Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 3150 /BGTVT-KHĐT Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2023
V/v báo cáo phương án mở rộng
Dự án thành phần 1A của Dự án
đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn -
Nhơn Trạch giai đoạn 1

Kính gửi: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang


Đồng kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày
19/02/2023, trong đó giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu xử lý kiến nghị
mở rộng Dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch
giai đoạn 1 (Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch), bảo đảm khai thác đồng bộ với toàn dự án
Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 1 (Dự án Vành đai 3). Sau khi nghiên
cứu, Bộ GTVT xin báo cáo cụ thể như sau:
1. Quy hoạch và tình hình triển khai các dự án đầu tư thuộc tuyến đường
Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM)
a) Quy hoạch
Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 và Quyết định số 1454/QĐ-
TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tuyến Vành đai 3 TPHCM được
quy hoạch với chiều dài khoảng 92km, quy mô 08 làn xe cao tốc và đường song hành
hai bên cùng với các hành lang.
b) Tình hình triển khai các dự án
Tuyến đường Vành đai 3 TPHCM với tổng chiều dài khoảng 92km có thể chia
thành 03 phân đoạn với thông tin chính về tình hình triển khai đầu tư như sau:
- Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (15,3km): Đã được Ủy ban nhân dân (UBND)
tỉnh Bình Dương đầu tư, đang khai thác với quy mô 06 làn xe đường đô thị.
- Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (8,22km): Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư năm
2016, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc, Hiệp định vay số VNM-58
được ký kết ngày 19/5/2020. Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận là chủ đầu tư đang
tổ chức triển khai thi công Dự án, dự kiến hoàn thành năm 2025.
- Phạm vi còn lại qua địa phận 04 địa phương (76,34km): Chia thành 04 dự án
thành phần, được Quốc hội giao UBND các địa phương là cơ quan chủ quản, bao gồm:
(i) Dự án thành phần 1 đoạn qua TPHCM (47,11km); (ii) Dự án thành phần 3 đoạn qua
tỉnh Đồng Nai (11,26km); (iii) Dự án thành phần 5 đoạn qua tỉnh Bình Dương
(11,43km); (iv) Dự án thành phần 7 đoạn qua tỉnh Long An (6,54km). Dự kiến cơ bản
hoàn thành năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
2

2. Sự cần thiết nghiên cứu mở rộng Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch


Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ năm 2016, ký
kết Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc năm 2020, lựa chọn nhà thầu và
tổ chức thi công năm 2022. Tại thời điểm phê duyệt dự án, do chưa xác định được thời
điểm đầu tư các đoạn tuyến còn lại thuộc đường Vành đai 3, trong khi việc khai thác
8,22km độc lập theo tiêu chuẩn đường cao tốc là chưa phù hợp; vì vậy, Bộ GTVT đã
phê duyệt đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế V=80km/h,
quy mô 04 làn xe cơ giới và 02 làn xe hỗn hợp (không phân tách làn xe cơ giới và làn
hỗ hợp). Các yếu tố hình học của tuyến bảo đảm theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Công
tác giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh
(quy mô 08 làn xe cao tốc và đường song hành).
Hiện nay, điểm đầu Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch kết nối với Dự án thành phần 3
do tỉnh Đồng Nai thực hiện và điểm cuối kết nối với Dự án thành phần 1 do TPHCM thực
hiện. Các dự án thành phần của hai địa phương được phê duyệt đầu tư, khai thác theo tiêu
chuẩn đường cao tốc, quy mô 04 làn xe và đường song hành (phân tách làn xe cơ giới và
làn xe hỗn hợp), vận tốc thiết kế V=100km/h; dẫn tới chưa có sự đồng bộ về quy mô, vận
tốc thiết kế giữa Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch và hai Dự án thành phần này.
Như vậy, để bảo đảm khả năng khai thác đồng bộ đoạn tuyến trên đường Vành
đai 3 theo tiêu chuẩn đường cao tốc, việc nghiên cứu phương án mở rộng Dự án Tân
Vạn - Nhơn Trạch là cần thiết và cần sớm triển khai để bảo đảm hoàn thành, đưa vào
khai thác cùng với các Dự án thành phần do hai địa phương thực hiện.
3. Phương án mở rộng
- Về tim tuyến: Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch và hai Dự án thành phần của địa
phương có tim tuyến giai đoạn 1 đi lệch về bên trái so với giai đoạn hoàn chỉnh, bảo
đảm đồng bộ về khai thác.
- Về quy mô mặt cắt ngang:
Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch có quy mô mặt cắt ngang B=20,5m (04 làn xe cơ
giới 4x3,5m + 02 làn xe hỗn hợp 2x2,0m + dải phân cách/an toàn/lề 2x1,25m). Phần
cầu đầu tư 01 đơn nguyên bên trái tuyến (cầu Rạch Chạy, cầu Nhơn Trạch), bề rộng
B=19,75m (04 làn xe cơ giới 4x3,5m + 02 làn dự trữ 2x1,625m+ dải phân cách/an
toàn/lan can 2,5m); 03 nút giao cùng mức với các tuyến đường địa phương và 01 nút
giao khác mức (không hoàn chỉnh) với cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án thành phần 1 và thành phần 3 có quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc
B=19,75m (04 làn xe cao tốc 4x3,75m + dải phân cách/an toàn/lề 4,75m); quy mô mặt
cắt ngang đường song hành mỗi bên 02 làn xe (B=9m), đoạn qua địa phận thành phố
Thủ Đức mỗi bên 03 làn xe (B=13m).
Để bảo đảm kết nối giao thông đường song hành từ TPHCM đi Đồng Nai và
ngược lại, các Dự án thành phần 1 và thành phần 3 do hai địa phương phê duyệt dự án
đầu tư đã bổ sung các hạng mục trong phạm vi tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch, cụ thể:
3

+ Dự án thành phần 1 (TPHCM): Bổ sung 02 đường song hành tới phạm vi cầu
Nhơn Trạch để khai thác xe hỗn hợp (bảo đảm tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch chỉ khai
thác xe cơ giới); đầu tư hoàn chỉnh nút giao với cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành -
Dầu Giây theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.
+ Dự án thành phần 3 (Đồng Nai): Bổ sung 02 đường song hành tới phạm vi cầu
Nhơn Trạch để khai thác xe hỗn hợp; bổ sung 02 đơn nguyên cầu vượt song hành tại vị
trí cầu Rạch Chạy để khai thác xe hỗn hợp (bảo đảm cầu Rạch Chạy thuộc Dự án Tân
Vạn - Nhơn Trạch chỉ khai thác xe cơ giới); đầu tư 03 nút giao khác mức (cầu vượt trực
thông).
Như vậy, về cơ bản các Dự án thành phần 1 và thành phần 3 đã nghiên cứu, bổ
sung các hạng mục trong quá trình lập dự án đầu tư, bảo đảm phân tách dòng xe hỗn
hợp để tuyến chính đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có thể khai thác độc lập xe cơ giới.
Đối với công trình cầu Nhơn Trạch (dài 2,04km) với bề rộng cầu B=19,75m có
thể bảo đảm quy mô để khai thác 04 làn xe cao tốc (04x3,75m), tuy nhiên không thể
khai thác làn xe hỗn hợp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Ban QLDA Mỹ Thuận đã kiến
nghị phương án đầu tư bổ sung thêm một đơn nguyên cầu Nhơn Trạch đối xứng với cầu
Nhơn Trạch hiện đang thi công qua tim tuyến theo giai đoạn hoàn chỉnh, chiều dài
khoảng 2,04km, bề rộng B=19,75m. Mỗi đơn nguyên cầu sẽ khai thác 02 làn xe cao tốc
(02 làn xe cao tốc 2x3,75m + 01 làn dừng khẩn cấp 3,0m), 02 làn xe hỗn hợp (6,5m) và
được phân tách độc lập bằng dải phân cách. Phương án này có nhiều ưu điểm như: thuận
tiện cho phương án tổ chức giao thông, tận dụng được phương án thiết kế, thuận lợi
trong thi công và mở rộng theo giai đoạn hoàn chỉnh; bảo đảm hoàn thành đồng bộ với
hai dự án thành phần của địa phương (dự kiến năm 2026). Ngoài ra, một số nội dung
cần thực hiện như điều chỉnh phương án tổ chức phân làn giao thông, biển báo giao
thông theo tiêu chuẩn đường cao tốc và các công trình phụ trợ liên quan. Sơ bộ tổng
mức đầu tư theo phương án đề xuất khoảng 2.040 tỷ đồng.
- Về phương án đầu tư: Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch sử dụng vốn vay ODA của
Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư khoảng 6.955,65 tỷ đồng, trong đó vốn vay
ODA khoảng 4.175,90 tỷ đồng (190,77 triệu USD). Để thuận lợi trong quá trình tổ chức
thực hiện, Bộ GTVT đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng thông
qua điều chỉnh, bổ sung Hiệp định vay vốn (VNM-58) cho Dự án Tân Vạn - Nhơn
Trạch để đầu tư thêm đơn nguyên cầu Nhơn Trạch nêu trên.
- Về nguồn vốn: Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch đã được bố trí 4.890 tỷ đồng (4.161
tỷ đồng vốn nước ngoài, 729 tỷ đồng vốn đối ứng) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025. Theo báo cáo của Ban QLDA
Mỹ Thuận, Hiệp định vay VNM-58 còn dư khoảng 54 triệu USD (tiết kiệm sau đấu thầu
và dự phòng). Với kế hoạch vốn trung hạn bố trí cho Dự án có thể bảo đảm nguồn vốn
thực hiện đầu tư đơn nguyên cầu Nhơn Trạch; số vốn còn thiếu sẽ tiếp tục được cân đối,
bổ sung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2026-2030.
4

4. Kiến nghị
Trên cơ sở nội dung báo cáo, để bảo đảm khả năng khai thác đồng bộ giữa các
dự án thuộc tuyến Vành đai 3 TPHCM theo tiêu chuẩn đường cao tốc, Bộ GTVT kiến
nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xem xét, chấp thuận về chủ trương một số nội
dung như sau:
- Chấp thuận phương án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối
ứng để bổ sung thêm đơn nguyên cầu Nhơn Trạch, bảo đảm khai thác theo tiêu chuẩn
đường cao tốc tuyến Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
- Giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tân
Vạn - Nhơn Trạch theo quy định để triển khai.
Bộ GTVT kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang
xem xét, chỉ đạo./.

Nơi nhận: KT. BỘ TRƯỞNG


- Như trên; THỨ TRƯỞNG
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm;
- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính;
- UBND TPHCM;
- UBND tỉnh Đồng Nai;
- Cục QLĐTXD;
- Ban QLDA Mỹ Thuận;
- Lưu: VT, KHĐT VULH.
Lê Anh Tuấn

Tài liệu gửi kèm:


1) Bản vẽ mặt cắt ngang Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, Dự án thành phần 1 và thành phần 3.
2) Bình đồ đường song hành bổ sung theo Dự án thành phần 1 và thành phần 3.
3) Bản vẽ phương án mở rộng cầu Nhơn Trạch.

You might also like