Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Đoạn văn diễn dịch

1. Tình cảm gắn kết giữa con người và vầng trăng trong quá khứ :

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Khổ một, hai trong bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ
và tình cảm gắn kết giữa con người và vầng trăng trong quá khứ. Điệp từ “hồi” như
chiếc cầu nối đưa người đọc về với miền kí ức tuổi thơ xa xôi, như cái dừng chân giữa
ranh giới của ấu thơ và trưởng thành. Phép liệt kê "đồng", "sông", "bể" , "rừng" gợi một
không gian mênh mông, thân thương và cả một kỉ niệm tuổi thơ. Từ không gian đầy ắp
kỉ niệm ấy, ta nhận ra niềm say mê, sảng khoái của con người trong cái mát lành dịu
ngọt ân tình của quê hương qua ánh trăng lai láng trên cánh đồng, dòng sông, bãi biển.
Điệp từ "với" đã cho thấy những năm tháng hồn nhiên đó luôn có trăng bầu bạn. Khi
trưởng thành, vầng trăng lại theo tác giả vào chiến trường, cùng người lính xông pha
trận mạc. Nỗi nhớ thương chợt hiện về quay quắt tâm hồn, lúc này, trăng được nhân
hóa "thành tri kỉ". Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao, chia sẻ
mọi buồn vui trong những năm tháng kháng chiến đau thương. Qua biện pháp so sánh,
tác giả đã khắc họa một cuộc sống "trần trụi", "hồn nhiên" như "cây cỏ", mộc mạc, giản
dị, thậm chí còn nhiều thiếu thốn. Nhưng nó vẫn thật đẹp bởi có vầng trăng gắn bó tới
mức chan hòa. Bằng biện pháp nhân hóa, con người đã tự nhủ lòng mình về một mối
tình thủy chung với "vầng trăng tình nghĩa" : "Không bao giờ quên". Thế nhưng, từ
"ngỡ" xuất hiện đã chuyển mạch thơ như dự báo về một sự thay đổi của lòng người.
2. Đưa người đọc trở về hiện tại với những đổi thay trong mối quan hệ giữa nhà thơ
và vầng trăng :

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Khổ ba trong bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã đưa người đọc trở về hiện tại với
những đổi thay trong mối quan hệ giữa nhà thơ và vầng trăng. "Ánh điện, cửa gương" là
cách nói hoán dụ tượng trưng cho cuộc sống hiện đại, đầy đủ, khép kín trong những căn
phòng xa rời với thiên nhiên. Nhưng ánh sáng chói loà của cuộc sống đó dường như đã
làm lu mờ ánh sáng của vầng trăng. Phép so sánh trăng "như người dưng qua đường"
gợi sự xót xa, đau lòng. Có phải vì ánh trăng nay đã khác ánh trăng xưa? Không! Ánh
trăng vẫn thế, vẫn gần gũi, thân thương, chỉ có hoàn cảnh sống của con người đã thay
đổi. Điều đó khiến họ không nhận ra vẻ đẹp của vầng trăng tri kỉ ngày xưa hay chính
lòng người đã thờ ơ, bạc bẽo. Thật xót xa cho vầng trăng tuổi thơ, vầng trăng đi bên
nhau một thời chinh chiến như tri kỉ. Vậy mà khi người sống giữa phồn hoa đô thị thì nó
lại bị lãng quên. Lời thơ như xoáy vào lòng người một nỗi niềm nhức nhối, bởi sự phản
bội ở đây không chỉ với lịch sử, với thiên nhiên mà còn với chính bản thân mình. Với
giọng tâm tình, mộc mạc cùng nhịp thơ chậm, Nguyễn Duy đã kéo người đọc vào dòng
suy nghĩ miền man của mình để chứng kiến sự đổi thay đến vô tâm của nhân vật trữ
tình.

3. Tình huống bất ngờ xảy ra, từ đó tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc của nhân
vật trữ tình :

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Khổ bốn trong bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã thể hiện bước ngoặt trong mạch
cảm xúc của nhân vật trữ tình bởi một tình huống bất ngờ xảy ra. Cuộc đời như một
dòng sông khi dịu êm lặng lẽ, lúc cuộn sóng trào dâng, bởi thế cuộc sống hiện đại sao có
thể êm đềm mãi được. Tình huống bất ngờ chính là sự việc "thình lình đèn điện tắt", đó
là hoàn cảnh khách quan, đời thường nhưng là điều kiện để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, từ
đó thể hiện chủ đề tác phẩm. Ở đây không chỉ là sự thay thế ánh trăng cho ánh điện mà
còn là sự thức tỉnh trong tiềm thức con người. Giọng thơ đột ngột cất cao, hai từ "thình
lình", "đột ngột" được đảo lên đầu cùng cách ngắt nhịp 2/3 đã nhấn mạnh tính bất
thường của sự việc. Chữ "vội" diễn tả rõ tâm thế, hành động của nhân vật trữ tình khi
"đèn diện tắt". Từ trong bóng tối, con người đi tìm ánh sáng và bất ngờ gặp lại vầng
trăng xưa. Nhưng vầng trăng ấy đâu phải chỉ khi "đèn điện tắt" mới xuất hiện, mà nó
vẫn vẹn nguyên, tròn đầy, vẫn lặng lẽ bên cạnh cuộc đời con người. Nó làm sáng lên cái
góc tối để đánh thức sự quên lãng trong đời sống sung túc của con người. Đây là khổ
thơ quan trọng nhất trong cấu tứ bài thơ. Giây phút đối mặt với vầng trăng ân tình, kỉ
niệm xưa được sống dậy làm tổn thức lòng người.

4. Sự xúc động của nhân vật trữ tình khi đối diện với vầng trăng :

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Khổ năm trong bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã diễn tả sự xúc động của nhân
vật trữ tình khi đối diện với vầng trăng. Trăng xuất hiện thật bất ngờ, trong phút giây ấy,
người lính năm xưa mới bàng hoàng trước vẻ đẹp kì diệu của nó. Từ "mặt" ở cuối câu
thơ là từ nhiều nghĩa tạo nên sự đa dạng của khí thơ. Nhân vật trữ tình đối diện với vầng
trăng là đối diện với người bạn tri kỉ mà bấy lâu nay mình vô tình quên lãng. Đó còn là
đối diện với chính mình để tự vấn lương tâm, để ân hận, hổ thẹn về sự thay đổi đến bạc
bẽo của mình. Có điều gì đó trào dâng trong lòng người, rưng rưng, cay xè và giọt lệ như
sắp tuôn trào bên hàng mi. Từ láy “rưng rưng” chứng tỏ con người chưa bị cuộc sống
hiện đại làm trơ lì mọi cảm giác mà vẫn còn những rung động, nghẹn ngào không nói
nên lời. Nhà thơ gặp lại ánh trăng như gặp lại một không gian tình nghĩa : đồng, bể,
sông, rừng. Phép liệt kê, so sánh, điệp ngữ, điệp âm được vận dụng khéo léo, tất cả quá
khứ gian lao nhưng gắn bó với thiên nhiên dường như ùa về cùng lúc. Chất thơ bộc bạch
chân thành, biểu cảm, ngôn từ và hình ảnh đi vào lòng người, khắc sâu một cách nhẹ
nhàng mà thấm thía những gì nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta.
5. Ý nghĩa biểu tưởng và bài học triệt lí của vầng trăng :

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

Khổ cuối trong bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã thể hiện ý nghĩa biểu tượng và
bài học triết lí của vầng trăng. Trăng là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng, vẻ
đẹp ấy không chỉ đến từ ánh sáng dịu dàng, vẻ đẹp tròn đầy mà nó còn tượng trưng cho
những gì viên mãn nhất. Từ láy "vành vạnh" gợi cảm giác đầy đủ, trăng lúc này chất
chứa những yêu thương của quá khứ vẹn nguyên, lòng bao dung của hiện tại và sự bất
diệt của tương lai. Dấu ấn trước đây với những kí ức có trăng đồng hành, nếu người đã
"vô tình" thì trăng vẫn ở đó, vẫn thủy chung như ngày đầu. Trăng không một lời trách
móc mà "im phăng phắc", không một ánh mắt giận hờn. Từ "cứ", "kể chi" thể hiện sự
bao dung, son sắt của vầng trăng trong bất kể hoàn cảnh nào, đối lập với sự dửng dưng
của con người. Vầng trăng được thay bằng ánh trăng để nhấn mạnh về ánh sáng của
lương tri soi rọi góc khuất trong tâm hồn con người. Cái "giật mình" cũng là lúc người
cảm thấy ăn năn với quá khứ, với trăng và với cả chính mình. Vòng xoáy của cuộc sống
hiện đại đã cuốn con người theo, họ chới với trong thực tại mà quên đi tri kỉ trước đây.
Vậy nên, người mới "giật mình" để tự vấn lương tâm, để thấy những tháng ngày qua
mình đã vô tâm thế nào. Giật mình để không chìm vào quên lãng, không đánh mất quá
khứ. Hai tiếng “giật mình” như một tiếng chuông rất khẽ nhưng ngân vang rất xa và
đọng lại rất lâu. Từ đó, tác giả muốn nhắc nhở người đọc về một triết lí là "uống nước
nhớ nguồn", "ân nghĩa thủy chung".

You might also like