Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 9

Buổi 3

1.2.4. Chữa lỗi về đoạn văn: gồm 4 kiểu lỗi cơ bản


- Mâu thuẫn ý;
- Lạc chủ đề;
- Thiếu hụt chủ đề;
- Thiếu sự chuyển tiếp.

1.2.4.1. Mâu thuẫn ý


Lê Vi đang nhảy lò cò ở vỉa hè Phan Đình Phùng thì đạo diễn Hải Ninh đi qua, hỏi có thích đóng
phim không. Lần này cô bé nhận lời ngay. Sau “vụ” đó, Lê Vi nhớ mãi lời bố mẹ trách móc: “Cả nhà
mình làm nghệ thuật, sao con lại chối từ?”
Sửa: 2 cách
(1) Lê Vi đang nhảy lò cò ở vỉa hè Phan Đình Phùng thì đạo diễn Hải Ninh đi qua, hỏi có thích
đóng phim không. Cô bé hồn nhiên lắc đầu. Biết chuyện, bố mẹ Lê Vi trách con gái : “Cả nhà mình
làm nghệ thuật sao con lại chối từ?”. Vì thế khi được mời đóng phim lần thứ hai, cô bé nhận lời ngay.
(2) Lê Vi đang nhảy lò cò ở vỉa hè Phan Đình Phùng thì đạo diễn Hải Ninh đi qua, hỏi có thích
đóng phim không. Cô nhớ lại, trước đây cô đã từng từ chối lời đề nghị đóng phim và bị bố mẹ mắng.
Vì thế, lần này cô bé nhận lời ngay.
Mâu thuẫn ý
- Hiện tượng: các câu trong đoạn văn mâu thuẫn với nhau về ý nghĩa, phá vỡ quan hệ logic thông
thường cần phải có.
- Nguyên nhân: Không tôn trọng logic khách quan.
- Giải pháp: Tôn trọng hiện thực khách quan, trình bày đối tượng theo đúng quy luật của tư duy.

1.2.4.2 Lạc chủ đề


10g sáng 6-11, Ban huấn luyện đã họp kín để đánh giá về trận hòa 0-0 trước Myanmar. Các trợ
lý HLV thì cho rằng Cup VFF là cái đích mà Việt Nam cần đạt tới. Việt Nam luôn nhận được sự ủng
hộ nhiệt tình của các cổ động viên và các nhà tài trợ.
Sửa lại:
10g sáng 6-11, Ban huấn luyện đã họp kín để đánh giá về trận hòa 0-0 trước Myanmar. Các trợ lý
HLV thì cho rằng dù chiếm ưu thế và kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương, nhưng việc tiếp cận cầu
môn của Myanmar quá ít, do vậy không tạo nên được sự đe dọa thường trực về phía khung thành đội
bạn.
Lạc chủ đề
- Hiện tượng: các câu không tập trung vào cùng một chủ đề mà phân tán hoặc đột ngột chuyển
sang một phạm vi khác.
- Nguyên nhân: không xác định được chủ đề của đoạn văn.
- Giải pháp:
+ Cách 1:Giữ lại câu chủ đề, viết lại các câu triển khai cho phù hợp với câu chủ đề đó;
+ Cách 2: Thay bằng câu chủ đề khác cho phù hợp với các câu triển khai.

1.2.4.3. Thiếu hụt chủ đề


Thuở nhỏ Lê Quý Đôn là cậu bé thông minh nhưng ngỗ ngược. Ngay cả khi đi học, Lê Quý
Đôn đã có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, phê phán, những điểm phản khoa học thường được tôn sùng thời
bấy giờ. Ông thường tham gia bình văn cùng những người lớn tuổi. Không ai dám coi thường “chú
học trò nhãi ranh” học nhiều biết rộng ấy.
Sửa lại:
C1: Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn đã tỏ ra là cậu bé rất thông minh. Ngay cả khi đi học, Lê Quý Đôn đã
có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, phê phán, những điểm phản khoa học thường được tôn sùng thời bấy
giờ. Ông thường tham gia bình văn cùng những người lớn tuổi. Không ai dám coi thường “chú học trò
nhãi ranh” học nhiều biết rộng ấy.
C2: Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn đã tỏ ra là cậu bé rất thông minh nhưng ngỗ ngược. Ngay cả khi đi
học, Lê Quý Đôn đã có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, phê phán, những điểm phản khoa học thường được
tôn sùng thời bấy giờ. Ông thường tham gia bình văn cùng những người lớn tuổi. Không ai dám coi
thường “chú học trò nhãi ranh” học nhiều biết rộng ấy. Tuy nhiên, vì vẫn còn là trẻ con nên ông nhiều
khi vẫn còn ham chơi, có lúc trốn học để đi chơi với các bạn. Ông còn cầm đầu lũ bạn hái trộm quả
chín của các nhà trong làng. Nhiều khi bị bố mẹ đánh đòn nhưng vẫn không chừa.
Thiếu hụt chủ đề
- Hiện tượng: các bộ phận nội dung đã nêu trong câu chủ đề không được triển khai đầy đủ trong
đoạn văn.
- Nguyên nhân: câu chủ đề gồm nhiều khía cạnh tương đương nhau mà người viết không để ý
hoặc không nắm bắt được.
- Giải pháp: Xác định được các ý ngang hàng nhau được nêu trong câu chủ đề và khai triển
chúng đầy đủ; hoặc nên giới hạn chủ đề ở những khía cạnh mà mình am tường
+ Cách 1: Bỏ bớt một nội dung hạn định ở câu chủ đề;
+ Cách 2: Tiếp tục bổ sung nội dung thiếu ở câu chủ đề vào phần sau.

1.2.4.4. Thiếu sự chuyển tiếp


Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người bị mắc các chứng bệnh do sử dụng nguồn nước
không sạch. Chỉ tính riêng tỉnh Bạc Liêu năm 2002 đã có tới hơn 5 nghìn trường hợp phải tới điều trị
tại các cơ sở y tế do dùng nước bị ô nhiễm.
Sửa lại:
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người bị mắc các chứng bệnh do sử dụng nguồn nước
không sạch. Trong con số đó, Việt Nam chắc chắn đóng một phần không nhỏ. Chỉ tính riêng tỉnh Bạc
Liêu – một tỉnh trung bình về mọi phương diện trong 61 tỉnh thành của đất nước này. Năm 2002 vừa
qua đã có tới hơn 5 nghìn trường hợp phải tới điều trị tại các cơ sở y tế do dùng nước bị ô nhiễm.
Thiếu sự chuyển tiếp
- Hiện tượng: thường gặp ở những đoạn văn mà trong đó tác giả đột ngột chuyển từ một phạm vi
quá rộng sang một phạm vi quá hẹp hoặc ngược lại, gây nên sự hụt hẫng cho người đọc.
- Nguyên nhân: Người viết chưa nắm được tính liên kết trong đoạn văn.
- Giải pháp: Sử dụng các kiểu liên kết nội dung và các phương thức liên kết hình thức để sửa lại
cho phù hợp.

VĂN BẢN (tt)

1.2.5. Xác định chủ đề chung và chủ đề bộ phận của văn bản
Xác định chủ đề chung và chủ đề bộ phận của văn bản là bước cần thiết để văn bản có được
tính nhất thể. Đặc trưng này thể hiện ở chỗ tất cả những điều trình bày ở các đoạn văn (với các chủ đề
bộ phận khác nhau) đều phải nằm trong định hướng phục vụ cho chủ đề chung của văn bản. Hay nói
một cách khác, chủ đề chung phải được thể hiện xuyên suốt qua toàn bộ văn bản, thông qua các chủ đề
bộ phận. Việc này sẽ giúp cho người tạo lập văn bản có được một hệ thống ý chặt chẽ, mạch lạc, tránh
được tình trạng rời rạc, tản mạn hay bị lạc đề, v.v.
Ví dụ: Văn bản “Chứng lo sợ”
Chứng lo sợ
Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về chứng lo sợ. Đây là vấn đề đang được quan tâm. -> Chủ
đề chung: Chứng lo sợ
Các nhà nghiên cứu liệt kê được không dưới 6500 chứng lo sợ. Chứng lo sợ gồm: sợ chỗ
hoang vắng, sợ chỗ chật hẹp đóng kín, sợ chỗ cao quá, sợ máy bay,… Có người sợ môi trường: nước,
gió, giông, bão, đêm tối,… Cũng có người sợ động vật: nhện, rắn,… Lại có người sợ một vài dạng
sinh hoạt xã hội, biểu hiện qua sự rụt rè nơi công cộng, e thẹn, sợ bắt tay người khác, sợ ăn trong nhà
hàng,… -> Chủ đề bộ phận: Các loại chứng lo sợ
Đối với một số người, sự lo sợ như vậy làm họ căng thẳng, cảm thấy mất thể diện, xấu hổ,…
khiến họ thiệt thòi trong đời sống xã hội, gia đình hay nghề nghiệp. Lâu dần, họ nghĩ rằng chứng sợ
hãi đó thật ra cũng là một dạng bệnh. ,… Theo các chuyên gia, mọi người ai cũng có thể là đối tượng
của chứng lo sợ. Đặc biệt, chứng rối loạn lo sợ dễ xảy đến với những người hay lo lắng, thụ động,
hoặc đã gặp điều gì sợ hãi trong lúc tuổi thơ. -> Chủ đề bộ phận: Biểu hiện và đối tượng của chứng
lo sợ
Hiện nay có 4 phương pháp điều trị chứng lo sợ này: 1) Dùng thuốc trầm cảm; 2) Trị liệu
bằng tâm lí; 3) Trị liệu bằng phân tâm học; 4) Trị liệu bằng cách đương đầu với thực tế. ,… -> Chủ
đề bộ phận: Phương pháp điều trị chứng lo sợ
Việc sớm điều trị chứng lo sợ là hết sức cần thiết. Cho đến nay, việc kết hợp các phương pháp
kể trên có thể đem lại kết quả từ 70% đến 90%. Rất ít trường hợp tái phát, trừ khi nào bệnh nhân gặp
tình trạng căng thẳng quá độ. ,… -> Chủ đề bộ phận: Việc cần thiết phải điều trị chứng lo sợ

Một số điểm cần lưu ý khi xác lập chủ đề chung và chủ đề bộ phận:
- Việc xác lập chủ đề chung và các chủ đề bộ phận có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng
hạn phụ thuộc vào định hướng giao tiếp (văn bản được viết cho đối tượng nào, nhằm mục đích gì?
v.v.), phụ thuộc vào tính phức tạp của vấn đề được trình bày, mức độ chuyên môn, v.v. Nhưng tựu
trung lại, việc xác lập này có thể dựa trên những quan hệ logic mang tính khách quan hay chủ quan sau
đây:
1. Các quan hệ mang tính khách quan
- Quan hệ có tính chất nội tại: giữa đối tượng và các thành tố cấu thành đối tượng hay nói cách
khác là từ toàn thể đến bộ phận, chẳng hạn chủ đề chung là dân ca Việt Nam, các chủ đề bộ phận là
dân ca Bắc bộ, dân ca Trung bộ, dân ca Nam bộ.
- Quan hệ logic khách quan, tồn tại thực tế, chẳng hạn nguyên nhân – kết quả, điều kiện – tồn
tại, quan hệ theo trình tự thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai), v.v. Chẳng hạn, trong bản Tuyên ngôn
độc lập 1945, Bác Hồ đã trình bày các hành động tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, được
sắp xếp theo trình tự thời gian:
+ Hành động tội ác trong 80 năm đô hộ nước ta;
+ Hành động tội ác từ năm 1940 đến 1945.
2. Các quan hệ mang tính chủ quan
Thực chất đây là sự nhận thức, đánh giá, phân loại của người viết đối với các nội dung trình
bày về đối tượng.
Chẳng hạn, các quan hệ có tính phân loại, đánh giá của người viết về đối tượng: các chủ đề bộ
phận có đặc điểm, tính chất chung nào đó xét trong quan hệ với chủ đề chung, và được sắp xếp hoặc
theo mức độ quan trọng, hoặc mức độ chuyên biệt, v.v. Ví dụ, chủ đề chung là dân ca Việt Nam, chủ
đề bộ phận là đặc trưng của dân ca được xác định qua các giai đoạn phát triển trong lịch sử, v.v.
Cũng có thể xếp vào đây các quan hệ có tính liên tưởng giữa đối tượng với các đối tượng khác
(đồng dạng, tương phản, liên đới) trong một môi trường tồn tại nào đó, cũng như các quan hệ đặc biệt
về cảm xúc, tâm lý. Chẳng hạn, chủ đề chung là dân ca Việt Nam, các chủ đề bộ phận có thể là dân ca
trong so sánh với âm nhạc cung đình ngày xưa và với âm nhạc hiện đại ngày nay, v.v. hay chủ đề
chung là dân ca Việt Nam, các chủ đề bộ phận là dân ca với cuộc sống lao động, dân ca với các phong
tục hội hè, đình đám, v.v.
- Chủ đề chung và các chủ đề bộ phận thường được trình bày ngay trong phần mở đầu, bởi
những câu được gọi là câu luận đề. Câu luận đề thường nằm ở cuối phần mở đầu và có những nhiệm
vụ sau đây:
+ Nêu chủ đề chung;
+ Liệt kê các chủ đề bộ phận;
+ Trong trường hợp cần thiết, có thể giới thiệu một cách tổng quát cách thức tổ chức văn bản.
Có thể nhận biết câu luận đề nhờ các đặc điểm sau đây:
+ Về vị trí, câu luận đề thường đứng ở cuối phần mở đầu;
+ Về mặt nội dung, nếu văn bản được mở đầu theo phương pháp quy nạp thì câu luận đề là câu
có nội dung rộng nhất, khái quát nhất trong phần mở đầu; còn nếu văn bản được mở đầu theo phương
pháp diễn dịch thì câu luận đề lại là câu có nội dung cụ thể nhất, hẹp nhất.
Ví dụ: Làng - Họ: những vấn đề của quá khứ và hiện tại
Làng – Họ: những vấn đề của quá khứ và hiện tại
Một trong những tổ chức chính trị - xã hội mang đặc sắc Việt Nam là tổ chức “Làng - Họ”.
Trong lịch sử lâu dài, Làng - Họ đã là một chỗ dựa vững chắc cho người Việt Nam thích ứng với nền
sản xuất lúa nước ở đồng bằng và đương đầu với những thử thách gay go của vùng đất nước nhiều
bão lụt, thiên tai, của nạn ngoại xâm thường đe dọa ập tới. Việc lựa lọc làm cho làng định hình, ít
khác nhau, ít thay đổi qua thời gian và không gian. Do đó, tổ chức Làng - Họ tạo ra trong cuộc sống
những mẫu người, những cung cách làm ăn ứng xử, sống thành nếp. Ngày nay, khi tiến hành xây dựng
chủ nghĩa xã hội trên quy mô rộng lớn, chúng ta phải xét duyệt lại các tổ chức cũ, những giá trị cũ,
thẩm định lại khả năng thích ứng, hiện đại hoá để phù hợp với thực tế hiện nay và tương lai.
Hãy tìm chủ đề chung và chủ đề bộ phận trong đoạn văn trên.
- Chủ đề chung: là vấn đề làng họ Việt Nam. Các câu chủ đề bộ phận được nêu trong câu luận
đề ở cuối đoạn văn, đó là các vấn đề:
+ Xét duyệt lại các tổ chức cũ;
+ Xét duyệt lại các giá trị cũ;
+ Thẩm định lại những khả năng thích ứng, hiện đại hóa để phù hợp với thực tế ngày nay và
tương lai.
 Có thể thấy, văn bản trên được mở đầu theo phương pháp diễn dịch do đó câu luận đề sẽ là
câu có nội dung cụ thể nhất.

BÀI TẬP THỰC HÀNH


Bằng cách thêm vào các chủ đề bộ phận thích hợp, hãy hoàn thiện các câu luận đề sau đây:
1. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới bởi những lý do chủ yếu sau đây…
2.Thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay khá đa dạng, như…
3. Tình trạng đói nghèo đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội, chẳng hạn như…
4. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới đang ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân ô
nhiễm là do…
Sửa:
1. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới bởi những lý do chủ yếu sau đây: do cấu
trúc sinh lí tự nhiên, có ý thức về bảo vệ sức khỏe và ít chịu áp lực cuộc sống hơn,…
2. Thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay khá đa dạng, như nhạc cách mạng, nhạc trẻ, nhạc
dân ca hay nhạc nước ngoài,...
3. Tình trạng đói nghèo đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội, chẳng hạn như việc vi
phạm pháp luật, thiếu lương thực, chăm sóc y tế kém hay bất bình đẳng xã hội,…
4. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới đang ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân ô
nhiễm là do chất thải sinh hoạt và công nghiệp, việc lạm dụng hóa chất trong các hoạt động kinh tế,
do tiếng ồn, bụi , khói, do các loài sinh vật gây bệnh,…

1.2.6. Xây dựng lập luận phục vụ chủ đề văn bản


1.2.6.1. Khái niệm
Đối với những văn bản có mục đích cuối cùng là tác động vào nhận thức của người đọc, thuyết
phục họ tin vào những điều được trình bày thì lập luận giữ một vai trò rất quan trọng.
Chúng ta có thể thấy rằng: lập luận là việc đưa ra một hoặc một số lí do nhằm dẫn dắt người
nghe, người đọc đến một kết luận nào đấy mà người viết, người nói muốn đạt tới.
Trong khi lập luận, cần dùng các lí lẽ, dẫn chứng để khẳng định (hoặc bác bỏ) một nhận xét,
một kết luận. Các lí lẽ, dẫn chứng đưa ra phải có sức thuyết phục. Mỗi đoạn văn thường thể hiện một
ý, một nội dung, trong đó có cả quan điểm, cách nhìn nhận đánh giá của người viết.
Hay nói cách khác, lập luận có thể được hiểu là chiến lược trình bày vấn đề, là cách thức sắp
xếp nội dung sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, một mặt cần nêu rõ các luận điểm để
người đọc hiểu được người viết muốn trình bày vấn đề gì, ý kiến của người viết về vấn đề ấy ra sao.
Mặt khác, phải biết cách luận chứng, tức là biết vận dụng các phép suy luận logic, đưa ta những lý lẽ
và dẫn chứng cần thiết, phối hợp chúng một cách thích hợp để chứng minh cho các luận điểm được
nêu, thuyết phục người đọc tin vào tính đúng đắn của các luận điểm đó. Các lý lẽ và dẫn chứng thuyết
minh, phục vụ cho luận điểm thường được gọi là luận cứ. Yêu cầu của luận cứ là phải xác thực, đáng
tin cậy.
Nói chung là, để lập luận đạt hiệu quả cao nhất, cần có hệ thống các luận điểm rõ ràng, mạch
lạc; các luận chứng logic, sắc sảo; các luận cứ xác thực, phù hợp.
1.2.6.2. Nguyên tắc xây dựng lập luận
Việc xây dựng lập luận bao giờ cũng phải tuân theo 03 nguyên tắc cơ bản sau:
- Các luận điểm phải được trình bày một cách rõ ràng mạch lạc, tránh tình trạng nói lan man
mà không đưa ra được ý kiến, cách đánh giá, nhận định của mình đối với vấn đề;
- Hệ thống lý lẽ phải được dẫn dắt, sắp xếp theo một trình tự hợp lý;
- Các dẫn chứng cần phải chính xác, phù hợp với các luận điểm được đưa ra.
Tương ứng với các nguyên tắc trên, chúng ta cần tránh 04 lỗi phổ biến về lập luận sau đây:
- Luận điểm không rõ ràng, nói lan man mà không nêu được các ý kiến, các nhận định, đánh
giá của mình về vấn đề được đặt ra trong văn bản;
- Hệ thống lý lẽ không được sắp xếp theo một logic thích hợp, tiện đâu nói đấy, chuyện nọ sọ
chuyện kia;
- Dẫn chứng thiếu chính xác, không đáng tin cậy hoặc không phù hợp với luận điểm được
nêu;
- Văn bản đầy rẫy những luận điểm, những nhận định rất đại ngôn (theo cách nói dân gian là rất
“đao to búa lớn”) mà thiếu các luận cứ cụ thể.
1.2.6.3. Một số điểm lưu ý khi xây dựng lập luận
- Đối với luận điểm:
Khi lập luận, một mặt các luận điểm phải được trình bày rõ ràng, tách bạch nhưng mặt khác
chúng phải được liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau tạo nên một văn bản hoàn chỉnh. Vì vậy, các
chuyển đoạn giữ một vai trò rất quan trọng. Chuyển đoạn là dùng các từ, ngữ, kết cấu thích hợp để
liên kết các luận điểm, các ý lại với nhau. Chuyển đoạn có thể phân loại dựa theo Cấu tạo hoặc Nội
dung:
+ Về cấu tạo, chuyển đoạn có thể là một từ (tuy nhiên, dù sao, may thay, nhưng, ngược lại,
v.v.); có thể là một ngữ (về một phương diện nào đó, hơn thế nữa, v.v.); có thể là một vế câu hay một
câu (chúng tôi không khỏi tự hỏi, ở đây chúng tôi chỉ, người ta đã bàn nhiều đến, v.v.);
Ví dụ:
1. Đầu tháng 5 vừa qua, LG công bố sẽ trình làng bộ 3 máy tính bảng G Pad với 3 kích cỡ màn
hình khác nhau, gồm 7, 8 và 10-inch. Tuy nhiên, LG không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào
khác về cấu hình cũng như thiết kế của sản phẩm. 1 từ
2. Về một phương diện nào đó, ảnh hưởng của nền văn hoá Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo,
Ấn Độ giáo,… cùng với những điều kiện xã hội, tự nhiên (sinh thái) khác biệt đã tạo ra những “rào
cản” về mặt văn hoá - xã hội đối với các dân tộc châu Á, trong đó có Việt Nam, khi hội nhập với thế
giới. 1 ngữ
3. Dù có vở đã công diễn tới hàng trăm lần nhưng kịch Lưu Quang Vũ chưa bao giờ bớt đi sức
sống, sức nóng. Người ta đã bàn nhiều đến tính thời sự, tính chính luận, triết lí đạo đức và nhân sinh
khi phân tích nội dung và giá trị tư tưởng trong kịch của ông. 1 câu
+ Về nội dung, các chuyển đoạn có thể về trình tự (trước tiên, sau đó, tiếp theo, một là, hai là,
v.v.); có thể về quan hệ tương đồng (lập luận đồng hướng: ngoài ra, bên cạnh đó, hơn nữa, v.v.); có thể
về quan hệ tương phản (lập luận nghịch hướng: nhưng, tuy thế, tuy nhiên, trái lại, thế mà, v.v.); có thể
về quan hệ nhân quả (bởi thế, vì vậy, vì thế, cho nên, v.v.).
1. Trước tiên, muốn học giỏi hãy chắc chắn bạn đã chuẩn bị cho mình 5 điều sau: Học với thái
độ tích cực; Làm bất cứ điều gì cũng cần mục tiêu cụ thể; Nghiêm khắc với bản thân; Học đi đôi với
hành; không bao giờ được lười biếng. chuyển đoạn về trình tự
2. Tôi chọn làm việc ở CIP; tôi tin rằng nó có thể giúp tôi nâng cao kiến thức tiếng Anh. Bên
cạnh đó, tôi muốn trải nghiệm về cách dạy từ những giáo viên quốc tịch khác; và tôi cũng thích làm
việc với người bản xứ. chuyển đoạn về qh tương đồng
3. Mưa lớn tại một số khu vực của Tây Nguyên kéo dài là một yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng
mạnh. Trái lại, giá cao su giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào kết hợp với sản xuất ô tô ở một số nước
đang có dấu hiệu chững lại. chuyển đoạn về qh tương phản
4. Cuộc sống thật ngắn ngủi, tuổi trẻ là hữu hạn, thời gian trôi đi sẽ không trở lại. Vì thế,
chúng ta đừng để 10 năm sau ngoảnh lại phải hối tiếc về những suy nghĩ sai lầm này! chuyển đoạn về
qh nhân quả
- Đối với luận chứng:
Có thể tiến hành theo một trong hai cách phổ biến nhất: diễn dịch hoặc quy nạp. Đôi khi cũng
có thể tiến hành luận chứng theo cách tổng phân hợp, tức là phối hợp diễn dịch và quy nạp.
- Đối với luận cứ:
Có một số cách nêu luận cứ phổ biến nhất, thường gặp trong các loại văn bản khác nhau:
+ Nêu những dẫn chứng thực tế, có tính chất “người thật việc thật”
Đây là cách nêu luận cứ đơn giản, dễ dàng nhất. Người viết không cần phải tra cứu, trích dẫn
hàn lâm, kinh điển từ tác giả này hay tác giả khác. Người viết cũng không cần phải bận tâm về những
con số thống kê. Một cách đơn giản, người viết chứng minh luận điểm của mình bằng những dẫn
chứng lấy ra từ vốn sống thực tế hay hiểu biết của chính bản thân. Ưu điểm của loại dẫn chứng này
là hấp dẫn người đọc và thường để lại những ấn tượng sâu sắc.
Ví dụ:
Hoạt động đi lại chủ yếu của người nông nghiệp Việt Nam là đi gần – từ nhà ra đồng. Từ nhà
lên nương. Mà lượng nước và nương rẫy lại là nơi không thể đưa xe tới được nên họ dùng sức người
mà vận chuyển mọi thứ. Chính vì vậy. Mà trên thế giới không một ngôn ngữ nào có số lượng từ chỉ
hoạt động vận chuyển bằng sức người đa dạng và phong phú như tiếng Việt.
Trong tiếng Việt, ngoài từ mang với nghĩa khái quát, còn có hàng loạt từ chỉ những cách thức
vận chuyển rất chuyên biệt. Mang trong bàn tay là cầm, mang gọn trong bàn tay là nắm, mang trong
tay qua trung gian sợi dây là xách, sợi dây dài chạm đất là kéo, mang trong lòng một hoặc hai bàn tay
là bốc, mang bằng hai tay một vật nặng là bê, hai tay giữ lên là bưng, mang gọn trong lòng bằng hai
tay là ôm, mang trong lòng bằng hai tay một cách nâng niu là bồng, bế, ẵm, mang trên lưng một vật
là gùi, một người là cõng, một đứa bé qua trung gian một mảnh vải là địu, mang ở nách là cắp, cặp,
mang trên đầu là đội, mang trên vai là vác, mang trên vai qua trung gian của một cái đòn với vật ở
hai đầu đòn đều nhau là gánh, không đều nhau là gồng, hai người cùng mang trên vai một vật là
khiêng, v.v. và v.v.
Bằng hiểu biết của bản thân, tác giả đoạn văn đã đưa ra trong luận cứ của mình hàng loạt
những từ như: mang, cầm, xách, bưng, cõng, địu, v.v. để chứng minh cho luận điểm số lượng từ chỉ
hoạt động vận chuyển trong khoảng cách gần của tiếng Việt là rất đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, phương pháp này có 02 điểm yếu cần lưu ý:
* Trong so sánh với các cách nêu luận cứ khác thì tính thuyết phục của phương pháp này không
cao, vì vậy không nên lạm dụng;
* Khi sử dụng phải chắc chắn dẫn chứng đưa ra thật sự phù hợp và có ích cho luận điểm cần
chứng minh. Chẳng hạn nhằm chứng minh nam giới giỏi ngoại ngữ hơn phụ nữ, người viết đưa ra dẫn
chứng nhà nghiên cứu Phan Ngọc biết rất nhiều ngoại ngữ. Dẫn chứng này hoàn toàn chính xác, nhưng
lại không có sức thuyết phục vì nó không phù hợp và có ích cho luận điểm cần chứng minh do một
mình cá nhân Phan Ngọc không thể đại diện cho toàn bộ nam giới nói chung.
+ Sử dụng số liệu thống kê
Số liệu thống kê là loại luận cứ hết sức thuyết phục, đặc biệt trong các văn bản khoa học,
thương mại, hành chính, báo chí, v.v. Khi đưa ra các con số, cần nêu rõ xuất xứ của chúng: là số liệu
điều tra trực tiếp hay lấy từ nguồn tư liệu tin cậy nào, v.v.
Ví dụ:
Trong Kiều, với 3.254 câu thơ, Nguyễn Du dùng 22.778 từ; trong số đó, chỉ có 2.407 là từ
gốc. Nói cách khác, tính trung bình, số lần lặp lại cho mỗi từ là 9,5 lần. Trong Lục Vân Tiên, Nguyễn
Đình Chiểu dùng 14.518 từ, nhưng chỉ 2.533 từ duy nhất, và tính trung bình số lần lặp lại cho mỗi từ
là 5,7 lần. Trong bài Lỡ bước sang ngang, Nguyễn Bính dùng 1.862 từ, trong đó có 605 từ duy nhất,
và độ lặp lại trung bình là 3,1 lần cho mỗi từ.  Sự khác biệt này cũng có thể đoán được, vì mức độ sử
dụng từ thông thường tăng theo tỉ lệ thuận với độ dài của một tác phẩm.
(Nguyễn Văn Tuấn - Đọc thơ lục bát bằng… thống kê)
Có thể thấy số liệu thống kê tổng số từ dùng trong các câu thơ, số lượng từ duy nhất, trung bình
số lần lặp cho mỗi từ của Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Lỡ bước sang ngang và nêu rõ xuất xứ của
chúng: Nguyễn Văn Tuấn - Đọc thơ lục bát bằng… thống kê.
+ Trích dẫn các luận điểm, ý kiến đáng tin cậy của các tác giả khác
Trong quá trình xây dựng lập luận, có thể cần trích dẫn các nội dung thông tin của nhiều nguồn
khác nhau, nhằm mục đích: làm cơ sở cho việc trình bày, để khẳng định hay phản bác, để minh họa
hay so sánh, đối chiếu, v.v. liên quan đến những nội dung đang trình bày.
Trích dẫn là phương pháp rất thông dụng, thường gặp trong các văn bản thuộc thể loại nghị
luận; đặc biệt đối với các văn bản khoa học như luận văn, tiểu luận, báo cáo, v.v. thì việc trích dẫn
đóng vai trò hết sức quan trọng trong cách luận chứng.
Có hai cách trích dẫn: trực tiếp và gián tiếp.
* Trích dẫn trực tiếp: Tư liệu được trích dẫn nguyên văn, đặt trong dấu ngoặc kép. Các thông
tin về tác giả, nguồn xuất xứ của tài liệu cũng được nêu rõ.
Ví dụ:
“Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai
có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu
cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. […]. Bản tuyên ngôn
nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình
đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
(Hồ Chí Minh (2010), Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb. CTQG, H.)
* Trích dẫn gián tiếp: Tư liệu trích dẫn không cần phải chính xác từng câu, từng chữ so với
nguyên gốc mà chỉ tóm lược những ý tưởng, nội dung căn bản. Nhưng khi trích dẫn, các thông tin về
xuất xứ của tư liệu cũng cần được nêu rõ.
Ví dụ:
Còn trong tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc các loài, E. Darwin đã khẳng định rằng tất cả các
giống gà nuôi trên thế giới đều bắt nguồn từ loài gà rừng Đông Nam Á.
(Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
Lưu ý:
Khi chúng ta trích dẫn ý kiến của người khác thì yêu cầu cốt tử là phải đảm bảo tính chính xác,
tuyệt đối không được tự ý thay đổi hay xuyên tạc nội dung căn bản của ý kiến trích dẫn, cụ thể:
-- Nếu trích dẫn trực tiếp, không được tự ý thêm bớt từ ngữ của câu trích dẫn;
-- Nếu có lí do chính đáng để lược bỏ một phần nào đó ý kiến trích dẫn (chẳng hạn, vì câu trích
quá dài, đoạn lược bỏ là không cần yếu đối với luận điểm, v.v.) thì cần sử dụng dấu lược bỏ […] ở vị
trí các yếu tố bị lược bỏ.
Ví dụ:
Nhà triết học Nga nổi tiếng V.V. Nalimov cũng nhận xét: “Tham vọng làm chủ tự nhiên vô hạn
độ đang đẻ ra một loạt hiện tượng tiêu cực ngày càng tang […] môi trường bị ô nhiễm, thổ nhưỡng bị
phá hủy, khí quyển bị thay đổi; các bệnh tâm thần và tỷ lệ sinh đẻ các trẻ khuyết tật gia tang […]
Những vấn đề xã hội kinh tế của quá khứ hàng thế kỷ nay tác động đến thế giới phương Tây, đã bắt
đầu nhường chỗ cho những vấn đề sinh tồn […]”
(Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
-- Nếu có lí do chính đáng để thêm từ ngữ nào đó vào ý kiến trích dẫn (chẳng hạn để nhấn
mạnh, giải thích, v.v.) thì từ ngữ được thêm vào đó phải được đặt trong ngoặc đơn và phải nói rõ đó là
lời của ai.
Ví dụ:
Theo nhà nhân chủng học nổi tiếng người Nga N.N. Chekov “ngay từ sơ kỳ đồ đá cũ (khoảng
50-30 vạn năm trước Công nguyên - T.N.T), đã xuất hiện hai trung tâm hình thành chủng tộc: sớm
hơn là miền Đông Bắc Phi và Tây Nam Á, ít nhiều muộn hơn là miền Đông Nam Á.”
(Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
-- Nếu trích dẫn gián tiếp thì có thể tóm lược nội dung hay diễn giải lại ý kiến được chọn trích
dẫn, nhưng phải chú ý là không được làm thay đổi nội dung cơ bản của nó.
Ví dụ:
Thay vì viết: Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chúng ta có thể viết:
Hồ Chủ tịch đã từng nói rằng trên đời này độc lập, tự do là quý nhất.
** Lưu ý: Khi sử dụng các số liệu thống kê hoặc trích dẫn ý kiến từ các nguồn tư liệu khác
nhau, cần phải có những chú thích thích hợp (Về cụ thể cách trình bày chú thích, sẽ được giới thiệu
trong những nội dung sau của học phần).

BÀI TẬP THỰC HÀNH


Đoạn văn sau đây, các câu bị sắp xếp lộn xộn. Hãy sắp xếp lại thứ tự các câu cho hợp lý. Đồng
thời, tìm và thay thế các từ ngữ, kết cấu chuyển đoạn bằng các cách diễn đạt đồng nghĩa.
1. Ở lăng Khải Định không thiếu gì những đặc điểm của mỹ thuật Nguyễn, trước hết là trong
trang trí, mà các bạn đồng hành không nề hà chỉ cho tôi xem, giảng cho tôi hiểu.
2. Có điều là phải đến Khải Định thì hình thức ấy mới bị đẩy đến mức “bệnh hoạn” trên các
vách tường lăng.
3. Thị hiếu của một ông vua đâu có xóa nổi mọi thành tựu của một thời. Nói đâu xa, kỹ thuật
trang trí ngoại thất và nội thất bằng mảnh sứ nội phủ gắn lên mặt vôi vữa đã trở thành phổ biến từ Gia
Long kia.
4. Vả chăng tôi tự nhủ, với tâm lý khoe của - và có lẽ ít nhiều cả tâm lý học đòi “kiểu Tây”,
thì Khải Định, thông qua những người thiết kế lăng cho ông, còn đâu đủ tâm lực, đủ trí tượng tượng,
để cải biến hình tượng con rồng, mà mẫu mực đã sẵn có trong kiến trúc Đại Nội, cảu lăng tẩm các đời
vua trước?
5. Vẫn theo lời các anh, rồng ở đây, chẳng hạn, vẫn là rồng Nguyễn.
Trả lời:
Thứ tự: 1, 3, 2, 5, 4
Thay thế:
+ Đoạn 2: Có điều là - Có thể thấy/Có lẽ…
+ Đoạn 4: Vả chẳng tôi tự nhủ - Cần thấy rằng/Theo ý kiến của tôi…
+ Đoạn 5: Vẫn theo lời các anh - Đồng thời/Tiếp đó/Hơn nữa…

You might also like