Nhà đầu tư nên đọc-từ f319

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 25

Làm giàu bằng mua bán niềm tin - Cách làm giàu nhanh nhất

Trong xã hội có rất nhiều loại tài sản để đánh giá về sự giàu có. Tất
cả chúng đều được định giá bằng NIỀM TIN. Tại sao lại gọi là định giá
bằng niềm tin và Niềm tin có sức mạnh như thế nào ? tôi xin phân tích
dưới đây:

Khi thị trường BDS cứ tăng, ai cũng nghĩ nó sẽ lên nữa, lên nữa, tất
cả đều không ai bán. Cả một dãy phố 1000 ngôi nhà chỉ một người
bán duy nhất 1 căn 50m2 lại có nhiều người muốn mua. Họ chốt giá
ngôi nhà đó là 150tr/1m2 x50m2=7,5 tỷ. Thế là cả phố xì xào ông X
vừa bán được 150tr/1m2 thì nghiễm nhiên cả 1000 ngôi nhà đều
được định giá và quát với giá 150tr/1m2. Nhưng giá của 1000 ngôi
nhà sẽ là 7500 tỷ nếu giả sử bán tất thì ai có tiền mà mua ? Chỉ có 1
giao dịch 7,5 tỷ nó định mặt bằng giá cho cả dãy phố =7500 tỷ . ĐÂY
CHÍNH LÀ GIÁ DO NIỀM TIN ĐỊNH GIÁ. Khi cứ càng ôm càng giảm,
người ta tin rằng nó sẽ còn giảm nữa, cả dãy phố đều muốn bán lại
chẳng có ai mua thì quá trình định giá nó sẽ diễn ra theo chiều ngược
lại.

Giá trị thật ngôi nhà ở đâu ? nó chính là dựa vào giá trị khai thác của
nó. Nếu ngôi nhà đó cho thuê được 10 triệu/1 tháng. Bạn vay NH mua
nó với lãi suất 12% thì bạn vay 7,5 tỷ sẽ phải trả lãi mỗi tháng
7,5x12% =90 triệu. Tức là mỗi tháng bạn phải nộp thêm 80 triệu để
nuôi cái nhà. Lúc này cái nhà đấy không phải là tài sản của bạn là một
thứ tiêu sản khổng lồ, bạn phải nuôi nó hơn nuôi con nghiện, nó
không đem lại tiền nuôi bạn, mà mỗi tháng tiêu mất của bạn 80tr. Mọi
sự vật nếu tồn tại mà nó tiêu tốn quá nhiều năng lượng thì nó sẽ nổ.
Bạn muốn giữ ngôi nhà đó để chờ bán cho người khác giá cao hơn
sẽ chẳng có thằng nào điên đâu. Và giá đó là bong bóng, nó sẽ nổ.
Khi ngành vận tải biển thiếu tàu, giá cước tăng mạnh. Mỗi con tàu lãi
100 tỷ mỗi năm. Kể cả những con tàu nát cũng tăng giá ầm ầm, có
con còn đắt hơn cả tàu mới vì tàu đặt đóng mới phải chờ 3-4 năm mới
đóng xong. Khi khủng hoảng thừa, cước giảm không có hàng để chở,
thuê chỗ đậu tốn tiền, thuê bảo dưỡng tốn tiền..chi phí lớn càng lỗ
nặng. Tàu lại thành tiêu sản giá lại giảm chỉ còn 20% bởi khi ấy ai
cũng tin rằng cứ ôm vào là chết.
Tương tự như vậy, Vàng, CK cũng được định giá bằng NIỀM TIN.

Ví dụ vàng thì giá trị sử dụng thật sự thì không đáng với cái giá nó
đâu. Có những lúc Vàng cũng chả có giá trị gì như khi bạn lạc ở đảo
hoang đói ăn, ai cho bạn một thùng mì tôm chắc chắn sẽ quý hơn cho
bạn một cây vàng. Nhưng nó là một thứ tài sản hiếm, khó khai thác,
từ lâu đời người ta dùng để trao đổi, cất trữ thay tiền. Mà tiền thì bất
cứ quốc gia nào cũng đều là giấy, họ đều in được dễ dàng. Vì thế
vàng vẫn cứ tăng trong dài hạn. Bạn giữ vàng luôn có lợi hơn bất cứ
một thứ tiền tệ nào.

Trong bất cứ một nền kinh tế nào thì luồng tiền nhàn rỗi, đầu cơ, tích
trữ của nhân dân đều chảy xoay quanh 4 kênh, BDS, VÀNG,CK,TIỀN
TỆ. Và lúc nào cũng sẽ có 1 kênh tăng giá bởi NIỀM TIN NÓ TĂNG,
và đó chính là nơi kiếm tiền dễ nhất.
1/ Nguyên lý tăng giá của cổ phiếu

Những cổ phiếu tốt, cổ đông có niềm tin thì họ bán ít, thanh khoản
thấp và cô đặc. Những cổ phiếu như vậy mới dễ tăng bằng lần. Bởi
nó có thể tăng bằng niềm tin, tiết cung, khó mua thì cần rất ít tiền để
tăng. Những cổ siêu thanh khoản, hàng thị trường, nặng mông thì rất
khó đi xa bởi rất nhiều gà và nhỏ lẻ nên khi muốn tăng cần phải đổ
vào một lương tiền cực lớn. Ví dụ FLC mỗi phiên 20tr cổ thì mỗi phiên
cần > 100 tỷ mới đi đc. VCG, PVX .... chúng cũng loãng ko kém là
bao... Những cổ phiếu này ôm càng lâu càng chết.

Niềm tin và kì vọng chính là nguyên nhân làm tăng giá cổ phiếu, nhiều
cổ phiếu có cổ tức cao, P/E thấp chỉ số đẹp nhưng chúng lại không hề
tăng giá được, bởi nó không đem đến cho các cổ đông sự kì vọng về
tương lai, ví dụ ngành nghề khó phát triển, giá sản phầm giảm, khó
bán, quy mô SX bị thu hẹp, ngành nghề đang bão hòa. Trong khi đó
một số cổ phiếu dù P/E cao hơn trung bình ngành nhưng nhà đùa tư
vẫn chấp nhận mua vào vì triển vọng tương lai của công ty đó rất
sáng, cơ cấu tình chính lành mạnh, hoặc có giá trị tài sản ngầm cao
hơn nhiều vốn hóa không thể hiện trên báo cáo tài chính ít người nhìn
ra...

2/ Quá trình tăng giá của cổ phiếu.

Một công ty vốn hóa nhỏ, lợi nhuận cao, khi giá cổ phiếu còn rẻ, vốn
hóa nhỏ thì thanh khoản thường rất thấp. Nó hay bị nhiều người chê
thanh khoản và ko để ý. Các tổ chức, tự doanh, quỹ... rất sợ những
cổ loại này. Chính vì thế đây mới là cơ hội để nhân nhiều lần tài
khoản. Công ty nào thanh khoản cao cũng đã phải qua thời thanh
khoản thấp.

Quá trình tăng giá của cổ phiếu là 1 quá trình đào thải, không đào thải
sẽ không thể lên được, đào thải ông nhìn ngắn và thay bằng những
ông nhìn xa. Hay đúng hơn là đào thải những ông ko có niềm tin vào
dn và thay bằng những ông có niềm tin vào dn. Sau quá trình tăng giá
là điều chỉnh, nếu ta sợ hãi thì sẽ bị đào thải, ông nhìn ngắn đang bán
và ông nhìn dài đang mua. Nhiều ông nhìn dài thì cổ phi xa, nhiều ông
nhìn ngắn cứ chực úp bô nhau thì k phi được. Cổ ngon nhưng nhiều
người đu bám với hy vọng ăn vài lai rồi phắn thì đường đi sẽ rất sóc!
Ck cái tâm lí chốt non, chốt xong ít người sửa sai dc, thường nó phi
20% thì ko dám vào, nhưng có khi tăng 1000% lại tất tay tất chân, ck
là một trò chơi tâm lý, ít người kiểm soát được. Không kiềm chế đc
cảm xúc, bị sợ hãi sẽ bán rẻ kim cương = sai = bị đào thải. Khôn thì
rẻ, ôm, mặc hết trần sàn sẽ được trả thành quả xứng đáng.

VD: Hãy nhìn lại cổ bá đạo nhất năm vừa qua là HSG, khi tôi gom vào
vùng giá 30-32k tháng 12/2015 thanh Khoản chỉ tầm 200-500k/phiên
trong khi tổng số cp của HSG khi đó là tầm 130 triệu (hiện đã chia
tách thành 196 tr), tính đến nay cả chia tách và cổ tức HSG đã tăng
khoảng 300% từ đáy 25k/cp. Thậm chí lùi về thời điểm vài năm trước
đó thanh khoản của HSG còn thấp hơn rất nhiều lần.

http://f319.com/threads/hsg-hsg-hsg-dao-chieu.705397/

Những cp bá đạo nhất VNM, BMP, NTP, PTB... cũng từng trải qua
giai đoạn thanh khoản thấp như vậy. Các mã dòng thép khác như
SMC TLH NKG vùng giá rẻ nhất múc vào ăn to nhất thanh khoản
cũng rất ít vì ít người muốn bán cp ở giá đó vì nó quá rẻ, bán đi thà
rằng để mốc quên pass tài khoản đi cho xong, nên muốn gom nhiều
rất khó, thường phải tăng 20-30% thanh khoản mới cải thiện.

Một cp tốt hiện nay đang ở thời kỳ thanh khoản thấp là NHA, bạn chỉ
cần bỏ ra 130 tỷ vốn hóa có thể mua cả công ty không nợ vay mà sở
hữu 1000 lô đất liền kề diện tích 80m2/lô đã xong gần hết hạ tầng,
tương đương chỉ cần bỏ ra 120 triệu mua 11.000 cổ phần là bạn đã
có 1 lô đất trị giá 550 triệu lãi ngay hơn 400 triệu, đầu tư muốn lãi to
phải nhìn trước thiên hạ 1 vài năm chớ để đến khi cp đã tăng 300%
như HSG mới nhảy vào ăn tý ngọn, lợi nhuận thì ít mà rủi ro thì cao
lại mất cơ hội ăn to ở cp khác....

3/ Con chim sẻ trong lòng bàn tay hơn con gà trống đứng trên nóc
nhà.

Những công ty có lãi thực, lãi khủng, chia nhiều thưởng nhiều giá lại
bèo thì ôm. Những thứ còn xa vời chỉ dựa vào mấy bài PR rẻ tiền trên
cafef, Vstock....thì cảnh giác đấy, hầu hết là lừa đảo mà thôi. Nếu cổ
tốt sẽ tự nhận thấy qua giao dịch, nó đặc quánh, ít khi bán vung vãi
hàng triệu cổ phiên. Càng lắm gà cổ phiếu càng nguy hiểm. Dự án
hay mấy bài PR chỉ vẽ mất vài triệu thuê đăng, nhưng để có vài chục
tỷ tiền mặt trả cổ tức là một khoảng cách xa vời lắm.

4/ Hãy đi trước media để trở thành người chiến thắng

Còn nhớ cuối năm ngoái khi gom HSG thì cả dòng thép bị media tung
tin chim lợn phục vụ mục đích gom hàng của tay to, cá mập. Còn nhớ
khi đó nhắc tới mua cp dòng thép là bị chê điên, hấp, chả có vẹo gì,
rồi nào là thép trung quốc giá rẻ công ty trong nước ăn cám ko cạnh
tranh nổi, rồi Fomusa nó sẽ tranh cướp hết thị phần của các công ty
thép nội... đủ các tin xấu ngập tràn mặt báo. Đến nỗi tôi ôm HSG cũng
nóng hết cả ruột vì index tăng từ 510 lên 570 mà HSG vẫn loanh
quoanh luẩn quẩn 30k/cổ không tăng nổi, trong khi những GAS,
SDI, ... nó cứ phi ầm ầm ầm nóng hết cả người. Ấy thế mà đến khi tay
to muốn đánh lên thì đủ các tin tốt bung ra hỗ trợ như tin giá quặng
sắt tăng mạnh, thuế chống bán phá giá... thế rồi dòng thép lập hết
đỉnh này tới đỉnh khác, càng lên tin tốt càng bơm ầm ầm, nào là thị
phần tăng mạnh, lợi nhuận khủng, chia tiền, cổ phiếu, .... hoa hết cả
mặt đến nỗi lãi to mà nhiều ông không muốn chốt lại còn vơ thêm vào.

Hiện nay media đang chim rất mạnh dòng bất động sản y như dòng
thép năm ngoái, đặc biệt là phân khúc đất nền mặc cho giá đất nhiều
nơi như HCM, đà nẵng... đã tăng chóng hết cả mặt nhiều nơi tăng
100-200-300%. Hiện nay áp lực nợ công cao (nghe đồn con số thực
tế là 120% GDP), tiền đang bơm ra thị trường mạnh, khả năng 1-2
năm tới sẽ có lạm phát, trước mỗi đợt lạm phát dòng tiền có xu
hướng tìm đến các tài sản như Đất để tránh mất giá. Hãy nhìn lại sốt
bất động sản 2007 diễn ra âm thầm ngay trước đợt lạm phát kinh
hoàng 2007-2008 rồi bùng phát trong năm 2007 để thấy tiềm năng
của dòng cổ đất nền hiện nay. Hãy đi trước media để trở thành kẻ
chiến thắng!!!

5/ Nhà cái, bốc cờ, Công ty CK sẽ thường khuyên bạn ăn giấy vụn,
mua bán loạn cào cào để thu phí.

Đó là nghề của họ rồi, bạn cứ lướt thật nhiều VCG, PVX, KLF, FLC...
rồi thằng kia lại sọc seo doanh thu họ sẽ rất cao. Chứ ai cũng như tôi
ôm cổ phiếu 1 năm giời thì họ ăn bã mía. Nhưng muốn giầu trong CK
bạn phải tách mình ra đc khỏi bầy đàn. Bạn hãy tin vào bản thân
mình, kể cả trong trường hợp tất cả đều chê bạn hâm, điên, khùng...
bởi trong CK số đông luôn thua.

6/ Bí kíp tránh bị tàn sát

Đã đến lúc thay đổi chiến lược đầu tư, tránh sự tàn sát tiếp tục diễn
ra. Cổ phiếu chỉ tăng bền vững khi nó quý hiếm, cô đặc khó mua. Phải
thanh lý hết đống giấy vụn siêu thanh khoản TT mới có cửa lên được
vững bền. Chẳng có cái gì muốn mua bao nhiêu cũng có mà nó
lại có giá. Loại đó càng ôm lâu sẽ càng mất giá. Kết cục tất cả những
cổ siêu thanh khoản đều giống nhau đó là về máng lợn và đuổi khỏi
sàn. Những tư duy cũ bắt đáy, beta cao, chart đẹp.... cũng sẽ chết
hết, bởi những thứ đó không thể biết lúc nào thằng tay to nó xả hàng,
lúc nào nó ra tin xấu dẫm đạp lên nhau mà chạy? Câu trả lời cho điều
đó chính là kết cục thảm thương của những PVX, PVA, PVV, ITA...
Một số triết lý đầu tư của Peter Lynch

Quan trọng nhất trong đầu tư, theo Peter Lynch là phải tìm được cổ
phiếu của các công ty kinh doanh thành công, hay chính xác hơn là
những cổ phiếu có giá trị. Khi đã chọn được những cổ phiếu đó, việc
lên xuống thị giá của các cổ phiếu đó không còn quan trọng. Và ông
rất giỏi khi tìm kiếm những "ten bagger" - những cổ phiếu có khả năng
tăng trưởng giá trị lên 10 lần (hay 1.000%).

Peter Lynch chia các công ty ra làm sáu loại như sau:

1/ Slow Grower: Đây là những công ty lớn, ổn định đã trải qua những
giai đoạn của chu kỳ phát triển. Các công ty này hiện tại chỉ tăng
trưởng với tốc độ nhỉnh hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng của
cả nền kinh tế.

2/ Stalwarts: Những công ty đã ổn định này năng động hơn các công
ty Slow Grower một chút, nhưng vẫn thuộc loại công ty tăng trưởng
chậm.

3/ Fast Growers: Đây là những công ty đang tăng trưởng mạnh mẽ,
có khi đến 20-25%/năm.

4/ Cyclicals: Đó là những công ty mà kết quả kinh doanh cũng như thị
giá cổ phiếu lên và xuống theo chu kỳ.

5/ Asset Plays: Đây là những công ty có những tài sản với trị giá cao
mà thị trường không nhận biết. Peter Lynch cho rằng không phải lúc
nào Wall Street cũng định giá chính xác.

6/ Turnarounds: Đây là những công ty có khả năng xoay chuyển tình


thế. Cứ mỗi khi đối diện với khó khăn, những công ty này có đủ tài lực
để thay đổi tình hình qua hướng sáng sủa hơn.

Peter Lynch ưu tiên chọn nhóm công ty Fast Growers, Asset Plays,
Turnarounds vào danh mục đầu tư của mình. Tuy vậy ông cảnh báo
rằng, sự phân loại các công ty có tính cách tương đối theo thời gian.
Do đó cứ vài tháng một lần, phải kiểm tra và phân loại lại.

Công ty càng đơn giản càng tốt

Cũng gần giống với Warren Buffett, Peter Lynch chỉ thích đầu tư vào
những công ty mà ông nắm rõ sự vận hành. Ông thích những công ty
đơn giản và có ưu thế cạnh tranh cao: ưu thế là ưu thế về thương
hiệu, hay những thế mạnh về sản xuất, chất lượng sản phẩm. Với ưu
thế cạnh tranh cao, công ty sẽ tránh khỏi rủi ro khi thay đổi quản lý.

Điều quan trọng nhất để đầu tư vào một công ty là tài sản và khả
năng tạo ra lợi nhuận của nó. Trước khi đầu tư vào cổ phiếu của bất
kỳ công ty nào, Peter Lynch khuyên chúng ta hãy tự hỏi và tự đối
thoại với bản thân mình trong hai phút: cái gì tạo ra giá trị cho công ty
này, và công ty có thể thành công không?

Ngoài những nguyên tắc cơ bản như giá trị tài sản, doanh số bán
hàng, tỷ số tiềm năng của lợi nhuận trên thị giá, khả năng thanh
khoản, Peter Lynch còn quan sát một số dấu hiệu khác để tìm ra
những cổ phiếu tốt: người trong công ty có mua cổ phiếu đó không?
Công ty có đang mua lại cổ phiếu của mình không?

Tránh đầu tư

Peter Lynch khuyên chúng ta tránh đầu tư vào những cổ phiếu sau:

- Cổ phiếu được "đồn" sẽ là sao sáng. Đây sẽ là một Intel, một


Microsoft tương lai... Những ngôi sao sáng như vậy rất hiếm. Và nếu
ai cũng biết nó là sao sáng thì nó khó có khả năng trở thành sao sáng
vì lúc đó giá đã được đưa lên cao rồi.

- Công ty mua công ty khác để đa dạng hóa. Peter Lynch không tin là
những phi vụ mua bán lớn sẽ tạo ra sức mạnh hợp quần, và thường
thì các công ty không quản lý hiệu quả nhiều chức năng phát sinh đột
ngột của mình. Ông khuyên nhà đầu tư đừng nên đưa tiền vào những
phi vụ mua bán "dở hơi" như vậy.

- Những công ty trung gian - không phải là nhà sản xuất, dịch vụ hay
trực tiếp phân phối sản phẩm - và phụ thuộc vào một vài khách hàng
chính. Khi một hai khách hàng không tiếp tục hợp tác thì tình hình
kinh doanh của công ty sẽ trở nên rất tệ.

- Những công ty có tên quá đẹp, quá hấp dẫn thị trường. Peter Lynch
khuyên chúng ta tìm kiếm những cổ phiếu có tên bình thường, thậm
chí xấu, những cổ phiếu có giá trị mà không bị để ý.
Hiện tại trên sàn có nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết với mục đích để bán cổ phiếu ra thị
trường và tạo những đợt sóng tăng giảm rất mạnh nhằm thu hút giới đầu cơ. Tuy nhiên, về
lâu dài, kết cục của những cổ phiếu này sẽ là những phiên giảm sàn liên tục trắng bên bán.
Vậy làm cách nào giúp nhà đầu tư (NĐT) có thể phân biệt DN tốt - DN xấu? Qua bài viết
này, Vietnam Equity có vài gợi ý đến NĐT cách nhận biết, đánh giá DN để phòng ngừa rủi
ro. Những số liệu minh họa trong bài viết được bộ phận dữ liệu của Vietnam Equity thu
thập dựa trên BCTC do DN cung cấp hoặc những website tài chính thông dụng.

1. Hãy chú ý đến tiền mặt của DN.

Thông thường những DN tốt thường tích lũy nhiều tiền mặt theo thời gian. Lượng tiền mặt
này đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) cốt lõi của DN (từ lợi nhuận, chiếm
dụng vốn...) chứ không phải từ việc vay vốn hay phát hành thêm cổ phiếu. Vì thực tế, rất ít
doanh nghiệp hoạt động hiệu quả phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Để biết
lượng tiền mặt của DN là "thật" hay "ảo", NĐT nên xem thêm mục "Lợi nhuận hoạt động tài
chính" chủ yếu từ tiền gửi ngân hàng để đối chiếu với lượng tiền mà DN đang có. Thông
thường DN tốt cũng có tỷ lệ nợ vay thấp.

Dưới đây là đồ thị minh hoạ lượng tiền mặt và lợi nhuận của một DN có hoạt động kinh
doanh tăng trưởng đi kèm với đường đi lên của lượng tiền mặt trên mỗi cổ phiếu. Rõ ràng,
nếu 2 đồ thị này đi lên và cùng hướng thì rất tốt. Những đồ thị phân tích này được chúng
tôi cung cấp đến NĐT ở mục Đồ Thị Phân Tích giúp NĐT có đánh giá nhanh về DN.
Nhìn vào khoản mục tiền của DN đặc biệt là những DN phát hành tăng vốn, chúng ta cũng
phần nào biết được DN đó có thật sự góp vốn thật hay chỉ là góp vốn ảo. Dưới đây là ví
dụ:
Nhìn vào cơ cấu tài chính của DN Q2/2016, DN tăng vốn từ 165 tỷ lên 495 tỷ từ việc phát
hành thêm cổ phiếu (ô màu đỏ). Tuy nhiên, lượng tiền mặt chỉ tăng từ 9 tỷ lên 21 tỷ (ô màu
vàng), đây là dấu hiệu rất đáng nghi ngờ về tính minh bạch của việc tăng vốn. Đồng thời,
cũng trong Q2/2016, các khoản "Phải thu" tăng mạnh hơn 320 tỷ (từ 63 tỷ lên 388 tỷ (ô
màu xanh)). Như vậy, có thể kết luận rằng DN này tăng vốn để dồn hết vào các khoản phải
thu. Đây là một dạng DN nên tránh xa vì yếu tố rủi ro về quản trị và độ minh bạch của DN.
Và hiển nhiên hệ quả tất yếu của DN này trên thị trường là giá cổ phiếu rơi từ 37.000 đ/cp
xuống còn 2.500 đ/cp!!!! Để nhìn nhanh tình hình cơ cấu tài chính của DN nhanh nhất NĐT
có thể theo dõi mục Tổng Quan trên trang web của Vietnam Equity.

2. Hãy đối chiếu "Tồn Kho", "Phải thu" với Nợ chiếm dụng.

Thông thường, "Tồn kho" và "Phải thu" là phần tài nguyên DN phải bỏ ra để duy trì hoạt
động kinh doanh, là cơ sở để ước lượng và dự đoán lợi nhuận của một DN. Tuy nhiên,
"Tồn kho" và "Phải thu" chỉ tích cực khi được tài trợ bởi nguồn vốn DN đi chiếm dụng và
hạn chế vay nợ.

Dưới đây là điển hình của một DN tốt (VNM): Rõ ràng từ 2013 đến 2015, VNM luôn duy trì
tổng "tồn kho" và "phải thu" từ 6.000 tỷ - 6.400 tỷ; đồng thời, mức "Nợ chiếm dụng" của DN
cũng ổn định quanh mức 4.000 tỷ- 5.000 tỷ. Việc duy trì và cân đối 2 mục trên giúp VNM
mở rộng doanh số mà không phải sử dụng nhiều nợ vay và vẫn duy trì lượng tiền mặt rất
lớn trong tài khoản.

Đối nghịch với VNM là một doanh nghiệp khác hoàn toàn trái ngược (xem cơ cấu tài chính
bên dưới). Dễ dàng nhìn thấy tổng tồn kho và phải thu của DN này tăng rất nhanh, từ
1.500 tỷ năm 2011 tăng lên 4.200 tỷ năm 2015. Tuy nhiên, DN gần như không tăng được
nợ chiếm dụng, vẫn duy trì 1.500 tỷ -1.700 tỷ từ 2011 đến 2015. Điều này cho thấy DN bị
thiếu hụt một lượng vốn ngắn hạn (hay còn gọi là Vốn lưu động) rất lớn để tài trợ cho việc
tăng tồn kho. Không còn cách nào khác, DN này buộc phải phát hành thêm, làm vốn điều
lệ tăng từ 400 tỷ năm 2011 lên 4.000 tỷ năm 2015. Với những DN phát hành thêm mà
nguồn lực tập trung vào "tồn kho" và "phải thu", đây là những mã rất rủi ro cho NĐT. Có lúc
giá cổ phiếu của DN này đã về 3.000 đ/cp với dư bán bằng 20% Vốn điều lệ mà vẫn không
có người mua.
Trong phần trước, Vietnam Equity đã giới thiệu 2 yếu tố để đánh giá
nhanh DN tốt và DN có dấu hiệu "xào nấu" dựa trên khoản mục "Tiền mặt" và
các yếu tố ảnh hưởng đến vốn lưu động của doanh nghiệp như "Tồn kho", "Phải
thu", "Nợ chiếm dụng". Trong bài viết này, chúng ta bàn đến yếu tố lợi nhuận của
doanh nghiệp.
Lợi nhuận bao gồm lợi nhuận chính từ hoạt động SXKD cốt lõi, lợi nhuận tài
chính và thu nhập khác. Thông thường một doanh nghiệp tốt và bền vững
thường có tỷ trọng lợi nhuận hoạt động SXKD cốt lõi cao nhất, lợi nhuận tài
chính chủ yếu là lợi nhuận từ hoạt động tiền gửi và thu nhập khác (nếu có và bất
thường) thì không được đánh giá quá cao.

Dưới đây là cơ cấu lợi nhuận của một doanh nghiệp có hoạt động SXKD cốt lõi
lành mạnh và tăng trưởng tốt:

Dựa vào cơ cấu tài chính trong minh hoạ trên, dễ dàng nhận thấy lợi nhuận sau
thuế của DN tăng trưởng mạnh từ 211 tỷ trong năm 2011 lên 666 tỷ trong năm
2015. Sự tăng trưởng mạnh này đến chủ yếu từ lợi nhuận hoạt động SXKD
chính chiếm tỷ trọng lớn. Lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác chiếm một tỷ
trọng nhỏ hơn và trong đó lợi nhuận tài chính là từ lãi suất tiền gửi của DN. Giá
cổ phiếu của DN này tăng bền và ổn định từ 30.000 đ/cp năm 2011 lên 180.000
đ/cp năm 2016.
Vấn đề là bạn luôn mong muốn tìm kiếm lợi nhuận khi mua một loại
chứng khoán, khi giá đi xuống rất khó để bán chúng đi và chấp nhận
thua lỗ. Quả thật là rất khó để chấp nhận mình đã hành động sai lầm,
người ta thường hay có xu hướng chờ đợi, hy vọng giá lên trở lại thay
vì nên bán chúng đi.

Mọi thứ còn trở lên tồi tệ hơn khi bạn vừa bán chứng khoán đi thì giá
bắt đầu lên trở lại. Bạn sẽ thực sự bị bối rối và cho rằng cắt giảm thua
lỗ là một chính sách tồi.

Có bao giờ bạn nghĩ rằng sự thua lỗ là cực kỳ nguy hiểm? Bạn sẽ dễ
dàng mất đi sự thông minh và tỉnh táo cần có. Thông thường đây là
thời điểm hầu hết các nhà đầu tư tiếp tục phạm sai lầm và thực sự trở
lên rối rắm khủng hoảng.

Hãy tự hỏi mình câu hỏi sau: Bạn có mua bảo hiểm hoả hoạn cho
ngôi nhà của bạn vào năm ngoái? Ngôi nhà của bạn đã bị thiêu trụi
chăng? Nếu nó không bị cháy, bạn đã làm sai vì đã lãng phí tiền bạc
trong việc mua bảo hiểm? Bạn sẽ từ chối mua bảo hiểm năm sau? Tại
sao bạn mua bảo hiểm hoả hoạn cho ngôi nhà? Bởi vì bạn biết ngôi
nhà của bạn sẽ bị cháy?

Không! Bạn mua bảo hiểm hoả hoạn để bảo vệ bản thân, chống lại
khả năng có thể bị sự mất mát lớn ảnh hưởng trầm trọng đến khả
năng tài chính, rất khó để hồi phục.

Đó cũng là tất cả lý do tại sao phải cắt giảm thua lỗ.


Lên rồi xuống, xuống chán lại lên, là sự vận động liên tục của thị
trường, hãy nắm bắt các tín hiệu tạo đáy mà thị trường đưa ra để có
phản ứng tốt nhất. Một lưu ý nhỏ cho các bạn từ kinh nghiệm của
mình, hãy lấy vĩ mô làm kim chỉ nam mới đi được đường dài và xa,
còn kỹ thuật, chỉ như chiếc kính chiếu hậu nhìn ra đằng sau, không
thể lái đc xe đi xa mà chỉ nhìn những chiếc kính đằng sau.

Đầu những năm 1930 của thế kỷ trước, một chuyên gia phân tích
chứng khoán trẻ tuổi có tên Benjamin Graham sau nhiều năm nghiên
cứu đã phát hiện một quy luật. Đó là nhiều cổ phiếu tốt sau một thời
gian bị ảnh hưởng tâm lý thất thường từ thị trường sẽ bị bán tháo đến
khi thị giá rất rẻ. Khi đó, nhà đầu tư chỉ việc mua vào và nắm giữ một
thời gian để giá quay lại mốc cao hơn và thu lời lớn.

Tuy nhiên, vị tỷ phú nổi tiếng Warren Buffet lại không hoàn toàn đồng
ý với quan điểm này và đã chứng minh không phải cổ phiếu nào bị
định giá thấp cũng quay lại mức giá ban đầu. Chỉ những cổ phiếu tốt,
có lợi thế cạnh tranh đặc biệt và lợi nhuận tăng trưởng bền vững mới
tăng trở lại và thị giá vượt lên các tầm cao mới. Ngược lại, việc chọn
nhầm cổ phiếu sẽ vô cùng tệ hại, không kể đến những cổ phiếu tiếp
tục giảm giá sâu. Khi nhà đầu tư ghi nhận những khoản lỗ lớn, nhiều
mã bị chọn nhầm hầu như không biến động nhiều về giá, xu thế đi
ngang trong thời gian dài gây mất nhiều chi phí cơ hội và chôn vốn.
"Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai
nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một
cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ
xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng rất nhanh, khi thấy
rằng mình đã khá xa Rùa, Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới một
bóng cây xum xê lá bên vệ đường và nghỉ thư giãn trước khi tiếp tục
cuộc đua. Vì quá tự tin vào khả năng của mình, Thỏ ngồi dưới bóng
cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi trên đường đua. Rùa từ từ vượt qua
Thỏ và sớm kết thúc đường đua".
Rùa và Thỏ đại diện cho 2 kiểu nhà đầu tư mà tôi định nói đến: nhà
đầu tư năng động và nhà đầu tư thụ động.

- Nhà đầu tư năng động: được ví như con thỏ. Họ mua bán rất nhiều
trong 1 time ngắn được tính bằng tháng, thậm chí là bằng ngày...một
số giao dịch họ có thể kiếm được lợi nhuận khá cao.. nhưng vì phải ra
quyết định rất nhiều và muốn kiếm lợi nhuận cao trong time ngắn họ
dùng đòn bẩy cao dẫn đến tỷ lệ sai sót sẽ tăng và lớn hơn khi số lần
ra quyết định mua/bán của mình tăng lên. Thêm vào đó là phí giao
dịch và thuế sẽ bào mòn lợi nhuận một khoản khá lớn. Việc liên tục
phải ra quyết định sẽ khiến đầu óc căng thẳng, ảnh hưởng đến công
việc và cuộc sống...

- Nhà đầu tư thụ động: được ví như con rùa. Đây là kiểu nhà đầu tư
rất chậm chạp, họ phân tích và lựa chọn công ty một cách kỹ lưỡng,
chờ hàng tháng( năm) để mua một công ty,thời gian họ nắm giữ cũng
rất dài vì vậy rất ít khi phải bán ra. Số lần ra quyết định của họ ít hơn
nên tỷ lệ sai sót sẽ được giảm thiểu tối đa, mức thuế với phí được tối
giản. Những nhà đầu tư mang phong cách con rùa sẽ rất nhàn nhã,
họ chỉ thỉnh thoảng mới phải theo dõi khoản đầu tư của mình.
Có một thực tế thế này: Tôi có nhiều người bạn là dân kỹ thuật, cơ
khí, nông nghiệp rất thành công với công việc đầu tư chứng khoán.
Và có một thực tế tôi không thể lý giải, rất nhiều bạn bè, người quen
của tôi xuất thân từ dân Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng thậm chí bằng
cấp trong & ngoài nước khá "hoành tráng" lại có kết quả không mấy
khả quan với công việc đầu tư chứng khoán. Và rất nhiều người trong
số họ nắm những chức vụ chủ chốt thoạt nhìn qua thì đúng là vị trí sở
trường có vẻ rất phù hợp với việc đầu tư chứng khoán như Ngân
hàng, công ty chứng khoán, giảng viên đại học Kinh tế, kế toán
trưởng tại các tập đoàn lớn....

Những gì tôi nói tôi đều kiểm chứng thời gian dài 5-7 năm trở lên.
Môn này không thể tính từng con sóng hay 1-2 năm, điều đó không
nói lên được "tố chất" với nghề, nó đòi hỏi một chặng đường tạm đủ
dài mới tổng kết được. Nghề nào cũng đòi hỏi tố chất phù hợp với
nghề đó. Tố chất là thứ không trường lớp nào đào tạo được.

Chứng khoán cũng thế & có khi còn đòi hỏi tố chất hơn các nghề khác
! Rất nhiều người thành công ở nhiều lĩnh vực khác, là những "con
cáo" ở các lĩnh vực khác, nhưng vào TTCK họ là những con gà. Tính
cách ở đây là sự nhạy bén, sự đánh hơi mùi tiền, mùi máu, hiểu một
cách nôm na : họ có giác quan thứ sáu trong nghề này.

Tóm lại là HỌ CÓ TỐ CHẤT PHÙ HỢP VỚI CK. Họ có kỷ luật, quyết


đoán, lạnh lùng. Nó được ví như một con rái cá săn mồi. Như một tiền
đạo săn bàn. Họ có một độ quái nhất định. Cái quái này không trường
lớp nào có thể đào tạo em à. Trong bóng đá cũng vậy, những cầu thủ
kỹ thuật nhất chưa hẳn là những tay săn bàn cự phách mà đôi khi lại
là nhưng cầu thủ kém hơn về kỹ thuật nhưng có độ quái của một tay
săn bàn.
1> Trên TTCK thì có nhiều cái vô lý lắm các bác à, mình cứ đi tìm cái
lý của nó thì tài khoản bay mịa 30-40% rồi các bác à. 30-40% là lớn
lắm các bác à, nhiều người đi làm dành dụm cả đời cũng không có
được các bác à. TT có biến việc đầu tiên là phải tìm cách thoát thân
để bảo toàn vốn chứ không phải để tranh cãi lý lẽ hợp lý hay không
hợp lý. Việc này cũng giống như khi ở giữa đám đông mà thấy đám
cháy thì tìm cách thoát thân chứ không phải ngồi đó mà phân bua lý
lẽ, có khi cháy mất xác cũng không biết tại sao mình chết !

Đánh bạc bịp cùng chứng vịt ung thì không nên câu nệ theo những
nguyên tắc thông thường mà nên bồi dưỡng kỹ xảo đánh bạc, khi
thua lỗ cố gắng hạn chế tối thiểu rủi ro.

2> Dân xứ "vịt" luôn thích khôn hơn người, hay gọi là khôn lỏi. Mình
phải bán ngay, không thằng bên cạnh nó bán trước. Mặc kệ giá trị
DN, mặc kệ kinh tế xã hội. Thật là hèn. Bài học bao nhiêu lần vẫn
không khá lên được. Từ vụ bầu Kiên, cho đến biển Đông năm ngoái.
Nhưng hãy nhớ, ai giữ được cái đầu lạnh, chỉ vài tháng sau, đã có
thành quả bội phần.
Trong hoạt động kinh doanh của đại đa số các doanh nghiệp luôn tồn
tại loại tài sản là “Hàng tồn kho”. Hàng tồn kho là những mặt hàng
sản phẩm được doanh nghiệp giữ để bán ra sau cùng. Nói cách khác,
hàng tồn kho là những mặt hàng dự trữ mà một công ty sản xuất ra
để bán và những thành phần tạo nên sản phẩm. Do đó, hàng tồn kho
chính là sự liên kết giữa việc sản xuất và bán sản phẩm đồng thời là
một bộ phận của tài sản ngắn hạn, chiếm tỉ trọng lớn, có vai trò quan
trọng trong việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Định nghĩa nêu trên là tác dụng thực tế của Hàng tồn kho đối với hoạt
động của doanh nghiệp. Tuy nhiên về mặt kế toán thì hiện tại các
công ty ở Việt Nam có rất nhiều cách hạch toán làm sai lệch đi kết
quả kinh doanh cuối cùng của Công ty liên quan đến khoản mục Hàng
Tồn kho. Qua kinh nghiệm nhiều năm làm kiểm toán, tác giả xin đưa
ra vài nhận định khi phân tích khoản mục hàng tồn kho khi đầu tư
chứng khoán:

+ Điều đầu tiên cần tách biệt rõ giá trị khoản mục “Hàng tồn kho” trên
bản Báo cáo tài chính và lượng “Hàng tồn kho” tồn thực tế tại kho
doanh nghiệp:

- Giá trị khoản mục “Hàng tồn kho” trên bản Báo cáo tài chính thể hiện
tổng lượng tiền, chi phí mà công ty đã bỏ ra và ghi nhận là một khoản
chi phí còn tồn trên bảng Cân đối kế toán dưới tên gọi “Hàng tồn kho”,
khi nào hàng tồn kho đã được bán thì sẽ kết chuyển vào khoản mục
“Giá vốn hàng bán” trên bảng Kết quả hoạt động kinh doanh. Vậy bản
chất giá trị “Hàng tồn kho” trên bản Báo cáo tài chính là khoản chi phí
đã bỏ ra để phục vụ sản xuất kinh doanh.

- “Hàng tồn kho” tại kho doanh nghiệp là lượng hàng còn tồn thực tế,
hiện hữu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, lượng hàng này được thể
hiện trong bảng kiểm kê hàng tồn kho (là chứng từ kế toán), thể hiện
rõ ràng rằng doanh nghiệp còn tồn loại hàng hóa nào, số lượng từng
mặt hàng bao nhiêu.

+ Điều thứ hai phân tích xu hướng hạch toán giá trị hàng tồn kho. Sau
khi tách rõ giá trị sổ sách của khoản mục “Hàng tồn kho” và giá trị tồn
thực tế trong kho doanh nghiệp thì các công ty thường có xu hướng
như sau:

- Đối với các Công ty có lợi nhuận lớn: đa số các Công ty này có xu
hướng hạch toán thấp giá trị hàng tồn kho còn trên bảng Cân đối kế
toán, tức là Công ty do có nhiều lợi nhuận nên sẽ đẩy nhiều chi phí
vào kết quả kinh doanh càng nhiều càng tốt. Nguyên nhân là do sẽ
giảm được lợi nhuận sẽ dẫn đến giảm số thuế phải nộp, đồng thời
giảm đi gánh nặng chỉ tiêu lợi nhuận cho những năm sau. Ngoài ra
đối với các doanh nghiệp này luôn có xu hướng trích lập dự phòng
giảm giá hàng tồn kho nhiều để giảm lợi nhuận

- Đối với các Công ty có lợi nhuận thấp: đa số các Công ty này có xu
hướng hạch toán cao giá trị hàng tồn kho còn trên bảng Cân đối kế
toán, tức là Công ty vì có ít lợi nhuận nên sẽ đẩy nhiều chi phí treo lại
trên bảng cân đối kế toán mà chưa ghi nhận vào kết quả kinh doanh
trong kỳ. Điều này là tăng số lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp lên,
ẩn các khoản lỗ, chi phí vào khoản mục “Hàng tồn kho”.

+ Điều thứ ba là phân tích “Hệ số vòng quay hàng tồn kho”: Việc phân
tích vòng quay hàng tồn kho tùy thuộc rất lớn vào ngành nghề kinh
doanh của các doanh nghiệp, mỗi ngành sản xuất có yêu cầu về chi
phí phải bỏ ra để phục vụ kinh doanh rất khác nhau. Ví dụ như với
doanh nghiệp xây dựng thì chi phí bỏ ra cho mỗi công trình có thể tồn
kho đến 2-3 năm, trong khi các công ty sản xuất công nghiệp thường
có thời gian vòng quay hàng tồn kho từ 3 – 12 tháng, các công ty
thương mại như siêu thị thì chỉ có thời gian vòng quay hàng tồn kho
1-3 tháng. Tuy nhiên việc phân tích vòng quay hàng tồn kho trên
nguyên tắc là vòng quay hàng tồn kho so với trung bình ngành và
thực tế cuộc sống càng thấp thì đại đa số là càng tốt; Ví dụ như một
công ty thủy sản của vòng quay hàng tồn kho một năm là 1 vòng, tức
là một sản phẩm thủy sản của Công ty từ lúc bắt đầu sản xuất đến khi
bán được cho khách hàng có thời gian tốn trung bình là 1 năm, vậy so
với thực tế hàng thủy sản là hàng hóa tiêu dùng nhanh thì việc vòng
quay hàng tồn kho quá lâu như trên dẫn đến khả năng báo cáo tài
chính của Công ty thủy sản đó chưa phản ánh đúng thực tế, có dấu
hiệu giấu chi phí lỗ trong báo cáo tài chính.

+ Điều thứ tư là có phải “Tồn kho thấp là tốt, mức tồn kho cao là xấu”:
Điều này hoàn toàn phục thuộc vào trình độ quản lý hàng tồn kho của
Công ty và ngành nghề kinh doanh, khó có thể đưa ra khuôn mẫu
chung cho mức tồn kho. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân của tác
giả thì đại đa số nguyên tắc trên là chính xác. Những Công ty kinh
doanh tốt, lợi nhuận cao thường có mức tồn kho thấp hơn so với các
doanh nghiệp cùng ngành, cùng quy mô. Những Công ty có dấu hiện
giấu lỗ, hoạt động hiệu quả kém thì thường có mức tồn kho cao.

Kết luận: Khi phân tích hoạt động của một doanh nghiệp cần đánh giá
nhiều tiêu chí như ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động, khả
năng quản lý để xem xét tính hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên
theo kinh nghiệm cá nhân của tác giả thì những Công ty kinh doanh
tốt, lợi nhuận cao thường có mức tồn kho thấp hơn so với các doanh
nghiệp cùng ngành, cùng quy mô; vòng quay hàng tồn kho các Công
ty này thường là thấp hơn những công ty cùng ngành; các Công ty có
xu hướng ghi nhận hàng tồn kho thấp và trích lập dự phòng giảm giá
hàng tồn kho nhiều để giảm lợi nhuận. Những Công ty có dấu hiện
giấu lỗ, hoạt động hiệu quả kém thì lại có hành động ngược lại.

You might also like