Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 3

SV: Bùi Phước Nguyên

Lớp:
Đề tài: Sứ điệp ăn năn trong sách tiên tri Giô-na
Môn học:

Sách Giô-na trở nên khác biệt vì nó không tập trung vào sứ điệp nhưng vào chính tấm lòng
của vị tiên tri. Khi đọc sách Giô-na, chúng ta nhìn thấy phương cách mà Đức Chúa Trời sử dụng
để xử lý cuộc đời của người phục vụ Chúa khi họ trở nên lạc điệu với tình yêu của Ngài. Những
điều được bày tỏ trong cả 04 đoạn của sách Giô-na mở ra một chương mới trong sự nhận thức về
Đức Chúa Trời. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với dân tộc Do Thái ngày
xưa (tiên tri Giô-na làm đại diện) mà còn đối với tất cả Cơ Đốc Nhân ngày nay. Đức Chúa Trời là
tình yêu thương. Chúa không muốn một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn
năn (II Phi-e-rơ 3:9). Trong phạm vi của bài viết này, xin được tập trung giải đáp 02 câu hỏi quan
trọng:

• Vì sao Đức Chúa Trời kêu gọi Giô-na rao giảng sự ăn năn cho dân thành Ni-ni-ve?
• Sứ điệp ăn năn trong sách Giô-na có ý nghĩa gì đối với Hội Thánh ngày nay?

Trước hết, hãy nhìn về cuộc đời của vị tiên tri và những điều mà ông trải qua khi đối diện
với tiếng Chúa gọi đi đến thành Ni-ni-ve. Tiên tri Giô-na sinh trưởng tại Gát-hê-phe thuộc về chi
phái Sa-bu-lôn (Giô-suê 19:13). Đây là một thành phố nhỏ, cách làng Na-xa-rét khoảng 5 km về
hướng Đông Bắc. Giô-na được kêu gọi làm tiên tri trong đời vua Giê-rô-bô-am II của vương quốc
Y-sơ-ra-ên. Có lẽ chức vụ của Giô-na đã đóng góp vào nền hòa bình thịnh vượng của vương quốc
khi A-si-ri ăn năn và không đánh phá Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ này. Xét về tính cách, Giô-na là vị
tiên tri trung thành với công việc Chúa và từng được Ngài dùng để phục hưng dân tộc (II Các vua
14:25).

Tuy nhiên, cũng giống như bao người Y-sơ-ra-ên khác, Giô-na có tấm lòng ái quốc hẹp hòi.
Về một phương diện, có lẽ ông cho rằng không dân tộc nào xứng đáng để được Đức Chúa Trời
thương xót ngoài Y-sơ-ra-ên. Chính vì thế, khi Chúa bày tỏ lòng thương đối với dân thành Ni-ni-
ve, Giô-na bị sốc vì ông hoàn toàn phản đối quyết định này. Điều gì khiến Giô-na không muốn dân
thành Ni-ni-ve ăn năn và được Chúa tha thứ?

1
Thành Ni-ni-ve là thủ đô của đế quốc A-si-ri. Những con người nơi đây vốn khét tiếng về
sự tàn ác. Họ sẵn sàng giết người và làm đủ mọi thứ dối trá, cường bạo và cướp bóc không thôi
(Na-hum 3:1). Sự tàn ác của dân thành Ni-ni-ve khiến họ mặc nhiên thuộc về danh sách của "những
người không đáng được Chúa thương xót", ít nhất là trong suy nghĩ hạn hẹp của Giô-na. Chính vì
thế, khi Chúa gọi Giô-na đi đến thành Ni-ni-ve, ông liền xuống tàu để trốn qua Ta-rê-si. Ta-rê-si
được xem là nơi tận cùng của thế giới thời bấy giờ vì đó là nơi xa nhất mà các con tàu có thể đi
đến. Có lẽ trong thâm tâm, Giô-na đã sẵn sàng bỏ cả chức vụ thiêng liêng để không phải làm điều
trái với lương tâm của mình. Đáng chú ý là Giô-na chạy trốn trong khi nhận thức rất rõ về 02 điều
quan trọng:

• Khi dân thành Ni-ni-ve được nghe sứ điệp từ Chúa, họ sẽ ăn năn.


• Khi dân thành Ni-ni-ve ăn năn thì Chúa sẽ tha thứ họ.

Là một tiên tri của Đức Chúa Trời, Giô-na há không muốn người nghe sứ điệp nhận biết
tội lỗi, sẵn sàng ăn năn và được Chúa tha thứ hay sao? Chính định kiến đã khiến Giô-na trở thành
người hẹp hòi. Có thể Giô-na cũng đã bị tổn thương trong phương diện nào đó khi nghe biết về tội
ác của dân thành Ni-ni-ve. Chính vì thế, lương tâm ông đã lên án những con người tại đây với số
phận mãi mãi không bao giờ được Chúa tha thứ. Đức Chúa Trời biết rõ điều này và Ngài có một
kế hoạch chi tiết để uốn nắn vị tiên tri ương ngạnh.

Rõ ràng Giô-na không phải là vị tiên tri duy nhất mà Chúa có thể dùng để đến với dân
thành Ni-ni-ve. Tuy nhiên, ông lại là vị tiên tri duy nhất đang "gặp vấn đề" với công tác rao truyền
sứ điệp. Xuyên suốt cả 4 đoạn của sách Giô-na, chúng ta thấy Đức Chúa Trời nhiều lần đem ông
đến với cơ hội ăn năn. Chúa dùng thiên nhiên (cơn bão, con cá, dây dưa, con sâu) và thậm chí cả
những người ngoại ban (thuỷ thủ đoàn, dân thành Ni-ni-ve) để dạy Giô-na về sự ăn năn và lòng
nhân từ của Ngài. Thế nhưng, trong tất cả những cơ hội đó, Giô-na vẫn giữ một tấm lòng cứng cỏi.
Ông có trái tim lạc điệu với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, sự phục vụ Chúa
của Giô-na bị méo mó bởi tổn thương và định kiến. Điều này có đang xảy ra với chúng ta là những
người nhận lấy chức vụ rao truyền tình yêu Chúa hay không? Có bao giờ chúng ta cũng lập một
danh sách của "những người không đáng được Chúa thương xót" hay không? Tổn thương và định
kiến có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chức vụ mà chúng ta nhận lãnh nơi Chúa. Nó khiến
chúng ta cay đắng và khi đạt đỉnh điểm sẽ trở nên bất tuân và kiêu ngạo. Ước ao người hầu việc

2
Chúa sẽ có đủ can đảm để đầu phục Chúa mỗi ngày. Chỉ có tình yêu và sự tha thứ của Chúa mới
giúp chúng ta được thấm nhuần và hết lòng vâng phục Ngài trong mọi nơi mọi lúc.

Ngày hôm nay, sứ điệp về sự ăn năn trong sách Giô-na có ý nghĩa gì đối với Hội Thánh?
Có một điều chắc chắn: ngay cả những người xấu xa nhất cũng cần đến Chúa Cứu Thế Giê-xu
(Lu-ca 5:31, I Ty-mô-thê 1:15). Thế nhưng có một sự thật đáng buồn: càng ở lâu trong nhà thờ,
chúng ta càng dễ trở nên khắt nghiệt đối với những người bên ngoài. Lòng nhân từ của Đức Chúa
Trời đối với dân thành Ni-ni-ve năm xưa nhắc nhở chúng ta về điều quan trọng trong hôm nay:
không ai là quá xấu xa để không thể được cứu bởi Tin Lành. Chúa muốn chúng ta chia sẻ tin mừng
cứu rỗi cho những người đang bị lãng quên trong cuộc đời mình.

Ngày hôm nay, chúng ta có thái độ thế nào đối với những người từng làm tổn thương Hội
Thánh? Chúng ta có đang mở cửa nhà thờ để những người tội lỗi cảm thấy được chào đón khi họ
muốn tìm hiểu về Chúa Giê-xu? Đối với những người thuộc cộng đồng LGBT, chúng ta có kế
hoạch nào để chia sẻ Tin Lành cho họ? Đối với những người vô thần, chúng ta có đang sẵn sàng
trả lời mọi chất vấn về niềm tin với thái độ ân cần để họ được thay đổi và được cứu một ngày nào
đó trong tương lai? Chúa muốn tôi luyện tấm lòng của người phục vụ Ngài. Sự ăn năn là bước
quan trọng của quá trình đó. Nguyện Chúa làm mới nhận thức của chúng ta về công tác rao truyền
Tin Lành để mỗi Cơ Đốc Nhân trở thành chứng nhân xứng đáng cho Chúa mỗi ngày.

You might also like