Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 5

Tiềm năng to lớn đến từ thị trường tiêu thụ phim ảnh nghìn tỷ

Điện ảnh Việt đang có những lợi thế vô cùng lớn. Đây là ngành có tốc độ phát triển
rất nhanh, có thể nói là mạnh nhất so với các ngành nghệ thuật ở Việt Nam, thậm
chí Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường điện ảnh phát triển
nóng trên thế giới. Theo thống kê của Công ty CJ CGV Việt Nam: Nếu năm 2009,
tổng doanh thu thị trường chỉ khoảng 302 tỷ đồng (13 triệu USD), thì đến năm 2019
con số đó là 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD), nghĩa là sau 10 năm doanh thu tăng
13,5 lần.

Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có trên dưới 40 phim Việt được phát hành. So với
giai đoạn trước, đây là bước nhảy vọt ấn tượng, trước hết về mặt số lượng. Chất
lượng phim qua mỗi năm dù chưa ổn định nhưng vẫn luôn có những điểm sáng. Với
doanh thu hơn 420 tỷ đồng, bộ phim “Bố già” của Trấn Thành là phim Việt duy nhất
có mặt trong danh sách những phim chiếu rạp 2021 có doanh thu cao nhất toàn cầu.
Hay đầu năm 2023 mới đây, sau hơn 11 tuần khởi chiếu, phim điện ảnh “Nhà bà Nữ”
do Trấn Thành làm đạo diễn kiêm tham gia diễn xuất đã “về đích” với 475 tỷ đồng
doanh thu. Thành tích này cũng giúp “Nhà Bà Nữ” trở thành phim chiếu rạp có
doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé ở Việt Nam. Đó thực sự là những kỳ tích của
điện ảnh Việt Nam mà người ta sẽ còn phải nhắc đến trong một thời gian dài nữa.

Nhưng điều đáng nói, thành công ấy lại đến từ một biên kịch, đạo diễn “tay ngang” là
Trấn Thành. Cùng với đó là một số gương mặt “tay ngang” cũng sở hữu những
thương hiệu phim đình đám như Lý Hải với series phim ăn khách “Lật Mặt”, bộ đôi
Bảo Nhân và Nam Cito với “Gái già lắm chiêu”, Huỳnh Anh Tuấn với “Lô tô”, Ngô
Thanh Vân với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”... Dĩ nhiên, đây mới chỉ là những ví dụ
mang tính hiện tượng của điện ảnh, nhưng nó cũng cho thấy sự phát triển của lĩnh
vực này đang mở ra rất nhiều cơ hội cả với những người không chuyên.
Những thiếu sót trong phát triển nguồn nhân lực điện ảnh

Những bộ phim kể trên là minh chứng để khẳng định rằng nền điện ảnh Việt Nam
với những sản phẩm “bom tấn” trăm tỷ đang là thị trường vô cùng sôi động và có
nhiều tiềm năng để khai thác trong bức tranh tổng quan về kinh tế Việt Nam. Tuy
nhiên, về mặt bằng chung thì nguồn nhân lực của điện ảnh lại đang ở tình trạng
yếu và thiếu - có không ít người có tài năng, đam mê, nhưng trước yêu cầu của thị
trường đặc biệt là khi bước ra thế giới, từng đó thôi là chưa đủ.

Đạo diễn Nhất Trung thẳng thắn chia sẻ: “Trải qua gần 20 phim trong nhiều vai trò từ
nhà sản xuất (NSX), đạo diễn, tôi nhận định, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện
đang rất thiếu. Nếu thua về máy móc, thiết bị thì có thể giải quyết sớm nhưng nguồn
nhân lực không dễ dàng. Chúng ta đang đặc biệt thiếu những biên kịch giỏi, kịch
bản hay nên thị trường vẫn chỉ có chừng đó đề tài, câu chuyện. Diễn viên quanh đi
quẩn lại cũng chừng đó gương mặt”.

Mặt khác, thành công mang tính hiện tượng của một vài gương mặt “tay ngang” trên
một mặt bằng chung thực tế chưa có nhiều về số lượng và cũng không đồng đều về
chất lượng, dẫn đến phản ánh một thực tế khác của điện ảnh Việt hiện nay. Đó là
đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của thị trường, hay
nói cách khác là học chưa đi đôi với hành. Hiện tại, Việt Nam có hai cơ sở đào tạo
chính quy là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu Điện
ảnh TP HCM. Các khoa chủ yếu tập trung đào tạo đạo diễn, diễn viên, quay phim,
biên kịch... các khâu quan trọng không kém khác lại không có hoặc đào tạo chắp vá.
Nhân lực chủ yếu của điện ảnh Việt hiện nay từ nguồn Việt kiều, du học tự túc ở các
nước trở về.

Vào lúc cao điểm, các nhà làm phim tại Việt Nam rất dễ mắc phải cảnh chẳng thuê
được người. Nhà sản xuất BeBe Phạm từng than vãn khi làm phim "798 Mười",
tháng 6-2017, có đến 7 phim Việt bấm máy cùng lúc, nhưng chẳng thuê được đạo
diễn hình ảnh. Thời gian bấm máy buộc phải lùi lại khiến diễn viên chính Trường
Giang bỏ sang dự án "Siêu sao siêu ngố" vì trùng lịch quay, kéo theo một loạt thay
đổi sau đó. "Chúng ta thiếu nhân lực cả chất và lượng ở nhiều khâu nên nếu muốn
tăng số lượng phim, có thị phần rộng hơn cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Nguồn
nhân lực tay nghề cao thì kín lịch cả năm. Nguồn đào tạo trong nước lại chưa đủ để
nhà làm phim yên tâm sử dụng" - đạo diễn Võ Thanh Hòa (tốt nghiệp Khoa Phim
Trường Lasalle của Singapore) nhận định.

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền
vững và mang tính cạnh tranh quốc tế", nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn
cho rằng: “Điện ảnh Việt đa phần tập hợp những người học từ công việc, "nghề dạy
nghề". Việt Nam chưa có được những trường lớp đào tạo người làm nghề hiệu quả”.

Về những hạn chế trong đào tạo hiện nay, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu
trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Cơ
sở đào tạo có thương hiệu còn nhiều hạn chế như nhiều giáo trình chưa được thay
đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo; đầu
vào không có nhiều sinh viên thật sự có năng khiếu, tài năng; đầu ra thì cơ hội việc
làm của sinh viên còn khó khăn…

PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng,
hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao của điện ảnh Việt đang cạn kiệt dần do
không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài như thế hệ trước kia, còn đào tạo trong
nước thì chưa đạt yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng ngành nghề. Có thể
nhìn sang sự thành công vượt bậc của điện ảnh Hàn Quốc khi tập trung phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cử người đi đào tạo tại nước ngoài là
bài học được những người làm điện ảnh trong nước thường xuyên nhắc đến.

Diễn viên - một trong những yếu tố cốt lõi để làm nên linh hồn cho bộ phim, cũng
cùng chung một thực trạng chưa được đầu tư để phát triển bài bản. Trước hết, khái
niệm về diễn viên điện ảnh ở Việt Nam hiện nay còn khá “mơ hồ”. Hiện nay ngoài
những trường hợp diễn viên tay ngang, vô tình nhận được lời mời casting, thì các
diễn viên trẻ tạm chia ra làm hai nhóm. Trong đó, nhóm nghệ sĩ “tay ngang” bao gồm
những người đẹp, hotboy, hotgirl, ca sĩ, người mẫu, MC… và nhóm nghệ sĩ chuyên
nghiệp bao gồm các diễn viên được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc các diễn viên
trực thuộc nhà hát kịch. Tuy diễn xuất của các nghệ sĩ “tay ngang” còn khá gượng
gạo nhưng nhờ lượng người hâm mộ đông đảo hay nhờ sức ảnh hưởng ở mạng xã
hội nên họ cũng góp một phần không nhỏ cho thành công của mỗi bộ phim. Thực tế
là, nhìn vào các bộ phim điện ảnh của Việt Nam thì nhóm nghệ sĩ này lại đang vô
cùng lấn át so với tầng lớp diễn viên chính quy.

Bên cạnh những vấn đề về chuyên môn, việc đầu tư các sản phẩm điện ảnh Việt
Nam hiện nay cũng đang tạo nên một sự chênh lệch lớn, khi hầu hết các đơn vị sản
xuất đều tập chung tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi Hà Nội từng một thời là trung tâm
điện ảnh của cả nước thì nhiều năm nay hầu như không sản xuất được bộ phim
điện ảnh nào tạo được tiếng vang.

Dẫn chứng về nguồn nhân lực điện ảnh của Hà Nội, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch
Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận: Trong những năm qua TP
Hồ Chí Minh đã vượt lên, trở thành trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước, bỏ xa Hà
Nội về cả sản xuất lẫn phát hành phổ biến phim và thị trường điện ảnh (doanh thu
chiếu phim tại TP HCM chiếm trên 60% cả nước theo thống kê tổng hợp doanh thu
hàng năm từ 3 hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất VN là CGV, Lotte và BHD).

Nguyên nhân, hiện nay ở Hà Nội hầu như chưa có đội ngũ làm phim điện ảnh mang
tính quy mô. Các hãng phim thuộc Bộ VHTTDL chủ yếu duy trì đội ngũ với các phim
do Nhà nước đặt hàng nên đang rất khó khăn, đặc biệt là đội ngũ làm phim truyện
ngày càng teo tóp, không tìm được thế hệ kế cận. Chưa kể Hà Nội hiện nay rất ít
nhà đầu tư cho điện ảnh, trong khi đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở TP
Hồ Chí Minh. Ngoài ra, rạp của Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Điện ảnh Hà Nội
chưa thu hút người xem vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn phim thiếu và chưa
hấp dẫn… Chính không khí này đã làm điện ảnh Hà Nội trong những năm qua trở
nên “nguội lạnh” dẫn đến thực trạng rất ít dự án làm phim được khởi động. Điều này
sẽ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh
nếu không sản xuất phim.

Nguồn tư liệu:
1.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1004418/phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao
-cho-cong-nghiep-dien-anh-nhung-lo-hong-can-duoc-va
2. http://daidoanket.vn/tim-nguon-nhan-luc-cho-dien-anh-viet-5656374.html

You might also like