Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Quê hương, đất nước, con người chưa bao giờ là những đề tài cũ trong văn

học. Bởi từ khi sinh ra, mỗi con người đều nuối dưỡng những tình cảm tốt đẹp với
nơi chôn ra cắt rốn của mình. Đối với nhà thơ Y Phương, tình yêu quê hương ấy là
món quà thiêng liêng ông muốn truyền lại cho người con trai của mình. Và qua
“Nói với con”, tình cảm ấy được thể hiện khi ngợi ca phẩm chất người đồng mình.
Y Phương là nhà thơ tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thời kì đổi mới. Sinh ra
trong cái nôi văn hóa dân tộc Tày nên những sáng tác của ông phần nào đó hướng
tới nét đẹp của bản sắc dân tộc. Y Phương thường tập trung viết về đề tài quê
hương, đất nước và văn hóa dân tộc Tày. Trước ông cũng có nhiều nhà thơ người
dân tộc thiểu số viết về đề tài này thành công như Nguyễn Quốc Trấn, những phải
đến Y Phương, những tác phẩm thơ của người dân tộc thiểu số mới phát triển, trở
nên quen thuộc với người đọc. Đúng như Vũ Quần Phương nhận xét: “Y Phương
là người đã kê cao văn hóa Tày trong văn học.” Thơ ông thể hiện tâm hồn chân
thật, mạnh mẽ và trong sáng, bên cạnh đó cách viết văn của ông cũng vô cùng
phong phú, cách tư duy giàu hình ảnh con người miền núi. Bài thơ “Nói với con”
được ông sáng tác năm 1980, đấy là những năm đất nước vừa trải qua cuộc chiến
tranh biên giới, được thống nhất những vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Cũng trong
năm này, đứa con đầu lòng của ông tròn một tuổi. Vì thế, ông viết bài thơ như lời
tâm sự: “Tôi viết bài thơ này trong hoàn cảnh khó khăn như nhắc nhở chính mình
cũng là lời nhắc nhở cho con cái.” Bài thơ biểu lộ niềm tự hào về những phẩm chất
tốt đẹp của dân tộc, quê hương mình, đồng thời nêu cao đạo lý: phải biết gắn bó
với truyền thống, với quê hương và có ý chí vươn lên trong cuộc sống, không thể
sống tầm thường và nhỏ bé trước thiên hạ. Đặc biệt, nhà thơ đã dụng công ca ngợi
và thể hiện niềm tự hào với những phẩm chất của người đồng mình.
Trước hết, người đồng mình hiện lên với sức sống mãnh liệt:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Nếu như ở khổ thơ trước, nhà thơ nói về tình cảm giữa con người với quê hương
bằng giọng điệu ngọt ngào thì đến đây, những câu dài ngắn đan xen, giọng điệu
khỏe khoắn gợi ra nhiều phẩm chất của người đồng mình. Cụm từ “người đồng
mình” được lặp lại, trở thành chủ thể, đối tượng chính của bài thơ. Ba chữ “người
đồng mình” vang lên giản dị nhưng chứa chan bao niềm tự hào, tha thiết, trìu mến.
Y Phương không lặp lại chữ “yêu” ở khổ trước mà thay bằng “người đồng mình
thương lắm con ơi”. Nếu như “yêu” là sự cảm mến với những vẻ đẹp, phẩm chất
thì “thương lại là sự thông cảm cho những vất vả, nhọc nhằn. Thành phần biệt lập
“con ơi” đứng ở cuối câu khiến lời thơ trở nên nhẹ nhàng, gần gũi. Không mang
nặng ý nghĩa giáo dục, răn dạy, câu thơ vang lên đầy giản dị, mộc mạc như lời tâm
sự của người cha với con, nhắc con hãy biết trân trọng những vẻ đẹp phẩm chất
của người đồng mình. Hai câu thơ sau đã diễn tả vẻ đẹp phẩm chất của người đồng
mình qua cách nói trừu tượng. “cao” “xa” vốn là những tính từ dùng để miêu tả độ
dài, chiều cao nhưng nay nó được chuyển thành danh từ mang nghĩa ẩn dụ cho
những khó khăn đời người. Những thử thách đó là lẽ tất yếu phải xảy ra. Nếu ai
dám đối diện với nó sẽ trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh, có ý chí cao rộng. Trong ý thơ
có nét đặc sắc, nhà thơ lấy cái cao xa của trời đất để đo tầm kích của nỗi buồn và ý
chí người đồng mình, tác giả muốn nhắn nhủ khuyên dăn truyền cho con cách nhìn
và nghị lực, nỗi buồn dẫu cao to như núi thì ý chí tâm hồn con người, sẽ càng xa
càng dài như sông suối, lớn lao như biển rộng. Hai câu thơ ngắn gọn, súc tích
nhưng đã nêu cao sức sống mạnh mẽ của người đồng mình. Người cha mong muốn
con sẽ trở thành người như vậy, để mai này nối tiếp thế hệ cha anh xây dựng đất
nước. Dường như người cha nào cũng có cách răn dạy con cái nghiêm khắc mà bao
dung như vậy, như Nguyễn Duy trong lời đưa ru đứa con trai đầu lòng:
“Mòn đêm võng bạc chon von
nhớ em đưa võng ru con ở nhà
dữ dằn giông tố càn qua
giữa cơn hồng thủy con ta ra đời”
Tiếp theo, Y Phương ca ngợi vẻ đẹp thủy chung, son sắt của người đồng
mình:
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sông trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo khó”
Với câu trúc điệp song hành, nhịp thơ đều đặn ba/hai/ba tạo ra giọng thơ khỏe
khoắn, vang lên như một lời thề đinh ninh. Y Phương sử dụng cấu trúc câu phủ
định nhưng lại mang nghĩa khẳng định. Nó ngợi ca thái độ sống kiên trung, không
hề suy chuyển dẫu có khó khăn, nghèo khổ. Các hình ảnh thơ như “đá” “thung” kết
hợp với các tính từ “gập ghềnh” “nghèo khó” càng nhấn mạnh về cuộc sống vật
chất nghèo khổ, vất vả, lam lũ. Nhưng sáng giữa ý thơ là từ “không chê” được
nhắc lại hai lần như một lời thề vang lên từ tấm lòng kiên định, son sắt, thủy chung
với quê hương, dân tộc. Dẫu có khó khăn, nghèo khổ, người đồng mình vẫn biết
chấp nhận cuộc sống ấy như một lẽ hiển nhiên, để từ đó vươn cao, vươn xa. Y
Phương viết thơ không hề triết lý nhưng từ cách nói giản dị ấy, người đọc chiêm
nghiệm ra biết bao bài học thấm thía. Vẻ đẹp thủy chung, gắn bó với nguồn cội của
người đồng mình làm ta nhớ tới những câu ca dao truyền thống:
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”
Câu thơ như nêu lên một phương châm sống đúng đắn: phải biết chân trọng yêu
thương nơi mình sinh ra và lớn lên. Dù gian nan đến đến đâu cũng đừng chê đừng
bỏ, đừng làm việc trái lòng mình. Phải biết cần cù lạc quan để vượt qua để sống
cho xứng đáng.
Người đồng mình trong thơ Y Phương mang tinh thần lạc quan, phơi phới
yêu đời:
“Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Nhà thơ nêu lên quan niệm sống đặc trưng của người miền núi qua phép so sánh:
“Sống như sông như suối”. Bằng sự gắn bó, am hiểu của một người con sinh ra,
lớn lên với tình yêu tha thiết dành cho mảnh đất quê hương, Y Phương đã sáng tạo
nên hình ảnh sông, suối. Đây là những sự vât, hiện tượng tự nhiên mang hình ảnh
núi rừng hùng vĩ, dữ dội, ở đó, con người làm chủ hoàn cảnh. Câu thơ vẽ ra bức
chân dung tinh thần của người đồng mình, họ sống phóng khoáng, chân thành, hòa
mình với thiên nhiên, tự do tự tại. Từ đó, nhà thơ thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào
đối với nét đẹp của người đồng mình. Y Phương đã cho ta chạm vào những gì chân
thật nhất của quê hương, đất nước.Thành ngữ “Lên thác xuống ghềnh” kết hợp
nhịp thơ mạnh mẽ khắc họa những khó khăn, vất vả gian lao trong cuộc đời mà con
người cần trải qua. Tuy nhiên, với cách nói phủ định “Không lo cực nhọc” như một
hiệu lệnh lên đường mạnh mẽ, khỏe khoắn. Dù vất vả, nghèo nàn, người đồng
mình vẫ luôn lạc quan và tin tưởng và tương lai. Đây không phải là lối sống cách li
thực tại mà là thuận theo tự nhiên, chấp nhận khó khăn và đương đầu với chúng.
Đây cũng chính là lời nhắc nhở của cha với đúa con của mình về lối sống đẹp.
Đoạn thơ cho ta cái cảm giác về ánh mắt nheo nheo của cha nhìn con, khuyên bảo
con bằng tất cả sự ân cần, vỗ về, sẵn sàng làm chỗ dựa vững chãi nhất, là vòng tay
luôn dang rộng cho con khi con cần niềm động viên, an ủi.
Y Phương khái quát cho phẩm chất của người đồng mình trong bốn câu thơ
tiếp. Đó là vẻ đẹp của bản lĩnh mạnh mẽ và tình cảm gắn bó với quê hương:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Hai câu thơ đầu được hiểu theo hai lớp nghĩa với cấu trúc tương phản đối lập. Thoe
nghĩa tả thực, hình ảnh “thô sơ da thịt” gợi nên vóc dáng nhỏ bé do cuộc sống vật
chất còn thiếu thốn, khó khăn. Tuy nhiên, chữ “nhỏ bé” ở câu thơ sau lại không nói
đến ngọại hình mà hàm ý chỉ nghị lực mạnh mẽ của người đồng mình. Cách nói
phủ định “chẳng mấy ai nhỏ bé” như một lời khẳng định về bản lĩnh mạnh mẽ của
con người. Người đồng mình trong lời thơ cuả Y Phương có thể nhỏ bé về lời ăn
tiếng nói nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé về ý chí nghị lực lòng tự trọng mà ngược lại
rất mạnh mẽ, khoáng đạt giàu niềm tin và tinh thần lạc quan, bền bỉ gắn bó với quê
hương. Câu thơ độc đáo mang cách nói đặc trưng sâu sắc của người miền núi. Hình
ảnh “đục đá kê cao quê hương” là một hình ảnh sáng tạo mang nhiều ý nghĩa văn
hóa Tày. Đục đá kê cao là hành động của người miền núi, đục quá kê cao nhà kê
nối đi, từ hình ảnh đó lời thơ chuyển nghĩa khái quát " kê cao quê hương" đó là ý
thức bảo vệ và tinh thần xây dựng quê hương ngày càng tiến bộ giàu đẹp hơn là tôn
vinh giữ gìn truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Họ sẽ dùng
chính sức lực, bàn tay, khối óc của mình để xây dựng quê hương, đất nước. Còn
quê hương sẽ là điểm dựa tinh thần, là nơi neo đỗ tâm hồn đối với người đồng
mình. Nó khiến ta liên tưởng đến những câu thơ khỏe khoắn, mạnh mẽ của Hòang
Trung Thông:
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”
Đọng lại cuối bài thơ là lời tâm tình ấm áp của người cha với con:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Từ “con ơi” vang lên thật nhẹ nhàng, ấm áp, như một tiếng gọi thân thương, trìu
mến khiến lời thơ trở thành lời tâm tình, lời răn dạy thấm thía đi sâu vào lòng
người. Hình ảnh “thô sơ da thịt” được nhà thơ nhắc đến hai lần như nhắc nhở, in
sâu vào tâm trí con hình ảnh nguồn cội, quê hương. Hơn hết, cha muốn con không
được quên đi xuất thân của mình, phải biết ngẩng cao đầu tự hào, không bỏ quên
bản thân, gia đình, nguồn cội để chạy theo cái phù phiếm. Câu thở ngắn “Lên
đường” vẽ ra một hành trình đầy gian khổ, con sẽ xông pha vào những khó khăn,
chông gia, thử thách ấy. Cụm từ “không bao giờ nhỏ bé” cũng được nhắc lại như
một mệnh lệnh lên đường vừa mềm mại vừa dứt khoát. Những câu cuối, nhà thơ
khẳng định muốn truyền cho con sức mạnh vào truyền thống quê hương, người
đồng mình tuy thế nhưng sống cao đẹp, mong con sau này lớn khôn trưởng thành
trên cuộc đời phải sống cao thượng để xứng đáng truyền thống tốt đẹp đó. Cha đã
động viên con hãy tự tin vì sau con luôn có sự ủng hộ, dõi theo của gia đình, quê
hương. Phẩm chất của người đồng mình luôn chảy trong huyết quản con để con tự
hào. Hai chữ “nghe con” đặt ở cuối bài thơ mang dư vị nhẹ nhàng với những hi
vọng Y Phương dành cho con. Nó khiến ta nhớ tới những tình cảm vô bờ của các
đấng sinh thành như Nguyễn Duy từng viết:
“Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác
hát nuôi phần hồn”
Có thể nói, bài thơ như lời động viên mà người cha gửi tới con, nhắc nhở
con bài học về ý chí, nghị lực. Cùng với, mỗi ý thơ vang lên đều lấp lánh vẻ đẹp
của quê hương, đất nước, con người. Nhà thơ ca ngợi những phẩm chất của người
đồng mình, để từ đó khái quát cho vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Bài thơ được
viết theo thể thơ tự do với những câu dài ngắn đan xen. Thể thơ tự do này thích
hợp với phong cách trò chuyện hằng ngày, phù hợp với một lối tư duy bình dị, hồn
nhiên không cần đến sự cầu kì, đẽo gọt. Đặc biệt mật độ câu không đều như một
nốt nhấn, tạo nên một tiết tấu tự nhiên. Nếu ở phần đầu, sự dịu dàng, âu yếm là âm
điệu chủ thì sau đó phần lí trí đã được nâng lên. Nhưng dù là ngọt ngào hay
nghiêm túc thì ẩn chìm trong đó vẫn là một tiếng nói thiết tha vừa thương yêu vừa
hi vọng. Hình ảnh thơ mang đặc trưng của người miền núi tạo cùng ngôn ngữ thơ
gần gũi tạo cảm giác dễ chịu, tha thiết cho tổng thể bài thơ. Y Phương sống trên
mảnh đất Tày, gắn bó với lời ăn, tiếng nói người Tày để từ đó, ông đưa những bản
sắc văn hóa của quê hương mình vào lời thơ. Tình cảm gắn bó mật thiết với quê
hương ấy thật đáng nể phục. Hơn hết, bài thơ còn là áng thơ cảm động về tình phụ
tử. Những người cha dù ở hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn luôn dành cho con tình
yêu đặc biệt ấm áp:
“Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mái cuối chân trời.
Con lại chọn cánh buồm xa khẽ hỏi:
Cha mượn cho con buồm cánh nhé
Để con đi.”
Y Phương thấu hiểu, bởi vậy, ông dễ dàng lột tả cái hồn cốt của những nét đẹp
bản sắc vùng núi. Bởi ông nói: “Nói với con” cũng chính là nói với lòng mình !”. Ông viết
bài thơ này, không chỉ là lời nhắn nhủ với đứa con đầu lòng, những mong ước, hi vọng vào
tương lai của con mà còn là lời nhắc nhở chính bản thân mình : Phải biết trân trọng vẻ đẹp bản
sắc của dân tộc và không bao giờ được quay lưng với chính quê hương mình.

You might also like