Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Nói với con, trò chuyện với con, dặn con…là đề tài thường thấy trong thơ ca nhân

loại nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, có sự khác nhau là ở
phương thức thể hiện, ở giọng điệu, ở tài năng…Y Phương, nhà thơ dân tộc ít
người miền núi phía Bắc là một giọng điệu riêng, khá nhiều ấn tượng.Hai mươi tám
câu thơ tự do, câu ngắn nhất chỉ có hai chữ, câu thơ dài nhất là mười chữ, phần
nhiều là những câu thơ bốn chữ năm chữ; lại có câu thơ cất lên như một khẩu ngữ,
nhưng rất gợi rất đậm đà vì thấm đẫm tình cha, vì cách biểu cảm chân tình, mộc
mạc.

Đoạn thơ mở đầu là lời cha nói với con, về sự ra đời và lớn lên của con, trong tình
thương yêu che chở của cha mẹ và quê hương. Tác giả nói về đứa con yêu quý của
mình như thế này: “Chân phải bước tới cha / chân trái bước tới mẹ / một bước chạm
tiếng nói / hai bước chạm tiếng cười”…Ấy là tả đứa con bé nhỏ ngây thơ, đang tập
đi, đang tập nói cười, đang chập chững lớn dần lên trong yêu thương nâng niu
chăm bẵm của cha của mẹ. Từ đấy thấy hiện rõ cuộc sống hạnh phúc của một gia
đình bé nhỏ, tràn ngập đầm ấm vui tươi. Ta tưởng như đang được ngắm một bức
tranh tứ bình có bốn hình ảnh: chân phải, chân trái, tiếng nói, tiếng cười của một em
bé đang chập chững tập đi, đang bi bô tập nói. Lúc thì sà vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy
tay cha. Điệp ngữ “bước tới” và động từ “chạm" dùng rất khéo, làm nổi bật cái hồn
bức tranh về gia đình hạnh phúc: đôi vợ chồng trẻ với đứa con thơ đầu lòng.

Nhìn đứa con bé bỏng ríu ran trong tiếng cười tiếng nói, niềm hạnh phúc trong lòng
người cha bỗng dâng lên, cùng những suy cảm về quê hương, về “người đồng
mình”, về cái ngày hạnh phúc đầu tiên, ngày cưới của cha mẹ, ngày “đẹp nhất trong
đời”! Nhà thơ nói với con, rằng “người đồng mình yêu lắm con ơi /đan lờ cài nan hoa
/ vách nhà ken câu hát / rừng cho hoa / con đường cho những tấm lòng”…Mấy hình
ảnh có tính chất tiêu biểu, của một vùng quê miền núi, của dân tộc Tày Trùng Khánh
Cao Bằng, được thơ hoá, đẹp lên gấp nhiều lần trong con mắt, trong tình yêu và
niềm tự hào trong sáng của người cha. Rõ là người cha đang nói với con, mà thực
ra là nói với chính mình, với đồng bào mình, thấy rưng rưng một nỗi tự hào về cuộc
sống giản dị, chân chất, hồn nhiên, giàu đẹp nhân tình. Con đường để cho những
tấm lòng giao tiếp giao cảm với nhau, đưa người tình tìm đến với người tình. Rừng
cho hoa để cuộc sống thêm đẹp. Vách nhà “ken” tiếng hát tiếng cười hồn nhiên của
cuộc sống giản dị giữa thiên nhiên, giữa trời đất trong trẻo. Bàn tay con người lao
động đan lờ mà kết thành những bông hoa xinh đẹp…Thế thì những tâm hồn kia
cũng tràn ngập tình yêu đời, cũng phong phú giàu có đẹp tươi như thiên nhiên, như
hơi thở của bản làng! Thơ viết như lời nói thường, mà giàu biểu cảm biểu thị, đọc và
suy ngẫm, thấy thú vị vô cùng. Cái ranh giới giữa khoa trương và hiện thực cứ hồn
nhiên xâm lấn vào nhau, trộn lẫn vào nhau, thô tháp mà lại tạo nên một lực hấp dẫn
rất dễ thương. Câu “vách nhà ken câu hát” là một câu thơ rất gợi. “Ken” vừa là động
từ diễn đạt động tác lao động xây dựng nhà cửa, lại động từ hoá, trìu tượng hoá cả
câu thơ, khiến câu thơ thô mộc kia như muốn cất cánh bay lên cùng tiếng ca mơ hồ
mà chứa chan tình yêu cuộc sống.
Đoạn thơ tiếp theo, Y Phương lại tiếp tục “nói với con” về “người đồng mình”. Nếu ở
trên là “nguời đồng mình yêu lắm”, thì bây giờ là “thương lắm”, bởi những phẩm chất
được nêu kỹ hơn, cụ thể hơn: “Người đồng mình thương lắm con ơi / cao đo nỗi
buồn / xa nuôi chí lớn / dẫu làm sao thì cha vẫn muốn / sống trên đá không chê đá
gập ghềnh / sống trong thung không chê thung nghèo đói / sống như sông như
suối / lên thác xuống ghềnh / không lo cực nhọc / người đồng mình thô sơ da thịt /
chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”…
“Dẫu làm sao”…dẫu thế nào, dẫu vật đổi sao dời, dẫu trời nghiêng đất ngửa, dẫu
sông cạn đá mòn…Y Phương không nói những lời to tát như thế. Anh chỉ viết “dẫu
làm sao” vậy thôi, nhỏ nhẹ mà chân tình, rằng “sống trên đá không chê đá gập
ghềnh / sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Đương nhiên, chẳng ai dại gì,
chẳng vui gì mà chịu mãi cảnh nghèo đói, tối tăm lạc hậu, ở với đá ngàn đời mà nồi
cơm không đầy nổi. Tác giả chỉ muốn “nói với con” rằng cho dù mai sau cuộc sống
có khá giả hơn, thì cũng đừng nên vì thế mà quên đi cội nguồn, mà bạc bẽo với quá
khứ, với quê hương…Nghĩa là “người đồng mình” luôn gắn bó với quê hương, lại
biết cùng nhau chung sức làm đẹp quê hương, “đục đá kê cao quê hương”, “còn
quê hương thì làm phong tục”, nói như cách nói hiện đại bây giờ là tôn vinh, giữ gìn
bản sắc văn hoá dân tộc mình.
Nếu người Kinh dùng lối nói: “ăn chắc mặc bền, chém to kho mặn, chân đất lưng
trần, niêu cơm quả cà ...", để phản ánh bản chất giản dị, mộc mạc của người dân
quê chân lấm tay bùn quanh năm, thì Y Phương cũng dùng cách nói cụ thể, hình
ảnh cụ thể của bà con dân tộc Tày như: “thô sơ da thịt” “chẳng mấy ai nhỏ bé", “tự
đục đá kê cao quê hương” để khẳng định và ngợi ca tinh thần cần cù, chịu khó trong
lao động, sống giản dị chất phác thật thà, không hề “nhỏ bé" tầm thường trước thiên
hạ. Nếp sống tốt đẹp ấy đã tạo nên chất thơ trong sáng đáng yêu của Y Phương.
Bản chất dân tộc, tinh thần nhân văn đã hòa quyện vào hồn thơ thi sĩ

Kết thúc bài thơ, tác giả không quên nhắc nhở đứa con yêu quý của mình, rằng:
"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con."
Một cảnh tượng cảm động đang diễn ra trước mắt chúng ta. Cha hiền từ âu yếm
nhìn con, xoa đầu con. Đứa con cúi đầu lắng nghe cha nói, cha dặn. Y Phương đã
tạo nên một không khí gia đình ấm áp tình cha con. Lời thơ giản dị, chắc nịch mà lay
động, thấm thía Con lớn lên, tiếp nối mạch nguồn truyền thống cha ông, khi “lên
đường / không bao giờ nhỏ bé được”, không được phép “nhỏ bé”!

Đọc thơ Y Phương, ba tiếng “người đồng mình” đã vương vấn tâm hồn ta bao bâng
khuâng man mác. Ta bồi hồi nhớ về tuổi thơ, nhớ giọng nói dịu hiền của má , nhớ về
xứ Huế, và thật kì lạ, tôi bâng khuâng nghĩ về Cao Bằng, nơi "gạo trắng nước trong”,
nơi mà tôi chưa hề một lần đi tới. Thơ có hồn, có hay mới gợi nhớ gợi thương như
thế. “Người đồng mình” đã kết tụ bao tình yêu thương, tự hào của Y Phương đối với
"nước non Cao Bằng”, nơi chôn rau cắt rốn nặng tình nặng nghĩa của mình.

Đấy là những ý tưởng và tình cảm của bài thơ mà chúng ta, dù muốn hay không,
cũng phải bẻ vụn ra, căng ra một cách dài dòng thế thôi. “Nói với con”, thực ra là
một cách nói với chính mình, với đồng bào mình, với độc giả rộng rãi, về phẩm chất
đáng yêu đáng quý của người Tày nói riêng, của đồng bào các dân tộc ít người
đang sống ở rẻo cao phía Bắc Tổ quốc nói chung. Vẻ đẹp tâm hồn cùng những giá
trị văn hoá đáng quý đã được gìn giữ qua mấy ngàn năm, cần phải biết nâng niu
trân trọng, để truyền mãi muôn đời.

You might also like