Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 22

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

KHOA QUỐC TẾ HỌC

------------------------------

Tên đề tài:

THẢO LUẬN VÀ TRÌNH BÀY VỀ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ THỂ CHẾ
CHÍNH TRỊ CỦA THÁI LAN

(Học phần: Chuyên môn 2)

Nhóm 15

ĐINH THỊ HOÀI THU- 14CNĐPH01

MAI HOÀNG THỊNH- 14CNĐPH01

NGUYỄN THỊ THANH THƯƠNG- 14CNĐPH02

ĐẶNG VÕ NHƯ THỦY- 14CNĐPH03

TRẦN THỊ THƯƠNG- 14CNĐPH02

ĐÀO THỊ THU THỦY- 14CNĐPH04

PHAN THỊ ANH THƯ- 14CNĐPH05

LÊ PHÚ THỊNH- 14CNĐPH05

GVHD: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chinh, ThS. Nguyễn Võ Huyền Dung

Đà Nẵng, tháng 1/2018


MỤC LỤC
I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Mục tiêu nghiên cứu
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
4. Phương thức nghiên cứu
5. Bố cục đề tài
II. NỘI DUNG
1. Tổng quan về đất nước Thái Lan
2. Lịch sử Thái Lan
2.1. Lịch sử Thái Lan qua các thời kỳ
2.2. Bàn luận
3. Đặc điểm của văn hóa Thái Lan
3.1. Văn hóa Thái Lan là nền văn hóa đặc trưng của quốc
gia Phật giáo
3.2. Văn hóa Thái Lan là nền văn hóa đặc trưng của văn
minh lúa nước
3.3. Bàn luận
4. Chính trị của Thái Lan
4.1. Thể chế chính trị Thái Lan
4.2. Lịch sử chính trị Thái Lan
4.3. Bàn luận
III. KẾT LUẬN
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tóm tắt
Thái Lan là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, được mệnh danh là xứ sở
chùa vàng hơn 90% dân số là tín đồ đạo Phật. Thái Lan từ xa xưa đến nay luôn được biết
đến là một đất nước hiếu khách, thân thiện và lịch sự. Điều đó được tạo nên từ một nền
văn hóa Thái Lan chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng đạo Phật - tôn giáo chính
thức ở đất nước này và từ nền sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước. Về chính trị, Thái
Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến, đứng đầu là vua Bhumibol Adulyadej lên ngôi từ
năm 1946.

Thailand is a country located in South East Asia, well-known as the land of golden
pagoda with a long history and culture. The official religion in Thailand is Buddism,
practiced by more than 95% of the population. Hospital, friendlly and polite are genitive
which Thai always are. They are made from a culture effected by Buddhism- the offical
religion and agriculture. About potitical, Thailand is a constitutional monarchy and was
plant by King Bhumibol Adulyadej in 1946.

.
I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài

Thái Lan được thế giới biết đến như “vùng đất tự do”, “quê hương của nụ
cười”, “đất nước của những chiếc áo cà sa” hay “xứ sở chùa Vàng”. Người
Thái Lan tự hào về đất nước của họ đã không là một thuộc địa của cường quốc
phương Tây nào vào cuối thế kỷ 19, quê hương của họ cũng không bị nội chiến
tàn phá dù cho nền chính trị có gặp các xáo trộn. Là quốc gia nông nghiệp và
Phật giáo, người dân Thái Lan thân thiện, lịch sự, tôn trọng nền dân chủ, sùng
bái những lời dạy của Phật và tôn trọng lẫn nhau. Chính những lý do đó đã
khiến cho đất nước và con người Thái Lan trở thành đề tài nghiên cứu hấp dẫn
nhất.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Đông Nam Á, là cửa ngõ đi các nước Đông
Dương, Myanma và miền nam Trung Quốc, Vương quốc Thái Lan từ lâu đã
được biết đến như một nước lớn trong khu vực. Thế kỷ 21- thế giới đang nhìn
nhận một Thái Lan đang từng ngày vươn mình hội nhập, với những thế mạnh
và thành tựu đã đạt được trong những năm qua, đất nước này đã tạo dựng và
giữ vững vị thế một nước lớn của Đông Nam Á. Cũng bởi vì những điều kiện
thuận lợi về cả đường bộ lẫn đường biển mà có thể nói rằng, không chỉ văn hóa
mà cả chính trị cũng như lịch sử của Thái Lan luôn có sự tương tác với nhiều
luồng giá trị khác nhau, trong đó, phải kể đến như Ấn Độ, Việt Nam, Trung
Quốc. Trong tình hình hội nhập và hợp tác giữa các nước đang ngày một nâng
cao thì việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị của Thái Lan là
quan trọng. Từ đó, có thể coi như một cơ sở để nghiên cứu các giá trị chung và
riêng của các nước trong khu vực dựa trên nét tương đồng và sự ảnh hưởng lẫn
nhau. Bài viết của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một cách tổng quan
những đặc điểm của “xứ sở chùa Vàng” trên những khía cạnh nhất định để từ
đó đưa ra một vài nhận định cũng như đánh giá chủ quan.

2. Mục tiêu nghiên cứu


- Trình bày các nội dung cơ bản bao gồm về quá trình cũng như các đặc điểm
nổi bật của Thái Lan trên 3 phương diện: lịch sử, văn hóa, chính trị.
- Phân tích và đưa ra một vài nhận định từ nhóm tác giả trên lần lượt từng
phương diện nghiên cứu.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Bài viết tập trung phân tích và bàn luận trên 3 khía
cạnh của đất nước Thái Lan lần lượt là lịch sử, văn hóa và chính trị.
Phạm vi nghiên cứu: Bài tiểu luận chỉ nghiên cứu một cách tổng quan nhất các
nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa và chính trị Thái Lan. Tập trung lí giải
các nguyên nhân, phân tích và đánh giá lần lượt từng nội dung thông qua
những tài liệu thu thập được.

4. Phương pháp nghiên cứu


Để thực hiện được các mục tiêu nghiên cứu trên, bài tiểu luận đã sử dụng các
phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp tìm kiếm thông tin; phương pháp
tổng hợp lý thuyết; phương pháp phân tích và đánh giá tài liệu.

5. Bố cục tiểu luận


Ngoài phần mục lục, mở đầu, tóm tắt và tài liệu tham khảo, bài tiểu luận gồm 4
phần cơ bản:
Phần 1: Tổng quan về đất nước Thái Lan
Phần 2: Lịch sử Thái Lan qua các thời kỳ
Phần 3: Đặc điểm của nền văn hóa Thái Lan
Phần 4: Chính trị Thái Lan

II. NỘI DUNG


1. Tổng quan về đất nước Thái Lan

Đất nước Thái Lan nằm ở trung tâm Đông Nam Á. Phía bắc giáp Lào và
Myanma; phía Đông giáp Campuchia và vịnh Thái Lan; phía Nam giáp
Malaysia; phía Tây giáp biển Andaman và Myanma. Lãnh hải Thái Lan phía
Đông Nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía Tây Nam giáp
với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman. Là quốc gia với diện tích
khoảng 514.000 km2, Thái Lan đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và
Myanmar) và đứng thứ 49 trên thế giới. Đây cũng mái nhà chung của khoảng
65 triệu dân. Trong đó, khoảng 75% dân số là dân tộc Thái, 14% là người gốc
Hoa và 3% là người gốc Mã Lai, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số
như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Có khoảng 2,3 triệu người nhập cư hợp
pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan.

Về mặt tín ngưỡng, Phật giáo Thượng tọa bộ được coi là quốc giáo ở Thái
Lan với tỉ lệ người theo đạo là 94,7%, tỉ lệ thuộc loại cao nhất thế giới. Người
Hồi giáo chiếm 4,6% và các tôn giáo khác chiếm 0,7% dân số. Ngôn ngữ chính
thức là tiếng Thái nhưng tiếng Anh cũng được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai
tại quốc gia này.

Thái Lan được biết đến với tên gọi Xiêm từ giữa thế kỷ 14 cho đến năm
1939 và một lần nữa được sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến
năm 1949. Trong tiếng Thái, tên của Thái Lan là Racha Anachakra Thai. Hai
chữ Racha và Anachakra thì có gốc từ tiếng Phạn: Racha có nghĩa là “quốc
vương”, Anachakra có nghĩa là “lãnh thổ”. Trong khi đó, “Thai” là một chữ
tiếng Thái có nghĩa là “tự do”. Ý của cụm từ “Racha Anachakra Thai” chính là
“Vương quốc của người tự do”. Thủ đô của Thái Lan là Bangkok. Tuy nhiên,
đây chỉ là tên gọi rút gọn, nếu để nguyên văn tên của nó sẽ tốn gần một trang
giấy. Nếu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Việt, thủ đô này có nghĩa là “Thành
phố của các thánh thần, thành phố vĩ đại của những vị thần bất tử, thành phố
châu báu tráng lệ của thần Indra, chiếc ngai vàng của đức vua Ayutthaya, thành
phố của đền đài tráng lệ, thành phố của cung điện và lãnh địa hoành tráng nhất
của Hoàng gia, ngôi nhà của thần Vishnu và tất cả các vị thần.”

2. Lịch sử Thái Lan

2.1. Lịch sử Thái Lan qua các thời kỳ

Thời kì đầu

Theo một số tài liệu, nguồn gốc của dân tộc Thái là từ tỉnh Vân Nam thuộc
Trung Quốc nhưng cũng có người lại cho rằng dân tộc gốc của xứ sở này là từ
đồng bằng sông Menam Chao Phya. Sau đó, nhóm người này đã đi lên mạn
Nam Trung Hoa nhưng do sự bành trướng của Đại Hãn Hốt Tất Liệt mà lại
phải di chuyển xuống phía Nam rồi định cư ở vùng đất hiện nay là Thái Lan.

Trong cuộc khai quật tại làng Ban Chiang, các đồ sành, đồ sắt, đồ đồng, nữ
trang đã được tìm thấy. Những phát hiện về khảo cổ này đã cho thấy Thái Lan
thời kì này có nền văn minh đồ đồng phát triển mạnh mẽ. Văn hóa Ban Chiang
này cũng cho thấy người dân thời đó đã biết trồng lúa, nuôi thú vật và đã có
các tài khéo léo, làm và trang trí các bình sành sứ, chai lọ kim loại.

Vương quốc Sukhothai

Vào năm 1237, một nhóm người Thái dưới sự lãnh đạo của Pho Khun Bang
Klang Hao và Pho Khun Pha Muang thiết lập nên triều đại Sukhothai với kinh
đô Sukhothai. Pho Khun Bang Klang Hao lên ngôi và trở thành vị vua đầu tiên
trong lịch sử Thái Lan, lấy hiệu là Pho Khun Si Indrathit.

Triều đại Sukhothai phát triển ổn định và thịnh vượng suốt 200 năm (1237 -
1438), có lãnh thổ trải dài từ Bắc xuống tận mũi đất Malay, hình thành tôn giáo
chính là đạo Phật, khai sinh ra văn tự riêng của Thái và phát triển nhiều loại
hình nghệ thuật. Triều đại Sukhothai có tất cả 10 đời vua, trong đó thời vua
Ram Khamhaeng cai trị là thời kì thịnh trị và phát triển rực rỡ nhất. Năm 1378,
vương quốc Sukhothai dần suy yếu và trở thành một nước chư hầu của
Ayutthaya, cho đến năm 1438 thì sáp nhập vào vương quốc này. Tuy bị suy tàn
nhưng thời kì Sukhothai đã để lại dấu nét đặc biệt về nghệ thuật thuần Thái
Lan nhất.

Vương quốc Ayutthaya

Năm 1350, một nhóm người Thái khác định cư ở khu vực đồng bằng châu
thổ sông Chao Phraya dưới sự lãnh đạo của Phya U Thoong đã thiết lập nên
một triều đại với kinh đô ở Ayutthaya. Phya U Thoong lên ngôi vua, lấy hiệu
là Ramathibodi I. Ayutthaya là vương quốc có sự thống nhất, tự trị lâu dài
trong 417 năm (1350 - 1767), có tất cả 5 triều đại, gồm 34 đời vua trị vì- là
vương quốc phát triển hưng thịnh về mọi mặt, bao gồm chính trị, kinh tế và
văn hóa xã hội. Tại Ayutthaya, vua được xem như chúa tể của mọi sinh linh.
Xã hội có chế độ quý tộc và nô lệ. Nước này cũng bành trướng mở rộng lãnh
thổ và chiến tranh với các nước láng giềng khác. Sau khi tiêu diệt được
Sukhothai, triều đại Ayutthaya bắt đầu xâm chiếm miền nam Miến Điện và bán
đảo Malay, rồi sau đó còn chiếm xứ Chiang Mai và Angkor.

Thời vua Trailok (1448 - 1488)- nền hành chính và kiến trúc xã hội được cải
tổ và sự ảnh hưởng được duy trì tới thế kỷ XIX. Vua Trailok tập trung quyền
hành vào trung ương, quy định về sở hữu đất đai, đặt ra các cấp lương bổng và
nhân viên, ấn định chế độ lao động mà người dân phải đóng góp. Đạo luật
Triều đình năm 1450 của ông cũng đề cập đến thứ hạng của các người trong
hoàng tộc, nhiệm vụ của các quan lại.

Vua Ramathibodi II (1491 - 1529) cho phép người Bồ Đào Nha buôn bán
trên đất Thái để đổi lấy súng đạn. Đội quân đánh thuê người Bồ Đào Nha cũng
giúp đỡ Ayutthaya trong việc chiếm Chiang Mai và dạy cách đúc súng thần
công và súng hỏa mai.

Thời vua Narai (1656 - 1688) thi hành chính sách mở cửa, hoạt động thương
mại và ngoại giao với các nước ngoài bao gồm cả người Ba Tư và phương Tây
phát triển mạnh mẽ. Năm 1767, Miến Điện xâm chiếm Ayutthaya, cướp đi tất
cả tài sản, phá hủy hoàn toàn kinh đô Ayutthaya và bắt theo tất cả người trong
hoàng gia cùng 90 ngàn người, dẫn về Miến Điện.

Trong suốt 417 năm, vương quốc Ayutthaya đã đưa văn hóa của mình đến
đỉnh cao hoàn thiện, và đã tăng cường mối quan hệ với nhiều nước như Ấn Độ,
Ả Rập, Trung Hoa, Nhật Bản và các nước ở Châu Âu.

Vương triều Thonburi (1767 – 1782)

Đây là triều đại tồn tại ngắn nhất trong lịch sử Thái Lan, chỉ vỏn vẹn 15 năm
với một vị vua duy nhất là Taksin. Năm 1768, Taksin đăng cơ, tự xưng là vua
Sanpet. Kinh đô Thái Lan dời về thành phố Thonburi bên bờ phải sông Chao
Phraya đối diện với Bangkok. Trên danh nghĩa, ông vẫn gọi đất nước mình là
Ayutthaya để thể hiện sự tiếp nối lịch sử. Tuy nhiên các sử gia sau này gọi
vương quốc của Taksin là Thonburi để phân biệt với vương quốc Ayutthaya.

Phya Taksin đã trị vì tới năm 1782 nhưng trong 7 năm cuối, quyền uy được
giao phó cho Chao Phya Chakri và Chao Phya Sarisih hai vị tướng tin cậy và
cũng là anh em của ông. Hai vị tướng này đã chiếm lại Chiang Mai, mở mang
bờ cõi Thái Lan tại phía bắc, tràn qua Campuchia và Lào ở phía đông. Năm
1779, trong cuộc chinh phạt Viêng Chăn (Lào) mà quân Thái chiếm được
tượng Phật Ngọc (the Emerald Buddha) rất nổi tiếng đem về Thonburi. Người
Thái từ lâu đã coi bức tượng này là linh thiêng nhất và là biểu tượng cho nền
độc lập và thịnh vượng của họ.

Tuy nhiên, những thành công về mở mang lãnh thổ rốt cuộc đã khiến
Taksin mất hết lý trí và trở nên tàn ác cực kỳ. Những viên tướng thuộc hạ đã
truất ngôi và chém đầu ông ta vào năm 1782. Triều Thonburi kết thúc.

Vương triều Chakri (1782- nay)

Năm 1782, Chao Phya Chakri lên ngôi vua, lấy danh hiệu là Ramathibodi mà
sau này người Thái gọi là vua Rama I, đã cai trị Thái Lan từ 1782 đến 1809.
Nhà vua đã dời kinh đô từ Thonburi về Bangkok ông cho xây dựng thành phố
theo kiểu mẫu Ayutthaya.

Thời kỳ 1788 – 1932

Tên nước Thái Lan vào đầu thời Triều Chakri là Rattanakosin hay Xiêm- một
quốc gia quân chủ tuyệt đối hùng mạnh, có các chư hầu là Campuchia, Lào,
một số vương quốc Mã Lai và thường xuyên tranh giành ảnh hưởng với
Myanma và Việt Nam.

Những vị vua cai trị vương quốc Rattanakosin gồm các vua từ Rama I đến
Rama VI.

Trong giai đoạn đầu của lịch sử Xiêm tập trung vào xây dựng đất nước vô cùng
phát triển. Từ năm 1818, Xiêm lại mở cửa và tiếp xúc với phương Tây, bắt đầu
bằng một hiệp định với người Bồ Đào Nha. Với mục tiêu chung là giành được
những điều khoản buôn bán tối huệ và những đặc quyền đặc lợi khác, hai nước
Anh và Mỹ đã ký kết các hiệp ước với Xiêm vào các năm 1826 và năm 1833.
Ngay cả khi có các cuộc xâm lược thực dân của các nước Phương Tây tại
Đông Nam Á vào thế kỷ 19, Xiêm vẫn là một vương quốc hùng mạnh ở trong
khu vực.
Trong thời kỳ này, phải đặc biệt kể đến vua Rama V (1853- 1910) còn được
gọi là Chulalongkorn Đại đế. Ông được biết đến là người học rộng tài cao, đặc
biệt, ông đã đi qua các thuộc địa phương Tây, bao gồm Singapore, Java và Ấn
Độ, để học chính trị, hành chính, lối sống và chính sách thực dân phương
Tây.Vị vua này là một người rất khéo léo trong việc ngoại giao. Vào đầu
những năm của thế kỳ XX, thực dân Anh và Pháp đã thuộc địa hóa nhiều nước
ở Đông Nam Á. Vua Rama V đã nhượng một số lãnh thổ cho hai cường quốc
thực dân này, đáng chú ý là các tuyên bố quyền ở nhiều khu vực ngày nay là
Lào, Campuchia và một số khu vực phía bắc của Malaysia. Ông cũng tuyên bố
tự do tôn giáo, cho phép Ki-tô giáo và Hồi giáo được hành đạo trong vương
quốc Phật giáo này. Tuyến đường sắt đầu tiên của Thái Lan đã được khai
trương năm 1896 nối Bangkok với Ayutthaya. Trong thời kỳ trị vì của ông,
lịch phương Tây đã thay thế âm lịch. Năm 1896, hệ thống giấy bạc của Xiêm
cũng được du nhập. 

Trong xuyên suốt thời kỳ này, không có cải cách chính trị đáng kể cho đến khi
chế độ quân chủ tuyệt đối bị thay thế bởi chế độ quân chủ lập hiến thông qua
một cuộc cách mạng vào năm 1932, đánh dấu sự kết thúc của Rattanakosin.

Thời kỳ năm 1932 đến nay

Giai đoạn này Thái Lan được trị vị từ thời vua Rama VII đến vua Rama X.

Dưới thời Rama VII, cuộc khủng hoảng chính trị của Xiêm đã lên đến đỉnh
điểm. Cuộc đại suy thoái những năm 30 đã khiến cho ngành xuất khẩu gạo đặc
biệt khó khăn, gây ra những rắc rối lớn về tài chính. Nhà vua cố gắng giải
quyết vấn đề này bằng một sắc thuế mới đánh vào thu nhập, nhưng điều đó đã
khiến cho dân chúng nổi giận. Năm 1932, một nhóm sĩ quan và trí thức được
đào tạo ở Châu Âu đã đảo chính cướp chính quyền và tuyên bố thành lập một
nhà nước quân chủ lập hiến, họ muốn bằng cách đó giới hạn quyền lực của nhà
vua.

Bhumibol Adulyadej còn được gọi là Vua Rama IX, là vua Thái Lan lên
ngôi vào năm 1946. Ông được xem là một trong số những vị quân vương trị vì
lâu nhất thế giới (1946 – 2016). Mặc dù Thái Lan theo thể chế quân chủ đại
nghị, vị quốc vương này đã vài lần can thiệp vào chính trường, gần đây nhất là
trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 2005 – 2006. Ông được coi là có công
lớn trong nỗ lực kiến tạo tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Thái Lan trong thập
niên 1990. Vào năm 1960, nhân dịp sinh nhật của nhà vua, Quốc hội và nhân
dân đã lấy ngày 5/12 làm ngày Quốc khánh của Thái Lan.

2.2. Bàn luận


Trong suốt lịch sử lập quốc của mình, Thái Lan từng là một nước lớn theo
chủ nghĩa Đại Thái, lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể, nhưng Thái Lan
đã có chính sách ngoại giao khéo léo đối với các cường quốc Tây Âu và Nhật
Bản trong thời cận và hiện đại. Nhờ đó Thái Lan đã tránh được các cuộc xâm
lược và được hưởng thời gian độc lập, hòa bình tương đối lâu dài trong thời kỳ
đế quốc thực dân xâm chiếm thuộc địa và trong Thế chiến thứ hai. Là quốc gia
duy nhất ở Đông Nam Á không là nước thuộc địa hay nửa thuộc địa của thực
dân châu Âu. Thái Lan trở thành một thành viên tích cực trong Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là sau khi chế độ dân chủ được tái
thiết lập sau năm 1992. Chính sách ngoại giao của Thái là "ngoại giao cây
sậy", nghĩa là gió thổi chiều nào thì ngã về phía nấy, sẵn sàng "cúi đầu, thần
phục" trước kẻ khác để đem lợi về cho mình. Vương quốc này đã đạt được các
tiến bộ kinh tế, xã hội, đẩy mạnh ngoại thương, bãi bỏ chế độ nô lệ, mở rộng
giáo dục và đã có được những thành tựu nhất định ở thời điểm hiện tại.

3. Đặc điểm của văn hóa Thái Lan

Mỗi quốc gia, mỗi vùng đất đều có những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt,
không nơi nào là giống nơi nào. Là một đất nước có nền văn hóa Á Đông lâu
đời, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng Phật giáo và từ nền sản xuất phụ
thuộc vào nguồn nước, Thái Lan mang trong mình những nét đặc trưng văn
hóa độc đáo và thú vị.

3.1. Văn hóa Thái Lan là nền văn hóa đặc trưng của quốc gia Phật giáo

Ngay từ thời kỳ đầu của triều đại Sukhothai (1237-1456), Phật giáo đã
được tiếp nhận và phát triển nhanh chóng. Cho tới nay, tôn giáo này đã được
chính thức công nhận ở Thái Lan với gần 95% dân số theo đạo Phật. Cũng
giống như hầu hết các tôn giáo khác khi du nhập vào một đất nước, đạo Phật là
sự biến đổi và được pha trộn giữa thuyết vạn vật hữu linh, đạo Bàlamôn với
những yếu tố cơ bản của Phật giáo. Phật giáo ở xứ sở này được coi như một
quốc giáo, chính vì vậy mà nó có ảnh hưởng đến mọi mặt của văn hóa cũng
như đời sống xã hội.

Kiến trúc đền, chùa Phật giáo

Trong những năm đầu của thế kỉ XII, các đền chùa ở Thái Lan được xây
dựng ngày càng nhiều với chất liệu chủ yếu là gạch, các viên gạch được xếp
chồng lên nhau rất tỉ mỉ và sử dụng chất kết dính từ nhựa thực vật, bên ngoài
được bọc bằng những viên đá chạm khắc tinh xảo. Hơn nữa, họ cũng sử dụng
những mảnh sứ đủ màu, những mảnh thủy tinh khảm vào cột, những hình
tượng được chạm khắc trên gỗ hay những chi tiết sơn mài giúp cho công trình
mang vẻ đẹp độc đáo, theo đúng ý của người thiết kế.

 Các ngôi đền, chùa ở Thái Lan đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống
của người dân ở đây. Đây là nơi bảo tồn những bức tượng Phật có giá trị vô giá
về tinh thần của dân tộc Thái Lan. Phần lớn những bức tượng Phật được đúc
bằng vàng, đồng và ngọc nên cũng có giá trị vật chất rất cao. Trong quá khứ thì
đền, chùa được coi là nơi nghỉ chân cho lữ khách khi mà chưa có nhà trọ hay
khách sạn. Những người dân ở nông thôn khi có con đi học ở thủ đô Bangkok,
nếu không đủ điều kiện để thuê nhà trọ cho con thì có thể gửi con vào trong
chùa. Một đặc trưng của những ngôi chùa ở Thái Lan đó là luôn có phòng hội
trường lớn và phòng tập thể thao. Không chỉ đơn giản là để tập luyện, sân thể
thảo còn là nơi để tổ chức bầu cử quốc hội, nơi tuyển quân ra trận, nơi chích
ngừa, nơi có những cuộc gặp lớn. Chùa được coi là một trung tâm văn hóa, bởi
vì, nơi đây bảo tồn những bài hát, điệu nhảy và những vở kịch truyền thống có
giá trị. Đồng thời, các kiểu kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ của Thái Lan từ xưa
cho đến nay cũng được lưu giữ tại đây.

Phật giáo trong đời sống xã hội

Về kinh tế, Phật giáo cũng đóng một vai trò đáng kể trong môi trường kinh tế
của người dân Thái. Nhiều lời Phật dạy về cách chọn nghề chân chính và thực
hiện công việc làm ăn chân chính, đã được áp dụng rộng rãi trong mọi gia tầng
của xã hội Thái, và người dân Thái biết làm thế nào để duy trì một gia đình
hạnh phúc, ổn định về kinh tế qua giáo lý của nhà Phật. Theo truyền thống,
những tăng sĩ Thái thường đóng vai trò người lãnh đạo trong các công trình
lớn. Mặt khác, những chùa ở Thái Lan cũng mở trường huấn nghệ cho dân
chúng như bào chế thuốc Nam, thợ mộc, thợ nề và nhiều ngành nghề thủ công
khác. Nói chung, dân chúng đã nhận được nhiều sự lợi lộc về kinh tế từ nhà
Chùa và các tăng sĩ cũng luôn ý thức rằng bổn phận của họ không chỉ có trách
nhiệm giúp đỡ và chăm sóc đời sống tâm linh mà còn quan tâm đến đời sống
kinh tế cho người dân nữa.

Về giáo dục, tăng sĩ Thái Lan đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực
này. Ngôi trường đầu tiên được thành lập ở Thái Lan được xây dựng ngay trên
khu đất của Chùa và những giáo viên đầu tiên là tăng sĩ. Phật giáo đã nắm
giữ vai trò này trong một thời gian dài cho đến triều đại của Vua
Chulalongkorn (Rama V) thì ngành giáo dục phổ cập chính thức ra đời. Những
tòa biệt thự đồ sộ của bộ giáo dục, những ngôi trường lớn, những tổ chức từ
thiện... phần lớn vẫn còn nằm trong khuôn viên của Chùa. Những ngôi trường
Trung học và Đại học có uy tín và danh tiếng, có nhiều tiêu chuẩn cao trong
việc học và dạy, đều gợi lại cho người ta nhớ đến một quá khứ tốt đẹp thông
qua sự hoạt động của tăng sĩ.

Về những lễ nghi, sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo luôn là một phần quan trọng
trong đời sống của người dân Thái, từ lúc mới chào đời, trưởng thành, lễ cưới,
ma chay... đều có liên quan đến chùa chiền và tăng sĩ.

Lễ đặt tên

 Khi sinh con, cha mẹ thường thỉnh y Quý Thầy đặt tên cho con mình, vì họ tin
rằng tên được chọn từ các Thầy sẽ vừa đẹp đẽ về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa.
Tiếp đó là Quý Thầy sẽ làm lễ đặt tên và tụng một thời kinh cầu an cho đứa bé.

Lễ thọ giới

 Nghi thức thứ hai này cũng rất quan trọng và bắt buộc đối với mọi thanh niên
Thái, kể cả các bậc vua chúa, khi họ ở vào giai đoạn trưởng thành. Thông
thường, họ vào Chùa tu tập ba tháng, một năm hoặc ba năm, tùy theo sở thích
và ước nguyện của mỗi người. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ được dự
lễ thọ giới này trước khi lập gia đình hoặc khi bắt đầu một nghề nghiệp chính
thức.

Lễ cưới

 Phật giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong hôn lễ. Thông thường, các Tỳ
kheo được cung thỉnh đến tụng kinh cầu an trong căn nhà của đôi tân hôn ấy
vào buổi chiều trước lễ cưới của họ. Buổi sáng hôm sau, cặp vợ chồng này
đem thức ăn cúng dường cho chư Tăng trước khi họ tiến hành hôn lễ. Chư
Tăng tiếp đó sẽ đọc kinh cầu phúc và rải nước thánh lên cô dâu và chú rể.
Những quan khách tham dự lễ cưới đổ nước thánh từ một vỏ sò xuống bàn tay
của đôi vợ chồng. Những bàn tay khác của quan khách được chống lại thành
đóa sen búp để tỏ lòng tôn kính và chúc mừng trong khi đôi tân hôn quỳ xuống
trên một chiếc ghế thấp, mỗi người được đeo một vòng hoa liên kết với nhau,
để tượng trưng cho sự thắt chặt cuộc sống tương lai của họ.

Lễ tang

Lễ nghi này cũng rất quan trọng trong đời sống của người dân Thái. Tang lễ
được tổ chức tùy theo phong tục của từng địa phương, nhưng phần lớn vẫn
được áp dụng theo nghi thức Phật giáo. Sau khi một người đã qua đời, sẽ có
một vị Thầy chủ lễ đến làm phép và rải nước hoa lên nhục thân của họ, một sợi
thiêng liêng được kéo qua ba lần trên thi thể người quá cố, rồi cắt bỏ, tượng
trưng cho sợi dây ràng buộc của tham ái, sân hận và si mê nay không còn nữa.
Quý Thầy và bạn bè thay phiên nhau tụng kinh cầu siêu đến lúc lễ hỏa táng hay
địa táng xảy ra. Sau đó, tro cốt của người mất được thu nhặt lại, một ít được
đặt vào bình đựng cốt, thờ tại nhà hoặc Chùa và phần còn lại được rải xuống
biển hay được ném vào trong gió, tạo lợi ích cho môi trường xung quanh. Mỗi
năm đến ngày giỗ của người mất, Quý Thầy được mời đến nhà để tụng kinh
siêu độ, ban phúc lành lên tro cốt của người mất và trong dịp này, những lễ
cúng dường cho Quý Thầy cũng được tổ chức để tạo phước duyên cho người
quá cố.

3.2. Văn hóa Thái Lan là nền văn hóa đặc trưng của văn minh lúa nước

Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng là một trong những vùng có
nền nông nghiệp cổ xưa nhất. Hơn cả thế, Thái Lan được biết đến là “bát gạo
châu Á” và cũng là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Trải qua nhiều
thế kỷ, cùng với sự phát triển đa dạng của nông nghiệp nhưng lúa nước vẫn là
một cây trồng chính. Nông nghiệp phát triển từ rất sớm cùng với số lượng dân
cư tham gia làm nông nghiệp lớn đã hình thành nên những đặc trưng văn hóa
nổi bật ở người Thái Lan. Cụ thể như sau:

Sinh hoạt cộng đồng

Một đặc trưng cơ bản của văn hóa lúa nước đó là tính cộng đồng. Từ xa xưa ở
vùng nông thôn Thái Lan có từ 500 đến 700 gia đình trong một làng, mọi
người cùng tập hợp sức lực để đắp đê, trị thủy và đào mương. Người dân Thái
Lan sống trong gia đình mình với nếp sống và nếp nghĩ giản dị. Mỗi thành viên
trong gia đình thì đều nhận thức được phận sự của mình đối với gia đình đó là
phải lo vun vén cho hạnh phúc của cả cộng đồng. Cũng giống như ở Việt Nam,
gia đình người Thái lan cũng có người cha làm trụ cột, lao động chính còn
người mẹ đóng vai trò là người quản gia, giữ tiền nong và dạy bảo con cái.
Chính cơ cấu tổ chức gia đình, làng bản như vậy được thể hiện trên quy mô lớn
hơn, đó là quy mô quốc gia. Từ xưa, dân tộc Thái đã luôn coi đức vua là đấng
tối thượng. Mọi thứ kể từ thân thể đến đồ dùng của vua đều có cách gọi riêng,
gợi lên sự thiêng liêng và khác biệt với đời thường. Ngay cả trong cách chào
hỏi Wai- bắt nguồn từ đạo Phật- bằng cách chắp tay lên đầu hoặc trước ngực
cũng có sự phân biệt theo địa vị xã hội, người có địa vị xã hội càng cao thì tay
càng phải để cao và thời gian vái cũng lâu hơn. Cách chào truyền thống này là
để thể hiện sự vui vẻ, thân thiện của dân tộc Thái, sẽ là bất kính nếu bạn không
thực hiện điều này, nhất là đối với vua.

Tính cách con người


Tính cách người Thái Lan cũng mang nhiều đặc trưng nông nghiệp, thể hiện
trong quan niệm của người Thái Lan về thời gian. Họ thường chậm trễ, không
đúng giờ và cũng không hề ngại chờ đợi. Cách ước tính thời gian của họ cũng
không chính xác. Nếu bạn nghe họ nói làm gì “trong vòng 10 phút”, điều này
có thể là “ngay lập tức” hoặc cũng có thể là “trong vòng 30 phút nữa”. Nếu
hiểu theo cách thứ hai tức là bạn không phải làm gì đó ngay lập tức.

Ngoài ra văn hóa sản xuất còn tạo cho người Thái Lan những tính cách rất phổ
biến như: thích khất lần, không thích làm ngay những việc của mai sau; thiếu
kỷ luật, không dám mạo hiểm, tránh rủi ro, do đó thường thích làm công ăn
lương chứ không thích buôn bán kinh doanh. Muốn giàu có nhưng không
muốn làm ăn nên chỉ thích cá cược, mua xổ số, đánh đề, cờ bạc, mê tín dị
đoan. Họ cũng có tính đố kỵ và cảm thấy khó chịu khi người khác hơn mình.

Ẩm thực

Ẩm thực Thái Lan cũng một phần bị ảnh hưởng bởi văn hóa sản xuất của đất
nước này. Thái Lan có 80% dân số làm nghề nông, cây trồng chủ yếu là lúa
nên thức ăn của các vùng miền chủ yếu là cơm tẻ và xôi. Món ăn Thái mang
nhiều hương vị khác nhau và có 3 vị chính là: chua, cay và ngọt.

Bữa cơm người Thái ngồi quay quần theo vòng tròn ngay trên nền nhà, xung
quanh một cái bàn nhỏ và thấp. Cùng nhau chia sẻ các bữa ăn chính là một yếu
tố quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Thái. Rất hiếm khi họ ăn
một mình. Điều đó giải thích tại sao trong bữa ăn các món ăn được bày ra cùng
một lúc và tại sao người Thái lại sử dụng chung một cái môi cho mỗi đĩa thức
ăn.

Nghi lễ, lễ hội

Do đặc trưng làm nông nghiệp, người Thái Lan còn có rất nhiều nghi lễ
cũng như những lễ hội xuất phát từ đặc trưng của nền nông nghiệp trồng lúa
nước.

Người Thái cho rằng Nữ thần lúa được trời sai xuống trần gian để giúp con
người. Nữ thần lúa hóa phép cho cây lúa tự mọc, tự trổ bông, khi chín lại tự đi
về nhà với con người. Con người không phải làm gì mà cũng có cơm gạo để
ăn. Từ quan niệm về hồn lúa như vậy, nên người ta có những nghi lễ phức tạp
diễn ra trong chu trình trồng lúa. Tiêu biểu ở Thái Lan có khá nhiều miếu thờ
được đặt trên các bờ ruộng. Đây là dấu vết của những nghi thức thờ thần đất và
thần lúa. Người Thái coi việc đào đất là một tội lỗi, nên trước khi vỡ đất, người
ta thường phải cúng lễ để tạ tội mẹ đất. Những nghi lễ này cho đến thế kỷ XX
vẫn còn và được thực hiện trong các gia đình nông dân.

Ngoài những nghi lễ kể trên, ở Thái Lan cũng tồn tại nhiều lễ hội xuất phát từ
nền sản xuất nông nghiệp. Lúa gạo đã trở thành hình ảnh biểu tượng quan
trọng trong các lễ hội. Có thể điểm qua một số các lễ hội sau:

Lễ Rekna- lễ hạ điền- một nghi lễ mở đầu cho một mùa canh tác mới.
Trong nghi lễ này, người dân sẽ rước một ông vua tượng trưng từ nhà ra ruộng
để thay ông vua thật cày luống đất đầu tiên cho một vụ mùa mới. Sau này, lễ
Rekna được tổ chức ở một ngôi đền dựng riêng trên một cánh đồng gần thành
phố Băng Cốc. Vị vua tượng trưng cùng những người phụ giúp sẽ đi vào chính
giữa để thực hiện gieo hạt ở luống cày đầu tiên. Theo sau là những thiếu phụ
cầm theo giỏ đựng hạt giống vàng, bạc. Vua tượng trưng thì gieo mạ còn các
sư thì vẩy nước thiêng. Những người nông dân thì tranh nhau lượm hạt giống
vì họ tin rằng đó là những hạt giống sẽ thu được mùa bội thu.

Lễ hội Songkran- lễ hội té nước chào đón năm mới của người Thái Lan là
một lễ hội đặc biệt không thể không nhắc đến. Lễ hội truyền thống này được
kéo dài từ 13 đến 15/4 dương lịch hằng năm. Trong lễ hội mọi người sẽ chúc
nhau bằng những lần té nước thân tình. Ai ướt nhiều thì người đó sẽ càng gột
sạch những đen đủi và sẽ có nhiều niềm vui cũng như hạnh phúc trong năm tới.
Lễ hội này rất được người dân ủng hộ và tham gia, với họ nước rất quan trọng
bởi lẽ nước không chỉ cần cho sự sống cơ thể con người mà hơn nữa đối với
người làm nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước, thì nước lại càng quan trọng- là
yếu tố quyết định sự sống của cây cối nói chung và cây lúa nói riêng. Đối với
họ mưa như là một ân đức của thần linh, nếu hạn hán thì phải cầu mưa và cúng
tế.

3.3. Bàn luận

Văn hóa Thái Lan là một khái niệm bao hàm những niềm tin và các đặc trưng
văn hóa bản địa đa dạng và đặc sắc. Lẽ đương nhiên, nền văn hóa này không
chỉ dừng lại ở hai đặc điểm kể trên nhưng đó được coi là những đặc trưng
mang giá trị cốt lõi và tiêu biểu.

Thứ nhất, Phật giáo đã đóng góp tích cực vào trong đời sống của người dân
Thái không những về mặt vật chất, kinh tế mà còn đi sâu vào đời sống tinh
thần của họ. Sự hiểu biết và thấm nhuần giáo lý nhân quả, nghiệp báo và nhiều
giáo lý cốt lõi của đạo Phật, đã giúp cho người dân Thái biết sống theo khuôn
khổ. Bản chất hiền lành, từ bi, khiêm tốn và lịch thiệp của người Thái đã thể
hiện một phần nào đó từ sự thực hành đạo lý của họ. Sự thừa nhận và tán
dương vai trò của Phật giáo trong xã hội Thái Lan là một điều cần thiết. Thực
vậy, Phật giáo đã ăn sâu vào lòng của dân tộc Thái và đã có mặt trên khắp mọi
nẻo đường của xứ sở này.

Thứ hai, là một quốc gia điển hình nằm trong vùng Đông Nam Á, Thái Lan
mang hầu hết những nét cơ bản của nền văn minh lúa nước. Loại hình kinh tế
này khi trở thành phương thức hoạt động chính thì nó đã quy định toàn bộ đời
sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cả dân tộc. Đây cũng là điều kiện để giúp
Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực có thể có được nhiều nét tương
đồng bao gồm cả về điều kiện xã hội và con người, tạo thành sợi dây liên kết
văn hóa vững chắc để giao lưu. Đồng thời trong bối cảnh mà thế giới đang đề
cao sự liên kết, hợp tác khu vực thì điều này còn mang ý nghĩa to lớn không
chỉ đối với riêng Thái Lan mà còn cả khu vực Đông Nam Á nói chung.

Ngoài ra, do điều kiện nằm giữa hai cái nôi văn minh lớn của châu Á là Ấn
Độ và Trung Quốc, hai nền văn minh vĩ đại này đã có những ảnh hưởng lớn và
tác động nhiều mặt đến đất nước Thái Lan bao gồm ngôn ngữ, văn hóa, phong
tục, tôn giáo. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành những nền kinh
tế mạnh mẽ, sự giao thoa và ảnh hưởng văn hóa như vậy trở thành cơ sở vững
chắc cho sự hợp tác chặt chẽ và liên kết giữa các quốc gia không chỉ trong quá
khứ, hiện tại mà còn cả trong tương lai.

4. Chính trị Thái Lan

4.1. Thể chế chính trị

Thể chế chính trị là loại hình chế độ, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước mà mỗi quốc gia
lựa chọn để quyết định xây dựng những quy định, luật lệ cho một chế độ xã hội mà chính
phủ nước đó sử dụng để quản lý xã hội. Thể chế chính trị giữ một vai trò quan trọng, nó
điều khiển các mối quan hệ trong nội bộ các nhóm và giữa các nhóm, trong phạm vi một
quốc gia và trên toàn thế giới. Một xã hội được quản lý bằng một Nhà nước pháp quyền
nghĩa là nhà nước ấy phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật. Nhà nước pháp quyền hoạt
động có hiệu quả sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội cho mỗi quốc gia.

Thể chế chính trị của Thái Lan là thể chế chính trị của một nhà nước quân chủ lập hiến.
Đây là một hình thức tổ chức nhà nước mà trong đó tồn tại vua chúa nhưng đa phần
không nắm thực quyền, quyền lực thường nằm trong tay Quốc hội do Thủ tướng của đảng
chiếm đa số ghế đứng đầu. Hiến pháp Thái Lan quy định rằng chủ quyền nhà nước thuộc
về người dân, nhà vua sẽ thực hiện quyền hạn của mình thông qua ba nhánh của chính
phủ. Vua Thái Lan theo nghi thức là nguyên thủ, được coi là biểu tượng quốc gia, thiêng
liêng và bất khả xâm phạm. Về danh nghĩa, nhà Vua là người đứng đầu nhà nước, Tổng
Tư lệnh quân đội và là người bảo trợ Phật giáo cũng như các tôn giáo khác trong nước.
Trên nguyên tắc nhà vua không được can thiệp vào chính trị và đứng trên các đảng phái,
Vua chỉ được trao lại một số quyền hạn truyền thống như quyền chỉ định người thừa kế và
ân xá dưới sự đồng ý của Hoàng gia. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền lực của nhà vua lớn
hơn rất nhiều do ảnh hưởng của uy tín và giành được sự tôn trọng của đại đa số người
dân. Nhà vua và hoàng gia được bảo vệ bởi một bộ luật nghiêm ngặt và tội khi quân,
trong đó quy định án tù dài cho bất cứ ai bị kết tội xúc phạm Vua hay bất cứ thành viên
khác của Hoàng gia. Nhà vua được trợ giúp thực hiện các nhiệm vụ của mình bởi Hội
đồng cơ mật. Từ khi lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932, Thái Lan đã có 17
Hiến pháp và sửa đổi. Trong suốt quá trình đó, chính phủ liên tiếp chuyển đổi qua lại từ
chế độ độc tài sang chế độ quân chủ, nhưng tất cả các chính phủ đều thừa nhận triều đại
cha truyền con nối của Hoàng gia Thái Lan như lãnh đạo tối cao của dân tộc.

Quốc hội Thái Lan là cơ quan lập pháp của Thái Lan. Đây là một quốc hội
lưỡng viện, bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện là cơ quan lập
pháp không đảng phái, bao gồm 150 thành viên. Trong đó, 76 thượng nghị sĩ
được bầu trực tiếp từ 75 tỉnh của Thái Lan và Bangkok, 74 thượng nghị sĩ khác
được bổ nhiệm từ các thành phần khác do Uỷ ban Tuyển chọn Thượng viện lựa
chọn. Nhiệm kỳ của Thượng viện kéo dài 6 năm. Hạ viện bao gồm 500 hạn
nghị sĩ, 400 trong số này được bầu cử trực tiếp từ các đơn vị bầu cử, còn 100
đại biểu còn lại được rút theo tỷ lệ từ danh sách các đảng phái. Hạ viện đề nghị
các dự luật và Thượng viện phê chuẩn, đề nghị chỉnh sửa hay bác bỏ. Nếu
Thượng viện không đồng ý với một dự án luật, dự luật đó sẽ bị trì hoãn trong
vòng 180 ngày, sau đó, Hạ viện có thể thông qua bản dự luật được đa số tuyệt
đối đồng ý mà không cần tham khảo ý kiến của Thượng viện. Thời gian nhiệm
kỳ của Hạ viện thường là 4 năm. Theo Hiến pháp ngày 24/8/2007 hàng năm
Quốc hội Thái Lan họp từ tháng 1 - 5 và từ tháng 8 - 11. 

Chính phủ bao gồm 36 thành viên gồm 3 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và 11
Thứ trưởng. Ngoài ra còn có một số Ủy ban của Chính phủ được lập ra để phối
hợp thực hiện các chính sách chung.

Cơ quan tư pháp gồm có ba hệ thống khác nhau: các hệ thống Tòa án Tư pháp,
Tòa án hệ thống hành chính và các Toà án Hiến pháp Thái Lan. Các thẩm phán
đều phải trãi qua thi cử trước khi được bổ nhiệm chính thức bởi nhà Vua.

4.2. Lịch sử chính trị Thái Lan

Chính trị Thái Lan trước và sau năm 1932

Từ năm 1932 trở về trước, Vương quốc Xiêm La không có cơ quan lập
pháp, mà tất quyền lập pháp đều nằm ở quốc vương. Đến ngày 24/6/1932, một
cuộc cách mạng đảo chính được coi là một chuyển biến quan trọng của lịch sử
Thái Lan trong thế kỷ 20 đã diễn ra. Cuộc cách mạng do một nhóm nhỏ các
quân nhân và thường dân, tạo thành Đảng nhân dân Khana Ratsadon, chính
thức chấm dứt 150 năm của nền quân chủ chuyên chế của vương triều Chakri
và bắt đầu thời kỳ dân chủ sau gần 700 năm trị vì của các quốc vương trong
lịch sử Thái Lan. Ngày 5/12/1932, “Dự thảo Hiến pháp” được vua Prajadhipok
thông qua, thành lập cơ quan lập pháp đầu tiên của Vương quốc này. Đến nay,
Thái Lan đã có 17 lần thay đổi Hiến pháp nhưng Hiến pháp năm 1932 vẫn
được coi là cơ sở. Trong đó, Hiến pháp năm 1997 là Hiến pháp Nhân dân đầu
tiên thúc đẩy con người nhiều nhất.

Năm 2001 diễn ra cuộc tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên sau Hiến pháp 1997,
được xem là cởi mở nhất, vô tư nhất trong lịch sử. Chính phủ được bầu ra do
Thaksin Shinawatra làm thủ tướng, là chính phủ đầu tiên trong lịch sử đất nước
này hoàn tất nhiệm kỳ 4 năm. Cuộc bầu cử năm 2005 có nhiều cử tri bị đuổi
với lý do để giảm bớt tình trạng mua phiếu. Đầu năm 2006, những cáo buộc về
tình trạng tham nhũng gây sức ép lớn, bắt buộc Thaksin Shinawatra phải kêu
gọi một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này dẫn đến vụ đảo chính quân sự
ngày 19/9/2006 để lật đổ chính phủ Thaksin.

Chính trị Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2006

Đây là cuộc đảo chính sau 15 năm kể từ cuộc đảo chính năm 1932 xảy ra
chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử toàn quốc đang được chuẩn bị tiến
hành. Phe quân sự đảo chính đã hủy bỏ cuộc bầu cử này theo dự tính và đồng
thời tạm treo Hiến pháp, giải tán Quốc hội và Tòa án, cấm các hoạt động phản
đối và chính trị, đàn áp và kiểm duyệt các phương tiện truyền thống, bắt giữ và
cách chức các thành viên Chính phủ, thiết quân luật. Cuối cùng, Tướng
Surayud Chulanont- thành viên của Hội đồng Cơ mật Hoàng gia, cựu Tổng Tư
lệnh Lục quân được chỉ định lên làm Thủ tướng. Sau đó, Hội đồng quân sự đưa
ra hiến pháp tạm thời và chọn ra một hội thẩm đoàn soạn thảo hiến pháp mới.
Đồng thời, họ cũng chọn ra 250 đại biểu quốc hội, những người này không
được phép tiết lộ thông tin chống lại chính phủ. Lãnh đạo Hội đồng quân sự
được phép bãi bỏ Thủ tướng bất cứ lúc nào. Tháng 1/2007, Hội đồng quân sự
đã bỏ tình trạng thiết quân luật, nhưng tiếp tục kiểm duyệt báo chí nên đã bị
cáo buộc vi phạm một số quyền con người vào tháng 5/2007. Cuộc bầu cử Thủ
tướng dân chủ đầu tiên sau đảo chính 2006 được tổ chức ngày 3/7/2011, Đảng
Pheu Thái của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin đã
thắng lợi áp đảo với 263 ghế, dẫn trước Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ
tướng Abhisit Vejjajiva với 161 ghế trong 500 ghế quốc hội. Tuy nhiên, năm
2014, bà Yingluck lại bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan buộc phải từ chức sau
nhiều tháng không giải quyết được các khủng hoảng chính trị trong nước. Trở
thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan với tham vọng cải cách đất nước, bà
Yingluck Shinawatra nhanh chóng vướng vào những bê bối chính trị và hiện
nay đang phải đối mặt với hàng loạt các cáo buộc. Thái Lan hiện nay đang trải
qua thời kỳ cực kỷ khủng hoảng về chính trị và không một điều gì có thể dự
báo trước.

4.3. Bàn luận về tương lai chính trị Thái Lan

Nói đến Thái Lan người ta thường nghĩ ngay đến một đất nước nổi tiếng có
nhiều cuộc đảo chính quân sự vào bậc nhất thế giới. Vì trong quá khứ quân đội
từng đảo chính hơn 20 lần trong gần 86 năm tồn tại của nền dân chủ (1932-
2017) của vương quốc với khoảng 70 triệu dân. Thực tế này cho thấy Thái Lan
là một quốc gia bất ổn chính trị triền miên – một tình trạng mà chính quyền các
chế độ độc tài trên thế giới thường vịn vào như một lý do để duy trì quyền lực
độc tôn cá nhân hay độc tài đảng trị như là điều kiện tiên quyết để phát triển
đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Thế nhưng liệu sự bất ổn có phải do thể
chế dân chủ đa đảng? Hoàn toàn không.

Thái Lan từng chứng kiến lịch sử lâu đời trong việc quân đội lật đổ chính phủ
dân cử, đặc biệt là cuộc đảo chính năm 2014, giúp quân đội lên nắm
quyền. Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã diễn ra từ đầu tháng
11/2013. Sau ba năm tương đối ổn định, các cuộc biểu tình phổ biến
ở Bangkok đã chống đối chính quyền Chính phủ của Thủ tướng Yingluck
Shinawatra kích hoạt bởi một dự luật ân xá được đề xuất tạo điều kiện cho sự
trở lại của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra trên trường chính trị
Thái Lan. Yêu sách của ông Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo các cuộc biểu
tình trong suốt 7 tháng khủng khoảng, là đòi Thủ tướng Yingluck, nắm quyền
theo đúng Hiến pháp, phải từ chức và giải tán nội các, trao quyền lại cho một
hội đồng nhân dân gọi là “Ủy Ban Cải Cách Dân Chủ Nhân Dân” ngoài quy
định của Hiến pháp. Thậm chí, phe thiểu số đối lập trong Quốc hội đã sử dụng
biện pháp pháp lý là dùng Tòa án truất quyền của Bà Yingluck. Hiến pháp
Thái Lan tạm ngưng hiệu lực. Quân đội Thái Lan đã thành lập Ủy ban gìn giữ
hòa bình quốc gia, bao gồm quân đội, các lực lượng vũ trang Thái Lan, không
quân hoàng gia Thái Lan và cảnh sát để nắm quyền lực.

Như vậy, qua diễn biến cuộc đảo chính lần thứ 19 của quân đội Thái Lan cũng
như những cuộc đảo chính trước đó có thể đi đến kết luận: Trên thực tế, tình
trạng bất ổn chính trị và xáo trộn xã hội triền miên tại một nước mang danh chế
độ dân chủ như ở Thái Lan, chính là vì giai cấp cầm quyền đã không thực thi
đúng theo nguyên tắc và quy luật của chế độ dân chủ, mà chỉ lợi dụng một số
hình thức sinh hoạt dân chủ như quyền biểu tình của công dân, có lợi cho việc
thực hiện âm mưu nắm chính quyền ngoài nguyên tắc và quy luật dân chủ
được định chế trong Hiến pháp và luật pháp quốc gia.
Có thể nói, “đảo chính” dường như đã trở thành một đặc điểm nổi bật của
chính trị Thái Lan, dù rằng những động thái này đã làm suy yếu nền dân chủ
tại quốc gia này. Tại sao vậy? Trải qua lịch sử nhiều thập kỷ, mặc nhiên lấy
việc đảo chính để khôi phục lại sự ổn định nội bộ đã tạo ra ở nước này cái gọi
là "văn hoá đảo chính". Theo đó, việc liên tục sử dụng hình thức đảo chính
khiến cho giới cầm quyền nghĩ rằng đó là cách duy nhất thoát khỏi bế tắc. Mặc
dù, quyền hạn của một ông vua không bao gồm quyền hạn can thiệp vào chính
trị đất nước, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi Thái Lan trở nên bất ổn -
như năm 1973 và 1992 - đích thân nhà vua đã can thiệp vào chính trị nhằm
giúp chấm dứt các cuộc biểu tình trên đường phố và phân xử các mối bất hoà
lớn. Bằng cách làm như vậy, ông đã giúp được người dân Thái Lan giải quyết
vấn đề trước mắt, tuy nhiên lại vô tình làm suy yếu sức mạnh của các cơ quan
chính phủ vốn được lập ra để giải quyết tranh chấp. Sự can thiệp của Hoàng
gia càng làm sâu sắc hơn quan điểm cho rằng, chia rẽ chính trị ở Thái Lan chỉ
có thể được xử lý theo cách không chính thức, bởi một vài người từ cung điện
hoặc quân đội. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng những cuộc biểu tình chỉ có thể
mang lại lợi ích về ngắn hạn cho đảng đối lập, việc liên tiếp kêu gọi loại bỏ
những đảng ủng hộ sẽ chỉ làm suy yếu Thái Lan về lâu dài và không thể giúp
cho chính bản thân đảng đối lập có thêm uy tín và sức cạnh tranh.

Câu hỏi đặt ra là, liệu nền kinh tế lớn thứ Đông Nam Á, trung tâm của nhiều
tập đoàn đa quốc gia quan trọng, có thể phá vỡ thói quen áp dụng những biện
pháp ngoài Hiến pháp này không? Nhiều nhà quan sát Thái Lan lo ngại rằng
liệu một vài người ở tầng lớp cao đang điều khiển các cuộc biểu tình có thể
thỏa hiệp? Và liệu Thái Lan- một đất nước mà sự can thiệp chính trị của Hoàng
Gia đang trở nên ngày một sâu sắc- có thể trở thành một quốc gia dân chủ lập
hiến thật sự? Còn khá nhiều các câu hỏi đang còn bỏ ngõ đối với tương lai
chính trị của đất nước này. Trong tương lai, cùng với những chiều hướng phát
triển mới, cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này.

III. Kết luận

Qua quá trình nghiên cứu, phân tích cũng như đánh giá các khía cạnh của Thái
Lan ở quá khứ, hiện tại và tương lai, có thể nhận thấy, không nằm ngoài quy
luật của sự phát triển, chính trị Thái Lan vẫn đang nằm trong vòng xoáy đảo
chính không biết khi nào mới đến hồi kết. Tuy nhiên, không chỉ có Thái Lan,
mỗi quốc gia không chỉ trong khu vực mà còn cả trên thế giới vẫn đang phải
đối mặt với những bế tắc chính trị riêng của mình. Không bàn đến chính trị,
Thái Lan vẫn là một nền văn hóa đậm bản chất Phật giáo và những ảnh hưởng
của đặc trưng nền văn minh lúa nước trên nhiều mặt của đời sống xã hội.
Những đặc trưng trong tính cách con người, những lễ hội đặc sắc hay ngay cả
ẩm thực là một trong số rất nhiều những điều khiến Thái Lan trở nên thu hút
với tất cả những ai đã, đang và sẽ đến với đất nước này. Trong tình hình hiện
nay, các nước lớn đang thực hiện nhiều chính sách hướng sự quan tâm đến các
nước ở Đông Nam Á nói riêng và các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình
Dương nói chung, Thái Lan ít nhiều cũng trở thành tâm điểm của sự quan tâm.
Bản thân quốc gia này cần nhanh chóng xử lý các bất ổn trong nội tại để nhanh
chóng tập trung cho sự phát triển các thế mạnh, tranh thủ được các cơ hội để
tiếp tục tạo dựng vị thế của mình trên trường quốc tế.

IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://nghiencuulichsu.com/2012/09/25/thailan/
2. https://thuvienhoasen.org/a18300/phat-giao-tai-thai-lan
3. https://vnexpress.net/lan-song-bieu-tinh-chong-chinh-phu-o-thai-lan/topic-
17581.html

4. Ths Tô Nguyễn Bích Ngọc, Đặc trưng văn hóa lúa nước Đông Nam Á, Trường
cao đẳng Lào Cai, 24/09/2015.
5. Ngụy An, “Khủng hoảng chính trị Thái: bế tắc không lối thoát“, Zing.vn, ngày
28/8/2017
6.   Niels Mulder, Những thay đổi trong văn hóa & tôn giáo của Đông Nam Á, Từ
điển Bách khoa, 2014.
NHÓM TÁC GIẢ

Đinh thị hoài thu 01658160892 hoaithu14cndph01@gmail.com

Mai hoàng thịnh 0963302341 maihoangthinh161@gmail.com

Nguyễn thị thanh 0982985020 thanhthuongtt3010@gmail.com


thương

Trần thị thương 0965559046 thuongtran122012@gmail.com

Phan thị anh thư 01657806702 minhthu132.gc@gmail.com

Đào thị thu thủy 01633812110 thuthuy.dph@gmail.com

Đặng võ như thủy 0906827602 nhuthuy6795@gmail.com

Lê phú thịnh 01224959285 lephuthinh1996@gmail.com

You might also like