Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 14

Chương 10

DIỄN TIẾN HƯ HỎNG VÀ TRÌNH TỰ BẢO TRÌ

Đây là chương duy nhất trong giáo trình trình bày các kiến thức chủ yếu liên quan
đến kỹ thuật bảo trì. Nếu dựa vào tên môn học “Quản lý bảo trì” thì đây là một nửa khối
lượng kiến thức cần trao đổi, tuy nhiên do đối tượng là sinh viên kỹ thuật nên kiến thức
mảng này được rút gọn thành một chương. Chương này chủ yếu đề cập đến các khái
niệm cần thống nhất trong kỹ thuật bảo trì giúp người đọc tiếp cận các công cụ khác
trong quản lý bảo trì một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, chương này nêu lên một trình tự
bảo trì mẫu theo kiểu Đức giúp người quản lý dễ dàng hơn trong quá trình giám sát công
việc bảo trì theo kiểu thủ công hay bằng máy tính (CMMS).

10.1. KHÁI NIỆM


Kể từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vào thế kỷ thứ 18 cho đến nay, nhiều máy
móc thiết bị ra đời và không ngừng được cải tiến, phát triển và ngày một hiện đại. Các hệ
thống thiết bị ngày càng đáp ứng gần như tất cả các nhu cầu khắt khe của yêu cầu sản
xuất. Để đạt được điều này máy móc thiết bị phải có nhiều chi tiết phức tạp và làm việc
với cường độ cao, điều này dẫn tới việc máy móc thiết bị khó tránh khỏi những hư hỏng
trong khi làm việc. Vì thế, để bảo trì có thể ngăn chặn tận gốc các hỏng hóc và bảo trì
một cách hiệu quả, bắt buộc phải nghiên cứu về diễn tiến hư hỏng và trình tự bảo trì.
Nghiên cứu về diễn tiến hư hỏng và trình tự bảo trì sẽ giúp chúng ta hiểu được quá
trình hư hỏng các thiết bị, các trình tự để bảo trì, từ đó lên kế hoạch chi tiết cho từng thiết
bị.

10.2. HƯ HỎNG VÀ DIỄN TIẾN HƯ HỎNG


10.2.1. Khái niệm hư hỏng
1. Sự cố
Sự cố là tình trạng của một bộ phận được giám sát bị hạ thấp giá trị sử dụng đến
dưới giới hạn cho phép. Đôi khi nó còn tuỳ thuộc vào yêu cầu nơi người sử dụng.
Về cơ bản, định nghĩa về sự cố được mô tả theo tình trạng kỹ thuật của thiết bị,
máy móc. Tình trạng làm việc của thiết bị, máy móc được gọi là có sự cố khi vượt qua
giá trị giới hạn cho phép do người sử dụng đặt ra.
2. Trục trặc
Khi có trục trặc nghĩa là có sự gián đoạn hoạt động ngoài ý muốn và gây tổn hại
đến tính năng làm việc của bộ phận được giám sát. Trục trặc cũng có thể là gián đoạn
thoáng qua rồi hết. Khái niệm “trục trặc” và “hư hỏng” phần lớn được giới hạn đến chừng
mực như: một hư hỏng được nêu bởi các nguyên nhân, mà các nguyên nhân nằm ngay
trong bộ phận quan sát. Một bộ phận có thể thực hiện tiếp chức năng theo yêu cầu mặc dù
đã bị trục trặc.
Thí dụ: Nếu bộ phận thông gió trên mái nhà dừng (không làm việc) vì bị bám bụi
hoặc lá cây, đó là một trục trặc, tuy nhiên chưa có hư hỏng. Thông gió vẫn có thể tự chạy
lại khi mưa gió cuốn phăng lá cây đang bám vào. Có thể khắc phục trục trặc này một
cách dễ dàng. Một hư hỏng luôn liên quan tới một trục trặc, ngược lại thì không đúng.
3. Hư hỏng
Trường hợp hư hỏng thể hiện qua các thời gian gián đoạn không làm việc (thời gian
hư hỏng và mức độ thường xuyên) không do chủ ý của người sử dụng [DIN 31051].
Các hư hỏng được liệt kê theo các dạng khác nhau trong các tiêu chí quy ước. Theo
Becker [Becker 2001, 3.1.1.] có thể phân chia theo các dạng sau:
a. Theo tiến trình thời gian của quá trình làm việc:
- Hư hỏng trước khi sử dụng: Hư hỏng trong giai đoạn trước khi mua và sử dụng,
thiết bị dạng dùng rồi do đó hư hỏng này sẽ làm thiết bị xuống cấp nhanh. Thí dụ khi mua
điện thoại di động cũ, người mua phải chấp nhận pin đã bị lão hóa, xuống cấp (nếu chưa
thay pin mới).
- Hư hỏng ngẫu nhiên (hư hỏng không theo quy luật): Đây là dạng hỏng hóc xảy ra
rất đột ngột, nguyên nhân thường là một bộ phận trong thiết bị ngưng hoạt động trong
một khoảng thời gian dài. Tuy không xảy ra thường xuyên nhưng hậu quả của nó để lại
rất rõ ràng. Chìa khoá chính để giải quyết loại hư hỏng này là khôi phục lại trạng thái làm
việc bình thường của thiết bị. Thí dụ khi mua xe gắn máy mới được vài năm gặp sự cố bể
bánh xe do cán đinh, phải vá xe mới sử dụng tiếp được.
- Hư hỏng do hao mòn: Trong giai đoạn lão hóa, khả năng hỏng hóc của thiết bị
tăng cao do thiết bị đã rơi vào trạng thái hao mòn. Thí dụ xe gắn máy sử dụng liên tục
trong suốt 20 năm.
- Hư hỏng theo thời gian: Hư hỏng vì giảm một phần khả năng thực hiện các chức
năng theo thời gian sử dụng.
b. Khống chế theo thời gian:
- Hư hỏng thường xuyên: dạng hỏng hóc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng
xảy ra rất thường xuyên. Hỏng hóc thường xuyên là kết quả của việc thiết bị bị lỗi khi sử
dụng trong sản xuất, các công cụ hỗ trợ chưa hợp lý, nguyên vật liệu không phù hợp,
phương pháp vận hành chưa đúng. Đặc điểm của dạng hỏng hóc này là:
 Do các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra.
 Thường có nhiều nguyên nhân.
 Xảy ra với tần suất cao.
 Không gây tổn thất lớn trong 1 lần xảy ra.
 Rất khó xác định được số lượng.
Thí dụ khi phốt chặn trong mô tơ bơm nước bị cháy do cạn nước trong đầu bơm,
khi thay thế bằng thiết bị không chính hãng (chất lượng không bảo đảm) sẽ dễ dẫn đến sự
cố thường xuyên.
- Hư hỏng lan truyền: Hư hỏng gặp phải thất thường và chỉ trong khoảng thời gian
ngắn, điều này có thể dẫn tới không chỉ các lỗi thường xuyên. Thí dụ: một thông tin bị sai
được xử lý dẫn tới những sự cố tiếp theo, đồng thời lại lan truyền dẫn sự cố ngày một
trầm trọng hơn.
- Hư hỏng gián đoạn: Hư hỏng hiện hữu thường xuyên, tuy nhiên không luôn thể
hiện. Thí dụ: công tắc bị lung lay, rơ,...
- Hư hỏng tiềm ẩn (dormant failure): là một dạng một hư hỏng chưa được phát
hiện, chỉ được nhận biết khi đòi hỏi thiết bị thực hiện những tính năng thường ngày
không sử dụng. Ví dụ như kèn xe lâu ngày không sử dụng đến khi nhấn vào không thấy
kêu mới biết đã hư hỏng.
c. Theo luận lý lôgíc:
- Hư hỏng sơ cấp (primary failures): Hư hỏng của một bộ phận phát sinh từ một lỗi,
hư hỏng ban đầu.
- Hư hỏng thứ cấp (secondary failures): Hư hỏng phát sinh từ hư hỏng sơ cấp. Ví
dụ: khi công tắc an toàn bị hư, bàn máy có thể chạy ra ngoài hành trình định trước, dẫn
tới hư bàn máy.
- Hư hỏng thường gặp (common mode failures): Hư hỏng thông thường.

d. Dạng thể hiện hư hỏng:


- Hư hỏng cục bộ (local failures): Sự suy giảm khả năng sử dụng của một bộ phận
trong thiết bị, tuy nhiên phần còn lại vẫn hoạt động bình thường. Thí dụ trong các phòng
rửa phim tự động, phim sẽ được sấy khô trước khi đến tay người sử dụng nhưng do đứt
điện trở của thiết bị sấy phim nên phim vẫn còn ướt khi ra khỏi máy rửa và cần phơi khô
trong không khí trước khi sử dụng.
- Hư hỏng hoàn toàn.
e. Tác động của hư hỏng (hệ quả của hư hỏng) trong khung của các mức hư
hỏng hoặc mức rủi ro hư hỏng:
- Hư hỏng không nguy kịch: Tổn hại của hư hỏng không gây ra những mối nguy
hiểm tiếp theo cho chính hệ thống thiết bị, con người hoặc môi trường.
- Hư hỏng nguy kịch: Tổn hại của khả năng, chức năng, có thể gây ra nguy hiểm
đáng tiếc cho hệ thống hoặc thực sự có những rủi ro ít cho con người hoặc môi trường.
- Hư hỏng nguy hiểm thảm họa: Tổn hại của khả năng, chức năng có thể gây ra nguy
hiểm phá hủy hệ thống hoặc nguy hại cho con người hoặc môi trường.
10.2.2. Nguyên nhân
Hư hỏng có nguồn gốc từ một lỗi của người thiết kế, chế tạo, vận chuyển, lưu trữ
hay vận hành. Thông thường, lỗi tạo nên độ sai lệch so với chuẩn và chính sai lệch đó
cũng có thể dẫn đến hư hỏng. Ví dụ một kỹ thuật viên vì nhầm lẫn khi lắp ráp thiết bị và
tạo nên một lỗi, nếu lỗi này không được phát hiện ngay khi ráp hoàn chỉnh mà vẫn cho
chạy máy thì nó sẽ tạo nên hỏng hóc. Một ví dụ khác như dù ráp đúng nhưng khi cấp
nguồn cho thiết bị lại cấp điện áp vượt quá điện áp danh định, điều này cũng dẫn đến hư
hỏng thiết bị. Có thể phân ra nhiều loại lỗi:
- Lỗi vật lý: là các lỗi tạo nên trong điều kiện hoạt động bình thường. Ví dụ như một
chốt cửa bị gãy do lâu ngày vật liệu bị lão hóa. Đây là các lỗi không thể tránh được
Và có thể hạn chế thông qua các biện pháp bảo trì.
- Lỗi ngoài: là các lỗi xảy ra trong các trường hợp thiết bị làm việc không bình thường
do tác động từ bên ngoài. Ví dụ lỗi làm cho thiết bị vô tuyến mất sóng do có người
tạo sóng nhiễu (máy kích sóng, phát sóng,…). Đây là các lỗi có thể tránh được.
- Lỗi thiết kế: là các lỗi do không tiên lượng đầy đủ các vấn đề trong quá trình làm
việc của thiết bị, ví dụ thiết kế tay cầm quá lớn không phù hợp với thể trạng người châu
Á dẫn đến cầm lâu mỏi tay,… Đây là các lỗi có thể tránh được bằng phương thức bảo trì
DOM.
- Lỗi tương tác: là các lỗi do người sử dụng hoặc người bảo trì tay nghề kém, thiếu
trình độ,... gây ra như đóng cắt bộ ngắt điện liên tục trong khi phụ tải có nhiều máy lạnh,
người bảo trì thao tác kém như xiết ốc quá mạnh làm hư ren,… Đây là các lỗi có thể
tránh được
- Lỗi do thiếu kiến thức khi sử dụng: do sơ ý, không hiểu biết của người sử dụng
như vô tình cắt nguồn khi đang cài Bios, đang nấu thép bị cắt nguồn,… Đây là các lỗi có
thể tránh được.
- Lỗi khách quan: ngoài ý muốn con người như lũ lụt, bão tố,... Đây là các lỗi
không thể tránh được.
- Lỗi chủ quan: cố tình phá hoại như sau khi bị đuổi việc, người công nhân đổ nước
vào dầu cách điện máy biến áp lực dẫn đến khi cấp điện sẽ làm nhảy cao thế, hư thiết
bị,... Đây là các lỗi có thể tránh được.
- …v.v…
Nhiệm vụ quản lý bảo trì phải tìm và ngăn chặn các nguyên nhân để bảo trì cho
không còn sự cố… không phải thụ động chờ sự cố xảy ra mới khắc phục!
10.2.3. Phân loại hư hỏng
Dựa trên cơ sở chi tiết máy, hỏng hóc được chia thành 2 loại:
 Hỏng hóc thảm khốc: là những hỏng hóc hoàn toàn và xảy ra bất ngờ. Hỏng hóc
dạng này thường khó quan sát được tình trạng hư hỏng của thiết bị. Hậu quả là không thể
đưa ra được phương pháp bảo trì dự đoán.
Ví dụ: động cơ điện đang hoạt động thì mái tôn bị hỏng khiến nước mưa chảy vào
động cơ, làm máy ngưng hoạt động dẫn tới băng chuyền ngừng gây rối loạn toàn hệ
thống …
 Hỏng hóc do sai lệch giá trị
Gồm có:
- Hao mòn về cơ khí bánh răng, ổ bi, trục quay,… bị mòn do ma sát. Dẫn tới làm
việc mất chính xác.
- Khả năng chịu đựng của thiết bị điện, điện tử như quá nóng, quá ẩm,… làm mất
ổn định điểm làm việc.
Tiến trình bào mòn và hư hỏng có thể quan sát được, do đó hỏng hóc loại này có
thể tránh được nhờ vào phương pháp giám sát quá trình sử dụng trong bảo trì dự đoán.
Cả hai loại hư hỏng này có thể xảy ra rất đa dạng và bất cứ lúc nào trong thời gian
tuổi thọ của thiết bị.
10.2.4. Các dạng hư hỏng điển hình
1. Ngẫu nhiên (Random/ Constant)
Khả năng xảy ra hư hỏng trong mọi thời điểm là như nhau, khả năng hư hỏng
không liên quan đến tuổi thọ của máy móc, thiết bị.
Ví dụ: Bugi trong xe máy dù mới thay nhưng vẫn có thể bị hư bất cứ lúc nào, đặc
biệt trời mưa nước vào làm ướt bugi, bugi không phát ra tia lửa điện được làm máy
không khởi động được gọi là “chết máy”.

Hình 10.1. Biểu đồ hư hỏng dạng ngẫu nhiên


Hỏng hóc dạng này có thể xảy ra ở bất cứ chi tiết máy móc thiết bị nào kể cả các
mạch điện tử và các hệ thống cũng có thể bị lỗi thời trước khi xảy ra hao mòn.
2. Những hư hỏng ban đầu (Worst New)
Khả năng xảy ra hư hỏng trong thời điểm ban đầu sử dụng máy móc, thiết bị là rất
cao. Thông thường khả năng này xảy ra trong thời gian chạy rà/ rô đai (rodage: tiếng
Pháp) của thiết bị.
Ví dụ: Khi người sử dụng xe máy chạy rà không kỹ, không đúng kỹ thuật theo như
hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, thì các chi tiết sẽ hoạt động lệch quỹ đạo chuẩn, tạo
nên độ ma sát lớn, gây mài mòn lớn, từ đó tạo ra khoảng hở giữa các chi tiết lớn, hay còn
gọi là độ rơ (jeu: tiếng Pháp) lớn, dẫn đến hư hỏng. Hao xăng do rơ và khuyết bộ dàn hơi
(xylanh, pittong, bạc, supap v.v...) cũng là một hỏng hóc dạng Worst New.
Hình 10.2. Biều đồ dạng hư hỏng ban đầu
3. Sự gia tăng hư hỏng (Slow Aging)
Là dạng hư hỏng có xác suất tăng dần theo thời gian sử dụng:

Hình 10.3. Biểu đồ sự gia tăng hư hỏng


Ví dụ: xylanh, pittong, bạc, supap v.v trong động cơ máy sau một thời gian sử dụng
thì sẽ bị mòn, gây tiếng ồn, hao xăng trong động cơ là một dạng của Slow Aging.
4. Sau thời điểm khởi đầu thiết bị đi vào ổn định (Best New)

Hình 10.4. Biểu đồ dạng hư hỏng sau thời điểm khởi đầu thiết bị
đi vào ổn định
Khả năng hư hỏng tăng nhanh trong thời điểm ban đầu sau đó giữ mức ổn định.
Ví dụ: Khi xe có 1 bộ phận hư quá nặng, không thể sửa chữa, buộc thay mới bộ
phận đó. Mặc dù đây là một chi tiết mới (khả năng xảy ra hỏng hóc bằng 0) nhưng khi lắp
vào xe nó sẽ nhanh chóng bị bào mòn để hòa hợp hoàn toàn với các chi tiết cũ đã bị mòn
khuyết trước đó thành một khối hoàn chỉnh. Khi ở giai đoạn làm việc ổn định nó sẽ chịu
chung khả năng xảy ra hỏng hóc với các chi tiết kia. Đó là một dạng của Best New. Ví dụ
khi dây sên (chain) xe 2 bánh gắn máy bị dãn (bào mòn quá mức cho phép), nếu chỉ thay
dây sên thì nó sẽ nhanh xuống cấp do nhông và dĩa (hệ thống truyền động xích trong xe 2
bánh) đã mòn. Thông thường nên thay trọn bộ: nhông, sên, dĩa là kinh tế nhất.
5. Hỏng hóc tăng cao ở giai đoạn cuối, sau thời kỳ làm việc ổn định (Worst End)
Khả năng xảy ra hư hỏng chỉ là ngẫu nhiên nhưng cho đến giai đoạn cuối tuổi thọ
thiết bị thì xác suất xảy ra hư hỏng tăng cao.

Hình 10.5. Biểu đồ dạng hư hỏng ở giai đoạn cuối của thời kỳ làm việc ổn định
Dạng hư hỏng này thường gặp ở các thiết bị cơ khí khi giai đoạn chạy rà đã được
nhà máy xử lý trước khi đến tay người sử dụng. Do đó giai đoạn đầu của đường cong
chậu tắm (mục 6 ngay dưới đây) bị cắt đi chỉ còn giai đoạn sau. Các chi tiết sẽ làm việc
ổn định cho đến khi mức độ bào mòn vượt quá mức quy định, thiết bị có xác suất hư
hỏng tăng cao. Một ví dụ điển hình tại Việt Nam đó là hãng xe máy Honda Việt nam. Tất
cả các xe Honda sản xuất tại Việt Nam đã được chạy rà tại nhà máy ở Vĩnh Phúc nên
người sử dụng mua xe chỉ việc sử dụng không cần thiết phải chạy rà. Đó là một dạng của
Worst End.
6. Dạng đường cong chậu tắm (Bathtube)

Hình 10.6: Đường cong bồn tắm – biểu diễn tỷ lệ hư hỏng


trong tuổi đời thiết bị
Đây là biểu đồ hư hỏng dạng thông dụng nhất. Đặc biệt trong công nghiệp dạng hư
hỏng này chiếm tỷ lệ cực kỳ cao và được cấu thành bởi 3 vùng:
a. Vùng 1: Giai đoạn đầu/ hư hỏng ban đầu/giai đoạn khởi động. Tính chất:
- Hư hỏng ban đầu; thiếu dữ liệu của bản thân thiết bị.
- Hư hỏng liên quan đến vật liệu, người điều khiển chưa được đào tạo về thiết bị
mới…
- Hư hỏng khó dự đoán hoặc lên kế hoạch.
- Khó nắm bắt chủng loại vật liệu trong kho.
- Thời gian một công đoạn: 1 ngày cho hệ thống đơn giản và từ 1 năm đến vài năm
cho những hệ thống phức tạp hơn.
b. Vùng 2: Giai đoạn ổn định/ tỷ lệ hư hỏng ổn định / giai đoạn hoạt động tốt. Tính
chất:
- Đây là giai đoạn hoạt động tốt nhất của thiết bị, mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho
doanh nghiệp.
- Sau khi trải qua giai đoạn khởi động (vùng 1) tốt, hư hỏng trong chu kỳ này sẽ
giảm thiểu.
- Ở chu kỳ này nếu hệ thống bảo trì có hiệu quả sẽ để lộ ra những sai sót của người
vận hành cũng như lỗi nguyên vật liệu.
- Thời gian một công đoạn: một vài năm hoặc hơn tùy theo loại thiết bị cụ thể.
c. Vùng 3: Lão hóa/ kết thúc. Tính chất:
- Nguyên nhân hư hỏng bao gồm cả hư hỏng ngẫu nhiên và những hư hỏng do quá
trình bào mòn (ví dụ ma sát, ăn mòn, bay hơi…).
- Trong giai đoạn này thiết bị cần thanh lý hay sử dụng với cường độ làm việc thấp
hơn. Có thể sử dụng bảo trì đưa vào quá trình thiết kế (design-out maintenance) để nâng
cấp thiết bị…
- Triết lý “cũ người mới ta” vẫn có thể áp dụng tốt trong vùng này. Kết hợp với
nguyên lý Pareto, thiết bị ở giai đoạn này vẫn có thể sử dụng triệt để.
Ví dụ điển hình: Đường cong chậu tắm biểu diễn tuổi bền thiết bị của xe máy gồm
có 3 vùng.
Vùng 1 - giai đoạn khởi động: Xe máy mới mua về, đây là thời điểm máy có khả
năng hư hỏng cao vì các chi tiết chưa được trơn nhẵn, dầu máy chưa vận hành được tốt
nên chưa hoạt động đồng bộ được.
Vùng 2 - giai đoạn ổn định: Giai đoạn này, xe máy thường chỉ xảy ra các dạng hư
hỏng ngẫu nhiên mà nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố bên ngoài là chủ yếu (trời mưa,
bugi bị ướt không hoạt động được).
Vùng 3 - giai đoạn lão hóa: Đây là thời điểm có khả năng hư hỏng cao vì thiết bị đã
bắt đầu lão hóa. Độ ổn định và tin cậy của các động cơ máy không được tốt, như bộ
nhông xích bị mòn bánh răng, giãn ra làm tuột sên, gây ra tiếng ồn...
Các chế độ bảo trì của một thiết bị cụ thể theo khả năng làm việc/ mức độ hư hỏng
có thể minh họa trên hình 10.7.
Khi vừa xuất xưởng, thiết bị đạt 100% trạng thái cần. Trong quá trình làm việc chắc
chắn giá trị này sẽ giảm dần cụ thể ở các lần đo được Z1, Z2, Z3 tương ứng với các
khoảng thời gian T1, T2, T3. Đến một thời điểm nào đó nó sẽ hư hoàn toàn. Để tránh điều
này có thể vào thời điểm TS, người ta sẽ tiến hành bảo trì theo sự cố hay bảo trì tác động
vào quá trình sản xuất (DOM).

Hình 10.7: Đường cong biểu diễn tỷ lệ hư hỏng, chiến lược bảo trì trong tuổi bền
thiết bị
Nếu sử dụng bảo trì định kỳ, khả năng hỏng hóc sẽ giảm rất nhiều, minh họa qua
hình 10.8. Ban đầu (thời điểm 0) khả năng hỏng hóc cao do máy chưa chạy rà (rô đai).
Sau một thời gian thiết bị sẽ đi vào vùng làm việc ổn định. Không để thiết bị vào vùng
lão hóa, thông qua các lần kiểm định như hình 10.7, tại thời điểm T1 người ta tiến hành
bảo trì thiết bị, thiết bị gần như trở lại trạng thái đầu,… Tương tự ở các thời điểm T2,
T3, … Như vậy, thiết bị sẽ có độ hỏng hóc trung bình theo đường nằm ngang.
Hình 10.8: Đường cong biểu diễn tỉ lệ hư hỏng giảm nhiều
khi sử dụng bảo trì định kỳ
10.3. GIẢI PHÁP BẢO TRÌ
Bảo trì hiện đại không chấp nhận máy móc dừng ngoài kế hoạch, do đó trong tổ
chức từ người quản lý cao nhất đến công nhân đang làm việc tại nhà máy đều phải biết
chính sách bảo trì. Khi hỏng hóc xuất hiện, người vận hành, người bảo trì hay các bên
liên quan phải đặt vấn đề làm sao có thể tránh sai sót này xảy ra một lần nữa. Có thể lựa
chọn giải pháp bảo trì bằng cách nêu một loạt câu hỏi và trả lời theo trình tự sau đây:
- Có thể thiết kế lại để tránh hư hỏng hay không? – Phương thức bảo trì tác động
trở lại quá trình thiết kế (DOM) Dù quy trình thiết kế có hoàn thiện tới đâu nhưng “Nhân
bất thập toàn”, sản phẩm nào cũng được thực hiện bởi con người do đó chắc chắn quy
trình thiết kế sẽ còn lỗi. DOM sẽ hỗ trợ tìm ra lỗi trong quá trình thiết kế từ đó khắc phục
ngay trong quá trình chế tạo.
- Nếu không thể thiết kế lại thì bước kế tiếp trong chiến lược bảo trì là phải cố gắng
kéo dài tuổi thọ của chi tiết thiết bị. Lúc này có thể đặt câu hỏi: “Có thể kéo dài
tuổi thọ của chi tiết hay không?” Ở đây phù hợp nhất chính là sử dụng công cụ
Quản lý theo vòng đời thiết bị (LCPM). Sau khi thực hiện một chu kỳ LCPM,
người quản lý bảo trì sẽ sử dụng các công cụ cần thiết để thiết kế lại chu trình
LCPM mới. Cụ thể là phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm chu kỳ cũ để xây
dựng chu kỳ LCPM mới có vòng đời thiết bị cao hơn.
- Nếu không thể kéo dài tuổi thọ của chi tiết thì bước kế tiếp là phải cố gắng áp
dụng chiến lược bảo trì theo tình trạng trong suốt thời gian vận hành để sớm tìm ra những
sai sót trong thời kỳ phát triển hư hỏng và có thể lập kế hoạch sửa chữa để giảm hậu quả
hư hỏng.
- Đối với một số thiết bị phức tạp, đôi khi không thể giám sát được tình trạng trong
quá trình vận hành. Lúc này người quản lý có thể xem xét theo hướng bảo trì khi ngừng
máy theo kế hoạch: chiến lược bảo trì định kỳ. Giải pháp này sẽ rất thích hợp nếu như
thiết bị có LCPM ổn định như nhớt xe máy, dầu thủy lực,…
- Đôi khi đã dùng chiến lược bảo trì định kỳ, vẫn không hiệu quả vì khó xác định
được khoảng thời gian giữa những lần hư hỏng xảy ra, nghĩa là hư hỏng là ngẫu nhiên và
phải nghĩ tiếp đến giải pháp dự phòng. Có thể áp dụng dự phòng được không? Nếu không
có giải pháp bảo trì nào nêu trên được áp dụng thì giải pháp dự phòng phải được xem xét
trước khi quyết định đi đến giải pháp bảo trì khi đã bị ngừng máy. Giải pháp này phải
xem xét cẩn thận về mặt kinh tế.
- Khi xét đến tính kinh tế, giải pháp bảo trì dự phòng đôi khi không thể ứng dụng,
lúc này phải chấp nhận vận hành đến khi hư hỏng. Giải pháp bảo trì này mang tính chữa
cháy vì hư hỏng mang tính ngẫu nhiên và không có khả năng phát hiện hư hỏng. Thoạt
nhìn có vẻ rất kinh tế vì chi phí bảo trì rất thấp nhưng nó chỉ đúng khi hư hỏng xảy ra
không gây tổn thất lớn. Có những trường hợp hư hỏng thứ cấp (secondary failures) sẽ gây
nên hao phí rất lớn. Lúc này cần hạch toán chi phí (Adjust account: điều chỉnh tải khoản +
Record keeping: lưu trữ dữ liệu + Accounting: kế toán) nhằm xem xét lại đâu là giải pháp
bảo trì hợp lý nhất.
Khi lựa chọn giải pháp bảo trì, người quản lý bảo trì phải xem xét cả 2 mặt: tính
kinh tế và tính kỹ thuật để lựa chọn giải pháp tối ưu. Không có giải pháp nào là “số một”,
chỉ có giải pháp phù hợp “số một” trong một hoàn cảnh cụ thể.

10.4. TRÌNH TỰ BẢO TRÌ


10.4.1. Các bước thực hiện
Trừ các thiết bị đặc biệt, các thiết bị công nghiệp có thể sử dụng trình tự như lưu đồ
bảo trì trên hình 10.9. Nội dung các bước trong lưu đồ được giải thích như sau:
Yêu cầu bảo trì

Lập danh mục thiết bị cần bảo trì

Lập kế hoạch khảo sát

Tiến hành khảo sát

Lập kế hoạch bảo trì

Dự trù vật tư

Thực hiện bảo trì

Cập nhật và lưu hồ sơ

Hoàn tất bảo trì

Hình 10.9: Quy trình bảo trì thiết bị


1. Lập danh mục
Phòng Hành chính nhân sự lập hồ sơ tất cả các thiết bị hiện đang sử dụng phù hợp
đối với các yêu cầu sản xuất kinh doanh (nếu máy móc thiết bị thuộc sở hữu của công ty
hay tổ chức). Nhân viên bảo trì lập danh mục từng loại thiết bị riêng biệt để theo dõi và
để chuẩn bị thay thế hoặc sửa chữa.
2. Lập kế hoạch khảo sát
Căn cứ những máy móc thiết bị đang sử dụng, và tùy theo tính năng và công năng
của thiết bị chuyên dùng, nhân viên bảo trì sẽ lên kế hoạch khảo sát, từ đó xác định loại
máy móc nào phục vụ cho yêu cầu sản phẩm thiết thực và đưa ra quy định thời gian bảo
trì định kỳ hoặc thường xuyên tùy vào mức độ sử dụng hàng ngày.
3. Tiến hành khảo sát
Căn cứ vào kế hoạch khảo sát, nhân viên bảo trì sẽ tiến hành khảo sát thực tế những
máy móc thiết bị và ghi nhận rõ các thông số:
- Thời gian đã sử dụng.
- Thời gian bảo trì trước đó.
- Tình trạng hư hỏng trước đó.
- Hiện trạng của máy móc thiết bị.
- Cần sửa chữa hay thay thế hoặc bảo dưỡng.
- Các chi tiết bị mất mát, hư hỏng.
- Nêu rõ số lượng, chủng loại thiết bị hiện có.
4. Lập lịch bảo trì
Sau khi khảo sát và giám định, nhân viên bảo trì xem xét thời gian sử dụng của
từng loại máy phục vụ nhiều hay ít mà tiến hành lập lịch bảo trì cụ thể cho từng loại máy
móc thiết bị. Sau khi đã xác định công dụng và tính chất quan trọng thời gian phục vụ
trong sản xuất kinh doanh, nhân viên bảo trì lên kế hoạch bảo trì cho từng loại máy móc
thiết bị theo quy định của nhà thiết kế và yêu cầu của người sử dụng.
5. Dự trù vật tư
Khi đã lập kế hoạch bảo trì, nhân viên bảo trì kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn
đến hư hỏng của thiết bị, lập bảng đề nghị dự trù vật tư để cung cấp các phụ kiện của loại
thiết bị cần sửa chữa với thời gian cần cung cấp, song song có sự giám sát và kiểm tra của
trưởng bộ phận nơi sử dụng máy móc thiết bị.
6. Thực hiện
Khi đã lên dự trù vật tư và được cung cấp, nhân viên bảo trì tiến hành sửa chữa dựa
trên bản kế hoạch được lập và duyệt sửa chữa. Khi đã bảo trì xong, nhân viên bảo trì phối
hợp với Trưởng bộ phận sử dụng lập biên bản nghiệm thu và đánh giá chất lượng của
máy móc thiết bị đuợc đưa vào vận hành, trong đó phải ghi nhận cụ thể về tình trạng máy
móc đã được thay thế.
7. Cập nhật hồ sơ
Khi sửa chữa bảo trì xong, nhân viên bảo trì lập hồ sơ của từng loại máy móc
được sửa chữa, những phụ kiện được sử dụng và trong thời gian sử dụng của chúng
đồng thời lập bản lý lịch của từng loại máy móc đó và đưa vào lưu trữ.
10.4.2. Phân tích ví dụ điển hình
Hầu như người Việt Nam nào cũng có một chiếc xe máy làm phương tiện giao
thông hằng ngày. Do đó ở đây chúng ta chọn trình tự bảo trì của xe gắn máy để phân tích
là hợp lý nhất. Dựa vào lưu đồ, đầu tiên lập danh mục thiết bị cần được bảo trì dựa trên
triết lý bảo trì của chủ nhân. Ví dụ hãng Attila yêu cầu 1000 Km phải thay nhớt (kim báo
nhớt lên vạch đỏ) nhưng người dùng cho rằng do hãng chưa biết xe này chạy trong điều
kiện đường tốt, xe bảo quản tốt,… nên hơn 1000 Km thay vẫn hợp lý! Tuy nhiên việc tùy
biến này đòi hỏi người vận hành phải có những kiến thức nhất định về thiết bị, nếu không
có thể gây nên những hỏng hóc đáng tiếc. Bình thường nên tuân thủ nghiêm ngặt những
yêu cầu từ phía nhà cung cấp. Với những thiết bị đặc biệt quan trọng hay thiếu thông tin
từ nhà cung cấp có thể lập kế hoạch khảo sát. Nêntiến hành lịch bảo trì như các hãng xe
đã đề nghị. và khi đã đề ra lịch bảo trì thì nên tuân thủ theo. Luôn ghi nhận lại công việc
của các lần bảo trì vì đôi lúc do cảm tính chủ quan sẽ dẫn đến hỏng hóc đáng tiếc, ví dụ
do nhớ sai số km xe đã chạy từ lần thay nhớt trước có thể dẫn đến nhớt mất độ bôi trơn
do đã hết thời gian sử dụng,… Đó chính là cập nhật hồ sơ quản lý bảo trì.
Thói quen đa số người Việt nam là sử dụng bảo trì cơ hội: thí dụ nhân dịp mở máy
thay sên (chain) cam (một sợi dây sên/ xích truyền động khá nhỏ trong máy xe 2 bánh),
thấy một số chi tiết bị bào mòn quá mức cho phép mới thực hiện sửa chữa thay thế. Rõ
ràng, như thế không thực hiện đúng theo yêu cầu bảo trì của hãng (thường ghi trong tài
liệu đính kèm khi bán xe mới). Như vậy là sai về trình tự bảo trì.

10.5. TÓM TẮT


Ngoài những sự cố do thiên tai, lũ lụt,… hầu hết các hỏng hóc đều đến từ những
nguyên nhân có thể lường trước và có thể hạn chế được những rủi ro… Do đó, nghiên cứu
diễn tiến quá trình hỏng hóc và trình tự bảo trì là điều rất cần thiết trong quá trình bảo trì.
Nếu như nội dung của các chương trước chủ yếu là quản lý thì chương này đặt nặng về yếu
tố kỹ thuật, tuy nhiên vẫn rất cần những kiến thức của các chương trước đặc biệt là 7 công
cụ thống kê trong chương 5, phần “Phân tích sự cố hỏng hóc”.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Tại sao phải nghiên cứu diễn tiến hư hỏng?
2. Theo anh/ chị, trong 7 công cụ thống kê (công cụ quản lý chất lượng: Quality Control
- QC), công cụ nào sử dụng phù hợp nhất khi nghiên cứu hư hỏng? Tại sao?
3. Hãy tìm một ví dụ thực tế về hư hỏng ngẫu nhiên (không có trong tài liệu). Theo Anh/
Chị dạng hư hỏng này dễ đối phó hay khó? Tại sao?
4. Hãy tìm một ví dụ thực tế về hư hỏng ban đầu (không có trong tài liệu). Theo Anh/
Chị dạng hư hỏng này dễ đối phó hay khó? Tại sao?
5. Hãy tìm một ví dụ thực tế về gia tăng hư hỏng (không có trong tài liệu). Theo Anh/
Chị dạng hư hỏng này dễ đối phó hay khó? Tại sao?
6. Hãy tìm một ví dụ thực tế về giai đoạn đầu của thời kỳ làm việc ổn định (không có
trong tài liệu). Theo Anh/ Chị dạng hư hỏng này dễ đối phó hay khó? Tại sao?
7. So sánh hư hỏng dạng cuối của thời kỳ làm việc ổn định (Worst End) với đường cong
chậu tắm (Bathtube), nêu sự tương đồng và khác biệt.
8. Tại sao chỉ dùng bảo trì theo cơ hội là không hợp lý? Nêu ví dụ minh họa.
9. Một hệ thống bảo trì tốt sẽ cho kết quả tích cực. Hãy nêu những dấu hiệu tích cực trên khi
nghiên cứu về diễn tiến hỏng hóc và trình tự bảo trì.

You might also like