Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 11

BÀI LUYỆN VIẾT LẦN 4

Nick Facebook: Mây Mây


Gmail: damthaovan0511@gmail.com
“ Khi tình cảm tự tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ” ( Ta-go).
Thơ là hình thức bộc lộ tâm trạng, nói lên tiếng vọng trong tâm hồn người thi sĩ, là nơi để họ
cất chứa tình cảm mình và phản ánh hiện thực trong cuộc sống. Với Tố Hữu- ngọn cờ đầu
của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, ông đã gửi gắm tình cảm và đặt cả trái tim mình vào
những vần thơ trong thi phẩm Việt Bắc, để bài thơ như một khúc hát hùng ca về thời đại hào
hùng của dân tộc hay cũng là bản tình ca của những tình nghĩa ấm nồng nơi người dân Việt
Bắc và những người cán bộ Cách mạng bấy giờ. Như nhà thơ đã khẳng định : “Việt Bắc ở
trong tôi”, hẳn là vì thế nên khi viết lên những vần thơ ấy, tác giả như đã nhập vào hồn Việt
Bắc, đắm chìm trong cảnh sắc và con người nơi đây, để từ đó như một người hoạ sĩ hoạ nên
bộ tranh tứ bình đặc sắc hoà quyện với tâm trạng của nhân vật trữ tình theo những cung bậc,
gam màu khác nhau. Đồng thời, là một người thi sĩ, cũng là một người chiến sĩ, Tố Hữu từ
thuở ấu thơ luôn bị ảnh hưởng một cách sâu sắc về những tinh hoa truyền thống của dân tộc,
khi lớn lên sự nghiệp văn chương của ông lại gắn bó mật thiết với con đường cách mạng,
chính vì lẽ đó mà từng trang thơ của ông luôn chứa đựng tính dân tộc sâu sắc và “Việt Bắc”
là một trong số những tác phẩm giá trị mang dấu ấn đậm nét về tính dân tộc không chỉ của
nhà thơ Tố Hữu mà còn cả của thơ ca Việt Nam.
Nhắc đến thơ là nhắc đến thế giới nội tâm con người với thế giới hiện thực của cuộc sống.
Được mệnh danh là “người thư kí trung thành của thời đại”, tác phẩm của ông ghi lại những
sự kiện lịch sử dân tộc một cách đặc sắc, không hề khô khan mà đầy thi vị. Tháng 10/1954
Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, thực dân Pháp bị đánh bại, trong ngày hội của dân tộc
ấy, khắp nơi reo hò mừng vui vì chiến thắng sau 9 năm ròng gian khổ mà hào hùng. Khi ấy,
Trung ương Đảng và các cán bộ của ta rút từ căn cứ địa Việt Bắc về Hà Nội. Trong những
giây phút chia ly ấy, những tình cảm , kỉ niệm gắn bó thuỷ chung suốt “ mười lăm năm ấy
thiết tha mặn nồng” như ùa về trong tâm trí của người đi kẻ ở, để giây phút chia tay ấy
nhuốm màu tâm trạng luyến tiếc, nhung nhớ, bịn rịn của cả nhân dân Việt Bắc lẫn các cán bộ
Cách mạng. Những cảm xúc ấy, đã thôi thúc nhà thơ viết nên bài thơ “Việt Bắc”, vừa là để
ghi lại một thời đại lịch sử hùng hồn, cũng vừa thể hiện tình cảm của người ra đi và người ở
lại sau những ngày tháng thuỷ chung son sắt ấy. Bài thơ được trích trong tập thơ Việt Bắc
(1946-1954) được xem là thi phẩm đạt đến đỉnh cao, không chỉ của nhà thơ Tố Hữu mà còn
cả của nền văn học Việt Nam.
Bức tranh tứ bình là đoạn thơ tập trung thể hiện thiên nhiên và con người Việt Bắc với
những chi tiết, gam màu khác nhau, làm nổi bật lên vẻ đẹp của thiên nhiên và và con người
nơi đây.

“Ta về, mình có nhớ ta


Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”

Người ta bảo rằng: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”- nhà thơ với tình cảm
chân thành đã tạo nên cái gốc cho tác phẩm, rồi nuôi dưỡng, làm cho nó rực rỡ toả sáng với
tài năng thơ ca của mình. Tố Hữu với tấm lòng và tài năng văn chương ấy, đã thành công vẽ
ra một khung cảnh thiên nhiên con người đặc sắc trong bức tranh tứ bình mà mở đầu là là hai
câu chủ đề về nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về hoa và người Việt Bắc.

“Ta về, mình có nhớ ta


Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Câu thơ là câu hỏi của người ra đi, vừa là để hỏi người ở lại cũng vừa bày tỏ nỗi lòng của bản
thân. Mở đầu là câu hỏi với cấu trúc quen thuộc xuyên suốt cả bài thơ: “Ta về, mình có nhớ
ta.” Câu thơ là câu hỏi như lời băn khoăn “mình có nhớ ta”, liệu người Việt Bắc có nhớ đến
mình sau khi bản thân đã rời đi hay không. Dường như ở đoạn thơ nào trong bài thơ “Việt
Bắc” ta cũng bắt gặp những câu hỏi như vậy, những thật hiếm để thấy được dấu chấm hỏi sau
mỗi câu hỏi ấy, dường như đây chính là sự khéo léo và linh hoạt của tác giả. Câu thơ vừa thể
hiện nỗi băn khoăn với bên kia, lại vừa như bộc bạch tâm hồn của nhân vật trữ tình ấy. Tình
cảm của họ dành cho nhau khắng khít, tình nghĩa, suốt mười lăm năm đã tạo nên sự đồng
điệu trong tâm hồn của cả hai bên, để giờ đây vào giây phút chia xa, họ cất lên tiếng nói tự
sâu trong lòng mình cùng những băn khoăn, trăn trở với người ở lại. Nếu câu hỏi bên trên có
thể coi là lời của người ra đi dành cho người ở lại, thì đến câu thứ hai là lời khẳng định của
bản thân mình: “ Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Điệp từ “ta” cùng từ “nhớ” được
nhắc lại, thể hiện sự ngân vang, nỗi nhớ dâng trào, trải dài trong tâm trí người ra đi rằng họ
luôn nhớ về Việt Bắc dù có rời xa đến đâu. Khung cảnh chia li được gợi mở với điệp từ “ta
về”, nhưng không phải là để gợi ra nỗi buồn thương mà là lời khẳng định sự trân trong và
những tình thương nỗi nhớ sẽ còn mãi trong lòng những người con cách mạng ấy, dù có đi
đâu về đâu, họ cũng sẽ luôn nhớ về một Việt Bắc nơi có những “hoa cùng người” yêu dấu
thân thương. Hình ảnh hoán dụ trong câu thơ “hoa cùng người” là một sáng tạo thật đặc sắc
và tinh tế của tác giả. Hoa biểu trưng cho thiên nhiên núi rừng Việt Bắc, người là con người
nơi đây, hình ảnh hoa cùng người dường như đã đặt con người vào với thiên nhiên, cũng là
đặt những tấm lòng, những tình cảm tha thiết của họ vào với vẻ đẹp của núi rừng. Thiên
nhiên và con người như hoà quyện vào nhau, gắn bó thân thiết, như trong bài thơ Tây Tiến, ta
cũng từng thấy hình ảnh gắn bó của những người lính với con sông Mã hùng vĩ: “sông Mã
gầm lên khúc độc hành”. Nhớ những tháng ngày gian khổ của quân dân ta trong những năm
kháng chiến, núi rừng như người mẹ luôn chở che cho những người con Cách mạng: “Rùng
che bộ đội, rừng vây quân thù”. Thiên nhiên và con người gắn bó như thế suốt mười lăm năm
dòng đã trở thành miền kí ức không bao giờ quên trong tâm hồn những người ra đi, kí ức về
rừng núi cũng như những tình cảm gắn bó của nhân dân Việt Bắc luôn làm rung động trái tim
họ. Dường như, vẻ đẹp của tấm lòng, của những tình cảm da diết sâu sắc của người dân Việt
Bắc nơi đây, cũng nở rộ giữa rừng núi như những khóm hoa giản dị mộc mạc nhưng rất rực
rỡ xinh đẹp kia, “người ta là hoa đất”- con người với những tấm lòng cao cả và tốt đẹp sẽ
luôn là những bông hoa rực rỡ giữa cuộc đời. Tố Hữu một nhà thơ với những “lẽ sống lớn,
niềm vui lớn, tình cảm lớn” chính vì vậy mà khi ông bày tỏ tấm lòng của mình, người thi sĩ
ấy đã dùng từ “những”, đó là “những” niềm nhớ thương, “những” tình cảm của các chiến sĩ
cách mạng, không phải dành cho một cá nhân, một cá thể riêng lẻ mà dành cho mọi người
dân Việt Bắc, cho cả vùng đất này với những tấm lòng son sắt thuỷ chung quý báu.
Hai câu thơ mở đầu với giọng điệu ngọt ngào, êm dịu chan chứa tình cảm đã gợi mở một
nỗi nhớ da diết, tinh khôi của người ra đi với những vẻ đẹp nơi thiên nhiên và con người Việt
Bắc, một vẻ đẹp cao nhã, thanh thoát với nhiều cung bậc tiếp tục được làm rõ trong bức tranh
tứ bình ở đoạn sau.

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng


Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”
Bộ tranh tứ bình là bộ tranh với bốn mùa xuân hạ thu đông thường được treo trong những nhà
quyền quý. Như nhà thơ Sóng Hồng từng viết: “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm
khắc theo một cách riêng”. Chính vì vậy, với tài năng và tình yêu với Việt Bắc, ngôi sao sáng
nhất của thơ ca cách mạng thế kỉ XX ấy đã hoạ lên bộ tranh tứ bình bằng ngôn từ và cảm xúc,
tạo nên bốn bức tranh đặc sắc bậc nhất và cũng để lại những ấn tượng sâu lắng nhất trong
lòng độc giả. Có thể nói, nhà thơ đã mượn bức tranh tứ bình truyền thống để vẽ lên bức tranh
về thiên nhiên trong hồi ức của người ra đi và cũng là bức tranh tâm cảnh trong nỗi nhớ
nhung da diết của nhân vật trữ tình. Trong bức tranh ấy, thiên nhiên và con người luôn song
hành, gắn bó hoà quyện vào nhau, cứ mỗi một mùa là một gam màu, một vẻ đẹp khác được
mở ra, dẫn dắt người đọc cuốn theo miền kí ức của nhà thơ nhà như lạc vào, đắm mình trong
vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây.
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.”
Mở đầu bộ tranh tứ bình là bức tranh mùa đông, với sự quan sát tinh tế bằng thị giác, tác giả
đã cho thấy sự gắn bó hoà quyện giữa thiên nhiên và con người.Không như những bức tranh
tứ bình bình thường khác, đi theo trình tự bốn mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông, mà với Tố
Hữu, ông có dụng ý riêng khi bắt đầu bức tranh của mình với mùa đông. Mùa đông ấy không
phải mùa đông bình thường, mà với quan điểm “Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ”, ông
lồng ghép vào bức tranh của mình một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Mùa đông năm
ấy phải chăng là mùa đông trong chiến dịch thu đông lịch sử- khi quân dân ta chiến thắng huy
hoàng, đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của bọn thực dân. Hoặc đó cũng có thể
là mùa đông năm 1946, khi cả dân tộc ta bắt đầu công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp
lần hai. Như vậy, mùa đông trong bộ tranh tứ bình của Tố Hữu không phải một mùa đông
bình thường như bao mùa đông khác, mà là khởi đầu cho 9 năm trường kì kháng chiến gian
khổ mà oanh liệt của dân tộc, là cánh cửa mở ra chuỗi những kỉ niệm, tình cảm, những kí ức
in sâu mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Mùa đông ấy ý nghĩa như vậy, đặc biệt
như vậy nên nhà thơ cũng có cách miêu tả thiên nhiên lúc này thật khác biệt:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”
“Thơ là tấm gương khúc xạ tình cảm của con người”, có lẽ Tố Hữu đã nhìn cảnh vật thiên
nhiên Việt Bắc qua lăng kính tâm hồn của mình nên mùa đông trong bức tranh của nhà thơ
mới đặc biệt đến thế. Người ta thường biết đến mùa đông với những hình ảnh ảm đạm, lạnh
lẽo của những cái rét tái tê, là những cành cây xơ xác trụi lá với những áng mây đen nặng nề
ngổn ngang trên nền trời xám xịt, nhưng trong thơ của Tố Hữu, mùa đông hiện lên với một
cái nhìn hoàn toàn khác. Mùa đông của Việt Bắc là khi có cánh “rừng xanh” bạt ngàn cùng
những bông “hoa chuối đỏ tươi” rực rỡ, những gam màu xanh đỏ ấy đều là những gam màu
đậm, trái ngược hoàn toàn với vẻ u uất lạnh lẽo mà hiện lên trong đó là sức sống tràn đầy
mãnh liệt, một sự tươi mát, một nguồn năng lượng đầy ắp. Mùa đông ấy rực rỡ như vậy, khoẻ
khoắn, ấm áp như thế có lẽ là vì khi ấy, tâm hồn của nhà thơ đã được Cách Mạng soi sáng, cả
cái lạnh lẽo của mùa đông cũng bị đẩy lùi bởi ý chí, lòng quyết tâm đánh đuổi giặc, tìm lại
ngày tháng yên bình cho dân tộc, đó chính là sự lạc quan, lòng tin vào con đường độc lập của
dân tộc và Cách mạng, chính vì vậy mà cảnh vật hay tâm trạng con người đều rực rỡ, ấm áp,
tràn dầy sức sống. Tố Hữu đã vẽ ra bức tranh mùa đông trên nền xanh của rừng cây, trên cái
nền xanh địa ngàn ấy, nổi bật lên màu đỏ tươi của hoa chuối, nét chấm phá đặc biệt đã làm
cho câu thơ mang những tầng nghĩa thật tinh tế và đặc biệt. Thiên nhiên Việt Bắc mùa đông
nổi bật với hai gam màu xanh đỏ, xanh của địa ngàn, của rừng núi trải dài tít tắp, thân thương
mà hùng vĩ, đỏ tươi rực rỡ của hoa chuối như một nét chấm phá, nổi bật lên trên nền xanh ấy,
như Nguyễn Trãi từng viết:
“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Cảnh ngày hè- Nguyễn Trãi
Hay gam màu đỏ nổi bật rực rỡ, như những ngọn đuốc hồng rực lửa trong bài thơ Tây Tiến
của Quang Dũng:
“ Mường lát hoa về trong đêm hơi”
Tây Tiến- Quang Dũng
Sắc đỏ ấy như dòng máu sôi sục quyết tâm của quân dân ta, là màu của khí thế, của trái tim
nhiệt huyết và hy vọng về ngày mai tươi sáng. Màu xanh và đỏ đều là những màu cơ bản
trong bảng màu, nó tượng trưng cho nguồn sống, cho sức sống dạt dào trong tâm hồn của
người đi kẻ ở. Mở đầu bằng hai gam màu ấy, tác giả gửi gắm vào những vần thơ là sự may
mắn và lạc quan hướng về tương lai.

Song song với bức tranh thiên nhiên là bức tranh con người cần mẫn, chăm chỉ được khắc
hoạ tuyệt đẹp trên nền cánh núi đồi nơi đây.
“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.”
Nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của người lao động chịu thương chịu khó, từ môi trường làm việc
của họ là những ngọn “đèo cao”, làm người đọc như mường tượng ra những đoạn đèo dốc
trùng điệp, gập ghềnh mà hằng ngày những người lao động phải leo lên, vượt qua bao triền
núi, bao khó khăn vất vả để hoàn thành công việc của mình. Với con dao đi rừng luôn sáng
ánh, thể hiện sự chăm chỉ mài dũa, như kể lại cho người đọc về những cuộc đi rừng, những
lần trèo đèo lội suối, những vất vả gian truân mà họ âm thầm lặng lẽ chịu đựng, để lao động
cần mẫn đóng góp cho cách mạng, cho dân tộc, cho đất nước bấy giờ. Thật độc đáo khi nhà
thơ dùng cụm từ “nắng anh”, tại sao không phải là ánh nắng mà lại là nắng ánh, dường như từ
“ánh” đã trở thành điểm sáng cho câu thơ, làm người đọc như xuyên qua không gian và thời
gian, trở về với miền núi rừng Việt Bắc, trên một ngọn dốc cao của đại ngàn, ta thấy bóng
hình của người lao động được phác nên rõ nét bởi ánh nắng của mặt trời, những ánh nắng ấy
hắt vào con dao đi rừng của họ, ánh lên phản chiếu vào mắt ta, để rồi, ta cảm tượng như,
chính con người lao động ấy giờ đây là điểm sáng, là nơi quy tụ mọi nguồn sáng của vũ trụ.
Và khi ấy, con người lao động đã vươn lên, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, họ mang
một tầm vóc vĩ đại của vũ trụ, chính những con người lao động cần mẫn ấy, luôn đóng góp
thầm lặng vào Cách mạng của dân tộc, họ chăm sóc quân ta bằng tình thương và tất cả những
gì họ có, họ lao động để đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, chính những con người
ấy, giản dị mà vĩ đại, họ chính là những người anh hùng mãi in sâu vào tâm trí của người ra
đi cũng như của nhà thơ Tố Hữu. Bức tranh mùa đông được hiện ra với vẻ ấm áp, tràn đầy
sức sống cùng với đó là vẻ đẹp của con người lao động, đem đến cho người đọc những cảm
xúc khó quên về mùa đông của Việt Bắc.
Mùa đông với những gam màu nổi bật tràn đầy sức sống qua đi, nhà thơ mở ra bức tranh
mùa xuân yên bình với hoa mơ tinh khôi và người lao động khéo léo trong công việc của họ
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Nếu chúng ta đã quá quen với sắc đỏ thắm tươi của hoa đào miền Bắc, sắc vàng tươi tắn của
hoa mai miền Nam, thì với Việt Bắc, mùa xuân về với sắc trắng tinh khôi, yên bình của hoa
mơ, khoác lên cho vùng đất này tấm áo mới nhẹ nhàng mà làm rung động lòng người.
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng”
Sắc trắng trong ngày xuân không hề xa lạ trong thơ ca Việt Nam, khi xưa Nguyễn Du từng
viết:
“ Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Truyện Kiều- Nguyễn Du
Nhưng khác với đại thi hào của dân tộc, Tố Hữu không sử dụng biện pháp chấm phá trong
câu thơ này, nhà thơ của Cách Mạng đã cho màu trắng ấy phủ khắp mọi cung đường, mọi
cánh rừng Việt Bắc. Với đảo ngữ “trắng rừng”, cả vùng đất Việt Bắc như ngập trong hương
sắc của hoa mơ trắng khi xuân về, như ông đã từng viết về sắc trắng ấy ở một bài thơ khác:
“ Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”
Theo chân Bác- Tố Hữu
Mài trắng dịu dàng, thanh thoát ấy của hoa mơ, như một làn gió xoa dịu tinh thần cho những
người con cách mạng giữa những ngày khói lửa chiến đấu gian khổ, sắc trắng giản dị mà gần
gũi, không phô trương nhưng cũng đủ để làm người ta xao xuyến nhớ mãi không quên khi rời
xa. Động từ “nở” như nhãn tự của câu thơ, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, đâm chồi nảy lộc
mạnh mẽ của thiên nhiên khi xuân về, làm cho bức tranh tràn đầy sức sống, khiến thiên nhiên
Việt Bắc tuy bình dị nhưng luôn có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt giống như con người nơi
đây với vẻ đẹp duyên dáng của họ:
“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Nỗi nhớ trải dài xuyên suốt trong tâm trạng người đi kẻ ở, như tấm la bàn để giờ đây dẫn dắt
người ta về với cuộc sống lao động bình dị nơi Việt Bắc, với công việc đan nón cùng những
đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ nơi đây. Hình ảnh “chuốt từng sợi giang” tái hiện lại khung cảnh
những người lao động cần mẫn, chuốt nhỏ, làm bóng, làm sáng lên từng sợi giang, từng sợi
từng sợi qua đôi bàn tay khéo léo của người lao động, được kết nên thành những chiếc nón,
những thành phẩm đẹp đẽ, duyên dáng. Những người lao động ấy, không phải làm việc một
cách ồ ạt mà họ tỉ mỉ, khéo léo chuốt “từng” sợi giang một. Với chữ “từng” ấy, Tố Hữu đã
làm nổi bật đức tính cần mẫn, kiên nhẫn của người dân lao động Việt Bắc, họ dồn hết tình
cảm và tâm trí của mình vào những sản phẩm thủ công ấy để từ đấy, ta càng thêm trân trọng
vẻ đẹp của người lao động Việt Bắc nơi đây. Những công sức lao động chuyên cần của họ
được nhà thơ ghi lại với niềm trân trọng, cảm phục sâu sắc:
“ Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị, của chúng ta không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên- Tố Hữu

Trong tâm tưởng của người thi sĩ, hẳn rằng sau khi chiến tranh kết thúc, hoà bình được lập
lại, cuộc sống sẽ lại tươi đẹp, các bản làng sẽ lại trù phú, đầy ắp tiếng cười, sự yên bình sẽ
thay thế cho những tháng năm đạn bay pháo nổ, khi ấy, hoa mơ sẽ nở bông, bông hoa mơ của
đất trời ấy, sẽ mãi tồn tại, mãi mang dáng vẻ dịu dàng thanh khiết, tượng trưng cho sự yên
bình và trù phú cho một vùng đất trong miền kí ức của chính tác giả và những người con cách
mạng.
Khép lại bức tranh mùa xuân xinh đẹp, tinh khôi, theo bước chân của thời gian, thiên
nhiên thay đổi, đưa ta đến với mùa hè rực rỡ, khi màu vàng đặc biệt của Việt Bắc thay thế
cho sắc trắng của hoa mơ và hình ảnh con người chủ động trong công việc.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng


Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Mùa hè được cảm nhận bằng thính giác, với tiếng ve kêu râm ran gọi cả hè về, giục giã cảnh
vật thay đổi: “Ve, ve kêu, hè về”. Mùa hè nơi núi rừng hiện lên với sắc vàng rực rỡ tuyệt đẹp,
ánh vàng lấp lánh ấy làm ta không khỏi nhớ đến những màu vàng rực rỡ nhất, tươi tắn nhất
như những ánh nắng trong những bức tranh của thiên tài cô độc Vincent Van Gogh. Ông đã
từng viết: “ Tôi chỉ có thể nhớ đến màu vàng, vàng nhạt, vàng chanh, vàng kim loại. Chúng
mới đẹp làm sao”. Với bút pháp thi trung hữu hoạ cùng tài năng của mình, nhà thơ Tố Hữu đã
đem đến cho chúng ta một màu vàng đẹp lạ lùng, làm chấn động cả tâm trí, đó là màu vàng
của lá phách, một loài gỗ lim hiếm chỉ có ở vùng Việt Bắc, có hoa nở màu tím, đến tháng ba,
tháng tư thì lá cây đồng loạt chuyển sang màu vàng, đem đến cho núi rừng một sắc vàng độc
đáo, như sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, làm cho không gian và thời gian trở nên rộn
ràng náo nhiệt, sống động và mạnh mẽ. Sức sống ấy càng thể hiện rõ nét hơn khi nhà thơ sử
dụng động từ “đổ”, một thanh trắc với âm vực cao, Tố Hữu không để cho sự chuyển đổi của
thời gian diễn ra từng chút một mà như vội vã, đổ mạnh cả bảng màu vàng vào bức tranh, làm
màu chảy lênh láng, lan khắp mọi nơi trong bức tranh thiên nhiên Việt Bắc ấy. Một câu thơ
với sự phối hợp hài hoà giữa màu sắc, âm thanh và chuyển động, bức tranh thiên nhiên mùa
hè thật độc đáo mà mạnh mẽ. Con người lao động lại một lần nữa được hiện lên với dáng vẻ
chủ động trong công việc song hành giữa khung cảnh thiên nhiên ấy:
“Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Nỗi “nhớ” lại tiếp tục được điệp lại, chính là nỗi nhớ nhung của những người ra đi dành cho
con người Việt Bắc nơi đây, họ là những người phụ nữ siêng năng, chăm chỉ nổi bật lên giữa
núi rừng Việt Bắc. Nỗi nhớ ấy hướng đến cô “em gái”, cách gọi thân thuộc đầy tình cảm như
những người trong gia đình, giữa người cán bộ cách mạng và những người dân Việt Bắc, tình
quân dân của họ cũng như tình cảm ruột thịt suốt mười lăm năm, từ đó hình thành nên tiếng
gọi thân thương gần gũi ấy. Cô em hái măng một mình trong tư thế chủ động, gợi lên vẻ đẹp
chịu thương chịu khó, cần mẫn chăm chỉ của người phụ nữ. Hình ảnh hái măng một mình ấy
giữa rừng phách rực vàng có lẽ sẽ gợi cho ta sự cô đơn, trống văng, một chút đượm buồn giữa
thiên nhiên mênh mông ấy, nhưng nhìn vào sâu hơn, ta sẽ thấy cô em gái ấy không hề cô đơn,
không hề lạc lõng chút nào, vì ở những cánh rừng khác, trong những miền đất khác, trên khắp
mọi nơi ở dải đất chữ S thân thương này, có hàng triệu con người vẫn đang chăm chỉ, cần
mẫn lao động hằng ngày, hằng giờ, để góp sức mình cho cách mạng, để giúp đỡ những người
cán bộ cách mạng, tất cả mọi người con của dân tộc Việt Nam đều đang dốc hết sức mình cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đất nước, cho tương lai và những người thân yêu của mình.
Chính vì vậy, đồng hành với cô em hái măng của Tố Hữu là hàng triệu người con Việt Nam
khác cũng đang cần mẫn lao động, cống hiến như Hoàng Trung Thông từng viết:
“ Cô em giã gạo cười e lệ
Lòng bỗng rung theo nhịp tiếng chày”
Nhà văn Phương Lựu từng viết: “Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh
thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng…”. Thơ ca là nơi các nhà
thơ kí gửi tâm tư, tình cảm của mình trên những giá trị hiện thực của thời đại. Một nhà thơ
với một tình cảm lớn như Tố Hữu, luôn đem đến cho người đọc, những trang thơ dạt dào tình
cảm không chỉ của riêng nhà thơ mà còn cả của thời đại lúc bấy giờ. Khép lại ba bức tranh tứ
bình trên, tác giả đưa người đọc đến với bức tranh mùa thu chan chứa tình cảm sâu sắc và
niềm vui của thiên nhiên lẫn con người.
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”
Với mùa thu, tác giả đã có sự dịch chuyển thời gian từ ngày sang đêm, để khi ấy, xuất hiện
người bạn tri kỉ của các thi nhân: ánh trăng. Ánh trăng Việt Bắc mùa thu ấy xuyên qua kẽ lá
vòm cây, rọi sáng cả Việt Bắc lẫn lòng người nơi đây. Danh hoạ Leonardo De Vinci đã từng
nói: “Thơ là một bức hoạ để ta cảm nhận thay vì để ngắm”, nhà thơ dành trọn tâm tư tình cảm
của mình kí thác vào những trang thơ, nên mỗi một dòng, mỗi một chữ trong câu thơ đều có
những tầng nghĩa riêng. Đắm chìm vào câu thơ của Tố Hữu, ta bắt gặp hình ảnh ánh trăng
quen thuộc từng xuất hiện trong thi phẩm của thi nhân Việt Nam:
Trǎng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau,
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
ấy tin thắng trận Liên khu báo về.
Tin thắng trận- Hồ Chí Minh
Giờ đây, trong bức tranh mùa thu của Tố Hữu, ta cũng bắt gặp “người bạn tri kỉ” ấy, khi ánh
trăng rọi xuống chiến khu Việt Bắc, cũng như rọi ánh sáng của hoà bình vào nơi đây, thứ ánh
sáng bạc trong trẻo, thanh khiết mà yên bình ấm áp ấy, như vui cùng với quân dân ta, cùng ăn
mừng trong ngày hội dân tộc, cả thiên nhiên cũng hoà quyện, vui mừng cho dân tộc, cho
chiến thắng độc lập của tổ quốc non sông. Ánh trăng ấy trong suốt các cuộc kháng chiến,
luôn là người bạn đồng hành với quân dân ta, biết bao lần trăng soi sáng cho bộ đội hành
quân trong đêm, trong những lần tập kích, trăng làm bạn với các cán bộ bàn “việc quân” hay
góp vui trong những đêm hội liên hoan của các cán bộ chiến sĩ và người dân bản làng, trăng
là tri âm tri kỉ, là người bạn đồng hành, là hình ảnh sống động gắn liền với những kỉ niệm
chiến đấu gian khổ nhưng oanh liệt, cũng như một khán giả theo dấu suốt chặng đường lịch
sử của dân tộc. Dù trong thơ của Hồ Chí Minh hay của Tố Hữu, ánh trăng vẫn mãi là người
bạn thân thương nhất, vui buồn với quân dân, với đất nước, dân tộc. Ánh trăng ấy, dường như
hiểu được tâm trạng của thi nhân để rồi, với động từ “rọi”, ánh trăng sáng ấy chỉ tập trung rọi
chính xác vào rừng thu của Việt Bắc, chỉ rọi vào tâm hồn của những người lính mà thôi. Khi
ta nhập hồn mình vào những dòng thơ, để cảm nhận một cách tinh tế mà sâu sắc thấm thía ,
mang tâm hồn của một người chiến sĩ cách mạng, từng trải qua những tháng ngày đen tối của
chiến tranh, những ngày tháng: “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”,
ta sẽ hiểu và trân trọng biết bao, tự hào và tin yêu bằng cả tấm lòng vì chiến công của dân tộc,
vì độc lập ngày hôm nay, để rồi khi ấy, ta sẽ cảm tưởng như đã tìm lại được ánh sáng của tự
do, của hạnh phúc và mở ra tương lai tươi sáng phía trước. Ánh trăng như một phép màu giúp
xoa dịu tinh thần người lính, đem lại cảm giác thanh bình cho lòng người, cho những tâm hồn
tìm thấy bến bờ hạnh phúc và hy vọng cho ngày mai. Dưới ánh trăng thanh khiết ấy, nỗi nhớ
về khúc hát ân tình thuỷ chung được vang lên trong tâm hồn người ra đi. Nỗi nhớ lại đảm
nhận vai trò của mình, dẫn dắt về hình ảnh đẹp đẽ của con người khi họ cất lên “tiếng hát ân
tình thuỷ chung”. Ân tình là những tình nghĩa sắt son, những tình cảm da diết của nhân dân
Việt Bắc và những người con cách mạng dành cho nhau trong suốt chặng đường chiến đấu,
những tình cảm giản dị mà sâu sắc, luôn nhắc nhở bản thân những người ra đi phải luôn ghi
nhớ những kỉ niệm ân tình, những con người tình nghĩa cùng họ trải qua đắng cay ngọt bùi
suốt mười lăm năm qua. Thuỷ chung là sự sắt son một lòng, là phẩm chất quý giá nhất trong
mỗi người, tiếng hát ân tình thuỷ chung ấy, có thể hiểu là khúc ca chiến thắng, cũng là ẩn dụ
cho tiếng nói, lời tâm tình, cuộc trò truyện của kẻ ở người đi nhớ về những kỉ niệm sắt son
với người dân Việt Bắc. Đại từ phiếm chỉ “ai”, không nói cụ thể một ai, mà nhà thơ dùng đại
từ phiếm chỉ để thể hiện nỗi nhung nhớ hướng đến toàn nhân dân, toàn chiến khu Việt Bắc
chứ không riêng lẻ một người nào. Đồng thời, tiếng hát ấy cũng như lời hô ứng đồng vọng
trong tâm trạng của hai phía và cũng là lời nhắc nhở cho người ra đi về những kí ức tình
nghĩa của quá khứ sẽ theo họ suốt cuộc đời ấy. Ánh trăng rọi lên khúc hát ấy, nhắc nhớ về
hoà bình, về ân nghĩa, sợ rằng người ra đi sẽ quên mất những ngày tháng gắn bó khi xưa

“ Trăng cứ tròn vành vạnh


Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
Ánh trăng- Nguyễn Duy
Hay ánh trăng gắn liền với tình nghĩa, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, gian khổ để gây
dựng độc lập cho dân tộc:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Đồng Chí- Chính Hữu
Tóm lại, dù ở thời điểm nào, không gian nào, ánh trăng vẫn sẽ mãi là người bạn tri kỉ với con
người và mang theo những tình cảm, những hoài niệm đẹp đẽ và trữ tình suốt một đời người
cách mạng và cho cả thế hệ mai sau.
Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh thổ lộ:
“Tôi đặt tình yêu của tôi ở đây
Tôi đặt trái tim mình ở đây
Đầy vất vả với cuộc đời rộng mở
Và điều này tôi phải nói bằng thơ”
Đặc thù của thơ ca nói riêng và văn chương nói chung là tình cảm và lí trí dung hoà, nhưng
trước hết, nhà thơ phải có tình đặt vào những trang viết thì bài thơ mới có ý nghĩa và là nghệ
thuật đích thức. Như theo Bùi Ngọc Qui, “tình ấy gốc văn, tình chật hẹp thì văn kia cứng
xác”. Đọc những trang thơ của Tố Hữu, ta luôn cảm thấy trong lòng mình rạo rực một niềm
xúc cảm, khi thì bồi hồi thương nhớ, khi thì tự hào, khi lại như phiêu theo dòng thơ của ông
mà lạc về miền xa tít tắp nào, đó là bởi vì nhà thơ luôn đặt trái tim ấm nóng mình đập dưới
từng trang thơ, từng câu chữ, để nhịp đập ấy sẽ truyền cho người đọc những xúc cảm, những
cảm xúc của chính tác giả, cho ta vui buồn lên xuống theo nhịp đập của từng câu thơ và sống
trong thế giới của tác phẩm. Với bức tranh tứ bình, nhà thơ đặt vào đấy tình yêu thiên nhiên
và những xúc cảm trước từng sự thay đổi của thiên nhiên và con người Việt Bắc thèo bốn
mùa của đất trời: Đông, Xuân, Hạ, Thu. Mỗi một thi nhân đều có một lăng kính riêng để cảm
nhận, theo đuổi rồi rung động trước những biến đổi của thiên nhiên để rồi trân trọng từng
khoảnh khắc ấy, như nhà thơ Chế Lan Viên từng thể hiện cảm xúc về sự chuyển đổi của đất
trời:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Xuân-Chế Lan Viên
Đối với Tố Hữu, trước cảnh sắc thiên nhiên với bước đi của thời gian, ông đã vận dụng nhiều
giác quan, bằng màu sắc, hình ảnh, âm thanh, đường nét, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh thiên
nhiên tứ bình cũng là bức tranh tâm cảnh với một tâm hồn tinh tế và sâu sắc trong cảm nhận
của thi sĩ. Sự kết hợp thể thơ lục bát truyền thống mang âm hưởng da diết ngọt ngào, cùng
hình ảnh thiên nhiên con người luôn song hành hoà quyện, điệp từ cùng những hình ảnh ẩn
dụ, hoán dụ, đảo ngữ, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh tứ bình nên thơ, nhắc nhở về ân tình thuỷ
chung và nỗi nhớ giữa thiên nhiên và con người. Đoạn thơ được đánh giá là đoạn hay nhất,
đặc sắc nhất, một bức tranh hoàn mĩ đã chứng minh cho đỉnh cao nghệ thuật của Tố Hữu mà
ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam.

Tố Hữu sống trong thời đại mà dân tộc xảy ra nhiều biến cố, trong cảnh lầm than, bế tắc
mà chế độ thực dân nửa phong kiến áp đặt lên nước ta nhưng khác với những bạn bè đồng
trang lứa, thay vì lựa chọn đắm chìm hồn mình trong sự lạnh lẽo của cái cũ, cái chết như Chế
Lan Viên, sống vội vàng và yêu điên cuồng để rồi lòng vẫn bất lực, trống vắng như Xuân
Diệu, ông lựa chọn đón nhận ánh sáng của lí tưởng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng,
để rồi cống hiến 70 năm đời mình cho dân tộc như những làn điệu xứ sở từ bé đã thấm nhuần
vào tâm hồn ông, và rồi, niềm yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc ấy nghiêng vào những vần
thơ của người thi sĩ Cách Mạng, trở thành tính dân tộc được thể hiện sâu sắc trong các tác
phẩm của ông. Tính dân tộc là khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng – thẩm mỹ chỉ mối liên hệ
khăng khít giữa văn học và dân tộc, thể hiện qua tổng thể những đặc điểm độc đáo tương đối
bền vững chung cho các sáng tác của một dân tộc, được hình thành trong quá trình phát triển
lịch sử và phân biệt với văn học của các dân tộc khác. Tính dân tộc là thước đo của một tác
phẩm chân chính và là một trong những tiêu chí tạo nên giá trị bền vững của tác phẩm. Tính
dân tộc được thể hiện ở cả nội dung lẫn nghệ thuật trong các tác phẩm. Ở thơ của Tố Hữu, ta
có thể dễ dàng bắt gặp những biểu hiện này. Về hình thức, nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn các
thể thơ của dân tộc như lục bát như trong bài thơ Việt Bắc, Bầm ơi, Khi con tu hú… hay các
thể thơ bốn chữ, bảy chữ trong Lượm, Tạm biệt, … Ở các tác phẩm của mình, ông luôn lồng
ghép những hình ảnh, những câu thơ mang hơi thở của ca dao dân ca quen thuộc, từ cách
xưng hô “ mình… ta” đến những kiểu câu đối đáp ngọt ngào, thân thuộc:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”.
Việt Bắc- Tố Hữu
Các câu thơ luôn thấm đượm tình cảm với giọng điệu tâm tình, ngọt ngào tha thiết, thể hiện
sâu sắc tình cảm tha thiết của nhà thơ với đất nước, dân tộc mình:
Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tối chưa đẹp thế bao giờ
Xanh núi xanh sông xanh đồng xanh biển
Xanh trời xanh của những giấc mơ."
(Vui thế hôm nay- Tố Hữu).
Tính dân tộc còn đi sâu vào những nội dung tư tưởng trong thơ ông khi nhà thơ lồng ghép
những bài học đạo lí ngàn đời mà ông cha ta để lại như những tình cảm thuỷ chung, uống
nước nhớ nguồn trong bài thơ Việt Bắc:
“ Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”
Việt Bắc – Tố Hữu
Cùng với đó, các tác phẩm của nhà thơ luôn đi sâu khai thác và tái hiện cuộc sống sinh hoạt,
chiến đấu của dân tộc một cách rõ nét và chân thực, đó là tình cảm quân dân cá nước dạt dào
như trong Việt Bắc, hay nỗi lòng của những người mẹ có con đi đánh trận nơi xa trong Bầm
ơi, hoặc khắc hoạ chân thực cuộc chiến gian truân của dân tộc với đầy máu và nước mắt cùng
sự trân trọng tự hào với người chiến sĩ trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Những vần thơ
mang tính dân tộc đậm nét ấy như “sét đánh ngày đêm trên đầu bọn giặc Pháp” và đã chứng
tỏ giá trị của tác phẩm cho đến ngày nay, khi bao thế hệ người đọc vẫn rung cảm trái tim
mình trước những vần thơ ngọt ngào, da diết, gần gũi mà mang đậm những truyền thống dân
tộc đến thế.
“Nhà thơ của lẽ sống Cách Mạng” ấy đã từng thổ lộ:
“Có đêm mãi chập chờn mơ ước
Lại bâng khuâng... Tự hỏi, mình sau trước
Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu
Ta đã làm gì? Và được bao nhiêu?”
Một khúc ca- Tố Hữu
Người chiến sĩ, thi sĩ Cách mạng ấy đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho đất nước, là
một “anh hào” của Tổ quốc, người thi sĩ ấy luôn hoà mình vào cuộc sống, dùng trái tim để
cảm nhận từng sự đổi thay của số phận, của cuộc đời và của cả vận mệnh dân tộc. Những
rung cảm trong ông hoá thành những vần thơ dạt dào tình cảm nơi đầu bút để rung động trái
tim người đọc và trong bài thơ Việt Bắc hay bộ tranh tứ bình đặc sắc của mình, như ông đã
khẳng định: Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi. Việt Bắc ở trong tôi”. Người thi sĩ
như xuyên qua không gian và thời gian, trở về chiến khu Việt Bắc năm ấy, tái hiện lại cảnh
sắc thiên nhiên cùng những vẻ đẹp của con người nơi đây qua những bước đi của thời gian,
thể hiện nỗi nhớ da diết , khôn nguôi của người ra đi dành cho thiên nhiên và con người Việt
Bắc. Nhà thơ từng khẳng định: “ Bài thơ hay làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ
còn cảm thấy tình người”. Khi đọc thơ của Tố hữu, người ta luôn cản thấy gần gũi với một
cảm cúc da diết bồi hồi run lên theo từng dòng thơ, thơ ông như những chuyến xe chở người
ta phiêu du đến những miền đất , khám phá những cuộc sống, những tình cảm chân thật sâu
sắc trong thơ ông. Bức tranh tứ bình của thiên nhiên cũng là bức tranh tâm cảnh của nhà thơ
đã giúp chúng ta cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc mà hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc và vẻ đẹp của
con người giữa nên thiên nhiên, hơn cả là tình cảm dạt dào tình nghĩa trong ngày hội chiến
thắng của dân tộc. Bài thơ Việt Bắc cùng tính dân tộc được thể hiện rõ nét trong thơ ông, sẽ
mãi rực rỡ như thiên nhiên Việt Bắc và làm rung động trái tim của biết bao thế hệ người đọc
nữa. Đọc thơ ông, ta không khỏi càng thêm trân trọng, tự hào về dân tộc, về thế hệ cha ông ta
cùng những tình cảm đáng quý giữa đồng bào ruột thịt. Bài thơ cùng bức tranh tứ bình hoàn
mĩ ấy sẽ mãi là minh chứng cho tài hoa và sự đóng góp to lớn của nhà thơ cho kho tàng văn
học dân tộc. Đúng như lời tâm nguyện của nhà thơ:
“ Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ một nắm tro
Thơ gửi bạn đường tro bón đất
Sống là cho, chết cũng là cho”
Tạm biệt- Tố Hữu.

You might also like