ảnh nhiều mâu thuẫn. Tại trung tâm bùng
binh gọn ghẽ của thành phố nhỏ Neuwied, trên bờ sông Rhine về phía Nam của Bonn, có
treo một tấm bảng tưởng nhớ ghi sinh nhật của ông ngày 23 tháng 12 năm 1888. Gần đó
cũng có một con đường mang tên ông, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của ông. Việc
treo dựng tấm bảng này suýt nữa tạo nên một cuộc nội chiến nhỏ chưa từng thấy tại thành
phố Neuwied, vì cha tôi, ngoài danh tiếng quanh vùng là một y sĩ nhiều kinh nghiêm và
là một nhà biên sọan kịch, ông cũng là một người Cộng Sản năng nổ, một lọai anh hùng
địa phương ít được tưởng niệm tại những thành phố ấm cúng của nước Đức.
Sau ngày xụp đổ của Đông Bá Linh, tôi may mắn được thăm viếng trở lạiNeuwied. Tôi
có cảm giác ngỡ ngàng khi rảo bước trên những con đường thuộc nửa phần đất nước của
tôi, những con đường tôi quen thuộc rất nhiều mà tôi chỉ nhìn thấy rất ít. Suốt thời gian
Chiến Tranh Lạnh, tôi không hề liều bước trên đường phố Tây Đức. Những chuyến đi ra
ngoài khối Đông Âu trong những chục năm tôi làm giám đốc điệp báo Đông Đức chỉ nằm
trong dịch vụ những công tác cần thiết, thường để gặp gỡ các điệp viên vì vấn đề an ninh
ngăn cản họ di chuyển đến chúng tôi.
Tôi sinh đẻ tại Hechingen, một thị trấn nhỏ theo đạo Công giáo vùng nông thôn nằm phía
Nam nước Đức. Đó là ngày 19 tháng Giêng năm 1923, vào những năm lạm phát hoành
hành đến độ cha mẹ tôi cảm thấy an tâm mỗi khi cha tôi thu được y phí của các bệnh
nhân vùng nông thôn dưới dạng bơ và trứng. Chúng tôi là một gia đình năng động, khác
thường so với lối sống của phần đông dân cư trong vùng. Cuộc sống không thay đổi bao
nhiêu khi chúng tôi dọn đến ở Höllsteig, phiáNamnước Đức gần biên giới Thụy Sĩ.
Cha tôi là một tín đồ điên cuồng của thể dục thể lực, ông ưa chuộng nhào nặn thân hình
lực sĩ của ông đến mức toàn hảo. Ông cũng là người tiên phong chủ trương sống khỏa
thân. Vì vây trong gia đình có nhiều bức hình để lộ cha tôi, tôi và Konrad em trai nhỏ hơn
tôi gần ba tuổi trần truồng chồng chất lên nhau trong một tư thế thể thao uốn éo. Koni và
tôi nghĩ chuyện này bình thường, mặc dù các bạn học cùng lớp khúc khích cuời mỗi khi
chúng tôi đưa hình cho họ xem. Nhiều tấm hình như vậy được dùng làm mẫu cách trí và
in trên sách của cha tôi, một quyển sách bán rất chạy tựa Die Naturols Arzt und
Helfer(Dùng Thiên nhiên làm Thầy Thuốc và Thầy Trợ Giúp), một tiểu luận về đồng liệu
tương pháp ông viết khi chúng tôi ở Höllsteig, ông nói về mối tương quan giữa sức khỏe
và điều kiện sống và làm việc của mỗi cá nhân. Những phát kiến như vậy sau này trở
thành những hiểu biết thường thức ngày nay chúng ta gọi là y học phòng bệnh. Tuy
nhiên,vào thời đó, những điều này không được công nhận là chính thống, và cộng đoàn y
sĩ tỏ ra khó chịu với cha tôi, vì họ thấy công trình nghiên cứu của cha tôi về những
nguyên nhân bệnh tật sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận rộng lớn hơn về xã hội và tình cảnh
của người nghèo, điều mà họ muổn tránh.
Nhưng quyển sách đạt thành công lớn trong quần chúng, bán được hàng ngàn bản, và trở
thành một loại thánh kinh về sức khỏe mọi người bình thường phải có. Sách này đã trở
thành một bài khoa học thường thức, và mấy năm về sau, nó thoát cao trào Đức Quốc Xã
cấm đoán sách của tác giả Do thái. Thành tựu tài chánh của quyển sách đã cho phép gia
đình chúng tôi dọn đến một căn nhà khang trang tạiStuttgart, một thành phố có truyền
thống yêu chuộng nghệ thuật từ thời các vị vương công cấp tiến cùng với quần thần với
tư tưởng phóng khoáng.
Mẹ tôi là người điềm đạm và hiền hậu nhưng không thiếu can đảm, cho dù phải chịu
đựng những lục soát thô bạo của Quốc Xã trong nhà hoặc của công an mật vụ Stalin.
Dưới triều đại khung bố của Stalin, đã có lần bà cho trú ẩn gia đình của một người bị tù,
một hành động có thể khiến bà vào tù hoặc tệ hơn nữa. Cũng vào thời kỳ gia đình chúng
tôi lưu ngụ tại Nga, khi nghe mẹ của Lena, em gái cùng cha khác mẹ của tôi, bị bắt tại
vùng Volga, mẹ tôi từ thủ đô tìm đuờng đến cứu giúp và đem Lena về ở với chúng tôi.
Chính mẹ chúng tôi nuôi dưỡng chúng tôi khi cha chúng tôi lâu ngày vắng mặt vì đi tình
tự hoặc vì hoạt động chính trị. Nhưng mặc dù vắng mặt cha chúng tôi vẫn đóng vai trò
quan trọng khi ông gởi thơ nhắn nhủ và dậy dỗ cách ăn ở để trở nên con người xã hội chủ
nghĩa đứng đắn và tự trọng. Lẽ tất nhiên ông là người có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ
nhất vào thời niên thiếu của tôi. Mẹ chúng tôi phiền muộn rất nhiều vì những mối tình
của ông với những người đàn bà khác. Do sự kiện này, ông có đầy con cái, anh em và chị
em dị bào với tôi và Koni và chính con cháu của họ cũng rải rác hai bên bờ giới tuyến của
Cuộc Chiến Tranh Lạnh. Đến nay, tôi có họ hàng tại Đức, tại Nga, và tại Hoa Kỳ do kết
quả những mối duyên tình của ông.
Người ngoại cuộc nhăn mày vì những mối tình lãng du này, nhưng tôi và Koni chẳng
thèm để ý. Nó đã trở thành một phần thiếu thời của chúng tôi mỗi khi cha tôi tuyên bố
chúng tôi sẽ gặp gỡ một anh em hay chị em dị bào mới. Những đứa con khác mẹ này
được mẹ tôi đối xử như người trong gia đình với lòng rộng mở. Cuộc hôn nhân của họ
vẫn tồn tại vượt qua những mối tình kia và cha mẹ chúng tôi vẫn sống chung với nhau
cho đến khi ông qua đời tại Đông Đức năm 1953.
Tinh thần năng động của Friedrich thật đáng nể. Ông từ bỏ Đảng Dân Chủ Xã Hội Độc
Lập năm 1928, gia nhập Đảng Cộng Sản Đức, và ra ứng cử hội đồng xã Stuttgart với tư
cách đảng viên Cộng Sản; ông nhận được 20 phần trăm số phiếu. Vở kịch « Cyanide »
ủng hộ việc trụy thai năm 1929 đã đưa ông vào tù một thời gian ngắn ngủi và biến ông
thành phát ngôn nhân chính thức của cánh chính trị cực đoan. Năm 1931 ông vào tù lần
nữa, lần này ông bị tố cáo phá thai để tìm lợi nhuận. Sau khi ông và người biện hộ cho
ông, cả hai được tha bổng, hai người rời Đức để đi Liên Xô, và sau đó trở lại Đức cùng
năm.
Koni và tôi theo học trường các nhà cải cách giáo dục có tinh thần cấp tiến mạnh mẽ của
Đức vào thời đó và chúng tôi được khuyến khích tìm hiểu vùng nông thôn và phát biểu
một cách tự do. Cha mẹ chúng tôi bấy giờ cả hai đều là Cộng Sản; em trai Koni và tôi gia
nhập tổ chức thanh niên Cộng Sản, Thiếu Niên Tiền Phong, ngay khi chúng tôi còn ở
Đức. Chúng tôi thắt khăn quàng đỏ với niềm hãnh diện lớn và chăm chú nghe những câu
chuyện về Cách Mạng tại « Liên Bang Xô Viết vĩ đại ». Không khí trong gia đình đã có
ảnh hưởng quyết định trên suốt cuộc đời chúng tôi, trừ việc kiêng chay vì cha mẹ tôi chỉ
ăn thực vật. Chúng tôi thèm chảy dãi nhìn những miếng thịt nguội và nước tương Đức
trong hộp đựng thức ăn trưa của các bạn cùng trường, và thằng em trai tuyên bố « khi nào
em lớn, em sẽ ăn cả một con bò ». Nhưng ấn tượng sâu xa và lâu bền nhất họ để lại cho
chúng tôi là lòng yêu quí thiên nhiên và thể dục thể lực, và con đường chính trị cực tả
lồng trong những vở kịch của cha tôi phô bày cuộc đấu tranh của nông dân và công nhân
đuợc Đoàn Kịch Công Nhân Tây Nam lưu diễn. Tôi bắt đầu cảm thấy tôi là chiến sĩ chính
trị, quyên góp ủng hộ cho nhưng công nhân thép đình công, tham dự các chiến dịch, và
lắng nghe những biện luận mạnh mẽ của người lớn trong những ngày cuối trước khi
Hitler lên nắm chính quyền.
Với đầu óc non nớt của một cậu bé trong một gia đình bố mẹ Cộng Sản tại Đức, tôi cảm
nhận Stalin như một mẫu người khôn ngoan và xa cách, giống như một ông ảo thuật gia
giàu lòng nhân từ trong những câu chuyện thần tiên. Tôi thường mộng tưởng và tự hỏi
đời sống tại « Liên Bang Xô Viết vĩ đại » ra sao – trong hàng nhiều năm tôi vẫn nghĩ đó
là tên chính thức của một quốc gia – và kết luận đó là một nước trắng xóa, tuyết bao phủ
và đầy những người tốt lành dưới sự hướng dẫn của vị phù thủy tốt lành. Koni, em trai
tôi, có năng khiếu hơn tôi, đặt bút chuyển đổi ý tưởng ra hình, đã bỏ ra hàng giờ phóng vẽ
những bức họa của vị lãnh tụ vĩ đại dưới hình dạng vị anh hùng trong chuyện thần tiên.
Nhưng vào thơì điểm đó, tôi không trông mong gì tiếp cận được thực cảnh của Xô Viết.
Sau khi Quốc Xã lên nắm chính quyền năm 1933, đời sống của chúng tôi tại Đức trở nên
bất kham. Việc đốt cháy Quốc Hội Đức tại Bá Linh và lời cáo buộc gian trá đổ tội bọn
Cộng Sản có trách nhiệm trong vụ này đã gây nên một cuộc săn lùng các thành phần Tả
Phái. Cha tôi, cảm thấy lâm nguy vì vừa là Do Thái vừa là Cộng sản, bỏ trốn sang Áo.
Trong một trong những cuộc lục soát nhà cửa tiếp theo đó, tôi trả lời một cách trơ tráo
với một trong những tên áo nâu SS. Y đẩy ép tôi vào tường và hăm dọa đưa tôi « vào trại
Heuberg » nếu tôi không khai báo hành tung của cha tôi. Heuberg là trại tập trung đầu
tiên ở trong vùng, nơi các người đối lập chính trị bị giam giữ. Người lớn khi đề cập đến
nơi này họ chỉ thì thầm, và tôi bối rối không hiểu rõ những gì xảy ra trong đó; vào lúc
thiếu thời, tôi nhìn xung đột giữa hai bên Quốc Xã và Phe Tả như một lọai đụng độ giữa
hai băng đảng. Tôi biết những người mặc áo nâu, biểu lộ tính chất bộ lạc, khác rất xa với
gia đình chúng tôi; và tôi cảm thấy mình là một chiến sĩ trẻ sẵn sàng chiến đấu.
Vào thời điểm này, lần đầu tiên tôi ý thức được căn cước Do Thái của tôi. Tôi còn nhớ
sau một cuộc lục soát đặc biệt thô bạo, anh em chúng tôi rất đỗi phẫn nộ vì bọn côn đồ
nhảy xổ vào phòng chơi của anh em chúng tôi, hất vung vãi đồ chơi và sách vở quý báu
của chúng tôi, và mẹ tôi, lấy tất cả bình tĩnh để che giấu nỗi kinh hoàng trong lòng, đưa
chúng tôi đi xe đạp dạo qua cánh đồng tươi tốt vùng nông thôn Swabian để thăm Moritz
Meyer, cậu của cha tôi mà chúng tôi thân mật gọi là «Öhmchen.»
Dân thành phố nhỏ Hechingen coi Öhmchen là một người hơi kỳ dị. Sau thời gian làm
việc chăm chỉ, ông về hưu để sống với ngỗng trong rừng và có một chút ít danh tiếng nhờ
tài chữa bệnh thấn kỳ. Điều hầu như chắc chắn là ông đã ảnh hưởng đến cha tôi, khiến
cha tôi chuyển từ ngành y khoa thông thường sang ngành điều trị đồng vi phân kháng
tính và điều khoa dùng dược liệu thiên nhiên, và cha tôi hiến tặng quyển sách về cách
điều trị theo thiên nhiên của ông của cho ông cậu. Cuộc thăm viếng bằng xe đạp của
chúng tôi nhằm ngày lễ Vượt Qua (lời của dịch giả : lễ Vượt Qua là ngày lễ người Do
Thái kỷ niệm ngày Thượng Đế trừng phạt dân Ai-cập, giết những đứa bé đầu lòng của
người Ai-cập và «vượt qua» những nhà có con cái Do-thái. Để nhận biết nhà Do thái,
Thượng Đế nhắn dân Do Thái bôi máu cừu lên cửa nhà của họ. Dưới thời vua Ramsès Đệ
Nhị, dân Do Thái làm nô lệ cho Ai- Cập, và Môi-sen đã làm phép lạ rẽ đôi Biển Đỏ để
đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai-cập và tiến về miền đất hứa đi tìm tự do), vì vậy ông cậu
chỉ cho chúng tôi ăn bánh mì không men, không tạo hứng thú cho khẩu vị trẻ con của
chúng tôi, vì vậy để bù trừ thiệt thòi này, ông cậu kể cho chúng tôi nghe câu truyện trang
nghiêm và khích động lấy từ quyển Thánh Kinh Torah và giải thích ý nghĩa những ngày
lễ Do-thái.
Một vài tháng sau, mẹ tôi, em trai tôi và tôi được đem đi trốn sáng Thụy sĩ với sự trợ giúp
của các đảng viên Cộng Sản tại đây, đảng Cộng Sản lúc bấy giờ trở thành bất hợp pháp.
Từ đó chúng tôi chạy sang Pháp, tại đây chúng tôi chính thức được xem là « những người
ngoại quốc bất hảo » và được đem đi trốn trên hòn đảo nhỏ Bréhat ở Brittany; nơi đây
cha tôi gặp gỡ lại gia đình. Tại đây cha tôi biên sọan xong vở kịch Professor Mamlock,
một áng văn chương đầu tiên làm chứng cho cảnh bách hại dân Do Thái tại Đức. Trước
khi đem trình diễn lần đầu bằng tiếng Đức tại Zurich, vở kịch đã được diễn xuất tại các
nhà hát Do Thái tại Warsawa và Tel Aviv, và đã gạt hái những thành công rực rỡ khắp
nơi trên thế giới. Một phim dựa trên vở kịch đã được quay tại Liên Bang Xô Viết và mãi
sau này Koni em trai tôi quay lại lần thứ hai. Nhờ phim được trình chiếu tạiNew Yorkvào
năm 1939, tên tuổi cha tôi được biết đến tại Hoa kỳ.
Không bao lâu sau bọn Quốc Xã phản ứng vì sức thành công của vở kịch này, – lẽ đương
nhiên chưa bao giờ được trình diễn tại Đức đương lúc họ cầm quyền. Tất cả của cải của
chúng tôi bị tịch biên và tên của cha tôi được liệt kê trong danh sách những tác giả « có
bài viết tác hại và bất hảo ». Sau đó tất cả gia đình bị tước quyền công dân Đức và vào
khỏang năm 1937, không những tên tuổi của ông, mà tên tuổi mẹ tôi, tôi và em trai tôi
đều xuất hiện trong danh sách truy nã của Nhà Nước. Điều này khiến mấy đứa thiếu niên
chúng tôi cảm thấy mình đã thành người lớn. Nếu chỉ có một biến cố định hướng cuộc
đời chính trị của một người, đối với tôi đây chính là biến cố: bị liệt kê là kẻ tội phạm bởi
chính đất nước của mình.
Nếu chúng tôi không lẩn trốn sang Thụy-sĩ, có lẽ chúng tôi đã chia sẻ số phận của các
thân bằng quyến thuộc Do Thái mà sau này tên tuổi được luôn mãi ghi tạc trên Bia
Tưởng Niệm Yad Vashem tạiJerusalem. Tỉ dụ như ông cậu Öhmchen, ông đã không thoát
khỏi Họa Hỏa Diệt. Một tù binh Đức tạiMoscowkể lại cho tôi ông cậu đã bị bắt đi và đã
chết trong trại tập trung Mauthausen tại Áo. Ông được tám mươi tuổi khi ông chết.
Sáu mươi năm sau, dạo trên đường phố sạch bóng Hechingen, tôi tưởng nhớ đến ông cậu
và không khỏi rùng mình lạnh xương sống, một cảm giác chỉ có người Đức nhận biết khi
đương sự nhìn tận mặt những người đàn ông đối diện cùng lứa tuôi và trộm nghĩ họ hành
sử ra sao dưới thời Quốc Xã: Họ đã chứng kiến bao nhiêu việc và họ đã xóa bỏ bao nhiêu
ký ức tội lỗi? Có lẽ thành phố lớn dễ xóa nhòa dấu vết dĩ vang mau hơn các thị trấn nhỏ
tại Đức vì đầu óc tôi bất an khi suy nghĩ đến các đồng hương tôi khi tôi đến các thị trấn
nhỏ.
Đến đây Quốc Xã thu hồi trương mục của chúng tôi trong ngân hàng và tịch thu tài sản
của chúng tôi. Việc Liên Bang Xô Viết đón nhận chúng tôi là một cái phao cứu mạng cha
mẹ chúng tôi, Koni và tôi. Nhờ sự trợ giúp của Vsevolod Vishnevsky, bạn của cha tôi và
cũng là sọan giả bi kịch, cha tôi kiếm được một căn nhà nhỏ hai phòng tại Lộ Nizhny
Kizlovsky, một trong những con đường quanh co của thế kỷ 19 nằm trong trung tâm cổ
của Moscow, nấp đàng sau đại lộ chính, khu Arbat, nơi các nhà văn và trí thức yêu
chuộng. Vào tháng Ba năm 1934, mẹ tôi, em trai tôi và tôi theo ông đến đây.
Chúng tôi hội nhập từ từ với ngôn ngữ và văn hóa lạ lùng, e ngại lối hành sử mạnh bạo
của những đứa trẻ chơi cùng sân. «Nemets-perets, kolbassa, kislaya kapusta, » bọn chúng
hò hét:  Bọn Đức – muối tiêu, tương, cải chua». Bọn chúng cũng chế diễu áo khoác ngắn
của chúng tôi và chúng tôi nài nỉ mẹ tôi cho chúng tôi cái dài hơn. Cuối cùng bà xiêu
lòng và thở dài: «Chúng bay trở thành người lớn sạch sẽ rồi đấy».
Chẳng bao lâu chúng tôi bị lôi cuốn bởi môi trường bao quanh. Trải qua thời niên thiếu
trong một làng xã Đức quốc, chúng tôi choáng ngộp vì cảnh sinh động của thành thị với
phong cách mạnh bạo và sắp sẵn. Thời kỳ này thiên hạ vẫn còn khạc nhổ vỏ hạt hướng
dương xuống đất và cỗ xe ngựa kéo vẫn còn cọc cạch trên đường phố Moscow vẫn là một
«ngôi làng lớn», một thành phố với lối sống của nông dân. Đầu tiên chúng tôi theo học
trường Đức Karl Liebknecht (một trường học cho con cái của những bố mẹ nói tiếng
Đức, lấy tên của một nhà lãnh tụ Xã Hội theo phong trào nổi dậy Spartacist tháng Giêng
năm 1919, bị ám sát sau đó không bao lâu), sau đó, chúng tôi vào trường Trung Học Nga.
Ở tuổi niên thiếu khó mà phân biệt chúng tôi với các bạn gốc bản xứ học cùng trường, vì
chúng tôi dùng ngôn ngữ đàm thọai Nga với giọng Nga. Chúng tôi có hai người bạn đặc
biệt, đó là George và Victor Fischer, hai người con trai của ký giả Hoa Kỳ Louis Fischer.
Chính họ đã gắn cho tôi biệt hiệu «Mischa»,và từ đó gắn chặt vào tên tôi. Em tôi, Koni, e
ngại bị ngồi chầu rìa lấy tên Nga thu ngắn là «Kolia».
Thành phốMoscowvào thập niên 30 trong ký ức của tôi luôn là thời tranh tối tranh sáng.
Thành phố thay đổi trước mắt chúng tôi. Bấy giờ tôi trở thành một thanh niên khá chững
chặc và không còn xem Stalin là ông ảo thuật gia nữa. Các cao ốc mới với nhiều tầng bắt
đầu xuất hiện quanh điện Cẩm-linh và số lượng xe cộ di chuyển bất thình lình gia tăng,
các xe sedan đen láy thay thế cho những xe ngựa kéo, làm như thể có ai vẫy một chiếc
đũa thần biến Moscow của qua khứ trở thành một phong cảnh vị lai. Các hầm xe điện
khang trang, với những bóng đèn kiểu Art Déco và cầu tháng máy thẳng giốc làm choáng
váng mặt mày, ồn ào sinh động, và chúng tôi bỏ cả một buổi trưa sau khi tan trường đi
xem những vòm trần,vang dội như ngôi nhà thờ lớn dưới hầm. Thảm cánh thiếu ăn thập
niên 20 chợt đến, nhưng mặc dù cảnh cao ốc mới mẻ, các bạn bè của gia đình chúng tôi,
phần đông là trí thức Nga, phải sống chật chội trong những căn phong nhỏ bé. Diễn hành
ngày 1 tháng Năm (Ngày Quốc Tế Lao Động) thật là ngọan mục. Những tin tức khích lệ
trong ngày đem lại cảnh rực rờ của thời đại, chẳng hạn như cảnh cứu thoát can truờng của
đội thám hiểm Chelyushkin khỏi băng đá trong vùng Biển Arctic sau khi họ chiếm đóng
Bắc Cực. Chúng tôi theo dõi những biến cố này với hứng thú của những đứa trẻ Tây Âu
xay mê đội bóng đá hoặc đội baseball của mình.
Với cùng một đam mê Koni và tôi, cả hai đều gia nhập Thanh Niên Tiền Phong Xô Viết
– một tố chức thiếu niên Cộng Sản tương đương với Hướng Đạo – và chúng tôi học
những bài hát chiến trận ca tụng đấu tranh giai cấp và Tổ Quốc. Là Thanh Niên Tiền
Phong, chúng tôi diễn hành trong ngày trọng đại Cách mạng tháng 11 tại Quảng Trường
Đỏ kỷ niệm Cách Mạng Xô Viết, hô to những khẩu hiệu vinh danh trước hình tượng nhỏ
bé mặc áo choàng đứng ở lan can phía trên mộ của Lê-nin.Chúng tôi nghỉ cuối tuần ở
ngọai ô nông thôn Moscow, đi lượm nhặt dâu và nấm bởi vì cha chúng tôi mặc dù sinh
sống tại thành phố nhất quyết bảo tồn lòng yêu mến thiên nhiên theo quan niệm sống của
ông. Tôi vẫn thèm những món ăn của Đức và thấy chương trình ăn uống Nga với món ăn
chính lúa mạch đen và thịt ba rọi cùng với sữa chua, thật là tẻ nhạt. Nhưng từ khi tôi bắt
đầu ưa thích các thức ăn đa dạng của Nga, và nếu buộc lòng nói, tôi giỏi nhất về món
nhồi Pelmini ở vùng Tây-Bá-Lợi-Á. Nhưng tôi chẳng bao giờ ưa thích món thịt ba rọi với
lúa mạch đen, có lẽ vì tôi tiêu thụ hàng tấn món này hồi thiếu thời.
Mùa hè tôi được phái vào trại Thanh Niên Tiền Phong và được phong chúc trưởng ban
lãnh đạo. Tôi viết thơ than phiền với cha tôi về kỷ luật quân đội dữ tợn và hèn hạ tại đây.
Tôi nhận trở lại một lá thơ đặc biệt lạc quan, khuyến khích tôi kháng cự lại chế độ kỷ luật
này bằng cách thành lập một ủy ban bao gồm những bạn đồng đội thiêu niên. « Hay nói
với họ Đồng Chí Sta-lin và Đảng không thể chấp nhận lãng phí này. Phẩm chất là quan
trọng. Bất cứ ở hoàn cảnh nào, với cương vị một Thanh Niên Tiền Phong và đặc biệt là
cấp lãnh đạo, con không nên cãi vã! Con và các trưởng nhóm khác phải đồng thanh lên
tiếng với ban quản trị trại… Con không có quyền nản chí ».
Liên Bang Xô Viết bây giờ là gia đình duy nhất của chúng tôi, và vào ngày sinh nhật tôi
tròn 16 tuổi, năm 1939, tôi nhận căn cước Xô Viết đầu tiên của tôi. Cha tôi viết cho tôi
từParis« Bây giờ con đã trở thành công dân thực thụ của Nhân dân Xô Viết », điều làm
cho tôi cảm thấy hãnh diện. Nhưng càng lớn lên, tôi ý thức được tinh thần mộng tưởng
lây lan của cha tôi không phải là sở trường của tôi. Bản tính tôi thực tiễn hơn cha tôi. Lẽ
cố nhiên, đây là một thời gian say đắm nhưng đồng thời cũng là thời kỳ thanh trừng;
những người đã từng được ca tụng là anh hùng Cách Mạng nay bị tố cáo một cách dã
man đã phạm tội và thường bị kết án tử hình hoặc bị giam tại các trại tù ở miền Bắc Cực.
Mạng lưới do NKVD – cơ quan công an mật vụ tiền thân của Sở Mật Vụ KGB – bủa ra
xiết chặt vòng vây các bạn di cư và những người thân thuộc. Tình trạng này khiến các
thanh niên chúng tôi bối rối, mù tịt và khó hiểu, vì chúng tôi được dậy dỗ trong truyền
thống tin tưởng Liên Bang Xô Viết là hải đăng của tiến bộ và tinh thần nhân bản.
Nhưng trẻ con rất bén nhạy trước những im lặng và tránh né, và chúng tôi thầm hiểu
chúng tôi không thể nào biết toàn bộ sự thật về môi trường quanh chúng tôi. Rất nhiều
giáo viên giảng dạy cho chúng tôi mất tích trong khoảng thời kỳ thanh trừng 1936-38.
Trường học đặc biệt dậy tiếng Đức cũng đóng cửa. Trẻ con chúng tôi để ý người lớn
không bao giờ nói đến những người « mất tích » trước mặt mọi người trong gia đình, và
chúng tôi tự động kiêng dè thói tục xã giao kỳ lạ này. Cho đến khi chúng tôi chạm trán
tính cách quy mô và kinh hoàng của những tội ác của Stalin và trách nhiệm của ông trong
những vụ này. Nhớ lại thuở trước, ông là lãnh tụ, là hình ảnh của một người cha, với
khuôn mặt chữ điền, với bộ râu ria, ánh mắt nhìn thẳng của một người có viễn kiến qua
những bức hình treo trong các lớp học của chúng tôi. Con người và công trình của ông
đứng trên mọi phê bình, đứng trên mọi nghi vấn. Năm 1937, khi guồng máy tàn sát bắt
đầu chạy với mức độ hữu hiệu khủng khiếp, một trong những người quen biết của gia
đình chúng tôi, Whilhelm Wloch, người đã liều lĩnh làm việc cho Comintern (Cộng Sản
Quốc Tế) trong bóng tối tại Đức và hải ngoại, bị bắt. Những lời cuối cùng ông nói với vợ
như sau: «Đồng chí Stalin không hề biết việc này».
Lẽ cố nhiên, cha mẹ chúng tôi che dấu chúng tôi những nỗi lo sợ về cảnh đổ máu này.
Trong tâm trí của họ, mặc dù họ có những mối nghi ngờ và thất vọng, Liên Bang Xô Viết
luôn là «nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên » mà họ đã hãnh diện báo cho chúng tôi biết sau
khi họ thăm viếng năm 1931.
Cha tôi, bây giờ tôi biết, lo sợ cho tính mạnh của ông mặc dù vợ và các con ông có quốc
tịch Xô Viết vì chúng tôi sống nơi này, ông sống phần lớn thời gian ở ngọai quốc và vì
vậy ông không có quốc tịch này. Tuy nhiên , ông vẫn có thể di chuyển với thông hành
Đức, dù là quốc tịch này của ông đã bị thu hồi. Ông cũng đã nộp đơn xin phép chính
quyền Xô Viết rờiMoscowđể đi Tây-Ban-Nha, tại đây ông muốn đem tài bác sĩ để phục
vụ cho Chiến Đòan Quốc Tế đánh lại chế độ Phát-xít của tướng Franco thời kỳ nội chiến
tại đây. Tây-Ban-Nha là một đấu trường quân đội Quốc Xã dùng để thử nghiệm tiềm
năng tiêu diệt của họ, họ thực tập để chuẩn bị tấn công sau này các thế lực yếu kém khác.
Khắp châu Âu, các chí nguyện quân thiên tả đổ xô vào để giúp cánh Cộng Hòa chống lại
nhóm quân đội nổi dậy của Tây-Ban-Nha. Đối với nhiều người tại Liên Bang Xô Viết,
tham dự chiến trận tại đây có nghĩa là rời khỏi Liên Bang Xô Viết và tránh xa không khí
đàn áp của những cuộc thanh trừng. Một chục năm sau, một người bạn tin cậy trong gia
đình kể cho tôi nghe cha tôi tìm cách để đi Tây-Ban-Nha: «Mình không lẽ ngồi đây mãi
để chúng đến bắt». Tiết lộ này khiến tôi đau lòng, mặc dù tôi đã trưởng thành, vì sự kiện
này cho tôi thấy cha mẹ chúng tôi che dấu rất nhiều phiền muộn và chuyện thầm kín
không cho trẻ con chúng tôi biết vào thập niên 1930, và không biết bao nhiêu sầu muộn
đã được cất giấu quanh chúng tôi trong đám bạn bè của chúng tôi tại Moscow.
Cha tôi chẳng bao giờ đi được Tây-Ban-Nha. Đơn xin chiếu khán cả năm không được trả
lời. Càng ngày càng nhiều bạn bè và người quen biết trong cộng đồng Đức bị mất tích và
cha mẹ chúng tôi không còn che dấu được mối lo âu. Có một hôm giữa đêm thình lình
chuông cửa reo, cha tôi thói thường bình tĩnh đã nhảy nhổm và phát cáu. Khi được biết
người khách lạ chỉ là ông láng giềng đến mượn một món vật gì đó, cha tôi bình tĩnh trở
lại, nhưng tay ông run bần bật đến nửa tiếng đồng hồ mới hết.
Có lẽ ông có người đỡ đầu che chở trong cấp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đức lưu vong.
Tôi biết ông liên lạc với Whilhelm Pieck, một trong những khuôn mặt lớn vào thời đó và
Pieck kính trọng cha tôi. Hay có lẽ ông gặp may. Dù sao đi nữa, ông được phép rời
Moscow năm 1938 và đi sang Pháp; tại đây vào lúc khởi sự Đệ Nhị Thế Chiến ông bị bắt
giữ một cách oái oăm vì là kẻ thù ngọai lai mang thông hành Đức. Tệ hại hơn nữa, sau
khi Quốc Xã chiếm nước Pháp năm 1940, ông và các bạn cùng tù trong trại Le Vernet
phải được trao trả cho chính quyền Đức, có nghĩa là chắc chắn ông sẽ bị giết. Nhưng
cũng có thể nhờ vậy ông có cơ hội di cư sang Hoa Kỳ, nhưng trên đơn xin ông phải tuyên
bố ông không bao giờ là đảng viên Cộng Sản, điều ông từ chối vì tính ông trung thành.
Mẹ tôi ba năm trước đó đã hạch sách các cơ quan chính phủ tại Moscow, nơi ông tìm
cách bỏ đi, để cha tôi có được quốc tịch Xô Viết và hồi hương. Cuối cùng ông trở thành
công dân Xô Viết vào tháng 8 năm 1940.
Nhưng đến đây Hiệp Uớc Hitler – Stalin ký kết tháng Tám năm 1939 khiến cho đời sống
các di dân Đức tại Moscow khó khăn hơn bao giờ hết. Các cơ quan đã từng tiếp đón
chúng tôi như những nạn nhân của nhà nước ác độc Đức nay nhận lệnh không được khơi
động những cảm nghĩ xấu về Hitler. Đặc biệt đối với những gia đình như chúng tôi, đã
phải trốn chạy khỏi nước Đức để tránh họa Quốc Xã, thật là khó hiểu khi cấp lãnh đạo Xô
Viết lại có thể thỏa hiệp với họ. Vì chúng tôi là những thành phần năng động trong
Komsomol (Đoàn Thanh Niên Cộng Sản), chúng tôi được thông báo đó là cách duy nhất
của Stalin để tránh Liên Bang Xô Viết bị tấn công, và các cường quốc Tây Âu mong
muốn Nước Cộng Sản của chúng ta phải « xuất huyết cho tới chết » vì ngọn gươm của
Quốc Xã. Lối giải thích này có phần thuyết phục vào lúc đó, mặc dù chúng tôi cảm nhận
đối với cha mẹ chúng tôi đó là một xúc phạm khi Cộng Sản thỏa hiệp với tên độc tài mà
họ trốn chạy.
Để hòa nhập vào môi trường mới của chúng tôi, Koni và tôi, chúng tôi tự Nga hóa chúng
tôi một cách mau chóng. Chúng tôi nói tiếng Nga suốt ngày tại trường học cùng với các
bạn học, chỉ nghe tiếng Đức khi tối về trong phòng chúng tôi. Tôi cảm thấy thích thú khi
các đứa trẻ khác kêu tôi Mischa, có nghĩa là người ta có thể nhận lầm tôi là người Nga.
Chúng tôi lên giường ngủ, tai nghe đài phát thanh giọng thét của Hitler tung hô vinh
quang của Đế quốc Đức.
Khi tôi kết thúc chương trình trung học, tôi bắt đầu học ngành kỹ sư hàng không. Nhưng
thình lình tình hình biến đổi khi Quân Đội Hitler tấn công Liên Bang Xô Viết với một
mãnh lực hung bao trong chiến dịch Barbarossa. Khi quân đội Đức tiến đến gần Moscow
năm 1941, gia đình các thành viên của Hội Đoàn Kết Văn Sĩ, trong đó có gia đình chúng
tôi, được di tản đến Alma-Ata, thủ đô của Kazakhstan, cách Moscow 4 ngàn dặm
( khoảng 640 cây số). Nỗi hãi hùng trong chuyến đi ba tuần lễ vượt qua vùng Ural vẫn
còn sống động trong ký ức của tôi. Chuyến xe hỏa của chúng tôi bò trên tuyến đường sắt,
và cứ một tiếng đồng hồ xe chúng tôi phải rẽ tránh sang một bên để chuyến xe hỏa đi
ngược chiều tiến về phía trận tuyến. Cha tôi chăm sóc bà Anna Akhmatova, thi sĩ nổi
tiếng của Nga, tiều tụy và đau yếu. Hai người chồng của bà đều mất tích trong cuộc thanh
lọc và một đứa con trai nằm trong trại tập trung. Tôi được phép lấy cho bà phần thức ăn
cấp dưỡng gồm bốn trăm gram bánh mì đen và một ít nước ấm. Linh hồn của văn học
Nga nằm hôn mê và mệt mỏi, nay chính quyền chính thức coi bà như « vô danh », nhưng
vẫn được giới trí thức thờ phụng như một thần tượng đúng lúc họ đi cùng một chuyến xe
hỏa của Hội Đoàn Kết Văn Sĩ.
Alma-Atalà một nơi hẻo lánh và lạnh lẽo, chúng tôi cách biệt thông tin vớiMoscow, đừng
nói chi đến thế giới. Phong cảnh đẹp, dân số chỉ gồm bốn ngàn người,Alma-Atabỗng
nhiên tràn ngập với một triệu dân tị nạn, và cuộc sống trở nên chen chúc và khổ cực. Năm
1942, Koni gia nhập Hồng Quân, nhưng vào lúc đó tôi được miễn vì ngành kỹ sư hàng
không là một công tác quan trong. Tôi vẫn đang ở tuổi lạc quan và nghĩ không một tai
họa nào có thể đổ lên đầu tôi, mặc dù xôn xao có tin quân đội Nga tổn thất nặng nề. Mặc
dù được miễn, tôi vẫn được huấn luyện quân sự, và vì tôi lớn nhất trong nhóm, tôi luôn
phải vác trên cái chân chạng ba đại liên nặng nề, nóng hơn một trăm độ Fahrenheit. Phần
lương thực của chúng tôi bớt đi chỉ còn năm trăm gram, và tôi có thể nói thật đó là lần
duy nhất trong đời tôi biết thế nào là đói. Nhưng có một vài trợ giúp và thay đổi nhờ giới
trí thức lưu đày Nga, đặc biệt là văn phòng quay phimMoscow. Buổi tối chúng tôi tìm
kiếm đến nhà đạo diễn đại tài Sergei Eisenstein, và ông đọc cho chúng tôi nghe những vở
đọan của phim Ivan The Terrible( Ivan Khủng Khiếp). Khi họ khởi sự quay phim, chúng
tôi đóng những vai phụ, nhận làm hiệp sĩ Đức xâm chiếm nhưng rồi bị đẩy lui. Nhờ có
tập luyện nhảy dù, tôi giữ những vai trò mạo hiểm, nhờ đó tiền lương tôi tăng gấp ba và
điều này giúp tôi trút bớt được gánh nặng buồn nản và thiếu thốn.
Đang học hành nửa chừng, tôi nhận được một điện tín bí mật, ký tên « EKKI Vilkov ».
Bốn chữ EKKI thay cho Executive Committee Communist International (Ủy Ban Điều
Hành Quốc Tế Cộng Sản) của tổ chức Comintern , và do cấp lãnh đạo ngành nhân sự và
cán bộ ký tên. Tôi được lệnh di chuyển đến Ufa trước tiên, thủ đô cộng hòa tự trị
Bashkiria, nơi Cộng Sản Quốc Tế (Comintern) và cấp lãnh đạo lưu vong của Đảng Cộng
Sản Đức được thuyên chuyển ra khỏi vòng vây Moscow.
Đảng quyết định gởi tôi đến trường Cộng Sản Quốc Tế, tại một ngôi làng nhỏ
Kushnarenkovo, cách Ufa 60 cây số, nơi các đảng viên Cộng Sản của các nước Âu Châu
bị chiếm đóng và nước Đại Hàn chuẩn bị giải phóng tổ quốc của họ và được huấn luyện
để đảm nhận trách nhiệm tương lai của họ. Tôi được dậy dỗ trong khuôn phép Thanh
Niên Cộng Sản nên tôi không thắc mắc về các quyết định, mặc dù tôi nuối tiếc giấc mơ
phác thảo họa đồ phi cơ Xô Viết bây giờ khó lòng thực hiện được. Ngoài những nuối tiếc
này, tôi đoan quyết cuộc đấu tranh chống Hitler quan trọng và vinh dự hơn việc học hành
của tôi.
Đời sống tại trường Quốc Tế Cộng Sản, một tổ chức có nhiệm vụ đẩy mạnh cách mạng
vô sản quốc tế, được tổ chức trong không khí bí mật, điều làm tôi tự cảm thấy rất trưởng
thành. Ấn dấu của Đảng ăn sâu vào tâm khảm của tôi nên khi Đảng đòi hỏi nơi chúng tôi
một việc gì, chúng tôi ngoan ngoan tuân thủ. Họ nói « Nhảy », chúng tôi trả lới « Cao đến
đâu?». Tính bí mật ngự trị tuyệt đối trong trường học. Người ta đạt cho chúng tôi những
bí danh – của tôi là Kurt Förster, theo tôi tên này nghe rất là hăng hái. Mặc dù tất cả
những thanh niên Đức biết nhau từMoscow, chúng tôi dùng những tên nay để gọi nhau –
một cách huấn luyện sơ khới trong phương pháp ngụy trang. Chúng tôi được huấn luyện
cách xử dụng tiểu liên, súng trường,và súng lục, chất nổ và lựu đạn, cách sử dụng « kỹ
thuật hoạch định mưu kế » trong các buổi họp và việc chuyển thông tin, căn bản trong
ngành điệp báo. Việc huấn luyện chính trị của chúng tôi đều nhắm vào thời gian thắng lợi
sau khi lật đổ Hitler. Chúng tôi quyết tâm thành lập một mặt trận chung bao gồm tất cả
các lực lượng chống phát-xít và dân chủ.
Chúng tôi cũng được huấn luyện kỹ lưỡng về kỹ thuật tuyên truyền. Trong một lớp huấn
luyện, một người được chỉ định để trình bày những lý luận của kẻ thù Quốc Xã đạt đến
mức thuyết phục tối đa, trong khi đó những người khác phản bác lại với những luận cứ
chống phát-xít. Tôi thích thú nhận thách đố đi sâu vào tư tưởng của kẻ thù và trình bày rất
rành mạch và với nhiều nhiệt huyết những lý luận ủng hộ Quốc Xã. Trong khi đó các học
viên chậm chạp hơn, có lẽ vì e ngại điểm sấu trong học bạ bi ghi nhận là thanh niên Cộng
Sản không kiên định, chỉ nhắc lại như con vẹt bài bản đã ghi giải thích sẵn không lấy gì
làm phấn khởi. Có một lần, các bạn học của tôi bị quở trách vì trả lời không đủ sâu sắc và
gẫy gọn chống lại những luận điệu của phát-xít, tôi nghĩ thế. Ông thầy chúng tôi la hét:
«Chúng bay làm nên trò trống gì nếu chúng bay phải lý luận với một tên Quốc Xã thực
sự? ». Tôi tranh đua thực sự trong những đấu trường ý thức hệ kỳ lạ này với Wolfgang
Leonhard; ông này vài năm sau, năm 1949, trốn chạy Đông Đức đế đi Nam Tư
(Yougoslavia) và trở nên một nhà nghiên cứu lỗi lạc về Liên Xô tại Đức và sau này tại
các đại học Harvard và Yale. Một trong những oan trái của đời tôi là khi Giáo Sư
Leonhard dùng tài biện luận ông đã mài dũa trong trường Quốc Tế Cộng Sản
(Comintern) để chống lại hệ thống Xô Viết, còn tôi, tôi vẫn tiếp dùng khả năng của mình
để bào chữa cho nó.
Tại trường Quốc Tế Cộng Sản, tôi gặp Emmi Stenzer, người vợ tương lai của tôi. Tôi
chưa bao giời gặp một người đàn bà nào đem hết tâm can vào công tác chính trị như vậy,
một công tác mà cô ta cống hiến cho người cha, ông Franz Stenzer, môt dân biểu Quốc
Hội bị Quốc Xã giết tại Dachau năm 1933. Cô có một người bạn trai người Tây-Ban-Nha
khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, và chỉ sau khi chúng tôi rời trường Quốc Tế Cộng Sản và
gặp nhau lại tại Moscow, chúng tôi yêu nhau. Tôi thán phục tinh thần độc lập và ý chí
của cô sau bao nhiêu khó khăn thời niên thiếu. Cô đã trải cuộc đời trong cô nhi viên của
một thành phố kỹ nghệ thê lương của Ivanovo sau khi mẹ cô bị bắt tại Moscow vào
những thập niên 30 trong một cuộc bố ráp toàn diện các người ngọai quốc thường trú vì
tình nghi có họat động chống Xô Viết (mẹ cô sau này được thả ra).
         Bertolt Brecht viết cho vợ Helene Weigel và nói đến tầm quan trọng của « sự vật
thứ ba » luôn luôn nằm giữa hai người – chia sẻ cùng một Hoài Bão – và trở nên một
thành phần sinh động của mối tình của họ. Thời buổi bây giờ, thiên hạ có thể chế diểu,
nhưng vào thời buổi tư tưởng chính trị có thể đưa đến cái chết hoặc tù tội, chúng trở
thành cơ cấu tình cảm và trí thức của đời người. Mặc dù tôi đã ly dị với Emmi sau gần ba
mươi năm ăn ở và đã tái giá hai lần, cô ta vẫn tiếp tục là bạn tri kỷ và giữ mối giây liên
kết tước đây với tất cả gia đình tôi qua việc quản thủ Thư Viện Friedrich Wolf tại Bá
Linh.
Ngày 16 tháng Năm, cuộc đời của tôi thay đổi bất chợt qua một khúc quanh khác. Chúng
tôi đến lớp học và thấy trên bảng ghi một thông báo giải thích vì « những sự khác biệt về
điều kiện giữa các nước nâng đỡ chế độ độc đoán Quốc Xã và các dân tộc yêu chuộng
hòa bình », Đảng Cộng Sản Quốc Tế và trường học cần phải giải tán. Lẽ cố nhiên có
những lý do chính trị nấp đàng sau. Giải tán Quốc Tế Cộng Sản là một thỏa hiệp giữa
Stalin và các nước Đồng Minh Tây Âu, vì các nước này xem Quốc Tế Cộng Sản là một
cơ quan xách động cách mạng trong nước của họ.Tôi cực kỳ may mắn vào thời điểm tôi
được tuyển dụng. Lớp tốt nghiệp trước tôi đã được thả dù vào nước Đức nhưng họ rơi
vào bẫy của phản gián Đệ Tam Quốc Xã, vì Quốc xã truyền đi những tần sóng phát thanh
đánh lừa các cơ quan trách nhiệm Xô Viết. Họ bị cơ quan Gestapo (Mật vụ của Đức
Quốc Xã) và cơ quan phản gián quân đội của Hitler bắt và đem tử hình. Hy sinh của họ
giúp cho đội xâm nhập của chúng tôi tránh chia sẻ cùng một số phận với họ. Chúng tôi
chuẩn bị một đội bảo trì máy móc ở trong một nhà nông trại và chúng tôi chuyển nhưng
kiện vật liệu lên trên bờ sôngBelaya.
Tuy nhiên chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ vì quyết định này. Phải chăng các vị giáo sư của
chúng tôi nói rằng Quốc Tế Cộng Sản là muôn năm, là thành tố cao đẹp nhất của Đảng?
Nhưng toàn bộ huấn luyện nhằm mục đích dậy cho chúng tôi tuân lệnh không đặt vấn đề.
Chúng tôi được học tập để chấp nhận tất cả những gì Đảng ra lệnh là đúng, và chờ đợi
những mệnh lệnh mới.
        Có lẽ vì tôi là con của một tác giả có tiếng, cấp lãnh đạo Đảng nhận xét tôi thích hợp
với nhiệm vụ thông báo và bình luận trên Đài Phát Thanh của Nhân Dân Đức (Deutsche
Volksender), tiếng nói của Đảng Cộng Sản Đức trên đài Moscow, vì vậy tôi trở về
Moscow. Tôi trở thành đảng viên chính thức lúc tôi hai mươi tuổi và tham dự các cuộc
hội họp trong khách sạn Hotel Lux cũ tại căn phòng của Wilhelm Piecke, sau này trở
thành tổng thống đầu tiên của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Chính tại đây, trong khách
sạn sau này trở thành trung tâm thanh lọc các đảng viên cộng sản ngọai quốc, tôi gặp lần
đầu các vị, như Walter Ulbricht và những người khác nữa, sau này sẽ quản lý đất nước
sau chiến tranh.
Emmi trong khi đó được gởi ra ngoài mặt trận để tuyên truyền tiêu cực qua máy vi âm
phát thanh bằng tiếng Đức trong chiến dịch chiến tranh tâm lý. Cô ta đi qua đi lại sát
chiến tuyến địch, la vang trong máy phóng thanh tuyên truyền chiến tranh đã chấm dứt và
kêu gọi binh lính Đức đầu hàng. Cô ta bị trọng thương tại Gomel, và vào ngày 24 tháng 9
năm 1944, ngại rằng chúng tôi sẽ chẳng còn bao giờ gặp mặt nhau nữa, chúng tôi làm
đám cưới. Tuy nhiên chúng tôi vẫn xa cách nhau trong những ngày tháng cuối của cuộc
chiến.
Ngày Mừng chiến thắng Đức Quốc Xã cuối cùng được cử hành vào tháng 5 và chúng tôi
không bao giờ quên nỗi vui mừng của cha mẹ chúng tôi và tôi hòa nhịp với đám
đôngMoscowhoan hỉ. Koni đã có mặt trên đất nước Đức và đã tham dự vào cuộc tiến
công sau cùng vào Bá Linh và được sáu huy chương khen thưởng vì lòng anh dũng. Em
tôi gởi thơ nói rằng nó đang chờ chúng tôi, và tôi bắt đầu đóng thùng tất cả tài sản của
thời niên thiếu Nga. Tại trường Quốc Tế Cộng sản, chúng tôi biết chúng tôi đang chuẩn
bị để trở về Đức sau khi Đồng Minh chiến thắng. Thời cơ này đã đến.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 5 (Markus Wolf)                        
 “…Chúng tôi tiếp cận một số hồ sơ đảng viên Quốc Xã của Đệ Tam Đức Quốc và chúng
tôi dùng những hồ sơ này để thuyết phục những người Tây Đức đã xóa bỏ quá khứ cộng
tác với Quốc Xã về cộng tác với chúng tôi…”
Chương 3
Đệ tử của Stalin
         Năm tôi mười một tuổi tôi rời nước Đức và đi Moscow và thêm mười một năm tôi
mới trở về Đức. Có người thường gọi đùa tôi có « nửa máu Nga », hàm ý có vẻ khen
nhưng đôi khi cũng soi bói, nhưng tôi không hề coi đó là một lời mắng nhiếc, việc bảo trợ
của người Nga là một yếu tố thiết yếu trong sự nghiệp của bản thân tôi. Các bạn đồng chí
Cộng Sản Đức biết cuộc đời niên thiếu của tôi được nhào nặn tại Liên Bang Xô Viết cùng
với tinh thần sâu xa của dân tộc Nga. Việc tiếp cận khắng khít với Liên Bang Xô Viết cho
phép tôi có một thẩm quyền hiểu biết mà tôi có thể dùng để áp đảo trong những cuộc
tranh luận.
         Khi tôi trở lại thăm viếng Moscow sau này trong những chuyến công tác, tôi gỡ bỏ
mau chóng căn cước chính thức quốc tịch Đức của tôi để hòa nhập vào dáng dấp quen
thuộc của một người dân Moscow, lang thang trên đường phố và trò truyện với mọi
người một cách thân thuộc hơn cả đối với thành phố Bá Linh và người Bá Linh. Tôi tiến
đến căn nhà cũ của chúng tôi tại Đại Lộ Nizhny Kizlovsky, bây giờ có bảng ghi dấu
tưởng nhớ cha tôi và em tôi, và tôi thăm viếng rất nhiều bạn bè cũ tại khu phố Arbat. Tôi
sẽ cùng với ông bạn Alik, mất một chân vì chiến tranh và nay là Giáo Sư dạy tiếng Đức,
đi dạo ngang qua phố láng giềng cũ đến đường Gorky, bây giờ được gọi trở lại là
Tverskaya như hồi trước Cách Mạng. Khi còn là sinh viên, chúng tôi đứng xếp hàng cả
giờ để kiếm ghế ngồi tại Nhà Hát Nghệ Thuật Moscow xem tài nghệ diễn xuất của đại
kịch gia Tarasova trong vở Anna Karenina, hoặc xem Michoels, một ngôi sao sáng của
kịch trường Do Thái, nằm bên cạnh trường học chúng tôi.
         Chúng tôi yêu thích văn học cổ điển Nga và các nhà văn hào Châu Âu thế kỷ thứ
mười chín – Heine, Balzac – cũng như Galsworthy, Roger Martin du Gard và cú pháp
chặt chẽ và mạnh mẽ của Hemingway. Khi chúng tôi có một buổi họp vào hè năm 1941,
chúng tôi chèo ghe đến dưới một vòm cầu hẻo lánh của Sông Moscow và ngâm những
câu thơ của Aleksandr Blok và Sergei Yesenin.
         Mấy năm nay, mỗi khi tôi rời Moscow, tôi đau quặn lòng vì nhớ quê nhà, nhưng
khác với các bạn Đức của tôi đã định cư tại đây, tôi chẳng bao giờ muốn ở lại Moscow
cho đến mãn đời tôi. Nước Đức vẫn là Heimat (Tổ Quốc) của tôi, và đây là nơi tôi được
mời về để thi thố những gì Quốc Tế Cộng Sản đã đào luyện cho tôi và áp dụng kinh
nghiệm phát tuyến tôi đã học hỏi. Tôi tròn hai mươi ba tuổi và là một thanh niên khôn
ngoan và nhiều tham vong nhưng đầu óc vẫn còn khờ dại khi tôi trở về lại Đức đối diện
những thực tế tôi phải đương đầu. Việc huấn luyện chúng tôi đặt rất nặng trên nền tảng ý
thức hệ và chú tâm đến chiến dịch tẩy sạch những vùng lãnh thổ Quốc Xã bị đánh bại.
Chúng tôi không thể hình dung được sức chấn động nội tâm khi chúng tôi đối diện với
các người đồng hương sau khi thế giới của họ sụp đổ, một cuộc bại trận to lớn của một
quốc gia và màn kết thúc nhục nhã của tên độc tài đã làm cho họ say mê.
         Chúng tôi, thanh niên Cộng Sản từ Moscow trở về, cảm nhận mình là những bó
đuốc chính trị soi sáng, minh chứng bằng chính gương sáng của chúng tôi cho thấy phe
Tả tốt lành hơn phe Hữu. Lệnh ban đầu chúng tôi nhận được là không áp đặt cơ cấu Cộng
Sản trên những vùng chiếm đóng của Xô Viết trên nước Đức, nhưng tạo nên một liên
minh rộng lớn chống phát-xít do chính chúng tôi thành lập. Đây không phải đơn thuần là
một chiến thuật mà đối với chúng tôi và tất cả các đảng viên Cộng Sản, đó là một nhu
cầu. Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ Hitler làm thế nào để tiêu diệt cánh Tả. Stalin, trên
thực tế và thoạt tiên không hy vọng có cơ may xây dựng được một chính quyền theo kiểu
Xô Viết trên phần đất của Đức và muốn có những chọn lựa mở ngỏ với Đồng Minh Tây
Phương.
         Chúng tôi trở về nước Đức tiếp cận thực tế tàn nhẫn và khó chịu hơn hẳn những gì
chúng tôi dự đoán. Em tôi, Koni, phản ánh sự kiện này mấy năm sau trong một bộ phim
diễn tả tâm trạng các thanh niên phải đối đầu với những cảnh tượng man rợ không bút
nào tả xiết, Tôi Tròn Mười Chín Tuổi. Em tôi tô đậm nét tương phản giữa hình ảnh tuổi
thơ của trang thiếu niên anh hùng với một xã hội hỗn loạn, trong đó các thị trưởng thành
phố vội vã thu cất lá cờ Quốc Xã – hoặc đôi khi chỉ cắt vòng tròn và chữ vạn đen ở trung
tâm lá cờ – khi Hồng Quân tiến đến gần.
         Trong khi Koni, với trách nhiệm của một sĩ quan lãnh đạo của quân đội Xô Viết,
góp sức thiết lập nền tảng guồng máy hành chánh hậu Quốc Xã trong vùng chiếm đóng
của Liên Bang Xô Viết, tôi được lệnh đến Bá Linh tháp tùng bộ tham mưu Đảng. Ông
Walter Ulbricht, với đầu óc sắc bén và khuôn mặt râu rậm, hiện thân là lãnh tụ của Đảng
Cộng Sản Đức lưu vong, đã rời Moscow để đến Bá Linh hồi tháng 4 cùng với khuôn mặt
khả ái của Whilhelm Pieck và một nhóm nhỏ tiên phong của đảng. Phần còn lại trong
nhóm của chúng tôi bay về Đức một tháng sau, vào ngày 27 tháng Năm, trên chuyến phi
cơ quân sự Douglas DC-3 ; tất cả chúng tôi đều mặc quần áo dân sự mới cắt chỉ. Từ trên
không trung, chúng tôi nhìn xuống chỉ thấy những tàn phá của chiến tranh.
         Đoàn chúng tôi rất là hỗn tạp – Cộng Sản cũ và tù binh Đức con cái của những đảng
viên cộng sản cũ. Không ai có một chút ý niệm gì về những gì sẽ diễn ra và chúng tôi nói
chuyện và bàn bạc về những gì chúng tôi có thể sẽ gặp. Chúng tôi cũng không biết rõ
Đảng Cộng Sản có được phép họat động tại Đức không . Không thấy ai đề cập đến ý thức
hệ để xây dựng một nước Đức mới. Công việc đầu tiên chúng tôi phải làm là một công
việc căn bản: tổ chức lại cuộc sống thường ngày để người Đức sinh sống.
         Emmi cùng đi với tôi, lần đầu tiên chúng tôi sống chung với nhau như vợ chồng.
Đối với cả hai chúng tôi, hành trình trở về quê nhà vừa phấn khởi vừa đau đớn khi chúng
tôi nhìn thấy cảnh thảm não và tan nát của các thị xã và thành thị Đức. Chúng tôi cũng đã
thoáng nhìn cảnh tàn phá của Warsaw trên đường bay về Bá Linh. Nó hoàn toàn bị tàn
phá, khói nghi ngút bay lên từ những đống gạch vụn như thể trong nhà táng. Phi cơ của
chúng tôi là chiếc đầu tiên đáp xuống phi trường Tempelhof vừa mới mở lại; phi trường
này ba năm sau đã được dùng làm trạm liên lạc không vận của Đồng Minh khi Bá Linh bị
bế môn phong tỏa. Sự tàn phá của Bá Linh hầu như toàn diện không ai nghĩ có thể tái
thiết lại được.
         Vì chúng tôi là những đứa con của Quốc Tế Cộng Sản, chúng tôi có tinh thần quả
quyết rất cao. Chúng tôi muốn gột rửa cho nhân dân vết nhơ quá khứ Quốc Xã và hết
lòng tin tưởng vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa chúng tôi được nuôi dưỡng để có thể rửa
sạch và tái tạo nước Đức. Tôi không ngờ việc hòa nhập sống chung với những người đã
từng tung hô Hitler và Goebbels khó khăn hơn tôi nghĩ. Phần đông hầu như không có khả
năng hoặc không muốn hiểu những gì Quốc Xã đã làm với sự trợ giúp của họ hoặc nhân
danh họ. Chẳng có mấy ai cảm thấy có tội hoặc có trách nhiệm với những gì đã xẩy ra.
Emmi có lần nghe trộm một nhóm phụ nữ bàn thảo về báo cáo tội ác chiến tranh của Đức
do đài phát thanh do tôi điều khiển loan truyền. Họ nói và dùng những ngôn ngữ của
nhóm quốc gia cực đoan Hitler mà họ đã nghe từ mười hai năm nay « Người Đức không
bao giờ làm một việc như vậy ».
         Dưới nhãn quan của nhiều người Đức và của phần đông thế giới, chúng tôi trở lại từ
phía Đông mang theo với chúng tôi một chế độ độc tài khác. Nhưng chúng tôi không tự
xem chúng tôi là những người thay thế chế độ độc tài Nâu bằng một chế độ độc tài Đỏ,
như Tây Âu sau này vẫn nhìn chúng tôi. Chúng tôi người Cộng Sản Đức có lẽ là những
người ngoại quốc mù tịt nhất về những tội ác của Stalin, vì chúng tôi đã được Liên Bang
Xô Viết cứu khỏi cái chết hoặc tù tội tại Đức. Tất cả những mối nghi ngờ về những gì
đang xẩy ra bị che lấp bởi những biến cố dưới chế độ hung bạo của Hitler, và tôi không
thể nào nhìn thấy hệ thống xã hội chủ nghĩa là một chế độ độc đoán. Đối với tôi và đối
với thế hệ Cộng Sản chúng tôi, đó là một lực lượng giải phóng. Có thể phương pháp của
họ mạnh bạo, nhưng chúng tôi luôn luôn cảm thấy đó thực sự là một lực lượng lương
thiện và những cố gắng để thuyết phục tôi phải thay đổi suy nghĩ hầu như vô hiệu.
         Nếp suy nghĩ này quyết định não trạng của chúng tôi trong suốt thời gian Chiến
Tranh Lạnh. Điều này có nghĩa mỗi lần chúng tôi nghe mô tả một hình ảnh không đẹp đẽ
của phía chúng tôi, câu hỏi xuất hiện đầu tiên trong đầu óc không phải là « Điều này có
đúng không?» mà là « Bọn họ đang tìm cách che đậy gì đây khi họ tố cáo chúng ta điều
này?». Một khi hệ thống phòng thủ trí não đã được hoàn chỉnh, ít lời chỉ trích nào có thể
làm suy xuyển nổi tinh thần chúng tôi.
         Chúng tôi cũng còn ngây thơ. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người Đức, sau khi bị
chấn động vì bại trận, tỏ ra biết ơn được cởi bỏ ách của Hitler và ôm chầm đoàn quân Xô
Viết như đoàn quân giải phóng. Thực tế có phần hơi khác. Nơi cư xá tôi ở, tôi nghe trộm
các người láng giềng cãi cọ xem ai là người sẽ được dời đến những căn phòng rộng rãi và
thông thoáng nằm đối diện với căn phố chúng tôi, nơi đây một gia đình Quốc Xã bị trục
xuất. Sự sụp đổ của nước Đức, một cường quốc thế giới, đã không hủy diệt ước vọng của
người dân mong muốn có được « Lebensraum » (Không gian sinh tồn) * Lời dịch giả :
Thuyết « không gian sinh tồn » được Quốc Xã sử dụng để biện minh cho chính sách bành
trướng lãnh thổ của nước Đức.
Tôi cảm thấy đau xót vì vấn nạn này. Tôi tức điên tiết khi tôi nghe người khác kể lại gia
đình đòi căn phố này dựa trên chứng cớ họ không là đảng viên của Quốc Xã, nhưng thực
ra họ bị ghi trong sổ hộ tịch địa phượng là « những kẻ tố cáo », họ đã tố giác năm đảng
viên Công Sản cho chính quyền.
         Làm sao tôi có thể ngu muội trước cảnh mỉa mai của lời kêu gọi của chúng tôi nhằm
thiết lập một trật tự nhân bản và yêu chuộng hòa bình? Tôi chỉ có thể trả lời là một phần
con người của tôi trải qua những năm tháng tại Liên Bang Xô Viết đã trở thành nửa Nga
và nhìn nhận phần nảo khát vọng trả thù vì những kinh hoàng mà Quốc Xã đã gieo rắc.
Tôi thiết nghĩ sau một cuộc tháo chạy tán lọan như vậy khát vọng trả thù sẽ lắng dịu và
sau đó chúng tôi có thể xây dựng mối liên hệ Đức Nga, không chút tham vọng chế ngự
lẫn nhau.
         Một vài ngày sau khi chúng tôi đến, chúng tôi được lệnh trình diện Ulbricht từng
người một. Ngắn gọn, ông vạch rõ vai trò hành chánh của chúng tôi trong vùng kiểm soát
của Liên Bang Xô Viết. Tôi đuợc chuyển sang Đài Phát Thanh Bá Linh làm biên tập
viên; đây là một công thự đồ sộ tại Charlottenburg, nằm trong vùng kiểm soát của Anh
quốc, trước đây là Đài Phát Thanh của Josef Goebbels nay rơi vào tay của quân đội Xô
Viết. Lúc đầu tôi cự nự lệnh của Ulbricht, vì tôi được huấn luyện để trở thành kỹ sư hàng
không và tôi không biết gì nhiều về kỹ thuật sách động  –  mặc dù khi tôi còn nhỏ tôi
sống trong khung cảnh đó, nhưng đây là một chương tình huấn luyện để chống lại chủ
thuyết Quốc Xã. Khi tôi hỏi ông Ulbricht đến khi nào tôi được phép hoàn tất học vấn về
hàng không tạiMoscow, ông quát mắng « Anh thi hành công tác của anh đi. Chúng ta có
nhiều việc phải lo toan hơn là làm tàu bay ». Mặc dù lo sợ lúc ban đầu, nhưng khi tôi làm
phóng sự và bình giải chính sách ngoại giao (với bí danh là « Michael Storm ») tôi cảm
thấy công việc hấp dẫn. Nằm xa khu vực kiểm soát Xô Viết, ngay trong khu vực Anh
quốc, đài phát thanh của chúng tôi đúng là tiền đồn trong cuộc Chiến Tranh Lạnh bắt đầu
khởi sự. Khoảng cách giữa Bộ Tham Mưu Đảng tại Bá Linh với nơi chúng tôi làm việc
cho phép chúng tôi hoạt động có ít nhiều phần độc lập. Tôi có một tập nhỏ do Ulbricht
viết khi còn ở Moscow chỉ thị đường hướng của Đảng và nhấn mạnh công cuộc đấu tranh
chung chống phát-xít, nhưng, trong thuở ban đầu, đó là tất cả chỉ thị chính trị mà tôi nhận
được.
         Đôi khi tôi đụng độ với Ulbricht. Trong một chương trình tôi điều khiển gọi là «
Diễn Đàn Dân Chủ », ông là phát ngôn viên của Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa
(SED) ( hiện nay là Đảng Cộng Sản, được thành lập do sự phối hợp của đảng viên Cộng
Sản với đảng viên Dân Chủ Xã Hội trong vùng chiếm đóng của Xô Viết năm 1946).
Giọng the thé pha trộn với tiếng dân miền Saxon của ông tạo nên một cảm giác không lấy
gì làm thú vị cho thính giả. Với lòng cương trực nguy hiểm của tuổi niên thiếu, tôi đề
nghị ông nên để một xướng ngôn viên đọc bài của ông đồng thời ông nên trau dồi luyện
giọng. Ông tỏ ra khó chịu ra mặt. Thật là một chuyện lạ, sự nghiệp tôi vẫn thăng tiến tại
Bá Linh với một bước đầu thật là vụng về.
         Chúng tôi cố gắng đưa đài phát thanh đến gần quần chúng một cách sống động
bằng cách trả lời những câu hỏi về những vấn đề xem như cấm kị chẳng hạn như số phận
của trăm ngàn tù binh Đức giam giữ tại Liên Bang Xô Viết, số phận của các công chức
nhỏ của Quốc Xã được xét xử như thế nào và biên giới mới thâu ngắn của nước Đức trên
dòng sông Oder và Neisse ; điều đáng ngạc nhiên, những đề tài này không cấm kị đối với
các sĩ quan Xô Viết giám sát đài phát thanh. Cuộc tranh đấu gay go của chúng tôi là
chống lại lệnh các sĩ quan Xô Viết phải phát thanh giờ này sang giờ khác những bài diễn
văn chán ngấy. Có một bài diễn văn hầu như dài vô tận đọc tại Liên Hiệp Quốc của bộ
trưởng ngọai giao Andrei Vishinsky, rêu rao những cọ sát trong môi tương quan giữa
Moscow và Đồng Minh phía Tây. Tuyên truyền loại này đưa đẩy thính giả vào tay của
đài phát thanh mới thành lập RIAS ( Radio in American Sector) đài phát thanh trong
vùng kiểm soát của Hoa Kỳ.
         Cũng có những vấn đề khác nữa. Chúng tôi không được phép tự do thông tin về mối
tương quan giữa nhân dân Đức với quân đội chiếm đóng Xô Viết, cũng không được nói
về những vụ hãm hiếp và cướp bóc diễn ra cùng với bước tiến của Hồng Quân vào Bá
Linh. Chiến dịch đối xử bạo tàn đối với đám quần chúng bại trận, đặc biệt tại Đông Phổ
(East Prussia) không còn là một bí mật nữa. Như mọi người dân Đức, chúng tôi khiếp
đảm vì những tin này, và chúng tôi cảm nhận phương cách duy nhất để dân Nga và dân
Đức xích lại gần nhau là công khai nói về mọi tội ác chiến tranh. Cấp lãnh đạo Cộng Sản
Đức tỏ ra phẫn nộ vì cách hàng xử của đám quân tội lệ của Hồng Quân khiến cho việc
thu hút nhân tâm về phía chúng tôi càng trở nên khó khăn thêm. Chúng tôi cũng có ý kiến
của chúng tôi nhưng chúng tôi không thể phát biểu công khai, và các sĩ quan Xô Viết có
trình độ văn hóa cao hơn cũng âm thầm nhìn nhận những trò thô bạo như vậy không được
phép xảy ra. Nhưng chính ngay từ ngữ « Nga » đã được bộ máy tuyên truyền của Quốc
Xã liên tục sử dụng không ngừng nghỉ để khơi động lòng căm thù sơ đẳng, nay một lần
nữa được gán ghép với sự sợ hãi.
         Là đảng viên của Đảng Cộng Sản Đức, chúng tôi không lên tiếng phản đối những
lối hành xử tàn ác này mà đáng lý ra chúng tôi phải lên tiếng vì hai lý do chính. Thứ nhất
một người Đức tỏ ra bất nhã khi chỉ trích người Nga về tính thô bạo, so với những tàn
phá của Quân đội Đức đã gieo trên đất của Liên Bang Xô Viết khi họ chiếm đóng. Trong
lòng chúng tôi, những người trốn chạy nước Đức của Hitler, có lẽ vẫn còn một chút hận
thù đối với chính những người dân đã chấp nhận trở thành công cụ của Đệ Tam Quốc
Đức (Third Reich). Lý do thứ hai đơn giản là chúng tôi gạt bỏ những mối nghi ngờ về
hành vi của quân đội Nga vì đề vấn đề ý thức hệ.
         Có người hỏi tại sao tôi một thanh niên có giáo dục trong một gia đình có văn hóa
lại có thể gạt bỏ ra khỏi trí tuệ bao nhiêu những biến cố bất ổn định như vậy. Tôi cũng tò
mò muốn biết những nhận định này, nhưng những từ ngữ chỉ thoáng lướt qua trong đầu
óc của tôi, bởi vì chúng được gạn lọc bởi một màng lưới ý thức hệ. Vào thời kỳ đảo lộn
của thời hậu chiến, lòng thù hận mong muốn báo thù phá lẫn với lòng đố kị, nơi đâu cũng
có bất công cả, tuy nhiên chúng tôi chú tâm đến việc ngăn chặn không cho chủ thuyết
Quốc Xã tiêm nhiễm trở lại nước Đức. Thực vậy, phần đông các thính giả viết thư cho
chúng tôi đều quan tâm đến việc xóa bỏ những tàn dư của Quốc Xã hơn là số phần của
một vài người có thể bị thương tổn trong quá trình của sự việc.
         Khi các viên chức chiếm đóng Xô Viết tổ chức bắt giam hàng lọat các cựu đảng
viên Quốc Xã và các thành phần chống đối Stalin, hàng ngàn đảng viên Dân Chủ Xã Hội
chống đối Quốc Xã cũng bị càn quét và một vài người bị đưa vào trại lao động, được
chính Quốc Xã một cách trớ trêu vừa mới xây dựng xong. Chúng tôi biết rất ít về những
sự kiện này, và những gì chúng tôi biết chúng tôi cho đó là trò tuyên truyền gian ác của
Tây phương. Ví dụ, tờ báo của Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Tây Bá Linh, tờ Telegraph,
đăng một câu chuyện nói rằng tại một căn phòng của một ngôi nhà tôi ở, có người bị một
biệt đội cảnh sát K-5 thẩm vấn và tra tấn. Tôi công khai phủ nhận hoàn toàn điều này và
tố cáo tờ báo đã bịa đặt không những cảnh tra tấn mà ngay cả sự hiện hữu của biệt đội K-
5. Mãi sau này, khi tôi được bổ nhiệm làm việc tại Bộ An Ninh Nhà Nước, tôi mới khám
phá đội K-5 có thật và họ đã tra tấn những người tình nghi ngay dưới hầm căn nhà đó.
         Trong suốt sự nghiệp của tôi, tôi bỏ qua, tôi cho là tiểu tiết hoặc tôi biện luận về
những giai đọan như vậy, và tôi chỉ biết nhắc nhở độc giả rằng tâm tính của tôi được
huấn luyện để chống chủ nghĩa phát-xít; chúng tôi cảm nhận đối với một địch thủ độc
đoán như vậy, hầu hết mọi phương tiện chống lại nó đều tốt. Trong tiến trình suy luận,
chịu ảnh hưởng của bài diễn văn bí mật Nikita Khrushchev đọc trước Đại Hội lần thứ Hai
Mươi của Đảng Cộng Sản năm 1953, trong đó ông tiết lộ những tội ác của Stalin cho các
đảng viên Cộng Sản ủng hộ Stalin và sau đó tiết lộ cho thế giới, tôi bắt đầu có những cảm
nhận khác. Nhưng vào lúc đó và trong hầu hết quãng đời của tôi, tôi tin tưởng chúng tôi,
những người Cộng Sản, đứng về phía canh tân và công bằng xã hôi. Điều này giúp châm
chế Moscow những kịch án thanh trừng, và bây giờ những bắt buộc của tình thế Chiến
Tranh Lạnh khiến cho chúng tôi bỏ qua những hành vi tấn công Đảng Dân Chủ Xã Hội
Đức, một đảng vẫn còn tồn tại sau Quốc Xã. Trong những trường hợp cá biệt, tôi xoay sở
trong phạm vi khả năng của tôi, nhưng tôi không gặp nhiều những trường hợp này. Có lẽ
tôi cảm thấy tôi miễn nhiễm với mốt số tiêu chuẩn đạo đức, một cảm nhận được hỗ trợ
bởi lòng tin rằng guồng máy Cộng Sản sẽ không bao giờ quật ngược lại tôi, vì tôi là một
đứa con của guồng máy. Tôi không bao giờ nghĩ tôi có thể là nạn nhân. Cả cha tôi cũng
vậy, và có lẽ đó là một lý do chúng tôi còn tồn tại. Cha tôi có lần đã viết cho Stalin năm
1945, than phiền ông không trở về được nước Đức trên danh nghĩa một người Do Thái,
và khi cao trào tố cáo « bọn bác sĩ mưu đồ » vào những năm cuối của Stalin nhằm tạo nên
cớ bài miệt Do Thái tại Liên Bang Xô Viết, cha tôi và tôi không ai đụng chạm đến. Cũng
như vào lúc tình trạng bất an toàn diện và mối đe dọa trước chiến tranh, trong sự hỗn loạn
sau chiến tranh, tôi không cảm thấy có nhiệm vụ làm suy yếu những người đứng cùng
phía với tôi để đấu tranh chống lại ác độc.
         Lẽ cố nhiên tôi biết rất nhiếu về những tội ác kinh khủng vào thời Stalin ngay cả khi
chúng còn trong vòng dự mưu thực hiện. Người nào nói không biết gì cả là một thằng nói
láo. Có nhiều điều tôi nhìn lại tôi cảm thấy không hãnh diện chút nào. Có lúc tôi đề cập
đến vấn đề này với các cấp lãnh đạo Cộng Sản Đông Đức. Nhưng trong quá khứ cũng
như hiện tại, tôi không bao giờ đem tội ác của chế độ Cộng Sản lên bàn cân so sánh với
tội ác của Quốc Xã. Điều khiến tôi đoan chắc không thể nào cân bằng hai thể chế đó là
những sự kiện ghê rợn nổi bật trong những vụ xét xử tội ác chiến tranh của các cấp lãnh
đạo Quốc Xã tạiNuremberg.
*
         Tháng Chín năm 1945, tôi được đài phát thanh phái đến tòa án xét xử tội ác chiến
tranhNuremberg để làm phóng sự. Chúng tôi chỉ được biết những sự kiện xẩy ra tại Quốc
Xã Đức qua bộ máy tuyên truyền của Xô Viết, chú trọng đến số phần của các đảng viên
Cộng Sản Đức. Chúng tôi cũng được biết một số chuyện do lời kể của chính gia đình
chúng tôi đến tai chúng tôi tại Moscow và từ những thư từ của cha tôi nói về những sự
kiện khai mào sau này mọi người được biết là Hỏa Diệt (Holocaust). Tuy nhiên mãi sau
này chúng tôi mới khám phá chiều sâu độc nhất vô nhị thảm cảnh tàn sát dân Do Thái
nằm trong căn gốc của chủ nghĩa Quốc Gia Xã Hội (Quốc Xã). Nhưng tại tòa án, tương
tự như trên bàn giải phẫu, bộ mặt thật của chủ nghĩa Quốc Xã được phơi bày rõ rệt và tất
cả thảm cảnh Hỏa Diệt dân Do Thái lần đầu tiên hiện ra trước mắt tôi.
         Vì tôi là một người con của một gia đình Do Thái Cộng Sản, tôi rùng mình khi tôi
ngồi đối diện những khuôn mặt đại diện còn sống sót của thời kỳ Quốc Xã. Lang thang
trên nhưng đổ nát của thành phố Nuremberg, trước đây được xem là « hộp quý trang của
nước Đức » nhưng nay bị gắn liền với những luật pháp kỳ thị chủng tộc mà hàng triệu
dân Do Thái là nạn nhân, tôi bất chợt, lạnh lùng bừng tỉnh và nhận định chúng tôi đảng
viên Cộng Sản và các đối thủ khác của Hitler đã hoàn toàn thất bại trong việc ngăn ngừa
cảnh tàn sát này, và tôi nguyện thề không để tình trạng này tái diễn một lần nữa trên đất
nước Đức.
         Chính vì lý do đó tôi thấy lòng căm phẫn của người Đức bại trận đối với quân đội
chiếm đóng Xô Viết khiến cho tôi tức giận thêm hơn. Tôi viết thư cho cha mẹ tôi một
cách ngây ngô cho rằng «lòng hảo tâm của Hồng Quân coi như quần chúng đương nhiên
được thụ hưởng mà quần chúng vẫn luôn than vãn. Hình như họ không nhìn thấy được
tầm mức thảm họa Hitler đem đến cho nước Đức. Họ không hiểu cơ may một trang sử
mới đang đến với họ».
*
         Nước Đức chính thức chia ra làm hai thực thể chính trị sau cuộc cải cách tiền tệ
năm 1948 tại ba vùng chiếm đóng của Tây Âu đưa đến sự củng cố nước Cộng Hòa Đức
( Bundesrepublik) hay là Liên Bang Đức. Để trả lời, nước Công Hòa Dân Chủ Đức được
chính thức thành lập tháng 10 năm 1949 cùng với diễn hành đêm đuốc, diễn hành đông
đáo quần chúng và những bài ca ái quốc. Đối với một số thành viên Xã hội chủ nghĩa có
nhiều cảm tính, tất cả những cảnh này giống một cách khó chịu như hệt họat cảnh cũ của
chính quyền Quốc Xã. Nhưng tôi thấy đây là giây phút lịch sử của mối bang giao Đức
Nga. Không bao lâu tôi được Trung Uơng Đảng vời về và tôi được thông báo tôi là người
trách nhiệm giúp thắt chặt tình hữu nghị này. Ngày 1 tháng 11, tôi được lệnh trở
vềMoscow với chức vụ Tham Vụ cho Tòa Đại Sứ Đông Đức tại đây. Để nhận nhiệm vụ
này tôi phải từ bỏ quốc tịch Xô Viết của tôi và một lần nữa tôi chính thức trở thành người
Đức. Chúng tôi đến Moscow vào ngày 3 tháng 11 năm 1949.
         Vẻ sang trong và tính khoan thái của ngành ngoại giao mở lòng chúng tôi sau
những ngày sống trong cảnh hoang tàn của Bá Linh, và chúng tôi an hưởng trọn vẹn đời
sống gia đình tạiMoscow. Đúng là một đời sống gia đình ấm cúng: Trong khi tôi làm
phóng viên tại Tòa Án Nuremberg năm 1946, đứa con đầu lòng của tôi, tốc vàng, mắt
xám, được đặt tên là Michael, ra đời, sau đó là em bé gái tên Tatjana, sinh năm 1949.
Emmi, không ưa thích vẻ bề ngoài của không khí trong Tòa Đại Sứ, được cơ hội chìm
đắm trong văn học Nga và khởi sự học trình lấy bằng tiến sĩ về Dostoyevsky.
         Với tư cách đệ nhất tham vụ của Tòa Đại Sứ nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức, cuối
cùng tôi được gặp Stalin, một biến cố đáng ghi nhận đối với tôi mặc dù bao năm đã qua.
Nói chuyện với các bạn bè cùng thế hệ, tôi thấy Stalin vẫn đôi lúc xuất hiện trong giấc
mơ của chúng tôi, có lẽ do một thoáng hồi nhớ cảnh diễn hành quần chúng chúng tôi
chứng kiến tại Quảng Trường Đỏ, vào lúc đó nhiệt độ thờ phụng của quần chúng che lấp
tất cả những cảm giác khác, hoặc nhớ lại những hình ảnh và tượng đài của Stalin – đã
biến mất từ lâu khỏi thành phố Moscow – tất cả những điều này khiến cho chúng tôi có
cảm giác đang sống với một vị á thần.
         Thực ra, cho dù tôi cố chú tâm với hiểu biết của con người trưởng thành để khách
quan đánh giá những tội ác của ông, khía cạnh gần như huyền bí trong tâm trạng của tôi
đối với Stalin không thể nào xóa nhòa được. Hình ảnh không thể xóa nhòa hoàn toàn này
có thể có ích cho tôi, vì điều này luôn nhắc nhở tôi hấp lực của kẻ độc tài vẫn quan trọng
và mạnh mẽ, vẫn tồn tại ngay cả sau khi những bất công y gây ra đã được phơi bày.
         Ấn tượng sống động nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi tại Tòa Đại Sứ là buổi
tiếp tân khoản đại lãnh đạo Trung Quốc ông Mao Trạch Đông tại đại sảnh tròn của Khách
Sạn Metropol vào tháng Hai năm 1950. Tôi đang đứng lưng quay ra cửa ra vào, thình lình
tôi nghe tiếng xôn xao trong phòng. Quay trở ra, tôi thấy Josef Vissarionovich Stalin
đứng cách tôi vài thước. Ông mang bộ Litevka nổi tiếng với cổ áo may cao. Ông không
đeo một huy hiệu hoặc huy chương nào cả. Với vóc dáng thấp bé và tròn trịa lạ lùng, ông
có đầu hói bóng lưỡng. Những chi tiết này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của Vozhd,
« Vị Lãnh Tụ Vĩ Đại », được nuôi dưỡng trên phim ảnh và trình diễn trên những bức
chân dung. Tôi choáng váng trước tiên vì thất vọng nhưng sau đó vì hãnh diện. «Thì ra
ông cũng như một người bình thường », tôi nghĩ. « Tất cả những câu chuyện để tôn vinh
cá nhân ông đã được thêu dệt nhưng ông không được biết đến » .
         Với tư cách là Tham Vụ Ngọai Giao, tôi thay mặt cho Đại Sứ vào dịp này, ngồi đối
diện với nơi các cấp lãnh đạo của cả hai phái đoàn nâng chén chúc mừng nhau. Trong khi
Chu Ân Lai, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Trung Quốc và đồng nghiệp Xô Viết, ông
Andrei Vishinsky trò chuyện với nhau, Stalin mồi hết điếu thuốc nọ đến hết điếu thuốc
kia, điếu thuốc nặng mùi mang hiệu Herzegovina Flor (một lọai thuốc lá Nga dài đặc biệt
quấn giấy papyrosi mà ông ưa thích). Sau đó ông đọc nhiều bài diễn văn chào mừng theo
kiểu của ông. Trong một bài, ông ca ngợi tính khiêm nhường và tinh thần đoàn kết của
cấp lãnh đạo Trung Quốc. Rồi, với vẻ đầy hăm dọa, ông nâng chén chúc mừng nhân dân
Nam Tư (Yougoslavia), mà ông hy vọng một ngày gần đây lấy lại chỗ đứng của mình
trong gia đình các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Chỉ cách đó hai năm trước đây, Nam Tư đá
bị khai trừ đưa vào bóng tối do lệnh của Stalin, sau khi lãnh tụ Nam Tư đầy hấp lực Josip
Broz Tito đã từ chối khép mình theo phong hóa tôn vinh cá nhân lãnh tụ của điện Cẩm
Linh và yêu cầu được thêm phần tự trị nhiều hơn nữa trong việc cai quản quốc gia Balkan
đa chủng trong khi Moscow không muốn như vậy. Chúng tôi, tại các nước trung thành
với đường lối của Xô Viết, nhìn nước Nam Tư với lòng sợ hại và kinh ngạc lẫn lộn là
Tito đã cả gan thách thức ý nguyện của Stalin.
         Chúng tôi nuốt từng lời của các vị lãnh đạo Xô Viết một cách kính cẩn. Đối với tôi,
cũng như đối với tất cả các quan khách có mặt trong buổi tiếp tân, Stalin và Mao không
phải là những người phàm tục. Họ là đền đài của lịch sử. Tôi không hề nghĩ đến viễn
tượng Trung Hoa – Xô Viết sẽ rạn nứt, nhưng tôi nhớ rõ một điều đáng chú ý họ Mao
không hề nói một câu nào suốt đêm đó. Tôi tự hỏi có phải đây là chỉ dâu tinh thần hội
nhập nổi tiếng của người Trung Hoa.
         Không phải tất cả biến cố trong hai năm trong ngành ngọai giao đều để lại ấn tượng
mạnh mẽ trong trí óc của tôi. Trong một cuộc tiếp tân kỷ niệm hai năm thành lầp nước
Đông Đức, việc tranh chấp không liên quan gì đến vấn đề rạn nứt trong liên minh hoặc về
một quốc gia Cộng Sản phản động, nhưng lại liên quan đến y phục phải mặc hôm đó.
Như thuờng lệ, các nhân viên ngọai giao trẻ bàn luận với ông trưởng phái đoàn, vị này
muốn chúng tôi mặc y phục tiếp tân ban ngày áo đuôi tôm để đánh dấu vẻ trọng thể của
ngày lễ. Vì không có áo đuôi tôm, chúng tôi chọn y phục thượng khách. Cuối cùng chúng
tôi đi đến thỏa thuận mặc y phục thực khách mầu đậm với cà-vạt đen. Tuy nhiên vào thời
buổi đó chỉ có những nước xã hội chủ nghĩa công nhận Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức,
và đa số, họ phủ nhận cà-vạt đen cho rằng đó là trang sức của bọn tiểu tư sản. Với tất cả
danh tiếng sau này của chúng tôi là nô bộc Cộng Sản ngoan ngoãn nghe lệnh, nước Cộng
Hòa Dân Chủ Đức rõ ràng vẫn mang ấn dấu của quá khứ Phổ trong những năm phôi thai.
Chúng tôi bối rối cực độ vì những người duy nhất tham dự mặc y phục như chúng tôi là
những người hầu bàn. Khi ông Nikolai Krutitsky, Giám Mục Chính Thống Giáo Kinh
Thành của tất cả tín đồ Nga, đứng dậy để từ giã và tôi xã giao tiễn ông đến phòng mắc ao,
ông lục lọi một lúc trong áo choàng nặng nể của ông để rồi móc ra ba rúp và trao cho tôi
một cách trịnh trọng để làm quà.

         Tháng 8 năm 1951, tôi nhận văn thư khẩn cấp kêu tôi trở về Đông Bá Linh để gặp
Anton Ackermann – tên thật là Eugen Hanisch – Bộ Trưởng Ngoại Giao Đông Đức và
cũng là một chiến lược gia lãnh đạo trong Bộ Chính Trị. Ông chào đón tôi tại Bộ Ngoại
Giao ban sáng, thăm hỏi sức khỏe của tôi và dặn tôi sau bữa ăn trưa cùng ngày đến một
căn phòng nào đó trong dinh thự vĩ đại của Trung Ương Đảng. Tôi cảm thấy có gì bí mật
– cho đến khi đến nơi gạp gỡ để rồi cũng gặp lại Đồng Chí Ackermann ngồi đàng sau
một chiếc bàn khác, lần này trong chức vụ ủy viên Trung Ương Đảng. Cái trò vô lý này
bày ra là do Ackermann nhất quyết bảo mật và thực thi phân cách quyền hành giữa Đảng
và Nhà Nước, trên thực tệ tỏ ra kịch cỡm.
 
Ackermann đã được giao phó công tác thành lập một cơ quan tình báo chính trị, và tôi
được chỉ định để làm việc này, chia sẻ trách nhiệm để « soi sáng quốc gia tân lập ». Nói
trắng ra, tôi trở thành gián điệp. Đây một lần nữa là một mệnh lệnh, và theo thói thường
lúc đó, tôi chẳng thắc mắc gì hoặc thậm chí suy gẫm về quyết định này có ảnh hưởng gì
đến cuộc đời của tôi. Đảng đã cho tôi đi học trường Quốc Tế Cộng Sản. Đảng đã chỉ định
tôi đi đếnMoscowvà đến trạm vô tuyên truyền thanh tại Bá Linh. Đảng đã phái tôi đi
đếnMoscowđể làm nhân viên ngọai giao. Nếu Đảng nghĩ rằng tôi hữu ích trong ngành
tình báo, tôi cũng tuân lệnh. Tôi hãnh diện vì cấp lãnh đạo đã tin tưởng giao phó cho tôi
công tác mật. Tinh thần kỷ luật mù quáng là một điều khó hiểu nhất đối với các quan sát
viên Tây phương tìm hiểu hệ thống của chúng tôi, nhưng nếu không hiểu được mãnh lực
của Đảng trên tinh thần chúng tôi và phương pháp họ chỉ định công tác cho thế hệ Cộng
Sản chúng tôi, thì không thể nào hiểu nổi, chưa nói đến phán đoán về cuộc sống của
chúng tôi.
         Ngày 16 tháng 8 năm 1951, tôi bắt đầu làm việc tại một cơ sở hoàn toàn mới Viện
Nghiên Cứu Khoa Học Kinh Tế, một tên ngụy trang cho cao ốc nơi làm việc của hệ thống
tình báo phôi thai của Đông Đức. Sự nghiệp mới của tôi bắt đầu với cuộc diện kiến với
Richard Stahlmann trên một chuyến xe Tatra li-mu-sin to lớn có tám xy-lanh, rất sang
trọng vào thời đó. Stahlman, mang trách vụ thiết lập công tác cho chúng tôi, là một nhà
cách mạng chuyên nghiệp và tôi kính phục tác phong đường bệ của ông. Tên thật của ông
là Artur Illner, nhưng vì ông công tác quá lâu trong thế giới bí mật Cộng Sản nên mọi
người, kể cả vợ ông, dùng bí danh của ông như tên thật của ông. Ông là thành viên của
Đảng Cộng Sản Đức từ năm 1918 và ông trở thành ủy viên trong « Hội đồng Quân Sự »
của Đảng năm 1923. Như mọi thành viên cựu trào, ông ít khi nói về quá khứ với quá
nhiều bí ẩn. Tuy nhiên ông chia sẻ với tôi những mẩu chuyện về những công tác của ông
tại Liên Bang Xô Viết, Anh quốc, Trung quốc, Tây-ban-nha, Pháp, Thụy Điển và Hoa
Kỳ. Ông nhận lãnh tước hiệu bất hủ « Richard Kháng Chiến Quân» trong cuộc nội chiến
tai Tây-ban-nha và ông là bạn thân tín của Goergy Dimitrov, đảng viên Cộng Sản Bulgari
bị Quốc Xã tố cáo âm mưu đốt tòa nhà Quốc Hội. Stalhmann đi cùng với Dimitrov khi
mật vụ Gestapo đến bắt Dimitrov, nhưng cả hai đều giữ bình tĩnh, mặc dù bị bắt và bị
hạch hỏi một cách thô bạo. Sau này nhắc đến Stalhmann, Dimitrov luôn gọi ông « con
ngựa tốt nhất trong chuồng », một tước hiệu giúp ông thăng tiến trong giới lãnh đạo Đông
Đức mới. Ông là người đầu tiên được tham khảo trong mọi vấn đề, và mỗi khi có trở ngại
trong việc thiết lập hệ thống tình báo, ông đến gặp Thủ Tướng Otto Grotewohl tại tư gia
và các vấn đề được nhanh chóng giải quyết. Thường các vấn đề liên quan đến tiền bạc và
nguồn tài trợ. Chúng tôi đói khát tiền bạc trong những năm đầu, và tiền mặt phải đợi đến
cả tháng để đi qua các cửa ngõ công quyền. Đôi khi Stalhmann đến gặp bộ trưởng tài
chánh và trở về với cặp sách tay chứa đầy ghi chú. Khi Czechoslovakia (Nam Tư) có nhã
ý tặng hai mươi bốn chiếc xe Tatra cho chính quyền Đông Đức, Stahlmann đã khéo léo
chuyển nửa số xe sang cơ quan còn nhỏ bé của chúng tôi, nhờ vậy khi chúng tôi hoạt
động ngoài phạm vi của cớ sở chật hẹp của chúng tôi, chúng tôi có thể di chuyển trong
một tư thế sang trọng. Stahlmann hiểu rõ những tiểu tiết này giúp nâng cao vị thế của cơ
quan đối với chính phủ, và những cơ quan nào cố gắng hoạt động trong vòng eo hẹp
thường gây chú ý hay bị cắt giảm ngân sách.
         Lần đầu chúng tôi gặp gỡ tại Bohnsdorf, một ngoại ô phía Đông Nam Bá Linh.
Chẳng ai nhớ rõ ngày họp mặt, và chúng tôi cũng chẳng ghi sổ sách, vì vậy chúng tôi
chọn ngày 1 tháng 9 năm 1951 là ngày thành lập cơ quan tình báo. Ngay sau đó chúng tôi
dời cơ quan đến một ngôi trường cũ trong khu vực Pankow của Đông Bá Linh, sát cạnh
khu bảo vệ nơi các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước cư ngụ – một dấu hiệu chứng tỏ
chúng tôi được nể trọng.
         Lúc ban đầu chúng tôi chỉ có tám người và bốn cố vấn Xô Viết, trong số đó có một
nhân viên điệp báo NKVD lão thành tự xưng mình là «Đồng chí Grauer». Andrei Grauer
đã từng là sĩ quan tình báo của Sứ Quan Liên Bang Xô Viết tạiStockholm. Ông giàu kinh
nghiệm họat động và chúng tôi chăm chú và thán phục nghe những thành tích phát hiện
điệp viên nằm vùng, xâm nhập cơ quan và các nhân viên anh dũng. Chúng tôi học hỏi nơi
ông cách xây dựng hạ tầng cơ sở tình báo, biết phân nhiệm và tìm đánh vào điểm yếu của
địch thủ. Than ôi, sự nghiệp của ông kết thúc một cách thảm não vài năm sau đó. Ông
càng lúc càng trở nên đố kỵ vì ông méo mó nghề nghiệp trong môi trường sinh họat thời
Liên Bang Xô Viết của Stalin. Ông và Ackermann, người lãnh đạo chính thức cơ quan
tình báo, trở thành những kẻ thù gay gắt, và Grauer luôn ám ảnh nghi ngờ Ackermann.
Một thời gian sau Grauer bị triệu hồi vềMoscow. Sau này tôi nghe các bạn trong ngành
tình báo Xô Viết xấu hộ thú nhận ông bị bệnh tâm thần bách hại cuồng, nhìn đâu cũng
thấy kẻ thù. Tinh thần cảnh giác cao độ của ông trước đây khiến ông trở nên một sĩ quan
tình báo tinh nhuệ nay đã lôi keo ông đi.
         Trong nội bộ chính quyền và đảng, tên ngụy trang của cơ quan của chúng tôi là
Tổng Cục Nghiên Cứu Kinh Tế và Khoa Học (Hauptverwaltung für Wirtchafts-
Wissenschaftliche Forschung). Danh xưng này chẳng có gì là bí mật, vì ngay cụm từ
“tổng cục” nhắc nhở cho mọi người biết những biệt môn của Pervoye Glavnoye
Upravleniye, “Tổng Cục Số Một” của KGB, phụ trách về các công tác gián điệp. Năm
1956, cơ quan tình báo hải ngoại được đặt tên là Die Hauptverwaltung Aufklärung – gọi
tắt   là HVA – có thể dịch là “Tổng Cục Tình Báo”.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 6 (Markus Wolf)                        
 “…Đây là một loại áp lực tâm lý trên những người đàn ông và đàn bà đã gắn liền căn
cước và lòng tự trọng bản thân với tinh thần liên thuộc vào một nhóm cùng chung một lý
tưởng. Khi thình lình lòng tín nhiệm này không còn nữa, áp lực tâm lý trở nên gay gắt
hơn…”
Chương 3 (tiếp)
Đệ tử của Stalin
             Các cố vấn Xô Viết của chúng tôi giữ một vai trò lớn, có thể nói là bao trùm. Lúc
đầu các cấp lãnh đạo ngành của chúng tôi soạn thảo tất cả kế hoạch dưới sự kiểm soát của
các cố vấn. Các vị này nhất mực theo phuơng pháp cực kỳ hành chánh của Xô Viết, làm
cho chúng tôi phải điên đầu. Ngoài việc sao chép các điều lệ và các giấy tờ khác bằng
tay, chúng tôi phải mất hàng giờ đóng chúng gọn ghẽ thành tập, một thủ tục du nhập của
công an mật vụ Nga Hoàng trước thời Cách Mạng. Không ai hiểu nguyên ủy của thủ tục
này, nhưng cũng chẳng có ai đặt câu hỏi thắc mắc.
         Cơ cấu tổ chức của cơ quan chúng tôi phản ánh trung thực mẫu mực Xô Viết.
Những ngôn từ trong đường hướng chỉ đạo để lộ nét phiên dịch từ tiếng Nga và vạch rõ
những mục tiêu công tác tương lai của chúng tôi. Đó là thâu thập tình báo chính trị của
nước Tây Đức và Tây Bá Linh; tình báo khoa học và kỹ thuật trong lãnh vực vũ khí hạt
nhân và hệ thống phân phối, về năng lượng hạt nhân, hóa học, thiết kế điện lực và điện
tử, hàng không và vũ khí quy ước, và sau cùng nhưng không phải là cuối cùng, tinh báo
về các đồng minh Tây Âu và những tính toán của họ đối với nước Đức và Bá Linh.
         Một chi nhánh nhỏ, độc lập của Tổng Cục Tình Báo, gọi là “phản gián” (Abwehr)
được thành lập để giám sát và xâm nhập các cơ quan tình báo Tây Âu; nhưng nó xung đột
trực tiếp với Bộ An Ninh Nhà Nước, vì bộ này cũng có một bộ phận giám sát tinh vi hơn.
Ngay cả khi chúng tôi sát nhập vào Bộ này năm 1953, cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và
phản gián vẫn nằm dưới sự kiểm sóat trực tiếp của Bộ. Những cuộc chiến hành chánh này
khiến cho những tin tức bức thiết liên quan đến những công tác trong ngay nội bộ của
chúng tôi không đến tay chúng tôi, đặc biệt những năm sau này khi các nhân viên phản
gián bắt đầu làm việc với bọn khủng bố hải ngọai.
         Người ta thường hỏi tại saoMoscow lại thành lập một cơ quan do người Đức chúng
tôi điểu khiển để tranh đua với họ. Nhưng Stalin nhận định chính xác nước Đức thời hậu
chiến sẽ là một khu vực các cơ quan Nga khó mà xâm nhập, và một cơ quan vững chắc
của chính quốc gia đó như trong trường hợp cơ quan Đông Đức trong khu vực của Xô
Viết sẽ tạo niềm hãnh diện cho chúng tôi và nhờ đó bảo vệ quyền lợi của Xô Viết. Thọat
tiên các cố vấn Xô Viết nhận tất cả tin tức chúng tôi có, ngay cả đến bí danh của các
nguồn tin và các đơn vị cá nhân, mặc dù chúng tôi bắt đầu bảo vệ nguồn tin và cung cấp
cho các sĩ quan liên lạc Xô Viết những tin tức chọn lọc.
         Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là phụ tá điều nghiên cho Robert Korb, một bạn đồng
nghiệp cũ của tôi tại Radio Moscow. Korb hiểu biết sâu rộng về chính trị và thấu hiểu các
sự kiện, và trình độ hiểu biết của ông rất cao. Tôi học hỏi rất nhiều nơi ông về những vấn
đề không liên quan gì đến công tác của chúng tôi, ví dụ như Islam, lịch sử khúc mắc của
Israel và những xung đột tôn giáo tại bán lục địa Ấn Độ. Ông là một chuyên gia điều
nghiên sáng suốt; ông dậy cho tôi biết phân xét các bản báo cáo tại địa bàn công tác một
cách lãnh đạm, và chúng tôi sớm đi đến kết luận việc duyệt đọc kỹ lưỡng báo chí thường
đem lại kết quả hữu hiệu hơn là các báo cáo mật của điệp viên, và các chuyên viên điều
nghiên phải biết rút tỉa kết luận từ nhiều nguồn tin khác nhau để có thể thẩm định các
thông tin tình báo. Từ đó nhận định này luôn là hành trang cùng đi với tôi.
         Korb, trong cung cách cũng như trong suy nghĩ cá biệt của ông, có thể gợi chú ý
của cử tọa với óc tinh tế và lời lẽ mỉa mại ông thường biểu lộ khi ông trình bày vấn đề
trước các bậc trưởng thượng. Vì tôi chia sẻ tính bất nể phục này nên chúng tôi có nhiều
điểm giống nhau. Mặc dù chúng tôi là những bày tôi trung kiên của nhà nước, chúng tôi
cố gắng giữ khoảng cách với tinh thần tận tụy quá đáng của các cấp lãnh đạo chính trị
trong việc truyền bá chủ nghĩa.
         Cơ quan chúng tôi phát triển nhanh chóng và chúng tôi lại di chuyển từ khu Bá
Linh – Pankow đến một cao ốc lớn hơn trong khu vực Rolandufer tại trung tâm Đông Bá
Linh. Tôi sớm được thăng chức phụ tá giám đốc cơ quan tình báo hải ngọai vừa mới
thành lập bên cạnh ông Gustav Szinda , một người có hàng chục năm kinh nghiệm trong
các công tác mật tại Tây-ban-nha và các nơi khác cho tình báo Xô Viết.
         Không may cho cả hai chúng tôi, ông Szinda và tôi không ai biết cách thức khởi sự
đối phó với tình báo Tây Đức ra sao; một cơ quan vừa được thành lập từ sự sụp đổ của
chế độ Quốc Xã không hề bị một thiết hại nào. Các cấp lãnh đạo tình báo phục vụ cho
Hitler nay làm việc với các chủ nhân mới tại một cái làng nhỏ, bao trùm nhiều bí mất của
vùngBavaria gọi là Pullach. Chúng tôi phải tìm kiếm tên của ngôi làng trên bản đồ khi tên
làng này xuất hiện trên báo chí. Đây là một thế giới xa lạ với chúng tôi và hầu như chúng
tôi không với tới được, mặc dù với thời gian, chúng tôi rất quen thuộc với lề lối làm việc
của họ.
         Tôi được biết đến danh tính của Tướng Reinhard Gehlen, cấp lãnh đạo đấu tiên của
tình báo Tây Đức, trên trang nhất của tờ Daily Express tại Luân-đôn; tờ nay ghi rõ Tướng
Của Hitler làm Gián Điệp trở lại – lần này với Mỹ kim.
             Sefton Delmer, một ký giả được biết có liên lạc với tình báo Anh, đã viết hàng
tựa này; vào thời kỳ chiến tranh, ông phụ trách phản gián Anh quốc tại đài phát thanh
Soldatensender Calais. Bản tin của Delmer gây phẫn nộ. Nó không những tiết lộ hệ thống
tình báo cũ của Quốc Xã vẫn còn nguyên vẹn, mà còn cho biết cơ quan tình báo mới của
Cộng Hòa Liên Bang chứa chấp nhiều cựu sĩ quan SS và chuyên viên an ninh quân đội đã
hoạt động dưới thời Hitler tại Pháp và nhiều nơi khác. Chính Gehlen đã từng chỉ huy đơn
vị điệp báo quân đội của Quốc Xã chống lại Hồng Quân. Nhờ Cơ Quan của Gehlen, sau
này được biết, Hoa kỳ tiếp cận với tất cả các đường dây hệ thống tình báo cũ của Quốc
Xã; Hoa Kỳ ra lệnh cho giới tình báo Tây Đức cũng giống như Nga ra lệnh cho khối
Đông Âu.
         Cũng có tin đồn Tướng George S. Patton Jr. bao che cho một số sĩ quan cao cấp của
Đức. Tôi lo âu nhận thức mục tiêu để đạt đến một Châu Âu hòa bình toàn diện khó lòng
thành tựu. Dây khóa mõm đã được cài đặt ở cả hai phía. Viễn ảnh hòa bình với bao nhiêu
hy sinh vừa qua rất mong manh. Châu Âu bị chia cắt và đường chia cắt nằm ngay trên
nước Đức.
         Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer dốc toàn lực ủng hộ “chính sách mạnh” của
Hoa Kỳ và chiến lược đẩy lui chủ nghĩa công sản do John Foster Dulles đề xướng; người
em tên Allen Dulles chính là giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ (C.I.A.).
Liên Bang Xô Viết đã giúp các nước Tây Âu đặt được hòa bình; nay Hoa-thịnh-đốn đang
chuẩn bị huy động tất cả sức mạnh chính trị, tình báo, kinh tế và, nếu cần, sức mạnh quân
sự của Hoa kỳ và đồng minh để phản công. Gehlen nhận biết lần xung đột mới này là cơ
hội cho đương sự tạo ảnh hưởng trực tiếp lên đường hướng chính trị. Ông gặp gỡ
Adenauer trước khi Tây Đức thu hồi cơ quan tình báo khỏi tay CIA và ông được hỗ trợ
và có quyền lực rất lớn. Điều này có nghĩa ông kiểm soát và dùng những hồ sơ để đánh
các đối thủ chính trị trong nước, trong dó có đảng Dân Chủ Xã Hội đối lập với chính
quyền Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tại Quốc Hội. Trong quân đội và các cơ quan hành
chánh Tây Đức, các bày tôi trung kiên của Đệ Tam Quốc Xã một lần nữa giữ những địa
vị then chốt, và các cựu sĩ quan Quốc Xã chỉ huy tổ chức của Gehlen.
Tên của Hans Globke, một trong những cố vấn thân tín của Adenauer và là đổng lý văn
phòng của Thủ Tướng, đồng nghĩa với phương thức xâm nhập này. Là một cựu viên chức
cao cấp trong Bộ Nội Vụ của Hitler, Globke là tác giả của bài bình luận nặng cân về luật
phân biệt chủng tộc Nuremberg nhằm hợp thức hóa việc phận biệt bằng võ lực và đưa
đến “Giải Pháp Cuối Cùng” của Quốc Xã. Globke làm đổng lý văn phòng cho Adenauer
trong vòng mười năm.
Trong bầu không khí xôi động này, thành phố Bá Linh vào thập niên 1950 thừa kế
Vienna trở nên trung tâm điệp báo Châu Âu. Có khoảng tám mươi cơ quan điệp báo cùng
với nhiều ngành khác và tổ chức ngụy trang họat động tại thủ đô này. Tại các văn phòng
ngụy trang của Hoa Kỳ và của Nga được che đậy qua bình phong đủ các thứ hãng, từ
công ty sửa ống nước và xuất khẩu mứt cho đến những viện hàn lâm và các cơ quan
nghiên cứu, có cả một đội ngũ sĩ quan chuyên kết nạp và điều khiển các điệp viên của
mình và những điệp viên này có thể di chuyển dễ dàng trong những khu vực Bá Linh và
cả hai phần của nước Đức vào những ngày trước khi Bức Tường, chia cắt thành phố và
đất nước Đức, được xây dựng vào năm 1961.
Đây cũng là lúc trước khi phép lạ kinh tế Tây Đức bắt đầu và do đó cũng là thời buổi
thiếu thốn và tan tác kinh tế. Hứa hẹn cung cấp thực phẩm hoặc được thăng tiến xã hội đã
khiến thiên hạ đi vào con đường điệp báo. Nhưng trong khi chính quyềnTây Đức có thể
dễ dàng trông cậy vào nguồn tài chánh, chúng tôi vẫn hoạt động trong cảnh nghèo nàn và
phải theo đuổi một lối tiếp cận có tính cách ý thức hệ hơn. Nhiểu điệp viên nằm vùng của
chúng tôi tại Tây Đức, đặc biệt trong môi trường chính trị và kỹ nghệ, không phải là
Cộng Sản nhưng họ làm việc cho chúng tôi vì họ muốn khuất phục tình trạng chia đôi
nước Đức và nghĩ rằng chính sách của các Đồng Minh Tây Âu đang củng cố nó. Sau này
chúng tôi mất một số điệp viên như vậy khi Bức Tường được xây và cho họ thấy biểu
tượng của nước Đức chia hai theo nghĩa đen đã được xây dựng bằng bê-tông.
Những chi tiết nhỏ nhặt trong việc xây dựng một cơ quan tình báo hoàn toàn mới chiếm
hầu hết thời gian của tôi. Tôi chú ý đến các nước phương Tây và tôi cố gắng làm quen
với những chuyển biến chính trị tại Hoa Kỳ và tại Tây Âu và tôi theo dõi sát những tiến
triển trong ngành tình báo hậu chiến.
Chúng tôi phải thu thập những nguồn tin mới tại các trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế
và khoa học kỹ thuật của phía bên kia. Điều này nói dễ hơn là làm, vì những đòi hỏi an
ninh trong chính guồng máy của chúng tôi, do tình báo Xô Viết áp đặt, rất là gắt gao. Cả
ngàn thí sinh được gửi gắm đến phải được sàn lọc để có được một nhúm nhỏ khả dĩ chấp
nhận được. Những ai có thân nhân ở Tây Âu đều bị loại bỏ, cũng như những người trải
qua những năm tháng chiến tranh làm người tị nạn hoặc là tù binh chiến tranh ở Tây Âu.
Trái ngược với những lời đồn đãi cho đến nay vẫn còn, chúng tôi không có ý dùng những
cựu đảng viên Quốc Xã trong bộ máy của chúng tôi và chúng tôi kiêu hãnh có đạo đức
hơn Tây Đức về mặt này.
Chúng tôi tiếp cận một số hồ sơ đảng viên Quốc Xã của Đệ Tam Đức Quốc và chúng tôi
dùng những hồ sơ này để thuyết phục những người Tây Đức đã xóa bỏ quá khứ cộng tác
với Quốc Xã về cộng tác với chúng tôi. Nhiều người khác tình nguyện làm việc cho
chúng tôi và họ cho đó là một loại đền bù tinh thần cho những tổn hại họ đã gây ra trong
quá khứ. Thoạt nhìn phong thái này có vẻ tử tế. Lý do thực sự là họ muốn được an toàn
và bảo vệ sự nghiệp mới của họ ở Tây Đức để tránh không bị chúng tôi lật tẩy sau này.
Theo ngôn từ Đức, chúng tôi gọi là Rückversicherung, có nghĩa nguyên văn là “tái bảo
hiểm” cho quá khứ. Nhờ Đảng Cộng Sản Tây Đức chúng tôi thừa hưởng được sự cộng
tác của một chính trị gia trong Đảng Dân Chủ Tự Do tên là Lothar Weihrauch ( au này
làm việc trong Bộ Xử Lý Các Vấn Đề Chung Nước Đức của Tây Đức), người này cung
cấp cho chúng tôi rất nhiều tin tức chính trị cho đến khi chúng tôi khám phá đương sự đã
phạm những tội ác chiến tranh khi đương sự giữ một chức vụ quan trọng vào thời kỳ Đức
chiếm đóng Ba Lan. Chúng tôi cắt đứt liên lạc với y. Chúng tôi cũng đã kết nạp một cựu
đảng viên Quốc Xã, trước đây là một đội viên xung kích, mang bí danh là Moritz. Người
này đã giúp chúng tôi trong cuộc đấu tranh chính trị chống lại sự thành lập của Cộng
Đồng Quốc Phòng Châu Âu (cuối cùng đã bị ngăn chặn vì tinh thần chủ nghĩa quốc gia
của nước Pháp chứ không phải vì cơ quan tình báo chúng tôi phá vỡ dự án thành lập).
Quá khứ là một vũ khĩ lợi hại trong ngành tình báo và cả hai bên không ngần gại dùng nó
để hăm dọa. Đúng vào lúc chúng tôi tìm phương kế để hạ bệ những chính trị gia hoặc
những khuôn mặt kỳ cựu có ý đánh phá chúng tôi bằng cách tiết lộ sự đồng lõa của họ
với Quốc Xã, một tổ chức chống Cộng tên là Ủy Ban Luật Sư Tự Do Tây Bá Linh do các
luật gia trốn chạy Đông Đức thành lập, cho xuất bản một quyển sách nhỏ ghi tên những
công chức Đông Đức đã tìm cách gia nhập đảng Quốc Xã. Nhưng vì phần đông các sĩ
quan tình báo cao cấp và cấp lãnh đạo chính trị của chúng tôi đều sống lưu vong hoặc ẩn
núp vào thời Đệ Tam Quốc, chúng tôi ở Đông Đức chúng tôi đã thắng trong chiến trận
tuyên truyền này.
Một vài thành phần Quốc Xã tìm cách chuyển hướng sang phía chúng tôi bằng cách che
dâu quá khứ. Không bao lâu sau khi tôi bắt tay vào việc, một nhân viên trẻ trong đội đến
gặp tôi và nói với tinh thần vô cùng hoang mang anh để ý thấy một người làm việc tại
ban thẩm vấn trên cánh tay có xâm huy hiệu SS. Ban thẩm vấn là ban thô bạo nhất ở
trong Bộ, và tôi không muốn mang tai tiếng vì có những tay côn đồ này làm việc tại đây.
Tôi mường tượng một kẻ nào đó ưa thích những việc làm như vậy ở chế độ trước lại cảm
thấy an nhiên tự tại ở đây. Chúng tôi lặng lẽ thuyên chuyển y khỏi vị trí này.
Những màn hăm dọa đang diễn ra là một trò bần thỉu và tác hại nhưng cả hai bên đều
dùng nó. Một vài thành phần Quốc Xã cũ ở Tây Đức giúp việc cho chúng tôi vì có lòng
hối cải, một vài kẻ khác vì tiền, hoặc để phòng bị không bị lộ là người cộng tác với chế
độ Quốc Xã. Xô Viết có nhiều cơ hội đẻ hăm dọa hơn vì họ nắm giữ những hồ sơ của
Quốc Xã, và sai khiến những người này chẳng hạn như cựu chiến binh SS Heinz Felfe, đã
từng giữ chức vụ Obersturmführer (* ldg : tương đương với cấp Trung Úy) trong tổ chức
tình báo Quốc Xã, Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (Reichssicherheitshauptamt), và làm việc
với Tổ Chức của Gehlen thời hậu chiến. Felfe đã trở thành gián điệp nhị trùng của Xô
Viết, tiết lộ tất cả những thành quả của cơ quan tình báo Tây Đức cho Moscow và đã gây
thiệt hại không thua những gián điệp nhị trùng có tầm cỡ như Kim Philby, George Blake
và Aldrich Ames.
*
Một trong những cơ hội đầu tiên của chúng tôi để xam nhập các cơ quan của Đồng Minh
là nhờ vào tình báo Đảng Cộng Sản ở Đức. Vào thế kỷ thứ mười chín phong trào Dân
Chủ Xã Hội Đức đã tổ chức những nhóm bí mật để đối phó với sự đàn áp của Kaiser.
Đảng Cộng Sản Đức (Kommunische Partei Deutsclands hoặc gọi tắt là KPD) đã được tôi
luyện bởi những đối xử hà khắc thô bạo của chính quyền (lịch sử khởi đầu của họ đã ghi
khắc việc tàn sát những đảng viên Spartacist Rosa Luxemburg và Karl Liebnecht), bắt
chước các đảng viên Dân Chủ Xã Hội bằng cách phát triển hệ thống tình báo riêng của
họ. Cơ cấu này đã tạo mối liên hệ chặt chẽ với cấp lãnh đạo của Comintern tạiMoscowvà
các cơ quan tình báo tại đây.
Đầu não đứng sau hệ thống tình báo của Đảng vào thế kỷ thứ hai mươi là Ernst Schneller,
bị ám sát năm 1944 do lệnh của Hitler, và Hans Kippenberger, mà sau này được biết là bị
giết năm 1937 do lệnh của Stalin. Hệ thống này, chuyên thu thập những tin tức khoa học
kỹ thuật và quân sự để chuyển cho Liên Bang Xô Viết, là nguồn cung cấp tin tức, vào
thời Hitler cầm quyền, cho hệ thống tình báo danh tiếng Rote Kapelle – dịch sang tiếng
Anh gọi là “Dàn Hòa Tấu Đỏ”.
Dàn Hòa Tấu Đỏ là một trong những tổ chức kháng chiến lớn nhất. Một vài thành viên
trong đó là Cộng Sản, và một phần ít ỏi là những nhân viên của các cơ quan tình báo Xô
Viết (NKVD và GRU, quân báo).
Tem thư kỷ niệm Ernst Sneller
năm 1960 ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức
Thử thách đầu tiên tôi phải đương đầu là kiểm nghiệm năng lực xây dựng một hệ thống
tình báo Cộng Sản mới. Tôi sớm biết hệ thống mới đặt trên con đường hệ thống cũ không
thể nào tin tưởng được. Đặc biệt người Anh đã khéo đánh tráo một số những đảng viên
cộng sản trước đây là những tù binh chiến tranh. Họ cũng đã vô cùng thành công trong
việc đánh tráo một vài người Cộng Sản di dân thời chiến cũng như nhiều điệp viên mới
trẻ của hệ thống tình báo mới thành lập này.
Một ví dụ điển hình để thấy hệ thống mới này đã bị lũng đoạn là trường hợp của Merkur,
tên thật là Hans Joachim Schlomm. Tôi được biết đến đương sự trong lúc kiểm soát trong
núi hồ sơ, phần đông chưa được đối chiếu, để tìm những đầu mối trong những cơ quan
tình báo của Tây phương. Tôi nghiên cứu những hồ sơ cho biết đương sự có liên hệ với
phản gián Tây Đức, được mệnh danh là Văn Phòng Bảo Vệ Hiến Pháp (Bundesamt für
Verfassungsschutz, BfV), đặt trụ sở tạiCologne. Đương sự cũng có nhiều mối liên hệ với
giới hoạt động chính trị tạiBonn. Những báo cáo của đương sự về cho Đảng gây ấn tượng
mạnh vì có nhiều chi tiết, đa dạng và sâu sắc, trong đó có cả những thông tin nội bộ của
các đảng phái chính trị trong quốc hội Tây Đức, những hồ sơ mật của bộ ngoại giao và
các bộ khác. Trên bề mặt, đương sự có vẻ như là một nguôn tin lý tưởng, vì vậy tôi phái
người đi tìm đương sự ở Schleswig –Holstein, theo như hồ sơ cho biết chỗ ở của đương
sự. Merkur nói rằng y đã kiên nhẫn chờ đợi cú điện thoại của chúng tôi và không chút
ngần ngại chấp nhận lời mời để đến Bá Linh. Đương sự là điệp viên đầu tiên của tôi.
Đương sự đến nhà an toàn đúng giờ hẹn tại một biệt thư ở ngoại ô Bá Linh. Dáng người
cao ốm, độ chạc ba mươi tuổi, đương sự có vẻ thích hợp với nghề nghiệp của mình, nghề
của một kỹ sư điện. Đương sự giải thích đương sự đã cộng tác với Đảng Cộng Sản khi
con là sinh viên ở đại học Hamburg, làm việc cho cơ quan tình báo của Đảng, và theo
lệnh đảng đã gia nhập tổ chức thanh niên cánh hữu, cuối cùng đến làm thư ký cho Bác Sĩ
Fritz Dorls tại Bonn. Rồi tôi hỏi đương sự khá lâu, nhưng có nhiều điều lạ; những câu trả
lời của y về những người y nói y quen biết không phụ hợp với những lời ghi trong hồ sơ.
Chúng tôi đưa y trở về Tây Bá Linh và mời y đến lại ngày hôm sau. Tôi lại dở xem
những hồ sơ của y.
Khi y trở lại, tôi đóng vai trò người trí thức và Szinda, kẻ thô bạo. “Đủ rồi, đồ khốn nạn”,
Szinda nói để báo hiệu là không còn đủ kiên nhẫn với anh điệp viên tiềm năng này. Khi
những mâu thuẫn trong những lời khai man của y bị lột trần, Merkur cuối cùng nhận là
đầu năm 1948 y đã được tình báo Anh cài vào tổ chức tình báo Cộng Sản, hiện nay y vẫn
tiếp tục làm việc cho họ và những hồ sơ y cung cấp là những hồ sơ do họ cài đặt.
Cuộc điều tra được giao phó cho Erich Mielke, người số hai làm việc tại Bộ Công An
(được thành lập vào ngày 8 tháng Hai năm 1950) và là cấp lãnh đạo tại đây, vốn nghi ngờ
cơ quan của chúng tôi vì ông nghĩ nó cạnh tranh với bộ của ông. Ông này là một tay
Stalin-nít kỳ cựu thô bạo và không mấy ưa thích Szinda từ những ngày còn là đồng chí
thời Nội Chiến Tây Ban Nha, và ông cũng chẳng ưa gì tôi. Mielke bắt giam Merkur vì tôi
gián điệp nhị trùng và đem ra xử án, kết quả là án lệnh chín năm tù ở.
Trường hợp của Merkur gây báo động không những ở Tây phương mà ngay cả trong cơ
quan của chúng tôi. Chúng tôi kết luận từ những cuộc thẩm vấn và lời khai của y là y biết
quá nhiều về tổ chức tình báo của Đảng Cộng Sản và những mối liên hệ của tổ chức này
với các tổ chức khác, nhiều hơn mức độ của điệp viên ngụy trang. Ở thời điểm này chúng
tôi nhận thức là chúng tôi phải kiểm tra lại tất cả mọi người trong các nhóm tình báo
Cộng Sản bí mật, mà tổng số lên đến từ bốn mươi đến năm mươi người. Giống như để
kết hợp những mẩu hình ghép, tôi bắt đầu hỏi những những sĩ quan giao liên và những
người chuyển thư đã được gởi sang Tây Đức từ nước CHDCĐ, để cho những mối nghi
ngờ không bị đánh điên đi cho chính các điệp viên. Những gì họ nói cho tôi biết về những
vi phạm nguyên tắc trong công tác bí mật làm cho tôi nghi ngờ có nguy cơ bị xâm nhập.
Do đó tôi ngồi vào bàn và bắt đầu vẽ một sơ đồ những mối liên lạc ngang và chéo trong
những hệ thống tình báo hiện có, nó giống như một màng nhện khổng lồ. Với kỹ năng
của một kỹ sư hàng không kinh nghiệm, tôi thảo cái mà tôi gọi là “màng nhện” trên một
trang giấy. Trên sơ đồ tôi liên kết tất cả các thư tín viên, các nhà an toàn, và những điều
tương tự. Tôi tô màu đỏ những điệp viên tình nghi là nhị trùng, màu xanh dương những
nguồn tin và màu xanh lá cây các điệp viên thường trú. Những đường vẽ và những ô
vuông cũng ghi dấu những trường hợp đáng nghi hoặc những mối liên lạc đáng nghi với
tổ chức địch. Đối với những người không hiểu biết, sơ đồ chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng
đối với tôi, nó bắt đầu làm rõ nét khả năng khai triển và đào xâu công tác của chúng tôi.
Có được một hình ảnh rõ rệt để tìm hiểu cơ quan này đã bị xâm nhập sâu đậm như thế
nào là một điều cần thiết.
Tôi cuối cùng kết luận là nếu các cơ quan tình báo Tây phương muốn, họ có thể tiêu diệt
toàn bộ hệ thống này. Trên mặt thực tế, họ chưa chắc đã khôn ngoan hoặc hữu hiệu như
vậy, nhưng nguy cơ vẫn còn đó, đặc biệt đối với đảng Cộng Sản nếu hệ thống tình báo cũ
bị cài ngược hoặc bị bại lộ. Vì vậy tôi quyết định tốt hơn hết là giải tán hệ thống này và
bỏ rơi những mối liên hệ với điệp viên Cộng Sản ở Tây Đức.
Sơ đồ màng nhện của tôi được cuộn lại và kẹp dưới nách, tôi xin hẹn gặp Walter
Ulbricht, là người phụ trách về tất cả các cơ quan tình báo vào lúc đó. Tôi nhấn mạnh về
tính cách bí mật tuyệt đối về những gì tôi báo cáo cho ông. Thay vì gọi tôi vào văn phòng
của ông, ông mời tôi đến nhà ông ở khu Pankow, nơi mà người Đông Đức không thích
mấy và họ gọi là “thành phố nhỏ”. Những căn phòng của nhà lãnh đạo cho thấy sở thích
của một anh thợ mộc chuyên nghệ ưa chuộng những đồ đạc rắn rỏi của giới trung lưu, có
trạm trổ.
Tôi trải sơ đồ lên trên bàn ăn của ông Ulbricht và trình bày những khám phá của tôi trong
từng chi tiết. Với sự đồng ý của Ackermann, tôi đã nói chuyện trước khi tôi đến đây, tôi
quyết định cắt đứt tất cả mối liên lạc với hệ thống tình báo Cộng Sản tại Tây Đức và loại
tất cả những điệp viên có ít nhiều dính líu đến nó. Sự kiên chính quyền Tây Đức đã chuẩn
bị đặt đảng Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật – cuối cùng việc này bị xét là vi hiến vào
năm 1956 – giữ một vai trò quan trọng trong những tính toán của chúng tôi. Ulbricht
chấp nhận lợi đề nghị của tôi, và từ đó trở đi Đảng Cộng Sản Quốc Gia Đức ở Tây Đức là
vùng cấm địa của cơ quan chúng tôi, cũng như tổ chức kế tục Đảng Cộng Sản Đức được
thành lập trở lại năm 1968 vào thời buổi tư do hơn.
Năm 1952 chúng tôi triệu hồi tất cả điệp viên về, ngay cả những người Cộng Sản trung
kiên nhất cũng bị cô lập trong một loại “giam biệt thự” và bị tra khảo gắt gao. Thiên hạ
thường hỏi chúng tôi dùng phương pháp gì trong những trường hợp như vậy. Đây là một
loại áp lực tâm lý trên những người đàn ông và đàn bà đã gắn liền căn cước và lòng tự
trọng bản thân với tinh thần liên thuộc vào một nhóm cùng chung một lý tưởng. Khi thình
lình lòng tín nhiệm này không còn nữa, áp lực tâm lý trở nên gay gắt hơn. Ở đây không
cần phải đe dọa hoặc trình lệnh để bắt họ. Nói chuyện với họ và coi họ như những kẻ tình
nghi và giám sát những lời khai của họ cũng đủ để cho chúng tôi biết là họ vô tội và
chúng tôi không thấy một điệp viên nhị trùng nào khác. Lẽ cố nhiên, vấn đề cài đặt họ lại
ở Tây Phương không được đặt ra. Họ được cảnh báo không nên tiết lộ những gì đã xảy
ra. Tất cả mọi người đều giữ lời hứa đưng như tư cách của những đồng chí tốt.
Có một vài người đã có chiến công hiển hách chống lại Quốc Xã. Một người đã từng ở
chung trại với cha tôi ở bên Pháp; chúng tôi cô lập đương sự trong một căn phòng trong
nhiều tuần và sau đó đánh tan mọi nghi ngờ đối với đương sự.
Năm 1956, sau khi Khrushchev đọc bài diễn văn bí mật trong Đại Hội Đảng lần thứ Hai
Mươi, chúng tôi phục hồi danh dự cho phần lớn những đồng chí đã bị triệu hồi này, trao
cho họ huy chương và huân chương. Bruno Haid, đã từng chiến đấu với kháng chiến
Pháp thời chiến và đã bị triệu hồi và phái đến một cơ xưởng tạiKarl-Marx-Stadtđể làm
một công chức nhỏ và sau đó được phong chức phó ủy viên công tố của nước CHDCĐ.
Ông tố cáo tôi đã dùng những phương pháp thô bạo gợi lại việc Lavrenti Beria, tổng giám
đốc mật vụ của Stalin, phá vỡ hệ thống của Đảng – điều tôi không làm – nhưng cuối
cùng, nếu không muốn nói là miễn cưỡng, ông chấp nhận quan điểm của tôi khi ông được
biết trường hợp của gián điệp nhị trùng Merkur.
Một vài nguôn tin “bảo tồn” của chúng tôi không bị triệu hội và sau đó được phục hoạt,
tuy nhiên vẫn phân cách hoàn toàn không hề liên hệ với những đường dây mới. Tại sao
chúng tôi làm việc này? Đơn giản thôi, chúng tôi khám phá việc xâm nhập không có sâu
đậm như chúng tôi lo sợ. Tây phương không có những phép lạ an ninh như chúng tôi.
 (Còn tiếp)
ồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 7 (Markus Wolf)                           
 “..chúng tôi tìm cách thích ứng lý tưởng của chúng tôi với những hành vi bẩn thỉu bởi vì
Hoa Kỳ và Đồng Minh Âu châu đang tìm cách phá hủy những nỗ lực xây dựng xã hội
chủ nghĩa của chúng tôi trên đất nước Đức…”
Chương 4
Cộng Hòa Dân Chủ Đức lớn mạnh và tôi lớn theo
Tháng Chạp năm 1952, tôi nhận được thơ của Walter Ulbricht, lãnh tụ Đông Đức, ra lệnh
vời tôi về cao ốc của Ủy Ban Trung Ương, nằm trên giao điểm nhộn nhịp đường
Lothringer Strasse (sau này trở thành Whilhelm Pieck Strasse) và đường Prenzlauer Allee
tại trung tâm của Đông Bá Linh, không xa quảng trường Alexanderplatz. Tại cổng ra vào
tôi nhận giấy phép thông hành, người canh gác cửa cẩn thận xem xét căn cước của tôi,
mặc dù vấn đề an ninh không chặt chẽ và cao ốc không đồ sộ như tại Bộ Tham Mưu sau
này được đặt tại Werderscher Markt. Mặc dù vậy, người ta cũng cảm nhận được sự lớn
mạnh của thành phần ưu tú nhưng sau này tự cô lập với quần chúng.
Tôi trình diện tại văn phòng chờ đời của Ulbricht. Ông đang họp, sau một thời gian ngắn
ông xuất hiện, ăn mặc gọn ghẽ với hàm râu dựng đứng. Ông mời tôi sang văn phòng kế
cận với văn phòng của vợ ông, bà Lotte, một cộng sự viên thân tín nhất. Tôi biết rõ bà khi
chúng tôi làm việc chung tại Đài Phát Thanh Nhân Dân Đức tạiMoscow. Bà ân cần chào
hỏi tôi. Ulbricht mời tôi ngồi và ra dấu cho bà vợ đi ra. Tôi đã gặp ông nhiều lần và ông
hay đùa bỡn, nhưng sau đó đi thẳng ngay vào vấn đề. Đó là phong cách của ông: Ngắn
gọn, theo cung cách thương gia, tập trung vào những nét chính và không bao giờ nhìn
thẳng người đối thọai. Thản nhiên, Ulbricht báo cho tôi biết Anton Ackermann, người
đứng đầu cơ quan tình báo hải ngọai từ khi thành lập, xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Tôi
biết tình trạng sức khỏe của Ackermann không phải là lý do chính, nhưng Ulbricht bất tín
nhiệm Ackermann vì Ackermann nói đến “con đường xã hội chủ nghĩa Đức” riêng biệt,
khác với khuông mẫu Xô Viết. Ulbricht có khả năng đánh bật Ackermann vì Ackermann
bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, điều cấm kị trong môi trường thanh khiết Đông Đức
vào những thập niên 1950.
Ulbricht nói: “Chúng tôi nghĩ anh phải đứng ra quản lý cơ quan”. Danh từ “chúng tôi”
mang tính cách kẻ cả – hoặc, chính xác hơn, “chúng tôi” có nghĩa là cấp lãnh đạo Đảng.
Ông không hỏi tôi nghĩ thế nào về khả năng của tôi với chức vụ và cũng không muốn bàn
luận xa hơn nữa.
Tôi hầu như bị bất ngờ. Tôi chưa đầy ba mươi tuổi và tôi chẳng có một địa vị nổi bật nào
trong cơ cấu thứ bậc của Đảng. Tôi hỏi Ulbricht cơ quan tình báo hải ngọai báo cáo thế
nào cho cấp lãnh đạo đảng và ông trả lời tôi có trách nhiệm trực tiếp với ông.
Không đầy mười lăm phút sau, tôi đã bách bộ ngoài đường, đầu óc lùng bùng. Khi tôi trở
về văn phong của tôi, Richard Stahlman, xử lý thường vụ cơ quan từ lúc Ackermann từ
nhiệm, đang chờ đợi tôi. Tôi băn khoăn về thái độ của ông; một người có trọng lượng và
kinh nghiệm như ông ta không thể nào chuyển nhượng quyền lực cho một tên trẻ tuổi
mới tập tễnh một cách tầm thường như vậy được. Nhưng ông lại tươi cười một cách sảng
khoái khi ông mở tủ sắt kín và trao cho tôi một số hồ sơ bên trong; giấy tờ không bao giờ
là sở trường của ông và công việc hành chánh này sẽ là một phần quan trọng trong việc
làm của tôi. Ông lướt chìa khóa trên bàn về phía tôi và nói: “Tất cả những thứ này là của
anh. Chúc anh may mắn. Tôi sẽ có mặt khi anh cần đến tôi”. Lòng tôi đầy hãnh diện khi
tôi vội bước ra ngoài đi mua một bộ quần áo mới để khởi sự ngày đầu tiên ngồi vào bàn
làm việc to lớn.
Lý do họ tuyển chọn tôi chỉ sau mười sáu tháng làm việc tại cơ quan tình báo cho đến nay
tôi vẫn không rõ. Nhưng Công Hòa Liên Bang Dân Chủ mới chỉ được thành lập vào
tháng Mười năm 1949 và tất cả các quan chức phải học hỏi ngay trong khi làm việc.
Ackermann dường như đã đề nghị tôi làm người kế vị ông và tôi đoan chắc việc cất nhắc
của tôi liên quan mật thiết với những mối liên hệ của tôi vớiMoscow. Đôi khi tôi tự hỏi
tại sao tôi chấp nhận chức vụ này trong một cơ quan nằm trong một cơ cấu đàn áp. Trước
tiên, tôi nghĩ rằng cơ quan tình báo không phải là một bộ phận trong cơ cấu đàn áp. Và
việc từ chối không thể biện bạch được vì tinh thần trách nhiệm của tôi, vì kỷ luật của
Đảng và vì nhu cầu của chiến tranh lạnh.
Một trong những lời trách móc rất thường xuyên được đề cầp từ phía Tây về phong cách
của chúng tôi trong những thập niên 1950 là chúng tôi không thể nào đui mù không thấy
những gì đã xây ra trong thời gian thanh trừng tại Moscow vì chúng tôi đã thấy những
dấu hiệu trải qua những năm tháng kinh nghiệm tại đây. Điều này không đúng. Kinh
nghiêm sống tạiMoscowcủa chúng tôi lại có tác dụng trái ngược. Trong đầu óc chúng tôi
chúng tôi luôn có những bào chữa: Stalin phải tỏ chí phục thù vì ông đang chiến đấu
chống một kẻ thù man rợ. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận quy mô dối tra dàn dựng
tại Liên Bang Xô Viết trong thập niên 1920 và 1930, vì vậy chúng tôi không nhận ra
những dối trá, những nửa sự thật và những đòn trả thù đi kèm theo nỗ lực của chúng tôi
để bảo toàn những thắng lợi chiến lược của Liên Bang Xô Viết tại Đông Đức.
Trái lại chúng tôi tìm cách thích ứng lý tưởng của chúng tôi với những hành vi bẩn thỉu
bởi vì Hoa Kỳ và Đồng Minh Âu châu đang tìm cách phá hủy những nỗ lực xây dựng xã
hội chủ nghĩa của chúng tôi trên đất nước Đức. Và tịnh huống viện cớ cứ tiếp tục như
vậy, cho đến khi chúng tôi thức tỉnh ra khỏi cơn mê năm 1989. Tôi vẫn phủ nhận thái độ
quyết đoán cho rằng chế độ chúng tôi hoàn toàn dựa trên sự Dối Trá, nhưng tôi phải công
nhận phần lớn nó được xây dựng trên những bào chữa.
Khi tôi đứng ra lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại, Ulbricht trực tiếp kiểm soát trong
vòng nửa năm. Mùa Xuân năm 1953, cơ quan được đặt dưới quyền của Wilhelm Zaisser,
một ủy viên của Bộ Chính Trị và đồng thời lãnh đạo Bộ Công An Nhà Nước. Ông có một
quá khứ khiến mọi người Đông Đức phải kính phục. Trước Thế Chiến Thứ Hai, ông tổ
chức những công tác mật tại Trung Hoa và điều khiển Quân Đoàn 11 Quốc Tế tại Tây-
ban-nha. Ông Zaisser và tôi làm việc nhịp nhàng với nhau, có nghĩa là ông phó mặc hoàn
toàn công việc cho tôi. Ông chỉ dành cho tôi một tiếng đồng hồ mỗi tuần và thời gian qua
mau tôi không kịp trình bày những ưu tư của tôi. Là một sinh viên đam mê học thuyết
Mác-xít, ông thích bàn thảo về các vấn đề chuyển ngữ tuyển tập Lê-nin sang ấn bản mới
tiếng Đức, mà ông phụ trách in đăng hơn là nghe báo cáo của tôi. Những bản thảo thường
nằm đầy trên bàn của ông thay vì những báo cáo tình báo.                                        
Ngay sau lễ Phục Sinh năm 1953, quả bom đầu tiên trong nghề nghiệp của tôi nổ. Một
biến cố sau này mọi người được biết đến là vụ Vulkan (Vulkan, tiếng Đức có nghĩa là
“núi lửa”). Gotthold Kraus, làm việc trong đơn vị tình báo kinh tế của chúng tôi, trở
thành nhân viên đào thoát đầu tiên của chúng tôi. Tôi xem việc này như một thất bại cá
nhân lớn khiến cho tôi khám phá cơ quan chúng tôi còn kém cẩn mật. Hơn nữa, y ra đi
vào ngày nghỉ cuối tuần và sự vắng mặt của y không ai để ý trong vòng nhiều ngày. Cơ
quan phản giản Tây Đức có thời gian rộng rãi để khai thác những gì y biết về những điệp
viên Đông Đức trên lãnh thổ của họ và bắt họ trước khi chúng tôi biết họ gặp nguy, chưa
nói đến việc triệu hồi họ về. Franz Blücher, Phó Thủ Tướng Tây Đức, tuyên bố trong một
cuộc họp báo ba mươi lăm điệp viên đã bị bắt nhờ thông tin của Vulkan. Con số này thái
quá vì không một viên chức nào có thể biết danh tính của quá nhiều điệp viên họat động
trên đất địch. Hóa ra phản gián Tây Đức, quá hồ hởi vì lần đầu tiên đã bắt được một mẻ
lớn, quơ vào lưới một số thương gia vô tội buôn bán với Đông Đức nhưng họ chắc chắn
không phải là gián điệp.
Tuy nhiên chúng tôi phải trả giá đắt vì sự phản bội của Gotthold Kraus: ít nhất nửa chục
điệp viên họat động toàn thời bị bắt, trong đó có Andrew Thorndike, một nhà làm phim
tài liệu có tài mà chúng tôi mượn nghề nghiệp để làm bình phong cho những họat động
gián điệp của ông. Ông xuất thân từ giòng họ nổi tiếng thuộc hiệp hội buôn bán Hanse và
qua những mối liên hệ của ông chúng tôi tìm cách xâm nhập các câu-lạc-bộ có thế lực
chính trị và kinh tế vùngHamburg. Vào lúc đó ông không có mặt tại Tây Đức nhưng ông
ở Đông Đức, ông bị bắt vì một trò lừa thường tình: Phản gián Tây Đức gởi cho ông điện
tín báo bà cô bị đau ốm. Ông đi sang Tây Đức và ông bị bắt. May mắn cho ông, họ không
có bằng chứng về những họat động của ông và được thả ra. Ông về Đông Đức và sống
cuộc đời thanh bạch quay phim ở phía bên này biên giới. Zaisser khiển trách tôi một cách
nhẹ nhàng: “Mischa này, anh cần phải học hỏi nhiều hơn nữa”.
Vào những ngày tháng sau này chúng tôi ráo riết tổ chức lại toàn bộ công tác trên những
đường dây hữu hiệu hơn. Việc tìm kiếm những thí sinh thích ứng và đáng tin cậy xem ra
khó khăn và tốn kém. Điều tra về mức độ tín cẩn chính trị, những mối liên hệ cá nhân và
tính tình của họ đòi hỏi thời gian. Chúng tôi tìm kiếm những công dân trẻ, có động cơ
chính trị, có quyết tâm với xã hội chủ nghĩa và tin tưởng vào sứ mạng phục vụ đất nước
và chính nghĩa. Chúng tôi không quan tâm cho dù các thí sinh có họ hàng bên Tây Đức,
trái ngược với chính sách tuyển dụng các sĩ quan tại tổng tham mưu, họ bị loại trừ nếu họ
có họ hàng. Trên thực tế, họ hàng bên Tây Đức xem ra hữu dụng để giúp các điệp viên
không phải qua các trại tị nạn để vào Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Mỗi một điệp viên được một người phụ trách công tác tương lai huấn luyện theo từng cá
nhân, và có thêm phần huấn luyện đặc biệt nếu đó là mục tiêu khoa học và kỹ thuật. Một
khi đã vào được Tây Đức, các điệp viên thường bắt đầu công tác qua một thời gian âm
thầm lao động tay chân để vượt qua hàng rao hành chánh và lập nghiệp tại Tây Đức. Vì
vậy chúng tôi lựa chọn những thí sinh có tay nghề sành sỏi hoặc có kinh nghiệm thực tiễn
trong ngành nghề. Hầu hết tất cả các sinh viên và khoa học gia mới tập tễnh di cư sang
Tây Đức vào những năm đầu đều kiếm được việc làm trong các công sở nghiên cứu họăc
các hãng mà chúng tôi để tâm đến – các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của chính quyền liên
bang tại Jülich, Karlsruhe và Hamburg; viện Batelle Institute tại Frankfurt, được Hoa Kỳ
xây dựng; Siemens, hãng điện tử lớn nhất của Đức; hãng IBM Đức hoặc hãng hóa học
khổng lồ Đức BASF, Hoechst và Bayer. Vì chúng tôi dự kiến các nhà sản xuất vũ khí
truyền thống của Đức – sau cơn bão tố về việc quân sự hóa nước Đức lắng động – có thể
sẽ tiếp tục sản xuất những trang bị quân sự, nên chúng tôi cũng cài người vào các hãng
như Messerschmidt và Bölkow.
Có một vài điệp viên của chúng tôi đã len lỏi vào những cơ quan rất chặt chẽ về mật an
ninh bảo mật, một số khác nắm chức vụ quản lý với lương bổng rất cao. Chúng tôi cũng
khai thác các mối liên hệ chính thức và cá nhân giữa các khoa học gia của hai vùng nước
Đức. Vấn đề cũng đơn giản vì khuynh hướng lúc bấy giờ khiến cho họ cảm thấy bất an về
hiểm họa vũ khí hạt nhân, sinh trùng và hóa học. Những ai đã từng cực kỳ xúc động vì
những hệ lụy trong việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong thời chiến, họ đặc biệt là những
đối tượng tốt của nhân viên chúng tôi.
*
Cái chết của Stalin vào tháng 3 năm 1953 là một chấn động lớn đối với khối chính trị
Cộng Sản, khởi sự cho một cuộc chiến tranh giành quyền lực tại điện Cẩm Linh và tạo
nên bất ổn trong giới lãnh đạo của các nước trong khối Đông Âu. Phản ứng của tôi, cũng
như phản ứng của mọi tín đồ của Stalin, là một nỗi buồn vô hạn pha lẫn với cảm giác hỗn
độn ngổn ngang. Chúng tôi sống quá lâu dưới sự hướng dẫn của Stalin nên cuộc sống sau
cái chết của ông khó mà mường tượng.
Ulbricht hy vọng vào thắng lợi của các lực lượng cứng rắn nhất trong các lực lượng cứng
rắn thân cận Stalin. Để có được sự hỗ trợ của thể chế mới, ông nhất nhất theo đuổi chính
sách “tiến nhanh lên xã hội chủ nghĩa”, có nghĩa là sưu thuế cao và trợ cấp xiết chặt,
khiến cho các xí nghiệp tầm cỡ nhỏ bị đình trệ và các xí nghiệp tự túc khánh tận. Các
nông trại và các hãng nông nghiệp phải điêu đứng vì phải thình lình theo chiều hướng
kinh tế xã hội chủ nghĩa toàn diện. Sinh họat tôn giáo của giáo hội Công giáo sau đó bị
đình chỉ.
Chính sách này gặp sức kháng cự mãnh liệt. Các nông dân và các nhà sản xuất nhỏ phản
ứng bằng cách làm việc không có hiệu năng hoặc, nếu họ thoát tội, chẳng làm gì cả.
Tháng Chạp năm 1952, Thủ Tướng Đông Đức, Otto Grotewohl, cảnh báo nguy cơ thiếu
hụt thực phẩm và những gia dụng cần thiết. Nhưng Ulbricht chẳng thèm để ý. Ông đánh
giá những kháng cự chống lại kế hoạch của ông qua lăng kính của chủ nghĩa Stalin chân
chính, theo đó cuộc đấu tranh giai cấp sẽ gia tăng cường độ và tốc độ khi những thay đổi
chuyển dứt khóat sang xã hội chủ nghĩa.
Vào mùa Xuân năm 1953, lệnh gia tăng chỉ tiêu 10 phần trăm trong sản xuất được ban
hành cho các nhà máy, công xưởng và công trường xây cất lớn, kèm theo giá cả tăng vọt
của các lọai thực phẩm căn bản. Không chịu đựng được gánh nặng của những biện pháp
bất công đặt để từ trên xuống, quần chúng bắt đầu than phiền công khai tại các hàng quán
và các cơ xưởng. Bốn tháng đầu năm 1953, hơn 120.000 người trốn chạy Đông Đức.
Điều này cũng xảy ra ba mươi sáu năm sau, năm 1989; trong cả hai trường hợp, giới lãnh
đạo quá sơ cứng để phản ứng trước cảnh đào thoát và không làm gì hơn ngoài việc oai
dũng trách móch. “Chúng ta sẽ trong sạch hơn khi bọn kẻ thù giai cấp ra đi”, Ulbricht
nghe đâu đã nhận định như vậy khi các công nhân cơ xưởng, các giáo viên, các kỹ sư, các
bác sĩ và các y tá gia nhập đoàn người ra đi.
Lo ngại cho sự bất ổn có thể dẫn đến sự xụp đổ hoàn toàn của quốc gia Đông Đức và bực
dọc vì sự cứng đầu của Ulbricht,Moscowcan thiệp. Lavrenti Beria, lúc đó đang tranh
giành quyền lực trong giới lãnh đạo sau cái chết của Stalin, đảm trách việc soạn thảo một
tài liệu nhan đề “Biện Pháp Để Cải Thiên Tình Trạng tại Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức”.
Sự kiện điện Cẩm Linh thú nhận tình trạng này trong khối Đông Âu xét ra ngày nay là
một thú nhận đáng ngạc nhiên trước thời kỳ “glasnost” khá lâu.
Giống như những cậu học trò ngỗ nghịch, giới lãnh đạo của Bộ Chính Trị chúng tôi được
mời sangMoscowvà được lệnh phải đem ý kiến của Beria ra thực hành sớm chừng nào
hay chừng đó. Điều này có nghĩa là phải khuyến khích các xí nghiệp nhỏ, bỏ rơi kinh tế
điều khiển của Ulbricht và nới rộng những hạn chế hà khắc chẳng hạn như đối với những
«kẻ thù nội tại » của chủ nghĩa, trí thức tiến bộ và giáo hội Công Giáo. Mặc dù giới lãnh
đạo Đông Đức không lấy gì làm hứng thú, mục đích của Beria là nuôi béo Đông Đức để
bán cho Tây Đức hầu nước Đức có được quy chế trung lập họăc ngay cả quy chế phi
quân sự.
Từ những ngày đầu cho đến cuộc nổi dậy năm 1953 tại Đông Bá Linh, tôi nghỉ mát tại
Biển Baltic, đọc tiểu thuyết Hemingway và chơi đùa với các con. Đối với cấp lãnh đạo
của một cơ quan tình báo thú nhận điều này không lấy gì làm xây dựng cho lắm. Những
ngày nghỉ hiếm hoi này có được là nhờ sự can thiệp của Wilhelm Zaisser, cấp trên của
tôi. Ông gay gắt với tôi khi tôi thúc dục rất nhiều lần về tình trạng tài chánh nghèo nàn
của cơ quan tình báo hải ngoại.
“Mischa, có những điều quan trọng đang diễn ra ngay lúc này”, ông nói và rồi để xoa dịu
“Anh đã không lấy ngày nghỉ từ bao lâu rồi? Anh lái xe đến Nhà Nghỉ Mát Xanh, rồi
chúng mình sẽ tính”.
Thật là một vinh dự lớn cho tôi khi tôi được mời đến Nhà Nghỉ Mát Xanh tại Prerow, nơi
bồi dưỡng của Bộ An Ninh trên vùng biển Baltic. Tại đây, trong ngôi biệt thự dacha
khang trang của chính phủ, tôi được biết đến lời thú nhận hoảng hốt đầu tiên của Bộ
Chính Trị ngày 16 tháng 6. Đó là một bản thông báo trong đó cả Bộ Chính Trị lẫn chính
phủ chấp nhận sai lầm trầm trọng và tuyên bố thay đổi ngược lại tất cả những biện pháp
gia tăng sản xuất và giá cả thực phẩm. Đầu tư vào kỹ nghệ nặng bị cắt giảm, sản xuất sản
phẩm tiêu dùng gia tăng và các cơ sở tư nhân đã bị chính sách khắc nghiệt của Ulbricht
buộc phải đóng cửa nay được phép mở lại. Đây là một bước ngọăt chữ U của Ulbricht,
nhưng đã quá trễ.
Vào sáng ngày 17 tháng Sáu, Đài Phát Thanh Khu Vực Hoa Kỳ (Radio in the American
Sector – RIAS) thông báo các công nhân xây cất đang tiến từ đại lộ Stalinallee đến Dinh
Các Bộ (cũng là nơi trước đây Bộ Hàng Không của Hermann Goering tọa lạc thời Đức
Quốc Xã). Các công nhân đòi hủy bỏ những chỉ tiêu mới trong sản xuất kỹ nghệ và cải
thiện lương bổng và điều kiện làm việc. Tòa nhà được cảnh sát ngăn rào và tình thế rất là
căng thẳng. Các công nhân đình công mời gọi Ulbricht và Grotewohl. Fritz Selbmann, Bộ
trưởng Bộ Kỹ nghệ, xuất hiện để chấn an đám đông, nhưng vô hiệu quả.
Có những ý kiến khác nhau về mức độ can thiệp của cơ quan tình báo Tây Âu, nói cho
chính xác hơn các mặt trận Tây Đức hàng đầu do Hoa Kỳ hỡ trợ, vào việc xúi giục cuộc
nổi dậy này. Đã có những xâm nhập trong các xí nghiệp và cho những ai mong muốn sự
sụp đổ của Tây Đức, đưa đến thống nhất hai nước, theo diễn biến của những ngày này
đây là một cơ hội lớn. Nhưng ở đây lối quản lý kinh tế tồi dở của Đảng và tính chất lãnh
đạo đàn áp của Ulbricht đã khiến dẫn đến tình trạng này. Ulbricht sau đó cũng cố gắng
muốn xuất hiện, nhưng ông không đương đầu với đám biểu tình, lúc đó đang gào thét
“Đả đảo Spitzbart!” (Đả đảo Râu nhọn!), họ liên tưởng đến chòm râu cằm nhọn của ông,
trau truốt theo kiểu Lê-nin. Ông lựa cách xuất hiện tương đối an toàn hơn trong một cuộc
hội họp với các thành phần họat động để trả lời; tại đây phong cách cục mịch độc đoán
của ông biến mất, ông tỏ ra lập lững và thiếu tập trung.
Đến chiều tối, Đài Phát Thanh Vùng Hoa Kỳ đóng vai trò điều hợp các biến chuyển, kêu
gọi biểu tình và thông báo rõ thời điểm và địa điểm. Các hãng xưởng lần hồi gia nhập
cuộc đình công. Đoàn người biểu tình kéo nhau về công trường Postdamer Platz của Bá
Linh, nơi cả bốn vùng kiểm soát của Đồng Minh gặp nhau. Từ phía Tây, những nhóm
gào thét đòi lật đổ chế độ Cộng Sản cũng đang tiến đến CổngBrandenburg. Một giờ
chiều, quản trị viên Xô Viết của thành phố tuyên bố thiết quân luật và xe tăng di chuyển
vào thành.
Tôi quyết định trở về Bá Linh. Khi tôi đến gần thành phố Neustrelitz, khoảng giữa đường
từ bờ biển Baltic đến Bá Linh, xe của chúng tôi bị quân đội Xô Viết chặn tại một đọan
đường. Thẻ căn cước đặc biệt của tôi tỏ ra vô dụng. Mặc dù chúng tôi phản đối, chúng tôi
bị giam giữ với các “phần tử đáng nghi” trong một căn phòng của trạm kiểm soát. Tại
đây tôi rủa thầm vài tiếng đồng hồ và tự hỏi ai là người quản lý thực sự phần đất này của
nước Đức. Nhờ về kiến thức tiếng Nga, trong đó có cả những tiếng lóng nặng nề, cuối
cùng tôi được phép nói chuyện với cấp chỉ huy, tự giới thiệu mình một cách minh bạch
và tiếp tục cuộc hành trình.
Sau đó tôi về đến nhà tại khu Pankow của Đông Bá Linh, khu vực thành phố nơi cấp lãnh
đạo ở. Các công nhân từ Bergmann-Borsig, một tập đoàn sản xuất các máy móc dụng cụ
lớn dùng cho kỹ nghệ nặng và vật liệu gia dụng, đi ngang trước nhà tôi và cha tôi thoát
hiểm trong đường tơ kẽ tóc, suýt bị đám đông đánh tại trung tâm thành phố. Ông chắc
chắn phần đông thành phần thanh niên biểu tình đến từ Tây Bá Linh và ông hồi tưởng
đến bọn áo nâu tràn đầy thành phố thời buổi ban đầu của Hitler. Bây giờ lối phát ngôn
này có thể bị đánh giá là kiểu tuyên truyền Cộng Sản, nhưng tưởng cũng không kém phần
quan trọng nhắc nhở những biến cố trên xảy ra chỉ có tám năm sau sự sụp đổ chủ nghĩa
Quốc Xã tại Đức, và là điều rất là thường tình khi người ta cảm nhận, mượn lời của
Bertolt Brecht, “con đĩ đã đẻ ra nó vẫn còn muốn động cỡn.”
Chúng tôi sửng sốt vì sức bạo động và lòng hận thù dâng cao xung quanh chúng tôi. Đối
với những ai như tôi sống trong lòng của xã hội mới này đây là một bừng tỉnh khó khăn
để nhận thức hệ thống chúng tôi hàng mến chuộng đã làm mất lòng dân. Số lượng chính
xác người chết không hề được biết rõ, nhưng tổng số lên đến khoảng 100 và 200 người.
Tôi thấy rõ ý niệm “chủ nghĩa phiêu lưu phát-xít” và “lật đổ phản cách mạng” phát xuất
từ cấp lãnh đạo chỉ dùng để làm dụng cụ tuyên truyền mà thôi. Điều này không làm cho
tinh thần tôi bị lay chuyển. Tôi thích thú mường tượng chúng tôi học hỏi được từ cuộc
nổi dạy và đem áp dụng những kinh nghiệm tốt của bài học này cho việc quản lý tương
lai nhà nước.
Với trách nhiệm giám đốc cơ quan tình báo hải ngọai, công việc của tôi là tìm kiếm
chứng liệu can thiệp của những lực lượng bên ngoài trong cuộc nổi dậy này. Tôi biết rõ,
ngay lúc đó, đây cũng là một tiểu sảo để cung cấp những biện minh cho giới lãnh đạo
trong lúc quân dội Xô Viết phơi bày sự bất lực của họ. Việc thâu thập bài vở trên nhật
báo và tuần báo, sách vở và những tài liệu khác phơi bày kế hoạch của Tây Đức và Hoa
kỳ nhằm xóa bỏ Cộng Hòa chúng tôi không phải là một điều khó; lúc đó có một khuynh
hướng hòa tấu chung trong mối bang giao quốc tế. Lý thuyết gia Hoa Kỳ James
Burnham, trong quyển sách nhan đề Defeating Soviet Imperialism (Đánh bại Chủ Nghĩa
Đế Quốc Xô Viết), đã hô hào dùng những phương pháp khuynh đảo trên lãnh thổ của
khối Đông Âu, kể cả việc dùng những “câu-lạc-bộ chui” để xúi giục, “phối hợp hành
động để lật đổ chính quyền Cộng Sản”, do các ông bạn được CIA trợ giúp tiên phong dẫn
đầu tại Tây Bá Linh, Đạo Quân Chống Phản Nhân Đạo (Kampfgruppe gegen
Unmenschlichkeit –KGU) và Ủy Ban Điều Tra của Các Luật Gia Tự Do
(Untersuchungousschuss Freitheitlicher Juristen – UFJ).
Chúng tôi khám phá, nhờ một điệp viên của chúng tôi trong phái bộ Quân Sự Mỹ, giám
đốc CIA, Allen Dulles và cô em gái, Eleanor Lansing Dulles, một viên chức của Bộ
Ngọai Giao Hoa Kỳ, đã có mặt tại Tây Đức một tuần trước khi xảy ra cuộc nổi loạn.
(Điệp viên, tên Bielke, là thông dịch viên cho đại diện địa phương của AFL-CIO tên là
Baker. Công tác của Baker là xâm nhập các tổ chức công đoàn thương mại của Cộng Hòa
Dân Chủ Đức.) Chúng tôi cũng bắt được điện tín của Walter Sullivan, phóng viên của tờ
New York Times tại Bá Linh, gởi cho trụ sở tạiManhattan, điện tín ghi: “Bất mãn sẽ
không bao giờ bộc lộ nếu không có đài Phát Thanh Hoa Kỳ RIAS. Từ 5 giờ sáng thứ Tư,
đài phát thanh tuyên truyền của Hoa kỳ tại Bá Linh phóng đi những chỉ thị chi tiết trên
toàn lãnh thổ nước Đức”.
Công việc của chúng tôi là thâu thập tin tức tình báo trong hậu trường của cuộc nổi dậy,
nhưng chúng tôi không rõ cấp lãnh đạo rút tiả kết luận nào từ những báo cáo này.
Ulbricht bất ngờ đặt nặng trong tâm lên một bản tin mà chúng tôi không mấy chú ý đến.
Vào tối ngày 16 tháng Sáu, tố chức công đoàn thương mại tại Tây Đức dự trù một cuộc
du thuyền trên tàu hơi và mời các đồng nghiệp còn rơi rớt lại trong các công đoàn Đông
Bá Linh. Nguồn tin của chúng tôi báo rằng lời mời không gởi qua bưu điện nhưng qua
điện thoại và các chữ “du ngọan trên thuyền hơi” đã được nhắc đi nhắc lại trong các lần
điện thọai. Ulbricht lập tức xem đây là những mật mã khơi động những biến cố ngày 17
tháng 6. Nhưng đây rõ ràng là một suy đoán thái quá.
Cuộc nổi dậy trớ trêu hơn nữa lại củng cố quyền lực của Ulbricht. Sau một cuộc nổi dậy
tầm cỡ lớn như vậy, cấp lãnh đạo Xô Viết không thể nào phiêu lưu tạo thêm bất ổn hất
chân ông ta và đằng nào cũng vậy Beria vừa mới bị thanh toán trong đợt khai trừ hậu
Stalin đầu tiên.
Zaisser và Rudolf Herrnstadt, chủ nhiệm tờ báo của Đảng Neues Deutschland, cả hai đều
ủng hộ một cuộc cải cách và Ulbricht nhờ vậy có cớ chính đáng đẩy hai đối thủ này đi.
Cả hai được thay thế bởi những người ủng hộ ông vô điều kiện. Ngay chính Ulbricht
cũng hành xử một cách thô bạo như Stalin để tiêu diệt những kẻ đối kháng.
Một bầu không khí bất ổn và bất tín nhiệm bao trùm khiến cuộc sống trở nên khó khăn
cùng khắp Đông Đức, và tôi cảm nhận điều này. Nhưng cái nhìn về thế giới và lòng thâm
tín của tôi không hề suy xuyển, một điều mà các độc giả Tây phương cảm thấy bí ẩn. Tại
sao, sau cuộc đổ máu trên đường phố và việc Ulbricht thanh lọc những phần tử mà chúng
tôi biết là tốt, chúng tôi không tìm cách lánh xa ông hoặc phê bình chỉ trích ông. Chiếu
theo tín thuyết và thực hành của tất cả các đảng Cộng Sản sau khi Lê-nin chết, bất cứ ai
công khai tấn công Tổng Bí Thư đương nhiệm, người đó phục vụ cho quyền lợi của kẻ
thù giai cấp. Đối với một người Cộng Sản, điều này tương đương với việc xúc phạm của
một tín đồ Công Giáo ngoan đạo.
Những người bị Ulbricht thanh trừng chấp nhận những cáo buộc một cách lặng lẽ. Việc
họ không phát biểu để tự bào chữa có lẽ chỉ có thể hiểu được bởi những ai đã từng trải
qua các cuộc thanh trừng của Stalin và hiểu rằng kỷ luật trong Đảng là sức mạnh keo sơn.
Những người này đã cống hiến cả cuộc đời của họ cho phong trào cách mạng và đối đầu
với Đảng sẽ là một đổ vỡ toàn diện. Họ giữ im lặng cũng vì một lý do khác: họ biết rằng
tình trạng đã trở nên vô vọng, nói điều gì đi nữa cũng chỉ làm cho tình hình tệ hại hơn
nữa.
Rudolf Herrnstadt và Wilhelm Zaisser là hai trong những nạn nhân trong tiến trình củng
cố quyền lực của Ulbricht. Trước thời chiến, Herrnstadt làm việc cho GRU (Glanoye
Razvedyvatelnoye Upravleniye) cơ quan tình báo quân đội Xô Viết và đã gầy dựng một
hệ thống tình báo tuyệt hảo tạiWarsaw. Hai điệp viên ông kết nạp Ilse Stöbe, người vợ
thứ nhất của ông, và Gerhard Kegel trong Tòa Đại Sứ Đức tạiMoscowđã cung cấp tin tức
tiên khởi về cuộc tấn công của Đức năm 1941. Có lẽ ông phiền lòng vì được biết những
công tác trước đây của ông hiện không còn nghĩa lý gì cả. Trường hợp của Herrnstadt
làm cho tôi xúc động mãnh liệt. Mặc dù ông là một viên chức không nổi tiếng, vào những
thập niên 1980, tôi thu xếp để ra lệnh phát hành một phim tài liệu cho các nhân viên trẻ
ghi lại thành tích tình báo của ông. Ít ra ông cũng được vinh dự trong giới tình báo, mặc
dù không chính thức.
Mãi sau này, tôi đọc được những giòng chữ Herrnstadt để lại trong khi ông làm việc tại
Thư Khố Trung Uơng Nhà Nước tại Merseburg. Ngay tại đây, một câu hỏi nhức nhối
luôn ám ảnh ông: “Tôi khôn ngoan hơn Đảng chăng?” Câu hỏi này dày vò ông mặc dù
ông là nạn nhân của sự bất công do Đảng đỡ đầu và ông thấy những hệ quả sơ cứng của
giáo điều của Đảng. Như Zaiser và Ackermann, ông giữ kín mối nghi ngờ trong lòng và
ghi những giòng suy tư này trên những trang giấy cho thế hệ mai sau; họ bị ràng buộc bởi
một im lặng đồng loã mà phần đông các đảng viên Cộng Sản thất sủng mắc phải. Họ kiên
định với nguyên tắc căn bản của một đảng viên Cộng Sản: Không bao giờ gây thịêt hại
cho Đảng.
Không một ai trong họ có thể sống được với tâm trạng hồ nghi nghĩ rằng họ cung cấp vũ
khí cho những kẻ đánh phá quyền lực mà chúng tôi nhọc nhằn chiếm được. Giới trí thức
còn phải mang thêm gănh nặng khác là phải phấn đấu để được lòng tín cẩn của một đảng
cống hiến cho sự toàn thắng của giới công nhân. Cha tôi, các văn sĩ và các triết gia
thường xuyên nuốt nhục phải hạ mình xuống trước những kẻ tra vấn hằn học trong những
buổi họp của Đảng. Tại Đông Bá Linh, danh từ “trí thức” nghe ra lạc lõng trong nội bộ
Đảng và Bộ Công An. Nhiều người đã cố gắng tự bào chữa để không bị tố cáo có “lối suy
nghĩ trưởng thượng” hoặc “thiếu khiêm nhường”, họ bày tỏ lòng phục tùng chấp nhận vai
trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và phải ngậm họng trước những hành vi ngu xuẩn
nhân danh giai cấp. Đối với những ai không hiều rõ sức mạnh của não trạng này, tôi khó
mà giải thích làm sao tôi có thể giữ được niềm tin trong những tháng năm săp tới.
Việc cất chức Wilhelm Zaisser khỏi chức vụ Bộ Trưởng Bộ Công An đưa đến những hậu
quả vừa có tính cách cá nhân và cũng vừa có tính cách tổ chức đối với cơ quan chúng tôi.
Tôi vẫn giữ chức vụ của tôi và tôi được phong làm phụ tá cho Ernst Wollweber, vị giám
đốc mới của cơ quan. Vị này không màng đến những chi tiết công tác nhưng đặc biệt chú
trọng đến những tin tức chính trị mà chúng tôi thâu thập. Khi đề cập đến vấn đề này, ông
bước tới bước lui trên chiếc thảm đặt trong văn phòng của ông. Người ông nhỏ nhắn, tròn
trịa, miệng luôn ngậm điếu xì-gà đã tắt ngẩm. Ông không thể nào ngồi yên trước bàn một
khi ông bắt đầu bàn về những nhân vật, những mối liên lạc và những mâu thuẫn bên Tây
phương và khả năng ảnh hưởng của chúng đôi với chúng tôi.
Wollweber cũng chẳng khác biệt gì nhiều với Erich Mielke, người trách nhiệm về phản
gián và khử trừ gián điệp trong hàng ngũ chúng tôi. Mielke chống đối quyền kiểm soát
của tôi trên tình báo hải ngoại; ông tự xem là đối thủ của tôi và luôn tìm cách phá tôi,
không những lúc chúng tôi ngang hàng với nhau mà ngay cả khi ông trở thành cấp trên
của tôi sau này trong chức vụ Giám Đốc Bộ Công An. Ông thuộc đạo quân tiêu diệt của
Đảng Cộng Sản nhằm vào các băng đảng Quốc Xã năm 1930 và ông thẳng tay trừng trị
kẻ thù. Tuy nhiên, năm 1953, ông vẫn còn đang bối rối vì một quyết định Đảng xem xét
khả năng của ông do hệ lụy của cuộc nổi dậy năm 1953. Tôi được nâng quy chế, lên làm
một trong những phụ tá của Wollweber trước ông ta, điều mà ông vẫn còn hằn học cho
đến mãn đời của ông. Mấy năm sau, tôi được biết khi Wollweber bị cách chức, đại diện
của KGB tại Bá Linh, ông Yevgeni P.Pitovranov, và Đại Sứ Xô Viết tại Công Hoà Nhân
Dân Đức, ông Georgi M.Pushkin, ban thảo với Ulbricht để tìm kiếm người thay thế
Wollweber. Pitovranov nói :”Tại sao ông phải kiếm? Ông có người kế vị rồi – Wolf đấy”.
Nhưng Mielke được đề cử vào chức vụ này; ông là tai mắt của Ulbricht.
Mielke có một cá tính đầy uẩn khúc cho dù xét dưới khía cạnh đạo đức thông thường áp
dụng cho thế giới điệp viên. Ông đam mê thể thao thể lực. Ông có thói tật thu thập dữ
kiện không những về những người tình nghi đối lập mà ngay cả các bạn đồng nghiệp.
Ông cố moi tìm kiếm cho ra những tên phản bội trong giới lãnh đạo, ông hứa cho tôi
quyền cao chức trọng nếu tôi tìm được trong Trung Tâm Tài Liệu Hoa Kỳ tại Bá Linh,
nơi dự trữ tài liệu của Quốc Xã sau năm 1945, một loại bằng chứng cho thấy chính tri gia
Đông Đức cộng tác với Đệ Tam Cộng Hòa. Không có một sự kiện nào thoát sự chú ý của
ông, không có một chi tiết nhỏ nào không rơi vào hồ sơ đỏ mà ông cất kín trong tủ sắt
văn phong.
Có một lần tôi nhận báo cáo của một nhân viên sửng sốt trong cơ quan của tôi, anh thấy
Erich Honecker, sau này là lãnh tụ Đông Đức, nhưng lúc đó ông đứng đầu tổ chức Thanh
niên Đức Tự Do, rón rén qua các ngõ ngách đường phố sau khi ra lệnh cho tài xế về nghỉ
vào lúc trạng vạng tối. Đối với tôi điều này chứng tỏ là Honecker đang thăm viếng một
cô bạn gái vụng trộm, mặc dù lúc đó ông đã thành hôn với một cô bạn đồng nghiệp công
chức. Tôi đùa bỡn việc này với Mielke: “Này, chúng ta đâu cần giữ sự kiện này trong hồ
sơ”, và tôi làm ra vẻ vứt báo cáo đó đi. “Không, không”, ông giám đốc phản gián vội
vàng trả lời “Để tôi cất giữ nó. Mình phải cẩn thận không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau
này”Báo cáo này đóng góp thêm chi tiết về những thành tích không lấy gì làm đẹp đẽ của
ông Honecker vào trong hộp đỏ của Mielke, để rồi hàng chục năm sau này vào năm 1989
được phơi bày khi ông uỷ viên công tố tìm tòi trong văn phòng của Mielke.
Một khi đã khởi sự, các cuộc thanh trừng thật khó mà ngừng lại. Bốn năm sau,
Wollwever bị khai trừ do một thủ đoạn khác của Ulbricht và Mielke chiếm chức vụ Bộ
Trưởng Bộ Công An. Có lẽ Mielke vẫn giữ chức vụ đầu não công an nếu không có ngày
ra đi lố bịch vào năm 1989, khi ông rời bỏ nhiệm sở với lời từ biệt miễn cưỡng trước
quốc hội Đông Đức: “Tôi thương yêu hết mọi người”.
(Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 8 (Markus Wolf)                           
 “ …Chúng tôi đi xa hơn nữa cài đặt “những vết nhơ” trong lý lịch cá nhân của các điệp
viên trong hồ sơ các bộ để tăng cường độ khả tín nếu phản gián Tây Đức bằng phương
cách nào đó lấy được hồ sơ của họ…”
Chương 5
Vứa Học Vừa Làm
 Nước Đức vào những năm đầu của thập niên 1950 là một mạng lưới khổng lồ của những
mối liện hệ công khai và ngấm ngầm, những nỗi nhục thầm kín và lòng trung thành giấu
kín ở cả hai phía Hữu và Tả. Không có gì là chắc chắn, không thể tin ai một cách tuyệt
đối, dễ lầm khi nhìn bề ngoài. Kết quả là một xúc cảm mãnh liệt và tính đa nghi, một bầu
không khí đã được Billy Wilder ghi nhận trong những bộ phim về cuộc sống trong vùng
Hoa Kỳ chiếm đóng – đặc biệt trong phim Foreign Affair – và được chính em tôi quay lại
trong những phim nói về những năm đầu trong vùng Nga chiếm đóng. Báo cáo chính
thức do người dân tự thẩm định chỉ là vỏ bề ngoài. “Cứ hai người trong nước là có một
người tham gia kháng chiến bí mật” cha tôi thuờng hay miả mai đùa cợt sau khi nghe
những báo cáo vô căn cứ của người dân Bá Linh về cách họ chống Hitler một cách ngấm
ngầm. “Nhưng rủi thay, họ chẳng bao giờ thấy người này”.
         Cả hai nước Đức đều hô hào mục đích của họ là thống nhất đất nước. Chính tôi
cũng không tin điều này có thể thực hiện được trong tương lai gần vì những xung đột
quyền lợi của những thế lực chiến thắng đã chia cắt nước Đức thời hậu chiến. Ngay cả
tạiWashington và Luân-đôn, biến động tháng Sáu năm 1953 tại Đông Đức tạo thêm xác
quyết là chiến lược đẩy lui quyền lực của Xô Viết sẽ thành công. Hy vọng thống nhất sau
này tiêu tan dần vì áp lực chính trị, kinh tế và, chưa hẳn là tác động cuối, quân sự – việc
tái quân trang Tây Đức và việc Tây Đức gia nhập liên minh quân sự Tây phương là
những ưu tiên trong lịch trình của Tây Phương. Tuy nhiên cấp lãnh đạo của Cộng Hoà
Dân Chủ Đức vẫn tiếp tục bám víu vào khẩu hiệu thống nhất nước Đức, mặc dù quá
nhiều công dân của họ đã bỏ nước ra đi.
         Mối ưu tư hàng đầu của giới cầm quyền là cuộc đấu tranh thiết lập một bộ mặt khác
biệt của phương Đông. Tình cảnh bấp bênh nội tại của “quốc gia Đức thứ hai” luôn đeo
đuổi trí não của họ. Điếu này buộc họ phải phát động việc tôn sùng lòng ái quốc đến độ
vô lý. Chúng tôi mặc quân phục, tôi có ít nhất năm bộ, đây là một thành tích đáng kể cho
một người không bao giờ phục vụ trong quân đội. Một trong những ý kiến kỳ quặc nhất
của Ulbricht áp dụng vào thời kỳ này là việc sử dụng biểu tượng quân sự – một cuộc
xoay chiều thấy rõ, vì chúng tôi chỉ trích việc dân Tây Đức vẫn tiếp tục truyền thống
quốc gia quân sự của quân đội Hitler. Nhạc quân sự truyền thống cũng được phục hồi và
công khai hoà tấu lần đầu tiên tại Đông Bá Linh tại Thế Vận Hội Thanh Niên khối Xô
Viết năm 1951. Như phần đông các đảng viên Cộng Sản đã được đào tạo để đánh giá
cách pha trộn quân sự với nhạc này chuẩn bị con đường đi đến chế độ Quốc Xã, tôi cảm
thấy khó chịu. Khi những bài quân nhạc trổ lên, tôi quay sang nhà văn Nga gốc Do thái
Ilya Ehrenburg, đứng bên cạnh tôi trên khán đài, và hỏi ông nghĩ thế nào về quang cảnh
này. Ông nhún vai theo kiểu cách nhẫn nhục của người Nga và nói: “Người Đức lúc nào
cũng thích diễn hành”.
*
         Trong khi đó, cơ quan non nớt của chúng tôi cố gắng học hỏi xây dựng cơ sở với
phong cách ít phô trương hơn. Mặc dù vậy, không phải lúc nào cũng được êm thắm. Vào
những năm đầu việc quản lý cơ quan điệp báo mới luôn có khuynh hướng ngả theo luật
của Murphy (Lời dịch giả: Murphy’s Law: Điều gì mình nghĩ là hỏng nó sẽ hỏng) và môi
trường khoa học kỹ thuật tạo vô số cơ hội để lầm lẫn và tính toán sai lầm).
         Trong những thập niên 1950, hàng ngàn công dân Nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức
tràn qua biên giới Tây Bá Linh và Tây Đức lúc đó hầu như mở ngỏ. Con số gia tăng
nhanh chóng sau cuộc nổi dậy tháng 6 năm 1953, và gần 500.000 người của một nước có
dân số 18 triệu người bỏ trốn trong vòng ba năm kế tiếp.
         Điệp viên của chúng tôi trà trộn trong làn sóng người này không khó. Họ thường là
thanh niên, có lý tưởng Cộng Sản cao độ và họ đặt nền tảng cho nhiều thành công của
chúng tôi sau này. Mặc dù họ thường bị mời lên tra vấn tại các trại tị nạn một khi họ sang
phiá Tây, họ vẫn có cơ hội tốt để hoà nhập với đám đông mới đến nếu họ được trang bị
một lý lịch khả tín, chẳng hạn như ước muốn đoàn tụ với thân nhân bên Tây Đức. Chúng
tôi dùng nhiều lý cớ khác nhau: Một điệp viên có thể trình bày là y bị bắt tại trận man
khai quá khứ đảng viên Đảng Quốc Xã hoặc tố chức Waffen SS, hoặc y tỏ ý phê bình nét
xấu của những chính sách của chính phủ. Chúng tôi đi xa hơn nữa cài đặt “những vết
nhơ” trong lý lịch cá nhân của các điệp viên trong hồ sơ các bộ để tăng cường độ khả tín
nếu phản gián Tây Đức bằng phương cách nào đó lấy được hồ sơ của họ.
Chúng tôi tránh kết nạp vào cơ sở chúng tôi những người có thân nhân bên Tây Đức, vì
tôi nghĩ rằng những cơ quan tình báo Tây phương có thể dễ dàng xâm nhập cơ quan
chúng tôi – như chúng tôi đã xâm nhập họ – qua liên hệ và áp lực gia đình.
         Mỗi một người chúng tôi gởi đi đều có một công tác nhất định và mỗi một điệp viên
được huấn luyện bởi một đội trách nhiệm về công tác này. Chúng tôi giới hạn việc huấn
luyện trong những nguyên tắc sơ đẳng về tình báo và phương cách thu thập những tin tức
mà chúng tôi muốn. Việc huấn luyện những điệp viên về những vấn đề và phương thức
không liên quan đến công tác của họ xét ra không cần thiết; trên một phương diện nào đó,
điều này có thể khiến cho công tác của họ nguy hiểm hơn vì công tác của họ sẽ trở nên
phức tạp hơn một cách không cần thiết. Trong một vài trường hợp chúng tôi triệu hồi
điệp viên từ Tây Đức và đưa họ trở về Đông Đức để huấn luyện bổ túc khi có thời cơ
thuận tiện.
         Sự kiện chúng tôi gởi điệp viên sang Tây Đức, một nước có cùng ngôn ngữ và văn
hoá, rõ ràng là một điểm lợi. Quả nhiên, việc đưa người của Liên Bang Xô Viết xâm nhập
Hoa Kỳ và ngược lại là một việc khó khăn hơn nhiều. Khi cả hai nước Đức trưởng thành
theo hai chiều chương khác nhau, công tác xam nhập trở nên khó khăn hơn, và việc xây
cất Bức Tường Bá Linh hạn chế hẳn làn sóng di dân trong đó chúng tôi cài điệp viên.
Điều này có nghĩa là lý lịch ngụy tạo phải tinh vi hơn. Nhưng vào thời điểm này Tây Đức
vẫn lép vế hơn, vì việc di dân từ Tây sang Đông rất hiếm và bị quan sát kỹ lưỡng. Mặt
khác, Tây Đức không có nhu cầu gửi người đi: Họ có thể mua chuộc người trong đám
đông công dân bất mãn tại Đông Đức chúng tôi.
         Để khắc phục những khó khăn hành chánh trong việc định cư tại Tây Đức, phần
đông điệp viên của chúng tôi thường bắt đầu công tác bằng cách trải qua một thời gian
lao động chân tay đơn sơ. Vì lý do này, chúng tôi thường chọn các thí sinh có tay nghề
khéo léo và có kính nghiệm thực tiễn trong một ngành nghề. Tuy nhiên, không phải ai
cũng đi qua nẻo đường này. Như đã đề cập trước đây, hầu hết các khoa học gia và sinh
viên ngành khoa học di cư vào thời đó đều kiếm đuợc việc tại các hãng hoặc cơ sở nghiên
cứu mà chúng tôi chú ý. Chúng tôi cũng thâu thập tin tức qua các mối liên lạc không
chính thức với các khoa học gia Tây Đức. Nhiều người cảm thấy bồn chồn về hiểm họa
hạt nhân, vũ khi sinh trùng và hoá học. Họ bị chấn động mạnh vì hai quả bom nguyên tử
thả xuốngHiroshima vàNagasaki, họ cung cấp cho các điệp viên chúng tôi rất nhiều cơ
hội và đề tài để bàn thảo.
         Có một vài người của chúng tôi xâm nhập vào các khu vực có những nguyên tắc
bảo mật khắt khe . Những người khác vào được những vị trí lãnh đạo, lương bổng cao
trong các tổ chức xí nghiệp. Nhưng việc xâm nhập vào thâm cung của các trung tâm quân
sự và chính trị tạiBonn, nơi những quyết định lớn được thực hiện, khó hơn nhiều.
*
Sau những cuộc nổi dậy năm 1953, cuộc họp thượng đỉnh của các Bộ Trưởng Bộ Ngoại
Giao của phía Đông Minh năm sau đó là một mối quan tâm bức xúc nhất của chúng tôi.
Đây là lần đầu tiên một biến cố như vậy diễn ra trước ngưỡng cửa chúng tôi và tôi không
rõ tôi phải có những hoạt động tình báo nào. Như thường lệ, ông bạn Xô Viết yêu cầu
chúng tôi có một kế hoạch hành động chính xác. Trong tinh thần ước vọng hơn là trông
chờ, tôi cố gắng chuẩn bị một kế hoạch nhằm tạo nên nhu câu bức thiết để có được tin tức
phẩm chất cao từ các nhân viên của tôi.
         Moscow phái một cố vấn đặc biệt đến để xem xét bản sơ đồ lớn nằm trên bàn của
tôi và, giống như một anh thợ phát giác một lỗ hở trong máy, y nói : “Lẽ cố nhiên, quý vị
cần có một “malina” trong thời gian công tác này”. Tôi đâm ra bối rối. Malina theo tiếng
Nga có nghĩa là “quả mâm xôi”, nhưng chắc chắn ông bạn KGB không nói về trái cây ăn
tráng miệng. Hóa ra đương sự dùng tiếng lóng để chỉ động chị em ta, nơi đây các nhân
viên của chúng tôi quyến rũ các viên chức lạc lối từ hội nghị ra trút bớt gánh nặng vào
nơi có chút xa hoa.
         Việc này diễn ra hàng mấy năm trước khi tôi khai triển chiến lược sử dụng tình dục
trong nghề điệp báo, nhưng tôi không muốn để lộ cho ông bạn đồng nghiệp Nga biết là
tôi quá ngây ngô. Chúng tôi cấp tốc biến một căn nhà nhỏ mà chúng tôi đôi khi dùng ở
phía nam ngoại ô Đông Bá Linh thành vừa là nhà chứa và là trung tâm gài bẫy với đầy
dụng cụ nghe lén và máy quay phim có đèn hồng ngoại tuyến, giấu trong phòng ngủ có
ánh sáng thích hợp. Ngày nay những dụng cụ này tỏ vẻ rất thô sơ, chính vì vậy các nhiếp
ảnh viên phải luồn lách trong tủ quần áo nhỏ và đứng chờ cho đến khi đối tượng họ quan
sát ra đi.
         Vấn đề kế tiếp là kiếm các giai nhân. Chúng tôi tiếp xúc một ông cảnh sát cao niên
đã từng chỉ huy đội tuần tra thuần phong mỹ tục tại Bá Linh.(Điều ngộ nghĩnh, việc kiểm
soát mãi dâm và hình ảnh khiêu dâm được cả hai bên Đông và Tây cùng thực hiện giữa
những năm 1945 và 1949). Ông đi mòn giầy cao su biết hết những nơi hành nghề của chị
em ta và những nơi họ trú ngụ vì nay cái nghề xưa nhất trái đất đã đi vào bóng tối trong
một xã hội mới trong sạch của chúng tôi. Nhưng không may, ông dẫn chúng tôi đến khu
Mulackstrasse, một khu từ xưa đến này luôn biểu tượng cho thị trường buôn bán da thịt
hạ cấp nhất Bá Linh. Cấp trên của tôi lúc đó, đã từng trải cuộc đời trong nghề điệp báo
mặc dù điềm nhiên trước những sự kiện này, điện thoại cho tôi với giọng nhăn nhó :
“Anh không thể nào đặt chân đến những nơi như vậy cho dù chỉ tốn một Đức Mã”.
         Đi ngược lại với chủ thuyết, chúng tôi hành động theo bản năng của một xí nghiệp
tự do. Tại một quán bán sữa trên đại lộ Karl Marx chúng tôi kiếm ra được nhiều cô gái
hấp dẫn, mặc dù sống cuộc đời đáng kính ban ngày, chấp nhận sống một cuộc đời kém
trang trọng hơn về đêm nhân danh Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa. Kế hoạch dự tính gởi
một đám điệp viên của chúng tôi đến trung tâm báo chí tại Tây Bá Linh và các quán ăn,
quán rượu nằm xung quanh những nơi hội họp của các bộ trưởng ngoại giao. Họ có công
tác mời mọc các viên chức và cố vấn đến giải khát và, nếu tình hình có vẻ khả quan, đưa
họ đến tham gia một “nhóm nhỏ” tại căn “malina”, nơi đây bảo đảm có sự hiện diện của
phái nữ.
         Sự việc diễn tiến êm xuôi. Nhưng vào giữa đêm, điện thoại của tôi reo vì xẩy ra một
“biến chuyển bất ngờ”. Bà Tám yêu cầu kiểm soát vệ sinh kỹ lưỡng và khám phá một
trong những cô nàng không lấy gì làm cảnh vẻ cho lắm. Cô ta có rận. Tôi ra lệnh rút cô ta
ra khỏi nhóm công tác.
         Cuộc họp bắt đầu, đội công tác chúng tôi trông chờ hành động, nhưng không thấy
xuất hiện một anh bạn nào cả. Nhân viên tháp tùng năm nay hình như đạo đức một cách
bất thường, vì người duy nhất lọt bẫy, lại vào đêm cuối, là một ký giả Tây Đức. Nước và
thức ăn khai vị được trưng bày thịnh soạn, các giai nhân đứng vào vị trí của mình. Nhưng
trong lúc cao hứng, nhân viên trách nhiệm của chúng tôi đêm đó uống nhầm ly rượu chứa
thuốc cường dương dành cho khách. Để kết thúc đẹp, có chiếu phim khiêu dâm. Lẽ cố
nhiên những loại phim này bị cấm tại Đông Đức, nhưng cũng đuợc ông cựu cấp chỉ huy
đội tuần tra thuần phong trình chiếu mỗi khi có dịp cần đến. Trong khi người của chúng
tôi không phút nào rời đoạn phim, con mồi chúng tôi không hề chú ý một chút nào đến
màn ảnh hoặc các cô gái và rút lui vào trong bếp để nói chuyện gẫu với cô gia nhân.
         Ngày hôm sau, anh ký giả là người duy nhất có đầu ốc tỉnh táo. Anh ta hiểu chò trơi
và nói sẵn sàng làm việc cho chúng tôi. Đây cũng là một loại chiến thắng, nhưng quá bất
xứng với công lao bỏ ra. Chúng tôi trả lương các cô chiêu đãi thất vọng và mời họ về với
chỉ thị họ triệt để không được bàn tán về vở kịch hỏng này.
         Sau đó sự vụ này tiếp diễn một cách kỳ lạ. Khi chúng tôi gởi điệp viên đến gặp anh
ký giả, một người bạn đồng nghiệp đến thay anh ta, tên là Heinz Losecaat van Nouhuys,
tự nhân làm việc tờ tuần bán danh tiếng Tây Đức Der Spiegel. Hoặc giả họ tự dàn xếp
cuộc trao đổi hoặc việc này do phản gián Tây Đức tổ chức, tôi chẳng bao giờ đoán ra sự
thật. Nhưng ông van Nouhuys tỏ ra là một điệp có tinh thần cộng tác cao độ. Mặc dù tôi
nghi ngờ lời nói của ông cho rằng những tin tức của ông lấy từ các Bộ ra, tin tức ông
cung cấp cho chúng tôi năm này qua tháng nọ ăn khớp với những báo cáo khác. Sau đó
ông vào ban biên tập của tờ Quick. Tờ tuần báo cánh hữu rất phổ biến này chống Đông
Đức mãnh liệt, nhưng nơi đây ông vẫn tiếp tục làm việc cho chúng tôi.
         Chúng tôi bắt đầu sử dụng hội chợ thương mại Leipzig để bắt liên lạc với giới
thương dân, và qua họ bắt mối liên hệ với các chính trị gia bảo thủ và các khuông mặt nổi
bật có lòng tin trong việc công tác với Đông Đức, họ bằng cách này hay cách nọ muốn
duy trì không cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa hai mảnh nước Đức. Các giao ước
thương mại Đông Tây tại đây phải tuân thủ lệnh cấm vấn của phương Tây trên những mặt
hàng có tinh chiến lược, ví dụ như những vật liệu căn bản như ống thép. Những hạn chế
này khiến các thương gia phải lập nên những mối liên lạc đáng tin cậy và gian xếp các
giao dịch kinh doanh bất hợp pháp, và một bộ phận của Uỷ Ban Trung Ương Đảng phụ
trách về thượng lượng đút lót, cho dù sau này chúng tôi đảm nhiệm công việc này. Tôi
thường hay đi Leipzig đóng vai trò nghiêm trang của một viên chức cao cấp thương mại
hoặc một đại diện của Hội Đồng các Bộ Trưởng.
Nhờ vậy tôi gặp Christian Steinrücke, người liên quan đến việc buôn bán thép tại Tây
Đức. Steinrücke giao hảo với các kỹ nghệ gia lớn như Otto Wolff von Amerongen, gia
đình ông quản trị một công ty thép tiên phong giao thương với Liên Bang Xô Viết vào
đầu những thập niên 1920 và giúp xây dựng đường xe hoả Mãn-châu. Một hôm ngồi ăn
tối với Steinrücke, tôi nói với ông tôi là một vị tướng trong Bộ Nội Vụ Đông Đức, và từ
đó chúng tôi tâm đầu ý hợp. Sáng hôm sau, tại một buổi họp kín của Liên đoàn Sắt và
Thép Tây Đức, ông giới thiệu tôi là đồng nghiệp của ông ta cho vị giám đốc, ông Ernst
Wolf Mommsen. Nhờ sự bảo trợ của Steinrücke, không một ai trong nhóm tinh anh kín
đáo này để ý đến sự hiện diện của tôi, nói gì đến chú ý đến tôi. Steinrücke có vợ thuộc gia
đình Wehrhahn, một trong những gia đình thế lực nhất của tư bản Đức. Anh của cô vợ là
rể của Adenauer – tai tôi rung động vui mừng khi tôi nghe điều này – và hơn thế nữa, chị
dâu của cô vợ là cháu của Hồng Y Frings, gương mặt kỳ cựu của giáo hội Công Giáo Tây
Đức.
         Mối liên lạc của chúng tôi kéo dài nhiều năm. Để duy trì mối hữu nghị này, đôi khi
tôi mời Steinrücke đến dùng cơm tối với tôi và ngụy tạo một gia đình thứ hai. Tôi chọn
một biệt thự tại Rauchfangwerder và một cô xướng ngôn viên xinh xắn tại đài truyền hình
Đông Đức để làm vợ. Hình con cái của cô ta được treo trên tường mỗi khi Steinrücke ghé
thăm tôi. Khi vấn đề buôn bán vũ khí trở nên phức tạp hơn, những cuộc đối thoại với
đương sự càng lúc trở nên hữu ích, và đến khoảng giữa thập niên 1970 ông là cố vấn của
Lockheed Corporation với nhiều mối liên hệ với cấp lãnh đạo của Không Quân Tây Đức
và quan hệ với những sinh hoạt của Franz-Josef Strauss, lãnh tụ chính trị vùng Bavaria
đồng thời là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Tây Đức. Tôi chưa hề đề nghị hoặc mời ông làm
việc cho chúng tôi, mặc dù ông cũng đoán được vai trò nếu không muốn nói đến tên tuổi
đích thực của tôi. Mối liên lạc giữa chúng tôi bất đắc dĩ chấm dứt vì tôi cắt đứt do sự hiện
dịên của người bạn Steinrücke, bác sĩ Walter Bauer.
         Bauer tỏ ra vẻ là một thương gia khiêm tốn buôn bán mỡ của Tây Đức để đổi lấy nỉ
của Đông Đức trong vùng Lausitz của Đông Đức. Điều này không phù hợp với tài sản
Bauer đương có. Mối nghi ngờ của chúng tôi không sai. Vào khoảng trước năm 1945,
ông giữ một chức vụ cao trong tổ hợp kỹ nghệ Flick, sở hữu tiền chiến của mỏ than phát
đạt của vùng Lausitz. Hình ảnh của một thương gia tầm thường và tồi tàn của ông phản
nghịch với bức hình chụp chúng tôi tìm thấy ông ta đứng cạnh Konrad Adenauer trong
một hội nghị công giáo. Chúng tôi tình nghi nhiệm vụ chính của ông là giúp chủ nhân của
ông có chân đứng tại Đông Đức nhân danh các kỹ nghệ gia lớn trông chờ ngày thống
nhất đất nước Đức. Theo đạo luật hình sự của chúng tôi, công tác của ông bị kết tội gián
điệp lẫn hoạt động phản động. Điều này cho tôi lý cớ để đưa Bauer vào tròng, tôi nghĩ
như vậy.
Tôi biết ông cũng là cộng sự viên thân cận với một người tên Hans Bern Gisevius, người
đã từng trong Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai là giao liên giữa kháng chiến trung lưu Đức
và OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của CIA. Trang bị với dữ liệu này, tôi
quyết định tấn công trực diện với Bauer. Chúng tôi gặp nhau tại Johannishof, khách sạn
dành cho khách của chính phủ tại Đông Bá Linh. Trái với hình ảnh của một công tác viên
nhã nhạn và phóng khoáng, Bauer là một người tròn trịa khoác một bộ quần áo cũ kỹ.
         Steinrücke, có vẻ thích thú với vai trò trung gian mới này, cho y biết tôi là một viên
chức cao cấp trong Bộ Nội Vụ đặc trách về những vấn đề kinh tế. Chúng tôi nói chuyện
hàng tiếng đồng hồ và tôi dùng hết lá bài này sang lá bài khác nhưng không có kết quả.
Bauer luôn có câu giải đáp hoặc lời giải thích cho những gì y làm và y không tỏ vẻ lo sợ
hoặc do dự khi bị áp lực, kể cả lúc tôi báo cho y tôi biết những đường giây liên lạc của y
với Hoa Kỳ. Đây là lá bài tẩy của tôi nhưng tôi đã thất bại một cách thảm não.
         Một thương gia chính tông hoá ra là một tay hoạt động điêu luyện, quá cứng rắn để
một sĩ quan trẻ háo thắng có thể áp đảo được. Ông cũng quen biết qua nhiều để chúng tôi
hăm dọa. Điều này dạy cho tôi một bài học quý giá, cho những nhân viên điệp vụ quá
cường điệu.
         Ước đoán của tôi về Bauer được xác nhận ngay sau đó khi Steinrücke không xuất
hiện trong lần hẹn sau với tôi. Ông bị cơ quan tình báo Hoa Kỳ gắt gao thẩm vấn. Họ cho
ông biết tôi thực sự là ai và cảnh báo ông nên tránh tiếp tục liên lạc với tôi và Steinrücke
đã siêu lòng. Ông tiếp tục củng cố mối liên hệ với những khối áp lực sản xuất vũ khí của
Đức và Hoa Kỳ, điều khiến tôi trước đây thắc mắc về ông.
         Vì cách hành xử hống hách của tôi đối với Bauer, tôi đã đánh mất đi một đường
giây liên lạc quý báu, lý ra vẫn còn có thể tiếp tục trên căn bản hiểu biết đắn đo. Với thời
gian chúng tôi hoàn chỉnh kỹ thuật nhằm thuyết phục thiên hạ làm việc cho chúng tôi và
ghi nhận việc ép các đối tượng có khả năng trở thành điệp viên ký khế ước trên giấy tờ là
một điều dại dột, thiếu khôn ngoan. Phần đông những kẻ vì một lý do nào đó muốn
thương lượng với cơ quan tình báo đối nghịch sẽ lẩn tránh vì không muốn cam kết một
cách chính thức, họ muốn ở một vị thế trung hoà. Tôi khuyên các sĩ quan của tôi : nếu các
anh nghĩ câu trả lời là không, các anh đừng đặt câu hỏi. Đừng ép uổng con người vào một
khuôn mẫu đã được các cơ chế hành chánh định trước. Hàng mấy năm nay chúng tôi cố
gắng rũ bỏ những ám ảnh hành chánh của các quan thầy Xô Viết. Điều này thích hợp với
chúng tôi.
         Chúng tôi rất ham muốn xâm nhập đế chế kỹ nghệ Krupp và cố thu nạp Carl
Hundhausen, một thành viên của ban quản trị vừa có năng khiếu nghệ sĩ vừa hiểu biết
Đông Đức nhiều hơn các đồng nghiệp. Ông chỉ trích thái độ của chính quyềnBonn đối
với việc giao thương liên quốc Đức, nhưng sau đó ông nhận ra mối liên lạc với tôi vượt
quá mục tiêu tạo lợi nhuận cho nhóm Krupp.
         Tại một hội nghị bàn về tính đồng nhất của nước Đức, chúng tôi gặp ông Heinrich
Wiedemann, một nhà hoạt động cho việc thống nhất của nước Đức và cũng là một người
bạn của Joseph Wirth, cựu thủ tướng của Cộng Hoà Weimar. Tôi rất thích thu khi nghe
Wiedemann nói rằng những diễn văn chống lại việc củng cố liên minh Washington –
Bonn vẫn chưa đủ và đương sự ngầm báo muốn chúng tôi đóng góp vốn liếng để thành
lập một cơ sở kinh doanh tại Bonn. Một bản giao kèo được soạn thảo bảo đảm cho chúng
tôi được thạm dự vào phần lợi nhuận của cơ sở. Đây là một phiêu lưu hiếm hoi của cơ
quan tình báo chúng tôi vào lãnh vực tư bản rủi ro; đồng thời với sự trợ giúp của chúng
tôi, Wiedemann mở Văn Phòng Hỗ Trợ Kinh Tế cho những người Có Lương Bổng Cố
Định, một nhóm áp lực có liên lạc với các bộ và nhân viên của họ. Qua ngã này, chúng
tôi tạo được liên lạc với Rudolf Kriele, một cơ quan tham mưu trong Phủ Thủ Tướng
Liên Bang đặc trách về chính sách quốc phòng và liên minh quân sự. Là một quan chức
có thế lực thường lui tới văn phòng lóp-bi của chúng tôi, Kriele chuốc rượuRhine và nói
chuyện tầm phào về những công việc nội bộ của các chính trị gia Đức.
         Điều này kích thích tham vọng của chúng tôi. Chúng tôi dự tính khuếch trương văn
phòng để trở thành một nơi trú ngụ bất hợp pháp (một danh từ trong trao đổi tình báo để
chỉ định một công tác ngụy trang lâu dài), và sau này biến thành một điểm liên lạc vào
những thời điểm căng thẳng giữa Đông và Tây. Chúng tôi cung cấp cho điệp viên những
dụng cụ để thu thanh những cuộc đối thoại của những viên chức ghé thăm và nhận, chọn
lọc và chuyển thông tin về cho chúng tôi. Chúng tôi cũng tuyển dụng cô bạn gái của
Wiedemann, cấp trên của cô này làm việc tại Phủ Thủ Tướng, và chúng tôi đặt cho cô mã
danh là Iris. Nhưng có một vấn đề khó xử. Wiedemann, mặc dù có năng khiếu thuyết
phục, không phải là một thương gia đặc biệt giỏi, và chi phí điều hành văn phòng vượt
quá xa lợi tức thu vào, một sự kiện khó có thể che dấu thiên hạ lâu được. Chúng tôi làm
việc với tâm niệm là phản gián Tây Đức có khả năng tìm được hồ sơ thuế vụ và sẽ sớm tự
hỏi tiền từ đâu ra. Công tác kết thúc nhanh chóng hơn dự định của tôi khi một kẻ đào
thoát trốn bộ tổng tham mưu của chúng tôi sang Tây Đức, và chúng tôi bó buộc phải triệu
hồi điệp viên của chúng tôi vì mối nguy kẻ đào tẩu sẽ tiết lộ hành tung cho chính phủ
Bonn.
         Giải an ủy là Iris, dù là niềm vui của chúng tôi bị suy giảm vì thượng cấp của cô
được chuyển từ Phủ Thủ Tướng sang Bộ Khoa Học và Giáo Dục. Tại đây trong vòng 10
năm, cô ta chuyển cho chúng tôi những chi tiết về những dự án nghiên cứu bén nhạy của
chính quyền và giúp chúng tôi lập kế hoạch do thám khoa học và kỹ thuật.
         Trong thời gian văn phòng Wiedemann làm việc, một nữ khách đầy quyến rũ
tạiBonn cũng tỏ ra đầy hưa hẹn vào thập niên đầu 1950. Chúng tôi đã ước đoán tiềm năng
của cô ta khi chúng tôi biết đến tên Susanne Sievers trong khi duyệt xét danh sách các tù
bình Tây Đức bị giam giữ tại Đông Đức chờ ngày phóng thích do ân xá. Cô ấy bị cơ quan
phản gián của chúng tôi bắt trong một chuyến tham dự hội chợLeipzig năm 1951 và bị
kết án tám năm tù ở vì tội làm gián điệp. Hồ sơ ghi nghề nghiệp của cô là ký giả tự do,
điều này làm cho chúng tôi chú ý. Một đại tá dàn xếp một cuộc gặp gỡ trước khi cô ấy
biết sẽ được thả. Trong căn phòng thăm viếng, nhân viên của chúng tôi đứng trước một
người đàn bà cao, mảnh khảnh vào khoảng trung tuần ba mươi. Phong cách nghiêm trang
và tự tin toát ra từ bộ áo tù và cô vẫn tiếp tục bàn cãi việc giam giữ cô là một bất công, cô
không hề tìm ân huệ của những người bắt giam cô. Nhưng cô cũng nói đến những vấn đề
của nước Đức và chính sách thân Mỹ của Adenauer. Nhân viên chúng tôi dọ hỏi cô ấy có
muốn tiếp tục cuộc đối thoại trong một tình cảnh khác không. Sau đó cô được thả và họ
gặp nhau trên Cầu Warsaw tại Đông Bá Linh, tại đây hai bên thỏa thuận khi cô ấy về Tây
Đức, cô sẽ cung cấp tin tức cho chúng tôi. Chúng tôi đặt cho cô ấy bí danh làLydia.
         Chúng tôi vui sướng khi Susanne chọn nơi cư ngụ tại một căn phòng ấm cúng tại
Bonn, tại đây cô mở văn phòng tiếp khách có sự gặp gỡ của những khuông mắt thế giá
bàn về chính trị và văn hóa. Chúng tôi nhận được những thông tin quý giá về các tổ chức
cực hữu của Tây Đức gọi là Cứu Nguy Tự Do (Rettet die Freiheit), dưới sự lãnh đạo của
chính trị gia Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Rainer Barzel. Tổ chức này có mối liên hệ với
các nước Đông Âu qua ngã người di dân và có liên minh với Otto van Hapsburg, một hậu
duệ của gia đình hoàng gia Áo-Hung rất năng động trong lãnh vực chính trị. Sau này
Barzel luôn ám ảnh chúng tôi khi ông đạt đến chức vụ chủ tịch của CDU (Đoàn Kết Dân
Chủ Thiên Chúa Giáo) và ứng cử chống lại Willy Brandt, cương quyết chống lại nỗ lực
của Brandt muốn Tây Âu chấp nhận liên hệ ngoại giao với Đông Đức.
         Trước khi cô bị Đông Đức bắt, Susanne đã có một mối tình say đắm với Willy
Brandt khi ông là thị trưởng của Bá Linh. Ông đã viết một loạt thơ tình gởi cho cô, sau
này được các đối thủ của Brandt tiết lộ công khai trong một mùa bầu cử quốc hội năm
1961, trong đó có cả Franz-Josef Strauss. Chính nhờ những báo cáo của cô đã ép chúng
tôi phải suy nghĩ lại về hình ảnh rập khuôn mẫu về Strauss, mô tả đương sự như một kẻ
thù bất cộng đái thiên của chủ nghĩa xã hội, hình ảnh mà đương sự muốn trình cho quần
chúng. Cô nhận định Strauss là một người thực tiễn không đam mê. Khi cô tiết lộ Strauss
và Brandt có hẹn nhau để gặp gỡ tại căn phòng của cô, có tin đồn một liên minh lớn sẽ
đưa nhóm Dân Chủ Xã Hội vào chính quyền lần đầu tiên kể từ khi Đệ nhị thế chiến bùng
nổ. Brandt xác nhận những cuộc đàm đạo này trong hồi ký của ông nhưng không đề cập
đến khung cảnh và mối liên hệ của ông với Susanne.
         Tôi thường hay tự hỏi điều gì đã khiến người đàn bà này quay ra thích thú với
những cuộc gặp gỡ mưu đồ tại Bá Linh và báo cáo về những tổ chức và cá nhân có quan
điểm chính trị gần gũi với cô hơn là chúng tôi, đặc biệt sau khi cô chịu cảnh tù đày vì
những tội mà tôi cho là ngụy tạo. Cô chắc chắn biết rõ cô đang tiếp xúc với ai. Nếu cô là
một gián điệp nhị trùng, chắc chắn cô sẽ hỏi một số chuyện về công tác của chúng tôi,
nhưng cô không bao giờ đặt vấn đề. Cô chỉ nhận những bù trừ cho những chi phí của cô,
ngoài ra không có gì khác. Để có cớ sang Bá Linh, cô tạo dựng ra một người bạn gái sinh
sống tại phía Tây thành phố.
         Mối giây liên lạc với nguồn cung cấp cực kỳ quý giá này thình lình bị cắt đứt vì
Bức Tường Bá Linh được xây năm 1961. Cô là một trong nhiều nguồn cung cấp bên Tây
Đức ngưng làm việc với chúng tôi kể từ đó. Nhưng tôi tin rằng Susanne đóng góp hơn thế
nữa ; có những chỉ dấu cho thấy cô bắt đầu làm việc với tình báo Tây Đức. Cô biệt tích
với Fred Sagner, một đại tá của quân đội Tây Đức người đầu tiên thong báo cho cô về tổ
chức Cứu Nguy Tự Do, để đi Viễn Đông, tại đây y được bổ nhiệm vào các tòa đại sứ của
Cộng Hòa Liên Bang Đức với chức vụ tham tán quân sự. Đến năm 1968, cô làm việc cho
hệ thống tình báo dưới sự kiểm soát của một viên chức Tây Đức tên Hans Langemann,
một đường giây của CIA để kiểm soát nhân viên tại Âu Châu và Viễn Đông.
         Sau này Susanne Sievers – đã có lần là một Lydia trợ giúp chúng tôi – trở thành
trưởng khối Tình Báo Tây Đức (Bundesnach-richtendienst- BND) tại Hồng Kông với bí
số 150, điều khiển các phó trạm tại Đông-kinh (Tokyo), Manila, Jakarta và Singapore. Hồ
sơ của tình báo Tây Đức mà chúng tôi xem được vào những thập niên 1970 ghi cô đã
nhận một tài khoản 96.000 Đức Mã, như vậy vai trò của cô chắc chắn phải quan trong.
Khi Klaus Kinkel trở thành trùm điệp báo Tây Đức năm 1968, công việc đầu tiên của ông
là quét sạch những điệp viên giả hiệu và chấm dứt những cơ cấu tổ chức vô lối do Gehlen
để lại, lúc bây giờ vẫn là tiêu chuẩn, mặc dù đã có hai người khác lãnh đạo BND sau
Gehlen. Susanne Sievers rời cơ quan và nghe nói đã nhận 300.000 Đức Mã để không tiết
lộ việc BND nhúng tay vào chính trị nội bộ. Tôi không còn tin gì về cô, và cho đến nay
cô là một khuôn mặt mà lòng trung thành và ý nghĩa hành động vẫn còn là một bí ẩn đối
với tôi.
*
Bị tổn thương vì lỗi lầm của tôi trong vụ Steinrücke, tôi nhận thức bí quyết để xâm nhập
chính trị Cộng Hòa Liên Bang nằm trong tính đa dạng của các nguồn tin và cách vận
dụng chúng một cách liên lỉ một khi đường dây đã được móc nối. Về phía cánh hữu,
chúng tôi đã xây dựng đường giây liên lạc với Günter Gereke, một người Đức ái quốc,
một dân biểu tiền chiến đã bị bỏ tù vì chông đối Hitler và sau này gia nhập nhóm âm mưu
ám sát Hitler năm 1944. Về mọi mặt Gereke là một mẫu mực của nhóm bảo thủ kiên
quyết những rồi cuối cùng hợp tác với chúng tôi. Nhiều người không chịu đựng được
Adenauer, phản bác ý niệm của ông nhằm bảo toàn sự tái sinh của nước Đức phải trông
cậy vào bà đỡ người Mỹ. Gereke phản đối bằng cách gặp gỡ Ulbricht công khai và bị trục
xuất khỏi đảng của Adenauer. Chúng tôi bám vào ông vì ông là một nguồn tin quý giá
trong giới Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, mà ông báo cáo một cách tường tận.
Khi có tin tiết lộ phụ tá của Giereke là một điệp viên của tình báo Anh quốc, đối với
Gereke rõ ràng là chính phủ Bonn hầu như chắc chắn đang lập hồ sơ để đánh phá ông,
đồng thời cũng hy vọng hạ uy tín tất cả các đối thủ của chính sách phò Mỹ cho họ là
những điệp viên cộng sản. Chúng tôi quyết định hành động nhanh và báo cho Gereke di
chuyển sang Bá Linh. Đây là điều ông không hề nghĩ đến trong vị thế xã hội của ông,
nhưng vào thời buổi này chúng tôi có phần bốp chát và ông không còn lựa chọn nào
khác. Dù sao danh tiếng của ông đã chấm dứt tại Tây Đức khi Adenauer quyết định biến
ông thành một thí dụ điển hình.
Chúng tôi đưa ông ra trước cuộc họp báo tại Đông Bá Linh và ông giải thích lý do muốn
giữ liên lạc như một người Đức yêu nước. Đây là một thắng lợi tuyên truyền đối với
chúng tôi, khiến cho cấp lãnh đạo của chúng tôi phải thích thú. Quá thích thú đến độ
khiến cho họ có một mối thèm khát bệnh hoạn xui khiến kẻ khác đào thoát ngoạn mục,
không thèm để ý đến sự kiện một điệp viên tốt tại chỗ thường đáng giá hơn một chục
người đào thoát. Tôi từng có một nguồn tin, bí danh là Timm, một dân biểu CDU, tên
thậy là Karlfranz Schmidt-Wittmack. Là một thành viên của ủy ban cho Vấn đề An Ninh
châu Âu và đứng đầu ủy ban bảo vệ của ngành thanh niên CDU, đương sự được các thế
lực kỹ nghệ đỡ đầu và trên đường công danh đi đến đỉnh cao của đảng. Tôi trở về sau lần
nghỉ hè năm 1954 và thấy giấy báo của Wollweber nói rằng Schmidt-Wittmack phải được
rút về Đông Đức. Tôi phát cáu khi nghĩ một người cung cấp tài liệu cho chúng tôi ghi rõ
những chi tiết để Bonn gia nhập NATO (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) lại có thể bị hy
sinh cho một cuộc họp báo, và tôi biết đương sự sẽ miễn cường từ bỏ sự nghiệp thăng
tiến để chốn chạy sang Đông Đức. Nhưng thẩm quyền không thuộc về tôi. Mắc dù cơ
quan tình báo có bản năng bén nhạy đến đâu đi nữa, họ luôn luôn là con cờ của chính
quyền mà nó phục vụ.
Tôi nghĩ tôi phải đích thân báo cho Schmidt-Wittmack. Những biện luận chính trị tôi cố
bày vẽ không thuyết phục được đương sự tí nào: đương sự không muốn trở thành một
con tốt trong cỗ xe quay không ngừng của bộ máy tuyên truyền. Tôi không còn lựa chọn
nào khác là nói dối và báo rằng phản gián Tây Đức đang theo dõi y và cơ may duy nhất
để tránh tù tội là trốn sang Đông Đức. Đương sự quyết định cùng lúc với sự thỏa thuận
của vợ y. Chúng tôi ước định , mặc dù cô vợ quen thuộc với công tác của y cho Đông
Đức, cô ấy chẳng vui sướng gì khi nghĩ đến việc phải rời về đó. Chúng tôi thuyết phục
đương sự viết cho cô vợ trước khi đương sự trở vềHamburgđể thu xếp đồ đặc, và thư tín
đi trước, cho cô vợ có thời gian tiêu thụ tin chấn động này. Buộc phải lựa chọn giữa một
ông chồng bị thất sủng ở tù hoặc khởi đầu một cuộc sống mới nơi một căn nhà sinh sắn
gần bờ hồ ở Đông Đức, cô vợ chọn giải pháp thứ hai.
Ngày 26 tháng Tám năm 1954, Schmidt-Wittmack xuất hiện trong một cuộc họp báo tại
Đông Bá Linh. Đương sự tiết lộ Adenauer đã giấu những thông tin quan trọng về ý định
của ông trong chính sách đối ngoại và an ninh. Như mọi trường hợp tương tự, chúng tôi
bồi thêm cho tấn tuồng này bằng cách tiết lộ thông tin ngoại lệ từ những nguồn khác –
trong trường hợp này là tình báo quân sự Liên Xô – để tố cáo rằng chính quyền Bonn, trái
với những tuyên bố công khai, đã hoạch định thiết lập một đội quân với hai mươi bốn sư
đoàn.
Schmidt-Wittmack được giao phó nhiệm vụ chủ tịch thương mại ngoại vụ, nhưng tôi luôn
tiếc quyết định triệu hồi ông về và đôi khi tự hỏi chúng tôi đã hy sinh một ông bộ trưởng
tương lai chỉ vì muốn nằm trên trang nhất của báo chí. Gereke trở thành một công chức
trong đảng Dân Chủ Quốc gia, một đảng tại Đông Đức đại diện cho cựu chiến binh, nghệ
nhân và tiểu thương. Đây không phải là một phương cách đặc biệt hữu ích cho thân già
của Gereke sống qua những ngày tháng còn lại.
Người đào thoát ngoạn mục nhất của những năm đó đến với chúng tôi lại không do chúng
tôi chủ sự và đương sự cũng chẳng phải là một trong những nguồn cung cấp tin của
chúng tôi. Trái lại nghề nghiệp của đương sự là phát hiện và phơi bày các điệp viên của
chúng tôi, người đó tên là Otto John, trưởng khối phản gián Tây Đức (Văn Phòng Bảo Vệ
Hiến Pháp). Thời buổi bây giờ khó mà hình dung được cảm giác việc này gây nên lúc các
câu chuyện cá nhân và lòng trung thành buổi ấy của tất cả người Đức vẫn bị kẻ thù trước
đó nghi ngờ và phe tả vẫn còn uy tín.
Là một người chống đối Quốc Xã, John biệt tăm khỏi Tây Bá Linh sau một buổi lễ kỷ
niệm năm thứ mười ngày lật đổ thất bại chống lại Hitler ngày 20 tháng 7 năm 1944.
Người ta thấy ông lần cuối tại Tây Đức đi cùng với một người quen thuộc, Bác sĩ
Wolfgang Wohlgemuth, một chuyên gia về sản phụ và cuối cùng xuất hiện ngày 21 tháng
7 năm 1954 tại căn cứ quân sự Xô Viết tại Karlshorst ở ngoại ô Bá Linh. Hiển nhiên cả
hai người đã di chuyển vào Đông Bá Linh trên xe của Wohlgemuth.
Tiếp theo đó Tây Đức bấn loạn, họ giải thích trường hợp này là một cuộc bắt cóc gây hấn
do tình báo Cộng Sản tổ chức. Nhưng với một thời điểm trùng hợp khôi hài, đúng lúc
phát ngôn nhân của chính phủ Bonn tuyên bố John không tự ý rời bỏ Liên Bang Đức, ông
trưởng khối tình báo tuyên bố trên đài phát thanh Đông Đức là ông tự ý rời bỏ vì
Adenauer đã trở thành dụng cụ của Mỹ, « vì nhu cầu chiến tranh đánh lại binh sĩ Đông
Đức… vui mừng đón tiếp những ai chưa rút tỉa bài học từ đại họa qua và chờ đợi giây
phút để phục hận năm 1945 » . Khi ông đồng thời tuyên bố nhóm Quốc Xã khống chế hệ
thống tình báo của Tây Đức, lời của ông rất nặng ký.
Nhưng cũng như mọi biến cố vào lúc cao điểm Chiến Tranh Lạnh, biến cố này không
hoàn toàn diễn biến như người ta tưởng. Đây là lần đầu tiên sự thật mà tôi biết được về sự
việc kỳ dị này.
Mấu chốt nằm ở kinh nghiệm của John trong thời chiến, khi ông trở thành người tin cậy
của nhóm kháng chiến nhỏ nằm trong cơ quan phản gián của Quốc Xã nhằm âm mưu giết
Hitler. Ông được giới thiệu với Claus Schenk Graf von Stauffenberg, sĩ quan đã tổ chức
bất thành cuộc ám sát, và có nhiệm vụ ước định xem Đông Minh chấp nhận đề nghị hòa
bình của nhóm âm mưu nếu họ khử trừ được Hitler. John, lúc đó làm việc tại thủ đô
Madrid trung lập cho một hãng máy bay thương mại của Đức, hãng Lufthansa, có bắt liên
lạc với Tòa Đại Sứ Mỹ và đặc biệt với tùy viên quân sự đại tá William Hohenthal, vị này
có đường giây liên lạc ở cấp độ tối cao trong bộ tham mưu của Eisenhower. John cũng có
gởi thư tín để xin Luân Đôn hỗ trợ qua tòa đại sứ Anh tạiLisbon.
Mấy năm sau, John cho tôi biết ông nghĩ là bức điện của ông đã bị Kim Philby ngăn
chặn, vào lúc đó ở đỉnh cao quyền lực trong vai trò điệp viên KGB nằm trong lòng tình
báo Anh. Cấp lãnh đạo Nga chống đối quyết liệt mọi thương thuyết giữa phe đối lập
Hitler tại Đức và Đồng Minh, vì họ lo sợ có một cuộc đảo chánh bảo thủ đánh tan tất cả
và kết hợp lại để chống lại Nga. « Những tài liệu tôi chuyển cho Philby có lẽ đã biến mất
trong đống hồ sơ của ông » John kể cho tôi nghe mãi sau khi Philby chết. « Tôi nghĩ rằng
chúng tôi chẳng bao giờ đến Luân Đôn .»
Khi âm mưu thất bại và các kẻ âm mưu bị truy lùng và ám sát không nương tay, John tìm
cách trốn sang Anh qua ngãMadridvàLisbon. Ký giả Sefton Delmer bao che cho ông và
giao cho ông công việc của ngành ước tính trong hệ thống thông tấn. Sau thế chiến, John
trình bằng chứng cho tình báo Anh đương sự rất quen thuộc với những vụ án của các
Thống Tướng von Brauchitsch, von Rundstedt và von Manstein. Với quá trình như vậy,
không có gì đáng ngạc nhiên khi ông được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan phản gián Tây
Đức, đặt trụ sở tạiColognetrong vùng chiếm đóng của Anh.
John không phải là một đồng minh khách quan của cựu quốc xã Reinhard Gehlen, người
đã được Hoa Kỳ đặt vào chức vụ cai quản tình báo hải ngoại, kể cả các viên chức Quốc
Xã vây quanh Adenauer và ngay cả chính Adenauer cũng không ưa Gehlen vì giống như
phần đông cánh thủ cựu Tây Đức họ nhận xét âm mưu của nhóm Stauffenberg mang tính
chất phiêu lưu. John muốn được bổ nhiệm trong ngành ngoại giao mới hình thành,
nhưng, sau này ông cho tôi biết, ông không muốn gây dựng sự nghiệp trong ngành này
bởi vì toàn bộ tham mưu vẫn là một nhóm ngoại giao trước đây làm việc với bộ trưởng
ngoại giao Quốc Xã, Joachim von Ribbentrop. Bồi thêm nhục mạ vào phần thương tổn,
phó chủ tịch của cơ quan Gehlen, Olaf Radtke, được thuyên chuyển sang ngành phản
giản, mục đích rõ ràng để kiểm soát John. Người ta không lấy làm ngac nhiên là vào năm
1954 ông cảm thấy thất vọng và lần xuất hiện của ông bên Đông Đức vào một ngày đẹp
trời tháng Bảy được xem là một cảnh đào thoát.
Sự thật hoàn toàn trái ngược và kỳ quặc hơn nhiều. John không hề có ý định đào thoát.
Bác sĩ Wohlgemuth là một điệp viên của Nga Xô, ông quyết định lợi dụng tinh thần sa
sút của anh bạn để lừa y sang Đông Đức. Các bạn đồng nghiệp Xô Viết của tôi thề rằng
họ không khuyến khích ông làm việc này, nhưng tôi có thể mường tượng Wohlgemuth
nói với sĩ quan điều hợp: « Tôi có thể đưa Otto John về cho anh ». Và sĩ quan điệp báo
Xô Viết lòng phân vân trả lời: « Được, chúng tôi tin anh nếu chúng tôi thấy đương sự ở
đây ».
Tuy nhiên, điều chắc chắn là nguồn tin kiểm chứng độc lập thấy John lần cuối là trên xe
của Wohlgemuth khi cả hai người băng qua biên giới Đông Bá Linh vào lúc nửa đêm.
Tôi đoán chừng John hoặc là đã say khượt hoặc đã bị ông bạn đánh thuốc. Cả hai người
được thấy chệnh choạng đi qua các một dãy các hộp đêm, uống rượu để tưởng nhớ các
bạn hữu chết trong lúc kháng chiến. Khi người lữ hành bất đắc dĩ thức giấc, vỡ lẽ mình
nằm trong khu quân đội Xô Viết tại Karlshorst, một ác mộng đối với một người đã từng
là trưởng khối phản gián của Tây Đức. Tôi nghĩ rằng họ cũng kinh ngạc về sự xuất hiện
của John trong tay họ cũng như chính John vì họ gọi tướng Yevgeni P. Pitovranov,
trưởng trạm KGB tại Bá Linh, và một người tên Turgarinov, đại diện cho Ủy Ban Thông
Tin của Bộ Ngoại Giao dưới quyền của W.M.Molotov, để quyết định phương cách tốt
nhất để khai thác John. John biết là số phần mình bấp bênh tột độ và, coi như đương sự là
một tù binh thực thụ tại Karlshorst, Nga Xô nắm sinh mệnh của y trong tay. Đương sự sẽ
vào tù khi trở về quê quán và sự nghiệp của đương sự coi như chấm dứt.
Sau khi đương sự xuất hiện công khai và cơn chấn động đã chìm lặng tạiCologne, Nga
Xô như thường lệ vứt đồ phế thải lại cho chúng tôi. John tỏ ra cực kỳ lạc lõng, vì vậy ưu
tư đầu tiên của chúng tôi là tạo cho John một nhóm bạn để hỗ trợ . Chúng tôi để cho John
bắt liên lạc với Hermann Henselmann, kiến trúc sư trưởng của thành phố Đông Bá Linh
và Wilhelm Girnus, một người tôi quen biết vào thời tôi làm việc cho Đài phát thanh Bá
Linh, đồng thời chia sẻ một số bạn bè cũ chống Quốc Xã của John. Bộ An Ninh Quốc
Gia phái cận vệ để bảo vệ John không cho tình báo Tây Âu bắt cóc, nhưng họ làm việc
bất cẩn. Mười bảy tháng sau khi xuât hiện bên Đông Đức, John biến mất, không kèn
không trống, rời một cuộc họp mặt tại Đại Học Humboldt, Đông Bá Linh để nói chuyện
với một ký giả Đan Mạch tên Bonde-Henrickson. Cả hai người lên xe của Henrickson và
vội vã đi về hương Tây qua cửa ngõ Brandenburg.
Chuyện xảy ra năm 1955. Ba mươi bảy năm sau, tháng Tư năm 1992, tôi ngồi với một
ông John tám mươi ba tuổi trong một quán ăn, nhìn sang cạnh Đại Học Humboldt nơi
ông đã trốn chạy trở về Tây Đức. Ông vẫn còn hậm hực khi ông trở về Tây Đức, ông bị
kết án bốn năm tù ở vì tội phản bội tổ quốc. Ông ta chỉ bị mười tám tháng, điều này cho
thấy chính phủ Tây Đức không quả quyêt về tội trạng của ông. Về vấn đề « đào thoát »
sang Đông Đức, ông kể cho tôi rằng « Tôi bất tỉnh và tôi thức dạy tại Karlshorst. Tôi
không hề có ý định sang Đông Đức ». Ông nói ông không bao giờ cảm nhận Đông Đức là
nhà của ông và ông quyết định một cách giản dị sau một năm ông quá chán ngán, ông tìm
cách liên lạc với ai đó để giúp ông trốn thoát.
Khi mọi việc đã xong, những kẻ đào thoát nổi danh không có một giá trị chiến lược nào.
Đúng vậy, Adenauer vì lời tiết lộ của một kẻ đào thoát bắt buộc phải công nhận ông
thương thảo để tái võ trang nước Đức. Và ảnh hưởng vương vất của cánh cựu Quốc Xã
tại Bonn cũng đã được tiết lộ trong một trạng huống đầy kịch tích nên đối tượng vẫn trỗi
dậy trong tiến trình chính trị và vẫn lưu lại. Nhưng Tây Đức rồi ra cũng gia nhập khối
NATO (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương). Chúng tôi đã không thành công trong mục tiêu
ngăn chặn họ gia nhập liên minh Tây Âu, ngay cả trì hoãn cũng không được.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 9 (Markus Wolf)                        
 “…Bất cứ một chấp nhận cải cách nào đều xem như họ chấp nhận thất bại, và tự động
biến thành chiến thắng của Tây phương. Đây là vòng tà ác mà tôi bị lôi cuốn vào trong,
liên tục năm này qua năm nọ…”
Chương 6
Khrushchev mở mắt cho chúng tôi
Như mọi người sống trong thế giới Cộng Sản, tôi không có khả năng từ bỏ lòng kính
phục đối với Stalin và chủ nghĩa Stalin trong hàng nhiều năm. Động cơ xúc tác khiến cho
tôi tỉnh ngộ là diễn văn bí mật nhưng lại công khai nhất thế giới của Nikita Khrushchev
tại Hội Nghị Thứ Hai Mươi của Đảng Cộng Sản tạiMoscowtháng Hai năm 1956. Nguồn
gốc đích xác của trình tự lâu dài và đau đớn của việc tôi cắt đứt với chủ nghĩa Stalin rất
khó xác định; những nhen nhúm nghi ngờ thấm nhập hàng rào phòng thủ ý thức hệ của
tôi trong không khí ái ngại của Đông Đức trong những những thập niên đầu 1950 có lẽ là
khởi đầu. Nhưng biến cố làm lay động thế giới quan mà tôi đã dầy công nuôi dưỡng cùng
với rất đông các đảng viên Cộng sản vào thế hệ của tôi chính là diễn văn của Khrushchev,
trong đó ông tiết lộ những tội ác của Stalin. Sau sự cố đó, mặc dù chúng tôi vẫn còn tự
xưng là những đảng viên trung kiên nhưng chúng tôi không thể nào tuyên bố chúng tôi vô
tội được.
Nikita Khruschev
Cho đến mãi tháng Hai năm 1956, chân dung của Stalin vẫn treo phía trên bàn làm việc
của tôi, tay đang mồi ống điếu, gợi nên hình ảnh của một cha già dân tộc đầy lòng ưu ái.
Một ngày trong tháng đó, báo chí Tây phương đến từng sấp dày như thương lệ. Tôi luôn
luôn đọc The New York Times và ấn bản Paris của tờ International Herald Tribune để
ước định khuynh hướng của người Mỹ. Tôi cũng đọc một số tờ báo và tuần báo Tây Đức,
kể cả tờ lá cải Bild-Zeitung, mặc dù nó có tính cách thỏa mãn thị hiếu quần chúng, đôi
khi nó có những tin tức cục bộ và tình báo chính xác hơn những đối thủ sang giá hơn nó.
Tôi cũng đọc The Times của Luân-đôn và tờ Le Monde. Việc đọc toàn bộ báo chí này là
một đặc quyền trong công tác của tôi. Báo chí Tây phương bị cấm bên Đông Âu, lấy cớ
không xác thực là chúng hàm chứa những luận điệu gây loạn chống thế giới Cộng Sản,
nhưng lý do thực sự là Bộ Chính trị biết trong tận đáy lòng thâm kín của họ những bài
tường thuật về cuộc sống đàng sau bức Màn Sắt trong rất nhiều chi tiết quá sát với sự
thực khiến cho họ không thể an tam.
         Tại Đại Hội Đảng, Khrushchev cuối cùng đã thắng trong cuộc tranh giành quyền
lực phức tạp và đẫm máu sau cái chết của Stalin, tố giác kẻ độc tài, tiết lộ rằng trong số
139 thành viên và ứng cử viên đắc cử vào Trung Ương Đảng năm 1934 tại Đại Hội lần
thứ Bảy của Đảng Cộng Sản Liên Xô, 98 người đã bị bắt giam và xử bắn. Trong số 1936
đại biểu tại Đại Hội mà bậc cha mẹ chúng tôi long trọng báo cho thiếu niên chúng tôi lễ
tiến cử, quá nửa đã bị kết tội phản cách mạng và rất ít người sống sót. Khrushchev kết
luận cuộc đàn áp tàn bạo của Stalin đã vi phạm tất cả những quy chế chính thống cách
mạng.
         Đây là một ngôn ngữ mà người cộng sản chúng tôi, vì quen với lối tẩy rửa tinh thần
chao đao dù nhỏ nhặt đến đâu trong tổ chức, chưa bao giờ gặp. Bây giờ cái thây xác của
hệ thống này đã được phơi bày công khai qua một cuộc mổ xẻ tận tình, chúng tôi cảm
nhận ngôn ngữ tố cáo Stalin của Khrushchev có vẻ mơ hồ và thiên kiến. Nhưng vào lúc
đó, chẳng khác gì chúng tôi bị một nhát búa trên đầu. Khi tôi đọc xong bản diễn văn trên
báo chí Tây phương, phản ứng đầu tiên của tôi là đem bức chân dung của Stalin treo trên
tường xuống và đá nó vào một góc. Tôi không thể nói rằng những gì tôi vừa đọc gây chấn
động cực kỳ nơi bản thân – vì tôi biết quá nhiều qua những kinh nghiệm cá nhân của tôi
trong cuộc sống ở Liên Xô – nhưng từ đó xuất phát nỗi đau khi tôi nhìn xuống vực thẳm
hiển hiện những tội ác của ông. Cảm giác giống như chỉ một thoáng những sợ hãi kinh
hoàng nhất về chế độ mà chúng tôi gắn liền cuộc sống đã trở thành sự thật.
         Thấm nhập qua Đông Âu qua ngã truyền thông của Tây phương và qua rỉ tai, diễn
văn nảy lửa của Khrushchev đã làm leo thang những mối bất bình tại Ba Lan và Hungary.
Cuộc nổi dạy của Hungary vào tháng Mười và tháng Mười Một là kết quả trực tiếp của
những lồi tố cáo của Khrushchev. Lãnh tụ cải cách của Hungary là Imre Nagy, người tôi
quen biết tại Moscow từ năm 1943 đến năm 1945 khi ông lãnh đạo đài phát thanh
Hungary lưu vong trong khi tôi là đặc phái viên của Đài Phát Thanh Nhân Dân Đức.
Chúng tôi cùng đi một chuyến xe buýt để về nhà khi phiên làm chấm dứt. Nagy, với bộ
râu mép đặc thù của người Hung và khuôn mặt tròn, luôn luôn tỏ ra điềm đạm và vui tính
và dễ kết bạn trong nhóm lưu vong quá khích. Bấy giờ tôi tin chắc ông với sự thỏa thuận
của cấp lãnh đạo Moscow sẽ tìm ra phương cách để tái lập lại ổn định tại Budapest. Xe
tăng rút ra khởi Budapest sau những ngày đầu nổi dạy và Nagy hứa sẽ có cởi mở tự do.
Imre Nagy
         Nhưng những lời lẽ đó không đủ thuyết phục và cũng đã quá trễ. Các cuộc phản đối
và đổ máu vẫn tiếp diễn và xe tăng của Liên Xô trở lại ngày 4 tháng Mười Một. Xô Viết
luôn gọi trên đường giây khẩn cấp của tôi và câu hỏi luôn đặt ra: NATO sẽ phản ứng ra
sao? Tôi cũng chẳng lấy gì làm tự tin lắm. Một mặt có rất nhiều chỉ dấu cho thấy NATO
đang chuẩn bị những công tác bí mật chống Liên Xô. Mặt khác, có những tín hiệu từ các
nguồn tin của chúng tôi cho chúng tôi biết Tây phương tự kềm chế vì sợ leo thang. Tôi
đánh liều và điện báo choMoscow: “ NATO sẽ không can thiệp”.
Nếu tôi ước định sai – và tôi không lấy gì làm chắc chắn – sự nghiệp của tôi có lẽ đã
chấm dứt, cho dù đây là điều cùng cực. Nhưng tôi đá có lý, và Nagy trở thành con vật tế
của Liên-Xô. Họ hứa không truy tố Nagy và những người Hung khác tại tòa Đại sứ Nam-
Tư, nhưng họ nuốt lời hứa. Họ bắt cóc ông đưa ông ra khỏi tòa đại sứ Nam Tư, đưa ông
sang Roumany, và hạ sát ông sau một màn tòa án bí mật lố bịch; đây là một lập lại
phương pháp tồi tệ nhất của đường lối Stalin. Sau này, lãnh đạo của tình báo hải ngoại
Hungary, Sandor Rajnai, tâm sự với tôi là ông bị dày vò tội lỗi vì vai trò cá nhân của ông
ta trong việc thẩm vấn Nagy. Ông nói « Mischa, việc như thế này không bao giờ nên tái
diễn nữa ».
         Hungary với hình ảnh tàn sát và hủy hoại là một bài học đắng cay cho tất cả anh em
chúng tôi. Việc này có thể nhất thời cho phép nhóm giáo điều của Moscow gắn nhãn hiệu
phản cách mạng cho thành phần cải cách, nhưng đối với những người Cộng sản biết suy
nghĩ, tính cách phức tạp của cuộc nổi dạy khó nắm bắt vì những thông điệp trộn lẫn trong
đó. Những câu hỏi khuôn mẫu cũ kiểu Lê-nin trở lại trong tâm não của tôi: Chúng ta có
nên hy sinh quyền lực mà chúng ta đã khổ nhọc chiếm được? Tự do cho ai và chống lại
ai?
         Chúng tôi có một cuộc họp tại Bộ An ninh Quốc gia vào tháng Ba năm 1956 để bàn
thảo về ý nghĩa của Đại HộiMoscow. Ernst Wollweber lúc đó vẫn còn tại chức, nhờ vậy
chúng tôi tránh được những loại hội họp kiểu Mielke, người kế vị của ông. Đối với
Mielke ý niệm thảo luận có nghĩa là đương sự nói hàng tiếng đồng hồ và sau đó giải tán
phiên họp. Tôi lên tiếng và chào mừng phương cách các đồng nghiệp Xô Viết tiếp cận
với quá khứ và bày tỏ lòng nhẹ nhõm bớt được gánh nặng nghi ngờ đã gây hoang mang
nơi tôi hàng mấy năm nay. Mielke tỏ vẻ kinh hoàng. Y nói « Tôi chưa bao giờ đau khổ
phải gánh chịu một gánh nặng nào. Tôi không hiểu đồng chí Wolf muốn ám chỉ điều gì ».
Y tiếp tục nói y không hề biết có một cuộc đàn áp nào tại Liên Bang Xô Viết và thòng
một câu để tỏ ra biết điều là Đông Đức cũng chẳng xảy ra việc này.
         Lẽ cố nhiên nước chúng tôi không thể tránh khỏi một vài hệ quả của không khí đầm
ấm này. Tám mươi tám tù nhân Đức bị tòa án quân sự Xô Viết kết án được trả tự dọ và
thêm vào trước đó bảy trăm tội nhân được thả khỏi tù. Trong nội bộ Đảng, những biện
pháp kỷ luật đối với Anton Ackermann, Franz Dahlem, Hans Jendretzky và nhiều ủy viên
trong Trung Ương Đảng khác bị thất sủng (từ năm 1953) được bãi bỏ. Những kế hoạch
cải cách thình lình lại được lôi ra khỏi ngăn cất hồ sơ của các vị công chức. Ngay trong
Trung Ương Đảng, đã có những bàn thảo tìm kiếm cách xây dựng một nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một sự việc chỉ có thể xảy ra với một hình thức dân
chủ nào đó. Tôi phục vụ trong một ủy ban nghiên cứu hỗn hợp trong đó có những chuyên
viên về kinh tế, điều hành ngân hàng, chính trị, quân sự và các cơ quan an ninh. Kinh tế
không phải là bộ môn sở trường của tôi, nhưng tôi chăm chú nghe. Tôi cảm thấy, về mặt
tri thức, sẵn sàng chấp nhận cách phân bố về tài sản tư hữu nhiều hơn và sâu sắc đặt vấn
đề tương quan giữa tự do ngôn luận và giáo điều của nhà nước tuân theo những huấn thị
của Đảng.
         Nhưng Ulricht vẫn muốn tiếp tục đóng kín. Đúng hai tháng sau Đại Hội Đảng tại
Moscow, Bộ Chính Trị Đông Đức bỏ phiếu chống lại tất những bàn luận về những sai
lầm, để tránh cung cấp đạn dược cho kẻ thù. Kỷ luật được tái lập qua những khẩu hiệu vô
lý như « khắc phục những sai trái trên con đường tiến tới của chúng ta ». Tôi là một trong
những người trong Đảng, đã có lần hy vong có những động lực mới, lại một lần nữa khép
mình tuân phục trước kỷ luật toàn năng. Tuy nhiên, Đại Hội lần Thứ Hai Mươi của Đảng
là bước đầu của một hành trình dài tiên tới điều mà sau này chúng tôi được biết đến là
perestroika và glasnost, khởi đầu của một vòng cung mà đoạn kết sẽ được mô tả vào năm
1989.
Phần tôi, tôi cũng phải trải qua con đường gồ ghề cho đến lúc tôi chấp nhận những ý kiến
mới và bỏ lại đàng sau cơ quan tình báo và những nét sơ cứng trong suy nghĩ của tôi.
*
Những bùng nổ về địa lý chính trị năm 1956 càng sói mòn mọi hy vọng thay đổi. Những
sự cố tại Poznan – nơi, trước khi xảy ra vụ Khrushchev tiết lộ, một cuộc đình công của
công nhân Ba Lan đã bị chính quyền Ba Lan đàn áp đẫm máu – cuộc nổi dạy tại Hungary
và cuộc khủng hoảng kinh đào Suez, tất cả những dữ kiện này khiến cho chúng tôi phải
suy nghĩ trở lại theo chiều hướng Chiến Tranh Lạnh. Theo quan điểm của chúng tôi, tất
cả những gì chúng tôi chứng kiến là các đồng minh của hai siêu cường rất có kỷ luật khi
họ cố gắng thực thi chính sách độc lập – Hungary do Moscow, và Anh và Pháp do
Washington. Thế giới được chia thành hai khối và chúng tôi biết chúng tôi thuộc khối
nào.
         Tôi tự hỏi nếu tôi cầm quyền tôi có hành động khác không. Tôi hy vong là có,
những tôi không dám đoan chắc. Khi tôi nói chuyện với Yuri Andropov vào thập niên
1980 về những vấn đề cải cách – đề tài đề cập đến liên quan đến Ba Lan, không phải là
Đức, nhưng vấn đề tương tự cho cả hai – tôi hỏi ông đảng viên Cộng sản tiến bộ này tại
sao ông có quá ít ảnh hưởng lên trên những vấn đề này. « Đồng chí Wolf, » ông đáp lại, «
khi bất cứ ai trở thành tổng bí thư, các anh có khoảng một năm để gây ảnh hưởng lên
đương sự. Nhưng khi những người vây quanh đương sự nói rằng đương sự là thiên hạ đệ
nhất và hoan hô từng cử chỉ của đương sự, và lúc đó đã quá trễ. » Andropov kể đến
Nicolae Ceaucescu ở Romania, vào những năm đầu có vẻ như đi con đường độc lập với
Moscow để rồi mau chóng trở thành một kẻ độc tài.
         Tôi nghe văng vẳng những chỉ trích cho rằng tôi phải chờ đến hai mươi năm để đem
ra áp dụng những điều tôi suy nghĩ. Nhưng sự thể nó đã như vậy. Tất cả căn bản suy tư
của tôi về Chiến Tranh Lạnh là phương Tây và hệ thống xã hội của nó không trình bày
một phương hướng khác khả dĩ chấp nhận được. Vào thời điểm này và nhiều năm về sau,
tôi không dự tính một bước đi nào hết, ngay cả trong đường hướng tư duy, để giúp cho
đất nước của tôi và của các quốc gia khác trong khối Warsaw tiếp cận hệ thống tư bản.
Tôi vẫn tin tưởng bất di bất dịch là hệ thống chủ nghĩa xã hội, cho dù nó có những thất
bại hãi hùng, biểu trưng một khuông mẫu có tiềm năng tốt đẹp hơn cho nhân loại hơn là
phương Tây. Vào lúc thời điểm quyết định, cho dù tôi có bao nhiêu mối nghi ngờ về cách
thực hiện của đảng Cộng Sản, tôi tin rằng chúng tôi không nhượng bộ trước ảnh hưởng
của Tây phương. Tôi có viết trong đoạn mở đầu dài và khắc khoải của quyển nhật ký của
tôi viết năm 1968 :
         Cơ cấu quyền lực trong thời kỳ quá độ đã triển khai con đường tiến tới Xã hội chủ
nghĩa đích thực, nó có những luật lệ riêng biệt và có sức sống độc lập. Chúng được điều
khiển bởi những yếu tố chủ quan và quyền lợi.
         Những cơ cấu này, những bộ máy này và những công chức này có thể đôi khi lạm
dụng quyền hành đối với quần chúng theo những đường hướng chẳng phụ hợp tí nào với
Cách Mạng.
         Sự pha trộn giữa lòng trung tín nồng nhiệt và mối nghi ngờ ray rứt thấm nhập trí
não của các đảng viên Cộng sản có trí tuệ. Nhưng cơn cám dỗ lúc nào cũng trực sẵn để
chôn vùi những câu hỏi bất an và thay vào đó tập trung vào những thắng lợi kỹ thuật và
khoa học do hệ thống của chúng tôi lập nên và ảnh hưởng cân tanh của nó đối với các xã
hội chậm tiến như Nga và Trung Hoa. Tất cả mọi thứ khác đều cho đóng băng cho đến
khi chủ nghĩa xã hội trở nên ổn định hơn. Những thay đổi không thể xảy ra vào thời đó vì
sự kiện này nằm trong bản chất của chính hệ thống và mối căng thẳng của tình hình quốc
tế. Bất cứ một chấp nhận cải cách nào đều xem như họ chấp nhận thất bại, và tự động
biến thành chiến thắng của Tây phương. Đây là vòng tà ác mà tôi bị lôi cuốn vào trong,
liên tục năm này qua năm nọ.
*
         Sau những cuộc nổi dạy năm 1956, mối ưu tư chính của Khrushchev là làm dịu bớt
các xung đột và căng thẳng trong khối Đông Âu để có thể tập trung vào các kế hoạch
kinh tế đầy tham vọng của ông tại quê nhà. Một loạt những thống kê và diễn văn lạc quan
của ông được các bạn đồng nghiệp đón nhận với một chút hài hước, nhưng ông thực sự
tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước không những bắt kịp nhưng vượt trội
sự phồn thịnh của Hoa Kỳ. Điều này đã được các cố vấn của Ulbricht chuyển ngữ một
cách kính cẩn nhưng vụng về là « vượt lên trên mà không cần bắt kịp » (überholen ohne
einzuholen), một câu mà ngài tổng bí thư của chúng tôi lập đi lập lại nhiều lần cho đến
khi có người bạo dạn báo cho ông biết đây là một nghich lý.
         Cũng đã có một số người cười thầm về lòng say mê của Khrushchev đối với ngũ
cốc, ông tin tưởng đây là vũ khí bí mật để giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm của đất
nước rộng lớn của ông ta. Trong dịp viếng thăm đầu tiên Đông Đức năm 1957 Mielke và
tôi đưa ông đến cánh đồng sản xuất ngu cốc to lớn nhất của cộng hòa trong
vùngMagdeburg. Tại đây ông gặp gỡ các kỹ sư nông nghiệp giúp soi sáng và làm vừa
lòng ông. Ông cẩn thận ghi lại tất cả các phương thức và sau này tôi nghe ông gây khốn
khổ cho các công chức của ông, mắng mỏ họ vì không bắt kịp được ngay cả mức sản xuất
của Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
         Phong cách thô kệch của Khrushchev và những diễn văn giông dài của ông khiến
cho một số người bực bội khi ông trở về nước, nhưng tại Đông Đức, nơi chúng tôi phải
chịu trận nghe lười gỗ của Ulbricht, tính chất hồn nhiên của Khrushchev đã gây một ấn
tượng mạnh. Ông được tiếng tốt nhất trong giới lãnh đạo Xô Viết cho đến khi Gorbachev
lên cầm quyền, nhưng không như Gorbachev, ông là một người bình dị với một bản chất
bẩm sinh thấu hiểu được tâm tư của người dân bình thường. Ông có thể nói hàng giờ về
quê mẹ Kalinovka của ông với đầy lòng hãnh diện, đồng thời tỏ ra thái độ chê bai rõ rệt
phong cách ngoại giao mượt mà.
         Tôi còn nhớ một sự việc sau buổi tiếp tân tiễn đưa tại Đông Đức để kết thúc chuyến
viếng thăm nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức của Khrushchev. Đoàn tùy tùng thân cận được
sắp xếp tiếp tân tại những căn phòng của Đại sứ Liên Xô tại tòa đại sứ để cất chén tiễn
đưa lần cuối. Anastas Mikoyan, ông chủ tich niên trưởng của Xô Viết Tối Cao đột nhiên
buồn ngủ sau một vài ly và không muốn di chuyển sang lâu đài Niederschönhausen trong
vùng ngoại ô Pankow, nơi nghỉ ngơi chính thức của các thượng khách, nhưng lại thích
ngủ một đêm tại tòa Đại sứ. Ulbricht tỏ vẻ phiền lòng vì ông đã sắp xếp trên con đường
từ Niederschönhausen đến phi trường hàng dãy người Đông Đức trung thành vãy chào từ
giã các quan khách.
         Một cuộc bàn cãi tiếp diễn sau đó, cho đến lúc Khrushchev can thiệp « Anastas này,
không thể nào biện luận với Ulbricht được đâu. Người Đức họ cực kỳ chi ly ». Ulbricht
giận tím gan nhưng không nói lời nào.
         Ngày hôm sau, trên đường đi đến phi trường sau một đêm bắt buộc phải ngủ tại lâu
đài, Mikoyan tỏ vẻ khó chịu. Ông phàn nàn quyết định của chủ nhà buộc ông phải đương
đầu lần cuối với đám đông ngoan ngoãn đứng xếp ngay hàng đón tiếp trên đường đi, rồi
ông ngủ gục trên xe. Khrushchev quay sang sang tôi và điềm đạm nói: « Trở về cơ xưởng
của chúng tôi tại Kalinovka, có lần chúng tôi có một nghệ nhân người Đức tên Müller.
Một hôm hè anh đưa vị hôn thê của anh từ bên Đức sang. Anh ta rất lấy làm hãnh diện
anh ta không hề đụng đến cô ta cho đến khi hai người chính thức lấy nhau trước luật
pháp. Chuyện này đến tai những anh em trong cơ xưởng và một người bạn của tôi tên
Vaska chụp ngay cơ hội. Y phục vụ cô nàng suốt một mùa hè. Đồng chí Wolf thấy
không, tính chi ly của người Đức không phải lúc nào cũng tốt đâu ».
         Lẽ cố nhiên Khrushchev có thể là một người thô kệch, khả năng trí tuệ giới hạn và
kinh nghiệm yếu kém của ông về các quốc gia khác trên thế giới đã khiến cho ông không
thấy được những thiếu sót của chính đất nước ông. Ông cũng không có khả năng thấu
hiểu những hậu quả sâu rộng của bài diễn văn mật của ông, rốt cuộc điều này chứng tỏ
ông vẫn còn gắn chặt với hệ thống cũ và phương cách tư duy của nó. Nhưng ông là một
chính trị gia quả cảm, không phải là một anh thư lại và ông tin tưởng một cách cuồng
nhiệt vào ý thức hệ của ông, đến độ ông thường hy sinh những ưu đãi ngoại giao để chỉ
thỏa mãn lối biện giải.
*
         Khoảng năm 1956, sự xung đột giữa các siêu cường đã trở nên cảnh tượng mà
Bertolt Brecht mô tả Ba Mươi năm Chiến tranh trong vở tuồng Người Mẹ Anh Dũng
(Mother Courage): Nó xác định đúng tình hình lúc bấy giờ. Cả hai bên, kỹ nghệ súng
ống, các chính trị gia và các cơ quan tình báo sống thoải mái nhờ lối làm ăn thịnh vượng
này.
         Vào một buổi sáng sớm cuối tháng Tư năm 1956, người trông nhà đánh thức tôi dạy
với một câu chào hỏi bất thường: « Ông bộ trưởng đang chờ ông ở cửa vườn nhà ». Tôi
có lòng cảnh giác tức khắc. Nhìn qua kẽ màn, tôi thấy một chiếc xe Volkwagen nhỏ cũ kỹ
đậu ở dưới. Tôi đâm nghi ngờ thêm bội phần, vì đây không phải là phương tiên một bộ
trưởng của nhà nước Đông Đức di chuyển. Cực kỳ thắc mắc, tôi chụp khẩu súng lục đã
lên đạn tôi để trên tủ giường ngủ, bỏ vào trong túi áo ngủ, tôi bước xuống cầu thang, đến
trước cửa nhà.
         Trước mặt tôi, bóng dáng Wollweber đứng sừng sững, với mẩu xì-gà trên môi. Ra
dấu về phía chiếc xe, tôi hỏi mọi sự đều bình thường chứ. Ông giải thích ông bị đánh thức
vì một cú điện thoại khẩn cấp của Xô Viết và để tiết kiệm thời gian, ông đã mượn chiếc
xe của người hàng xóm thay vì chờ các cận vệ và tài xế của ông . Ông quở trách tôi: «
Nhanh lên đi Mischa, anh không thể tưởng tượng những gì họ mới khám phá ».
         Chúng tôi lạch cạch đi qua các đường phố vắng vẻ đến phi trường Schönefeld. Phiá
sau Alt-Glienecke, khoảng bốn trăm thước cách biên giới khu vực Hoa Kỳ và ngay sát
tường một nghĩa trang, chúng tôi thấy một nhóm bóng dáng hiện trong ánh sáng màu xám
ban mai. Một nửa là binh lính Xô Viết, đang hì hục đào. Những người khác đứng nhìn,
tôi biết họ là những cấp chỉ huy cao cấp của tình báo quân sự Moscow tại Bá-linh. Một
đường hầm gián điệp vừa được khám phá.
         Binh lính đã đào được một đường khá sâu và chúng tôi tiếp tục quan sát, sững sờ
khi thấy họ bước lên đó và đâm thọc vào một sườn sắt hình tròn nằm trong đất cứng.
Trong đó là một cánh cửa sắt. Ổ khóa chảy nhão ra dưới sức nóng của ngọn lửa hàn và họ
đẩy bật tung cánh cửa trước mắt chúng tôi. Một cách lạng lẽ, các anh lính dò mìn và gỡ
bom đi xuống để kiếm soát khoảng không gian trống vắng xem có bị gài mìn không. Họ
không thấy gì cả. Người lính gác mời chúng tôi bước vào trong.
         Tôi đứng trong một căn phòng rộng lớn bằng một căn phòng đọc sách. Có hai chiếc
ghế và một cái bàn nhỏ ở giữa. Dọc theo tường là từng bó giây cáp, phân chia rõ rệt. Mỗi
một bó đều có bộ phận khuếch đại gắn liền trước khi chạy trở lại bó cáp chính ở phía bên
kia. Tín hiệu được đón bắt, được khuếch đại và tán phát đến một căn lều đặc biệt được
xây dựng cách đó năm trăm thước tại Tây Bá Linh. Đây là một đài nghe lén nguy trang
tài tình.
         Sau này tôi mới biết những chi tiết về tính chất tối tân của con đường hầm nhờ các
đồng nghiệp Xô Viết. Người Mỹ đã khám phá dưới luống đất này đường giây cáp điện
thoại chính thời tiền chiến nối liền với miền Nam nay trở thành Đông Bá Linh. Nó gồm
luôn trong đó đướng giây gọi là Ve-Che (do danh từ viết tắt « tầng số cao » Vysokaya
chastota) nối liền Moscow với tổng tham mưu quân sự Xô Viết tại Wünsdorf, phía Nam
Bá Linh.
         Không cần phải giàu tưởng tượng để biết đây là mộng ước của một điệp viên.
Người Mỹ có thể đón bắt những cuộc đối thoại về việc thu mua vũ khí, khan hiếm, những
sai sót kỹ thuật và bí danh về kỹ thuật vũ khí vừa mới khai triển giữa Bộ Quốc Phòng tại
Moscow và căn cứ Đông Bá Linh tại Karlshorst, căn cứ lớn nhất Đông Âu. Họ cũng có
thể nghe lén những kế hoạch công tác và những cuộc thảo luận về những khó khăn triền
miên về tài khoản của quân độ Xô Viết.
         Người Nga họ tin tưởng mãnh liệt vào hệ thống bảo toàn an ninh đường dây liên lạc
Ve-Che của họ. Họ đã khai triển một kỹ thuật mới bơm hơi nén vào các trong các đường
dây nhỏ nằm trong cáp. Nó ghi nhận mọi biến động trong mạch điện đi qua đường dây –
điều này xảy ra mỗi khi một bộ phận nghe lén, dù cao siêu đến mấy, được gài đặt lên
trên.
         Là đứa con của thời Stalin tại Nga, tôi không bao giờ tin có một đường dây không
thể nghe lén và cho đến nay tôi vẫn không tin. ( Mức độ người Nga tin tưởng vào đường
dây đặc biệt của họ ngay cả khi đã khám phá đường hầm kể trên được biểu lộ cho tôi thấy
đến mãi mấy năm sau này, khi, trong một cuộc viếng thăm đồng nghiệp KGB tại Bá
Linh, họ vui vẻ chià điện thoại cho tôi để nói chuyện với Yuri Andropov, lúc bấy giờ là
giám đốc KGB tại Moscow.)
         Cơ quan tình báo Anh và Hoa kỳ trước tiên xây dựng một cái chòi sát biên giới bên
phiá Tây để đánh cắp những trao đổi một cách an toàn. Họ thiết lập một cái nắp vòng
cung để cho giống hình thù của một trạm tiên đoán thời tiết, đánh lạc hướng ở phía trên
để không ai để ý sinh hoạt thực sự dưới hầm để thu thập mọi nguồn cung cấp tín hiệu của
làn sóng vô tuyến.
         Để tránh bị phát giác gây dao động trên cường độ vào lúc đường dây bị đón bắt, các
kỹ sư Anh đã thiết kế một máy khuếch đại nhỏ cho mỗi một đường dây của hàng trăm
đường dây điện thoại nằm trong ba bó cáp lớn. Đây là một kỳ công kỹ thuật và tôi đoán
chừng nếu không có sự giúp đỡ của KGB, chúng tôi không dễ gì đơn phương tìm ra
đường hầm này.
         Chúng tôi lần mò đường hầm trong bóng tối và im lắng, chúng tôi chỉ có ánh sáng
của bóng đèn tay hướng dẫn. Tôi bắt gặp một mẩu bià cứng trắng và roi đèn để xem. Nơi
đây, dưới lòng đất, qua lằn ranh chia cắt hai hệ thống và hai ý thức hệ, một nhân viên tình
báo có đầu óc hài hước cao độ đã đặt một cuộn kém gai nhỏ và một miếng bià cứng trên
đó ghi bằng mực đen « Quý vị bước sang khu vực của Hoa Kỳ ». Tôi, một trong những
kẻ thù bất công đái thiên của CIA, đến đây để chia sẻ trò khôi hải của một anh nhân viên
tình báo Hoa Kỳ! Lần đầu tiên trong suốt buổi sáng bất hủ này, tôi tự véo mình để đoan
chắc tôi không nằm mơ.
         Lẽ cố nhiên, có một điểm sơ sót trong công trình thiết lập kỳ công kỹ thuật này mà
ngay cả một chuyên viên kỹ thuật tài giỏi nhất cũng không có thể sửa chữa: Liên Xô biết
sự hiện hữu con đường hầm này ngay từ đầu, nhờ anh gián điệp nhị trùng Anh, George
Blake. Nhưng, trong khi họ bảo toàn những trao đổi bằng những phương tiện này, họ
không hề cho chúng tôi biết bất cứ chuyện gì, để mặc cho chúng tôi không phòng bị và lộ
trần. Đức tính tồi tệ này không nằm ngoài bản tính của Liên Xô. Đối với họ, tình báo
thông thường chỉ đi một chiều.
         Tôi đã ngờ từ lâu có một điệp viên Anh cao cấp làm việc cho Liên Xô tại Tây Bá
Linh. Liên Xô đương nhiên tuyệt đối bí mật về điều này, nhưng một trong những ông
tướng của họ không kìm hãm nổi tính khoe khoang cho tôi biết ông đang điều khiển một
công tác lớn trong lòng nước Anh. Nhưng Liên Xô muốn để cho Hoa Kỳ hoàn tất công
trình vĩ đại này để có thể ước định trình độ kỹ thuật của họ. Hoa Kỳ rơi vào bẫy. Tình
báo Xô Viết quan sát công tác cài đặt trong khoảng một năm và sau đó công khai tiết lộ
bí mật.
         Sau đó Blake bị bắt và vào tù năm 1961, để rồi ngoạn mục vượt ngục trốn khỏi
Luân Đôn sang Liên bang Xô Viết năm năm sau. Ngay sau khi ông đã định cư
tạiMoscow và lập một gia đình mới, Nga Xô vẫn ngần ngại cho phép ông di chuyển. Cuối
cùng họ chấp nhận lời thình cầu của ông để ông đi nghỉ hè và cho phép ông đi cùng với
người canh gác đến một trong những nơi nghỉ mát của bộ chúng tôi tại đảo Usedom trên
biển Baltic. Blake đến thăm viếng Đông Bá Linh tất cả bốn lần, luôn luôn có hộ vệ KGB
theo sau. Tôi mời ông phát biểu trước nhóm điệp viện đang được huấn luyện về những
cuộc phiêu lưu của ông với hy vọng sẽ tạo tinh thần nhập thuộc và truyền thống trong
cộng đồng tình báo Cộng sản.
         Đến lượt thăm viếng lần thứ ba, những người tháp tùng Blake có vẻ nới lỏng và cho
phép người vợ Nga đi theo ông. Ông cũng xin gặp gỡ riêng với tôi. Chúng tôi cùng lứa
tuổi với nhau và chúng tôi nhanh chóng kết thân với nhau. Tôi có ấn tượng đặc biệt với
thói quen hạ xưng của người Anh của ông. Trong khi vợ ông đi phố, vui hưởng sự phồn
thịnh của các cửa hàng quốc doanh Đông Đức sau những ngày tháng thiếu thốn tại Nga,
chúng tôi ngồi trò chuyện tại một quán trọ. Ông rất giỏi về ngôn ngữ, ông thông thao
tiếng Ả-rập, tiếng Pháp và tiếng Hòa Lan, ngay bây giờ ông cũng nói lưu loát tiếng Đức
và tiếng Nga, mặc dù ông có giọng nói của một người Anh lịch lãm có lẽ đã thấm nhập
khi ông học Đại Học Cambridge.
         Blake cho tôi biết ý kiến về đường hầm nguyên ủy phát xuất từ phía Anh. Sau khi
ông từ Triều Tiên trở về, tại đây ông giữ chức phó trạm trưởng Cơ Quan Tình Báo Anh
trong vùng. Blake cũng đã giữ chức vụ tương tự tại Vienna. Kế hoạch đào hầm khởi xuất
từ tổng tham mưu Quân Cảnh Anh qua đường Simmeringstrasse tại Vienna đến phái bộ
quân sự Xô Viết gặp trở ngại kỹ thuật nhưng có vẻ là một tiến trình khả quan. Vì ông
tham dự trong dự án đó, ông được kêu gọi tham khảo với Hoa Kỳ về đường hầm Bá Linh.
         Sau khi Blake ra khỏi tù và đào thoát sang Moscow, chúng tôi lại gặp nhau một lần
nữa, lúc đó tôi cùng đi với em Koni tôi, đến để trình chiếu ra mắt cuộn phim « Mama,
I’m alive ! »(Mẹ ơi, con còn sống !). Chuyện kể về các tù binh Đức tại Nga. Hôm đó là
một buổi tối êm ả, chúng tôi nói về phim sách của Nga. Ngay cả với tư cách một cựu điệp
viên, ông kín đáo hơn thương lệ khi chúng tôi đề cập đến những chi tiết gút mắc về
thương trường. Ông nói tình bằng hữu với Kim Philby tại Moscow hỗ trợ cho ông vô kể.
Tôi ngạc nhiên khi Blake tỏ ra rất đau khổ vì mang tiếng là một điệp viên bẩn thỉu và
mong thiên hạ coi ông ta là một người có lý tưởng. Mặc dù ông dấn thân cho chính nghĩa
Xô Viết, tôi có cảm tưởng ông từ chối chấp nhận trên thực tế ông là kẻ phản bội đối với
đất nước của ông và chính nước ông nhìn ông như kẻ phản bội. Có lẽ ông kém thông
minh hơn Philby, một người mà tôi cũng quen biết và thán phục vô cùng. Cả hai đều có
vẻ nhẹ nhõm khi có người để nói chuyện và người này thấu hiểu sự dấn thân của họ cho
hệ thống xã hội chủ nghĩa đồng thời chia sẻ cái nhìn phê phán trên tiến trình tại Moscow.
Đi trước Gorbachev, họ cũng tin tưởng cuộc thay đổi sẽ diễn ra từ bên trong.
Kim Philby
         Mặc dù Philby và Blake cả hai đều có chức vụ thích hợp với hiểu biết của họ,
nhưng cuộc sống của những điệp viên về vườn sau một cuộc sống náo động tại Tây
phương không thể nào dễ dàng, đặc biệt trong một nước đang vật lộn với nhiều mâu
thuẫn như Liên Bang Xô Viết. Philby có bản tính cởi mở hơn Blake, tự tin, mềm mỏng và
thoải mái trong giao tiếp. Ông cũng có đến Đông Bá Linh nhiều lần để nghỉ hè và thụ
hưởng những đêm dài nói chuyện với bạn bè và đồng chí cũ, nhâm nhi vài chung rượu.
Nhưng sau một vài năm sống tại Moscow, cái nhìn của ông về Liên Bang Xô Viết trở nên
khô khan hơn. Ông có lần than phiền với tôi về nền kinh tế khốn khó và hố ngăn cách
giữa người lãnh đạo và nhân dân. Tôi luôn cảm thấy thú vị vì người Anh nghĩ mình là
người đầu tiên khám phá ra những sự thật hiển nhiên như sản phậm tiêu thụ khan hiếm và
hành chánh luộm thuộm. Philby không có nhiều cơ hội để nói chuyện với giới trí thức tại
Moscow, nhưng tôi không đồng ý với những thông tin của Tây phương cho rằng ông
sống khốn khổ tại Moscow. Sự thật là ông không còn lựa chọn nào khác, nhưng Philby có
khả năng xoay xở giỏi hơn các điệp viên khác.
         Tôi có cảm nghĩ rằng KGB thu xếp cho họ đi nghi hè tại các nước như Đông Đức
và Hungary, nơi đây mức sống trung bình cao hơn tại Nga và đó là phương cách để
những người như Philby và Blake xả xú-báp. KGB lo sợ những thành tích danh giá Tây
phương này sẽ trở về xứ sở và giáng một đòn nặng cho bộ máy tuyên truyền của điện
Cẩm Linh và những chuyện tẩu thoát không có gì là khó khăn. Philby cho tôi biết tình
báo Anh tìm cách đề nghị nhiều phương thức để mời ông trở về Anh.
         Philby yêu chuộng cảnh đồng quê Đông Đức và khi ông đến thăm, chúng tôi bàn về
nhiều vấn đề – sách vở, tư tưởng, và ngay cả nấu nướng; chúng tôi cùng làm bánh
Pelmeni để chúng tôi so tài về cách làm món này, vì cách chọn lựa gia vị mang tính cách
cá nhân cao độ. Có một lần viếng thăm, ông đưa cho tôi một ấn bản về hồi ký của ông với
lời đề tặng: « Gởi tặng đồng chí Thiếu Tướng Wolf, với lòng kính phục và biết ơn đã
được tiếp đón nồng hậu tại DDR, Kim Philby ». Đây là ấn bản Tây Đức và ông chua
thêm trong phần tái bút: « Bản dịch FRG (Cộng Hòa Liên Bang Đức) chưa được hoàn
hảo. K.P. » Có lẽ ông nghĩ cần phải lịch sự đánh Tây Đức khi gởi tặng một món quà cho
cấp lãnh đạo của tình báo hải ngoại Đông Đức. Cho dù thế nào đi nữa, phần phụ chú này
làm cho tôi cảm thấy thú vị về kiểu cách tỉ mỉ của Philby.
         Philby và Blake có thứ hạng trong những khuôn mặt nổi tiếng trong lịch sử tình
báo. Những thành quả nghề nghiệp của họ rất lớn, bất kể khuynh hướng chính trị của họ.
Đặc biệt buồn cho số phận của Blake vì ông mất tổ quốc không những một lần, khi ông
rời bỏ nước Anh, nhưng đến hai lần khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ và ông bị bỏ rơi, sống
một cuộc đời lầm lũi trên mảnh đất của một tổ quốc vay mượn đã từ bỏ lý tưởng của ông.
Philby, đã từng tham dự những biến cố lớn của thế kỷ, khởi sự với Cuộc Nội Chiến Tây
Ban Nha, có lẽ là người may mắn nhất vì đã chết đúng lúc. Tôi không bận tâm việc
Philby là một tên phản bội đối với đất nước của ông, vì những gì ông làm là do quyết
đoán của ông. Ông đoan quyết ngay từ thuở ban đầu Liên Bang Xô Viết là quốc gia biểu
hiện rõ rệt nhất lý tưởng chống phát-xít của ông. Nếu quý vị có quyết tâm trong cuộc đời,
quý vị đi theo con đường quý vị đã tự vạch sẵn và không đi lệch hướng – cho dù quý vị
có thể bắt gặp những điều kinh khủng trên đường đi. Lẽ cố nhiên, đường đi của mỗi
người mỗi khác và thứ tự ưu tiên cũng khác. Có những người như Arthur Koestler, đã
quyết định theo lý tưởng công bằng và bình đẳng của Cộng sản và sau đó quay lưng đi vì
những thái quá trong chế độ Xô Viết. Điều này cũng xảy ra cho người bạn cũ của tôi
Wolfgang Leonhard. Đã có lần tôi không hiểu được họ, nhưng tôi có nói chuyện với
Leonhard và tôi nghĩ rằng bây giờ chúng tôi đã hiểu nhau.
*
         Nhờ quy chế hóa các luật lệ trong Chiến Tranh Lạnh, điệp viên không còn xuất hiện
như là những nhân tố ác độc của phía bên kia nhưng đúng hơn là những món vật – đôi
khi là con cờ – trong một cuộc chơi giữa Đông và Tây. Họ thường được giam giữ bởi cơ
quan tình báo đối nghich, sau khi bị bắt, chứ không bị xử bắn, mặc dù đôi lúc việc hành
quyết cũng xảy ra, rất thường khi một chính trị gia muốn gởi một thông điệp cho dân
nước mình hoặc cho phía bên kia. Sự thay đổi này khiến cho tôi nhận biết những cuộc
trao đổi có thể trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí tình báo của chúng tôi.
Tôi khởi sự xem xét tỉ mỉ phiá chúng tôi giam giữ những ai để có thể trao đổi với nhân
viên chúng tôi bị bắt giam bên Tây Đức.
         Tai Đức, lề lối này đã trờ thành thủ tục nhờ các dịch vụ của Wolfgang Vogel, luật
sư Đông Bá Linh đai diện cho quyền lợi quốc tế của Cộng Hòa Nhân Dân Đức (GDR), và
Jürgen Stange, đối tác bên Tây Đức. Ngày tháng trôi qua, việc thu xếp trao đổi qua bức
Bức Tường Sắt trở nên dễ dàng hơn. Vogel làm ăn khá phát đạt nhờ làm trung gian giữa
hai cường quốc kình địch.
         Cuộc trao đổi quốc tế quan trọng đầu tiên giữa Tây và Đông liên quan đến Francis
Gary Powers, phi công của chiếc phi cơ thám thính bị bắn hạ năm 1960 trên không phận
của Liên Xô.
Tòa Án Liên Xô xét xử Francis Gary Powers tháng 8, năm 1960
Việc này tạo bối rối chính trị lớn cho Tổng thống Eisenhower và sự cố tai hại này phá vỡ
cuộc họp thượng đỉnh với Khrushchev tại Paris. Tôi kinh qua một cảm giác ngại ngùng
khi tham dự phiên tòa xét xử Powers trong Đại Sảnh của Công Đoàn Thương Mại tại
Moscow, nơi đây những màn xét xử của Stalin đã diễn ra vào thập niên 1930. Lúc đó tôi
đang ở phố bận việc khác và quyết định đi xem. Tôi ngồi trên hàng ghế cứng dưới một
trần nhà màu lợt thật êm ả đối trọi với không khí lúc bấy giờ, trên bàn bày những chân
đèn lóng lánh thích hợp cho một phòng khiêu vũ hơn là một tòa án.
         Đây là lấn đầu tiên kể từ khi Stalin chết, tòa án xét xử một gián điệp được công khai
mở rộng và thiên hạ bàn tán về việc xét xử Powers suốt mùa hè tại Moscow. Thường dân
Moscow đi vòng dinh tòa án, tò mò tìm kiếm anh Mỹ đã bị bắn hạ trên không phận Xô
Viết. Các bạn đồng nghiệp KGB rỉ tai rằng chính ông tổng thư ký sẽ đứng ra xác quyết
bản án và phán quyết.
         Powers xuất hiện trong chiếc lồng tù, vẻ hơi bối rối vì những mệnh lệnh tòa án được
phát biểu bằng tiếng Nga. Anh có một khuông mặt dịu dàng và thơ trẻ và có thói quen
nhíu mày thật mạnh khi anh không hiểu một câu hỏi. Phong cách nhã nhạn và phần nào
ngây ngô khiến tôi có chút cảm tình với anh ta, mặc dù anh ta làm việc cho phía bên kia.
Nhờ qua một thông dịch viên mặt lạnh lùng, anh trả lời suông sẻ và chi tiết những câu hỏi
của công tố viên, anh xác nhận nội dung của nhiệm vụ công tác của anh và anh phục vụ
cho ai. « Đồ điên » tôi thầm tự nhủ.
         Rồi ra, chính sự ngây ngô của Powers và sự cộng tác với Liên Xô đã giúp các
cường quốc đơn giản hóa lần trao đổi gián điệp quan trọng đầu tiên. Powers chỉ bị kết án
mười năm tù ở, và các bạn của tôi trong KGB giải thích bản án khoan hồng này là một tín
hiệu của Moscow cho Washington biết rằng họ sẵn sàng trao đổi điệp viên.
         Phia bên kia Đại Tây Dương, đại tá KGB Rudolf Ivanovich Abel bị giam trong tù
của Liên Bang tại Atlanta. Con của một công nhân sinh sống tại Saint Petersburg, giòng
dõi Đức, vui vẻ chọn theo chủ nghia bolshevik và gặp Lênin nhiều lần, Abel (tên thật là
William Fischer) đã được KGB lén lút cài đặt vào Hoa Kỳ năm 1947, tại đây ông đội lốt
một nhiếp ảnh gia và họa sĩ tên Emil Goldfus. Từ căn nhà này tại Brooklyn ông điều
khiển một chuỗi điệp viên có chân trong chính quyền, cơ sở thương mại và cơ mật quân
sự trước khi ông bị bắt năm 1956 và sau đó bị kết an ba mươi năm tù ở. Vogel làm trung
gian thu xếp trao đổi Powers với Abel vào tháng 10 năm 1962.
         Mấy năm sau, Abel đến Đông Bá Linh để thuyết trình cơ quan của tôi về những
kinh nghiệm của ông. KGB đã phong quân hàm đại tướng và giao cho ông nhiệm vụ lãnh
đạo hệ thống Anh-Mỹ. Ông cũng dạy các tân binh của tôi và tôi thu xếp nhiều lần gặp gỡ
với các sĩ quan cao cấp của tôi để vinh dự đón tiếp ông . Ông là người vui tính khi ông
gặp đúng đối tượng và sau khi nâng ly chúc mừng thành công trong công tác gián điệp
của mọi người, chúng tôi bàn về kịch trường của những thập niên 1920 và 1930, và luôn
cả các vở kịch của cha tôi. Abel là một người của thời Phục Hưng sống trong một thời đại
tân tiến, rất ham thích môn hóa học và vật lý và đặc biệt say mê Albert Einstein. Những
bức họa của ông – ông dùng tạiBrooklyn để làm bình phong che dấu hoạt động gián điệp
của ông – tương đối đẹp. Tôi vẫn lưu giữ một vài phác họa nhỏ ông tặng tôi làm kỷ niệm.
Sau khi ông chết vào năm 1971, bà vợ góa của ông phải áp lực mạnh với Xô Viết để ghi
tên thật của ông dưới tên KGB của ông trên bia mộ. Họ không bỏ nổi thói quen giữ bí
mật, ngay cả khi một trong những điệp viên xuất sắc của họ đã chết và được chôn.
         Một dấu hiệu khác về tạp quán gay gắt của Chiến Tranh lạnh xuất hiện sau cuộc gặp
gỡ thượng đỉnh giữa Khrushchev và Tổng thống Kennedy tại Vienna năm 1961. Tôi được
biết cuộc xung đột trở nên trầm trọng tột độ khi Khrushchev trở về nước tuyên bố với
quân đội và nâng cao vai trò của Tây Bá Linh. Do hai nguồn tin của chúng tôi – một tại
tư lệnh quân sự Anh tại Bá Linh và một tại tổng tham mưu NATO (Liên minh Bắc Đại
Tây Dương), chúng tôi biết những chuẩn bị nóng bỏng của phiá Hoa Kỳ để phản ứng
chống lại trong trường hợp Moscow ra lệnh phong tỏa Bá Linh lần thứ hai. Khi tôi đọc
những tài liệu lưu trữ được sắp xếp lại như một lắp lại những mẩu hình ghép rời rạc từ
một mớ vi phim, tôi nhận thấy chỉ lỡ một bước kém khôn ngoan của cả hai phía là có thể
đưa đến chiến tranh. Và nó sẽ khởi sự tại đây, tại Bá Linh.
         Một tổ chức tối mật của Hoa Kỳ gọi là Live Oak (Cây Sồi Sống) đã được thành lập
năm 1958 bởi ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles, và đặt dưới quyền chỉ huy của
Tướng Lauris Norstad, chỉ huy trưởng khối NATO, cốt để phá vỡ việc phong tỏa Bá Linh
lần thứ hai. Một hôm có người trình cho tôi một tài liệu do Norstad ký tên ghi rõ những
phần thiết yếu trong « Ước định Sơ khởi về Ý đồ của Xô Viết ». Tài liệu này, tôi có được
qua một nguồn tin tại tổng tham mưu Anh tại Đức, vẫn còn được xem là mật tại Hoa Kỳ
mặt dù được viết cách đây 40 năm. Nếu việc hạch sách ở mức độ thấp cách loại xe của
quân đội di chuyền qua hành lang một trăm dặm nối liên Bá Linh với Tây Đức có chiều
hướng leo thang, kế hoạch của Live Oak đề nghị phái một đoàn quân xa để mở đường
vào phía Tây Bá Linh và thử phản ứng của Xô Viết. Tài liệu tiếp tục đề nghị những giải
pháp quân sự rộng lớn hơn. Trước hết là một tiểu đoàn gồm có binh lính Hoa Kỳ, Anh và
Pháp đi vào hành lang này. Rồi vào giai đoạn cuối của mức độ đọ sức, một sư đoàn gồm
có quân đội của ba nước đi vào hành lang để khẳng định quyền được vào thành phố Bá
Linh. Chỉ có quân đội Hoa Kỳ, Anh và Pháp gia nhập trong công tác này, vì họ là những
người duy nhất có quyền gởi quân đôi qua Đông Đức đế đến vùng chiếm đóng phía Tây
của Bá Linh.
         Tôi không dễ hoảng sợ, nhưng kế hoạch Live Oak làm cho tôi lạnh xương sống.
Các nguồn tin tại Moscow cho tôi biết Khrushchev nói không ngừng về Bá Linh. Ông
cũng có nói với Đại sứ Hoa Kỳ Llewellin Thompson là giải quyết vấn đề Bá Linh là một
vấn đề « uy tín cá nhân » của ông và ông đã « chờ đợi khá lâu » để tiến hành. Vì biết rõ
lòng tự ái cố chấp của Khruschev nên tôi đâm ra lo ngại hơn. Các cường quốc thường gây
chiến với nhau chỉ vì muốn bảo vệ cái uy tín mong manh của các cấp lãnh đạo.
         Điều mà tôi không biết vào lúc đó, có một chống đối mãnh liệt kế hoạch Live Oak
trong nội bộ của NATO. Mấy năm sau, cơ quan tình báo CIA giải mật tài liệu cho biết
trưởng khối quốc phòng Anh, Thống đốc Lord Mountbatten, đã hạch hỏi Kennedy về kế
hoạch này:
         Điều gì sẽ xảy ra cho sư đoàn nằm trên xa lộ? Nga sẽ cho nổ một chiếc cầu đàng
trước, một chiếc cầu đàng sau và lúc đó họ bán vé chỗ ngồi để thiên hạ đến xem và cười
vào mặt. Nếu đây là một trò cười, một tiểu đoàn sẽ là một thảm kịch. Phải trải một mặt
trận dài 30 dặm để tiến tới và có thể họ xem đây là một cuộc xâm chiếm Đông Đức và
đưa đến một cuộc chiến toàn diện.
Tôi càm thấy nhẹ nhõm khi nghe thấy con ngựa chiến già của Anh đã tỏ ra hiểu biết hơn
về tính cách phiêu lưu của kế hoạch Live Oak. Bộ tham mưu của Live Oak mãi đến năm
1987 mới được NATO xác nhận, khi họ đeo huy hiệu SHAPE (Supreme Headquarters,
Allied Powers Europe, Tổng Tham Mưu Tối cao, Lực Lượng Đồng Minh Châu Âu) trên
quân phục của họ, giống như những đội khác của NATO. Tổ chức này vẫn chưa giải tán
ngay cả sau khi nước Đức đã thống nhất. May mắn thay, tầm quan trọng của cơ quan này
trong chiến lược của Hoa Kỳ đã giảm đi sau khi Khrushchev quyết định không phát động
chiến tranh cho một vấn đề riêng biệt của nước Đức. Ngược lại ông tìm kiếm một giải
pháp khác và giải pháp này là đúc một bức tường bằng bê-tông.
(Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 10 (Markus Wolf)                      
“…tôi nghe một bà già nguyền rủa bằng tiếng địa phương của Bá Linh ‘chúng phóng
được vệ tinh Sputnik, nhưng ngay giữa mùa hè chúng ta không có một cọng rau tươi. Đấy
là xã hội chủ nghĩa’…”
Chương 7
Giải pháp bê-tông
Khi Chiến tranh Lạnh được nhắc đến như là một trong những xung đột của những đế
quốc lớn, và nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức đã trở thành một lời ghi chú nhỏ trong các
sách lịch sử, đất nước của tôi có lẽ sẽ được ghi nhớ là một nước đã dựng một bức tường
để giữ chính công dân của mình không cho họ đào thoát. Hình ảnh của Bức Tường Bá
Linh không những chia cắt một thành phố lớn mà cả hai ý thức hệ và hai khối quân sự
tranh đua nhau vì tương lai của nhân loại, bức tường luôn mãi là biểu tượng hùng hồn
nhất của sự chia rẽ hậu chiến của châu Âu và của sự tàn bạo và vô nghĩa của chính cuộc
Chiến Tranh Lạnh.
Đối với tôi, một người đã sống và làm việc đàng sau bức tường sau khi nó được dựng vào
ngày 13 tháng 8 năm 1961 và cống hiến sức lức cho nền an ninh và sự phát triển của hệ
thống đã xây dựng nên nó, Bức Tường luôn luôn là biểu tượng của sức mạnh và sự yếu
kém. Chỉ có một hệ thống với sự tin tưởng mãnh liệt vào hệ tư tưởng chỉ đạo mới có thể
thu xếp để chia cắt một thành phố và tạo nên một biên giới gần kề giữa hai phần của một
nước. Và chỉ có một hệ thống yếu kém và hư hỏng từ căn bản như hệ thống của chúng tôi
mới phải làm như vậy trước tiên.
Vì vậy tôi biết trong thâm tâm, nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức đã đến ngày tàn khi, vào
đêm ngày 9 tháng 11 năm 1989, tôi bật máy truyền hình và nghe tin các công dân
CHDCĐ được phép đi lại qua biên giới và thấy đám người đầu tiên đổ dồn về ngã biên
giới thình lình được mỏ ngỏ. Một nước như nước chúng tôi, mà sự sống còn lệ thuộc
hoàn toàn vào sự ổn định nội bộ, không thể nào tồn tại với biến cố chấn động này. Làm
thể như thực tại đã ngưng động. Bàng hoàng, tôi ngồi với vợ tôi nhìn hình ảnh người
Đông và Tây Đức ôm chầm lấy nhau trên vùng đất vô chủ (no man’s land) tại biên giới
Bá Linh. Có vài người đi dép ngủ, làm như họ mộng du trong một đêm quyết định cho
định mệnh của nước Đức và của châu Âu trong những năm tới.
Lẽ cố nhiên biên giới chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn. Nó được mở ngỏ cho những du
khách Đông Đức thi hành công vụ. Họ là những người đã được rà soát và thích hợp với
vai trò « cán bộ du lịch ». Điều này có nghĩa là họ đáng tin cậy về mặt chính trị, họ không
có thân nhân ở Tây Đức. Kể từ khi có sự nới lỏng những hạn chế vào thập niên 1970, vào
lúc mối giây liên lạc giữa hai nước Đức đã cải thiện, các người về hưu được phép du lịch
dựa trên lý luận, tuy là lô-gíc nhưng không thiếu phần cay độc, nếu họ ở lại Tây Đức họ
không phương hại đến nền kinh tế của Đông Đức và ngay cả việc từ bỏ tiền hưu trí. Và
đương nhiên, các điệp viên của tôi làm việc tại chỗ và các tiếp liên trao đổi thư tín cho
những nguồn cung cấp được phép du lịch sang Tây Đức với lý lịch giả.
Những ai có phép đi ra ngước ngoài rất được quần chúng thèm muốn; cơn sốt du lịch lên
cao trong một quốc gia không có khách du lịch. Tôi đã du lịch không vì thú vị bản thân
như phần đông các sinh viên trung lưu Hoa Kỳ. Mặc dù tôi có mọi đặc quyền, tôi chưa
bao giờ viếng thăm Viện Bảo Tàng Prado, Viện Bảo Tàng Anh Quốc, hoặc Viện Le
Louvre. Tất cả chúng tôi sống một cuộc đời thu hẹp, mặc dù cuộc sống của tôi ít hẹp hòi
hơn vì công tác gián điệp đưa tôi đến Đông Châu Phi, các vùng hoang dã của Tây-bá-lợi-
á, những bờ biển Hắc Hải, những cánh rừng Thuỵ Điển và sự dịu dàng của vùng nhiệt đới
Cuba. Vì được ưu đãi nên tôi có một một căn phòng sinh sắn, một chiếc xe hơi và một tài
xế, và được những ngày nghỉ thoải mái qua lời mời của các cơ quan tình báo khác trong
khối Đông Âu. Những biệt đãi này luôn liên hệ đến công việc và trách vụ của tôi; xét ra
cuối cùng thế giới rộng mở bên ngoài nhưng đối với tôi cũng như khép kín.
Mặc dù bọn chúng tôi không hưởng được sự thoải mái và tinh thần độc lập của một công
dân tương đối khá giả của Tây Âu, tôi hoàn toàn cách biệt với những công việc cực nhọc
chi phối một công dân thường ở nước tôi. Chúng tôi thụ hưởng từ nhóm Xô Viết hệ thống
đặc quyền của giai cấp Nomenklatura. Sự việc khởi sự vào năm 1945, khi các công chức,
các khoa học gia và những kẻ hữu dụng cho lý tưởng Cộng Sản nhận được một số ít phụ
trội về lương thực, mà chúng tôi gọi là payoks, mượn từ tiếng Nga để chỉ phần chia lương
thực. Sau đó thành thói quen, như mọi sự việc, và trở thành một định chế dưới danh nghĩa
một phân cục gọi là « an ninh cá nhân » và đã đương nhiên trở thành một đội ngũ năm
ngàn người. Rồi những đặc quyền của chúng tôi được hợp thức hoá trong hệ thống liên
lạc với Bộ Thương Mại Hải Ngoại, để đảm bảo các đầy tớ tối cao của quốc gia không bị
thu hẹp trong mớ sản phẩm thường là hạng nhì của chính quốc gia mình. Tất cả đều được
phân chia tuyệt đối theo thứ bậc. Có những cửa hàng đặc biệt dành những món hàng của
phương Tây để cung cấp cho Bộ Chính Trị. Sau khi họ đã chọn lựa, phần còn lại được
giao cho chúng tôi ở trong những cơ quan tình báo và tại đây các bộ khác và cơ quan
thương mại khác nhận phần của mình. Cuộc sống thật là đơn giản và thoải mái cuộc
sống. Tôi quá yếu đuối để từ chối những đặc quyền này, và những năm sau tôi thú nhận
điều này khi sinh viên hỏi tôi. Họ hài lòng với câu trả lời của tôi, vì họ hiểu những yếu
đuối của con người trước những đặc quyền như vậy. Lẽ cố nhiện, nếu tôi không được
sủng ái, những thứ này biến mất chỉ trong một đêm.
Ngoài những món ưu ái này và những nơi dừng chân đặc biệt, tôi sống một cuộc đời bàn
giấy, kẻ thi hành lệnh của những chủ nhân ông chính trị của tôi. Đầu tiên chúng tôi làm
việc về đêm – giờ làm việc của Stalin – giống hệt các thượng tầng cơ sở của giới thư lại
Xô Viết. Sau khi Stalin chết, Mielke làm việc suốt ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng và thường
kết thúc vào 10 giờ đêm, tuy nhiên sau này tôi nghĩ ông ta cố làm vẻ như ở trong văn
phòng nhưng ông ta không ở. Tôi thường thèm muốn sự độc lập của những người làm
việc trong cơ quan của tôi. Họ có thể đi công tác một cách thong dong và tự mình quyết
định lấy giờ làm việc của họ, nhưng ngày làm việc của tôi dính liền với thời khoá biểu
của cấp trên của tôi.
Tôi thức giấc vào lúc 6g30 sáng hoặc 7 giờ và tập thể dục cho cái lưng – tôi có vấn đề khi
con nhỏ – và đến sở làm việc lúc 8g15 sáng. Trước tiên, tôi có tài xế và một thư kí và sau
này hai thư kí và một người phụ tá đặc biệt, tiếng Đức gọi là người chỉ định. Các nhân
viên trong văn phòng riêng của tôi rất gần gũi với tôi và hiếm khi thay đổi; người thứ ký
chính của tôi bắt đầu làm việc với tôi năm 1954, vào năm thứ ba tôi làm Giám đốc Tình
Báo Hải Ngoại, và ở lại đó ba mươi ba năm cho đến khi tôi về hưu.
Tôi khởi sự ngày làm việc của tôi với những giấy tờ quan trọng, những báo cáo từ các
chủ nhiệm ngành và đôi khi từ các điệp viên. Vào mười năm cuối, giấy tờ trở nên quá
nặng nề và tôi phải trông cậy bản tóm tắt của ban nghiên cứu trong đó gồm có những hồ
sơ mật, tóm lược về những sự cố thường nhật và tài liệu của các thông tấn xã.
Cơ quan HVA được chia vào khoảng hai mươi ban, trong đó có cả những nhóm riêng biệt
để giám sát các điệp viên và những thông tin tại các Bộ, các đảng phái chính trị, các công
đoàn, các giáo phái và các định chế khác của Tây Đức; tình báo quân sự, Hoa Kỳ,
Mexico và phần còn lại của thế giới; Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các tổng
tham mưu của Công Đồng Châu Âu tại Brussels; phản gián; phản thông tin; thông tin
khoa học và kinh tế của Tây Đức; ban gian điệp kỹ thuật chuyên về các hạ tầng cơ sở kỹ
nghệ, những dụng cụ điện tử và khoa học, và hàng không học và không gian vũ trụ học;
các sứ quán, các biên giới, huấn luyện và dịch thuật, và một ban để điều nghiên và đánh
giá những thông tin thô vẹn đổ về từ các ban khác.
Cứ bốn hoặc ba ngày tôi họp với các phụ tá của tôi và với giám đốc của mỗi ban dưới sự
điều khiển trực tiếp của tôi để thảo luận về những tiến triển của công tác và những dự án
quan trọng. Tôi phải đọc tất cả những báo cáo gởi lên ban lãnh đạo. Mielke không cắt xén
những báo cáo của tôi, nhưng giữ lại một vài bản không đưa cho Honecker, nói rằng « Họ
không lấy gì làm thích thú lắm đọc những thứ này ». Tôi thường ăn trưa với các phụ tá
của tôi cùng với thư ký của Đảng tại sân của văn phòng bộ trên đường
Normannenstrasse , quận Lichtenberg. Chúng tôi trao đổi tin tức và những mẩu chuyện,
nhưng ngay trong nơi kín đáo nhất của bộ chúng nói đến điệp viên của chúng tôi và ngay
cả «người thường trú hợp pháp » trong toà Đại Sứ của chúng tôi, chúng tôi đều dùng bí
danh để không tiết lộ danh tánh thật của họ và như vậy gây nguy hiểm cho họ nhiều hơn.
                               
Phạm vi to lớn của công việc này rất là nhàm chán. Tình báo chỉ là việc buôn bán bình
thường để sàng lọc mớ thông tin hỗn độn và tìm ra một viên đá quý hoặc một sợi giây
liên lạc đáng giá, vì vậy tôi thay đổi lề thói hằng ngày của tôi bằng cách điều khiển mười
hoặc mười hai điệp viên do tôi điều động trực tiếp. Theo như tôi được biết, tôi là một
giám đốc duy nhất trong tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới làm điều này. Việc này
cho phép tôi đi ra ngoài và đôi khi gặp gỡ họ tại các nhà an toàn ở ngoại ô Bá Linh hoặc
– điều mà tôi ưa thích – tại Dresden và các nơi khác, nơi không có nhiều người phía Tây
để có thể chạm mặt với điệp viên đến đây.
Những tập quán này đương nhiên bị gián đoạn vì những sự việc bất ngờ, đặc biệt là việc
bắt giữ những điệp viên của chúng tôi tại hải ngoại. Thông thường những tin tức mới nhất
do báo chí loan tải, họ ít khi cho biết tên tuổi chính xác của điệp viên, vì vậy chúng tôi
phải đoán mò có phải là điệp viên của chúng tôi hay là ai khác. Đôi khi tôi phải đến gặp
giám đốc ban để đón nhận tin không tốt, đặc biệt nếu đó là một hành vi đào thoát. Chúng
tôi phải tự huấn luyện nhắm mắt làm ngơ những mất mát này qua từng giai đoạn và cố
gắng không loan truyền sự hoảng hốt; nỗi lo sợ đã quá đủ khi ông bộ trưởng đòi hỏi lời
giải thích.
Thay vì khiển trách, điều quan trong hơn là tìm kiếm hoặc xét xem ai khác có thể bị đe
doạ vì việc bắt giữ hoặc đào tẩu. Chúng tôi phải thông tin vô tuyến nhanh chóng cho điệp
viên của chúng tôi bằng mật hiệu, nhưng vì điệp viên không phải lúc nào cũng bật máy
vô tuyến để nghe mỗi ngày, chúng tôi có thể dùng điện thoại để trực tiếp báo động cho họ
bằng mật hiệu. Nếu trong tường hợp điệp viên của chúng tôi là một doanh nhân, lời báo
động có thể là « Cuộc gặp gỡ tới của chúng ta được rời sang ngày khác ». Chúng tôi tránh
những chỉ dấu quá lộ liễu như « Bà cô ở Dresden bị bệnh nặng ». Chúng tôi có một số tín
hiệu, chẳng hạn như đinh đóng trên thân cây hoặc dấu thập trên một họp thơ mà điệp viên
đi qua mỗi ngày để anh ta kiểm chứng, nhưng không phải tất cả các điệp viên đều dùng
cách này.
Trong thời gian mười năm cuối trong nghề, tôi thường làm việc đến 9 giờ tối, sáu ngày
một tuần lễ, chỉ có Chủ Nhật là ngày nghỉ. Cuộc sống xã hội của tôi rất ít, mặc dù tôi cố
gắng đi xem kịch hoặc dàn hoà tấu ít nhất hai lần trong một tháng. Những thăm viếng
trao đổi với các cơ quan tình báo tại các nước bạn, hoặc phái đoàn của họ đến thăm viếng
Bá Linh, cho chúng tôi những cơ hội hiếm có mà chúng tôi vui vẻ đón nhận để đi thăm
viếng các viện bảo tàng và nhà hát. Vào những ngày cuối tuần, tôi tìm cách về dacha của
tôi trong một ngôi làng nhỏ Prenden, cách xa Bá Linh hai mươi dặm về phía Đông Bắc.
Và ở đây tôi tìm đủ mọi cách để bảo vệ đời tư của tôi để không bị công vụ xâm nhập. Khi
những bàn bè tuổi thiếu thời ở Moscow, George và Louis Fischer ghé thăm Bá Linh năm
1985, họ lấy làm ngạc nhiên khi khám phá tôi không có người hộ về bám sát theo tôi và
đi lại thong dong tự do. Mielke có người hộ tống bảo vệ và một lần ra lệnh bắt tôi phải có
một người hộ tống, nhưng rồi tôi xoay sở để đuổi anh này đi. Anh tài xế của tôi được
huấn luyện đặc biệt để bảo vệ tôi nhưng đương sự chẳng màng đeo súng. Súng của tôi tôi
cất trong tủ kín.
Cho dù tôi có mối nghi ngờ về hệ thống tôi đang phục vụ, một cuộc đời được ưu đãi, có
trách nhiệm và có lúc choáng ngộp sẽ khó lòng cho bất cứ ai từ bỏ việc vận động để thay
đổi, đặc biệt một người như tôi tin rằng thay đổi chỉ đến từ cấp cao. Điều này nghe có vẻ
lạ lùng đối với một người ở trong vị thế của tôi, tưởng chừng như có ảnh hưởng, nhưng
ảnh hưởng của tôi chỉ giới hạn trong cơ quan của tôi, nơi đây phạm vi không gian không
thuộc về tôi.
Günter Gaus, Đại Sứ Tây Đức đầu tiên tại Đông Đức, một người rất là thông minh, hiểu
biết rất rõ những vấn đề của chúng tôi, gọi nước CHDCĐ là một cộng đồng những hang
hốc. Phần lớn quần chúng không màng đến những vấn đề của đời sống công cộng, không
để ý đến những vấn đề của chính sách nhà nước, miệt mài thực hiện những mục tiêu cá
nhân và bảo vể không gian của bản thân. Tôi cũng có không gian riêng của tôi, và , xem
như có vẻ mâu thuẫn, không gian riêng này chính là cơ quan của tôi. Tôi không thể làm
khác hơn.
Việc mô tả đời sống chúng tôi có thể tạo nên cảm tưởng là tôi sống một cuộc đời tồi tan
của một anh nô chức, chỉ thi hành nhiệm vụ để có những đặc quyền hiếm hoi. Thưa
không phải như vậy.Tôi hài lòng với nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan tình báo. Tôi thâm tín
rằng công việc này cần thiết và tôi cống hiến bản thân tôi cho công việc này. Tôi đã thành
công cố tình tránh né mọi cơ hội để leo lên những cấp bậc cao hơn và gần gũi với trung
tâm quyền lực hơn. Tôi cũng đã từ chối lời đề cử tôi trở thành cấp lãnh đạo về truyền
thông đại chúng, một chức vụ trông coi về tuyên truyền. Ngay cả các con tôi cũng xin tôi
từ chối việc thăng chức này, vì việc này sẽ đưa tôi đến gần kề chức vụ lãnh đạo chính trị
và chắc chắn sẽ tạo nên những mâu thuẫn.
Những ngày trước khi Bức Tường Bá Linh được dựng lên vào ngày 13 tháng 8 năm
1961, tôi cảm nhận có một biến cố quyết liệt sẽ diễn ra. Không khí của phiá Đông thành
phố xem ra ảm đảm. Công ăn việc làm và thực phẩm mỗi tuần một khan hiếm. Một hôm,
đi ngang qua một nhóm người xếp hàng trước một cửa hàng, tôi nghe một bà già nguyền
rủa trong tiếng địa phương của Bá Linh « chúng phóng được vệ tinh Sputnik, nhưng ngay
giữa mùa hè chúng ta không có một cọng rau tươi. Đấy là xã hội chủ nghĩa ».
Ai có thể khiển trách những thanh niên nếu họ đem tài năng của mình để làm việc bên kia
biên giới, nơi đây họ có thể kiếm ra tiền và mua những sản phẩm mà những người ở lại
mơ tưởng? Trong thâm tâm của họ, họ không phản bội một quốc gia, họ chỉ di chuyển
sang phần bên kia của nước Đức, nơi đây phần lớn có bạn bè hoặc thân nhân sẵn sàng
giúp họ lập nên sự nghiệp.
Từ ngày thành lập Đông Đức vào năm 1949, 2,7 triệu người đã bỏ trốn sang Tây Đức,
hơn một nửa dưới 25 tuổi. Tôi cũng tự hỏi mấy đứa trẻ trong gia đình cũng bỏ đi nếu
chúng không nằm trong nhóm nhừng người sống chết với xã hội chủ nghĩa. Ngày 9 tháng
8 năm 1961, con số tị nạn ghi trong sổ tiếp nhận của các trại ở Tây Bá Linh lên đến 1926
người, con số cao nhất trong một ngày. Nhà nước đang mất đi nhân lực, mất đi những
người mà nhà nước đã bỏ tiền ra huấn luyện, không có sự đóng góp của họ mức sống sẽ
xuống thấp hơn nữa. Tôi cảm nhận chúng tôi đang bơi lội trong bùn.
Nhà Nước của chúng tôi tố cáo phương Tây hút máu của phương Đông. Lột bỏ luận điều
bệnh hoạn này, tôi biết điều này có nghĩa là sức thu hút của Tây Đức đang gia tăng vì
những thịnh vượng mới và quần chúng sẵn sàng hy sinh những mối liên hệ huyết thống
và nền an ninh êm ấm của nhà nước xã hội chủ nghĩa để đi đổi lấy những lời hứa hẹn
bâng quơ của chủ nghĩa tư bản. Lẽ cố nhiên tôi chảng bao giờ tin lời giải thích của nhà
nước về Bức Tường – rằng việc đóng biên giới của chúng ta là một biện pháp để chống
lại sự tấn cộng hoặc xâm nhập của các điệp viên ngoại bang. Nhưng việc xây dựng cái
mà Đông Đức gọi là « hàng rao bảo vệ chống phát-xít » và phương Tây gọi là « bức
tường ô nhục » đã làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi trong một đêm.
Tôi không những hiểu những nguyên nhân thật sự xây Bức Tường mà còn đồng tình ủng
hộ chúng. Tôi tin rằng không có phương cách nào khác để cứu nước chúng tôi vào thời
buổi đó. Chúng tôi thừa hưởng theo lịch sử phần yếu kém kinh tế của nước Đức và chúng
tôi khởi sự từ một căn bản thật thấp, chưa kể những cách quản lý sai trái tạo nên những
khó khăn. Thêm vào đó Tây Đức đã bị các lực lượng Xô Viết tước đoạt các máy móc kỹ
nghệ và ngay cả những dụng cụ nằm ở hạ tầng cơ sở chẳng hạn như đường sắt xe hoả mà
họ xem là lợi phẩm đền bù chiến tranh. Tây Đức ngược lại đã có khả năng xây dựng lại
đất nước nhờ vào tiền của Kế hoạchMarshall. Tôi vẫn nuôi mộng tưởng – bây giờ tôi mới
rõ là mộng tưởng – với những thay đổi tình hình quốc tế và những cải cách cần thiết
trong nước, mức sống của chúng tôi sẽ từng bước một bắt kịp phương Tây. Tôi tin giá trị
của chủ nghĩa xã hội, trong một nền kinh tế chỉ định, sẽ xác định chỗ đứng của mình cũng
như chúng tôi thường nói với nhau, rồi sẽ có một ngày phương Tây sẽ chiếm đóng Bức
Tường để đuổi không cho quần chúng tới gần! Thực ra vào cuối những thập niên 1970 và
1980, một vài điệp viên và cảm tình viên ở phương Tây đặt câu hỏi chúng tôi thực sự có
cần hạn chế du lịch không bởi vì mức sống đã cải thiện đến độ những người du lịch từ
CHDC Đức đã quay trở về. Nhưng vào năm 1961, chúng tôi phải lựa chọn giữa Bức
Tường hay là đầu hàng.
Tôi phải thú nhần, với nguy cơ mất uy tín là người hiểu biết rõ những gì xảy ra tại Đông
Bá Linh, việc xây dựng Bức Tường Bá Linh cũng gây ngạc nhiên cho tôi giống như mọi
người bình thường vào tháng 8 năm 1961. Tôi chỉ đoán chừng Eric Mielke, người điều
khiển kế hoạch bí mật này, không thông báo cho tôi vì muốn tinh nghịch chọc ghẹo tôi.
Như hàng triệu người khác, tôi nghe tin một bức tường đã được dựng ngang Bá Linh trên
đài phát thanh vào sáng ngày 13 tháng 8. Phản ứng đầu tiên của tôi là giận dữ vì nghề
nghiệp. Đáng lý ra tôi phải được báo trước về việc này vì tôi phải tiếp tục điều khiển các
điệp viên ở bên kia biên giới. Bản chất của biên giới này đã thay đổi toàn diện chỉ qua
một đêm. Kế hoạch xây dựng bức tường quá bí mật nên chúng tôi không kịp phối hợp
trước với tổng tham mưu quân đoàn biên giới để đảm bảo liên lạc viên vẫn tiếp tục qua
được Tây Bá Linh để thu thập nhũng tài liệu mật của các điệp viên qua một biên giới
thinh lình trở nên khó xuyên thủng.
Những ngày kế tiếp tôi bỏ hầu hết thời gian để kiểm soát xem nhân viên của tôi đã nhận
giấy tờ được vội vã thảo và đưa qua các trạm kiểm soát để cho họ kịp thời nhận công tác
bên Tây Đức. Đây không phải là một vấn đề tiện nghi. Mối giây liên lạc trong điệp vụ đặt
căn bản trên sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi sợi giây bị đứt, những điệp viên yếu đuối
sanh ra lo sợ và guồng máy thu thập tình báo sẽ ngưng hoạt động.
Bây giờ chúng tôi phải dựng những câu truyện nguỵ trang cho những trạm tiêp liên để họ
cung cấp những lời giải thích thích hợp cho lính gác ở bên kia biên giới để nói lý do tại
sao họ được quyền đi qua phía Tây trong khi số còn lại không làm được. Đối với các cơ
quan phương Tây, biên giới khép kín là một quà tặng bất ngờ vì nó ngăn lọc một số đông
thường dân và cho phép phản gián của đồng minh tập trung sức lực vào một số nhỏ công
dân bây giờ được phép qua biên giới, thường với tư cách là doanh nhân nhà nước, chẳng
hạn như những viên chức thương mại nhà nước, các giáo sư hàn lâm và công dân bình
thường lâu lâu được phép qua biên giới vì có việc gia đình khẩn cấp.
Khi tôi đi quanh Đông Bá Linh trên chiếc công xa, tôi đánh lạc hướng anh tài xế để tôi có
thể nhìn việc xây dụng bức tường trong lòng pha lẫn khâm phục và kinh hãi. Tất cả gia
đình thân thuộc nhất của tôi đều ở bên Đông, vì vậy tôi không mang vết đau thương của
sự xa cách. Nhưng Bức Tường tạo nên vố số sự việc lạ lùng, một trong những sự việc này
liên quan đến tôi và tên tuổi của cha tôi.
Trên một dải của con sông Spree, một đoàn những chiếc thuyền du ngoạn đi từ Treptow
Park cho đến tận biên giới sát với vùng Neukölln của Tây Đức rồi sau đó ngoan ngoãn
trở về bến tại Đông Đức. Những chiếc thuyền mang tên của các văn sĩ người Đức trong
đó có cha tôi. Một hôm, đúng sau ngày Bức Tường được dựng, con thuyền Friedich Wolf
vui vẻ đi về hướng Tây trong một trong những câu chuyện vượt biên lạ lùng vào thời đó.
Nhân dịp một đêm chiếc thuyền rời bến, ông đầu bếp và gia đình đã phục rượu ông
thuyền trưởng và xúi ông xả hết tốc lực đâm thuyền sang Tây Bá Linh trước sự kinh ngạc
của lính gác. Đến đây họ nhảy tàu và bơi vào bờ để tìm tự do. Ông thuyền trưởng say gục
trên boong tàu. Khi ông tỉnh giấc, ông thiểu não lái tàu trở về khiến cho lính gác biên giới
càng ngạc nhiên hơn. Ông sẽ phải bị trừng phạt. Người vợ tuyệt vọng của anh thuyền
trưởng điện thoại cho mẹ tôi, lúc ấy bà phụ trách Công khố Friedich Wolf , và van xin mẹ
tôi giúp đỡ.
« Con có giúp được gì không?» mẹ tôi hỏi tôi trong bữa cơm tối hôm đó. Tôi biết cha tôi
sẽ xem câu chuyện phiêu lưu của chiếc thuyền là một chuyện khôi hài, vì vậy tôi kêu gọi
khoan hồng cho ông thuyền trưởng. Ông không bị vào tù nhưng tôi không cứu gỡ ông
khỏi nỗi nhục nhằn bị thuyên chuyển ra khỏi Bá Linh. Cuối cùng ông làm việc trên một
chiếc tàu hơi trong một vùng kỹ nghệ nằm ở vùng an toàn cách xa biên giới.
Tình hình thay đổi cũng gia tăng căng thẳng giữa cơ quan tình báo hải ngoại của tôi
(Aufklarüng) và cơ quan phản gián (Abwehr) trách nhiệm về an ninh biên giới. Mối liên
hệ giữa hai ngành tình báo không bao giờ đằm thắm cả, cũng như những ai theo dõi lịch
sử cạnh tranh giữa CIA và FBI đều biết. Trường hợp của chúng tôi, mối liên hệ cũng lạnh
lùng không ít. Tôi từ chối trao cho họ danh sách các điệp viên và các thông tín viên cần
phải qua biên giới, vì điều này có thể gây tổn thất cho chúng tôi nếu không may các sĩ
quan trong các cơ quan mà tôi không kiểm soát phản bội.
Chúng tôi phải mất nhiều tuần – có khi hàng tháng trong một vài trường hợp đặc biệt khó
khăn – để đạt được một thỏa ước sống chung mới. Chúng tôi ở trong một vị thế mâu
thuẫn là những kiểm soát bên phía chúng tôi có phần gắt gao và khó dàn xếp hơn là bên
phía Tây Đức. Một trường hợp làm cho tôi nhức đầu là trường hợp của Freddy (không
phải tên thật), một nguồn tin tức quan trọng nhất của chúng tôi nằm trong giới lãnh đạo
của đảng Dân Chủ Xã Hội tại Bá Linh. Tôi không gọi đích danh tên ông để tránh tai tiếng
cho gia đình ông, nhưng các đảng viên Dân Chủ Xã Hội vào thời đó sẽ nhận ra ông. Là
một nhân vật khác thường, thích hưởng thụ, ông có giọng nói lớn và thuyết phục trong
giới lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) và có những mối giây liên lạc thân thiện với
Bonn – một người phò vua hơn vua, nhưng không phải vì vậy mà kém phần hữu dụng đối
với chung tôi. Ông trở về Đức mãi sau này khi chiến tranh chấm dứt sau thời gian bị Hoa
Kỳ giam giữ. Ông không có một kỷ niệm tốt về việc này. Vào lúc thiếu thời ông đã là
đảng viên, ông được đưa vào ngành tình báo. Thật ra, ông xâm nhập đảng SPD năm 1950
theo lệnh của một trong những giới chỉ huy kỳ cựu của chúng tôi, Paul Laufer, và sau này
chính ông cũng điều khiển Günter Guillaume, gián điệp nằm trong Văn phòng của Thử
Tướng Willy Brandt.
Freddy bảo vệ hăng say lý tưởng của SPD, và thất vọng vì những sự cố bên Đông Đức,
không coi chủ nghĩa xã hội là biểu tượng nữa. Trong một thời gian dài, hầu như chúng tôi
mất liên lạc với đương sự. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với những người chúng
tôi muốn giữ. Tôi đặc biệt chú trọng đến trường hợp của đương sự trong mục đích gặt hái
những tin tức có chất lượng cao mà tôi biết đương sự nắm giữ trong những cuộc bàn thảo
nội bộ của SPD về chính sách của họ đối với Đông Đức. Tuy nhiên, đương sự một mực
từ chối ghi âm hoặc nói bất cứ điều gì về các bạn đồng nghiệp làm việc tại Văn Phòng
Nghiên cứu Đông Đức của đảng SPD, một tổ chức tại Tây Bá Linh với mục đích tái lập
dân chủ xã hội bên Đông Đức – đối với chúng tôi đây là một cơ quan hắc ám nhất hoạt
động ở bên kia Bức Tường. Những cố gắng để dẫn dụ đương sự vào những cuộc thảo
luận chính trị hầu như luôn luôn kết thúc trong hãi hùng vì Freddy chửi Ulbricht là một
thằng ngốc theo chủ nghĩa Stalin.
Trước tiên Freddy và tôi có ý định gặp gỡ nhau tại những căn phòng nhỏ dùng làm nhà an
toàn cho cơ quan của chúng tôi tại vùng Bohnsdorf nằm về phía Nam của Đông Bá Linh.
Nhưng tình thế lúc đó căng thẳng và năm 1955, tôi nảy sáng kiến thay đổi nơi gặp gỡ tại
những căn nhà nhỏ kín đáo của những người quen khi tôi sống tại Moscow. Tôi lợi dụng
tinh thần lạc quan do Đại Hội Đảng lần thứ 20 thổi tới để điều chỉnh mối liên hệ giữa
chúng tôi. Freddy rất có ấn tượng với những lời bài bác của Khrushchev lên án Stalin và
tội ác của ông. « Anh thấy chưa, » y nói với vẻ đắc thắng, « tôi có lý. Tôi đã nói với anh
là tình thế phải thay đổi ». Tôi cũng chia sẻ nỗi vui với y về « Con Đường Mới » của
Moscow – bây giờ chúng tôi được tự do nói về quá khứ và bàn thảo về những vấn đề của
đảng, về tự do văn hoá, về kinh tế, vân vân… – và chúng tôi có thể ngồi hàng giờ trong
căn phòng đầy khói thuốc thảo luận về tương lai của Liên Bang Xô Viết và đồng minh.
Cuối cùng tôi đạt được một kết quả nào đó. Đối với tôi, Freddy chỉ chấp nhận vai trò
điềm chỉ viên nếu mối liên hệ của chúng tôi đặt trên căn bản tình bạn. Đương sự cũng
không từ chối việc lâu lâu nhậu nhẹt. Vì vậy trước ngày sinh nhật thứ 50 của y, tôi mời y
đến gặp gỡ tôi tại một biệt thự nhỏ ở Rauchfangswerder bên cạnh một cái hồ, cái hồ mà
chúng tôi đã dùng để dàn dựng cuộc du ngoạn malina một cách vô tích sự. Tại đây,
không ai dòm ngó chúng tôi, chúng tôi buổi trưa ngồi nhâm nhi ly rượu long lanh với đá
lạnh và, khi chiều về, một két bia. Tôi phải uống nhiều để bắt kịp anh bạn của tôi và báo
cho người phụ tá của tôi, có trách nhiệm đưa chúng tôi tới đây và trở về,và bảo đảm
chúng tôi không bị quấy rầy, phải tỉnh táo như một quan toà để khi chúng tôi đưa Freddy
trở về Tây Đức, ít nhất có một người trong chúng tôi biết rõ đường đi nước bước của ông
bạn.
Lúc này Freddy nói không ngững và thổ lộ hết những bực tức về tình trạng Mỹ Hoá của
Công Hoà Liên Bang Đức và chửi rủa thậm tệ các chính trị gia và bơi móc đời tư của
ngôi sao sáng đang lên tại Tây Bá Linh, Willy Brandt. Chúng tôi trở về thủ đô vừa đúng
trước 12 giờ đêm. Tôi kêu anh tài xế đầu xe khá xa và hai đứa chúng tôi chập choạng đi
ngang qua Công Viên Treptow đến gần cửa biên giới. Chúng tôi tiến gần đến tầm tai của
anh lính gác thì Freddy thình lình nổi hứng hát những bài cách mạng và hát to « Khi
chúng ta cùng nhau lên đường » và bài « Quốc Tế Ca ». Tôi tỉnh cơn say tức khắc, nói
Freddy im miệng với giọng không thân thiện và kêu anh tài xế đưa chúng tôi tới điểm
kiểm soát biên giới kế tiếp, nơi đây chúng tôi thả y xuống. Sau khi dặn dò y phải cúi đầu
và nói tối thiểu khi qua biên giới, tôi nấp trong bóng tối nhìn y đi qua biên giới.
Tôi hầu như đứng tim, vì y đã say đến giai đoạn bất chấp hậu quả những gì mình nói hay
mình làm. Mối lo sợ lớn nhất của tôi là một trong những cảnh sát bên phía Tây Đức sẽ
nhận ra hắn là một nhân vật nổi tiếng trong vùng và để ý hắn đi qua biên giới trong lúc
say tuý luý vào lúc giữa đêm – một vụ tai tiếng đủ để chấm dứt sự nghiệp mặc dù đương
sự không bị tình nghi làm gián điệp. Bóng dáng lảo đảo của đương sự tiến về hướng trạm
kiệm soát. Vào giờ phút chót, y quay ngược trở lại, vẫy tay hùng dũng và la lớn về phía
tôi : « Chúng ta sẽ uống cạn một ngàn ly với nhau, anh và tôi ! »
Tôi chửi thầm, nhưng không làm gì khác hơn được nữa. Những ngày sau đó, tôi lo âu rà
soát báo chí xem có âm hưởng gì không. Nhưng kẻ say sưa lại có trời độ và uy tín của
Freddy vẫn còn nguyên vẹn.
Đối với những nhân vật có tiếng tăm, việc tham dự những buổi họp bên Đông Đức qua
trung gian của chính quyền luôn luôn là một việc làm phiêu lưu. Freddy lần hồi xét lại ý
kiến của y đối với Willy Brandt và trở nên một cộng tác viên thân cận của ông thị trưởng
trẻ. Đương sự không thể mạo hiểm đến gặp gỡ chúng tôi một cách công khai, dù say hay
tỉnh táo. Chúng tôi bó buộc phải tìm ra một giải pháp mới và áp dụng một kế hoạch dàn
xếp tỉ mỉ và phức tạp để chúng tôi trao đổi quan điểm: Con đường thông quá của đồng
minh phải đi ngang qua lãnh thổ của Đông Đức để tới Bá Linh.
Chúng tôi ước tính phản gián Tây Đức kiểm soát chặt chẽ con đường này, cũng giống
như chúng tôi. Các sĩ quan kiểm soát ở cả hai phía ghi sổ ngày giờ mỗi chiếc xe đi vào và
đi ra khỏi xa lộ, hoặc ở bên Tây Bá Linh hoặc ở biên giới Tây Đức. Vận tốc bị giới hạn ở
100 cây số một giờ một cách triệt để, do đó thời gian phỏng định đi hết con đường có thể
tính ra khá chính xác, và không thể có khả năng ngừng lại để làm bất cứ chuyện gì ngoài
trừ việc trao đổi mau chóng những tài liệu.
Hơn nữa, cảnh sát lưu thông kiểm soát các trạm dừng và đặt máy quay phim trên những
tuyến đường ngoằn ngoèo. Tôi không thích cho cơ quan phản gián biết về những chi tiết
công tác của tôi, vì vậy tôi quyết định không làm thủ tục xin họ ngưng quan sát khi tôi
gặp gỡ điệp viên của tôi. Với sự đồng ý của Freddy, chúng tôi bày một phương kế hào
hứng và thoải mái để gặp nhau. Tôi hồi hộp chờ đón việc này, và cho dù tôi có kinh
nghiệm, một điệp viên vẫn luôn là một người phiêu lưu, và tôi vẫn thích thú sắn tay áo để
đôi lúc mạo hiểm. Chúng tôi đồng ý với nhau là Freddy sẽ rời Tây Bá Linh vào xế trưa để
khi chúng tôi gặp nhau trời đã chạng vạng. Y sắp xếp chuyến đi cho ăn khớp với buổi dạ
tiệc kinh doanh tại Bonn để phù hợp với nguỵ trang.
Trước khi y rời Tây Bá Linh, tôi rời Đông Bá Linh trên một chiếc xe Mercedès xanh
dương đậm với bảng số tỉnh Cologne và một anh tài xế với giấy tờ Tây Đức giả. Vì
không ai bên Tây Đức biết rõ mặt mũi của tôi, tôi không cần phải cải trang và tôi đơn
giản mặc y phục của một thương gia. Tại trạm xăng đầu tiên ngoài ô trên con đường
thông quá Bá Linh – Munich, tôi kêu anh tài xế ngưng xe để đổ xăng và uống một ly cà-
fê Đông Đức tại trạm xãng. Tôi ngôi ở đây chờ cho đến khi xe của Freddy đi ngang.
Việc này xem ra rất là thú vị. Các anh tài xê xe vận tải, nhìn lầm tưởng tôi là một người
phương Tây sau khi tôi tặng họ thuốc lá phương Tây, bắt đầu than phiền tình thế ở bên
Đông Đức. Đây là cơ hội hiếm có để nghe người bình dân thực sự nghĩ gì trong khi tôi
ngồi cao chót vót trên cấp bậc kỳ cựu của Đông Đức. Nếu họ biết họ đang trực tiếp than
phiền với một sĩ quan cao cấp của Stasi, họ sẽ hốt hoảng. Tôi nhớ một anh tài xế vận tải
chửi rủa những đặc quyền của giới lãnh đạo Đông Đức sau khi tôi bịa chuyện tôi là một
thương gia chào hàng dạo khá thành công xuất xứ từ vùng Ruhr. « Bọn đảng lại của
chúng có lẽ cũng sống thoải mái như ông, sự khác biệt là ông thực hiện được một việc gì
đó còn họ chẳng làm gì cả ». Markus Wolf chính hiệu cảm thấy hơi nhột vì lời nhận xét
này, nhưng tôi gật đầu đồng ý.
Khi Freddy đi ngang qua trặm dừng với vận tốc giới hạn 100 cây số một giờ, chúng tôi
móc một dấu hiệu đặc biệt cho phép chúng tôi, những giới chức cao cấp mà anh bạn tài
xế vừa mới chửi rủa, chạy nhanh hơn vận tốc ấn định. Chúng tôi chạy vào khoảng tốc độ
150 cây số/giờ, thời gian và khoảng cách đã tính sẵn để phù hợp với tốc độ xe của Freddy
chúng tôi đến một ngã rẽ trên xã lộ dành riêng cho xe vận tải gỗ rừng và cảnh sát. Chúng
tôi lái xe vào trong rừng để tránh tai mắt của những ống kính kiểm soát quay phim và
những tài xế khác. Lặng lẽ và nhanh nhẹn như thể xác đồ sộ của anh cho phép, Freddy
chui vào xe của tôi và tài xế của tôi chạy qua của anh. Cả hai xe đều lên đường chạy ra
khỏi nơi trốn, đèn tắt để tránh ống kính kiểm soát hoặc một đội tuần đi ngang. Chúng tôi
cảm thấy sung sướng khi chúng tôi biết rằng chúng tôi đã thành công trong trò chơi này.
« Việc này hay ho hơn cả chính trị » Freddy bâng quơ nói.
Có được giấy phép chạy nhanh cho phép chúng tôi có đủ thời gian để nói chuyện. Chạy
xe trên xa lộ, chúng tôi nói chuyện thoải mái và Freddy trao cho tôi một vài tài liệu. Tôi
cùng có cơ hội đưa ra một số chỉ thị hoàn toàn bí mật. Trước khi rẽ vào một lối ra xa lộ,
chúng tôi ngừng tại một trạm dừng xe trong bóng tối và chờ xe của Freddy (có tái xế của
tôi) đến. Freddy trở lại xe của mình. Điều phiền với mánh khoé này là chúng tôi không
phải là những người duy nhất khám phá ra nó. Với thời gian, các cơ quan phương Tây
cũng sử dụng nó và hàng chục những tổ chức giúp người Đông Đức giúp người trốn
trong những vận tải cũng dùng đến nó. Những ngõ ra xa lộ bất hợp pháp và các trạm xăng
trở thành trọng điểm kiểm soát của chính cơ quan phản gián của chúng tôi. Họ bắt đầu
xiết mỗi lúc một chặt chẽ hơn và tôi lo ngại một ngày nào đó các bạn đồng nghiệp trong
cơ quan phản gián sẽ khám phá một trong những cuộc gặp gỡ của tôi. Tôi phải duyệt xét
lại những quyết định trước đây của tôi và yêu cầu các ống kính kiểm soát được tắt trong
lúc chính tôi hoặc sĩ quan của tôi thi hành công tác với các điệp viên nước ngoài.
Việc này tiến hành một thời gian, nhưng tôi lo ngại tình báo Tây Đức đã khám phá ra
phương cách kiểm soát chúng tôi, vì vậy nếu các ống kính bị tắt trong vòng mười phút
hoặc hơn, điều này có nghĩa là một số hoạt động đáng nghi đang tiến hành và việc kiểm
soát biên giới trở nên gắt gao hơn. Tôi trở lại với phương pháp cũ và liều làm việc không
thông báo cơ quan phản gián. Vì tôi lanh lẹ và chuẩn mực nên tôi chưa hề bị hai bên bắt
gặp. Phương pháp này thành công không những với Freddy mà cả với một thông tín viên
chính trị ởBonn, một chính trị gia thuộc phe cấp tiên tên là William Borm. Đương sự
cung cấp tin tức trong quốc hộiBonn.
Freddy qua đời một vài năm sau, tim của đương sự không làm việc một vài ngày sau khi
chúng tôi gặp nhau trên xa lộ. Tôi đoán chừng thể lực của đương sự không theo kịp cuộc
sống chính trị sôi động, lối ăn uống vương giả và những cố gắng quá mức trong công tác
nguỵ trang với chúng tôi của đương sự. Đương sự say mê với những kích thích và cảm
giác đương sự đang tạo nên những ảnh hưởng đặc biệt. Với cương vị của một chủ nhân
ông, chúng tôi luôn luôn giành tiền hưu trí cho những người vợ của các điệp viên, mặc dù
là, trong trường hợp của Freddy, bà không được thông báo về việc làm của y. Bây giờ
chúng tôi nằm trong một vị thế khó xử phải phái một sĩ quan đến báo cho bà biết là bà có
quyền hưởng tiền hưu trí bởi vì chồng của bà đã làm việc cho Đông Đức. Tôi không rõ bà
ấy có nghi ngờ chồng mình không, nhưng bà tiếp nhận tin tức rất là bình thản. Có một
điều nghề nghiệp dạy tôi là đàn bà biết rõ về chồng mình nhiều hơn là các ông tưởng.
 
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức ( kỳ 11 đến kỳ 19 )

07/03/2012 at 8:55 chiều 1 Bình luận

Rate This

Markus Wolf                            


http://ethongluan.org/component/content/article/733.html
 “…dùng căn cước của những người đã chết trong trận bom tại Dresden để làm bình
phong cho các điệp viên định cư bên phương Tây, nhưng luôn luôn có cái rủi là một
người sống sót tình cờ xuất hiện và phá hỏng nguỵ trang của điệp viên…”
 Ngay sau khi Bức Tường được dựng, một vài dải đất biên giới nằm trong vùng thôn quê
vẫn còn dễ thâm nhập. Nhân cơ hội này tôi thúc đẩy các điệp viên khoa học và kỹ thuật,
có một vài người chưa được huấn luyện kỹ lưỡng, sang Công Hoà Liên Bang Đức, nhưng
chúng tôi mỗi lúc một khôn ngoan hơn trong việc giả mạo căn cước. Các giới chức
phương Tây bẳt đầu đòi hỏi chứng cớ căn cước và những chi tiết về đời tư. Việc sử dụng
các máy vi tính giúp cho họ kiểm soát tin tức dễ dàng hơn khi họ đem so với những hồ sơ
lưu trữ ở nơi khác hoặc do các cơ quan chính quyền lưu giữ.
Nhưng cùng lúc Tây Đức nhanh chóng tìm phương pháp kiểm soát những người xâm
nhập, chúng tôi tìm ra những phương pháp mới để đánh lừa họ. Đây là một cuộc chạy
đua tuyệt vời và nhiều hào hứng. Chúng tôi có lợi thế trong việc này, tôi lấy một ví dụ,
dùng căn cước của những người đã chết trong trận bom tại Dresden để làm bình phong
cho các điệp viên định cư bên phương Tây, nhưng luôn luôn có cái rủi là một người sống
sót tình cờ xuất hiện và phá hỏng nguỵ trang của điệp viên. Điều này mỗi lúc xảy ra
thường xuyên hơn vì hệ thống máy vi tính của phản gián Tây Đức được mở rộng và đào
sâu, vì vậy chúng tôi cuối cùng phải đình chỉ trò dựng xác chết dạy.
 Nhưng tôi cũng gặp khó khăn với chính phe của tôi. Họ tìm cách tập trung hồ sơ. Erich
Mielke, cấp trên của tôi trong chức Bộ Trưởng Công An, nhất quyết buộc tôi cung cấp
danh sách tập trung các điệp viên của tôi. Tôi dứt khoát từ chối. Sự giằng co này keo dài
mãi cho đến ngày tôi từ chức. Tôi hãnh diện nói rằng dưới sự chỉ đạo của tôi không có
một nơi nào trong cơ quan của tôi lưu trữ danh sách của tất cả những điệp viên. Tôi quyết
định không lưu giữ một thẻ hoặc đĩa vi tính nào ghi lại tất cả các chi tiết hoạt động của
chúng tôi. Trái lại, tôi khai triển một phương pháp qua đó danh tính của người cung cấp
tin chỉ có thể biết nếu ba trên năm chi tiết được tiết lộ. Để có thể tiếp tục tìm kiếm, mỗi
một chi tiết cần phải được kiểm chứng với chi tiết khác. Chúng tôi có những thẻ của hàng
trăm ngàn cá nhân, trong đó có rất nhiều tên của phương Tây, từ dân biểu Quốc Hội cho
đến những giám đốc kỹ nghệ, những thành viên của Uỷ Ban Kiểm Soát Đồng Minh.
Những danh thẻ riêng biệt của nhân viên chúng tôi được lưu giữ tại mỗi cục; một cục
quản lý nhiều nhất là từ sáu chục cho đến một trăm nguồn tin, điệp viên, giao liên, vân
vân. Mỗi một thẻ ghi bí danh, địa chỉ, vùng và số hồ sơ. Con số quy chiếu về một hồ sơ
chứa đựng tên thực của cá nhân điệp viên. Chồng thẻ nhỏ này trong mỗi cục thường được
một sĩ quan cao cấp cất giữ. Bất kỳ ai muốn tìm kiếm hồ sơ phải trình bày lý do cho sĩ
quan này, và nếu hồ sơ liên quan đến một gián điệp, người phụ trách đã có sẵn câu
chuyện nguỵ trang. Trong thời chiến hoặc những lúc căng thẳng, công việc của sĩ quan là
đem cất giấu hồ sơ của điệp viên ra khỏi bộ và đem về tổng tham mưu tạm thời của
chúng tôi.
Một người không thẩm quyền muốn xem những thẻ và hồ sơ này phải lặn lội qua một số
lượng khổng lồ giấy tờ để tìm ra hồ sơ thích hợp. Công tác tìm kiếm bí danh của một điệp
viên cho ăn khớp với tên thật của y chắc chắn sẽ gây chú ý, trái ngược với những gì sẽ
xảy ra nếu những hồ sơ này nằm trên đĩa vi tính. Tính cách vô bổ của công tác tìm kiếm
này không phiền hà tôi tí nào vì tôi và các sĩ quan cao cấp của tôi lưu giữ tên tuổi của
những điệp viên quan trọng nhất trong trí óc của chúng tôi. Từ đó trở đi, tôi dùng khuôn
mẫu màng nhện để nhận diện những mối giấy liên lạc giữa các hệ thống điệp viên tại Đức
thời hậu chiến. Tôi nhận thấy quả thật dễ dàng nhét những tên mới vào đầu tôi. Với
phương cách này, việc đem tản mác hồ sơ đem lại an toàn cho chúng tôi. Khi chúng tôi
gặp phản bội trong hàng ngũ, sĩ quan đào thoát chỉ biết những mối giây y điều khiển hoặc
là những tin đồn y nghe ngóng qua những lời bất cẩn – mặc dù chúng tôi nghiêm cấm
việc này, thường hay xảy ra trong những tổ chức rộng lớn.
Vào thập niên 1950, chúng tôi tiếp cận khá sâu sát với các gia đình quý tộc của Tây Đức.
Một vài người trong giới này cảm thấy họ có bổn phận làm nguôi đi mặc cảm tội lỗi của
giai cấp của họ vì họ đã không ngăn cản được việc Hitler lên nắm chính quyền. Một số
khác không đóng một vai trò nổi bật nào và đôi khi không được quyền sử dụng danh tước
của mình trong chế độ Cộng Hoà Liên Bang mới này. Nhiều người bị ông thủ tướng
Adenauer, một người bài bác chủ nghĩa quốc gia, ủng hộ Hoa kỳ, loại trừ ra khỏi chính
trường. Họ vẫn có một ước vọng mãnh liệt tham gia chính sự và nhiều người xem việc
cộng tác với chúng tôi như là một cố gắng ngoại giao bí mật. Tôi chứa gặp một ai tự nhận
mình là kẻ phản bội cả.
Tuy nhiên có một vài người bị Max Heim phản bội. Max Heim là giám đốc phụ trách
đánh phá đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Tây Đức, một phó cục của Cục 2. Đương
sự đào thoát hai năm trước khi Bức Tường sụp đổ, tiết lộ tình hình hiểu biết của chúng tôi
về các đảng lãnh đạo tại Bonn và chỉ đường cho cơ quan phản gián Tây Đức đến bắt
nhiều điệp viên của chúng tôi.
Trong số những người này có Wolfram von Hanstein. Nhờ vị thế xã hội cao ở phương
Tây, ông đã xây dựng được một số đường giây liên lạc hữu dụng. Cha của ông và ông nội
của ông là những giáo sư đại học và văn sĩ nổi tiếng, và Hanstein muốn tiếp tục truyền
thống gia đình của những người trí thức phong lưu. Trước thế chiến ông sống và có được
chút uy danh bằng nghề viết tiểu thuyết dã sử . Ông từ chối không nhập ngũ và sống ẩn
dật vào thời kỳ chiến tranh, ông được đưa vào trại giam của Xô Viết và tại đây ông trở
thành cộng sản. Ông định cư tạiDresdenvà cống hiến cuộc đời cho chủ nghĩa cộng sản.
Trước khi von Hanstein và vợ sang phương Tây do lời yêu cầu của chúng tôi, họ cống
hiến đất và biệt thự Dresden của họ cho nhà nước và sau đó giao cho Bộ Công An. Tại
Bonn, viễn kiến nhân bản và tên tuổi của gia đình ông giúp ông nhanh chóng bước lên
chức vị cao nhất trong giới vận động nhân quyền. Ông thân thiện với Heinrich Krone, bộ
trưởng đặc trách về vấn đề an ninh của Adenauer, và Ernst Lemmer, bộ trưởng thuộc
đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, trông coi về bang giao giữa hai nước Đức. Ông cũng
thông báo tường tận về những hoạt động của Văn Phòng Đông của đảng SPD và xâm
nhập nhiều tổ chức chống cộng. Ngay cả lúc bị giam giữ sáu năm trong tù, ông tiếp tục
chăm chỉ làm việc và bắt liên lạc được với các bạn tù sau này cho chúng tôi. Sau khi ông
được thả ra, von Hanstein xin được trở về Đông Đức, nơi đây ông qua đời năm 1965.
Một điệp viên khác bị Heim phản bội là Baron von Epp. Là một hậu duệ của một nhà quý
tộc đã hỗ trợ Hitler từ những ngày đầu của phong trào Quốc Xã, von Epp làm việc cho
chúng tôi để tìm cách chuộc lại mối nhục của gia đình. Khi ông bị bại lộ và bỏ tù, tôi thấy
tiếc việc ông ra đi, mặc dù tôi không lấy làm ngạc nhiên. Là một con bài bất kham, ông
công tước tiếp cận với cơ quan chúng tôi và tuyên bố sẵn sàng hoạt động khủng bố,
nhưng ông thất vọng vì chúng tôi nói chúng tôi cần những trợ giúp kín đáo và liên lỉ để
thu thập những tài liệu mật có tính hữu dụng.
Trước những ngày bầu cử năm 1969, chúng tôi phải đặc biệt theo dõi những thay đổi
trong phong cảnh chính trị tạiBonn. Trong cuộc bầu cử này đảng Dân Chủ Xã hội đạt kết
quả tốt đẹp nhất trong thời hậu chiến và chuẩn bị con đường đưa họ lên đỉnh cao của
quyền lực. Vào đúng lúc này, xuất hiện một trong những điệp viên quái đản nhất mà tôi
sung sướng gặp gỡ, tài phiệt Hannsheinz Porst. Tôi đã từng gặp nhiều cỡ trí thức ủng hộ
chủ nghĩa Cộng Sản vì tất cả mọi lý do, cao cả và tầm thường có, nhưng tôi chưa bao giờ
gặp một nhân vật có sức thuyết phục và lương thiên như ông, trong phong cách đặc biệt
của ông. Với dáng người bé nhỏ nhưng có uy lực, ông có phong cách của một doanh
nhân trẻ nhiều sinh lực. Điều đầu tiên tôi phải làm quen là trong khi nói chuyện chỉ có
một con mắt của ông nhìn tôi, con mắt kia đã bị hư hỏng vào ngày cuối chiến tranh vì
một quả lựu đạn nổ kề mặt ông.
Mối giấy liên lạc với Porst được kết là nhờ một người anh em họ của ông, một người tên
Karl Böhm. Cả hai người đều sinh trưởng tạiNuremberg, và vào lúc thiếu thời của Porst,
Böhm đóng vai trò người anh cả, người tâm sự và mẫu mực. Khi nhóm Quốc Xã nắm
chính quyền, Böhm bị bắt vì là đảng viên Cộng sản và bị kết án sáu năm tù trong trại tập
trungDachau. Cậu bé Porst không hiểu tại sao người thân thuộc đáng kính đã bị bắt đi và
mong người ấy trở về, mặc dù cha mẹ của cậu nói nhỏ cho cậu biết là đôi khi có người
không trở về từ các trại này.
Khi hạn tù chấm dứt, cha của Hannsheinz giao việc làm cho Karl trong một cửa hàng
chụp ảnh nhỏ. Đây là một bước can đảm của một người phi chính trị, nhưng ông có tiếng
là một người cần cù liêm chính. Nghề nhiếp ảnh phát triển vào thập niên 30, và khi chiến
tranh bùng nổ, ông bố của Porst đã gầy dựng nên một kinh doanh phồn thịnh nhờ chụp
hình những chàng thanh niên bảnh bao mặc quân phục, thường là tấm ảnh cuối cùng mà
vợ và gia đình của họ còn giữ lại.
Vì mang lý lịch của một đảng viên Cộng Sản, Böhm bị đưa vào sư đoàn trừng giới đáng
sợ. Quốc Xã Đức xem những người này như những tên lính không đáng tin cậy về mặt ý
thức hệ và đối xử thích nghi với họ bằng cách đẩy họ vào những công tác tự sát. Nhưng
Böhm vẫn sồng sót sau chiến tranh. Porst lúc đó làm sĩ quan phòng không ở đầu trận
tuyến. Và khi họ được đoàn tụ trở lại, họ quyết định thành lập một nhà xuất bản. Porst
sau này kể lại cho tôi « Karl nói về ý thức tuyệt đối để xây dựng một xã hội mới, an bình,
và trong không khí giả dối của những năm tiếp sau 1945, tôi rất sung sướng được nghe
một người nói lên điều này, một người đã từng đương đầu với bách hại, một người có
phong cách tri hành hợp nhất ».
Chiến tranh chấm dứt, Böhm tiếp tục công khai ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, và kết quả là
chính quyền Hoa Kỳ không cấp môn bài kinh doanh cho các anh em họ Böhm. Böhm tức
giận chạy sang Đông Đức và Porst ở lại Tây Đức. Porst tiếp tục làm việc với người cha
và tỏ ra là một doanh nhân trẻ tài giỏi, đứng đầu một công ty trên đà phát triển trong vòng
mười năm. Với cổ phần còn lại của công ty, ông mua máy in đặt ở ngoại ôNurembergvà
cuối cùng trở thành một nhà in lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất tại nước Tây Đức mới.
Böhm cũng tìm đường sinh sống, mặc dù nằm trong một thế giới khác với những giá trị
khác. Böhm đã thành công trong nghề xuất bản tại Đông Đức, một ngành dưới sự kiểm
soát của nhà nước do Bộ Văn Hoá quản lý. Böhm là giám đốc của Văn Phòng Văn Hoá
(Amt für Literatur). Văn phòng này che giấu cái gọi là trụ sở hợp pháp của cục tình báo
hải ngoại của tôi, trong đó gồm một đội từ một đến hai sĩ quan làm việc cho ngành xuất
bản của bộ. Tôi không rõ có phải là Böhm bắt liên lạc với Porst cho họ hoặc là theo như
tôi được biết lúc đó, mối giấy liên lạc chỉ là một sự tình cờ. Nhưng dù gì đi nữa, vào
những nửa thập niên 1950, hai điệp viên nguỵ trang gặp gỡ anh thanh niên chủ nhân kinh
doanh tại phiên chợ Leipzig và thấy anh ta có cảm tình với mối lo âu của phía Đông Đức
với việc tái vũ trang của Tây Đức. Chúng tôi tiếp cận với Porst và chúng tôi yêu cầu
đương sự gia nhập đảng Đoàn Kết Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Adenauer và thông báo
cho chúng tôi về những sinh hoạt của đảng này.
Đây là một bước quá xa đối với một nhà kinh doanh có đầu óc độc lập. Anh ta thu xếp để
gặp người anh họ và cho biết anh ta rất sung sướng giúp Đông Đức biết về đường lối
chính trị của Tây Đức, nhưng anh ta không thể là con cờ của họ. May mắn thay tôi ghé
thăm Böhm vào mùa hè nắm đó tại Karlsbad, một trung tâm suối kháng của Tiệp, tại đây
Böhm đến chữa trị bệnh cao huyết áp. « Em họ của tôi có tính khí độc lập» Böhm nói với
tôi. « Nó không chịu ai dạy bảo hoặc bị sai khiến. Nhưng nó muốn nói chuyện về bối
cảnh chính trị của hai nước Đức. Tại sao ông không liên lạc trực tiếp với nó ?».
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Porst là ở nhà nghỉ mát cuối tuần Böhm nằm ở ngoại ô Đông
Bá Linh. Porst không ngừng chỉ trích Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Khi tôi cố gắng phản
kháng rằng phần lớn những thái quá của chúng tôi là do phản ứng chống lại những mối
đe doạ của phương Tây, đương sự lắc đầu giống như một chuyên viên tham vấn về quản
lý đang xem xét một cơ xưởng không được quan lý tốt và nói với tôi rằng những vấn đề
của chúng tôi phần lớn là do chúng tôi tự tạo ra, khởi sự là việc đối xử bất nhã đối với du
khách tại biên giới và kết thúc với tệ quan liệu hành chánh và tính chất không hiệu năng
đang gây xáo trộn trong nền kinh tế của chúng tôi. « Cứ nhìn các cửa hàng quốc doanh
tồi tệ của nhà nước, » đương sự lắp bắp nói.  « Nếu tôi điều khiển chúng, chúng sẽ trở
nên hấp dẫn và tạo lợi nhuận giống như những cửa hàng chụp ảnh của tôi ở nhà».
Lúc đó, tôi vẫn còn nhạy cảm đối với những lời phê bình như vậy, vì tôi bị vây hãm trong
não trạng phải nhìn những khía cạnh tốt của phe xã hội chủ nghĩa. Tôi bực tức ngồi nghe
liệt kê danh sách những thất bại được trưng bày giống như làm kinh doanh. Nhưng có
một vài điểm tôi phải công nhận, chẳng hạn như sự trì độn khủng khiếp và tính cách một
chiều của giới truyền thông chúng tôi.
Mặc dù hiểu biết về những khuyết điểm của Đông Đức, Porst tin rằng hệ thống xã hội
chủ nghĩa ở đây, đặc biệt về hệ thống an sinh xã hội và truyền thống chống phát-xít, biểu
trưng cho một đường lối đáng tin cậy khác với chủ nghĩa tư bản của Tây Đức. Một trong
những chỉ dấu tinh tế và khuynh hướng chính trị của ông là phương thức ông khai triển
để chia sẻ quyền sở hữu cơ xưởng với nhân viên của ông. Giống như nhiều điệp viên kinh
doanh của chúng tôi, Porst luôn luôn tìm cách khai triển sáng kiến của mình. Ông có thể
xoay tức khắc từ những phân tích cứng rắn trong quyết định nhập cảng những máy chụp
hình và các sản phẩm điện tử của Nhật Bản vào Tây Đức – phương cách này đã giúp cho
ông trở thành triệu phú – sang viễn kiến lãng mạn của một nước Châu Âu công bình và
xã hội hơn.
Tôi sửng sốt vì những chi tiết trong công trình của ông và tôi hăm hở muốn biết thêm về
thế giới của đại tư bản, một chủ nghĩa chúng tôi lên án những chúng tôi chưa thực sự hiểu
rõ. Mặt khác ông lại muốn bàn về lý thuyết của Mác. Có lẽ tôi muốn trở thành một tay tư
bản để thoát khỏi con người xã hội chủ nghĩa của tôi. Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi trở
thành một mối hợp tác vượt lên trên những chi tiết tình báo.
Ông nói ông không thích gia nhập đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vì họ có đầu óc quân
binh và tôn thờ những giá trị người Phổ. Họ làm cho ông liên tưởng đến đàng bảo thủ
Trung Tâm Công Giáo tiền chiến. Đảng này tỏ ra vô hiệu khi đối đầu với mối đe doạ của
Hitler. Trái lại, ông tham gia đảng Dân Chủ Tự do, một nơi trú ngụ chính trị tự nhiên của
các nhà kinh doanh. Nhờ vào những mối liên hệ chặt chẽ với đảng trung hoà hậu chiến
này, ông có khả năng thăm dò những nhân vật lãnh đạo như Walter Scheel, sau này trở
thành tổng thống của Tây Đức, và cấp lãnh đạo của Dân Chủ Tự Do, Erich Mende.
Mende không biết Porst là một điệp viên nhưng biết ông có liên hệ với Cộng Hoà Nhân
Dân Đức. Có một số nhân vật tiếng tăm vạch một lằn ranh mỏng giữa lời nói và việc
cộng tác với một thế lực ngoại bang.
Khi ông già Adenauer cuối cùng bắt buộc phải từ chức năm 1963, người kế vị, ông
Ludwig Erhard, mời ông Mende gia nhập chính phủ. Ông Mende, một người chủ xướng
tự do, không muốn đưa đảng của mình vào một liên minh với một chính quyền thủ cựu,
nhưng tôi nhận biết ông Mende có cảm tình với ý nghĩ hoà hợp và yêu cầu Porst thuyết
phục bạn của mình gia nhập chính phủ. Cuối cùng Mende trở thành bộ trưởng Bộ Nội Vụ
Tây Đức, một vị thế từ đó chúng tôi có thể tạo ảnh hưởng.
Chúng tôi không bao giờ tiếp cận với một bộ trưởng và ngu si đề nghi ông ấy trở thành
nguồn tin cho chúng tôi. Nhưng bao lâu ông ấy bàn chuyện với những người bạn cũ và
các đồng nghiệp, và những người này báo cáo cho chúng tôi, chúng tôi không dùng
phương pháp này. Chúng tôi đặt một bí danh cho Mende là Elk. Những trường hợp như
vậy khi một nhân vật có tiếng tăm lại có bí danh trong một hồ sơ ghi lại những quan điểm
của mình, gây nên xáo trộn sau khi Đông Đức xụp đổ. Người ta cho rằng một tấm thẻ
trong hồ sơ của chúng tôi có nghĩa là đối tượng đã ký kết hợp tác với chúng tôi. Nhưng
chúng tôi hài lòng với rất nhiều người ở vị trị trung hoà xám không cần phải buộc họ đi
quá xa, để cho họ vẫn trung thành với quốc gia của họ và xa lánh chúng tôi.
 Khi chúng tôi quyết định săn lùng những thông tin có thể gây nguy hại về quá khứ của
Bộ Trưởng Ngoại Giao Hans-Dietrich Genscher, chúng tôi đặt cho ông bí danh là Tulip.
Ông ta hết sức khó chịu khám phá sự việc này sau năm 1989. Ông đặc biết rất cẩn thận
trong những mối liên lạc của ông bởi vì ông sinh trưởng ở Halle, thuộc Đống Đức, và ông
biết rõ phương pháp của chúng tôi và đoán chừng chúng tôi chú ý rất kỹ đến ông . Lẽ cố
nhiên chúng bới tìm quá khứ của ông, đọc tất cả các thơ ông viết cho ban bè cũ và gia
đình tạiHalle và chúng tôi theo dõi ông khi ông viếng thăm. Có những vấn đề về mối
quan hệ của ông Genscher với chính quyền Xô Viết trong thời gian ông còn là sinh viên
tạiHalle và chúng tôi điều tra rất kỹ việc này. Và tôi có thể khẳng định là ông Genscher
không có gì phải che dấu về thời quá khứ niên thiếu của ông.
Sau khi gia nhập đảng Dân Chủ Tự Do theo lời yêu cầu của chúng tôi, Porst có một thỉnh
nguyện bất thường. Ông muốn trở thành đảng viên của đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ
Nghĩa của chúng tôi. Điều này thật mới lạ đối với tôi. Tôi tham khảo các đồng chí biết rõ
về quy chế nội bộ đảng. Họ nói, theo thủ túc triệt để, không một ai có thể trở thành đảng
viên nếu không là công dân của Đông Đức. Ngay cả chi nhánh Tây Đức của đảng chúng
tôi cũng được đăng ký là một tổ chức biệt lập, đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa tại
Tây Bá Linh.
Nhưng tôi phản đối là chúng ta khó có thể từ chối tư cách đảng viên của một người làm
việc cho chúng ta tại Tây Đức và sau đó có đặc cách. Sau hai năm dự bị đảng viên, thời
gian để các thành viên trẻ chứng minh tinh thần trưởng thành và trách nhiệm của mình,
nhà kinh doanh của chúng tôi được chấp nhận là đảng viên chính thức, người triệu phú
đầu tiên và cũng là người triệu phú cuối cùng trong hàng ngũ của chúng tôi. Chúng tôi
đưa cho ông xem quyển sổ đảng viên nhỏ màu đỏ, nhưng chúng tôi cất giữ nó kỹ trong tủ
sắt kín tại Đông Bá Linh. Ông có vẻ hơi thất vộng vì chuyện này, nhưng chúng tôi không
bao giờ để lọt một tài liệu như vậy ra ngoài khi người sở hữu đang làm việc ở hải ngoại. «
Anh không thể nào mang thẻ này theo anh được, » tôi an ủi ông ta. « Anh thử tượng điều
gì sẽ xảy ra nếu anh đánh rơi nó và cảnh sát khám phá nhà tài phiệt Hannsheinz Porst là
một tay cộng sảng Đông Đức !».
Đường giây liên lạc của Porst trong giới kinh doanh và chính trị đối với chúng tôi quá ư
quan trọng nên chúng tôi quyết gởi đi một sĩ quan liên lạc để cho việc chuyển giao báo
cáo của ông được dễ dàng. Ông không nghĩ ông là gián điệp và vì vậy không thể có
chuyện huấn luyện đượng sự theo kiểu lén lút. Một sĩ quan bí danh Optic được đặc phái
đến phụ giúp ông với một ly lịch giả và một câu chuyện nguỵ trang là sĩ quan này đã vượt
biên giới Đông Đức. Optic trở thành giáo viên riêng cho con cái của Porst, để tạo cớ cho
sĩ quan có mặt trong gia đình. Nhưng Optic không phải là chỉ làm liên lạc viên mà thôi,
đương sự cộng thêm vào với các báo cáo của Porst những đường giây liên lạc
tạiBonncũng như trong Viện Kỹ Nghê Tây Đức và nhiều hiệp hội các nhà kinh doanh
khác. Tổ chức phát triển cho đến khi chúng tôi phải bổ nhiệm thêm một nhân viên nằm
vùng khác mang bí danh Eisert để hỗ trợ cho Porst và Optic.
Những mối lo ngại đầu tiên về Porst xuất hiện vào đầu thập niên 60, khi tôi khám phá
đương sự chia sẻ những bí mật hoạt động của mình cho thư ký riêng của ông, Peter
Neumann. Tôi ngờ lỗi lầm này là do bản tính đặc biệt vừa ngây ngô vừa kiêu hãnh của
Porst. Với tư cách là một nhà kinh doanh có ngàn nhân viên, có nhiều biệt thự và một
chiếc phi cơ riêng, đương sự nghĩ là cuộc sống sẽ thoải mái và đội ngũ cộng tác trung
thành tuyệt đối với mình. Nhưng đương sự lầm to.
 Tuy nhiên, vào lúc này, mọi việc đều trôi chảy. Porst và tôi bỏ hàng giờ để bàn bạc về
phương cách thúc đẩy kỹ nghệ và thương mại giữa hai khối Tây và Đông Đức để đánh
bại chủ thuyết Hallstein của chính quyềnBonn. Chủ thuyết này không công nhận một
quốc gia thứ ba khác nếu quốc gia này công nhận Đông Đức, ép buộc quốc gia này phải
lựa chọn và ngăn cản những quốc gia khác công nhận Đông Đức trừ các nước theo khối
Liên Bang Xô Viết. Theo một chiều hướng nào đó, những mối giây liên lạc với những
người như Porst cho phép chúng tôi có được một mối liên hệ ngoại giao với phương Tây,
mặc dù nó nằm trên bình diện nguỵ trang.
 Porst có bàn tới việc lập một nguyệt san để đề xướng tính cách hoà hoãn trong mối bang
giao giữa hai nước Đức vào lúc giới truyền thông Tây Đức cực lực chống đối. Tôi hoài
nghi một tờ báo ngoài luồng có thể đảo ngược tình thế, nhưng tôi ngạc nhiên khi biết ông
đã tìm cách lập một đài truyền hình và một phụ trang báo giấy cho đài phát thanh tên là
RTV để làm nền tảng cho một tập san có tầm ảnh hưởng chính trị lớn hơn.
Nhưng rồi năm 1967 tai hoạ xảy đến. Porst bị Neumann phản bội và chúng tôi bị chấn
động mạnh vì tang chứng không ai khác hơn là Optic, nhân viên của chúng tôi. Anh này
để tự cứu lấy mạng sống đã tố cáo Porst.
Sau khi bị bắt, Porst tiếp tục khẳng định sự hợp tác của ông ta với cơ quan của tôi không
mang tính chất phản bội. Ông tuyên bố :
Đúng tôi là một triệu phú theo Mác. Tôi đã từng là đảng viên của Đảng Dân Chủ Tự do
của Đức và Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa của Đức. Tôi cung cấp tiền bạc cho
Đảng Dân Chủ Tự Do để họ vận động tranh cử và đồng thời tôi đóng góp phần liễm của
tôi cho Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa.Tôi sống tại đây và tôi bàn luận chính trị ở
nơi khác. Có sự mâu thuẫn nào không?
 Tôi xin thưa là không.
Không may, chánh án biện lý không chấp nhận lô-gíc của ông và toà đã kết án hai năm,
chín tháng tù ở. Phong cách của Porst không hề suy xuyển trong suốt phiên toà. Được hỏi
về những liên hệ với tôi, ông trả lời toà :
 Tướng Markus Johannes Wolf… tôi xem ông như một người bạn, mặc dù ông ông ấy dè
dặt. Ông không tự hạn chế trong việc trao đổi ý kiến, ngay cả khi những ý kiến này không
nằm trong sự chỉ đạo của chính quyền. Ông cùng thể cách với tôi, ông ăn mặc chỉnh tề và
không thiếu tính hài hước. Tôi phải nói là họ không như ông ta.
Cách mô tả này về tôi đã xuất hiện hàng nhiều năm trên tất cả báo chí, đính kèm với hình
ảnh của một người đàn ông nhã nhặn chắc chắn không phải là tôi. Tôi không hề biết
đương sự là ai, nhưng tôi đoán chừng vì họ không có hình của tôi nên họ tự sáng chế.
Lẽ cố nhiên thời nay, tại Đông Đức cũ, các đèn màu của các cửa hàng ảnh Porst tiếp tục
nhấp nháy tại các trung tâm thành phố cũng trên khắp nước Đức. Do đó cuối cùng anh
bạn của tôi thực hiện được ước nguyện của mình, thấy được cơ cấu thị trường gây lợi
nhuận và có hiệu năng ở phía Đông. Điều đáng buồn và bạc bẽo của cuộc sống của hai
chúng tôi là để thực hiện được điều này là hệ thống mà một phần nửa tâm hồn của Porst
và tất cả tâm hồn của tôi tin tưởng vào phải sụp đổ.
*
 Việc đóng cửa biên giới có nghĩa là phương pháp của cơ quan chúng tôi chắc chắn trở
nên khó khăn hơn và không may lại tốn kém hơn. Việc liên lạc với các nguồn tin, việc
chuyên chở nhân viên, việc chuẩn bị những gặp gỡ mới, tất cả đòi hỏi phải có tiền bạc
mặt và thời buổi này càng lúc càng khó kiếm. Tôi cũng cần tiền mặt để mua phụ tùng hỗ
trợ kỹ thuật cho nhân viên, máy nghe lén, máy khuếch đại làn sóng cao tần đài phát
thanh, máy giải mã và những dụng cụ khác chúng tôi thua kém xa Hoa Kỳ và Tây Đức.
Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là được một bộ phận mới nhất của một dụng cụ và cố
gắng sao chép lại với giá rẻ. Hầu hết các dụng cụ này đều nằm trong danh sách các món
hàng cấm xuất cảng sang khối Đông Âu, vì vậy chúng tôi phải tìm người để thu mua
những dụng cụ này mà không bị phát hiện. Tôi cũng cần tiền mặt để trả cho các nhân
viên ở phương Tây và giữ mối liên lạc với các nguồn tin có tiềm năng. Tôi không dè sẻn
trong việc này. Người phương Tây thích được một cơ quan tình báo vuốt ve, càng tiếp
đón hoang phí chừng nào, cơ may họ cảm thấy được tân bốc và việc hợp tác càng cao.
Nếu một trong những nhân viên của tôi ở Tây Đức đã xoay sở để tiếp cận với một nhân
vật chính trị, ngoại giao hoặc kinh doanh tại Bonn và mời người này đi uống nước hoặc
đi ăn, nhân viên này muốn một quán ăn sang trọng – không quá lộ liệu hoặc quá thời
trang, nhưng là một nơi có tiếng biểu hiện tiền tài cho khách sành điệu. Rượu cũng là một
yếu tố quan trọng. Tất cả những người phương Tây có địa vị và có ý nghĩ cung cấp bí mật
cho chúng tôi phải cảm thấy là họ đang nói chuyện với một cơ sở đáng tin cậy và có
nguồn tài trợ lớn. Tôi chẳng bao giờ nghĩ phải làm việc trong sự eo hẹp như các đồng
nghiệp Xô Viết của tôi, vì tính chất bủn xỉn tiền bạc của họ ai cũng biết và phong cách
của họ để lộ tầm nhìn giới hạn của họ.
Trong những ngày đầu, việc thu nhập tiền mặt để chi phí cho những nhu cầu trên chưa
được tổ chức có hệ thống. Nhưng khi tổ chức phát triển và những công tác cũng được xúc
tiến và đồng thời Bức Tường được dựng, chúng tôi cần tiền mặt nhiều hơn nữa. Vì nhu
cầu này nên tôi biết đến ông phù thuỷ tài chánh của Đông Đức Alexander Schalck-
Golodkowski. Shalck hay là Alex, như mọi người được biết, là một người to lớn với
chiếc cằm bạnh, ngực to rộng và tiếng nói oang oang. Tôi gặp ông ta vào giữa thập niên
1960 do lời giới thiệu của một giám đốc trong cơ quan tôi, tướng Hans Fruck, người đã
từng là Giám đốc của ngành công an rộng lớn Đông Bá Linh của Bộ Công An. Tại đây
ông đã tiếp xúc với nhà kinh doanh Đông Bá Linh Simon Goldenberg và Michael
Wischniewski. Trái với lời đồn đãi ở phương Tây, các nhà kinh doanh tư nhân hiện diện
trong khối Đông, nhưng họ chiếm một vị trí ẩn khuất trong xã hội và tất cả những hoạt
động của họ bị nhà nước kiểm soát cẩn thận, và vì vậy cuối cùng, phần đông các cơ sở
này được đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Công An.
Alexander Schalck- Golodkowski và Franz Josef Strauss
 Nhu cầu về tiền mặt của nước DCCH Đức bao giờ cũng lớn hơn lợi tức thu vào của
ngành xuất khẩu khiêm tốn của họ. Goldenberg và Wischniewski dàn xếp để chia sẻ lợi
nhuận với nhà nước bù lại họ được phép tự do buôn bán hàng hoá và dự trữ. Schalk với
tư cách là một giới chức nhiều tham vọng trong Bộ Liên Đức và Ngoại Thương đã ký kết
thoả thuận này. Tiền được chuyển qua trung gian của Schalk cho Uỷ Ban Trung Ương
Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa và được dùng một phần để tài trợ một vài nhóm tại
Tây Đức và các nước khác. Nhưng Schalk là một chuyên gia giỏi nên đương sự không
ngừng tại đây. Kể từ cuối thập niên 1960 trở đi, khi Tây Đức và Đông Đức bắt đầu xích
lại gần nhau, giới lãnh đạo tách rời phần bộ này ra khỏi cơ quan ngoại thương và tạo
dựng một tổ chức mới được nguỵ trang và do Schalk điều khiển. Mục đích thật đơn giản:
đem tiền mặt về cho CHDC Đức bằng hầu hết mọi phương cách.
Chúng tôi cần một con thoi đi lại biết rõ thị trường phương Tây, biết những thủ tục của
những nhà băng và những quy tắc không thành văn của họ, và Schalk là một thí sinh toàn
hảo. Đương sự được sự tự trị nhưng xét ra không được độc lập. Các thương gia và các
cấp lãnh đạo phương Tây tiếp cận với đương sự không biết Schalk là một đại tá của Bộ
Công An và chủ nhân thực sự của y là Mielke. Schalk cũng báo cáo trực tiếp cho Erich
Honecker, người lãnh đạo đảng kế vị Ulbricht và Günter Mittag, một uỷ viên trong bộ
chính trị phụ trách về kinh tế. Chức vụ của Schalk là « sĩ quan đặc vụ », và nhờ mối liên
hệ mật thiết với Cục Khoa Học và Kỹ Thuật của HVA (Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại),
đương sự có khả năng lấy được những dụng cụ vi tính và hàng hoá siêu kỹ thuật bị cấm
vận. Cơ quan của tôi giúp Schalk xem xét những nhà cung cấp phương Tây nào sẵn sàng
bán cho phương Đông. Giới kỹ nghệ và quân sự chúng tôi sẵn sàng trả giá gấp đôi giá cả
hiện hành.
Schalk đặt tên cho văn phòng của mình là Kommerziale Koordination (Phối Họp Thương
Mại) gọi tắt là Koko. Đây là một phương cách thận trọng để tạo nên bề thế và đồng thời
tạo nên hình ảnh năng động và tân tiến đối với người phương Tây. Tổ chức này phát triển
nhanh chóng dưới sự quản lý của Schalk – trên thực tế Schalk được mọi người biết đến
dưới biệt hiệu Devisenbeschaffer – « người kiếm ra tiến »
Nguồn tài chánh dồi dào nhất đến từ những cuộc thương thuyết bí mật giữa nước CHDC
Đức và chính phủ Tây Đức và các giáo hội lớn tại đây. Con tính vô cảm và đơn giản:
chúng tôi buôn bán người đổi lấy hàng hoá mà chúng tôi có thể dùng hoặc bán lại để lấy
tiền mặt. Vào khoảng giữa những năm 1964 và 1990 nước CHDC Đức đã thả hơn 33.000
tù binh chính trị và hơn 215.000 công dân để họ đoàn tụ gia đình và nhận tiền của Tây
Đức hơn 3,4 tỷ Đức Mã. Schalk quản lý phần lớn số tiền này
Cho đến năm 1989, hành tung của Schalk và sự hiện diện của Koko là một bí mật đối với
những ai nằm ngoài thế giới khép kín của giới tài chánh cao cấp của Tây Đức, và đương
nhiên đối với dân chúng Đông Đức. Những dịch vụ cá biệt của tôi với Schalk thường
diễn ra tại hội chợ Leipzig, nơi này là một cơ hội bằng vàng cho tôi để tìm những người
có tiềm năng trở thành điệp viên mới trong giới kinh doanh Tây Đức. Tướng Hans Fruck,
phụ tá của tôi, phụ trách về tất cả công tác An Ninh trong lúc hội chợ. Tất cả màn kịch
này giống như một trò chơi đến độ Fruck, phản lại mọi quy tắc tình báo, trở thành một vị
khách quý tại khách sạn cổ kính Astoria và mỗi tối ngồi ở cuối bàn ăn, có những nhà kinh
doanh Đông Đức và các đại diện thương mại ngoại quốc, trong số đó có Schalk, bao
quanh đương sự.
Tất cả các Cục trong Bộ Công An đều muốn nắm bắt Schalk để học hỏi và nhất là để lấy
được dụng cụ và tiền bạc. Trong công việc này, có nhiều kẽ hở dễ thất thoát tài chánh vì
kế toán cẩu thả. Năm 1982, Mielke và Schalk đều đồng ý phải xiết chặt kiểm soát những
dịch vụ giữa Bộ Công An và Koko. Tất cả các dịch vụ của các ngành trong Bộ thay vì đi
trực tiếp với các hãng phương Tây theo lời dặn của Schalk nay phải qua văn phòng của
Schalk. Mỗi năm một lần đều có một cuộc họp với sự có mặt của Schalk, của người phụ
tá, Manfred Seidel, của Werner Grossman và tôi để hoạch địch kế hoạch cho năm tới. Tôi
có ngân quỹ vào khoảng một triệu Đức Mã trích từ quý đặc biệt của Koko – ít hơn 10%
chi phí tiền mặt hàng năm của chúng tôi. Phấn còn lại là do ngân quỹ Nhà Nước.
Bộ Công An cũng dùng hàng chục hãng bình phong mà Schalk đã thiết lập để che đậy
mọi việc buôn bán từ việc nhập cảng xe hơi cho đến việc chuyên chở lén lút những mỹ
thuật của nhà nước bán cho những con buôn phương Tây để bù đắp ngân quỹ thâm thủng
của chúng tôi. Ngân quỹ trung ương của bộ chúng tôi tài trợ cho những công tác kỹ thuật
– làm giấy thông hành giả, điều hành những phòng thực nghiệm đặc biệt về phim ảnh và
những vấn đề tương tự – trong khi đó những công ty này cung cấp cho chúng tôi những
hàng hoá bị cấm vận chẳng hạn như những chất hoá học và những dụng cụ vi điện tử.
Schalk có thể cung cấp xe hơi, đầu máy vidéo, vật dụng và những hàng xa xỉ khác.
Tôi không thân thiết với Schalk, nhưng chúng tôi chúng tôi có gặp nhau một lần ở bờ
biển Hắc Hải, nơi đây cả hai chúng tôi đã ghi danh để nghỉ hè. Tôi ấn tượng với sự bén
nhậy của ông và phong cách ông hoán chuyển từ một công chức trong ngành thương mại
của Đông Đức để trở thành một nhân vật hoạt bát đứng lên trên những cãi cọ ý thức hệ.
Ông xem sự xung đột giữa Đông và Tây như là một ngăn trở không đáng kể trong việc
điều hành kinh doanh, một điều mà ông yêu thích. Nhưng ông biết dùng người, bất kể
những thâm tín của họ. Ông là một người khôn ngoan và lạnh lùng.
Đến năm 1983, ảnh hưởng của Schalk quan trọng đến độ ông được Honecker và Mielke
giao phó cho một trong những nhiệm vụ nhạy cảm nhất về tài chành : giúp cho nền tài
chánh không bị phá sản. Ông thương lượng tiền vay một tỉ Đức Mã để nhà nước Đông
Đức đặc biệt cho các nhà băng Tây Đức vay. Honecker, nhất quyết muốn mua chuộc lòng
dân, đã cho nhập cảng một số lượng gia tăng thực phẩm và đã chi phi một số tiền lớn cho
chương trình xây dựng nhà cửa và sổ sách kế toán không thể quân bình được. Nhờ trung
gian của anh em März , người gốc Bavaria chuyên bán sỉ thịt bò xuất xứ từ Đông Đức (họ
sản xuất những miếng thịt lườn rất khó kiếm ở nước chúng tôi, mặc dù mức sản xuất thịt
bò cao), Franz-Jozef Strauss hỗ trợ số tiền vay này, bù lại những cải tiến trong việc du
lịch của người Đức muốn thăm gia đình bên Đông Đức. Schalk và Strauss trở thành
những người tín cậy về mặt chính trị và tạo nên những lời đồn đãi ở cấp cao, và Schalk
báo cáo trở về cho Bộ Công An. Nhìn vào những số tiền vay đa phương, việc xuất khẩu
thịt, những điều kiện để qua biên giới và việc công nhận thể chế có lợi nhiều hơn là có
hại, tôi nghĩ là như vậy. Nhưng tôi cũng nghi ngờ có một số cá nhân làm giàu theo những
phương pháp không phù hợp triệt để với luật lệ.
Sau khi nước Đức thống nhất, các toà án Đức đã phí công bỏ mất nhiều năm để xét xem
những hoạt động này có hợp pháp không. Có vài người chỉ trích Strauss đã hỗ trợ cho
việc vay tiền vì việc này chỉ giúp cho Đông Đức tiếp tục tồn tại. Nhưng cuối cùng kết số
phá sản về mặt chính trị, kinh tế và nhân sự đã giết chết quốc gia này, chứ không phải là
do những kẻ thù tài chánh.
Nhìn lại quá khứ, tôi thường tự hỏi có thể nào sự việc có thể khác đi được không. Tôi
quyết đoán Đông Đức không thể nào tồn tại dưới hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa mãi
sau năm 1961 nếu biên giới không khép kín. Áp lực kinh tế, cộng thêm với sự bất ổn nội
tại vì chỉ còn là một phần nửa nước Đức (và theo truyền thống là một phần nửa nghèo
nhất) xem ra quá sức chịu đựng. Nhưng mầm mống của sự thoái hoá của nước Đức chia
đôi bắt đầu xuất hiện khi biên giới được củng cố và bức tường bê-tông được dựng lên dọc
theo đường chia cắt. Cắt đứt sự tiếp cận với phần hấp dẫn của nước Đức bên kia là một
giải pháp thô bạo và hữu hiệu, nhưng đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn đó là
một tai hoạ. Nay tôi thấy trong chiến dịch chống Đông Đức mỗi lúc một mạnh thêm và có
tính thuyết phục vì biểu tượng sừng sững của Bức Tường, một trong những lý do quyết
định kết quả của Chiến Tranh lạnh. Không có một chuyên gia nào bên phiá chúng tôi
trong hoạch định, kể cả ngành ngoại giao hoặc những nghệ thuật đen tối của ngành điệp
báo có thể phòng đoán được chuyện này.
(Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 12 (Markus Wolf)                      
“…Họ dọn nhà về chúng sống với nhau, nhưng vấn đề hôn nhân không thể có được vì bất
cứ điệp viên của nào của chúng tôi cũng đều mang căn cước giả, thường là mượn từ
những công dân đã chết hoặc di cư…”
Chương 8 (phần 1)
Làm Gián Điệp Vì Tình
Liên kết tình tự và điệp vụ không phải là một sáng chế của tôi. Từ thuở xa xưa, các cơ
quan an ninh đã dùng trò chơi cặp lứa này để gần gũi với những nhân vật đáng chú ý.
Nhưng nếu tên tuổi của tôi đi vào lich sử gián điệp, có thể là tôi làm hoàn hảo thêm việc
dùng phái tính để thi hành điệp vụ. Những anh chàng Romeo điệp viên của tôi có danh
tiếng khắp thế giới trong việc thu hút trái tim của phụ nữ để thu thập những bí mật quốc
gia và chính trị mà những mục tiêu của họ có quyền tiếp cận. Khi mới bắt đầu, tôi không
trông mong sẽ thu thập được thành quả. Về phần tôi, đó là một dụng cụ trong nhiều dụng
cụ khác của một cơ quan tình báo thiếu tài chánh và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, những
tiền lệ lịch sử xem ra rất đáng khích lệ.
Trong quyển thánh kinh thứ tư của Moi-sen, chúng ta được biết Thượng Đế ra lệnh cho
Moi-sen phái người đi đến vùngCanaanvà thu thập tin tức về. Mười hai người được chọn,
một người trong mỗi một bộ tộc, và một người mang tên giả – Joshua, tên thật là Hosea,
con của Noon – hoàn toàn phù hợp với phương pháp làm việc của các cơ quan tình báo.
Sau khi thu thập những tin tức về những người khổng lồ ở Canaan và chính sách nông
nghiệp của xứ sở đầy sữa và mật này, họ đốn một gốc nho sai trái đến độ hai người trong
nhóm điệp viên phải dùng đòn gánh để khiêng về. Khi Joshua kế vị Moi-sen, hai trong số
những phái viên đi đếnJerichongủ đêm tại nhà của Rahab, một người đàn bà nhẹ nết. Do
đó hai nghề xưa nhất trên thế giới lần đầu tiên gặp nhau. Các thuộc hạ phản gián của Vua
của thànhJerichobáo cho ông biết là có hai kẻ lạ ngủ đêm tại nhà Rahab. Khi Rahab biết
được các vệ binh đạo đức sắp đến nhà, cô giấu những anh gián điệp lên trên nóc nhà và
nói với nhân viên điều tra là cô thực ra đã có tiếp hai người khách, nhưng họ đã đi rồi.
Tôi mường tượng hình ảnh bà ra tay cứu mạng hai tay gián điệp cực kỳ hoảng sợ. Một
trong những người thừa kế của Rahab trong nghiệp vụ tình ái và gián điệp là Mata Hari,
một người đàn bà Hòa Lan đã thực hiện những nghiệp vụ hữu dụng cho nước Đức trong
Đệ Nhất Thế Chiến, nhưng là một điệp viên kém cỏi và đã bị Pháp xử bắn năm 1917. Tôi
chắc chắn không ghi cô nàng này vào sổ phát lương của tôi.
Mata Hari, tên thật Margaretha Geertruida Zelle
Vào thế kỷ thứ hai mươi, phụ nữ bắt đầu trở nên hữu dụng tại các cơ quan tình báo trong
những vai trò khác ngoài vài trò bán chôn và quyến rũ nam phái. Họ nhận lãnh công việc
trước đây của đàn ông, làm thư ký cho các ông tai to mặt lớn và nhờ phong trào giải
phóng phụ nữ, họ trở thành những bộ trưởng, những cố vấn cho các chính trị gia, những
giáo sư đại học và những người nắm giữ những bí mật quốc gia. Vì vậy không có gì là lạ
khi đối tác nam phái của Mata Hari xuất hiện và trở thành gián điệp Romeo.
Anh chàng Romeo đầu tiên của tôi bắt đầu làm việc vào đầu thập niên 1950. Bí danh của
đương sự là Felix và danh tính thật của đương sự vẫn được giữ kín cho đến ngày nay. Khi
còn là sinh viên, anh đã gây sự chú ý của các sĩ quan cao cấp trong lúc họ trên đường rảo
tìm tại các tỉnh lỵ những điệp viên tiềm năng. Những chuyến đi này giống hệt những sinh
hoạt trinh sát cho đội thể thao Đông Đức – vào lúc đó nhóm này được một ban khác trong
Bộ Công An điều khiển và họ đi lùng tài năng để tìm những vận động viên thể lực nhỏ bé
và các lực sĩ khác tại các sân chơi trường học. Tôi lấy làm hãnh diện là cơ quan của tôi đã
có những thành tích tương tự trên tầm vóc quốc tế về gián điệp Romeo.
Tiến trình tuyển lựa của chúng tôi rất khắt khe. Cứ trên một trăm thí sinh ban tuyển dụng
chúng tôi tìm thấy trong Đảng, tại các đại học hoặc trong các tổ chức thanh niên, chúng
tôi chỉ phỏng vấn mười người, sau khi chúng tôi đã nghiên cứu quá trình lý lịch và thành
tích của họ. Mùa Xuân 1952, tôi du hành với một đồng nghiệp cao cấp đến một thành phố
nhỏ ở ĐôngNamnước Đức, nơi đây Felix đang là sinh viên kỹ sư. Anh là một nghiên cứu
sinh thông minh và sốt sắng, nhưng khi chúng tôi tiết lộ chúng tôi là ai và chúng tôi muốn
gì, anh ngạc nhiên và không hồ hởi lắm bởi vì anh lo lắng phải bở dở học trình. Nhưng
chúng tôi rất cần người làm việc ngụy trang ở Tây Đức và cố gắng thuyết phục anh là đời
sống của một điệp viên không đến nỗi tệ. Chắc chắn anh sẽ được trả lương hậu hĩnh hơn
là một một công việc nào đó trong guồng máy của nhà nước.
Giống như mọi tân binh, chúng tôi trao cho Felix một công tác để thi hành. Anh
đếnHamburg. Chúng tôi báo cho anh biết đây là cơ hội thực tế để chúng tôi đánh giá khả
năng phán đoán và hành dộng của anh trong lúc căng thẳng. Sau khi gặp gỡ sơ khởi với
một giao liên tại nhà ga lớn, anh phải thu thập tài liệu trên sân ga. Chúng tôi đã dạy cho
Felix những phương pháp để biết là mình có bị theo dõi không. Anh chăm chỉ học những
sơ đồ chúng tôi vẽ để chỉ vẽ những góc độ nhìn từ đó dễ quan sát và làm sao tránh một
vài vị thế trong đám đống. Lẽ cố nhiên, cho dù có nghiên cứu bao nhiêu sơ đồ đi nữa,
không ai có thể quyết đoán được sự thể. Tôi đã biết có nhiều điệp viên có hàng chục năm
kinh nghiệm bị thất bại vì họ đoan chắc họ không bị theo dõi khi họ đang trong tầm ngắm
của địch. Nguyên tắc căn bản, ngay cả cho cả điệp viên kỳ cựu nhất, là không bao giờ cho
rằng mình không bị theo dõi.
Nghiên cứu sinh của chúng tôi xuống toa xe hỏa và lập tức nhận biết có người theo dõi
anh. Anh toát mồ hôi lạnh nhưng lại không tài nào vứt bỏ cái đuôi này, một người mặc áo
khoác xám xuất hiện mỗi khi anh rảo bước. Khi anh bước tới gần chiếc cầu, anh đoan
chắc là một đội binh khoác áo xám đi theo sau anh. Sự thật là những trang phục chẳng lấy
gì hấp dẫn này đang là thời trang vào lúc đó nhưng không làm cho anh ngừng suy nghĩ là
bất cứ một người mặc áo khoác xám nào anh thấy có thể là nhân viên phản gián ngụy
trang của phía bên kia. Do đó anh ra tín hiệu cho người liên lạc đang chờ anh ở trên cầu
một tín hiệu báo động đã thỏa thuận trước, bằng cách thay đổi vị trí của tờ nhật báo anh
cặp dưới nách sang một góc độ đặc biệt để báo là công tác phải được hủy bỏ. Việc
chuyển giao tài liệu đã không xảy ra.
Sau này, khi Felix đã trở thành một tay hoạt động lão luyện tạiBonn, chúng tôi cười đùa
về buổi ban đầu hụt hẫng. Nhưng đây cũng là một bài học sinh tử cho tôi khi tôi phải
giám định những buổi làm việc thử thách. Không phải điệp viên nào cũng điêu luyện như
James Bond. Trong những trường hợp hiểm nghèo, chính điệp viên nào dày kinh nghiệm,
cẩn thận và có phương pháp mới có nghị lực cần thiết để tỏ ra bình tĩnh và khôn ngoan
cân nhắc lợi hại.
Felix lập nghiệp tại Tây Đức với những giấy tờ giả và làm đại diện thương mại cho một
công ty có trụ sở ởColognebán dụng cụ làm tóc và mỹ phẩm. Chúng tôi muốn anh xâm
nhập cơ quan phản gián của Tây Đức (Văn Phòng Liên Bang Bảo Vệ Hiến Pháp), có trụ
sở tạiCologne. Những chuyến đi trình bán của đương sự tạiBonnchẳng bao lâu khiến
chúng tôi chú ý đến Văn phòng Thủ Tướng, lúc đó do Hans Globke cầm đầu. Hans
Globke là một cựu đảng viên Quốc Xã và tái sinh thành dân chủ và là một người thân tín
của Thủ Tướng Adenauer và chống đối mãnh liệt chủ nghĩa cộng sản.
Adenauer và Hans Globke
Chúng tôi không hài lòng với phẩm chất thông tin mà chúng tôi lấy ra từ giới thân cận
Adenauer. Chúng tôi không có đầu mối xác thực, cũng không có dụng cụ căn bản để tìm
hiểu bất cứ định chế nào của chính phủ, thư mục số điện thoại nội bộ văn phòng – chưa
kể đến những thông tin liên quan đến những người nằm trong danh sách nào. Chúng tôi
chưa nghĩ ra được cách làm thế nào một anh chàng bán thuốc gội đầu có thể xâm nhập
một nơi canh gác cẩn mật như vậy, nhưng vì muốn hiểu biết Adenauer và vì thiếu thông
tin nội bộ và đầu mối liên lạc nên chúng tôi không có lựa chọn nào khác để Felix thử thời
vận.
Chính Felix đưa ra sáng kiến đầu tiên. Anh nói anh sẽ trà trộn vào trong đám đông ở một
trạm xe buýt gần công thự nhất vào cuối ngày làm việc và thử xem có làm quen được với
ai không. Sau một vài lần hụt cẳng, cuối cùng anh gặp được một cô thư ký tóc xậm làm
việc trong văn phòng của thủ tướng, và chúng tôi đặt bí danh cho cô là Norma. Họ trở
thành bạn và không bao lâu họ tình tứ và anh tìm hiểu được chút ít công tác của văn
phòng thủ tướng.
Khi anh đã chính thức trở thành người bạn trai của Norma, Felix được mời đến gặp gỡ
các đồng nghiệp của cô để chơi lăn bóng gỗ hoặc tham dự những cuộc du ngoạn thuyền
trên sôngRhinedo văn phòng tổ chức. Nhờ có được duyên dáng của người miền Nam, anh
trở thành cột trụ và linh hồn của buổi liên hoan, kể chuyện hài hước, nhảy đầm với mấy
bà và uống rượu vui vẻ với mấy ông. Norma vui sướng vì có được bạn trai. Cô không có
nhan sắc và đối với chúng tôi cô là phương tiện để chúng tôi đạt mục đích. Nhưng bản
chất con người khó tiên đoán. Felix thực tình yêu cô này.
Họ dọn nhà về chúng sống với nhau, nhưng vấn đề hôn nhân không thể có được vì bất cứ
điệp của nào của chúng tôi cũng đều mang căn cước giả, thường là mượn từ những công
dân đã chết hoặc di cư. Chính quyền Tây Đức kiểm soát ngày sinh và sổ rửa tội ky-tô
giáo của những người muốn làm đám cưới và trong trường hợp của Norma, quy chế của
cô tại phủ thủ thướng bắt buộc cô phải trải qua một cuộc điều tra an ninh về người chồng
tương lai của cô. Vì vậy phần đông các điệp viên của chúng tôi phải nhấn mạnh họ không
phải là loại để cưới hỏi, họ là những người đã có vợ hoặc bịa những chuyện tương tự như
vậy.
Điệp vụ Romeo đầu tiên diễn tiến tốt đẹp trong nhiều năm. Felix không bao giờ nói công
việc thực sự của anh vì có thể việc này sẽ làm chấm dứt mối liên hệ hoặc tệ hơn nữa. Một
hôm chúng tôi được một điệp viên nằm vùng trong Văn Phòng Bảo Về Hiến Pháp là ban
an ninh đang để ý đến người bạn của Norma và đang rà soát lý lịch về y. Chúng tôi phải
triệu hồi Felix có tốc độ về Đông Đức. Một hôm cô trở về nhà sau công việc sở và thấy
người tình biến mất không lời giải thích. Người phụ nữ xấu số chắc phải đau khổ vô cùng
khi khám phá ra người tình đã ra đi, nhưng trong sự chọn lựa giữa việc cứu một nhân
viên và một cuộc tình, tôi phải nhẫn tâm quyết định.
Đây không phải là lần cuối tôi phải đóng vai một ông chú đau khổ. Tội nghiệp cho Felix,
anh ở trong tình trạng khốn khổ khi anh trở về Đông Bá Linh. Cả hai chúng tôi cạn hai
chai vodka trong một đêm tại một trong những nhà an toàn trong khi anh giải bảy hết tâm
sự của mình. Nhưng trong khi trái tim anh đau khổ, đầu óc của anh may thay vẫn làm
việc. Anh mách cho chúng tôi đầu mối liên quan đến một phụ nữ mà anh nghĩ sẵn sàng
chấp nhận liên hệ với chúng tôi, một phụ nữ trung niên, vui đời, làm thư ký văn phòng
của Globke tại phủ Thủ Tướng.
Chúng tôi không thấy một lý do hiển nhiên nào để đoan chắc người đàn bà này sẽ làm
việc với chúng tôi. Nhưng nhờ tiếp xúc trực tiếp nên Felix có cảm nghĩ một người đàn
ông bảnh trai với một lý lịch ngụy trang tốt có thể gây ảnh hưởng đến cô này. Chúng tôi
đang ở vào thập niên 1950, và cảnh trai thiếu thời hậu chiến được cảm nhận rõ ràng nơi
các cô thư ký trung niên, cô đơn, mong mỏi tìm kiếm một tấm chồng, một thiếu sót trên
thị trường mà chúng tôi giúp khỏa lấp với những anh chàng độc thân của chúng tôi.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng một số các thí sinh, chúng tôi chọn Herbert Söhler, bí danh
Astor. Anh là một phi công tài tử, đã từng nằm trong đội ngũ của Thống chế Kesselring
thời chiến. Sau khi bị bắt làm tù binh của Xô Viết, ông đã chuyển hướng đi theo chủ
nghĩa cộng sản. Vì ông là đảng viên của Đảng Quốc Xã và những mối liên hệ của với các
sĩ quan khác đã làm việc cho Kesselring, con đường sự nghiệp của ông bị ngăn chặn ở
nước CHDCĐ, do đó ông chấp nhận xâm nhập Tây Đức vì chúng tôi với lòng vui vẻ và
tính chuẩn xác của quân đội.
Một vài người bạn của ông đã an cư ởBonnkhi Tây Đức bắt đầu tính đến việc tái vũ
trang. Đây là lúc thuận lợi để cho các cựu quân nhân quyết định mình đứng phía bên nào
cuộc chiến trên đất nước phân chia của họ. Chúng tôi không gặp khó khăn khi đưa ông về
hướng này, đặc biệt là sau cuộc binh biến bất thành năm 1953 đã cho thấy mức độ kiểm
soát của Xô Viết tại Đông Đức và đã đẩy một số người do dự chay sang Tây Đức.
Söhler di chuyển vềBonnvà tìm được việc làm trong ngành địa ốc. Ông gia nhập câu lạc
bộ phi công tại Hangelar gần đó. Những thành viên ở đây bao gồm những nhân viên
chính phủ đì tìm phiêu lưu cuối tuần. Không bao lâu ông bắt được liên lạc với Gudrun, bí
danh chúng tôi đặt cho cô thư ký mà Felix đã nói đến. Lòng mong ước của chúng tôi mau
chóng được toại nguyện. Cô bắt nhãn với Söhler, trong khi đó Söhler khám phá những sổ
ghi chép những mối liên hệ của Adenauer với Reinhard Gehlen, giám đốc tình báo, đi
ngang qua bàn làm việc của Gudrun . Sau một thời gian, ông đề nghị ông sẽ thử kết nạp
cô trong vai trò của một sĩ quan tình báo Xô Viết. Việc này quả là lạ, nhưng chúng tôi
nhận thấy ông có trực giác bén nhạy. Gudrun công nhận Liên Bang Xô Viết là một cường
quốc có tầm vóc quốc tế trong khi đó cô không xem yêu sách của CHDC Đức muốn mình
trở thành một quốc gia – nhà nước là một việc chính đáng. Söhler kể lại những kinh
nghiệm thời chiến: Những tàn phá do quân đội Hitler
 gây ra và sĩ quan người Nga có văn hóa cao đã thuyết giảng cho ông nghe trong trại tù về
mối quan hệ giữa nhân dân Nga và nhân dân Đức.
Chúng tôi quyết định chính thức kết nạp cô tại một địa điểm nghỉ hè hẻo lánh trên vùng
núiAlpsở Thuy Sĩ để lo toán việc chúng tôi có thể rút lui mau chóng với Söhler nếu cô
phản ứng không thuận lợi với đề nghị của chúng tôi. Chúng tôi luôn cố gắng tránh trực
tiếp đề nghị kết nạp một người Tây Đức trên lãnh thổ của nước Cộng Hòa Liên Bang
Đức, vì cơ quan phản gián Tây Đức dở trò xưa cũ theo dõi một kẻ tình nghi là kết nạp
viên, gài mục tiêu của đương sự làm mồi nhử, và sau đó quay phim việc kết nạp để có
tang chứng sinh hoạt gián điệp và bằng cớ để bắt tức khắc. Việc mời một đối tượng kết
nạp đến gặp gỡ những sĩ quan cao cấp tại Đông Đức hoặc ở nơi nào khác cũng là một lối
thử nghiệm cuối cùng để xem đối tượng kết nạp đã sẵn sàng chấp nhận mối liên hệ điệp
viên chưa. Vào thời điểm này, người tăm tối đến mấy đi nữa cũng hiểu bản chất của lời
mời mà không cần phải nói điều gì cả.
Trong trường hợp này, kế hoạch kỹ lưỡng của chúng tôi để o bế Gudrun, đưa cô đến một
quán ăn đắt tiền Thuy Sĩ hóa ra thừa thãi. Söhler có lẽ là bậc thầy trong nghệ thuật thuyết
phục, bởi vì việc kết nạp cô trở thành một thủ tục. Điều này chứng minh cho tôi thấy
nhiều phụ nữ được người đàn ông họ thương yêu tuyển dụng thường cảm nhận người đối
tác làm việc cho phía bên kia, mặc dù trong thâm tâm họ không chấp nhận sự kiện này
trong một thời gian dài. Sau vụ này, chúng tôi không bao giờ đánh giá thấp sự kiện các cô
thư ký có thể nghi ngờ người chúng tôi là gián điệp, mặc dù điều này không được tiết lộ.
Điều này cũng có nghĩa là anh chàng Romeo phải có đường thoái lui nhanh chóng và an
toàn về Đông Bá Linh nếu đối tượng Juliet dở chứng.
Không may Söhler bị chứng đau phổi trầm trọng nên kết thúc cộng tác với chúng tôi.
Chúng tôi triệu hồi đương sự về Đông Đức và không bao lâu qua đời vì bệnh này. Tất cả
mọi cố gắng để dẫn dụ Gudrun vào một cuộc tình điệp báo khác đều thất bại. Có một vài
phụ nữ bám víu vào ngành điệp báo – lòng phấn chấn và thân mật cùng chia sẻ một bí
mật – và họ có thể chuyển hướng sang một đối tác khác nếu người đầu tiên biệt tích vì lý
do an ninh. Nhiều phụ nữ chỉ thích một người duy nhất, và chúng tôi không tài nào nài ép
họ được. Gudrun là một trong những phụ nữ này. Nguy cơ họ trở về với Tây Đức, với
lòng đầy ân hận và đem theo với họ những câu chuyện thích hợp cho tuyên truyền, quá
lớn, và chính vì vậy chúng tôi chào tạm biệt cô Godrun.
Tuy nhiên, với những thông tin mà cô cung cấp, cuối cùng chúng tôi đã tung ra được
chiến dịch đánh phá Globke. Việc này dẫn đến sự từ chức của y năm 1963, một thắng lọi
lớn cho chúng tôi trong việc khử trù một địch thủ ngoan cố của Đông Đức đồng thời tạo
được sự chú ý của phương Tây về mức độ xâm nhập của các cựu đảng viên Quốc Xã
phục vụ trong chính quyền Tây Đức.
*
Mỗi lúc tôi thêm tin tưởng là các phụ nữ được những Romeo của chúng tôi kết nạp có thể
cung cấp những thông tin chất lượng cao, nhưng càng dùng chiến thuật này càng nhiều
thì nguy cơ bị khám phá càng cao. Sớm hay muộn gì quả bóng phải nổ, nhưng lạ lùng
thay, nó chỉ xảy ra vào năm 1979. Ingrid Garbe, môt cô thư ký trong phái đoàn Tây Đức
làm việc tại NATO ở Brussels, bị Tây Đức bắt vì tội làm gián điệp cho Đông Đức. Giới
truyền thông ở đây trình bày sự việc như một trường hợp phản bội trầm trọng nhất trong
lịch sử của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức. Sự thật là, về mặt tình báo, Garbe là một
thành tố quan trọng nhưng không phải là thiết yếu. Chúng còn có những điệp viên khác.
Nhưng bởi vì cô là phụ nữ nên đã đánh động những hồi ức xa mờ của Mata Hari. Hình
ảnh cố hữu của “gián điệp vì tình” xuất hiện và báo chí không ngớt nói đến.
Tháng Ba, các hãng thông tấn báo tin Ursel Lorenzen, một nhân viên trong văn phòng
Tổng Thư Ký NATO, đã đào thoát sang Đông Đức. Trước sự ngỡ ngàng của những đồng
nghiệp của cô tại NATO, cô thình lình xuất hiện trên đài truyền hình Đông Đức, giải
thích là cô đã chọn tiết lộ những hiểu biệt về nội bộ tổ chức này.
Ursel làm việc cho NATO được mười hai năm, gần đây nhất trong Cục Công Tác, tại đây
cô tiếp cận với những tài liệu định hoạch và những chi tiết trong cách quản lý khủng
hoảng tại bộ tư lệnh. Những điều đáng chú ý mà cô cung cấp cho chúng tôi là những
thông tin liên quan đến những thủ tục tại văn phòng tư lệnh khẩn, nơi đây tất cả những
báo cáo chính trị, quân sự và tình báo được tập trung và thẩm định và NATO soạn thảo
những báo cáo quan trọng nhất, những hồ sơ Nghiên Cứu về Đông Tây.
Sau khi Ursel đào tẩu, Imelda Verrept, một cô thư ký Bỉ tại NATO, cũng xin tị nạn tại
Đông Đức. Trong khi cấp lãnh đạo Đông Bá Linh lên mặt với những vụ đào thoát này, tôi
hết sức phiền lòng vì những chuyện này. Những vụ xuất hiện đột ngột của những cô thư
ký này ở Đông Bá Linh, mặc dù làm lợi cho đường lối tuyên truyền của cấp lãnh đạo,
trên thực tế là một mất mát thông tin cho cơ quan chúng tôi. Thắng lợi vì có được những
nhân viên của NATO xin tị nạn ở Đông Đức, cho dù sự thay đổi có thú vị và có khác với
việc người Đông Đức xin tị nạn ở Tây Đức, xem ra thật mờ nhạt so với sự hữu ích có
được họ trong lòng địch và cung cấp những bí mật tình báo có giá trị.
Vào mùa Xuân năm 1979, trong lúc tôi đi nghỉ trượt tuyết, một báo cáo khác lại đến cho
biết một cô tên là Ursula Höfs, một cô thư ký làm trong bộ tham mưu của Đảng Dân Chủ
Thiên Chúa Giáo. Lúc đầu tôi không đoán ra cô là ai, vị tại bộ tư lệnh chúng tôi chỉ dùng
tên ngụy trang của các điệp viên và cất giấu tên thật của họ trên căn bản phân cách. Vì
không muốn liều lĩnh điện thoại về Đông Bá Linh để xem cô là điệp viên nào của chúng
tôi, tôi vội vã trở về, nghe báo cáo trên đài phát thanh Tây Đức và cố đoán xem người
nào đã bị bại lộ.
Một tuần lễ sau khi Ursula Höfs mất tích, việc đào thoát của hai cô thư ký nữa ởBonnxuất
trên trang nhất của báo chí. Inge Goliath đã làm việc cho Werner Marx, một đầu não của
đảng CDU chuyên về chính sách ngoại giao, quốc phòng, Châu Âu, và liên Đức. Cô đã
cung cấp những tài liệu chiến lược về quốc phòng và chính sách thời Chiến Tranh Lạnh
trong mười năm nay, và trong bầu không khí căng thẳng này, chúng tôi nghĩ an toàn hơn
hết là rút cô về. Ngày hôm sau, tờ Bild-Zeitung đăng trên trang nhất : BÂY GIỜ THƯ
KÝ CỦA BIEDENKOPF’S CŨNG CHẠY LUÔN. Một bức hình của Kurt BiedenKopf,
chủ tích nổi danh của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và là dân biểu lãnh đạo của đảng,
đang tươi cười chụp chung với người phụ tá, cô Christel Broszey. Christel đã hành xử
một cách tuyệt vời khi nhận được lệnh phải rời bỏ nhiệm sở. Cô không để lộ sự sợ hãi,
vui vẻ vẫy chào chủ nhân của mình với những lời sau : “Tôi đi tiệm uốn tóc. Hẹn gặp ông
ngày mai.” để rồi không bao giờ trở lại.
Báo chí nói cô là “siêu thư ký”, vì cô thường đứng trong số năm người đầu trong những
giải vô địch nghề nghiệp trong ngành đánh máy và tốc ký. Những đức tính này gây ấn
tượng nơi ông Biedenkopf và hai người tiền nhiệm và hóa ra cũng cực kỳ hữu dụng cho
chúng tôi. Bởi vì Christel đã làm việc cho ba vị chủ tịch của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa
Giáo trong một thời gian dài, cho nên chính quyền Tây Đức không thể hình dung ra được
mức độ hiểu biết của cô và những tổn hại do cô gây ra một cách chính xác. Một tuần lễ
sau Helga Rödiger, thư ký của ông Manfred Lahnstein, một công chức cao cấp trong Bộ
Tài Chánh, cũng đã giã từ chủ nhân và chạy sang Đông Bá Linh. Rödiger là một nguồn
tin giá trị, vì Lahnstein là một chuyên gia cố vấn cho Helmud Schmidt khi ông này rời
chức Bộ trưởng Tài chánh để lên làm Thủ Tướng.
Con đường để cho những điệp viên chúng tôi đào thoát đã được chuẩn bị từ trước. Điệp
viên được lệnh bay qua những quốc gia được xem là ít nguy hiểm, chẳng hạn như Bỉ,
Hòa Lan hoặc Thụy Sĩ và đến một trạm kiểm soát biên giới Đông Đức với bià giấy thông
hành Tây Đức không có ruột. Các viên chức tại biên giới biết dấu hiệu thỏa thuận này.
Người lính biên phòng gọi cấp trên đến và cấp trên này vẫy gọi người kia bước qua biên
giới, rồi đưa những điệp viên đào thoát sang một phòng bên cạnh và liên lạc với chúng tôi
bằng đường dây điện thoại đặc biệt.
Tôi bàng hoàng và mất hẳn tinh thần. Phần lớn các cô thư ký chỉ giống nhau ở một điểm
là chồng hoặc người đàn ông họ sống chung đều là những điệp viên mang tên giả ở Tây
Đức. Có thể những người đàn ông này đã ghi danh ma và lấy tên của những người Tây
Đức đã di cư nước ngoài. Có thể các cô Juliet nghĩ rằng ngụy trang của các cô đã bị lộ.
Nhưng làm thế nào chính quyền lại có thể khám phá tên thật của các điệp viên của chúng
tôi.
Tôi thấy rõ chính quyền Tây Đức đã khám phá những phương pháp xâm nhập của chúng
tôi. Từ trước đến nay chúng tôi ngạo mạn cho rằng những phương pháp này an toàn,
nhưng tôi nhanh chóng quyết định chúng tôi phải làm lại từ đầu. Chúng tôi đi đến một
quyết định đau đớn nhưng cần thiết là triệu hồi một vài điệp viên nữ nữa về cùng với
những chàng Romeo. Lệnh này đến quá trệ với Ursula Höfs và người chồng. Họ bị xét xử
và kết án hai năm tù ở.
Những cuộc lùng bắt năm 1979 là do hậu quả của việc Bác Sĩ Richard Meier lên thay thế
Günther Nollau nắm giữ vai trò lãnh đạo Văn Phòng Bảo Vệ Hiến Pháp (Cơ Quan Phản
Gián Tây Đức). Ông nâng cơ quan lên một mức độ chuyên nghiệp cao – quá cao để tôi có
thể vừa ý – và cho mọi người thấy rằng lòng trung thành với cơ quan quan trọng hơn
những môi liên hệ với đảng hoặc hệ phái chính trị. Ông phát động cái gọi là Chiến Dịch
Đăng Ký, một cuộc khảo sát tỉ mỉ lý lịch của tất cả những kẻ khả nghi.
Lúc đầu tôi không tài nào thấy được những thất bại của chúng tôi có điểm gì chung. Tôi
ghi trong sổ nhật ký của tôi. :
Việc rà soát lại tường tận tất cả những cuộc tái định cư và thăm viếng từ hải ngoại về đã
được cơ quan tình báoTây Đức khởi động, một điều cho đến nay chúng tôi nghĩ khó xảy
ra hoặc không thể thực hiện được. Điều này làm cho ta điên đầu. Dù sao đi nữa, chúng ta
phải chấp nhận một phần thất bại và kiềm chế bớt việc đưa người xâm nhập, hoặc, trong
một vài trường hợp, chấp nhận rủi ro lớn. Đây là một cuộc đấu tranh sống chết thực sự và
địch thù đang hà hơi lên trên gáy của chúng ta. Bên ngoài không ai thấy có gì bi thảm cả,
nhưng sự việc này tạo nên sự căng thẳng và bất an trong nội bộ. Ta phải có tinh thần
mạnh mẽ để sinh tồn, nhưng ta không nên quá chai lì.
Tôi không bao giờ quên đàng sau mỗi một trường hợp là một con người đã đặt tin tưởng
nơi chúng tôi và đem tính mạng của mình ra chiến tuyến. Một giám đốc tình báo nhẫn
tâm hy sinh điệp viên của mình để theo đuổi mục đích riêng chẳng bao lâu mất đi lòng
kính trọng và lòng tin tưởng của những người xông pha trong mặt trận vô hình.
Tôi vẫn bối rối và tiếp tục nghi vấn về phương pháp điều tra của chính quyền Tây Đức
trong lúc những tổn thất của chúng tôi gia tăng. Thường sau khi một điệp viên bị bắt ở
Tây Đức, chúng tôi bắt đầu điều tra tại bộ tham mưu vì tình nghi có kẻ nằm vùng đang
hoạt động trong lòng của ban ngành phụ trách làm giấy thông hành giả. Những nghi ngờ
như vậy là một loại độc dược nguy hại nhất trong cơ quan tình báo, phá hoại sự tin tưởng
mà tất cả công tác đặt lên trên đó và đôi khi làm nó khựng lại. Việc bắt giữ những nguồn
tin giá trị do sự bại lộ và thẩm vấn của các cán bộ điều khiển mà chúng tôi đã cài vào Tây
Đức đặc biệt gây nhiều thiệt hại. Chúng tôi phải triệu hồi nhiều điệp viên về Đông Đức,
nhưng vẫn chưa đoán được làm cách nào Tây Đức khám phá ra được những bí mật của
chúng tôi.
Trước tiên chúng tôi phải xem xét những đầu mối do một trong những nguồn tin cung
cấp về một cuộc khảo sát tỉ mỉ của phản gián tại Cologne về tất cả những chuyến du lịch
qua biên giới để vào Tây Đức. Chúng tôi được thông báo có một đội ngũ làm việc văn
phòng, phần lớn là những người về hưu, đã lập bản doanh tại các văn phòng kiểm soát
những khách viếng thăm ngoại quốc hoặc những người di chuyển từ vùng này sang vùng
khác buộc phải ghi tên nơi trú ngụ mới. Đội ngũ các ông cụ này phối hợp cẩn thận các hồ
sơ theo một số tiêu chuẩn. Chúng tôi không hình dung ra được họ tìm kiếm cái gì, mặc dù
danh từ “thanh tra lý lịch” tiếp tục xuất hiện trên tất cả những báo cáo từ Tây Đức về. Tôi
thành lập một nhóm làm việc trực tiếp báo cáo cho tôi, để tìm xem Tây Đức dùng tiêu
chuẩn nào để loại bỏ những thành phần khả nghi.
Chúng tôi đã biết những du khách phái nam độc thân vào khoảng hai mươi lăm đến bốn
mươi lăm đều có thể bị hỏi nếu họ mang một số ít hành trang hoặc nếu cách ăn mặc và
kiểu cắt tóc không ăn khớp hoàn toàn với giấy căn cước của họ. Điều chúng tôi không
biết, chỉ mãi sau này mới biết là tình báo Tây Đức để phát hiện một vài nét đặc thù của
người Đông Đức. Vào lúc phong trào híp-pi lan rộng khắp Tay Âu nhưng lại bị ngan cấm
tại Đông Âu, các chàng trai híp-pi, đặc biệt nếu phải đi đây đó, có khuynh hướng để tóc
dài. Những tân binh của chúng tôi, thường là giáo viên, đầu tác cắt ngắn, và ngay kiểu tóc
ngắn cũng khác biệt giữa hai nước Đức. Đối với các giáo viên Đông Đức, việc tập luyện
có thể cải thiện họ nhiều, nhưng biến họ thành một anh chàng híp-pi chân chính gần như
không thể thực hiện được.
Một khi được nhân viên bảo an xe lửa báo cho biết, những nhân viên ngụy trang     nằm
tại các trạm xe lửa theo dõi hành tung của kẻ khả nghi sau khi y rời trạm. Ví dụ, rất ít
người Đông Đức có thể tự kềm chế không đánh một vòng qua các cửa hành nằm bên
cạnh trạm xe lửa để ngắm nhìn những sản phẩm không thông thường bày bán ở tủ kính,
mà người Tây Đức chẳng mấy ai để ý. Nhũng điểm dị biệt nhỏ này được quan sát một
cách kỹ lưỡng.
Mãi sau này chúng tôi mới khám phá ra những mưu mẹo này của Chiến Dịch Đăng Ký
sau nhiều năm bối rối. Một cách oái oăm, chính Meier là người đã tiết lộ trò chơi này.
Ông giới tự thiệu mình là người lãnh đạo mới của tổ chức phản gián một cách khoa
trương và tuyên bố đã bắt được mười sáu điệp viên Đông Đức đã luồn lọt vào Tây Đức
qua ngõ các nước thứ ba. Báo chí đề cập tổng số bốn mươi vụ điều tra tiếp theo. Những
tin tức này chấm dứt những suy đoán của chúng tôi xét xem Tây Đức làm cách nào để
sàn lọc con số chính xác người của chúng tôi đang trà trộn trong hàng trăm ngàn du
khách. Meier do đó chính thức xác nhận phương pháp ông đang dùng để khám phá những
điệp viên của chúng tôi. Mặc dù thất bại của chúng tôi đau đớn thật, nhưng chúng tôi đã
triệu hồi được một số những điệp viên đang lâm nguy về và đình chỉ việc xâm nhập. Nếu
ông giữ im lặng chiến thắng của ông, có thể ông buộc chúng tôi phải đoán mò trong một
thời gian dài phương pháp của ông. Bằng cách khoanh vùng mục tiêu để bắt giữ cẩn thận
hơn hoặc chờ đợi cho đến khi kẻ khả nghi móc nối với một loạt các nguồn tin xong rồi
ông mới ụp tới, có lẽ ông gây thiệt hại cho chúng tôi nhiều hơn nữa. Tính khoa trương
của cấp lãnh đạo cơ quan có chiều hướng tạo nên một hình ảnh mỹ miều nhưng có nguy
cơ hy sinh những thành quả của mình.
Như thói thường trong những chiến dịch chiến tranh tâm lý, Bộ Nội VụTây Đức nhanh
chóng yêu cầu các điệp viên của chúng tôi ra đầu thú trước khi bị bắt – một trò lừa bịp
thông thường trong trò chơi gián điệp giữa hai nước Đức. Tuy nhiên, thủ đoạn này không
có ảnh hưởng gì lớn. Việc cộng tác với chúng tôi là một phần lẽ sống của phần lớn các
nguồn thông tin và các điệp viên ngụy trang, và nói chung họ miễn nhiễm với những lời
mời như vậy. Đối với phần lớn các điệp viên của tôi, tính miễn nhiễm này là do sự pha
trộn giữa thành ý chính trị, một sức đề kháng – do chúng tôi nuôi dưỡng – chống lại chiến
tranh tâm lý,và ác cảm tự nhiên không muốn ra đầu thú. Tất cả mọi con người đều muốn
sống với hy vọng là mình, dù là đàn ông hay đàn bà, sẽ không phải uống chén đắng. Và
tình hình vẫn không thay đổi, ít ra cho phần lớn và nếu không được như vậy, làm gì đi
nữa cũng đã quá muộn để rút lui.
Hansjoachim Tiedge, một viên chức cao cấp làm việc trong Văn Phòng Bảo Vệ Hiến
Pháp, đã đào thoát sang phía chúng tôi năm 1985, nói cho chúng tôi biết làCologneđã
khám phá ra không dưới hai trăm người tình nghi măng căn cước giả trong vòng mười
năm. Giữa những năm 1972 và 1982, con số tổng kết, theo sự hiểu biết của tôi, lến đến
khoảng ba mươi điệp viên của chúng tôi bị lộ, có nghĩa là bị bắt tại Tây Đức, và gấp ba
con số điệp viên này đã được chúng tôi triệu hồi về Đông Đức kịp thời. Vì các điệp viên
một khi được kéo về không thể nào được dùng lại trên lãnh thổ cũ một lần nữa, Chiến
Dịch Đăng Ký đã làm cho chúng tôi phải mất khoảng một trăm điệp viên giá trị – một
thiệt hại lớn.
Mặc dù ông thích làm nổi đình đám, tôi phải phục tài Meier đã biết khôn khéo điều khiển
chiến dịch phá vỡ hệ thống điệp báo và các trung tâm điều khiền của chúng tôi tại Tây
Đức. Kế tiếp đó ông quay sang đánh phá cá nhân tôi và tung tin đồn tôi “sắp bị cất chức”.
Tờ International Herald Tribune in ở trang đầu cột tin “MISCHA ĐÃ MẤT TAY
NGHỀ ?” Một tờ báo phương Tây khác nằm trên bàn tôi có ghi ở trang nhất WOLF LÀM
VIỆC QUÁ ĐỘ.
Nhưng sự thật xem ra không lấy gì làm ngoạn mục lắm; công việc vẫn tiếp tục và trong
khi chúng tôi tìm phương pháp để ứng phó với Chiến Dịch Đăng Ký, chúng tôi không
ngừng cố gắng. Tôi xét đến trường hợp của Helga Rödiger, bí danh Hannelore. Người
đàn ông đã kết nạp cô phải bị triệu hồi bởi vì anh lo cho sự an toàn của anh. Vì không
muốn mất cô, chúng tôi tìm trong hồ sơ và kiếm ra được một thí sinh Romeo khác, một
điêp viên trẻ có bí danh là Gert đã được gài xâu trên lãnh thổ Cộng Hòa Liên Bang Dức.
Anh đã lấy căn cước của một công dân Tây Dức đã di cư sang Tân Tây Lan (New
Zealand).
Tôi quyết định đích thân giám sát cặp này, một phần bởi vì tôi tò mò muốn gặp Helga,
công việc cô làm cho chúng tôi thật là xuất sắc, và một phần vì cô cho chúng tôi biết cô
đang lưỡng lự không biết chọn giữa việc thuyên chuyển cùng với cấp chỉ huy của cô sang
Bộ Tài Chánh và việc ở lại văn phòng của thủ tướng. Cô gởi một lá thư mã hóa đến Đông
Bá linh qua một giao liên hỏi chúng tôi cô phải làm thế nào : Một sự bối rối bất thường
của kẻ có nhiều tài vật. Một mặt , một nguồn tin tại phủ Thủ Tướng đối với chúng tôi rất
là quan trọng. Mặt khác cô đã tạo được một mối liên hệ làm việc mật thiết với cấp trên
của cô; ông tin tưởng trao phó cho cô những thông tin mật liên quan đến tài khóa và
chính sách nội bộ. Chúng tôi không nghĩ rằng cô có thể đạt được những thành quả như
vậy ở tại phủ Thủ Tướng .
Thế vận hội mùa Đông tại Innsbruck, ở nước Áo, năm 1976 tạo một lý cơ tốt để gặp gỡ.
Helga thuê một căn nhà nghỉ mát bun-ga-lô gần làng này. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, cô
tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một trong những điệp viên của chúng tôi làm người trung
gian của cô ở Tây Đức. Chúng tôi nhanh chóng giới thiệu Gert. Chúng tôi quan sát họ
vào buổi ăn tối, lòng đầy hy vọng, nhưng không thấy có chỉ dấu sớm họ thu hút nhau. Dù
gì đi nữa, chúng tôi đi đến quyết định Bộ Tài Chánh là một lựa chọn an toàn hơn cho cô,
và do đó cô thuyên chuyển và tiếp tục chuyển tài liệu mật cho chúng tôi.
Với thời gian, mối tình giữa Helga và Gert chớm nở. Và sau đó là một mối tình chân thật
và lâu bên. Sau này, vào năm 1979 chúng tôi phải kéo cô về, Gert cũng được triều hồi về
Đông Đức, nơi đây cuối cùng họ được tự do cưới hỏi. Lễ cưới được tổ chức tại thành phố
đầy màu sắc Wernigerode ở trên núi và tôi trở thành thượng khách danh dự, vì tôi đứng
ra làm ông mai.
*
Như mọi người có thể dự đoán, các điệp viên Romeo của tôi đã trở thành đề tài nghiên
cứu loạn xạ của thế giới tình báo phương Tây. Họ cũng gây hình ảnh ấn tượng nơi quần
chúng. Tờ Bild-Zeitung đã ghép hình của mười hai phụ nữ làm việc cho chúng tôi và
đăng ở cột nhất hàng chữ NHỮNG CÔ THƯ KÝ LÀM GIÁN ĐIỆP VÌ TÌNH. Trang bìa
của một tuần báo đăng hình một cái mông trần truồng có gắn huy chương Đông Đức. Tôi
cảm nhận là các cơ quan tình báo phương Tây lo sợ về mức độ thành công của chúng tôi
và rõ ràng đang bỏ thời giờ và tiền bạc để xây dựng cho mình hình ảnh của một nạn nhân
trong giới truyền thông. Các cô thư ký lúc nào cũng được mô tả như những nạn nhân
đáng thương, bị lợi dụng, tất cả đều đứng tuổi, độc thân và thèm khát tình yêu, tứ cố vô
thân rơi vào vòng tay bất hạnh.
Để gia tăng áp lực ngăn chặn, công an Tây Đức luôn cho rằng các gián điệp Romeo lợi
dụng lòng yêu thương của đối tượng chinh phục một cách lạnh lùng, sau đó biệt tích khi
đánh hơi thấy nguy hiểm rập rình. Nhưng một bản báo cáo nội bộ do Herbert
Hellenbroïch thảo, lúc đó là phó giám đốc cơ quan phản gián Tây Đức, huỵch toẹt thú
nhận “Phần lớn những môi liên hệ chớm nở không hề có áp lực hay có tính hăm dọa.
Tiền bạc cũng không đóng một vai trò quan trọng. Thông thường là một cuộc đối thoại về
ý thức hệ hoặc chỉ là sự mến mộ đã thú hút những phụ nữ này.”
Sụ thực là chúng tôi hiếm khi chấm mục tiêu những Cô Gái Choàng Khăn Đỏ yếu duối
và chỉ đặc biết nhắm họ khi – như trường hợp của Söhler – chúng tôi được một trong
những nhân viên của chúng tôi mách nước. Phương thức làm việc thông thường diễn tiến
như sau: Khi chúng tôi gởi một điệp viên nam sang Tây Đức với điệp vụ đặc biệt, chúng
tôi nói với đương sự “Được rồi, anh sẽ có một cuộc sông riêng như mọi người, nhưng nếu
anh rơi vào một cô thư ký, và cô thư ký này ở vị trí tốt đẹp, điều này càng có lợi cho
chúng ta”. Những việc còn lại là do anh này quyết định. Lẽ cố nhiên không phải anh đàn
ông nào cũng tự động để các cô thư ký thu hút, nhưng quý vị phải nhớ rằng những điệp
viên của chúng tôi là những người tuyệt đối trung thành với lý tưởng, họ quen thuộc với
những hy sinh và chấp nhận những gò bó cá nhân để thực hiện điều mà họ tin tưởng.
Trái với những lời đồn đãi, họ không được huấn luyện trong nghệ thuật yêu đương khi họ
trở về Đông Bá Linh. Một vài người giỏi hơn người khác trong vấn đề này. Họ là những
người hoạt động, ý thức được tình dục có thể làm nên nhiều chuyện. Điều này đúng trong
kinh doanh và trong nghề điệp báo bởi vì nó mở những đường dây liên lạc nhanh hơn
những lối tiếp cận khác.
*
Tuy nhiên tôi không diễn tả trung thực hình ảnh của họ nếu tôi không tiết lộ chi tiết
những công tác kỳ lạ và ngoạn mục trong đó các nhân viên của tôi tham dự vào. Họ là
những siêu Romeo, mỗi người một vẻ và ở những địa bàn hoạt động khác nhau. Người
thứ nhất là Roland G., ông vua bi kịch.
Roland G. là giám đốc của nhà hát nhỏ nhưng nổi tiếng ở Đông Đức tại Annaberg trên
dãy núi Erzgebirge, một nơi mà các nghệ sĩ có tài muốn đáp an toàn khi họ thấy làm việc
tại các nhà hát lớn ở các thành phố quá nhiều rủi ro về mặt chính trị. Anh nổi tiếng nhờ
kiệt tài diễn xuất về Faust trong vở kịch của Goethe nói về một người thèm khát trên hết
mọi sự có được kinh nghiệm quyến rũ và ruồng bỏ một cô gái tên là Margarete. Là một
người rất thông minh, nét mặt khôi ngô và có tài thay đổi hình dáng của một nghệ sĩ, anh
đúng là một thí sĩ Romeo tuyệt hảo. Tôi có một văn phòng chi nhánh địa phương tại Karl-
Marx-Stadt ( sau ngày thống nhất đổi tên là Chemnitz), nổi tiếng vì tài thiết kế những kế
hoạch táo bạo và những dự án kỳ dị, và những sĩ quan tại đây nhận diện tài năng của
Roland G. và lòng yêu sống của y. Năm 1961, anh được phái đi Bonn để tiếp cận một
phụ nữ tên Margerete, một thông dịch viên tại Tham Mưu Tối Cao Lực Lượng Đồng
Minh Âu Châu (SHAPE = Supreme Headquarters Allied Powers Europe), trung tâm chỉ
huy của NATO, lúc đó đặt tại Fontainebleau gần Paris.
Vì muốn công tác có tầm vóc quốc tế, Roland G khoác căn cước của một người ngoại
quốc. Không bao lâu anh thủ một cách hoàn hảo vai trò Kai Petersen, một ký giả Đan
Mạch, nói tiếng Đức giỏi có pha giọng nói của người vùngScandinavia. – không có vấn
đề đối với một kịch sĩ giỏi. Margerete, môt cô gái dễ thương, độc thân và rất mực tôn
sùng Thiên Chúa Giáo, làm việc cần mẫn tại NATO và sống một cuộc đời bình thản. Ba
trong số các điệp viên của chúng tôi đã thử thời vận nhưng không tài nào chinh phục
được trái tim cô. Roland G. thuộc loại rắn rỏi. Anh tìm cách dàn xếp để đi du lịch với cô
sang Vienna, chứng tỏ mình là một người đàn ông biết chăm sóc, giới thiệu cho cô gái
nhút nhát này những hình ảnh khỏa thân khêu gợi của các danh họa Ý trưng bày tại
Kunsthistorisches Museum (Viện Bảo Tàng Lịch Sử Nghệ Thuật), đưa cô đến Trường
Huấn Luyện Ngựa Tây Ban Nha, và cuối cùng đến quán cà-phê đắt tiền Dehmel để ăn
bánh hảo hạng và uống cà-phê Vienna – tất cả, lẽ cố nhiên, do sự đài thọ của cơ quan tình
báo chúng tôi. Đôi khi số tiền chi tiêu của đương sự làm cho cán bộ điều khiển phải xửng
sốt vì quá cao, ngay cả đối với một đối tượng như vậy, nhưng cán bộ này là một người
khôn ngoan biết rằng ngành điệp vụ cung cấp cho Roland G. một tài khoản rộng rãi và
kếch sù để y có thể hưởng những hàng thượng lưu mà y không có tại nước Đông Đức
khắt khe.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 13 (Markus Wolf)                      
“…Chúng tôi dàn xếp để tạo nên một kiểu “hôn phối Potemkin” – trên bề mặt – biến một
nhân viên của chúng tôi thành một linh mục tuyên úy. Người này được huấn luyện để
đóng vai linh mục giải tội, nhưng giọng Đan Mạch của đương sự không có…”
Chương 8 (phần 2)
Làm Gián Điệp Vì Tình
Một đêm, sau một buổi dạ hội thành công tại Burgtheater, cô đền bù công lao chăm sóc
của đương sự với một nụ hôn và những lời : “Tôi chưa bao giờ được hưởng những giây
phút đẹp đẽ như thế này với bất cứ ai trước đây”. Họ qua đêm lần đầu tiền với nhau và
sáng hôm sau anh thổ lộ hết tâm sự của mình cho cô – một vài điều thôi. Anh kể cho
người tình mới biết anh là một sĩ quan trong ngành tình báo của quân đội Đan Mạch, và
giải thích những nước như Đan Mạch thường bị cho ra rìa trong khối NATO và cần có
những thông tin để dùng trong nội bộ.
 Margerite chấp nhận chuyện này và rất lấy làm sung sướng khi anh nói, trong lúc công
tác, anh thường đi ngang quaParis và mong muốn gặp gỡ nàng ở đây. Cô chấp nhận cung
cấp cho anh những tài liệu mật của NATO. Đôi lúc, anh gặp cô tại một khách sạn nhỏ và
cô tiết lộ một số chi tiết trong công việc làm, đặc biệt là những chuẩn bị và ước tính về
các vận động quân sự của liên minh. Điều này cho chúng tôi có một cái nhìn chính xác về
cách tổ chức này tự xem xét sức lực và khuyết điểm của mình, một hiểu biết có tính cách
sinh tồn cho kế hoạch của khối Hiệp ƯớcWarsaw. Cô cũng cung cấp cho chúng tôi
những thông tin hữu dụng về hậu cần của hải quân và lực lượng bộ binh nơi cô đôi lúc
đến làm thông dịch viên.
Chính quyền Xô Viết – chúng tôi đương nhiên chia sẻ những thông tin này cho họ –
không hài lòng với kết quả này. Họ rất muốn chiếm đoạt giải tối thượng: Các kế hoạch
dàn trải của NATO và điểm đích cùng với thời điểm chính xác của những vũ khí hạt nhân
khi họ phát động đợt đầu tiên tấn công Tây Âu. Thống Tướng Koshevoi, tổng tư lệnh
quân đội tại Đông Đức, đã có lúc vuốt ve lòng tự ái của tôi khi ông dỗ ngọt để tôi trao kế
hoạch chiến tranh hạt nhân của NATO.
 “Các anh, người Đông Đức, rất giỏi. Có thể nào các anh lấy cho chúng tôi thêm tọa độ
không?” ông vừa nói vừa ám chỉ địa đồ chính xác các căn cứ của NATO, mà người Xô
Viết muốn triệt hạ trước tiên trong cuộc xung đột hạt nhân. Với giọng nói đầy thiện cảm
nhưng hãi hùng ông nói : “Chúng tôi chẳng cần những giấy tờ của các ông. Chúng tôi chỉ
cần những tọa độ đó, và chúng ta có thể thả một quả bom lên đầu chúng và xẻ đường đi
vào Tây Âu.”
Tôi buồn phiền về chuyền này, vì tôi vẫn tự hào là cơ quan của tôi có khả năng cung cấp
những thông tin phân tích có chiều sâu hơn những đường vạch chằng chịt trên sơ đồ. Tuy
nhiên, lúc trong chúng tôi muốn giúp Moscow có được hầu hết những tọa độ này, chúng
tôi không tài nào thiết lập được toàn bộ sơ đồ, có lẽ bởi vì Ngũ Giác Đài khôn ngoan
không để cho đồng minh Tây Đức nắm giữ những dữ liệu quan trọng này, vì họ nghĩ rằng
Tây Đức không ngăn ngừa được việc tiết lộ – và họ làm việc này không phải không có lý
do chính đáng.
Trong khi đó, Margerete đau khổ vì lương tâm bị giằn vật giống như nhân vật cùng tên
trong vở kịch của Goethe. Cô không còn bình tâm nữa, trái tim của cô bị cấu xé, như nhà
bi kịch nổi tiếng người Đức đã biên soạn. Chúng tôi đã phải mất một thời gian dài để
thuyết phục cô trao tài liệu chúng tôi cần ngay cả cho người cô yêu và cũng là người của
cái gọi là cơ quan tình báo Đan Mạch vô hại kia. Và lòng sùng bái Thiên Chúa Giáo La
Mã đã khiến cho cô bứt rứt không an tâm để tiếp tục một cuộc tình đi ra ngoài vòng tôn
giáo.
Điểm các điệp viên của chúng tôi giống những anh hùng trong những quyển tiểu thuyết
gián điệp là cái thú mến mộ những phụ nữ xinh đẹp và những địa điểm đài các, do đó cặp
uyên ương này hủ hỉ với nhau nhân dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới 1962-1963 trong
khách sạn Arosa, ở Thụy Sĩ. Nơi đây cô nói với anh ta là cô không muốn tiếp tục làm
gián điệp và cuộc tình lãng mạng này nếu cô không gặp được một vị linh mục để được
giải tội và có lời cầu hôn chính thức. Roland G , suy nghĩ thực tế, nói rằng việc hôn nhân
không thể thực hiện được bởi vì công việc của y ởCopenhagenbuộc y phải đi xa bất cứ
lúc nào trong một thời gian dài.
Để đáp ứng ước nguyện của Margarete được xưng tội, mặc dù Roland G. biết rõ luật lệ
của Tòa Thánh La Mã về tính cách tuyệt đối cẩn mật của tòa giải tội, anh cũng biết rõ
một điệp viên tốt không thể chấp nhận rủi ro. Vì vậy anh nói với Margarete đợi cho đến
lúc anh kiếm ra được một vị linh mục Đan Mạch. Để làm điều nay lẽ cố nhiên anh không
kiếm ở Đan Mạch nhưng tại một chi nhánh của bộ tư lệnh cơ quan tình báo của chúng tôi
tại Karl-Marx-Stadt. Tại đây lời yêu cầu của anh đã hầu như gây náo động. Chúng tôi
phải sắn tay áo, nhưng sản xuất theo yêu cầu những linh mục nói tiếng Đan Mạch không
phải là công việc của họ. Nhưng vì Roland G. đã hứa nên cơ quan tình báo, như một
trượng phu, luôn cố gắng giữ lời hứa cho một trong những nhân viên của mình.
Chúng tôi dàn xếp để tạo nên một kiểu “hôn phối Potemkin” – trên bề mặt – biến một
nhân viên của chúng tôi thành một linh mục tuyên úy. Người này được huấn luyện để
đóng vai linh mục giải tội, nhưng giọng Đan Mạch của đương sự không có, vì vậy chúng
tôi phải gởi anh đi học một khóa cấp tốc để học một vài chữ chào hỏi và tiễn đưa cho phù
hợp với sự thực và quan trong hơn nữa là thay giọng mũi phổ cập của người dân miền
Saxony của Đức bằng một giọng người miền Bắc Âu thích hợp hơn. Chúng tôi tìm ra
được một ngồi nhà thờ nhỏ và ít người đến trong một làng ở Jutlandvà chờ lúc vắng vẻ,
người của chúng tôi   luồn vào trong tòa giải tội và cô Margerete được mời vào để phơi
bày tâm hồn cho đương sự nghe. Không có gì đáng ngạc nhiên là ông linh mục này tỏ ra
thông cảm hết mức và nói nàng cứ tiếp tục làm gián điệp với phúc lành của Thượng Đế.
Tôi lo sợ tất cả màn kịch này có thể kết thúc một cách lố bịch, nhưng tôi ngạc nhiên thấy
nó thành công. Đôi lúc trong trò chơi gián điệp, những mưu chước quái gở lại thành công
trong khi đó một chước tầm thường lại thất bại. Về mặt đạo đức, tôi thường được hỏi là
tôi có cảm thấy có tội hoặc xấu hổ đã dàn dựng lên những trò ma giáo này. Xét cho cùng,
câu trả lời lương thiện là không. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi đã không kềm hạm được
một số việc, nhưng vào lúc đó chúng tôi nghĩ rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Mối liên hệ của chúng tôi với Margarete chấm dứt khi chúng tôi triệu hội Roland G ra
khỏi Tây Đức vì chúng tôi lo ngại anh đang bị điều tra tại đây. Trong một thời gian ngắn
cô tiếp tục làm việc với một Romeo kế tiếp, nhưng sự phối hợp này không đem lại kết
quả mong muốn. Việc tham gia điệp vụ của cô chỉ là vì yêu Roland G.. Khi anh này đi,
cô không còn động lực để tiếp tục.
Một Romeo cao thủ khác, không giống Roland G., là một người không ai nghĩ rằng anh
có vóc dáng thích hợp với vai trò này. Tên của đương sự là Herber Schröter, một tên Đức
không lấy gì làm lịch sự, tướng ta của anh là của một người đô vật: Vạm vỡ, mặt vuông
vức, vai rộng và tiếng nói oang oang. Tôi vẫn không hiểu đương sự có điều gì để quyến
rũ đàn bà đến như vậy, nhưng anh ta phải có một điểm gì đặc biệt, bởi vì trong suốt quá
trình hoạt động của anh, anh đã xoay xở và thuyết phục hai cô thư ký ở vị trí cao và đầy
tài năng làm gián điệp cho chúng tôi. Nhưng tiếc thay đương sự không đem may mắn đến
cho những phụ nữ có liên hệ với y. Mặc dù không phải lỗi của đương sự, cả hai người
này đều bị bắt, và mỗi lần như vậy anh lại thoát thân. Câu chuyện của anh cho thấy
những điệp vụ Romeo là những trò may rủi ngẫu hợp. Đôi lúc chiến thuật này dẫn đến
những mối tình thành thực và lâu bền, đôi lúc nó dẫn đến thảm cảnh.
Chúng tôi phái Herbert đến Alliance Française tạiParisvào đầu thập niên 1960. Cơ sở này
là nơi tuyển dụng chúng tôi ưa chuộng, nổi tiếng là nơi tập trung các cô thư ký vì các
công chức được gởi tới đây để học Pháp ngữ. Tại đây đương sự làm quen với một cô
mười chín tuổi tên Gerda Osterrieder, một cô gái hoạt bát và mảnh khảnh. Họ thân mật
với nhau và đúng thời điểm đương sự tiết lộ lý lịch thực sự của mình. Cô chấp nhận
thuyên chuyển sang Văn Phòng Hải Ngoại và trở thành nguồn cung cấp tin tức cho chúng
tôi, một công tác cô thực hiện một cách hoan hỉ và hiệu quả. Đầu năm 1966 cô làm việc
tại Telco, trung tâm giải mã của Văn Phòng Ngoại Giao Bonn, nơi đây tất cả các điện tín
từ các tòa đại sứ ở các nước khác gởi về để giải mã. Ngụy trang của Herbert tạiBonnlà
nhân viên thương mại.
Phương pháp làm việc tại Telco, của đáng tội, thật là cẩu thả. Lúc đó, các báo cáo đều
được gởi về bằng băng giấy của máy in điện báo. Gerda đã bỏ vào túi sách to của cô cả
mấy cuộn băng và đem ra ngoài cơ quan mà không hề có một ai kiểm soát. Năm 1968, cô
được gởi đi Washington ba tháng để xả hơi và cô làm việc giải mã tại tòa đại sứ Tây Đức,
tại đây cô đã nỗ lực làm việc cho chúng tôi và chuyển những báo cáo về tình trạng liên hệ
giữa Bonn và Washington cũng như những nhận xét của đại sứ về chính sách nội bộ và
ngoại giao của Hoa Kỳ. Sau này cũng cùng năm đó, Gerda và Herbert tiếp tục nỗ lực làm
việc cho chúng tôi tại Bonn. Năm năm sau, cô được thuyên chuyển sangWarsaw. Mối
liên hệ với Herbert bị gián đoạn và cô đau khổ phải xa cách, và bắt đầu say sưa rượu chè,
nhưng chúng tôi phải giữ Herbert ở lại Tây Đức, vì một cuộc di chuyển về hướng Ba Lan
sẽ gây nên nghi ngờ.
Không may cho chúng tôi, cô tìm an ủi nơi một ký giả Tây Đức, và người này được tiết
lộ là một nhân viên phản gián ngụy trang củaBonn. Cô tiết lộ cho người này là cô chuyển
thông tin cho chúng tôi, và y thuyết phục cô nên đầu thù. Ít ra sự trung thành của cô đối
với cá nhân Herbert vẫn còn nguyên vẹn nên cô đã điện thoại cho Herbert đúng lúc. Câu
nói – “Hãy đến tìm gặp những bàn bẹ của chúng ta. Quan trọng lắm” – là một tín hiệu
báo động đã hội ước trước để đương sự đào thoát sang Đông Bá Linh trước khi lưới bủa
sập vào.
Những gì xảy ra sau đó là một loại thảm kịch thường xảy ra trong tiểu thuyết gián điệp
giả tưởng nhưng ít khi xảy ra trong công tác tình báo thực sự. Herbert trở về với chúng
tôi, thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Gerda bị giam giữ trong một ngôi biệt thự của đại
sứ Tây Đức tạiWarsawđể không còn cơ hội tiếp xúc với các chủ nhân ông cũ. Chúng tôi
nhận được tin là hai sĩ quan tình báo Tây Đức đến đây để thẩm vấn cô.
Đêm hôm đó những đường dây điện thoại khẩn cấp của tôi không ngừng reo bởi vì tôi
vẫn hy vọng là Gerda sẽ thay đổi ý nghĩ và chạy về với chúng tôi. Tôi liên lạc với các
đồng nghiệp ở bên tình báo hải ngoại Ba Lan và họ đồng ý với tôi là họ sẽ làm mọi cố
gắng để ngăn trở sự ra đi của cô. Công tác này không đơn giản. Tôi luôn cảm thấy phiền
phức khi một quốc gia xã hội chủ nghĩa khác bị lôi cuốn vào chuyện điệp báo của hai
nước Đức, đặc biệt là Ba Lan, vì lòng tự ái quốc gia của họ không chấp nhận sự kiện
chúng tôi giám sát mối liên hệ của họ với Tây Đức. Ngay cả trước khi công đoàn Đoàn
Kết nổi dạy, mối quan hệ giữa Đông Bá Linh và Warsaw rất nhạy cảm, và tôi đoán không
sai là nếu công tác chúng tôi thất bại, tôi sẽ nhận được một bài học lên lớp của đồng
nghiệp Miroslav Milevski, một người quốc gia cực đoan và là giám đốc của cơ quan tình
báo hải ngoại của Warsaw, sau này trở thành bộ trưởng nội vụ Ba Lan.
Chúng tôi thiết lập một “đường dây cứu cấp” cuối cùng. Trong lúc ông trưởng phái đoàn
Tây Đức đưa nguồn tin của chúng tôi ra phi trường và đi qua trạm kiểm soát cuối cùng,
một nhân viên tình báo Ba Lan ngụy trang bước ra và mời cô đi tị nạn. Trong một thoáng
chốc Gerda do dữ và nhân viên ngoại giao khựng lại, lòng hoảng hốt vì sẽ đi vào lich sử
ngoại giao như người đã đánh mất ngay tại đây trên phi đạo một điệp viên làm việc cho
Cộng Sản, đã đầu thú. Tuy nhiên cuối cùng, Gerda lắc đầu và bước lên phi cơ của
Lufthansa.
Trở về Düsseldorf, cô bị xử vị tội gián điệp “trong một trường hợp đặc biệt nghiêm
trọng” và bị kết án ba năm tù, ngắn hơn thời hạn bình thường vì cô đã khai cho Tây Đức
những chi tiết công việc cô đã làm trong quá khứ. Chúng tôi đã táo bạo thử cứu cô nhưng
đã thất bại. Tôi phiền muộn vì tất cả những sự kiện này và nghĩ rằng chúng tôi đã để vuột
mất cuộc tình giữa Gerda và Herbert vì chúng tôi quá ngạo mạn. Hơn thế nữa, chúng tôi
bây giờ bị kẹt với Herbert, một kẻ lừa phỉnh và vụng về. Đương sự không bao giờ có thể
thích hợp với công việc ở bộ tư lệnh và đã bại lộ tung tích gián điệp vì Gerda đã trở về
Tây Đức. Để có thời giờ suy nghĩ, chúng tôi cho hắn đi nghỉ hẻ ở vùng biển Hắc Hải
ởBulgaria.
Một vài tuần sau y trở về, trông có vẻ rất là tự mãn. “Tôi nghĩ là tôi đã tìm ra được một
cô bạn gái hữu dụng khác”. Tôi ngạc nhiên vô cùng.
Trên bãi biển, y đã gặp được một cô gái tóc nâu cực kỳ hấp dẫn tên là Dagmar Kahlig-
Scheffel. Y tự giới thiệu với một tên giả khác (y thay đổi tên quá nhiều lần trong nhiều
năm, tôi tự hỏi không biết y có nhớ hết những tên đó không). Bây giờ y tên là Herbert
Richter. Dagmar nói với y là cô đi nghỉ hè để lấy lại tinh thần sau khi đã phải đau khổ ly
dị. Ông Richter nói rằng đương sự cũng là người đã từng ly dị và thông hiểu nỗi đau này.
Sau đó hai người tình tứ nghỉ hè
[ Lời dịch giả :Margarete tên thật là Margarethe Lubig và Roland G. tên thật là Roland
Pandt
 (http://archiviostorico.corriere.it/1997/marzo/30/
spie_dell_Est_missione_speciale_co_0_97033013773.shtml)%5D
với nhau. Một buổi trưa tại phòng của cô, y lần dở một tạp chí trong tuần và   rầu rĩ nhìn
thấy một bài phóng sự dài viết về vụ xử án của Gerda. Và trên đó có hình của đương sự
đứng sát bên cạnh Gerda và đương sự xuất hiện rất rõ nét. Người yêu của cô được mô tả
qua những chi tiết khủng khiếp như là một con quỷ hiện thân, phá hoại đời của các phụ
nữ. Đương sự không còn lựa chọn nào khác là thú nhận đương sự là điệp viên Đông Đức
Schröter với cô bạn gái mới này.
May thay, cô lại thán phục tính chất lương thiện của y và hai người vẫn tiếp tục tình tứ.
Vì Herbert là người bất hảo tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, chúng tôi phải mời cô sang
Đông Bá Linh vào cuối tuần. Cô đang làm phụ tá cho một ký giá ởMunich, việc này đối
với chúng tôi chẳng khai thác được gì. Thời gian trôi qua, cô muốn bày tỏ lòng biết ơn vì
đã trải qua những cuối tuần êm ấm ở Đông Đức và cô không từ chối làm việc cho chúng
tôi. Chúng tôi đề nghị cô nên học tiếng Pháp và tốc ký, trả lệ phí cho cô, và ngay cả đài
thọ cho đứa bé gái của cô vào học trong một trường nội trú ở Thụy Sĩ.
Dagmar di chuyển vềBonntheo lời yêu cầu của chúng tôi, nhưng việc huấn luyện của cô
vẫn chưa hoàn tất để cô kiếm được việc làm trong chính phủ. Nhưng chúng tôi không
chịu thua – tôi nghĩ lòng kiên nhẫn của chúng tôi vượt xa tất cả những cơ quan tình báo
khác. Cô nhận một chân phụ tá cho một giáo sư đại học. Nhờ sự gởi gắm nồng nhiệt của
ông, sau một năm làm việc với ông, cô kiếm được việc làm tại văn phòng của Thủ Tướng
Helmut Schmidt vào mùa thu năm 1975.
Những tuần lễ đầu trong một cuộc dàn trận như vậy luôn luôn căng thẳng đối với chúng
tôi ở tại Đông Bá Linh. Vòng đai an ninh đã được xiết chặt và lúc đó thời hạn thử thách
mười tuần được thực hiện, trong thời gian này lý lịch của nhân viên mới và những người
quen biết được sưu tra kỹ lưỡng. Dagmar vượt qua thử thách này một cách tốt đẹp. Lẽ cố
nhiên, chúng tôi phải ngưng những chuyến đi của cô sang Đông Bá Linh và thu xếp cho
cô gặp Herbert tạiVienna,GenevavàInnsbruck.
Chúng tôi đạt bí danh cho cô là Inge và cô làm việc cho chúng tôi nhiều năm, chuyền cho
chúng tôi những thông tin về những công việc nội bộ của nhóm ông Schmidt và tinh thần
của cấp lãnh đạo tạiBonn. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những báo cáo của cô về không
khí căng thẳng vào lần tiếp xúc đầu tiên của ông Schmidt với Tổng Thống Carter để bàn
về an ninh của châu Âu. Cô là một thứ ký siêng năng, được các đồng nghiệp mến chuộng
vì cô sẵn lòng giúp và ở lại trễ nếu công việc đòi hỏi và để thay thế vào giờ phủ chót hoặc
đổi ngày nghỉ cho những đồng nghiệp bận bịu với gia đình. Trong những giờ yên tĩnh
này, cô bận rộn làm việc tại phòng sao chụp, chuẩn bị những bản sao cho chúng tôi hoặc
chụp vi phim những tài liệu quan trọng lúc không có ai dòm ngó.
Mối quan hệ của cô với Herbert rất là chặt chẽ, mặc dù họ xa cách nhau trên phương diện
địa lý. Dagmar rất mong muốn làm đám cưới. Nhưng theo luật lệ thông thường của
chúng tôi, chúng tôi muốn tránh việc này, nhưng e rằng cô sẽ rời bỏ tổ chức của chúng
tôi, chúng tôi lại dàn dựng một đám cưới Potemkin khác. Chúng tôi làm căn cước Đông
Đức cho cô với tên thời con gái của cô và đưa cô từBonnsangViennađể đến Đông Bá
Linh, ở đây cô được đưa đến phòng hộ tịch ở quận Lichtenberg cách không xa bộ tư lệnh
của bộ chúng tôi tại Normannenstrasse.
Tất cả mọi thủ tục đều được tiến hành. Viên chúc hộ tịch hỏi Dagmar và Herbert họ có tự
do để làm đám cưới không và đọc một bài diễn văn về sự ràng buộc trong suốt cuộc đời
và tính chất hệ trọng của đời sống vợ chồng. Họ trao đổi nhẫn cho nhau và nhạc khúc hôn
phối trổi lên. Mặc dù hai người đều ký vào sổ hôn phối, cả hai đều không biết trang này
đã bị lấy ra khỏi sổ và bị tiêu hủy sau khi họ rời cao ốc. Mãi sau này khi Dagmar khám
phá, sau khi cô bị bắt, là hôn phối của cô, vì không được ghi rõ ràng vào sổ bạ nên không
có giá trị, cô lấy làm phẫn nộ.
Sự nghiệp của cô chấm dứt vào năm 1977 mặc dù không phải do lỗi của cô. Người ta tình
nghi Peter Goslar, cán bộ điều khiển của cô ở Tây Đức, được chúng tôi cài và cho định
cư ở Düsseldorf với người vợ tên Gudrun với căn cước giả. Vợ chồngGoslarđược đưa
vào Cộng Hòa Liên Bang Đức qua ngã Luân Đôn, ở đây họ được cấp căn cước Anh với
tên vợ chồng Anthony Roge. Nhưng trong một cuộc sưu tra với máy vi tính về những vụ
định cư bất bình thường từ ngoại quốc vào Tây Đức, cặp vợ chồng này đã bị phản gián
Tây Đức để ý đến. Họ bị theo dõi một thời gian, và, khi căn phòng của họ bị lúc soát, các
viên chức nhà nước tìm thấy tài liệu giấu trong giỏ trái cây và trong phòng tắm. Những
tài liệu này gồm có những ghi chú của Schmidt về một cuộc đối thoại mật với Thủ Tướng
Anh James Callaghan, và vị này đã than phiền Tòa Bạch Ốc không nắm vững tình thình ở
Châu Âu và dùng danh từ “ngạo mạn” và “ngu xuẩn” để mô tả chính quyền Hoa Kỳ.
Đội điều tra không bao lâu khám phá những ghi chú này phát xuất từ đâu. Họ quay phim
những cuộc gặp gỡ của vợ chồngGoslarvới Dagmar. Kế tiếp đó khi hai vợ chồng vắng
mặt, họ lục lọi căn phòng lần nữa, tìm thấy những tài liệu tang chứng của văn phòng Thủ
Tướng Schmidt về vị thế của Tây Đức tại hội nghị kinh tế thương đỉnh tại Luân Đôn năm
1978. Dagmar bị bắt, bị xử và bị kết án bốn năm và ba tháng tù ở. Trong lần xét xử chính
bản thân tôi, tôi gặp một linh gác thâm niên tại Tòa Án Düsseldorf đã từng gặp một số cô
thư ký gián điệp. Cô Dagmar nổi trội hơn những người trong ký ức của ông, và ông nói
với tôi : “Cô ấy là một người đàn bà đẹp tuyệt vời từ trước tới nay tôi chưa từng thấy”.
Về phần Schröter, những ngày vinh quang đã chấm dứt. Đương sự phải buộc trở về sống
một cuộc sống bình lặng ở Đông Đức, không còn những ngày nghỉ thơ mộng nới xứ lạ
nữa.
*
Cô Gabriele Gast là một nhân vật hiếm có trong môi trường phần đông là đàn ông và đã
trở nên người phụ nữ có địa vị cao nhất trong Cơ Quan Tình Báo Liên Bang (BND), lên
đến chức vụ chuyên viên phân tích cao cấp về Liên Bang Xô Viết và Đông Âu. Những
báo cáo xâu sắc của cô về sự phát triển của khối Đông Âu thường nằm trên bàn làm việc
của Thủ Tướng Helmut Kohl. Điều mà cả ông Thủ Tướng lẫn các cấp chi huy của cô
trong sở BND đều không biết là chúng cũng nằm trên bàn làm việc của tôi.
Trường hợp của Gaby bắt đầu bằng một mối tình Romeo, tuy nhiên tôi miễn cưỡng mô tả
cô là một Juliet vì cô là một người phụ nữ xuất sắc, đã hành động theo thâm tín và ý nghĩ
của bản thân. Xuất thân từ một gia đình trung lưu bảo thủ, cô là thành viên của Phong
Trào Thanh Niên Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, một tổ chức cực hữu, và năm 1968 sang
thăm viếng Đông Đức để soạn một tiểu luận về vai trò chính trị của phụ nữ tại nước Cộng
Hòa Dân Chủ Đức.
Tại Karl-Marx-Stadt, cô gặp một công nhân cơ khí tên là Karl-Heinz Schmidt; phải mất
hai mười năm cô mới biết tên thật của đương sự là Schneider. Việc gặp gỡ này không có
gì là ngẫu nhiên. Schmidt/Schneider làm việc cho Bộ Công An tạiSaxonyvà sau này được
thăng cấp thiếu tá. Là một con người mộc mạc dễ dãi, anh có nét duyên dáng của kẻ vô
sản đặc biệt gây sự thu hút đối với các phụ nữ trung lưu được cưng chiều. Cô thấy tên
công giáo cũ kỹ của anh quá cứng rắn và trìu mến gọi anh là Karlizcek. Anh tận tình ve
vãn và đưa cô đi du ngoạn ở vùng quê, và hưởng thụ một mùa hè thơ mộng với nhau. Sau
đó anh tiết lộ thân phận thực sự của anh và giới thiệu cô lên cấp trên của mình, một sĩ
quan tình báo giàu kinh nghiệm tên là Gotthold Schramm.
Gaby choáng ngộp vì bất ngờ thấy được tận nguồn công tác nội bộ của Đông Đức. Khi
những người mới quen biết này yêu cầu cô hợp tác với họ, cô do dự cho đến lúc họ nói cô
sẽ không còn được gặp Karlizcek nếu cô từ chối. Sau đó cô chấp nhận và trở về Tây Đức
để tiếp tục học vấn tạiAachennhưng cô sang Đông Đức mỗi ba tháng để được huấn luyện
điệp báo và gặp người bạn trai.
Các cán bộ điều khiển của cô tại Đông Đức chưa có kế hoạch rõ rệt cho cô lúc ban đầu
nhưng dự định hướng nghiệp cô vềBonn, có lẽ vào làm việc tại một bộ nào đó. Tuy
nhiên, ở thời điểm này, chúng tôi phó thác cho số mạng. Chúng tôi không phải là những
người duy nhất chú ý đến Gaby. Người đỡ đầu luận án của cô là một giáo sư nổi tiếng với
những nghiên cứu về các quốc gia Đông Âu, ông Klaus Mehnert. Ông Mehnert có liên hệ
với cơ quan tình báo BND và ai cũng nghĩ rằng ông là một trong những người kết nạp
cho họ trong giới đại học. Gaby là một sinh viên sáng giá của ông và khi cô trình luận án
năm 1973, cô được mời nhận một chức vụ ai cũng thèm muốn là chuyên viên phân tích
chính trị tại học viện Pullach của BND gầnMunich, một học viên rất được ngưỡng mộ.
Chúng tôi lẽ cố nhiên sung sướng với chuyển biến này. Chúng tôi giữ lời hứa và cho
phép cô tiếp tục thăm viếng Karlizcek. Không bao lâu họ tổ chức lễ đính hôn tại một nhà
an toàn ở Đông Âu. Schramm nhận trách nhiệm khui rượu Champagne Nga và đem theo
một băng ca-xét với những lời chúc mừng của giám đốc tình báo địa phương. Chúng tôi
luôn luôn quan tâm đến khía cạnh thơ mộng của những mối liên hệ này.
Việc làm của Gaby không thể chê chỗ nào được. Cô cung cấp cho chúng tôi một bối cảnh
chính xác về sự hiểu biết của phía Tây và những phán đoán của họ về toàn bộ khối Đông
Âu. Điều này có tầm quan trọng sinh tử đối với chúng tôi để xử lý đà tiến của Công Đoàn
Đoàn Kết tại Ba Lan vào đầu thập niên1980. Nhờ có óc quan sát tinh tế để nhận diện
những tài liệu đáng chú ý, cô là một chuyên viên phân tích xuất sắc và không ngần ngại
tìm tòi trong những núi tài liệu mật của Tây Đức nói về sự phát triển chính trị và kinh tế
trong khối Đông Âu và Liên Bang Xô Viết, và tóm tắt lại những điểm mà cô nghĩ chúng
tôi cần ở Đông Bá Linh.
Nếu chúng tôi muốn có bản chính, cô chụp vi phim và cất giấu chúng trong những chai
khử mùi hôi nách giả.Chúng tôi lúc ban đầu dạy cho cô cách cất giấu trong những bồn
nước trong nhà tiêu trên toa xe lửa di chuyển từ Munich qua biến giới để tới Đông Đức.
Sau này chúng tôi xét thấy việc này quá mạo hiểu và bất tiện để theo kịp lượng thông tin
cô cung cấp cho chúng tôi. Một người đàn bà làm giao liên sẽ đến gặp cô tại hổ tắm
ởMunichvà hai người sẽ trao đổi thông tin cho nhau trong phòng thay quần áo. Những
phòng này đã được ấn định qua những điện thư mã hóa được chuyển qua đài vô tuyến
chúng tôi gởi đi từ Đông Bá Linh.
Trong nhiều năm cô cộng tác với chúng tôi, Gaby rất hài lòng với những gì cô làm trên
phương diện nghề nghiệp. Cô vẫn tiếp tục gặp người tình Karliczek vào những lần nghỉ
hè. Chúng tôi chăm sóc kỹ lượng cho đôi uyên ương này, cho họ đi nghỉ ở vùng núi Alp
hoặc trên bờ biển Địa Trung Hải. Nhưng với thời gian mối liên hệ đã được cài đặt ban
đầu không còn quan trọng đối với cô. Tôi nghĩ cô bám víu vào con người chẳng lấy gì
làm đặc biệt của Karliczek bởi vì cô thích tiện nghi xuất phát từ mối liên hệ này và cô là
một phụ nữ kiên quyết và độc lập, không thích có mối liên hệ thông thường tại quê nhà.
Cô cũng mang theo một gánh nặng tình cảm phụ trội. Chị dâu của cô nhận nuôi một đứa
bé khuyết tật nặng, nhưng xem ra quá sức chịu đựng của họ. Vì không muốn gởi đứa bé
vào một cơ quan từ thiện, Gaby chịu chăm sóc thằng bé mặc dù việc này đòi hỏi thời giờ
và năng lực của cô. Cô cũng tỏ ra lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đứa bé nếu
cô bị phát hiện. Cô có những cơn sốt lo âu và đôi khi cô nói đến việc cắt đứt liên lạc với
chúng tôi.
Tôi quyết định phải giữ cô lại và năm 1975 bất thường đích thân đến gặp cô
tạiYugoslavia. Ban đầu bầu không khí xem ra căng thẳng, bởi vì chưa có một hình ảnh
nào của tôi xuất hiện ở Tây phương và đối với cô, tôi là một cấp lãnh đạo không chân
dung của tình báo Đông Đức. Nhưng không bao lâu cô lấy lại phong độ và thảo luận với
rất nhiều nhiệt huyết về chính sách Ostpolitik và tình hình nội bộ của Đông Đức, một
thực trạng mà cô không nuôi ảo tưởng. Tôi thăm hỏi tình trạng cá nhân và đời sống của
cô tại sở làm – lẽ cố nhiên Karliczek cũng có mặt tại đó – và chúng toi cũng bàn thảo về
phương cách để cô có thể tiến thân trong cơ quan BND. Tôi cam đoan với cô là tôi sẽ giữ
tuyệt đối bí mật danh tính của trong cơ quan và hỗ trợ cho cô tối đa. Sau đó, chúng tôi
gặp gỡ nhau ở những nơi khác chẳng hạn như tại một ngôi nhà sinh sắn ở Split trên bờ
biển Dalmatia của Yugoslav, một địa điểm nghỉ mát không nghi ngại cho các điệp viên
của chúng tôi ở Tây Đức và cũng không nguy hiểm cho tôi.
Những chiến dịch của báo giới Tây Đức nhằm đánh phá tôi và đe dọa phơi bày những
những điệp viên của chúng tôi chỉ làm cho cô quyết tâm hơn nữa và sự dấn thân về ý thức
hệ của cô mỗi lúc mạnh mẽ thêm với thời gian. Giống như nhiều thanh niên Tây Đức đã
kinh qua những phong trào phản kháng năm 1968, cô quả quyết nghĩ rằng nước Cộng
Hòa Liên Bang Đức đã không thực tâm giải quyết quá khứ Quốc xã. Cô có lần gởi cho tôi
một quyển sách về tòa án Nuremberg, nơi các đảng viên Quốc Xã đã tổ chức những cuộc
tập họp quy mô và cũng là nơi sau này phe Đồng Minh chiến thắng đã truy tố họ về tội ác
của họ. Cô ghi trên quyển sách : “Đám cũ vẫn còn lấp ló đằng sau bề mặt của Canh Tân.
Ba mươi năm sau vự xửNuremberg, cuốc đấu tranh cho Canh Tân vẫn tiếp tục”.
Tôi không dám bạo miệng nói rằng, sau lần đầu hổ hởi gặp gỡ Karliczek, Gaby có thực
sự yêu y không. Nhưng tôi biết chắc chắn là cô đã khai triển một loại mối tình với cơ
quan của chúng tôi. Cô tỏ ra lãng mạng trong mối quan hệ với chúng tôi và cô cảm thấy
hài lòng về mặt tình cảm cũng như trên mặt nghề nghiệp, tính chất lãng mạng này cô
không tìm thấy trong quan hệ với những người đàn ông. Sự so sánh này có vẻ kỳ lạ,
nhưng những xa xỉ cung cấp cho một gián điệp giỏi, những chăm sóc tận tình cho phúc
lợi của các điệp viên có thể thay thế cho những mối liên hệ cá nhân. Trong trường hợp
của Gaby, yếu tố con người đặc biệt quan trọng và chúng tôi quan tâm tới việc trọng
thưởng công việc tốt của cô bằng cách đưa cô sang Đông Đức hội họp. Những việc này
đã nâng đỡ mặt tình cảm của cô và do đó tạo nên nhiều thú vị cho cô.
Cô rất mến mộ hai sĩ quan cao cấp đã coi cô như con. Khi một trong hai người chết, cô
thu xếp để gởi hoa đặt lên mộ của người này ở vùng quê Đông Đức. Cảm tình của cô đối
với tôi xem ra khó phân biện hơn. Cô muốn cảm nhận tôi cần cô và tôi đích thân quan
tâm đến cô. Tôi thực sự thích cô và sự khôn ngoan và sự nhạy cảm của cô thu hút cá nhân
tôi. Đây là mối liên hệ chặt chẽ nhất tôi chưa từng có với một điệp viên.
Đôi lúc những thư tín của cô hàm chứa giọng điệu đau buồn của một tình nhân được xem
như của trời cho. Nhưng những lần viếng thăm Đông Bá Linh tạo cho cảm giác liên thuộc
một điều mà cô không tìm thấy ở chính đất nước mình. Cô đến gặp Karliczek ở Vogtland,
một vùng đẹp đẽ không xa biên giớiBavaria. Đây là cảnh thơ mộng đồng quê pha với một
ít lãng mạng của thế kỷ thứ mười chín đang phát triển mau chóng tại những vùng hẻo
lánh của Đông Đức.Cô được bà chủ nhà tên Linda chăm sóc tận tình và cô thích món
bánh bao mịn mượt vùng Vogtland và giọng địa phương khó hiểu của bà chủ nhà. Tại
đây cô được nghe chính ngôn ngữ của cô như chưa bao giờ cô được nghe và cô được nếm
món ăn Đức như chưa bao giờ cô được nếm. Những kinh nghiệm này thường quyến rũ
những người Tây Đức được chúng tôi đưa sang Đông Đức. Chúng tôi phải cân nhắc kỹ
lưỡng để tổ chức những chuyến đi này vì nó cung cấp hỗ lực tình cảm nhưng mỗi lúc
càng trở nên nguy hiểm hơn. Mỗi chuyến đi Đông Đức thật là nguy hiểm đối với nhân
viên điệp báo không được phép đến đó do vị thế nhạy cảm của họ ở Tây Đức, đặc biệt là
trong những tổ chức như BND. Lần hồi chúng tôi rút ngắn những viếng thăm này bởi vì
có nguy cơ về mặt an ninh, và điều này làm cho cô đau khổ.
Đã có lần Gaby viết cho tôi để bày tỏ những lo ngại về những mối nguy cô có thể gặp
đương khi cô được thăng tiến trong sự nghiệp tại cơ quan tình báo Tây Đức. Tôi cảm
nhận cô đang cầu cứu để chúng tôi hỗ trợ cho cô được vững dạ hơn nữa và tôi mời cô
sang thăm viếng Đông Đức thêm một lần nữa. Cô trả lời : “Một lần gặp gỡ và trò chuyện
với ông ở một nơi ẩn náu đượm không khí gia đình thúc đẩy và sẽ luôn luôn thúc đẩy tôi
để tôi đặc biệt hoàn tất công tác, cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy đi nữa”. Tôi
phải đương đầu với một sự kiện là, với tất cả những đức tính của cô, cô không phải là
một điệp viên dễ tính. Chúng tôi gặp nhau bảy lần trong suốt thời gian cô làm việc.
Tôi thường để ý thấy cảm giác liên thuộc với một cộng đồng đặc biệt, một nhóm ưu tú và
một câu lạc bộ bí mật đấu tranh cho một lý tưởng cao đẹp có tầm quan trọng đặc biệt đối
với những người Tây phương thuộc giới thượng trung lưu có cá tính mạnh mẽ và phức
tạp. Có lẽ điều này phần nào trả lời câu hỏi thiên hạ không ngùng đặt cho tôi về lý do tại
sao những người như vậy kéo nhau vào làm việc cho chúng tôi. Những gì chúng tôi cúng
hiến cho họ là cơ hội để họ hòa lẫn lý tưởng với sự dấn thân của cá nhân, một điều mà
phần lớn những xã hội tân tiến không có.
Vào thập niên 1980, Gaby dồn hết nỗ lực trong việc phân tích và nghiên cứu Đông Tây
của NATO và những hệ quả của chính sách chống cộng gây hấn của Ronald Reagan. Cô
chia sẻ mối lo âu của tôi về sự trì trệ sâu đậm của khối Xô Viết sau khi Andropov chết
năm 1984. Vào lúc này A Phú Hãn đã trở thành gánh nặng choMoscow. Cả hai chúng tôi
đều thấy rõ những sai lầm trầm trọng trong chính sách của Xô Viết và hậu quả của nó
trên toàn thể cộng đồng xã hội chủ nghĩa.
Tôi ngạc nhiên khi bắt đầu cuối thập niên 1970 cô nói đến viễn tượng các phong trào cải
tiến tự trị lan rộng ra ngoài Ba Lan và lây sang các quốc gia chư hầu khác. Đây là một
quan điểm gây chấn động nơi tôi nhiều hơn hết bởi nó phản ánh những nhận thức mới
chớm nở trong trí óc của tôi, và tôi chưa sẵn sàng hoặc có khả năng đẻ bày tỏ mạch lạc.
Thực tế mỗi lúc một xa rời với những lời tuyên bố của chính quyền và đi trái ngược hoàn
toàn với lý thuyết Mác Xít. Một cảm giác khó chịu đang xâm chiếm lòng tôi nhưng tôi
vẫn tiếp tục đè nén nó.
Sự nghiệp của Gaby tiến triền nhảy vọt. Lòng tin cậy cô tạo được có thể đo lường qua sự
kiện năm 1986 cô nhận trọng trách thảo một báo cáo rất nhạy cảm cho Thủ Tướng về
việc các công ty Tây Đức dường như dính líu trong việc xây cất một xưởng chế tạo vũ
khí hóa học tại Lybia. Một năm sau cô được phong phó giám đốc ban nghiên cứu chính
trị Xô Viết của cơ quan BND, một vị thế cao choáng voáng đối với một phụ nữ. Chúng
tôi để cho cô tự ý quyết định những gì cô gởi cho chúng tôi. Giống như các đồng nghiệp
của cô ở Tây Đức, chúng tôi tin tưởng hoàn toàn nơi chuyên viên của chúng tôi.
Một câu hỏi được đặt ra trong thế giới gương phản chiếu: Cô là chuyên viên phân tích
của ai đây? Tôi có thể nói là cô cung cấp cho chúng tôi và cơ quan BND những phân tích
hoàn toàn khách quan. Cô biết những điều chúng tôi quan tâm và tóm tắt những thông tin
chúng tôi cần vào những câu ngắn gọn trong những báo cáo dài bốn hoặc năm trang. Cô
lẽ cô đền bù sự thiếu vắng tình cảm bằng cách đem hết trí tuệ và năng lực vào công việc
trước mắt của cô cho dù là cho chúng tôi hay cho kẻ thù của chúng tôi. Điều quan trọng
nhất đối với chúng tôi là những gì chúng tôi tìm hiểu qua cô cơ quan BND nghĩ gì về
khối Đông Âu và về chúng tôi, nhờ đó chúng tôi có thể thấy giới qua con mắt của họ.
Gaby làm việc cho chúng tôi vì lòng thâm tín ở một lý tưởng, nhưng – cũng như những
trường hợp của các nguồn tin giá trị khác – công việc hoàn bị cho phía bên kia là điều
kiện cần có để có thể tiếp cận những thông tin chúng tôi muốn có.
Qua những báo cáo, chúng tôi cũng bắt được đầu mối tìm ra những điệp viên có thể do
BND gài ở Đông Đức, mặc dù đây chỉ là chuyện thứ yếu. Điều quan trọng hơn là chúng
tôi có một tầm nhìn thế giới rộng rãi hơn nhờ cái mà BND gọi là thông tin “băng vàng”,
mà cho đến nay ít ai biết đến. Đây là kết quả của việc cơ quan BND dòm ngó chính
những đồng minh của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, phần lớn phát xuất từ đài nghe
mang bí danh là “Eismeer” (biển băng giá) gần Conil và Cadiz trên bờ biển Đại Tây
Dương. Sự có mặt của đài nghe là do mối liên hệ mật thiết giữa nước Đức Quốc Xã và
nước Tây Ban Nha của Franco vào những thập niên 1930; chiến dịch có bí danh là
“Delikatesse” (điều tinh tế), giám sát những đường giây liên lạc từ châu Âu sang Tây Phi
Châu và Bắc và Nam Mỹ được các Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và các trạm của CIA xử dụng.
Tất cả những bản chuyển mã của BDN liên quan đến những đồng minh của Tây Đức đều
được đánh dấu bằng một vạch vàng để không chuyển lộn cho người khác, tiết lộ cho
đồng minh biết những gì Tây Đức đã nghe lóm. Tây Đức, với những sĩ quan điệp báo và
cảnh sát đã được huấn luyện kỹ thuật, trên lý thuyết có thể giải mã những tín hiệu của
mười bốn nước đồng minh. Họ có mối liên hệ chặt chẽ với tình báo Turkey, và trong
cuộc chiến Falklands năm 1982 là cơ quan duy nhất giải mã được lượng thông tin vô
tuyến của Argentina cho chính quyền Anh. Tay nghề của Tây Đức và khả năng của chúng
tôi cài đặt vào đây nhờ tay của Gaby và các nguồn tin khác đã cho phép chúng tôi giảm
thiểu những cố gắng thu thập tin tình báo. Tây Đức dở trò bẩn thỉu dòm ngó đồng minh
Hoa Kỳ và chúng tôi ăn cáp những thông tin này.
Mãi sau này, sau khi nước Cộng Hòa Dân Chủ xụp đổ và Gaby bị lộ, tôi thường mong
ước cô ấy sớm rời chúng tôi để chúng tôi – và cô ấy – có thể tẩy xóa vết tích của cô một
cách hoàn hảo hơn. Cho đến giờ phút chót cô không phạm một sai lầm nào. Đầu năm
1990, khi chúng tôi nhận biết việc thống nhất không thể tránh được, người thừa kế của tôi
mời cô đến họp tại Salzburg để nói với cô là chúng tôi chấm dứt công tác và tất cả những
tài liệu ghi chép những cộng tác của cô đã bị tiêu hủy.
Nhưng trên đường đi đến thống nhất, một số nhân viên cũ trong cơ quan của chúng tôi
tìm cách để được miễn truy tố bằng cách bán rẻ người khác. Sự phản bội tệ hại nhất là do
một trong những sĩ quan cao cấp của chúng tôi, Đại Tá Karl- Christoph Grossmann
( không nên lẫn lộn với người kế vị tôi làm giám đốc tình báo hải ngoại Werner
Grossman). Mặc dù đương sự không biết trực tiếp danh tính của Gaby hoặc sinh hoạt của
cô, đương sự đã nghe lỏm được trong một cuộc đối thoại là cơ quan chúng tôi cài được
một người đàn bà rất giỏi có chức vị cao trong cơ quan tình báo Tây Đức và cô này có
một đứa con khuyết tật.
Bấy nhiêu cũng đủ để tố cáo đích danh cô, và sau này cô bị bắt vào năm 1990 khi cô đi
qua biên giới Đức Áo để gặp lần cuối cùng các cán bộ điều khiển. Tôi nghĩ rằng họ chuẩn
bị trao cho cô một phần thưởng danh dự vì công cộng tác lâu năm. Cho đến giờ phút chót,
những dấu hiệu biết ơn có nhiều ý nghĩa đối với cô.
Đã có nhiều bình luận và có nhiều sách báo phân tích tại sao những phụ nữ này đã hành
xử như họ đã hành xử. Tất cả đều là những công dân của Tây Đức làm việc cho cơ quan
của nhà nước trước khi họ nhận làm việc cho chúng tôi. Một vài người chấp nhận lý
tưởng xã hội chủ nghĩa vì lòng thâm tín. Nhưng phần đông thực sự yêu đương và gắn liền
với chúng tôi vì đã gắn liền với một người đàn ông. Họ biết họ phải hy sinh mối liên hệ
gia đình và mức sống cao sang ở Tây Đức để được sống an toàn tại Đông Đức, một quốc
gia ít người biết đến và hình ảnh của quốc gia này đối với quần chúng không lấy gì làm
đẹp. Nhiều người đã lập cuộc đời mời ở đây sau khi đã chấm dứt công tác gián điệp.
Ursel Höfs đã phải thi hành toàn bộ án lệnh của Cộng Hòa Liên Bang Đức bởi vì cô đã từ
chối thu hồi đơn xin sang Đông Đức của cô sau khi cô được trả tự do. Christel Broszey
và chồng sang định cư ở vùngThuringiaở Đông Dức và nuôi một đứa con nuôi. Sau này
cô sung sướng vì hai vợ chồng cũng sanh được một đứa con ruột. Inge Goliath cuối cùng
đã về sống bình thản với người chồng ở vùng quê ngoại ô Bá Linh. Helga Rödiger đã di
chuyển cùng với chồng đến ở Bá Linh và ở lại đây sau khi chồng chết. Tôi chỉ gặp cô có
một lần tại một buổi liên hoan sinh nhật mùa hè năm 1996.
Cuộc chuyển đổi sang một hệ thống xã hội khác phải công nhận là khó đối với các phụ
nữ này. Phương sách của chúng tôi là giúp họ sống một cách thoải mái nhưng lại bình
lặng tối đa. Sau những năm phấn khởi phục vụ cho một cơ quan tình báo, điều này xem
ra là một phần cảm hứng trong cuộc đời của họ. Cô Christel Broszey là một trong những
người từ chối cuộc sống bình lặng. Cô nài ép giới lãnh đạo đảng ở địa phương để họ tìm
cho cô một công việc đầy thách đố trong ban thiết kế của một xưởng dệt. Tại đây cô chỉ
trích dữ dội lề lối vô hiệu quả của lối quan trị xã hội chủ nghĩa và cải tiến phương thức
làm việc trong xưởng theo kinh nghiệm của cô ở Tây Đức.
Tôi không nghĩ là phương thức để đạt thành công của cơ quan chúng tôi khác với phương
thức làm việc của các cơ quan tình báo hải ngoại Tây Đức. Chúng tôi không độc quyền
về việc xử dụng gián điệp Romeo. Chính quyền Tây Đức cài một điệp viên ở Hoa Kỳ
mang tên là Karl Heinz Stohlze. Năm 1990 đương sự tiếp xúc một cô thư ký kỳ cựu làm
việc cho một công ty quốc phòng ở Boston, quyến rũ cô và có ý định kết nạp cô để hy
vọng lấy thông tin cho Bonn về kỹ thuật phân cách di tố của Hoa Kỳ. Đương sư lén thu
băng những mẩu đối thoại trong đó cô nói rằng cô sẵn sàng làm gián điệp kỹ nghệ cho
Tây Đức. Khi cô mất bình tĩnh, đương sự hăm dọa sẽ phanh phui chuyện này với những
cuộn băng thâu lén. Sự việc kết thúc một cách hỗn loạn vì cô này dự tính tự tử.
Một chàng Romeo của cơ quan BND được phái đến Paris năm 1984 và được lệnh quyến
rũ một vị phu nhân của một viên chức Đông Đức tại UNESCO và hăm dọa để buộc bà
phải chuyển thông tin về chinh sách của Đông Bá Linh và ý định đầu phiếu của họ tại
Liên Hiệp Quốc. Những viên chức an ninh ở tòa Đại Sứ chúng tôi biết được chuyện này,
và cả hai vợ chồng đều được triệu hồi trước khi xảy ra chuyện không lành cho chúng tôi.
Một trường hợp đặc biệt khác xảy ra tạiOslocũng vào thời điểm này. Cơ quan phản gián
Na Uy khám phá qua đường dây nghe lén điện thoại bà vợ của một đại sứ Đông Đức dính
líu trong một mối liên hệ đồng tính luyến ái với một phụ nữ Na Uy. Qua những nguồn tin
khác chúng tôi khám phá ra Tây Đức đã có kế hoạch hăm dọa tố giác bà vợ của ông đại
sứ. Cặp vợ chồng này được hối hả triệu hồi về nước.
Những chàng Romeo tôi đã mô tả trong chương này không phải là những tay Don Juan
có kinh nghiệm, cũng không hẳn là những Adonis (* lời dịch giả = Adonis là một vị thần
trong huyền thoại Hy Lạp, rất đẹp trai, được hai nữ thần Aphrodite và Perséphone mến
mộ giành giựt lẫn nhau. Vị chúa tể các thần là Zeus, để giải quyết mối tranh chấp này đã
quyết định để cho Adonis một phần ba tháng ở với Aphrodite, một phần ba ở với
Perséphone và phần còn lại ở với người mà ông thích). Họ là những người tầm thường có
thể đi trên đường phố mà chẳng ai ngoái nhìn lại. Khi tôi ngẫm nghĩ về những đóng góp
của họ cho công trình của chúng tôi và một vài hệ quả liên lụy đến họ, tôi phải thú nhận
là trong nhiều trường hợp, giá phải trả về thương tổn nhân lực quả là cao vì có những
cuộc đời bị phân ly, những trái tim tan nát và những sự nghiệp bị tiêu hủy. Tôi cũng hối
hận vì đã để mối liên hệ giữa Roland G và cô Margarete của anh trở nên quá sâu đậm và
kéo dài quá lâu. Cứu cánh không phải lúc nào cũng biện minh được cho những phương
tiện mà chúng tôi đã dùng. Nhưng tôi phiền lòng là người Tây Đức lại có giọng điệu chát
chúa dạy đời với tôi trong vấn đề này. Bao lâu còn gián điệp, bấy lâu sẽ còn những
Romeo quyến rũ bất kể những cô Juliet nào tiếp cận với những điều bí mật. Dù sao đi
nữa, tôi điều khiển một cơ quan tình báo chứ không phải một câu lạc bộ của những trái
tim cô đơn.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 14 (Markus Wolf)                      
 “…vụ của Guillaume không phải là nguyên nhân mà chỉ là cớ để hạ bệ ông Brandt vào
ngày 4 tháng 5 năm 1974, không bao lâu sau khi Guillaume bị bắt. Trong hồi ký, ông
Brandt cho rằng việc khám phá một gián điệp trong vòng thân cận không thể nào là lý do
để buộc ông phải từ chức…”
Chương 9
Hình bóng của Thủ Tướng
Thủ Tướng Willy Brandt là một người nhiệt huyết, thông minh, có tinh thần đạo đức cao,
một nhân vật nổi bật trong lịch sử hậu chiến nước Đức. Ông có những phong thái thích
hợp – ông nghiêng mình quỳ gối để tưởng nhớ đến các người Do Thái bị sát hại khi ông
đến thăm vùng ghetto ở Warsaw – và thành tâm cúng hiến sức mình để khoả lấp hố ngăn
cách giữa Đông và Tây Đức, và giữa hai thế giới Cộng Sản và Tư Bản. Chúng tôi biết
ông từ khi ông là một trong những lãnh tụ chống Cộng ở Bá Linh vào thời chiến tranh
lạnh. Khi ông trở thành lãnh đạo của chính phủ ở Bonn và thực thi chính sách hoà giải
với Đông Âu – lẫn Đông Đức và tất cả các nước trong khối Đông Âu – được biết là
Ostpolitik, chúng tôi có tất cả những lý do để xem xét kỹ lưỡng rằng ông thực sự muốn
trở thành đối tác của chúng tôi và không còn là kẻ thù của chúng tôi.
Việc khám phá một nhân viên điệp báo của tôi đã xâm nhập văn phòng của Thủ Tướng
Brandt đã thình lình kết thúc sự nghiệp lãnh đạo nước Đức của ông Brandt. Đây là phần
trách nhiệm của tôi và tôi vẫn cảm thấy bồi hồi sau khi ông đã qua đời. Câu hỏi tại sao tôi
làm điều này, kèm theo những lời trách móc « trong số những chính khách, lại nhằm ông
Brandt », là một câu hỏi tôi luôn phải đối đầu. Lẽ công bằng duy nhất mà tôi có thể trả lại
cho người quá cố Willy Brandt là giải thích từng chi tiết trong vụ việc gián điệp xấu xa
vào thời nước Đức hậu chiến đã xảy ra như thế nào và lý do tại sao.
Ngày 21 tháng 10 năm 1969 Willy Brandt, khi còn là một thị trưởng trẻ của Bá Linh đã
buồn phiền nhìn Bức Tường dựng lên trước mắt ông tám năm về trước, được bầu làm
Thủ Tướng Tây Đức. Ba tuần lễ sau, một người tên là Günter Guillaume trình diện tại
văn phòng của ông Brandt ; ông được lãnh tụ công đoàn Georg Leber gởi gắm để đảm
nhiệm chức vụ phụ tá cấp thấp cho Thủ Tướng với trọng trách liên lạc với các thương
đoàn vá các tổ chức chính trị khác, và anh nhận công việc này. Chỉ đơn giản có thế,
chúng tôi cài đặt một gián điệp bên cạnh một vị lãnh tụ của một quốc gia nằm trong mục
tiêu hàng đầu của chúng tôi.
Chúng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng xâm nhập đầu não củaBonn, nhưng không một ai
có thể ngờ lại có thể gần gũi đến như vậy. Tôi cũng không trông mong Guillaume, với
mật danh là Hansen, sẽ là người hoàn tất sứ mạng gián điệp lịch sử. Giống như hàng chục
thanh niên trẻ khác, Günter, đã làm việc trong ngành ấn hành tại Bá-Linh, một chi nhánh
của Bộ Công An, và người vợ Christel, đã được phái sang Tây Đức theo chỉ thị của
chúng tôi vào giữa thập niên 1950, hoà nhập vào làn sóng di dân. Bà Erna Boom, mẹ của
Christel, một công dân Hoà Lan, đã định cư tại Frankfurt-am-Main và mở một quán bán
thuốc lá. Tôi hồi tưởng Christel là một cô thư ký toàn hảo – vững chắc, tự tin, tầm
thường. Günter, trái lại, là một người vạm vỡ, vui tính và thích hợp với đám đông
Nhờ gia thế của gia đình Christel và sự hiện diện của bà mẹ cô tại Frankfurt, cặp vợ
chồng này may mắn không phải vào những trại giành cho người Đông Đức và thoát khỏi
hàng rào hành chánh do chính quyền dựng lên để giúp cơ quan phản gián giám sát những
người mới đến. Chúng tôi quyết định để cặp vợ chồng phải cố gắng tìm cách gây dựng sự
nghiệp trong đảng SPD để làm bình phong. Cả hai vợ chồng nhanh chóng thăng tiến
trong vai trò đảng viên Dân Chủ Xã Hội. Mục đích của họ không phải là lên đến cấp lãnh
đạo đảng ; họ được dùng để chỉ huy những nguồn cung cấp tin tức trong đảng SPD.
Nhưng họ đã tỏ ra năng động và cần mẫn hơn mong ước của chúng tôi.
Vợ chồng Guillaume sống trong một căn phòng ấm cúng tại Frankfurt, tại đây họ mở một
quán sao in và có một đứa con trai tênPierre. Cả hai đều làm việc cật lực, Günter kiếm
thêm tiền với nghề ký giả chụp ảnh độc lập. Trong môi trường thiên tả của Đảng Dân
Chủ Xã Hội, chẳng bao lâu các thành viên hữu khuynh chú ý đến anh chàng Guillaume
rất ư là bảo thủ. Christel làm bước nhảy vọt đầu tiên và được cử vào chức vụ chánh văn
phòng của Willy Birkelbach đầu thập niên 1960. Birkelbach một trong những người xốc
vác mà mỗi đảng đều có để điều động các vùng. Ông là thành viên trong uỷ ban điều
hành của Đảng, là chủ tịch của Nhóm Xã Hội trong Quốc Hội Châu Âu và là thứ trưởng
trong vùng sinh quán của ông tại Hessen. Ông tiếp cận những hồ sơ chiến lược của
NATO (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) ví dụ như tập nghiên cứu « Diện Mạo của Chiến
Tranh » và những kế hoạch phản ứng khẩn cấp về hạt nhân.
Günter chuyển những thông tin này qua vi phim, cất giấu trong một ống xì-gà rỗng trao
cho một người giao liên giả làm khách đến tiệm của bà mẹ vợ. Chúng tôi giữ liên lạc vô
tuyến điện với họ – có phần quá đáng vào lúc ban đầu – vào những thời điểm và ngày
nhất định trong tháng, dùng một chuỗi những con số mã hoá. Sau này chúng tôi ngắn gọn
thủ tục, giảm bớt sô lượng thông điệp và thay đổi tần số để rồi Günter tuy càu nhàu
nhưng hãnh diện tìm cách giải mã những thông tin gởi đến đương sự.
Khi đảng Dân Chủ Xã Hội chuẩn phê một chương trình làm việc không theo Marx tại hội
nghị Bad Godesberg năm 1959, chúng tôi bắt đầu chú ý đến đảng này. Việc chuyển
hướng chủ trương đã thăng tiến đảng SPD về mặt chính trị và họ có cơ hội rõ rệt để tham
gia chính phủ. Chúng tôi khuyến khích Günter tập trung vào sự nghiệp chính trị của
mình, và khoảng năm 1964 anh trở thành quản trị viên điều hành thường vụ của đảng tại
Frankfurt. Chúng tôi nhận biết sự nghiệp của đương sự tiến rất nhanh nên chúng tôi phải
cẩn thận hơn nữa trong công tác điều hành đương sự. Điểm yếu trong quá trình lý lịch
của đương sự là đương sự là người tị nạn và đào tẩu khỏi Đông Đức, đương sự được xem
không còn mối liên hệ nào với Đông Bá-Linh. Có một lần, trên đường lái xe đến một địa
điểm gặp gỡ tại một căn phòng an toàn dùng cho việc này tại Đông Bá Linh, đương sự
ngừng tại một ngã tư và bắt gặp một người bạn thân đã làm việc trong quá khứ tại nhà in
lái xe ngược chiều. Người này sẽ nghĩ gì nếu y ngước nhìn và thấy anh bạn Günter
Guillaume nghe nói đã đào thoát, trốn đi ?Pierrecũng tạo nên những vấn đề của tất cả mọi
đứa bé vì lời nói thẳng. Trường hợp ở đây còn khó khăn hơn vì nó vô tình tố giác cha nó.
Trong một lần Günter ghé thăm Đông Đức, đưa bé được một sĩ quan có giọng đặc biệt
của vùngSaxonyđưa đi dạo vườn bách thú. Khi trở về Tây Đức,Pierrebắt chước giọng địa
phương của miền Đông và hỏi Günter tại sao người này nói kiểu này. Bố của nó cảm
nhận ngay sự căng thẳng mà mọi điệp viên phải kinh qua: Nhận biết rằng đời sống hai
mặt đã tước đi quyền tự do mà mọi công dân cho là đương nhiên. Đương sự đồng ý phải
chấm dứt những cuộc viếng thăm bí mật tại bộ tham mưu của chúng tôi.
Nhưng tinh thần kỷ luật và lòng trung kiên của đương sự không hề suy giảm. Đương sự
trở nên thành viên của hội đồng thành phốFrankfurtvà đứng đầu nhóm SPD. Do khả năng
tổ chức của Guillaume, cùng với tư thế bảo thủ cứng rắn vào thời buổi thay đổi lớn về ý
thức hệ trong lòng đảng SPD, Georg Leber đã chú ý đến Guillaume. Georg là người lãnh
đạo công đoàn công nhân xây cất và sau này là bộ trưởng giao thông trong đại liên minh
năm 1966 – 1969 giữa đảng SPD và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Ông cần một người
cổ động để giúp ông đoạt chức đại diện quốc hội trong hàng ngũ cử tri của mình đối địch
với một ứng viên thiên tả trẻ Karsten Voigt. Mặc dù ông là một khuôn mặt nặng ký và
đáng kính nể ở chức vụ lãnh đạo đảng, Leber phải khó khăn tranh đấu để được đề cử.
Cánh Tả, được cao trào thiên tả cực đoan năm 1968 hỗ trợ, nhất quyết chống lại liên
minh chính phủ của chính đảng họ với đối thủ ý thức hệ đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.
Với sự trợ giúp hành chánh không mệt mỏi của Guillaume, Leber đắc thắng trong cuộc
bầu cử tháng 9 năm 1969. Đảng Dân Chủ Xã Hội lần đầu tiên xuất hiện là một đảng lãnh
đạo sau đệ nhị thế chiến, và tình thế rất thuận lợi cho Guillaume, người đã có công đóng
góp trong kết quả của một trong những cuộc bầu cử gay go nhất của nước Đức. Leber lập
tức hứa sẽ đưa Guillaume đi Bonn. Chúng tôi quan sát từ Đông Bá Linh và cảm thấy
thích thú và ngạc nhiên nhưng cũng có phần lo ngại. Gốc tích làm việc trong ngành in ấn
của anh ở Đông Bá Linh không còn là một bí mật nữa, nhưng trong mọi trường hợp
chúng tôi biết việc đặt để anh vào một chức vụ trong chính phủ trung ương sẽ dẫn đến
một cuộc điều tra lý lịch tỉ mỉ hơn là lúc anh chỉ là một con ong thợ làm việc trong tổ của
một đảng tại Frankfurt.
Chúng tôi ra lệnh cho Günter và Christel phải chơi trò nấn na và không nên tiến thân vào
cơ quan hành chánh mới này. Họ phải an vị đợi chờ. Như chúng tôi đã dự đoán, bánh xe
an ninh nghiền nát rất nhuần nhuyễn. Heribert Hellenbroich, sau này là giám đốc Tình
Báo Hải Ngoại của Tây Đức (Bundesnachtrichtendienst), xác nhận rằng Guillaume đã
được điều tra kỹ lưỡng hơn hết mọi người – nhưng không phát hiện điều gì đáng khả nghi
cả. Tuy nhiên đã có hai lời mách mơ hồ của các chuyên viên thẩm định trong ngành phản
gián của Tây Đức (Nha Bảo vệ Hiến Pháp, Bundesamt für Verfassungsschutz – BfV) và
Horst Ehmke, đổng lý văn phòng của Brandt và vì vậy chịu trách nhiệm về nhân sự tại
đây, quyết định đối chất trực tiếp với Guillaume để làm sáng tỏ những mối nghi ngờ này.
Phản ứng và phong cách của Guillaume trong lúc giải thích việc làm của mình tại nhà
phát hành Volt und Velt xem ra quá tự nhiên, sau này Ehmke ngạc nhiên nhận xét, đến độ
mọi sự nghi ngờ đều được bỏ qua. Có một người vẫn tiếp tục không tin tưởng Guilaume,
đó là Egon Bahr, cố vấn thân tín nhất của Brandt và là kiến trúc sư của chính sách
Ostpolitik. Bahr nói với Ehmke là ông phiền lòng đưa Guillaume đến gấn Brandt và nói
«  Có thể tôi làm khó với y nhưng quá khứ của y nguy hiểm quá .»
Những đắn đo của các cơ quan an ninh đều bị dẹp sang một bên với lời giải thích rằng
việc tố giác các người Đông Đức trốn chạy sang Tây Đức rất là thông thường. Có nhiều
người di dân cảm nhận họ phải vấy bẩn lên các người đồng hương để chứng minh thành
tích chống Cộng của họ với chính quyền Tây Đức. Dù sao đi nữa, có nhiều viên chức cao
cấp trong chính phủ Tây Đức xuất phát từ Đông Đức, trong đó có Hans Dietrich Gencher,
bộ trưởng nội vụ của Brandt và là đảng viên Đảng Dân Chủ Tự Do. Mặc dù gốc gác của
ông, ông phụ trách về đường hướng chính trị của cơ quan BfV.
 Các đảng viên Dân Chủ Xã Hội đơn thuần không ưa phong cách lấy lòng của Guillaume
và thói quen lẩn quẩn hậu trường trong những cuộc thảo luận không liên quan gì đến anh.
Xét cho cùng, điều anh làm không có gì khó hiểu cả! Nhưng ban chấp hành mới này
quyết định dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ. Lòng dấn thân, năng lực và động lực quan
trọng hơn con đường xây dựng sự nghiệp truyền thống thư lại. Quan điểm mới này có lợi
cho những người như Guillaume, không có trình độ học vấn cao hoặc có liên hệ gia đình
hỗ trợ đàng sau sự nghiệp chính trị. Lẽ cố nhiện việc đỡ đầu cũng cần thiết, và anh có
một Leber tương đắc và có thế lực bên cạnh anh. Do đó vào ngày 28 tháng Giêng năm
1970, anh nhậm chức và chúng tôi không phải cố gắng nhiều, chúng tôi có người của
chúng tôi trong văn phòng của Thủ Tướng .
Guillaume xem ra là một lựa chọn tế nhị. Leber và các đoàn viên nghiệp đoàn muốn có
một người đáng tin cậy nằm trong văn phòng Thủ Tướng để thúc đẩy chương trình cải
cách xã hội và chính trị, và sau này, ông Brandt muốn có đường dây liên lạc với các công
đoàn. Một năm sau khi được bổ nhiệm, Guillaume được tiến chức vào chức vụ mới tạo
lập là trưởng văn phòng phụ trách liên lạc với quốc hội, các cơ quan của chính phủ và các
chức sắc tôn giáo. Một năm sau, anh được thăng chức vào ngạch công chức cao cấp và
trực tiếp chịu trách nhiệm với đổng lý văn phòng của Thủ Tướng, ông Horst Ehmke.
Ehmke không nghi ngờ khả năng của Guillaume, nhưng không bao giờ quên hẳn sự bực
dọc của ông trong việc đề cử Guillaume.
*
Người ta vẫn thường hỏi tôi Guillaume có giúp cho cơ quan của chúng tôi đánh giá đúng
đắn ý nghĩa của chính sách Ostpolitik của ông Brandt không. Nói cách khác, nguy cơ gây
tổn hại cho chính sách của Brandt có tương xứng với những thành quả tình báo không?
Điều mà chúng tôi mong đợi trên hết mọi sự từ nguồn tin phát xuất tại văn phòng Thủ
Tướng là những cảnh báo đúng lúc về những khủng hoảng quốc tế có thể xảy ra. Ưu tiên
của Guillaume là cảnh tỉnh. Trước khi anh điBonn, tôi có nói với anh và những nhân viên
đặc tình khác là chúng tôi không trông chờ chính phủ mới của ông Brandt chệch hướng ra
khỏi chính sách của NATO hoặc từ bỏ việc gia tăng vũ khí. Nhưng tôi nghĩ điều này có
thể tiến theo chiều hướng làm giảm bớt căng thẳng tại Châu Âu, một triển vọng chúng tôi
cần phải để ý.
Công việc của Guillaume thuần túy là chính trị và chúng tôi dùng anh để giám sát tình
hình của chính phủ Brandt, ngay từ ban đầu đã có những dằng co nội bộ và bất đồng về
những ý định trong đường hướng ngoại giao, đặc biệt là đối với Cộng Hòa Dân Chủ Đức
(GDR) và Moscow. Gần đến buổi họp giữa ông Brandt và Thủ Tướng GDR Willi Stoph
vào tháng Ba năm 1970, Guillaume tiếp cận một vài kế hoạch của Tây Đức, nhờ vậy,
phối hợp với những thông tin từ các nguồn khác, chúng tôi thấy rõ những ý định và lo âu
của ông Brandt.
Günter đã trở thành một giá trị vững vàng hơn đối với chúng tôi. Để chuẩn bị cho đại hội
của đảng SPD tại Saarbrücken vào trung tuần tháng 5 năm1970, một văn phòng chính
phủ phải được thành lập để giải quyết những công việc thường nhật của đất nước.
Guillaume đảm trách văn phòng này và ngẫu nhiên biến anh là người liên lạc giữa văn
phòng và cơ quan tình báo hải ngoại Tây Đức! Anh thành công dễ dàng trong cuộc trắc
nghiệm này – mọi người đều khen tính hiệu dụng và khả năng làm việc mạnh mẽ của anh
– và do đó anh hoàn toàn thông qua an ninh.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của anh đối với chúng tôi là bản năng chính trị của anh. Nhờ
sự phán đoán của Guillaume, chúng tôi có thể kết luận sớm hơn thường lệ là chính sách
Ostpolitik của Brandt, mặc dù có những mâu thuẫn, đánh dấu một cuộc thay đổi thực sự
trong chính sách ngoại giao của Tây Đức. Dưới khía cạnh này, công việc của anh giúp
làm bớt căng thẳng giữa Đông và Tây, tạo cho chúng tôi lòng tin để tiếp tục tin tưởng về
ý định của ông Brandt và đồng minh.
Ngôi sao của Guillaume tiếp tự bay cao. Peter Reuschenbach, giám đốc vận động tranh
cử của đảng SPD, đang tìm một ghế tại quốc hội và đề nghị anh thay thế chỗ của đương
sự để chuẩn bị bầu cử cho năm 1972. Brandt vừa mới nhậm chức vào năm 1969, vì vậy
nhiệm kỳ của ông còn lâu mới chấm dứt, nhưng việc đầu phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội
(Bundestag) về Hiệp Ước Căn Bản với Cộng Hòa Dân Chủ Đức hầu như thất bại. Chúng
tôi giúp ông Brandt thoát hiểm bằng cách mua chuộc Julius Steiner, một đảng viên của
Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, năm chục ngàn Đức mã để mua phiếu của y, nhưng số
phiếu quá ít đã khiến cho vị Thủ Tướng phải sớm tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 27
tháng Tư năm 1972. Anh nhân viên nhanh trí, làm việc không biết mệt của chúng tôi luôn
ở bên cạnh ông trong thời gian đảng Dân Chủ Xã Hội Tây Đức đi vận động tranh cử trên
chiếc xe lửa đặc biệt.
Trong suốt thời gian này anh mỗi lúc gần gũi hơn với Brandt và có cơ hội để quan sát
những yếu điểm cá nhân của ông. Không phải là một bí mật gì vì ai cũng biết Willy
Brandt là một người thích gái gẩm và chuyện tình của ông với nữ ký giả Wiebke Bruns
vẫn tiếp tục trong thời gian vận động tranh cử. Trừ khi bà vợ Na-Uy, tên Rut, của Brandt
có mặt trên xe lửa (trong trường hợp này bà ở ngay phòng bên cạnh), căn phòng của
Guillaume và của ông Brandt được ngăn cách vỏn vẹn bằng một bức tường mỏng.
Guillaume khám phá ông Brandt rất thường xuyên ngoại tình và thay đổi đối tượng. Vào
giờ phút này, người của chúng tôi là một thành viên tín cẩn của nhóm này, và mối lo lắng
duy nhất của chúng tôi là những cơ hội anh phải cụng ly với những đồng nghiệp chính trị
có thể làm anh mất đi sự tập trung.
Liên minh hai đảng Dân Chủ Xã Hội và Dân Chủ Tự Do đắc thắng bất ngờ trong cuộc
tổng tuyển cử năm 1972. Lần đầu tiên trong lịch sử Tây Đức, một chính phủ không có
đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giao chiếm đa số trong quốc hội, điều này có nghĩa là chính
sách Ostpolitik sẽ được tiến hành. Trong lúc đài truyền hình trình chiếu lễ hội ăn mừng
của đảng SPD sau ngày bầu cử, chúng tôi thấy Günter vui mừng cụng ly với ông tân Thủ
Tướng Brandt cùng với tất cả đội ngũ của ông.
*
Mùa hè năm đó, Willy Gronau một điệp viên khác của chúng tôi, bí danh Felix, bị bắt tại
Tây Bá-Linh. Đương sự là giám đốc của cái gọi là Văn Phòng Đông của Hiệp Hội
Thương Đoàn Tây Đức và là một trong những đặc tình lâu năm của chúng tôi. Anh ta bị
bắt trong lúc gặp gỡ với sĩ quan chủ nhiệm đến từ Đông Đức. Chúng tôi không rõ anh
hay là sĩ quan chủ nhiệm đã bị cơ quan phản gián BND chú ý.
Guillaume và Gronau có những mối liên lạc nghề nghiệp, nhưng cả hai đều không biết
người kia là đặc tình của Đông Đức. Chúng tôi không hề nghĩ những điệp viên làm việc
hiện trường có thể biết nhau, càng không thể gặp gỡ nhau. Nhưng có lẽ có một định luật
chưa được khoa học chứng minh ghi rằng những người lý ra không thể gặp gỡ nhau lại
luôn luôn tìm gặp nhau. Gronau lúc đó đến gặp chúng tôi và báo cho chúng tôi biết
Guillaume là một đối tượng kết nạp tốt và chúng tôi nên kết nạp anh ta! Điều này gây nên
một trận cười nhưng cũng báo động tại bộ tham mưu của chúng tôi. Chúng tôi đang tìm
cách tách hai người này ra và định mệnh đã can thiệp dưới hình dáng của phản gián Tây
Đức, và tội nghiệp cho Gronau, sự nghiệp coi như kết liễu.
Vì họ quen biết nhau và cùng đứng trong mặt trận chính trị, tôi không lấy làm là chính
quyền điều tra Gronau tới hỏi Guillaume về việc này. Nhưng tư cách cố vấn thân cận Thủ
Tướng là một đảm bảo gạt bỏ những nghi ngờ khi anh mới được tuyển dụng.
Lúc này Guillaume tham dự tất cả những cuộc họp của đảng và các cấp lãnh đạo của
đảng SPD trong quốc hội. Anh học hỏi được nhiều vì anh là người kín đáo và im lặng
chịu nghe ngóng trong những lần đối thoại của Brandt trong một nhóm nhỏ. Chúng tôi
gia tăng những biện pháp an ninh để bảo vệ Guillaume hơn nữa. Mối liên lạc của chúng
tôi với anh giảm thiểu đến mức tối thiếu. Chúng tôi không gởi những thiệp chúc mừng
sinh nhật nữa; chỉ có những tin tức đặc biệt quan trọng được gởi đi, và được chuyển qua
bằng lời.
Tháng Bảy năm 1973, đợt thương thuyết đầu tiên để thành lập Hội Đồng An Ninh và
Hợp Tác Châu Âu (CSCE) bắt đầu. Henry Kissinger, lúc đó là cố vấn an ninh cho Tổng
Thống Nixon, tuyên bố một chuyển hướng chiến lược gọi là Tuyên Bố Đại Tây Dương,
theo đó những thành viên châu Âu của Liên Minh Bắc Đại Tây Dướng (NATO) chấp
nhận vai trò đại cường quốc của Hoa Kỳ trong chiến lước quốc phòng bảo vệ lục địa châu
Âu. KhiWashingtontiếp tục đàm phán riêng biệt với Luân Đôn vàBonnsau lưng các đối
tác đồng minh khác nhằm đẩy mạnh tiến trình này, sự bất bình gia tăng trong nội bộ đồng
minh. Đặc biệt là nước Pháp, họ phản đối điều mà họ xem là một nỗ lực cô lập họ.
Chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên là phần lớn các thông tin vị Thủ Tướng nhận được
về chính sách ngoại giao trong thời gian ông nghỉ mát tại Na-Uy tập trung vào những
cuộc đàm phán trong nội bộ NATO về tương lai của Tuyên Bố Bắc Đại Tây Dương, lúc
đó đã đạt đến cao điểm. Guillaume phụ trách xem xét những telex và chuẩn bị các công
văn của Brandt nhận cùng lúc với thời báo mới ra. Một đội truyền hình đến để quay một
phim tài liệu tại nơi nghỉ mát và tĩnh tâm của Thủ Tướng gần Hamar. Người cầm máy
quay phim ghi hình ảnh Guillaume ngồi cạnh máy giải mã đang đọc nhũng công văn
telex gởi đến và không hề biết đương sự đang quay một tay trùm gián điệp đang làm việc.
Tổng kết lại, Guillaume đã bỏ công chép được ba thông tin tối quan trọng.
Thứ nhất, vào ngày 3 tháng 7 năm 1973, là nội dung của một lá thơ bằng tiếng Anh do
Richard Nixon gởi đến trong đó ông tìm sự trợ giúp của Brandt để áp lực Pháp phải ký
lời tuyên bố này. Lá thơ được ghi « mật » và có chữ ký của Nixon. Thứ hai là một báo
cáo chi tiết của Đại Sứ Tây Đức tại Washington nói về những đàm phán mật giữa Bộ
Trưởng Ngoại Giao Tây Đức Walter Scheel và Kissinger và Nixon cho biết là bản tuyên
bố là một áp lực có tính toán do Nixon tạo ra để củng cố sức mạnh của Hoa Kỳ trước khi
có đàm phán tại Hội Đồng An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, và ông không thấy có lý do
nào để người châu Âu phải đương nhiên chấp nhận đường hướng này. Kissinger và
Nixon cũng bày tỏ nỗi lo âu Liên Bang Xô Viết đã có những tiến triển về chiến lược hạt
nhân đến mức độ Hoa Kỳ không thể nào báo đảm một cuộc tấn công tiên trước về hạt
nhân chống lại những tiến công trên bộ của Xô Viết nếu NATO không củng cố về mặt kỹ
thuật. Tài liệu thứ ba Guillaume lấy từ máy Telex của Thủ Tướng trong đó có ghi câu trả
lời lãnh đạm của cố vấn trên toàn bộ vấn đề, yêu cầu Brandt tảng lờ áp lực của Hoa Kỳ và
tiếp tục mối bang giao tốt với Pháp.
Có những phát biểu tố giác Hoa Kỳ của các đồng minh châu Âu xuất phát từ máy và rơi
trực tiếp vào bàn tay hăm hở của Günter Guillaume. Anh đọc qua những lời phản bác của
người Anh đối với chiến lược của Hoa kỳ.Parisnặng lời hơn nữa ; Bộ Trưởng Ngoại Giao
Pháp Michel Jobert tố cáo Hoa Kỳ hành động như những tay lính cứu hỏa nổi lửa đốt để
có thể chạy vào cứu.
Đã đến lúc Brandt phải viết một lá thư cho bộ trưởng ngoại giao của mình để bày tỏ thái
độ. Nhưng ông Thủ Tướng không hài lòng với bản thảo của anh cố vấn, đã được gởi đi
Bonn, và bỏ cả giờ để sửa chữa lại và dùng đầu bút nỉ xanh. Brandt trao cho Guillaume
bản đã được sửa chữa để gửi vềBonnqua máy telex. Guillaume, viện cớ bản chính không
được gọn ghẽ để chuyển vào phòng telex với dạng bừa bãi như vậy, đã đánh lại một bản
sạch sẽ. Không ai hỏi bản chính của Brandt đã ra sao.
Sau này, khi Guillaume ra tước tòa, chánh án biện lý nhấn mạnh sự kiện chuyển giao cho
Liên Bang Xô Viết những thông tin về sự chia rẽ trong nội bộ NATO
Có thể làm suy giảm tiềm năng ngăn chặn của NATO đối với Liên Bang Xô Viết, một
tiềm năng xác định trên quyết tâm khả tín của các quốc gia thành viên để thành lập một
nền quốc phòng chung, một sự liên đới thực thụ giữa các đồng minh và một sự quân bình
chiến lược của các lực lượng quân sự. Điều này có thể khiến Liên Bang Xô Viết trong
những chọn lựa chính trị và chiến lược dùng những biện pháp nhằm phá vỡ liên minh
Tây phương và sau này biến chúng thành những biện pháp cưỡng ép chính trị.
 Trong hồi ký của mình, viết ra một phần để tạo thêm bối rối cho Bonn trong vụ việc này
(sau khi được cơ quan của tôi cho nhào nặng và thiết kế để phổ biến phản tin – để bảo vệ
những nguồn tin khác của chúng tôi – và là một hình thức quảng cáo tốt cho công việc
của chúng tôi và sự cần thiết của chúng, Guillaume nhấn mạnh việc chuyển giao những
tài liệu của Brandt cho chúng tôi là một thành quả lớn của khối tình báo Xô Viết. Anh kết
luận về ngày nghỉ mát của ông Thủ Tướng tại Na-uy :
Thánh địa trên hết các thánh địa củaBonnbây giờ nằm ở thánh địa trên hết các thánh địa
tại Bá Linh.
Qua câu nói này, anh muốn nói là sau khi đã chụp những tài liệu và bỏ chúng vào một cái
cặp để chuyển sang Đông Bá Linh. Lời khoe khoang này, được xem từ đó là một dữ kiện,
mấy năm về sau này đã trở thành một câu định mệnh đối với tôi.
Sự thất đáng tiếc, chưa bao giờ được tiết lộ, là chúng tôi không nhận được những mẩu đối
thoại thú vị này phơi bày sự rạn nứt giữaWashingtonvà các đối tác Châu Âu trong những
chi tiết bất cẩn như thế. Đây là lý do tại sao : Những lo lắng của chúng tôi về vợ chồng
Guillaume bắt đầu từ mùa hè 1973. Ngay sau thời gian ở lại Na Uy, Christel bắt đầu lo sợ
mình đã bị theo dõi. Lúc đầu chúng tôi nghi ngờ mối lo âu này. Việc thường xảy đến cho
những điệp viên nằm vùng, ngay cả đối với những tay điêu luyện, là họ bắt đầu thấy
những con chuột trắng. Trong những trạng huống hoàn toàn bình thường họ bắt đầu
tưởng tượng họ bị theo dõi hoặc tất cả hành tung của họ đều bị ghi nhận.
Nhưng sự thật mỗi lúc rõ ràng. Christel nhận biết một trường hợp bị theo dõi trong vườn
của một quán ăn Casselruhe tạiBonn, nơi đây cô đôi lúc gặp gỡ người giao liên. Có hai
người đàn ông ngồi sát bên cạnh bàn của cô. Một người mở cái cặp sách quay về phía cô
và cô thoáng thấy một ống kính quay phim bên trong. Hôm đó chính là ngày Christel gặp
giao liên Anita và trao những tài liệu vi phim phát xuất từ Na Uy, may mắn thay việc trao
đổi đã hoàn tất trước khi hai người đàn ông đến. Hai người phụ nữ hành động một cách
điêu luyện, thản nhiên uống hết ly nước của họ và rời bàn. Khi người giao liên rảo đi
trong thành phố với vi phim giấu trong bóp, cô đoan quyết có một người đàn ông đang
theo dõi. Cô lấy chuyến xe lửa nội địa đi Cologne, tại đây cô đổi xe tram nhiều lần, lẩn và
len lỏi vào đám đông, đúng phương cách một điệp viên đã được đào luyện.
 Nhưng cô không làm sao dứt được cái đuôi. Khi cô ta tìm cách vượt xa người đàn ông và
rẽ vào một góc để đến gần bờ sông, cô chọn lựa an toàn và vứt cái gói xuống sông.
Heinrich Böll đã đề tặng quyển tiểu thuyết mới nhất của ông , « Những Phụ Nữ trong
Phong Cảnh Sông Ngòi» cho dòng sôngRhine và tất cả những bí mất nó chuyên chở. Tôi
có thể giúp ông với ví dụ điển hình này.
Khi Guillaume bị xử, chánh án biện lý cho rằng những tài liệu Na Uy đã đến tay chúng
tôi. Chúng tôi ra lệnh anh không được nói điều gì, những chúng tôi không muốn cho
chính quyền Tây Đức bẽ cái lầm là chúng tôi đã gây tác hại tối đa. Đây cũng là vấn đề thể
diện của Guillaume. Anh cũng đã chán ngán những lời kết án dài lê thê, nhưng có một
điều anh lấy làm an ủi –xem ra anh cũng là một người có tính tự đắc– anh biết anh nổi
tiếng thế giới là siêu gián điệp Đức. Với sự đồng ý của chúng tôi, anh tạo dựng nên huyền
thoại trong quyển sách của anh là việc trao những tài liệu từ Na Uy là một thành công
tuyệt hảo của anh.
Một trong những nhược điểm của chức vụ giám đốc tình báo là không ai tin mình khi
mình có nói thật. Nhưng ở đây tôi có thể nói là mọi tìm kiếm về những tài liệu Na Uy của
ông Brandt sẽ vô bổ, không phải vì chúng đã bị thiêu hủy năm 1989. Những tài liệu này
quá cũ không nằm trong ưu tiên để xé vụn trong lúc hoảng hốt ngày sau khi Bức Tường
xụp đổ. Chúng không có ở đó bởi vì ngay cả tôi cũng như bất cứ nhân viên nào của tôi
chưa hề đọc qua. Tin tức duy nhất chúng tôi biết được là do những tiết lộ tình cờ của phía
Tây Đức trong lúc xét xử Guillaume. Và chúng tương đối ít so với số lượng hồ sơ liên
quan nguyên bản.
Phản gián Tây Đức có đủ chứng tích để nghi ngờ những hoạt động của Guillaume vào
mùa hè năm 1973. Một nhân viên phản gián đã chú ý đến cái tên Guillaume trong khi anh
theo dõi một công tác khác. Anh đã quen thuộc với hình ảnh của Guillaume là bạn với
Willy Gronau. Không có sợi giây nào liên kết hai người này với nhau, nhưng cái tên Pháp
nổi bật này lúc nào cũng xuất hiện. Đặc biệt nguy hại là sự kiện sĩ quan điều khiển tại bộ
tư lệnh của chúng tôi, đã bị bắt cùng lúc với Gronau ở Tây Bá Linh đã không tuân thủ
quy tắc sơ đẳng trong công tác tình báo: Y đã cất giữ trong người một miếng giấy nhỏ
trong đó y ghi một vài chữ quan trọng để nhớ. Một trong những chữ đó là Guillaume. Y
viết chữ này vì y được lệnh yêu cầu Gronau không được tiếp tục liên lạc với Günter, vì
chúng tôi thấy hai người quá thân mật.
Tên bất thường của Guillaume đóng một vai trò định mệnh. Nếu anh tên là Meyer hoặc
Schultz, tai họa đã sớm xảy đến. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên quyết định số phần của
anh. Nhân viên phản gián Tây Đức đã ghi nhận sự trùng lập của cái tên Gullaume một
hôm ngồi cùng bàn tại nhà ăn của sở với một bạn đồng nghiệp đang theo dõi những tín
hiệu vô tuyến không rõ gốc tích. Hai nhân viên này nói về công tác của mình và tình cờ
đã phá hỏng sự nghiệp của Guillaume.
Trong thập niên 1950, cơ quan của tôi đã dùng hệ thống giải mã của Xô Viết thời Đệ Nhị
Thế Chiến để giữ liên lạc với những điệp viên ở hải ngoại. Mỗi một điện thư bắt đầu
bằng một con số để chỉ định một cá nhân riêng biệt đàn ông hay đàn bà. Hệ thống này đã
bị các cơ quan Tây phương chọc thủng từ lâu nhờ máy vi tính. Một khi đã biết rõ một con
số ám chỉ một người đàn ông hay một người đàn bà đang sinh hoạt, mỗi lần điện đều
được ghi lại và đem ra đối chiếu. Những bức điện tín này được ghi chú và cuối cùng giải
mã. Mỗi một điệp viên nhận điện tín đều có một hồ sơ riêng. Công việc còn lại của phía
bên kia là đặt tên lên những con số của người nhận.
Ngay khi chúng tôi biết được sự việc này, chúng tôi lẽ cố nhiên đổi mã số và phương
cách liên lạc. Chúng tôi đặt quy tắc chung là không bao giờ nói đến tên người, địa điểm
hoặc các cuộc hội họp trên điện đài vô tuyến. Sau khi chúng tôi đã cho kiếm soát tất cả
những điên thư vô tuyến phát đi của chúng tôi, chúng tôi đoan chắc là những điện thư gởi
cho Guillaume không để tiết lộ những chỉ dấu về tên tuổi của họ. Than ôi, chúng đã quên
phứt đi thông lệ gởi điện chúc mừng sinh nhật, Năm Mới, hoặc những sự kiện trong gia
đình. Người Đức rất chi ly đối với những vấn đề này, và đối với các điệp viên điều này
nhấn mạnh họ là một phần thân thuộc của gia đình rộng lớn của chúng tôi. Nếu chúng tôi
bớt chi ly, có lẽ Guillaume sẽ không bị lộ.
Nhiều điện thư đã được gởi đi năm 1957 cho một điệp viên có tên là G. Một điện thư để
chúc mừng G, cái thứ hai cho vợ của G. Điện thư thứ hai ghi « Chúc mừng cho Người
Thứ Hai ». Mười sáu năm sau, trong căng-tin tại Cologne, nhân viên điều tra, vẫn chăm
chỉ theo dõi những trường hợp chưa được giải quyết về những điện thư đã được chặn bắt
và anh suy nghĩ về những lời của anh bạn đồng nghiệp, nhớ lại trường hợp chưa giải
quyết của một điệp viên tên G. Điệp viên này hoạt động từ cuối thấp niên 1950, có liên hệ
với SPD và có tầm quan trọng để nhận những lời chúc mừng của những chủ nhân ông.
Nhân viên theo dõi điện thư lấy hồ sơ ra và thấy bức điện thư trêu ngươi này. Bức điện
mơ hồ nói đến người thứ hai xem ra lạ nhất. Thực ra chúng tôi gởi nó đi vào ngày sinh
nhật củaPierre, người con trai đầu tiên và duy nhất của Günter và Christel. Hai nhân viên
phản gián suy nghĩ về việc này một thời gian cho đến khi một trong hai người nói rằng
điện thư này nói đến ngày sinh của một đứa bé trai. Họ luc lọi trong hồ sơ của các đảng
viên SPD trong đó xuất hiện tên tuổi những người đã nằm trong những cuộc điều tra
khác. Ở đây, do vụ của Gronau, tên của Guillaume xuất hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn
cơ may thoát hiểm. Sau này tôi được biết nhờ Kuron, điêp viên cao cấp nằm vùng trong
cơ quan phản gián Tây Đức, là lời đề nghị đầu tiên cho rằng người này là Guillaume bị
đội điều nghiên gạt bỏ sang một bên vì Guillaume chỉ cho một con và điện thư cho biết
đứa trẻ mới sanh là đứa thư hai. Phải có đầu óc bén nhạy hoặc là một gia trưởng theo lề
lối xưa mới biết giải thích người cha theo truyền thống là người đàn ông thứ nhất trong
gia đình và đứa con trai đầu lòng là người đàn ông thứ hai.
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 15 (phần 1) (Markus Wolf)                   
“…Nhưng có một hạng phản bội khiến cho người ta kinh hoàng nhưng đồng thời cuốn
hút con người một cách vô cùng mãnh liệt và cần được đặc biệt phân tích: kẻ phản bội
nằm trong một cơ quan tình báo…”
Chương 10
Nọc Độc của Sự Phản Bội
Việc phản bội không hẳn hạn hiếm như chúng ta tưởng. Trong đời sống thường ngày bạn
bè và người thân bỏ rơi chúng ta, và trong công việc làm, các cộng sự viên gần gũi với
chúng ta quay lưng lại chúng ta hoặc âm mưu đáng gục chúng ta để đi lên. Điều này đáng
ghét nhưng đó là một phần có thể tiên liệu được trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên
phản bội đất nước của mình được số đông xem là một vị phạm trầm trọng của người công
dân, bất luận quan điểm chính trị về hệ thống trong đó mình đang sống. Tôi biết rất nhiều
thành phần phản bội và họ hành động do những động cơ cao cả và thấp hèn, và trong đó
có những người đàn ông và đàn bà tôi đã đề cập đến, sẵn sàng tiết lộ bí mật cho một thế
lực ngoại bang vì ý thức hệ, vì tiền bạc, vì chính trị, hoặc vì những lý do hoàn toàn cá
nhân.
Nhưng có một hạng phản bội khiến cho người ta kinh hoàng nhưng đồng thời cuốn hút
con người một cách vô cùng mãnh liệt và cần được đặc biệt phân tích: kẻ phản bội nằm
trong một cơ quan tình báo tự bán mình và bán hiểu biết bí mật của mình cho kẻ khác.
Một vài người nghĩ rằng ý muốn phản trác các đồng nghiệp có thể khiến cho những ai
làm việc trong môi trường điệp báo được miễn nhiễm không bị ngỡ ngàng khi việc phản
bội xảy ra ngay trong hàng ngũ của mình. Điều này sai. Phản bội là một độc tố của tất cả
mọi cơ quan tình báo, thuốc ngừa chủng mà chúng tôi có chỉ có hiệu quả giới hạn.
Văn hóa tâm lý của cơ quan tình báo giống như văn hóa của một nhóm hoặc của một bộ
tộc, trong đó cá nhân gắn bó với nhau vì một lý tưởng cao đẹp và chia sẻ với nhau cùng
một bản sắc, cùng một tư tưởng hoặc một điều gì đó. Khi hệ thống này bị mở toang, nọc
độc bất tín sẽ xâm nhập hệ thống. Các điệp viên trên chiến trận, ngay cả khi việc làm của
họ không dính líu gì đến khu vực bị phản bội, cảm thấy lạnh gáy và dễ bị thương tổn khi
họ đến gần hộp thư chết lần sau (một nơi bí mật mà điệp viên nhận và gởi một lá thư, một
thông điệp, vi phim và vân vân) hoặc bắt đài để nhận lệnh đã được mã hóa từ bộ tham
mưu. Ai cũng đều biết là thu nạp những điệp viên mới sau một lần đào thoát ngoạn mục
rất là khó khăn.
Đối với cán bộ điều khiển điều này cũng gây nên những hậu quả khôn lường. Một cơ
quan tình báo đột nhiên trở thành đối tượng được các chính trị gia chú ý đến khi lòi ra có
điều gì không ổn đã xảy ra. Thí dụ, quý vị thử nhìn xem cơn động đất đã làm cho CIA
hầu như tê liệt sau khi họ khám phá sự phản bội của Aldrich Ames. Kẻ phản bội nằm
trong lòng của cơ quan tình báo phản bội bội phần các con số những điệp viên nam nữ
mà y đã tiết lộ. Y phản bội sự toàn vẹn của cơ quan mình.
Lẽ cố nhiện có phương thức để giảm thiểu những rủi ro này. Một là tạo nên một cảm tình
đoàn kết mãnh liệt, tinh thần đồng đội trong đó mỗi một người chăm sóc cho sự an nguy
và an sinh của người khác trên phương diện cá nhân và nghề nghiệp. Một cách khác là
xây dựng trên những cơ cấu trung thành đã có sẵn – ý thức hệ, chính trị và địa lý – bắt
đầu từ thưở thơ ấu, bảo đảm mỗi một sĩ quan có ý nghĩ muốn trở thành kẻ phản bội có
cảm nhận là mình làm như vậy mình phản bội chính bản thân của mình. Sự thống ngự
của nhóm WASP (ldg : White Anglo-Saxon Protestants = Người Da Trắng Anglô Saxon
theo đạo Tin Lành), nhóm East Coast (Người Mỹ vùng Biển Tây) trong CIA, mạng lưới
Oxford và Cambridge trong nội bộ cơ quan tình báo Anh, và những triều đại dòng tộc
trong nội bộ tình báo Xô Viết tất cả là những cơ chế bảo về phòng chống phản bội.
Việc bội phản có những hậu quả quá đỗi trầm trọng cho nên ngay cả một mối nghi ngờ
nhỏ cũng phải được xem trọng. Tôi không bao giờ làm việc với ảo tưởng là các sĩ quan
của tôi không bị cám dỗ, mặc dù tôi biết trong các cơ quan khác của khối Đông Âu, các
giám đốc tình báo khó mà chấp nhận việc chứa chấp một nhân viên đặc tình phá hoại
trong hàng ngũ của họ.
Trong tất cả các mối liên hệ giữa các cơ quan tình báo Đông Âu, liên hệ của nước Cộng
Hòa Dân Chủ Đức với người Ba Lan là đáng sợ nhất. Cho dù đảng viên Cộng Sản có
trung thành đến mấy với Moscow và đồng minh, lịch sử Châu Âu đã ghi dấu ấn những
hiềm khích về quyền lực của cả hai nước Đức và nước Nga đã để lại những vết thương.
Những công tác phối hợp của chúng tôi đòi hỏi rất nhiều khéo léo trong vấn đề ngoại giao
cũng như tình báo.
Một lần tôi nhận được thông tin của một điệp viên nằm vùng trong cơ quan tình báo Tây
Đức báo cho biết có một nhân viên cao cấp của Bộ Nội Vụ Ba Lan sẵn sàng làm gián
điệp cho Tây Đức qua trung gian một viên chức làm việc trong ban giải mã của Tòa Đại
Sứ Bonn tại Warsaw. Tôi quyết định đến Ba Lan một cách âm thầm để cảnh báo cho các
đồng nghiệp của tôi và nhận lời mời đã có từ lâu của ông Thứ Trưởng Công An BaLan,
Franciszek Szlachcic để đi săn cuối tuần tròng vùng săn bắn dành riêng cho Bộ tại vùng
Thượng Silesia. Trong lúc chúng tôi lùng heo rừng trong các lùm cây rậm rạp, tôi báo
cho ông biết việc trên. Chúng tôi đồng ý phương thức tốt nhất là gặp gỡ riêng với giám
đốc phản gián của ông và lập kế hoạch để gài bắt. Kế hoạch là bắt kẻ tình nghi tại trận
bằng cách vời y về để thi hành một công tác ma trong đó một vài sĩ quan của tôi sẽ giả
dạng là người Tây Đức.
Trong buổi họp mặt riêng với giám đốc cơ quan phản gián, tôi ngã ngửa thấy Szlachcic,
vì muốn chứng tỏ với tôi là ông quan tâm nhiều đến vấn đề này, mời một số sĩ quan cao
cấp để giúp hoàn thiện kế hoạch. Quá nhiều thầy thợ nên nồi cơm hỏng . Chúng tôi dàn
dựng bẫy và vô công chờ mãi không thấy người này đến điểm hẹn tại quán hoa. Một lần
hẹn khác cũng không thấy gì. Tôi thấy rõ là đã có thất thoát trong nội bộ Bộ Công An Ba
Lan từ một người trong số những người biết chuyện. Điều cuối cùng tôi nghe là kẻ chực
phản bội Ba Lan đã tiếp xúc với phía bên Anh. Tôi không còn hứng thú để bố trí lại toàn
bộ cộng tác và để mặc cho người Ba Lan giải quyết.
Tôi chưa bao giờ quả quyết cơ quan của tôi không có những phần tử xấu. Bài học đau
đớn trước đây của những vụ đào thoát không cho phép tôi tin vào tinh thần đạo đức cao
của nhân viên tôi, mặc dù tôi nghĩ rằng sự gắn bó ý thức hệ đã thắt chặt chúng tôi lại với
nhau là một gắn bó chặt chẽ. Thách đố của hai cơ quan tình báo của hai nước Đức sau
cuộc thế chiến là xây dựng một cảm nhận căn cơ đồng nhất và nhập thuộc mạnh mẽ để
giảm thiểu nguy cơ bị phản bội từ bên trong. Chúng tôi làm việc này hiệu quả hơn người
Tây Đức, vì họ luôn xem những hoạt động tình báo là một sinh hoạt phụ thuộc vào sinh
hoạt xã hội dân sự thay vì cố gắng thúc đẩy, như chúng tôi đã làm, tinh thần huynh đệ chi
binh, tình đồng chí để ứng phó với những hiểm nguy vốn sẵn có trong ngành điệp báo.
*
Mỗi một cuộc đào thoát đều có tiến trình riêng và mỗi lần đều có bài học để rút tiả. Cuộc
đào thoát gây chấn thương mạnh nhất đối với tôi xảy ra năm 1979, lúc Chiến Tranh Lạnh
đặt đến độ căng thẳng nhất tại Châu Âu. Nó liên quan đến một sĩ quan nằm trong một
trong những ban bí mất và hiệu quả nhất của tôi, Ban B, thuộc Ngành Khoa Học và Kỹ
Thuật, được biết theo chữ tắt tiếng Đức là SWT (SektorWissenschaft und Technik).
Ngày 19 tháng Giêng năm 1979, ngày sinh nhật của tôi, tôi đang ngồi trong một buổi họp
với các giám đốc tình báo trong vùng Karl-Marx-Stadt. Buổi họp chưa kịp bắt đầu thì có
điện thoại gọi tôi. Một trong những phụ tá của tôi ở đầu giây và tôi cảm nhận sự căng
thẳng trong tiếng nói. Anh đi thẳng vào vấn đề : « Tại SWT, có người đã bỏ đi rồi!».
Phản ứng tức khắc của tôi, tôi nghĩ cũng được các giám đốc tình báo thế giới chia sẻ, là
lên tiếng chửi rủa thậm tệ. « Nhưng, thưa Xếp, chưa hết chuyện tai hại », giọng nói đầu
giây tiếp tục : «Tủ an toàn bị mở, có vài giấy tờ bị mất và, tổ sư nó, căn cước thông hành
để qua biên giới cũng đi luôn». Đây là thông hành – mỗi ban chỉ có một cái – để cho
nhân viên của ban này có kinh doanh dùng để di qua cửa ngõ chính biên giới Bá Linh,
trạm kiểm soát Friedrichstrasse. Các vệ binh canh gác biên giới Đông Bá Linh cho phép
người này đi qua phía Tây Bá Linh.
Hai ngày trước đó, tại một buổi họp cán bộ cao cấp của tôi trong khuôn khổ Đảng, tôi
ngỏ lời chúc mừng Năm Mới theo truyền thống. Tôi nói : « Các đồng chí, đừng bao giờ
quên, điều tệ hại nhất có thể đến với chúng ta là kẻ thù tìm cách len lỏi xâm nhập vào
hàng ngũ của chúng ta». Đó là một huấn thị đạo đức, nhưng bây giờ việc này xảy ra và
tôi đâm ra bàng hoàng. Đặc biệt đau đớn cho tôi khi tôi được biết việc đào thoát xuất phát
từ SWT, một ban mà tôi đặc biệt chú ý vì tôi tin tưởng là điệp báo giỏi nhất thế giới cũng
vô dụng nếu chúng tôi không bắt kịp với đà tiến triển khoa học và kỹ thuật của Tây
Phương.
Trong cuộc điều tra, vệ binh tại biên giới cho biết là thông hành đã được sử dụng vào lúc
9g 30 chiều hôm qua, như vậy kẻ đào thoát đã đi được 12 tiếng đồng hồ rồi mới bị phát
giác. Y đã cẩn thận chọn lựa thời điểm, vào mùa nghỉ mùa Đông. Tại bộ Tham Mưu của
Tình Báo Hải Ngoại HVA ở Đông Bá linh, một kiến trúc to lớn và kiên cố được bảo vệ
chặt chẽ tại đường Normannenstrasse, họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những thu xếp
ngày nghỉ của nhân viên và điện thoại về nhà họ, với mục đích tìm kiếm sĩ quan đang vui
thú hưởng thụ ngày nghỉ mùa Đông và xem ai là kẻ phản bội.
Họ thiết lập danh sách các người tình nghi. Và khi tôi đến Đông Bá Linh ba giờ sau,
chúng tôi phát hiện người chúng tôi tìm là Đại Úy Werner Stiller, một sĩ quan Phó Ban 1,
chuyên về vật lý hạt nhân, hóa học và vi khuẩn học. Là một trong những sĩ quan xuất sắc
trong Ban, anh lả một người dễ thương, có nhiều tự tin và vừa mới được chọn làm đệ
nhất bí thư Đảng trong Ban của mình, một chức vụ trao cho một người được xem là đặc
biệt cứng cỏi và đáng tin cậy. Stiller chắc chắn là một biến cố đào thoát tệ hại nhất xảy ra
trong mười năm nay. (Năm 1959 Đại Tá Max Heim, một khuôn mặt trụ cột trong công
tác đánh phá đảng Dân Chủ Xã Hội đã đào thoát, dẫn đến việc bắt giữ hành chục điệp
viên của chúng tôi. Năm 1961, Walter Glasse, một sĩ quan có trách nhiệm công tác đánh
phá các tổ chức Hoa Kỳ tại Tây Đức, đào thoát và làm nguy hại đến một số công tác của
chúng tôi. Cả hai người sinh sống tại Bá Linh và hợp tác với tình báo Tây Đức mỗi khi
họ cần đến.
Tất cả những báo động cấp bách đều vận chuyển. Những điện thư được gởi đến các điệp
viên và mật báo viên do Stiller điều khiển ở Tây Đức, báo cho họ biết phải án binh bất
động và hủy bỏ tất cả những hồ sơ liên lụy, trong khi đó các chuyên viên nghiên cứu của
chúng tôi xem xét danh sách các hồ sơ, cố gắng tìm những vật liệu Stiller đã đánh cắp.
Chúng tôi phải chạy đua gấp báo những người dễ bị tổn thương trước khi tình báo Tây
Đức khai thác những vật liệu do Stiller cung cấp để đánh vào những điểm này.
Họ nhận ra Stiller đã đánh cắp những hồ sơ danh sách các mật báo viên. Trong hồ sơ có
những danh sách gọi là ban đồng hành thông tin của cả Ban Khoa Học và Kỹ Thuật,
những bản tóm tắt những báo cáo gần đây của các điệp viên và nguồn tin và bí danh của
những người đã soạn thảo. Chúng không tiết lộ danh tính và nơi ở của các điệp viên và
nguồn tin, nhưng phản gián tại Cologne có thể dùng chúng để xác định những nghi ngờ
họ có trước đó. Tôi phải thú nhận là Stiller bạo gan và chuẩn bị chu đáo việc đào tẩu của
y. Lấy cắp những hồ sơ của mật báo viên có nghĩa là đương sự có món quà cụ thể để biếu
cho phiá bên kia khi anh sang đến Tây Bá Linh. Đương sự nhất quyết đào thoát để sẵn
sàng chấp nhận án tử hình nếu bị bắt trên tay với những vật liệu này. Điều này có nghĩa là
kẻ thụ đã mua chuộc anh hoặc anh có ý định nhận sự mua chuộc.
Đúng vào lúc tôi nghĩ không còn gì tệ hại hơn nữa thì sự việc xảy đến. Giọng nói hốt
hoảng của Mielke ở đầu bên kia đường giây điện thoại khẩn cấp báo cho tôi là một loạt
những hồ sơ không còn trong tủ sắt kín nữa: những hộp đựng những diễn văn và lệnh của
ông. Vì những lời tuyên bố thường lúc ngoắt nghéo và trùng lập của Mielke, việc này
khiến cho tôi không biết ăn nói làm sao và xem ra đây là một vấn đề trầm trọng nhất
trong ngày. Nhưng ông bộ trưởng không nhìn dưới khía cạnh này. Tôi không dứt ông ra
được khỏi đầu giây.  « Đ. mẹ, lộn xộn quá! Mời mẹ kẻ thù nó đến họp với chúng ta và
cấu kết với chúng cho rồi! Tao chán bọn bay quá rồi».
Tôi bậm môi để kìm hãm cơn giận, mặc dù tôi vẫn muốn quát lại. Nhưng tôi đã kinh qua
những cơn giận trẻ con của ông và để cho ông xả hơi. Sau đó tôi làm bản sao những tài
liệu của ông từ một văn khố khác và gởi đi với ghi chú như sau: « Đính kèm đây là bản
sao những tài liệu có chữ ký của ông, hiện nay nằm trong tay kẻ địch». Điều này cho ông
thời gian để tiếp thu chấn động trước khi những tài liệu này được các kẻ thù trong tình
báo Tây Đức vui vẻ giao cho báo giới và theo đó được phát hành để cho mọi người đọc.
Để hiểu sức công phá ghê gớm do việc đào thóat của Stiller gây nên, quý vị phải hiểu tầm
mức quan trọng của ngành điệp báo khoa học và kỹ thuật vào lúc đó tại các nước xã hội
chủ nghĩa. SWT được tổ chức vào thập niên 1950 dưới hình thức một tiểu ban nhỏ giúp
chúng tôi bắt kịp đà phát triển của Tây phương về kỹ thuật làm vũ khí hạt nhân. Nhiều
chuyên viên cao cấp về vật lý học và sinh vật học của Tây Phương, lo sợ viễn tượng Tây
Đức tái trang bị vũ khí, bắt đầu báo cáo cho chúng tôi là việc xây cất các lò nguyên tử tại
Tây Đức được tổ chức sao cho những công trình biến hóa những nhiên liệu và phân cách
chất đồng vị có thể chuyển biến nhanh để dùng cho mục đích quân sự.
Đây là vào lúc chiến tranh tuyên truyền không ngừng nghỉ. Quần chúng phản ứng một
cách lo ngại đối với tất cả những ý kiến cho rằng tái trang bị quân sự có thể dùng cho
việc sản xuất vũ khí hạt nhân.Chúng tôi bận rộn theo dõi Tây Đức trong quá nhiều hoạt
động kín ; những tiến bộ kỹ thuật trong việc chiết xuất plutonium tiến nhanh, một thế hệ
doanh nhân mới thời hậu chiến đầu tư vào các nước Thế Giới Thứ Ba có tham vọng được
kỹ thuật hạt nhân, chẳng hạn như Brazil, Argentina, Libya, Pakistan và Nam Phi.
Nhưng vấn đề hạt nhân cũng rất nhạy cảm tại Đông Đức. Nước chúng tôi không có
chương trình khai thác tách biệt với Liên Bang Xô Viết. Moscow đã kiểm soát những
hoạt động khai thác quặng mỏ uranium của Đông Đức và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho
đến khi Đông Đức sụp đổ và nước Đức thống nhất năm 1990. Hãng Wismut AG, có trụ
sở chính tại miền Nam CHDCĐ, ngoài mặt là do liên hợp Đức – Xô Viết quản lý nhưng
trên thực tế là một nước trong một nước do quân đội Nga điều khiển các quản trị viên, kỹ
sư và khoa học gia người Đức.
(Em trai của tôi, Koni, đã phát hành một trong những phim hay nhất về Wismut,
Sonnensucher – Đi tìm mặt trời – trong đó Koni mô tả thực tế của thế giới hầm mỏ
uranium trong những năm đầu, một loại Miền Đông Hoang Dã đầy những kẻ vô công rỗi
nghề, tội phạm và quân nhân giải giới tìm cách kiếm tiền nhanh chóng dưới sự giám sát
chặt chẽ của những mật báo viên và của quân đội. Koni dự định trình chiếu phim này để
trình bày lần đầu tiên một cách tương đối lương thiện về sự hiện diện của Xô Viết tại
Đông Đức và vết chấn thương tồn tại giữa hai quốc tịch trước đây là kẻ thù đáng ghét nay
cố gắng tìm cách hòa thuận với nhau. Bích chương của phim được gắn khắp cùng Bá
Linh vào năm 1956, và chúng tôi đang chuẩn bị trình chiếu lần đầu thì Walter Ulbricht
hoảng hốt vì ông được biết Đại Sứ Xô Viết, Pyotr Abrassimov, không muốn đề cập đến
những công trình hạt nhân. Các vệ binh của sư đoàn Felix Dzerzhinsky, các binh lính của
Bộ Công An được phái đi về đêm để gỡ bỏ những bích chương và cuộn phim được cất
vào kho chờ 10 năm nữa.)
Việc kiểm soát liên tục của Nga vẫn còn sau khi tất cả những hợp tác khác đã được giao
lại cho chúng tôi, đồng thời với việc Xô Viết chuyển tải những tài nguyên giá trị của
Đông Đức cho nhu cầu của quân đội họ, đã khiến cho dự án về uranium là một dự án
nhạy cảm nhất về chính trị trong nước.
Tình thế bấp bênh về năng lượng và những vấn đề cán cân chi phó của nước chúng tôi
đưa đến những lời kêu gọi chúng tôi phải thiết lập chương trình năng lượng hạt nhân cho
chính nước chính tôi. Điều này đã được khoa học gia Klaus Fuchs ủng hộ. Klaus Fuchs
đã định cư tại Dresden sau khi ông ra khỏi nhà tù Anh Quốc vì tội chuyển giao những bí
mật của phưong Tây về bom hạt nhân cho Moscow. Fuchs cũng đoan quyết Liên Bang
Xô Viết đã đánh lừa nước CHDCĐ khi trả giá uranium quá thấp.
Tôi nghĩ là ông nói đúng và cơ quan của tôi nằm ngay trong thế kẹt. Một mặt chúng tôi
trao cho Xô Viết phần lớn những thông tin khoa học và kỹ thuật chúng tôi thu thập được.
Mặt khác, các khoa học gia trong nước biện luận chúng tôi chỉ có thể cạnh tranh với
phương Tây bằng phương cách phát triển chính kỹ thuật của mình. Cấp lãnh đạo càng lúc
càng chú ý đến việc lượng định các loại máy phát điện và áp lực đè nặng lên Ban Khao
Học và Kỹ Thuật của tôi ép chúng tôi phải cung cấp những thông tin nhưng không cho
người Xô Viết biết chúng tôi đang tính đến chuyện này.
Tôi đến gặp Heinrich Weinberg, đầu óc già dặn khôn ngoan của SWT, để hỏi ý kiến về
đường hướng tình báo chúng tôi phải đi. Ông là một học giả hàn lâm và giống như một
loại quái nhân không phù hợp với nhóm thủ cựu Cộng Sản ẩn nấp thời tiền chiến và nay
chiếm giữ phần lớn những chức vụ quan trọng trong bộ máy Công An Nhà Nước. Thực
ra, kinh nghiệm chính trị duy nhất ông có là gia nhập Phong Trào Thể Thao Đỏ và ông là
tay đua xe đạp say mê. Ông không hề có lối suy nghi đẳng cấp, một lối suy nghĩ phổ biến
trong văn hóa văn phòng của chúng tôi, khinh khi những lợi thế của chức vụ mình và
nhất quyết đi làm trên chiếc xe đạp. Điều này biến ông thành đối tượng chế diễu của các
nhân viên trung cấp và cao cấp vốn thích khoe khoang có được những chiếc xe ngoại
nhập Golf VW hoặc Citroën và Ford dành riêng cho những viên chức thượng cấp.
Weiberg muốn soi sáng cho tôi tất cả những chi tiết về máy phát điện, cho dù tôi có hiểu
hay không hiểu những gì ông nói. Tôi quen thuộc với những câu trả lời ngắn gọn của các
giám đốc ban, nhưng ông không biết cách chuyển đạt nào khác là thuyết trình dài dòng,
vì vậy tôi nhã nhặn xin đị học lớp tốt nghiệp về vật lý học. Weiberg tin tưởng mãnh liệt
vào các lò phản ứng hạt nhân trung tử nhanh nhạy đang được xây cất tại Tây Đức. Chúng
tôi bị kẹt với lò mẫu Xô Viết và Weiberg xét thấy có nhiều rủi ro. « Chúng ta phải tiến
lên, đồng chí Wolf. Anh có thể nói cho họ (Bộ Chính Trị) biết đây là đầu mối của tương
lai ».
May mắn cho chúng tôi quyết định khởi sự chương trình hạt nhân của chúng tôi không
bao giờ được thực hiện, phần lớn vì chi phí nhưng cũng vì cấp lãnh đạo lo ngài những hệ
lụy với Moscow. Một vài năm sau, sau giai đoạn này, Tây Đức bỏ rơi kỹ thuật trung tử
nhanh vì không giải quyết được vấn đề làm nguội sodium. Lợi ích duy nhất của khóa cấp
tốc về vật lý hạt nhân đem lại cho tôi là tiếng tăm không lấy gì làm thích đáng tại
Moscow tôi là một loại người thời Phục Sinh có thể bắt nắm khoa học cũng như những
lãnh vực chuyên môn khác của tôi. Tôi học hỏi khá nhiều những luận điểm của Weiberg
để có thể hỏi những câu hỏi chính xác khi tôi đến tham quan một trung tâm nghiên cứu
nguyên tử lực gần quê quán Ulyanovsk của Lênin trên sông Volga. Họ gởi báo cáo về
cho các đồng nghiệp Moscow khen ngợi sự ám tường vấn đề của tôi.
*
Vào giữa thập nhiên 1960, tôi thấy rõ Đông Đức lê lết trong cuộc chay đua về cải tiến kỹ
thuật. Hàng triệu bạc đã được đổ vào nghiên cứu và phát triển tại Tây Đức, trong khi giới
lãnh đạo của chúng tôi, ngăn chặn những cơ hội bộc phát phấn khởi trong một vài dự án
trong lúc ngẫu hứng, không cung cấp phương tiện cho các khoa học gia và phung phí tiền
tiết kiệm thay vì thỏa mãn nhu cầu của người tiêu thụ và nhờ đó ngăn ngừa quân chúng
dấy động. Sau một cuộc đối thoại với những khoa học gia nản chí mà tôi có quan hệ, tôi
chợt tìm ra phương thức để thoát khỏi cảnh khốn khổ này. Nếu các điệp viên của chúng
tôi có thể xâm nhập giới ưu việt chính trị ở Bonn và những bộ tham mư của NATO tại
châu Âu, không có lý do gì để họ không tiếp cận những bí mật kỹ thuật. Mặc dù kỹ năng
và trọng tâm chính của tôi nằm trong tình báo chính trị, càng lúc tôi càng lưu tâm tới tiềm
năng của ban SWT. Gia đình tôi nói đùa với tôi đây là phần đền bù chậm trễ cho giấc
mộng không thành lúc thiếu thời học làm kỹ sư hàng không tại Moscow ; tôi vẫn ghi
danh mua dài hạn những tập san hàng không tôi có dưới tay từ Đông sang Tây.
Nhưng tôi cũng thấy trong ngành hóa học, vi động cơ, động cơ học và quang học, chúng
tôi có những khoa học gia tài ba, vì phương Tây cấm vận xuất khẩu kỹ thuật sang khối
Đông Âu và chính quyền Đông Đức giới hạn những cơ hội di chuyển của họ, đang tìm
cách phát minh những kỹ thuật cao tương đương trong nỗ lực sáng chế lại bánh xe. Tôi lý
luận một chút tiếp cận không chính thức với ngành nghiên cứu cao đẳng của phương Tây
có thể giúp chúng tôi tiến xa và mặt khác, lòng ngưỡng mộ của cấp lãnh đạo đối với cơ
quan tình báo sẽ gia tăng nếu chúng tôi giúp họ làm cân bằng cán cân kỹ nghệ.
Chúng tôi cần những chuyên gia nhiều hơn con số hiện nay. Tôi thảo luận vấn đề với các
sĩ quan cao cấp của tôi và chúng tôi đồng ý việc khởi đầu là kết nạp đầu tàu trong số các
sinh viên ngành khoa học. Một trong những người đầu tiên được kết nạp là Werner
Stiller.
Một trong những người lùng kiếm tài năng địa phương tìm ra Stiller, một sinh viên khoa
học có khả năng tại Đại Học Karl Mã tại Leipzig. Khi chính quyển sở tại biết chắc đương
sự là một viễn tượng đáng tin cậy, họ gởi đương sự đến chúng tôi tại Bá-Linh, nơi đây
đương sự ký một tài liệu tuyên thệ « với lương tâm và tất cả sưc lực » phục vụ cho nước
Cộng Hòa Dân Chủ Đức trong Bộ Công An. Để ghi nhớ những chuyện phiêu lưu Cộng
Sản thời niên thiếu, đương sự dùng bí danh Stahlmann – « người thép » -, trùng với tên
của ông xếp cũ của tôi. Vừa ký xong, y và hai sĩ quan trách nhiệm rủ nhau cụng ly
cognac.
Stiller là môt thanh niên đẹp trai, vạm vỡ, có vóc dáng cởi mở và thông minh. Tôi không
đích thân đến gặp anh ta vì anh ta thuộc lại tép riêu, mặc dù sau này anh khoác lác anh đã
gặp tôi. Do tính tình, tôi xếp anh vào loại người tính toán và cứng cỏi hơn là loại chuyên
cần ý thức hệ. Stiller được phái đến Tiểu ban 1. Tiểu ban này có mục tiêu là bắt kịp
những nghiên cứu hạt nhân của Tây Đức và giám sát sự triển khai tất cả những hệ thống
vũ khí mới tại đây.
Vào thời điểm y đào thoát, Stiller phụ trách khoảng một chục nguồn tin không chính thức
tại CHDCĐ và bảy điệp viên Tây Đức anh đã kết nàp, trong đó có Rolf Dobbertin, một
nhà vật lý học chuyên về hạt nhân ở tại Paris (Sau năm năm ở tù Pháp, trong một phiên
tòa tái thẩm, Dobbertin được trắng án tội gián điệp. Dobbertin không bao giờ phủ nhận đã
trao thông tin, nhưng ông gọi đó là « giúp đỡ phát triển khoa học cho các đồng nghiệp
CHDCĐ); Reiner Fülle, một chuyên viên nghiên cứu lão thành tại Trung Tâm Nghiên
Cứu Hạt Nhân tại Karlsruhe; một doanh nhân làm việc cho Siemens và một người khác
trong kỹ nghệ hạt nhân tại Hanover. Stiller đem theo với y những thông tin giúp cho Tây
Đức khám phá giáo sư Karl Hauffe, giám đốc chương trình nghiên cứu hạt nhân tại Đại
Học Göttingen, làm việc hco KGB, mặc dù chúng tôi điều khiển ông từ Bá Linh.
Ngoài những sinh hoạt đặt trọng tâm vào lãnh vực phát triển hạt nhân, ban này cũng
khuếch trương điệp báo trong kỹ nghệ, thăm dò kỹ nghệ rộ phát của phương Tây về kỹ
nghệ vi tính và tìm những mối liên lạc để gỡ thế cấm vận của phương Tây. Một trong
những điệp viên giỏi nhất của chúng tôi trong lãnh vực này là Gerhard Arnold, bí danh
Storm, một thanh niên đã được gởi sang Tây Đức để « nằm vùng ». Tứ đó anh leo cấp
bậc trong Hãng IBM Đức và chuyển những tài liệu nội bộ về khai triển hệ thống mới và
nhu liệu. Arnold là một trường hợp quái lạ vì anh ta từ lâu không gần gũi chính trị với
chúng tôi và từ chối nhận tiền của chúng tôi nhưng vẫn tiếp tục chuyển thông tin cho
chúng tôi bởi vì anh cảm thấy vẫn còn tình cảm quyến luyến với Đông Đức.
Nghiên cứu vi tính đặc biệt có giá trị đối với Đông Đức vì nó nhằm thúc đẩy hãng đứng
đầu về vi điện tử Robotron. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi thua xa Hoa Kỳ và Nhật
Bản. Phương cách duy nhất để Robotron bắt kịp họ là thu thập những hiểu biết và nhu
liệu của phương Tây bị cấm vận ngăn chặn. Rập theo mô hình IBM, Robotron tùy thuộc
khá nhiều vào những tiến bộ kỹ thuật của IBM mà chúng tôi lén lút lấy được vì vậy, trên
thực chất, nó là một loại công ty chi nhánh bất hợp pháp.
Nhờ gạt hái được nhiều thành quả, Stiller sớm được quân hàm trung úy. Y đang trên con
đường thăng tiến khi y quyết định đào tẩu vì , theo sự hiểu biết của tôi, lý do hoàn toàn
dựa trên ước vọng sống một cuộc đời thoải mái hơn tại Tây Đức. Hôn nhân của y bấp
bênh và y có một tình nhân, một cô chiêu đãi tên Helga có người anh ở Tây Đức. Qua
người anh này, Stiller tiếp xúc với tình báo Tây Đức, có lẽ vào giữa thập niên 1960.
Đương sự thương lượng thông báo cho Tây Đức về những công tác trong ban của anh với
một số tiền lớn và sau cùng là một chuyến đi sang Tây Đức sống cuộc sống an toàn. Đây
là một dàn xếp thường thấy nơi các kẻ chuẩn bị đào tẩu. Tuy nhiên,vấn đề là sau khi kẻ
địch đã bám chặt một cá nhân, họ thấy lợi ích lưu giữ ở nơi cũ kẻ mới kết nạp – để cung
cấp những thông tin giá trị ngay trong lòng địch – hơn là tiếp nhận họ vào lãnh thổ của
mình. Lẽ cố nhiên kẻ phản bội không suy nghĩ như vậy, đặc biệt khi ngày tháng trôi qua
và nguy cơ bị lộ mỗi lúc một gia tăng. Hậu quả thường là một cuộc đấu tranh ý muốn
trong đó cả hai bên trong cuộc thương lượng đều tìm cách áp lực nhau.
Cơ may của Stiller mỗi lúc giảm nhanh. Năm 1978, cơ quan phản gián của chúng tôi, với
nhiệm vụ ngăn chặn điệp báo tại nước CHDCĐ, bắt được một lá thơ mã hóa do y gởi cho
một địa chỉ ở Tây Đức mà chúng tôi biết là bình phong của tình báo hải ngoại của Tây
Đức (BND). Giám đốc cơ quan phản gián của chúng tôi không tìm ra được cách giải mã
hoặc tìm ra kẻ gởi đi, nhưng ông ra lệnh tất cả các thư từ gởi sang Tây Đức trong cùng
một vùng bưu điện mà họ đã chặn bắt lá thơ phải được rà soát. Quả nhiên, họ chận bắt
một điện tín bưu điện vài tháng sau. Lần này cơ quan phản gián tìm ra được mật mã. Điện
tín viết : “Tôi không thể đáp ứng lời yêu cầu của quý vị”. Các chuyên viên nghiên cứu nét
viết cho biết đây là chữ viết của một người đàn bà; đó là Helga chuyển lời của Stiller cho
các cán bộ điều khiển Tây Đức thông báo là y không thể chuyển giao gói vi phim.
Chúng tôi không có lý do chính xác nào để nghi ngờ Stiller ngoại trừ cơ quan phản gián
tình cờ khám phá một cuộc gặp gỡ với một người vào một thời điểm và nơi trốn không ăn
khớp với những báo cáo của chính y với các nguồn tin của y. Chúng tôi chưa vội vã kết
luận, nhưng năm 1976, khi tôi ra lệnh đình chỉ tất cả những hoạt động ngoại trừ những
công tác thiết yếu tại Tây Đức bởi vì có một cuộc săn lùng điệp viên tại Bá Linh, chúng
tôi bắt đầu theo dõi những chuyến đi của y sang Tây Bá Linh. Tuy nhiên đượng sự vẫn
được phép di chuyển sang Zagreb tại Tiệp Khắc để gặp một trong những nguồn tin Tây
Đức của đương sự. Nơi đây, đương sự cũng cảnh báo cho BND biết là chúng tôi đã phối
hợp những phân tích của máy vi tính với những quan sát trực tiếp để bắt một số những
điệp viện của họ đã xâm nhập vào hàng ngũ quân đội Đông Đức.
Vào cuối năm 1978, Stiller bắt đầu lo bởi vì y sợ sắp bị bại lộ – y lo ngại rất đúng và sau
này tôi mới biết nhưng đã quá trễ. Đương sự hối thúc cơ quan BND và cơ quan này hứa
sẽ chăm sóc cho y ở Tây Đức và chấp nhận y đào tẩu. Không hiểu là họ cố ý hay là bất
cẩn (cả giới tình báo của chúng tôi cũng như của đồng nghiệp CIA Hoa Kỳ ai cũng biết
cơ quan tình báo Tây Đức nổi tiếng là như vậy), họ đưa cho y những giấy căn cước giả
mạo quá thô sơ nên không dùng được. Stiller đành quyết định tự tìm kế thoát thân khỏi
Đông Đức với giấy thông hành của ban mình.
 Giấy thông hành dùng một lần duy nhất trong mỗi ban đều được trưởng ban cất khóa kỹ
và phải có chữ ký mỗi khi có người dùng đến để đi kinh doanh tại trạm Friedrichstrasse.
Giao điểm chính ở Bá Linh giữa Đông và Tây là một ổ hoạt động tình báo, với một dãy
hộp khóa ( tiện lợi để làm hộp thơ chết) trong những hành lang ngoằn ngoèo. Trạm xe
hỏa này, về mặt thuần túy kỹ thuật, nằm trên phần đất của Đông Bá Linh, nhưng trên thực
tế được chia cắt mỗi bên Đông và Tây một nửa, biến giới kiểm soát nằm ở giữa. Bất cứ
một người Đông Đức nào bước lên xe lửa ở phía Tây cũng vẫn có thể bị chính quyền
Đông Đức bắt và lôi cổ về.
Những nhân viên trong Ban Khoa Học và Kỹ Thuật than phiền việc phải ký giấy thông
hành mỗi khi đến trạm xe hỏa là một dấu hiệu bất tín và sỉ nhục. Tôi nghĩ điều này tệ thật
nhưng không có phương thức nào khác. Để đơn giản hóa thủ tục, giám đốc ban đề cử cô
thư ký của mình là người giữ giấy thông hành kỳ diệu này. Cô lưu giữ hồ sơ những lần đi
và về và được kiểm soát hàng ngày; nhưng nếu có một sĩ quan cô quen biết và tin tưởng
đến hỏi thông hành, cô vui vẻ cấp giấy tờ này như thể đưa chia khóa vào phòng tắm rửa.
Trong mọi trạng huống, sự khéo léo và bản năng tự vệ cực cao của Stiller giúp anh ta
thoát hiểm. Thay vì liều lĩnh dùng những giấy tờ kém chuẩn bị, đương sự cậy tủ an toàn
của ban mình để lấy thông hành và lựa chọn những hồ sơ có giá trị nhất trong ban để làm
hộ thân bên Tây Đức. Y giả mạo giấy công tác ban chỉ thị cho y đi qua địa phận Tây của
trạm xe hỏa Friedrichstrasse và đặt một va-ly vào một trong những ngăn khóa ở đây. Đối
với người kiếm soát việc qua lại đang thi hành nhiệm vụ đêm đó tại trạm, việc này hoàn
toàn thông thường. Đây là chuyến đi Stiller vẫn bình thường làm hàng chúc lần trước đây
trong khi thi hành nhiệm vụ.
      Stiller lấy búa cậy tủ sắt
Hình ảnh tang chứng trong hồ sơ của Stasi
Hồ sơ về đêm định mạng hôm đó cho thấy hai người đã trao đổi vui vẻ về thời tiết tồi dở
và Stiller, cố ý đánh lạc hướng viên sĩ quan không để cho người này xem xét kỹ lưỡng
giấy tờ của mình, nói đùa “Có thể tôi sẽ xin thuyên chuyển về Ban của anh. Anh chỉ ngồi
suốt ngày trong góc vuông ấm áp này. Tôi có lẽ cũng thích hợp việc này”. Anh bảo vệ lần
giở những trang tài liệu: có một sự vụ lệnh đóng dấu “tối mật”, giấy phép nơi làm việc,
giấy phép đặc biệt qua biên giới, và giấy thông hành. Khi thấy Stiller nhanh nhẹn trình
toàn bộ những giấy tờ cùng một lúc, anh bảo vệ không xem xét xa hơn nữa. Kẻ phản bội
đi qua hai lần cửa sắt để bước sang phần đất Tây Đức. Hai cửa này bật mở cách nhau tám
giây, đủ thời giờ để viên sĩ quan bảo vệ bấm nút khóa nếu anh bất thình lình thay đổi ý
kiến và quyết định kiểm soát xem tất cả những con dấu trên những tài liệu đều ăn khớp
với nhau không. Anh không có ý nghĩ này.
Stiller nói chuyện với sĩ quan bảo vệ
Bấm nút mở cửa
Bước lên sân ga, Stiller chậm rãi bước qua các cửa sát và một cách chính thức và không
thể vãn hồi bước sang phần đất Tây Đức của nhà ga. Biết rõ các sĩ quan phản gián Đông
Đức luôn hoạt động tại đây, y vờ loanh quanh tại các hộp khóa. Rồi, khi nghe tiếng rầm rì
của toa xe sắp đến, y chạy nốt đoạn đường cuối và nhảy lên toa cùng lúc đèn đỏ nhấp
nháy và lơì phát âm tự động : “Mọi người lên xe! Cửa đóng lại”. Mười phút cuối cùng
của chuyến đi này trên chuyến xe hỏa lọc cọc trên lãnh thổ Đông Đức và đương sự vẫn
còn nằm trong vòng tầm nã của chúng tôi, chắc đã gây căng thẳng cho Stiller không ít.
Khi xe hỏa cập bến Lehrter, trạm ngưng đầu tiên bên phía Tây Đức, y biết là y đã được tự
do.
Stiller bước lên toa xe lửa định mệnh
Cuối cùng Stiller đi xa hơn nữa trên tuyến đường, đổi xe hỏa và trực chỉ trạm cảnh sát
gần nhất, nằm trong khu vực ảm đạm ngoại ô Reinickendorf của giới trung lưu thấp kém.
Viên sĩ quan trực ca trễ, chỉ trông chờ nhìn thấy diễn hành thường lệ các tài xế say rượu,
những kẻ lắm mồm và những bọn trực ăn cắp xe, có lẽ ngạc nhiên cực độ khi một người
đàn ông ăn mặc tươm tất bước vào và lịch sự chào hỏi: “Chào ông, tôi là sĩ quan Bộ Công
An của nước CHDCĐ vừa mới đào thoát khỏi Đông Bá Linh. Xin ông làm ơn thông báo
cho [Cơ Quan Tình Báo Tây Đức] Pullach”.
Ngay đêm hôm đó anh đến Pullach. Tôi muốn biến thành con ruồi để xem y mở chiếc cặp
da chứa đầy những tài liệu đánh cắp trong tủ an toàn. An ủi duy nhất của tôi là Stiller,
mặc dù không thể chối cãi tài năng của y, chỉ là một sĩ quan trung cấp. Nhờ vào hệ thống
an ninh tôi đã cẩn thận thiết kế, tôi đoan quyết là y không biết danh tính của các điệp viên
khác ngoài bảy người do y điều khiển. Nhưng những tài liệu y đánh cắp trong tủ sắt có
những ám chỉ có thể giúp phản gián Cologne tìm ra hai mươi đến hơn hai mươi lăm
người nữa và chúng tôi phải xóa dấu vết của những người này.
Bổn phận của chúng tôi là cảnh báo cho các giao liên và điệp viên của y. Chuyên viên lò
hạt nhân Johannes Koppe và người vợ đã kịp trốn nhờ nhanh trí. Khi cảnh sát gõ cửa nhà
họ tại Hamburg và hỏi ông có phải là Herr Koppe không, ông trả lời không và nói người
này ở trên lầu hai. Koppe và bà vợ rời bỏ ngay căn phòng của họ vỏn vẹn với bộ quần áo
trên người và đi thẳng đến Bonn và tìm trú ẩn nơi Tòa Đại Sứ Xô Viết, và Tòa Đại Sứ
đưa họ trốn khỏi nước Đức. Cơ quan phản gián của chúng tôi phải đương đầu với một
công việc khó nhọc: Koppe là một người đam mê thích chơi xe hỏa, ông sưu tầm những
thời khóa biểu của hơn một chục quốc gia và tệ hơn nữa, một bộ xe hỏa tiểu ly chạy
ngoằn ngoèo trong căn phòng của ông. Nhân viên Tây Đức khổ sở khám xét và tháo gỡ
toàn bộ sưu tầm này để tìm tang chứng gián điệp nhưng không thấy gì cả. Cuối cùng, để
tưởng thưởng cho một điệp viên bị bại lộ, tôi thu xếp để mua những chiếc xe hỏa này khi
họ đem bán đấu giá tại Tây Đức (Mielke không bằng lòng chuyện này vì ông không thấy
cần thiết chúng tôi tỏ vẻ quá nhiệt thành) và gởi chúng về cho Koppe để rồi Koppe dựng
lên lại trong căn phòng nhỏ bé hơn ở Đông Bá Linh, nơi đây ông sống chật chội nhưng
vui sướng hơn.
Một nguồn tin khác của Stiller, Reiner Füller thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân
tạiKarlsruhe, cũng đào thoát trong đường tơ kẽ tóc. Ông nhận điện thoại báo trong khi
các sĩ quan đến bắt ông đã vào tận căn phòng của ông để bắt ông. Trên đường từ xe đến
trạm cảnh sát, một trong những người dẫn độ ông trượt ngã trên nền đất đông giá và đập
đầu xuống đất. Füller vụt chạy bỏ rơi các sĩ quan đuổi bắt và chạy trốn vào phái đòan
quân sự Xô Viết tại Wiesbaden và từ đó ông được giao lại cho chúng tôi tại Đông Bá
Linh (Vài năm sau này, trong thời gian tôi bị đưa ra tòa tại Karlsruhe, tôi cũng được
chính anh nhân viên đã để cho Füller tẩu thoát đêm tháng Giêng đó. “Ông đừng dở trò
này với chúng tôi nhé Herr Wolf ”, anh cười đùa. Ở tuổi tôi, tôi không thể nào có cơ may
thoát). Füller không thích hợp với đời sống tại Đông Đức và thu xếp, hai năm sau, để liên
lạc với cơ quan phản gián Tây Đức giúp anh trở qua lại Tây Đức. Thông thường trong
những trường hợp như vậy, chúng tôi biết những vấn đề của một điệp viên đã ngừng sinh
hoạt và nghi ngờ anh ta sẽ nhảy qua biên giới để sang Tây Đức. Trong trường hợp của
Füller, chúng tôi quyết định để cho anh đi, nghĩ rằng anh chẳng còn gì để báo cho chính
quyền bên kia sau thời gian ngắn anh sống dưới sự bảo trợ và kiểm soát của chúng tôi.
Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng dung thứ trong những trường hợp như vậy.
Một điệp viên khác của Stiller, Arnulf Raufeisen, là một địa vật lý học gia tại trung tâm
nghiên cứuHannover, đã bỏ trốn sang Đông Bá Linh sau khi được chúng tôi báo động và
cũng có ý đồ trở về lại Tây Đức năm 1981. Anh bị bắt tại biên giớiHungarytrên đường
trốn sang nước Áo. Lần này, lệnh từ trên muốn đem anh ra làm gương; mặc dù anh là một
điệp viên cũ của Đông Đức, anh bị kết án là điệp viên tại Đông Đức và bị xử tù chung
thân.
Tôi bị dằn vặt về chuyện của Raufeisen. Anh đã làm việc cho cơ quan của tôi hai mươi
năm và tôi muốn dàn xếp một cuộc trao đổi hoặc ân xá. Nhưng tôi đã thất bại và anh chết
trong tù năm 1987, một nạn nhân của sự phản bội của Stiller và công lý tùy hứng của
CHDCĐ. Vào lúc Stiller đào thoát, chúng tôi mang một mối hận rất sâu đậm; tôi nghĩ
Raufeisen đã nhận lãnh án mà chúng tôi muốn Stiller phải đau khổ đón nhận.
(xem tiếp phần 2)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 15 (phần 2) (Markus Wolf)                   
“…Biết rõ mặt mũi của người lãnh đạo cơ quan tình báo cũng chẳng đem lại một lợi ích
thiết thực gì cho kẻ địch, nhưng trong trường hợp của tôi, đối với Tây Đức việc này có lợi
vì nó phá vỡ hình ảnh thần bí bao bọc cơ quan tôi và bản thân tôi…”
Chương 10 (tiếp)
Nọc Độc của Sự Phản Bội
Stiller trao cho cho địch thủ trong cơ quan tình báo Tây Đức một điều không sờ mó được
nhưng lại rất quan trọng khi y đào tẩu, đó là việc xác nhận chân tướng của bản thân tôi.
Mặc dù tôi lãnh đạo tình báo hải ngoại Đông Đức đã hai mươi năm khi y đào tẩu, không
một ai bên phía Tây kiếm ra một bức hình của tôi, vì vậy tôi có biệt danh khen ngợi
“người không chân dung”. Thực ra, cơ quanTình Báo Liên Bang đã có hình của tôi
nhưng họ không biết là ai. Tôi bị lén chụp mà tôi không biết trong một chuyến đi Thụy Sĩ
để gặp Bác Sĩ Friedrich Cremer, một đầu mối đầy hứa hẹn trong đảng Dân Chủ Xã Hội
Tây Đức. Tôi sang đây vào mùa hè 1978 để gặp gỡ ông trên một lãnh thổ trung lập;
chúng tôi thường dùng Thụy Điển, Phần Lan và Áo vào mục đích này. Mặc dù chuyến đi
là một phần lấy cớ để đi ra khỏi văn phòng, đi du ngoạn với vợ – và bao lâu tôi vẫn còn ở
Thụy Điển – gặp gỡ Cremer, tôi còn có một lý do khác để hiện diện. Lý do chính của
chuyến đi là để gặp gỡ một nguồn tin quan trọng ở trong NATO.
Có lẽ vì chúng tôi quá cẩn thận về vấn đề an ninh quanh công tác quan trọng này, nên
chúng tôi bất cẩn thả lòng khi công tác này đã hoàn tất, đúng vào lúc tôi gặp Cremer, với
những hậu quả không đẹp cho ông. Các nướcScandinaviarõ rệt trung lập mang một bầu
không khí yên tĩnh và chậm rãi và cơ quan phản gián của họ cũng không quá siêng năng,
mặc dù tôi biết họ ngả về phía Tây Âu. Tôi gặp những điệp viên của tôi ở vùng phụ cận
tòa Lâu Đài lộng lẫy Gripsholm, phía Tây Stockholm, nơi đây chúng tôi hy vọng không
ai để ý đến chúng tôi trong đám người xem phong cảnh. Sau này, tôi nhớ lại có thấy một
cặp vợ chồng đứng tuổi ngồi trong xe hơi nơi bãi đậu. Chiếc xe có bảng số Đức, nhưng
không có dấu hiệu gì đáng nghi cả nên tôi tiếp tục cuộc tiếp xúc trên sân của lâu đài. Các
bạn đồng nghiệp của tôi thông báo cho biết họ đã thu xếp để tôi đến gặp Cremer
tạiStockholm.
Lâu đài Grispholm
Chiều hôm đó, khi tôi đi lang thang trong trung tâm Stockholm, để giết thời giờ trong khi
chờ đợi gặp Cremer, một cặp vợ chồng xôn xao, có lẽ là người Hungary, hối hả đến gặp
tôi và báo cho tôi biết tôi đã bị chụp lén. Điều nay khiến cho tôi khó chịu, mặc dù tôi
không thấy mối tương quan hợp lý nào với cặp vợ chồng trong xe. Tôi tiếp tục công việc
dự định trong ngày, gặp gỡ Cremer tại một căn phòng thường được Tòa Đại Sứ CHDCĐ
dành cho các viên chức đi du lịch
Sai lầm của chúng tôi là lựa chọn cảng Kappelskar nằm phía cùng Bắc làm nơi nhập cảnh
đến từ Phần Lan, theo nguyên tắc cẩn thận điệp viên tránh di chuyển thẳng từ nơi mình ở
đến lãnh thổ mà minh dự định gặp gỡ mối giao liên. Như thương lệ đi từ Phần Lan qua
Thụy Điển, chúng tôi đi qua biên giới không ai hỏi thông hành chúng tôi, vì vậy sự hiện
diện của chúng tôi không ghi vào hồ sơ. Nhưng tại hải cảng, sĩ quan tình báo lưu trú tại
Tòa Đại Sứ ở Thụy Điển đến rước chúng tôi. Phản gián của Thụy Điển dầu sao cũng làm
việc miệt mài. Họ ghi số xe thuê của chúng tôi vào trong máy vi tính và bắt đầu giám sát
chúng tôi khi chúng tôi đi vàoStockholm.
Việc chuẩn bị bất bình thường cho một vị khách đặc biệt đã làm tình báo Thụy Điển chú
ý đến chuyến đến bí mật từ Đông Đức và họ thông báo cho đồng nghiệp tình báo Tây
Đức, với kết quả là tôi bị hai mạng lưới theo dõi chặt chẽ khi tôi đặt chân lên lãnh thổ của
Thuy Điển. Tình báo Tây Đức trở về nhà với hình ảnh của tôi chụp tạiStockholm, nhưng
không ai đoán biết người Đông Đức bí mật kia là ai cả.
Tấm hình được cất vào tủ sắt kín cùng với những tấm hình mờ do phản gián Tây Đức
chụp những khuôn mặt đáng nghi nhưng không nhận dạng được đích thực là ai. Khi
Stiller sang Tây Đức, tất cả những tấm hình này được trải trước mặt y để y nhận dạng
theo thông lệ. Đương sự tức khắc nhận ra tôi và từ ngày đó trở đi, tâm hình đích thực của
tôi xuất hiện trên các bài phóng sự của báo chí.
Biết rõ mặt mũi của người lãnh đạo cơ quan tình báo cũng chẳng đem lại một lợi ích thiết
thực gì cho kẻ địch, nhưng trong trường hợp của tôi, đối với Tây Đức việc này có lợi vì
nó phá vỡ hình ảnh thần bí bao bọc cơ quan tôi và bản thân tôi. Tôi không còn là trùm
giàn điệp không chân dung mà chỉ là một con người bình thường. Vì Cremer bị bắt và
hình của tôi bị lộ, chúng tôi tiếc là phải cắt đứt liên lạc với nguồn tin của NATO, lý do
chính của chuyến đi sang Thuy Điển. Việc cắt đứt liên lạc này cuối cùng là một tổn thất
lớn nhất do Stiller gây ra.
Sau khi Stiller đào thoát, các chủ nhân Tây Đức của Stiller giao y cho CIA ở Hoa Kỳ một
vài năm. Y được cấp căn cước giả và ẩn nấp, theo sự hiểu biết của tôi, tạiChicago, nơi
đây y học kháo cấp tốc tiếng Anh và lấy chứng chỉ quản lý ngân hàng. Đương sự không
phải là một loại người kết thúc cuộc đời trong sự nghèo khó dưới bất cứ chế độ nào. Khi
y trở về Đức và bắt đầu làm việc cho một ngân hàng tạiFrankfurtvới một tên giả, chúng
tôi biết được tin nay nhờ hành lang tình báo. Một trong những nhân viên của chúng tôi
đem cả địa chỉ của y về và xin được hậu đãi lớn nếu đưa được Stiller ra đến tận biên giới.
Mielke tức tốc gọi tôi vào văn phòng và nói với giọng điệu thô bạo cố hữu của ông :
“Thằng chó đẻ Stiller, chúng ta bắt nó về được không?”. Tôi biết ngay ông muốn nói gì:
Ông nhắc đến những vụ bắt cóc điệp viên trong thập nhiên 1950. Nhưng nay là thập niên
1980. Chính sách Ostpolitik và tinh thần hòa hoãn không cho phép có những lối hành
động khiên giáo loại này. Trước sự bực bội của ông Bộ Trưởng, Stiller vẫn nhởn nhơ tự
do và trở nên giàu có, điều khiến công ty của mình tạiFrankfurt. Tôi xem Stiller là người
thắng cuộc duy nhất trong những hành trình dài đáng buồn của sự nghiệp của tôi.
*
May thay nghề nghiệp của tôi không chỉ có tin buồn mà thôi. Một buổi sáng đầu mùa thu
năm 1981, một phong bì lớn xuất hiện trong hộp thư của Tòa Đại Sứ Đông Đức tạiBonn.
Đó là một lá thư gởi cho giám đóc Cục 9 của HVA, Cơ quan Tình Báo Hải Ngoại. Cục 9,
phụ trách xâm nhập các cơ chế tình báo của Tây Đức, là cục lớn thứ nhì trong cơ quan
sau Cục Khoa Học và Kỹ Thuật và là một trong những cục bận rộn nhất. Đây là cục tôi
gắn bó nhất. Khác với hầu hết những người tình nguyện gia nhập – một danh từ để chỉ
những người tự nguyện góp sức cho hàng ngũ địch – tác giả ẩn danh của lá thư này ghi
địa chỉ chính xác, chứng tỏ đương sự biết rõ cơ cấu tổ chức của tình báo Đông Đức.
Trong phong bì là một tờ giấy bạc hai mươi Đức Mã, con số thứ tự in trên giấy bạc để
dùng làm mật mã trong những liên lạc tương lai. Người gởi tự giới thiệu là một chuyên
viên cao cấp trong ngành tình báo sẵn sáng cung cấp thông tin với giá là 150.000 Đức Mã
mỗi lần trao đổi và một lệ phí hàng tháng gấp đôi tiền lương của tình báo Tây Đức. Lá
thư của đương sự viết với những hàng chữ in lớn. Để gợi sự thèm khát của chúng tôi,
đương sự thông báo một tin mật Tây Đức đang có kế hoạch kết nạp Christian Streubel,
cấp chỉ huy của Stiller trong SWT.
Chúng tôi không rõ danh tính của người gởi. Máy ghi hình an ninh nằm ngoài Tòa Đại Sứ
Đông Đức tạiBonnchỉ thâu được hình ảnh của vóc dáng một người che mặt đang bỏ thơ.
Mặc dù là mùa hè, đương sự đội nón khuất mặt và y có một vết thẹo trên mặt. Những nét
chữ in tự tín và vuông vắn là tất cả những gì chúng tôi biết.
Do một sự tình cờ chúng tôi khám phá được nét chữ này của ai. Đã lâu, cơ quan của tôi
và chính quyến Tây Đức đọ sức với nhau trong một trò chơi lâu dài và phức tạp xoay
quanh một trong những nhân viên của tôi có với bí danh Wieland. Tên thật của y là
Joachim Moitzheim.
Là một sinh viên của các cha dòng Tên, Moitzheim, đã từng bị giam tại Liên Bang Xô
Viết thời chiến, làm việc cho chúng tôi từ năm 1979 tại vùng Cologne và đã thử kết nạp
một nguồn tin trong cơ quan phản gián Tây Đức (BfV) tại đây. Người này tên là Carolus,
phụ trách máy điện toán phản gián (tên là Nadis) tập trung danh sách những người đã
được điều tra và xem là an toàn và những người vẫn còn phải sưu tra và hồ sơ của họ.
Moitzheim tặng cho Carolus một ngàn Đức Mã nếu Carolus rà soát một tên tuổi làm việc
cho Hoa Kỳ. Carolus đánh hơi đây là một cái bẫy bởi vì y biết CIA đã xâm nhập vào
được Nadis và y báo cáo việc này cho cấp trên.
Có hai người trong phản gián Tây Đức biết thủ đoạn này, một là sĩ quan cao cấp tài giỏi
Klaus Kuron và hai là Hansjoachim Tiedge, giám đốc của Siêu Tra An Ninh của BfV.
Công việc của họ là bảo vệ không để Đông Đức xâm nhập cơ quan của họ. Tiedge và
Kuron mời Moitzheim đến một khách sạn, tại đây họ chận họng y nói rằng đã biết hắn
muốn mua chuộc Carolus. Họ đe dọa kết án tù dài hạn Moitzheim và ép y phải làm gián
điệp nhị trùng cho họ. Tây Đức lo ngại chúng tôi khám phá trò chơi này, nên họ không
muốn dùng Moitzhem làm người cung cấp tin sai đầu tiên cho chúng tôi. Trái lại, họ cung
cấp cho y một mạch tin mật trong đó có tên tuổi của hơn một trăm thí sinh khả dĩ kết nạp
cho phản gián Tây Đức và những người làm việc trong nhiều dự án quốc phòng mật. Đây
là một sai lầm lớn và nhờ đó chúng tôi thu hoạch được nhiều ich lợi.
Trong khi tiếp tục nhận lương hàng tháng 2.000 Đức Mã của Tây Đức, Moitzheim vẫn
còn lưu luyến với ý thức hệ Đông Đức. Y báo cáo cho chúng tôi biết là Kuron và Tiedge
đã thử mua chuộc y và y chấp nhận trở thành gián điệp tam trùng, làm việc cho chúng tôi.
Nhờ ở vị thế này mà Moitzheim nhận diện được những chữ in trên phong bì là của Klaus
Kuron, người được xem là cấp chỉ huy của y trong vai trò gián điệp nhị trùng.
Khi xảo thuật đạt đến trình độ này, chúng tôi phải cẩn thận tối đa. Các cán bộ điều khiển
phải luôn luôn đặc biệt chú ý gián điệp nhị trùng (và ngay cả tam trùng). Một khi một
người đã trở mặt một lần, người ta có thể dè chừng y sẽ trở mặt lần nữa. Cái trò đặc biệt
này diễn ra một cách tốt đẹp trong một thời gian, trong đó Wieland/Moitzheim báo cáo
cho cấp chỉ huy tại Cologne những cuộc gặp gỡ láo với những thành viên của bộ tham
mưu của tôi tại Đông Đức – và thông báo cho chúng toi là y đã báo cáo cho họ. Đồng
thời chúng tôi yêu câu anh gián điệp tam trùng của chúng tôi cung cấp những tin thật từ
trung tâm phản gián Tây Đức. Chúng tôi yêu cầu đương sự kiểm soát tên những doanh
nhân mà chúng tôi tình nghi có dính líu đến các cơ quan an ninh, và chính quyền Tây
Đức nghi họ làm việc cho chúng tôi. Vì chúng tôi được coi như không biết là phản gián
Tây Đức tại Cologne cảnh giác về mối liên hệ tam trùng của Moitzheim, nên họ phải gởi
những thông tin trung thực để bảo đảm tính khả tín của Moitzheim. Bằng không họ sợ
chúng tôi sẽ bắt đầu nghi ngờ y là gián điệp nhị trùng. Nhưng chúng tôi khó lòng biết
chắc chắn những tin tức họ lấy từ máy vi tính ởColognecó bao nhiêu phần là thật, có bao
nhiêu phần là giả. Giáo dục của các cha dòng Tên là một nền tảng thuận lợi trong một thế
giới gương phản chiếu.
Colognevề phần mình cố lượng định tầm mức hiểu biết của chúng tôi qua những câu hỏi
chúng tôi đặt cho Moitzheim. Bây giờ chúng tôi phải đương đầu với một trò trở cờ thứ tư
trong màn khiêu vũ phức tạp của làng tình báo. Kuron, vị sĩ quan đã từng điều khiển
Moitzheim, nay cũng muốn làm việc cho Đông Đức! Điều này quá đặc biệt, ngay cả đối
với những mối giây chằng chịt của thế giới gián điệp.
Kuron là một mẻ bắt lớn không có tiếng xấu lại nằm ngay trong trung tâm của phản gián,
một điều mà tất cả các cơ quan tình báo đều mơ ước. Nếu chúng tôi được sự công tác của
đương sự, chúng tôi có thể đánh giá được mức độ hiểu biết của Tây Đức về những công
tác của chúng tôi và chúng tôi có thể ứng biến cách phòng thủ của chúng tôi. Điều này
giống như phá hủy hệ thống đề kháng của trung tâm phản gián Tây Đức, phần thưởng lớn
nhất trong những phần thưởng. Nhưng trong một thế gián điệp nhị trùng và tam trùng ,
chúng tôi muốn biết chắc là hành động của Kuron có phải là một cái bẫy không.
Đúng vào thời điểm đã định, Kuron liên lạc qua số điện thoại mã hóa. Chúng tôi thu xếp
gặp gỡ và chúng tôi quay phim từ trên nóc nhà để có tang chứng đương sự chủ động tiếp
cận chúng tôi nếu không may điều này là một dàn cảnh đánh lừa chúng tôi của phản gián
Tây Đức. Nhưng Kuron, tự xưng mình là Kluge (tiếng Đức có nghĩa là “kẻ khôn ngoan”)
khi đương sự thương lượng với Moitzheim, quả nhiên danh bất hư truyền.
Đương sự gởi thư tiếp, nói rằng y thích chậm rãi tiếp cận vấn đề, vì vậy không có diễn
biến gì mới. Vào năm 1982, khi chúng tôi thuyết phục đương sự đến gặp chúng tôi
tạiVienna. Tất cả những liên lạc được xử dụng qua những biến thái của con số mật mã
trên giấy bạc nhà băng y đã gởi cho chúng tôi. Bởi vì tính chất cao cấp của y trong làng
tình báo Tây Đức, chúng tôi giảm thiểu mối nguy kiểm chứng chồng tréo. Mỗi lần y
muốn nói chuyện với chúng tôi, y dùng một trong nhiều số chúng tôi cung cấp. Rồi y rà
soát bằng cách nghe một loạt những con số mật mã trên radio làn sóng điện ngắn và rút
trừ những con số ghi trên từ giấy bạc. Hầu như không có ai có thể giải mã những liên lạc
của chúng tôi.
Mặc dù vậy, tôi phải mòn mỏi trông tin cuối tuần từVienna. Cho đến giai đoạn cuối cùng
đi đến sự hợp tác với Kuron, chúng tôi không hề loại trừ lời đề nghị của Kuron là một cái
bẫy. Karl-Christoph Grossmann, giám đốc cục 9 (công tác của cục bao gồm việc điều
nghiên những hoạt động của phản gián Tây Đức, di chuyển sang Áo với một đồng nghiệp
trẻ. Günther Neels, phó giám đốc cục 9, cũng được đặc cách gởi sang Áo để quan sát
cuộc thương thảo, cùng với một sĩ quan trẻ dùng làm liên lạc viên. Những chuẩn bị công
phu này giống như tuồng hátVienna, Người Thứ Ba, có nhiều uẩn khúc.
Nơi gặp gỡ đánh dấu thành tích đáng kể nhất của cơ quan tôi đối với tổ chức tình báo của
địch là cổng vào của Công Viên Schönbrunn, một nơi nằm trong truyền thống mưu đồ và
lãng mạn vào thời Hapsburg. Các sĩ quan lần lượt tới, mỗi người cẩn thận xem xét có bị
theo dõi hay không. Grossmann định vị trong một quán cà-phê phía đối diện với công
viên.
 Đúng vào giờ đã định, dáng vóc mạnh mẽ và thẳng đứng của Kuron xuất hiện. Cùng lúc
đó, Neels tiến gần đến cổng. Nếu có người lạ đứng xem, họ sẽ thấy hai người đàn ông, xa
lạ và xuất phát từ hai cơ chế đối địch, chào hỏi nhau như những bạn bè lầu đời. Và họ
tiến bước qua các vườn tược của công viên. Khi thấy con mồi của mình đến đầu bên kia
an toàn, Grossmann leo lên taxi và sau đó Kuron và người giao liên lên xe theo. Cả ba
đến một tiệm ăn. Tọa vị một cách thoải mái, Kuron tỏ vẻ thư thái.
 Đương sự không băn khoăn về việc phản phé này và mô tả nỗi ấm ức trong nghề nghiệp.
Đương sự là hình ảnh của những tham vọng không thành, làm cho y day dứt trong suốt
cuộc đời công tác dân sự . Sinh trưởng trong một gia đình đơn sơ, ông tiến thân trong
ngành tình báo, mặc dù ông không có bằng cấp đại học. Những thành tựu của ông đều
được tất cả những cộng sự viên công nhận, nhưng vì ông không tốt nghiệp theo tiêu
chuẩn ấn định ông không được thăng chức. Tiền lương 48.000 Đức Mã (vào lúc đó là
25.000 Mỹ Kim) tương xứng với cuộc sống thoải mái nếu không muốn nói là sang trọng,
nhưng ông biết ở nơi này ông không còn cách gì thăng tiến cao hơn được nữa.
 “Tôi đã vật lộn nhiều” ông nói. “Mọi người đều biết tôi có tài, nhưng tôi không thể tiến
xa hơn nữa”. Giọng của ông có vẻ chua chát và điềm đạm, “Ở Tây Đức, họ nói là có tự
do và cơ may đồng đều cho mọi người để phát triển tài năng của mình. Tôi không cảm
nhận được điều này. Tôi có thể làm việc cho đến khi ngã quị và người ta vẫn xem tôi là
con rối. Rồi bọn họ đưa một tên quan lại ngốc ngếch được bố trả tiền cho đi học và có
con đường sáng lạn trước mắt cho dù nó làm gì đi nữa. Tôi không chịu đựng được cảnh
này nữa”.
Mối ưu tư lớn nhất của Kuron là bốn đứa con của mình phải có phương tiện để lên đại
học, vì đương sự không đủ tài chánh để đắp thêm vào số tiền tài trợ của chính phủ. Khi
mọi người biết đến chuyện của ông sau khi nước Đức thống nhất, báo chí Tây Đức bôi
nhọ Kuron, cho ông là một tên gián điệp lạnh lùng và tham lợi. Nhưng tôi nhận định khác
động cơ thúc đẩy ông. Tôi xem quyết định của ông làm việc cho chúng tôi là hành động
của một người đã nhập tâm thông điệp thôi thúc của xã hội tư bản và vứt bỏ tất cả những
điều khác và hành động theo đó không một chút cắn rứt. Khi nhìn thấy những người
thành công và được trọng vọng xung quanh anh đã mua phương tiện để tiến thân, ông bán
tài nghệ của ông cho thị trường duy nhất mà ông biết.
Có một vài kẻ phản bội, ít nhất là trong đầu óc của họ, không ảo tưởng là mình phục vụ
cho hai chủ nhân khi họ nhận tiền của kẻ địch nhưng vẫn làm việc cho đất nước của
mình. Vào lúc Kuron liên lạc với chúng tôi, ông đã đánh mất hết tinh thần nhập thuộc với
cơ quan của mình. Sau này khi ông đứng trước tòa án để làm nhân chứng trong phiên tòa
xét xử cá nhân tôi, ông cho biết ông không có cảm tính nào khác ngoài sự hận thù đối với
cơ quan ông làm việc. Việc chuyển đổi lòng trung thành của một điệp viên nằm vùng
chấp nhận ở lại nhiệm sở là một giấc mơ toại nguyện của ông trùm tình báo. Điều này
hiếm khi xảy ra, nhưng một khi đã đến, nó xứng đáng với lượng chi phí cao. Phần đông
những người tiếp cận địch thủ và đề nghị làm người nằm vùng mong muốn làm được như
vậy trong một thời gian ngắn và sau đó, như Stiller, mua đường tẩu thoát sang một nước
thứ ba.
Tôi liên tưởng trường hợp duy nhất tương tự với Kuron là Aldrich Ames, người đã hào
phóng cộng tác với KGB. Trong một khía cạnh quan trọng,Amescó cùng một vóc dáng
tâm lý. Giống như Kuron, đương sự cảm thấy bị đánh giá thấp, không được CIA tưởng
thưởng xứng đáng, đoan quyết là mình sáng giá hơn nhiều những gì họ trả cho y. Cả hai
đều thích tiền và một cuộc sống xa hoa. Cả hai đều nhận thấy công việc lương thiện của
họ không được tưởng thưởng tương xứng. Cả hai đều am hiểu thấu đáo cơ quan của mình
và họ biết nếu họ khéo léo thương lượng, họ sẽ được phía địch mà họ phục vụ bảo vệ
chặt chẽ.
Nhờ Kuron, chúng tôi có một điệp viên nằm vùng siêu đẳng. Đương sự là người tuyển
mộ các điệp viên Đông Đức và Xô Viết và dùng họ làm điệp viên cho Tây Đức. Bây giờ
ông chuẩn bị cung cấp cho chúng tôi thông tin này. Giá phải trả cho ông cao thật và ông
muốn số tiền này được bỏ vào một chương mục danh số tại một nước thứ ba, nhưng tiềm
năng khai thác thật là to lớn. Là một điệp viên chuyên nghiệp cao, ông yêu cầu một số
những “điều khoản miễn hành”, giống như minh tinh Hollywood thương lượng cho một
cuộn phim, nhưng một lần nữa chúng tôi vẫn muốn đánh liều. Ông cũng muốn bảo đảm
những gián điệp nhị trùng mà ông tiết lộ danh tính cho chúng tôi, chúng tôi không được
bắt. Đây không phải là chỉ dấu của một nét đạo đức nào hết. Những gì Kuron tiên đoán là
một loạt những vụ bắt chắc chắn sẽ dồn nghi ngờ về phía cơ quan phản gián tạiCologne.
Tôi đồng ý
Chúng tôi quá vui mừng chớp được manh mối này và đặt cho đương sự mật danh là Ngôi
Sao. Danh tính của đương sự được xem là tối mật và tên thật của đương sự tuyệt đối
không được nói ra, ngay cả trong vòng nội bộ kín đáo của tôi mặc dù được xem là không
có máy ghi âm. Những cuộc gặp gỡ khác tiếp diễn theo sau tại Áo, Tây BanNha, Ý,
Tunisia và Kuron tiết lộ tên tuổi của những điệp viên Đông Đức mà cơ quan của ông đã
tuyển mộ.
Cả hai người chúng tôi đều rất cẩn thận về nơi gặp gỡ, và chúng tôi chọn những nơi thích
hợp cho nghỉ mát.
*
Việc dàn xếp những yêu cầu của ông thật là xuất sắc. Kuron yêu cầu cá nhân tôi xác nhận
những điều khoản này. Trước khi tôi xin Mielke chấp thuận trả tiền nhiều hơn bất cứ một
nguồn tin nào tại Tây Đức, tôi muốn đích thân gặp Kuron. Với giấy thông hành ngoại
giao CHDCĐ, ông đến Vienna thông quá Bratislava trong một chuyến bay đặc biệt đi
Dresden, tại đây con rể của tôi, Bern, đến rước ông và dẫn ông đến một nhà an toàn ở
vùng quê. Kuron là một trong những loại người thích hợp nhanh chóng với bất cứ ngoại
cảnh nào, ngay cả trong một nhà an toàn tại một nước thù địch. Chúng tôi thương lượng
tài chánh với phong cách đặc biệt của người Đức. Ông cũng sẽ nhận tiền hưu bổng trong
công việc tráo trở này. Lương của ông tương đương với lương của một đại tá tình báo
Đông Đức. Ngày hôm đó, ông tiết lộ hai nhân viên của chúng tôi, Horst Garau và người
vợ Gerlinde, giao liên làm việc cho cơ quan của tôi chuyển giao những thư từ của các
điệp viên chúng tôi ở Tây Đức, nằm trong danh sách trả lương của Tây Đức.
Garau báo cho phản gián Tây Đức danh tính của những gián điệp y biết. Không có vụ bắt
bớ nào tiếp sau đó, vẫn theo giả thuyết là việc này sẽ bại lộ tung tích nhị trùng của Grau.
Nhưng những thông tin như vậy cho phép Tây Đức theo dõi hành tung của điệp viên và
biết họ gặp gỡ những ai. Nhưng qua Kuron bây giờ chúng tôi biết tất cả hành động của
họ.
Khi thương lượng xong xuôi, chúng tôi dùng cơm tối và uống rượu do đội đặc biệt tuyển
chọn của Bộ Công An phục vụ. Kuron kể chuyện tếu và tôi cho ông xem những phim
nghỉ mát của Đông Đức, nơi đây tôi nói tôi hy vọng thấy ông xuất hiện nhiều. Ông cũng
đề cập đến tên của cấp trên của ông, Hansjoachim Tiedge. “Một khối óc khôn ngoan” ông
nói. “Y tiêu sai hàng trăm Đức Mã như không và có tật uống rượu”. Tôi ghi hồ sơ chi tiết
này để dùng trong tương lai, nhưng không bao giờ ngờ ông Tiedge hào phóng lại có thể
gặp tôi mà chúng tôi không hề mất công sức tìm đến ông.
Điều gì đã xảy ra cho những điệp viên hay người nằm vùng bị Kuron tố giác? Theo sự
hiếu biết của tôi, cả hai cơ quan bên Đông và Tây Đức không hề tìm cách giết họ, cho dù
để trả thù hoặc ngăn ngừa họ phát tán thông tin. Nhưng cả hai không thể phủ nhận họ đã
khai thác và mua chuộc. Ví dụ, để buộc Moitzheim trở cờ, Tây Đức một cách thô bạo cho
anh lựa chọn giữa án tù dài hạn và hợp tác. Chúng tôi có lẽ cũng làm như vậy.
Các điệp viên, khác vói sĩ quan điều khiển trong cơ quan tình báo, không bị kết án tử
hình sau thập nhiên 1950. Việc giam giữ những gián điệp Tây Đức tầm vóc có giá trị hơn
nhiều vì họ có thể trao đổi với người của chúng tôi vào lúc thuận lợi. Kết án nặng nề nhất
dành cho các sĩ quan phản bội đất nước mình, như Werner Teske, một sĩ quan trong Cục
Khoa Học và Kỹ Thuật bị bắt quả tang năm 1981cất giấu hồ sơ của cục trong máy giặt ở
nhà. Y có ý định đào thoát sang Tây Đức và đem những tài liệu này làm quà tặng cho tình
báo Tây Đức để đổi lấy một cuộc sống tốt đẹp ở phía bên kia.
Teske là người bị xử tử cuối cùng tại Đông Đức năm 1981, một ghi chú thảm thương
trong lịch sử. Lý do quyết định hành quyết Teske vẫn còn là một bí mật đối với tôi. Tôi
thường bị trách, trong trách vụ lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại, đã để cho y bị giết
hoặc ít ra không ngăn ngừa việc này. Tôi cảm nhận có trách nhiệm về cái chết của y
không ? Để trả lời một cách lương thiện, tôi phải phân biệt nhiều loại trách nhiệm.
Khi Cục Phản Gián phát hiện Teske phản bội, họ cùng với Tổng Cục Tra Vấn đã bắt
đương sự, cả hai Cục này đều nằm dưới quyền điều khiển của Mielke và sau đó giao cho,
như tất cả những vụ án gián điệp tại Đông Đức, toàn án quân sự kín. Vào thời điểm này,
cơ quan chúng tôi không còn quyền lực gì nữa. Tuy nhiên, vào đầu thập nhiên 1980, bản
án tử hình vì tôi phản bội thường được chuyển sang án tù chung thân. Mặc dù tôi biết
tương lại của Teske mờ tối, tôi không nghĩ đương sự sẽ bị giết. Án tử hình mặc dù là kỳ
quặc đã được thi hành vào tháng 6 năm 1981 tại nhà giam Leipzig, không kèn trống, theo
khuôn mẫu của Xô Viết một phát súng đàng sau gáy. Án lệnh nghiệt ngã này không phải
dùng để răn đe vì ngay cả các sĩ quan của tôi cùng không hay biết chuyện này. Điều này
chứng tỏ cho tôi thấy não trạng lúng túng của một quốc gia đang vào thời kỳ suy sụp.
Năm trước đó, năm 1981, Winifried Zarkrzovski, bí danh Manfred Baumann, một đại úy
thủy quân trong mạng lưới tình báo, đã tiết lộ tên tuổi của các điệp viên Đông Đức làm
việc tại Tây Đức. Mielke rất phẫn nộ. Trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp năm 1982
ông kêu gọi triệt hạ những kẻ phản bội. “Những sai lầm như vậy khổng thể xảy ra vào
năm thứ 32 [xây dựng đất nước Đông Đức]… Chúng ta đồng tâm nhất trí về vấn đề này.
Chúng ta không tránh được sự hiện diện của kẻ khốn nạn trong hàng ngũ của chúng ta.
Nếu tôi biết hắn là ai, tôi sẽ ra tay một lần cho tất cả”.
Sự bực tức này chứng tỏ Mielke không bằng lòng với sự khoan hồng của luật pháp đối
với tội phản bội. Mặc dù tòa án trên danh nghĩa độc lập trong những lãnh vực này, cấp
lãnh đạo vẫn có thể áp lực trong những trường hợp đặc biệt. Số mạng của Teske là kết
quả của những áp lực này. Theo luật pháp Đông Đức, đương sự có thể bị hành quyết dựa
trên bằng chứng là việc phản bội đã xảy ra. Trước đây đã có tiền lề trong trường hợp của
một sĩ quan tên Walter Thräne đang chuẩn bị đào thoát thì bị bắt. Tòa án từ chối yêu câu
tử hình hoặc ngay cả tù chung thân của biện lý cục, trên căn bản là ý định phản bội đã rõ
ràng nhưng hành vi phạm tội chưa xảy ra. Vì vậy dựa trên căn bản của chính luật pháp
khắt khe của chúng tôi, việc hành quyết Teske là bất hợp pháp.
Tôi không đồng ý với những lời phê bình cho rằng tôi trực tiếp trách nhiệm về cái chết
của Teske. Nhưng tôi phải thú nhận là tôi đã không sớm mạnh mẽ lên tiếng phản đối để
tiến trình của hệ thống luật pháp không quá gần gũi với nhà nước và có thể bị khiến dẫn
theo quyền lợi của họ. Tất cả những sĩ quan Đông Đức biết là án tử hình là kết quả rành
mạch của sự phản bội. Họ đã tuyên thệ khi họ nhận chức vụ đầu tiên của mình: “ Nếu tôi
phản bội lời thề long trọng này, tôi có thể bị nghiem khắc trừng trị theo luật pháp của
Cộng Hòa với sự khinh thường của nhân dân lao động”. Án tử hình vẫn được duy trì tại
Đông Đức cho đến năm 1987.
Nhưng người ta không thể biện minh cho án tử hình khi làm gián điệp thời bình. Nhìn lại
những trường hợp phản bội mà tôi được biết ở cả hai phía, tôi giám quả quyết cái chết
không hẳn là biện pháp để ngăn chặn. Những động cơ thúc đẩy quyết định làm việc cho
phía bên kia rất là phức tạp và thường đi đôi với mức độ tự tin và hãnh tiến khiến cho kẻ
phản bội cảm thấy hiểm nguy không thể đụng chạm đến họ.
Còn về những “công tác mò tôm”, hoặc là những vụ thủ tiêu bất hợp pháp trong điệp báo
vẫn còn tiếp diễn ra. Tôi không dám bạo gan liệt kê tất cả những vụ mất tích bí mật do
CIA làm, vì tôi lại phải làm ngơ xóa bỏ những vụ vi phạm luật pháp của cơ quan tình báo
Xô Viết. Vào thập nhiên 1950, chính quyềnBulgariavà Ba Lan nổi tiếng là những cơ quan
sẵn tay nhất. Cơ quan phản gián Đông Đức cũng không vô tội, mặc dù tôi lại nhấn mạnh
một lần nữa tất cả những chuyện nổi tiếng và thường được thêm thắt về những vụ bắt cóc
và giết những kẻ phản bội là kết quả của việc xử dụng liều lượng quá độ thuốc ngủ trong
lúc bắt cóc chứ không phải là có ý thủ tiêu.
Trên thực tế, giết kẻ phản bội là một chỉ dấu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh, và
tôi loại bỏ hành vi này ra khỏi tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như đạo đức của chúng tôi.
Việc thủ tiêu ngoạn mục trong tiểu thuyết gián điệp là một giải pháp sơ đẳng và bất lợi so
sánh vơi phương pháp chúng tôi dùng và khai thác những nguồn tin như Moitzheim làm
gián điệp nhị trùng và sau đó tam trùng để có mối lợi tốt nhất. Mặc cảm tội lỗi chúng tôi
có nằm trong việc khai thác các cá nhân, nhược điểm và lòng tham. Và những hoạt động
này không chỉ giới hạn trong giới điệp báo Đông Đức.
*
Kuron lấy làm hãnh diện trên phương diện nghề nghiệp khi cộng tác với chúng tôi, ông
thường giúp chúng tôi trong những dự án nằm ngoài những khế ước ký kết. Vì ông quá
lợi ích cho chúng tôi, nên tôi thu xếp cho ông có được một số điện thoại đặc biệt túc trực
đêm ngày để những thông tin khẩn cấp được chuyển ngay sang Đông Đức. Là một thành
viên của Cơ quan phản gián Tây Đức tại Cologne, ông tiếp cận những công tác kết nạp
cao cấp. Thông thường, ông để những diễn tiến công tác tiếp tục bình thường và thông
báo cho chúng tôi, vì ông và chúng tôi cả hai đều không có lợi gây sự nghi ngờ bằng cách
phá vỡ những cố gắng kết nạp của Tây Đức.
Tuy nhiên, cũng có một biệt lệ. Mười năm nay chúng tôi có tạiBonnmột điệp viên trong
đảng Đoàn kết Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), đảng của Helmut Kohl. Đương sự là
một bạn lâu đời của Kohl từ những bước chính trị chập chững của vị thủ tướng ở
Rheinland và đã hoàn tất nhiều công việc cho công ty khổng lồ Flick, đại diện quyền lợi
của công ty trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo kể từ năm 1981 trở đi. Ông biết tất cả
những uẩn khúc của những thương lượng giữa chính trị và kỹ nghệ tại Tây Đức và là một
nguồn tin đáng tin cậy trong thông tin nội bộ chính trường Tây Đức cho chúng tôi.
Một đêm, Kuron, trong lúc làm việc trong văn phòng phản gián tại Cologne, nhận được
tin qua một đồng nghiệp có một người tình nghi là gián điệp Đông Đức đã bị theo dõi đi
đến họp mặt với một điệp viên chính trị nằm vùng của chúng tôi tại Bonn. Cả hai đều vào
một căn phòng và bị phản gián Tây Đức theo sát. Họ chuẩn bị ập vào để bắt hai người.
Kuron nhận định tức thì nếu hai người này bị bắt cùng một lượt, tôi sẽ mất đi một điềm
chỉ viên chính trị quý giá tại Tây Đức. Do đó ông vội vàng báo qua số điện thoại khẩn
cấp mã hóa “Người của ông bị theo dõi tại Andernachstrasse”. Chúng tôi vô cùng liều
lĩnh điện thoại trực tiếp đến căn phòng và dùng mật hiệu báo động cho điệp viên tẩu
thoát, bằng cách dùng một thổ ngữ báo đây là số điện thoại sai.
Chúng tôi mường tượng họ sẽ đổi ca canh gác về đêm vì đội canh gác đã được đổi một
lần rồi. Nếu họ ra tay bắt, chỉ có thể vào lúc sáng sớm. Vì vậy hai người tắt đèn, vờ như
đi ngủ và vừa quá 12 giờ đêm, điệp viên của chúng tôi chuồn đi qua ngã hầm đậu xe và
lập tức trở về Đông Đức qua ngả Thụy Sĩ. Ngày hôm sau, người nằm vùng của chúng tôi
rời căn phòng và cơ quan phản gián Tây Đức chạy ùa vào cao ốc nhưng người khách bí
mật đã biệt tích và không thấy một tang chứng nào về hoạt động điệp báo của người
khách này.
Người nằm vùng ở Tây Đức sau này bị lộ và bị kết án tù nhẹ. Xét cách đối xử nghiêm
khắc với các điệp viên nằm vùng khác, tôi đinh ninh đâu đó trong hệ thống liên lạc chính
trị nội bộ củaBonn, ông có người cầu bầu sự khoan dung nhân danh cá nhân ông.
Trong vòng sáu năm, Kuron đã làm những việc giá trị cho chúng tôi. Với sự trợ giúp vô
tình của đứa con trai vị thành niên của ông, ông đã tìm ra phương cách thu những tín hiệu
của máy vi tính lên trên cuộn băng ghi âm của máy điện thoại hồi âm với tốc độ cực
nhanh. Đây là một cải tiến trong hệ thống cũ của chúng tôi, theo đó những tiếng bíp và
xoáy của những chữ mã hóa có thể bị máy của phản gián Tây Đức rất dễ nhận chân. Với
hệ thống của Kuron, âm thành được phóng nhanh, vì vậy những gì tai có thể nghe được
chỉ là một biến thái nhanh chóng hoặc một tiếng bíp ngắn giống như đường giây có trở
ngại kỹ thuật. Ở đầu dây bên kia, thông tin được tự động chuyển vào máy vi tính để thu
lên băng ghi âm và có thể giải mã khi cuộn băng được quay lại nhanh hơn vận tốc gởi đi.
Kuron đi xa hơn bằng cách chuyển thông tin trực tiếp vào đĩa của máy vi tính. Chuyên
viên điều nghiên chỉ cần bỏ đĩa vào máy vi tính để kiểm soát an toàn cao độ và đọc tài
liệu trên màn ảnh. Việc này rút ngắn nhiều thời gian đáng kể tiến trình giải mã.
Những thành quả của chúng tôi cho đến năm 1989 cho thấy sự vượt trội kỹ thuật cũng chỉ
có hữu dụng giới hạn nếu những cơ cấu cơ bản của của cơ quan không được sử dụng
đúng mức. Loại kỹ thuật chuyên môn này có thể mua được, nhưng tổ chức giỏi, kỷ luật
chặt chẽ và bản năng bén nhạy không thể mua được trên thị trường. Ví dụ, lý ra các đồng
nghiệp của Kuron phải thấy đương sự sống cao hơn mức lợi tức của mình, càng lúc càng
nhiều hơn khi năm tháng trôi qua. Khác với Aldrich Ames, Kuron rất thận trọng trong
việc tiêu dùng và bịa những câu chuyện ngụy trang. Ông rất chuyên nghiệp trong phong
cách ông giữ liên lạc với chúng tôi và sống một cuộc sống kỷ luật. Hơn nữa, người phụ
trách về thông quá an ninh trong cơ quan BfV (Nha Bảo Vệ Hiến Pháp) tại Cologne, ông
Hansjoachim Tiedge, một người nghiện rượu có rất nhiều vấn đề gia đình và nợ bài bạc,
không ở tư thế để chú ý.
*
 Tôi chuẩn bị hành trang để lên đường nghỉ mát tại Hung Gia Lợi mùa hè 1985 thì
chuông điện thoại reo. Cú điện thoại phát xuất từ vùngMagdeburg trên biên giới với Tây
Đức. Một người tự nhận mình là Tabbert bất ngờ đến và yêu cầu được nói chuyện với
một đại diện của cục tình báo hải ngoại. Qua Kuron chúng tôi được biết Tabbert chính là
mã danh của Tiedge, nên tôi ra lệnh đưa y qua Bá Linh sớm chừng nào tốt chừng ấy và
không hỏi gì thêm. Chợt nhớ vệ binh biên giới có chiều hướng không tiếp đón niềm nở
những du khách sang Đông Đức, tôi nói tiếp là phải cho y bia và thức ăn. Karl-Christoph
Grossmann, người đã thành công tiếp đón Kuron lần đầu tiên và Cục 9 của đương sự đã
xâm nhập phản gián Tây Đức, được lệnh đón y tại ngã tư xa lộ trên đường đến Bá Linh
để bảo đảm an ninh chặt chẽ khi đi qua thủ đô.
 Ngay từ ban đầu tôi biết đây là một mẻ lớn và Tây Đức rất muốn thu hồi viên chức an
ninh then chốt này về, vì có lẽ đương sự đào tẩu trong một lúc ngẫu hứng. Đương sự
được đưa vào nhà an toan tại Prenden, ở vùng quê ngoài Đông Bá Linh. Nơi trú ngụ của
tôi ở vùng quê cũng nằm ở đây, và chỉ cách đó vài trăm thước là hầm boong-ke do bộ
chính trị xây cất để không chết cháy nếu chẳng may Hoa Kỳ thả bom nguyên tử. Vùng
này vì vậy được canh gác rất cẩn mật. Nguy cơ anh bạn mới của chúng tôi bị phía bên kia
bắt cóc trở về xem ra rất khó xảy ra.
Tiedge muốn gặp tôi trực tiếp, nhưng tôi từ chối. Tôi đã chuẩn bị về hưu và , vì biết đây
là một trường hợp đặc biệt có nhiều hệ lụy, tôi nghĩ tốt hơn hết là giao lại cho người kế
nghiệp tôi, Werner Grossmann. Tôi lý luận Tiedge cần tín nhiệm tuyệt đối với những
người y gặp đầu tiên tại Đông Đức; như vậy chúng tôi tránh thay đổi cán bộ điều khiển
giữa đường.
 Người này ở trong tình trạng thảm não khi anh được thẩm vấn. Vì vóc dáng bê tha và
cặp mắt đỏ ngầu của y không ai nghi rằng y là một thành viên cao cấp của cơ quan an
ninh của Tây Đức. Để cho chắc ăn, chúng tôi yêu cầu y trình giấy phép an ninh, chứng
nhận y là một nhân viên của Văn Phòng Bảo Vệ Hiến Pháp (BfV) tại Cologne. Đương sự
tự xưng là Hansjoachim Tiedge và, với giọng cao và mệt mỏi giải thích : “Tôi tới và ở lại
đây. Quý vị là cơ hội cuối cùng của tôi.” Tôi điện thoại cho Mielke báo tin vui. Ngay cả
với việc đào thoát có giá trị cao này, Mielke thông thường chỉ nghĩ đến chức vị của mình
và than phiền là trưởng ban an ninh tại Magdeburg đã không thông báo ngay cho đương
sự và gằn giọng nói người Bá Linh “tất cả những món hàng mất và tìm lại được phải giao
cho tôi trước tiên”.
Tiedge xác nhân những gì chúng tôi biết qua Kuron về đời tư thảm não của y. Y là một
tay say mê cờ bạc và rượu chè. Vợ của ý chết trong một tại nạn xảy ra trong nhà sau khi
hai người say rượu đánh nhau. Người ta điều tra xem có án mạng không, nhưng rồi toà
tuyên phán đây là một cái chết vì tai nạn. Y có những đứa con bất kham không bao giờ
tha thứ đương sự vì cái chết của mẹ chúng và y gặp khó khăn trong công việc, vì đời sống
cá nhân xô bồ của y đã khiến y bị kỷ luật. Bây giờ y biết lý do duy nhất y còn ở lại cơ
quan phản gián là để giữ kín những hiểu biết của y và cấp trên có thể kiểm soát y. Tất cả
nhân cách của y, y nói, đã bị phá hủy. “Nếu một trường hợp như tôi được đệ trình để
nghiên cứu,” đương sự suy nghĩ với một sự lương thiện đáng nể, “tôi sẽ phê đuổi y ra
khỏi cơ quan tức khắc.”
Tôi trạnh nghĩ, sau này khi đọc bản báo cao, cấp lãnh đạo của một quan điều tra an ninh
Tây Đức, một chức vụ đòi hỏi một cuộc sống thanh đạm, lại có một lối sống thích hợp
với một nhân vật ủy mị trong tuồng kịch. Chúng tôi thấy một người đã tụt xuống hỏa
ngục tâm lý đến độ chỉ còn hai lối thoát, tự vẫn hoặc đào tẩu. “Tôi không có can đảm để
tự vẫn,” y nói với cán bộ thẩm vấn.
Một câu hỏi nhiều người thắc mắc Tiedge có phải là điệp viên của chúng tôi trước khi
đào tẩu. Lần đầu tiên, tôi có thể khẳng định ông không phải là người của chúng tôi. Việc
Tiedge chạy sang Đông Đức làm cho tôi và tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Tôi nghi
ngờ là đương sự trôi dạt về phía chúng tôi vì tình hình càng lúc càng tệ hại đối với y tại
Cologne, nhưng chúng tôi không tìm cách liên lạc với y. Y tìm đến chúng tôi vào một
đêm y nhảy lên xe hỏa và sang Đông Đức. Đương sự là kẻ đào thoát ngay thẳng một cách
bất bình thường. Trên thực tế y là người duy nhất. Tôi chưa bao giờ gặp một ai tự mô tả
mình là kẻ đào tẩu một cách thẳng thắn như vậy. Đương sự không tìm cách biện minh
quyết định của mình qua những câu chuyện thay đổi ý thức hệ. Đương sự nói: “Tình hình
của tôi ở nước Đức thứ hai khá hơn nước thứ nhất”.
Quả nhiên là đúng. Chúng tôi bỏ thời giờ, tiền bạc và công sức để xây dựng lại con người
này từ một anh say rượu khố rách lúc anh nhảy qua biên giới. Với đôi mắt lợt lạt thất thần
và quầng đen, đương sự trông giống như một con gấu panda khi y đến nhà an toàn.
Chúng tôi cung cấp cho y một y tá, một bác sĩ và một huấn luyện viện thể lực. Họ giúp
đương sự ngừng uống rượu và mất đi 30 cân trong một tháng. Thiếu rượu và phải triệt để
kiêng mỡ, Tiedge cần được bảo bọc ở một khía cạnh nào đó và chúng tôi phát hiện y rất
ham muốn nhục dục. Chúng tôi có đàn bà sẵn cho y, họ là nhưng đảng viên làm việc
trong ngành an ninh trong vùng Postdam; họ được mời làm bạn với một kẻ đào tẩu và bắt
đầu đi lại với y. Vì bị căng thẳng tinh thần trong lúc thẩm vấn, phần lớn đàn ông chín
muồi để tỉm an nủi nơi người đàn bà. Chúng tôi lựa chọn những phụ nữ sẵn sàng chấp
nhận ăn nằm với những người này.
Họ không phải là gái mãi dâm, nhưng là những phụ nữ rất thực tế, đảng viên và trung
thành với đất nước, sẵn sàng làm việc này để đổi lấy cái chúng tôi gọi là lòng biết ơn của
nhà nước, có nghĩa là một căn phòng tươm tất hoặc là đứng đầu danh sách chờ đợi nhà
nước cung cấp xe hơi. Dù sao đi nữa, thí sinh đầu tiên của chúng tôi không chịu đựng
được Tiedge. Chúng tôi kiếm một thí sinh khác, một cô giáo, và cô đã hoàn thành sứ
mạng của mình, và làm cho chúng tôi nhẹ nhõm. Tiedge là một loại đàn ông đặc biệt
chẳng có gì hấp dẫn và tôi suy nghĩ cô phải là một người rất yêu nước. Nhưng ngay cả
những chuyện đồi bại nhất cũng có kết quả đáng khích lệ hơn chúng tôi mong đợi. Sau
này hai người cưới nhau và đương lúc tôi đang viết họ vẫn còn ở với nhau.
Tiedge có trí nhớ như máy vi tính về tên tuổi và các mối liên lạc, nhờ đó điền vào chỗ
trống trong hồ sơ của chúng tôi, mặc dù không nhiều như y nghĩ, bởi vì y không biết
Kuron làm việc cho chúng tôi.
Việc báo giới tiết lộ sự bất hợp của Tiedge đối với cơ quan phản gián, dẫn đến sự đào
thoát của y phản ánh hình ảnh xấu xa của cơ quan này. Thêm vào đó, người vừa được bổ
nhiệm chức vụ giám đốc Tình Báo Liên Bang, Heribert Hellenbroich, một người bạn cũ
và cấp trên của Tiedge trong cơ quan phản gián, bị buộc phải từ chức vì thiếu khả năng.
Chúng vui mừng nhìn sự xáo trộn này, mặc dù sau này tôi biết Hellenboich là một trong
những cấp lãnh đạo lương thiện và đáng kinh của cơ quan tình báo Tây Đức.
Tôi có phần nào thiện cảm với tình thế khó xử của ông vì không những ông có một mà
hai tay nằm vùng đào hầm phá sập sự nghiệp của ông.
Sụ hiện diện của Tiedge ở Đông Đức tạo cớ cho chúng tôi để bắt Horst và Gerlinde
Garau, những người Kuron đã thông báo cho chúng tôi nhưng chúng tôi chưa dám bắt vì
làm như vậy chúng tôi sẽ tiết lộ chúng tôi có người nằm vùng bên đó. Theo sự hiểu biết
của phản gián Tây Đức, họ đã bị Tiedge phản bội. Horst và Gerda Garau bị bắt và người
đàn ông bị kết án tù chung thân vào tháng Chạp 1986. Garau được thả ra sau bốn tháng
và cảnh cáo không được nói về trường hợp bắt giam của mình. Chồng của bà ta chết vào
giữa năm 1988 tại trại tùBautzen. Gerlinde vẫn cho rằng tôi đã hạ lệnh giết ông chồng.
Thực ra không phải như vậy. Horst Garau là một người nhạy cảm và nhiều danh dự đặc
biệt không thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của trại tù. Tôi chắc chắn y đã tự tử
trong tù sau khi y biết rõ y không nằm trong danh sách các thí sinh gián điệp được trao
đổi. Mặc dù y bị xúc động mạnh vì trường hợp của mình – y bị phản bội hai lần bởi
những người y tín nhiệm trong tình báo Tây Đức – theo tôi y là một gián điệp lợi hại. Y
không đáng chết, nhưng tội y phải vào tù.
Ngày 5 tháng Mười năm 1990, hai ngày sau khi nước Đức thống nhất, Kuron chay qua
Đông Bá Linh để bàn thảo về tương lai của đương sự với các sĩ quan cao cấp của tôi.
Lòng phản trác xuất hiện vô số kể khi thiên hạ đổ sô tìm cách cứu mạng. Một trong
những sĩ quan ưu tú của tôi đã sa ngã trước lời mời mọc giúp Tây Đức truy lùng những
điệp viên của chúng tôi. Đương sự là Đại Tá Karl Christoph Grossmann, chính sĩ quan
này đã giúp kết nạp Kuron và tiếp đón Tiedge. Cái vòng tố giác đã hết chu kỳ của nó.
Cũng người này đã được tín nhiệm để bảo vệ hai thành viện cao cấp chúng tôi kết nạp từ
phản gián Tây Đức đã chính mình trở thành kẻ phản bội. Tôi nhìn những sự cố diễn ra
với chút cay đắng trước sự oái oăm này.
Grossmann phản bội có nghĩa là sự nghiệp của Kuron cũng như của rất nhiều nhân viên
của chúng tôi coi như chấm dứt. Kuron cũng biết điều này. Không nói một lời, y lấy lần
cuối cùng sổ tiền mười ngàn Đức Mã từ một sĩ quan cao cấp và chấp nhận lời mời duy
nhất mà cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức có thể đề nghị để bảo vệ những điệp viên
của mình đang bị đe dọa, lời giới thiệu đến cơ quan tình báo KGB và cơ hội để đào thoát
sang Moscow với sự trợ giúp của tình báo Xô Viết.
Vì phải lo cải thiện mối liên hệ với chính quyền Tây Đức, Liên Bang Xô Viết giúp chúng
tôi rất ít. Sau khi Werner Grossmann, người kế thừa chức vụ giám đốc tình báo hải ngoại
của tôi, năn nỉ dông dài và áp lực trực tiếp, cơ quan KGB chấp thuận cho tất cả các nhân
viên điệp báo ưu tú của chúng tôi nếu họ muốn được tị nạn bên họ. Ban đầu Kuron chấp
nhận nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến, vì y sợ rằng y sẽ không bao giờ ra khỏi được Liên
Bang Xô Viết một khi anh đã vào.
Với lý lẽ trở vềCologneđể bàn thảo với vợ về lời đề nghị này, Kuron điện thoại cho ban
kiểm tra an ninh của cơ quan phản gián Tây Đức và giải thích y cần bàn một chuyện mà y
tế nhị cho đó là một vấn đề. Y định chơi ván bài cuối cùng. Y nói với cấp chỉ huy là y đã
được tình báo KGB tiếp xúc và y chấp nhận làm gián điệp nhị trùng cho Tây Đức. Y đề
nghị kể lại cho phản gián Tây Đức những gì cơ quan Xô Viết tìm cách khám phá – giống
như việc y vẫn thường làm cho phía bên kia từ bao lâu nay. Một kẻ đào phản, bị áp lực
như Kuron đang phải gánh chịu và phải có thay đổi tâm lý lớn để nhảy sang phía bên kia,
thường có khả năng trở cở thêm lần nữa. Đây là một thủ đoạn xảo quyệt vì bị áp lực,
nhưng cơ may của Kuron đã chấm dứt.
Ngay lúc y bước vào văn phòng tạiCologne, nơi y đã xây dựng sự nghiệp, y bị bắt tức
khắc và bị thẩm vấn. Đêm hôm đó, tên gián điệp khôn ngoan nhất Đông và Tây Đức giơ
tay đầu hàng và thú nhận, và sau này y cũng nhận tội tại tòa án, y thực sự chỉ phục vụ cho
một bên, cho cơ quan Tình Báo Hải Ngoại Đông Đức. Mặc dù có những chứng liệu của
Karl-Christoph Grossmann từ trong nội bộ của cơ quan chúng tôi, chính quyền Tây Đức
phải mất một năm rưỡi để gom góp những tang chứng kết tội Kuron, vì sinh hoạt điệp
báo của y quá rộng rãi. Cuối cùng năm 1992 y bị kết án 12 năm tù giam tại Rauschied. Y
tỏ ra bất khuất cho đến cùng. Y bình luận về số phần của y: “ So với cuộc đợi đáng
thương của một số người luôn phải nhìn văn phòng ảm đạm của mình suốt ngày, tôi đã
sống được năm cuộc đời”.
Tiedge chạy trốn sang Liên Bang Xô Viết không bao lâu sau ngày thống nhất và sống
trong một tiện nghi đơn sơ, do KGB đỡ đầu trước tiên và sau đó nhiều cơ quan có tên
khác nhưng căn bản vẫn là cơ quan kế nghiệp tương tự. Có lời đồn y vẫn tiếp tục làm
việc cho họ để đánh phá Tây phương, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Sau bao nhiêu
chuyển đổi bất ngờ trong những năm gần đây của lịch sử gián điệp tại Đức, tôi biết nhờ
thông tin với bạn bè trong các cơ quan cũ và mới của Moscow tình báo Nga có cái nhìn
nghi ngại về cơ quan tình báo của cả hai nước Đức. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, họ đi
đến kết luận, mà cho đến này họ vẫn giữ, là không thể nào đoan quyết biết được một điệp
viên Đức làm việc cho phía bên nào.
 (Còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 16 (phần 1) (Markus Wolf)                   
“…Chúng tôi không bao giờ dùng danh từ “gián điệp” cho phía chúng tôi nhưng dành nó
để chỉ định kẻ thù của chúng tôi. Tất cả là tấm lý ngôn ngữ cơ bản, đã thành công trong
việc tạo bầu không khí trong đó các sĩ quan xem mình là người đáng kính và kẻ địch là
người xảo trá…”
Chương 11
Tình Báo và Phản Gián
Nay Chiến Tranh Lạnh đã đi vào lịch sử, người ta dễ dàng kết luận Liên Bang Xô Viết là
một sinh vật ghẻ lở, thiếu phối hợp, thua kém trong nhiều lãnh vực so với địch thủ muôn
đời Hoa Kỳ và chắc chắn thất bại ngay từ lúc phôi thai. Nhưng trong thời gian 40 năm,
xung đột giữa các cường quốc đã chi phối sinh hoạt thế giới, tình thế không đơn giản như
vậy. Trái lại, Tây phương lo ngạiMoscowsẽ thực hiện được lời hứa của Nikita
Khrushchev là bắt kịp và vượt trội các quốc gia tư bản. Chính mối lo ngại này là động cơ
thúc đẩy sinh hoạt điệp báo và tuyên truyền ở một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Hơn thế nữa, suy diễn chính trị của Tây Phương bị những thành tích hào nhoáng của điệp
báo Xô Viết ảnh hưởng sâu đậm. Điệp báo và phản gián của khối Đông Âu hoạt động do
động cơ lo sợ chính sách đè bẹp của Tây phương và mối đe dọa chiến tranh tinh tú của
Reagan. Mỗi bên đều lo sợ phía bên kia chiếm thế thượng phong về mặt chiến lược.
 Với tư cách của một cựu giám đốc của một cơ quan được công nhận là hữu hiệu và năng
lực nhất trong tình báo Cộng sản, tôi ở vị trí then chốt để đánh giá những thành quả và
những thất bại của ngành điệp báo chúng tôi.
 Trong giới tình báo Đông và Tây, tôi mang tiếng là người củaMoscow trong khối Đông
Âu. Điều này vừa Đúng vừa Sai. Nếu người ta nghĩ rằng mỗi sang thứ hai tôi gọi cho
Điện Cẩm Linh hoặc cho KGB để thảo luận về những công tác trong tuần, người ta lầm
to. Nhưng nếu họ có ngụ ý cho rằng tôi có được một mối liên hệ tín nhiệm và tương kính
hỗ tương với một vài khuôn mặt ảnh hưởng nhất của Liên Bang Xô Viết từ những ngày
hậu Stalin cho đến sự sụp đổ của khối Đông Âu, họ có lý. Nhờ tôi thông thạo tiếng Nga
và những cội rễ tôi có tại đây trước đó và trong thời Thế Chiến Thứ 2, tôi ở một vị trí độc
đáo để nhìn với cặp mắt của người bên trong và bên ngoài những tư duy của Liên Bang
Xô Viết và những hoạt động của các cơ quan tình báo của họ trong suốt thời gian chiến
tranh lạnh.
 Cơ quan tình báo Xô Viết đã đạt được những thành tích vẻ vang nhất tại Châu Mỹ và
Châu Âu trước và sau Đệ Nhị Thế Chiến, trong thời gian họ trông cậy vào Đảng Cộng
Sản và giới trí thức của nhiều quốc gia, đặc biệt tại Đức và Anh quốc, và cả Hoa Kỳ. Liên
Bang Xô Viết là đỉnh cao thu hút những người mến mộ vào sinh hoạt tình báo vì lòng
thâm tín. Những điệp viện  được kết nạp vào lúc đó là những thành phần giỏi nhất, cung
cấp cho Liên Bang Xô Viết cơ hội để bắt kịp cuộc chạy đua về vũ khí hạt nhân, và nhiều
người vẫn không bị phát giác, ngay cả sau thời kỳ McCarthy và việc đào thoát của Igor
Gousenko sang Canada năm 1945.
Ngay từ lúc bắt đầu, chúng tôi ở Đông Đức xem nghề tình báo là một nghề đáng kính
trọng. Chúng tôi có khả năng gầy dựng trên kinh nghiêm và những huyền thoại do các
điệp viên nổi tiếng đã làm việc chống Quốc Xã – Richard Sorge và các trợ tá Ruth
Werner, bí danh Sonya, đã từng làm việc tại Trung Hoa, Danzig, Thụy Sĩ và Anh cho Xô
Viết trong thời kỳ chiến tranh, và Max Christansen – Klausen, chuyên viên phát tuyến
của Sorge; Ilse Stöbe, làm điệp báo ngay trong lòng của Bộ Ngoại Giao Hitler; và Haro
Schulze-Boysen, một sĩ quan trong ngành không quân của Goering và là chỉ huy trưởng
của đội Rote Kapelle (Dàn Hòa Tấu Đỏ), trông đó có Arvid và Mildred Harnack, Adam
và Margarethe Kuckhoff. Chính cơ quan của chúng tôi cũng có nhiều đoàn viên kỳ cựu
của phòng trào Cộng Sản thời Third Reich, chẳng hạn như các cấp lãnh đạo đầu tiên của
tôi Wilhelm Zaisser, Richar Stahlmann, Robert Korb và Ernst Wollweber. Cá nhân tôi
say mê những chuyện về họ và thấy cần phải giới thiệu họ cho các thí sinh mới vào, xem
họ là gương mẫu trong vai trò của một nghệ sĩ điệp viên dưới chế độ vững chắc của xã
hội chủ nghĩa. Chúng tôi có một danh từ khá kiêu hãnh cho tất cả việc này:
Traditionspflege, hay là bảo tồn truyền thống. Một phần trong sự khác biệt giữa quan
điểm Đông và Tây để điều khiển một cơ quan tình báo thể hiện rõ, theo tôi nghĩ, trong
ngôn ngữ chúng tôi dùng để tự mô tả. Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA và cơ quan
tương xứng Tây Đức BND, ấn định cấp bậc trên sinh hoạt dân sự, trong khi đó chúng tôi
theo truyền thống của Xô Viết đặt phẩm trật dựa theo quân đội; Bộ Trưởng Bộ An Ninh
có cấp bậc Tướng bốn sao và từ đó đi xuống. Chúng tôi có cả bài hát chiến trận và đoàn
ca của bộ xướng lên lời thề trung thành với Lý Tưởng. Tôi dịch một trong những bài hát
từ tiếng Nga tặng cho những điệp viên làm việc trên lãnh thổ ngoại quốc. Nó khởi sự
bằng những câu:
Cơ Quan của chúng ta là ánh sáng
 Tên phải giữ bí mật
 Thành quả của chúng ta kín đáo,
 Luôn luôn trong tầm ngắm của địch.
Có một bài hợp xướng nâng cao khí thế các chiến sĩ trong mặt trận vô hình, một câu gây
xúc động trích từ lời của các Chekist, nhân viên mật thám đầu tiên của Lênin. Chúng tôi
không bao giờ tự gắn cho chúng tôi cái tên gián điệp nhưng là Kundschafter, một người
tốt, một danh từ của người Đức theo Luther có nghĩa là người cung cấp tin tức. Chúng tôi
không bao giờ dùng danh từ “gián điệp” cho phía chúng tôi nhưng dành nó để chỉ định kẻ
thù của chúng tôi. Tất cả đây là tấm lý ngôn ngữ cơ bản, nhưng đã thành công trong việc
tạo bầu không khí trong đó các sĩ quan một cách tự nhiên xem mình là người đáng kính
và kẻ địch là người xảo trá.
 Tôi phải lưu ý khiá cạnh quân đội chỉ là thứ yếu so với khiá cạnh ý thức hệ, nhưng Tây
Âu không đi sâu vào việc xây dựng những huyền thoại. Theo như tôi biết những cơ quan
tình báo như CIA, MI6 của Anh và phần lớn các cơ quan khác của Tây Âu đều có chung
một nhãn quan ảm đạm về nghề nghiệp và cá nhân mình. Tôi không muốn nói là họ
không chuyên nghiệp – còn lâu tôi mới có ý như vậy – nhưng họ được khuyến khích để
họ không tự hào là hấp dẫn hoặc có gì đăc biệt mà họ chỉ là những con ong thợ, thu thập
tin tức để cho những đầu óc cao kiến khác quyết định. Có lẽ chúng tôi đã đi quá xa trong
chiều hướng đối nghịch bằng cách đưa cơ cấu quân đội và mức độ nghiêm chỉnh cao về
tác phong cá nhân và tình thần đạo đức vào tổ chức. Nhưng nó tạo một nên tinh thần gắn
bó mãnh liệt, căn bản hỗ trợ cho lòng trung thành; nếu không có lòng trung thành không
có một cơ quan tình báo nào có thể vận hành được.
 Tôi tin chắc ít ai trở thành một kẻ phản bội chỉ vì tiền mà thôi. Cơ quan CIA luôn có
khuynh hướng dùng tiền để kết nạp đối tượng, và KGB cũng không ngần gại làm việc
tương tự. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, KGB không thể nào kết nạp đủ điệp viên có lòng thâm tín
và họ phải dùng đến tiền. Trong những năm cuối, những thành quả lớn nhất của họ, cao
điểm là vụ Aldrich Ames, là những người gia nhập vì tiền, không phải là những điệp viên
kết nạp qua một kế hoạch xâm nhập một định chế, một phương thức cơ quan chúng tôi
thường dùng lúc đầu trong thời đối tượng điệp viên tiềm năng còn là sinh viên.
 Đối với những điệp viên như Klaus Kuron trong cơ quan phản gián Tây Đức, lẽ cố nhiên
chúng tôi chi tiền đầy đủ, nhưng đây là điều ngoại lệ chứ không phải là nguyên tắc thông
thường. Các cán bộ kết nạp Xô Viết khôn ngoan hơn nhận biết trong lúc tìm những điệp
viên tiềm năng ở phương Tây, họ phải ghi nhớ là luôn có những yếu tố khác đan chen
vào. Một trong những yếu tố này là điều mà tôi gọi là sự hấp dẫn tình dục của Đông Âu.
Ở đây tôi không ám chỉ các cô gái mãi dâm và các phim video mát mẻ đôi khi được cung
cấp để giúp các vị khách giải trí qua giờ, nhưng là lòng hăm hở của các vị khách cảm
thấy được đón tiếp và ăn mừng ở phiá bên kia Bức Màn Sắt. Lâu lâu chúng tôi tổ chức
những cuộc thăm viếng vô tích sự nước Đông Đức hoặc ngay cả Liên Bang Xô Viết cho
những người chúng tôi chọn kết nạp, bởi vì những cảnh tượng không quen thuộc (lẽ cố
nhiện chúng tôi đã chọn lựa kỹ), có khuynh hướng làm mủi lòng những người Tây Âu dễ
ám thị.
 Tôi có lần dùng đến phương pháp này để kết nạp một đảng viên cao cấp của Đảng Dân
Chủ Xã Hội Tây Đức có mã danh là Julius. Đương sự là chủ nhiệm của một tờ báo địa
phương và là một người có địa vị tương đối cao, có nhiều mối liên lạc, trong số đó có
Willy Brandt và những khuôn mặt lãnh đạo khác của đảng ông. Đương lúc tôi nghỉ hè
trên một chiếc tàu đi câu cá trên sông Volga, đồng thời lúc đó đương sự được mời đi một
vòng thăm viếng trạm máy phát điện Xô Viết và tham quan Stalingrad, nằm trên sông
Volga. Biết được tính đương sự thích phiêu lưu, tôi mời Julius lên một chiếc thuyền đi
sông, và chúng tôi xuống thuyền và thăm viếng một ngôi nhà nhỏ của công nhân và ăn
cháo cá. Bầu không khí lúc đó chan hòa trong tình hữu nghĩ và lòng hiếu khách. Tôi làm
thông dịch viên trong khi đó Julius hỏi về đời sông, gia đình và trận chiến Stalingrad –
người này là một trong những người chiến đấu bảo vệ Stalingrad – và nói về tình hình
chính trị và kinh tế. Anh công nhân chỉ trích chính quyềnMoscow và chúng tôi thảo luận
về những thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tính cách thẳng thắn này gây ấn tượng
nơi Julius. Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm một biệt thư đăng được chuẩn bị để đón tiếp
Tổng Thống Eisenhower, nhưng ông không bao giờ đến. Tôi ký tên trong sổ lưu niệm với
toàn bộ danh vị của tôi Trung Tướng Markus Wolf, điều này khiến cho Julius cảm thấy
bất an vì tên của ông ta nằm cạnh tên tôi.
 Nhưng một chuyến nghỉ hè nhỏ sâu trong lòng đất địch đã giúp đương sự vứt bỏ mối lo
sợ vì đã giúp Liên Bang Xô Viết gìn giữ hòa bình thế giới, như chúng tôi kêu gọi. Nó
cũng gây cho đương sự những cảm giác khoái trá vượt qua cấm kị. Đương sự trở thành
nguồn tin chính trị trong đảng của y, và do đó chúng tôi tài trợ để giúp văn phòng riêng
của ông, một loại quỹ đen không lạ gì với các nền dân chủ phương Tây.
 Tôi thường nói với các đồng nghiệp Nga: “Các anh không dùng vũ khí tối hảo của các
anh. Các anh cho họ xem nhà máy phát điện, nhưng không cho xem người. Những người
này có thể sinh sống trong những căn nhà nghèo nàn, nhưng nó đánh động người ngoại
quốc hơn bất cứ điều gì khác”.
 Chúng tôi rập theo kiểu mẫu tình báo Xô Viết và trong những ngày đầu họ là thầy dạy
chúng tôi về tình báo hải ngoại. Khởi sự vào thập niên 1950 chúng tôi qua Moscow để
gặp các giám đốc tình báo hải ngoại trong Tổng Cục 1 và để được giám đốc KGB chỉ dẫn
chi tiết. Khi trở về nước chúng tôi không còn hoài nghi gì về những vị chủ nhân, họ xem
chúng tôi như những con chốt nằm ngoài biên cương của một đế quốc hãnh tiến.
 Việc học tập của chúng tôi diễn ra trong căn phòng khách tại Kolpachny Pereulok, trước
đây thuộc về Viktor Abakumov, kẻ hung ác đứng đầu hệ thống khủng bố SMERSH tác
giả những vụ thủ tiêu các kẻ thù giả và thật của Stalin thời Đệ Nhị Thế Chiến. Abakumov
bị bắn sau khi Lavrenti Beria chết năm 1953.
 Được xây cất theo kiểu hùng vĩ tiền Cách Mạng, tòa nhà ba tầng có nhiều phòng, một
cầu thang máy, lò sưởi ấm, và một phòng tắm lớn lót gạch cẩm thạch và một bồn tắm cũ
lớn.Tủ đựng bát đĩa trong phòng ăn chứa đầy bộ xứ và ly pha lê, và có một bàn ăn hình
trái xoan trên đó có đèn treo thấp; chúng tôi ngồi ở đó để bàn về chính sự thế giới với các
chủ nhân. Cửa sổ có treo những tấm màn dày. Nhà này có một tủ sách quý giá gồm
những tác phẩm cổ điển Nga (ít khi dùng đến), một phòng bi-da, một phòng chiếu phim;
tòa nhà được xem như một vật kỳ diệu ngay cả đối với các viên chức cao cấp của KGB vì
họ yêu thích sự pha trộn sở thích trưởng giả cổ với xa xỉ tầm thường của kẻ mới giàu.
Người ta được biết Abakumov đã đích thân tra tấn các tù nhân và bắt chước thói của
Beria bắt cóc những cô gái xin đẹp ở ngoài đường phố, đem họ về nhà rồi hiếp. Bao
nhiêu cảnh kinh hoàng đã xảy ra trong những căn phòng này, nơi mà chúng tôi đương
giải trí hoang toàng? Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, phòng thông tin của Cơ Quan
Tình Báo Nga được đặt tại đây.
 Viktor Semyonovivh Abakumov
Mielke thích được các bạn Xô Viết chiều chuộng trong khung cảng hùng vĩ trong khi đó
tôi thích du ngoạn thành phố hơn là vào ở các ngôi dacha ấm cúng tận rừng sâu, khiến tôi
nhớ lại thời thơ ấu. Mielke chưa hề thoát khỏi nỗi bất an của kẻ mang gốc gác thợ thuyền.
Y muốn tôi ngủ cùng phòng với y vì y cảm thấy cô đơn – hoặc có thể y sợ cảnh giới xung
quanh. Về đêm, ông bạn đồng hành của tôi ngáy to như sấm, báo hiệu cho một tuần lệ
không lấy gì làm thoải mái.
 Sau năm 1953, mối quan hệ với KGB bị tắc nghẹn do những xáo trộn trong nội bộ cấp
lãnh đạo Xô Viết sau cái chết của Stalin và việc hành quyết tên đao phủ thủ của ông,
Lavrenti Beria.
Sergei  Kruglov, kế vị Beria, được Ivan Serov thay thế và Serov có nhiệm vụ thiết lập cơ
cấu tình báo Xô Viết tại Đông Đức:  Văn phòng đồ sộ KGB tại Bá Linh, việc cài đặt tất
cả những đại diện của KGB trên tất cả các quận của Cộng Hòa Liên Bang Đức, và thiết
lập Cục Quân Báo to lớn tại Postdam. Serov chủ trương để cho CHDCĐ tự quản lý độc
lập tình báo và phản gián của mình. Tôi gặp ông lần đầu trong một hội nghị của các đại
diện cơ quan tình báo khối Đông Âu vào tháng Ba năm 1955. Ông luôn mặc quân phục,
ngay cả ở bề ngoài và trong tư tưởng và diễn văn của ông, ông luôn yêu cầu tất cả mọi
người dồn mọi nỗ lực để đánh kẻ thù chung là Hoa Kỳ. Người anh đỡ đầu Xô Viết của tôi
là Alexander Panyushkin, cựu đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn và sau này là người trách nhiệm
liên lạc các viên chức ngoại quốc của Trung Ương Đảng.
 Có một lần tôi đi một vòng xe ngựa qua khu rừng săn bắn dành riêng cho Bộ Công An
tại Wolletz, cách Bá Linh 40 dặm, cùng với Serov và sĩ quan thường trú KGB tại Bá
Linh, Aleksandr Korotkov. Korotkov đã hoạt động trước thời chiến với bí danh «
Erdmann », người điều khiển Dàn Hòa Tấu Đỏ tại Bá Linh. Họ trò chuyện với nhau hồi
tưởng lại thời đồng chí chiến đấu dẹp tan cuộc nổi loạn tại Hungary. Nghe họ nói chuyện,
tôi có cảm tưởng rất nhiều cấp tướng của KGB đã tham dự vào cuộc đàn áp này.
 Serov được Aleksandr Shelepin thay thế và Shelepin chỉ tại vị được ba năm cực nhọc
(vào thời gian này, đương sự đã tán đồng việc ám sát lãnh tụ khuynh hướng quốc gia
Ukraine Stepan Bandera tại Munich và đích thân gắn huy chương cho điệp viên đã thi
hành việc này). Là một con người cao ngạo và nhiều tham vọng, Shelepin đã bị khai trừ
vì đã ủng hộ một cuộc đảo chánh bất thành nhằm lật đổ Khrushchev năm 1961 và được
Vladimir Semichastny thay thế. Đương sự là một người dễ mến và thân thiện, đức tính
trông mong của một người đã từng lãnh đạo Komsomol, cánh thanh niên của Đảng.
Mặc dù hiền từ, Semichastny có đầu óc bén nhạy, một người lý tưởng cộng sản cao đã
bước nhanh chóng lên những cấp bậc của cơ quan KGB và khôn khéo uốn theo chiều gió
khi Krushchev bị hạ bệ năm 1964 và Leonid Brejnev lên thay thế. Semichastny luôn bị
ám ảnh lo sợ hệ thống tư tưởng cộng sản bị ô nhiễm ngay trong nội bộ các văn nghệ sĩ
của Xô Viết; ông là người đã tổ chức việc tố khổ Boris Pasternak với tiểu thuyết Dr.
Zhivago. Ông không chú ý đến tình báo hải ngoại, ông giao việc này cho Aleksandr
Sakharovsky và Sakharovsky được nhiều người trong đội ngũ kính trọng cũng như bản
thân tôi kính trọng ông. Sakharovsky đối xử với tôi như một người con, chiếu theo tuổi
tác.
 Tôi cố gắng tách rời cơ quan tình báo hải ngoại của chúng tôi với những “thái quá công
tác” của các cơ quan điệp báo ở Đông Âu; họ cũng trông theo KGB để được hướng dẫn.
Mặc dù những hình ảnh rập khuôn vẫn được các phim ảnh và tiểu thuyết gián điệp đề cập
đến, bạo lực thân xác là một ngoại lệ chứ không phải là một quy luật. Tôi không nghĩ hai
bên có ý định ám sát đối thủ và phần lớn những người bị giết là vì tai nạn sau khi đã nhận
được một liều thuốc gây mê quá mạnh, thường xảy ra trong những vụ bắt cóc. Những vụ
chết như vậy đã được phương Tây khai thác để trơ trẽn tuyên truyền, những trang thời sự
trắng đen của thập niên 1950; quả thật như vậy, chúng tôi thường thấy những cái chết đó
trên báo chí phương Tây vì họ không có những loại sự cố như vậy để huyênh hoang tự
phụ.
 Điều này không có nghĩa là chúng tôi đôi lúc không mạnh bạo trong phương pháp của
chúng tôi. Cơ quan tình báo hải ngoại, vì được hòa nhập vào Bộ Công An vào giữa thấp
niên 50 và chiếu theo kiểu mẫu Xô Viết, dính liền với phản gián qua nhiều đường dây. Ví
dụ, nếu Cục 20 của Bộ Công An, trách nhiệm về văn hóa, chú ý đến một “phần từ phản
động – tiêu cực” – dùng theo ngôn ngữ phản gián – và nếu chúng tôi thấy tên của người
láng giêng người này nằm trong hồ sơ của tình báo hải ngoại HVA, anh ta hoặc cô ta
được dùng để thông tin và báo cáo về người này, bao lâu điều kiện an ninh cho phép.
Cụm từ mập mờ “phản động – tiêu cực” được áp đặt lên bất cứ cá nhân chống đối, bất
đồng, hoặc bất đồng phần nào với chính sách của cấp lãnh đạo. Đây là một trong những
dụng cụ tồi tàn nhất của Stasi để bắt bớ. Nếu cơ quan tình báo hải ngoại HVA nhận được
thông tin về những sinh hoạt và đường dây liên lạc của các văn sĩ Đông Đức sống ở ngoại
quốc, thông tin này được cung cấp cho cơ quan phản gián. Về phần chúng tôi, chúng tôi
nhận được từ cơ quan phản gián những thông tin về những mối liên lạc của công dân
Đông Đức với Tây Đức.
 Những trao đổi thông tin như vậy là thủ tục thông thường trong khối Đông Âu, cũng như
Tây Âu. Có một vài người cho rằng việc cơ quan tình báo hải ngoại cộng tác với cục
phản gián của Bộ Công An biến tôi thành công cụ giám sát và đàn áp công dân Đông
Đức của Bộ. Tôi không dám nói là không liên quan gì đến những vụ đàn áp, nhưng sự
phân cách tương đối nghiêm ngặt trong Bộ có nghĩa là cơ quan của tôi rõ rệt không dính
líu gì đến những sinh hoạt phản gián nội bộ. Cơ quan HVA luôn luôn là cơ quan tình báo
hải ngoại, và mặc dù chúng tôi hợp tác trên phương diện hành chánh với cơ quan phản
gián, bản thân chúng tôi chưa hề tổ chức những vụ bắt bớ hoặc kết án nào cả. Tuy nhiên,
chúng tôi biết rõ những gì đang xảy ra và những phương pháp hung bạo của phản gián.
Vào những thời gián cuối trong sự hợp tác giữa cơ quan HVA và cục phản gián của Bộ
Công An, việc dùng bạo lực là một ngoại lệ chứ không phải nguyên tắc, không có sĩ quan
nào ra lệnh hoặc tán thành việc này. Tuy nhiên đã có những biện pháp đem ra áp dụng để
phá vỡ và ham dọa những nhóm đối lập và hậu quả tâm lý có lẽ cuối cùng gây thiệt hại
hơn bất cứ một cuộc tra tấn thể xác nào.
 Những phương pháp như vậy, khó hình dung về chiều sâu và có tính chất tinh vi bỉ ổi,
được dùng để đánh phá khoa học gia Robert Havemann. Là một đảng viên Cộng Sản kiên
cường đã bị kết án tử hình thời Hitler và được quân đội Xô Viết giải thoát từ cùng một tù
với Erich Honecker, Havemann, vào cuối thập niên 1960, chỉ trích công khai đường lối
lãnh đạo của Cộng Hòa Dân Chủ Đức và yêu cầu cải cách dân chủ hệ thống chính trị trì
trệ của chúng tôi. Ngôi nhà nhỏ của ông tại Grünheide, gần Bá Linh, bị bủa vây và phong
tỏa giống như căn cứ địa của kẻ thù. Tất cả thân nhân trong gia đình, mọi vị khách đến
thăm đều bị giám sát bởi các điềm chỉ viên, những người này bao bủa mọi sinh hoạt của
họ, và những lời vu cáo được tung ra để bôi nhọ các bà vợ, kể cả những câu chuyện bịa
đặt về những mối tình vụng trộm. Một cựu nhân viên trong cơ quan của tôi tên là Knut
Wallenberger được cài vào nhóm đòi hỏi dân chủ của Havemann để gây áp lực và
khuynh đảo họ.
 Robert Havemann, 1960
Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng một cách có hệ thống cho thi sĩ và ca sĩ
Wolf  Biermann, một người bạn của Havemann và cũng là thành viên của nhóm dân chủ
của ông. Sau khi đi trình diễn một vòng Tây Đức, ông không được phép trở về CHDCĐ
và bị tước một cách bất hợp pháp quyền công dân của mình.
Karl Winkler, một thi sĩ trẻ và cũng là một ca sĩ mến mộ Havermann và Biermann, bị bắt
với những tội danh giả tạo “công khai gièm pha” năm 1979 và bị đày sang Tây Đức sau
một phiên tòa kết tội anh. Anh cho phát hành một quyển sách mô tả cách tra tấn tâm lý
trong lý ở tù; chúng tôi làm quen với nhau – có lẽ làm bạn với nhau – sau năm 1989, khi
tôi xuất hiện trong một cuộc tụ tập tại Alexanderplatz để đòi hỏi cải cách. Anh đến ủng
hộ tôi trong thời gian tôi ra tòa vào hè năm 1993. Năm sau, Winkler bị chết đuối ở biển
Địa Trung Hải và cho tới nay không ai biết rõ trong trường hợp nào.
Tất cả mọi nhà tù phá hủy nhân cách con người, nhưng một phần lớn tùy thuộc người
điểu tra sơ khởi và bản chất của cai ngục sau khi phiên tòa kết thúc. Tôi được các nhân
viên của tôi cho biết về cách tra tấn tâm lý dùng biệt giam, những ai đã phải chịu cách
hành hạ này trong các nhà tù phương Tây. Tôi chưa bao giờ thấy nhà tù Đông Đức,
nhưng tình trạng tại đây thông thường chắc chắn là tồi tệ. Những lời tường thuật của
Winkler về 13 tháng tra vấn và giam giữ của bản thân anh trước khi bị tống xuất là một
minh chứng ngột ngạt về việc coi thường nhân cách của tù binh, một kinh nghiêm mà tất
cả các tù binh đều chia sẻ. Sau này anh tổ chức những chương trình viếng thăm Bộ Công
An và nhà tù của bộ, và hai chúng tôi hiểu nhau và quý mên những ưu tư của nhau.
 Nghe được những trải nghiệm của Winkler, một lần nữa tôi cảm thấy xấu hổ vì mặt trái
đen tối của cái Bộ mà tôi đã từng giữ chức vụ cao cấp bấy lâu nay. Tôi cũng không có
cảm giác khác khi tôi gặp Walter Janka, một đảng viên Cộng Sản kỳ cựu và là bạn đồng
hành của cha tôi. Ông kể cho tôi nghe việc ông bị truy tố và giam giữ sau biến cổ nổi dậy
năm 1956, sau đó ông bị giam vào nhà tù nổi tiếng Bautzen. Tháng 12 năm 1989, Janka
và tôi chủ tọa Đại Hội Đảng và cố gắng muốn biến Đảng Đoàn Kết Xã Hội thành một
đảng dân chủ xã hội. Tôi giúp soạn thảo một bản tường trình về những tội ác của chủ
thuyết Stalin và quá khứ của chúng tôi, ngỏ lời xin lỗi với nhân dân CHDCĐ. Những năm
sau đó, tôi và người kế vị Werner Grossmann luôn nhắc nhở cơ quan chúng tôi không thể
trốn trách nhiệm và những vụ đàn áp nội bộ, và chúng tôi xin được thứ lỗi.
 Việc cơ quan công an nhà nước dùng võ lực để đối phó với các công dân bất đồng chính
kiến, hoặc những ai tìm cách rời bỏ quê hương mà mình không còn mến yêu không khác
gì việc chà đạp lên lý tưởng của các vị sáng lập nên chủ nghiã cộng sản. Do đó, cơ hội để
cải cách đã bị bỏ lỡ, và trách nhiệm và tội lỗi của chúng tôi do khiếm khuyết vẫn còn là
một gánh nặng ray rứt cho đến ngày nay.
 Tôi tuyệt đối chống những hành vi bạo lực khủng bố tinh thần và xâm hại đến tâm lý,
nhưng điều này lại không được áp dụng cho những cơ quan “bạn”. Một hôm, tôi nhận
một cú điện thoại của giám đốc trưởng phòng tình báo Bulgari tại Bá Linh yêu cầu chúng
tôi phái đến một bác sĩ đáng tin cậy để giữ bí mật để giúp họ trong một  “vụ khó khăn”.
Khi được gạn hỏi y chỉ trả lời “Chúng tôi đang chuyên chở hàng hóa nhưng e rằng nó hư
hỏng rồi”.
 Không bao lâu tôi được biết là nhóm Bulgari đã đánh thuốc một người mà họ đã “bắt
cóc” và không cân nhắc liều thuốc. Một bác sĩ đáng tin cậy có mối dây liên lạc với cơ
quan tình báo có nghĩa là đương sự không dễ gì bị chấn động. Vào khoảng một giờ sau
đến tòa Đại Sứ Bulgari, anh ấy điện thoại cho tôi. “Quá muộn”, “Bọn điên này cho anh
kia một liều mạnh có thể giết một con ngựa. Họ trói và đem nhốt người này trong thùng
xe. Không có không khí, lại chích cho y một liều thuốc cực mạnh. Một hỗn hợp với kết
quả dễ tiên đoán”.
 Anh nhân viên tình báo Bulgari điện thoại trở lại, lần này giọng nói run rẩy. Vì đã vô ý
giết một kẻ đào tẩu, có thể là họ đã bắt cóc người này ở Tây Đức để đem về Sofia để tra
khảo, đầu của anh Bulgari hiện nay bị đặt trên thớt.
 “Có thể nào chúng tôi để lại món hàng cho quý vị được không?”, anh ta nan nỉ. Tôi trả
lời “Chắc chắn là không được “.
 Chúng tôi đôi co một lúc và cuối cùng trình việc này lên Mielke. Mielke quyết định thi
thể này thuộc thẩm quyền của Bulgari. Chúng tôi sua đuổi chiếc tàu chở hàng buồn bã
này lên đường trước khi cái xác kia khô cứng lại.
 Hình như tôi khó lòng thuyết phục người khác là tôi không dùng những phương pháp
này. Tuy nhiên, những giải thích và phương pháp làm việc của chúng tôi trong những
trường hợp đã được trình bày trong quyển sách này cho những người tin hoặc chỉ muốn
tin rằng James Bond là con người thật thấy rằng chúng tôi không cần chơi trò “bẩn thỉu”
và thuốc ngủ để điều khiển một cơ quan tình báo hữu hiệu.
 Nhưng tôi vẫn biết, ngay cả sau khi Stalin đã chết, các ông Xô Viết vẫn còn một ban tiếp
tục khai triển phương pháp thủ tiêu kẻ thù của mình một cách quái gở. Ngay trong nội bộ
KGB sự hiện hữu của ban này là một bí mật được giữ thật kín. Ngoài việc ám sát
Bandera với viên đạn tẩm độc, KGB còn ám sát người đào tẩu Truchnovich, người đứng
đầu tổ chức xuất ngoại Nga trong Liên Đoàn Công Nhân, tại Bá Linh, khi họ tìm cách bắt
cóc ông. Một nhân viên KGB được phái đi khắp khối Đông Âu tìm khách mua những loại
hàng như độc tố thần kinh bất khả phát hiện và thuốc độc ngoại da để đổ lên núm cửa.
Món hàng duy nhất tôi nhận của hắn là một túi “thuốc sự thật”, mà y khoe là “vô địch”
với lòng hón hở của một anh chào hàng tư gia. Mấy năm nay nó vẫn nằm trong tủ kín của
tôi. Một hôm vì tò mò, tôi nhờ một bác sĩ đã được cẩn thận chọn lọc đem chất này đi
phân tích. Ông ta trở lại lắc đầu kinh hãi: “Dùng những thứ này mà không có y sĩ theo dõi
có nhiều cơ may là người ông muốn khai thác sự thật sẽ lăn đùng ra chết trong khoảnh
khắc”. Chúng tôi không bao giờ dùng “thuốc sự thật”.
 Nhưng cái chết luôn luôn là một rủi ro bất kể quý vị ở phía bên nào. Giá phải trả của một
người bị phát hiện phản trác lúc mới bắt đầu Chiến Tranh lạnh thường là hành quyết sau
khi bị xét xử. Nạn nhân đầu tiên tôi nghe nói đến là một phụ nữ tên Elli Barczatis, thư ký
của Thủ Tướng Đông Đức Otto Grotewohl.
Grotewohl đã từng là đảng viên Dân Chủ Xã Hội trước khi đảng SPD và nhóm Cộng Sản
xuất hiện ở Đông Đức năm 1948, và các đồng nghiệp SPD cũ ở Tây Đức vẫn hy vọng
ông rời bỏ nhóm Xô Viết và tách rời ra khỏi đảng lãnh đạo Đông Đức. Tây Đức bám sát
ông rất kỹ, nhưng vì ông tỏ ra lãnh đạm, họ chuyển sang cô thư ký của ông. Cô Barczatis
bị một nhân viên tình báo Tây Đức dẫn dụ và, sau này được biệt trong lúc thẩm vấn, được
biết cô có bí danh là “Daisy”. Theo sự hiểu biết của tôi, đây là lần đầu tiên sau Đệ Nhị
Thế Chiến phương pháp Romeo được cả các cơ quan tình báo của cả hai phía dùng để
dẫn dụ một người thân cận với một khuôn mặt chính trị hợp tác với kẻ thù.
 Số phận của Barczatis trở nên hẩm hiu vì trường hợp của cô xuất hiện trước công chúng
ngay sau khi Julius và Ethel Rosenberg bị xử tử vì tội gián điệp, tiết lộ tài liệu nguyên tử
của Hoa Kỳ. Trò chơi trong nghề gián điệp, cũng như trong nhiều phương diện khác của
Chiến Tranh Lạnh, là sòng phẳng. Cô bị kết án tử hình và bị chém đầu tại Frankfurt-an-
der-Oder ở biên giới Ba-Lan.
 5/4/1951, vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg
Trong bầu không khí chính trị này, tôi không thể nào không biết ngay từ lúc đầu chò trơi
này đã trở nên gay go. Tôi không dám nói là tôi không biết những hung bạo của cuộc
sống trong nước chúng tôi; những vụ bắt bớ tùy tiện và những mối lo sợ xâm chiếm các
cấp chỉ huy Cộng Sản trong thập niên 1950 cảnh báo cho tôi biết không ai có thể tránh
những tội quy phản bội.
 Tình hình thay đổi hoàn toàn và có chiều hướng tốt hơn khi Andropov làm giám đốc
KGB năm 1967. Cuối cùng đây là khuôn mặt tôi ngưỡng mộ, không kiểu cách và không
can dự vào những mưu chước nhỏ nhen mà các vị tiền nhiệm mắc phải. Ông không có
thái độ hống hách của phần đông các viên chức Xô Viết vì họ thường tự cho mình là một
đế quốc lớn bất khả xâm phạm. Khôn ngoan hơn tất cả mọi nhân vật lãnh đạo ởMoscow,
ông nhận biết việc can thiệp quân sự vào Hungari năm 1956 và sau này vào
Czechosloavkia năm 1968 là một chỉ dấu yếu kém hơn là sức mạnh. Ông không muốn
những biến cố như vậy tái diễn lại. Andropov nổi bật hơn các bậc tiền nhiệm và các
người kế nhiệm nhờ những đức tính chính trị và nhân bản của mình. Viễn kiến của ông
vượt xa những người này. Ông hiểu những khía cạnh chính trong chính sách nội bộ và
ngoại giao, những vấn đề ý thức hệ và lý thuyết, nhu cầu phải thay đổi và cải cách cơ
bản, nhưng ông cũng nhận biết những rủi ro và những hệ lụy.
 Lần đầu tiên tôi gặp gỡ Yuri Andropov và nói chuyện sâu sát với ông là vào năm 1968,
không bao lâu sau khi quân đội Nga dẹp tan mùa Xuân Praha. Ông đã thu xếp để viếng
thăm Đông Đức mùa hè năm đó, nhưng cuộc viếng thăm đã được dời lại vì những biến
chuyển ở Prague. Trời đã sang Thu khi ông đến gặp chúng tôi và chúng tôi vẫn còn bàng
hoàng vì những gì đã xảy ra và do dự không biết phải nói năng như thế nào cho thích
hợp. Trong tất cả những buổi tiếp tân của nhà nước tôi đã tham dự, buổi tiếp tân này để
lại ấn tượng trong lòng tôi. Chúng tôi ăn tại một trong những tòa nhà của Bộ ở phía Bắc
quận Pankow vùng Đông Bá Linh. ( Trong những năm đầu, cấp lãnh đạo Đông Đức tất cả
sống tại đây trong một phạm vi chật hẹp, san sắt bên nhau, sau đó vì vấn đề an ninh họ
phải di chuyển ra khỏi thành phố để đến ở khu dinh thự Wandlitz vào thập niên 1950.)
 Nhà tiếp khách ở Pankow là một biệt thự, đã được lựa chọn với con mắt ngoại giao,
trang bị đầy đủ và sang trọng vừa đủ để bày tỏ sự kính trọng đối với các vị quan khách
mà không quá lộng lẫy vượt lên trên những trình diễn trong phầm ẩm thực mà các bạn Xô
Viết dành cho chúng tôi. Những vị khách phía bên Đức là Erich Mielke, mười một sĩ
quan cao cấp của Bộ Công An và tôi. Không khí buổi tiếp tân đêm đó thật là thoải mái,
một cách để tỏ lòng tôn kính đối với Andropov trong những thay đổi ông đã đem lại cho
tổ chức. Nỗi lo sợ canh cánh – hiện diện trong thập niên 1950, mười năm đã qua mặc dù
Khrushchev đã giảm thiểu sự căng thẳng nhưng vẫn còn dấu ấn của Stalin – đã tan biến.
Andropov giữ phong cách và, không như nhiều người đồng hương của ông, vẫn còn văn
minh sau một vài chung. Quý vị có thể thấy mọi người đều thở phào nhẹ nhóm. Đây là
một cuộc họp mặt chỉ toàn là đàn ông. Ngay cả những người chiêu đãi cũng là đàn ông
được lựa chọn từ danh sách đặc biệt những người chiêu đãi đáng tin cậy nhất trong Bộ.
 Câu chuyện xoay qua tình hình củaCzechoslovakia, mà tôi tiên đoán thể nào cũng được
nói đến. Mielke suốt đời luôn bị ám ảnh vì nhóm Dân Chủ Xã Hội Đức mà ông trách cứ
là “chệch hướng ý thức hệ” trong phong trào chủ nghĩa xã hội. Ông thấy buổi cơm tối này
là một cơ hội để xả xú-báp và gây ấn tượng với vị khách của chúng tôi, bày tỏ tinh thần
đoàn kết với Liên Bang Xô Viết trong quyết tâm dập tan phong trào cải cách tại Prague.
Ông đứng dạy và nói về nhu cầu ngăn chặn “đà suy thoái” do ảnh hưởng của nhóm dân
chủ xã hội, lúc đó đang ngự trị trong giới cải cách tại Prague.
 Mọi người gật gù tán thành. Sau đó Andropov nói: “Đây chưa phải là toàn bộ vấn đề”,
ông nói, một cách thiện cảm nhưng cứng rắn. “Chúng ta có hai lựa chọn: can thiệp quân
sự, việc này sẽ làm hoen ố thanh danh chúng ta, hoặc là để Czechoslovakia tự chọn con
đường của mình, với tất cả những hậu quả sau này cho Đông Âu. Đây là một lựa chọn
không có gì lý thú”.
 Andropov cầm ly lên và uống một ngụm nước lạnh, cả bàn đều im lặng, tất cả mọi người
đều chú ý nhìn ông.
 “Chúng ta phải nhìn vào tình thế của mỗi một nước và xem xét những căng thẳng và
nguyên do của những giằng co từ đâu ra. Chính quyền (Cộng Sản) mới sẽ gặp rất nhiều
khó khăn tại Czechoslovakia. Còn về phần các nhóm Dân Chủ Xã Hội, tôi nghĩ chúng ta
phải cẩn thận xem xét mối liên hệ của chúng ta đối với họ và ở các nơi khác họ có một
tầm vóc nào không”.
 Những điều cấm kỵ vừa mới được vứt bỏ làm cho mọi người nín thơ. Để khởi đầu, ông
gạt sang một bên những phân tích có tính cách giáo điều ý thích hệ về việc can thiệp thay
thế vào đó việc xét nghiệm những vấn đề nội bộ của một nước. Lời bình luận của
Andropov còn có ngụ ý là các đảng viên Cộng SảnCzechoslovakia đã chậm chạp không
nhận ra quy mô rộng lớn của sự phản đối và công việc cần phải làm để cải thiện tình
hình. Ưu tư của Andropov về số phần của giới lãnh đạo mới trực tiếp đi ngược lại với
đường hướng chính thức, vẫn cho rằng đám đông quần chúng tuân thủ luật pháp cảm thấy
sung sướng thấy trật tự đã trở lại và đảng Cộng Sản đã nắm vững trở lại quyền hành. Và
những lời bàn sau đó của ông, cổ võ những mối liên hệ với tất cả khối Dân Chủ Xã Hội,
chỉ trích thoáng nhẹ mối hận thù thâm căn giữa cấp lãnh đạo Đông Đức và cánh đảng tả
lớn mạnh nhất của Tây Đức. Người ta cũng tiên đoán điều này, vì năm kế tiếp đó, nhóm
Dân Chủ Xã Hội Tây Đức phát động phong trào Ostpolitik để tìm hiểu Đông Đức rõ hơn.
Ông Andropov gây ấn tượng nơi tôi vì ông đã mạnh dạn xác định được vai trò chúng tôi
đang mong đợi nơi ông và qua lối nói chuyện thẳng thắn tại một diễn đàn thông thường
chỉ là lời nịnh bợ và giáo điều. Hứng khởi vì thái độ của ông, chúng tôi rót thêm rượu vào
ly.
 Dịp này cũng không ngăn cấm Mielke tiếp tục tuyên bố những lời lẽ thái quá. Cho đến
mãi thập niên 1970, ông vẫn tiếp tục ăn mừng Stalin và yêu cầu “tung hô ba lần người
gương mẫu và nguồn cảm hứng của chúng ta” với một cử tọa càng lúc càng chán ngấy.
Ông cũng ám chỉ một cách lộ liễu là Liên Xô đã phạm một sai lầm lớn khi muốn tránh xa
những thành quả của Stalin. Nhưng lẽ cố nhiên ông chỉ nói trong nội bộ. Khi người Xô
Viết có mặt, đó lại là một chuyện khác.
 Không như các vị tiền nhiệm, Andropov chú trọng đến chính sách ngoại giao và tình báo
hải ngoại. Ông cũng thay đổi cơ cấu quản lý của KGB và lập ra một hệ thống có nhiều
trách nhiệm hơn. Trong những công tác hải ngoại, ông mau chóng nhận biết cách làm
việc từ xưa tới nay đem cài đặt các điệp viên vào các tòa đại sứ, các phái bộ ngoại thương
và những các phái đoàn khác đại diện cho Liên Bang Xô Viết không phải là một phương
thức tốt để hoạt động. Tôi biết, do chính những cố gắng bất thành của tôi nhằm điều
khiển các điệp viên từ Tòa Đại Sứ của chúng tôi tại Washington, rất khó rời khỏi tòa đại
sứ mà không có một nhân viên FBI bám đuôi, mặc dù những năm sau này tôi gặp Ivan
Gromakov, trước đây là nhân viên thường trú của KGB tại Washington, và ông vẫn cho
rằng sự canh chừng của FBI dễ phát hiện và chưa bao giờ là một trở ngại cho công việc
ông tiếp xúc với các nguồn tin của ông. Một bất lợi khác trong công tác núp dưới bóng
ngoại giao là nguy cơ bị trả đũa trục xuất ngoại giao, có nghĩa là tất cả những nhân viên
tình báo thường trú tại Tòa Đại Sứ hoặc có chức vụ tương tự có xác xuất cao bị tống xuất
ra ngoài trong những đợt trục xuất quanh năm. Các tòa đại sứ Liên Bang Xô Viết đày tràn
những loại điệp viên này nên có một năm Anh Quốc đã trục xuất tất cả là 105 người tình
nghi là điệp viên nằm trong Tòa Đại Sứ Liên Bang Xô Viết tại Luân Đôn. Lề lối của
Andropov chuyển sang dùng các nhân sự bất hợp pháp (đưa một điệp viên xâm nhập lãnh
thổ địch với căn cước giả, giấy giả và một lý cơ bao biện cho sự hiện diện của mình tại
đây), góp phần cải tiến ngành điệp báo, xem ra không được các cán bộ tán thành, vì họ
muốn được sự hỗ trợ của cơ chế.
 Việc chuyển đổi dùng các nhân viên bất hợp pháp là một thực tế mà chúng tôi phải ép
buộc tuân theo vì nhu cầu. Bởi vì nước CHDCĐ không được các nước phương Tây thừa
nhận trên mặt ngoại giao cho đến khi Hiệp Ước Cơ Bản được ký kết với Tây Đức, chúng
tôi trong mọi trường hợp không thể nào có được hào phóng để dùng các Tòa Đài Sứ như
những căn cứ gián điệp và chúng tôi dùng « đường dây bất hợp pháp » (chúng tôi dùng cả
cú pháp của đội Bolshevik xưa). Andropov xem xét kỹ lưỡng phương pháp của chúng tôi
và đi đến kết luận có ít điệp viên được hưởng tiện nghi của một cuộc sống có định chế và
nên gởi các điệp viên bất hợp pháp ra ngoài nhiều hơn để họ tự xoay sở.
 Ông nghiên cứu kỹ lưỡng sự phát triển của tình báo Đông Đức và yêu cầu tôi cung cấp
những ví dụ cụ thể về phương thức điều khiển điệp viên. Tôi cảm thấy hãnh diện được
ông hỏi và tôi vui vẻ làm việc này.
 Chúng tôi không bao giờ cung cấp cho nhau tên của các điệp viên. Quy tắc thứ nhất của
truyền thống điệp báo có từ thời khởi đầu đường hướng của đảng Cộng Sản cách mạng,
và đó là một người chỉ được tiếp cận những gì người đó cần biết. Cách ngăn cấm tế nhị
này phòng hờ sự khiển trách lẫn nhau trong trường hợp có kẻ phản bội, phòng hờ cơ quan
nọ khiển trách cơ quan kia.
 Việc Andropov tiếp nhận những thông tin nằm ngoài KGB cũng cho thấy ông cảm nhận
được mối tương quan thực sự giữa các nhân viên ngoại giao và các sĩ quan tình báo trú
ngụ tại Tòa Đài Sứ để kiểm chứng những báo cáo chính thức. Phong cách đôi lúc hống
hách của KGB khiến cho những lúc làm việc giữa các vị đại sứ và ủy viên thường trực
của KGB rất cằn thẳng trong nhiều tòa đại sứ. Điều này càng rõ nét hơn nữa vì tài lực của
KGB dồi dào hơn ; họ luôn được tài trợ đầy đủ, và các nhân viên sắm sửa được xe cộ cho
bản thân, trong khi đó chỉ có các nhà ngoại giao cao cấp của Xô Viết mới có xe riêng mà
thôi ; các nhân viên ngoại giao khác bắt buộc phải tùy thuộc vào đội ngũ xe của tòa đại
sứ. Những oái ăm nay không những là nguồn gốc tạo nên lòng bất mãn, nó cũng giúp cho
các cơ quan phản gián ngoại quốc phát hiện những điệp viên của KGB làm việc ẩn núp
dưới danh nghĩa ngoại giao.
 Về ảnh hưởng chính trị rộng lớn của Andropov, tôi được biết ông là người khởi xướng
nhiều ý kiến cải cách mà sau này Gorbachev nhận là của ông. Ông nhìn nhận một trong
những nguyên nhân kinh tế của Xô Viết tụt hậu quá xa so với phương Tây là vì chỉ huy
tập trung và sự tách biệt hoàn toàn giữa khu vực quân sự và dân sự. Những đầu tư to lớn
của chính quyền trong những tập hợp công nghệ quân sự tại Hoa Kỳ và các nước tư bản
tiên tiến có thể nhờ các công ty tư nhân biến cải thành những tiến bộ dân sự lợi ích trong
ngành kỹ thuật cao chẳng hạn như ngành hàng không phản lực và máy vi tính. Nhưng tại
Liên Bang Xô Viết, việc tôn sùng bí mật đã tạo nên một sức cản không thể dứt ra được,
như các bộ trưởng của CHDCĐ có thể chứng nhận do kinh nghiệm bản thân với các bộ
liên quan đến quân đội của Xô Viết. Khi tôi đề cập những vấn đề này với Andropov, ông
nói với tôi ông đang cố gắng đem đường hướng suy nghĩ này ra áp dụng trong các ủy ban
ông đã thành lập với các chuyên viên dân sự và quân đội có nhiệm vụ phải học hỏi từ
những so sánh giữa hai hệ thống kinh tế đang tranh đua. Andropov công nhận tình báo là
một dụng cụ quan trọng để học hỏi phía bên kia để cải tiến hệ thống xã hội chủ nghĩa và
tâm trí sẵn sàng xem xét những đường hướng khác của ông tương phản với sự trì trệ xung
quanh ông. Ông suy tưởng đến khả năng “con đường thứ ba” dân chủ xã hôi do Hungari
đề xướng và một vài nhóm tại CHDCĐ, và ngay cả trong thời kỳ đàn áp các nhà bất đồng
chính kiến, mà ông có phần trách nhiệm trong đó, ông ta kín đáo bàn thảo về những kinh
nghiệm của Hungari trong bối cảnh đa nguyên chính trị cũng như bối cảnh tự do kinh tế.
 Tôi vẫn thường tự hỏi ông Andropov có thể làm được những gì nếu ông sống được mười
năm tại chức thay vì một vài năm sống đau yếu. Chắc chắn ông sẽ không làm những gì
Gorbachev làm. Ông tỏ ý hy vọng có thể chuyền hóa sở hữu xã hội chủ nghĩa sang thị
trường tự do cũng như cởi mở chính trị, và chắc chắn những bước tiến đi đến cải cách sẽ
được cân nhắc kỹ lưỡng.
 Yuri Vladimirovitch Andropov
Khi làm việc với các nước xã hội chủ nghĩa khác, Andropov không bao giờ ra vẻ kẻ bề
trên theo kiểu cách của Brezhnev, người tiền nhiệm, hoặc Chernenko, người kế nhiệm.
Vyacheslav Kochemassov nhớ lại khi ông được bổ nhiệm làm đại sứ Xô Viết tại Bá Linh,
Andropov nói với ông: “Chúng ta cần một vị đại sứ mới ở nước CHDCĐ, chứ không phải
một ông thống đốc thuộc địa”. Chấm dứt lề thói phong liêu đế quốc cũ của Nga có thể
nào đưa đến việc cải cách thành công xã hội chủ nghĩa đó vẫn còn là một vấn đề tranh
cãi.
(xem tiếp phần 2)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 16 (phần 2) (Markus Wolf)                 
“…Nếu chúng ta mở tất cả các van khóa ngay lập tức, và quần chúng bắt đầu bày tỏ
những nỗi bất bình, mọi việc sẽ đổ dồn vào và chúng ta không có phương tiện để ngăn
chặn sự việc này…”
Có lẽ những hồi ức này giúp soi sáng những mâu thuẫn mà Andropov cho phương Tây
thấy. Người ta quảng cáo ông là một tự do trong phòng, ngay cả là một người mến
chuộng jazz – nhưng những nhà nghiên cứu thấy điều này khó dung hợp với việc đối xử
tàn bạo với các người bất đồng chính kiến. Nhưng họ lầm. Tôi có thể làm chứng là ông
chắc chắn mong muốn cải cách, nhưng nó sẽ không đến theo kiểu dân chủ của phương
Tây, mà ông cho là hỗn loạn. Những cải cách của Andropov được áp đặt từ trên xuống,
với tất cả những giới hạn đi theo. Nhưng tôi tin rằng những cải cách như vậy theo một
đường hướng chừng mực hơn và có cơ thành công hơn.
 Sự kiện tôi ái mộ ông Andropov không có nghĩa là tôi luôn luôn theo đường hướng của
ông, nhất là khi tôi tìm cách dàn xếp trao đổi gián điệp với Günter Guillaume năm 1978.
Tôi nghĩ rằng chính quyền Bonn sẽ chỉ đổi Guillaume với một nhân vật tầm cỡ của phiá
bên Xô Viết. Điều này sẽ làm họ rạng danh vì họ sành điệu trong trò chơi ngoại giao, và
một số các điệp viên Tây Đức được thêm vào danh sách để chuyện đổi trác có phần nhẹ
nhàng cho tiêu thụ nội bộ. Trong lúc tôi nguệch ngoặc những tên tuổi khả dĩ đem trao đổi
trên một phong bì, tôi thấy mấu chốt – và là vấn đề  –  chính là Anatoly Sharansky. Hay
đúng hơn, nỗi ám ảnh của điện Cẩm Linh đối với ông.
 Anatoly Sharansky
Giống như nhà đạo đức và tác giả tố cáo Gulag (tù) Alexandr Solzhenitsyn và nhà khoa
học và bất đông chính kiến Andrei Sakharov, cha đẻ của bom hạt nhân và sau này trở
thành người tranh đấu cho nhân quyền, ông Sharansky, trong vòng năm năm nhờ phát
động phong trào nhân quyền cho người Do Thái đã trở thành một đối tượng tôn kính
trong giới bất đồng chính kiến. Đây là một vấn đề uy danh cũng như may mắn trong việc
gặp gỡ đúng nơi đúng lúc các ký giả có cảm tình – có hăng trăm người bất đồng chính
kiến khác cũng dấn thân như vậy nhưng không ai để ý đến tại Liên Bang Xô Viết. Vì đã
thành công nên ông viện sĩ nhút nhát này đã trở thành đối tượng thù ghét cá nhân cao độ
trong KGB lẫn cả Đảng. Tôi biết theo kinh nghiệm của tôi trong việc đối phó của
Moscow đối với các kẻ nội thù, việc này thường xuất phát từ một quyết định muốn tống
khứ cá nhân khuấy nhiễu này; Solzhenitsyn bị đem lên máy bay để đưa sang Đức ;
Sakharov đã bị (do chính tay Andropov) đi đày nội xứ tại Gorky. Tại sao lại không tống
khứ luôn Sharansky? Nhưng Andropov không theo lối lý luận này.
 Ông nói “Đồng chí Wolf có biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tung ra tín hiệu này
không? Người này là một tên gián điệp [Andropov nghĩ rằng Sharansky dính líu với
CIA], nhưng quan trọng hơn nữa, y là người Do Thái, và y lên tiếng cho người Do Thái.
Có quá nhiều nhóm đã bị đàn áp trong nước chúng ta. Nếu chúng ta chấp thuận bước đầu
căn bản này cho người Do Thái, người nào sẽ là kẻ kế tiếp? Người Đức ở vùng Volga?
Người Tartar ở vùng Crimea? Hoặc có thể là nhóm Kalmuck hay Chechen?”.
 Ông đề cập đến những nhóm sắc tộc do Stalin lưu đày xa xứ trong một chiến dịch nhằm
nhổ tận gốc những mầm mống chống đối dứt họ khỏi cội rễ địa lý. Cơ quan KGB có một
danh từ hành chánh mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến để gọi các nhóm này :
kontingentirovannye. Kontingent ám chỉ “những thành phần”, hoặc nhưng hạng, quần
chúng không đáng tin cậy. Những “thành phần” này được xem như những kẻ thù tiềm
tàng bất mãn, và Andropov đưa ra một con số tổng kết kinh hãi là tám triệu năm trăm
ngàn người.
 “Chúng ta không thể bất cẩn tìm cách giải quyết tất cả những vần đề này trong lúc thời
buổi khó khăn này”, ông nói tiếp “Nếu chúng ta mở tất cả các van khóa ngay lập tức, và
quần chúng bắt đầu bày tỏ những nỗi bất bình, mọi việc sẽ đổ dồn vào và chúng ta không
có phương tiện để ngăn chặn sự việc này”.
 Đây là con người thẳng thắn của Andropov mà tôi được biết, đoạn tuyệt với những lối
giải thích ôn hòa và sai trái của giới lãnh đạo cũ, ông nói huỵch toẹt lý do tại sao Liên
Bang Xô Viết kiến quyết trong vấn đề nhân quyền: lo sợ – sợ tiềm năng xung đột do di
sản của Stalin để lại, di sản những kẻ thù tiềm tàng ngay trong nước. Sharansky có thể trở
thành ngọn cờ đầu không những cho nhóm Do Thái tại Liên Bang Xô Viết, nhưng cho
hàng hà sa số các kontingentirovannye.
 Ngày nay không có bằng chứng cho thấy Sharansky có liên hệ với CIA, nhưng
Andropov nhất quyết cho rằng đương sụ dính líu. Ông không có lý do gì để nói láo sự
việc này, nhất là đối với tôi. Nhưng vượt lên trên những mối liên hệ điệp báo, mối ưu tư
chính của Andropov nằm ở nơi khác, và tôi rất kinh ngạc ông đã công khai đề cập đến
những vấn đề sắc tộc tiềm tàng. Andropov tiếp tục nói : “Đương sự sẽ cầm cờ cho tất cả
dân Do Thái. Những chống phá thái quá nhắm vào người Do Thái của Stalin đã khiến cho
những người này rất hận chính quyền Xô Viết và họ có những bạn bè thế lực ở ngoại
quốc. Chúng ta không cho phép việc này xảy ra trong lúc này”. Ông cũng rất thẳng thắn
về đà suy thoái của Liên Bang Xô Viết, khởi đầu vào lúc ông, nhắc đến cuộc gặp gỡ của
chúng tôi cách đây mười bốn năm, xác định cuộc xâm lấn Czechslovakia năm 1968.
 Tôi cố gắng nhiều lần thuyết phục Andropov chấp nhận trao đổi Sharansky nhưng lần
nào tôi cũng thất bại. Andropov bực bội mỗi lần nghe đến tên người này, và ông trở nên
nóng nảy và la hét: “Hắn là một tên gián điệp, có vậy thôi”. Và cuộc đối thoại chấm dứt
tại đây.
 Cuối cùng bệnh tình của Guillaume (giống như Andropov, anh bị bệnh suy nhược thận)
đã cho phép ông rời tù nhanh hơn. Chính quyền Tây Đức phải chấp nhận tính toán, cho
dù họ không muốn tỏ ra khoan hồng, họ không được lời gì nhiều trong cuộc trao đổi với
một xác chết. Thêm vào đó, Erich Honecker, sau khi kế nghiệp Ulbricht, bắt đầu chú ý
đến vấn đề này và ra tín hiệu cho Helmut Schmidt biết phải có một động thái nào đó nếu
không ông sẽ giới hạn việc trao đổi tù binh và đoàn tụ những gia đình phân ly vì đất nước
chia đôi.
 Tôi gặp lại Andropov năm 1980 khi tôi bay sang Moscow với Mielke để trao huy
chương cho các sĩ quan lãnh đạo KGB nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập bộ của chúng
tôi. Cả hai bên đều rất trân trọng những nghi thức này, KGB và các cơ quan tình báo
trong khối Đông Âu, và đạt tới mức độ tiên đoán hỗ tương: họ trao tặng huy chương cho
chúng tôi nhân dịp những ngày kỷ niệm của họ, chúng tôi đáp lễ tương tự trong những
dịp lễ của chúng tôi. Điều này được lập lại khắp khối Đông Âu và không ai có thể nhớ
hết con số huy chương các cấp lãnh đạo KGB nhận lãnh. Một người thợ may đặc biệt làm
việc tại tổng tham mưu KGB để đảm bảo các sĩ quan đeo huy chương đúng theo quy cách
trong mỗi một dịp. Dịp này Andropov nhận một huy chương vàng đánh dấu ba mươi năm
hợp tác hữu nghị với bộ của chúng tôi. Ông đang ở bệnh viện nhưng ông nhận huy
chương tại đây. (*)
 (*)Lần cuối tôi gặp Andropov, năm 1982, thiểu não hơn nhiều. Tôi bay sangMoscow để
tham dự một cuộc họp các cấp lãnh đạo tình báo hải ngoại của khối Đông Âu.Tuy nhiên
khi tôi đến nơi, tôi được thông báo bệnh trạng cấp tính không cho phép Andropov đến
tham dự cuộc họp. Tôi là người đầu tiên biết thực trạng sức khỏe yếu kém của ông. Tôi
được đưa đến gặp ông tại Bệnh viện Cẩm linh đặc biệt tại Kunzevo, một khoảnh thành
phố canh gác cẩn mật, nơi Stalin trước đây dùng để nghỉ hè. Vị trí phòng vệ của bệnh
viên không cho phép người ngoài nhìn vào bên trong. Trong đó, Andropov có cả một căn
phòng dành riêng cho ông, có phòng ngủ và phòng chữa trị ngăn cách bởi một hành lang
dài chan hòa ánh sáng, có trang bị máy ghi hình an ninh. Phiá đối diện là phòng làm việc
và phòng tiếp khách. Ông trông vẻ xanh xao và mệt mỏi. Tôi đứng chờ ở ngoài với người
phụ tá của Andropov, Vladimir Kryuchkov, trong khi đó Andropov đích thân nói chuyện
riêng với Mielke. Không ai nói rõ căn bệnh của ông, và cũng không ai nói mức độ trầm
trọng của căn bệnh. Tất cả những gợi ý về bệnh tình sắp chết của ông tổng thứ ký là điều
cấm kỵ. Sau một vài phút im lặng, Kryuchkov hỏi tôi có giới thiệu được một bác sĩ
chuyên khoa tiết niệu giỏi nào không, và vội vã nói thêm bệnh tình của cấp trên lẽ cố
nhiên là một bí mật tuyệt đối.
 Năm 1980 là một năm khó khăn trong mối bang giao Xô Viết – Hoa Kỳ. Viện cớ việc
Xô Viết trải dàn các tên lửa di động SS-20 tại phía Tây nước Nga và Đông Đức cần phải
có biện pháp đề phòng, NATO (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) đã quyết định vào cuối
năm 1979 dàn trải các phi tiễn hạt nhân trên bốn nước Châu Âu, trong đó có Tây Đức,
nếu việc tháo gỡ các tên lửa không được thương lượng trong vòng 2 năm tới, vào tháng
12 năm 1981. Việc này sẽ đưa những tên lửa có tiềm năng đánh phá phần lớn các thành
phố lớn Châu Âu nằm sát ở hai biên giới Chiến Tranh Lạnh. Bây giờ hạn kỳ đã chấm dứt
và tình hình giữa hai nước Tây và Đông Đức xem ra đen tối. Một vài nhà bình luận đem
so sánh tình hình này với những thời gian trước khi xảy ra Đệ Nhất Thế Chiến năm 1914,
khi chiến tranh đang đe dọa và chỉ một bước sai lầm là chiến tranh bùng nổ. Nhóm bảo
thủ cho đây là một trò hù dọa của nhóm tả phái, nhưng tôi biết Helmut Schmidt cũng có
những so sánh lịch sử tương tự như vậy với một phái viên của Honecker.
 Lúc đó nỗi lo sợ xung đột hạt nhân thấm nhập xâu đậm vào tâm trí mọi người. Trong lúc
đối thoại riêng với Günter Mittag, cố vấn kinh tế của Honecker và là người trung gian
thường xuyên qua lại giải quyết công vụ giữa hai nước Đức, Schmidt than phiền áp lực
của Washington lên Tây Đức và nói thêm: “Mọi sự đều thoát khỏi tầm tay. Chúng ta phải
thường xuyên giữ liên lạc”. Ông nói lòng hoảng hốt có thể gia tăng mau chóng, nhưng
Honecker có thể tin rằng nước Cộng Hòa Liên Bang Đức đáng tín nhiệm. “Chuyện điên
rồ không thể xảy ra bên phía Tây Đức”, ông kết luận. Nói cách khác, trong khi các cường
quốc chơi trò chiến tranh của họ, chúng ta người Đức cần phải thương lượng với nhau và
giữ thái độ khiêm tốn.
 Andropov nghĩ rằng Hoa Kỳ đang có nỗ lực để đánh đổ sức mạnh lấn áp hạt nhân của
Xô Viết. “Đây không phải là lúc chúng ta tỏ ra yếu kém”, ông nói, viện dẫn lời của Tổng
Thống Carter, của cố vấn Zbigniew Brzezinski và của Ngũ Giác Đài là trong một vài
trường hợp Hoa Kỳ có thể biện minh việc sử dụng vũ khí hạt nhân để ra tay tấn công
trước Liên Bang Xô Viết. Andropov cũng băn khoăn về những thất bại gia tăng của quân
đội Xô Viết trong việc đương đầu với phiến quân Hồi giáo toàn nguyên tại A-phu-hãn, và
tôi thử hỏi suy nghĩ của ông về tương lai của chiến dịch này. Ông chỉ nói: “Bây giờ,
chúng ta không thể lùi được nữa”.
 Những lời bỉ báng nhất ông dành cho Thủ Tướng Schmidt, vì ông Schmidt đã chấp thuận
chiến lược thương lượng song hành của NATO đồng thời lập kế hoạch dàn trải các tên
lửa hạt nhân di động tại Tây Đức. “Con người này hai mặt” ông than phiền. “Nhưng y
thực sự ngả theo Hoa Kỳ. Chúng ta không nên có những tiếp xúc cấp cao với loại người
như vậy”. Tôi đoán chừng điều này liên tưởng đến lần đối thoại riêng trước đây với
Mielke về những mối liên hệ giữa Erich Nonecker và Schmidt, nhiều khi Xô Viết không
được biết đến, một nguyên do quanh năm gây phiền lòng cho họ.Moscow về cơ bản
không tin tưởng những cởi mở giữa Đông và Tây Đức mà chính sách Ostpolitik chủ
trương và họ muốn kiểm soát mọi cố gắng sáp lại gần nhau. Andropov và Bộ Trưởng
Ngoại Giao Andrei Gromyko đặc biệt không muốn Honecker thăm viếngBonn. Tình hình
quốc tế càng căng thẳng bao nhiêu, Honecker và Schmidt cả hai càng cố gắng cải thiện
mối liện hệ cá nhân bấy nhiêu. Họ liên lạc với nhau trên một đường giây điện thoại đặc
biệt, trong khi đó Tây Đức mua tự do cho một loạt không ngừng các tù binh Đông Đức,
gương phản ánh tình trạng của mối liên hệ. Do những nguồn tin tình báo của chúng tôi tại
Bonn, chúng tôi biết lòng trung thành của Tây Đức đối với NATO bị thử thách hết sức
vào lúc đó. Schmidt đã tự đưa mình vào một vị thế khó khăn bởi vì ông là người đầu tiên
khơi mào vấn đề quốc phòng của Châu Âu sau khi Moscow và Washington đã thương
lượng với nhau để hạn chế các lực lượng tên lửa hạt nhân trên đầu các quốc gia Châu Âu.
Bây giờ lời kêu gọi của Carter tẩy chay Thế Vận Hội Moscow là giọt nước làm tràn bờ
ly. Điều này gây phân cách trong chính phủ vốn đã chia năm sẻ bảy, và chúng tôi được
một nguồn tin trong SPD thông báo là ông có thể thắng bằng cách đe dọa từ chức nếu
việc tẩy chay không được thông qua. Qua những nguồn tin từ các văn phòng chính yếu
tại thủ đô Tây Đức, chúng tôi thu thập mức độ bực mình của họ dưới áp lực của Hao Kỳ.
Chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Moscow ép buộc ông phải hủy bỏ một cuộc
viếng thăm Đông Bá Linh đã hoạch định trước. Mặc dù vậy ông tiếp tục suy nghĩ về việc
duy trì mối liên hệ giữa hai nước Đức hơn là theo trò chơi của các siêu cường. Ông nhất
quyết thẳng thừng hủy bỏ chuyến viếng thăm Đông Bá Linh, chứ ông không tìm cách gài
Honecker vào một tình thế ép Đông Đức phải thu hồi lời mời.
 Cơ quan của tôi có trách nhiệm thông báo cho Moscow vị trí đề nghị và những chi tiết
kỹ thuật của các phi tiễn Pershing II và Cruise của Hoa Kỳ đã được cài đặt năm 1982 nếu
các cuộc thương thuyết thất bại. Thực ra, tôi biết nhiều về chiến lược hạt nhân của Hoa
Kỳ hơn là việc dàn trải tên lửa của Xô Viết tại Đông Âu, phần lớn là do nguồn tin chính
của chúng tôi tại NATO, ông Rainer Rupp. Vị trí của các phi tiễn di động SS-20 được
cẩn thận giữ bí mật ngay cả đối với chúng tôi, mặc dù chúng tôi là đông minh gấn gũi
nhất của Moscow – và phần lớn những phi tiễn tuyến đầu, dù gì đi nữa , cũng nằm trên
lạnh thổ của chúng tôi. Sự hống hách của Xô Viết làm cho rất nhiều người Đông Đức
trung kiên cảm thấy bực bội và muốn xa cách. Các nhân viên trong cơ quan của tôi được
mời gọi chỉ để tham dự những tập trận đặc biệt để chuẩn bị ứng phó bài bản bức thiết
nhất là NATO ra tay tấn công trước.
 Dàn phóng tên lửa Pershing di động
Vì chương trình tái trang bị vũ khí của Hoa Kỳ và nhóm hiếu chiến của ông Reagan thắng
thế, các bạn Xô Viết của chúng tôi bị ám ảnh bởi nguy cơ Hoa Kỳ tấn công bằng phi tiễn
hạt nhân, mà họ đặt cho một tên tắt là RYAN, từ câu Nga Raketto yadenoye napadeniye.
Cơ quan tình báo hải ngoại HVA được lệnh truy cứu và phát hiện tất cả những kế hoạch
của Tây Âu nhằm tấn công bất thình lình, và chúng tôi thành lập một đội và một trung
tâm xem xét tình hình đặc biệt cũng như những trung tâm tham mưu khẩn cấp, để làm
việc này. Đội ngũ này phải trải qua huấn luyện quân sự và tham dự những tập trận báo
động. Như phần đông trong giới tình báo, tôi thấy những trò chơi chiến tranh này là một
lãng phí thời giờ nặng nề, nhưng những lệnh này không thể bàn cãi được cũng như những
lệnh khác từ trên đưa xuống. Tôi không tin có thể xảy ra chiến tranh nguyên tử ở Châu
Âu, mặc dù tôi nghĩ sự xung đột giữa hai hệ thống đối địch sẽ gia tăng trên bình diện
chính trị, kinh tế và các bình diện khác. Đông thời, tôi càng thêm nghi ngờ các vị lãnh
đạo chính trị ở cả hai bên có thể hiểu và hành động theo những biến chuyển đang diễn ra
trên thế giới. Tôi bắt đầu tìm phương cách chấm dứt sự nghiệp tình báo của tôi và quay
sang nghề viết, nhưng những áp lực mỗi lúc gia tăng trong công việc của tôi trong một
bầu không khí đương đầu mãnh liệt khiến tôi cứ phải dời quyết định này.
*
Mặc dù Moscow rầm rộ tuyên truyền, tôi vẫn biết Liên Bang Xô Viết trước đường hướng
mạnh bạo của Hoa Kỳ yếu thế hơn nhiều so với những gì họ rêu rao. Các cuộc thương
lượng SALT II (ldg : Strategic Arms Limitation Treaty = Hiệp Ước Giới Hạn Vũ Khí
Chiến Lược) về việc giải giới giữa Brezhnev và Nixon đã cho tôi thấy rõ. Tuy nhiên,
chúng tôi không phòng bị việc Jimmy Carter đắc cử tồng thống ; những hồ sơ tiên khởi
về ông chỉ có một ít thông tin về ông ngoài việc mô tả ông là một nhà nông sản xuất đậu
phộng không tiếng tăm. Tôi lấy làm an ủi là các nguồn tin tình báo từ Bonn báo cáo là
Tây Đức cũng không biểu lộ một điều gì đối với vị tổng tham mưu trưởng mới này.
Nhưng khi Carter tuyên bố ngân sách quốc phòng $157 tỷ Mĩ Kim để trang bị các tên lửa
MX và Trident, tên lửa Cruise, các tiểm thủy đỉnh nguyên tử nhiều hơn và một lực lượng
dự bị mười một ngàn người, phản ứng của Moscow là hoảng hốt khá rõ. “Chúng ta không
thể đánh lại bọn họ với số tài khoản này”, một chuyên gia cao cấp về chiến lược nguyên
tử Xô Viết tâm sự với tôi. “Nhờ Trời chúng ta giỏi trong các lãnh vực khác”.
 Vào lúc này, những dị biệt trong chính sách giữa Đông và Tây Đức không còn nữa, độc
lập với các bậc thầy Moscow và Washington. Herbert Wehner, người quản lý hậu trường
quốc hội và có ảnh hưởng lớn trong đảng cầm quyền Dân Chủ Xã Hội tại Bonn, bị hụt
hẫng vì chính sách hạt nhân của Hoa Kỳ nên đã cố gắng giữ liên lạc không để đứt đoạn
giữa Bonn và Đông Đức. Nhờ tay của phụ tá của Wehner, Karl Wienand, chúng tôi có
được một tài liệu mật do chính Wehner viết cho thấy mức độ bất tín của ông đối với
những ý đồ của Washington. Wehner không dè dặt chút nào trong lời chỉ trích: “Cơ quan
CIA đã tán phát con vi khuẩn gây chiến tranh giữa hai nước Đức. Đây không phải là
chuyện bịa đặt. Bom trung hòa tử đã được nhắm sẵn vào Ruhr và Bá Linh. Tôi chia sẻ
những hoài nghi của Schmidt về Carter. Không phải vì ông này có những ý đồ đen tối,
những vì ông có khả năng thử nghiệm mọi biến thể. Phương pháp này có thể đưa đến sai
lầm rất dễ dàng”.
 Như đã đề cập trước đây, tôi nghĩ Wehner biết mối liên hệ của người phụ tá với Đông Bá
Linh. Sự vỡ mộng của ông đối với chủ nghĩa cộng sản ngăn cản không cho phép ông trở
thành nguồn cung cấp tin tức trực tiếp cho chúng tôi, nhưng ông vui vẻ cho chúng tôi biết
điều này, bất chấp những rủi ro chính trị cho bản thân ông, ông sẽ thông báo cho Đông
Đức nguy cơ hạt nhân dù nhỏ đến đâu đi nữa để bảo toàn quyền lợi của nước
Đức.Wehner sau này phát triển liên hệ với nước Công Hòa Dân Chủ Đức qua trung gian
của luật sư trao đổi gián điệp Wolfgang Vogel. Cuối cùng, tôi nghĩ Wehner tin tưởng
Honecker hơn là những cấp lãnh đạo của chính đảng của ông. Chúng tôi được các đường
dây liên lạc bên Tây Đức mách bảo Wehner đã để lại chỉ thị đem những tài liệu cá nhân
của ông cất giữ bên Đông Đức sau khi ông chết.
 Cùng vào lúc đó, cũng như chúng tôi bị dao động vì những thay đổi khó hiểu trong chính
sách của Hoa Kỳ, bản chất thay đổi của chính sách ngoại giao Xô Viết trong suốt thời kỳ
này đã gây nên một số vấn đề cho chúng tôi. Honecker chưa kịp thích nghi với chính sách
Ostpolitik mới và chuyển sang hướng suy diễn phóng khoáng hơn về nền dân chủ xã hội
của Tây Đức, thìMoscow báo hiệu cho chúng tôi phải ngưng. Những câu hỏi của sĩ quan
liên lạc Xô Viết thân thiết với tôi, Vladimir Budakhin, đặt ra cho tôi cho tôi thấy, mặc dù
có những lần cụng ly và những lời nói ấm áp, mối liên hệ giữa Moscow và Đông Bá Linh
phải chịu số phận bi đát hiểu lầm nhau. Trong việc xây dựng một xa lộ giữa Hamburg và
Bá Linh trên lãnh thổ của chúng tôi, việc khai thông kinh đào giữa Đông và Tây Đức,
hoặc là những thương lượng mậu dịch với các công nghiệp to lớn Krupp hoặc Hoechst
của Tây Đức, người Xô Viết luôn luôn đặt câu hỏi và lên tiếng phản kháng. Thông
thường kết quả là dời ngày thêm một lần nữa cuộc gặp gỡ mong ước bấy lâu nay giữa
Honecker và Schmidt.
 Lòng vẫn ôm ấp kiểu cách tôn sùng cá nhân theo khuôn mẫu của điện Cẩm Linh,
Honecker mang ảo tưởng ông có thể giải quyết những vấn đề như vậy một mình. Khi ông
biết qua Wehner những mối liên lạc mật giữa Xô Viết và Bonn mà Đông Bá Linh không
hề được thông báo, ông chỉ vỏn vẹn nói: “Họ không thể quyết định được gì nếu không có
chúng ta”. Lịch sử chứng minh đây là sai lầm lớn nhất của ông.
 Tôi cũng phạm phải một lỗi lầm to lớn vì đã coi nhẹ những hệ quả sự lệ thuộc toàn diện
của chúng tôi vào Liên Bang Xô Viết. Mối liên hệ lâu bền vớiMoscow và tình hữu nghị
tôi thụ lãnh với tình báo Xô Viết khiến tôi – một cách sai lầm – nghĩ rằng KGB làm việc
với HVA trong tinh thần bình đẳng. Tôi biết chúng tôi đã gởi một số lượng tin tức như
thác đổ cho Moscow: tin tình báo chính trị và quân sự của kẻ địch ở tuyến đầu, sách kỹ
thuật về tình báo điện tử của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (NSA), tên tuổi và
phương pháp làm việc các nhân viên CIA, và những lượng thông tin khoa học và kỹ thuật
mà sĩ quan liên lạc Nga cần phải có thêm một phụ tá để xử lý. Chỉ có một chút ít đáp ứng
từ phiá bên kia. Nhưng những vị đối tác tình báo kỳ cựu của tôi công nhận điều này và
tìm cách sửa sai trên mức độ cá nhân, và tính chất chậm chạp của những thay đổi khiến
tối nghĩ rằng chúng tôi luôn nằm trong những ưu tiên hàng đầu trong mối bang giao quốc
ngoại của điện Cẩm Linh. Đây chắc chắn là tình cảnh đã có dưới thời Stalin, Khruschev,
Andropov và Chernenko. Vì vậy quyết định không thể hiểu được của Gorbachev trong
việc bỏ mặc số phận chúng tôi vào tay của NATO năm 1989 là một đột biến thô bạo.
 Nói vậy chứ chúng tôi quá quen thuộc với phong cách của người Xô Viết, ít nhất về mặt
quân sự, giống như một thế lực xâm lăng không hề màng đến tâm tư tình cảm của chúng
tôi. Honecker luôn bày tỏ với Moscow mối ưu tư về sự tập trung vũ khí, binh lính, và bây
giờ thiết bị hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi. Tôi vẫn cảm thấy lo lắng vì biết sự cách
biệt giữa thế lực thực sự của ông và những gì ông cảm nhận là thế lực của ông. Trên thực
tế sự cách biệt này khá xâu, nhưng phương cách dối lòng này là một phần lối sống của
chúng tôi trên tiền đồn tuyến đầu của đế quốc Xô Viết. Trong lúc việc giằng co về tên lửa
giữa Moscow và Washington sôi nổi năm 1979 và Moscow dọa dàn trải thêm vũ khí trên
lãnh thổ Đông Đức, một hôm Mielke nói với tôi: “Không có phương cách nào để bỏ ra
hàng tỷ cho kẻ khác và đốn cây để kiếm chỗ đồn trú cho xe tăng và dàn phóng tên lửa.
Anh sẽ thấy chẳng có gì xảy ra đâu. Chỉ có thương thuyết thêm nữa thôi”.
 Dàn phóng tên lửa SS-20 lưu động
Lẽ cố nhiên, khi các tên lửa khổng lồ SS-20 của Xô Viết tiến vào phần đất của Đông Đức
vào lúc đêm khuya, cải trang thành việc chuyển giao củi, các khu rừng bị đốn trụi mà
không ai được phép bản thảo thêm nữa.
*
Có lẽ tôi khen ngợi ông Andropov quá đáng. Ông chắc chắn phải bị phê phán, ngay cả
người mến mộ ông vì cách đối xứ của ông đối với những người bất đồng chính kiến thật
là thô bạo. Quyết định ( ất cả là những việc ông làm đều có chủ đich) tước bỏ quyền công
dân của Solzhenitsyn và đày Sakharov đi Gorky là vì ông vẫn còn mang một não trạng
không chịu buông tha giống như trường hợp của Sharansky. Ông theo đuổi sự ổn định
của Liên Bang Xô Viết trên hết mọi tính toán. Mối quan tâm của ông đến những hình
thức đa nguyên chính trị chỉ giới hạn trong việc quan sát kinh nghiệm cộng sản “goulash”
của Hungari (danh từ nửa khôi hài, nửa miệt thị chúng tôi dùng để chỉ chế độ Hungari)
trong khi đó ông thực hiện một chủ thuyết cứng rắn hơn ở trong nước. Nhưng ông cẩn
thận hơn Gorbachev trong việc thay đổi Ủy Ban Trung Ương và phát động chiến dịch
chống tham nhũng ở một mức độ mạnh mẽ hơn các người kế vị của ông.
 Quyết định của Andropov thăng chức Vladimir Kryuchkov lên làm Tổng Giám Đốc của
KGB là một quyết định lô-gíc nhưng không khôn ngoan. Kryuchkov là một phụ tá thân
cận của Andropov kể từ biến cố Budapest năm 1956. Ông biết Kryuchkov hiểu rõ chính
sách ngoại giao và nghĩ rằng giao công việc tình báo hải ngoại cho một người đã được
đào tạo theo hình ảnh của mình sẽ tránh việc phạm lại những rạn nứt nội bộ và lối nhìn
thiển cận.
 Vị thế của Kryuchkov trong KGB được củng cố vào thời kỳ can thiệp vào A-phú-hãn,
nơi đây ông được giao trách nhiệm tổ chức những công tác đặc biệt  sau khi xâm chiếm.
Nhưng ông không có tầm nhìn sâu rộng của Andropov và thiếu phong cách của một
người lãnh đạo. Không có thầy dìu dắt, người số hai đầy khả năng và thông minh này
cảm thấy hụt hẫng. Tôi tình cờ nhìn thấy lòng sùng bái của Kryuchkov đối với Andropov
khi tôi đến viếng thăm ông năm 1982 để chúc mừng ông thăng chức giám đốc KGB. Sau
đó, sau bữa ăn tối, ông đọc cho tôi nghe một vài bài thơ của Andropov. Đây là lần đầu
tiên tôi biết đến những vấn thơ này và chúng đặc biệt hay, có phần sầu muộn và lãng
mạng, mô phỏng theo Pushkin và Lermontov, tâm sự về tình yêu đã mất và những nuối
tiếc của tuổi già. Điều này gia tăng sự kính phục của tôi đối với Andropov nhưng tôi thấy
khôi hài là người kế vị ông ta trong chức giám đốc của KGB lại bận tâm học thuộc lòng
những bài thơ tình của ông tổng bí thư mới của Đảng Cộng Sản Liên Bang Xô Viết.
 Vladimir Kryuchkov
Khi tôi đến Moscow, Kryuchkov luôn luôn mời tôi vào một phòng riêng đàng sau văn
phòng chính của ông, rót cho tôi một ly Scotch lớn và nói: “Anh kể cho tôi nghe chuyện
gì đã xảy ra”. Khi Mielke ở bên cạnh, sự việc không trực tiếp như vậy, cả hai bên đều
khua chiêng múa trống, không ngừng nâng rượu ăn mừng vinh quang Cách Mạng và
thành quả của chủ nghĩa cộng sản, một điều khá kỳ lạ vì hơn hết mọi người hai ông giám
đốc cơ quan an ninh là những người biết rõ tình hình không được tốt đẹp trong nước họ.
 Kryuchkov không bao giờ bỏ lỡ cơ hội ghé thăm nhà hát mỗi khi ông đến viếng thăm -.
Ông hay đi xem và lấy làm hãnh diện đã xem hết tất cả những màn diễn xuất lớn ở
Moscow và sưu tầm những chương trình, mà ông cất giữ trong văn phòng của ông. Điều
này tạo nên danh tiếng ông là người có học thức. Thực ra, lòng quyến luyến với sân khấu
là do ông thích sưu tầm những món vật trên hết mọi sự. Tôi khám phá điều này trong một
lần viếng thăm của ông tại Đông Đức trong thập niên 1980. Vở kịch Faust đang được
trình diễn tại Nhà Hát Quốc Gia Weimar. Kryuchkov không mấy thông thạo tiếng Đức,
tuy nhiên ông nài ép để đi vì ông biết rõ vở này là một trong những nghệ thuật chủ yếu
trong kinh điển của văn chương thế giới. Tám tiếng đồng hồ theo dõi vở Faust  đòi hỏi
một sự tập trung mà ngay cả tôi cũng phải cố gắng với tiếng mẹ đẻ của tôi, những tôi hài
lòng vì đã thu xếp việc này cho tình hữu nghị Đức-Xô Viết. Một tiếng hoặc khoảng đó
sau khi vở kịch bắt đầu, tôi liếc nhanh sang vị khách và thấy ông ta nhắm mắt. Rõ ràng,
Goethe xem ra cũng khó nuốt đối với ông. Vào cuối phần một, tôi thấy rõ ông không hiểu
những gì đang diễn trên sân khấu. “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu hết rồi”, ông nói, “chúng ta bỏ
phần còn lại”. Ông hãnh diện rời nhà hát, tay nắm chặt tờ chương trình để bỏ thêm phần
mới nhất vào bộ sưu tầm của ông.
 Mặc dù tôi không kính trọng ông bằng Andropov, tôi có mối liên hệ tốt với ông. Tôi rất
bàng hoàng về sau này khi được tin vào tháng 8 năm1991, trong thời gian tôi ở Moscow,
ông thất bại trong âm mưu tai tử lật đổ Gorbachev. Những nhóm chủ yếu trong ngành an
ninh và bộ máy đảng rất bất mãn cách chuyên quyền của Gorbachev trong việc nhượng
bộ các cộng hòa Xô Viết, vì vậy tôi không bàng hoàng về âm mưu này mà chỉ sững sờ vì
phương cách phường chèo của âm mưu lật độ này. Các bạn đồng nghiệp KGB cũ than
phiền với tôi họ chẳng được thông tin gì về sự việc xảy ra. Khi họ thấy bản chất vô tổ
chức của cuộc lật đổ và tính chất bất dự liệu của những người tham gia, lẽ cố nhiên là họ
từ chối công khai ủng hộ.
*
Cảm giác đặc biệt nhập thuộc vào một gia đình gắn bó với KGB và những cơ quan phụ
thuộc là một trong những nguyên do tạo nên ưu thế của KGB Xô Viết. Nhưng KGB cũng
có những nhược điểm, chính yếu là bộ máy quan liêu đảng nặng nề và nền tảng bất tín
nhiệm ngay trong nội bộ tổ chức. Lòng bất tín này phản ánh sự vô năng của họ, mặc dù
Andropov và Kruychkov đã có nhiều nỗ lực tìm cách vứt bỏ hình bóng của Stalin và
Beria.
 Hơn thế nữa, trong một thời gian dài, bên cạnh cảm tính được khéo léo nuôi dưỡng nhập
thuộc nhóm quý phái KGB là sự thiếu hụt toàn diện lòng biết ơn đối với các điệp viên đã
hy sinh tính mạng cho tổ chức – họ thường bị bỏ rơi hoặc bị ruồng bỏ khi họ không còn
sử dụng được nữa. Đông Đức, được xem là nơi đáng tin cậy nhất trong khối Đông Âu
theo ngôn từ tình báo, là đất phế thải cho một số điệp viện bị bại lộ màMoscow muốn
đem giấu. Đây là một gánh nặng về tài chánh cũng như về tổ chức cho Đông Đức, vì kế
toán nội bộ của khối Đông Âu luôn thuận về phía Liên Bang Xô Viết. Khi một điệp viên
về hưu đến với chúng tôi, đương sự có nguồn tài chánh eo hẹp không đủ để cung cấp cho
đương sự một căn phòng tiện nghi và một việc làm thích hợp.
 Cả hai cơ quan KGB và GRU (Tổng Cục Tình Báo của Tham Mưu Trưởng Xô Viết,
Quân Báo của Xô Viết) tuyển người Đông Đức. Mặc dù có những liên hệ chặt chẽ giữa
hai nước và hai cơ quan tình báo, họ muốn đích thân điều khiển người của họ và họ
không thông báo danh tính những người này cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ được biết họ
dùng người Đông Đức để làm gián điệp, thường là ở Tây Đức hoặc NATO, sau khi họ bị
bắt. Sau khi một nhân viên điệp báo đã hết thời hoặc được trao đổi với một điệp viên của
Tây Âu, người Xô Viết muốn chúng tôi phải chăm sóc đặc biệt cá nhân này về mặt tài
chánh. Đây là một trò xảo trá. Khi một điệp viên đã bị lộ ở Tây Âu chúng tôi không thể
dùng họ ở nơi này nữa. Tôi cũng không thích những người này làm việc trong Bộ An
Ninh, nơi đây họ có thể tiếp cận những bí mật hoặc nghe trộm những thông tin nhạy cảm.
 Tệ hơn nữa, họ thường mắc chúng bệnh sa sút thần kinh hoặc bệnh trạng tâm lý khác, vì
người Xô Viết không hỗ trợ nhiều hoặc tưởng thưởng xứng đáng cho họ trong công việc
và sự hy sinh của họ. Lối xua đuổi lạnh lùng này khiến cho nhiều người cảm thấy chủ
nhân Xô Viết khiển trách họ vì họ đã bị bắt, mặc dù phần lớn nguyên do thất bại nằm ở
nơi khác, thông thường là kế hoạch hoặc thi hành bất cẩn trong lúc gặp gỡ các cán bộ
điều khiển Xô Viết (“giao liên” theo Tây Âu) hoặc là sự phản bội của một ai đó tại
Moscow. Tôi nản lòng vì người Xô Viết không cố gắng để tưởng thưởng những điệp viên
bị cháy, không có đến cả một huy chương cho những khổ nạn của họ.
 Một trong những điệp viên như vậy của Xô Viết mà tôi rất kính trọng là gián điệp bí mật
hạt nhân Klaus Fuchs. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong chương trình hạt nhân
của Xô Viết bằng cách cung cho Beria, người giám sát chiến lược hạt nhân, những chi
tiết tiến hành của Hoa Kỳ và Anh quốc về bom plutonium và uranium -235. Do đó ông đã
góp công to lớn nhất choMoscow có được khả năng chế tạo bom nguyên tử. Ông di tản
sang Anh quốc trước khi xảy ra chiến tranh để trốn Quốc Xã, ông làm việc trong chương
trình hạt nhân tại Phòng Nghiên Cứu Harwell (Harwell Research Station) tại Anh quốc.
Fuchs cũng nằm trong khuông thước của những người như Sorge và Philby, và giống như
họ, người đàn ông giỏi dang này đã tự nguyện đem sự hiểu biết của mình đề phục vụ cho
Liên Bang Xô Viết. Họ đều tin tưởng là chỉ có Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang
Xô Viết (USSR) mới co thể đánh bại Hitler. Biết được tin các khoa học gia của Đức
Quốc Xã đang thực hiện bom hạt nhân đã thúc đẩy Fuchs chuyển những bí mật của mình
cho Moscow.
 Lòng kiên định với chủ nghĩa cộng sản của Fuchs sâu đạm hơn vì ông đã nghiệm qua
chế độ Đức Quốc Xã. Ông hiện diện khi quả bom nguyên tử đầu tiên do Hoa Kỳ thử
nghiệm nổ tại Alamogordo, New Mexico, ngày 16 tháng 7 năm 1945 và báo tin nhanh
chóng cho Moscow đến độ Stalin không có vẻ gì là ngạc nhiên khi Tổng Thống Truman
gợi ý về một vũ khí mãnh liệt mới chỉ tám ngày sau tại hội nghị các nước chiến thắng tại
Postdam.
 Theo chỉ thị của quân báo Xô Viết, Fuchs giữ im lặng trong vòng ba mươi năm sau khi
ông bị bắt tại Anh Quốc năm 1950, ông cũng không hề viết hồi ký, cũng không ra mắt
báo chí phỏng vấn, ngay cả cho các nhà xuất bản của Xô Viết hoặc Đông Đức. Sau khi
ông được Anh Quốc trả tự do năm 1959, ông sống tại Dresden, nhưng trong một thời gian
dài ngay cả chúng tôi cũng không được phép tiếp cận ông. Thập niên 1970, ông cuối
cùng chấp nhận cộng tác với Ban Khoa Học và Kỹ Thuật để cho một vài ý kiến về chính
sách năng lực. Tôi hiểu rõ là chúng tôi không được bàn thảo về những thành tích gián
điệp của Fuchs.
 Ý nghĩ con người đã có công đóng góp lớn nhất trong điệp báo nguyên tử đang sống trên
đất nước của chúng tôi, trả lời định kỳ cho những thắc mắc về những hệ thống làm lạnh
và những điểm phức tạp của vật lý hạt nhân cho các đồng nghiệp của tôi nhưng lại không
được nói chuyện về ngón nghề tình báo tuyệt hảo của ông khiên cho tôi bồn chồn. Tôi đã
bỏ rất nhiều công sức để xây dựng ý nghĩa truyền thống và tinh thần nhập thuộc trong nội
bộ cơ quan bằng cách ghi lại trên phim ảnh và trên sách vở cuộc sống và thành tích của
những điệp viên tên tuổi ở phia chúng tôi. Tôi biết Klaus Fuchs sẽ là một đề tài lý tưởng
để nghiên cứu. Lẽ cố nhiên, không thể nào có chuyện tôi tiếp cận ông mà không có sự
đồng ý chính trị của cấp trên. Tôi nhiều lần cố gắng thuyết phục Erich Honecker hỗ trợ
cho tôi để cố gắng nài nỉ Fuchs kể lại chuyện của ông. Sau một thời gian chờ đợi, tôi cuối
cùng được phép viếng thăm ông cùng với một sĩ quan cao cấp đồng nghiệp có chút hiểu
biết về vật lý nguyên tử. Chúng tôi là những người duy nhất không phải là người của
KGB hay GRU được phép phỏng vấn về quá khứ của ông, sáu khi ông định cư tại Đông
Đức. Cuộc gặp gỡ ông năm 1983 được diễn ra với sự thỏa thuận của chúng tôi là nội
dung chỉ để sử dụng trong nội bộ cơ quan của tôi. Chúng tôi xin phép Fuchs để quay vào
phim video và cuộn băng này là cuộn băng duy nhất về ông tại Công Hòa Dân Chủ Đức.
 Tôi gặp ông tại nhà khách ở Ba Linh, ông ở lại đây trong lúc họp Đảng. Ông là thành
viên của Ủy Ban Trung Ương. Tôi thấy vóc dáng của một người không thích hợp với vai
trò của một siêu gián điệp. Ông là hình ảnh hi họa của một khoa học gia tài giỏi, trán cao
và đeo kính không vành với đôi mắt trầm ngâm chăm chú nhìn khi tôi dồn dập đặt câu
hỏi. Ánh mắt này khiến mọi người có ấn tượng khi gặp ông, kể cả giáo sư Max Born,
thầy đỡ đầu của Fuchs và cũng là cộng tác viên trước đây trong nghiên cứu hạt nhân tại
Edingburrgh. Ông Born ghi nhớ hình ảnh một cậu bé dễ thương với đôi mắt to và buồn
trong thời gian Fuchs còn là sinh viên. Đôi mắt này trở nên linh động khi Fuchs bắt đầu
nới về vật lý học lý thuyết. Ông vẫn còn sự hăng say của tuổi trẻ trong vấn đề này và có
thể thao thao bất tuyệt về lý thuyết quantum và về công trình nghiên cứu xuất sắc của ông
trong việc chế tạo bom nguyên tử: việc khám phá phép tính biến thiên trong lúc quả bom
plutonium nội phát. Ông vẫn đích thị là một nhà nghiên cứu.
 “Tôi chưa bao giờ tự xem mình là một gián điệp”, Fuchs nói với tôi. “Tôi không hiểu
phương Tây có lợi gì nếu không chia sẻ sự hiều biết về quả bom nguyên tử với Moscow.
Điều gì đó trong tiềm năng công phá không thể tưởng tượng được của trái bom phải
đương nhiên được chia sẻ đồng đều cho các cường quốc. Tôi không tài nào chịu đựng nổi
một bên có khả năng đe dọa kẻ khác với một sức mạnh ghê gớm như vậy. Tôi không bao
giờ nghĩ tôi làm một điều trái với lương tâm khi tôi chuyển giao những bí mật cho
Moscow. Đối với tôi không làm điều này là một sơ xuất độc hại”.
 Ursula Beurton với Don Chapman năm 1981
Năm 1941, Fuchs liên lạc với quân báo Liên Xô (cơ quan GRU) qua người bạn kinh tế
gia Jürgen Kuczinsky. GRU giao phó trách nhiệm cho ông một loạt các đầu dây giao liên
thường xuyên thay đổi. Người ông thường tiếp xúc là em gái của Kuczynski, Ursula
Beurton, tức Ruth Werner, mật danh là Sonya. Bà Werner đầy tài năng này sống, theo
biểu hiện bề ngoài, như một bà mẹ trầm lặng với hai đứa con tạiOxford. Thực ra, bà là
một trong những gián điệp thượng thặng của Liên Bang Xô Viết tại Anh Quốc và sau này
bà được ban khen cấp bậc danh dự hiếm có Đại Tá trong Hồng Quân – người đàn bà duy
nhất nhận được cấp bậc này. Bà Werner đi xe đạp cùng với Fuchs để vào một khu rừng
cạnh ngôi nhà gia đình Churchill tại Blenheim. Lúc đó ông chuyển giao tài liệu mật và bà
đem cất giấu dưới yên xe. Fuchs không được huấn luyện về tình báo và từ chối học mật
mã vô tuyến hoặc chụp vi phim. Ông đơn thuần sao chép những tin tức ông muốn hoặc
đang nghiên cứu, và sau đó viết lại nhờ trí óc nhiếp ảnh ghi nhớ phi thương. Hệ thống
chuyển giao rất đơn sơ, có phần ngây ngô là đàng khác theo nhãn quan tình báo. Không
có hộp thơ chết. Các tài liệu mật được trao tận tay, điểm này là một món quà cho phản
giản nếu họ theo dõi. May thay, lúc đó người Anh chưa nghi ngờ Fuchs. Ông không thấy
ấn tượng nào với các giao liên Xô Viết. “Không như Ruth, họ tỏ ra sợ sệt khi tôi hiện
diện”, ông nói. “Có một người đặc biệt lúc nào cũng dòm quanh để xem chừng tôi có bị
theo dõi không. Tôi không phải là tay chuyên nghiệp trong vấn đề này, nhưng phong cách
này gây chú ý đến chúng tôi hơn là cách chúng tôi hành xử tự nhiên”.
 Ruth Werner, một cách tài tình đã tìm cách trốn ra khỏi nước Anh sau khi Fuchs bị bắt,
trở thành một người bạn thân thiết với tôi khi bà trở lại Đông Đức. Có một lần bà thú
nhận với tôi bà đã lén nhìn các tài liệu mật nhưng không hiểu một chữ nào cả – “Chúng
như một chuỗi những cổ tự hy lạp và công thức viết nhỏ tí tí trông giống như những
đường nguệch ngoạc “.
 Những đường nguệch ngoạc này đã làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới bằng cách
phá vỡ độc quyền vũ khí hạt nhân sơm hơn dự liệu. Fuchs dè dặt với chúng tôi về vai trò
của ông trong việc phát triển bom nguyên tử của Xô Viết, và thực ra Moscow chỉ báo cho
ông biết giá trị của những thông tin này hai năm trước khi ông chết. Đây là một nỗ lực
đánh lừa phương Tây để họ lầm tưởng người Xô Viết còn có những gián điệp nguyên tử
khác chưa bị lộ. Trò gạt gẫm này chỉ chấm dứt khi điện Cẩm Linh cho phép xuất bản hồi
ký của Giáo Sư Igor Kurchatov. Kurchatov xác nhận những thông tin của Fuchs đã giúp
cho ông tiết kiệm được nhiều năm nghiên cứu nhờ ông mô phỏng theo những gì ông đã
học được trong phương cách tiếp cận thành công của Hoa Kỳ để chế tạo trái bom nguyên
tử đầu tiên ở Los Alamos.
 Khi tôi thận trọng đề cập đến việc ông bị bắt năm 1950, tôi thấy rõ ràng là tôi đã khơi
động lại vết thương ba mươi năm vẫn chưa lành. Fuchs nhất định không mủi lòng trước
mặt chúng tôi, nhưng cố gắng tự kiềm chế hiện lên trên nét mặt căng thẳng và co giật của
ông. Ông kể cho chúng tôi nghe lỗi lầm lớn nhất của ông với lòng hối hận và xúc động
sâu đậm, xem chừng như ông lập lại lời thú tội lần thứ hai.
 Tôi chắc chắn ông đau khổ nhiều vì sự kiện, từ khi ông ra khỏi tù năm 1959, ông không
có cơ hội đề nói trực tiếp về những khám phá của ông với cán bộ điều khiển Xô Viết. Tôi
không hiểu tại sao, trong vòng hơn hai mươi năm,Moscow không chủ động làm việc này.
Không một lời biết ơn, không một lời đền đáp công việc của ông, cũng không hề có
những câu hỏi tại sao thất bại. Sự im lặng của một quốc gia ông đã phục vụ hoàn toàn vì
lương tâm và phải trả giá rất đắt cho tự do và sự nghiệp của ông đã đè nặng lên ông hàng
ngày.
 Fuchs không có ý kiến gì về những sơ sót. Nhưng tôi nghĩ lý do của sự im lặng ác độc
này là vì Xô Viết tình nghi ông đã tiết lộ tên tuổi của các giao liên hoặc của những điệp
viên khác trong thời gian ông bị MI 5 tra khảo. Tuy nhiên tôi tin tưởng không có bằng
chứng nào về lỗi lầm của Fuchs.
 Fuchs kể cho tôi nghe khi ông biết người Anh tình nghi ông, ông tự tin có thể đánh lạc
hướng mối nghi ngờ này. Ông bị tra vấn sau khi khoa học gia người Anh Allan Nunn
May bị bắt năm 1946 vì tội gián điệp, nhưng ông có cảm tưởng phản gián Anh kiểm tra
tất cả các khoa học gia đã gặp gỡ Nunn May và cảm thấy ông đã may mắn thoát nạn. “Áp
lực gia tăng vào năm 1950, khi tôi dược mời lên làm việc nhiều lần với các viên chức
thẩm quyền tại Harwell và các sĩ quan phản gián Anh cũng có mặt tại chỗ”, ông kể lại.
“Tôi vẫn còn tự tin. Nhưng rõ ràng họ điều tra tôi, bởi vì họ biết cha tôi đã đi sinh sống ở
Đông Đức và họ cũng hỏi tôi về vấn đề này. Cuối cùng họ nói về những tin tức từ Nữu-
Ước (New York) và lúc đó tôi biết là CIA đã thông báo về tôi”.
 Tình thế khó chịu này tiếp tục một thời gian. Khó mà biết được lý do tại sao Xô Viết
không tìm cách bốc Fuchs ra khỏi nước Anh, xét mức độ chú ý của thẩm quyền tại
Harwell. Có thể phỏng đoán họ không làm như vậy vì lý do đơn giản họ muốn khai thác
dữ liệu của Harwell càng nhiều càng tốt, và an nguy của Fuchs chỉ là thứ yếu đối với
công tác này. Điều này cũng có thể giải thích nỗi sầu muộn của Fuchs nhiều năm sau khi
Fuchs bị bắt.
 Cuối cùng chỉ một sảo thuật tâm lý chứ không phải vì những tang chứng rõ rệt đã khiến
cho Fuchs rơi vào bẫy. Ông phó giám đốc Harwell, một người bạn thân của Fuchs, thẳng
thắn nói với ông họ tình nghi ông là một gián điệp. Ông này chỉ hỏi Fuchs chuyện này có
thật hay không. Nếu Fuchs nói không, người bạn nhấn mạnh, tất cả Harwell sẽ kết hợp lại
để ủng hộ và bênh vực ông.
 Klaus Fuchs
Tôi mường tượng đây là một chiến thuật đã được phản gián Anh khốn khéo hoạch định,
họ đã sử dụng hệ thống định hình tâm lý một cách tuyệt hảo. Họ nhận thấy Fuchs biết
khôn khéo trả lời thẩm vấn; ông sẽ không thú nhận với những phương cách tương tự, vì
vậy họ thử một phương thức hoàn toàn khác biệt. Khi quan sát ông làm việc tại Harwell,
họ đi đến kết luận Fuchs rất coi trọng tình bạn. Họ đã mớm những lời nói vào miệng của
ông phó giám đốc, và biết rằng đối với Fuchs ý nghĩ nói dối ngay trước mặt người bạn là
một điều đau đớn vô kể. Người Anh đã thành công.
 Fuchs, vì không biết nói dối, lắp bắp và sau đó im lặng trước câu hỏi của người bạn. “Kể
từ giờ phút đó, Fuchs kể cho tôi, “tôi thất thần. Tôi che dấu nỗi sợ hãi bằng cách làm việc
nhiều hơn và xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi trí óc của tôi. Cũng có những chỉ dấu đáng khích
lệ. Không một viên chức an ninh nào tại Harwell nghĩ rằng tôi là kẻ phản bội, và họ từ
chối không muốn thẩm vấn nữa. Khi họ đến bắt tôi, tôi chợt nghĩ “Đến đây là chấm dứt”.
 Tôi ngạc nhiên thấy Fuchs quá ngây ngô trong vấn đề điệp báo vì ông không hề nghĩ đến
án lệnh ông sẽ phải gánh chịu “Tôi bước lên những bậc thang để vào chỗ ngồi của bị cáo
trong tòa án như thể trong một giấc mộng” ông nói: “Họ hỏi tôi. Nếu họ phán quyết ông
có tội, ông có biết án lệnh chờ đợi ông là gì không?”. Và tôi nói, “Tôi nghĩ là tội tử hình”,
bởi vì tôi đã đọc đâu đó điều này xảy ra cho những gián điệp. Họ nói: “Không, mười bốn
năm”, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Vào lúc đó tôi mới nghĩ tôi sẽ sống và vẫn còn tương
lại”.
 Chín năm sau ông được trả tự do và được đưa sang Đông Đức theo lệnh của Xô Viết. Có
lẽ ông trông chờ ít ra họ sẽ gặp gỡ ông tại đây. Nhưng từ giây phút ông bước chân ra khỏi
tù, ông được chuyển giao cho ngoại giao Đông Đức như một kiện hàng. Chỉ sau khi tôi
liên lạc với ông năm 1983, các cán bộ điều khiển cũ của ông tại Moscow, Vladimir
Barkovsky và Alexander Feklisov, được phép gặp ông trở lại và ghi nhận lòng biết ơn
muộn màng của Liên Bang Xô Viết đối với việc làm của ông.
 Fuchs là một con người nhạy cảm và yếu mềm. Ông không có tư chất để làm điệp báo và
tính quý trọng bạn bè đến độ không có khả năng nói dối với họ, chứng tỏ bản chất nhân
bản của ông, lại là một nhược điểm của một điệp viên. Đúng như lời của một văn hào
Anh E.M. Forster, ông thà phản bội đất nước mình hơn là phản bội bạn.
(còn tiếp)
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 17 (Markus Wolf)                      
 “…Khi chiến dịch các tướng đạt nhiều thành quả, các Cục ở Đông Đức vội vã nhận vơ
công lao thuộc về họ. Phiền lòng cho chúng tối nhất chính là em rể của Erich Honecker,
Manfred Feist, một anh công chức vô năng, nói với lãnh tụ của Đông Đức tất cả việc này
là do sáng kiến của anh ta…”
Chương 12
« Những biện pháp tích cực »
Trong một vở kịch nghiêm trang về lề lối của chủ nghĩa cộng sản, The Measure Taken
(Biện pháp phải dùng), Bertolt Brecht phân tích những hoạt động cực đoan được áp dụng
để củng cố Cách Mạng như sau:
Không có hành động đê tiện nào mà nhà ngươi không dám làm,
 Loại bỏ hành động đê tiện ư?
 Nếu ngươi có khả năng thay đổi thế giới,
 Việc gì ngươi lại không làm?
 Chìm đắm trong vũng bùn
 Hãy ôm chầm lấy tên đồ tể nhưng
 Hãy thay đổi thế giới.
 Thế giới cần đến nó.
Mặc dù không một ai trong đội ngũ của tôi biết đến đoản văn này, tất cả anh em chúng tôi
đã ghi tâm tư duy này để theo đuổi một thế giới xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn. Chúng tôi
cảm nhận chúng tôi có thể làm hầu hết tất cả mọi sự miễn làm sao nó phục vụ cho Lý
Tưởng là được.
 Trong trường hợp của tôi, điều này có nghĩa là chỉ huy một nhóm nhỏ nhưng hiệu quả có
tên là Biện Pháp Tích Cực (Aktive Massnahmen). Mục đích về chính trị của chúng tôi là
làm suy yếu vị thế quốc tế của Bonn, làm suy yếu Chủ thuyết Hallstein, vì chủ thuyết này
chỉ thị việc cô lập ngoại giao Đông Đức, và ngăn chặn sự tái vũ trang của Tây Đức.
Nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi không phải là « nói dối » hoặc «cố tình đánh lạc
hướng », nhưng dùng phương pháp tán phát những sự kiện gây bất ổn và bối rối. Đặt cho
nó cái tên là chiến tranh tâm lý. Chúng tôi góp phần trong những trò bẩn thìu, nhưng đó
không phải là nhiệm vụ chính của chúng tôi. Chúng tôi phối hợp những thông tin thật và
giả và tán phát chúng làm thế nào để củng cố chính sách của chúng tôi, làm suy yếu chính
sách và tổ chức của Tây Đức, và gây tổn hại cho uy tín của những cá nhân. Phản thông
tin đối với chúng tôi không cần vì bao lâu các đảng viên Quốc Xã cũ nằm ở các địa vị
then chốt tại Tây Đức, chính quyền Cộng Hòa Liên Bang Đức bị áp lực phải thực thi
chương trình tái vũ trang quá sớm ngay sau sự thất bải thảm não của đất nước trong cuộc
phiêu lưu quân sự của Hitler, và báo giới Tây Đức luôn chực sẵn để đăng những vụ chính
trị xấu xa.
 Nhóm nhỏ chuyên về « những biện pháp tích cực » trưởng thành trong Tổng Cục 10 của
cơ quan Tình Báo Hải Ngoại HVA, được chính thức thành lập năm 1956 với mục đích
mau chóng tác động đến truyền thông Tây Âu và Hoa Kỳ để thích ứng với chính sách của
họ đối với khối Xô Viết. Người cha tinh thần của tổ chức này là Ivan Ivanovich Agayang,
một chuyên viên tình báo có học thức uyên bác mà các người thừa kế trong KGB khống
đáng cột dây giày cho ông.
 Nước Đức trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh là một nơi lý tưởng để áp dụng những biện
pháp này. Chúng tôi lẽ cố nhiên có cùng một ngôn ngữ và lịch sử. Đông Văn Phòng của
Đảng Dân Chủ Xã Hội tung bong bóng và ném truyền đơn vào lãnh thổ của chúng tôi
theo lệnh của tình báo Hoa Kỳ, vì vậy chúng tôi đương nhiên không phải là người duy
nhất dùng trò này ngay từ lúc khởi đầu. Bộ Quốc Phòng  của chính quyền Bonn cũng
thiết lập một bộ phận « Quốc phòng Tâm lý », không liên quan gì đến quốc phòng và chỉ
chuyên chú về chiến tranh tâm lý. Chúng tôi biết được điều này do một cựu đại úy khu
trục hạm Wilhelm Reichenburg, đã làm việc trong bộ phận này với mật danh Admiral
(Đô đốc) và cung cấp những tài liệu tình báo mật cho chúng tôi. Sau khi ông về hưu năm
năm 1978, ông trở thành chủ tịch của nhóm nghiên cứu chính sách quốc phòng của Đảng
Thống Nhất Xã Hội Thiên Chúa Giáo Bavaria tại Munich, cho đên khi ông bị bắt năm
1984; ông bị tố cáo làm gián điệp cho chúng tôi vì tiền trong vòng mười bốn năm. Trước
khi Reichenburg bị bắt, chúng tôi tìm cách báo động cho ông và những giao liên trong
cuộc gặp gỡ tại Viện Bảo Tàng Vương Quốc ở Amsterdam dưới bức tranh Canh Khuya
(Night Watch) của Rembrandt, nhưng cuộc hẹn đã không thành. Dù sao đi nữa, những lời
chứng trong lúc xét xử Reichenburg gây tổn thương cho một viên chức lãnh đạo trong
phản gián Tây Đức có mối liên hệ mật thiết với ông. Về phần chúng tôi, đây không phải
là hiệu ứng không mong muốn của chúng tôi vì nó đã gây tổn hại đến uy tín của phản
gián Tây Đức, mặc dù người của chúng tôi bị lộ.
 Cơ quan CIA cũng phát động một chương trình chiến tranh tâm lý vào những thập niên
1950 và 1960. Ai cũng biết rõ mối liên hệ giữa CIA và các tổ chức như Radio Free
Europe (Đài Châu Âu Tự Do) và RIAS (Radio In America Sector, Đài Phát Thanh trong
Khu Vực Hoa Kỳ); trong tất cả những phương tiện dùng để ảnh hưởng đến quần chúng
để đánh phá Đông Âu trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, tôi đánh giá những cơ quan này
hiệu nghiệm nhất. Chúng cung cấp những phương tiện toàn hảo để phản tuyên truyền,
dùng những tin tức của những nhóm đối lập và của các công dân đã trốn chạy các nước
chư hầu bởi vì họ chống đối về mặt ý thức hệ với chế độ. Hơn nữa họ rất nhạy bén khi có
bất cứ chỉ dấu bất ổn nào xảy ra trong khối Đông Âu, họ cung cấp những dữ kiện đúng
thời điểm và đầy đủ chi tiết để những kẻ đối lập có thể hoạch định và phản ứng nhanh
chóng với những sự cố đã bị các cơ quan truyền thông Cộng Sản bưng bít hoặc che đậy.
 Tôi biết khá rõ công việc này, và kinh nghiệm của tôi trong Đài Phát Thanh Nhân Dân
Đức (Deutsche Volkssender) tại Moscow trong những thập niên 1940 là một căn bản hữu
dụng. Khuôn mẫu của đài phát thanh, kêu gọi các thính giả Đức đứng dạy chống Hitler,
là Đài Phát Thanh Calais của Lính (Soldatensender Calais), phát thanh từ  nước Anh, do
Sefton Delmer khôn khéo điều khiển một cách điêu luyện. Ý định của Delmer là cung
cấp những thông tin xác thật nhất, thông báo những sự cố có thật pha lẫn với những câu
chuyện chế biến về mức độ chống đối trong hàng ngũ quân đội Đức, trong Đảng Quốc
Xã và dân về SA. Những câu chuyện được truyền thanh trong một ngôn ngữ bình dị –
gần gũi với những tiếng lóng và truyện khôi hài của lính Quốc Xã – của dân thường, khác
với giọng điệu khoa trương và trịnh trọng của ngành tuyên truyên Xô Viết. Qua các tù
bình chiến tranh và các lá thơ của binh lính được thu hồi, chúng tôi biết việc này có hiệu
quả và tác động suy nghĩ chống lại cấp lãnh đạo Quốc Xã và chiến tranh.
Sefton Delmer phát thanh sang Đức
 (Ảnh của Delmer estate)
Chúng tôi quyết định xem xét lại toàn bộ Đài Phát Thanh Nhân Dân Đức để điều chỉnh
cho giống đường hướng của đài phát thanh Delmer và tạo dựng những câu chuyện để
được phát thanh từ trong lòng nước Đức chứ không phải từMoscow. Một huyền thoại
phức tạp về mối liên hệ với kháng chiến ẩn núp được dàn dựng và chúng tôi tuân thủ
nguyên tắc của Delmer là pha lẫn sự nguy tạo với những sự kiện có thực, cân nhắc tỷ lệ
cho đến khi chúng tôi hoàn thành, theo sự lạc quan của tôi, một đài phát thanh có thể
tranh đua với những cố gắng thời chiến của Hoa Kỳ và Anh Quốc.
 Tại Tổng Cục 10, chúng tôi cũng theo một mô hình tương tự, tìm kiếm liên hệ với những
ký giả phương Tây thích hợp. Chúng tôi có khuynh hướng tránh né những phóng viên
được công nhận tại Đông Bá Linh, bởi vì chúng tôi nghĩ họ có thể do phản gián Tây Đức
cài vào. Chúng tôi tập trung vào những loại ký giả sưu tra tự do vì họ không cầu kỳ với
những mối liên hệ họ có và những người họ đi cùng, và họ sung sướng nhận một tài liệu
từ bất cứ ai miễn là họ có được một câu chuyện lấy ra từ đó.
 Chúng tôi cũng có liên lạc với Gerd Heidemann, ký giả lập dị của tuần báo Stern đã từng
tung ra thị trường nhật ký giả mạo của Hitler trong những thập niên 1980, mặc dù vào lúc
đó chúng tôi không hề biết công việc này của ông. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, khi
chúng tôi liên lạc với ông ta, ông để ý đến việc tìm kho tàng nghe nói là đưa lên một
trong những chiếc phi cơ Đức cuối cùng rời nước Đức khi Đồng Minh tiến vào Bá Linh.
Heidemann đoan chắc vật giấu đã được các cảm tình viên của Quốc Xã chôn vùi đâu đó
gần biên giới Đông Đức với Czechoslovakia, và trong một cuộc thương lượng phúc tạp
trong những điều kiện tuyệt mật với Bộ Công An, ông được phép đào ở vùng này. Nhưng
than ôi, kho tàng không thấy đâu cả, nhưng danh tiếng là người đã có những môi liên lạc
kín đáo với Đông Đức cho ông cái cớ tuyệt hảo để thình lình xuất trình nhật ký đã bị thất
lạc bấy lâu nay và tuyên bố nó xuất phát từ Moscow. Sáng chế này cuối cùng bị bại lộ và
tài liệu là đồ giả mạo, những trước đó nó đã làm ô danh một số các nhà xuất bản Tây
phương đã nhúng vào chuyện này và các sử gia đã xác minh tài liệu này là thật.
Gerd Heidemann của tuần báo Stern với Hồi ký Hitler giả
Mặc dù cơ quan tình báo hải ngoại HVA không dính lìu gì với trò xỏ lá này, những trò
giả mạo là một phần sáng chế của Tổng Cục 10. Cho dù chúng tôi nhắm vào chính quyền
Tây Đức, cơ sở kinh doanh lớn, nhà xuất bản hoặc một đảng phái chính trị, mục đich là
luôn luôn hủy hoại sự tín nhiệm của quần chúng trong các cơ quan mới và phần lớn chưa
trưởng thành của đất nước và do đó gieo nghi ngờ về đường hướng chính trị của phương
Tây. Các tổng cục trưởng đều có khuynh hướng theo lời chỉ dẫn của cha đẻ phong trào
Cơ Đốc Giáo, Martin Luther: « Mỗi một dối trá cần có bảy dối trá theo sau để cho nó
giống với sự thật và có hào quang của sự thật ».
 Tuy nhiên, nguyên tắc của tôi là bám sát tối đa với sự thật, đặc biệt khi có quá nhiều để
dễ dàng hỗ trợ cho mục tiêu của tổng cục. Chúng tôi tán phát những thông tin thật về
những những mối liên hệ Quốc Xã của nhiều chính trị gia lãnh đạo Tây Đức và các quan
tòa, không kể đến Chủ tịch Heinrich Lübke; thủ tướng Kurt-Georg Kiesinger, một thành
viên cũ của đội tuyên truyển của Goebbels; và Hans Filbinger, thủ tướng của Baden-
Württemberg, vào thời ông là ủy viên công tô Quốc Xã đã kết án tử hình binh sĩ và nhiều
người khác.
 Công việc phá vỡ uy tín Tây phương là một công việc chuyên biệt rất cao. Các sĩ quan
đánh giá nội dung câu chuyện nghe lén qua điện thoại giữa các bộ trưởng hoặc những
giám đốc ngân hàng, tìm kiếm những tin tức không phổ biến cho quần chúng về những
vấn đề nhạy cảm như việc xuất khẩu vũ khí hoặc những thủ đoạn chính trị. Sau khi nhận
diện được điểm yếu và những màn che dấu, họ sẽ gài thông tin này vào trong một hồ sơ,
và dùng các điệp viên ngụy trang tại Tây Đức và Tây Bá Linh, trao tận tay các ký giả mà
chúng tôi biết sẽ theo dõi câu chuyện. Bản sao thường được chuyển không sửa đổi, và
chúng tôi cố gắng lèo lái mối nghi ngờ sang phía Tây phương là nguồn cung cấp tin tức
nghe lén trên điện thoại, và mọi người ai cũng biết là Cơ Quan An Ninh Quốc Gia của
Hoa Kỳ (NSA) dàn trải trên một quy mô rộng lớn. Bối rối vì thông tin thật nhưng bị cắt
xén được tung ra ngoài, các đối tượng nằm trong vị thế không thể tự bào chữa, còn tệ hại
hơn cả những lời tố cáo được bịa đặt.
 Nhưng rủi thay, chuyên nghệ cao cấp này có những động năng của nó, và các sĩ quan
làm việc này tỏ vẽ hãnh tiến vì đã cung cấp những tài liệu sao chép có tính thuyết phục
theo kiểu mẫu phát biểu hoặc lối hành văn đặc biệt của hàng trăm cơ quan khác nhau của
Tây Đức. Những người này có khuynh hương dùng tài năng của mình một cách điên rồ,
mà tôi phải ân hận nói rằng tôi đã cho phép họ làm để không ngăn cản sáng kiến và trí óc
sáng tạo của họ. Họ vượt lên trên giới hạn cho phép của một cơ quan tình báo, chẳng hạn
như ngụy tạo những lời khai của kỹ nghệ gia Đức Hans-Martin Meyer bị đội Hồng Quân
bắt cóc trước khi họ sát hại ông năm 1977. Trớ trêu thay, Herbert Bremer, người trong
Tổng Cục 10 đã từng miệt mài để xuất trình tài liệu giả này từ một núi thông tin thật, là
người đầu tiên bán câu chuyện này cho báo giới sau khi Cộng Hòa Dân Chủ Đức sụp đổ.
 Không như các đồng nghiệp đầy năng lực và sáng kiến, trong thâm tâm tôi không tin loại
công việc mờ ám này sẽ đánh đổ trật tự của khối tư bản. Một cách đơn thuần hơn, tôi thấy
sự hữu dụng của nó là hạ bệ trong trò chơi tuyên truyền những kẻ chống đối Đông Đức
đặc biệt ngoan cường và nhiều sáng kiến, có nhiều ảnh hưởng đến chính sách và dư luận
quần chúng. Trùm báo chí Axel Springer là kẻ thù chính của chúng tôi trong trận chiến
này. Đế chế của Springer bao trùm tờ báo phổ biến rộng rãi Bild-Zeitung cũng như tờ Die
Welt, tờ báo có uy tín trong chính quyền Tây Đức và giới hành chánh. Springer chống
đối kịch liệt việc công nhận ngoại giao Đông Đức. Cho đến giũa những thập niên 1980,
những tờ báo của ông in những chữ tắt của Cộng Hòa Dân Chủ Đức, DDR (Deutsche
Demokratische Republik), trong ngoặc kép. Springer dùng những tờ báo này để đả phá
những hiệp ước công nhận sự chia đôi nước Đức và việc bình thường hóa kinh doanh
giữa hai miền bị cắt đôi. Cấp lãnh đạo của chúng tôi, vì lo lắng cho việc thế giới công
nhận và những cơ hội trao đổi thương mại và ngoại giao phát xuất từ những thỏa ước này,
ra chỉ thị cho các cơ quan tình báo áp dụng tất cả mội biện pháp cần thiết để phản bác lại
những tiếng nói của Tây Đức.
 Giống như những tờ lá cải của Springer, tuần báo phổ biên rộng rài Quick cũng là môi
trường để bày tỏ những tiến nói như vậy. Chúng tôi gặp may mắn lớn: người chủ bút
Hans Losecaat van Nouhuys, trước đây là nguồn tin tức chúng tôi bắt gặp trong lần dàn
dựng một ổ mãi dâm trá hình, vẫn còn là điệp báo làm việc cho cơ quan của tôi trong
những thập niên 1950 với bí danh Nante, cung cấp những tài liệu giá trị lấy từ trong nội
tình của chính giới của Bonn. Vào khoảng giữa những thập niên 1960, sự công tác của
ông với chúng tôi bị đình chỉ, nhưng ông lại những tưởng công tác sẽ hoàn toàn chấm dứt
và sẽ không bao giờ trở lại ám ảnh ông nữa. (Điều làm tôi kinh ngạc là các điệp viên
phương Tây đã từng dính líu với cơ quan tình báo của địch nghĩ rằng họ làm chủ được
vận mạng của họ. Không có một hợp tác nào với cơ quan tình báo lại bị bỏ quên. Họ có
thể khuấy động trở lại và quay ngược chống lại anh cho đến khi anh chết mới thôi).
 Chúng tôi quyết định gạt sang một bên nguyên tắc không bao giờ tiết lộ danh tính của
nhân viên điệp báo và loan báo chủ nhiệm của một tuần báo chống đối quyết liệt những
hiệp ước với Đông Đức đã nhận tiền lương của Đông Bá Linh nhiều năm qua. Chúng tôi
phối hợp việc tiết lộ này với một công tác khác, đặc biệt là vụ điều tra cái chết của một
doanh nhân Tây Đức tên Heinz Bosse, đã từng có mối liên hệ tốt với Bonn và đã tử
thương trong một tai nạn lưu thông ở Đông Đức. Thực ra Bosse có một vài liên hệ với
tình báo Đông Đức và qua đây để tham viếng xã giao không ngờ xe của ông ta trượt bánh
trên đường trơn ướt trên đường trở về Tây Đức. Tin đồn được tức khắc phổ biến quanh
cái chết bí mật của một người đã từng có những mối liện hệ bí mật với cả Đông lẫn Tây
Đức, trong đó có Karl Wienand, một dân biểu của đảng SPD. Tai nạn này chỉ là một tai
nạn lưu thông bình thường và chúng tôi cố tìm cách chứng minh điều này bởi vì những
mối nghi ngờ về cái chết của ông là một mãnh lực khiến cho các nguồn tin và điệp viên
Tây Đức khác của chúng tôi không dám di chuyển đôi lúc sang Đông Đức để tham khảo
hoặc để chuyển giao tài liệu. Chúng thực hiện một việc hi hữu là mời phóng viên điều tra
của tuần báo Stern để tìm hiểu về tai nạn này và cho phép họ vào phòng giảo nghiệm và
tiếp cần những biên bản liên hệ.
 Chúng tôi lợi dụng chuyến đi của ký giả tuần báo Stern để kín đáo gây sự chú ý về hành
tung của van Nouhuys. Chúng tôi không phải tốn công sức nhiều, vì tờ Stern – thường có
đường hướng bảo thủ – là đối thủ kịch liệt nhất của Quick. Câu chuyên xuất hiện trên tờ
Stern đúng như chúng tôi dự liệu. Van Nouhuys bị đuổi, nhưng Quick đã nhảy vào một
trận chiến luật pháp kéo dài vụ kiện tuần báo Stern để  biết câu chuyện có thật hay không.
Tòa án phải mất nhiều năm để phán quyết thuận lợi cho Stern, một chỉ dấu chứng tỏ sự
khó khăn trong việc giải quyết qua phương pháp của luật pháp những cái vã phát xuất từ
thế giới phức tạp của tình báo.
 Những câu chuyện cá nhân tại Đức có khuynh hướng thay đổi rất là oái ăm. Không bao
lâu sau khi Đông Đức sụp đổ và các hồ sơ của Stasi công khai rộng mở, trong đó những
chi tiết về sự phản bội của Van Nouhuys vẫn còn được lưu giữ, cùng với hàng trăm ngàn
câu chuyện đời định mệnh, đáng quở và thảm khốc của những người khác, tôi mở xem
một tờ báo lá cải và thấy lời chú giải của Hans van Nouhuys đập vào mắt tôi. Luôn thay
đổi để thích ứng với thời thể, anh ta đã tự chuyển hóa để biến thành một chuyên gia về
Bộ Công An và cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức.
*
Cái khó khăn của các cục « phản thông tin », như mọi giám đốc tình báo trên thế giới đều
biết, là họ có khuynh hướng đáng tiếc tự phát.Các chuyên gia làm việc trong những cục
này nặn ra càng lúc càng nhiều những chuyện hoang đường và táo báo. Một trong những
giai đoạn mà tôi vẫn còn cảm thấy ghê tởm cực độ phát xuất từ tổng cục trách nhiệm về
tôn giáo và đối lập; cơ quan này không do tôi kiểm soát, và trong trường hợp này kẻ thủ
phạm đượcMoscownâng đỡ và xúi giục. Vào đầu những thập niên 1980, sợ rằng các sinh
hoạt tân Quốc Xã tại Tây Đức lan tỏa và ảnh hưởng đến giới thanh niên Đông Đức, tổng
cục này đã tự ý sản xuất những tài liệu tuyên truyền tân Quốc Xã sao chép văn phong lỗ
mãng và cuồng loạn của phương Tây và gởi sang Tây Đức. Như họ mong đợi, những tờ
rơi này làm cho mọi người tưởng chúng là thật, đưa đến việc bàn thảo tại Quốc hội
(Bundestag). Tôi thấy cái trò bẩn thỉu thật là nguy hiểm; một vài vị quan Xô Viết đỡ đầu
cho sáng kiến này cảm thấy sung sướng thấy chúng tôi cuối cùng đề cao những tập hợp
tân Quốc Xã trong mục đích gây rối loạn hàng ngũ Tây Đức.
 Yếu kém cơ bản của khối tình báo Xô Viết là áp lực chính trị liên tục để sản xuất chứng
cớ về thói hư tật xấu của phương Tây và dùng chúng trong tuyên truyền quy mô để chống
phá kẻ thủ. Trận chiến tuyên truyền của Chiến Tranh Lạnh dùng những từ ngữ đạo đức để
che dấu trên thực tế bản chất kỹ thuật và quân sự của cuộc xung đột. Nhưng để cho quần
chúng ở hai bên bức màn sắt tiêu thụ, chính quyền của đôi bên vì vấn đề sinh tử phải biến
kẻ thù thành quỷ dữ và từ đó họ tuyên bố họ hành động có chính nghĩa và có luân lý
trong khi đó kẻ đối nghịch phá vỡ nguyên tắc cư xử văn minh.
 Hậu quả độc hại của việc này là lâu lâu có những sĩ quan tình báo bịa chuyện hoàn toàn
để chứng tỏ với bộ tổng tham mưu họ đang phản công kể thù trong khi họ chẳng làm gì
hết. Người ta được biết các sĩ quan tình báo Moscow cư trú tại các sứ quan ở ngoại quốc
lâu lâu gởi báo cáo về đã gặp gỡ các điệp viên và các nguồn tin ma, để xuất hiện trước
mắt cấp trên của mình như một người chăm chỉ làm việc.
 Loại phong cách này không thể che dấu được lâu trong tình báo hải ngoại, bởi vì tất cả
thông tin do điệp viên và nguồn tin thâu lượm được đều được các sĩ quan nghiên cứu kỹ
lưỡng không chậm trễ, do đó những mánh khóe và những trò quái gở sẽ bị phát giác
nhanh chóng một khi thông tin nguyên thủy được đem ra đối chiếu. Tuy nhiên, nguy cơ
có những hành động như vậy rất dễ xảy ra trong cơ quan phản gián. Nơi đây, Mielke tạo
nên một không khí nhà kính bằng cách ép buộc các sĩ quan thực hiện những việc không
thực tế để chứng tỏ với nhóm Xô Viết và cấp lãnh đạo của chúng tôi chỉ có nhân viên của
ông mới đánh bật được gián điệp của phương Tây ra khỏi nước CHDCĐ. Năm 1979
phong cách này cuối cùng dẫn đến sự việc đáng tiếc của ASA.
 Đôi lúc các kẻ đào thoát từ Quân Đội Nhân Dân sang Tây Đức và cảm thấy cuộc sống ở
đây không quyến rũ và dễ dàng như họ thấy trên màn ảnh truyền hình, xin trở về Đông
Đức. Vị thế của những kẻ đào ngũ như vậy luôn luôn bấp bênh. Họ được phép như vậy vì
sự trở về của họ là một phương tiện tuyên truyền tốt và ngăn cản rất hưu hiệu những ý đồ
đào thoát sau này. Cùng lúc đó, kẻ đào thoát trở về không được chính quyền tin tưởng.
Để có một căn nhà ở hoặc việc làm tươm tất, họ phải chứng minh trước những câu hỏi
dồn dập và chẳng nhã nhặn tí nào là lần này họ phải trung thành với nhà nước xã hội chủ
nghĩa. Không cần phải là tâm lý gia Freud, mọi người đều biết ở thời điểm này về tâm lý
họ rất dễ uốn nắn.
 Một trong những mục đích của cuộc thẩm vấn là khám phá xem kẻ trở về có bị tình báo
Tây Đức kết nạp không, và nếu có, phương pháp nào đã được áp dụng. Khốn thay, văn
phòng Tổng Cục 9 của Bộ Công An tại vùng Suhl (Tổng Cục 9 phụ trách về thẩm vấn)
không gạt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực này. Ít ai trong số những người bị
thẩm vấn có cơ hội gặp gỡ các cán bộ tình báo Tây phương để được kết nạp, hoặc nếu có,
chỉ ở mức độ tổng cục trưởng không xem là quan trọng để gây ấn tượng với bộ tổng tham
mưu ở Đông Bá Linh.
 Một hôm, hai sĩ quan trung cấp báo cáo là họ đã chấm dứt việc thẩm vấn một lính đào
ngũ trở về thú nhận đã nhận tiền của người Mỹ. Đây là một khám phá hay ho hơn là một
người làm việc cho Tây Đức. Các sĩ quan báo cáo người này đã được sĩ quan Hoa Kỳ
huấn luyện kỹ thuật khuynh đảo bạo động tại những căn cứ tái định cư cho những người
Đông Đức đào thoát. Những năm tháng tuyên truyền về những kế hoạch của phương Tây
nhằm phát động một cuộc chiến ngấm ngầm tại Đông Âu đang đem lại kết quả. Người
này nói rằng Hoa Kỳ đặt tên cho mỗi một người Đông Đức là một « điệp viên công tác hạ
tầng cơ sở đặc biệt » hoặc là ASA, viết tắt từ danh từ Đức Agent mit spieller
Auftragstruktur.
 Điều này lý ra phải gây báo động. Khởi sự, đây là một cụm từ có âm hưởng Đức, không
có âm hưởng Hoa Kỳ – đặc biệt hơn nữa, đây là tiếng Đông Đức bình dân có tính cách
khoe khoang. Một sự pha trộn giữa những lời mớm của sĩ quan thẩm vấn và cảm nghĩ của
kẻ đào ngũ trở về cho rằng câu chuyện hoang đường của mình càng màu mè chừng nào
càng được chính quyền chiếu cố chừng ấy đã khiến cho mọi người thi nhau nhận mình là
ASA. Bộ tổng tham mưu của Tổng Cục 9 ở Bá Linh cũng nhúng tay vào, và các quận
khác cũng tham dự; Rostock trên vùng biển Baltic cũng đóng góp một câu chuyện, do lời
khai báo của một ASA, về một chiếc tàu ngầm bí mật.
 Mielke vui mừng nghe những tin này, vì chúng xác quyết những tiên đoán báo động về
mức độ xâm nhập của phương Tây vào Đông Âu và nhu cầu giám sát kỹ lưỡng quần
chúng. Trong một cuộc họp với Andropov tôi có mặt, ông khoe khoang ông có những tin
tức xác thực về hiểm họa của một cuộc chiến tiềm tàng. Ông trao cho Andropov một tài
liệu tối mật vạch rõ những nơi chốn của chiếc tàu ngầm tí hon và, liếc nhìn tôi một cách
đắc thắng, giải thích dông dài đây là kết quả của công trình phản gián của ông chứ không
phải là của cơ quan Tình Báo Hải Ngoại HVA do tôi lãnh đạo.
 Không ai dám hỏi người Xô Viết đã làm gì với những tài liệu này, vì không bao lâu sau
đó, một đồng nghiệp trong quân báo của Bộ Quốc Phòng báo cho biết một vụ xì-căng-
đan đang âm ỉ. Những chuyên gia hàng hải và chiến lược của họ tuyên bố, khi phân tích
những dữ kiện này, về mặt vật lý Hoa Kỳ hoặc bất kỳ ai không thể nào đặt một chiếc tầu
ngầm dưới biển nơi điệp viên công tác hạ tầng cơ sở đặc biệt nói trên đã thấy nó. Lần lữa,
những lời khai của điệp viên ASA tan theo mây khói. Việc khám phá những lời khai này
hoàn toàn bịa đặt là do luật sư nổi tiếng Wolfgang Vogel chứ không do những cuộc điều
tra trong nội bộ cơ quan. Ông Vogel được mời gọi bào chữa cho những ASA kém may
mắn này (những kẻ đào ngũ mặc dù thú nhận đã tham gia trong công tác ASA để được
nhẹ tội vẫn bị truy tố về tội đào ngũ). Một cách khôn ngoan, Vogel điều tra tỉ mỉ những
câu chuyện của họ và khám phá phần lớn là do các thẩm vấn viên trong Tổng Cục 9 tự
gài đặt vào. Tệ hơn nữa, xem ra các vị sĩ quan cao cấp trong ngành điều tra không hề tin
những lời khai của những ASA, nhưng vì họ bị tràn ngập với những lời khai lý thú này và
sự thèm khát những câu chuyện như vậy trong ngành phản gián tại Đông Bá Linh, họ
không thể hoặc không muốn ngăn chặn cái trò này để nó không tự khai triển động năng
của nó.
 Mielke phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ. Ông cách chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục
9 và ra lệnh điều tra. Ông cho một bài lên lớp nghiêm chỉnh về nhu cầu các cơ quan an
ninh phải tôn trọng pháp luật. Ông kêu gọi kiểm sóat kỹ lưỡng hơn các thẩm vấn viên và
luôn tôn trong quyền người công dân. Ông quát tháo: « Một lời thú tội không thay thế
cho nhu cầu triển khai sự thật một cách độc lập. Phương châm thà bất nhiều hơn bắt ít
không thể chấp nhận được ». Chúng tôi tự hỏi đây có phải là một Mielke mới không ?
Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm khi ông kết thức bài giảng với lời khích đông: « Các đồng
chí, kẻ thù phải được đối xử như kẻ thù – không nhân nhượng ! ». Cuối cùng chúng tôi
thấy ông đã trở lại bình thường.
 Tôi không biết ông có tự thú nhận cái trò ASA là do bầu không khí lồng kính hâm nóng
ông đã tạo nên. Toàn bộ sĩ quan cao cấp trong Tổng Cục 9 tạiSuhl đã được âm thâm thay
đổi, tuy nhiên không một người trách nhiệm nào bị trừng phạt. Rõ ràng ông bộ trưởng
nghĩ rằng sự kín đáo là một lối hành xử khôn ngoan.
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 18 (Markus Wolf)                          
 “…Mielke không bao giờ ngờ việc này có thể xảy ra, nhưng việc giao du với nhóm
khủng bố đã vượt quá tầm kiểm soát…”
Chương 13
Phong trào khủng bố và Cộng Hòa Dân Chủ Đức
Ngày 13 tháng 9 năm 1993, Yassir Arafat, chủ tịch của Tổ chức Giải Phóng Palestine và
Yitzhak Rabin, thủ tướng Israel, bắt tay nhau trên sân cỏ Tòa Bạch Ốc niêm ấn hiệp ước
biểu tượng cho một bước tiến lịch sử trên con đường đi đến hòa bình ở Trung Đông. Một
năm sau cả ngườiPalestinevà người Do Thái được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Trong những năm trước khi xảy ra sự kiện nức lòng này, mối liên hệ với Arafat hoặc tổ
chức của ông bị kết án tức khắc là kẻ a dua hoặc ngay cả là kẻ đỡ đầu cho khủng bố quốc
tế. Gần hai năm sau, vào ngày 4 tháng 11 năm 1995, Rabin đã phải trả mạng sống của
mình vì ban tay của những kẻ khủng bố Do Thái. Đây là những miả mai của lịch sử.
 Mọi người đều nói các sử gia trong tương lai sẽ coi nước Cộng Hòa Nhân Dân Đức là
một trong những nước ủng hộ tích cực phong trào khủng bố. Tôi và công trình của tôi bị
gạt phăng trong những vụ tố cáo, và lời tố cáo nặng nề nhất đến từ phía người Hoa Kỳ.
Hình như họ đã quên chính công việc lâu nay của họ là đã ủng hộ những tên độc tài tàn
bạo và tấn cống các chính quyền hợp pháp, một cách công khai và một cách ngấm ngầm,
từ việc lật đổ Mossadegh tại Iran, Arbenz Guzman ở Guatemala, và Allende ở Chili để hỗ
trợ cho nhóm độc tài gia đình trị Somoza ở Nicaragua và rất nhiều kẻ khác giống như họ
trên khắp thế giới.
 Những mối liên kết xấu xa này của cả hai bên là hệ quả bi thảm của Chiến Tranh Lạnh.
Việc công khai hóa những hồ sơ của Bộ Công An không hề cho thấy ngành tình báo hải
ngoại chúng tôi, cơ quan HVA, có ít nhiều cộng tác với những tổ chức như là Tổ Chức
Giải Phóng Palestine (PLO) và  Cộng Hòa Dân Chủ Đức hỗ trợ cho một vài nhóm có liên
can đến phong trào chính trị khủng bố.
 Bởi vì tôi là giám đốc của ngành cơ quan tình báo của bộ, cho nên không ai lấy làm ngạc
nhiên là tôi phải biết tất cả về những mối liên hệ của chính quyền của tôi với nhóm khủng
bố. Trên thực tế tôi biết Đông Đức có mối liên hệ với các tổ chức mà phương Tây cho
rằng họ là khủng bố. Nhưng, như tôi giải thích sau đây, tôi không được biết những chi tiết
công tác quan trọng. Trách nhiệm hàng đầu của tôi là tình báo: thu thập tin tức, nhất là tin
mật. Đó là điệp báo chứ không phải là khủng bố. Cá nhân tôi chưa hề can dự trong việc
lập kế hoạch hoặc thực hiện những hành động khủng bố.
 Để hiểu nghịch lý của một anh trùm gián điệp không hề biết những mối quan hệ chằng
chịt của ngoại giao, tôi cần phải viết hai điều: thứ nhất, những cuộc đấu tranh giải phóng
của Thế Giới Thứ Ba đã vướng mắc như thế nào vào trong Chiến Tranh Lạnh; và thứ hai
như thế nào nguyên tắc phân ly cứng rắn của Bộ Công An đã tạo nên sự tôn thờ tuyệt đối
đầu óc mưu đồ và che dấu bí mật.
 Những giải thích trên không phải là để tìm cách bào chữa cho những gì đã xảy ra và tôi
muốn mọi người thấy rõ mục đích của tôi không phải là để chạy tội. Thức tế là nước
Cộng Hòa Dân Chủ Đức (CHDCĐ) và các cơ quan tình báo hỗ trợ kỹ thuật và tài chánh
cho những tổ chức mà chúng tôi xem là chính đáng, và một vài tổ chức đi vào con đường
khủng bố giết hại thường dân trong chính sách của họ. Nước này cũng bảo vệ những kẻ
khủng bố trốn chạy Liên Bang Đức. Tôi không tham gia vào việc này, những người khác
đều nhưng tay. Họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi. Có lẽ may mắn cho tôi là
Mielke, bộ trưởng Bộ Công An, không muốn cho tôi biết, bởi vì điều này sẽ làm tôi sao
lãng không tập trung công tác thu thập những bí mật ở hải ngoại.
 Có quá nhiều trách nhiệm cần được chia sẻ và quá nhiều hối tiếc cần phải bày tỏ. Tôi
phải nhấn mạnh tất cả những sai trái chúng tôi đã làm không thể nào bào chữa được với
những gì phương Tây đã làm dưới chính ngọn cờ của họ trong cuộc chiến chống lại chủ
nghĩa cộng sản, đã khiến cho Việt Nam và một vài nước ở Trung Mỹ và châu Phi phải
điều tàn sau khi cuộc chiến địa lý chính trí đã kết thúc. Đây là phương cách cuốc chiến đã
diễn ra trên một vài chiến tuyến; tôi không tiếp tay cho kẻ khủng bố theo đường hướng
này, nhưng chúng tôi chắc chắn đã huấn luyện và đào tạo những con người theo những
phương pháp mà sau này họ lạm dụng.
 Điều này nghe có vẻ phi đạo lý, xuất phát từ một người sống trong một đất nước đã từng
bị những báo cáo của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) chỉ trích trong cách đối xử
với những người bị bỏ tù vì tội chống lại nhà nước. Tôi không dám nói là việc thẩm vấn
và tiến trình gửi trả về trại giam trong nước chúng tôi không có gì để chê trách, cũng
không dám nói là tôi đã lên tiếng đủ để chống lại sự hà khắc của họ vào lúc đó. Nhưng tôi
vẫn phân biệt rõ rệt giữa những chế độ trong đó phẩm cách và tự do của con người bị
tước đoạt vì chính sách quá tích cực của công an nhà nước – đó là hệ quả của việc đàn áp
tại Đông Đức – và việc tra tấn có phương pháp để trừng trị những người đối lập chính trị.
Lằn ranh giữa phong cách quá tích cực và sự tàn bạo đã bị vượt qua tại Thế Giới Thứ Ba,
và chó dù không cố ý, chúng tôi và các đối thủ phương Tây giúp họ bước qua lằn ranh
này. Thử hỏi chúng tôi có ý thức được những gì chúng tôi cung cấp có thể được dùng
theo những đường hướng mà chúng tôi không đồng ý ? Lẽ cố nhiên, nhưng tôi không tin
rằng Honecker và ngay cả Mielke tìm cách chế tài những hành vị khủng bố hoặc vũ lực
đối với dân thường. Với tư cách là một giám đốc của một cơ quan tình báo hải ngoại, tôi
chấp nhận trách nhiệm về những lạm dụng này – nhưng không phải là nhận tội. Đây là
một phân biệt về đạo đức mà tôi hy vọng độc giả chấp nhận để chấm dứt những thái quá
của thời buổi đó.
 Cuộc tranh luận về những định nghĩa khác nhau của « phạm tội » và « trách nhiệm » đã
trở nên mỗi lúc một sôi động hơn trong những năm gần đây. Để đem những danh từ này
trở về khung cảnh lịch sử của nó, chỉ có một thiểu số dân Đức có tội vì đã phạm những
tội ác dưới thời Quốc Xã, nhưng tất cả những Đức sống thuận theo chế độ Quốc Xã có
trách nhiệm về những hành vi này. Đây không phải là một sự phân biệt có tính cách hàn
lâm. Tội ác thuộc phạm vi xét xử của luật pháp, trách nhiệm thuộc pham vị của lương
tâm. Nếu chiếu theo pháp luật, chỉ cần nói tất cả những hồ sơ lưu trữ được đội ngũ cần
mẫn của những ủy viên công tố của Liên Bang Đức xem xét, họ không đưa ra được
chứng cớ nào, chưa nói đến tang chứng, về sự đồng lõa của tôi trong những hành động
bạo lực. Tôi cũng đệ ba đơn kiện những tờ báo nói rằng tôi biết Cộng Hòa Dân Chủ Đức
chứa chấp những kẻ khủng bố Tây Đức khi Bộ Công An làm việc này; tôi không hề biết.
Hơn thế nữa, tôi bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán viện cớ là tôi đã
có lần thương thảo với bọn khủng bố. Tôi không thấy họ trưng bày chứng cớ để hỗ trợ
cho những lời kết án này. (Cũng nên chú ý là CIA không hề thắc mắc khi họ mời tôi sang
Hoa Kỳ năm 1990, mặc dù là Bộ Ngoại Giao hầu như không biết chuyện này khi họ ngăn
cấm tôi sáu năm sau.)
 Như câu chuyện của tôi sẽ làm sáng tỏ, các bộ trong cùng một chính quyền, ngay cả
những ngành có liên lạc mật thiết với nhau như cục đối ngoại và cục tình báo hải ngoại,
không nhất thiết phải biết cục kia làm gì – cho dù cục này nằm ở tại Langley, Virginia,
chi nhánh lớn của Washington, D.C, có biệt danh là Foggy Bottom (Cái Đáy Mờ Ảo),
hoặc là ở tại Đông Bá Linh khi nó vẫn còn là thử đô của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Tôi sẽ
đề cập ở đây những gì tôi biết và tôi để độc giả xem xét tội phạm của tôi, mà tôi từ
khước, đối nghịch lại với trách nhiệm tinh thần của tôi, mà tôi chấp nhận.
*
Tôi đang nói đến những mối tương quan với Thế Giới Thứ Ba mà chúng tôi liên kết trong
những phong trào giải phóng, và điều này chuẩn bị và điều kiện hóa chúng tôi để dễ chấp
nhận những tổ chức giải phóng áp dụng chính sách khủng bố. Nhìn lại, tiến trình này xem
ra không thể nào tránh được, nhưng vào lúc đó vẫn có thể tránh được. Tất cả khởi sự tại
châu Phi trong khoảng nửa quãng lịch sử ngắn ngủi của Đông Đức. Vào ngày 18 tháng
Giêng năm 1964, nước Cộng Hòa Zanzibar nhỏ bé, bao gồm hai hòn đảo nằm ngoài khơi
Đông Phi, tuyên bố độc lập. Đậy là mọt sự kiện chẳng lấy gì làm to tát lắm đối với thế
giới. Vào thời buổi này, các thuộc địa châu Phi luân phiên nhau tuyên bố độc lập, ngoài
những người sưu tập tem lạ, chẳng mấy ai để ý đến Zanzibar.
 Quốc gia tân lập này gây sự chú ý của chúng tôi khi họ thình lình muốn có quan hệ ngoại
giao với Đông Đức. Họ khiến quốc gia này trở thành một quốc gia không theo xã hội chủ
nghĩa đầu tiên thách thức chủ thuyết Hallstein của Bonn, theo đó Tây Đức ép buộc tất cả
các nước trừ Liên Bang Xô Viết lựa chọn một trong hai nước Đức. (Moscow là một ngoại
lệ để nhấn mạnh quan điểm của Bonn cho chúng tôi chỉ là bù nhìn của Moscow; họ là
những người duy nhất có quyền giữ liên hệ với cả hai nước Đức.) Zanzibar chọn chúng
tôi; chúng tôi không chọn họ. Rất có thể ông tổng thống Sheikh Obeid Karume không
biết rõ hệ quả của sự ràng buộc ngoại giao trong sự lựa chọn này khi, do sự khuyến khích
của một vài thành viên trong tổ chức thanh niên của ông đã có lần thăm viếng một khóa
học hè tại Đông Đức, ông chính thức công nhận đất nước chúng tôi. Ngoài những hệ quả
ngoại giao rộng rãi hơn, việc công nhận của một quốc gia châu Phi có nghĩa là chúng tôi
có những cơ hội mới cho những dịch vụ tình báo. Hoặc thảng tổng thống Karume không
ngoan hơn chúng tôi nghĩ, vì bên cạnh công hàm công nhận ngoại giao còn kèm theo một
loạt yêu cầu trợ giúp tài chánh và cố vấn an ninh, đặc biệt trong lãnh vực thu thập tình
báo nội địa và bảo vệ biên giới. Danh tiếng của chúng tôi đã quả nhiên lan rộng và đây
cũng là một cách tán tụng chúng tôi.
 Phình mũi do sự chiếu cố này, Mielke tìm kiếm một thí sinh để làm cố vấn cho cơ quan
an ninh mới ra đời của Zanzibar. Chúng tôi đồng ý đề cử TUosng Rolf Markert, một cựu
tù binh của trại tập trung Buchenwald và trở thành  sĩ quan cảnh sát cao cấp  sau chiến
tranh và hiện nay làm giám đốc vùng của Bộ Công An. Vì chúng tôi không hề có hiện
diện ngoại giao tại châu Phi vào lúc bấy giờ, mội người đồng ý là phải có một người hiểu
biết về các vấn đề ngoại giao tháp tùng Markert. Tôi chợt nảy ý và đề nghị chính tôi tháp
tùng.
 Đây là một ý nghĩ táo bạo để một giám đốc tình báo hải ngoại du hành đến một nơi mà
sự tâm phục chưa được rõ, đi ngang qua những lãnh thổ có mối liên kết chặt chẽ với
NATO để mà đến đó. Mielke có do dự đôi chút những cuối cùng cũng đồng ý. Tôi phải
một bài giảng dài về nhu cầu tuyệt đối bảo mật và cành báo không được đề cập công tác
này ngay cả vớii phó giám đốc của tôi. Mielke đich thân thu xếp vấn đề an ninh cho tôi
và ngay cả giám sát một kế hoạch cấp cứu khẩn cấp trong trường hợp tôi rơi vào một cặm
bẫy. Markert và tôi được cấp một loạt những thông hành Đông và Tây Đức giả với nhiều
tên khác nhau. Tuổi của chúng tôi được thay đổi trên giấy tờ và chúng tôi, với lòng thích
thú, khăn gói lên đường đến nhà một nghệ sĩ cải trang để làm mặt nạ. Mielke nhất định
buộc chúng tôi phải mang nó trong suốt hành trình. Cải trang của chúng tôi lẽ cố nhiên ăn
khớp với hình ảnh trên những giấy tờ căn cước giả mạo và trên đây chúng là những
chuyên viên về giáo dục người lớn.
 Chúng tôi khởi hành vào tháng Hai năm 1964, và trạm ngưng đầu tiên của chuyến bay là
Cairo. Markert và trưởng phái đoàn ngoại giao thực sự ngồi ghế thượng hạng, nhưng để
không ai chú ý đến tôi, tôi ghi tên là một đệ nhất tham vụ nhỏ bé và ngồi nghế hạng du
lịch. Khích động đầu tiên là một trận bão cát đã buộc chúng tôi phải hạ cánh xuống
Athens, đúng như mối lo ngại của Mielke, sợ tôi bị bắt trên lãnh thổ của NATO. Markert
và tôi , hai chúng tôi phân cách nhau và ngủ trọ tại hai khách sạn khác biệt. Điều này gây
lo ngại, bới vì chúng tôi biết thông hành Đông Đức không có sức bảo vệ nào trên lãnh thổ
của NATO. Sáng hôm sau, tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ để dán râu giả vào vị trí thích
hợp với hình ảnh trên giấy thông hành.
 Có những trạm thông quá ở lại lâu dài ở Cairo, Adis Abeba và Mogadishu. Cuối cùng
chúng tôi đến Nairobi, nơi đây chúng tôi bị lấy thông hành và chúng tôi không được phép
lấy chuyến máy bay liên kết. Chúng tôi đoán chừng tuyến đường của chúng tôi đã bị theo
dõi từ Cairo, nơi đây chúng phải kê khai với các viên chúc Anh để có chiếu khán để đi
Liên Hiệp Đông Phi (Zanzibar, Tanganyika, Kenya, Uganda). Sau một thời gian chợ đội
sốt ruột, chúng tôi không bị điều tra hơn nhờ sự can thiệp của bộ trưởng ngoại giao
Kenya Oginga Odinga, sau này trở nên phó tổng thống. Con của ông đang học tại Đông
Đức, và khi thấy tên quen thuộc của thứ trưởng ngoại giao Wolfgang Kiesewetter trên
danh sách của phái đoàn chúng tôi trình đệ cho ông ta, ông ra lệnh cho phép chúng tôi
tiếp tục cuộc hành trình. Khi chúng tôi tới Zanzibar, toàn bộ chính phủ ra đón chúng tôi,
một đội lính danh dự đóng bộ quân phục thời đế quốc Anh cũ và một ban nhạc cảnh sát
hòa tấu những bài van-sơ Áo. Họ đã yêu cầu chúng tôi đem theo quốc ca của Đông Đức,
nhưng trong lúc chờ họ tập hòa nhạc chúng tôi phải nghe những bài của Strauss. Ông thứ
trưởng ngoại giao gặp rất nhiều trở ngại trong lúc diễn hành quan sát đội lính danh dự với
nhịp điệu du dương của bài Giòng Sông Xanh (Blue Danube). Làm người Đông Đức ở tại
một nước Zanzibar thời hậu thuộc địa quả là một thú vị. Vào những ngày nghỉ trọng thể
như ngày 1 tháng 5 của chúng tôi, được đưa vào Zanzibar để vinh danh chúng tôi, chúng
tôi được quần chúng nhận diện nhanh chóng và bao quanh. Quần chúng vui vẻ tiếp thu
những mong đợi của chính phủ về chúng tôi. Các ca sĩ dẫn dắt đám đông hát những lời ca
tán túng vẻ đẹp và sự phồn thịnh của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Rõ ràng nước
CHDCĐ đã đạt được vị trí một đất nước thơ  mộng và  giàu có trong trí tưởng tượng của
quần chúng.
 Cho dù những buổi ăn mừng có đẹp đến đâu, tình hình không mất tốt đẹp. Những nỗ lực
của chúng tôi nhằm đặt để những kế hoạch làm việc vững bền và những công việc thường
nhật trong thời gian chúng tôi ở lại đây đều vô vọng. Thường xuyên, chúng tôi đến họp
để chỉ thấy người này bị đuổi việc và một người khác không rõ diễn tiến của cuộc thương
thảo hoặc của kế hoạch lại ngồi đó. Thoạt đầu, những điều này xem có vẻ như những trở
ngại nhỏ so với những đêm dài dạo mát quanh những biệt thự sang trọng , nơi chúng tôi
ở, sân đánh golf nay không còn ai chơi, nghĩa địa Ấn độ, và những cái chòi đất ở ngoại ô
thành phố. Tại đây, những người đàn ông ngồi tán gẫu và hút thuốc cho đến mờ tối trong
khi các bà tiếp tục công việc đồng áng.
 Những giao thiệp với Ibrahim Makungu, sau này được bổ làm giám đốc an ninh, lúc ban
đầu xem ra khó khăn. Chúng tôi cần biết những nhận định chân thật về ưu tiên của đất
nước anh ta, nhưng Makungu đã nhận được lệnh của ông tổng thống không tiết  lộ điều gì
hết và tìm cách khai thác chúng tôi tối đa. Thực ra, anh quá kín đáo đến độ từ chối không
cho chúng tôi biết tên thật của anh. Tôi chỉ khám phá tên thật của anh khi anh để quên
những mẩu giấy anh thường ghi chép những điều bí ẩn bằng tiếng Swahili trong đó ông
hủy bỏ một cuộc họp mặt đã dự bị trước, kết thúc bởi những hành chữ sau: « Công việc
của chúng ta khó khăn và bí mật. Simba ». Tôi hỏi anh đầu bếp Simba là ai vậy và tôi
được biết không những tên đầy đủ của anh mà cả một số chuyện về anh. Anh đầu bếp
nói, trong quá khứ, Makungu đã làm việc với Ngành Đặc Biệt của Cảnh Sát thuộc địa
Anh.
 Đến từ một nước trong đó tất cả mọi người trong đảng cẩm quyền đoàn kết với nhau để
thực hiện những mục tiêu đã định, chúng tôi không quen thuộc với một chính quyền gồm
những cá nhân chia rẽ nhau vì những mục tiêu và quyền lợi khác biệt. Một vài đối tác của
chúng tôi tự xem mình là người của Xã Hội Chủ Nghĩa, trong khi đó những người Hồi
Giáo nhìn họ và chúng tôi với cặp mắt nghi ngờ. Nhưng không ai ngại ngùng xin xỏ và
sau đó chỉ trích chúng tôi vì chúng tôi không cung cấp được hàng hóa. Họ thiểu não đưa
cho chúng tôi xem những chiếc tàu mục nát, những đài phát thanh cũ và những đường
dây điện thoại sờn cũ do người Anh để lại, họ hy vọng chúng tôi có thể trang bị lại hạ
tầng cơ sở của cả một nước.
 Quyền lãnh đạo Zanzibar được chia sẻ giữa Tổng Thống Obeid Karrume, trước đây là
thủ lãnh của công đoàn thuyền nhân, nói chuyện như đoàn viên nghiệp đoàn Anh và
những phó tổng thống của ông, Abdullah Kossim Hanga và Abdulrahmann Nbabu. Họ hỗ
trợ trái ngược nhau và cùng một bầu nhiệt huyết mô hình Cộng Sản Xô Viết và Trung
Hoa, lúc bây giờ đang kình chống nhau dữ dội. Hanga đã đi du học tại Liên Bang Xô
VIết, trong khi đó Nbabu biểu hiện lòng mến mộ Mao Trạch Đông cho vặn bài « Quốc
Tế Ca » trên đĩa hát sao chép trầy trụa thật lớn trong những buổi tiếp tân. Cái túi hổ lốn ý
thức hệ này có lẽ giải thích tại sao Zanzibar đã chọn Đông Đức làm đối tác hàng đầu. Tôi
mau chóng thấy sự hiện diện của chúng tôi tại đây đơn thuần do một tính toán chính trị.
Bởi vì Liên Hiệp các Quốc Gia Đông Phi lệ thuộc về mặt kinh tế vào trao đổi thương mại
truyền thống và liên hệ tài chánh với Anh Quốc, mối liên hệ trực tiếp với một trong hai
cường quốc Cộng Sản xem ra không khôn ngoan. Chúng tôi khá tiến bộ về mặt kinh tế để
trở thành người cố vấn hữu dụng và người cung cấp hạ tầng cơ sở an ninh ( phải mất
nhiều năm trời để Zanzibar tiến bộ và có được những kỹ thuật cần thiết), nhưng không
lớn để tránh làm phiền lòng những nguồn cung cấp lợi tức khác.
 Một vài tháng sau khi chúng tôi đến, hòn đảo rúng động vì những lời đồn hai nước
Zanzibar và Tanganyika sát nhập thành một. Điều này liên quan đến chúng tôi, bởi vì
Julius Nyerere lãnh đạo Tanganyika và vẫn giữ những mối liên lạc mật thiết với Luân-
đôn. Nếu việc kết hợp thành công , chung tôi e rằng chính phủ Anh sẽ áp lực Zanzibar
chấm dứt cộng tác với chúng tôi. Tệ hơn nữa, chúng tôi đang ở vị thế bất ổn làm cố vấn
tình báo cho một nước mà không một ai trong số những đối tác có ý định cho chúng tôi
biết chuyện gì đang xảy ra trong nước.
 Ngày 24 tháng Tư năm 1964, chúng tôi nhận được tin sự kết hợp đã thành hình và tên
của tân quốc gia này là Tanzania. Ngày trước hôm đó, tôi được bảo đảm là chuyện này
không được trù tính và đã bay sang hòn đảo nhỏ Pemba để kiểm tra văn phòng an ninh
mới. Tôi nhận được tin này trong khi tôi đang ngồi cùng với những tân binh mới kết nạp
để trả lời những câu hỏi về mối liên hệ giữa chủ nghĩa Marx và tôn giáo cho đến tờ mờ
tối. Tôi bực bội chấm dứt cuộc thăm viếng và bay trở về đảo lớn. Một chiếc tầu hàng hóa
Đông Đức đã dời chuyến lên đường để đưa tôi về nước, nhưng sau ba tháng công tác ấm
ức, tôi không chấp nhận rời bỏ để chính mắt tôi phải thấy Zanzibar có còn trung thành với
chúng tôi không. Chúng tôi hiện nay có những vốn liếng cá nhân và tài chánh tại
Zanzibar, vì chúng tôi đã thành lập một hạm đội thuyền nhỏ cho lính biên phòng, thủy
thủ và công binh có huấn luyện tại Đông Đức. Trái với những điều lo lắng của chúng tôi,
Zanzibar giữ được tính cách tự trị của mình ở mức độ cao. Chân dung của Nyerere được
treo thấp hơn chân dung của Karume một ít tại các công sở.
 Những nỗ lực của chúng tôi không bị tiêm nhiễm bởi tinh thần bất chấp đạo lý mà sau
này nó thấm nhập những mối quan hệ của chúng tôi với Thế Giới Thứ Ba. Chúng tôi nghĩ
rằng giúp Zanzibar là chúng tôi đóng góp cho tự do của nhân dân châu Phi và giúp họ cải
thiện đời sống. Tôi thiếu thành thật nếu tôi nói chúng tôi không cảm thấy thú vị làm đại
diện cho tình báo Đông Đức trong việc điều khiển công tác tại một phần của thế giới, nơi
chính quyền Anh và Tây Đức là những ông vua trong khu rừng tình báo. Tôi nhớ một
cuộc hành trình đưa chúng tôi đến một trạm tiếp liên vệ tinh của Hoa Kỳ tại Zanzibar.
Đứng ở ngoài là một anh lính cầm súng rất to và khi chúng tôi đến anh ta chĩa súng về
phía chúng tôi trong lúc chúng tôi tìm lời giải thích. Cuối cùng chúng tôi thuyết phục anh
ta cho chúng tôi vào. Trong chuyến đi đầu tiên vào thế giới tư bản, tôi đứng cạnh một
trạm tiếp liên vệ tinh của Hoa Kỳ, ngon chưa.
 Trên nhiều phương diện chúng tôi ngô nghê về những hiệu quả của những can thiệp của
chúng tôi tại các nước Thế Giới Thứ Ba. Kỹ năng thu lượm tin tình báo, tôi luyện nhờ
kinh nghiệm Thế Chiến Thứ Hai và Chiến Tranh Lạnh, được truyền luyện nhờ các sĩ
quan liên lạc có tay nghề cao và các chuyên viên của chúng tôi. Nhờ sự chuyên cần, cơ
quan an ninh ở Zanzibar đặt đến một kích thước khôi hài. Tương quan với dân số, chẳng
bao lâu họ có kích thước lớn hơn chúng tôi và mau chóng tạo nên một động năng mà tầm
ảnh hướng của chúng tôi không còn đụng chạm đến nữa. Karume, vướt sự tiên đoán của
chúng tôi, thích gây cạnh tranh giữa các quyền lực ngoại bang, và vị thế của chúng tôi bị
sói mòn vì người Trung Hoa ồ ạt đổ vào năm 1965. Chúng tôi cảm thấy đặc biệt chua xót
khi chúng tôi , vừa xoay sở song để giao những tàu đánh cà bằng lưới rà cho họ vì chính
quyền của họ nài xin chúng tôi cung cấp, thấy món quà của chúng tôi bị che lấp bởi việc
phái đoàn Trung Hoa đến và đem theo những thiết bị nông nghiệp. Chúng tôi càng lúng
túng hơn khi nhận ra những chiếc tàu này không thích hợp với vùng biển hoạt động.
 Người Trung Hoa tỏ ra rất khôn ngoan trong việc sinh cơ lập nghiệp. Trong vòng một
vài tuần lễ, hình ảnh của Ulbricht hoặc là đã bị tháo gỡ tại các công sở hoặc bị lấn lướt
bởi những hình ảnh to lớn và hùng vĩ của Mao. Moscow ghi nhận rất kỹ lưỡng những
biểu hiện này và yêu cầu báo cáo có bao nhiêu bức hình của vị lãnh tụ Trung Hoa được
trưng bày và ở đâu. Chúng tôi làm một công tác vô bổ để đếm những hình ảnh này.
 Trước khi tôi rời Zanzibar, có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã ghi khắc trong tấm trí của
tôi. Tất cả những người ngoại quốc được mời đi gặt nhổ cây sắn, thức ăn quan trọng nhất
trong vùng. Chúng tôi được các đội nhạc và ca vũ tiếp đón và sau đó mọi người bắt đầu
đốn và thu góp cho đến khi lưng chúng tôi nhức mói. Cạnh bên tôi, một người nhỏ bé
nhưng mạnh mẽ, có dáng dấp nhanh nhẹn đang làm việc, đó là lãnh sự Hoa Kỳ tại
Zanzibar. Cải hai chúng tôi được mởi ra và được báo với những lời lẽ thật là nhã nhặn
chúng tôi đã nhìn lầm những bó cấy mỉ nhỏ mềm mại là cỏ dại, nhổ chúng đi và ném vào
đống rác. Tôi tự hỏi không biết ông Mỹ này có tên là Frank Carlucci, không những là một
nhà ngoại giao Hoa Kỳ tài ba mà còn là phó giám đốc của CIA, có biết tôi là ai không.
 Mặc dù trải qua kinh nghiệm ở Zanzibar, động cơ thúc đẩy ban đầu của chúng tôi nhằm
trải rộng công tác ở Thế Giới Thứ Ba không tan biến. Chúng tôi tiếp tự tìm kiếm công
nhận ngoại giao cho nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Khoảng năm 1969, chúng tôi bị tràn
ngập vì những thăm viếng và những lời yêu cấu trợ giúp. Syria và Ai Cập phá vỡ chủ
thuyết Hallstein và tìm kiếm chúng tôi, tiesp theo là Soudan, cả hai nước Nam và Bắc
Yemen, Công/Brazaville, Kampuchea và phong trào giải phóng Rhodesia, ZAPU 
(Zimbabwe African People’s Union). Một buổi tiếp tân bộ trưởng nội vụ Ai Cạp có nghĩa
là tất cả những cửa sổ phải được lau chìu sạch sẽ hai lần do lệnh của Mielke, và sân trong
của bộ đày những đội binh danh dự và ca đoàn thiếu niên. Tôi bắt đầu cảm thấy những
mối liên hệ này là một gánh nặng không thú vị và vô bổ, cho dù việc thăm viếng những
nói lạ lẫm có tính chất phiêu lưu ngoạn mục. Chúng làm cho cả hai chúng tôi Mielke và
tôi xa rời nhiệm vụ căn bản chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tình báo hải ngoại
ở Châu Âu. Tôi luôn luôn tập trung  những cố gắng của tôi vào Tây Đức, nhưng bây giờ
những sĩ quan trung cấp đã bị trưng dụng vào những công tác ở Thế Giới Thứ Ba trong
một thời gian dài, kiềm hãm chúng tôi trong một số quốc gia do những chính quyền yếu
kém và những con người mở ảo lãnh đạo. Cho dù tôi cảm thấy bức bối, những công tác
này thoát khỏi tầm kiềm soát của chúng tôi. Đường hướng chỉ đạo cho những hợp tác như
vậy phát xuất từ cấp lãnh đạo chính trị, và các cơ quan tình báo chỉ biết tuân lệnh.
 Trong một thời gian ngắn, mối liên hệ của chúng tôi với Ai Cập xét ra đặc biệt hữu ích.
Sau Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967, Tổng Thống Gamal Abdel Nasser cho biết qua bộ
trưởng nội vụ Tướng Sharawi Gomaa, ông muốn trao đổi thông tin tình báo với chúng
tôi. Phụ tá của tôi đi qua Cairo và được tiếp đón theo nghi lế ngoại giao trịnh trọng.
Nasser muốn chúng tôi giúp đỡ điều tra sự xâm nhập của Israel trong chính quyền và
quân đội của Ai Cập – Nasser nghĩ rằng đó là lý do tại sao Ai Cập bại trận.
 Nasser tỏ vẻ thất vọng khi chúng tôi báo với ông chúng tôi không có điệp viên ở Israel,
nhưng đó là sự thật. Thực ra, trong ba mươi ba năm lãnh đạo tình báo hải ngoại, chúng
tôi chưa bao giờ tìm cách xâm nhập tình báo Israel. Moscow cũng có áp lực để ép chúng
tôi thục hiện việc này, và đã có vài cố gắng vào những năm đầu để tuyển dụng những
người di dân Do Thái đến ở Israel, nhưng chẳng bao giờ thành công. Xét cho cùng, tôi
đành chấp nhận tiếp thu những thông tin chúng tôi cần về Trung Đông do những nguồn
tin tại Hoa Kỳ và Tây Đức và , sau cùng, từ các cơ quan an ninh của Tổ Chức Giải Phóng
Palestine (PLO). Tôi lo lắng chúng tôi sẽ vướng mắc vào Trung Đông, nhưng chính
quyền Xô Viết nhất quyết xem Israel là kẻ thù. Tôi sẽ không bao giờ lãng phí thời giờ và
tiền tài để thu thập tin tình báo chỉ để trả đũa quốc gia Do Thái nhân danh khối Ả Rập.
Tôi xem Do Thái như bất cứ một nước đối tượng nào. Một khi tôi thấy rõ tỷ lệ cố gắng và
kết quả không tương xứng về mặt xâm nhập, tôi ngưng nỗ lực cài đặt điệp viên tại Israel.
 Dù sao đi nữa, cũng có những chỉ dấu là Ai Cập cũng chơi trò nước đôi trong việc đề
nghị trao đổi thông tin. Chúng tôi muốn có tin tình báo về những hoạt động tình báo của
các nước trong khối NATO tại Trung Đông và chúng tôi được giới thiệu đến cấp lãnh đạo
của tình báo Ai Cập, cơ quan Muhabarat. Ông ta tỏ ra láu lỉnh và dùng bí danh khi gặp
chúng tôi lần đầu. Chúng tôi biết ông ta cũng hành xử như vậy với CIA và chúng không
muốn phiêu lưu để những câu hỏi của chúng tôi được chuyển cho người Hoa Kỳ. Để gây
thêm tin tưởng của chúng tôi đối với họ, các đối tác của chúng tôi ở Cairo dẫn người đại
diện của chúng tôi thăm viếng một cơ sở bí mật sản xuất tên lửa, được một công ty Áo
vơi sự giúp đỡ của Pilz, một đồng nghiệp cũ của nhà khoa học phi tiễn Đức Wernher von
Braun. Người Ai Cập nghĩ rằng cơ xưởng này đã bị phá ngầm và họ muốn chúng tôi tìm
ra kẻ gây rối. Sợ rằng cơ quan chúng tôi có thể bị xem là một loại cơ quan tham vấn tình
báo có thể thuê báo bất cứ lúc nào đẻ giải quyết những vấn đề nội bộ của các nước, tôi từ
chối lời mời.
 Tôi tin rằng chúng tôi phải chứng tỏ một tinh thần dấn thân và đoàn kết chính trị trong
những công tác hải ngoại hơn là chấp nhận những thỏa hiệp tức thì với những quốc gia
mà rốt cuộc lòng trung thành không nghiêng về phía Liên Bang Xô Viết và Đông Âu.
Trong một thời gian ngắn, tôi thấy rõ là những trao đổi với Ai Cập không có những hiệu
quả mong ước, chúng tôi chấm dứt ngay, mặc dù chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ các nhân
với Gomaa và Bộ Trưởng Nội Vụ của ông. Sau khi Naser chết vào năm 1970, người kế
vị, Anwar Sadat, tố cáo Gomaa về tội phản nghịch. Đường giây liên lạc của chúng tôi tại
Cairo giảm xuống chỉ còn một sĩ quan liên lạc ở trong tòa Đại Sứ CHDCHĐ, mà trọng
tâm công việc của đương sự là an ninh của tòa đại sứ và của toàn nhân viên. Chúng tôi tin
cậy vào những nhân viên thường trú – thành viên của những ngành tình báo cải trang làm
nhân viên ngoại giao trong tất cả các tòa đại sứ ở ngoại quốc, để thâu thập tin tức về Tây
Đức, Hoa Kỳ và những sinh hoạt tình báo của NATO tại Cairo.  Thường trú của chúng
tôi tại Cairo gởi những tin tức về Ban 3 của HVA, trông coi về Trung Đông, rồi sau đó
được chuyển cho giám đốc Tổng Cục 3, trách nhiệm về Thế Giới Thứ Ba, rồi chuyển cho
phụ tá của tôi, tướng Horst Jänicke. Ông sẽ chuyển  cho tôi những thông tin ông xét là
quan trọng. Điều này cũng áp dụng cho thường trú của chúng tôi tại Washington và tại trụ
sở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước. Họ gởi hồ sơ cho Tổng Cục 11, đặc trách về Hoa Kỳ, và
sau đó chuyển lên cho giám đốc Tổng Cục XI, và từ đây được gạn lọc để đệ trình lên
Jänicke.
 Một vài tháng trước khi Nasser chết, tháng Năm 1969, một nhóm sĩ quan cấp tiến đã
cướp chính quyền tại Sudan dưới sự lãnh đạo của Gaafar Mohammad Numeiry, chỉ huy
trưởng trường cao đẳng quân sự Sudan. Quên đi những nhọc nhằn của chúng tôi tại
Zanzibar, chúng tôi xét thấy Suadan là một lãnh thổ đầy hứ hẹn và có thể là đầu cầu đi
vào Trung Đông. Bộ Tư Lệnh Cách Mạng có ý định thiết lập một kiểu chủ nghĩa xã hội Ả
Rập và yêu cầu trợ giúp an ninh và kinh tế của Đông Đức.
 Hiểu biết của tôi về Sudan thực ra còn mơ hồ. Tôi chỉ biết phía Bắc của quốc gia này có
một truyền thống lâu dài chiến đấu chống chế độ thuộc địa của Anh. Người Sudan không
tin cậy Ai Cập bởi vì Ai Cập đã từ lâu là nước ủy nhiệm của Anh trong vùng. Cuộc tranh
giành nội bộ giữa người Hồi phía Bắc và người Công Giáo duy linh phía Nam gây nên
xáo trộn. Làn sóng người tị nạn từ Congo, Zaire và Ethiopia khiến cho nạn nghèo đói
trầm trọng hơn.Vì vị thế chiến lược của nó nên nó nhung nhúc cơ quan tình báo và lính
đánh thuê, hoạt động không ai kiểm soát và rất thường có những mục tiêu chồng chéo lên
nhau ngay trong cánh của mình.
 Lần đầu trong một cuộc viếng thăm ngay sau khi cách mạng thành công, tôi nhận thấy
các sĩ quan trẻ  tôi đã gặp chỉ có một ý niệm mơ hồ về xã hội chủ nghĩa mà bây giờ họ
phải bảo vệ. Động cơ thúc đẩy họ là những yếu tố khác: lòng mong ước dộc lập, tinh thần
huynh đệ chi binh và lòng mong muốn củng cố đúc tin Hồi giáo dưới một danh xưng
khác. Một người hãnh diện nói với tôi anh ta là người xã hội chủ nghĩa vì mỗi thứ sáu
anh cho người nghèo ăn uống. Thái độ nói chuyện của tôi với Numeiry xem ra lạnh nhạt
và đi thẳng vào vấn đề. Tôi có lần đi cùng với anh đến một cuộc họp mặt công cộng và
quan sát anh nhảy ra khỏi chiếc xe jeep, đọc một bài diễn văn ngắn ngắt đoạn với những
tiếng huýt sáo của đàn ông và tiếng la hét của đàn bà, và dàn xếp những đoàn tán tụng,
rồi anh ta lại nhảy lên chiếc xe jeep, rồ máy chạy, tất cả chỉ trong vòng một vài phút. Tôi
có những mối liên lạc mật thiết hơn với Faruq Othman Hamadallah, lãnh đạo các Bộ Nội
Vụ và Công An. Phần đông các nhân viên cảnh sát và an ninh học nghề từ người Anh
hoặc người Ai Cập và trông ra phong cách của họ giống hệt người Anh. Khi họ vào hoặc
rời phòng, họ cặp giữa nắm tay và cùi chỏ một cây gậy ngắn, và quay tròn trong bước
quân hành.
 Tôi gặp lần đầu tiên Hamadallah tại vườn nhà ông ta. Ông cao lớn, lực lưỡng và màu da
đen của ông tràn đầy sinh khí. Ông vẫy tay mời gọi tôi vào trong khi tay kia vuốt ve con
chó chăn cừu. Ông ngắn gọn nói cho tôi biết những khó khăn trong việc thành lập một cơ
quan an ninh kiên quyết và khách quan để đối phó với những phức tạp của đất nước to
lớn của ông. Ông giới thiệu mau chóng một người ngồi cùng bàn với chúng tôi, một
người mặc y phục kaki nhỏ bé hơn, mang một tên Ả Rập. Sau này tôi gặp lại ông này khi
Đông Đức giao thiệp với Nam Yémen – ông tên Mohammed Saleh Mutea, giám đốc an
ninh, và sau này làm bộ trưởng ngoại giao của Yémen; cuộc đời ông chấm dứt khi ông bị
đầu độc trong tù vì bất đồng với đảng cầm quyền.
 Hamadallah là một trong những chính trị gia hiếm hoi tôi có mối liên lạc thân tình cũng
như tình bạn đồng nghiệp. Ông đến thăm tôi nhiều lần ở Đông Bá Linh và nói chuyên có
chiều sâu và nhiệt tình đối với những vấn đề của đất nước và bối cảnh phức tạp của mối
liên hệ giữa thế giới Ả Rập và châu Phi đen. Mặc dù trước đây ông chưa bao giờ viếng
thăm một nước xã hội chủ nghĩa, ông có những nhận định đúng đắn về con đường khả dĩ
đưa châu Phi đến chủ nghĩa xã hội. Ông bày tỏ nỗi lo ngại của ông cho tôi rằng Numeiry
có thể giải tán hội đồng cách mạng và thúc đẩy mối quan hệ với phương Tây. Ông buồn
bã nói « Ông không thể giúp chúng tôi trong việc này. Chúng tôi phải tự giải quyết vấn
đề này».
 Quả nhiên lời tiên đoán của ông đã xảy ra. Năm 1970, Numeiry thay đổi đường hướng
và đuổi Hamadallah và các thành phần thiên tả khác ra khỏi hội đồng cách mạng. Năm
sau, tiếp theo một cuộc đảo chánh bất thành của nhóm thiên tả, Numeiry thanh lọc tất cả
thành phần xã hội chủ nghĩa ra khỏi chính quyền. Hamadallah lúc đó đang ở Luân Đôn
và không nghe lời khuyên nhủ của chúng tôi, quyết định trở về nước để quy tụ lại lực
lượng chống Numeiry. Chiếc máy bay chở ông về bị ép phải hạ cánh tại Lybia do lệnh
của lãnh tụ Đại Tá Muammar Qaddafi và họ nhanh chóng dẫn dộ Hamadallah và một
người đồng nghiệp trả về Sudan và giao cho Numeiry. Ông bị kết án tử hình tại Sudan.
Sau đó, tôi thấy hình ảnh của ông trên đài truyền hình, trước khi lời kết ấn được tuyên bố,
ông điềm đạm nói chuyện với lính gác và đang hút một điếu thuốc. Một giờ sau khi đọan
phim kết thúc, ông bị hành quyết. Tôi cảm thấy buồn và mất mát khi nghe tin. Lại thêm
một người bạn đã thua một trận đấu đẹp và đáng giá.  Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nghĩ
Sudan mất đi Hamadallah là mất đi một trong những người tài giởi nhất của đất nước họ,
ông đã đi trước thời cuộc và đất nước của ông. Trong không khí chính trị bạo động và
thay đổi này, chúng tôi không thể nào tiếp tục làm cố vấn tình báo cho Sudan. Chúng tôi
rời Sudan năm 1971 và không bao giờ trở lại nữa.
 Không bao lâu trước khi rút khỏi Sudan, tôi đụng chạm với một trong những tay lính
đánh thuê nổi tiếng của thế kỷ này, Julius Steiner (không nên lẫn lộn với Julius Steiner
một dân biểu trong quốc hội Tây Đức mà chúng tôi hối lộ). Sinh tại Munich năm 1933,
Steiner là một mẫu lính đánh thuê điển hình. Đương sự bắt đầu sự nghiệp trong hàng ngũ
Lính Lê Dương Hải Ngoại của Pháp với trong Đơn Vị Hành Quân Đặc Biệt, đánh lại các
lực lượng của Hồ Chí Minh vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam giành độc lập chống Pháp.
Sau khi Pháp thua trận năm 1954, đương sự đem khả năng hiếu chiến của mình vào chiến
trường Algeria và cuộc chiến kết thúc khi Algeria giành lại độc lập nơi tay người Pháp
năm 1962. Cuộc phiêu lưu độc lập đầu tiên của y là cuộc nội chiến tại Nigeria, xảy ra
năm 1967 vì vấn đề tranh chấp quyền lợi về dầu hỏa. Trong vùng có nhiều dầu hỏa nhất,
tự tuyên bố tự trị lấy tên là Biafra, y giúp huấn luyện các biệt kích Biafra, và từ đó bắt
đầu liên lạc với một số cơ quan tình báo Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi. Steiner đã
biến Biafra trở thành một lãnh thổ quân sự hóa nhất ở Châu Phi, được Tây Đức và các
thương buôn vũ khí cung cấp vũ khí trị giá 20 triệu Mỹ kim, bao gồm cả loại tên lửa
Cobra và Roland tối tấn nhất thời đó. Đội quân riêng của y gồm vài ngàn người và tuân
hành dưới lá cờ sọ người với hai khúc xương đan chén nhau.
 Khi việc mạo hiểm này của y sụp đổ, Steiner được quân phiến loạn Sudan phía Nam thuê
mướn. Cơ quan tình báo Anh hưởng lợi trong dịch vụ này. Steiner được Beverley
Barnard và một đồng nghiệp Anthony Duvall cung cấp bản đồ và thiết bị đài vô tuyến
truyền thanh. Barnard trước đây là tùy viên quân sự ở Sudan và là chủ nhân của công ty
Southern Airmotive và Duvall là đại diện cho cơ quan tình báo Anh, có nhiều kinh
nghiệm nhờ làm việc dưới danh nghĩa một cơ quan cứu trợ nhân đạo của Tây Đức.
 Thông tin của chúng tôi cho biết qua ngã đường này, Steiner có liên lạc với CIA và CIA
xem y là một phương tiện để lật đổ chính quyền Numeiry. Qua một trạm bưu điện tại
Kampala, ở Uganda, Steiner chuyển danh sách nhu cầu vũ khí đến người Mỹ qua trung
gian ông Preston làm việc trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Kampala. Tự xưng mình là đại
diện của Hội Châu Phi Xúc Tiến Trợ Giúp Nhân Đạo ở Nam Sudan, Steiner tổ chức huấn
luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng du kích hung bạo, gây đổ máu cho thường dân ở
phíaNam cũng như tấn công cảnh sát và quân độiSudan. Steiner đã thiết lập tổng hành
dinh và sân bay tại một vùng hẻo lánh Tafeng, gầnJuba. Juba là thành phố chính ở phía
Nam Sudan và là nguồn cung cấp nhân lực và vũ khí choUganda. Chính quyềnUganda lại
do các cố vấn quân sựIsrael hỗ trợ. Đây là hoàn cảnh rất giống với thế giới Châu Phi hỗn
loạn và vui nhộn được Joseph Conrad mô tả trong quyển Heart of Dakness (Trung tâm
bóng tối). Trong những buổi lễ hội ăn mừng tiếp đón chúng tôi, chúng tôi nhìn những
màn vũ bộ lạc, mê hoặc vì tiếng trống và cử động của các vũ công. Thình lình, một người
đàn ông lớn tuổi, thân thể trét đầy tro, chạy về phia chúng tôi, dơ một cây lao ngắn và
một con cá. Những hộ vệ của tôi nhảy ra che chắn cho tôi, một người bảo vệ thân thể của
tôi và hai người khác bắt lấy ông này. Sau đó, họ nói với tôi rằng tôi đã thoát một âm
mưu ám sát do bọn phiến lọan tổ chức.
Hồi ký trùm gián điệp Đông Đức – kỳ 19 (Markus Wolf)                         
 “…Chính yếu tố con người tạo nên sự thành công của công tác tình báo, chứ không phải
dụng cụ siêu kỹ thuật làm nên nó…”
Chương 14
Trong Lòng Địch
Thế giới tình báo, Đông và Tây, là vương quốc của bóng tối đạo đức. Những cách hành
xử của nó đôi khi kém đạo đức, phương pháp của nó bẩn thỉu. Vì vậy CIA đối với tôi ở
vào một vị thế đặc biệt bất lợi vì đã góp phần vào trò múa rối dân chủ để thỏa mãn những
đòi hỏi của Hiến Pháp Hoa Kỳ, bất chấp chúng có phù hợp hay không với công tác tình
báo. Không một cơ quan tình báo nào có thể trở thành dân chủ và, cho dù nhiều chính trị
gia mong mỏi điều này, luôn bị xoi bói mà vẫn có thể thực hiện công tác một cách đúng
đắn. Tại cơ quan CIA, phần lớn các sĩ quan cao cấp bỏ thời giờ để soạn thảo tài liệu và
tổng kết công việc của họ để trình ra bên ngoài, luôn luôn phải chú ý đến phản ứng của
giới chính trị và báo chí.
 Ở Đông Âu, chúng tôi lạc lối trong một chiều hướng trái ngược. Mặc dù chúng tôi viết
tài liệu và báo cáo lên cấp trên, có nghĩa là cũng có giám sát công tác tình báo của chúng
tôi, nhưng không có việc giám thị thực sự. Các chủ nhân chính trị của chúng tôi về cơ
bản họ cảm thấy bất an nên họ nhất định lấy cho bằng được mọi thông tin có tiềm năng
đe dọa vị thế của họ và họ chẳng thèm để ý đến phương cách thu thập nó. Erich Honecker
chuyên mách lại cho các chính trị giá Tây Đức mà ông mong tìm sự tín cậy là tình báo
Đông Đức được lệnh không đụng chạm đến họ. Nhưng một khi trở về nhà, ông ngốn
nghiến và chăm chú đọc những báo cáo tình báo về những người này và tỏ ý muốn có
thêm thông tin chứ không kém đi.
 Phong thái của phản gián CIA, theo kinh nghiệm cá nhân tôi đã trình bày ở phần đầu
sách này, cho tôi thấy họ chú tâm đến việc chấn an lo âu có một kẻ nằm vùng hoạt động
trong lòng CIA hơn là tìm cách phát hiện tay này. Gus Hathaway trình bày cho Ủy Ban
Tinh Báo Thượng Viện năm 1985: « Chưa bao giờ có một điệp viên của Xô Viết nào nằm
trong lòng của CIA. Có thể chúng tôi không tìm ra tên này, nhưng tôi nghĩ điều này khó
có thể xảy ra ». Mặc dù xảy ra sự việc kẻ đào tị Edward Lee Howard, bị CIA đuổi đi cách
đó hai năm vì tội sử dụng ma túy và ăn cắp vặt, đã sau đó tiết lộ những bí mật về những
công tác của cơ quan tại Moscow nhắm vào Xô Viết, CIA không phát giác được hành
động phản bội của y nhưng lại được một sĩ viên chúc cao cấp KGB Vitaly Yuchenko sau
khi đào thoát sang Hoa Kỳ tiết lộ. Nói cho ngay, lời tuyên bố của Hathaway phù hợp với
sự thật, vì Howard không còn làm việc cho cơ quan khi đương sự tiết lộ những bí mật của
cơ quan. Nhưng lời bảo đảm của ông không chắc chắn. Đã từng gặp Hathaway và đánh
giá ông là một sĩ quan tình báo nghiêm chỉnh và cần cù, tôi tự hỏi tại sáo ông lại hài lòng
che dấu những khuyết điểm của cơ quan bằng phương cách này. Tôi đoán chừng ông lo
ngại bôi xấu CIA trước công chúng vào lúc danh tiếng của của cơ quan đang suy sụp.
 Những âm mưu bất thành của CIA nhằm lật đổ Fidel Castro và những chiến thuật liều
lĩnh tại Trung Mỹ đã hạ bệ uy tín của họ đối với phe bảo thủ cũng như đối với phe cấp
tiến. Những lượng định của các sĩ quan của chúng tôi tại các trạm ở Hoa Thịnh Đốn và
Nữu Ước liên quan đến tình báo Hoa Kỳ cho thấy vào những thập niên 1970 và 1980 họ
không được kính nể như vào những thập niên 1950 và 1960. Điều này, theo như một
tham vấn quản trị có thể nói, ảnh hướng đến tinh thần của những sĩ quan. Tổ chức không
những được xem là bí mật và nham hiểm – hầu như là những đánh giá bình thường đối
với một cơ quan tình báo có quyền lực – nhưng mờ ám, một danh tiếng mà không cơ
quan tình báo nào có thể đương nổi. Cơ quan tình báo là một nơi bất ổn về mặt tâm lý và
não trạng phản ánh mau chóng lên việc làm. Những báo cáo về tên phản bội Aldrich
Ames cho thấy tâm lý chán ghét bản thân cao độ trong nội bộ CIA. Ames không những
chán ghét cơ quan của mình, y còn khinh khi nữa là đàng khác. Tôi không nghĩ tâm trạng
này giống tâm trạng của tay phản bội Xô Viết như Oleg Gordievsky. Những tay phản bội
của Moscow đổi cánh do sự hỗn hợp những lý do ý thức hệ và cá nhân, nhưng, mặc dù họ
biết rõ những điều tồi bại trong KGB, họ không mất lòng kính sợ đôi với nó cho đến khi
Gorbachev lên nắm quyền.
 Ames không phải là người tồi dở đầu tiên được CIA tưởng thưởng. Vào những thập niên
1970, Hoa Kỳ dùng một điệp viên mật danh là Thielemann, có nhiệm vụ liên lạc với
những nhân viên ngoại giao Đông Đức, những doanh nhân và những viện sĩ đến thăm
viếng Tây Đức và tìm cách kết nạp họ. Đây là một sáng kiến tốt về mặt cơ bản của CIA
nhằm thu dụng những người Đông Đức khi họ du hành ra nước ngoài và ít nguy hiểm
hơn là kết nạp họ ở tại Đông Đức. Nhưng chúng tôi biết đến hoạt động của Thielemann
khi, vào năm 1973, chúng tôi bắt đầu tiến hành những điều nghiên ráo riết về những hoạt
động của CIA tại Bonn. Bằng cách đơn giản quan sát những cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên của
các người đồng hương chúng tôi tại các buổi liên hoan, các câu lạc bộ thể thao, quán
nước và cà phê và những nơi tụ họp công cộng khác, chúng tôi thiết lập được danh sách
những người làm việc cho CIA.
 Năm 1975, Thielemann đóng chốt toàn thời tạiBonn. Đương sự hoặc CIA không biết
chúng tôi tìm ra tên thật của y là Jack Falcon. Lúc đầu chúng tôi chỉ theo dõi y, ghi nhân
những đối tượng của y và nghiên cứu những điều y tìm kiếm. Lần hồi, chúng tôi cung cấp
cho y những đối tượng – những điệp viên làm việc cho chúng tôi và vờ để cho Falcon kết
nạp làm nguồn tin và cung cấp cho y một mớ hỗn hợp bí mật không quan trọng và thông
tin sai lạc. Mục đích là dẫn đưa Hoa Kỳ vào những đường dây giả trong lúc nỗ lực tìm
hiểu và đưa họ đến những kết luận sai lầm về công tác của chúng tôi. Tội nghiệp cho
Falcon vì y nghĩ đang làm một công việc tuyệt vời là kết nạp được qua nhiều người Đông
Đức sẵn sàng cộng tác và lại có hiểu biết. Y khoe khoang với một nguồn tin đặc biệt đáng
tin cậy là CIA đã thăng chức và tăng lương cho y vì y đã thành công trong công tác kết
nạp. Điều này đã làm cho tổng cục phản gián trong Bộ Công An của chúng tôi phải phì
cười. Chính các sĩ quan cao cấp tại đây đã bịa phần lớn những bí mật không giá trị này.
 Thực ra, việc phát hiện những đặc vụ của CIA tại Bonn quá dễ dàng. Gần như trái ngược
với những lời dặn dò của tôi cho những chuẩn bị kỹ lưỡng và chậm chạp, những tiếp cận
gần như tinh tế với những đối tượng kết nạp, họ luôn phát động một loạt những cuộc tiếp
xúc. Các đối tượng chúng tôi gài vào thường than phiên là những đặc vụ CIA có trình dộ
hiểu biết thấp về tình hình kinh tế của Đông Đức, khiến cho họ không biết phải theo
phương hướng nào để quay vì những hiểu biết căn bản về Đông Đức của những đặc vụ
quá sơ sài. Có một lúc vào cuối những thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, phẩm chất
những đặc vụ Hoa Kỳ quá tồi dở và công tác của họ thiếu phương pháp đến độ các cấp
lãnh đạo của chúng tôi lo ngại tự hỏi có lẽ Washington coi Đông Đức chẳng ra gì.
 Sau này, chúng tôi biết Hoa Kỳ thu thập những dữ liệu then chốt về Đông Đức nhờ vào
hệ thống giám sát điện tử tại Tây Bá Linh và Tây Đức. Thật là quái gở khi CIA bỏ công
gởi người rình mò một cách vô bổ tại đất liền trong khi phần lớn những tin tức giá trị họ
muốn có lại ở trên không gian. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, không có phương pháp
kỹ thuật nào có thể thay thế trí tuệ và óc phán đoán của con người và – cho dù những cố
gắng của họ thiếu khả năng – có người trong CIA phải đồng ý về chuyện này. Quý vị có
thể nghe lén một cú điện thoại, nhưng thiếu hiểu biết về bối cảnh, người ta dễ dàng đánh
giá sai lầm; một bức hình vệ tinh có thể cho quý vị thấy vị trí những tên lửa, nhưng một
nguồn tin ở bộ tư lệnh có thể cho quý vị biết nó nhắm về hướng nào. Vấn đề của tình báo
máy móc chính là những thông tin không được ước định. Tình báo máy móc chỉ thu thập
được những gì đang diễn ra nhưng không ghi nhận những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Nguồn tin do người cung cấp thông báo về kế hoạch, có thể điều nghiên những viễn
tượng chính trị và quân sự, và có thể đặt những tài liệu và mẩu đối thoại vào trong bối
cảnh của nó. Như mọi sĩ quan tình báo đều biết, quá nhiều công sức đã được bỏ ra để sàn
lọc trong đống núi dữ liệu để tìm ra hạt tin giá trị; sự lệ thuộc quá mức vào tình báo máy
móc có thể làm gia tăng gấp đôi con số hạt tin, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng lên gấp ba
kích thước của quả núi dữ liệu cần phải sàn lọc. Mặc dù vai trò của tình báo máy móc kỹ
thuật sẽ gia tăng và hỗ trợ cho những gì vẫn thường được sức người đảm nhiệm với nhiều
phí tổn và rủi ro, nó không thể nào thực sự thay thế. Chính yếu tố con người tạo nên sự
thành công của công tác tình báo, chứ không phải dụng cụ siêu kỹ thuật làm nên nó.
 Cuối thập niên 1980, chúng tôi ở một vị thế ai cũng thèm thuồng vì biết được không một
điệp viên CIA nào làm việc tại Đông Đức mà không biến thành gián điệp nhị trùng hoặc
làm việc cho chúng tôi ngay từ lúc khởi đầu. Theo lệnh của chúng tôi , tất cả những
người này được cung cấp những tin tức chọn lựa kỹ lượng và những thông tin sai cho
Hoa Kỳ. Chúng tôi biết điều này bởi vì Edward Lee Howard đã làm việc cho văn phòng
của Đông Đức. Đương sự gặp Falcon sau khi Falcon trở về tổng tư lệnh CIA ở Langley
và được tưởng thưởng vì đã thành công gài đặt điệp viên ở Đông Đức. Theo sự tiết lộ của
Falcon, Howard  biết chỉ có sáu hoặc bảy điệp viên làm việc cho CIA tại Đông Đức.
Chúng tôi điều khiển họ theo đúng kế hoạch của chúng tôi. Điều này đã được chính CIA
xác nhận. Họ tiết lộ sau khi Đông Đức sụp đổ tất cả những điệp viên của họ hóa ra đã bị
Bộ Công An sai khiến.
 Những năm 1987 và 1988, Howard lúc đó đến thường trú tại Moscow và được KGB bảo
trợ, thăm viếng Đông Bá Linh và kể cho các cán bộ điều khiển của mình trong cơ quan
tình báo hải ngoại tất cả những chi tiết công tác của CIA và mục tiêu điệp vụ hàng đầu
của họ về các thiết bị quân sự và các viện nghiên cứu. Điều thực sự mới mẻ với chúng tôi
là Howard cho biết CIA có danh sách mục tiêu hướng về các giáo sư kinh tế ưu tú và các
hàn lâm sĩ của Đông Đức. Nếu có ai trong số người này xin hộ chiếu thăm Hoa Kỳ, tên
tuổi của người đàn ông hay người đàn bà này được chuyển từ lãnh sự về cơ quan tình báo
Hoa Kỳ và sau đó nhập vào kho dữ liệu to lớn. Trong thời gian thăm viếng của những cá
nhân này ở Hoa Kỳ, mỗi khi tên của ông hay cô này được đề cập trong một cuộc đối
thoại trên điện thoại, trên fax, hoặc máy telex, chính quyền Hoa Kỳ ghi âm và chuyển cho
CIA để điều nghiên. Đông Đức vốn có tiếng là hay rình mò và lén nghe, nhưng riêng
những giới hạn về kỹ thuật của chúng tôi cũng đủ bảo đảm chúng tôi không thể nào sánh
kịp với Hoa Kỳ về điểm này.
 Một yếu điểm về cơ cấu tổ chức của tình báo Hoa Kỳ là trường hợp củaAmes lý ra đã
cho thấy sự yếu kém của nó đối với những tác động chính trị. Trong những năm gần đây,
chức vụ giám đốc Trung Ương Tình Báo giống hệt chức vụ của một ông bầu bóng đá sau
mỗi một mùa bóng tồi tệ là bị mất chức.
 Khi Werner Stiller đào thoát, tôi chỉ ra lệnh đổi cấp lãnh đạo trực tiếp của y. Không hề
có áp lực đè lên tôi hoặc đè lên bộ trưởng buộc chúng tôi phải từ chức. Làm như vậy có
ích lợi được gì? Tốt hơn hết là vẫn giữ vị thế cũ và tìm phương pháp để ngăn ngừa điều
này xảy ra lần nữa. Một cách tình cờ, tôi không hề thấy CIA bình tĩnh ngồi lại và tìm
phương cách ngăn ngừa việc này. Một vài ban trong những đặc vụ của họ – tôi đặc biệt
liên tưởng đến ban trách nhiệm về Xô Viết – hình như làm việc trên mây và với lời cầu
nguyện. Nếu họ điều tra kỹ lưỡng sau vụ Howard đào thoát, Ames có thể đã bị bắt từ lâu
rôi.
 Các cơ quan tình báo không có lợi gì để nghe lời kêu gọi của các chính trị gia thiếu hiểu
biết yêu cầu hạ bệ người lãnh đạo mỗi khi một tai nạn như vậy được quần chúng biết đến.
Tôi luôn có cảm tình với Heribert Hellenbroich vì sự nghiệp giám đốc tình báo hải ngoại
của ông tan tành khi Tiedge đào thoát. Hellenbroich, đã từng chỉ huy Nha Bảo Vệ Hiến
Pháp, mới vào làm việc tại BND (Bundesnachrichtendienst= cơ quan Tình Báo Liên
Bang Đức ). Ông có một vài bất đồng các cố vấn của tân Thủ Tướng (đặc biệt là Klaus
Kinkel) và trở thành con vật tế vì những thất bại chính do lỗi của đội tuyển dụng và thiếu
hoàn toàn kiểm soát, một việc đặc hữu của môt cơ quan bí mật.
 Cuộc gặp gỡ của tôi với Gus Hathaway lẽ cố nhiên là một kết thúc kỳ quái của mối liên
hệ của tôi với Hoa Kỳ thời Chiến Tranh Lạnh. Trong ba mươi lăm năm đứng đầu cơ quan
tình báo hải ngoại Đông Đức, Hoa Kỳ đối với tôi là một nước xa lạ và thù địch. Bắt
chước đồng nghiệp Xô Viết, chúng tôi dùng danh từ Đức ngữ Hauptgegner, « kẻ thù
chính » (tiếng Nga là glavni protivnik ) để mô tả Hoa Kỳ. Đối vớiMoscow và đối với
chúng tôi, Hoa Kỳ là nguồn gốc phát sinh mọi tội của đế quốc. Tuy nhiên tôi không đem
lòng hận thù cá nhân đối với Hoa Kỳ. Lẽ cố nhiên tôi biết và kinh tởm những hoạt động
chống cộng ngoan cố của Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy và những vi phạm luật pháp
với sự hỗ trợ của CIA tại Châu Mỹ La tinh. Nhưng tinh thần quốc tế của tôi ngăn cản
không cho tôi rơi vào não trạng chống Mỹ ngu xuẩn mà phần đông các thành phần xã hội
chủ nghĩa đều mắc phải. Hiểu biết của tôi về nước Mỹ dựa trên những gì tôi học ở Liên
Bang Xô Viết từ các người bạn Mỹ, từ kinh nghiệm cá nhân khi làm phóng viên đài
truyền thanh tại Bá Linh và theo dõi những vụ án tại Nuremberg, và từ các báo chí và
tuần báo phương Tây tôi đọc mỗi ngày. Lẽ cố nhiên tôi đặt lăng kính đượm nặng nề màu
sắc ý thức hệ lên những gì tôi đọc, vì công tác của tôi là thảo luận về những giả thuyết và
những kết luận về chính trị và ý thức hệ ghi trong bản báo cáo và biện minh cho vị thế
của Xô Viết với tất cả năng lực của tôi. Điều này đã gây nên hiềm khích không thể tránh
khỏi giữa tôi và các bạn Hoa Kỳ như George Fischer. Trong cương vị cấp lãnh đạo văn
phòng Eisenhower, ông thường đến Bá Linh ngay sau thời kỳ kết thúc chiến tranh…
Chúng tôi sung sướng gặp lại nhau, nhưng không thể nào quên được lòng nghi kỵ đã tiêm
nhiễm vào trong mối quan hệ này.
 Phần lớn những hiểu biết về lề lối suy nghĩ, ý định và mối e ngại của Hoa kỳ mà tôi tiếp
thu là do hai người điệp viên Hoa Kỳ đầu tiên của tôi. Họ chưa bao giờ bị phát giác, mặc
dù cả hai đã qua đời, tôi không có ý định tiết lộ danh tính của họ ở đây ngoài những bí
danh chúng tôi đặt cho họ : Maler (« Thợ Sơn ») và Klavier (« Dương Cầm »). Cả hai
người đều sinh đẻ tại Đức và gần gũi với phong trào cộng sản lúc còn thanh niên, và cả
hai đều là người Do Thái. Cả hai đều phải bỏ quê hương xứ sở vì mối đe dọa Quốc Xã,
an cư tại Hoa Kỳ, và hoàn tất việc học hành của họ tại đây, một người là kinh tế gia,
người kia là một luật sư. Nhưng do nguồn gốc sinh đẻ ở Đức và có tay nghề, cả hai đều
được kết nạp vào Nha Công Tác Chiến Lược (Office of Startegic Services = OSS), tiền
thân của CIA. Vào thời kỳ truy lùng của Thượng Nghị Sĩ McCarthy trong những đầu thập
niên 1950, OSS bị tố cáo là hang ổ của bọn trí thức tả khuynh. Một cách nghịch lý, Stalin
lấy cớ Noel Field có liên hệ với OSS và dùng Field (*) để ra tay thanh trừng đẫm máu
những đảng viên Cộng Sản tại nhiều quốc gia trong những năm 1951-1952, trong đó có
Tiệp Khắc, Hungari và Đông Đức. Theo những gì tôi biết về Field, tôi quả quyết Field
chưa bao giờ là một gián điệp nhưng chỉ là một người có lý tưởng nhưng ngây thơ, đã ra
tay giúp những người chống phát-xít và vì vậy có mối liên hệ với OSS. Nhưng vụ án của
ông là một ví dụ về những mánh khóe độc địa của Stalin và Beria để biện minh việc
thanh trừng ở Đông Âu.
 (*) Thời kỳ Đại chiến Thế Giới Thứ II, Noel làm việc cho một tổ chức nhân đạo,
Unitarian Universalist Service Committee (Ủy Ban Công Tác Nhất Thể Phổ Độ), ngoài
những công tác khác họ giúp những người di dân Công Sản. Do đó Field bắt được liên
lạc với Allen Dulles trong OSS)
 Trong bầu không khí này, nhiều sĩ quan tình báo của chúng tôi thận trọng trong việc kết
nạp người Mỹ, việc này có thể khiến cho họ bị kết tội là rơi vào bậy của Hoa Kỳ. Nhưng
tôi biết chúng tôi muốn biết về lề lối suy nghĩ của người Mỹ. Chúng tôi bắt liên lạc với
anh kinh tế gia Maler, qua một người bạn quen biết thời còn là sinh viên dưới chế độ
Quốc Xã. Hai người là thành viên một nhóm kháng chiến Do Thái đã có lần âm mưu cho
nổ một buổi triển lãm Quốc Xã. Phần lớn thành viên của nhóm đều bị bắt và ba mươi lăm
người bị giết. Maler tìm cách xuất ngoại; anh bạn của ông thoát chết trại tập trung. Người
bạn này là một khuôn mặt kỳ cựu trong thế giới tài chánh của Đông Đức, qua người này
chúng tôi dàn xếp để bắt liên lạc với Maler với hy vọng là khơi động những môi liên hệ
trong OSS.
 Nhưng hóa ra những mối liên hệ rộng lớn của Maler tại Hoa Kỳ cũng đáng lưu ý. Ông là
người một biết suy nghĩ xâu xa và đặc thù và ông vẫn tự nhận mình là người Cộng Sản.
Ông có nhiều bạn bè thế lực ở Washington và, theo yêu cầu của chúng tôi, ông đã gặp gỡ
đại sứ Hoa Kỳ tại Bonn và trưởng phái đoàn ngoại giao tại Bá Linh với sự giới thiệu của
John Foster Dulles. Hữu dụng nhất đối với chúng tôi là việc ông thông báo những mối
liên hệ tình báo mà Ernst Lemmer, lúc đó là bộ trưởng Tây Đức đặc trách về những vấn
đề Liên Quốc (có nghĩa là, thương thảo với Đông Đức, đã cài đặt trong thời chiến khi ông
làm phóng viên cho những tờ báo ngoại quốc tại Bá Linh), từ những hệ thống tại Pháp và
Thụy Sĩ cho đến những mối liên lạc với người Nga. Tôi không bao giờ dùng tài liệu này
để đối phó với Lemmer, nhưng trong tủ sắt của tôi tôi có giữ một bản sao văn kiện do ông
ký nhận làm việc cho KGB. Maler là một người giàu có và chỉ lấy tiền bồi hoàn của
chúng tôi vì những chi phí chứ không bao giờ lấy tiền vì việc làm, một việc ông mô tả
đem lại ánh sáng đến những vùng tăm tối của Tây phương?
 Trong lúc Maler chú tâm đến châu Âu, Klavier, mặc dù thường trú tại Đức, là một đặc
vụ nội gián thường xuyên về Hoa Kỳ. Klavier là người Đức được huấn luyện trong ngành
luật đã di cư sang Hao Kỳ, tại đây ông làm luật sư và sau này tham giaOSS. Bất mãn về
cách giải quyết vấn đề tội phạm chiến tranh tại Tây Đức, ông cung cấp những tin tức nội
bộ cho các sử gia nước CHDCĐ. Ông làm việc cho chúng tôi với điều kiện là người vợ
không bao giờ được biết việc này – bà là người Tây Đức và, theo như lời quả quyết của
ông, là kẻ thù không đội trời chung với Đông Đức. Tuy nhiên, ông nhận tiền của chúng
tôi để xây cất một căn nhà dưỡng lão ở Thụy Sĩ. Klavier là một thành viên trong ban công
tố trong các vụ xử ở Nuremberg, ông đặc trách về hồ sơ khởi tố trúm sắt thép Friedich
Krupp của Đức, người đã cung cấp nguồn hỗ trợ tài chánh chính cho Hitler lên nắm
quyền và sự hỗ trợ kỹ nghệ của ông thiết yếu cho guồng máy quân sự của Quốc Xã. Động
cơ thúc đẩy Klavier làm việc cho chúng tôi là nỗi lo sợ Tây Đức sẽ lần hồi trở lại chế độ
Quốc Xã. Ông không chấp nhận sự phục hồi dễ dàng của những cựu đảng viên Quốc Xã,
vào lúc đó họ trở về với công việc cũ của họ trong ngành tư pháp, kỹ nghệ và tài chánh.
 Nguồn gốc Do Thái của Klavier có ảnh hưởng lớn nhất trên những suy nghĩ chính trị của
ông và ông thu thập một hồ sơ khổng lồ, mà ông trao cho tôi, trong việc khởi tố Krupp và
Adolf  Eichmann tạiJerusalem. Chính nhờ qua ông tôi mới ý thức được hành trình của
cha tôi từ khuynh hướng nhân bản chuyển sang cộng sản bị ảnh hưởng mãnh liệt do ý
thức xã hội của một người Đức có nguồn gốc Do Thái. Klavier cũng là bạn của ký giả uy
thế Walter Lippmann, có những môi liên hệ mặt thiết với gia đình Kennedy. Trước cuộc
họp thượng đỉnh của Tổng Thống Kennedy với Khruschev, Klavier đã cho chúng tôi biết
qua những cuộc đối thoại của ông với Lippmann là Kennedy sẽ theo đường hướng cứng
rắn. Chúng tôi chuyển tin này choMoscow, nhưng tôi không biết việc này có ảnh hưởng
gì đến cuộc họp thượng đỉnh không. Sự việc xảy ra là Khruschev hùng hổ với Kennedy
bằng cách tỏ vẻ cứng rắn hơn đối tác Hoa Kỳ.
 Tôi đánh giá cao những thông tin của các phóng viên và bình luận gia ngoại quốc vì đối
với tôi họ biết rõ vấn đề và ít thiển cận hơn các nhà ngoại giao phương Tây. Trong vòng
hàng chục năm, chúng tôi có gắng kết nạp một số ký giả Hoa Kỳ và Anh để làm nguồn
tin, nhưng chúng tôi thất bại. Những nguồn tin báo chí duy nhất của chúng tôi là Đức, và
nhất thiết là các tờ báo nhỏ. (Trong số các ký giả của Đông Đức chúng tôi, chúng tôi
không thấy đúng đắn kết nạp họ trực tiếp, mặc dù các chủ nhiệm Thông Tấn Xã Đông
Đức và các báo chí của chúng tôi nằm ở ngoại quốc hội họp thông thường với các thành
viên của văn phòng tình báo thường trú hải ngoại tại các tòa Đại sứ của chúng tôi). Trái
với đường lối của giám độc cục phản gián, tôi không ngăn cấm phóng viên ngoại quốc đi
lại trong nước. Chính sách trước đây hạch sách họ và tạo khó khăn cho việc đi đứng của
họ đối với tôi là phản tác dụng. Tôi dự đoán tất cả mọi người trong họ có thể là một nhân
viên tình báo và chúng tôi nên chuyển tải những thông tin sai lạc cho họ, cấp cho những
thông tin sốt dẻo và những chi tiết dù gì cũng có lợi cho chúng tôi hơn là đuổi họ đi với
lòng đầy oán giận.
 Việc Đông Đức được quốc tế công nhận trong thập niên 1970 cho phép chúng tôi thu
thập tin tức dễ dàng về châu Mỹ. Cục Nghiên Cứu Châu Mỹ tại Đại Học Humboldt ở Bá
Linh và Ban châu Mỹ của Viện Cao Đẳng Ngoại Giao được thiết lập với sự hỗ trợ của
chúng tôi và các cấp lãnh đạo đều trung thành với chúng tôi. Nhưng chúng tôi kiêng dè
danh tiếng của phản gián Hoa Kỳ và Anh quốc (cơ quan FBI và MI5) và điều nghiên rất
kỹ lưỡng trước khi phát động công tác tại các nước này.
 Chúng tôi liệt Anh quốc vào loại Quốc Gia Hạng 2, liên quan đến quyền lợi tình báo của
chúng tôi. Nước Anh do tổng cục đặc trách về Pháp và Thụy Điển lo liệu. Chúng tôi tìm
cách cài đặt nhiều người qua ngả lãnh sự Tây Đức tại Edinburg , vì tại đây thủ tục kiểm
soát lỏng lẻo hơn ở Luân Đôn, nhưng rất ít điệp viên loại này ở lại Anh Quốc bởi vì chính
phủ của chúng tôi có ý muốn giữ mối giao hảo với Luân Đôn, đặc biệt vì ảnh hưởng
chính trị của các siêu cường trên mối liên hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ. Một trong những
mục tiêu của chúng tôi là tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International). Mielke nghĩ
rằng đó là tổ chức khuynh đảo và mong muốn xâm nhập nó để khám phá những nguồn
tin từ Liên Bang Xô Viết và Đông Âu. Chúng tôi chẳng bao giờ thành công. Một lý do
khác để chúng tôi không dòm ngó nhiều đến Anh Quốc (ngoài việc thu thập tin tình báo
thông thường do tình báo hải ngoại thường trú tại Tòa Đại Sứ  Đông Đức tại Luân Đôn)
là vì chúng tôi có nguồn tin khác – tại Bonn. Trong vòng mười năm bắt đầu từ giữa
những thập niên 1970, một cố vấn chính trị tại Bộ Ngoại Giao của Tây Đức, bác sĩ Hagen
Blau, cung cấp cho chúng tôi tất cả tin tình báo của Tây Đức về Anh Quốc và là một
trong những nguồn tin tốt nhất trong Bộ Ngoại Giao Tây Đức. Ông có vợ là người Nhật
và nhờ đó ông cung cấp những thông tin giá trị khi ông làm việc tại Tokyo.

You might also like