Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 20

HỌC VIỆN TƯ PHÁP

CƠ SỞ TP.HỒ CHÍ MINH

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ THEO HỒ SƠ TÌNH HUỐNG


KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THAM GIA GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ

(Dân sự chuyên sâu 03, thi kỳ thi chính)

Họ và tên: LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

Ngày sinh: 27 tháng 11 năm 1992


SBD: 399 Lớp: 2 STT: 09

Khóa: 22 Đợt: 2 Tại: TP.Hồ Chí Minh

TP.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 09 năm 2021


MỤC LỤC

I. BẢNG CÂU HỎI VÀ THANG ĐIỂM ...................................................................... 1


II. THÔNG TIN VÀ TÓM TẮT HỒ SƠ TÌNH HUỐNG SỐ 44/B4.TH1.DSCS3 ..... 2
1. Tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng................................................ 2
2. Tóm tắt nội dung hồ sơ ........................................................................................... 2
3. Yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn ....................................................................... 3
4. Văn bản pháp luật áp dụng cho hồ sơ tình huống .................................................. 4
III. TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI TỰ CHỌN ...................................................................... 5
1. Xác định thời hiệu khởi kiện và điều kiện thụ lý đơn khởi kiện của Tòa án đối với
ông Phương. Giải thích lý do? (1,5 điểm) .............................................................. 5
2. Xác định các cơ sở pháp lý để xác định hành vi vi phạm kỷ luật của ông Phương?
Giải thích tại sao? (1,5 điểm).................................................................................. 7
3. Theo anh (chị) có cần xác định thêm các chứng cứ gì để đảm bảo cho việc xem xét
tính đúng pháp luật trong thủ tục xử lý kỷ luật đối với ông Phương không? Tại sao?
(1,5 điểm) ................................................................................................................ 8
4. Việc ông Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PVOIL tiến hành phiên họp xử lý
kỷ luật đối với ông Phương có đúng thẩm quyền không? Tại sao? (1,5 điểm) .... 10
5. Hành vi bị xử lý kỷ luật của ông Phương tương ứng với hành vi vi phạm kỷ luật cụ
nào được quy định trong nội quy lao động của công ty? Tại sao? (1,5 điểm) ..... 11
IV. TRẢ LỜI CÂU HỎI BẮT BUỘC............................................................................ 12
Là Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn, anh (chị) hãy trình bày bản luận cứ bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp cho khách hàng? (2,5 điểm) ......................................................... 12
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

I. BẢNG CÂU HỎI VÀ THANG ĐIỂM

Stt Hồ sơ Nội dung câu hỏi Thang điểm

I. Nhóm câu hỏi tự chọn 7,5

1. HS 44 Xác định thời hiệu khởi kiện và điều kiện thụ lý đơn khởi 1,5
kiện của Tòa án đối với ông Phương. Giải thích lý do?

2. HS 44 Xác định các cơ sở pháp lý để xác định hành vi vi phạm 1,5


kỷ luật của ông Phương? Giải thích tại sao?

3. HS 44 Theo anh (chị) có cần xác định thêm các chứng cứ gì để 1,5
đảm bảo cho việc xem xét tính đúng pháp luật trong thủ
tục xử lý kỷ luật đối với ông Phương không? Tại sao?

4. HS 44 Việc ông Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PVOIL 1,5
tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật đối với ông Phương có
đúng thẩm quyền không? Tại sao?

5. HS 44 Hành vi bị xử lý kỷ luật của ông Phương tương ứng với 1,5


hành vi vi phạm kỷ luật cụ thể nào được quy định trong
nội quy lao động của công ty? Tại sao?

II. Câu hỏi bắt buộc 2,5

1. HS 44 Là Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn, anh (chị) hãy trình 2,5
bày bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho
khách hàng?

Trang 1
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

II. THÔNG TIN VÀ TÓM TẮT HỒ SƠ TÌNH HUỐNG SỐ 44/B4.TH1.DSCS3


1. Tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng
- Nguyên đơn:
Họ và tên: PHẠM XUÂN PHƯƠNG Sinh năm: 1979
Địa chỉ: Số nhà x, Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tảu,
tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Bị đơn:
TỔNG CÔNG TY DẦU VIỆT NAM (PV OIL)
Địa chỉ: Số 01 – 05 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
2. Tóm tắt nội dung hồ sơ
Ông Phạm Xuân Phương là công nhân của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (gọi tắt là “PV
OIL” hoặc “Công ty”) theo Hợp đồng lao động được ký ngày 22/09/2012. Loại Hợp đồng là
không xác định thời hạn. Công việc phải làm là công nhân đội giao nhận thuộc Xí nghiệp
Tổng kho xăng dầu Vũng Tàu. Địa điểm làm việc tại Xí nghiệp Tổng kho xăng dầu Vũng Tàu
– là một đơn vị trực thuộc PV OIL (sau đây gọi tắt là “PV OIL Vũng Tàu”). Hồ sơ không có
tài liệu thể hiện hình thức pháp lý của PV OIL Vũng Tàu, tuy nhiên tại Bút lục số 54 cho
thấy, PV OIL Vũng Tàu thực chất hoạt động dưới hình thức Chi nhánh trực thuộc Tổng
Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL).
Ngày 17/08/2013, PV OIL Vũng Tàu thực hiện kế hoạch chuyển xăng M92 từ một số
bể sang các bể khác để phục vụ hoạt động kinh doanh. Thời gian chuyển bể dự kiến từ 22
giờ ngày 17/08/2013 đến 06 giờ sáng ngày 18/08/2013. Tại ca trực này, Ông Phương được
phân công phụ trách việc đóng mở các van trên đường ống dẫn và kiểm tra thông tuyến trước
khi bơm đối với việc chuyển xăng từ bể số 19 sang bể số 01. Ngoài Ông Phương, còn có các
Ông Phạm Văn Kim (đội phó đội giao nhận – phụ trách chung việc chuyển xăng trong ca
trực ngày 17/08/2013), Ông Nguyễn Mạnh Thắng (trực trạm bơm), Ông Nguyễn Hải Hoàn,
Ông Nguyễn Đức Thắng và Ông Hoàng Minh Tùng (nhân viên đội giao nhận) tham gia
công tác trực chuyển bể.
Việc chuyển xăng từ bể số 19 sang bể số 01 bắt đầu từ 23 giờ ngày 17/08/2013. Từ
23 giờ ngày 17/08/2013 đến 02 giờ ngày 18/08/2013, việc chuyển bể diễn ra bình thường,
không có sự cố rò rỉ. Trong thời gian này, Ông Phương có xin Ông Kim nghỉ để đi ăn cơm
và đã được Ông Kim đồng ý. Ông Kim cũng phân công Ông Hoàn và Ông Thắng thay Ông
Phương kiểm tra hệ thống bồn bể. Khoảng 02 giờ, Ông Phương có quay trở lại để kiểm tra
hệ thống bồn bể, đường ống và không thấy hiện tượng gì bất thường, sau đó Ông Phương
về trạm bơm FO rồi ngủ thiếp do mệt. Đến khoảng 3 giờ, Ông Tùng khi đi kiểm tra việc
chuyển bể thì phát hiện sự cố tràn xăng từ bể số 01 ra đường thoát nước. Khi sự việc được
phát hiện, Ông Phương đã nỗ lực hỗ trợ công tác phòng chống cháy nổ và ngăn chặn việc
thất thoát xăng dầu.

Trang 2
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

Số lượng xăng thất thoát là 3.299 lít, tương đương giá trị 45.000.000 đồng.
Tại bản tường trình ngày 18/08/2013 (BL số 29), Ông Phương cho rằng nguyên nhân
của việc tràn xăng là do van xả nước bị kênh lên vật gì đó nằm ở trong, nên khi đóng lại thì
cánh van không xuống khí được. Vật chặn van có thể do cặn bẩn từ việc xúc rửa bể 01 còn
nằm ở trong van. Phía PV OIL Vũng Tàu không tiến hành điều tra, kiểm tra hay xác minh
nguyên nhân chính xác của việc tràn bể.
Ngày 13/09/2013, PVOIL tổ chức cuộc họp Hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý kỷ luật
lao động đối với các cá nhân có liên quan trong vụ tràn xăng nêu trên. Cuộc họp do Ông
Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PV OIL chủ tọa (Ông Nhạc là người được Tổng
Giám đốc ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 08/09/2013). Biên bản cuộc họp không ghi
nhận sư tham dự của đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở PVOIL. Thay vào đó, về phía
Công đoàn chỉ có Ông Bùi Quốc Huy – Chủ tịch Công đoàn PV OIL Vũng Tàu tham dự.
Nội dung cuộc họp kết luận: Việc Ông Phương tự ý bỏ vị trí làm việc khi các thiết bị bơm
xăng đang hoạt động là vi phạm kỷ luật lao động, nội quy lao động. Do đó, PV OIL áp dụng
khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động và điểm 8.3 Điều 8 Nội quy lao động để quyết định hình
thức kỷ luật sa thải đối với Ông Phương.
Ngày 27/09/2013, Tổng Giám đốc PV OIL ra Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao
động đối với Ông Phạm Xuân Phương. Lý do chấm dứt là: Ông Phương bị xử lý kỷ luật
với hình thức sa thải. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/09/2013.
Ngày 09/05/2014, Ông Phương nộp Đơn khởi kiện Quyết định sa thải của Tổng Công ty
Dầu Việt Nam (PV OIL) tại Tòa án nhân dân (“TAND”) thành phố Vũng Tàu. Ngày
16/05/2014, Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu ra Thông báo thụ lý vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND thành phố Vũng Tàu tổ chức 01 phiên hòa giải
vào ngày 18/07/2014.
Ngày 24/07/2014, TAND thành phố Vũng Tàu ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời
gian mở phiên tòa vào ngày 14/08/2014
3. Yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn
Căn cứ Đơn khởi kiện ngày 09/05/2014 và Đơn đề nghị ngày 13/08/2014 của Ông
Phạm Xuân Phương, nội dung yêu cầu khởi kiện của Ông Phương tính đến thời điểm đưa vụ
án ra xét xử như sau:
- Tuyên hủy Quyết định số 1560/QĐ-DVN ngày 27/09/2013 của Tổng Công ty Dầu
Việt Nam (PV OIL) về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức kỷ luật sa
thải đối với Ông Phương;
- Buộc PV OIL nhận Ông Phương trở lại làm việc theo đúng công việc trong Hợp
đồng lao động;

Trang 3
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

- Buộc PV OIL bồi thường và thanh toán các khoản sau:


+ Thanh toán tiền lương cho khoản thời gian Ông Phương không được làm việc
(tương đương với 11 tháng, từ thời điểm ban hành Quyết định đến thời điểm đưa
vụ án ra xét xử), cụ thể: 6.000.000 đồng/tháng x 11 tháng = 66.000.000 đồng;
+ Bồi thường 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động là: 6.000.000 đồng/tháng
x 02 tháng = 12.000.000 đồng.
Tổng cộng các khoản bồi thường, thanh toán mà Ông Phương yêu cầu PV OIL phải
trả là: 78.000.000 đồng.
4. Văn bản pháp luật áp dụng cho hồ sơ tình huống
4.1. Đối với luật hình thức
Vụ việc được TAND thành phố Vũng Tàu thụ lý vào ngày 16/05/2014 và đưa ra xét xử
vào ngày 24/07/2014. Như vậy, toàn bộ quá trình tố tụng nằm trong thời gian có hiệu lực của
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi bổ sung năm 2011 (sau đây gọi tắt là: “Bộ luật
Tố tụng dân sự năm 2004”). Do đó luật hình thức áp dụng cho hồ sơ này là Bộ luật Tố tụng
dân sự năm 2004.
4.2. Đối với luật nội dung
Do đối tượng của tranh chấp giữa Ông Phạm Xuân Phương và PV OIL là Quyết định
xử lý kỷ luật sa thải ngày 27/09/2013, nên luật nội dung áp dụng cho vụ việc này bao gồm:
- Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012, có hiệu lực từ ngày 01/05/2013
(sau đây gọi tắt là: “Bộ luật lao động năm 2012”);
- Nghị định Chính Phủ số 41-CP ngày 06/07/1995, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định
số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/04/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Bộ luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (sau đây gọi tắt
là: “Nghị định 41-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2003/NĐ-CP”). Các
văn bản này có hiệu lực đến ngày 01/03/2015 do bị thay thế bởi Nghị định số
05/2015/NĐ-CP;
- Thông tư Bộ lao động, thương binh và xã hội số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày
22/09/2013 hướng dẫn Nghị định 41-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định
33/2003/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là: “Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH”). Văn bản
này có hiệu lực đến ngày 01/01/2016 do bị thay thế bởi Thông tư số 47/2015/TT-
BLĐTBXH.

Trang 4
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

III. TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI TỰ CHỌN


1. Xác định thời hiệu khởi kiện và điều kiện thụ lý đơn khởi kiện của Tòa án đối
với ông Phương. Giải thích lý do? (1,5 điểm)
1.1. Thời hiệu khởi kiện:
Căn cứ Khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012, Thời hiệu yêu cầu Toà án giải
quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên
tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Trong vụ việc này, Ông Phương cho rằng hành vi ban hành Quyết định xử lý kỷ luật
sa thải của PV OIL vào ngày 27/09/2013 là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của
mình. Căn cứ hồ sơ vụ án, Quyết định này được PV OIL bàn giao cho Ông Phương vào ngày
14/10/2013 theo Biên bản số 74/BB-TKVT (BL số 12, 13). Do đó, ngày 14/10/2013 là thời
điểm mà Ông Phương biết được rằng PV OIL có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp
của mình.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc này là 01 năm tính từ 14/10/2013. Tức là,
ngày cuối kết thúc thời hiện khởi kiện là ngày 14/10/2014.
1.2. Điều kiện thụ lý đơn khởi kiện:
Do đây là tranh chấp giữa Người lao động và Người sử dụng lao động, nên các điều
kiện thụ lý đơn khởi kiện đối với vụ việc này bao gồm:
- Điều kiện về hòa giải lao động trước khi khởi kiện ra Tòa án:
Về nguyên tắc, các tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải lao
động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012, đối
với tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp
bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì “không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải”
trước khi khởi kiện ra Tòa án.
Trong vụ việc này tranh chấp phát sinh liên quan đến PV OIL ra Quyết định xử lý kỷ
luật sa thải đối với Ông Phương, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ông. Do
đó, quan hệ tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa Người lao động và Người sử dụng lao động
liên quan đến việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.
Do đó, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 nêu trên, tranh chấp
này không cần phải thông qua thủ tục hòa giải lao động trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Trang 5
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

- Thời hiệu khởi kiện:


Căn cứ Khoản 1 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, “thời hiệu khởi kiện vụ
án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án
dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền
khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, về nguyên tắc, đơn khởi
kiện phải được nộp trong thời hiệu khởi kiện thì mới được thụ lý.
Vụ việc này có thời hiệu khởi kiện là 01 năm tính từ 14/10/2013, do đó, đơn khởi kiện
phải được nộp trước ngày 14/10/2014.
Theo hồ sơ vụ việc, Ông Phương nộp đơn khởi kiện vào ngày 09/05/2014, nên đơn
khởi kiện của Ông Phương đáp ứng điều kiện về thời hiệu khởi kiện.
- Thẩm quyền giải quyết vụ án:
Thẩm quyền chung: Tranh chấp giữa Ông Phương và PV OIL là tranh chấp giữa Người
lao động và Người sử dụng lao động liên quan đến việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức
sa thải. Đây là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo điểm a khoản 1 Điều
31 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Thẩm quyền theo cấp: Theo điểm c khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004,
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lao động quy định
tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Do đó, tranh chấp giữa Ông Phương
và PV OIL thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.
Thẩm quyền theo lãnh thổ: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2004, nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo
hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao
động khác đối với Người lao động thì nguyên đơn là Người lao động có thể yêu cầu Tòa án
nơi mình cư trú, làm việc giải quyết. Như vậy, trong vụ việc này, Ông Phương có quyền yêu
cầu Tòa án nơi mình cư trú để giải quyết. Hồ sơ vụ việc cho thấy, Ông Phương cư trú tại thành
phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do đó, việc Ông Phương nộp đơn khởi kiện tại Tòa
án nhân dân thành phố Vũng Tàu để yêu cầu giải quyết tranh chấp là phù hợp.
Từ các lý do trên, sau khi xem xét các điều kiện về thụ lý vụ án, có thể kết luận, Tòa án
nhân dân thành phố Vũng Tàu thụ lý đơn khởi kiện của Ông Phương là đúng thẩm quyền và
đáp ứng các điều kiện về thụ lý vụ án.

Trang 6
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

2. Xác định các cơ sở pháp lý để xác định hành vi vi phạm kỷ luật của ông
Phương? Giải thích tại sao? (1,5 điểm)
Trong vụ việc này, Ông Phương đã có hành vi tự ý bỏ vị trí công tác (bể xăng số 1),
trong khi các thiết bị bơm hút vẫn đang hoạt động, để đi ngủ và ngủ quên tại trạm bơm FO,
mặc dù trách nhiệm của Ông Phương là phải có mặt thường xuyên tại vị trí công tác. Do Ông
Phương tự ý rời bỏ vị trí công tác nên không phát hiện kịp thời sự cố xăng chảy ra khỏi van
xả nước tại bể số 1, dẫn đến hậu quả là xăng tại bể số 01 tràn ra khỏi rãnh thoát nước trong
thời gian gần 1 giờ, gây thất thoát 3.299 lít xăng, tương đương với số tiền 45.000.000 đồng
và gây nguy cơ mất an toàn cao cho Công ty. Đây là một thiệt hại nghiêm trọng đối với tài
sản của Công ty.
Như vậy, hành vi của Ông Phương đã “gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt
hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động”. Hành vi này thuộc
trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật
lao động năm 2012.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 128 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định cấm việc “xử
lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong
nội quy lao động”. Đồng thời, theo điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật lao động năm 2012,
Nội quy lao động của Người sử dụng lao động phải có nội dung quy định về “các hành vi
vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách
nhiệm vật chất”.
Do đó, cần phải áp dụng thêm các cơ sở pháp lý trên để xác định 02 vấn đề sau: PV OIL
có Nội quy lao động bằng văn bản, còn hiệu lực hay khộng; và trong Nội quy lao động của PV
OIL có quy định về hành vi thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải tương ướng với khoản 1
Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 nêu trên hay không.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, PV OIL có Nội quy lao động còn hiệu lực và Nội quy lao động
của PV OIL có quy định hành vi “gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc
biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của Tổng Công ty và đơn vị” thuộc trường hợp bị xử lý
kỷ luật sa thải tại điểm 1 khoản 8.3 Điều 8 (BL số 87).
Từ các lý do trên, các cơ sở pháp lý áp dụng để xác định hành vi vi phạm kỷ luật của
Ông Phương bao gồm:
- Khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012;
- Khoản 3 Điều 128 Bộ luật lao động năm 2012; và
- Điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật lao động năm 2012.

Trang 7
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

3. Theo anh (chị) có cần xác định thêm các chứng cứ gì để đảm bảo cho việc xem
xét tính đúng pháp luật trong thủ tục xử lý kỷ luật đối với ông Phương không?
Tại sao? (1,5 điểm)
Đối với vụ việc này, cần bổ sung các chứng cứ, tài liệu sau để xem xét tính đúng pháp
luật đối với việc xử lý kỷ luật đối Ông Phương:
3.1. Các chứng cứ cần bổ sung liên quan đến trình tự, thủ tục của phiên họp
xử lý kỷ luật:
- Quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật số 336/QĐ-DVN ngày 18/03/2013
Lý do: Biên bản cuộc họp xử kỷ luật ngày 13/09/2013 không ghi nhận chức vụ tại
PV OIL đối với các thành viên Hội đồng kỷ luật là Ông Kha, Ông Minh, Ông Vinh
và Ông Thắng. Trong khi đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Mục IV Thông tư
19/2003/TT-BLĐTBXH, thì thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động
phải bao gồm “đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở (“BCH CĐCS”) hoặc Ban
chấp hành công đoàn lâm thời trong đơn vị”. Do đó, trong trường hợp các Ông Kha,
Minh, Vinh, Thắng đều không giữ chức vụ nào trong BCH CĐCS của PV OIL và
cũng không có thẩm quyền đại diện BCH CĐCS PV OIL, thì thành phần Hội đồng
kỷ luật này đã không đáp ứng các điều kiện về thành phần tham dự phiên họp xử lý
kỷ luật lao động theo Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH.
- Hồ sơ xác minh tư cách pháp lý của PV OIL Vũng Tàu (tên đầy đủ là: “Xí nghiệp
Tổng kho xăng dầu Vũng Tàu”)
Lý do: Tại cuộc họp xử lý kỷ luật, Biên bản có ghi nhận sự tham dự của Ông Bùi
Quốc Huy với tư cách là “Chủ tịch Công đoàn PV OIL Vũng Tàu”. Vấn đề đặt ra là,
Ông Huy có được xem là đại diện BCH CĐCS của đơn vị, để đáp ứng điều kiện về
thành phần tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động hay không. Đối với vấn đề này
có 02 khả năng:
i) Nếu PV OIL Vũng Tàu là công ty con hoặc công ty thành viên trực thuộc PV OIL
thì đơn vị này có thể thành lập CĐCS và có BCH CĐCS (điểm a khoản 1 Điều 16
Điều lệ công đoàn năm 2013 quy định: CĐCS là tổ chức cơ sở của Công đoàn,
được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp). Như vậy, Ông Huy có thể
được xem là đại diện BCH CĐCS của đơn vị khi tham gia cuộc họp.
ii) Tuy nhiên, nếu PV OIL Vũng Tàu không là doanh nghiệp (chi nhánh, địa điểm
kinh doanh) thì “Công đoàn PV OIL Vũng Tàu” không được xem là CĐCS và
việc Ông Huy tham gia với tư cách là “Chủ tịch Công đoàn PV OIL Vũng Tàu”
không được xem là đại diện cho BCH CĐCS của đơn vị. Trong trường hợp này,
phải là đại diện của BCH CĐCS của PV OIL tham gia cuộc họp.
Do đó, cần phải xem xét tư cách pháp lý của PV OIL Vũng Tàu thì mới xác định
được tư cách của Ông Bùi Quốc Huy có phải là đại của BCH CĐCS theo yêu cầu tại
Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH hay không.

Trang 8
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

3.2. Các chứng cứ liên quan đến căn cứ để áp dụng hình thức kỷ luật đối với
Ông Phương:
- Văn bản thông báo về đăng ký Nội quy lao động của PV OIL do Cơ quan quản lý
Nhà nước về lao động có thẩm quyền
Lý do: Về nguyên tắc, Nội quy lao động là căn cứ để xem xét áp dụng hình thức kỷ
luật sa thải đối với Người lao động vì vi phạm phải được “cụ thể hóa” trong Nội quy
lao động thì Người sử dụng lao động mới có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải
khi Người lao động thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đó phải là Nội quy đang
có hiệu lực. Tức là, Nội quy đó phải được đăng ký tại Cơ quan quản lý Nhà nước về
lao động có thẩm quyền trước 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Do đó, việc thu thập
Văn bản thông báo của Cơ quan Nhà nước về đăng ký Nội quy lao động của PV OIL
là cơ sở để xác minh hiệu lực của Nội quy mà PV OIL đang áp dụng khi xử lý Ông
Phương. Nếu Nội quy đó không được đăng ký hợp pháp, hợp lệ thì việc xử lý kỷ luật
Ông Phương là không có căn cứ.
- Quy trình nghiệp vụ giao nhận, bơm chuyển xăng giữa các bồn và Bảng phân
công nhiệm vụ cho Ông Phương tại ca trực
Lý do: Việc thu thập Quy trình nghiệp vụ và Bảng phân công công việc là nhằm xác
định rõ trách nhiệm, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ các cá nhân có liên quan đến
Quy trình, cũng như vị trí làm việc của từng cá nhân và thao tác phải thực hiện tại
từng vị trí. Từ đó, mới làm rõ được nhiệm vụ cụ thể của Ông Phương trong quá trình
bơm chuyển xăng vào ngày 18/08/2013 là gì, cũng như vị trí làm việc của Ông
Phương ở đâu và Ông Phương có bắt buộc phải có mặt liên tục và thường xuyên tại
bồn xăng như lập luận của PV OIL hay không.
- Các hồ sơ giám định, kiểm tra, xác minh nguyên nhân tràn xăng
Lý do: Theo nhận định của PV OIL, việc Ông Phương rời bỏ vị trí làm việc là
nguyên nhân dẫn đến sự cố tràn xăng tại bể 01, từ đó gây thất thoát và gây an toàn
cho Công ty. Tuy nhiên, theo các lời tường trình và báo cáo sơ bộ của các nhân sự
có liên quan đến sự cố, phần lớn đều cho rằng nguyên nhân là do van xả nước đóng
không kín, hoặc có vật ngăn van đóng không kín, làm xăng bị chảy tràn theo van ra
ngoài. Do đó, cần thiết phải thu thập các biên bản xác minh, biên bản giám định
khách quan, có chuyên môn để xác định rõ nguyên nhân chính xác của việc tràn xăng
là đến từ đâu, cũng như có phải do việc vệ sinh bể không kỹ dẫn đến cặn bẩn làm
cho van không đóng kín và làm cho xăng chảy ra ngoài hay không. Nếu thực sự
nguyên nhân đến từ yếu tố bên ngoài hay do vệ sinh bể không kỹ, thì việc Ông
Phương rời vị trí để đi ngủ không phải là nguyên nhân trực tiếp làm cho tràn xăng
như PV OIL đã nhận định.

Trang 9
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

4. Việc ông Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PV OIL tiến hành phiên
họp xử lý kỷ luật đối với ông Phương có đúng thẩm quyền không? Tại sao?
(1,5 điểm)
Căn cứ điểm c khoản 2 Mục IV Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH, phiên họp xử lý kỷ
luật lao động phải có sự tham gia của “Người sử dụng lao động hoặc người được Người sử
dụng lao động uỷ quyền”. Tại quy định này, có 02 khái niệm là “Người sử dụng lao động” và
“người được Người sử dụng lao động ủy quyền”. do Người sử dụng lao động trong vụ việc là
một doanh nghiệp (PV OIL) nên các quan hệ của đối tượng này sẽ được tham gia và thực hiện
bởi Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, dưới tư cách nhân danh Người sử dụng
lao động. Còn đối với trường hợp “người được Người sử dụng lao động ủy quyền”, thì đây
phải là sự ủy quyền của Người sử dụng lao động cho người được ủy quyền, và sự ủy quyền đó
được xác lập thông qua Người đại diện theo pháp luật của Người sử dụng lao động.
Như vậy, đối với trường hợp của PV OIL, thành phần tổ chức, chủ tọa phiên họp xử lý
kỷ luật Ông Phương phải là Người đại diện theo pháp luật của PV OIL (trong trường hợp này
là Tổng Giám đốc – Ông Nguyễn Xuân Sơn) hoặc là người được PV OIL ủy quyền. Ở đây, sự
ủy quyền này phải được hiểu là Công ty ủy quyền cho một cá nhân để đại diện Công ty tham
gia phiên họp và việc ủy quyền đó được xác lập thông qua Người đại diện theo pháp luật của
Công ty.
Trong vụ việc này, Ông Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PV OIL tham gia,
chủ tọa phiên họp xử lý kỷ luật lao động ngày 13/09/2013 dưới tư cách là người được Tổng
Giám đốc ủy quyền theo Giấy ủy quyền số 118/UQ-DVN ngày 08/09/2013. Theo đó, Giấy
ủy quyền số 118/UQ-DVN thể hiện, Ông Trịnh Kim Nhạc được Ông Nguyễn Xuân Sơn –
Tổng Giám đốc PV OIL ủy quyền để “thay mặt người ủy quyền xem xét và tiến hành xử lý
kỷ luật lao động đối với các cá nhân, tập thể vi phạm trong vụ việc tràn xăng…”.
Như vậy, về bản chất, Giấy ủy quyền số 118/UQ-DVN là ủy quyền của Tổng Giám đốc
cho Phó Tổng Giám đốc. Nói cách khác, đây là sự ủy quyền giữa 02 cá nhân có chức vụ, quyền
hạn, chứ không phải sự là ủy quyền giữa Công ty cho 01 cá nhân. Ngoài ra, căn cứ Điều 41
Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, Tổng Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước không có
nhiệm vụ, quyền hạn nào trong việc xem xét, xử lý kỷ luật Người lao động của doanh nghiệp.
Thực chất, thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật Người lao động là thẩm quyền của Người đại
diện theo pháp luật, được thực hiện dưới tư cách nhân danh Công ty.
Do đó, Giấy ủy quyền số 118/UQ-DVN ngày 08/09/2013 mà Ông Nhạc sử dụng không
thể được xem là Giấy ủy quyền của Người sử dụng lao động cho Ông, cũng như Ông Nhạc
không thể căn cứ vào Giấy ủy quyền này để thay mặt Người sử dụng lao động tổ chức,
chủ tọa phiên họp xử kỷ luật lao động. Hay nói cách khác, Ông Nhạc không có thẩm quyền
tổ chức, tham gia và chủ tọa phiên họp xử lý kỷ luật lao động.
Từ lý do trên, có thể thấy, việc Ông Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PV OIL
tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật đối với ông Phương là không đúng thẩm quyền.

Trang 10
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

5. Hành vi bị xử lý kỷ luật của ông Phương tương ứng với hành vi vi phạm kỷ luật
cụ nào được quy định trong nội quy lao động của công ty? Tại sao? (1,5 điểm)
Theo hồ sơ vụ việc, hành vi bị xử lý kỷ luật của Ông Phương tương ứng với hành vi vi
phạm tại điểm 1 khoản 8.3 Điều 8 Nội quy lao động của PV OIl.
Theo đó, điểm 1 khoản 8.3 Điều 8 Nội quy lao động quy định: “Hình thức sa thải được
áp dụng đối với Người lao động trong trường hợp Người lao động có hành vi trộm cắp, tham
ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật
kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động,
có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài
sản, lợi ích của Tổng công ty và đơn vị”.
Cụ thể, trong trường hợp này, Ông Phương đã có hành vi đã gây thiệt hại nghiêm trọng
về tài sản, lợi ích của Tổng Công ty và đơn vị, vì các lý do sau:
- Theo phân công tại ca trực, Ông Phương có trách nhiệm trực tiếp giám sát quá trình
bơm xăng vào bể 1. Do đó, Ông Phương phải có mặt thường xuyên tại vị trí này để
theo dõi quá trình bơm xăng cũng như phát hiện các sự cố phát sinh. Tuy nhiên, trên
thực tế, trong khoảng thời gian từ 2 giờ 00 phút đến 03 giờ 00 phút, Ông Phương đã
tự ý rời bỏ vị trí làm việc và ngủ quên tại trạm bơm FO. Việc Ông Phương tự ý rời
bỏ vị trí làm việc này là một hành vi mang tính chất cố ý, vi phạm nghĩa vụ chấp
hành các hiệu lệnh điều hành sản xuất kinh doanh của Người sử dụng lao động.
- Vì Ông Phương đã rời bỏ vị trí làm việc nên Ông không phát hiện được sự cố xăng
trong bể 1 đã rò rỉ qua khe hở của van xả nước (do đóng không chặt) để chảy tràn ra
ngoài trong gần 1 tiếng đồng hồ (khoảng từ 02 giờ 00 phút đến 03 giờ 00 phút). Việc
rò rỉ này đã gây ra thất thoát 3.229, tương đương 45.000.000 đồng và đe dọa gây mất
an toàn cao đối với Đơn vị. Như vậy, hành vi của Ông Phương là nguyên nhân gây
ra hậu quả.
- Hậu quả từ hành vi của Ông Phương là Công ty đã bị thất thoát lượng xăng tương
đương với 45.000.000 đồng. Đây là hậu quả nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 130
Bộ luật lao động năm 2012 (thiệt hại vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do
Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc). Đồng thời hành
vi này cũng gây mất an toàn về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường đối với
Đơn vị, bởi lẽ nếu không được ngăn chặn và thu gom kịp thời, thì lượng xăng chảy
tràn (58.203 lít) từ bồn 1 có thể đi theo đường thoát nước để chảy vào khu vực công
cộng gây ô nhiễm môi trường, hoặc có thể bắt lửa gây cháy nổ nghiêm trọng.
Do đó, với hành vi trên, Ông Phương đã “gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây
thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của Tổng công ty và đơn vị”. Hành vi này
thuộc trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải được quy định tại điểm 1 khoản 8.3 Điều
8 Nội quy lao động của Công ty.

Trang 11
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

IV. TRẢ LỜI CÂU HỎI BẮT BUỘC


Là Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn, anh (chị) hãy trình bày bản luận cứ bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng? (2,5 điểm)
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát,
Thưa quý Luật sư đồng nghiệp.
Tôi là Luật sư Lâm Hồ Ngọc Khánh, thuộc Đoàn Luật sư X. Tôi có mặt tại phiên toà
hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là Ông Phạm
Xuân Phương trong vụ án khởi kiện Quyết định xử lý kỷ luật sa thải do Tổng Công ty Dầu
Việt Nam (PV OIL) ban hành.
Thưa Hội đồng xét xử, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án và qua việc hỏi tại phiên toà
hôm nay, tôi xin trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn
như sau:
Thứ nhất, PV OIL đã vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức cuộc họp
xử lý luật lao động ngày 13/09/2013 và hình thức ra Quyết định kỷ luật lao động đối với
Ông Phương, vì các lý do sau:
- Ông Trịnh Kim Nhạc – Phó Tổng Giám đốc PV OIL hoàn toàn không có thẩm quyền
để tổ chức, tham dự và chủ tọa cuộc họp xử lý kỷ luật lao động ngày 13/09/2013.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, tại cuộc họp ngày 13/09/2013, Ông Nhạc tham dự cuộc họp
với tư cách là người được Ông Nguyễn Xuân Sơn – Tổng Giám đốc PV OIL ủy quyền theo
Giấy ủy quyền số 118/UQ-DVN ngày 08/09/2013. Theo đó, Giấy ủy quyền này thể hiện,
Ông Trịnh Kim Nhạc được Ông Nguyễn Xuân Sơn – Tổng Giám đốc PV OIL ủy quyền để
“thay mặt người ủy quyền xem xét và tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với các cá nhân,
tập thể vi phạm trong vụ việc tràn xăng…” (BL số 46). Về bản chất, đây chỉ là một Giấy ủy
quyền của Tổng Giám đốc cho Phó Tổng Giám đốc. Nói cách khác, đây là sự ủy quyền giữa
02 cá nhân có chức vụ, quyền hạn.
Trong khi đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Mục IV Thông tư 19/2003/TT-
BLĐTBXH, phiên họp xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của “Người sử dụng lao
động hoặc người được Người sử dụng lao động uỷ quyền”. Như vậy, áp dụng quy định này
đối với trường hợp của PV OIL, nếu Ông Nhạc muốn tham dự và chủ tọa cuộc họp dưới tư
cách người được Người sử dụng lao động ủy quyền thì Ông Nhạc phải có Giấy ủy quyền của
PV OIL cho ông. Hay nói cách khác, Giấy ủy quyền này phải do Công ty ủy quyền cho cá
nhân và phải do Người đại diện theo pháp luật nhân danh Công ty xác lập quan hệ ủy quyền.

Trang 12
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

Xét trường hợp ủy quyền giữa Ông Sơn và Ông Nhạc, đây chỉ sự ủy quyền của cá nhân
cho cá nhân, chứ không phải sự là ủy quyền giữa Công ty cho cá nhân. Ngoài ra, căn cứ Điều
41 Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, Tổng Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước không
có nhiệm vụ, quyền hạn nào trong việc xem xét, xử lý kỷ luật Người lao động của doanh
nghiệp. Thực chất, thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật Người lao động là thẩm quyền của Người
đại diện theo pháp luật, được thực hiện dưới tư cách nhân danh Công ty.
Từ lý do đó, Giấy ủy quyền số 118/UQ-DVN ngày 08/09/2013 mà Ông Nhạc sử dụng
không thể được xem là Giấy ủy quyền của Người sử dụng lao động cho Ông, cũng như Ông
Nhạc không thể căn cứ vào Giấy ủy quyền này để thay mặt Người sử dụng lao động tổ chức,
chủ tọa phiên họp xử kỷ luật lao động.
Hay nói cách khác, Ông Nhạc không có thẩm quyền tổ chức, tham gia và chủ tọa phiên
họp xử lý kỷ luật lao động.
- Cuộc họp ngày 13/09/2013 hoàn toàn không có sự tham dự của Đại diện Ban Chấp
hành Công đoàn cơ sở
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Mục IV Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH,
phiên họp xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham dự của “Người đại diện Ban chấp hành
công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong đơn vị”. Theo quy định tại
Điều lệ Công đoàn năm 2013, Công đoàn cơ sơ (“CĐCS”) là tổ chức cơ sở của Công đoàn,
được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (điểm a khoản 1 Điều 16). Ngoài ra,
trong trường hợp khi thành lập mới hoặc tách, nhập tổ chức Công đoàn hoặc những đơn vị,
doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, thì Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban chấp
hành công đoàn lâm thời (“CĐLT”), nhưng thời gian hoạt động không quá 12 tháng (điểm b
khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn).
Tuy nhiên, trong vụ việc này, theo ghi nhận tại Tại Biên bản cuộc họp xử lý kỷ luật
ngày 13/09/2013, tôi nhận thấy, không có bất kỳ nhân sự nào tham dự cuộc họp với tư cách
đại diện Ban chấp hành CĐCS hoặc đại diên Ban chấp hành CĐLT của PV OIL.
Cụ thể, trong số các thành viên của Hội đồng xử lý kỷ luật lao động được thành lập
theo Quyết định số 336/QĐ-DVN ngày 18/03/2013, ngoại trừ Ông Trịnh Kim Nhạc được
xác định là Phó Tổng Giám đốc Công ty, thì các thành viên còn lại (gồm Ông Nguyễn Mạnh
Kha, Nguyễn Lê Minh, Mai Quang Vinh, Nguyễn Đức Thắng) đều không được ghi nhận rõ
chức vụ, quyền hạn tại Công ty. Do đó, tôi cho rằng, không có căn cứ để khẳng định sự tham
dự của đại diện Ban chấp hành CĐCS hay Ban chấp hành CĐLT của PV OIL trong số những
người kể trên.

Trang 13
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

Đối với trường hợp Ông Bùi Quốc Huy được ghi nhận tham dự cuộc họp dưới tư cách
“Chủ tịch Công đoàn PV OIL Vũng Tàu”, tôi cho rằng, chức danh này không phải là đại diện
BCH CĐCS, bởi lẽ “Công đoàn PV OIL Vũng Tàu” không thể được xem là một tổ chức
CĐCS hay CĐLT tại đơn vị. Trên thực tế, PV OIL Vũng Tàu (tên gọi đầy đủ là: “Chi nhánh
Tổng công ty Dầu Việt Nam – Xí nghiệp Tổng kho Xăng dầu Vũng Tàu”) thực chất là một
chi nhánh trực thuộc PV OIL. Điều này được thể hiện rõ tại BL số 54. Trong khi đó, căn cứ
các quy định tại Điều lệ Công đoàn nêu trên, tôi hiểu rằng, CĐCS chỉ được thành lập tại
doanh nghiệp, còn CĐLT được thành lập khi đơn vị đó đủ điều kiện để thành lập CĐCS (tức
là đơn vị đó phải là doanh nghiệp) nhưng chưa thành lập CĐCS.
Như vậy, nếu như một đơn vị hoạt động dưới hình thức chi nhánh của doanh nghiệp,
thì đơn vị đó hoàn toàn không thể thành lập CĐCS hay CĐLT. Do đó, nếu không có CĐCS
hay CĐLT tại đơn vị, thì chức danh “Chủ tịch Công đoàn” mà Ông Huy đang nắm giữa như
được ghi nhận trong Biên bản là hoàn toàn không đồng nghĩa với chức danh Chủ tịch Ban
chấp hành CĐCS hay là Chủ tịch Ban chấp hành CĐLT như quy định.
Tức là, việc Ông Bùi Quốc Huy tham dự phiên họp xử lý kỷ luật dưới tư cách là “Chủ
tịch Công đoàn PV OIL Vũng Tàu” không đồng nghĩa với việc Ông có thẩm quyền đại diện
cho Ban chấp hành CĐCS hay Ban chấp hành CĐLT của PV OIL.
Mặc dù tại Biên bản cuộc họp xử lý kỷ luật có ghi nhận ý kiến của Ban chấp hành
CĐCS của Tổng Công ty tại BL số 50, nhưng thực tế phần ký tên vẫn không xác định được
ai là người có thẩm quyền đại diện cho Ban chấp hành CĐCS của Tổng Công ty. Thậm chí,
tôi có quyền nghi ngờ về tính chính xác của Biên bản này, bởi lẽ Ông Mai Quang Vinh được
ghi nhận là “vắng mặt có lý do” tại phiên họp (BL số 48) nhưng phần ký tên lại có chữ ký
của Ông Mai Quang Vinh (BL số 53).
- Quyết định kỷ luật lao động của PV OIL đối với Ông Phương là vi phạm các quy
định về hình thức
Căn cứ điểm c khoản 2 Mục IV Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH, Người sử dụng
lao động phải ký Quyết định kỷ luật lao động theo mẫu kèm theo Thông tư (cụ thể là Mẫu
số 09 của Thông tư.
Xem xét Quyết định số 1560/QĐ-DVN ngày 27/09/2018 của PV OIL, có thể thấy, mặc
dù nội dung nội dung của Quyết định là nhằm xử lý kỷ luật sa thải đối với Ông Phương,
nhưng tiêu đề của Quyết định lại thể hiện đây là Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động.
Hơn hết, Quyết định này là hoàn toàn không theo mẫu được ban hành bởi Thông tư số
19/2003/TT-BLĐTBXH.
Do đó, xét về mặt hình thức, Quyết định kỷ luật sa thải Ông Pham Xuân Phương của
PV OIL là hoàn toàn vi phạm các quy định về mặt hình thức.
Từ các lý lẽ trên, tôi cho rằng, ngay từ giai đoạn ban đầu khi xem xét xử lý kỷ luật Ông
Phạm Xuân Phương, PV OIL đã vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức phiên họp
xử lý kỷ luật, cũng như vi phạm các yêu cầu về hình thức đối với Quyết định kỷ luật sa thải
Ông Phương.

Trang 14
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

Thứ hai, xét về nội dung, việc PV OIL áp dụng hình thức kỷ luật sa thải là không
đảm bảo căn cứ vì rằng:
- Nội quy của PV OIL đã không cụ thể hóa hành vi và mức độ vi phạm của Người
lao động để làm căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật. Do đó, việc PV OIL áp dụng
điểm 1 khoản 8.3 Điều 8 Nội quy lao động để xử lý kỷ luật sa thải đối với Ông
Phương là không có căn cứ:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 41-CP, khi quy định các hành vi vi phạm
kỷ luật lao động trong Nội quy lao động, “Người sử dụng lao động có trách nhiệm cụ thể hoá
từng loại hành vi vi phạm, mức độ vi phạm”.
Đồng thời khoản 1 Mục III Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH cũng quy định:
“Để xử lý kỷ luật lao động phù hợp với mức độ vi phạm của Người lao động khi vi phạm
một trong các trường hợp quy định tại tiết a khoản 1 Điều 85 của Bộ Luật Lao động năm
1994 (tương ứng với khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012) thì Người sử dụng
lao động căn cứ đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị để quy định cụ thể mức giá trị
tài sản bị trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ kinh doanh hoặc có hành vi khác
gây thiệt hại được coi là nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của đơn vị để quyết định việc
sa thải người lao động”.
Như vậy, với các quy định trên, có thể thấy, việc xử lý kỷ luật sa thải đối với Người
lao động phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau: Một là, vi phạm đó phải được quy định
trong Nội quy lao động và thuộc các trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Hai là, vi phạm đó phải gây ra thiệt hại tương ứng (bằng hoặc cao hơn) với mức độ thiệt
hại để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đã được quy định trong Nội quy lao động.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, điểm 1 khoản 8.3 Điều 8 Nội quy lao động của PV OIL
gần như là một sự lặp lại nguyên văn khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động mà không có bất kỳ
quy định nào về mức độ thiệt hại từ hành vi vi phạm, hay nói cách khác là không quy định
mức giá trị tài sản bị thất thoát để làm căn cứ xử lý kỷ luật sa thải.
Do đó, việc PV OIL áp dụng điểm 1 khoản 8.3 Điều 8 của Nội quy lao động để kết luận
Ông Phạm Xuân Phương đã có hành vi vi phạm kỷ luật dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng
về tài sản, lợi ích của đơn vị là không có căn cứ và không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, việc PV OIL viện dẫn Điều 130 Bộ luật lao động năm 2012 để đánh giá lượng
xăng thất thoát (3.229 lít, tương đương với 45.000.000 đồng) là thiệt hại nghiêm trọng (BL
số 10) là một sự viện dẫn thiếu cơ sở. Bởi lẽ, quy định tại Điều 130 là một quy định áp dụng
riêng biệt và đặc thù cho loại trách nhiệm vật chất, chứ không áp dụng cho trách nhiệm
vi phạm kỷ luật lao động. Bên cạnh đó, cách quy định tại Điều 130 không thể được hiểu là
“thiệt hại với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng là ít nghiêm trọng”, mà
thay vào đó, Điều 130 thực chất là một mệnh đề điều kiện với 02 điều kiện được đặt ra là:
“người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất” và giá trị thiệt hại đó “không
quá 10 tháng lương tối thiểu vùng”.

Trang 15
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

- Việc Ông Phương rời bỏ vị trí làm việc và ngủ quên tại trạm bơm FO chưa hẳn
là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố tràn xăng, cũng như gây ra thiệt hại cho
Công ty
Tại Biên bản sự cố, sự vụ số 26/BB/TKVT ngày 18/08/2013, được lập vào lúc 03 giờ
20 phút sáng (tức là ngay sau khi xảy ra sự cố), các nhân sự có liên quan đều nhất trí
xác định nguyên nhân xảy ra tràn xăng là “do sơ suất kiểm tra không kỹ hệ thống van trước
khi bơm chuyển bồn (van xả nước đóng không kín)” – BL số 21.
Tại Bản tường trình của Ông Hoàng Minh Tùng (BL số 37), vào thời điểm xảy ra sự cố,
Ông Tùng nhận thấy “van xả nước của bồn số 01 trong trình trạng không đóng chặt làm xăng
chảy ra ngoài hố xả nước và chảy xuống hệ thống rãnh thoát nước”.
Bản tường trình của Ông Phương tại BL số 29 cũng có nội dung tương tự. Theo đó,
Ông Phương khẳng định các nhân sự tại ca trực đều thấy van bị kênh lên vật gì đó nằm ở
trong và khi ta đóng lại thì cánh van không xuống khí được, theo họ có thể vừa qua do xúc
rửa bể 01 nên các cặn bẩn còn nằm ở trong đó.
Như vậy, vất đề được đặt ra ở đây là: Có hay không việc cặn bẩn trong bể đã ngăn
không cho cửa van đóng kín, do đó xăng mới theo khe hở cửa van tràn ra ngoài. Tôi cho rằng
đây là một tình tiết quan trọng vì nó xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố tràn xăng. Bởi lẽ,
nếu như van được đóng kín, thì ngay cả khi không có người giám sát trực tiếp tại vị trí bồn,
xăng vẫn sẽ tiếp tục được bơm bình thường, ổn định mà không bị rò rỉ theo đường van để
chảy tràn ra ngoài.
Tuy nhiên, tại Biên bản xử lý kỷ luật ngày 13/09/2013, Hội đồng kỷ luật PV OIL đều
bỏ qua tình tiết trên mà chỉ tập trung vào hành vi rời bỏ vị trí làm việc của Ông Phương. Tôi
đánh giá việc làm này của PV OIL là một thiếu sót rất nghiêm trọng. Bởi lẽ, theo quy định
tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 41-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định
33/2003/NĐ-CP, “Người lao động vi phạm một trong các trường hợp quy định tại điểm a
khoản 1 Điều 85 của Bộ Luật Lao động năm 1994 (tương ứng với khoản 1 Điều 126 Bộ luật
lao động năm 2012), nếu hành vi vi phạm đó chưa có đầy đủ hoặc khó xác định chứng cứ thì
yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, kết luận để làm căn cứ xử lý kỷ luật”.
Như vậy, PV OIL có trách nhiệm phải giám định, xác minh rõ ràng nguyên nhân dẫn đến
tràn xăng, trước khi kết luận nguyên nhân đó xuất phát trực tiếp từ Ông Phương như trong
Biên bản xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, trên thực tế, PV OIL đã bỏ qua việc xác minh làm rõ này
mà chỉ tập trung vào vấn đề Ông Phương rời bỏ vị trí.

Trang 16
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

Để tranh luận với Ông Phương về vấn đề này, PV OIL đã cho rằng bể 01 đã được các
bên nghiệm thu việc súc rửa và đã có Biên bản nghiệm thu ký ngày 14/08/2013 (BL số 24).
Tuy nhiên, xét Biên bản nghiệm thu, PV OIL đưa ra, tôi nhận thấy, Biên bản này chỉ ghi
nhận Bể số 1 “đủ tiêu chuẩn để chứa các loại xăng dầu” và việc “toàn bộ thành bồn và đáy
bồn đã được cạo và dùng nước cứu hỏa rửa sạch”, chứ không có bất cứ sự xác nhận nào về
việc các đường ống và cửa van của bể 1 đều sạch sẽ và không có cặn bẩn.
Do vậy, nếu thật sự việc tràn xăng là do cặn bẩn ngăn cản cửa van đóng chặt làm cho
xăng rò rỉ theo cửa van ra ngoài, thì việc thất thoát xăng dầu cũng xuất phát từ chính
nguyên nhân này. Trong trường hợp đó, mối liên hệ nhân quả giữa hành vi Ông Phương rời
bỏ vị trí làm việc với hậu quả thất thoát xăng dầu là không thật sự rõ ràng.
Từ các lý do trên, xuất phát từ những vi phạm của PV OIL về nội dung, hình thức
và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với Ông Phương như đã phân tích, tôi khẳng định
rằng, Quyết định số 1560/QĐ-DVN ngày 27/09/2013 của PV OIL về việc xử lý kỷ luật
sa thải Ông Phương là hoàn toàn trái pháp luật.
Tôi cho rằng, việc Công ty PV OIL ban hành một Quyết định xử lý kỷ luật sa thải trái
pháp luật đã gây gián đoạn công việc, mất thu nhập và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền,
lợi ích hợp pháp của Ông Phương. Hay nói cách khác, Quyết định xử lý kỷ luật trái pháp luật
này phải được xem là một sự chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật đối với Ông Phương.
Do đó, tôi kiến nghị áp dụng Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012 để buộc Công ty thực hiện
các nghĩa vụ sau:
- Do Quyết định kỷ luật sa thải là một Quyết định trái luật, không có hiệu lực áp dụng,
nên PV OIL có trách nhiệm phải nhận Ông Phương trở lại làm việc theo hợp đồng lao
động đã giao kết;
- Do Ông Phương đã bị Công ty ngăn cản việc thực hiện Hợp đồng lao động một cách
trái luật trong suốt khoản thời gian từ khi áp dụng Quyết định kỷ luật sa thải đến khi vụ
việc được đưa ra xét xử, nên Công ty có trách nhiệm thanh toán tiền lương, bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế cho Ông Phương cho những ngày Ông không được làm việc;
- Vì hành vi này đã gây thiệt hai đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ông Phương, nên
Công ty phải bồi thường cho Ông Phương khoản tiền tương đương với 02 tháng tiền
lương theo Hợp đồng lao động.
Thưa Hội đồng Xét xử,
Từ những căn cứ và viện dẫn trên đây, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ông
Phạm Xuân Phương, tôi kiến nghị:

Trang 17
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ - DSCS 3. ĐỢT 2. LỚP 2 LÂM HỒ NGỌC KHÁNH

- Tuyên hủy Quyết định số 1560/QĐ-DVN ngày 27/09/2013 của Tổng Công ty Dầu
Việt Nam (PV OIL) về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức kỷ luật sa
thải đối với Ông Phương;
- Buộc PV OIL nhận Ông Phương trở lại làm việc theo đúng công việc trong Hợp
đồng lao động;
- Buộc PV OIL bồi thường và thanh toán 78.000.000 đồng cho Ông Phương, trong đó:

+ Thanh toán tiền lương (6.000.000 đồng/tháng) cho khoản thời gian Ông Phương
không được làm việc, từ thời điểm áp dụng Quyết định kỷ luật sa thải đến khi đưa
vụ án ra xét xử (tương đương 11 tháng) là: 66.000.000 đồng;

+ Bồi thường 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động là: 12.000.000 đồng.
- Buộc PV OIL hanh toán tiền bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm y tế cho Ông Phương
cho những ngày Ông Phương không được làm việc.
Trên đây là quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ông Phạm
Xuân Phương, kính mong Hội đồng xét xử xem xét để có phán quyết đúng pháp luật, hợp
tình, hợp lý.
Trân trọng cảm ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe.
Xin mời Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc./.

Trang 18

You might also like