Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

“Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”.

Mùa thu với những


chiếc lá vàng, tiết trời heo may lành lạnh luôn là niềm cảm hứng bất tận cho tâm
hồn thi sĩ. Thu gợi lên những cảm xúc xốn xang và nỗi buồn tinh tế, khiến người ta
bất giác nhớ về một thời vang bóng. Lẽ tự nhiên, khi “ngô đồng nhất diệp lạc/
Thiên hạ cộng tri thu”, những vần thơ nói về tình thu, cảnh thu luôn khiến ta chìm
vào dòng cảm xúc miên man của nỗi buồn thi sĩ. Và đến với Nguyễn Khuyến,
người đọc có cơ hội được chiêm ngưỡng một dáng hình mùa thu rất riêng qua
“Thu điếu” mà được Xuân Diệu nhận xét: “Là điển hình hơn cả cho mùa thu của
làng cảnh Việt Nam.”
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn.Ông sinh năm
1835 tại làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nhà tuy nghèo nhưng ông vốn
học giỏi và đỗ đầu trong cả ba kì thi Hương, Hội, Đình nên cái tên Tam Nguyên
Yên Đổ cũng bắt đầu từ đó. Ra làm quan cho triều đình nhưng buồn vì không giúp
được nước trong khuôn khổ của chế độ thực dân tàn nhẫn, bất công, năm 1883,
ông cáo quan về ở ẩn, dạy học và làm thơ.

Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuốm
đậm tư tưởng Lão Trang và triết lí Đông phương. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực,
nhà thơ đều thành công. Trong các thi phẩm, ông dành phần nhiều cho sắc màu
màu thu, một nét đặc trưng mang đậm phong cách ông. Trong đó nổi bật là bài
thơ Thu điếu được trích từ chùm thơ thu gồm ba bài: Thu điếu, thu vịnh, thu ẩm.
Bài thơ là sự kết tinh của một tâm hồn đẹp, ấm áp, chất chứa nhiều tâm tư đã
chuyển tải một cách tinh tế qua những vần thơ. Thi phẩm mang đến một khung
cảnh mùa thu hữu tình, chan hoà nhưng sâu trong đó là nỗi lòng u uất, trầm tư
của tác giả.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đưa người đọc trở về chốn thôn quê trong
tâm trạng một lão nông tri điền một mình câu cá trên chiếc thuyền nhỏ giữa một
ao bèo nơi xóm làng thanh tĩnh:
“ Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Hình ảnh “ ao thu lạnh lẽo nước trong veo” gợi ra cho người đọc một không khí se
se lạnh xung quanh ao làng buổi sáng mùa thu. Cảnh vật được đón nhận từ gần
đến cao xa rồi từ cao xa trờ lại gần. Từ điểm nhìn của một người ngồi chiếc
thuyền nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ vắng rồi lại về với ao thu,
nhà thơ đã quan sát không gian, cảnh sắc thu thật sinh động. Mùa Thu với Nguyễn
Khuyến không chỉ có tiết trời se se lạnh mà nó còn hiện hữu trong làn nước ao
trong veo lạnh lẽo. Dường như sự trong veo của nước đó khiến người đọc có thể
nhìn xuyên thấu tới tận đáy. Giữa khung cảnh của ao thu rộng lớn lại có một chiếc
thuyền câu bé tẻo teo từ bao giờ. Không gian càng gợi tả sự cô đơn, nhỏ bé của
chiếc thuyền câu. Bé tẻo teo nghĩa là rất bé nhỏ; âm điệu của vần thơ cũng gợi ra
sự hun hút của cảnh vật (trong veo - bé tẻo teo). Đó là một nét thu đẹp và êm
đềm.

Hai câu thơ tiếp theo tiếp tục là những nét vẽ tài hoa làm nổi bật bức tranh
cảnh thu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,


Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.
Nguyễn Khuyến thật tài tình khi vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy chỉ với
hai mảng màu xanh biếc của sóng nước và màu vàng của lá thu. Thi nhân đã thành
công với nghệ thuật đối qua các cặp hình ảnh “sóng biếc-lá vàng”, “hơi gợn tí-khẽ
đưa vèo”. Làn gió thổi lăn tăn sóng trên mặt nước:“Hơi gợn tí” làm cho bức tranh
tuy động nhưng vẫn tĩnh. Tiếng sóng nước nhỏ bé ti li gợi cảm giác thanh
bình.Hình ảnh chiếc lá vàng rụng khỏi cây và rơi xuống đất được miêu tả sinh
động: “khẽ đưa vèo” vừa gợi sự mỏng manh yếu đuối của chiếc lá bị gió cuốn bay
vừa gợi âm thanh mùa thu - âm thanh của những chiếc lá rơi vừa nhẹ nhàng mà
cũng thật khẽ. Nhà thơ đã thả hồn theo chiếc lá vàng “khẽ đưa vèo" trên mặt ao
trong veo - cái màu vàng của mùa thu mà bao nhiêu thi nhân đã ngợi ca:

Con nai vàng ngơ ngác


Đạp trên lá vàng khô
(Lưu Trọng Lư)
Vàng rơi! Lá Vàng rơi! Thu mênh mông.
(Bích Khê)
Và đây là chiếc lá vàng của Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu điếu” dưới ánh mắt
của Xuân Diệu: “Cái thú vị của bài Thu Điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ,
xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc
lá thu rơi...”. Lời bình của Xuân Diệu thật là tâm đắc.

Bức tranh thu yên ả, khẽ lay động và giờ lại được mở rộng dần ra qua hai
câu thơ:
“ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
Cảnh thu đẹp một vẻ bình dị nhưng tĩnh lặng và đượm buồn với không gian
của bức tranh thu được mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu.Mượn quy luật “Thi
chung hữu hoạ”, NK đã vẽ lên bức tranh thu với những gam màu tinh tế, hài hoà.
Bầu trời cao xanh xanh, một độ cao thăm thẳm của không gian. Màu Xanh ngắt đã
gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão
đang câu cá. Nguyễn Khuyến đã mở lòng để đón nhận cái thần thái rất riêng của
bầu trời thu: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Thu Vịnh)Và trên bầu trời thu ấy
là những “tầng mây” đang “lơ lửng”. Từ láy “lơ lửng” diễn tả trạng thái dùng
dằng, có trôi nhưng lại rất khẽ, rất thờ ơ của những đám mây. Dường như mùa
thu và cả không gian đất trời, cảnh sắc đều như trôi chậm lại. Bên cạnh đó còn là
hình ảnh làng quê quen thuộc được gợi lên với “ngõ trúc quanh co” không bóng
khách. Cách gieo vần “eo” gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng. Không gian của mùa
thu làng cảnh Việt Nam được Nguyễn Khuyến mở rộng lên cao rồi lại hướng trực
tiếp vào chiều sâu,một không gian tĩnh lặng và thanh vắng:
“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.

Con đường không có người qua lại đến mức “ vắng teo” nghĩa là vắng đến
không có một tiếng động nhỏ, gợi sự trống vắng, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu
hắt. Bao giờ cũng vậy, thơ Nguyễn Khuyến luôn xuất hiện hình ảnh cây trúc: “Cần
trúc lơ phơ gió hắt hiu” (Thu vịnh), “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” bởi ông
tâm niệm “Trúc dầu cháy đốt ngay vẫn thẳng”. Do đó câu thơ “Ngõ trúc quanh co
khách vắng teo” thể hiện sự đối lập giữa dáng trúc thẳng với nét đường làng
quanh co tạo nên một bức tranh thu bâng khuâng, man mác tình quê. Đường nét
chuyển động nhẹ nhàng, mảnh mai, tinh tế: hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng,
đường bao thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn của lượn sóng ao thu. Cảnh vật
toát lên sự hài hòa, xứng hợp: Ao nhỏ – thuyền bé; gió nhẹ – sóng gợn; trời xanh –
nước trong; khách vắng teo – chủ thể trầm ngâm tĩnh lặng. Sau này Xuân Diệu
trong bài Đây mùa thu tới cũng đã bắt được những nét điển hình đó của sông
nước ở vùng quê, khi trời đã bắt đầu bước vào những ngày giá lạnh:
… Đã nghe rét mướt luồng trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò.

Suốt sáu câu đầu “ Câu cá mùa thu” là cảnh vật bao la thấm đượm nỗi lòng
man mác, đượm buồn trong cái yên tĩnh của ao thu, thuyền câu, sóng biếc,… Giờ
đây đến câu thơ cuối, bức tranh thu mới hiện lên một hình ảnh khác là con người
câu cá với một tư thế nhàn:
“ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Con người “ tựa gối ôm cần” là đang chờ đợi, nhưng đợi chờ lâu mà chẳng được.
Rồi chợt, “cá đâu đớp động dưới chân bèo” vang lên như tiếng thu của làng quê
khiến thi nhân chợt tỉnh. Chỉ với một tiếng cá đớp động cũng đủ đánh thức cảnh
vật đang im lìm đồng thời tạo nên sự đối lập khi cảnh vật ở trên là tĩnh lặng đến
hoang vắng thì đến cuối bài thơ nó như bắt đầu vận động và sinh động hẳn lên.
Nhưng chính cái sinh động ấy lại càng khiến cho bài thơ im ắng vô cùng. Ba tiếng
“đâu đớp động” vang lên chút thanh âm rồi lại đè xuống dưới sự áp chế mãnh liệt
của vần “eo”. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đã làm cho cảnh vật càng vắng lặng
trong một nỗi buồn bao trùm cả khung cảnh rộng lớn.
Mỗi một nét thu, tiếng thu man mác tâm tình ấy là kết quả của một tài năng nghệ
thuật điêu luyện trong cách vần thơ: veo – teo – vèo – teo – bèo, sử dụng phép
đối, điệu thơ nhẹ nhàng bâng khuâng…tạo nên dư vị khó phai và sức sống của tác
phẩm trong lòng người.
Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện lớn nhất và cuối cùng của văn
học trung đại Việt Nam ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Thơ ông là sự kết hợp tài tình
giữa tinh hoa văn học bác học với văn học dân gian. “Thu điếu” là một trong
những bài thơ hay và đặc sắc với sự thành công của bút pháp tả cảnh ngụ tình,
nghệ thuật lấy động tả tĩnh, chấm phá điểm nhãn, sử dụng các từ láy có tính gợi
hình, gợi cảm và hình ảnh thơ dân dã, mộc mạc. Bài thơ còn thể hiện tài năng sử
dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Không cần vay mượn Hán tự, bài
thơ là minh chứng cho sức biểu đạt, truyền cảm hứng của chữ Nôm – ngôn ngữ
của dân tộc.
Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu
cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt
Nam. Đọc"Thu điếu","Thu vịnh","Thu ẩm", chúng ta yêu thêm mùa thu quê
hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu,
yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt
xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

You might also like