Bản Sao Của 1956010005 Le Nguyen Thien Ngoc Vhta

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN – ĐHQG-TP.

HCM
KHOA VĂN HỌC
Học kỳ: 1, Năm học: 2021-2022; Học phần: VĂN HỌC TÂY ÂU 2

BÀI THI CUỐI KỲ

Họ và tên SV: Lê Nguyễn Thiên Ngọc GV phụ trách:


MSSV: 1956010005 PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu

Điểm số:

BÀI LÀM

Câu 1:

Với văn học lãng mạn, Victor Hugo từng nhận định “Chúng ta dùng chiếc búa lớn
đập mạnh vào mọi thứ lí luận, thi học và hệ thống , bóc trần những lớp phấn cũ kĩ trát
bên ngoài nghệ thuật...”. Thật vậy, văn học lãng mạn ra đời đã tạo nên vùng đất màu
mỡ cho các nhà văn có thể thoải mái sáng tạo theo dự án thẩm mỹ của mình và “cái
Tôi trở thành như một giá trị”.

Chủ nghĩa lãng mạn vừa là trào lưu văn học vừa là phương pháp sáng tác. Chủ
nghĩa lãng mạn với tư cách là một trào lưu thì phải tới cuối thế kỷ XVIII đến những
năm 30, 40 của thế kỉ XIX mới được hình thành ở Đức sau đó lan rộng sang nước
Anh, Pháp, Nga,... Và nhanh chóng phát triển thành phong trào văn học rộng khắp
Châu Âu. Chủ nghĩa lãng mạn phát triển mạnh mẽ nhất là ở Pháp trước sau cuộc Cách
mạng tư sản Pháp khoảng những năm 90 của thế kỷ XVIII đến những năm 30 của thế
kỷ XIX.

Văn học lãng mạn đề cao ý thức cá nhân của người nghệ sĩ. Những mong muốn,
khát khao, cảm xúc,... là những yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm lãng
mạn. Văn học lãng mạn quay về với những đề tài lấy cảm hứng từ lịch sử, xã hội và
cuộc sống của đất nước mình, kể cả những gì bình dị nhất. Nhà Thờ Đức Bà Paris của
Victor Hugo được xem là một trong những tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa lãng mạn
lấy cảm hứng từ bối cảnh xã hội Pháp, cụ thể là thị dân Paris thời kỳ trung cổ. Những
nhân vật được xây dựng giờ không chỉ là những người trong hàng ngũ quý tộc, vua
chúa,.. ở các đền đài Gothic nguy nga tráng lệ và đầy bí ẩn, văn học lãng mạn chọn
các nhân vật quen thuộc trong cuộc sống, kể cả hạng người được xem là tận cùng của
xã hội: Quasimodo, Jean Valjean, Esmeralda, Harolds,...

Với quan niệm đề cao cái tôi cá nhân và sự tự do của con người, chủ nghĩa lãng
mạn coi trọng sự sáng tạo của các nhà văn trong quá trình sáng tác. Cũng từ chất liệu
cuộc đời thực, các nhà văn lãng mạn thoải mái tái tạo, xây dựng lại nó theo dự án
thẩm mỹ của mình để truyền tải thông điệp. Vì thế mà trong các tác phẩm thuộc trào
lưu văn học lãng mạn “phá vỡ những chiều kích và tỷ lệ khách quan của hiện thực”.
Chính vì điều này đã tạo ra sự khác biệt đối với chủ nghĩa hiện thực. Trong khi văn
học hiện thực phản ánh cuộc sống như nó là, nghĩa là các nhà văn bằng các biện pháp
nghệ thuật tái hiện lại bức tranh hiện thực càng rõ nét càng tốt, thì văn học lãng mạn
viết về cuộc đời, về con người một cách chủ quan, theo cái nhìn riêng của nhà văn.
“Ông muốn và biết cách miêu tả con người như mắt ông nhìn thấy nó, còn tôi thì cố
miêu tả con người như tôi nhìn thấy thế, như tôi muốn trở thành”.

Văn học lãng mạn chú ý đề cao cảm xúc, tình yêu, ước mơ,... của con người.
Trong các sáng tác, nhà văn lãng mạn tập trung mọi thao tác để làm bật lên mục tiêu
đó. Các nhân vật được lý tưởng hóa, đôi khi là không tưởng, khó phát hiện trong thế
giới thực. Mỗi nhân vật trong văn học lãng mạn đều có cho mình những lý tưởng
riêng, đôi khi là bất khả thi do lý tưởng đó thuộc về ý thức chủ quan hay mơ ước của
người cầm bút. Vì không dựa theo thực tế của lịch sử xã hội nên cách thực hiện lý
tưởng đó đôi khi còn mơ hồ và bất khả thi. Nhân vật Đức Giám Mục Myriel, Jean
Valjean trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo được xây dựng với
tấm lòng nhân ái tuyệt vời. Jean Valjean là một tên tù khổ sai những sau này đã làm
lên đến chức thị trưởng mà quá khứ được giấu kín khó phát hiện. Lòng tốt của Jean
Valjean khiến ông sẵn sàng tha thứ cho tên cảnh sát trường Javert, người luôn tìm đủ
mọi cách để hãm hại mình. Nhìn chung, nhân vật Myriel và Jean Valjean được Victor
Hugo xây dựng như những vị thánh được tôn vinh trong Kinh Thánh và Giáo hội, đối
nghịch với thực tại xã hội đầy nhiễu nhương mà ông phải chứng kiến. Nó phù hợp với
quan niệm sáng tác hướng con người đến niềm tin vào sức mạnh của sự thiện lành.
Văn học lãng mạn đề cao những đức tính tốt đẹp bản thủy của con người. Đó là những
tâm hồn đơn sơ, tốt đẹp khi mà chưa bị ảnh hưởng bởi đồng tiền, bởi sự phát triển của
xã hội trần tục. Điều này đã làm cho văn học lãng mạn trong một chừng mực nào đó
mang tinh thần tố cáo, phủ định xã hội đương thời.

Chủ nghĩa lãng mạn chú ý đi sâu vào từng ngóc ngách trong tâm hồn của các nhân
vật để khắc họa nên một bức tranh cảm xúc sinh động, nhiều màu sắc. Với chủ nghĩa
lãng mạn, các tác phẩm văn học thấm đẫm chất trữ tình khiến người thưởng thức như
chìm vào trong thế giới của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tóm lại, trào lưu văn
học lãng mạn xuất hiện từ rất lâu, nhưng “tàn dư” của nó vẫn mãi lan tỏa qua nhiều
thế kỷ. Sở dĩ nó tồn tại lâu như vậy và chưa có một dấu hiệu mai một là vì nó đã đề
cao sự tự do và sức sáng tạo của con người, nó cho phép người nghệ sĩ bộc lộ những
cô đơn và thất vọng trước hiện thực cuộc sống.

Câu 2:
Ra đời năm 1833, Eugénie Grandet được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết
đặc sắc trong bộ tiểu thuyết Tấn trò đời (tên tiếng Pháp là La comédie humaine) của
Honoré de Balzac - nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỉ XIX. Tác phẩm đã
thể hiện sâu sắc giá trị nhân sinh – thẩm mĩ. Bên cạnh việc vạch trần được những bi
kịch âm thầm trong gia đình, những tình cảm kinh khủng “mà kẻ gây ra cũng che giấu
kĩ như người chịu đựng”. Eugénie Grandet còn thành công khắc họa được những kiểu
người tiêu biểu cho xã hội Pháp lúc bấy giờ.

Có thể hiểu giá trị nhân sinh là thước đo giá trị của mọi giá trị được hiểu từ logic
đó. Và xét từ góc độ nào thì giá trị nhân sinh cũng là tấm gương phản chiếu dáng dấp
của một xã hội. Giá trị nhân sinh - thẩm mỹ của Eugénie Grandet được thể hiện ở bộ
mặt xã hội Pháp đương thời và cả ở những đặc sắc trong cách xây dựng nhân vật để
phản ánh cái nhìn và gửi gắm tư tưởng của Balzac. Là một nhà văn hiện thực lớn,
nhạy cảm với xã hội và cuộc đời, Balzac luôn hướng về thực tế khách quan đương đại
“Xã hội Pháp sẽ là nhà sử học, tôi chỉ làm người thư ký”. Có thể nói, Eugénie
Grandet đã lột tả đầy đủ những mặt tối của xã hội Pháp đương thời, đặc biệt là sự lên
ngôi của đồng tiền. Đồng tiền là hạt nhân, quyết định, chi phối mọi mối quan hệ và có
uy lực mạnh mẽ sức hấp dẫn kích thích mọi nghị lực. Bằng bút pháp điển hình hóa,
Balzac đã tài tình nhào nặn ra ba nhân vật, đại diện cho ba kiểu người trong xã hội
Pháp vào thế kỷ XIX. Đó là một Grandet luôn “thừa nước đục thả câu”, tiến hành o
ép, bòn rút những người kém cỏi hơn mình để thu lợi cho bản thân. Một Charles tha
hóa Charles, từ một người thiện lương dần trở nên tàn ác, bội bạc. Hay là một Eugénie
xinh đẹp, nhân hậu, giàu lòng vị tha, có “cái trong sạch của con người tuy cọ xát với
cuộc đời mà tâm hồn không dây bẩn” lại là nạn nhân của những đồng tiền xấu xa, dơ
bẩn. Và những nhân vật khác trong tác phẩm, tất nhiên, cũng không thoát khỏi ma lực
ghê gớm của đồng tiền. Họ đều mang những nét đặc trưng của những kiểu mẫu từ
trong hiện thực, phản ánh những nét đặc trưng của con người lúc bấy giờ.

Grandet - một tay tư sản gạo cội keo kiệt, tham tiền và trở thành đại diện cho tầng
lớp tư sản Pháp vào thời kì này. Qua Grandet, Balzac đã lột trần từng mảng đen tối
của bản chất giai cấp tư sản Pháp khi nó đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển. Để
làm được điều đó, tác giả không chỉ tập trung miêu tả cái tổng thể của nhân vật mà
còn chú trọng xây dựng những chi tiết nhỏ. Bởi vì chi tiết tuy chỉ là yếu tố nhỏ lẻ của
toàn bộ tổng thể nhưng lại mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Có thể nói, khi
“xây dựng những điển hình, Balzac luôn đặt trong sự t­ương ứng và phù hợp với hoàn
cảnh điển hình”. Ông tìm kiếm những nguyên nhân chính làm cho con người bị tha
hóa, bị những dục vọng đê hèn chiếm giữ. Và bằng những vốn sống, kinh nghiệm
từng trải của một nhà văn hiện thực, Balzac đã đi sâu mổ xẻ, bóc trần quá trình tích
lũy của cải ghê rợn của lão Grandet một cách vô cùng chi tiết, tỉ mỉ.
Với quy mô kiếm tiền là để tích lũy, nhưng nếu Grandet chỉ dừng lại ở việc tìm
kiếm lợi nhuận từ những việc kinh doanh hàng hóa bình thường, quanh quẩn bên mấy
gốc nho và những ly rượu vang. Thì Charles lại có kiểu kinh doanh mới hơn đó là
buôn bán người - một loại hàng hóa mới đã được sản sinh khi mà mô hình kinh doanh
của giới tư bản đã bước thêm một bước mới nữa. Balzac đã chứng tỏ được cái nhìn
tinh vi của mình trong sự chuyển động của thế giới tư bản khi cho Charles có sự kế
thừa Grandet. Nhưng không chỉ đơn thuần là sự thèm khát về tiền tài, vật chất như
Grandet, Charles còn có sự phát triển trong tư duy, nhận thức khi muốn vươn lên địa
vị cao hơn trong xã hội. Điều này càng chứng tỏ cái dục vọng trong giới thượng lưu tư
sản chỉ có mãnh liệt hơn chứ không hề có sự giảm sút hay bằng lòng. Bằng ngòi bút
lạnh lùng, khách quan của một nhà văn hiện thực, Balzac đã miêu tả bản chất thật của
xã hội đương thời, vạch ra từng chi tiết cụ thể gắn với tính cách điển hình trong nhân
vật điển hình để làm nổi bật con đường phát triển làm giàu của giới tư bản. Qua đó,
tác giả làm bật lên sự phong phú trên con đường làm giàu của giới tư bản, cùng với đó
là quá trình tha hóa bản chất trong mỗi con người, mà chất xúc tác lại chính là sức
mạnh của đồng tiền.

Ngược lại với hai nhân vật trên thì đến nhân vật Eugénie - con gái của Grandet lại
được tác giả xây dựng với tính cách ngây thơ, trong sáng tựa thiên thần. Những
chuyển biến về cuộc sống đến tính cách, cuộc đời của Eugénie thì nàng chính là
những gì thuần khiết còn sót lại của xã hội bị đồng tiền làm cho thối nát. Nhưng chính
nàng cũng không sao thoát khỏi dù đã rất cố gắng. Cuối cùng, nàng vẫn phải trở thành
nạn nhân của nó. Việc xây dựng một nhân vật có tính cách điển hình tốt đẹp hiếm hoi
như Eugénie trong cái xã hội tư bản đầy rẫy những bất công, tha hóa xấu xa ấy càng tô
đậm thêm cái hiện thực tàn nhẫn lúc bấy giờ. Nàng là đại diện cho những người mang
bản chất hiền lành, thánh thiện, nhưng dù có nỗ lực cố gắng đến thế nào đi chăng nữa
cũng không thể thoát khỏi cái số phận bi thương, cùm kẹp giữa cái chủ nghĩa tư bản
tăm tối.

Xuyên suốt tác phẩm Eugénie Grandet, độc giả không chỉ đơn thuần là đọc, mà
còn là cảm thấu, nhìn nhận về những điều mà Balzac đã xây dựng bên trong đó. Bậc
thầy vĩ đại của tiểu thuyết hiện thực đã khiến tác phẩm của mình mang đậm hơi thở
của thời đại, phản ánh sinh động xã hội Pháp thông qua hoàn cảnh và những nhân vật
của mình. Cái xấu, cái bẩn thỉu, ghê sợ ở cái xã hội ấy là con người để đồng tiền quyết
định và điều khiển tất cả các giá trị đạo đức, được ông mô tả hết sức chân thực dưới
một ngòi bút sắc sảo như dao. Qua đó, Balzac còn lồng ghép cái nhìn của mình về
cuộc đời, về con người của thời đại bấy giờ. Chính vì những giá trị đặc sắc đó mà
Eugénie Grandet vẫn như một chiếc thuyền vững chãi lững lờ trôi giữa dòng lịch sử
văn học mà chẳng một con sóng dữ nào có thể mảy may nhấn chìm.

You might also like