Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 16

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP NHÓM


MÔN:
TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN

ĐỀ BÀI: 06
TỪ NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA PHƯƠNG PHÁP LUẬN
CỦA CẶP PHẠM TRÙ “KHẢ NĂNG VÀ HIỆN
THỰC”, HÃY VẬN DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT MỘT
VẤN ĐỀ CỦA THỰC TIỄN.

Hà Nội, 2021
MỤC LỤC
A. Phần thông tin 1

Mở đầu 1

B. Phần nội dung 2

I. Khái quát chung về Triết học Mác – Lênin 2

II. Cặp phạm trù “khả năng và hiện thực” 2

1. Nội dung 2
1.1. Khái niệm khả năng và hiện thực 2
1.2. Mối liên hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực 3

2. Ý nghĩa phương pháp luận 3

III. Vận dụng để giải quyết một vấn đề thực tiễn: Cơ hội tìm kiếm việc 4
làm của sinh viên sau tốt nghiệp đại học trong tình hình dịch bệnh hiện
tại.
1. Hiện thực 4
1.1. Tình trạng nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu nói chung, 4
Việt Nam nói riêng
1.2. Những thách thức, khó khăn sinh viên ra trường phải đối mặt 5

1.3. Những thuận lợi đối với sinh viên mới ra trường 7

2. Khả năng 9
2.1 Khả năng khách quan 9

2.2. Khả năng chủ quan 10

IV. Kết luận 12

Tài liệu tham khảo 13


A. Phần thông tin
- Đề tài: Từ nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “khả năng
và hiện thực”, hãy vận dụng để nhận thức và giải quyết một vấn đề của thực
tiễn.
MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác
nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa,… cùng với tình hình dịch bệnh, vấn đề tìm
kiếm việc làm đối với những sinh viên mới tốt nghiệp đại học trở nên ngày
càng khó khăn. Vậy đứng trước những thử thách ấy, các sinh viên vừa ra
trường phải tìm cách đối mặt ra sao. Trong bài này, chúng em xin được áp
dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “khả năng và
hiện thực” để phân tích vấn đề trên. Trong quá trình tìm hiểu và làm bài có
thể không tránh được một số sai sót, chúng em rất mong thầy cô và các bạn có
thể đưa ra những ý kiến đóng góp!
B. Phần nội dung
I. Khái quát chung về Triết học Mác – Lênin
“Triết học Mác – Lênin là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về tự
nhiên, xã hội và tư duy – thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách
mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các lực lượng xã hội tiến
bộ trong nhận thức và cải tạo thế giới.”
Triết học Mác – Lênin đã khắc phục những hạn chế và loại bỏ những quan
niệm, quan điểm sai lầm của các hệ thống triết học khác, trở thành thế giới quan
duy vật biện chứng định hướng cho con người những nhận thức đúng đắn về thế
giới hiện thực, giúp con người đi sâu vào khám phá bản chất của tự nhiên, xã
hội. Đồng thời triết học Mác – Lênin cũng có chức năng như phương pháp luận
chung nhất, phổ biến nhất cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người,
giúp con người phát triển tư duy khoa học, ở cấp độ phạm trù, quy luật.
Trong chủ nghĩa Mác, phép biện chứng duy vật được coi là “linh hồn
sống”, là “cái quyết định”. Bởi khi nghiên cứu các quy luật phát triển phổ biến
của hiện thực khách quan cũng như bản chất khoa học, con người đã dựa vào hai
nguyên lí đã được cụ thể hóa bằng sáu cặp phạm trù và ba quy luật cơ bản của
phép biện chứng duy vật để đề ra nguyên tắc tương ứng, định hướng cho hoạt
động lý luận và thực tiễn của mình.
Trong đó, các cặp phạm trù phản ánh mối liên hệ, sự tác động biện chứng
phổ biến nhất giữa các mặt của sự vật, hiện tượng có tính quy luật trong từng
cặp. Tính cặp đôi của các phạm trù thể hiện sự phản ánh biện chứng tính thống
nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của thế giới khách quan. Các cặp phạm
trù của phép biện chứng duy vật hình thành và phát triển trong hoạt động nhận
thức, hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội của con người. Chúng không bất
biến mà phát triển cùng với sự phát triển của khoa học.
Sáu cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật đó là: cái riêng và cái
chung; cái đặc thù và cái phổ biến; nguyên nhân và kết quả; tất nhiên và ngẫu
nhiên; nội dung và hình thức; bản chất và hiện tượng; và cuối cùng là khả năng
và hiện thực.
II. Cặp phạm trù “khả năng và hiện thực”
1. Nội dung
1.1. Khái niệm khả năng và hiện thực
Khi đã nhận thức được bản chất và các mâu thuẫn vốn có của sự vật, hiện
tượng cần nghiên cứu, con người đã có thể đưa ra những phán đoán được
phương hướng phát triển của sự vật, hiện tượng, cũng tức là đã nhận thức được
hiện thực và khả năng biến đổi của sự vật, hiện tượng đó. Biện chứng của sự liên
hệ lẫn nhau giữa quá khứ, hiện tại và tương lai được phản ánh trong cặp phạm
trù “khả năng – hiện thực”.
“Hiện thực” là phạm trù triết học phản ánh kết quả sự sinh thành, sự thực
hiện khả năng và cũng là cơ sở để hình thành nên những khả năng mới, bao gồm
tất cả những sự vật, hiện tượng đang có, đang tồn tại khách quan trong thực tế và
những hiện tượng chủ quan đang tồn tại trong ý thức.
“Khả năng” là phạm trù triết học phản ánh thời kỳ hình thành của sự vật,
hiện tượng, khi nó mới chỉ tồn tại dưới dạng tiền đề hay với tư cách là xu hướng.
Hiểu đơn giản hơn, “khả năng” là cái hiện chưa có, chưa xảy ra nhưng nhất định
sẽ có, nhất định sẽ xảy ra nếu đạt được điều kiện thích hợp.
1.2. Mối liên hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực
Khả năng và hiện thực là những mặt đối lập, chúng thống nhất biện chứng
với nhau, cũng có nghĩa là chúng loại trừ nhau theo những biểu hiện căn bản
nhất nhưng không hoàn toàn cô lập nhau mà thường xuyên chuyển hóa lẫn nhau
trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng.
Hiện thực bao hàm mình trong số lớn các khả năng, nhưng không phải tất
cả đều được hiện thực hóa. Bên trong mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại vô số
khả năng, sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng dưới điều kiện phù hợp
chính là quá trình biến đổi khả năng thành hiện thực. Trong hiện thực mới được
sinh ra sẽ nảy sinh ra những khả năng mới, những khả năng mới này nếu gặp
được hoàn cảnh tương ứng thích hợp sẽ lại tiếp tục biến đổi thành hiện thực mới.
Quá trình biến đổi đó sẽ liên tục xảy ra, tạo nên sự vô tận cho quá trình vận
động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới vật chất.
Trong hoạt động xã hội, một khả năng chỉ có thể được hiện thực hóa thành
công mà không tách rời hoạt động thực tiễn, tức là con người phải kết hợp được
hài hòa những xu hướng biến đổi khách quan của sự vật, hiện tượng với những
nỗ lực chủ quan của chính bản thân mới có thể biến khả năng thành hiện thực.
2. Ý nghĩa phương pháp luận
Hiện thực mới là cái sẵn có đang tồn tại, khả năng là cái hiện chưa có, vậy
nên trong hoạt động nhận thức và thực tiễn chúng ta cần dựa vào hiện thực.
Cũng tức là không được căn cứ vào khả năng mà sinh ra phương hướng cho hoạt
động của mình.
Khả năng tuy là cái chưa tồn tại nhưng nó cũng biểu hiện được xu hướng
vận động của sự vật, hiện tượng, vậy nên chúng ta phải tính đến các khả năng để
đưa ra lựa chọn và đề ra những chủ trương, kế hoạch hợp lí trong quá trình hiện
thực hóa khả năng.
Trong quá trình hiện thực hóa khả năng đã lựa chọn, cần chú ý bên trong
mỗi sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động và tồn tại những khả năng khác, nên
ta phải dự kiến những phương án thích hợp cho từng trường hợp có thể sẽ xảy
ra.
Ở cùng một điều kiện nhất định, ở cùng một sự vật, hiện tượng ngoài
những khả năng sẵn có ra sẽ còn một số khả năng sẽ phát sinh nếu được bổ sung
thêm những điều kiện mới, tạo nên sự phức tạp trong quá trình hiện thực hóa
khả năng. Do đó trong hoạt động nhận thức và thực tiễn, chúng ta phải ưu tiên
lựa chọn những khả năng gần, khả năng tất nhiên vì chúng dễ chuyển hóa thành
hiện thực hơn.
Khả năng chỉ có thể thành hiện thực khi có đầy đủ các điều kiện cần thiết
nên ta cần tạo ra những điều kiện đó để thúc đẩy quá trình hiện thực hóa khả
năng. Tuy nhiên cũng cần tránh hai thái cực sai lầm, một là: tuyệt đối hóa vai trò
của nhân tố chủ quan; hai là hạ thấp, xem thường vai trò của nhân tố ấy trong
quá trình biến đổi khả năng thành hiện thực.
III. Vận dụng để giải quyết một vấn đề thực tiễn: Cơ hội tìm kiếm việc
làm của sinh viên sau tốt nghiệp đại học trong tình hình dịch bệnh hiện
tại.
Tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề nóng hổi không chỉ
đối với bản thân sinh viên mà cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt
khi đặt vào hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp hiện
nay tại Việt Nam. Bởi lẽ có được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là
ao ước của không chỉ đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường mà ngay cả đối
với các bạn sinh viên vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Trong bối cảnh thị trường lao động đang phải cắt giảm nhân lực, cắt giảm
lương, hay nhiều công ty, doanh nghiệp phải tuyên bố tạm dừng kinh doanh,
thậm chí tuyên bố phá sản vì không thể tiếp tục kinh doanh; bên cạnh đó, nhiều
thể thức kinh doanh online mới lạ cũng ra đời, đâu là thực tế phải đối mặt và đâu
là khả năng, là con đường cho sinh viên mới ra trường muốn tìm kiếm việc làm?
1. Hiện thực
1.1. Tình trạng nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu nói chung, Việt
Nam nói riêng
Bức tranh về nền kinh tế toàn cầu năm 2020 đã trải qua đầy biến động với
chủ đạo là “gam màu tối” do ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19. Tháng 12
năm 2020, vaccine ngừa dịch Covid-19 ra đời giúp phần nào kiểm soát đại dịch
và dần khôi phục lại hoạt động kinh tế. Kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu
phục hồi đáng kể.
Theo tờ The Wall Street Journal, trong báo cáo mới nhất về “Triển vọng
kinh tế thế giới” IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021
xuống 5,9% (báo cáo tháng 7-2021 dự báo mức 6%), trong đó tăng trưởng của
các nước có nền kinh tế phát triển giảm xuống mức 5,2%. Mức giảm này phản
ánh các vấn đề từ sự chênh lệch giữa cung và cầu trên thế giới. Đối với các thị
trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng tăng trưởng được
cải thiện lên mức 6,4% cho năm 2021. IMF vẫn duy trì quan điểm, tăng trưởng
toàn cầu sẽ ở mức trung bình 4,9% vào năm 2022.
Trong lĩnh vực lao động việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận
định thị trường lao động việc làm đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phục hồi
sau những gián đoạn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020.
Tuy nhiên, sự tác động tiêu cực của đại dịch vẫn còn đang tiếp diễn. Báo cáo tác
động Covid-19 của tổ chức này đưa ra số liệu mới nhất cho thấy số giờ làm việc
toàn cầu năm 2021 đã sụt giảm 4,8% so với năm trước. Mức độ sụt giảm này
bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những
người bị mất việc.
Cùng với sự khởi sắc kinh tế toàn cầu và tiếp nối kết quả đã đạt được của
năm 2020, vào những tháng đầu năm 2021, nền kinh tế nước ta tiếp tục ổn định
và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối
tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm dẫn đến
diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế
trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí
Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… ảnh hưởng nghiêm trọng
đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh
doanh. Nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP quý III năm 2021
giảm 6,17%, là mức giảm sâu nhất từ trước tới nay và trong 9 tháng chỉ tăng
1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều nhất
trong các khu vực kinh tế.
1.2. Những thách thức, khó khăn sinh viên ra trường phải đối mặt
Thứ nhất, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc, không đủ để đáp ứng
nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết: “Kỹ năng của sinh viên mới ra trường là
chưa hình thành nếu không muốn nói là không có”. Tức là, sinh viên ra trường
hiện nay có kiến thức nhưng chỉ là bề mặt lí thuyết và thiếu đi những kỹ năng,
đặc biệt là các kỹ năng cần thiết để có thể hòa mình vào môi trường làm việc.
Một số bạn trẻ cho rằng, các nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có năng
lực chuyên môn, khả năng tin học thành thạo, hay có trong tay tấm bằng, chứng
chỉ ngoại ngữ A, B,… Chính vì thế, sinh viên đổ xô vào các lò đào tạo với
những hứa hẹn vô cùng đáng mơ ước từ những trung tâm để làm đẹp hồ sơ xin
việc của mình, nhưng các bạn không hề biết rằng, các chủ doanh nghiệp và công
ty, nhất là các công ty nước ngoài trong thời gian thực tập sẽ luôn chú trọng đến
các kỹ năng làm việc, giao tiếp, ứng xử hay kỹ năng làm việc theo nhóm, khả
năng lập kế hoạch mục tiêu, xử lý nhanh những khó khăn trong tình huống bất
ngờ… - mà những kỹ năng này một số sinh viên không hề chú trọng phát triển
trong quá trình học tập trên giảng đường đại học vì quá chú tâm vào chuyên
ngành của bản thân.
Các bạn không biết rằng, trong môi trường công việc đầy tính cạnh tranh
và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết
trình, quản lý thời gian,… mới thực sự là một trong những yếu tố quyết định
giúp bạn làm việc hiệu quả và trở nên khác biệt, khiến nhà tuyển dụng chú ý.
Thứ hai, bản thân một bộ phận sinh viên từ khi bước chân vào cánh cửa đại
học cho đến khi đã cầm trong tay tấm bằng cử nhân vẫn chưa định hướng được
bản thân muốn làm gì và phù hợp với công việc nào, hoàn toàn thụ động với
tương lai của chính bản thân.
Ở Việt Nam hiện nay, việc chọn nghề vẫn còn bị phụ thuộc, ảnh hưởng rất
nhiều bởi quyết định khách quan khác nhau. Với tâm lý luôn muốn che chở, bao
bọc con, các bậc cha mẹ thường có khuynh hướng thiên về những ngành “an
toàn”, mang lại danh tiếng như kỹ sư, bác sĩ, có một mức lương có thể nói là ổn
định. Con cái vì không xác định được bản thân muốn gì thì cũng thụ động, tùy ý
cha mẹ chọn ngành gì thì con học ngành đó. Dẫn đến tình trạng một là không thể
theo kịp tiến độ học tập của các bạn cùng khóa, hai là học một cách máy móc,
hời hợt vì không có đam mê.
Mặt khác, xu hướng thị trường cũng là một điều đáng nói. Một số bạn trẻ
ngày nay còn có xu hướng chạy theo học các ngành nghề “hot” để theo kịp bạn
bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường. Dẫn đến tình trạng khi bắt
đầu vào học thì chán nản, không có động lực để cố gắng, đến khi ra trường dù
mang danh tốt nghiệp ngành nghề “hot” nhưng với tấm bằng loại trung bình, khá
do không học tập tử tế, không đủ để cạnh tranh với những người thực sự giỏi và
có đam mê. Điều ấy cũng đồng nghĩa rằng những sinh viên ấy đã nằm trong
danh sách những người “thất nghiệp sau khi ra trường”.
Thứ ba, thị trường lao động đang trong tình trạng cắt giảm nhân lực, dẫn
đến cơ hội việc làm vốn đã khó khăn nay lại càng thêm thách thức đối với sinh
viên mới ra trường.
Chủ lao động, doanh nghiệp đứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng
thẳng và khó lường đã gặp không tí khó khăn về tài chính cũng như thiếu thốn
về vật chất. Lúc này, tuy muốn giữ chân nhân viên của mình nhưng quỹ tiền
lương có hạn, chủ doanh nghiệp, công ty vẫn buộc phải cắt giảm nhân lực đến
mức tối đa để tránh bị giải thể hay phá sản. Lúc này, sinh viên mới ra trường sẽ
lâm vào hoàn cảnh không tìm được nơi để thực tập cũng như ổn định việc làm
bởi lẽ các công ty, doanh nghiệp đều đang trong tình trạng “thừa nhân viên”.
Những sinh viên chân ướt chân ráo bước vào con đường tìm kiếm công ăn việc
làm vốn đã hoang mang sẽ càng không biết định hướng ra sao cho tương lai của
bản thân.
Cụ thể, một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng nhất bởi
đại dịch Covid-19 chính là ngành du lịch. Những tác động nặng nề từ dịch bệnh
không chỉ khiến toàn ngành du lịch Việt Nam rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn
mà còn làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu. Hơn 300 doanh nghiệp lữ hành
quốc tế phải xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa,
gần 20% doanh nghiệp du lịch trên cả nước phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ
việc, 48% doanh nghiệp cho 50% - 80% nhân viên nghỉ việc.
1.3. Những thuận lợi đối với sinh viên mới ra trường
Thứ nhất, bản thân sinh viên mới đặt chân ra khỏi cánh cổng đại học thực
ra cũng được “chào đón” ở một mức nhất định.
Đầu tiên, bởi là “lính mới” của thị trường lao động, vậy nên cái mà sinh
viên mới ra trường cần nhất lúc này chính là nhận được kinh nghiệm làm việc
cũng như hướng dẫn của các đàn anh, đàn chị đi trước. Vậy nên yêu cầu lương
không cao, thậm chí có những ngành nghề đặc thù các bạn trẻ còn chấp nhận
thực tập không lương.
Bên cạnh yếu tố về tiền bạc, một số nhà tuyển dụng cũng ưu chuộng sử
dụng lao động đối với sinh viên mới ra trường vì họ dễ quản lý và đào tạo,
không bị vướng mắc nhiều bởi những chuyện gia đình hay mâu thuẫn, tranh
chấp trong môi trường làm việc. Ngoài ra tính năng động, trẻ trung cũng như óc
sáng tạo, cách nhìn nhận sự việc mới mẻ, và khả năng nắm bắt xu hướng, đón
đầu công nghệ của thế hệ sinh viên mới ra trường luôn là một đặc điểm thu hút
các chủ lao động. Đặc biệt là những công ty, doanh nghiệp về những lĩnh vực
yêu cầu cao về đổi mới công nghệ như IT, hoặc yêu cầu về khả năng bắt kịp và
tạo ra xu hướng như thời trang. Bên cạnh đó, các bạn trẻ hiện nay đã tự biết
trang bị cho bản thân về ngoại ngữ thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư bên cạnh
tiếng mẹ đẻ. Những điểm ấy trở thành lợi thế vô cùng nổi bật khi đặt trong bối
cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, tại Việt Nam đã có không ít trường đại học hoặc các cơ sở đào tạo
nghề có liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo cơ hội cho sinh viên được
thực tập trước khi ra trường.
Dự án “POHE - Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng”
cho thấy: có 72,8% cựu sinh viên tham gia học tập theo chương trình POHE đáp
ứng được các nhu cầu của nhà tuyển dụng, 75,5% cho rằng “công việc thực tập
thật sự có ích cho công việc đang làm”. Điều này cho thấy sự hợp tác giữa
trường đại học và doanh nghiệp giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm
được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.
Ví dụ như Đại học Quốc gia Hà Nội đã đẩy mạnh việc liên kết với doanh
nghiệp theo hai cấp độ. Một là hợp tác liên kết giữa trường với các viện và các
đơn vị thành viên thuộc trường và doanh nghiệp bên ngoài; hai là hợp tác giữa
Đại học Quốc gia Hà Nội với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp
tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các doanh nghiệp. Kết quả
là, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện hợp tác toàn diện với các tập đoàn và
doanh nghiệp lớn như VinGroup, Viettel, Dầu khí,… Bình quân mỗi năm đã có
gần 1500 lượt cán bộ và trên 1200 lượt sinh viên được trao đổi với nước ngoài,
hàng nghìn sinh viên bậc đại học được trao học bổng từ các doanh nghiệp với
tổng giá trị 5 tỷ đồng/năm; các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Đại học Quốc
gia Hà Nội triển khai hàng chục đề tài/chương trình/dự án lớn phục vụ cộng
đồng và theo đặt hàng của các doanh nghiệp.
Thứ ba, hiện nay, trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19 hết sức căng thẳng,
người người nhà nhà hạn chế đi lại đã làm nổi lên những xu hướng ngành nghề
phù hợp với điều kiện dịch bệnh.
Chẳng hạn như kinh doanh online. Là những sinh viên mới ra trường trong
thời đại công nghệ 4.0, không khó hiểu khi các bạn trẻ có một sự am hiểu nhất
định đối với các phương tiện truyền thông hay các nền tảng mạng xã hội – mà
trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, đây là những công cụ hữu ích nhất để kết
nối người mua với người bán. Sinh viên có thể vận dụng được những kiến thức
để tự tạo lập nên kinh doanh cá nhân thu hút người mua với doanh thu khổng lồ.
2. Khả năng
Khả năng có thể chia ra khả năng do tác động khách quan hoặc khả năng
trong phạm vi chủ quan của mỗi chúng ta.
2.1 Khả năng khách quan
a) Một số lĩnh vực kinh tế đã quay trở lại hoạt động, dù không hoạt động
trên quy mô phạm vi lớn như trước nhưng vẫn tạo cho sinh viên cơ hội
được tiếp cận với việc làm.
Chẳng hạn như lĩnh vực du lịch, vào ngày 16/12/2021, thứ trưởng Bộ Văn
Hóa, Thể Thao và Du Lịch Đoàn Văn Việt đã ký ban hành văn bản bổ sung
4698/BVHTTDL-TCDL về Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 có chủ đề “ Du lịch an toàn –
Trải nghiệm trọn vẹn”.
Có nghĩa là sinh viên mới ra trường trong thời điểm hiện tại sẽ có cơ hội
làm việc đúng theo ngành nghề đã đào tạo nếu biết tận dụng thời cơ và chủ động
tìm kiếm cơ hội dành cho mình. Ngành du lịch đã được hoạt động trở lại, nhu
cầu đi lại của mọi người cũng nhiều hơn, chính vì vậy những công ty lại phải
tuyển dụng nhân viên trở lại. Cũng vì thế mà sinh viên có khả năng được đi thực
tập nhiều hơn, bên cạnh đó trong thời gian tái phát triển trở lại, các nhà tuyển
dụng không thể chi trả một mức lương quá cao thì lúc này những sinh viên thực
tập không lương hoặc sinh viên mới ra trường là một sự lựa chọn hết sức hợp lí.
b) Dù một số tỉnh thành vẫn lên đến hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 một
ngày, nhưng nhìn chung cả nước cũng đang dần đi vào quỹ đạo hoạt động
bình thường trở lại.
Nhờ có chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện
kiểm soát việc lây lan dịch bệnh cũng như việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng
vaccine ngừa Covid-19 nên hiện nay, tính đến đêm ngày 18 tháng 12 năm 2021,
nước ta đã tiêm được 137,574,609 liều vaccine trên toàn quốc.
Điều ấy có thể rằng nước ta sắp tới có thể đi vào thời điểm lựa chọn “sống
chung với dịch bệnh” một khi tỉ lệ người tiêm đủ hai mũi đạt tiêu chuẩn. Nếu
điều này xảy ra, sinh viên mới ra trường sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều
chưa từng thấy, bởi lẽ những công ty, doanh nghiệp vốn cắt giảm nhân lực để
duy trì nền kinh doanh sẽ mở cửa trở lại, lượng công việc tăng lên đồng nghĩa
với việc sẽ thiếu nguồn lao động.
c) Tuy xã hội đang dần bước vào thời kì bình thường mới sau đại dịch,
nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hiểm về sức khỏe con người.
Đại dịch Covid 19 do virus SARS – CoV – 2 gây ra với trường hợp nhiễm
bệnh đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 23-1-2020. Khi xã hội, kinh tế bị tác động
mạnh mẽ bởi đại dịch. Đại dịch Covid 19 lan tỏa khắp 63 tỉnh thành Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện nay, dù đang kiểm soát dịch tương đối ổn định nhưng
những khu vực kinh tế trọng điểm vẫn có những hôm 1000 ca nhiễm một ngày
trong đó phân nửa là những ca nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó có cơ sở rõ ràng
để đánh giá biến chủng mới là Omicron lây lan nhanh hơn nhiều so với biến
chủng denlta. Chính vì vậy việc kiếm việc làm trong thời điểm hiện tại vô cùng
khó khăn, áp lực đến từ chủ lao động, áp lực phỏng vấn xin việc, áp lực kinh
nghiệm… và quan trọng hơn hết là sức khỏe. Dù môi trường làm việc có đảm
bảo tuân thủ nguyên tắc an toàn dịch bệnh hay không thì vẫn không thể chắc
chắn 100% rằng bản thân không rơi vào trường hợp nhiễm bệnh. Khi ấy dự định
về công việc phải tạm hoãn mà còn gây tâm lí lo lắng cho bản thân và những
người xung quanh.
2.2. Khả năng chủ quan
a) Sinh viên tự nắm bắt cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi có tấm bằng tốt
nghiệp.
Do yếu tố khách quan đã nói ở trên, sinh viên ra trường khi nền kinh tế tái
khởi sắc trở lại sẽ có cơ hội làm việc theo đúng ngành nghề mình đã được đào
tạo nếu biết tận dụng thời cơ và chủ động tìm kiếm việc làm trên các trang thông
tin tuyển dụng uy tín. Còn nếu mà cứ thụ động, trông chờ những người chủ lao
động tìm kiếm đến mình thì sẽ mất cơ hội việc làm vào tay người khác.
Vậy nên lúc này, những bạn trẻ ấy cần đặt ra mục tiêu, phương hướng cụ
thể cho bản thân. Họ nên nắm bắt lấy cơ hội làm việc ngay vào thời điểm dịch
bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại, hay nên đợi một khoảng thời gian khi
cả xã hội bắt đầu trở về trạng thái bình thường mới bắt tay vào tìm kiếm việc
làm? Đây là câu hỏi cần phải đặt ra cho tất cả sinh viên ra trường trong thời
điểm nhạy cảm như hiện nay. Và bên cạnh đó, nếu chấp nhận làm việc, cái họ
phải đối mặt không chỉ là áp lực từ phía chủ lao động, đồng nghiệp, khách hàng
thậm chí là gia đình, thậm chí không ngừng vươn lên để không bị đào thải,
không vì mác “lính mới” mà bị coi thường.
b) Bên cạnh một số ngành nghề được hoạt động trở lại, sinh viên có cơ hội
tìm kiếm việc làm thì có một số bộ phận sinh viên bước ra khỏi vùng an
toàn, tự tìm kiếm cơ hội ở những lĩnh vực mới lạ mà trước đó họ chưa từng
nghĩ đến.
Có những sinh viên mạnh dạn đi tìm điểm đột phá của bản thân, chấp nhận
làm việc không đúng với ngành nghề đã theo học nếu cảm thấy đủ thực lực để
cạnh tranh với những người được đào tạo chuyên nghiệp về chuyên ngành đó và
không muốn lãng phí thời gian chờ đợi ngành nghề mình đào tạo quay trở lại
hoạt động. Lúc này, bộ phận sinh viên ấy ngoài tìm kiếm việc làm, họ phải lên
một kế hoạch cụ thể về việc đào tạo kĩ năng, trau dồi kiến thức về một chuyên
ngành hoàn toàn khác. Lúc này, liệu bản thân sinh viên có đủ kiên nhẫn để tiếp
thu một luồng kiến thức mới? Liệu bản thân có thực sự muốn làm trái ngành hay
là chỉ làm trong thời gian phù hợp nhằm kiếm thêm thu nhập và chờ đợi cơ hội
việc làm từ những nơi có ngành nghề mình theo học?
Lúc này, những sinh viên này phải dành thời gian để phân tính những điểm
mạnh, điểm yếu của bản thân, gạch ra đâu là lợi thế của mình so với những ứng
viên tiềm năng khác và hạn chế tối đa điểm yếu của mình bằng cách nghiên cứu
những lĩnh vực ấy, đăng kí các khóa học uy tín để có căn bản nền tảng của
ngành nghề đó….Ngoài ra phải thật kiên trì với việc mình làm vì họ như đang
quay lại vị trí bắt đầu, để làm nên một điều mới mẻ phục vụ cho lợi ích của bản
thân cũng như nhu cầu của toàn xã hội.
c) Sinh viên phải cạnh tranh gay gắt với những người có kinh nghiệm dày
dặn hơn trong công việc.
Khi dịch bệnh đỡ căng thẳng, sinh viên ra trường cũng khó có thể vào thực
tập hay tuyển dụng tại các công ti hay doanh nghiệp mình mong muốn.
Nghĩa là, các chủ lao động, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, thường có suy
nghĩ sẽ tìm đến đội ngũ nhân viên cốt cán có kinh nghiệm làm việc để không
mất thời gian đào tạo, làm quen với công việc nếu tình hình kinh doanh khởi
sắc. Do đó sinh viên mới ra trường không chỉ phải cạnh tranh với bạn bè cùng
trang lứa mà còn phải đối đầu với đàn anh, đàn chị, những người đã có kinh
nghiệm làm việc trước mình.
Vì thế giải pháp ở đây là gì? Thay vì trong thời điểm dịch bệnh khó khăn
như hiện tại để bản thân nghỉ ngơi trước khi bước vào cuộc chiến tranh giành
việc làm, các bạn sinh viên mới ra trường nên dành thời gian trau dồi kiến thức,
kỹ năng để hoàn thiện bản thân, tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường lao
động.
 Từ điều kiện khách quan và chủ quan ở trên, có thể thấy điều kiện khách
quan thì không thể can thiệp và thay đổi được. Nhưng điều kiện chủ
quan thì hoàn toàn nằm trong khả năng của mối cá nhân, có thể tự điều
khiển được bản thân mong muốn điều gì để từ đó có thể hiện thực hóa
khả năng.
IV. Kết luận
Có thể nói rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 và thời kỳ kỹ thuật số lên
ngôi đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp
tại Việt Nam hiện nay, việc những sinh viên mới ra trường tìm kiếm việc làm
phải đối mặt với không ít thách thức. Vì thế, cố gắng tìm ra con đường làm việc
và nắm bắt lấy những thuận lợi, khả năng tồn tại ngay trong lòng khó khăn hay
chùn bước, nản chí, chấp nhận “thất nghiệp” lại là quyết định của tự bản thân
mỗi người lựa chọn dựa trên khả năng phân tích tình huống và nhìn nhận những
khả năng có thể xảy ra của chính mình. Vậy nên, dù đưa ra lựa chọn đi theo khả
năng nào cũng cần duy trì đầu óc tỉnh táo và biết phân tích, tìm ra phương án để
đối phó với tất cả những khả năng sẽ xuất hiện, giúp bản thân tìm ra được định
hướng việc làm cho tương lai.
Tài liệu tham khảo
- Giáo trình “Triết học Mác – Lênin” (nxb Chính trị quốc gia sự thật)
- Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tiemchungcovid19.gov.vn)
- Tổng cục Thống kê Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gso.gov.vn)
- Báo Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn)
- Tạp chí Công Thương (tapchicongthuong.vn)
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (moh.gov.vn)

You might also like