10 Điều Tâm Niệm Vovinam

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

10 ĐIỀU TÂM NIỆM VOVINAM- VIỆT VÕ ĐẠO!

I/ Phần mở đầu:
Võ Đạo chính là ngọn đuốc soi đường trong đêm tối, là ngọn hải đăng trong
giông bão mịt mùng, là kim chỉ Nam mà người học võ luôn phải tâm niệm cất
giữ ở trong tâm và thường hành trong đời sống để không bị lạc vào những sai
lầm khiến cho mình khổ và người khác khổ! Kẻ luyện võ bởi sở hữu sức mạnh
của những cú đấm, cái dũng và trí tuệ từ sự rèn luyện khổ cực thì càng phải
tinh tấn đạo lý! Nếu chẳng thế thì cú đấm kia, cái dũng kia, trí tuệ kia sẽ trở
thành một mối nguy hại cho bản thân và xã hội! Bởi vậy! Một người luyện võ
mạnh về thân, sáng về tâm, tinh tấn đạo đường chính là những giọt mưa trong
lành tưới mát cho cuộc đời!
“Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời, nhưng ta đã được quay
về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI THỰC NGƯỜI. Nhưng
ta đã vượt khởi lên trên những tối tâm, tội lỗi của NGƯỜI CHẲNG NGƯỜI.
Bao đớn đau tan hồn, nát xác người đã gieo ở ta, ta đã gạt hái những bông
hoa cao đẹp nhất ở sự THƯƠNG YÊU và THA THỨ vô bờ.”
Đó! Những giọt nước mắt chắt chiu từ tháng năm sống không uổng, không
phí để lại cho đời những bông hoa cao thượng, thương yêu và vị tha vô cùng
của một bậc sáng tổ! Nguyễn Lộc- người đã để lại một dy sản Võ – Đạo quý
giá cho những võ sinh may mắn được theo tập!
*Lời bàn: Vị tha ý nói đến sự bao dung, độ lượng, nghĩ cho người; Đây
chính là đức tính đặc chưng của bậc quân tử!

II/ Mười Điều Tâm Niệm:


1/ “Việt Võ Đạo Sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục
vụ dân tộc và nhân loại!”
“Cao độ của nghệ thuật”! Người luyện võ phải luyện thân cho đến tinh, luyện tâm
cho đến thông để vượt lên trên những cám dỗ tầm thường; vượt lên những khó khăn,
nghịch cảnh để có được sự điềm đạm trong từng bước chân đời. Kẻ luyện võ, một trăm lần
ngã xuống là một trăm lần đứng lên mỉm cười bước tiếp, không oán trời, trách người.
Luyện võ để hiểu rằng thắng người là khỏe, thắng mình là mạnh; Ấy chính là cao độ!
Luyện võ để đứng trước kẻ mạnh không sợ, trước kẻ yếu mà vẫn khiêm cung; Ấy là cao
độ! Luyện võ để tìm về với cái sự chất phác, chân thành, yêu thương, vị tha; Ấy là cao
độ! Luyện võ để rồi một ngày không còn cần phải dùng đến võ nữa; Ấy là cao độ! Làm
được vậy thì sao môn sinh lại không thể thành tựu bản thân?

“ PHỤC VỤ DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI”!


Con người sinh ra bản tính vốn thiện lương; Rồi những thói quen tiền tài, lợi danh dần
dà bị biến thành vị kỉ; vì lợi ích của bản thân mà làm khổ người, gây hại cho xã hội . Một
ngày khi đạt tới cao độ của “cách mạng tâm thân”, môn sinh Vovinam sẽ mở toang
được trái tim thương yêu, vị tha vô bờ đối với hết thảy! Đó cũng là khi môn sinh hiểu
được rằng lúc còn cơ hàn lập thân thì phải làm tốt việc của mình để lo cho bản thân và gia
đình. Nhưng dù là vậy thì khi làm một việc gì cũng phải nghĩ cho người khác, cho xã hội
một chút để đừng bất chấp dẫm đạp lên lợi ích của người! Bởi “không một hạnh phúc
nào của ta được xây trên sự khổ đau của kẻ khác” ! và bởi chỉ có thế mới nuôi
dưỡng được cái tâm vị tha cao thượng cho đến lúc bản thân thực sự trưởng thành! Như thế
cũng là một chút phục vụ dân tộc và nhân loại rồi!

* Lời bàn: Qua điều tâm niệm số 1 ta nhận thấy được một chữ NHÂN đã trải khắp
thiên hạ; một tình thương yêu vô bờ, không phân biệt!

BỐN CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG NHÂN!

- Thương yêu, chia sẻ! ( Tâm ái).


- Đồng cảm! Đặt bản thân vào sự khổ đau, khó khăn, lầm lỗi của người khác để bao
dung, độ lượng, không xét đoán! ( Tâm từ).
- Biết vui với niềm vui, sự thành công và những việc tốt của người khác!
- Tha thứ, xả bỏ hận thù và những điều không như ý mà người, đời mang đến cho
thân mình!

2. “Việt Võ Đạo Sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây
dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích”.
* TRUNG!
Dù là ở thời nào thì hiền tài cũng chỉ tìm thấy ở những người có Trung có Hiếu bởi
đó là nền tảng căn bản nhất giúp con người ta bước chân vào cuộc đời! Trung hiếu cũng là
biểu hiện chân thành của lòng biết ơn đối với những ân nhân. Cha mẹ cho ta sinh mệnh;
thầy cô cho ta con đường; lãnh đạo tốt cho ta cống hiến; quốc gia cho ta chỗ đứng; tự
nhiên cho ta không khí để thở. Đó là những ân nhân lớn trong cuộc đời mà ta phải dùng
trung hiếu mà báo đáp!
- Trung đối với bản thân là trở về kiên trì với sự thiện lương!
- Trung với cha mẹ chính là “Hiếu”, là phụng dưỡng bằng cách tinh tấn đưa
bản thân tới sự trưởng thành chất phác nhất!
- Trung với bạn là sau 10 năm gặp nhau vẫn thân như ngày còn chia nhau
những gói mì tôm cuối cùng!
- Trung với môn phái là rèn luyện tâm thân để trở thành tốt đời đẹp đạo!
- Trung với đất nước là làm tốt vai trò của mình trong xã hội!

*DẤN THÂN HIẾN ÍCH!

Đối với một Việt Võ Đạo Sinh thì môn phái là một người thầy lớn; người thầy này
không gì mong muốn hơn là học trò trở thành tốt đời, đẹp đạo! Chỉ thế là đủ! Bởi cái đạo
võ vốn là chi ân không cần báo đáp; nhưng là một người học trò thì ta đâu thể quên được
cái ân nghĩa này? Nên! Tùy theo công việc và điều kiện; Người làm vận động viên thì cố
gắng đạt tới cao độ của kĩ thuật để mang những tác phẩm nghệ thuật của mình khắc lên
dòng thời gian của công chúng, làm đẹp cho đời; Người sau làm thầy thì tiếp tục truyền
ngọn lửa xanh nhiệt huyết và cao thượng cho hậu thế; người làm kinh doanh, làm lãnh
đạo... thì luôn sống trong tâm niệm “Sống cho mình cho người, sống giúp người
khác sống”! Thế là Trung kiên xây dựng mô phái rồi! Thế là Dấn thân hiến ích rồi!
 Lời bàn: Điều tâm niệm số 2 nói đến 4 chữ “ DẤN THÂN HIẾN ÍCH” ý chỉ cái
NGHĨA của kẻ luyện võ trong việc nhập thế!
*NGHĨA LÀ NƠI GIÚP CHO ÂN, TÌNH KHÔNG BIẾN THÀNH ĐAU KHỔ!
- Nghĩa của tình thân!
- Nghĩa của tình đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp!
- nghĩa của đồng loại!

3. “Việt Võ Đạo Sinh đồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương
mến đồng đạo.”
Ở đời, có 2 thời điểm khiến người ta dễ thay lòng, đổi dạ; Đó là khi cơ hàn và khi ở trên
đỉnh cao của danh lợi! Chẳng phải khi xưa thần tài Phạm Lãi khi đã cùng Việt Vương Câu
Tiễn lập lên cơ đồ thì liền lui về ở ẩn vì biết Câu Tiễn là người chỉ có thể chung lưng đấu
cật lúc cơ hàn, lập nghiệp mà không thể cùng hưởng vinh hoa phú quý. Đó! Tất cả cũng
chỉ vì hai chữ Danh và Lợi! Vậy! phải bỏ bớt đi một phần nào lợi danh và thêm vào cái
tâm cao thượng của lòng vị tha thì Việt Võ Đạo Sinh mới có thể đồng tâm nhất trí !
Bởi! Người đời chỉ tỏ ra tôn kính những người mang đến cho họ quyền lợi; thương mến
những người cho họ cái gật đầu đồng ý. Nên họ đâu thể đi cùng con thuyền mang tên
Vovinam- Việt Võ Đạo ! Nói vậy có nghĩa là sự tôn kính và thương mến phải xuất
phát từ lòng chân thành, chất phác, không hình thức, không vụ lợi!

* Lời bàn: Điều tâm niệm thứ 3 nói đến một chữ Lễ ! Lễ đó chính là thứ mà
Việt Võ Đạo sinh mang ra để đối đáp với hết thảy. Đối với người trên thì
ngẩng đầu cung kính; đối với người dưới lại cúi đầu bao dung; đối với kẻ
quyền phú chẳng cong lưng; đối với kẻ yếu không ra uy, ức hiếp; đối với hết
thảy tha nhân luôn khiêm cung, độ lượng! Đó là cái lễ chân thành nhất vậy!
* Tha nhân ý chỉ những người khác.

4. “Việt Võ Đạo Sinh tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ
sĩ.”
* DANH DỰ!
“Kẻ sĩ chết vì danh!” Xưa nay có bao kẻ nguyện chết để giữ lại danh dự cho mình;
nhưng cũng thiếu gì những người chịu chui qua chân của kẻ khác để sau này tạo phúc cho
đời! kẻ luyện võ giống nhau ở chỗ coi trọng danh dự; nhưng lại khác nhau ở chữ Nhẫn.
Danh dự thực sự của kẻ sĩ chính là sự tôn nghiêm, đoan chính trong nội tâm; danh dự ấy
mới đáng phải nêu cao; chứ không phải ở cái vẻ ngoài, tiếng vỗ tay và ánh mắt đánh giá
của người đời!

• Danh dự của một Việt Võ Đạo sinh là luôn thường hành 10


điều tâm niệm!
• Danh dự của một người thầy là sống trong những lời đã nói
với học trò!
• Danh dự của người làm quan là những tấm áo hạnh phúc
khoác trên thân thể của chúng dân!
• Danh dự của những cuốn sách là đưa ra những con đường
chân thực!

“Ba quân khốn vì luật!” Kỉ luật chính là sức mạnh của mọi tổ chức! Trong “Ba quân
khốn vì luật”,điều này được hiểu là gặp nguy vì vô kỉ luật.

- Kỉ Luật chính là chìa khóa mở ra cánh cửa Tự Do!


- Kỉ Luật phải là biểu hiện của nghị lực Từ một lẽ sống đúng đắn!
*Lời bàn: Điều tâm niệm số 4 bàn về một chữ TÍN!
- TÍN là tự tín (kỉ luật, danh dự)!
- TÍN là vị tha tín ( vì người người khác mà tín)!
- TÍN phải dựa trên trí tuệ và lòng từ ái mới là cái tín chân chính!

5. “Việt Võ Đạo Sinh tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự
vệ và bênh vực lẽ phải.”
* TÔN TRỌNG người khác chính là TỰ TRỌNG!
Đất vốn vững chắc bởi nó đặt mình ở phía dưới, chưa một lần đòi lên trên hơn thua với
cây, với vật. Người được lớn mạnh là vì chẳng coi thường kẻ khác. Một cô gái bán hoa,
mua vui cho người; ta khinh thường họ vì cái nghề ấy thật là; nhưng ta đâu biết ở nhà cô
gái đó đang có 3 đứa trẻ mồ côi đang đợi cô mang về thức ăn và những đôi tất ấm. Trong
lúc này cô gái thật cao quý biết bao; mà ta đâu nhìn thấy để mà tôn trọng!

*TỰ VỆ!
Cảnh giới tự vệ cao nhất chính là “Nhẫn nhục, Từ bi và Trí tuệ” ! Đây cũng
là cao độ mà một môn sinh cố gắng đạt tới; tuy nhiên trong những những bước chân đang
dò dẫm trên con đường rèn luyện tâm thân thì đôi khi vẫn có thể miễn cưỡng dùng nắm
đấm để bảo vệ bản thân!

Có người hỏi một võ sư khá điềm đạm trong đường đời và trên đường đạo rằng: “ Nếu có
một người chạy đến cầu cứu vì đang bị truy giết bởi vài tên côn đồ thì anh có cứu không?”

Võ sư trả lời: “ Nếu có thể cứu thì chắc chắn cứu. Chẳng phải người quan trọng nhất là
người đang đứng trước mặt ta và đang cần ta giúp đó sao?”

*Lời bàn: Nắm đấm của kẻ luyện võ giống như bảo kiếm được cất
kĩ trong bao vỏ; nếu phải rút ra thì đó không còn là bảo kiếm nữa rồi!
6. Việt Võ Đạo Sinh chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau
dồi đạo hạnh.
*TRAU DỒI ĐẠO HẠNH!
Hạnh Phúc vốn là thứ mà người xưa, người nay, người sau đều kiếm tìm. Vậy mà nó
như ánh trăng in trên mặt nước; nhìn thấy đó mà mò mãi chẳng thấy. Thế mà hạnh phúc lại
ở ngay trong 4 chữ “ Trau dồi Đạo Hạnh” ! Việt Võ Đạo Sinh bởi chuyên cần học
tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh mà trí tuệ được hiển lộ; Mạnh về thân, sáng về
tâm! Bởi vậy có thể vượt lên trên những cám dỗ thấp hèn để sống trong lành mạnh và sáng
suốt!

* Lời bàn: Thực ra thì! Võ thuật nếu chỉ đơn thuần rèn luyện sức khỏe thì không có gì
phải bàn ở đây; Nhưng đến một ngày nào đó kẻ luyện võ phải hiểu ra rằng “Võ thuật chỉ là
phương tiện, là con đường đưa người tập tới việc trau rồi 10 thứ đức hạnh- Nhân, Lễ,
Nghĩa, Trí, Tín, Dũng, Trung, Hiếu, Liêm, Nhẫn! Đây cũng chính là mong muốn
của những bậc sáng tổ hiền đức vậy!

7. “Việt Võ Đạo Sinh sống trong sạch, trung thực, giản dị và cao
thượng”.
Sống là một hành trình gột rửa thân tâm! Thật vậy, tâm ta giống như một viên ngọc quý
bi đặt trong một vũng nước đục ngầu. Nước kia đục bởi ta còn mải mê ngụy trang, giả dối
để làm vừa lòng những ánh mắt; bởi ta còn thích phô trương, tô vẽ; bởi ta còn mãi nhỏ
nhen hơn thua lợi ích. Để “được quay về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI
THỰC NGƯỜI” thì môn sinh phải tập cho mình một lối sống trong sạch, trung thực,
chất phác, giản dị và cao thượng!

* Lời bàn: Trong sạch, trung thực, giản dị, cao thượng là những phẩm chất
giúp cho kẻ luyện võ tinh tấn đưa thân tâm lên cao độ!
TRONG SẠCH: Kẻ luyện võ luôn giữ cho thân vượt lên trên những cám dỗ thấp
hèn; giữ cho tâm luôn thường hành trong chính niệm- không tham của người, không
hận thù, oán trách, đố kị, không nghĩ việc hại người...; giữ cho khẩu luôn đoan
chính- không nói chuyện xấu của người, không nói lời hư dối, không nói lời
ác...! Ấy là trong sạch vậy!
TRUNG THỰC! Kẻ luyện võ chính là trung với cái thực của thân tâm; không tô vẽ, giả
dối; là nhận định đúng về bản thân, thấy cái xấu thì sửa đổi, thấy cái tốt thì làm cho tốt
hơn! Ấy là trung thực vậy!

Người luyện võ sống vừa đủ với nhu cầu của bản thân, không phô trương, hưởng thụ quá
mức! Giản dị không phải là tiết keo kiệt, khổ ải bản thân mà là sự không nuông chiều theo
những dục vọng vô lối! Giản dị không phải tỏ nghèo ,kể khổ mà là cái sự biết đủ tinh tế
của hạnh phúc! Ấy chính là Giản dị vậy!

CAO THƯỢNG! Kẻ luyện võ đối với người thì dễ, đối với mình thì khó! Kẻ luyện võ
chỉ thấy lỗi mình, không chấp lỗi người; ân thì phải nhớ, oán nhất định phải quên! Đó
chính là cao thượng vậy!
8. Việt Võ Đạo Sinh kiện toàn một ý chí đanh thép, nỗ lực tự thân
cầu tiến.
*Ý CHÍ ĐANH THÉP!
Kẻ luyện võ không khóc cho bản thân mình bởi đối với họ khó khăn, nghịch cảnh là
những món quà quý giá của cuộc đời chứ đâu phải sự khổ đau! Kẻ luyện võ một trăm
lần ngã xuống là một trăm lần đứng lên điềm đạm bước tiếp! Đó chính là ý chí đanh
thép, nỗ lực tự thân cầu tiến! Đó chính là Dũng!

Dũng của kẻ luyện võ không phải cái dũng của kẻ bước lên võ đài, hạ gục đối thủ;
không phải là cải dũng của kẻ gặp cảnh cùng cực mà vung kiếm chém xuống! Cái
dũng của kẻ luyện võ chính là sự Điềm Đạm vượt qua mọi cùng cực của cuộc đời để
tinh tấn cầu tiến đưa thân tâm lên cao độ!

Dũng là dám coi nhẹ khen - chê, được – mất, vinh – nhục, sướng – khổ!
Dũng dám nhẫn! Người luyện võ nhẫn được cả những điều mà người khác khó
nhẫn. Nhẫn là coi nhẹ lợi danh nên có thể dưỡng thân. Nhẫn là giản dị nên có thể
dưỡng tâm. Nhẫn là chịu được khổ, chịu được thiệt thòi nên sẽ sung túc. Nhẫn là
không tham lam vô độ nên sẽ bình an!

9. Việt Võ Đạo Sinh sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát
hành động.
*BỀN GAN TRANH ĐẤU!
Cổ nhân dạy rằng: “ Thắng người là khỏe, thắng mình mới thực sự mạnh”!

Bền gan tranh đấu chính là đấu với cái sự ngu, hèn, ác, tham lam, hận thù của chính
bản thân mình để lắng xuống tất cả bụi bẩn giúp cho cái bản tính thiện lương được
hiển lộ rực rỡ! Thôi thì cứ bước lên võ đài đánh thắng, hoặc thua; đó là một cơ hội để rèn
luyện! Thôi thì cứ bước ra cuộc đời phấn đấu hết mình vì công danh, sự nghiệp; đó cũng là
lúc để trung thực nhận định về bản thân! Nhưng một lúc nào, khi cái thân mỏi mệt hãy nhớ
quay trở về với cái thực tâm của chính mình! Ấy chính là con đường sáng suốt!

* THÁO VÁT HÀNH ĐỘNG!


Làm sao mới có thể THÁO VÁT HÀNH ĐỘNG?Muốn vậy thì một Việt Võ
Đạo sinh phải nắm dược những nguyên tắc xử thế sau:
- Hiểu mình để thấu lòng người!
+ Khó với mình, dễ với người! Việc gì không muốn thì đừng làm cho người
khác!
+ Nói không nói đến cùng! Làm không đẩy người khác tới đường cùng! Có
quyền đừng lộng hành! Có phúc không hưởng hết!
- Có ân thì nhất định phải nhớ! Có oán nhất định phải quên!
- Lợi mình để Lợi người!
‘‘Không có hạnh phúc nào của bản thân mình lại được xây dựng trên sự đau
khổ của người khác!’’
- Đối xử tử tế với thực tại, Ước mơ như một đứa trẻ!
- Biết mệnh, biết đủ, biết dừng: Dám ước mơ, hoài bão, Dám thực hiện nhưng
thực hiện trên khuôn khổ của đạo đức và lòng vị tha!
- Khi đối diện với nghịch cảnh phải giữ một tâm thế bình ổn, không oán trời,
trách người và kiên trì sự thiện lương cho đến cuối cùng!
- Tự cho mình sáng thì không sáng! Tự kể công thì không công!
- Chọn chỗ cao mà nhìn, chọn chỗ chũng mà đứng, chọn chỗ bằng phẳng mà
ngồi, chọn chỗ rộng mà đi!

Việt Võ Đạo Sinh tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm
điểm để tiến bộ.
Bữa nọ có người hỏi “Làm sao để tự tin trước mọi người khi trên mặt
mình có một cái biếu to chà bá?”
Trả lời: Hãy nâng cấp giá trị bản thân bằng hai cách!
Cách 1: Kiếm công việc tốt, mua biệt thự, xe sang; một bước xuống, đóng
cửa xe đến rầm là sẽ tự tin ngay! Bởi lúc đó họ sẽ nhìn thấy sự giàu sang chứ
không còn thấy cái bớt kia nữa. Thậm chí người ta sẽ không còn nhìn thấy
chính cả bạn nữa!
Cách 2: Hãy nâng cao nội lực bằng Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng; Tìm
một công việc phù hợp dùng cái tâm lợi tha để cố gắng làm tốt công việc! lúc
ấy trong mắt của họ cái bớt của bạn sẽ trở lên đẹp lạ thường! Ấy mới thực sự là
tự tin vậy!
*KHIÊM CUNG, ĐỘ LƯỢNG!
Con gà mái không biết đẻ trứng thì liền bị mang ra thịt làm đồ đãi khách! Cây gỗ quý sao
tránh khỏi bị người ta săn tìm, chặt về làm đồ trưng bày! Vậy đấy, người ngu cũng chết, kẻ
khôn cũng chết, sao mình không giữ mình ở bậc trung, khôn mà tỏ ra ngu dại vậy! kẻ thấp
kém mà tỏ tài giỏi thì chết trước nhất! người có tài mà tự cao, tự mãn thì tai họa sẽ đến!
Đại dương tự đặt mình ở nơi thấp nhất cho trăm sông đổ về nên mới trở thành rộng lớn!
Đó chẳng phải cái đức khiêm cung, độ lượng của kẻ luyện võ hay sao? Kẻ luyện võ sống
như nước, tìm về nơi thấp nhất để nuôi dưỡng vạn vật; linh hoạt, gặp bầu thì tròn, gặp ống
thì dài, gặp núi thì chuyển hướng; nhu mà không nhược; gặp lạnh thì trở lên rắn chắc; gặp
nóng thì bốc hơi; ứng biến mà không đánh mất bản chất của mình! Người luyện võ đi khắp
thiên hạ chỉ cần giữ được Khiêm cung, Độ lượng thì ở đâu cũng có thể vững mạnh! Ấy
chính cũng là cái đức của kẻ làm việc lớn vậy!

*Lợi tha là làm việc có ích cho người khác.

*TỰ KIỂM ĐIỂM để TỰ THẮNG!


Biết người là giỏi, biết mình là sáng! Kẻ luyện võ vốn là dùng cái động để
dưỡng cái tĩnh; khi động thì dũng mãnh như hổ vồ mồi khi tĩnh thì lặng như
nước giếng mùa thu! Làm được vậy là nhờ cái sự luôn quay ngược trở về nội
tâm để trung thực kiểm điểm, tu sửa bản thân! Bởi vậy mới nói “dễ với người,
khó với mình”!

*Lời cuối:
Đừng luyện võ để coi mình là kẻ mạnh!
Đừng luyện võ để tranh đấu, hơn thua!
Coi võ thuật như một ngôi chùa!
Luyện Nhẫn Nhục, Từ Bi và Trí tuệ!

You might also like