Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 3

Người ta thường nói, hãy chỉ nên tin vào những điều tai nghe, mắt thấy.

Thế
nhưng, nếu chỉ khăng khăng mãi một niềm tin vào chúng thì ông trời đã ban cho con
người trái tim để làm gì? Như trong tựa truyện “Hoàng tử bé” của nhà văn Antoine de
Saint-Exupéry, chú cáo là bạn thân của hoàng tử bé có nói rằng: Người ta chỉ nhìn thấy thật
rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt chẳng thấy được đâu. Và ngay cả hoàng tử
cũng đồng ý với ý kiến sau cùng. Hay như lời bình của nhân vật “tôi”: Cái ta nhìn thấy đây
chỉ là cái vỏ, cái quan trọng nhất thì không nhìn thấy được. Đúng như thế, con người sẽ hóa
tàn bụi nếu không dùng trái tim để “nghe” và “thấy”, cũng sẽ trở nên vô hình giữa biển
người bao la nếu không để cho trái tim được lên tiếng, cái cốt yếu mà mỗi chúng ta có được
sau khi chứng kiến hay trải qua mỗi câu chuyện là trải nghiệm của trái tim chứ chẳng phải
là vài khoảnh khắc vụt qua tầm mắt hay thoáng qua bên tai; hãy để con tim được nhìn và
được lên tiếng.

Cuộc đời, ai cũng có những nỗi niềm riêng, có người thể hiện có người cất giấu, vậy
nên đừng thấy người ta cười cứ nghĩ họ vui. Nước mắt hay gắn liền với nỗi buồn và những
niềm đau, nhưng đôi khi hạnh phúc người ta vẫn rơi lệ. Có giọt nước mắt rất buồn, giấu
vào một nụ cười rất tươi bước vào ngày rất đỗi bình thường. Có lẽ, đặc quyền mà ông trời
đã ban cho loài người từ khi còn chưa rõ hình hài là một trái tim biết rung cảm, và biết
“nói” ra những gì nó nghĩ thông qua cảm xúc của con người. Chính những thứ xúc cảm ấy
lại làm cho cuộc sống chúng ta trở nên muôn màu, muôn vẻ. Thế giới bày ra trước mắt vạn
sắc màu, nhưng chúng ta chỉ chọn thứ phục vụ cho nhu cầu hiện tại của ta thôi. Mọi thứ
khác, dù ở đó, ta hoàn toàn bỏ qua, chọn không nhìn hoặc bị điểm mù làm cho không thấy.
Bằng mắt thường, con người chỉ thấy những điều mình muốn thấy, mà những điều ấy chỉ
là lớp “vỏ” bao quanh bên ngoài. Muốn hiểu được người khác, muốn thấy được cái cốt yếu
thì người ta phải dùng trái tim để cảm nhận. Nhiều người cứ mãi thắc mắc, tại sao mình đã
cho đi mãi nhưng lại chẳng thấy nhận được lại gì. Đó là vì họ chưa dùng trái tim để cảm
nhận. Chẳng phải, ta đã nhận lấy sự biết ơn và tôn trọng khi cho đi rồi sao? Những gì quý
giá nhất, con người sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn bằng mắt. Có thể trong một sớm tinh
sương nào đó, ta sực nhận ra rằng, có phải khi con người ta càng lớn thì lại càng sống dối
với bản thân hay không, khi nhịp đập của con tim vang lên liên hồi nhưng chính chúng ta
lại bắt nó lại và không cho nó “nói” ra những gì nó “thấy”.

Nói con người ta phải dùng trái tim để thấy tường tận mọi vấn đề vì bởi lẽ, mắt sẽ
chẳng bao giờ nhìn được những thứ vô hình, còn trái tim thì có. ''Điều tuyệt vời và đẹp
nhất trên thế giới không thể nhìn bằng mắt, không thể chạm bằng tay, nhưng có thể cảm
nhận bằng trái tim'' là câu nói nổi tiếng của Helen Keller. Có lẽ lúc nghĩ ra điều này, ông ấy
vừa phải trải qua nỗi đau hay mất mát nào đó to lớn đến nỗi đã tự an ủi bản thân như vậy.
Vốn dĩ, chẳng ai muốn phô bày sự thống khổ, những tâm sự của mình ra bên ngoài. Vì thế,
phải dùng lấy những nhịp đập của trái tim để thấu hiểu mà chia sẻ cùng nhau. Giống như
khi người thân ta mất đi, ta không còn được nhìn họ bằng da bằng thịt thôi, nhưng những
người ấy vẫn luôn thường trực trong tâm hồn ta- nơi ta phải dùng trái tim để nhìn thì mới
thấy được. Một tâm hồn đẹp sẽ không bao giờ bị quên lãng. Tất cả những người chúng ta
yêu thương sẽ luôn sống mãi chừng nào trong trái tim ta còn có họ. Họ chỉ là đang ở một
thế giới khác, nó song song với chúng ta và vẫn có thể nhìn thấy thế giới của chúng ta. Nếu
ta muốn thấy được họ thì phải lặng một chút, để cho trái tim mình lên tiếng. Và biết đâu
trong giấc mơ, khi cảm xúc từ trái tim dâng trào thì ta lại gặp được họ thì sao? Đã bao giờ
bạn thắc mắc tại sao Bác đã rời xa chúng ta lâu vậy rồi mà người dân Việt Nam từ già đến
trẻ vẫn đều một lòng hướng về vị chủ tịch vĩ đại ấy không? Ngay cả khi thế hệ ngày nay
không còn được thấy hình ảnh Bác làm việc, gần gũi với nhân dân nhưng trong lòng ta vẫn
cảm mến Người vô cùng. Đó là vì họ dùng trái tim để cảm nhận, bắt nguồn từ những lời kể
của thế hệ đi trước, ta động lòng trước những gì Hồ Chủ tịch đã hi sinh và cống hiến cho
nền độc lập nước nhà.

Việc nhìn nhận bằng trái tim chẳng chỉ cho chúng ta góc nhìn tường tận về mọi vấn
đề mà còn tôi luyện ta thành một người có sự thông cảm, thấu hiểu với người khác, để ta
biết vui niềm hạnh phúc của họ, biết đau vì nỗi đau của người khác. Chúng ta rất hiếm
hoặc chẳng bao giờ thấy ai bị “ung thư tim”. Ngoài yếu tố có liên quan đến y học ra, ta còn
có thể hiểu rằng khi trái tim- bộ phận quan trọng của cơ thể ngoài não đã bị tổn thương,
nghĩa là những cơ quan khác cũng phải chịu một tác động không nhỏ. Khi nơi trái lồng
ngực đã yếu dần đi, đã không còn thể “thấy” mọi thứ như bình thường nữa thì dù có mắt
sáng rõ đến bao nhiêu con người ta cũng không thể thấy được tấm lòng người khác để mà
thông cảm, thấu hiểu và thương thay cho số phận của họ.

Hơn thế nữa, những điều giá trị nhất người ta thường không thể thấy bằng mắt.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Giá trị của đồ vật hay phẩm giá của
con người là nằm sâu trong tâm hồn chứ không phải ở hình thức bên ngoài. Mọi vẻ đẹp
bên ngoài chỉ là thoáng qua. Chúng ta thường không thể nhìn thẳng vào ánh mặt trời,
nhưng đều biết rõ rằng nhờ nó mà đời sống sinh hoạt của con người thuận lợi hơn. Chúng
ta cũng không được chứng kiến những đứa trẻ bị bỏ rơi như thế nào nhưng luôn cảm
thông cùng họ vì khi đó ta dùng trái tim để “nhìn” và cảm nhận. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thì
ta chỉ thấy họ đáng thương, nhưng nếu nhìn bằng trái tim thì ắt hẳn nó sẽ thôi thúc ta làm
điều gì đó để cùng họ vươn lên. Mẹ Teresa trong hơn bốn mươi bốn mươi năm, bà đã
chăm sóc cho những người bệnh, những người gặp khó khăn, trẻ em mồ côi,… và lãnh đạo
dòng Thừa sai Bác ái phát triển khắp Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Bà đem đến tình yêu
thương đến cho mọi người bằng trái tim ấm áp, vị tha. Nếu không nhìn nhận mọi thứ bằng
trái tim lắng nghe cảm xúc của bản thân như thế thì liệu những người khó khăn kia có
nhận được sự giúp đỡ?

Thế nhưng, việc nhìn bằng trái tim không đồng nghĩa với ta đặt trái tim lên hàng
đầu để rồi phụ thuộc vào cảm xúc và trở nên yếu đuối trước mọi thử thách, thất bại. Nếu
hiểu sai ý nghĩa của việc dùng trái tim va lắng nghe nó để đánh giá sự việc theo cách này thì
sẽ chỉ đem lại thiệt thòi cho bản thân. Cái gì cũng thế, con người sẽ luôn phải học cách cân
bằng giữa mọi vấn đề. Đôi mắt đại diện cho lí trí, trái tim là biểu tượng của cảm xúc, và nó
sẽ luôn luôn như vậy. Thiên về lí trí quá, con người sẽ trở nên vô cảm. Nó sẽ làm cho chúng
ta trở thành những con người cứng nhắc, như thế thì chẳng khác nào một cỗ máy được lập
trình sẵn. Nhưng nếu không biết kiềm chế tiếng nói của con tim thì nó sẽ biến ta thành
người chỉ biết than vãn, trách móc thực tại. Cũng lắm lần khi người ta muốn trốn thoát
khỏi sự thật bẽ bàng thì dùng trái tim để nhìn cũng là một giải pháp.Đôi khi, nó cũng làm
con người phân tâm, đắn đo, không còn sáng suốt trong nhận định của bản thân. Sự cân
bằng giữa hai yếu tố này giúp con người đưa ra quyết định một cách rạch ròi hơn, dễ để
vươn tới những đỉnh cao mới.

Chung quy lại, có nhiều câu chuyện nếu muốn thấy thật rõ thì ta phải dùng trái
tim. Trái tim còn đập là khi ấy nó còn đang nhìn, đang “nghĩ” và đang đánh giá mọi việc. Sự
nhìn nhận bằng trái tim này nếu con người nhận ra được sẽ đem lại cho họ cuộc sống với
đủ các gam màu khác nhau.

Nói tóm lại, tác phẩm “Hoàng tử bé” đã được phát hành tính đến nay đã vừa tròn
80 năm, nhưng nó vẫn luôn gợi cho người đọc nhiều bài học nhân sinh mà đôi khi chúng
ta chẳng nhận ra. Có lẽ, cũng vì cái lẽ ấy mà các độc giả vẫn còn chọn cuốn sách này làm
cuốn sách gối đầu giường của mình. Làm sao khi đọc từng dòng chữ ấy mà ta quên được
những câu nói thấm đến từng “tế bào” của xã hội như: Cái ta nhìn thấy đây chỉ là cái vỏ,
cái quan trọng nhất thì không nhìn thấy được. Cái cốt lõi nhất của cuộc sống là phải sống
thật, sống với chính mình. Và muốn được như vậy thì phải dùng trái tim. Cuộc sống vốn dĩ
muôn màu cảm xúc là do con người vẽ nên chứ không tự nhiên mà có.

You might also like