Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 11

ĐỀ CƯƠNG THUYẾT TRÌNH TÁC GIẢ TRẦN NHÂN TÔNG

Nhóm tác giả: Nguyễn Hồng Ánh


Đặng Đức Anh
Ma Thị Diệp Linh
Nguyễn Thanh Loan

I. Một số vấn đề về tiểu sử

1. Thời đại 

1.1 Hoàn cảnh lịch sử - xã hội thời đaị Trần Nhân Tông

Thời Trần nói riêng và Lý - Trần nói chung là thời đại phục hưng, phát triển, ổn định, thống
nhất: 

● Chính trị - xã hội Ý thức độc lập tự chủ và đoàn kết toàn dân tăng cao (Hào khí Đông A
qua ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông)
● Kinh tế: phát triển -> nhân dân có đời sống vật chất tương đối đầy đủ với đời sống tinh
thần giàu chất dân chủ

1.2 Văn hóa thời đại Trần Nhân Tông

Với những chính sách đúng đắn, với sự đoàn kết toàn dân, với tư tưởng từ bi bác ái của nhà Phật,
triều đại Trần đã đem đến một thời đại “khoan giản, an lạc, nhân thứ, rộng mở và dân chủ”: 

● Tôn giáo - tư tưởng: Phật giáo chiếm ưu thế, ngày càng phát triển. Bên cạnh, Phật giáo,
Nho giáo, Đạo giáo dung hợp tạo nên tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”. 
● Học hành thi cử: Được chú trọng. Thi cử quy mô, chặt chẽ.
● Kiến trúc và điêu khắc: đạt được nhiều thành tựu, mang tính phóng khoáng, khỏe khoắn.
● Chữ viết: Chữ Nôm đã được sử dụng để sáng tác, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân
tộc trên lĩnh vực văn hóa

1.   Trần Nhân Tông


2.1 Xuất thân:  Trần Nhân Tông (1258-1308) - tên húy là Khâm - là vị vua thứ ba của
triều đại nhà Trần: 

- Vùng quê phát tích nhà Trần: Long Hưng - Ngự Thiên, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

- Con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu 
2.2 Con người Trần Nhân Tông: Các sự kiện làm nổi bật các khía cạnh phẩm chất 

- Vị hoàng đế anh minh: 

+ Giảm thuế má sưu dịch, đặc biệt các vùng bị chiến tranh tàn phá đều được miễn hoàn toàn

+ Do biến chuyển thời tiết, nông nghiệp đình trệ chỉ thị phát chẩn thóc và bãi bỏ thuế đinh

- Anh hùng dân tộc: Lãnh đạo 2 cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3
+ Tổ chức hội nghị Bình Than để bàn bạc kế sách đánh giặc. 
+ Vị vua mưu trí, kiên cường, biết quy tụ sức mạnh toàn dân, vì mục đích độc lập chủ quyền của
quốc gia, lấy lòng nhân để đối đãi với bề tôi và cả kẻ thù.

- Vị thiền sư nhân tình mộ đạo: 

+ Trước khi xuất gia, Trần Nhân Tông thường mời các nhà thiền học đặc biệt là bác mình (Trần
Tung) đến để giảng xét về cái học tâm tông, từ đó thấu triệt được tinh túy của đạo Thiền. 

+ Sau khi nhường ngôi, vào núi Yên Tử tu đạo, làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử, sau đổi thành
Trúc Lâm thiền phái. Ông trở thành đệ nhất tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử

- Tác gia văn học lớn: 

+ Đến văn học thời Trần, lực lượng sáng tác đã phong phú, đa dạng hơn: quý tộc, nho sĩ và tăng
lữ. Điểm lại văn học thời Trần, phải nhận thấy rằng số tác phẩm xuất hiện không phải là ít. 
+ Các tác giả nổi bật đầu nhà Trần: Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Huyền
Quang… Trong đó là Trần Nhân Tông là tác gia lớn của thời đại, có sự kết hợp các loại
hình các tác gia chính của thời đại. (Điều này chúng tôi sẽ làm rõ phần II, Sự nghiệp sáng tác)

 2.3 Tư tưởng Trần Nhân Tông:

- Tư tưởng trị quốc: Khai thác hết tiềm lực dân tộc nằm ở lòng yêu nước của mọi người dân,
chỉ có thể thực hiện khi người dân và người lãnh đạo có cùng chung một quyền lợi để bảo vệ và
một đối tượng để chiến đấu. 

+ Biểu hiện: Trần Nhân Tông, thông qua chính sách hành chính cũng như qua bản thân cuộc
sống của mình, đã thực hiện hàng loạt các biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm
xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

- Tư tưởng thiền phái Trúc Lâm: Có thể gói gọn trong chữ Tâm. Đối với ông, Tâm là khái
niệm trung tâm, quan trọng nhất, nó chi phối và xuyên suốt trong tất cả các vấn đề khác. Theo
ông, Tâm chính là nguồn gốc, là bản nguyên của vũ trụ, vạn vật. Quan điểm này được tiếp thu từ:

● Tuệ Trung Thượng sĩ: muốn giác ngộ, quay lại cái gốc của mình chứ không thể đâu khác.
● Trần Thái Tông: “Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật”

+ Biểu hiện: Thực hiện theo tôn chỉ của thiền tông “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực
chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” kết hợp với giảng kinh thuyết pháp, chuyển những lời kinh
trong sách vở thành những bài học sâu sắc, gần gũi, thực tế => Dùng Phật giáo như một yếu tố
tâm lí để liên kết toàn dân trong mục đích xây dựng và bảo vệ quốc gia. 

=> Phật giáo Trúc Lâm là nền Phật giáo nhập thế, gắn bó mật thiết với chính trị và xã hội. Những
tư tưởng của Trần Nhân Tông trở thành tôn chỉ, tư tưởng chung của Thiền Trúc Lâm.

Tiểu kết chương 1

Như vậy. ở phần 1, chúng tôi đã làm rõ một cách khái quát các vấn đề mối liên hệ của Trần Nhân
Tông với những nhân vật như Trần Thái Tông, Trần Tung; điểm lại một số sự kiện làm rõ phẩm
chất Trần Nhân Tông; chỉ ra vị trí của Trần Nhân Tông trong dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Từ
đó làm cơ sở để làm sáng tỏ sự nghiệp sáng tác của Trần Nhân Tông

II. Sự nghiệp sáng tác


1. Quan niệm sáng tác của Trần Nhân Tông
- Quan niệm về chức nắng văn học của các nhà văn thời kì Lý Trần là: “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ
ngôn chí”, đề cao chức năng giáo hoá của văn chương. Trần Nhân Tông là đại diện có sự kết hợp
các loại hình tác giả chính thời đại => về cơ bản là tương đồng với quan niệm chính thống.
- Tuy nhiên, do trong Trần Nhân Tông, cùng lúc tồn tại hai con người: Nho và Thiền. Hai con
người này quyện hòa vào nhau và thăng hoa thành một vẻ đẹp đặc biệt => có sự khác biệt nhất
định với quan niệm sáng tác chung
+ Biểu hiện: Nội dung giáo hoá trong sáng tác là tinh thần khai phóng của tư tưởng “hòa quang
đồng trần”, “cư trần lạc đạo”, tạo thành một hệ thống quan niệm thông qua việc đề cao con người
với trí tuệ siêu việt, có bản lĩnh và có thể tự mình để “bùng nổ giác ngộ tâm Phật” một cách độc
lập. Sống hòa đồng trong cuộc đời, có đạo đức, có nhân nghĩa và biết yêu thương người khác
như chính bản thân mình thì tất cả đều là Phật. 
2. Thống kê số tác phẩm 

Trần Nhân Tông là tác giả các tập thơ: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi
tập, Tăng Già Toái Sự,... Tuy nhiên do chiến tranh loạn lạc, số tác phẩm trên đều đã bị mất. 
Số tác phẩm còn lại theo thống kê còn: 14 bài kệ, 2 bài giảng, 1 bài ký, 10 văn thư bang
giao, 28 bài thơ chữ Hán, 2 bài phú nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo
ca. Số tác phẩm này được phân loại thành: 
● Văn học chức năng 
- Văn học chức năng lễ nghi: Kệ, Bài giảng (Bài giảng tại Chùa Sùng Nghiêm và bài giảng tại
Viện Kỳ Lân), Hành trạng
- Văn học chức năng hành chính: 
● Văn thư bang giao: 10 văn thư của vua Trần Nhân Tông gửi  nhà Nguyên
● Thơ bang giao: được nhà vua viết ra lúc còn ở ngôi để tặng, tiễn sứ giả nhà Nguyên-
Mông, hiện tại còn năm bài: Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính, Tống Bắc sứ Lý Trọng
Tân, Tiêu Phương Nhai, Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn, Họa Kiều Nguyên Lãng vận, Tống Bắc
sứ Ma Hợp, Kiều Nguyễn Lãng.
● Văn học nghệ thuật: 

- 28 bài thơ chữ Hán: Đề tài trải rộng từ dòng thơ chiến trận đến tâm sự buồn vui đời thường, từ
vận mệnh quốc gia đến nỗi niềm người khuê phụ, từ lối thơ xướng họa đến tức sự, từ tiếng nói
bậc đế vương đến chất Thiền sâu thẳm. Trong đó có 15 bài thơ nói về mùa xuân.  
- 2 bài Phú Nôm: Cư trần lạc đạo phú và Đắc phú lâm tuyền thành đạo ca. 
3. Nội dung thơ văn: Tập trung tìm hiểu dựa trên 3 khuynh hướng cảm hứng chính
3.1 KHCH tôn giáo trong thơ văn Trần Nhân Tông (khuynh hướng nổi bật nhất)
3.1.1. Sự hòa hợp giữa “đạo” và “đời”:
- Tư tưởng Cư trần lạc đạo (ở đời mà vui đạo) là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, giác ngộ không
phải xa lánh cuộc đời hay quên đời Mỗi người đều có Phật tính, giáo phái Thiền Trúc Lâm chủ
trương dùng tâm mà truyền tâm. Đây chính là tinh thần tự tại, tự nhiên của Thiền Tông Đại Việt.
- Dẫn chứng:
+ Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông đã trực tiếp truyền bá, luận giải và ca tụng các tư tưởng
Thiền tôn. (Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc mien/ Gia trung hữu bảo hưu
tầm mịch/Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền)

+ Sự kết hợp “đạo và đời” được thể hiện rõ nét trong hầu hết các tác phẩm của Trần Nhân Tông.
Tiêu biểu: Thiên Trường vãn vọng => sự tương thông giữa thơ và thiền theo lối “dùng thơ để
nói thiền, gửi thiền vào thơ”. Ẩn sau bức tranh cảnh vật có những dấu ấn và tư tưởng của thiền
học: cảnh thiên nhiên đã hữu hình hóa những phạm trù động – tĩnh, hữu – vô của Phật giáo như
những phạm trù thẩm mỹ, tạo nên bức tranh đẹp mang ý vị Thiền học.

3.1.2. Quan niệm về “con người vô ngôn”

- Quan niệm về “con người vô ngôn” trong thơ Thiền đã mang đến cho thơ ca Trần Nhân Tông
luồng sinh khí của một thế giới xúc cảm mới mẻ và rộng mở đến vô hạn. Vô ngôn tức là lặng yên
không nói, bởi vì ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lý vô cùng.
- Dẫn chứng:
+ Xuân cảnh (Khách lai bất vấn nhân gian sự/Cộng ỷ lan can khán thúy vi)
+ Đăng Bảo Đài sơn (Ỷ lan hoành ngọc địch/Minh nguyệt mãn hung khâm)
Không xuất hiện một lời đúc kết mang tính triết lý nào mà chỉ là một sự lặng yên. Bằng vô ngôn
nhà thơ đã nói được rất nhiều với tha nhân: Người đọc sẽ không có dịp vận dụng tư duy để tìm
hiểu logic ngôn từ mà chỉ có thể cảm nhận được điều gì đó qua hình dung tư thế, cử chỉ của
người ngắm cảnh và ánh trăng sáng đang tràn ngập cảnh vật.
3.2. KHCH thiên nhiên trong thơ văn Trần Nhân Tông
3.2.1. Vẻ đẹp thiên nhiên qua bút pháp tả thực:
- Mùa xuân, ánh trăng, hoa… thiên nhiên được cảm nhận qua nhiều giác quan: thị giác, xúc giác,
thính giác, khứu giác… để thấy được khát vọng hòa nhập với thiên nhiên. Thiên nhiên được cảm
nhận qua từng giác quan, từng hình ảnh bình dị gần gũi với cuộc sống đời thường…
- Dẫn chứng
+ Xuân hiểu (Thụy khởi khai song phi/ Bất tri xuân dĩ quy/ Nhất song bạch hồ điệp/ Phách
phách sấn hoa phi): Mùa xuân tràn ngập sắc thái vui tươi, tinh thần hăng hái yêu đời và tâm hồn
nhạy cảm để cảm nhận hơi thở cuộc sống trong cánh bướm đang bay phấp phới trên bông hoa
xuân mơn mởn
● So sánh Xuân hiểu (Mạnh Hạo Nhiên) (Xuân miên bất giác hiểu/ Xứ xứ văn đề điểu/ Dạ
lai phong vũ thanh/Hoa lạc tri đa thiểu): Thơ Mạnh Hạo Nhiên tả cảnh ngụ tình còn
Xuân hiểu của Trần Nhân Tông đã vượt ra khỏi phạm trù khuôn phép làm nên nét đặc
trưng“vô tình mới thật hữu tình”. Những tín hiệu của mùa xuân có tính công thức nhưng
vẫn mang một hồn thơ riêng, làm nên một bức tranh “thiên nhiên tả thực” thể hiện tâm
hồn nghệ sĩ rung động trước vạn vật.
+ Nguyệt (Bán song đăng ảnh mãn sàng thư/ Lộ trích thu đình dạ khí hư/ Thuỵ khởi châm thanh
vô mịch xứ/ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ): Thiên nhiên hiện ra qua cảm nhận tinh tế của nhà
thơ cái chuyển mình khe khẽ của mùa thu => Bừng tỉnh nhận ra chân lý kì diệu: Cuộc sống của
con người cùng với những âm vang trần thế luôn hòa hợp với thiên nhiên và vũ trụ

3.2.2. Mượn thiên nhiên để gửi gắm triết lý tôn giáo

- Đây là một hình thức “thơ thiên nhiên” khá phổ biến: mượn hình ảnh thiên nhiên để gửi gắm
một tư tưởng tôn giáo, triết lí nhân sinh. Tuy vậy, thiên nhiên không trở thành biểu tượng diễn
đạt, giải thích, thuyết minh những vấn đề triết học, giáo lý Phật giáo. Cảnh đẹp trong thơ là thiên
nhiên hiện thực chứa đựng ý vị Thiền, cảm xúc Thiền mang vẻ hấp dẫn, khác lạ. Thiên nhiên
cũng chứa đựng nhận thức mang tính trực giác, cởi mở, sinh động về quan niệm thi học.

- Dẫn chứng:
+ Sơn phòng mạn hứng (Thuỳ phọc cánh tương cầu giải thoát/ Bất phàm, hà tất mịch thần tiên/
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão/ Y cựu vân trang nhất tháp thiền.): Thiên nhiên xuất hiện
trong cảnh sau trận mưa đêm hoa rụng, núi non tĩnh mịch, một tiếng chim kêu báo hiệu xuân đã
tàn. Đó chính là kiếp luân hồi quy luật tuần hoàn vũ trụ.
+ Xuân vãn (Niên thiếu hà tằng liễu sắc không/ Nhất xuân tâm sự bách hoa trung/ Như kim
khám phá đông hoàng diện/ Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng): Chuyển biến về nhận thức của
nhà thơ từ chưa hiểu về lẽ “sắc”, “không” là niềm rung cảm trào dâng khi mùa xuân về trên cánh
bướm cho tới khi giác ngộ được triết lý của đạo Phật trước mọi biến chuyển của kiếp người.
3.3. KHCH yêu nước trong thơ văn Trần Nhân Tông
3.3.1 Bảo vệ chủ quyền, hòa bình của đất nước
- Trần Nhân Tông có lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ đến cùng độc lập tự do của dân tộc,
nhưng luôn mềm dẻo và vô cùng nhạy bén, linh hoạt trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia,
hạn chế tối đa những mối nguy hại cho đất nước.
- Dẫn chứng: Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 29 “Đến việc bảo thần phải tự mình tới cửa
khuyết, thánh thiên tử không tiếc vương tước phù ấn, lại phong đất đai như cũ, thì thần với  tôn
tộc quan lại của tiểu quốc, hồn kinh sống lại, vía chết lại yên, vì cho rằng thiên triều, nếu
không nghĩ tới, há có thể giải đáp giống như thế ư? Cha ông của thần thời còn sống, thiên triều
khen có  lòng trung thành, thương chỗ xa xôi, bỏ ra ngoài mà không tính tới. Cho nên, năm
Trung Thống thứ 12 (1269) đã có chiếu phong làm tước vương, ban cho phù ấn, riêng ra lệnh:
“Quân ta không vào nước ngươi, áo mũ lễ nhạc, không đổi tục cũ”.  Tổ phụ của thần nhờ thế mà
giữ được đầu cổ  cho đến  chết. Sinh linh đến nay  nhận ơn không ít”: Khi vua nhà Nguyên liên
tục thúc ép vào chầu, Trần Nhân Tông đã mềm dẻo mượn cớ thân mạng bệnh, lại liên tục khen
ngợi đức hiếu sinh của thiên tử để mềm dẻo từ chối. Song song với đó là nhắc lại việc nhà
Nguyên đã phong Vương – tức là công nhận nhà Trần là “vương” – vua của Đại Việt
=> Những văn thư bang giao của Trần Nhân Tông viết cho vua quan nhà Nguyên thể hiện ý chí
sắt đá về bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân tộc.Những áng văn này có ý nghĩa trực tiếp trong
chính trị và quân sự

3.3.2 Niềm tự hào về văn hóa dân tộc: 


- Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính (Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh) (Giá
Chi vũ bãi, thí Xuân sam/ Huống trị kim triêu tam nguyệt tam/ Hồng ngọc đôi bàn xuân thái
bính/ Tòng lai phong tục cựu An Nam)

+ Nội dung bài thơ khá đơn giản: Miêu tả cảnh họp mặt vui vẻ với sứ thần phương Bắc giữa tiết
Thanh Minh, vào cuối mùa Xuân, không khí ấm áp trong lành. Tuy dung dị trên mâm bánh
nhưng bài thơ hàm chứa niềm tự hào về tầng sâu văn hóa của một đất nước vốn đã có nền văn
hiến lâu đời: “Tòng lai phong tục cựu An Nam.”

3.3.3 Phản ánh quá trình kiến thiết - bảo vệ đất nước và khát vọng hòa bình
- Phản ánh khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân Đại Việt và của chính bản thân nhà vua:
"Sơn hà thiên cổ điện kim âu". Đây là một nội dung đặc biệt của thơ văn vua Trần Nhân Tông,
bộc lộ một sự tha thiết đối với hòa bình. 
- Dẫn chứng:
+ Trong cuộc chiến chống quân Nguyên, trên đội thuyền ra trận tiên phong có đề hai câu thơ do
vua Trần Nhân Tông viết để hiệu triệu lòng tin tất thắng cho tất cả các tướng sĩ: “Cối kê cựu sự
quân tu kí/ Hoan Ái do tồn thập vạn binh”.
+ Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại
Chiêu Lăng của vua Trần Thái Tông. Nhìn con ngựa đá trước lăng lấm bùn, vua làm bài thơ:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” => Không chỉ tái hiện hai chiến
thắng vang dội của quân dân Đại Việt mà còn biểu lộ niềm tự hào về sự bền vững đến muôn đời
của kim âu, của sơn hà xã tắc.
3.3.4 Tấm lòng lo cho nước, thương cho số phận người dân trong tao loạn
 - Trần Nhân Tông thấu hiểu tình cảnh đau thương, ly tán của muôn dân trong chiến tranh, nhất
là thân phận của những người cô phụ ở hậu phương, khi người chồng phải ra chiến trường đánh
giặc. Có thể nói, cảm hứng yêu nước trong thơ Trần Nhân Tông luôn gắn với tư tưởng nhân đạo
và qua đó bộc lộ nỗi trăn trở, suy tư của một vị minh quân luôn mang nặng nỗi lòng với dân với
nước.
 - Dẫn chứng: Khuê oán (Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng/ Hoàng ly bất ngữ oán đông
phong/ Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại/ Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông) => Người đọc có cảm
tưởng như có tiếng than thầm của người chinh phụ đang sống trong cảnh cô quạnh, nhung nhớ,
mong chờ => Trần Nhân Tông thấu hiểu nỗi lòng, số phận khổ đau của những người phụ nữ có
chồng ra đi bảo vệ Tổ quốc
4. Thành tựu nghệ thuật: Tìm hiểu những thành tựu của thơ văn Trần Nhân Tông về mặt
nghệ thuật dựa trên tiêu chí về thể loại
4.1 Thành tựu nghệ thuật mảng văn học chức năng
4.1.1 Nghệ thuật mảng văn học chức năng lễ nghi
- Kệ:  + Bác bài kệ theo thể luật Đường đều nghiêm chỉnh, chưa có sự phá cách, phá vỡ quy
phạm của thể loại. Những bài kệ theo lối kể thì tự do hơn.
+ Sử dụng các thuật ngữ Phật giáo xuất phát từ thế giới quan và nhân sinh quan của Trần Nhân
Tông => có khả năng phát huy cao tinh thần con người cả mặt nhận thức lí tính và trực cảm
+ Dẫn chứng: Thân như (Thân như hô hấp tỵ trung khí/ Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân/ Đỗ
quyên đề đoạn nguyệt như trú/ Bất thị tầm thường không quá xuân) => thể hiện đậm nét tư
tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông và cũng là đặc trưng của văn học thời nhà Trần.
- Bài giảng: Những bài giảng chú yếu sử dụng phương pháp tham vấn thiền (vấn đáp, đàm
thoại). Phương pháp này mang tính ước lệ, thiên trọng về phương diện văn chương, hình ảnh, đôi
khi còn dùng cả tiếng hét, dùng gậy…
+ Dẫn chứng: Một vị tăng hỏi: “Thế nào là gia phong của hoà thượng”
Đáp: “Áo rách ôm mây, mai húp cháo/ Bình xưa rót nguyệt, tối chưng trà”
- Hành trạng:
+ Tính cụ thể, chân thực: Khắc hoạ chân dung, kể lại và trích dẫn câu chuyện, lời nói nhân
vật.
+ Tính cảm xúc: Lời văn chứa đựng yếu tố tình cảm, thể hiện ở sự lựa chọn các yếu tố ngôn
ngữ như từ ngữ, câu, biện pháp tu từ, giọng điệu.

4.1.2 Nghệ thuật mảng văn học chức năng hành chính
- Lập luận: Tao nhã, mềm dẻo vừa đanh thép, sắc bén, đủ lý lẽ => Nghệ thuật vừa đàm và
đánh. 
- Ngôn ngữ, hình ảnh: Những hình ảnh vua Trần Nhân Tông dùng trong văn thơ ngoại giao bộc
lộ ít nhiều quan điểm đánh giá của vua đối với Hốt Tất Liệt. Ông tự xưng mình là “bề tôi nhỏ
bé” của Hốt Tất Liệt nhưng đằng sau hình ảnh có vẻ như ca ngợi là chê bai bóng gió.
4.2 Thành tựu nghệ thuật mảng văn học nghệ thuật
4.2.1 Thơ: 
- Thể loại: 
+ Phần lớn sử dụng thể thơ tuyệt cú, ít dùng Luật thi bởi Trần Nhân Tông làm thơ để ghi lại
những cảm xúc nhất thời, những giây phút đốn ngộ của mình => phải ngắn gọn, hàm súc.
+ Các bài thơ đều thể hiện sự nghiêm chỉnh trong hình thức thể loại, không có sự phá cách.
- Ngôn từ: 
+ Vừa mang đặc điểm thời đại, vừa mang dấu ấn riêng của tác giả: Sử dụng các điển tích điển cố,
nghệ thuật đối, ẩn dụ nhưng giản dị, trong sáng. Mức độ cũng không nhiều.
+ Nghệ thuật đối được sử dụng khá phổ biến: Đối ý trong nội bộ một bài thơ, nghệ thuật đối lập
được sử dụng để diễn tả các khoảng mốc thời gian trái ngược nhau trong cảm nhận của con
người.
+ Nghệ thuật so sánh: nhằm bộc lộ những xúc cảm trữ tình sinh động, phong phú hơn. 
● Dẫn chứng: Theo khảo sát, trong số 28 tác phẩm thơ chữ Hán có khoảng 7 trường hợp
sử dụng thủ pháp so sánh: “nhất sinh như thuỷ, nguyệt như trú” (trời trong như nước,
trăng sáng như ban ngày), “vạn sự thuỷ lưu thuỷ (muôn việc như nước chảy theo nước).
=> Nhờ các thủ pháp thủ nghệ thuật, thơ Trần Nhân Tông đậm yếu tố trữ tình mềm mại, với
những hình ảnh có sức gợi sâu sắc về nhân sinh.
- Hình tượng nghệ thuật: Thơ nghệ thuật Trần Nhân Tông mượn một hệ thống các hình tượng
giàu sắc thái biểu cảm để diễn tả cảm xúc
+ Hình tượng ánh trăng: biểu tượng cho cho cái đẹp, sự trong sáng, cao quý vô ngần, là người
bạn trung thành của thi nhân. Bóng trăng trong thơ TNT vằng vặc sáng trong và tràn đầy sự
sống, trong trẻo, thanh cao, bình đạm: Đăng Bảo Đài Sơn (Ỷ lan hoành ngọc địch/Minh nguyệt
mãn hung khâm), Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ (Nhất thiên như thuỷ nguyệt như trù/ Hoa ảnh
mãn song, xuân mộng trường)
+ Hình tượng chỉ mùa xuân và tình yêu: Sử dụng hình tượng chim hoàng oanh làm biểu tượng
chỉ mùa xuân, mà tuổi trẻ bao giờ cũng gắn liền với mùa xuân, thể hiện nỗi trăn trở về thời gian
của người thiếu phụ: Khuê oán
+ Hình tượng bóng chiều: Bóng chiều trong thơ Trần Nhân Tông mang một nguồn sinh lực hết
sức dồi dào, như biểu tượng của cuộc sống bình yên âm ả, sự thư thái và yêu đời từ trong tâm:
Thiên trường vãn vọng
+ Hình tượng con người vô ngôn: một lần thấy cảnh núi như xa như gần, ngõ hoa nửa rợp nửa
nắng, nhà thơ cảm thức về thời gian cứ tuần hoàn trôi nên không cất nên lời mà chỉ tựa lan can
thổi sáo dưới ánh trăng: Đăng Bảo Đài Sơn
4.2.2 Phú:
Chỉ còn lại 2 bài phú của Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm là Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú
lâm tuyền thành đạo ca. Đây là 2 tác phẩm đánh dấu quá trình trưởng thành của ngôn ngữ dân
tộc về cả ngôn từ và giọng điệu, minh chứng cho sự hùng hồn, giàu có của Tiếng Việt.
- Ngôn từ:
+ Cư trần lạc đạo phú có đến 1688 hạng từ, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca có tới 88 câu với
336 từ. Với hai tác phẩm này, ta đã có khoảng 2000 từ vựng, cung cấp một nhận thức tương đối
hoàn chỉnh về ngôn ngữ dân tộc thời đó.
+ Sử dụng các điển tích điển cố, nhiều âm phái mượn nguyên từ tiếng Hán. Những vấn đề cơ bản
và cốt lõi nhất đã được vua Trần Nhân Tông Việt hoá để chuyển tải một cách dễ tiếp nhận nhất
so với đương thời.
- Giọng điệu: Giọng văn lý luận nhưng vẫn cảm thấy chúng thật gần gũi, dễ hiểu. Đó là sự kế
thừa những thành tựu và tinh hoa văn học trong ngàn đời. 
Tiểu kết chương II
Qua việc tìm hiểu về sự nghiệp sáng tác của Trần Nhân Tông, chúng tôi về cơ bản đã làm
rõ được những đóng góp về tư tưởng và nghệ thuật của ông đối với văn học Lý – Trần nói
riêng, và văn học Trung đại Việt Nam nói chung. Đó là những đóng góp như sau:
- Tư tưởng Thiền tông (thể hiện ở KHCH tôn giáo): Trần Nhân Tông thường dùng thơ để nói
về thiền. Chất “đời” và chất “đạo” trong thơ Người khó mà tách bạch rõ ràng. Như một lẽ thường
tình, triết lí của thiền học ngấm sâu vào tư tưởng ông và cũng đi vào thơ một cách rất tự nhiên
làm cho những tư tưởng thiền được diễn đạt một cách rất gần gũi với “đời” không hề giáo điều
- Tư tưởng trị nước an dân (Thể hiện ở KHCH yêu nước và KHCH tôn giáo): Những tác phẩm
của Trần Nhân Tông mang đậm cảm hứng yêu nước, tư tưởng “thân dân”, niềm tự hào dân tộc
và khích lệ hào khí của thời đại. Ngoài ra, có thể kể đến 22 lá thư gửi cho nhà Nguyên trong cuộc
đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền đất nước đã thể hiện quan điểm của người đứng đầu quốc
gia: cương quyết không đầu hàng, không nhượng bộ chủ quyền, vạch trần bộ mặt của kẻ thù…
- Đóng góp về thơ chữ Hán: Không chỉ là tác giả Quốc âm đầu tiên của lịch sử văn học Việt
Nam mà còn là nhà thơ chữ Hán có tài. Thơ đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan
triết học và cảm quan thế sự có tinh thần lạc quan yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách lớn
và sự rung động tinh tế yêu tự do của một nhà nghệ sĩ.
III. Vị trí của tác gia trên tiến trình VHTĐ Việt Nam
1. Trần Nhân Tông là người mở đầu một giai đoạn văn học mới của lịch sử văn học Việt
Nam, đó là giai đoạn văn học mà tiếng Việt là chủ ngữ.
- Hai tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” cùng Vịnh Vân Yên
tự phú của Huyền Quang (1254 -1334) và Giáo tử phú của Mạc Đỉnh Chi (1284 -1361) giúp cho
nền văn học Tiếng Việt có những tác phẩm đầu tiên hoàn chỉnh và được lưu giữ đến ngày nay
2. Sáng tác của Trần Nhân Tông là những tác phẩm có giá trị văn chương rất cao và đã
tạo nên một vẻ đẹp riêng trong dòng chảy chung của văn học Lý – Trần.
- Thơ văn Trần Nhân Tông đã thể hiện được “một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết
học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn
và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ”.
- Thơ Trần Nhân Tông thể hiện được tài hoa và phẩm chất tâm hồn đặc biệt của vị vua Phật này.
Thơ ông được đánh giá là “thanh nhã, sâu sắc nhưng không kém phần hào hùng”, “cảm hứng
thế tục và cảm hứng thiền hòa quyện với nhau”. 
- Với những vần thơ chữ Hán và những tác phẩm văn xuôi sắc sảo, vua Trần Nhân Tông đã cống
hiến cho ta những cảm thụ mới mẻ về những vấn đề muôn đời của con người, thiên nhiên
- Sáng tác của Trần Nhân Tông đã thể hiện rất rõ những khuynh hướng cảm hứng chủ đạo của
văn học Việt Nam thời kì Trung Đại, giai đoạn đầu tiên: KHCH yêu nước, tôn giáo và thiên
nhiên => Đọc hiểu tác phẩm Trần Nhân Tông ta có thể có định hướng tiếp cận và phân tích các
tác phẩm khác cùng giai đoạn
3. Vị trí “Tập đại thành cảm hứng Thiền đạo Trúc Lâm” dừng lại ở Nhân Tông – giai
đoạn đỉnh cao (trên mọi phương diện) của nhà Trần
- Cảm hứng Thiền đạo trong văn chương tôn thất Trần triều mà thi hứng Trần Nhân Tông đã góp
phần tạo lập nền tảng văn chương Phật giáo suốt giai đoạn đầu của nền văn học viết Việt Nam.
- Nền tảng đó thực sự vững chắc trên nhiều bình diện – tư tưởng tôn giáo, quan điểm chính trị,
ứng xử văn hóa, giáo dục, phong cách văn học… trong trường kì lịch sử đã góp phần to lớn vào
sự nghiệp xây dựng quốc gia, chiến thắng ngoại xâm, bảo tồn nền độc lập dân tộc Việt đương
thời, thiết nghĩ, luôn là bài học quý giá cho hậu thế.
Kết luận chung
Dựa trên cơ sở tìm hiểu và phân tích tác gia lớn của văn họcViệt Nam - Trần Nhân Tông, chúng
tôi đồng ý với những quan điểm sau:

- Trương Văn Chung trong công trình Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm (Luận án phó
Tiến sĩ, bảo vệ năm 1996) “Ông đã kết hợp trong đời mình một người anh hùng võ công hiển
hách với một đức phật từ bi, cốt cách thanh tao. Ông trở thành một ông vua triết gia, một phật
tử có nhãn quan chính trị, ảnh hưởng lớn lao đến triều đình và toàn xã hội”

- Nguyễn Hùng Hậu trong công trình Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, (NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội, 2002) khẳng định: “Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị nhìn xa
trông rộng mà còn là nhà quân sự có tài; không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là nhà tư tưởng,
nhà văn, nhà thơ; không chỉ là vị quân vương mà còn là nhà tu hành; không chỉ là nhà văn hóa
mà còn là vị thiền sư lỗi lạc. Thời đại oanh liệt đã sản sinh ra ông, và ông đã làm cho thời Trần
càng thêm oanh liệt”
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Phương Lựu (2001), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm Văn học Trung đại Việt Nam,
NXB Hội nhà văn.
2. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những suy nghĩ từ văn học trung đại, NXB Khoa học xã
hội, Hà Nội.
3. Trần Thị Hoa Lê, Thơ văn Trần Nhân Tông trong cảm hứng thiền đạo của văn chương
tôn thất nhà Trần thế kỷ XIII-XIV, Viện Trần Nhân Tông - ĐHQGHN
4. Hoàng Phương Nhung (2013), Luận văn thạc sĩ, Nghiên cứu nội dung và nghệ thuật thơ
văn của Trần Nhân Tông.
5. Nguyễn Thị Giang (2014), Luận văn thạc sĩ, Đặc điểm thơ Trần Nhân Tông.
6. Hà Ngọc Hoa (2005), Quan niệm con người trong thơ thiền Trần Nhân Tông, Tạp chí
Khoa Học, Đại học Huế số 26 năm 2005.
7. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB Hồ Chí Minh.
8. Hồ Tấn Nguyên Minh (2013), Con người trí tuệ trong thơ Trần Nhân Tông, Tạp chí
Khoa học ĐHSP TP HCM.
9. Trương Văn Chung (1996), Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm, Luận án phó
Tiến sĩ.
10. Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB Khoa
học xã hội Hà Nội.
11. Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Giáo trình Văn học Trung đại Việt Nam, tập 1, 2, NXB Đại
học Sư phạm.
12. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục.
13. Nguyễn Đăng Na (1996), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo
dục.
14. Lã Nhâm Thìn (chủ biên), Giáo trình Văn học Trung đại Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục
Việt Nam

You might also like