Anhtrang Nangcao

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 13

79ÁNH TRĂNG

Nguyễn Duy
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
- Giới thiệu Nguyễn Duy và bài thơ Ánh trăng.
+ Nguyễn Duy : một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ
cứu nước và tiếp tục bền bỉ sáng tác cho đến bây giờ.
+ Thơ ông giản dị mà sâu sắc; giàu cảm xúc mà cũng thật giàu chất triết lí.
+ Ánh trăng: là một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của
cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu; nhắn nhủ
người đọc lẽ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân tình thủy chung với quá khứ.
- Giới thiệu đoạn trích: (tùy thuộc vào đề) (nêu luận đề)
II. Thân bài
1. Hoàn cảnh sáng tác và vị trí đoạn trích
- Bài thơ ra đời năm 1978, trong dòng cảm hứng sám hối của văn học sau 1975.
- Vị trí đoạn trích (tùy thuộc vào đề)
+ 2 khổ đầu bài thơ: sự gắn bó tình nghĩa giữa người và trăng.
+ 1 khổ tiếp theo: những lãng quên.
+ 3 khổ cuối: lời tự thú, tự nhắc nhở mình không được lãng quên quá khứ.
2. Phân tích cụ thể
2.1 Sự gắn bó tình nghĩa giữa người và trăng (2 khổ đầu)
a) Khổ 1
- Hoài niệm tuổi thơ:
+ Điệp từ “với” gắn với các từ “đồng, sông, bể” tuổi thơ thênh thang đi nhiều
nơi, cảm nhận những vẻ đẹp thiên nhiên kì thú.
+ Phép nhân hóa mối quan hệ gắn bó giữa trăng với người.
+ Ý nghĩa tượng trưng: không gian “đồng, sông, bể” bồi đắp tâm hồn con
người trở nên trong trẻo, cao đẹp.
- Hoài niệm thời chiến tranh:
+ Hình ảnh vầng trăng đọng sâu trong nỗi nhớ.
+ Trăng thành tri kỉ quan hệ khăng khít giữa trăng với người, là đôi bạn tâm
giao.
b) Khổ 2
- Quan hệ thân thiết, trong sáng giữa trăng với người;
+ Từ “trần trụi” trạng thái tâm hồn con người khi tiếp xúc với thiên nhiên hết
sức chân thật, thân tình, hòa làm một.
+ So sánh “hồn nhiên như cây cỏ” hoà hợp trọn vẹn, vẻ đẹp tâm hồn con
người: sống hồn nhiên, rộng mở, chân thật, khoáng đạt như cỏ cây không hề gợn nét
vẩn đục, so đo, tính toán.
- Quan hệ ngỡ như sẽ mãi mãi vững bền: từ “ngỡ” khẳng định một lần nữa tình
trăng và người nhưng đồng thời còn diễn tả một sự ngỡ ngàng, dự báo một sự thay đổi
phũ phàng.
2.2 Sự lãng quên (Khổ 3)
- Tương phản giữa quá khứ và hiện tại (hoàn cảnh sống, cách ứng xử với trăng)
thay đổi trong tình cảm của con người.
- So sánh “vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường” sự lãng quên,
sụ phụ bạc của con người.

2.3 Sự thức tỉnh lương tâm của người lính (3 khổ còn lại)
2.3.1 Khổ 4: tình huống
- Đây là khổ thơ quan trọng kết cấu của thi phẩm, là sự chuyển biến có ý nghĩa
bước ngoặt của mạch cảm xúc, bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của bài thơ.
- Tình huống bất ngờ: một đêm cắt điện
Các từ “thình lình, vội, đột ngột” mọi cái diễn ra rất nhanh, không định trước:
+ Thình lình: cắt điện đột bất ngờ.

+ Vội : phản xạ bất ngờ vì bức bối


+ Đột ngột: sững sờ vì bất ngờ gặp lại trăng, bất ngờ gặp lại chính mình sự
thức tỉnh, bừng ngộ về ý nghĩa những ngày tháng đã qua.
2.3.2. Sự thức tỉnh lương tâm
a) Niềm xúc động chân thành (Khổ 5)
- Nhân hóa:“mặt nhìn mặt” và từ “rưng rưng” thể hiện chân thực giây phút
hội ngộ đầy xúc động, nước mắt ứa ra, sắp khóc : vui mừng pha lẫn ăn năn.
- Điệp ngữ “như là” cùng với các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” niềm xúc
động mạnh khi quá khứ nghĩa tình sống lại.
b) Ăn năn, sám hối, thức tỉnh (Khổ 6)
- Trăng cứ tròn vành vạnh: nhấn mạnh sự tròn đầy, chung thủy của trăng.
- Phép tương phản: trăng tròn >< người vô tình trăng thật cao thượng, vị tha.
- Phép nhân hóa: “trăng im phăng phắc” tô đậm sự bao dung cao cả của
trăng, sự im lặng xoáy mạnh vào lương tâm con người, buộc con người phải suy nghĩ
lại chính mình.
- “Giật mình” ẩn chứa nhiều trạng thái cảm xúc:
+ Nhận ra bao nhiêu vẻ đẹp của trăng.
+ Tự thây mình sống thật tồi tệ với quá khứ.
+ Thức tỉnh lương tâm: gợi nhắc lẽ sống uống nước nhớ nguồn, ân tình thủy
chung với quá khứ.
III. Kết bài
- Đánh giá giá trị bài thơ, đoạn thơ được phân tích (tùy theo đề)
+ Nội dung : nhắn nhủ con người về lẽ sống biết ơn, thủy chung tình nghĩa.
+ Nghệ thuật: giọng điệu tâm tình tự nhiên, ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình ảnh
giàu tính biểu cảm…
- Rút ra cảm nghĩ, liên hệ bản thân.

Đề 1. Phân tích đoạn thơ :


Hồi nhỏ sống với đồng
……………………….
Như người dưng qua đường.
(Ánh trăng, Nguyễn Duy)
I. Mở bài
Đã từ lâu, ánh trăng đi vào văn chương trong cảm hứng lãng mạn dạt dào. Với
Nguyễn Duy, ánh trăng trong bài thơ cùng tên ẩn chứa một ý nghĩa mới. Ánh trăng là
hình ảnh của quá khứ, là nghĩa tình chung thuỷ. Bài thơ là lời tự nhắc nhở của tác giả
về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính ; đồng thời thức dậy
trong tâm hồn người lính, tâm hồn mỗi chúng ta lòng thuỷ chung với quá khứ, với
nhân dân. Ba khổ thơ đầu đã thể hiện thật sâu sắc, cảm động sự gắn bó tình nghĩa giữa
người với trăng và cả khoảnh khắc lãng quên không dễ thứ tha để từ đó thức tỉnh
lương tâm người lính :
Hồi nhỏ sống với đồng
……………………….
Như người dưng qua đường.
II. Thân bài
1. Hoàn cảnh sáng tác và vị trí đoạn trích
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy ra đời năm 1978. Cuộc chiến tranh đã đi
qua nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn nhiều thế hệ. Như một quy luật
của cuộc sống, sau chiến tranh với những bộn bề lo toan xây dựng đã làm người ta
quên đi quá khứ, quên đi ân nghĩa của biết bao người. “Ánh trăng” ra đời trong dòng
cảm hứng sám hối của văn học sau 1975. Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ gồm 6
khổ được bố cục 3 phần tương ứng với ba giai đoạn, ba hoàn cảnh khác nhau trong
cuộc đời người lính. Hai khổ đầu là sự gắn bó tình nghĩa giữa người và trăng. Hai khổ
tiếp theo là những lãng quên, và hai khổ cuối cùng là lời tự thú, tự nhắc nhở mình
không được lãng quên quá khứ.
2. Phân tích cụ thể
2.1 Sự gắn bó tình nghĩa giữa người và trăng (2 khổ đầu)
a) Khổ 1
Những câu thơ đầu tiên, hình ảnh vầng trăng xuất hiện gắn với một thời trẻ thơ
cùng biết bao kỉ niệm thật đẹp :
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
Từ “với” lặp lại ba lần gắn với các từ “đồng, sông, bể” diễn tả tuổi thơ thênh
thang đi nhiều nơi, cảm nhận những vẻ đẹp thiên nhiên kì thú. Phép nhân hóa đã thể
hiện thật giản dị mà sâu sắc mối quan hệ gắn bó giữa trăng với người. Quá khứ được
gợi nhắc qua những đồng, những sông, những bể tạo cho khúc dạo đầu ấn tượng sâu
lắng kì lạ. Có lẽ, khi nhắc đến những sự vật quá đỗi thân thuộc ấy, nhà thơ đã chạm
đến miền thẳm sâu trong tâm thức người Việt. Ở đó, những cánh đồng, những sông,
những bể… đã in dấu đậm sâu đến mức không thể phai nhoà. Câu thơ còn có ý nghĩa
khái quát rộng hơn : con người khi bắt đầu lớn lên sống với những cánh đồng biểu
hiện cho tâm hồn trong sáng, hồn nhiên. Khi bước vào đời, sống “với sông” là sống
với sự trôi chảy, lớn mạnh. Rồi con sông ấy trôi về biển với tất cả sự dào dạt, vô tận
của cuộc đời.
Dòng hoài niệm tiếp tục dẫn nhân vật trữ tình về với thời chiến tranh ở rừng :
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Câu thơ “hồi chiến tranh ở rừng” nằm chung trong dòng cảm xúc gợi về thời
quá khứ. Đó là khoảng thời gian tạo nên giá trị tâm hồn một thế hệ trước đây của đất
nước. Thời chiến tranh con người đi qua nhiều nơi, có thể bắt gặp biết bao nhiêu hình
ảnh thế mà đọng sâu trong nỗi nhớ vẫn là “vầng trăng”. Vầng trăng hiện về gắn với
những nẻo đường hành quân thấm đẫm ánh trăng; với những đêm phục kích giữa
“rừng hoang sương muối” bất ngờ nhận ra “đầu súng trăng treo” ; với những quầng
lửa bom bi mà ở đó sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc :
Bom bi nổ chậm, nổ trên đỉnh đồi
Lốm đốm nền trời những quầng lửa đỏ
Một lát sau cũng từ phía đó
Trăng lên.
(Phạm Tiến Duật)
Từ những gian lao, thiếu thốn, hiểm nguy của cuộc sống đời lính, trăng và người đã
xích lại gần nhau, càng lúc càng mặn nồng, càng lúc càng khăng khít. Hai tiếng “tri
kỉ” vang lên trong câu thơ của Nguyễn Duy nghe ấm áp một mối thâm tình của những
đôi bạn đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vượt qua bao thử thách của thời gian, của cuộc
sống chiến trường. Vầng trăng tượng trưng cho tâm hồn thanh khiết, thuần hậu, trắng
trong khi còn thơ và được nuôi dưỡng, tinh luyện qua gian khổ tháng ngày chiến
tranh.
b) Khổ 2
Trong khổ thơ tiếp theo, dường như nhà thơ muốn nhấn mạnh nét thanh khiết,
thuần hậu đó một lần nữa :
Trần trụi với thiên nhiên
……………………………
cái vầng trăng tình nghĩa
Từ “trần trụi” đứng đầu câu thơ diễn tả trạng thái tâm hồn con người khi tiếp
xúc với thiên nhiên hết sức chân thật, không có gì ngăn cách. Giữa con người với
thiên nhiên, cụ thể hơn giữa trăng và con người không còn biên giới ; trăng vô tư, con
người cũng vô tư. Khi con người chan hoà với vầng trăng, trăng là người bạn đồng
hành, cả hai hoà làm một. Ý tưởng đó được khắc sâu hơn qua câu thơ “hồn nhiên như
cây cỏ”. Biện pháp so sánh nói lên sự hoà hợp trọn vẹn. Tâm hồn con người trong
khoảng thời gian đẹp là “hồi nhỏ” và “hồi chiến tranh” sống hồn nhiên, rộng mở,
chân thật, khoáng đạt như cỏ cây không hề gợn nét vẩn đục, so đo, tính toán. Trăng
không chỉ là “tri kỉ” mà còn là “tình nghĩa” với con người vì nhờ nó mà con người có
niềm vui, có hạnh phúc với sự thuần hậu trong tâm hồn. Cái vầng trăng mộc mạc giản
dị ấy là tâm hồn của người nhà quê, tâm hồn những người lính. Nó chứa đựng bao giá
trị tinh thần để con người biết sống có nghĩa tình.
Con người và thiên nhiên hài hoà trong mối kết giao tri kỉ, thuỷ chung. Tình
cảm ấy thật hồn nhiên, tự nhiên, trong sáng, vô tư, mộc mạc mà ăm ắp nghĩa tình. Vậy
nên, nếu nhà thơ viết “Sẽ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa” thì hẳn
bạn đọc cũng đã chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Bài thơ cũng không vì thế mà
kém hay đi. Nhưng một chữ “ngỡ” đã mở ra dòng suy tư khác :
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Từ “ngỡ” đã khẳng định một lần nữa tình trăng và người nhưng đồng thời còn diễn tả
một sự ngỡ ngàng. Sóng gió đã nổi lên rồi. Thì ra, cái tưởng như chắc chắn nhất có
khi lại dễ lung lay nhất.
2.2 Sự lãng quên (Khổ 3)
Trở về với cuộc sống thời bình, con người đã có lúc quên trăng:
Từ hồi về thành phố
……………………..
như người dưng qua đường.
Cuộc sống hiện đại với ánh sáng chói loà của ánh điện, cửa gương đã làm lu
mờ ánh sáng của vầng trăng. Tác giả đã tạo ra sự đối lập giữa hình ảnh vầng trăng tri
kỉ, nghĩa tình trong quá khứ và vầng trăng “như người dưng qua đường” trong hiện
tại. Sự đối lập này đã diễn tả những thay đổi trong tình cảm của con người. Thuở
trước, ta hồn nhiên sống với đồng, với sông, với bể, với rừng, khi ấy, thiên nhiên và
con người gần gũi, hoà hợp. Bây giờ, sống giữa cuộc sống phồn hoa đô hội, con người
không còn nhớ hình ảnh tri kỉ xưa. Cũng cùng tâm lí này, trong bài thơ “Việt Bắc”,
Tố Hữu đã cất tiếng hỏi :
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng ?
Một sự thay đổi phũ phàng khiến lòng người không khỏi nhói đau. Giọng điệu thơ
nghe như hờn trách, như ngầm chứa bao nỗi xót xa. Cách so sánh “vầng trăng đi qua
ngõ – như người dưng qua đường” làm lòng người xa xót. Thuỷ chung, tình nghĩa là
những nét đẹp trong tính cách dân tộc, sự phụ bạc trở thành cái không thể chấp nhận
được. Những bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, nhịp điệu gấp gáp nơi đô hội có thể
bào chữa cho sự bội nghĩa chăng ? Cũng như ánh điện tràn ngập các nhà cao, các dãy
phố có thể giúp thanh minh cho sự dửng dưng, hờ hững kia chăng ? Ai đó có thể bỏ
qua nhưng nhà thơ thì không. Ta hiểu, tuy cố giữ giọng bình thản nhưng nhà thơ đang
tự cật vấn lương tâm mình nhiều lắm.
III. Kết bài
Ba khổ thơ với ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình ảnh giàu sức gợi, thấm đẫm nỗi
xót xa, thấm thía, Nguyễn Duy đã gợi dậy trong ta bao suy ngẫm sâu xa. Cái vầng
trăng bình dị ấy đi vào thơ ông ẩn chứa bao hàm ý sâu sắc. Và ta hiểu, những tầng bậc
cảm xúc trong những khổ thơ đầu này sẽ tạo mạch cho những suy ngẫm giàu chất triết
lí trong những khổ thơ tiếp theo về lẽ sống của con người mà thi sĩ gởi gắm qua hình
tượng vầng trăng đa nghĩa ấy.
Đề 2. Phân tích đoạn thơ :
“Thình lình đèn điện tắt
……………………..
Đủ cho ta giật mình”
(Ánh trăng, Nguyễn Duy)
I. Mở bài
Đã từ lâu, ánh trăng đi vào văn chương trong cảm hứng lãng mạn dạt dào. Với
Nguyễn Duy, ánh trăng trong bài thơ cùng tên ẩn chứa một ý nghĩa mới. Ánh trăng là
hình ảnh của quá khứ, là nghĩa tình chung thuỷ. Bài thơ là lời tự nhắc nhở của tác giả
về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính ; đồng thời thức dậy
trong tâm hồn người lính, tâm hồn mỗi chúng ta lòng thuỷ chung với quá khứ, với
nhân dân. Ba khổ thơ cuối đã thể hiện thật sâu sắc, cảm động khoảnh khắc giật mình
thức tỉnh lương tâm thật đáng quý của người lính – nhà thơ khi đối diện với vầng
trăng nghĩa tình :
Thình lình đèn điện tắt
……………………….
Đủ cho ta giật mình
II. Thân bài
1. Hoàn cảnh sáng tác và vị trí đoạn trích
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy ra đời năm 1978. Cuộc chiến tranh đã đi
qua nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn nhiều thế hệ. Như một quy luật
của cuộc sống, sau chiến tranh với những bộn bề lo toan xây dựng đã làm người ta
quên đi quá khứ, quên đi ân nghĩa của biết bao người. “Ánh trăng” ra đời trong dòng
cảm hứng sám hối của văn học sau 1975. Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ gồm 6
khổ được bố cục 3 phần tương ứng với ba giai đoạn, ba hoàn cảnh khác nhau trong
cuộc đời người lính. Hai khổ đầu là sự gắn bó tình nghĩa giữa người và trăng. Hai khổ
tiếp theo là những lãng quên, và hai khổ cuối cùng là lời tự thú, tự nhắc nhở mình
không được lãng quên quá khứ.
2. Phân tích cụ thể
2.1 Tình huống bất ngờ (Khổ 4)
Đoạn thơ mở đầu bằng một tình huống bất ngờ :
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Đây là khổ thơ quan trọng trong kết cấu của thi phẩm, là sự chuyển biến có ý
nghĩa bước ngoặt trong mạch cảm xúc, bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của bài thơ. Mọi cái
diễn ra quá bất ngờ. Các từ “thình lình, vội, đột ngột” đã thể hiện điều đó. Cụm từ
“vội bật tung” đã diễn tả trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, bất ngờ của con người trước
tình huống bất trắc. Có lẽ, khi mất điện, con người cũng chỉ muốn mở cửa ra để đón
lấy một chút gió trời chứ không hình dung được cái gì đang chờ mình ngoài kia. Vậy
nên, khi nhìn thấy vầng trăng thì đúng là quá bất ngờ :
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Từ "đột ngột" diễn tả trạng thái sững sờ khi bất ngờ gặp lại vầng trăng, gặp lại chính
mình trong quá khứ. Rõ ràng, vầng trăng vẫn mãi hiện hữu đấy thôi chứ đâu phải khi
"đèn điện tắt" mới có. Chỉ có điều con người bây giờ mới lại nhìn thấy, mới kịp nhận
ra. Vậy nên, trong từ "đột ngột" ấy, ta còn cảm nhận rất rõ giây phút bừng ngộ của
nhà thơ về ý nghĩa những năm tháng quá khứ.

2.1 Sự thức tỉnh lương tâm của người lính (2 khổ còn lại)
a) Khổ 5
Trong cái khoảnh khắc “thình lình” đối diện với vầng trăng ấy, nhà thơ xúc
động mãnh liệt:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Phép nhân hóa trong cụm từ "mặt nhìn mặt" góp phần thể hiện trạng thái xúc
cảm chân thành của nhà thơ. Từ "rưng rưng" cho thấy nhà thơ bị xúc động mạnh.
Nước mắt đã ứa ra. Xúc động vì lẽ gì? Xúc động vì vui mừng, hạnh phúc khi lâu lắm
rồi mới gặp lại tri kỉ. Xúc động còn vì ân hận, xấu hổ bởi đã có lúc con người hờ hững
với quá khứ. Chính vì thế, tất cả kỉ niệm, kí ức của những ngày xưa ào ạt sống lại, ào
ạt hiện về. Điệp ngữ "như là" và các chi tiết "đồng, sông, bể, rừng" khiến cho kỉ niệm
sống dậy thật rõ nét. Người đọc không thể không nhớ tới những câu thơ đầu tiên trong
thi phẩm:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Điều đó nói với chúng ta rằng quá khứ nghĩa tình đã không mất đi, vẫn còn nguyên
vẹn đó. Con người chỉ vì cuộc sống tất bật mưu sinh, vì những mê hoặc của vật chất
tầm thường đã có lúc lãng quên. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, cái chất người thánh
thiện vẫn sống. Vậy nên, giờ đây, chỉ cần một tác động nhỏ là tất cả sẽ sống dậy trọn
vẹn. Điều đó đã làm nên vẻ đẹp đáng trân quý trong tâm hồn con người.

b) Khổ 6
- Nhà thơ nhận ra được những phẩm chất cao đẹp của trăng:
+ Trăng cứ tròn vành vạnh: nhấn mạnh sự tròn đầy, chung thủy của trăng.
+ Phép tương phản: trăng tròn >< người vô tình trăng thật cao thượng.
+ Phép nhân hóa: “trăng im phăng phắc” tô đậm sự bao dung cao cả của
trăng, sự im lặng xoáy mạnh vào lương tâm con người, buộc con người phải suy nghĩ
lại chính mình.
- “Giật mình” ẩn chứa nhiều trạng thái cảm xúc:
+ Nhận ra bao nhiêu vẻ đẹp của trăng.
+ Tự thây mình sống thật tồi tệ với quá khứ.
+ Thức tỉnh lương tâm: gợi nhắc lẽ sống uống nước nhớ nguồn, ân tình thủy
chung với quá khứ.
Kết thúc bài thơ là khoảnh khắc "giật mình" thức tỉnh lương tâm:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Đối diện với vầng trăng trong phút giây hạnh ngộ bất ngờ, nhà thơ nhận ra bao
nhiêu phẩm chất cao đẹp của trăng vẫn vẹn nguyên theo năm tháng. Cụm từ "cứ tròn
vành vạnh" cho thấy trăng muôn đời vẫn thế, trọn vẹn nghĩa tình, trước sau như một,
son sắc thủy chung. Nhà thơ sử dụng phép tương phản thật đắt giá: "trăng cứ tròn , kể
chi người vô tình". Sự tròn đầy, viên mãn của trăng đặt cạnh sự vô tình của con người
cho thấy trăng thật cao thượng biết bao. Hơn thế nữa, dù người có thế nào, trăng vẫn
không một lời trách cứ. Phép nhân hóa trong câu thơ "Ánh trăng im phăng phắc" đã
cho thấy vẻ đẹp của sự khoan dung, độ lượng của trăng. Những phẩm chất cao đẹp ấy
của trăng cũng chính là những phẩm chất cao đẹp của con người, những con người đã
từng gắn bó với nhà thơ một thời trong quá khứ. Đó là bè bạn tuổi ấu thơ, đó là đồng
chí, đồng đội, những tri kỉ năm xưa... Họ vẫn thế, trước sau nguyên vẹn một tấm chân
tình. Chỉ có nhà thơ là thay đổi. Vậy nên, trong giây phút này đây, trước sự bao dung,
vị tha cao cả, trước sự "im lặng" của trăng khiến cho tác giả thêm day dứt, hối hận
trước tòa án lương tâm:
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Cái im lặng dịu dàng, tha thứ nhưng lại như một lời trách cứ nghiêm khắc xoáy
sâu vào tâm hồn nhà thơ. Đúng là đôi khi sự im lặng chính là sự trừng phạt nặng nề
nhất. Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn
trong hai chữ “giật mình”. Giật mình vì trăng đầy đặn nghĩa tình mà mình lại có lúc
quên trăng; giật mình vì trăng bao dung, nhân hậu mà mình là kẻ vô tình; giật mình vì
đã có lúc quên bạn bè, quá khứ... Đó là cái giật mình thức tỉnh với quá khứ nghĩa tình.
Đó là cái giật mình thức nhận về một chân lí giản dị mà sâu sắc : con người thực sự
không thể sống thiếu quá khứ, không thể không biết đứng trên quá khứ để vươn tới
tương lai... Trong thơ Nguyễn Duy, trong thơ Việt Nam sau 1975, ta hay gặp những
cái "giật mình" như thế:
Tắc kè…
tắc kè…
tôi giật mình
bên hàng me, góc đường Công Lý cũ
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố
con tắc kè sao mày ở đây ?
(Nguyễn Duy)
Trong dòng thác vận động của cuộc sống, đặc biệt là trong xã hội hiện đại,
những cái “giật mình” như vậy thật đáng quý biết bao. Nó níu giữ con người khỏi bị
trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hàng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám
dỗ tầm thường. Nó hướng con người tới những lẽ sống cao đẹp: "uống nước nhớ
nguồn", lẽ sống nghĩa tình, chung thủy. Khổ thơ cuối của thi phẩm vì vậy thật giàu
chất triết lí và chiều sâu suy ngẫm.
III. Kết bài
Cách 1

- Đánh giá lại nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ

- Nêu cảm nghĩ, liên hệ....


Với thể thơ năm chữ, giọng điệu chân thành, tự nhiên mà giàu cảm xúc; vận
dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ...; xây dựng hình
ảnh vầng trăng có ý nghĩa sâu sắc, ba khổ thơ cuối đã thể hiện thật xúc động khoảnh
khắc giật mình thức tỉnh lương tâm của con người. Sự thức tỉnh của nhà thơ đã tác
động sâu sắc đến mỗi người đọc chúng ta, hướng con người tới lẽ sống cao đẹp. Nó
nhắn nhủ mỗi người đọc hôm nay về đạo lí biết ơn, về lẽ sống nghĩa tình, những giá trị
đẹp trong truyền thống đạo lí ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Cách 2

Mục đích của nghệ thuật là tác động đến tâm hồn con người, làm thay đổi con
người và xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Bài thơ “Ánh trăng” với những đặc sắc riêng
về nội dung và nghệ thuật đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng ấy của nghệ thuật đích
thực. Đặc biệt, ba thổ thơ cuối, với khoảnh khắc giật mình thức tỉnh lương tâm rất
đáng trân trọng của chủ thể trữ tình, Nguyễn Duy đã thể hiện thật cảm động, sâu sắc
vẻ đẹp tâm hồn cao khiết của con người. Để bạn đọc, khi đến với bài thơ, đến với
đoạn thơ, ta lại nghe rất rõ những lời thì thầm mang giá trị nhân văn của nghệ thuật
chân chính.
Đề 3. Suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài "Ánh trăng" của Nguyễn Duy
I. Mở bài
Đã từ lâu, ánh trăng đi vào văn chương trong cảm hứng lãng mạn dạt dào. Với
Nguyễn Duy, ánh trăng trong bài thơ cùng tên ẩn chứa một ý nghĩa mới. Ánh trăng là
hình ảnh của quá khứ, là nghĩa tình chung thuỷ. Bài thơ là lời tự nhắc nhở của tác giả
về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính ; đồng thời thức dậy
trong tâm hồn người lính, tâm hồn mỗi chúng ta lòng thuỷ chung với quá khứ, với
nhân dân. Khổ thơ cuối đã thể hiện thật sâu sắc, cảm động khoảnh khắc giật mình thức
tỉnh lương tâm thật đáng quý của người lính – nhà thơ khi đối diện với vầng trăng
nghĩa tình :
II. Thân bài
1. Vài nét khái quát
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy ra đời năm 1978. Cuộc chiến tranh đã đi
qua nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn nhiều thế hệ. Như một quy luật
của cuộc sống, sau chiến tranh với những bộn bề lo toan xây dựng đã làm người ta
quên đi quá khứ, quên đi ân nghĩa của biết bao người. “Ánh trăng” ra đời trong dòng
cảm hứng sám hối của văn học sau 1975. Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ gồm 6
khổ được bố cục 3 phần tương ứng với ba giai đoạn, ba hoàn cảnh khác nhau trong
cuộc đời người lính. Từ quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa người và trăng đến những lãng
quên và cuối cùng là lời tự thú, tự nhắc nhở mình không được lãng quên quá khứ. Khổ
cuối của bài thơ là lời tự thú, tự nhắc nhở thật sâu sắc và cảm động, chân thành.
2. Suy nghĩ về khổ cuối
Khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Trăng vẫn thế, trăng nhìn cố nhân
vô tình kia vẫn bằng con mắt trong trẻo. Chỉ có lương tâm thi nhân đang lên tiếng,
những lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh,
day dứt.
Nhìn lên ánh trăng mà lòng tràn ngập niềm xúc động. Những kỉ niệm một thời
như đã vắng xa nay lại quay về. Bài thơ kết thúc trong dòng cảm xúc miên man :
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Vẫn biết rằng vầng trăng trên kia khi ta chưa sinh ra cũng cứ khuyết lại tròn,
khi ta tồn tại hay sau này ta có thành cát bụi thì trăng vẫn cứ khuyết lại tròn vậy thôi.
Nhưng, trong cái nhìn của Nguyễn Duy, trăng hình như chưa bao giờ thay đổi – “cứ
tròn vành vạnh”. Hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Trăng muôn đời vẫn
thế, trọn vẹn và cao thượng đến lạ lùng, mặc cho con người có thờ ơ, lạnh nhạt. Cả bài
thơ, tác giả sử dụng sáu lần hình ảnh vầng trăng để nói về những giá trị đích thực của
quá khứ, về ân tình, ân nghĩa thủy chung. Sự tròn đầy, viên mãn của trăng đặt cạnh sự
vô tình của con người cho thấy trăng thật cao thượng, vị tha. Điều đó càng làm tác giả
thêm day dứt, hối hận trước tòa án lương tâm. Quả thật, chẳng có tòa án nào xét xử sự
lãng quên của con người, chỉ có lương tri ở sâu thẳm tâm hồn mới đánh thức trong
chúng ta trách nhiệm với quá khứ. Sự cao thượng, vị tha của trăng – bất chấp con
người vô tình, xa lạ - buộc nhà thơ phải suy nghĩ lại chính mình :
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Biện pháp nhân hóa tinh tế đã cho ta thấy sự bao dung cao cả của vầng trăng
quá khứ. Nó im lặng trước sự bội bạc vô tình của con người. Thà rằng trăng cất lời
trách móc hay ẩn mình sau đám mây nào đó, có lẽ lòng kẻ vô tình kia đỡ ân hận. Cái
im lặng dịu dàng, tha thứ nhưng lại như một lời trách cứ nghiêm khắc xoáy sâu vào
tâm hồn nhà thơ. Đúng là đôi khi sự im lặng chính là sự trừng phạt nặng nề nhất. Thật
khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai
chữ “giật mình”. Nếu như người đọc đã từng giật mình như một phản xạ thì đến đây
có lẽ sẽ cảm nhận được cái giật mình của lương tâm. Có người sẽ hỏi rằng nếu không
mất điện liệu nhà thơ có được sự thức tỉnh ấy không ? Một lần nữa xin đừng “mổ xẻ”
câu chữ, hãy gượng nhẹ mà đón lấy niềm tâm sự sâu kín của thi nhân. Nguyễn Duy đã
diễn tả rất thành công những biến thái tinh vi của một tâm hồn trong quá trình ăn năn,
hối hận. Nếu ai đã có lần đọc “Hơi ấm tổ rơm” của tác giả sẽ nhận thấy cảm xúc của
Nguyễn Duy rất dễ rung với những tình huống giản dị mà có lẽ ít nhà thơ có được:
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm 
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng 
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm 
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no 
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa 
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.
Lớn lên trong cảnh nghèo ở nông thôn Thanh Hóa, tác giả thường có những băn
khoăn, trăn trở về đời sống lam lũ, vất vả của bà con lao động. Chính vì thế, những lời
thơ của Nguyễn Duy thường rất mộc mạc, dân dã mà vẫn rất xúc động. Người đọc
cảm nhận sâu sắc những gì tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ có lẽ nhờ vào mạch nguồn
chân thành ấy.
Cũng như giờ đây, chính cái giật mình thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả
khiến lòng ta cảm động. Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Giật mình vì trăng đầy đặn
nghĩa tình mà mình lại có lúc quên trăng; giật mình vì trăng bao dung, nhân hậu mà
mình là kẻ vô tình; giật mình vì đã có lúc quên bạn bè, quá khứ. Đó là cái giật mình
thức tỉnh với quá khứ tràn đầy bất diệt. Đó là cái giật mình thức nhận về một chân lí
giản dị mà sâu sắc : con người thực sự không thể sống thiếu quá khứ, không thể không
biết đứng trên quá khứ để vươn tới tương lai. Và đó còn là cái giật mình khi thêm một
lần hiểu hơn về tấm lòng yêu thương, vị tha cao cả của nhân dân. Nguyễn Duy, con
người của gốc lúa bờ tre, của nắng nỏ trời xanh, của lời ru trọn kiếp người không đi
hết ấy thường hay giật mình giữa chốn đô hội ồn ào :
Tắc kè…
tắc kè…
tôi giật mình
bên hàng me, góc đường Công Lý cũ
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố
con tắc kè sao mày ở đây ?
(Nguyễn Duy)
Những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành nguồn mạch
hồi ức thường trực trong tâm hồn nhà thơ. Cho nên chỉ một tiếng tắc kè kêu cũng đủ
làm cho nguồn mạch ấy dào dạt chảy. Thì ra, người vốn thiết tha với đồng quê bình dị,
say sưa với ca dao hò vè cũng là người ân tình với quá khứ gian lao, nặng lòng với núi
rừng một thuở.
Có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa.
Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát – triết lí: ai
cũng có những vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự
thức tỉnh, những lúc “giật mình” nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh
mất chính mình? Trong dòng thác vận động của cuộc sống, những cái “giật mình” như
vậy thật đáng quý biết bao. Nó níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo
toan tất bật hàng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên
hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Khổ thơ cuối
vì vậy thật giàu chất triết lí và chiều sâu suy ngẫm của nhà thơ.
Cả bài thơ thấm đẫm trong ánh trăng trong trẻo, ngời mát và ám ảnh. Lí Bạch
đã từng có hai câu thơ rất nổi tiếng:
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương,
(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê hương.)
Giữa miền đất xa lạ dẫu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lí Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ
quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách.
Với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia gợi lại cả một thời quá khứ và
đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi
tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác
nhau đến thế… Thế mới càng thấy, thơ muôn đời là tiếng lòng, là cảm xúc của thế
giới của những trái tim !
III. Kết bài
Mục đích của nghệ thuật là tác động đến tâm hồn con người, làm thay đổi con
người và xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Bài thơ “Ánh trăng” với những đặc sắc riêng
về nội dung và nghệ thuật đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng ấy của nghệ thuật đích
thực. Đặc biệt, khổ thơ cuối, với khoảnh khắc giật mình thức tỉnh lương tâm rất đáng
trân trọng của chủ thể trữ tình, Nguyễn Duy đã thể hiện thật cảm động, sâu sắc vẻ đẹp
tâm hồn cao khiết của con người. Để bạn đọc, khi đến với bài thơ, đến với đoạn thơ, ta
lại như một lần được đối diện với chính mình, được nghe rất rõ những lời thì thầm
mang giá trị nhân văn của nghệ thuật chân chính.

You might also like