Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 9

NGÔN NGỮ

SỐ 11 2017

ĐỐI CHIẾU THÀNH NGỮ CÓ HÌNH ẢNH CON CHUỘT


TRONG TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT
TỪ GÓC ĐỘ ẨN DỤ TRI NHẬN
NGÔ THỊ HUỆ*
Abstract: The rat is the first of the twelve animals of the Chinese and Vietnamese
zodiac. The mouse has multiple meanings in many Chinese and Vietnamese idioms.
The article applies the theory of cognitive metaphors to analyze the semantic features
of the idioms containing “rat” in the two languages, trying to highlight the similarities
and differences in their cultural expressions.
Key words: Comparison, idioms, rat, Chinese, Vietnamese, cognitive metaphors.
1. Dẫn nhập
Chuột là con vật đứng đầu trong 12 con giáp. Hình ảnh con chuột xuất
hiện rất phong phú với hàm nghĩa đa tầng trong thành ngữ tiếng Hán và tiếng
Việt. Bài viết vận dụng lí luận ẩn dụ tri nhận, đi sâu phân tích những đặc trưng
ngữ nghĩa của thành ngữ mang hình ảnh con chuột trong tiếng Hán và tiếng
Việt, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt của loại thành ngữ này trong
hai ngôn ngữ.
Thành ngữ có hình ảnh con chuột đã được đề cập đến trong các nghiên
cứu về 12 con giáp của Mã Đan [14], Trần Chí Minh [16], Vi Thị Thuỷ [19],
Bùi Thị Hằng Nga [15], v.v... Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, cho
đến nay dù ở Trung Quốc hay Việt Nam vẫn chưa có học giả nào tiến hành
phân loại và đi sâu phân tích các đặc trưng ngữ nghĩa của loại thành ngữ này
trong hai ngôn ngữ. Việc đi sâu nghiên cứu đối chiếu sẽ giúp chúng ta tìm ra
những điểm tương đồng và khác biệt trong biểu đạt ngôn ngữ và nội hàm
văn hoá ẩn sâu trong thành ngữ. Như W. Humboldt (1767-1835) đã từng cho
rằng, ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, ngôn ngữ gắn với tinh thần, văn hoá
dân tộc. Cũng theo E. B. Tylor (1871), văn hoá là sự tổng hoà phức tạp, bao
gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, pháp luật, phong tục và những tập quán,
năng lực mà con người có được với tư cách là thành viên của xã hội (dẫn
theo [7, 13]).

* Trường Đại học Hà Nội.


Đối chiếu thành ngữ... 53
Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng, ý nghĩa cô đọng hàm
súc, khả năng biểu cảm cao. Theo khảo sát ban đầu, chúng tôi thu thập được
124 thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Hán và 33 thành ngữ có
hình ảnh con chuột trong tiếng Việt1. So với tiếng Việt thì số lượng thành
ngữ tiếng Hán nhiều hơn nhưng sự trùng lặp về ý nghĩa cũng khá lớn, ngoài
ra nội dung ý nghĩa của thành ngữ tiếng Việt rất phong phú, đa dạng nên
việc đối chiếu sẽ có rất nhiều thú vị. Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành
dựa trên nguồn ngữ liệu đã được khảo sát nêu trên.
2. Cơ sở lí luận
Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận, với đại diện tiêu biểu là Lakoff &
Johnson, thì ẩn dụ không đơn thuần là một thủ pháp tu từ mà nó là một hiện
tượng tri nhận, nó là phương thức tư duy, nhận thức về thế giới của nhân loại.
Ẩn dụ được hình thành từ tri nhận và là kết quả của tri nhận. Ẩn dụ là cấu trúc
ánh xạ từ miền ý niệm này (miền nguồn) đến miền ý niệm khác (miền đích),
dựa trên cơ sở những điểm tương đồng giữa các sự vật được so sánh với nhau.
Ẩn dụ là phương thức lấy cái cụ thể, quen thuộc, đơn giản, rõ ràng làm
cơ sở tham chiếu và hình thành nên những khái niệm trừu tượng, xa lạ, phức
tạp, mơ hồ, giúp biểu đạt hàm ngôn và tinh tế, khơi gợi những liên tưởng phong
phú của con người. Cơ sở để tạo nên ẩn dụ là kinh nghiệm, trải nghiệm của
con người về các vật thể. Người Việt Nam và người Trung Quốc thường lấy
ngoại hình, tính cách, hành vi của chuột để ví với con người và những sự vật,
hiện tượng trong đời sống hiện thực. Ở đây, hình thù, thuộc tính (tính cách,
hành vi, phương thức sống) của chuột là những thứ cụ thể, đơn giản, con người
mắt thấy tai nghe, dễ dàng cảm nhận, nó là cơ sở (miền nguồn) để hình thành
những khái niệm phức tạp, trừu tượng, mơ hồ như tướng mạo, tính cách, thái
độ, bản chất, hành vi, số phận, v.v... của con người hay đặc điểm, bản chất của
sự vật, hiện tượng trong xã hội (miền đích) - những thứ mà con người phải
cảm nhận bằng tất cả các tri giác và sự suy luận.
Các vật thể trong hiện thực có vô vàn những mối liên hệ, con người có
thể thông qua tư duy tìm ra những mối liên hệ giữa chúng, hoặc thông qua
tưởng tượng, liên tưởng để thiết lập mối liên hệ giữa chúng, đó là cơ sở để
hình thành ẩn dụ tri nhận [21]. Con chuột vốn thuộc loài gặm nhấm, nó có đặc
điểm sinh học là mõm nhọn, cặp răng cửa và bộ móng sắc nhọn, tướng mạo

1
Nguồn khảo sát: Từ điển tiếng Hán hiện đại (2010), Từ điển thành ngữ Tân Hoa (2002),
Từ điển thành ngữ trực tuyến: (http://www.fantizi5.com/chengyu/wz35.html); Từ điển giải
thích thành ngữ tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Từ điển thành ngữ và tục
ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (2006), Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ của Hoàng Văn Hành
(Chủ biên) (2002).
54 Ngôn ngữ số 11 năm 2017
xấu xí, thân hình nhỏ bé, hôi hám, bẩn thỉu, thích gặm nhấm, chui rúc, luôn
phá hoại mùa màng, sức sinh sản và khả năng gây bệnh dịch lớn. Chính vì
thế, nó thường được liên tưởng tới những hàm nghĩa tiêu cực như: tướng
mạo xấu xí, bản chất xấu xa, tính cách gian xảo, hành vi vụng trộm, thế lực
đen tối, v.v…
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiến hành phân loại ngữ nghĩa
các thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt, đồng thời
vận dụng lí luận ẩn dụ tri nhận để phân tích một số nghĩa biểu trưng của loại
thành ngữ này trong hai ngôn ngữ. Chúng tôi đã tìm ra những điểm tương
đồng và khác biệt như sau:
3. Đặc trưng ngữ nghĩa
3.1. Điểm tương đồng
3.1.1. Biểu thị tướng mạo xấu xí, bản chất xấu xa
Tiếng Hán và tiếng Việt đều dùng vẻ ngoài xấu xí của chuột - một con
vật bẩn thỉu, xấu xí và tinh quái để hàm chỉ người có tướng mạo xấu xí và
người gian xảo, tiểu nhân.
Câu thành ngữ tiếng Việt mặt chuột kẹp: chỉ con chuột mặt đã bé lại bị
kẹp lại, ngầm ví với người mặt quắt, tướng mạo xấu xí, nhỏ nhen, gian giảo;
mặt dơi tai chuột: chỉ người mặt choắt, khó coi; nửa dơi nửa chuột / dở dơi
dở chuột / dơi không ra dơi chuột không ra chuột vốn nói con dơi giống con
chuột nhưng khác ở chỗ con dơi có cánh, hàm chỉ người tướng mạo xấu xí,
xảo trá. Nửa dơi nửa chuột cũng là câu thành ngữ mang nhiều tầng ý nghĩa,
ngoài biểu thị tướng mạo xấu xí còn chỉ làm trò vụng trộm, không đứng đắn
hoặc để chỉ sự nửa vời không rõ ràng. Trong tiếng Việt, mặt chuột còn biểu trưng
cho chân tướng xấu xa: cháy nhà ra mặt chuột. Ở đây “nhà” là nơi cư trú ẩn
náu của chuột, khi cháy nhà chuột nóng quá phải chạy ra khỏi nơi ẩn nấp, lúc
đó mới rõ trong nhà có lũ chuột, mới rõ diện mạo bản chất của chuột, câu thành
ngữ ngầm chỉ sau khi xảy ra biến cố mới lộ rõ chân tướng xấu xa của ai đó.
Tiếng Hán và tiếng Việt đều dựa vào hình thù mặt mày xấu xí bên ngoài
của chuột để ngụ ý nói đến con người. Tuy nhiên, người Trung Quốc chú ý
nhiều hơn đến mục thử (mắt chuột) hay thử mi (mày chuột), vốn được coi là
linh hồn của chuột, và nó chính là tiêu điểm để ánh xạ nên các miền khái
niệm trừu tượng khác (như tướng mạo, tính cách của con người…). Tiếng
Hán có những câu thành ngữ chỉ mắt chuột như: 獐头鼠目(chương đầu thử
mục) chỉ đầu nai nhỏ, dài, nhọn, mắt chuột bé và tròn để ví với người tướng
mạo xấu xí, nham hiểm; 蛇头鼠眼 (xà đầu thử nhãn - đầu rắn mắt chuột) ví
người tướng mạo xấu xí, gian tà; 狼眼鼠眉 (lang nhãn thử mi - mắt sói mày
chuột) ngầm chỉ người có tướng mạo nham hiểm; 贼眉鼠眼 (tặc mi thử nhãn)
để chỉ thần sắc gian giảo của kẻ làm điều mờ ám; 目光如鼠 (mục quang như thử -
Đối chiếu thành ngữ... 55
ánh mắt như mắt chuột) ý chỉ mắt người gian xảo. Chuột sục sạo kiếm ăn
khắp nơi, mắt láo liên luôn lo chạy trốn trước sự truy tìm của con người, vì
thế nó được liên tưởng đến hạng người tiểu nhân, xảo trá.
Chuột là loài có thính giác và khứu giác tốt nhưng thị giác kém, người
Trung Quốc đã dựa vào đặc điểm thị giác kém của chuột để chỉ người có
tầm nhìn hạn hẹp. 鼠目寸光 (thử mục thốn quang), 寸 (thốn) là đơn vị chỉ
độ dài, một thốn là 10 phân; thốn đồng thời cũng có nghĩa là "cực ngắn, cực
hẹp". Nghĩa đen của câu thành ngữ này là mắt chuột chỉ thấy ánh sáng rất
gần phía mình, nghĩa ẩn dụ muốn nói loại người có tầm nhìn hạn hẹp, hiểu
biết nông cạn, suy nghĩ thiển cận.
3.1.2. Biểu thị sự dở dang, không nhất quán
Tiếng Việt dùng hình ảnh đầu voi đuôi chuột đối lập giữa đầu voi vốn
to đối lập với đuôi chuột vốn nhỏ để chỉ làm việc dở dang, không đến nơi
đến chốn, ban đầu tốt về sau lại dở. Tiếng Hán có câu thành ngữ tương ứng,
chỉ có điều tiếng Hán không dùng đầu voi mà dùng đầu hổ - 虎头鼠尾 (hổ
đầu thử vĩ - đầu hổ đuôi chuột). Cùng một ý nghĩa nhưng hai ngôn ngữ sử
dụng hình ảnh miêu tả khác nhau.
3.1.3. Biểu thị tính nhát gan, sợ hãi
Chuột có đặc tính là ranh ma, nhiều thủ đoạn, nhưng vì chuyên lần mò
ăn vụng nên lúc nào cũng lấm lét sợ hãi bị con người phát hiện đuổi bắt.
Người Trung Quốc đã nắm bắt đặc tính này của chuột để ví với người nhát
gan, yếu đuối: 胆小如鼠 (đản tiểu như thử) chỉ gan nhỏ như gan chuột, ngụ
ý nói người nhát gan, hay sợ hãi. Để biểu thị người nhút nhát, không bạo
dạn, tiếng Việt không dùng hình ảnh chuột để miêu tả mà dùng hình ảnh thỏ:
nhát như thỏ đế, “thỏ đế” là thỏ hoang, vốn yếu ớt, hiền lành, nhút nhát.
Chuột là loài động vật ăn đêm, vì thế nếu ban ngày khi phá phách nó sẽ
rất sợ bị người phát hiện, câu thành ngữ tiếng Việt len lén như chuột ngày chỉ
sự sợ hãi của người khi làm điều xấu xa vụng trộm, sợ bị người khác phát hiện.
Thì thụt như chuột ngày biểu thị hàm ý do có hành vi ám muội, thiếu đứng
đắn nên ra vào đi đứng sợ hãi, lén lút, không đường hoàng.
3.1.4. Biểu thị sự vụm trộm, trốn chạy, bước đường cùng
Chuột là một con vật tinh ranh, về hành vi, chúng luôn thích ẩn trốn,
chui rúc, luôn trốn chạy tránh sự truy đuổi của con người, đây là cơ sở để liên
tưởng đến những kẻ làm điều xấu, vụng trộm. Biểu thị ý nghĩa này trong tiếng
Hán có các câu thành ngữ như: 贼头鼠脑 (tặc đầu thử não) chỉ sự mờ ám, vụng
trộm, gian tà, 鼠窃狗偷 (thử thiết cẩu thâu) / 狗盗鼠窃 (cẩu thâu thử thiết -
ăn vụng như chuột, cắn trộm như chó) ví với hành vi vụng trộm, 鸟惊鼠窜
(điểu kinh thử thoán - chim kinh động, chuột hoảng hốt bỏ chạy) chỉ sự sợ hãi
bỏ chạy, 抱头鼠窜 (bão đầu thử thoán) / 捧头鼠窜 (bổng đầu thử thoán - chuột
ôm đầu bỏ chạy) ngụ ý nói trạng thái bỏ chạy thê thảm, 狐奔鼠窜 (hổ bôn
56 Ngôn ngữ số 11 năm 2017
thử thoán - hồ li trốn, chuột bỏ chạy), 狼奔鼠窜 (lang bôn thử thoán - sói
trốn, chuột bỏ chạy) ví với cảnh bỏ chạy nhục nhã, thê thảm. Tiếng Hán còn
dùng câu thành ngữ 鼠入牛角 (thử nhập ngưu giác), ngưu giác là sừng trâu,
chuột chui vào sừng trâu vốn nhỏ hẹp, tắc kín, và không có lối thoát, ngầm
chỉ thế lực ngày càng suy yếu. Cũng chỉ sự bế tắc, bước đường cùng, tiếng
Việt có câu thành ngữ chuột chạy cùng sào (sào là "cây gậy tre cắm ở góc
ruộng lúa hay hoa màu vùng nông thôn", chuột leo lên ngọn cây sào và sà
xuống lưới đã đặt giăng bẫy chúng từ lâu), ở đây sào là hình ảnh biểu trưng
của bước đường cùng, câu thành ngữ nhằm chỉ tình trạng con người lâm vào
hoàn cảnh khó khăn, bước đường cùng, không lối thoát.
3.1.5. Biểu thị sự gian trá, giả tạo
Chuột vốn là con vật xấu xí, hôi hám, tham lam và ma mãnh. Vì thế nó
thường là đại diện của cái xấu xa, đáng ghét. Tiếng Hán và tiếng Việt đều dựa
vào hình ảnh con chuột để liên tưởng đến hạng người xảo trá, giả tạo. Câu
thành ngữ trong tiếng Hán 狐鼠之徒 (hồ thử chi đồ) là một ví dụ. 狐鼠之徒
(hồ thử chi đồ) ý nói làm tín đồ cho hồ li và chuột vốn là những con vật gian
ác, ở đây để ngầm chỉ người tiểu nhân, xảo quyệt. Trong tiếng Việt cũng có
hàng loạt các câu thành ngữ chỉ hạng người giả tạo, xấu xa: chuột chù đeo
đạc (đạc "là cái mõ") chỉ kẻ vốn xấu mà lại làm ra bộ muốn dạy đời, chuột
chù lại có xạ hương (chuột vốn hôi hám lại xức thêm xạ hương để giấu mùi
hôi) nhằm giễu những kẻ không có tài mà lại khoe mẽ, chuột chù nếm giấm
(chê những kẻ không biết gì mà lại tỏ ra thành thạo), chuột đội vỏ trứng (chê
những kẻ muốn che giấu bản chất của mình bằng cái bề ngoài giả dối).
Như vậy, có thể thấy tiếng Hán và tiếng Việt đều có những đặc điểm chung
trong thành ngữ mang hình ảnh con chuột, đều thông qua đặc tính của chuột
như vẻ ngoài xấu xí, bẩn thỉu, hôi hám, bản tính ranh ma nhưng nhát gan, hành
vi lấm lét, vụng trộm, chui rúc để nói đến tướng mạo khó coi, bản chất xấu
xa, hành vi giả tạo, vụng trộm, không đường hoàng, v.v... của một loại người
trong xã hội. Tuy nhiên, cho dù biểu thị cùng một phạm trù ý nghĩa nhưng
cách biểu đạt trong hai ngôn ngữ không giống nhau, điều đó phản ánh trong
cái tương đồng có sự khác biệt.
3.2. Điểm khác biệt
3.2.1. Biểu thị người nhỏ nhen, ích kỉ; việc nhỏ bé tầm thường
Người Trung Quốc không chỉ quan sát vẻ ngoài của chuột, mà còn chú
ý đến “nội tạng” của chuột. Trong thành ngữ tiếng Hán có không ít câu thành
ngữ dùng hình ảnh “tim, gan, bụng” của chuột để ngụ ý nói con người ích kỉ,
nham hiểm hay sự việc nhỏ mọn tầm thường. Ví dụ: 鼠心狼肺 (thử tâm lang
phế - tâm chuột phổi sói) ví với con người nham hiểm, ác độc; 虫臂鼠肝
(trùng tí thử can - cánh tay của côn trùng, gan của con chuột) ví với việc nhỏ
bé tầm thường, ngầm chỉ người ti tiện nhỏ nhen. 鼠肚鸡肠 (thủ đỗ kê tràng -
Đối chiếu thành ngữ... 57
bụng chuột ruột gà), 鼠腹蜗肠 (thử phúc oa tràng - bụng chuột, ruột ốc sên),
bụng chuột, ruột gà hay ruột ốc sên đều là những thứ có sức chứa hạn hẹp,
ở đây ngầm chỉ người nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỉ.
3.2.2. Biểu thị sự chần chừ, do dự
Khi quan sát hình thù vẻ ngoài của chuột, người Trung Quốc cũng đặc
biệt chú ý nhiều đến đầu chuột (首鼠): 首鼠两端 (đầu thử lưỡng đoan) (lưỡng
đoan: hai đầu, ý nói do dự không quyết đoán), 进退首鼠 (tiến thoái đầu thử)
(tiến thoái: lúc tiến lúc lùi), 首鼠模棱 (thủ thử mô lăng) (mô lăng: không rõ
ràng). Chuột là con vật đa nghi, ra khỏi hang lúc tiến lúc lùi, lúc ở đầu này
lúc ở đầu kia, ra ra vào vào, do dự không quyết đoán nên 首鼠 (đầu thử - đầu
chuột) trong tiếng Hán còn mang nét nghĩa là do dự, chần chừ. Sự liên tưởng
này bắt nguồn từ sự quan sát, trải nghiệm trong thực tế của người Trung Quốc.
3.2.3. Biểu thị sự dãi dầu mưa gió
Cùng biểu thị ý nghĩa tương đương nhưng hai ngôn ngữ dùng những hình
ảnh miêu tả khác nhau. Tiếng Việt có câu thành ngữ Ướt như chuột lột miêu
tả hình ảnh con người bị ướt toàn thân, trông thảm hại. Câu thành ngữ mang
đậm dấu ấn văn hoá lúa nước của người dân Việt với hình ảnh trời mưa lụt,
đồng nước ngập trắng, lũ chuột không còn chỗ ẩn náu phải lóp ngóp bơi trong
nước trông rất thảm hại. Nguyên gốc của câu thành ngữ là Ướt như chuột lụt,
do ụt và ột đứng liền kề nhau nên ụt được biến đổi thành ột theo nguyên tắc
đồng hoá trượt để tạo tính vần điệu và dễ đọc, dễ hiểu. Cũng biểu thị ý nghĩa
tương đương, tiếng Hán không dùng hình ảnh “chuột” mà dùng hình ảnh
“con gà” 淋得像落汤鸡似的 (lâm đắc tượng lạc thang kê tự đích) ý nói
“ướt giống như con gà bị luộc trong nồi nước canh sôi”.
3.2.4. Biểu thị sự tham quan, ỷ thế làm càn
Sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ còn ở chỗ, hai ngôn ngữ sử dụng những
hình ảnh tương đồng để biểu thị những hàm ý khác nhau. Ví dụ, tiếng Việt có
câu thành ngữ Chuột sa chĩnh gạo, gạo là thức ăn hàng ngày chuột phải lầm
lũi tìm kiếm mới có được chút ít, bỗng dưng chuột sa chĩnh gạo, cả một chĩnh,
nghĩa là "rất nhiều", sa nghĩa là "hoàn toàn ngẫu nhiên, do ăn may". Câu thành
ngữ dùng để chế giễu kẻ nghèo hèn may mắn được sống trong sung túc giàu
sang, không phải làm lụng vất vả mà vẫn được hưởng sung sướng, nó mang
hàm ý giễu cợt chê bai một cách khéo léo và thâm thuý. Cùng ý nghĩa này
tiếng Việt còn có một câu thành ngữ tương đương khác Chuột sa lọ mỡ.
Tiếng Hán có câu thành ngữ 官仓老鼠 (quan thương lão thử), 官仓
(quan thương) là kho lương thực của dân, dự trữ cho dân, con chuột ở trong
kho lương thực của dân biểu trưng cho lũ tham quan chuyên đục khoét, vơ
vét tài sản của dân hoặc để chỉ kẻ ác ỷ thế làm càn. Câu thành ngữ cũng là
bức tranh phản ánh thực tế xã hội phong kiến Trung Quốc, đồng thời thể hiện
58 Ngôn ngữ số 11 năm 2017
thái độ căm phẫn của người dân về lũ tham quan ô lại. Nguồn gốc của câu
thành ngữ xuất phát từ bài thơ 官仓鼠 (Quan thương thử - Chuột kho công)
của nhà thơ Tào Nghiệp thời Đường. Nguyên tác bài thơ như sau:
官仓老鼠大如斗, Quan thương lão thử đại như đẩu
见人开仓亦不走。 Kiến nhân khai thương diệc bất tẩu
健儿无粮百姓饥, Kiện nhi vô lương bách tính cơ
谁遣朝朝入君口。 Thuỳ khiển triêu triêu nhập quân khẩu
(Trong kho thóc nhà nước có con chuột to bằng cái đấu. Thấy người mở
kho cũng không trốn chạy. Quân lính không có lương ăn, trăm họ đói. Ai cho
ngày ngày đổ vào mồm mày?) [24].
Bài thơ là lời tố cáo mạnh mẽ bọn tham quan, vạch trần những tội ác
đen tối của chúng gây ra với người dân nghèo khổ. Ngoài ra, lấy chuột là
hình ảnh biểu trưng cho thế lực đen tối, tiếng Hán còn có câu thành ngữ 城
狐社鼠 (thành hồ xã thử - hồ li dựa vào tường thành, chuột dựa vào miếu
thần) ngầm chỉ lũ người tiểu nhân gian ác, ỷ thế làm càn.
Qua hai câu thành ngữ Quan thương lão thử của tiếng Hán và Chuột sa
chĩnh gạo của tiếng Việt có thể thấy chúng mang đậm đặc trưng văn hoá mỗi
dân tộc. Người Việt quan sát và đặt chuột ở vị trí số phận cá nhân, mang
màu sắc dân gian, còn người Trung Quốc đặt chuột ở vai trò tương quan với
xã hội, mang đậm màu sắc chính trị. Nguồn gốc xuất xứ cũng là yếu tố
quyết định nội hàm ý nghĩa của câu thành ngữ này. Câu thành ngữ tiếng Hán
xuất phát từ điển cố văn học, còn câu thành ngữ tiếng Việt là xuất phát từ lời
ăn tiếng nói hàng ngày của người dân lao động.
Do trải nghiệm của mỗi dân tộc khác nhau nên tri nhận về thế giới và
biểu đạt trong thành ngữ cũng có những điểm khác biệt. Điều này thể hiện rất
rõ trong thành ngữ mang hình ảnh chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt. Tiếng
Việt sử dụng những hình ảnh gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân
lao động, mang đậm dấu ấn văn hoá nông nghiệp lúa nước như chuột sa chĩnh
gạo (chĩnh là đồ đựng bằng đất nung), chuột chù nếm dấm, chuột đội vỏ trứng,
chuột chù đeo đạc (đeo mõ), chuột sa lọ mỡ (lọ: đồ đựng làm từ sành sứ dùng
để đựng mỡ, mắm trong các gia đình ở vùng nông thôn), mặt dơi tai chuột,
ướt như chuột lột (nguyên gốc của câu thành ngữ là: ướt như chuột lụt, mô tả
cảnh chuột lóp ngóp trong cánh đồng ngập nước), v.v... Đây phần lớn là những
lời ví von mang tính khẩu ngữ của người dân lao động. Còn thành ngữ tiếng
Hán phần lớn sử dụng những hình ảnh ví von có sự xuất hiện của chim non,
sói, hổ, hồ li, rắn, kho (lương thực), thành quách, miếu thần... những thành ngữ
này đều có xuất xứ từ các điển tích, điển cố mang màu sắc văn ngôn sâu sắc.
Đây là điểm khác biệt cơ bản của loại thành ngữ này trong hai ngôn ngữ.
Đối chiếu thành ngữ... 59
Tóm lại, mô hình miền nguồn là chuột ánh xạ vào miền đích là con người
trong tiếng Hán và tiếng Việt được khái quát trong sơ đồ dưới đây:

Miền nguồn Miền đích

Chuột Con người

Tướng mạo Tính cách


Ngoại hình
Nội tạng Thái độ
Bản chất
Tầm nhìn
Bản tính
Hành vi Hành vi Hoàn cảnh

Phương thức sống Thế lực Tình trạng

Số phận

4. Kết luận
Có thể thấy thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Hán và tiếng
Việt phần lớn mang nét nghĩa tiêu cực. Điều đó phản ánh quan niệm “dĩ nhân
vi trung” của người Trung Quốc và Việt Nam. Bởi con chuột với thuộc tính của
nó - là con vật gây hại cho con người, có mối quan hệ “đối địch” với con người.
Con người đánh giá vật thể dựa vào nhận thức, quan niệm thẩm mĩ, thái độ
yêu ghét và lợi ích mà vật thể mang lại cho chính mình. Chính vì thế, từ ngoại
hình, bản tính, hành vi, phương thức sống của chuột thường được liên hệ tới
những con người tướng mạo xấu xí, tâm địa gian xảo, hành vi vụng trộm,
hoàn cảnh bế tắc, thế lực đen tối... Bên cạnh đó, cũng có một số (rất ít) thành
ngữ mang nghĩa trung tính, nó thể hiện cái nhìn đa chiều của con người, tính
đa phương diện của một vấn đề. Con người dù coi chuột là kẻ thù nhưng vẫn
luôn nhận thức được những thế mạnh của chuột, và coi đó là một thành viên
của thế giới tự nhiên muôn màu muôn vẻ.
Thông qua phương thức ẩn dụ, hình ảnh con chuột trong thành ngữ tiếng
Hán và tiếng Việt hiện lên rất phong phú, sinh động, hàm ý đa tầng, thể hiện
đặc trưng văn hoá mỗi dân tộc. Hình ảnh con chuột trong thành ngữ tiếng Hán
mang màu sắc văn ngôn, hàn lâm, thâm thuý, phần lớn đều có nguồn gốc từ các
điển cố, điển tích, còn hình ảnh con chuột trong thành ngữ tiếng Việt phần lớn
xuất phát từ những hình ảnh ví von mang tính khẩu ngữ của người dân lao động
và mang đậm chất văn hoá dân gian và văn hoá lúa nước của người dân Việt.
60 Ngôn ngữ số 11 năm 2017
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Đặng Thị Hương Giang (2017), Ẩn dụ thực thể trong thành ngữ liên quan đến hiện
tượng thời tiết trong tiếng Hán, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia 2017, Nghiên
cứu và giảng dạy ngoại ngữ ngôn ngữ quốc tế học tại Việt Nam, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
2. Đỗ Thị Thu Hương (2017), Về cơ sở hình thành thành ngữ tiếng Việt, T/c Ngôn
ngữ, Số 3.
3. Hoàng Phê chủ biên (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
4. Hoàng Thị Yến (2017), Tục ngữ tiếng Hàn có yếu tổ chỉ con mèo, T/c Nghiên
cứu nước ngoài, Số 2, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.
5. Hoàng Văn Hành (chủ biên) (2002), Kể chuyện Thành ngữ tục ngữ, Nxb
KHXH, Hà Nội.
6. Lý Toàn Thắng (2004), Ngôn ngữ học tri nhận, Từ lí thuyết đại cương đến thực
tiễn tiếng Việt, Nxb Phương Đông.
7. Nguyễn Đức Tồn (2010), Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy,
Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
8. Nguyễn Lân (2006), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn học.
9. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, Nxb GD,
Hà Nội.
10. Phạm Ngọc Hàm (2017), Con gà trong ngôn ngữ Trung Việt, T/c Nghiên cứu
nước ngoài, Số 1, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG HN.
11. Phạm Văn Tình (2013), Giải nghĩa thành ngữ, tục ngữ, Nxb Kim Đồng.
12. Trịnh Thị Thanh Huệ (2007), So sánh hàm nghĩa văn hoá các từ chỉ động vật
tiếng Hán và tiếng Việt, T/c Ngôn ngữ và Đời sống, Số 5.
Tiếng Anh
13. Lakoff & Johnson (1980), Metaphors We live by, University of Chicago Press.
Tiếng Trung Quốc
14. 马丹 (Mã Đan) (2006),论汉语成语中 12 种生肖动物的象征意义及其教学,
四川大学硕士学位.
15. 裴氏恒娥 (Bùi Thị Hằng Nga) (2015),汉越生肖词语对比研究,华南师范
大学博士学位.
16. 陈志明 (Trần Chí Minh) (2011),十二生肖动物的汉越成语及其文化比较 ,
华中师范大学硕士学位论文.
17. 罗常培 (La Thường Bồi) (2003),语言与文化,北京出版社.
18. 商务印书馆辞书研究中心(2002) ,新华成语词典,商务印书馆.
19. 韦氏水 (Vi Thị Thuỷ) (2012), 汉、越动物成语对比研究,吉林大学硕士学
位论文.
20. 中国社会科学院语言研究所词典编辑室(2010) ,现代汉语词典,商务印书馆.
21. 王寅 (Vương Dần) (2006) 认知语言学,上海外语教育出版社.
Website
22. http://baike.baidu.com
23. http://www.fantizi5.com/chengyu/wz35.html
24. http://www.thivien.net

You might also like