Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 11

CHÍNH SÁCH THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TẠI CÁC

NƯỚC PHÁT TRIỂN TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO
VIỆT NAM

POLICY FOR ATTRACTING HIGH QUALITY HUMAN RESOURCES IN


DEVELOPED COUNTRIES IN THE WORLD AND LEARNINGS FOR
VIETNAM

TS. Ngô Quang Hùng - Khoa Kế toán


ThS. Hoàng Hải Hậu - Phòng quản lý đào tạo
Đại học Lao Động – Xã hội (CSI)
Email: hung1982hvtc@gmail.com
SĐT: 0902096464

Tóm tắt:
Phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào công nghệ cao và năng suất lao động đã được đưa vào
chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta nhiều năm trước đây. Trong “Báo cáo tổng
quan: Việt Nam 2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” cũng
khẳng định lại: tăng trưởng nhanh chỉ có thể được duy trì trên cơ sở tăng nhanh năng
suất… và tạo dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ. Bài viết trình
bày cơ sở lý luận về nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là
chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số nước phát triển trên thế giới
và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ khoá: Nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, bài học kinh nghiệm

Abstract:
Economic development based mainly on high technology and labor productivity has been
included in the socio-economic development strategy of our country many years ago. In
the “Overview report: Vietnam 2035, towards prosperity, creativity, equity and
democracy” also reaffirmed: rapid growth can only be maintained on the basis of rapid
increase in productivity … and creating build an economy based on creativity and
technological innovation. The article presents the theoretical basis for human resources
and high-quality human resources, along with policies to attract high-quality human
resources in some developed countries in the world and lessons learned for Vietnam. male
Keywords: Human resources, high-quality human resources, lessons learned

1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt,
được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước,
của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là
yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền
vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức thời đại mới. Trong những năm
qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng
cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và
hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, tài nguyên con người có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát
triển của các doanh nghiệp vì những giá trị thuộc về nguồn nhân lực là bền vững và không
thể sao chép. Điều này cũng phù hợp với các lý thuyết về nguồn lực dựa trên tầm nhìn của
doanh nghiệp được phát triển bởi Penrose (1959) [8] và Barney (1991) [1], lý thuyết tập
trung vào việc duy trì và phát triển nguồn lực con người để họ trở nên có giá trị, quý hiếm
và khó bắt chước, tăng cường hơn nữa lợi thế cạnh tranh của các tổ chức.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Nguồn nhân lực
Tổ chức ngân hàng thế giới cho rằng nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao
gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp mà mỗi cá nhân sở hữu, có thể huy động được
trong quá trình sản xuất kinh doanh hay một hoạt động nào đó. Ở đây nguồn nhân lực
được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác nhưng nó có vai trò đặc
biệt vì nó được sử dụng để khai thác, duy trì và sử dụng các loại vốn vật chất đó [11].
Tổ chức lao động quốc tế quan niệm rằng nhân lực đồng nghĩa với lực lượng lao
động. Quan niệm này cho rằng, nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng lao động con
người của một quốc gia đã được chuẩn bị ở một mức độ nhất định, có khả năng huy động
vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tiềm năng đó bao hàm tổng hoà các
năng lực về thể lực, trí lực, nhân cách con người của một quốc gia đáp ứng với một cơ cấu
nhất định của lao động do nền kinh tế đòi hỏi [6].
Theo David Begg và ctg (2008) cho rằng nguồn nhân lực là toàn bộ trình độ chuyên
môn mà con người tích lũy được, nó có thể đem lại thu nhập trong tương lai. Các tác giả
này cho rằng kiến thức mà con người tích lũy được trong quá trình lao động sản xuất là
mấu chốt vì chính kiến thức đó giúp họ tạo ra của cải, tài sản cho cuộc sống hiện tại và
tương lai của chính họ [2].
Từ những sự phân tích trên, có thể hiểu nguồn nhân lực là một phạm trù dùng để chỉ
sức mạnh tiềm ẩn của dân cư, khả năng huy động tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật
chất và tinh thần cho xã hội trong hiện tại cũng như trong tương lai. Sức mạnh và khả
năng đó được thể hiện thông qua số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, nhất là số lượng
và chất lượng con người có đủ điều kiện tham gia vào nền sản xuất xã hội.
2.2. Nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo Phạm Minh Hạc (2001), nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ nhân lực có
trình độ và năng lực cao, là lực lượng xung kích tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên
tiến, thực hiện có kết quả việc ứng dụng vào điều kiện nước ta, là hạt nhân lĩnh vực của
mình vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, được mở rộng theo kiểu “vết dầu loang” bằng
cách dẫn dắt những bộ phận công nhân có trình độ và năng lực thấp hơn, đi lên với tốc độ
nhanh [9].
Theo tác giả Đàm Đức Vượng (2012) thì xây dựng nhân lực chất lượng cao có nghĩa
là xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia, tổng công
trình sư, kỹ sư đầu ngành, công nhân có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn - kỹ thuật
tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận,
chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giải quyết những
vấn đề cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đội ngũ
doanh nhân quản lý doanh nghiệp, có khả năng tổ chức, khả năng cạnh tranh [4].
Theo Hồ Bá Thâm (2003) thì nhân lực chất lượng cao phải là nhân lực với bốn đặc
trưng chính: có trí tuệ, nhân cách, tay nghề vượt trội và có năng lực thực tế hoàn thành
nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất so với mặt bằng chung phù hợp với nền kinh
tế - xã hội hiện đại mang tính chất tri thức[5].
Theo tác giả Nguyễn Hữu Dũng (2003) quan niệm nhân lực chất lượng cao để chỉ
một con người, một người lao động cụ thể có trình độ lành nghề “về chuyên môn kỹ
thuật” ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn kỹ
thuật nhất định[7].
Cùng quan điểm, tác giả Đỗ Văn Đạo (2009) lại cho rằng nguồn nhân lực chất lượng
cao là bộ phận lao động xã hội có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao; có kỹ
năng lao động giỏi và có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của
công nghệ sản xuất; có sức khỏe và phẩm chất tốt, có khả năng vận dụng sáng tạo những
tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại
năng suất, chất lượng và hiệu quả cao[3].
Theo Nguyễn Huy Trung thì nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân lực đã qua đào
tạo, có kiến thức tốt về một lĩnh vực công việc, thành thạo kỹ năng thực hiện công việc,
có thể chất tốt và tiềm năng phát triển trong môi trường công việc để đáp ứng được các
yêu cầu công việc hiện tại cũng như tương lai của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Ngày nay, nguồn nhân lực chất lượng cao còn được hiểu là vốn con người. Theo
Trần Thọ Đạt (2008) vốn con người là kết quả của quá trình đầu tư vào các hoạt động
nhằm nâng cao năng suất lao động cá nhân như giáo dục, y tế, đào tạo tại chỗ [10].
Kế thừa các quan điểm của các tác giả trên, nguồn nhân lực chất lượng cao là một
bộ phận của nguồn nhân lực, kết tinh những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất của nguồn
nhân lực. Đây là bộ phận lao động có phẩm chất thái độ đúng; có sức khỏe; có trình độ
học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao hoặc có kỹ năng lao động giỏi; có năng lực sáng tạo;
biết vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào trong quá trình lao động sản
xuất; nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao.
3. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số nước phát triển
trên thế giới
3.1. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hoa Kỳ
Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Hoa Kỳ luôn là một điểm đến lý
tưởng cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa lực lượng lao
động tiềm năng này, Chính phủ Hoa kỳ đã không ngừng nới lỏng chính sách nhập cư, đặc
biệt là đối với những người có trình độ cao để thu hút nguồn nhân lực này. Theo đó,
những người đã chứng minh được khả năng của mình tại các công ty và doanh nghiệp của
nước này sẽ được cấp visa lao động diện tạm thời. Và nếu không tìm được những người
Hoa Kỳ có khả năng tốt hơn, những nơi này có thể bảo trợ cho nhân viên người nước
ngoài của mình nhận được quyền nhập cư và trở thành công dân Hoa Kỳ (Thẻ xanh).
Trước đó, trong thời gian chờ xét duyệt đơn đăng ký thẻ xanh thì nười lao động này sẽ bị
bó buộc vào vị trí làm việc hiện tại song những thay đổi gần đây của Chính phủ Hoa Kỳ
đã giúp người lao động được thoải mái hơn trong công việc khi có thể được đề bạt lên vị
trí cao hơn, chuyển chỗ làm việc hoặc thành lập công ty mới.
Ngoài ra, Chính phủ Hoa Kỳ cũng mong muốn tăng cường thu hút lực lượng lao
động là những sinh viên ưu tú người nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học,
công nghệ và toán học thông qua dự luật cho phép gia tăng thời gian mà những sinh viên
đã tốt nghiệp này được làm việc tại Hoa Kỳ trước khi hết hạn visa và trở về nước.
Trong khi đó, việc tuyển chọn quan chức của Hoa Kỳ cũng cho thấy nguồn nhân lực
chất lượng cao của nước này đều được tuyển chọn kỹ càng song hoàn toàn được trọng
dụng và đãi ngộ tốt nếu có năng lực tốt. Trong đó, điểm đổi mới nhất phải kể đến là việc
thành lập ra một nhóm 8.000 nhà quản lý cao cấp trong đội ngũ quan chức. Những người
này được giao nhiệm vụ khác nhau, phải luân chuyển nhiều vị trí làm việc, nhưng đổi lại
được hưởng lương rất cao nếu hoàn thành xuất sắc công việc.
3.2. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đức
Một phần chính sách thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Đức
đến từ việc nước này đã chủ động tạo ra một hệ thống đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân
lực chất lượng cao ngay từ trong các trường Đại học. Nhận thức được vai trò của giáo dục
đại học, Chính phủ Đức đã sử dụng hệ thống giáo dục để liên tục tạo ra những thế hệ tự
phát triển tài năng. Tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục hàng năm của Đức chiếm khoảng
5% GDP, trong đó giáo dục đại học chiếm tới 24%. Những điểm nổi bật của hệ thống đại
học tại Đức chính là những yếu tố giúp nước này luôn sản sinh ra nguồn nhân lực chất
lượng cao:
- Thứ nhất, sự thống nhất giữa giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học khi
những nhà khoa học lớn đều tham gia vào việc giảng dạy và bồi dưỡng cho các thế hệ trẻ
tài năng.
- Thứ hai, các sinh viên được lựa chọn tự do về trường, các giảng viên, ngành học,
cách học và thời gian học. Qua đó, những sinh viên được đối xử như một người trưởng
thành, độc lập và có trách nhiệm với công việc học tập của mình.
- Thứ ba, Chính phủ luôn đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn
nhân sự cho các trường đại học và có thể can thiệp nếu thấy cần thiết trong một số trường
hợp nhất định.
Ngoài ra, Đức cũng có một chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như
những người có trình độ cao tới từ khắp nơi trên thế giới. Theo đó, vào năm 2015, nước
này đã giới thiệu một chương trình dạy nghề tại 6 quốc gia châu Âu là Tây Ban Nha, Hy
Lạp, Bồ Đào Nha, Italy, Slovakia và Latvia. Những sinh viên tại các quốc gia này sẽ được
đào tạo tại các trường Đại học và nhận vào làm việc tại các công ty và doanh nghiệp của
Đức ngay trong thời gian đào tạo để tích lũy kinh nghiệm và có khả năng được tuyển
dụng chính thức ngay sau khi chương trình đào tạo kết thúc.
3.3. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Nhật Bản
Giống như Đức, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Chính phủ
Nhật Bản cũng thông qua việc sẵn sàng đầu tư vào những chương trình liên kết đào tạo và
dạy nghề tại nhiều nơi trên thế giới, qua đó, tìm ra và tuyển dụng những người giỏi nhất
làm việc tại các công ty của nước này.
Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất trong chính sách này của Nhật Bản chính là tạo
điều kiện tốt nhất cho những người được lựa chọn từ các chương trình đào tạo này. Theo
đó, những người này khi vừa mới được tuyển dụng sẽ chỉ bắt đầu với những công việc
đơn giản và không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn và sau đó mới được phân về
những nơi phù hợp với năng lực sau khi khóa đào tạo kết thúc.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người
nước ngoài có tài năng đang làm việc tại nước này. Từ năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng
các hạn chế liên quan tới visa lao động cho người nước ngoài để thu hút tài năng.
Tuy nhiên, nếu nói về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật
Bản, không thể không kể đến quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt và có chọn lựa của nước
này; đặc biệt là trong cuộc tuyển chọn nhân sự quản lý. Theo đó, hàng năm Viện Nhân sự
Nhật Bản, một cơ quan nhà nước độc lập với các Bộ sẽ mở 3 kỳ thi tuyển chọn công chức
gồm loại I (cấp cao) và II, III (cấp thấp). Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được
đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai và được tự do lựa chọn nơi làm việc.
Còn những người trúng tuyển các kỳ thi loại II, loại III sẽ làm các công việc chuyên môn
nghiệp vụ cụ thể. Đáng chú ý, số người tham gia thi tuyển thường là các sinh viên ưu tú
tại các trường đại học lớn.
3.4. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hàn Quốc
Về phát hiện và tuyển chọn tài năng trẻ: Cũng giống như các quốc gia phát triển
khác, Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển giáo dục, coi phát triển giáo
dục là điều kiện sống còn để phát triển đất nước. Song song với phát triển giáo dục đại trà,
Hàn Quốc đặc biệt coi trọng giáo dục để phát hiện, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
trong những lĩnh vực xác định là mũi nhọn của đất nước ngay từ khi còn là học sinh. Hàn
Quốc quan niệm trẻ em năng khiếu là một bộ phận không thể tách rời tổng thể tài nguyên
và trí tuệ được coi là một loại tài nguyên quý nhất của một dân tộc, là tài sản quý nhất
trong tương lai. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng giáo dục năng khiếu, tài năng là một chiến
lược phát triển cơ bản phải được coi là ưu tiên số một so với bất kỳ ngành phát triển nào.
Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược cụ thể để phát hiện và tuyển chọn học sinh năng khiếu.
Cùng với việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng Chính phủ Hàn Quốc có chính
sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ cụ thể như:
- Về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: Nhằm thu hút nguồn nhân lực chất
lượng cao từ nước ngoài và hạn chế chảy máu chất xám mà Hàn Quốc đã từng phải đối
mặt giữa thập kỷ 1960 đến những năm 1980. Từ những năm 1990, Hàn Quốc có chính
sách tài trợ học bổng cho sinh viên ngước ngoài đến Hàn Quốc học tập, nghiên cứu và
làm việc ở Hàn Quốc. Hàn Quốc đưa ra chính sách cấp “thẻ vàng” cho các nhà khoa học
trẻ là người nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc bằng nhiều chính sách ưu đãi như trả
lương cao, hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở.
Về sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao: Chính phủ Hàn Quốc có
những chính sách đãi ngộ rất thỏa đáng với đội ngũ trí thức tài năng. “Lương của các nhà
khoa học không theo thang bậc lương chung mà được trả theo kết quả công việc. Đối với
trí thức trẻ, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh phí để đào tạo nâng cao trình
độ, cải thiện điều kiện sinh hoạt bằng cách cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà,
mua ô tô, tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học,… được giao lưu trao đổi khoa
học với các nước trên thế giới, chính phủ có những chính sách đặc biệt với các nhà khoa
học tài giỏi, dành đầu tư tốt nhất cho những nhà khoa học được lựa chọn là xuất sắc nhất
của đất nước và cho họ toàn quyền sử dụng ngân sách khoa học dành cho họ.
Từ chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Hàn Quốc đã tạo ra một lực
lượng đông đảo các nhà khoa học giỏi, tài năng và tâm huyết trên nhiều lĩnh vực khoa học
và công nghệ, đã góp phần đưa Hàn Quốc trở thành một trong những con rồng châu Á và
là đối thủ cạnh tranh với các nước phát triển hàng đầu trên thế giới.
3.5. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Singapore
Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất
lượng cao từ nước ngoài bài bản nhất thế giới. Ngay từ khi mới lên cầm quyền, cựu Thủ
tướng Lý Quang Diệu đã xác định rõ, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt
quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, trong nhiều
năm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên
hàng đầu của Singapore.
Năm 1998, Singapore thành lập Ủy ban tuyển dụng tài năng Singapore. Chính sách
chính của Singapore là chào đón nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài vào bộ
máy nhà nước.
Chính phủ Singapore tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên năng lực,
khả năng đóng góp chứ không phân biệt quốc tịch của người nhập cư. Trong số 4,5 triệu
lao động Singapore có tới 25% là người nước ngoài.
Nội các đầu tiên của Singapore cũng chỉ có duy nhất 2 người bản địa. Singapore có
quy định rõ lương của lao động bình thường ở Singapore chỉ khoảng 2.000 USD/tháng
hoặc cao hơn chút ít. Còn với lao động nước ngoài có kỹ năng, tay nghề, ngoài việc được
hưởng lương theo mức của tài năng, họ còn được phép đưa người thân sang sống cùng.
Họ được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singapore chỉ trong vài ngày.
Cùng với việc chào đón nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài vào bộ máy
nhà nước, Singapore có những chính sách ưu đãi nhằm trọng dụng nguồn nhân lực chất
lượng cao như có hẳn một chính sách về trả lương cao cho đối tượng này. Các Bộ trưởng
Singapore có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những quốc gia phát triển. Một
phần chính sách này muốn hạn chế nạn tham nhũng, minh bạch hóa Chính phủ, đồng thời
tạo đà cho các Bộ trưởng dành hết tâm sức cho công việc quản lý hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, Singapore tăng cường đầu tư, trợ cấp cho giáo dục. Singapore có đội
ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới, họ tạo ra năng suất vô cùng lớn, thành thạo về
chuyên môn, kĩ thuật và có thái độ làm việc tích cực. Nhưng để có được điều này,
Singapore đã phải liên tục đầu tư vào việc đào tạo cả một thế hệ thông qua con đường
giáo dục.
Singapore có chính sách nhằm tạo được niềm tin rằng nguồn nhân lực chất lượng
cao luôn đứng ở vị trí cao. Biệt đãi nguồn nhân lực chất lượng cao không chưa đủ, mà cần
tạo niềm tin ở nơi họ. Ngoài thu nhập, nhu cầu được cống hiến, họ cần được tôn trọng và
được vinh danh là rất lớn.
4. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
tại một số nước phát triển trên thế giới, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các
nhà quản lý Việt Nam trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa
phương như sau:
- Thứ nhất: Hình thành hệ thống các yếu tố cơ bản làm cơ sở cho việc nhận biết, phát
hiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ nghiên cứu kinh nghiệm trong nước cũng như
kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao là người có năng lực đặc
biệt, vượt trội hơn so với những người khác. Theo đó để nhận biết, đánh giá năng lực đặt
biệt, vượt trội của nguồn nhân lực này cần có hệ thống các yếu tố cơ bản, với những biểu
hiện khách quan thống qua hành vi, hành động, thao tác, động tác, lời nói, thái độ ... của
đối tượng.
Theo Dave Ulrich, các yếu tố nhận biết nguồn nhân lực chất lượng cao với các biểu
hiện khách quan như: sẵn sàng làm việc cật lực, thực sự cố gắng, khát vọng thành công,
sẵn sàng trả giá - không sợ thất bại; kiến thức, trình độ tốt và ngày càng trở nên tốt hơn
theo năm tháng; làm việc được ở nhiều môi trường khác nhau, làm việc trong môi trường
đòi hỏi kết quả ngắn hạn và cả trong dài hạn [12].
Dựa trên cơ sở các quan điểm, trường phái khác nhau trong xác định và đưa ra các
yếu tố nhận biết nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó cần định hình quan điểm tiếp cận
để nghiên cứu, xác định hệ thống các yếu tố cơ bản làm cơ sở cho việc nhận biết, phát
hiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thực tế thực hiện có thể bổ sung, sử dụng
những yếu tố khác bởi vì năng lực đặc biệt, vượt trội tiềm ẩn trong mỗi cá nhân và chỉ bộc
lộ ra ngoài khách quan trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Việc hình thành các yếu tố cơ bản nhận biết nguồn nhân lực chất lượng cao còn có ý
nghĩa đối với việc xây dựng chính sách, thực hiện các biện pháp cụ thể thu hút, trọng
dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đối với mỗi cơ quan, tổ chức. Ví dụ: ghét xu nịnh, bè
phái… Theo đó để thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cần tạo ra môi
trường làm việc công bằng, khách quan, cạnh tranh dựa trên tài năng thực sự.
- Thứ hai: Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công
vụ và nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội
Tham khảo kinh nghiệm cho thấy, các nước rất coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao cho công vụ và nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã
hội với các chính sách, biện pháp cụ thể như:
* Thống nhất giữa giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học; sinh viên được đối
xử như một người trưởng thành, độc lập và có trách nhiệm với công việc học tập của
mình (Đức);
* Xây dựng chương trình, tuyển chọn và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với công
chức lãnh đạo, quản lý (Nhật Bản, Hoa Kỳ);
* Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học - kỹ
thuật loại hình sáng tạo, cố gắng bồi dưỡng một số nhà khoa học dẫn đầu khoa học công
nghệ, kỹ sư trình độ thế giới và ê-kíp mới sáng tạo trình độ cao.
* Coi trọng giáo dục để phát hiện, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong
những lĩnh vực xác định là mũi nhọn của đất nước ngay từ khi còn là học sinh với phương
châm “giáo dục năng khiếu, tài năng là một chiến lược phát triển cơ bản phải được coi là
ưu tiên số một so với bất kỳ ngành phát triển nào” (Hàn Quốc).
- Thứ ba: Ban hành và triển khai thực hiện cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng
nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tham khảo kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, mỗi quốc gia có cơ chế chính
sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao theo các chương trình, mục tiêu,
nội dung cụ thể.
- Thứ tư: Nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu
trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện
chính sách phát hiện, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao một số nước thành lập tổ
chức như Viện Nhân sự Nhật Bản hoặc thành lập ra một nhóm 8.000 nhà quản lý cao cấp
trong đội ngũ quan chức để thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng
cao cho khu vực công (Hoa Kỳ).
Đối với Việt Nam hiện nay, việc thành lập tổ chức chuyên thực hiện nhiệm vụ phát
hiện, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công bị chi phối bởi những
chính sách khác như: tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế… Tuy vậy để triển khai thực
hiện chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết nghiên cứu bổ sung trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng
nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Thứ năm: Đánh giá, khuyến khích, nhân rộng các mô hình, cách làm hay về thu
hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong những năm qua thực hiện chủ
trương thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều cơ sở đào tạo, địa
phương đã xây dựng, ban hành, thực hiện các mô hình, chương trình khác nhau. Theo đó
đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng
mắc cần tháo gỡ.
Chính phủ đã có Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 và Nghị định số
27/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và
công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động
KH&CN tại Việt Nam. Từ thực tế trên cần có đánh giá, khuyến khích, nhân rộng các mô
hình, cách làm hay về thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Thứ sáu: Nghiên cứu và tiến tới thực hiện chính sách đặc biệt với các nhà khoa học
kiệt xuất. Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 và Nghị định 27/2020/NĐ-CP ngày
01/03/2020 của Chính phủ đã quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa
học và công nghệ. Tuy vậy, với quan điểm nguồn nhân lực chất lượng cao là những người
có năng lực vợt trội so với những người bình thường, thì kiệt xuất phải là người có năng
lực đặc biệt, vợt trội hơn trong số này.
Từ kinh nghiệm của Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách đặc biệt với các nhà
khoa học tài giỏi, dành đầu tư tốt nhất cho những nhà khoa học được lựa chọn là xuất sắc
nhất của đất nước và cho họ toàn quyền sử dụng ngân sách khoa học dành cho họ. Chính
phủ Việt Nam có kế hoạch bồi dưỡng các nhà khoa học xuất sắc nhất để thực hiện mục
tiêu đạt giải nhà khoa học kiệt xuất.

Tài liệu tham khảo


1. Barney, J. B. 1991, ‘Firm resources and sustained competitive advantage’,
Journal of Management, 17, pp. 99-120.
2. Begg, D., Fischer, S. & Dombush, R. 2008, Lý thuyết kinh tế học, NXB Thống kê,
Hà Nội.
3. Đỗ, Văn Đạo 2009, ‘Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện
nay’,
Tạp chí Tuyên giáo, 10, trang 29-30.
4. Đàm, Đức Vượng 2012, Thực trạng và giải pháp phát triển nhân lực Việt Nam,
Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực, Hà Nội.
5. Hồ, Bá Thâm 2003, Khoa học con người và phát triển nguồn nhân lực, NXB Tổng
hợp thành phố Hồ Chí Minh.
6. ILO 2010, A Skilled Workforce for Strong, Sustainable and Balanced Growth, A
G20 Training Strategy.
7. Nguyễn, Hữu Dũng 2003, Sử dụng hiệu quả nguồn lực con người ở Việt Nam,
NXB
Lao động Xã hội, Hà Nội.
8. Penrose, E. T. 1959, The Theory of the Growth of the Firm, New York: John
Wiley.
9. Phạm, Minh Hạc 2001, Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Chinh tri Quôc gia, Hà Nội.
10. Trần, Thọ Đạt 2008, ‘Tác động của vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế
các
tỉnh, thành phố ở Việt Nam giai đoạn 2000-2006’, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 138(12),
trang 3-7.
11. Võ, Đại Lược 2015, Những vấn đề kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã
hội, Hà Nội.
12. https://emsc.vn/cung-dave-ulrich-nhan-vat-hang-dau-the-gioi-ve-nhan-su-dinh-
nghia-lai-nhan-tai, truy cập ngày 14/12/2022

You might also like