Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 6

GIỚI THIỆU MÔN GIẢI PHẪU BỆNH

I. ĐẠI CƯƠNG VỀ GIẢI PHẪU BỆNH


Vấn đề bệnh tật và sức khỏe đã được đặt ra với nhân loại từ lâu. Y học
có nhiệm vụ chẩn đoán, phát hiện bệnh tật để điều trị và dự phòng chúng.
Trong sự phát triển của mình, y học luôn cố gắng nghiên cứu để tìm hiểu một
cách sâu sắc mọi khía cạnh, mọi diễn biến, mọi biểu hiện cụ thể của bệnh tật
nhằm mục đích nắm chắc được bản chất của bệnh một cách rõ ràng và chính
xác nhất.
Stanley Robbins đã viết:ʻʻViệc nghiên cứu hình thái chỉ là một khía
cạnh của Giải phẫu bệnh học. Giải phẫu bệnh góp phần rất quan trọng cho Y
học lâm sàng. Các nhà Giải phẫu bệnh không chỉ quan tâm ghi nhận các rối
loạn về cấu trúc mà còn cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó. Nghĩa là, những tác
động của sự thay đổi đó đến chức năng của tế bào và mô ra sao và cuối cùng
là những biểu hiện trên người bệnh. Giải phẫu bệnh không phải là lĩnh vực
tác biệt với bệnh nhân đang được điều trị mà là cách tiếp cận cơ bản để hiểu
hơn về bệnh tật và là nền tảng của Y học lâm sàng theo đúng nghĩa”.
Về nguyên tắc, mỗi bệnh đều gây nên các thương tổn trên cơ thể, phá
hủy hoặc làm biến đổi tổ chức và tế bào. Mặt khác để chống đỡ hoặc để thích
nghi với trạng thái bệnh lý, cơ thể cũng phản ứng lại bằng cách thay đổi kiến
trúc, thay đổi hình thái của tổ chức và tế bào.
Giải phẫu bệnh là khoa học mô tả các hình thái tổn thương. Tuy nhiên
mô tả tổn thương không phải mục đích cuối cùng của môn giải phẫu bệnh học.
Việc mô tả tổn thương là để so sánh tình trạng bệnh lý với tình trạng bình
thường về phương diện đại thể (nhìn bằng mắt thường), vi thể (nhìn dưới kính
hiển vi) và siêu vi thể (nhìn dưới kính hiển vi điện tử). Nghiên cứu các biến
đổi về hình thái để giải thích những biến đổi chức năng và những triệu chứng
lâm sàng.
Tóm lại: Giải phẫu bệnh học là môn học nghiên cứu các tổn thương của
tế bào, mô và các cơ quan bị bệnh để giải thích những thay đổi về chức phận
và những triệu chứng lâm sàng, đồng thời tìm hiểu về nguyên nhân, cơ chế
bệnh sinh, cách diễn biến của bệnh để góp phần chẩn đoán bệnh. Chính vì vậy
mà môn giải phẫu bệnh được coi là môn y học cơ sở bởi vì người ta phải dựa
vào nó và các môn y học cơ sở khác để tìm hiểu và giải thích bệnh.
II. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIẢI PHẪU BỆNH
Sự phát triển giải phẫu bệnh đi cùng với sự phát triển của y học nói
chung, có quan hệ rất chặt chẽ với sự phát triển của môn giải phẫu, mô phôi.
Nhờ có việc phẫu tích nên ta mới nắm được hình thái, kích thước, vị trí, kích
thước, cấu trúc vi thể các tạng bình thường, từ đó làm cơ sở để so sánh, thấy
được các tổn thương của chúng khi bị bệnh trên cơ thể. Sự phát triển của giải
phẫu bệnh được tạm chia qua 4 giai đoạn tương ứng với các giai đoạn phát
triển của y học:
2.1. Giai đoạn giải phẫu bệnh kinh nghiệm (trước năm 1850): giai đoạn
giải phẫu bệnh mô tả tổn thương của bệnh tật là chủ yếu mà không giải thích
được tổn thương.
Ngay từ thế kỷ cuối trước công nguyên người ta đã phẫu thuật khỉ ở Ai
Cập, giao tử thi các tội phạm cho thầy thuốc nghiên cứu.
Thế kỷ thứ II, Galien là người đầu tiên mổ tử thi để thấy mối tương
quan giữa các triệu chứng của người bệnh và các tổn thương quan sát được.
Khi Thiên chúa giáo phát triển (ra đời cuối thế kỷ I) việc mổ tử thi bị
cấm, khi đó bệnh tật được coi như thứ gì ở ngoài con người, các lý thuyết triết
học thần bí làm y học cũng như các khoa học khác bị kìm hãm, đẩy lùi.
Thời kỳ phục hưng (thế kỷ XIV-XVII), y học mới lại được phát triển.
Đến thế kỷ XVI sau 14 thế kỷ, y học mới lại được mổ xác tử thi để nghiên cứu
về giải phẫu, giải phẫu bệnh và pháp y.
2.2. Giai đoạn giải phẫu bệnh bệnh căn (từ 1850-1900): Bắt đầu tìm ra
nguyên nhân và cơ chế của các tổn thương.
Năm 1856 Rudolf Virchow (1821-1902) xuất bản cuốn ”Bệnh lý tế
bào”trên cơ sở quan sát các tổn thương dưới kính hiển vi, những điều mà ông
tìm thấy đã chứng minh được rằng: bệnh tật có một cơ sở vật chất, tất cả các
vấn đề bệnh học trên cơ thể chẳng qua chỉ là vấn đề bệnh học của tế bào. Ông
đã xây dựng môn tổ chức bệnh một bộ phận quan trong của môn giải phẫu
bệnh. Học thuyết Virchow đã có một ảnh hưởng rất lớn, nó đã phá tan các
quan niệm huyền bí về bệnh tật. Nó đã chứng minh rằng bệnh tật cũng chỉ là
một mặt biểu hiện của sự sống, song những biểu hiện này xảy ra trong những
điều kiện không bình thường, các công trình của Ông còn có giá trị trong việc
tìm ra mối lien quan giữa hình thái và chức phận được thể hiện trong tạp
chí”Tài liệu tham khảo Virchow về giải phẫu bệnh, về sinh lý và về y học lâm
sàng”do Ông sáng lập ra và còn cho tới ngày nay.
2.3.Giai đoạn giải phẫu bệnh kinh điển (1900-1950): Đây là giai đoạn
ngành giải phẫu bệnh phát triển với các phương pháp chuyển đúc nến, cắt
mảnh mô học, các kỹ thuật nhuộm thông thường và đặc biệt được quan sát với
kính hiển vi quang học.
2.4.Giai đoạn giải phẫu bệnh học hiện đại (từ 1950 cho đến nay): đặc biệt
trong khoảng vài ba chục năm gần đây những tiến bộ to lớn về kính hiển vi
điện tử, về gen về hóa tổ chức, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử….kết hợp
với chẩn đoán hình ảnh, đã giúp cho thầy thuốc chẩn đoán được nhiều bệnh
đặc biệt là các bệnh ung thư.
III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA GIẢI PHẪU BỆNH:
3.1. Tế bào, mô và cơ quan bị bệnh (trên cơ thể người)
3.2. Động vật thực nghiệm:
- Gây ra/tìm cách gây ra bệnh (nào đó) trên động vật để tìm ra nguyên nhân,
cơ chế bệnh sinh (diễn biến của bệnh). Từ đó góp phần tiên lượng, điều trị và
phòng bệnh trên cơ thể con người.
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA GIẢI PHẪU BỆNH
4.1. Quan sát đại thể
- - Mô tả các đặc điểm tổn thương của các cơ quan, bộ phận trên cơ thể người
chết; Mô tả đặc điểm bệnh phẩm trên cơ thể người sống bao gồm: Hình dạng,
kích thước, màu sắc, mật độ, ranh giới...
4.2. Quan sát vi thể
- Mô tả các tổn thương của tế bào (tế bào bệnh học) và mô trên cơ thể người
sống (sinh thiết); người chết (tử thiết)
4.3. Liên hệ đối chiếu tổn thương vi thể với đại thể, đối chiếu tổn thương với
triệu chứng lâm sàng.
4.4. Cách thức tiến hành
4.4.1. Khám nghiệm tử thi: Là xem xét những tổn thương trên tử thi (thông
qua phẫu thuật) và các mô, cơ quan nghi ngờ có bệnh lý trên cơ thể tử thi (tử
thiết) để chẩn đoán bệnh, xác minh nguyên nhân gây chết, giúp lâm sàng rút
kinh nghiệm về công tác chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Khám nghiệm tử
thi được thực hiện với cả mục đích pháp lý lẫn y tế.
Ngoài ra đối với những bệnh mặc dù đã biết rõ ràng, nhưng vẫn cần
phải mổ tử thi do nhiều trường hợp tử vong lại do một bệnh nào đó và làm
cho người thầy thuốc sẽ có một quan niệm ngày càng đầy đủ hơn về một bệnh
nhất định. Có thể nói giải phẫu thi thể (khám nghiệm tử thi) có một vai trò rất
quan trọng để tìm hiểu bệnh tật như Bichat đã nói: ”Người ngồi bên bệnh nhân
hàng chục năm chẳng qua cũng chỉ thấy được một mớ triệu chứng, nhưng
người dự giải phẫu thi thể một lần hiểu được tất cả bệnh”. Bởi vậy khám
nghiệm tử thi chính là để cho thầy thuốc lâm sàng rút ra những kinh nghiệm
có ích cho công tác của mình, điều đó có nghĩa”cái chết phục vụ cho sự sống.
4.4.2. Sinh thiết: Chẩn đoán bệnh trên những bệnh phẩm lấy ở bệnh nhân còn
sống. Dựa trên chẩn đoán giải phẫu bệnh, bác sỹ lâm sàng sẽ có đường lối
điều trị phù hợp cho bệnh nhân đó.
Các bệnh phẩm sinh thiết được xử lý theo phương pháp tương tự như
mô học thông thường. Ngoài ra xét nghiệm sinh thiết tức thì, đòi hỏi chẩn
đoán mô bệnh trong 15-20 phút ngay trong cuộc phẫu thuật, để cho thầy thuốc
ngoại khoa có quyết định, xử trí đúng đắn, đặc biệt khi phẫu thuật các khối u
lành tính hay ác tính .
Ngày nay xét nghiệm sinh thiết ngoài phương pháp nhuộm
Hematoxylin và Eosine (H.E) thông thường, phương pháp nhuộm hóa mô,
miễn dịch, men học, sinh học phân tử ngày càng được sử dụng phổ biến để
nâng cao chất lượng chẩn đoán.
4.4.3. Tế bào bệnh học: Nhận xét sự thay đổi hình thái của tế bào để chẩn đoán
một số bệnh. Lấy một mẫu thử tế bào thì dễ dàng, ít gây mệt mỏi, ít gây biến
chứng và đỡ tốn kém, tiết kiệm thời gian hơn cho người bệnh so với sinh thiết.
Trong nhiều trường hợp sinh thiết cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên với
một số tình huống, độ chính xác của tế bào học và sinh thiết là như nhau.
Một số phương pháp xét nghiệm tế bào học như:
+ Xét nghiệm tế bào học bong (Cytologie Exfotiative): xét nghiệm tế
bào ở các dịch, chất tiết của cơ thể, ví dụ: dịch màng phổi, màng tim, màng
bụng… các chất dịch này thường được ly tâm, sau đó lấy cặn để phết lên lam
kính, sau đó cố định, nhuộm và đọc.
+ Xét nghiệm tế bào học bằng phương pháp áp (apposition): áp dụng
với các tổn thương hở ở da, niêm mạc mà tay thầy thuốc có thể tiếp cận được
như cổ tử cung, niêm mạc miệng, môi…
+ TB dịch rửa: Trong dịch rửa và hút phế quản chứa các tế bào bong ra
của phổi, phế quản cũng như các tế bào từ các tổn thương có trên các cơ quan
này bong vào trong dịch. Vì vậy, cần lấy được các tế bào này và nhận định
loại tế bào, hình thái, số lượng tế bào trong dịch, sự sắp xếp tế bào, nền phiến
đồ dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán bệnh.
+ Xét nghiệm tế bào học bằng phương pháp chọc hút tế bào bằng kim
nhỏ: áp dụng với hầu hết các khối u hoặc tổ chức mà kim có thể tới. Đây là
phương pháp chủ yếu được Marcel Zara năm 1947 dùng kim nhỏ chọc vào
một u giáp cục và hút ra dịch. Cho đến nay đây là phương pháp thường dung
phổ biến rộng rãi.
4.5. Các phương pháp khác
- Cần lưu trữ lại bệnh phẩm, tiêu bản, chụp ảnh, vẽ tranh minh hoạ,… nhằm
phục vụ cho các công tác chẩn đoán, hội chẩn, nghiên cứu, giảng dạy,…
5. NỘI DUNG CỦA MÔN HỌC GIẢI PHẪU BỆNH
Nội dung chương trình cũng như một cuốn sách giải phẫu bệnh lý
thường gồm hai phần: giải phẫu bệnh đại cương và giải phẫu bệnh cơ quan.
Phần đại cương nhằm giới thiệu các kiến thức chung nhất, những kiến thức có
tính chất nguyên lý, có tính chất quy luật để từ đó khi học các môn lâm sàng
bằng suy luận học viên có thể hiếu được cơ chế tổn thương, diễn biến của
những bệnh tật.
5.1. Giải phẫu bệnh đại cương: Bao gồm các phần tổn thương cơ bản của tế
bào và mô, bệnh học viêm, bệnh học khối u (bao gồm cả u lành và u ác hay
ung thư).
5.2. Giải phẫu bệnh cơ quan: bệnh về tổn thương riêng của từng cơ quan, hệ
thống như hệ thống tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bộ máy thần kinh ...
VI. NHIỆM VỤ CỦA GIẢI PHẪU BỆNH
6.1. Chẩn đoán bệnh
Việc áp dụng các kiến thức mới: các phân loại mô bệnh học mới và áp dụng
các kỹ thuật mới như hóa mô miễn dịch, giúp cho giải phẫu bệnh có những
kết luận chính xác và khách quan hơn.
Các kỹ thuật tế bào hỗ trợ cho lâm sàng như FNA cũng rất hữu ích trong thực
hành lâm sàng; xét nghiệm tế bào và dịch cơ thể cũng hết sức quan trọng trong
tầm soát và chẩn đoán bệnh ung thư. Chẩn đoán và sàng lọc phát hiện sớm
ung thư.
Giải phẫu bệnh không tham gia trực tiếp vào điều trị mà gián tiếp, bằng việc
chẩn đoán chính xác bệnh giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, xét nghiệm giải phẫu bệnh trong giai đoạn điều trị cũng góp
phần đánh giá, kiểm tra hiệu quả điều trị trước đó…
6.2. Đào tạo cán bộ y tế
Giải phẫu bệnh là một trong những môn cơ sở quan trọng trong bộ ba hình
thái học, và còn là môn học được đào tạo để giúp cho các bệnh viện xây dựng
và phát triển khoa giải phẫu bệnh, đào tạo nhân lực có trình độ và đạo đức
nhằm phục vụ đắc lực cho chẩn đoán và sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Việc
giảng dạy/học tập được thực hiện thông qua xem xét các bệnh phẩm, tiêu bản
(đại thể, vi thể) đã được lưu trữ lại, hay các tranh ảnh, tài liệu…
6.3. Nghiên cứu y học
Tham gia vào các nghiên cứu với lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng
khác. Kết hợp, đối chiếu kết quả để đưa ra kết luận cuối cùng có tính khoa
học, khách quan và chuyên môn cao.
6.4 Xây dựng một nền y học dân tộc và khoa học
Cùng với các chuyên ngành khác, giải phẫu bệnh học tham gia nghiên cứu xác
định các đặc điểm riêng về bệnh tật của người Việt Nam.

You might also like