Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

ĐỊA HÌNH, ĐỊA MẠO VƯỜN QUỐC GIA TAM ĐẢO

Vườn Quốc gia Tam Đảo chiếm giữ toàn bộ hệ núi Tam Đảo, có cấu tạo
hình khối đồ sộ, nằm ở phía bắc đồng bằng Bắc Bộ, chạy dài theo hướng tây - bắc
– đông-nam. Cả khối núi có đặc điểm chung là đỉnh nhọn, sườn rất dốc, độ chia cắt
sâu và dầy. Chiều dài khối núi gần 80km, có gần 20 đỉnh cao sàn sàn trên 1000m
được nối với nhau bằng đường dông núi sắc, nhọn. Đỉnh cao nhất là đỉnh Nord
(1592m) là ranh giới địa chính của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái
Nguyên. Chiều ngang biến động trong khoảng 10-15km. Núi cao, bề ngang lại hẹp
nên sườn núi rất dốc, bình quân 25-35°, nhiều nơi trên 35° nên rất hiểm trở và khó
đi lại. Dựa vào độ cao, độ dốc, địa mạo có thể phân chia dãy núi Tam Đảo thành
bốn kiểu địa hình chính:
- Thung lũng giữa núi và đồng bằng ven sông suối: độ cao tuyệt đối < 100m, độ
dốc cấp I (<7°). Phân bố dưới chân núi và ven sông suối.
- Đồi cao trung bình: độ cao tuyệt đối 100-400m. Độ dốc cấp II (8° – 15°) trở lên.
Phân bố xung quanh chân núi và tiếp giáp với đồng bằng.
- Núi thấp: Độ cao tuyệt đối 400 – 700m. Độ dốc trên cấp III (16° – 26°). Phân bố
giữa hai kiểu địa hình đồi cao và núi trung bình.
- Núi trung bình: Độ cao tuyệt đối > 700m – 1590m. Độ dốc > cấp III. Phân bố ở
phần trên của khối núi. Các đỉnh và đường dông đều sắc và nhọn.
Như vậy có thể nói địa hình Tam Đảo cao và khá đều (cao ở giữa và thấp
dần về hai đầu nhưng độ chênh không rõ), chạy dài gần 80km theo hướng tây-bắc
– đông-nam nên nó như một bức bình phong chắn gió mùa đông-bắc tràn về đồng
bằng và trung du Bắc Bộ, Vì vậy ảnh hưởng lớn đến chế độ khí hậu và thủy văn
trong vùng.
Nghiên cứu chi tiết vùng Tam Đảo 2, Đặng Văn Bào (2006) cho rằng khu
vực này có địa hình khá bằng phẳng dạng lòng chảo rộng khoảng 300 ha, ở độ cao
1100-1150m. Vùng phía Bắc có địa hình khá dốc, cao từ 700-1350m, vùng phía
Tây có độ dốc thoải hơn phía Bắc, độ cao thay đổi từ 700-1100m, vùng phía Nam
địa hình tương đối dốc thay đổi từ 800-1100m và xuất hiện nhiều cliff (vách trượt
của đứt gẫy kiến tạo); vùng Đông – Nam có độ cao thay đổi từ 800-1200m. Tác giả
đã chia địa hình vùng Tam Đảo 2 thành 15 dạng và gộp vào 4 nhóm:
- Địa hình bóc mòn trên đỉnh núi:
1. Bề mặt đỉnh núi sót do bóc mòn, cao 1320 – 1400m.
2. Bề mặt san bằng trên đỉnh núi, cao 1300 – 1375m .
- Địa hình bóc mòn nghiêng thoải trên sườn khối núi:
3. Bề mặt san bằng trên sườn khối núi, cao 1200 – 1250m.
4. Bề mặt san bằng trên sườn khối núi, cao 1150 – 1175m.
5. Bề mặt san bằng trên sườn khối núi, cao 1075 – 1125m.
6.Bề mặt san bằng trên sườn khối núi, cao 925 – 1025m .
- Địa hình sườn dốc:
7. Sườn đổ lở, dốc trên 45°.
8. Sườn bóc mòn dốc trên 30°, nhạy cảm đổ lở đá.
9. Sườn bóc mòn - xâm thực dốc 20 – 30°, nhạy cảm trượt lở đất.
10. Sườn bóc mòn - xâm thực dốc 15 – 20°, nhạy cảm trượt lở đất.
- Địa hình thung lũng và trũng trên núi:
11. Đáy trũng rửa trôi - tích tụ.
12. Bề mặt rửa trôi - tích tụ rìa đáy trũng .
13. Sườn rửa trôi - tích tụ nghiêng thoải rìa trũng.
14. Đáy khe suối xâm thực - tích tụ thoải.
15. Đáy khe suối xâm thực dốc.

You might also like