Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 236

UNLOCKED

Dành tặng vợ Mikki và con gái Vanesa yêu dấu,


vì đã ủng hộ bố theo đuổi ước mơ của mình.

Dành tặng bạn, những độc giả thân mến của cuốn sách này,
vì một tương lai tốt đẹp hơn!
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU 11

PHẦN I KIẾN THỨC NỀN TẢNG 23


CHƯƠNG 1 HÃY ĐỂ CON LÀM 25
CHƯƠNG 2 CÙNG NHAU TIẾN BỘ 35
CHƯƠNG 3 GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU 51
CHƯƠNG 4 ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO 65
CHƯƠNG 5 GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH 75

PHẦN II PHƯƠNG PHÁP HỌC 91


CHƯƠNG 6 THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TỐT HƠN 93
CHƯƠNG 7 TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT 103
CHƯƠNG 8 CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC 117
CHƯƠNG 9 KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP 129
CHƯƠNG 10 PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP 145

PHẦN III ỨNG DỤNG 157


CHƯƠNG 11 KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN 159
CHƯƠNG 12 SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) 171
CHƯƠNG 13 TRUYỀN CẢM HỨNG 183

KẾT LUẬN 197

TÀI LIỆU THAM KHẢO 201


LỜI CẢM ƠN 203
PHỤ LỤC 209
VỀ TÁC GIẢ 231
Giáo dục chính là linh hồn của xã hội,
bởi nó được truyền từ đời này sang đời khác.
G . K . C H E STE RTON
LỜI GIỚI THIỆU
Năm 2010, khi đang làm tình nguyện viên tại Bra-xin, lần đầu
tiên tôi được trải nghiệm hoạt động dạy học cộng đồng bằng
tiếng Anh cho thanh thiếu niên bản địa, nội dung về các vấn
đề toàn cầu. Trong kỳ thực tập đó, tôi được làm quen với
nhiều kỹ thuật giảng dạy tương tác, đồng thời học cách quan
sát để giúp học viên tiếp thu trọn vẹn bài giảng. Vài năm sau
đó, tôi quyết định học lấy Chứng chỉ Giảng dạy tiếng Anh
cho Người lớn (Certificate in English Language Teaching to
Adults - CELTA) để dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Sau
đó, tôi có ba năm giảng dạy tại một trong những trung tâm
tiếng Anh uy tín nhất Việt Nam. Những trải nghiệm phong
phú kể trên khiến tôi nhận ra rằng: việc giữ cho học sinh luôn
vui thích, hứng thú để tiếp thu tốt nội dung bài giảng luôn là
điều thử thách cho mỗi giáo viên. Lý tưởng hơn nữa, các em
còn có thể hiểu sâu sắc và áp dụng hiệu quả những kiến thức
học được vào nhiều tình huống trong cuộc sống.

Chúng ta cần làm gì để giúp các em biến kiến thức học được
thành hành trang của chính mình?

LỜI GIỚI THIỆU • 11


BIG PICTURE LEARNING
Có một phương pháp tiếp cận mang tên học tập theo trường
đời – Big picture learning (học bằng cách ứng dụng kiến thức
vào thực tế). Mục tiêu của nó là làm sao để 12 năm giáo dục
phổ thông được cá nhân hóa, trở nên hữu ích và thực tế
hơn. Theo đó, chương trình học ở trường được thiết kế để
học sinh không chỉ tiếp thu những “kiến thức học thuật” mà
còn dành thời lượng đáng kể cho những “dự án yêu thích”.
Cứ nửa học kỳ một, các em sẽ dành thời gian ở trường để
thực hiện các dự án mang tính thực tiễn. Những dự án này
tạo điều kiện cho các em vận dụng kiến thức thu được từ
lý thuyết một cách thực tế, phù hợp hơn với từng cá nhân
(NEXT School, 2016).

Mỗi học sinh đều là một cá thể độc lập, cần một môi trường
riêng để nuôi dưỡng những sở thích cá nhân. Phương pháp
học tập "Big Picture Learning" sẽ tạo điều kiện cho các em đưa cá
tính và kinh nghiệm, tư duy phản biện vào những tình huống
thực tế trong đời sống.

GIÁ TRỊ THỰC TẾ LÀ GÌ?


Ở mô hình trường học truyền thống, học sinh thường có cơ
hội thực hành sáng tạo như viết lách hoặc vẽ tranh, nhưng
chủ yếu là để giáo viên chấm điểm. Học sinh cảm thấy vinh
dự nhất là khi những tác phẩm sáng tạo này được trưng bày

12 • UNLOCKED
ở lớp (hoặc có khi được gửi đến các cuộc thi viết, phòng triển
lãm tranh trong địa phương, hoặc được nộp kèm bộ hồ sơ xin
học bổng). Nhưng trên thực tế, hầu hết các tác phẩm đều sẽ
yên vị trong ngăn kéo hoặc sọt rác.

Ngược lại, khi một dự án có giá trị thực tế, kết quả của nó
sẽ giúp ích cho mục tiêu của chính học sinh chứ không đơn
thuần chỉ để lấy điểm. Ví dụ, nếu một học sinh đam mê viết
lách, em ấy có thể viết một cuốn sách và xuất bản trên Amazon.
Trong quá trình viết sách, học sinh sẽ được một chuyên gia
trong lĩnh vực viết lách hỗ trợ và hướng dẫn. Em sẽ dần dần
xây dựng được danh mục các sản phẩm sáng tạo của mình
và có sản phẩm hữu hình để đưa ra công chúng ngay khi tốt
nghiệp. Như vậy, bạn học sinh đã chứng minh được năng
lực của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và thể hiện
mình đã sẵn sàng làm việc trong một lĩnh vực phù hợp với
sở trường và sở thích của mình. Các học sinh vì vậy có được
nhiều năm nghiên cứu, nhiều năm trải nghiệm, nhiều năm
được góp ý, chỉ dạy và danh sách thành quả đáng tin cậy trong
lĩnh vực chuyên môn – những điều mà chúng ta rất coi trọng
trong “thực tế”.

Nếu một em học sinh đã tìm ra đam mê viết lách từ năm 10


tuổi, thì đến năm 18 tuổi em có thể đã xuất bản được một số
cuốn sách, bài báo và các tác phẩm sáng tạo khác. Hoặc nếu
thích chế tác gỗ hoặc làm đồ thủ công, thì đến năm 18 tuổi em

LỜI GIỚI THIỆU • 13


ấy đã có thể làm ra và bán được sản phẩm trên những trang
thương mại điện tử như Etsy.

Với mô hình giáo dục này, hầu hết học sinh sẽ có thể trả lời
cho câu hỏi mình là ai và tìm ra chỗ đứng của mình trong cuộc
đời này một cách dễ dàng hơn.

Tất cả những điều trên đều rất thực tế và khả thi, song thực tế
giáo dục hiện nay lại rất khác. Sau hơn 12 năm ngồi trên ghế
nhà trường truyền thống, học sinh thường có một bảng điểm
thể hiện thành quả học tập của mình – về cơ bản là một danh
sách các môn học riêng rẽ với điểm thi cuối kỳ, cuối năm. Qua
các môn học này, các em có thể hoàn thiện một số sản phẩm
nhất định, như những bài làm văn được chấm điểm, những
tấm tranh ảnh về địa lý, lịch sử hoặc các dự án mô hình trong
môn vật lý, sinh học hay hóa học. Nhưng hầu hết các em chưa
thể hiện được thành quả mang đậm dấu ấn cá nhân được dày
công vun đắp qua nhiều năm.

Vì giáo viên được phân công giảng dạy theo các môn học
riêng rẽ, nên các em học sinh khó có được một người cố vấn
đáng tin cậy để cùng đi đường dài, giúp các em xây dựng
thương hiệu cá nhân. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục còn
quy định một khối lượng kiến thức cố định mỗi năm, khiến
các trường không còn đủ chỗ để đưa những “dự án theo sở
thích” vào thời khóa biểu. Trong khi đó, đam mê của các em

14 • UNLOCKED
cần được thực hành, bồi đắp mỗi ngày để các em được không
ngừng khám phá và phát triển.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể kết nối những sở thích cá
nhân với chương trình học tiêu chuẩn?

TƯƠNG LAI ĐANG GÕ CỬA


Trước hết, có một thực tế chúng ta cần nhìn nhận là: giáo dục
cần phải thích nghi với những thay đổi không ngừng trong
lĩnh vực công nghệ, đồng thời phản ánh được những thay đổi
về nhân khẩu học trên toàn thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2050, dân số thế giới
ước tính sẽ chạm mốc 9,7 tỷ người, so với con số 7 tỷ vào
thời điểm hiện tại (Theo Vụ Kinh tế và Các vấn đề Xã hội
của Liên hiệp quốc (UN DESA), 2019). Khi đó, số người từ
60 tuổi trở lên sẽ rơi vào khoảng 2 tỷ người, gần bằng một
phần năm tổng dân số thế giới (Theo Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO), 2021). Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực,
nhóm người trẻ tuổi sẽ cần gia nhập vào lực lượng lao động
nhanh hơn nữa.

Bên cạnh đó, chúng ta còn phải cạnh tranh với sự trỗi dậy của
công nghệ tự động hóa trên phạm vi toàn cầu. Một nghiên
cứu của Công ty tư vấn McKinsey & Company đã dự đoán tự

LỜI GIỚI THIỆU • 15


động hóa sẽ chiếm đến 22% khối lượng công việc trong thập
kỷ tới (Leprince-Ringuet, 2020). Hệ thống giáo dục truyền
thống sẽ trở nên lỗi thời nếu tiếp tục dạy học sinh các kỹ năng
thủ công như ghi nhớ sự kiện, dữ liệu, bởi thuật toán được lập
trình sẵn sẽ dễ dàng thay thế những lối tư duy quen thuộc đó.

Để vượt lên trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng
thay đổi, chúng ta cần đưa công nghệ vào trường học một
cách rộng rãi hơn, hướng tới mục tiêu đổi mới hệ thống giáo
dục trên toàn cầu. Thế hệ Y và thế hệ Z1 đã không còn xa lạ
gì với công nghệ số. Cùng với những tiến bộ công nghệ nhanh
chóng, khả năng của con người là vô hạn. Các nhà giáo dục đã
bắt đầu sử dụng các ứng dụng như “Tailor-ED” để soạn bài
và điều chỉnh giáo án sao cho phù hợp với nhiều phương thức
học tập khác nhau. Cùng với đó, các học sinh đã bắt đầu tiếp
cận với “Khan Academy”, thư viện các bài giảng video miễn
phí cho mọi chủ đề mà các em cần thêm thời gian để nghiên
cứu tài liệu và tiếp thu kiến thức.

Và rồi, thế hệ Y và Z sẽ phải tiếp tục điều chỉnh hệ thống này.


Nếu không, loài người chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn.

Đứng trước tương lai không ngừng biến đổi, chúng ta cần làm gì để
chuẩn bị tốt nhất cho những thế hệ tiếp theo?

1
Thế hệ Y (Millennials) là thế hệ sinh từ khoảng năm 1981 đến năm 1996,
còn thế hệ Z là thế hệ sinh từ khoảng năm 1997 đến năm 2012.

16 • UNLOCKED
Kiến thức đã và đang là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành
công. Tuy nhiên, không những thế, chúng ta còn phải tập cho
con cái thói quen tự học.

Tại sao việc tự học và học chủ động lại hữu ích?
Bởi vì trong thế giới luôn luôn thay đổi mà chúng ta chưa
thể lường trước, một đứa trẻ có thói quen tự học sẽ luôn
chủ động tiếp thu những cái mới và thích nghi tốt với môi
trường mới.

XU HƯỚNG CHỐNG LẠI THAY ĐỔI


Con người chúng ta có một xu hướng tự nhiên là chống lại
những cái mới. Tôi nhận ra điều này mỗi ngày ở con gái tôi.
Lần nào đưa cho con đồ ăn mới lạ, con cũng nhìn chằm chằm
một lúc lâu. Hầu hết là con từ chối không chịu ăn món mới.
Nhất là khi con chưa nhìn thấy nó bao giờ. Phải mất một lúc
giải thích lợi ích của nó thì con mới chịu ăn.

Người lớn chúng ta cũng không khác là bao. Chúng ta thích


những cách làm cũ, nhất là khi từ xưa đến nay mọi người đều
làm thế. Cho dù trong thâm tâm ta biết rằng thay đổi là cần
thiết, nhưng những cái mới vẫn đem đến cảm giác quá rủi ro.

Đặc biệt là trong giáo dục, sự đổi mới chưa khi nào lại cấp
thiết đến vậy.

LỜI GIỚI THIỆU • 17


Trong cuốn sách này, tôi sẽ giải thích lý do vì sao chúng ta cần
tăng tốc thật nhanh và dẫn dắt bạn đến với những phương
thức tiếp cận giáo dục phù hợp hơn trong bối cảnh thời đại
không ngừng thay đổi nhanh chóng.

TẠI SAO TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NÀY?


Khi viết cuốn sách này, tôi có một cô con gái 18 tháng tuổi.
Chúng tôi sống ở Việt Nam. Và tôi bắt đầu nghĩ đến tương lai
của con cũng như của thế hệ tiếp theo. Hệ thống giáo dục hiện
tại có đủ tốt cho các con? Tôi sẽ hài lòng khi gửi con học ở một
ngôi trường công lập chứ, nhất là khi chúng tôi quyết định gắn
bó lâu dài tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam?

Ở Việt Nam, một lớp học điển hình trong trường công có
khoảng 50 học sinh. Các em vào học lúc 8 giờ sáng và tan học
lúc 5 giờ chiều, sau đó phần lớn các em sẽ đi học các lớp học
thêm buổi tối. Sau khi học thêm xong, học sinh phải làm bài
tập về nhà được giao trong ngày. Học sinh cấp Hai thậm chí
còn phải học cả thứ Bảy. Hệ thống giáo dục hiện tại liệu có
đáp ứng khả năng hội nhập thế giới cho các con? Tôi bắt đầu
băn khoăn không biết có cách nào cho con gái tôi hưởng một
nền giáo dục chất lượng quốc tế phù hợp với kỷ nguyên thông
tin ngày nay mà chi phí vẫn phải chăng. Có trong tay một số
lựa chọn cùng hiểu biết về quy trình vận hành của nhiều mô
hình trường học, tôi đã ấp ủ nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn

18 • UNLOCKED
về tương lai của giáo dục. Cuốn sách này chính là dự án đam
mê của tôi. Là nơi hội tụ của những ý tưởng, nghiên cứu, phát
hiện và các ví dụ mà tôi hy vọng sẽ giúp hỗ trợ những người
đang góp phần xây dựng nền giáo dục trong tương lai.

TỪ BẤT BÌNH THƯỜNG TỚI BÌNH THƯỜNG MỚI


Các bạn có thể đã chứng kiến một đứa trẻ mới 13 tuổi trở
thành doanh nhân nhí xuất sắc, tự tin thuyết trình trước các
nhà đầu tư trên sóng truyền hình. Chúng ta còn thấy một
“siêu đầu bếp” tuổi teen với rất nhiều công thức nấu ăn độc
đáo. Những đứa trẻ này dường như đều là những hiện tượng
bất thường, vì một học sinh bình thường làm sao có thể biết
mình muốn làm gì. Ngay cả ở Anh quốc – nơi được xem là
một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất toàn cầu – có tới
44% sinh viên thừa nhận rằng không biết định hướng ra sao
sau khi tốt nghiệp Đại học (McKeown, 2015).

Cuốn sách này ra đời với mong muốn phổ biến những phương
thức giáo dục đã và đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới
để giúp những người làm giáo dục có thể khơi mở tiềm năng
của mỗi học sinh, để thế giới chúng ta trở thành nơi nuôi
dưỡng những sở thích, đam mê buổi đầu trở thành sự nghiệp
cho sau này. Một thế giới nơi mọi đứa trẻ đều có thể khám phá
và vun đắp niềm đam mê ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Nơi mà
một thanh niên 18 tuổi đã có thể tự tin trả lời những câu hỏi

LỜI GIỚI THIỆU • 19


phức tạp như “Sở trường của tôi là gì?” “Tôi thực sự muốn
làm việc trong lĩnh vực nào?” và thậm chí cả câu hỏi “Tôi là
ai?” với niềm tin vững chắc vào chính bản thân mình.

Cuốn sách này sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh, cho thầy cô
và những nhà thiết kế hệ thống giáo dục trên toàn cầu. Cha
mẹ có thể tham khảo những hướng dẫn trong cuốn sách này
để lựa chọn trường học cho con, thậm chí có thể đề xuất nhà
trường áp dụng những phương pháp mới đầy tính sáng tạo
vào chương trình học hiện tại. Hơn nữa, với sự hỗ trợ của
cuốn sách, cha mẹ cũng sẽ có được cái nhìn tổng quan về
những phương thức phù hợp nhất để nuôi dạy trẻ, giúp các
con sẵn sàng bước vào đời. Các thầy cô có thể tìm thấy từ
cuốn sách này niềm cảm hứng để bồi dưỡng và nâng cao hơn
nữa chất lượng giảng dạy. Cuối cùng, những người thiết kế và
soạn thảo chương trình giáo dục có thể tham khảo những nội
dung trong sách để phục vụ cho quá trình hoạch định đề án
trước khi đưa ra quyết định và triển khai đến các cấp cơ sở.

Các chương sau đây được sắp xếp theo thứ tự từ những kiến
thức nền tảng đến các phương pháp học tập, và cuối cùng là
cách ứng dụng hiệu quả các phương pháp đó. Tuy nhiên, khi
đứng độc lập, mỗi chương sẽ là một lăng kính soi chiếu vào
quy trình trong giáo dục hiện thời cũng như những thay đổi
chúng ta có thể tạo ra trong tương lai. Hãy để cuốn sách này
làm người dẫn đường cho bạn, và hãy khám phá nó theo bất
kỳ trình tự nào bạn muốn nhé!

20 • UNLOCKED
ĐỌC SÁCH QUA 7 BƯỚC
Trước mỗi chương:
1. Khởi động bằng cách đọc 2 câu hỏi.
2. Dành thời gian suy ngẫm và tìm câu trả lời.
3. Viết ra câu trả lời của bạn (có thể chỉ là các gạch đầu dòng).
4. Đọc nội dung chương (nếu được, hãy đọc mỗi ngày 01 chương).
5. Suy ngẫm sau khi đọc.
6. Viết những điều bạn rút ra được từ chương đó .
7. Viết ra các bước hành động. Cá nhân bạn có thể làm gì/
làm như thế nào sau khi đọc chương này?

Chúng ta còn rất nhiều điều để cùng nhau khám phá. Suy
cho cùng, chẳng phải bạn và tôi đều có một mối quan tâm
chung là phát triển con người và khơi mở tiềm năng của con
cái mình hay sao!

LỜI GIỚI THIỆU • 21


01

KIẾN THỨC
NỀN TẢNG

LỜI GIỚI THIỆU • 23


CHƯƠNG 1

HÃY ĐỂ CON LÀM


Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Đâu là những câu hỏi quan trọng mà chúng ta muốn trẻ


trả lời được khi các con ngồi trên ghế nhà trường?
2. Làm thế nào để trẻ có thể áp dụng kiến thức học được
trong trường lớp vào cuộc sống?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

HÃY ĐỂ CON LÀM • 25


Ba tuổi, tôi bắt đầu bước chân vào cánh cổng trường. Đến
năm 25 tuổi, tôi nhận tấm bằng Thạc sĩ Kinh doanh Quốc
tế. Sau 22 năm là một phần của hệ thống giáo dục, tôi nhận
ra mình vẫn loay hoay với những câu hỏi quan trọng về sở
trường và đam mê của bản thân. Có lẽ vì khi còn bé chưa có ai
hỏi tôi về những điều đó, và cơ hội ứng dụng những điều học
được vào cuộc sống lại quá đỗi nghèo nàn. Một khi đã nộp bài
tập, dự án và nhận điểm thầy cô cho là tôi coi như xong, chẳng
mấy khi đoái hoài lại nữa. Biết bao đêm tôi cặm cụi đọc sách,
tính tính toán toán, cố học thuộc lòng, thế mà một câu hỏi đơn
giản như thế này tôi cũng không trả lời được: “Mình hứng thú
với lĩnh vực nào? Đâu là môn học yêu thích?”.

Sau khi dành năm năm ở trường để đạt tấm bằng cử nhân và
thạc sĩ, tôi bắt đầu sự nghiệp tại một ngân hàng. Sau đó, tôi
làm cho một công ty xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đến năm 28
tuổi, tôi nhận ra hình như mình không có đam mê gì hết. Tôi
muốn làm điều gì đó ý nghĩa hơn. Thế rồi, giữa năm 2018, tôi
quyết định học tiếp để nhận chứng chỉ về giáo dục, vì sau khóa
thực tập tình nguyện mùa hè ở Bra-xin, tôi đã nhận ra mình
yêu thích lĩnh vực này.

Trong kỳ thực tập đó, tôi cùng nhóm của mình gồm tám tình
nguyện viên quốc tế tham gia dạy về các vấn đề toàn cầu (như
nhân quyền, bảo vệ môi trường và định kiến văn hóa) bằng
tiếng Anh cho các em thiếu niên bản địa. Tôi lập tức cảm thấy
yêu thích việc giảng dạy. Tôi có cơ hội quan sát kỹ từng em và

26 • UNLOCKED
nhận thấy sự tiến bộ của các em qua từng tuần. Đây là một
trong những dự án ý nghĩa nhất mà tôi từng tham gia. Nó
cho tôi thấy những đóng góp của mình đã làm thay đổi cuộc
sống của người khác, nhất là khi tôi nhận được bức thư cảm
ơn của các em khi dự án kết thúc. Cũng nhờ trải nghiệm đó,
tôi phát hiện ra mình có năng lực điều phối hoạt động nhóm,
và học sinh cũng hào hứng với cách dạy sôi nổi, đề cao tính
tương tác của tôi.

Một người sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng của
mình nếu không có cơ hội khám phá những điều mình yêu
thích và tập trung thực hiện điều đó. Càng chỉ chú tâm vào
học lý thuyết, chúng ta sẽ càng ít có thời gian ứng dụng những
gì đã học được vào thực tế.

NHỮNG CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT


Hệ thống giáo dục tốt nhất là nơi mà học sinh có thể trả lời
được bốn câu hỏi sau:
• Sở trường của mình là gì?
• Đam mê và sở thích của mình là gì?
• Mình sẽ đóng góp được gì cho xã hội?
• Mình hợp với công việc nào?

Ví dụ có một học sinh 8 tuổi tên là Vanesa rất thích làm bánh và
muốn khám phá sở thích này. Em hay tập nướng bánh, trong
lúc đó em áp dụng những kiến thức toán học để hiểu được tỉ

HÃY ĐỂ CON LÀM • 27


lệ nguyên liệu hoặc kiến thức hóa học để hiểu sự tương tác
của các thành phần đó với nhau. Sau đó, em có thể áp dụng
kiến thức từ nghệ thuật để thiết kế và trang trí bánh hoặc
những sản phẩm khác. Mỗi năm Vanesa một tiến bộ, em ngày
càng có nhiều kiến thức chuyên sâu và mở rộng về nướng
bánh (em biết nhiều hơn về các loại hình dạng, thành phần,
các kỹ thuật trang trí…). Thậm chí, Vanesa có thể có một
người thầy cố vấn và dành thời gian ở tiệm bánh như một
phần của dự án. Có thể đến năm 13 tuổi, em đã bắt đầu bán
một vài sản phẩm (ví dụ như bánh ngọt, bánh mì và các loại
bánh khác). Đến năm 18 tuổi, em đã có thể có một cửa hàng,
một thương hiệu bánh và lượng khách quay lại mua hàng sau
lần đầu tiên có thể lên tới hàng ngàn. Em có thể xuất bản một
số sách dạy nấu ăn hoặc xuất hiện trên một vài tạp chí liên
quan đến bánh ngọt.

Ngay cả những việc nhỏ nhất cũng sẽ có mối dây liên hệ đến
mục đích chính. Mỗi dự án nhỏ như tham gia lớp nghệ thuật,
lớp toán, hay sau này là các khóa học marketing, kế toán, sẽ
đều giúp con phát triển kỹ năng làm bánh và xây dựng một
thương hiệu lớn trong ngành. Tất cả đều tập trung hỗ trợ cho
một kết quả lớn hơn, giúp vận dụng kiến thức liên môn và
hình thành tư duy phản biện.

Thế nhưng, giả sử học sinh đó sau một vài năm sẽ thay đổi sở
thích vì em giờ đã lớn hơn và phát hiện ra một lĩnh vực mới
mẻ yêu thích hơn thì sao?

28 • UNLOCKED
Cũng tốt thôi. Các em học sinh tùy sở thích và tính cách mà
tìm được cho mình những người thầy và người hướng dẫn
thích hợp. Người định hướng đó sẽ cho em những lời khu-
yên, gợi ý từ một góc nhìn không định kiến. Học sinh có thể
thay đổi trọng tâm sở thích của mình sau khi nói chuyện với
người định hướng. Trong cuộc nói chuyện đó, dựa trên dữ
liệu và thông tin có được từ những hoạt động và kỹ năng mà
em từng thể hiện trước đây, người hướng dẫn sẽ thảo luận
về những định hướng sự nghiệp em có thể theo đuổi trong
tương lai. Người hướng dẫn sẽ giúp đảm bảo rằng một khi
đã thay đổi sở thích thì các em sẽ quyết tâm khám phá lĩnh
vực mới mẻ đó. Sự quyết tâm này đảm bảo học sinh không
đưa ra những quyết định bồng bột, cứ vài tháng lại thay đổi
sở thích một lần.

Cho dù chuyện đó có xảy ra, sau vài tháng, học sinh muốn thử
cái gì đó mới mẻ thì cũng chẳng sao vì tìm kiếm đam mê đích
thực sẽ cần không ít thời gian. Không phải ai cũng may mắn
tìm ra được đúng đam mê của mình ngay từ đầu.

Dù các em thay đổi đam mê hay không thì một mục tiêu không
thể phủ nhận của các dự án này là để học sinh củng cố và áp
dụng kiến thức học được từ nhà trường vào dự án của mình.
Một khi dự án càng phát triển, các em càng hiểu rõ hơn về
bản thân và tìm ra cá tính riêng của mình. Suy cho cùng, việc
quan sát sự vận hành của thế giới và các ngành nghề, lĩnh vực
sẽ giúp học sinh hiểu và đồng cảm hơn với những con người

HÃY ĐỂ CON LÀM • 29


khác nhau. Sẽ chẳng bao giờ là phí thời gian khi ta thử nghiệm
những điều mới mẻ.

ỨNG DỤNG KIẾN THỨC


Một tin tốt là cho đến nay trên thế giới đã có một mạng lưới
hơn 65 trường đang áp dụng khung “Big Picture Learning” (Học
bằng cách ứng dụng kiến thức vào thực tế). Những trường học này
có ở nhiều nơi trên đất Mỹ và cả ở Canada, Barbados, Belize,
Kenya, Ý, Hà Lan, Kazakhstan, Israel, Ấn Độ, Úc và New
Zealand. Các trường muốn áp dụng khung giáo dục này đều
có thể liên hệ với tổ chức Big Picture Learning.

Năm 2018, trường học khai phóng NEXT (NEXT School) đã


đăng tải một video với tiêu đề Inside Next (tạm dịch: Bên trong
trường NEXT), cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về phương
pháp “Big Picture Learning”. Trong video này, chúng ta thấy
em học sinh lớp bảy Himani Bhala có niềm đam mê với việc
thiết kế thời trang.

Một năm học tại NEXT School được chia thành bốn kỳ.
Himani chia sẻ rằng trong kỳ đầu tiên, em đã tạo một catalog
trên mạng và may được bộ trang phục đầu tiên của mình. Kỳ
thứ hai, em may được hai chiếc áo khoác và một bộ trang
phục khác bổ sung vào bộ sưu tập, sử dụng các loại vải và chất
liệu khác nhau. Trong kỳ thứ tư, em đã tự thiết kế chiếc váy
đầm cho mình để dự một lễ cưới. Himani cũng được thực

30 • UNLOCKED
tập trong một cửa hàng thời trang thực sự và em đã giúp cửa
hàng thiết kế một vài mẫu quần áo.

Khung giáo dục “Big Picture Learning” này nhấn mạnh vai
trò của các dự án thực tế và học hỏi qua các kỳ thực tập.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thay đổi cách quản lý giáo dục Đại
học hiện nay, để bắt kịp với những nhu cầu đang ngày một
thay đổi của thị trường lao động. Chúng ta chẳng ai muốn học
ba đến bốn năm ở trường Đại học rồi sau khi tốt nghiệp mới
phát hiện ra ngành mình học không phù hợp nữa. Cũng rất dễ
xảy ra tình huống những công việc mà sinh viên đã miệt mài
chuẩn bị hành trang nhiều năm trời, về sau sẽ được thay thế
bởi sự phát triển của công nghệ.

Như George Koulouris, đồng sáng lập BitLearn, đã nói:

Công việc không phải là mãi mãi. Tự động hóa đang thay thế
các ngành nghề và người lao động đang nhận ra nhu cầu phải
trau dồi kỹ năng liên tục. Kết quả là, không có cách gì khác hơn
ngoài việc liên tục phát triển, nâng cao năng lực của mình. Hệ
thống giáo dục hiện tại của chúng ta chưa thích nghi được với
sự thay đổi này. Cứ mỗi lần cần cải thiện kỹ năng, người lao
động không thể lại phải bỏ ra bốn năm học Đại học. Họ cũng
không thể tham gia các khóa học, nhất là khi đang bận rộn với
công việc, gia đình và khoản vay thế chấp cần phải trả... Tương
lai của giáo dục cần phải có những hình thức giáo dục mới

HÃY ĐỂ CON LÀM • 31


giúp nâng cao năng lực một cách hiệu quả cho người lao động,
nhưng cũng phù hợp với đời sống hiện đại và bận rộn ngày nay
(Mire, 2019).

Google đã tiến hành chuẩn bị cho tương lai này, nơi mà thay
vì cần bằng cấp, một người chỉ cần có chứng chỉ để có thể
bắt đầu công việc mới. Google gọi đây là những chứng chỉ nghề
nghiệp (career certificates). Công ty đã tạo ra một chứng chỉ nghề
nghiệp trong mảng công nghệ thông tin, gọi là Chuyên gia
hỗ trợ IT. Chứng chỉ Phân tích dữ liệu, Quản lý dự án và
Thiết kế trải nghiệm người dùng cũng được giới thiệu, và
chắc chắn trong vài năm tới sẽ có rất nhiều chứng chỉ khác ra
đời. Chương trình học kéo dài 6 tháng, hoàn toàn trực tuyến,
không có rào cản nào về mặt địa lý, với học phí 49 đô la Mỹ/
tháng. Người học tự đặt ra tốc độ học cho riêng mình. Thêm
nữa, những khóa học cấp chứng chỉ này ai cũng có thể tiếp
cận được, không chỉ riêng nhân viên của Google (Grow with
Google – Phát triển cùng Google).

Xã hội hiện tại vẫn có phần coi trọng bằng cấp nên Google
cũng cung cấp tới 12 tín chỉ Đại học cho những ai đã hoàn
thành chứng chỉ nghề nghiệp. Số tín chỉ này tương đương với bốn
môn ở Đại học và là phần thưởng đáng khích lệ cho những
người muốn theo đuổi tấm bằng Đại học (Grow with Google).

Theo tôi, đến năm 2040–2045, học sinh sau khi tốt nghiệp trung
học phổ thông có thể sẽ cần một bộ chứng chỉ đáp ứng yêu cầu

32 • UNLOCKED
của nhà tuyển dụng, thay vì dành thời gian theo đuổi tấm bằng
Đại học chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu tuyển dụng ngày
càng thay đổi. Bằng phương pháp này, nhà tuyển dụng sẽ quyết
định những kiến thức, kỹ năng cần có ở ứng viên. Trong khi
đó, với hệ thống giáo dục hiện tại, các trường Đại học lựa chọn
môn học và các khóa học cho từng chuyên ngành. Vì thế, một
sinh viên tốt nghiệp cầm tấm bằng trong tay với mong muốn
tìm việc, nhưng những môn học trong nhà trường có thể không
phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Hình thức giáo dục
Đại học như ngày nay có thể đang yêu cầu sinh viên dành nhiều
thời gian học những kiến thức mà họ ít có cơ hội sử dụng. Còn
với hệ thống giáo dục dựa trên “chứng chỉ”, nhà tuyển dụng
luôn có thể yêu cầu người lao động học trực tuyến để có thêm
một chứng chỉ tương ứng với những kỹ năng cần thiết giúp giải
quyết các nhiệm vụ mới trong một vị trí mới.

Theo thống kê của Google, khoảng 82% số người hoàn thành


chứng chỉ chia sẻ rằng họ đã có những thay đổi trong sự
nghiệp như được tăng lương, thăng chức hay có được công
việc mới trong vòng sáu tháng (Grow with Google). Con số
này cho thấy, ngay ở thời điểm hiện tại, nhà tuyển dụng cũng
đã không cần một tấm bằng Đại học mà chỉ cần những chứng
chỉ liên quan.

HÃY ĐỂ CON LÀM • 33


TỔNG KẾT CHƯƠNG
Nếu có thể áp dụng ngay những kiến thức, kỹ năng có được
từ các dự án thực tế ở trường học hay qua các chương trình
ngắn hạn thời sinh viên, chúng ta sẽ phát huy được toàn bộ
tiềm năng của bản thân, từ đó tìm thấy vị trí của mình trong
xã hội. Từ số liệu của Google, có thể thấy sau sáu tháng đào
tạo và nhận chứng chỉ, học viên có thể nộp đơn ứng tuyển
ngay vào công việc mới. Nếu chuyên ngành cụ thể này không
phù hợp, họ có thể nhanh chóng chuyển sang chuyên ngành
khác trong vòng sáu tháng nữa. Áp dụng kiến thức học được
một cách tập trung và cụ thể chính là chìa khóa thành công
cho nhiều thế hệ tiếp theo.

34 • UNLOCKED
CHƯƠNG 2

CÙNG NHAU TIẾN BỘ


Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Ai là những người góp phần kiến tạo nên giáo dục?


2. Họ đóng góp thế nào trong việc nâng cao chất lượng
giáo dục?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 35


Trong một cuộc nói chuyện với REAPRA (REsearch And
PRActice – Nghiên cứu và thực hành), một doanh nghiệp đầu
tư vào các công ty khởi nghiệp giải quyết những vấn đề nhức
nhối của xã hội, tôi đã được biết đến việc hệ thống hóa các
bên liên quan để có cái nhìn tổng quan ở một cấp độ cao hơn
cho một lĩnh vực nào đó. Giáo dục là một lĩnh vực phức tạp
có liên quan đến rất nhiều bên. Do đó, chúng ta cần thay đổi
từ từ và toàn diện ở tất cả các cấp. Để triển khai các ý tưởng
đổi mới sáng tạo, sẽ phải mất tới vài năm hoặc hàng chục
năm, với nỗ lực của toàn bộ các bên liên quan.

Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân. Hiểu được điều
đó, chương này sẽ nhắc đến 10 thành phần đóng vai trò thiết
yếu trong giáo dục. Đó là:
• Chính phủ
• Hiệu trưởng/Ban Giám hiệu nhà trường
• Giáo viên
• Phụ huynh
• Học sinh
• Công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục
• Các trung tâm/câu lạc bộ/hội nhóm về hoạt động và
khóa học ngoại khóa
• Thư viện/phòng triển lãm/bảo tàng
• Các doanh nghiệp (đơn vị tuyển dụng, người sử dụng
lao động)
• Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng, các
quỹ hoặc viện nghiên cứu về giáo dục

36 • UNLOCKED
Hệ thống giáo dục chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi những
người tham gia giáo dục, những người đang có tầm ảnh
hưởng lẫn nhau, lắng nghe và hợp tác.

NĂM NHÂN VẬT ĐẦU TIÊN


Năm thành phần đầu tiên chính là trụ cột của giáo dục, có vai
trò trực tiếp định hình hệ thống này. Đó chính là: Chính phủ,
nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Hãy cùng tìm hiểu một trong những thành phần có sức ảnh
hưởng nhất này: Chính phủ.

Chính phủ có nhiệm vụ chính là xây dựng nên một khung


giáo dục và chương trình giáo dục. Sau đó, phân bổ nguồn lực
để tạo điều kiện cho các trường công triển khai các hoạt động,
chẳng hạn như đưa những dự án theo sở thích của các con
vào thời khóa biểu chính thức. Nếu chương trình quá nặng về
kiến thức, nhà trường sẽ phải đảm bảo truyền thụ kiến thức
cho học sinh với thời hạn eo hẹp và chẳng còn lại mấy thời
gian dành cho những dự án giá trị thực tế khác.

Chính phủ đóng một vai trò tối quan trọng, quyết định khung
giáo dục mà nhà trường phải thực hiện. Một trong những đất
nước đi đầu trong đổi mới giáo dục là Phần Lan. Đây là nước
đầu tiên bỏ phân phối chương trình theo môn học mà áp dụng
chương trình học dựa trên chủ đề cho toàn bộ trường công.

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 37


Chương trình này áp dụng phương pháp liên môn, tức là các
môn học liên kết, bổ trợ lẫn nhau (Kyllönen, 2020).

Tháng Tư năm 2021, tôi có cơ hội đến thăm một trường tư


thục ở Việt Nam đã áp dụng chương trình học dựa trên chủ
đề tương tự như ở các trường học Phần Lan. Với chủ đề
“sô-cô-la”, học sinh học được các kiến thức địa lý, hóa học,
nghệ thuật, hoặc toán học. Các em có cơ hội tìm hiểu những
đất nước trồng cây ca cao, tìm hiểu nhiệt độ để sô-cô-la tan
chảy, những cách trang trí sáng tạo sử dụng sô-cô-la, hoặc
cách tạo hình sô-cô-la. Chủ đề sô-cô-la là một trong 15 chủ đề
mà học sinh sẽ tìm hiểu trong một năm học.

Chính phủ Phần Lan đã có bước đi mạnh dạn khi đưa tất cả
các trường công ra khỏi khung chương trình dựa trên môn
học. Hi vọng, trong nhiều năm tới sẽ có nhiều quốc gia khác đi
theo xu hướng này, bởi giáo dục liên môn sẽ biến việc học trở
nên thiết thực hơn. Khi học sinh được kết nối các môn học
với nhau, các em sẽ có thể liên hệ kiến thức học được trong
nhà trường với những ví dụ trong đời sống một cách hiệu quả
hơn. Các em sẽ hiểu rằng trong một chủ đề lớn, các môn học
có sự phụ thuộc lẫn nhau và một yếu tố thay đổi sẽ dẫn tới
hiệu ứng domino làm thay đổi nhiều yếu tố khác trong chủ đề.

“Đây mới chỉ là bước đầu. Nhu cầu tìm


hiểu thế giới theo hướng liên môn, liên

38 • UNLOCKED
ngành sẽ là điều tất yếu ở tất cả các bậc
học, và Phần Lan mong muốn là quốc gia
tiên phong trong hướng đi này.”
MARJO KYLLÖNEN, CHỦ TỊCH CƠ QUAN PHÁT TRIỂN,
THÀNH PHỐ HELSINKI (KYLLÖNEN, 2020)

Một thành phần quan trọng thứ hai mà chúng ta cần tìm hiểu
là nhà trường. Nhà trường tiếp nhận chương trình học từ
chính phủ và có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên để từ đó thầy cô có
thể giúp học sinh học tập một cách thiết thực nhất. Trường
học đóng vai trò không thể thiếu, chính họ sẽ quyết định liệu
có triển khai các phương pháp đổi mới sáng tạo hay không.
Các trường cũng tự lựa chọn cách truyền đạt kiến thức và
triển khai tuyển dụng giáo viên để thực hiện việc đó.

Khi chọn trường học cho con, phụ huynh cần xem xét rất
nhiều yếu tố. Tôi tin rằng tiêu chí quan trọng nhất chính là
sự phù hợp với sở thích của trẻ. Mỗi trường có một thế mạnh
khác nhau. Có trường mạnh về khoa học, có trường lại nổi
trội về các môn nghệ thuật hay ngoại ngữ. Địa điểm, cơ sở
vật chất, danh tiếng, sĩ số lớp và học phí là những yếu tố khác
cũng cần phải quan tâm.

Nhân vật chủ chốt thứ ba chính là giáo viên. Họ là người


có ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của học sinh. Họ có thể

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 39


khơi dậy sự hứng thú, lòng ham hiểu biết và hướng dẫn các
em tìm kiếm đam mê, thế mạnh của mình. Để hỗ trợ học
sinh một cách hiệu quả, giáo viên cần có các giáo cụ giúp
thu thập thông tin về học sinh, từ đó đưa ra phương pháp
giảng dạy tối ưu. Nếu thầy cô không có giáo cụ thích hợp và
không nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, họ sẽ chỉ có thể
truyền thụ kiến thức một chiều còn tiếp thu được hay không
là chuyện của học sinh. Vì thế, nhà trường cần linh hoạt cho
phép giáo viên thiết kế lớp học theo ý đồ của mình để dạy
theo chương trình yêu cầu. Không có lớp học nào giống lớp
học nào. Thầy cô chính là những người có sức ảnh hưởng
quan trọng, là tác nhân lớn nhất khiến học sinh thích hoặc
không thích đến trường.

Tất cả chúng ta, ai cũng đã từng được nhiều thầy cô dạy dỗ.
Tôi chắc rằng bạn vẫn còn nhớ một người thầy đã khiến cho
bạn yêu thích việc học và một người đã khiến bạn không thích
một môn học nào đó. Từ kinh nghiệm của tôi tại hai tổ chức
giáo dục khác nhau và từ cuộc chuyện trò với bốn đồng nghiệp
của mình, tôi có thể nói rằng một ngôi trường luôn quan tâm
đến sự phát triển của giáo viên, thường xuyên tổ chức các
buổi hội thảo mỗi tháng, hay thường xuyên đánh giá chuyên
môn qua những buổi dự giờ đột xuất, sẽ tạo động lực rất
nhiều cho giáo viên để từ đó truyền cảm hứng tới các em học
sinh. Tương tự như học sinh cần cảm thấy được nhà trường
và thầy cô hỗ trợ, giáo viên cũng cần được trân trọng năng lực
và đóng góp của mình.

40 • UNLOCKED
Trong một cuộc trò chuyện với đồng nghiệp là cô Emma, tôi
đặt ra câu hỏi: “Một tổ chức giáo dục có thể làm gì để giúp
giáo viên giảng dạy một cách tốt nhất?”

Emma đáp: “Để giáo viên dạy tốt và là nguồn năng lượng,
nguồn cảm hứng cho học sinh thì các thầy cô cần phải liên tục
nâng cao năng lực chuyên môn.”

“Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó và nhà trường có


thể làm gì để hỗ trợ họ?”

“Nhà trường có thể triển khai đào tạo giáo viên ở nhiều chuyên
đề khác nhau như quản lý lớp học hay soạn giáo án. Nhà trường
cũng có thể tổ chức các buổi chia sẻ chuyên môn để giáo viên
học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hoặc triển khai dự giờ để đánh
giá điểm mạnh và những điểm cần khắc phục,” Emma đáp.

“Giả sử nhà trường không làm những việc trên thì liệu giáo
viên có thể tiến bộ được không?”, tôi tiếp lời.

Suy nghĩ giây lát, cô ấy trả lời: “Cũng có thể, nhưng nếu nhà
trường không coi trọng sự phát triển của giáo viên thì làm sao
giáo viên có động lực nâng cao năng lực chuyên môn? Thầy
cô có thể chủ động tham khảo nhiều tài liệu, xem nhiều video
hướng dẫn hơn hoặc tham gia nhiều hội thảo chia sẻ kinh
nghiệm giảng dạy, nhưng họ cũng cần nhận thấy những cố
gắng của mình được nhà trường ghi nhận.”

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 41


Như chúng ta có thể thấy, nhà trường có tầm ảnh hưởng sâu
sắc tới giáo viên. Các đãi ngộ mà thầy cô được nhận sẽ tác
động tới chất lượng giảng dạy và từ đó dẫn đến kết quả học
tập của học sinh.

Thành phần thứ tư đóng vai trò quan trọng trong giáo dục,
không ai khác chính là phụ huynh. Họ là người không thể
thiếu trong hệ thống này vì họ hiểu rõ con cái mình nhất. Bố
mẹ nắm trong tay những dữ liệu và thông tin có thể chia sẻ
để thầy cô và nhà trường tìm ra phương pháp giảng dạy phù
hợp với con họ. Cha mẹ nên có một “hồ sơ học sinh” để tổng
hợp những thông tin hữu ích về sự phát triển sở thích của con
trong suốt thời thơ ấu và về sau. Hồ sơ học sinh này tóm tắt
những thế mạnh, sở thích, thành tích của con trong từng lĩnh
vực.... và thậm chí còn quan trọng hơn cả cuốn học bạ ghi lại
điểm số kiểu truyền thống mà các em thường nhận được vào
cuối năm học.

Tháng 12 năm 2020, tôi có dịp gặp mẹ của một học sinh tiểu
học của tôi tên là Viki trong buổi trao đổi riêng giữa giáo viên
và phụ huynh. Trong cuộc gặp mặt đó và trong mọi cuộc gặp
mặt cá nhân khác, tôi có cơ hội biết thêm về học trò của mình.
Ví dụ, Viki 7 tuổi nhưng em ấy đã học ở lớp dành cho học sinh
9 tuổi. Tôi đã vỡ lẽ ra vì sao mặc dù rất thông minh ở những
phương diện khác, nhưng em ấy vẫn còn yếu môn đánh vần
và chính tả. Tôi cũng biết mẹ em đang lo con gái bị bắt nạt vì
tuổi tác hoặc trí thông minh của em, điều đó khiến tôi ý thức

42 • UNLOCKED
hơn về câu chuyện của em và chú ý hơn tới diễn biến trong
lớp học.

Câu chuyện cô học sinh Viki của tôi đã dẫn tôi đến với nhóm
thứ năm trong hệ thống giáo dục, chính là bản thân các em
học sinh. Các em chính là người nắm giữ việc học hành và
cuộc sống của mình. Dù chương trình học, thầy cô hay cha mẹ
hỗ trợ có tốt đến mấy, thì xét cho cùng, chính học sinh mới là
người quyết định mình thích gì và muốn làm gì. Các em có thể
tự mình suy nghĩ và chủ động hỏi ý kiến cha mẹ, thầy cô. Các
em là người duy nhất hiểu rõ con thích làm gì, đâu là động
lực của con và con quan tâm đến điều gì nhất. Đó là lý do tại
sao chúng ta phải luôn luôn tạo cơ hội để trẻ có thật nhiều trải
nghiệm, tiếp xúc với thật nhiều tư tưởng, con người và các
nền văn hóa trên thế giới.

NĂM NHÂN VẬT THỨ HAI


Nhóm năm thành phần thứ hai đóng vai trò hỗ trợ nhưng
không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Họ
bao gồm những công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục
(EdTech start-ups), những trung tâm/câu lạc bộ, hội nhóm,
thư viện/phòng triển lãm/bảo tàng, các công ty có nhu cầu
tuyển dụng và những nhà nghiên cứu.

Giáo dục là một lĩnh vực phức tạp. Vì thế chúng ta cần sự giúp
đỡ của các công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 43


để giải quyết một số vấn đề đang phát sinh như: theo dõi
cách học của mỗi học sinh, xây dựng nội dung học tập mang
tính tương tác hơn, hỗ trợ giáo viên dạy theo nhóm sao cho
hiệu quả như dạy cá nhân (đưa ra những giáo án được thiết
kế phù hợp với từng nhóm), giúp học sinh hình thành thói
quen tự học, và giúp giáo viên có thêm thời gian để tập trung
hướng dẫn riêng cho từng em. Không có công nghệ giáo dục,
những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong giáo dục hẳn là rất khó
thực hiện.

Tôi đã hỏi năm đồng nghiệp của mình về một số ứng dụng mà
họ hay sử dụng để quản lý lớp học hoặc hỗ trợ giảng dạy. Kết
quả là hầu hết thầy cô đều thấy ứng dụng ClassDojo rất hữu
ích để khơi gợi hứng thú học tập của học sinh; hay Baamboozle
cũng có những trò chơi tương tác để thực hành từ vựng và
ngữ pháp.

Khi tôi khảo sát các em học sinh cấp Hai (vì hầu hết các em
đều sử dụng điện thoại thông minh), các em thường chơi
Kahoot! để ôn từ vựng và kiến thức ngữ pháp quan trọng. Các
em cũng thích dùng Slido để đặt câu hỏi ẩn danh khi có điều gì
chưa hiểu mà không lo bị bạn bè chế giễu.

Bản thân tôi cũng là cha mẹ, tôi đã bắt đầu tới thăm một số
trường mẫu giáo gần nhà để tìm kiếm ngôi trường tương lai
cho con gái mình. Tôi thấy nhiều trường dùng một ứng dụng
tên là KidsOnline. Ứng dụng này được phát triển ở Việt Nam

44 • UNLOCKED
cho các trường mẫu giáo để làm công cụ liên lạc giữa giáo
viên và học sinh. Trong ứng dụng này, tôi có thể nhận được
hình ảnh con gái tôi trong lớp học, các thông tin liên quan đến
việc con ngủ bao lâu, con có ăn hết bữa trưa mỗi ngày không.
Thông thường, với cha mẹ, công nghệ giáo dục đóng vai trò là
nguồn cung cấp thông tin và giúp họ tham gia nhiều hơn vào
quá trình học tập của con cái. Mặc dù sử dụng các ứng dụng
này đồng nghĩa với việc giáo viên phải làm nhiều việc hơn,
nhưng tôi cho rằng việc chia sẻ thông tin với cha mẹ cũng giúp
thầy cô nhìn nhận và hiểu rõ hơn về học sinh của mình.

Các trung tâm, câu lạc bộ và hội nhóm cung cấp các hoạt
động và khóa học ngoại khóa là một nhóm khác đóng vai trò
quan trọng trong hệ thống giáo dục, phục vụ nhu cầu của các
bậc cha mẹ muốn con cái họ được học thêm các kỹ năng ngoài
lớp học.

Trong suốt sự nghiệp dạy dỗ của mình, tôi đã có cơ hội gặp


gỡ hơn 100 phụ huynh tại các buổi trao đổi riêng. Hầu hết
cha mẹ đều muốn con cái mình chơi thể thao hoặc nhạc cụ,
học ngoại ngữ, hoặc học cách viết code để giúp các con phát
triển toàn diện hơn.

Làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam, tôi có cơ
hội hỏi các em ngoài giờ lên lớp thì các em còn làm gì khác.
Hầu hết các em trả lời rằng các em bận kín tuần. Từ khoảng
lớp năm, học sinh Việt Nam đã thường phải ở trường khoảng

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 45


tám tiếng mỗi ngày. Sau đó, các em đi học thêm tiếng Anh hai
buổi một tuần, chơi thể thao một hoặc hai buổi một tuần, và
còn học thêm lớp toán, văn của chính các thầy cô dạy con ở
trường nữa. Bên cạnh đó, các em còn phải làm rất nhiều bài
tập về nhà từ lớp học chính tới lớp học thêm, khiến cho thời
gian biểu của các em kín đặc.

Thư viện, các phòng triển lãm và bảo tàng là nhóm đối
tượng tiếp theo đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống này. Ở
Cộng hòa Séc nơi tôi lớn lên, có thể nói mạng lưới thư viện,
các phòng trưng bày và bảo tàng ở Prague đã góp phần không
nhỏ vào trải nghiệm học tập của học sinh. Chỉ với một khoản
phí nhỏ, các em học sinh đã được được tiếp cận với một thế
giới phong phú, từ đó hun đúc lòng ham học hỏi và mong
muốn tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh. Những nơi yên
tĩnh đầy ắp tri thức và cảm hứng như vậy nên được hiện diện
trong mọi thành phố, xóm làng để học sinh thẩm thấu hơn về
tầm quan trọng của việc không ngừng học hỏi.

Trong hệ thống giáo dục Phần Lan, các thư viện, phòng trưng
bày và bảo tàng được gọi là không gian học tập ngoài trời. Theo bà
Marjo Kyllönen, Chủ tịch Cơ quan Phát triển của thành phố
Helsinki, tất cả những công viên, sân chơi, bảo tàng, nhà hát,
trung tâm văn hóa và thư viện của thành phố đều là không
gian học tập. Bà còn nói thêm rằng, học sinh học sâu hơn khi
được ở bên ngoài lớp học bởi lúc này các em liên hệ việc học
với thế giới của chính mình (Kyllönen, 2020). Không gian học

46 • UNLOCKED
tập ngoài trời cho phép học sinh tiếp nối hành trình học tập
thông qua cuộc sống thực của trẻ, thay vì chỉ giới hạn trong
nhà trường.

Các công ty, với tư cách là một nhóm quan trọng tiếp theo
trong hệ thống giáo dục, là những người sử dụng lao động –
những nhà tuyển dụng. Do đó, họ nên đối thoại với chính
phủ, chia sẻ những kỹ năng và kiến thức cần thiết trong công
việc để các cơ quan quản lý giáo dục cân nhắc đưa những nội
dung đó vào chương trình học. Nếu nhu cầu đối với kỹ năng
IT (công nghệ thông tin) ngày càng gia tăng, hoặc các công ty
khó tìm được một sinh viên đã tốt nghiệp có kỹ năng thiết kế
đồ họa, thì các công ty nên trao đổi với các cơ quan quản lý
nhà nước để khuyến khích đưa những môn học mới vào trong
chương trình.

Ở nhiều quốc gia, nhà tuyển dụng, chính phủ và đại diện người
lao động sẽ cùng thảo luận trong các cuộc họp ba bên (theo
ILO). Những cuộc họp này là cách hiệu quả để tìm kiếm sự
đồng thuận giữa các bên. Các bên tham gia sẽ thảo luận về các
kỹ năng quan trọng nên được đào tạo trong nhà trường, hoặc
đề xuất số lượng cử nhân tốt nghiệp trong mỗi ngành học.

Tuy nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian từ những cuộc họp này
cho đến khi giáo dục thực sự thay đổi, và các công ty có thể
cần phải đối thoại trực tiếp với nhà trường. Trong một khảo
sát gần đây với những công ty Nhật Bản ở Việt Nam, phần lớn

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 47


nói rằng hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam đều chưa
sẵn sàng cho công việc và cần phải đào tạo lại (Nghiem, 2019).
Nhà trường cần tập trung nhiều hơn vào việc trang bị cho học
sinh các kỹ năng và kiến thức mà thị trường việc làm đang tìm
kiếm. Để làm được như vậy, các công ty cũng cần hợp tác với
nhà trường để trực tiếp hỗ trợ trong quá trình đào tạo.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là những cá


nhân, tổ chức thường xuyên bàn luận về giáo dục: những
người có tầm ảnh hưởng, các chuyên gia hoặc tổ chức
nghiên cứu chính sách. Họ cố vấn cho phần lớn trong số
chín nhóm trên, nhưng chủ yếu là cho chính phủ. Những
người có tầm ảnh hưởng thường xuyên xuất hiện trên truyền
thông, đưa ra lời khuyên về việc giáo dục có thể và nên thay
đổi như thế nào để chuẩn bị cho con cái chúng ta thành công
trong kỷ nguyên tự động hóa.

Mọi thành phần hỗ trợ này đều góp phần vào quá trình nâng
cao chất lượng giáo dục của nhóm thành phần chủ chốt. Nhờ
có họ mà giáo dục được đổi mới toàn diện và học sinh có được
sự chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào đời.

48 • UNLOCKED
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Nhìn chung, hệ thống chỉ có thể hoạt động hiệu quả và bền
vững nếu cả 10 thành phần tham gia phối hợp chặt chẽ và lưu
tâm đến hoạt động của nhau. Một nhóm thôi thì không thể
thay đổi được gì.

Hướng tiếp cận liên môn sẽ giúp học sinh kết nối nhiều môn
học vào một chủ đề và trải nghiệm một phương pháp học tập
mới mẻ, giúp chuẩn bị tốt hơn cho các em sau khi ra trường,
thời điểm mọi thứ đều liên đới, phụ thuộc lẫn nhau. Phần Lan
là nước đầu tiên tiến hành đổi mới giáo dục ở cấp quốc gia, và
nếu điều này chứng minh được hiệu quả, thì chắc hẳn sẽ được
nhiều quốc gia học tập.

Ngay cả khi đổi mới giáo dục không thể diễn ra trong ngày
một ngày hai, chúng ta vẫn cần tiếp tục đối thoại cởi mở về
các thay đổi không ngừng của ngành.

CÙNG NHAU TIẾN BỘ • 49


CHƯƠNG 3

GIẢNG DẠY NHỮNG


KỸ NĂNG THIẾT YẾU
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Con cái của chúng ta cần có những kỹ năng gì trong thế


kỷ 21?
2. Làm sao để các con phát triển được những kỹ năng này?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 51


Khi viết những dòng này, tôi đang là cha của một em bé 18
tháng tuổi. Tôi tự hỏi con gái mình sẽ cần những kỹ năng gì để
thành công trong cuộc sống. Tôi muốn con tôi sẵn sàng bước
chân vào lực lượng lao động trong kỷ nguyên thông tin, nơi
mà ước tính hai phần ba số trẻ sẽ làm những công việc mà đến
nay chưa từng tồn tại (Leopold, Ratcheve và Zahidi, 2016).
Bởi thế, tôi tìm kiếm các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu
kỹ năng, họ có thể giúp tôi xác định được bộ kỹ năng giá trị
nhất cho thế kỷ 21 này và xa hơn nữa.

Và đây rồi! Thật may tôi tìm thấy Tiến sĩ Laura Jana, tác giả
của cuốn sách The Toddler Brain (tạm dịch: Bộ não của trẻ). Cô đã
nghiên cứu và soạn ra một danh sách các hạng mục kỹ năng
trên website mang tên cô, dẫn dắt bạn đến với thành công
trong phát triển bản thân. Vậy, những kỹ năng thiết yếu đó là
gì? Tiến sĩ Laura Jana gọi đó là những kỹ năng QI.

Có bảy nhóm kỹ năng, mỗi nhóm bao gồm một bộ kỹ năng cụ


thể. Mặc dù tiến sĩ Jana chủ yếu nói từ góc nhìn của đứa trẻ
nhưng tôi vẫn chia sẻ với bạn ý hiểu của tôi đối với phương
pháp dạy cho mọi lứa tuổi của cô ấy.

KỸ NĂNG “ME” (TÔI)


Nhóm kỹ năng đầu tiên được gọi là kỹ năng ME, mà theo
tiến sĩ Jana, là “những kỹ năng quản lý bản thân, bao gồm
thấu hiểu bản thân, tự điều chỉnh, tự chủ, khả năng chú ý và

52 • UNLOCKED
tập trung. Tương tự, những kỹ năng quản trị cũng cho phép
chúng ta quản lý, điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc cũng như
hành vi của mình.” Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh việc thấu hiểu
bản thân. Khi nhắc đến kỹ năng ME, việc hiểu về bản thân,
hiểu về đam mê, sở trường, sở đoản hoặc hạn chế của mình,
hay trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?” có lẽ là quan trọng nhất.
Ở thời kỳ Trung Hoa cổ đại, nhiều thế kỷ trước Công nguyên,
triết gia nổi tiếng Lão Tử đã để lại những bài học còn nguyên
giá trị sau hơn hai mươi thế kỷ: “Tri nhân giả trí, tự tri giả
minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường.” (Biết
người là trí tuệ, biết mình là sáng suốt. Thắng người là có sức.
Thắng mình mới đích thực là kẻ mạnh.” (Đạo Đức Kinh).

Hãy giúp con cái chúng ta tự tìm hiểu về khả năng của con
và tôn trọng sự khác biệt của bản thân chúng. Điều đó sẽ có ý
nghĩa to lớn trên hành trình phát triển của con sau này. Nhưng
những hoạt động nào có thể giúp trẻ thấu hiểu bản thân?

Mỗi người nên tự mình trải nghiệm càng nhiều hoạt động
càng tốt, từ thể thao tới nghệ thuật, âm nhạc, nấu nướng, chơi
cờ bàn (board game)... Các em học sinh lớn hơn cũng có thể
có những hoạt động chiêm nghiệm bản thân, chẳng hạn mỗi
năm các em sẽ viết một bài luận để trả lời những câu hỏi về
tính cách và đặc điểm của chính mình.

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 53


KỸ NĂNG “WE” (CHÚNG TA)
Tiến sĩ Jana cho rằng kỹ năng liên quan đến con người cho
phép chúng ta thấu hiểu, chia sẻ và hòa nhập với người khác.
Những kỹ năng này bao gồm kỹ năng ngôn ngữ, thấu cảm,
lắng nghe và kỹ năng cảm xúc xã hội, sẽ giúp ích cho giao
tiếp, cộng tác và làm việc nhóm hiệu quả. Nhóm này được
gọi là kỹ năng WE. Trong đó, thế mạnh cốt lõi chính là khả
năng làm việc tốt với nhiều kiểu người khác nhau, và khả
năng phối hợp nhóm một cách hiệu quả với năng suất cao.
Đây là những kỹ năng hữu ích mà chúng ta có thể giúp con
cái phát triển thông qua các môn thể thao đồng đội hoặc các
dự án nhóm.

“Lắng nghe để thấu hiểu và được thấu hiểu” cũng là thói quen
thứ năm trong cuốn Bảy thói quen của người thành đạt của Stephen
R. Covey. Tác giả muốn ta hãy đặt bản thân vào hoàn cảnh
của người khác để hiểu quan điểm của họ trước khi đưa ra
kết luận. Khi chúng ta càng tiến xa trong sự nghiệp, kiến thức
chuyên môn thường càng trở nên ít quan trọng so với kỹ năng
làm việc với những người xung quanh. Sẽ cần rất nhiều thời
gian để phát triển những kỹ năng này. Vì vậy chúng ta không
thể chờ đến khi đạt được vị trí quản lý mới bắt đầu quan tâm
đến chúng. Điều quan trọng là phải phát triển các kỹ năng liên
kết cá nhân ngay từ khi còn nhỏ tuổi.

Xu hướng toàn cầu hóa khiến chúng ta ngày càng có nhiều


tương tác hơn với các châu lục khác nhau và với những người

54 • UNLOCKED
đến từ các nền tảng văn hóa, ngôn ngữ khác nhau. Kỹ năng
WE vì vậy mà cũng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.

KỸ NĂNG “WHY” (TẠI SAO)


Nhóm kỹ năng thứ ba là kỹ năng WHY. Tiến sĩ Jana miêu tả
nhóm kỹ năng này là “kỹ năng liên quan đến đặt câu hỏi, lòng
ham học hỏi và sự tò mò. Những kỹ năng này cho phép chúng
ta luôn nhìn thế giới như một câu hỏi lớn cần lời giải đáp và vì
vậy chúng ta sẽ luôn tìm cách để hiểu rõ hơn về thế giới này.”
Các kỹ năng WHY giúp chúng ta tư duy phản biện thay vì chỉ
đi theo sự chỉ dẫn của người khác. Những kỹ năng WHY giúp
các nền văn minh trở nên tiến bộ, cải thiện các công cụ và quy
trình tồn tại đã hàng thế kỷ nay. Nếu bạn biết cách lặp lại các
câu hỏi (một kỹ thuật được gọi là Năm câu hỏi tại sao - the five
Whys), bạn sẽ có thể truy được nguyên nhân gốc rễ của một
vấn đề, từ đó nhận ra chỗ nào cần thay đổi, cải thiện hay sửa
chữa toàn bộ (Seiter, 2018).

Để giúp con cái chúng ta cải thiện nhóm kỹ năng WHY, chúng
ta nên nuôi dưỡng trí tò mò của con, khuyến khích con đặt bất
kỳ câu hỏi nào, và giúp con hiểu rõ hơn về thế giới.

Hãy hình dung trường hợp của hai em học sinh lớp ba (khoảng
chín tuổi) là Jacob và Lucas. Cha mẹ Jacob luôn sẵn lòng trả
lời bất cứ câu hỏi nào của con, trong khi cha mẹ của Lucas lúc
nào cũng đáp lại bằng câu nói: “Sao con lúc nào cũng hỏi này

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 55


hỏi nọ thế? Lớn lên rồi con sẽ hiểu. Nếu con muốn biết thì gõ
Google mà tìm.” Bạn nghĩ Lucas có tiếp tục tò mò khi nhận
được câu trả lời của cha mẹ như thế không? Rất có thể ban
đầu con sẽ buồn, rồi dần dần con sẽ hỏi ít đi và cuối cùng là
không hỏi gì nữa. Ngược lại, Jacob sẽ thấy mọi thứ càng ngày
càng thú vị hơn, vì càng biết nhiều con càng vui sướng với
những khám phá mới và còn có thể chia sẻ những điều hay ho
này với bạn bè.

Dành thời gian giải thích với một cái nhìn khách quan, là cha
mẹ đã giúp con có thêm những kiến thức mới. Điều đó tạo điều
kiện để trẻ tự do tư duy, hình thành chính kiến riêng của mình,
cho dù không phải lúc nào cha mẹ cũng đồng tình với con.

Nuôi dưỡng lòng ham học hỏi sẽ giúp con chủ động học hỏi,
luôn hào hứng về thế giới này và hơn thế nữa. Trẻ sẽ vẫn giữ
được sự hiếu kỳ này ngay cả khi trưởng thành. Hãy đừng bao
giờ ngừng đặt câu hỏi để làm sáng tỏ hoặc để hiểu biết hơn.
Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, chúng ta nên bình
thường hóa việc luôn đặt câu hỏi để biết còn hơn là không
biết gì.

KỸ NĂNG “WILL” (Ý CHÍ)


Chắc chắn trên đường đời, con cái chúng ta sẽ phải đối
mặt với nhiều khó khăn, thử thách, trở ngại và thất bại. Do
đó, nhóm kỹ năng tiếp theo cần phải phát triển là nhóm

56 • UNLOCKED
kỹ năng WILL. Tiến sĩ Jana giải thích thêm, “nhóm này xác
định những kỹ năng tối quan trọng giúp chúng ta tự tạo động
lực cho chính mình, bao gồm: tinh thần sẵn sàng đón nhận
mọi thử thách (can-do attitude), sự tận tâm, lòng quyết tâm, óc
thực tế, sự kiên trì, kiên định và một tinh thần luôn tập trung
vào hành động.” Những người có kỹ năng WILL chắc chắn
là những người trụ lại được với nghịch cảnh. Khi mọi thứ
không theo chiều hướng ta mong muốn, điều quan trọng là
chúng ta biết đứng dậy, tiếp tục cố gắng và không từ bỏ.

Khi mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, bất cứ ai cũng có thể


kiểm soát được tình huống, nhưng rất ít người có thể làm
được điều tương tự trong những lúc rối beng. Và để phát triển
những kỹ năng này ở trẻ, chúng ta cần bắt đầu từ rất sớm.
Chúng ta phải khuyến khích con tiếp tục cho dù mục tiêu đề
ra có chút khó khăn. Khi trẻ muốn từ bỏ một sở thích nào đó
vì nó dần trở nên khó khăn hoặc khi trẻ không muốn tiếp tục
đạp xe lên đồi bởi con đã mệt, hãy động viên, tiếp thêm sức
mạnh cho con cố gắng thêm lần nữa.

Tôi đã có một cuộc trò chuyện với Jan Ruth. Ngay từ khi còn
nhỏ cho đến khi vào Đại học, ông ấy đã là cầu thủ bóng đá
chuyên nghiệp và hiện tại, ông đang làm giám đốc một công
ty tư vấn.

Tôi hỏi Jan liệu chơi bóng đá chuyên nghiệp có giúp ích gì cho
sự nghiệp hiện tại không và ông đã trả lời rằng: “Nếu tôi phải

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 57


chọn một thứ đã học được trong bóng đá có ích cho tôi lúc
này thì đó chắc chắn chính là thái độ không bỏ cuộc.”

“Bóng đá đã dạy ông có thái độ đó như thế nào?” Tôi hỏi.

“Dù thời tiết ra sao, chúng tôi vẫn phải ra sân tập, chính điều
đó đã rèn cho chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực bất chấp nghịch
cảnh.” Jan trả lời.

“Tôi hiểu rồi. Bóng đá còn giúp tôi luyện ông thế nào nữa khi
mọi thứ trở nên khó khăn?”

Suy nghĩ giây lát, Jan trả lời: “Ví dụ như trong các trận đấu
đi. Có rất nhiều trận chúng tôi chắc là mình sẽ thua, nhưng
chúng tôi phải chiến đấu cho tới phút cuối cùng và phải luôn
luôn tin rằng chúng tôi vẫn có thể chiến thắng.”

Sau cuộc trò chuyện đó, tôi nhận ra việc rèn luyện thể thao là
một cách tuyệt vời để đưa những kỹ năng WILL thấm nhuần
vào con người Jan để ông ấy trở thành con người như hiện
nay, để tiếp tục công việc hiện tại dù có khó khăn đến thế nào.

KỸ NĂNG “WIGGLE” (LẮC LƯ)


Kỹ năng WIGGLE đứng thứ năm trong danh sách này, với ý
nghĩa là sự bền bỉ cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ điển Cam-
bridge đã giải thích rằng “bền bỉ không ngừng” (restlessness)

58 • UNLOCKED
là điều gì đó tiêu cực, là không thể nghỉ ngơi hay thư giãn, do
quá lo âu hoặc nhàm chán. Nhưng mặt khác, chúng ta nên liên
tục làm cái gì đó mới mẻ, giữ cho tâm trí và cơ thể được khỏe
khoắn, sử dụng thời gian vàng ngọc một cách triệt để nhất.
Liên tục học hỏi, kiến tạo, xây dựng, không ngừng nghỉ.

Chúng ta nên năng động và làm sao để trẻ luôn bận rộn, cả về
thể chất lẫn tâm trí. Trong một bài báo nghiên cứu được đăng
trên tờ Archives of Pediatrics & Adolescent Medicine (tạm dịch: Y học
Nhi khoa & Trẻ vị thành niên), người ta đã phát hiện ra rằng các
hoạt động thể chất có liên hệ tích cực với kết quả học tập của
trẻ (Singh và cộng sự, 2012).

Hoạt động thể chất cũng tốt cho sự phát triển của não bộ.
Theo một nghiên cứu của khoa Khoa học Thể chất ở trường
Đại học Georgia, dù chỉ vận động ngắn trong 20 phút cũng tạo
điều kiện tốt hơn cho việc xử lý thông tin và các chức năng
ghi nhớ (Tomporowski, 2003). Chính bản thân tôi đã chứng
kiến điều này khi quan sát các em bé tầm tuổi của con gái tôi,
bé nào hoạt động nhiều hơn những đứa trẻ khác thì thường
học hỏi và lưu trữ thông tin nhanh hơn. Một bé tên là Kelsey
có vẻ năng động hơn hẳn. Ở nhà, bé hay bày bừa lung tung.
Kelsey dường như học các kỹ năng rất nhanh, có thể tự mình
ăn uống ngay từ khi mới 2-3 tuổi. Ngược lại, một người bạn
khác của con là Lea, thường ngồi ngoan và không khiến bố mẹ
phải “mệt phờ”, thì dường như lại chậm hơn, chưa tự mình
làm được nhiều việc lắm.

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 59


Để khuyến khích trẻ hoạt động, chúng ta cần chuẩn bị cho
con những đồ chơi khuyến khích vận động như quả bóng hay
dây nhảy. Cha mẹ cũng phải làm gương, vì trẻ thường hay
bắt chước cha mẹ. Hơn nữa, cha mẹ có thể cùng chơi với con
để giúp con học những môn thể thao mới, như đạp xe, bơi lội
hoặc trượt patin.

KỸ NĂNG “WOBBLE” (LOẠNG CHOẠNG)


Nhóm kỹ năng thứ sáu là kỹ năng WOBBLE. Nhóm kỹ
năng này sẽ giúp chúng ta thích nghi tốt hơn và biết học hỏi
từ sai lầm của bản thân. Tất nhiên, con người ai chẳng phạm
sai lầm, nhưng chúng ta cần rút kinh nghiệm, chứ đừng lặp
lại chúng. Chúng ta không nên phạt trẻ vì đã phạm phải sai
lầm mà hãy khuyến khích con học hỏi từ sai lầm đó.

Là người lớn, chúng ta hay vô thức mắng trẻ khi con làm vỡ
hay đổ cái gì đó, và gần như lần nào cũng vậy, chúng ta không
khuyến khích con học hỏi từ sai lầm hoặc rút ra kinh nghiệm
để tránh lặp lại. Thay vào đó, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn gợi ý
trẻ các bước giải quyết vấn đề, từ đó dạy cho trẻ tư duy phản
biện tích cực.

Anh Zhang, hiện giữ vị trí quản lý tại Canada, có một cậu con
trai tám tuổi. Anh và con trai đều ở cùng khách sạn với tôi khi
tôi công tác ở Thượng Hải. Trong chuyến công tác đó, anh đã
đưa con trai đi theo và khi trả phòng, cậu bé bỏ quên quyển

60 • UNLOCKED
sách yêu thích của mình ở ngăn kéo phòng khách sạn. Cả hai
đã lên xe buýt đến sân bay thì cậu bé đột nhiên nói với cha
mình bằng tiếng Anh: “Ôi, không! Cha ơi, con để quên cuốn
sách của con trong khách sạn rồi!” Lúc ấy, cậu bé bật khóc.

Cùng ngồi chung xe khi đó, tôi nghĩ Zhang chắc sẽ tức giận
với con lắm, nhưng không. Anh chỉ điềm đạm hỏi: “Thế con
nghĩ bây giờ chúng ta nên làm gì nào?” Tất nhiên, cậu bé
chẳng biết phải làm gì và không nói một lời nào.

Thế rồi Zhang mới nói: “Thôi được rồi. Cha sẽ gọi điện cho
khách sạn, nhờ họ tìm cuốn sách rồi cất nó đi cho con, lần tới
cha sẽ ghé qua lấy giúp con. Nhưng qua việc này con rút ra
được điều gì nào?”

Cậu bé lập tức trả lời: “Lần tới, con sẽ kiểm tra cẩn thận mọi
ngăn kéo trước khi trả phòng ạ.”

Cuộc trò chuyện này là ví dụ tuyệt vời về cách dạy con học hỏi
từ sai lầm của mình và động não suy nghĩ giải pháp để tránh
chuyện tương tự trong tương lai.

KỸ NĂNG “WHAT IF” (GIẢ SỬ)


Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính là nhóm
kỹ năng WHAT IF, gồm những kỹ năng như hình dung,
tưởng tượng hoặc sáng tạo. Đây có lẽ là những kỹ năng mà

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 61


robot không thể có được nhưng loài người thì rất giỏi. Mọi
thứ xung quanh chúng ta, mọi thứ chúng ta tạo ra đều bắt đầu
từ trí tưởng tượng của chúng ta. Hầu hết những thứ chúng
ta mường tượng, hình dung, đều có thể sẽ thành sự thực.
Do đó, việc bồi đắp những kỹ năng WHAT IF cho phép con
người duy trì lợi thế cạnh tranh trong một thời đại thông tin
tự động hóa rất cao. Cụ thể hơn, chúng ta tạo điều kiện cho
con cái thực hành những kỹ năng này thông qua nghệ thuật
(vẽ tranh, sáng tác, viết lách), thì những cuộc đối thoại sẽ bắt
đầu xoay quanh chuyện làm thế nào để tạo ra tác động với
cuộc sống và thường chúng sẽ thảo luận về những điều GIẢ
SỬ cho tương lai.

62 • UNLOCKED
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Trước đây, muốn con phát triển những kỹ năng trên, chúng
ta có thể sẽ phải để con thử bán nước chanh trước nhà. Tuy
nhiên, trong thời đại thông tin nơi cuộc sống còn thường
xuyên diễn ra trên mạng, chúng ta có thể để con thực hiện
một dự án trực tuyến nho nhỏ, như bán nước chanh tươi (và
giao hàng bằng các ứng dụng như Uber Eats hoặc Grab Food)
hoặc viết e-book rồi bán trên Amazon. Nhờ đó các con sẽ:
• Hiểu thêm về bản thân (kỹ năng ME)
• Biết cách làm việc với người khác (kỹ năng WE)
• Biết cách đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề (kỹ năng WHY)
• Không chùn bước khi gặp khó khăn (kỹ năng WILL)
• Không ngừng học cái mới (kỹ năng WIGGLE)
• Phạm sai lầm và học hỏi từ sai lầm (kỹ năng WOBBLE)
• Tư duy một cách chiến lược về hướng đi cho dự án
(kỹ năng WHAT IF)

Bảy nhóm kỹ năng của tiến sĩ Jana là một tổng hợp rất hữu
ích để chúng ta biết cách giúp con có lợi thế cạnh tranh trong
nhiều thập kỷ sắp tới. Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể khơi
mở toàn bộ tiềm năng của con bằng cách tạo môi trường cho
con tập trung vào sở trường và sở thích của mình. Bổ sung
những kỹ năng toàn cầu từ chương này sẽ giúp con trở nên
toàn diện hơn trong tương lai.

GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU • 63


CHƯƠNG 4

ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ


VÀ LÒNG KHÁT KHAO
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Tại sao sự hiếu kỳ và khát khao lại quan trọng?


2. Làm thế nào để thổi bùng ngọn lửa hiếu kỳ và khát khao ở
con trẻ?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO • 65


Sinh nhật lần thứ 12, tôi được thầy giáo tặng cho một món
quà khiến tôi hiểu ra nhiều điều. Đó là cuốn sách có tên How
Stuff Works (tạm dịch: Mọi thứ vận hành như thế nào) của Marshall
Brain. Cuốn sách này đã thay đổi cuộc đời tôi.

Cuốn sách mở ra cho tôi rất nhiều điều khác nhau và cách
chúng vận hành, ví dụ máy bay cất cánh thế nào, hoặc chuyện
gì diễn ra bên trong bồn cầu sau khi chúng ta ấn nút xả nước.
Tôi xem món quà này là một trong những khoảnh khắc quan
trọng thay đổi con người của tôi. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi về
thế giới xung quanh và khao khát tìm hiểu những kiến thức
liên quan; thôi thúc này xuất phát từ chính bản thân tôi. Tôi
đã mua thêm nhiều cuốn bách khoa toàn thư và nhiều cuốn
sách khác thuộc mọi thể loại. Tôi dần lấp đầy giá sách của
mình bằng những cuốn giúp trau dồi và phát triển bản thân
thay vì truyện tranh và những cuốn sách hư cấu mà các bạn
tôi hay đọc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng có lẽ
mình muốn học một trường kinh tế để hiểu về hoạt động tài
chính, thương mại giữa các quốc gia, hoạt động sản xuất ra
sản phẩm và nhiều lĩnh vực khác nữa. Lòng hiếu kỳ của tôi
đã được khơi dậy như thế đó.

Khi chúng ta nói về giáo dục, hay khi ta gửi con cái tới
trường, chúng ta kỳ vọng các con sẽ học được những điều
mới mẻ từ thầy cô. Các thầy cô hiểu những kỳ vọng đó và
cố gắng truyền thụ kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, người
thầy giỏi không chỉ cung cấp thông tin, mà họ còn khơi dậy

66 • UNLOCKED
ngọn lửa đam mê của học sinh, khiến các em khao khát học
hỏi nhiều hơn về một chủ đề ngay cả ngoài giờ học. Người
giáo viên ấy hiểu rằng thời gian trên lớp chính là để khơi mở
trí tò mò của học sinh, để khi hết giờ học, các em vẫn tiếp tục
tự tìm tòi, học hỏi về thế giới xung quanh. Do đó, mục đích
của giáo dục chính là khơi gợi lòng ham học hỏi.

Tò mò là trạng thái quan tâm đặc biệt hoặc


khao khát tìm hiểu thêm về điều gì đó,
khiến bạn có thể dấn thân vào những điều
chưa từng biết để tận hưởng cơ hội khám
phá với niềm yêu thích.
(BROWN, 2015)

Một nghiên cứu nhan đề States of Curiosity Modulate Hippocampus-


Dependent Learning via the Dopaminergic Circuit (tạm dịch: Học tập
ở hồi hải mã dưới tác động của trạng thái hiếu kỳ thông qua đường dẫn
truyền dopamin) chỉ ra rằng sự hiếu kỳ kích thích bộ não học tập
(Gruber, Gelman và Ranganath, 2014). Hơn nữa, giáo sư tâm
lý George Loewenstein cho rằng sự tò mò không chỉ là một
trạng thái tinh thần mà còn là một cảm xúc. Cảm xúc đó thôi
thúc chúng ta học hỏi cho đến khi lấp đầy khoảng trống tri thức
của mình (Brown, 2015). Nếu chúng ta có thể khiến học sinh

ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO • 67


tò mò về một chủ đề nào đó, các em sẽ muốn tự mình tìm hiểu
thêm nữa. Và rồi, thế giới mở ra vô hạn.

SỨC MẠNH BẤT KHẢ NGĂN CẢN


Một yếu tố quan trọng khác, tương tự như lòng hiếu kỳ, chính
là niềm khát khao – mong muốn thiết tha một điều gì đó. Dan
Lok, một diễn giả truyền cảm hứng trên TEDx, trong bài nói
chuyện với tựa đề The Unstoppable Force – The Real Difference Be-
tween Success and Failure (tạm dịch: Sức mạnh bất khả ngăn cản – sự
khác biệt thực sự giữa thành công và thất bại) đã xem những khát
khao này là chìa khóa thúc đẩy chúng ta đạt được bất cứ mục
tiêu nào đã đặt ra. Anh chia sẻ rằng nếu chúng ta khát khao
một điều gì đó, chúng ta sẽ tìm cách để có được nó. Nếu thực
sự có niềm khát khao thì chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó
khăn, gian khổ (TEDx Talks, 2017).

Dan Lok là một doanh nhân người Canada. Cha mẹ anh ly


hôn khi anh 16 tuổi. Sau này, cha anh bị phá sản, còn mẹ thì
không có việc làm, bởi thế anh phải tự mình xoay sở để lo liệu
cho bản thân. Dan nói: “Để có tiền cho những ý tưởng kinh
doanh điên rồ của mình, tôi đã phải vay mượn họ hàng. Trong
ba năm, tôi thất bại tới 13 lần và đến lần sinh nhật thứ 21, tôi
đã vay nợ tất cả 150.000 đô la” (Lok).

Vì tất cả những sự kiện đã xảy ra trong đời mình mà Dan có một


khao khát đổi đời mãnh liệt. Anh chia sẻ, sau sáu năm làm việc

68 • UNLOCKED
vất vả, “tôi đã học cách viết quảng cáo, bắt đầu từ doanh nghiệp
quảng cáo ‘tự mình làm hết’ và rồi kiếm được những khoản tiền
lớn đầu tiên. Đến năm 27 tuổi, tôi đã trở thành triệu phú tự thân.
Ước mơ duy nhất của tôi là chăm sóc mẹ” (Lok).

Steve Jobs cũng nhắc đến khao khát trong diễn văn khai mạc
tại trường Đại học Stanford vào năm 2005: “Hãy cứ khát
khao, hãy cứ dại khờ.” Chúng ta phải luôn luôn khao khát
những điều lớn lao hơn và đừng ngại thử nghiệm những điều
mới mẻ. Chúng ta nên giữ ngọn lửa bùng cháy trong lòng
mình thay vì quá hài lòng với hiện tại. Luôn luôn khát khao
chính là điều giúp ta không ngừng muốn cải thiện bản thân và
thế giới này.

Sau khi xâu chuỗi câu chuyện của Dan Lok và Steve Jobs, tôi
nhận thấy rằng hầu hết những người thành công đều khởi
đầu trong một hoàn cảnh bất lợi. Họ chịu đựng những khó
khăn vất vả mà nhờ đó họ nảy sinh một lòng khát khao vô bờ
bến để quyết tâm thay đổi cuộc đời. Quan trọng hơn nữa, một
khi đã chinh phục được khó khăn vất vả, họ vẫn tự dặn mình
phải tiếp tục, hãy khát khao và không dừng lại.

Liệu có cách nào để nuôi dưỡng lòng khát khao này mà không
phải chịu đựng khó khăn vất vả hay không? Tôi tin rằng sẽ
có cách, nhưng bạn thực sự phải có một mong muốn nội tại
mạnh mẽ. Mong muốn được thoát nghèo đói, khổ cực phải
thật sự mãnh liệt. Nếu chúng ta không trải qua bất cứ khó khăn

ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO • 69


nào trong đời, chúng ta cần phải tìm được mục tiêu khác để có
động lực nội tại đó. Nói một cách đơn giản, đó có thể là động
lực chứng minh với bản thân là chúng ta giỏi giang hơn người
khác tưởng.

KHOẢNH KHẮC BƯỚC NGOẶT


Tôi muốn gọi khoảnh khắc thổi bùng nỗi khát khao thay đổi
trong mỗi người là “khoảnh khắc bước ngoặt”. Khoảnh khắc
của tôi là khi tôi học lớp sáu hay lớp bảy, khoảng 12, 13 tuổi.

Hồi đó, cha mẹ tôi đang bán sách báo, nên một trong những
đặc quyền của tôi là ngày nào cũng được đọc báo miễn phí.
Chúng tôi cũng có thừa mứa những tờ báo cũ của nhiều
ngày trước. Tôi đọc tất cả những bài hay ho về kinh tế, kinh
doanh và tương tự thế. Rồi tôi bắt đầu thu thập, cắt rời
những bài phỏng vấn những người thành công ra. Trong
nhiều bài phỏng vấn, xuất hiện nhiều tên sách về phát triển
bản thân, bởi thế tôi tìm cách để đọc những cuốn sách này.

Từ hồi đó, tôi bắt đầu lên kế hoạch nhiều hơn cho tương lai
của mình. Tôi bắt đầu đặt ra mục tiêu, cả tầm nhìn dài hạn
lẫn mục tiêu ngắn hạn. Tôi cũng bắt đầu thói quen dành thời
gian cuối năm để nhìn lại những thành tựu và tiến bộ mình
đạt được. Mục tiêu lớn lao đầy tham vọng đầu tiên của tôi là
được nhận vào một trong những trường Trung học tốt nhất
ở Cộng hòa Séc mặc dù tôi biết rằng cơ hội không hề lớn, vì

70 • UNLOCKED
chỉ tiêu thì có hạn và cạnh tranh thì lại có thừa. May sao, tôi
đạt điểm đầu vào vừa đủ (trường học có 90 chỉ tiêu mỗi năm
và tôi xếp đâu đó ở thứ 73).

Sau khi đậu vào trường, tôi khao khát học tập đến không ngờ,
và tới cuối cấp Ba, tôi là một trong những người đứng đầu
lớp. Lên Đại học, “ngọn lửa” trong tôi vẫn tiếp tục bùng cháy.
Ngoài việc học, tôi còn tham gia nhiều câu lạc bộ và tổ chức
sinh viên cũng như làm nhiều công việc bán thời gian. Tôi còn
tham gia các kỳ thực tập quốc tế, hội thảo và các chương trình
trao đổi sinh viên quốc tế được học bổng hỗ trợ trong suốt
những năm học cử nhân và thạc sĩ của mình.

Niềm khát khao trong tôi thật sự mãnh liệt. Ở trường học,
chúng ta cần vun đắp lòng hiếu kỳ của các em học sinh để
các em xác định rõ ràng khát khao nội tại của bản thân, từ đó
hướng các em lên kế hoạch từng bước đạt được mục tiêu của
mình, cũng như lường trước những đánh đổi cần thiết để đạt
được kết quả mong muốn. Nếu các em tò mò và có động lực
mạnh mẽ, các em sẽ muốn mày mò nghiên cứu mà không cần
ai phải thúc giục.

Hãy tưởng tượng có hai người bạn tên Frank và Dan, khoảng
18 tuổi. Frank xuất thân từ một gia đình khá thuận lợi. Cha
mẹ có nguồn thu nhập đảm bảo, mỗi người lái một chiếc
Mercedes-Benz đi làm. Frank học trường tư và đang dùng
chiếc iPhone đời mới nhất. Cậu không có gì phải vật lộn với

ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO • 71


cuộc sống. Cậu có thể mua những gì mình muốn hoặc cần.
Sau giờ học, cậu tham gia một số câu lạc bộ hoặc về nhà chơi
điện tử. Frank học giỏi ở trường. Cậu rất thông minh và luôn
làm bài tập về nhà.

Còn Dan thì bố mẹ không giàu có lắm. Họ có một chiếc xe hơi


cũ được mua lại từ người chủ trước, và Dan học ở trường rẻ
nhất trong quận. Cha mẹ Dan buôn bán nhỏ, họ có một cửa
hàng bán thịt tại địa phương. Sau giờ học, Dan thỉnh thoảng
phải đến cửa hàng giúp cha mẹ. Ở trường, Dan chỉ là học sinh
trung bình và không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để làm
bài tập về nhà.

Một ngày nọ, cả hai cậu đều có ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh
vực học tập trực tuyến, tuyển dụng giáo viên và kết nối thầy
cô với những học sinh tiềm năng, và thu lợi nhuận trên mỗi
giao dịch. Khác biệt lớn ở đây là nếu Frank muốn mở một
doanh nghiệp thì cha mẹ cậu dễ dàng hỗ trợ tài chính. Ngược
lại, Dan sẽ phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chi tiết để thu
hút nhà đầu tư bỏ tiền ra.

Với Frank, chuyện này khá dễ dàng. Cậu sẽ thử làm và nếu
thất bại thì thiệt hại cũng chẳng phải là chuyện to tát. Còn với
Dan, nếu thất bại thì đó là một cú ngã đau đớn hơn nhiều.
Thất bại có nghĩa là tài chính chao đảo và mất đi tinh thần
gọi vốn trong tương lai. Động lực nội tại, niềm khát khao dự
án thành công ở hai nhân vật này là hoàn toàn khác nhau. Có

72 • UNLOCKED
lẽ Dan có nhiều quyết tâm hơn, sẵn sàng làm mọi thứ trong
khả năng để dự án không bị tắt ngúm trong khi Frank luôn có
thể bắt đầu lại.

Từ đây, chúng ta đã nhìn ra là Dan sẽ có khả năng thành


công cao hơn, mặc dù không có những mối quan hệ ban đầu,
không có nguồn lực tài chính mạnh mẽ nhất hoặc không có
nền tảng giáo dục tốt nhất hay không có trí thông minh để hỗ
trợ. Lòng hiếu kỳ và nỗi khát khao hiểu về thế giới, khám phá
cách con người đạt được mục tiêu là những yếu tố vô hình
nhưng có tính quyết định, giúp phân biệt người thành công
và không thành công.

“Bạn muốn điều đó tới mức nào?” đó là câu hỏi quan trọng.
Nếu ai đó quyết tâm làm điều gì đó và thực sự mong muốn
nó, họ sẽ có thể vượt qua chông gai, nghịch cảnh để đạt được
mục tiêu.

Nếu tìm kiếm cụm từ tính cách dẫn đến thành công trên Internet,
gần như 100% kết quả sẽ cho ra những từ như động lực,
lòng quyết tâm, bản lĩnh, ý chí, sự cam kết, kiên trì hoặc kiên
định (Sykes, 2018). Tất cả những từ này đều gần nghĩa hoặc
là kết quả của lòng khao khát hoàn thành những việc mình
muốn làm.

ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO • 73


TỔNG KẾT CHƯƠNG
Dù ở trường hay ở nhà thì chúng ta cũng nên tạo cơ hội cho
trẻ tiếp xúc với những tình huống mà ở đó các em có thể nuôi
dưỡng lòng hiếu kỳ, từ đó giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và
khát khao nội tại. Đôi khi hãy để trẻ tự giải quyết khó khăn một
chút, để trẻ vấp ngã và tự mình đứng dậy. Như thế còn tốt hơn
là bao bọc trẻ khỏi mọi hiểm nguy, thất bại.

Câu chuyện truyền cảm hứng của Dan Lok về việc vượt qua
khó khăn sau khi cha mẹ ly hôn, câu trích dẫn của Steve Jobs
(người từng được gia đình Jobs nhận nuôi) là những ví dụ rõ
nét cho động lực nội tại, cho nỗi khát khao thay đổi những
hoàn cảnh sống khó khăn đã khơi dậy lòng ham học hỏi, tất cả
có thể thay đổi toàn bộ cuộc đời.

Để khơi mở toàn bộ tiềm năng của mình, mỗi người cần phải
luôn luôn hiếu kỳ, khát khao học tập và làm việc không ngừng
để nâng cao năng lực bản thân và từng ngày tiến bộ hơn trong
lĩnh vực mà mình theo đuổi.

74 • UNLOCKED
CHƯƠNG 5

GIÁO DỤC KỸ NĂNG


BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Con tôi sẽ không trở thành nhân viên kinh doanh, tại sao lại
cần học về bán hàng và tài chính?
2. Tôi nên dạy con những gì để con có nền tảng tài chính cơ bản?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 75


Theo nghiên cứu của nhà xã hội học và sử học Rainer
Zitelmann, nhiều tỷ phú và triệu phú tự thân ngày nay khi còn
trẻ đã từng đảm nhiệm một hoặc nhiều vị trí liên quan đến
bán hàng. Tự bản thân họ thấy đây là yếu tố quan trọng nhất
đối với thành công về mặt tài chính của mình. Không phải
ngẫu nhiên mà những người giàu thường giỏi bán hàng. “Kỹ
năng bán hàng rất có giá trị”, Cheryl Palmer, nhà sáng lập Call
to Career (một công ty tư vấn nghề nghiệp) đã chia sẻ như vậy
(Hill, 2020). Bán hàng và tài chính có liên quan mật thiết với
nhau, đó là lý do tại sao tôi sẽ thảo luận song song về chúng
trong chương này. Tài chính cũng là xương sống của xã hội và
thường xuyên là yếu tố thúc đẩy học sinh lựa chọn con đường
sự nghiệp của mình.

HIỂU BIẾT VỀ TÀI CHÍNH


Trong thời gian tôi học cả cử nhân lẫn thạc sĩ ở trường kinh
doanh, tôi chẳng hiểu chút gì về tài chính cá nhân. Không có
thầy cô nào dạy về việc gia tăng khả năng thu nhập, đa dạng
hóa dòng tiền, cách giảm chi tiêu, phân loại và phân tích thói
quen chi tiêu, hoặc quan trọng hơn nữa là những lựa chọn
để tiết kiệm tiền nhàn rỗi. Chủ đề tài chính cá nhân ít khi
được đề cập và chỉ chiếm có vài khóa nhập môn trong chuyên
ngành kế toán và tài chính doanh nghiệp. Nhưng, định nghĩa
về tài sản từ quan điểm tài chính doanh nghiệp sẽ rất khác với
quan điểm tài chính cá nhân. Hiểu biết về tài chính rất quan

76 • UNLOCKED
trọng trong đời sống, thế nhưng chủ đề này vẫn chưa được
nhà trường quan tâm đúng mức.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển


kinh tế (The Organization for Economic Cooperation and
Development - OECD), ở Peru, nếu mỗi người trẻ đều có
khoản tiết kiệm ban đầu 100 PEN (PEN: đồng tiền của Peru)
thì chỉ có 41% biết cách tăng thêm 2% lãi suất từ số tiền đó.
Thậm chí ở những nước phát triển như Đan Mạch, 73%
người trẻ không biết chút gì hoặc hiểu biết rất hạn chế về lãi
suất (OECD/INFE, 2012).

Ở Hoa Kỳ, Hội đồng Các nhà Giáo dục Tài chính Quốc
gia (National Financial Educators Council - NFEC) đã thực
hiện một khảo sát. Họ đã hỏi hơn 1.000 người trong độ
tuổi từ 18 đến 24 rằng môn học nào trong trường trung học
có ích với họ nhất. Phần lớn trả lời là: “Quản lý tiền bạc”
(NFEC).

Robert Kiyosaki, tác giả của những cuốn sách về tài chính,
trong đó có cuốn Rich Dad Poor Dad (Cha giàu cha nghèo), Rich
Dad’s Cashflow Quadrant (Dạy con làm giàu: Sử dụng đồng vốn để được
thoải mái về tiền bạc) và Rich Dad’s Guide to Investing (Cha giàu dạy
con đầu tư) đã chia sẻ: “Một trong những lý do khiến người
giàu càng giàu hơn, người trung lưu thì xoay xở với những
khoản nợ, người nghèo thì ngày càng nghèo đi là vì môn học

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 77


về tiền bạc được dạy trong gia đình chứ không phải ở trường”
(OECD/INFE, 2012).

Trong những gia đình mà cha mẹ giỏi quản lý tài chính và


dành thời gian để dạy con cái, con họ sẽ hiểu được “tiền hoạt
động thế nào”. Ngược lại, có những gia đình mà cha mẹ không
quen thuộc lắm với chuyện lập kế hoạch tài chính hay các dịch
vụ ngân hàng, con cái họ lại ít được nhà trường chỉ bảo, từ đó
sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong xã hội trên phương diện
phân bổ thu nhập. Theo tổ chức quốc tế Oxfam International,
1% người giàu nhất trên toàn cầu sở hữu 82% lượng tài sản
toàn thế giới tạo ra vào năm 2017 (Oxfam International, 2018).
Có thể thấy một khoảng cách to lớn giữa người giàu và người
nghèo. Tôi tin rằng nếu kiến thức cơ bản về tài chính được
dạy ở cả trường học và gia đình, chúng ta sẽ có thể thu hẹp
khoảng cách này lại.

KỸ NĂNG BÁN HÀNG


Hầu hết những cơ hội tôi được thực hành những kỹ năng bán
hàng như sự thấu hiểu, xử lý lời từ chối và thuyết phục khách
hàng đều đến từ những dự án nhóm ở trường Đại học. Trong
kỳ trao đổi sinh viên của khóa học thạc sĩ, tôi có cơ hội học ở
một trường kinh doanh ở Pháp. Tôi đăng ký khóa Đàm phán
Quốc tế, nội dung về dạy và thực hành các kỹ năng đàm phán.
Trong mỗi bài học, hai sinh viên sẽ ngồi ở giữa lớp học để thỏa

78 • UNLOCKED
thuận với nhau một hợp đồng kinh doanh hoặc một giao dịch
tương tự. Buổi thương thảo này được ghi âm để chúng tôi xem
lại và đưa ra ý kiến của mình. Chủ yếu nhờ thực hành mà tôi
đã phát triển được khả năng đàm phán trên nhiều khía cạnh
từ nội dung, chiến lược đến ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng
ánh mắt. Những phản hồi có tính xây dựng đã giúp chúng tôi
tiến bộ. Tôi ước gì các giảng viên trong môn học khác cũng làm
tương tự, cũng góp ý thêm cho chúng tôi dù là góp ý trực tiếp
hay đánh giá bằng văn bản.

Để trở thành người bán hàng giỏi cần có một bộ kỹ năng


cụ thể. Nếu để tâm và có ý thức luyện tập, chúng ta có thể
rèn luyện những kỹ năng này ngay trong trường học. Ví dụ,
Nadine đang muốn bán một khóa học ngôn ngữ cho khách
hàng tiềm năng là Julie. Ngoài việc nắm rõ thông tin về sản
phẩm/dịch vụ, Nadine còn phải thấu hiểu nhu cầu và nguyện
vọng của Julie. Sau khi giới thiệu sản phẩm cho khách hàng,
Nadine cũng sẽ chuẩn bị sẵn tinh thần bị khách hàng phản
đối và từ chối bằng những câu như: “Tôi sẽ nghĩ về điều này.
Chắc lúc này tôi chưa cần lắm. Với tôi giá này hơi cao. Tôi
không có thời gian để học.” Nadine cần thuyết phục Julie mua
khóa học này ngay tại thời điểm đó, vì cô ấy có thể không còn
cơ hội nào khác nói chuyện với khách hàng này. Về cơ bản,
Nadine cần thấu hiểu lý do phía sau những phản đối của Julie
và hiểu rào cản khiến cô ấy chưa sẵn sàng đăng ký khóa học
này. Nadine có thể phải đưa ra ví dụ thực tế về lớp học hoặc
giảm giá để xoa dịu những nghi ngại, lưỡng lự của Julie.

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 79


Thấu hiểu, xử lý lời từ chối hoặc thuyết phục là những kỹ
năng cần thiết cho dù chúng ta không phải là nhân viên bán
hàng đang nói chuyện với khách hàng. Những kỹ năng này
vẫn được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày khi chúng ta nói
chuyện với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Hãy tưởng tượng bạn đang bàn bạc với một người bạn xem
nên đi chơi ở đâu. Bạn muốn đến quán cà phê còn bạn của
bạn thì muốn đi mua sắm. Thế thì bạn phải bán cho bạn mình
ý tưởng rằng đi cà phê sẽ hay hơn. Bán ở đây có nghĩa là bạn
của bạn vui vẻ đồng ý với bạn. Vậy thì bạn sẽ phải nói : “Đợi
đến đợt giảm giá sắp tới đi, lúc đấy đồ rẻ hơn nhiều. Bây giờ
mình gặp nhau ở quán cà phê trước để lướt qua các cửa hàng
trực tuyến nhé. Mình vừa tìm được một quán mới có món
bánh cà rốt mà cậu yêu thích trong thực đơn tuần này đấy!”

Những người có thể dễ dàng thuyết phục người khác theo cách
nhẹ nhàng hợp lý, bằng lý lẽ có lợi cho người nghe, thường dễ
đạt được mục đích của mình hơn. Do đó, nếu thực sự quan
tâm tới việc giúp học sinh thành công sau khi ra trường, chúng
ta cần chú ý nhiều hơn đến việc đưa các kỹ năng bán hàng vào
chương trình học hoặc có hẳn một khóa để các em thực hành.

Tuy nhiên, việc dạy học hoặc tổ chức các dự án nhóm có thể
vẫn chưa đủ vì học sinh cần trải nghiệm trong đời thực mới
có thể thực sự thành thục những kỹ năng này. Thay vì có một
dự án bán hàng trong khuôn viên trường, chia các em thành

80 • UNLOCKED
các đội và yêu cầu các em bán những sản phẩm tưởng tượng
cho nhau, thầy cô nên giao cho các em một dự án thực sự, bán
một sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự do chính các em lựa chọn
cho khách hàng tiềm năng. Các em có thể dành thời gian trên
lớp để chia sẻ những khó khăn hoặc các mẹo để cải thiện kỹ
năng của mình. Nhà trường có thể là nơi để các em đánh giá
lại những gì đã làm để sau đó áp dụng vào dự án thực.

Theo bài viết của Tiến sĩ Brian Williams về Brevet, một công
ty tư vấn bán hàng, gần 13% công việc ở Mỹ là các vị trí bán
hàng toàn thời gian (Williams). Nghĩa là cứ 8 sinh viên thì có
một bạn sẽ có nhiều khả năng kiếm tiền bằng công việc bán
hàng trong tương lai. Kỹ năng bán hàng hoặc thuyết phục
người khác cũng có ích cho số còn lại vì các em có thể áp dụng
chúng vào đời sống.

Cả ở trường lẫn ở nhà, dường như trẻ chưa thực hành nhiều
kỹ năng thuyết phục. Mỗi khi con định lên tiếng phản đối,
chúng ta lại không cho con nói lý lẽ để thảo luận. Thay vào
đó, người lớn chúng ta ngay lập tức nói rằng các con thật hư
đốn và con nên im lặng nghe theo bố mẹ. Chúng ta hiếm khi
hỏi “Sao con lại nghĩ như vậy?” để con có cơ hội trao đổi với
bố mẹ. Làm thế là đi ngược lại với việc giúp con thành công
trong cuộc sống sau này, do đó cả ở trường lẫn ở nhà chúng ta
cũng cần thay đổi hẳn cách đối xử với con.

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 81


TÍCH HỢP KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH VÀO CHƯƠNG
TRÌNH HỌC
Khả năng đàm phán và chốt đơn dựa trên kiến thức tài chính
là vô cùng cần thiết, nhưng chương trình học phổ thông ở
nhiều quốc gia lại chưa có những môn học này. Sau 12 năm
học phổ thông, nếu học sinh không vào trường kinh doanh thì
các em hiếm khi nào có cơ hội học những kỹ năng quan trọng
này. Bước vào những lĩnh vực chuyên môn mà không có khả
năng bán hàng (thậm chí “bán” sức lao động của mình cho
một nhà tuyển dụng tiềm năng) và thiếu hiểu biết về tài chính
cá nhân, tài chính doanh nghiệp cơ bản chính là thiếu sót lớn
trên con đường thành công của các em. Học sinh phổ thông
có thể hứng thú với việc học bán hàng và tài chính, bởi thế
chúng ta cần biến nó trở nên dễ dàng hơn hoặc tích hợp vào
hệ thống giáo dục phổ thông.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với Martin Mikes, quản lý tài
sản tại một ngân hàng, tôi được biết là để được làm khách
hàng của anh ấy, tôi cần phải có ít nhất 500.000 đô la trong
tài khoản. Khi tôi hỏi những ai có thể có ngần ấy tiền nhàn
rỗi thì câu trả lời là: chủ doanh nghiệp, quản lý cấp cao và
người nổi tiếng.

Tôi hỏi Martin thông qua trao đổi thường xuyên với những
nhóm người trên thì anh thấy họ có chung những kỹ năng
nào. Martin nói: “Tất cả đều giỏi bán hàng, thuyết phục và
đưa ra lý lẽ khiến người khác đồng ý với họ. Họ cũng rất

82 • UNLOCKED
giỏi tính toán. Họ biết cách kiếm tiền, tiêu tiền và đầu tư.
Họ có thể đạt được những thỏa thuận có lợi cho họ và công
ty về mặt tài chính nhờ vào khả năng thuyết phục người
khác của mình.”

Sau cuộc phỏng vấn đó, tôi nhận ra rằng dù học sinh và con
cái chúng ta sau khi ra trường có làm gì đi chăng nữa thì
chúng ta cũng nên cho các con học về tài chính và bán hàng
nhiều nhất có thể. Người ta có bao nhiêu tiền ban đầu không
quan trọng, miễn là họ có đủ thông tin để đưa ra các lựa
chọn sáng suốt.

BÀN VỀ KIẾN THỨC TÀI CHÍNH CĂN BẢN


Tài chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến sinh
viên trở nên căng thẳng khi bước chân vào đời sống trưởng
thành. Chúng ta có thể tránh được những căng thẳng đó bằng
một số kiến thức tài chính căn bản. Do đó, tôi đưa ra một cuộc
thảo luận ngắn dưới đây. Bạn hãy thử tự mình tìm hiểu trước
khi chia sẻ với con cái hoặc học sinh của mình.

Chúng ta nên làm gì khi nhận được tiền lương hàng tháng,
và nên phân bổ ngân sách như thế nào cho các khoản chi
tiêu dùng?

Nói về phân bổ thu nhập, một ngân hàng mà tôi có thời gian
làm việc tại đây gợi ý như sau:

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 83


• 50% chi tiêu bắt buộc (những khoản phải trả hàng
tháng như tiền thuê nhà, mua đồ dùng, nhu yếu phẩm,
chi phí đi lại hoặc phí ngân hàng).
• 15% giải trí (như thể thao, văn hóa, quà tặng, quần áo
hoặc đi ăn hàng).
• 10% tiết kiệm cho những khoản chi tiêu lớn hơn (như
đồ điện tử hoặc đi du lịch).
• 15% để tiết kiệm hoặc đầu tư cho quỹ hưu trí.
• 10% cho quỹ dự phòng, để tiêu dùng khi đột nhiên
thiếu hụt nguồn thu nhập. Lý tưởng ra là quỹ này phải
trang trải được chi phí sinh hoạt cho ba đến sáu tháng
phòng khi mất việc hoặc có một cuộc khủng hoảng
toàn cầu nào đó có thể xảy ra.

Rèn thói quen tiết kiệm từ mọi khoản thu và xây dựng quỹ
khẩn cấp là quan trọng để chuẩn bị ứng phó cho những giai
đoạn khó khăn cũng như giúp chúng ta tránh phải vay mượn
hoặc nợ nần. Khi quỹ khẩn cấp của chúng ta có thể trang trải
cho chi phí sinh hoạt được ba đến sáu tháng, chúng ta hãy tính
đến những cơ hội đầu tư với những khoản tiết kiệm mới.

Khi chúng ta tìm kiếm nơi để đầu tư, tài sản để mua, chúng ta
cần phân biệt hai loại: tài sản sinh ra dòng tiền và không sinh
ra dòng tiền. Tài sản sinh ra dòng tiền là tài sản sinh ra thu
nhập bổ sung cho chúng ta, trong khi tài sản không sinh ra tiền
sẽ không phát sinh thu nhập bổ sung thường xuyên. Những ví
dụ về tài sản sinh ra dòng tiền có thể là một bất động sản hoặc

84 • UNLOCKED
chiếc xe hơi ta cho thuê lấy tiền hàng tháng. Trong khi đó, ví dụ
về tài sản không sinh ra dòng tiền có thể là vàng, đất để đấy hoặc
những món đồ sưu tập như tác phẩm hội hoạ. Chúng ta nắm
giữ những tài sản không sinh ra dòng tiền và chờ cho chúng
tăng giá trị, sau đó bán chúng đi, nhưng chúng không tạo ra thu
nhập hàng tháng nào cho chúng ta.

Người giàu có tập trung vào mua tài sản, những thứ họ sở
hữu hoặc là sinh ra tiền hoặc là tăng giá trị. Trong khi theo
Robert Kiyosaki, tầng lớp trung lưu thì mua tiêu sản, những
thứ họ sở hữu hoặc là giảm giá trị hoặc là cần phải bỏ tiền ra
để bảo dưỡng, duy trì (Kiyosaki, 2000).

Sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản là một chủ đề khác chưa
được giảng dạy một cách thấu đáo, dẫn đến nhiều hiểu lầm,
ngộ nhận. Thậm chí trong các trường kinh doanh, sinh viên
chỉ thảo luận về ý nghĩa của tài sản và tiêu sản từ quan điểm
của doanh nghiệp. Nhưng, trong tài chính cá nhân, chúng có ý
nghĩa khác. Trong công ty, tài sản là mọi thứ công ty sở hữu và
tiêu sản là mọi thứ công ty mắc nợ. Trong tài chính cá nhân,
tài sản chỉ đơn giản là mọi thứ bạn sở hữu khiến bạn giàu có
hơn, trong khi tiêu sản là mọi thứ bạn sở hữu không trực tiếp
khiến bạn giàu có hơn.

Như tôi đã thảo luận ở trên, tài sản có thể là bất động sản hoặc
chiếc xe hơi bạn cho thuê, là vàng, là đất hoặc tác phẩm sưu
tầm. Tiêu sản có thể là đồ đạc bạn có trong nhà hoặc điện thoại

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 85


bạn đang sử dụng, vì những thứ này hầu hết đều giảm giá trị
theo thời gian. Một ngôi nhà hoặc chiếc xe hơi mà bạn đang sử
dụng chứ không cho thuê cũng là một tiêu sản vì nó không trực
tiếp kiếm tiền cho bạn. Thêm nữa, nó cần chi phí bảo trì hàng
tháng, bởi thế sống trong một ngôi nhà đẹp đẽ hoặc lái một
chiếc xe hơi đắt tiền sẽ đòi hỏi bạn phải lấy tiền từ nguồn thu
khác để trang trải những chi phí hàng tháng đó. Tới đây tôi đã
nói về cách tiêu tiền. Về việc chúng ta nên làm gì khi nhận tiền
lương và nên mua gì. Tuy nhiên, kiếm tiền cũng quan trọng
chẳng kém. Có rất nhiều cách kiếm tiền, có rất nhiều kiểu thu
nhập ta có thể tìm hiểu.

Thu nhập chủ động và thu nhập thụ động là một ý quan trọng
khác nữa cần phải hiểu cặn kẽ. Thu nhập chủ động là thu
nhập đòi hỏi bạn phải đổi thời gian để lấy tiền. Bạn được trả
tiền sau khi làm một việc nào đó. Ví dụ như những công việc
toàn thời gian thì bạn nhận lương hàng tháng, công việc bán
hàng thì bạn hưởng hoa hồng sau khi bán được một sản phẩm
hay một dịch vụ, hoặc bạn làm thiết kế đồ họa tự do, bạn
được trả tiền sau khi thiết kế một logo. Hoặc bạn dạy học trực
tuyến. Thường thì, nếu bạn ngừng làm việc, bạn sẽ không có
thu nhập.

Còn với thu nhập thụ động, bạn kiếm tiền từ những nỗ lực
trong quá khứ và bạn thường được trả tiền không chỉ một lần
cho nỗ lực đó. Thậm chí nếu bạn dừng làm việc vài tuần hoặc

86 • UNLOCKED
vài tháng thì bạn vẫn được trả tiền. Tôi đã xác định được sáu
ví dụ về thu nhập thụ động:
1. Thu nhập từ cho thuê – ví dụ bạn cho thuê một căn nhà,
một căn phòng, một chiếc xe hơi, một mảnh đất để làm
nơi đỗ xe...
2. Tiền bản quyền – từ việc viết sách, thiết kế trò chơi board
game, chụp ảnh... Ở đây, bạn làm ra sản phẩm một lần và
bất cứ khi nào có người mua là bạn lại được trả tiền.
3. Tiền từ lợi nhuận – từ việc mở công ty và tự động hóa nó
rồi thu tiền từ lợi nhuận công ty.
4. Thu nhập theo lãi suất – đơn giản là tiết kiệm lấy lãi.
5. Thu nhập từ cổ tức – bằng việc sở hữu cổ phiếu trả cổ tức.
6. Thu nhập từ quảng cáo – như một kênh Youtube cho chạy
quảng cáo và tiếp cận những người đăng ký kênh.

Tất cả chúng ta đều bắt đầu với thu nhập chủ động, nhưng
những người giàu luôn cố gắng tập trung vào việc xây dựng
dòng tiền thu nhập thụ động bằng cách mua những thứ sinh
ra thu nhập bổ sung. Nói cách khác, họ tiêu tiền vào tài sản.

Để bắt đầu có được thu nhập thụ động ngay lúc này, tôi gợi ý
bạn mở một tài khoản đầu tư và mua cổ phiếu trả cổ tức. Bên
cạnh cổ phiếu, hãy thử tìm hiểu tất cả năm kênh mà tôi đã
xác định bên trên để tìm hiểu kênh nào phù hợp với bạn nhất.
Hãy nhớ rằng thu nhập thụ động không phải đến với bạn một
sớm một chiều. Hãy bắt đầu từ hôm nay và hãy kiên nhẫn!

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 87


Hiểu biết cơ bản về các dịch vụ ngân hàng cũng là điều hữu
ích. Ví dụ như cần biết sự khác nhau giữa tài khoản tiền gửi
và tài khoản tiết kiệm, sự khác nhau giữa thẻ ghi nợ và thẻ tín
dụng. Thử mở một tài khoản đầu tư thông qua ngân hàng,
mua chứng khoán, trái phiếu hoặc quỹ tương hỗ. Tìm hiểu
khoản vay thế chấp và những khoản vay khác. Nhân viên
ngân hàng thường tư vấn miễn phí về tất cả các dịch vụ này,
bởi thế tôi khuyên bạn dành một chút thời gian để đọc và hỏi
họ về một số sản phẩm dịch vụ đã nêu trên.

Để bổ sung thêm kiến thức tài chính, tôi gợi ý bạn nên đọc
những cuốn sách sau:
• Rich Dad Poor Dad (Cha giàu cha nghèo), Cashflow Quadrant
(Dạy con làm giàu: Sử dụng đồng vốn để được thoải mái về tiền
bạc), và Rich Dad’s Guide to Investing (Dạy con làm giàu: Hướng
dẫn đầu tư). Tất cả đều là của Robert Kiyosaki. Ông cũng
tạo ra một trò chơi board game, gọi là Cashflow (Dòng tiền).
Bạn có thể chơi trò này với gia đình và con cái để dạy về
quản lý tài chính cá nhân theo kiểu vừa chơi vừa học.
• Think and Grow Rich (Nghĩ giàu làm giàu) của Napoleon Hill
viết từ năm 1937 là một trong những cuốn sách kinh điển
về tài chính cá nhân.
• Cuối cùng là một cuốn sách xưa cũ hơn tên là The Richest
Man in Babylon (Người giàu có nhất thành Babylon) của G.S.
Clason xuất bản năm 1926.

88 • UNLOCKED
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Nếu chúng ta có thể dạy cả kỹ năng bán hàng và kiến thức tài
chính cơ bản ở trường phổ thông và ở nhà cho tất cả trẻ em
thì chúng ta đã chuẩn bị cho các con một nền tảng vững chắc
để thành công khi các con bước vào đời và sống tự lập. Hai
kỹ năng cụ thể này sẽ đồng hành với mọi người trong suốt
phần đời còn lại.

Trước khi chúng ta giúp mọi trẻ mở khóa tiềm năng của bản
thân, việc chuẩn bị kiến thức tài chính cơ bản và kỹ năng bán
hàng đều sẽ tạo nền tảng vững chắc để từ đó con có thể tập
trung vào sở thích và sở trường của mình.

GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH • 89


02

PHƯƠNG PHÁP
HỌC
CHƯƠNG 6

THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM


HỌC TẬP TỐT HƠN
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta đang có vấn đề gì?
2. Như thế nào là trải nghiệm học tập lý tưởng cho trẻ?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TỐT HƠN • 93


NHỮNG ĐIỂM CẦN GIẢI QUYẾT
Một việc vô cùng quan trọng là chúng ta cần nhắc đến và phân
loại những thử thách, trở ngại cụ thể mà ngành này đang phải
đối mặt.

Theo trường NEXT, có sáu vấn đề cơ bản đối với hệ thống


giáo dục của chúng ta:

NHỮNG “CHÚ GÀ CÔNG NGHIỆP”


Cả ngày, học sinh ngồi trong lớp và làm theo hướng dẫn. Giáo
viên yêu cầu học sinh phải trật tự, ngồi ngay ngắn, mở sách ra
và làm một việc gì đó trong một khoảng thời gian cho trước.
Học sinh giỏi nhất là học sinh ngoan ngoãn nghe theo lời thầy
cô. Điều này phù hợp hoàn hảo với một thời đại công nghiệp,
nơi mà hầu hết mọi người đều làm việc trong các công xưởng,
nhà máy và mọi thứ cần phải thật chính xác. Tuy nhiên, trong
thế giới ngày nay, con cái chúng ta không thể chỉ làm theo lời
chỉ bảo, hướng dẫn mà phát triển được. Trở thành một thành
viên chủ động trong tập thể và biết vận dụng tư duy sáng tạo
đã trở nên cần thiết hơn (NEXT School, 2016).

THIẾU TỰ CHỦ
Học sinh không thể tự lên thời khóa biểu và tự đưa ra quyết
định làm gì và làm khi nào. Do đó, hầu hết các em thấy chán nản
và thiếu động lực mỗi khi đến trường vì các em không có quyền
kiểm soát đối với việc học của mình (NEXT School, 2016).

94 • UNLOCKED
HỌC “VẸT”
Hệ thống hiện tại được tạo ra để cứ trong khoảng 45 phút,
chúng ta lại đưa một lượng kiến thức tương đương nhau
vào đầu óc các em. Rồi chúng ta mong các em sẽ nhớ càng
nhiều dữ kiện càng tốt, và chúng ta kiểm tra các em bằng các
bài thi. Học như thế không phải là học thực, vì như thế chỉ
cần thi xong một ngày là các em đã quên hết nội dung. Việc
ghi nhớ và lưu trữ kiến thức là trọng tâm trong trải nghiệm
học tập ngày nay, vì điểm số là tiêu chí chính được sử dụng
để đánh giá một học sinh. Điều này tạo ra áp lực thiếu lành
mạnh lên các em, khuyến khích các em gian lận để qua môn
thay vì nâng cao hiểu biết của mình (NEXT School, 2016).

KHÔNG CÓ CƠ HỘI CHO ĐAM MÊ VÀ SỞ THÍCH


Trên toàn cầu, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay đang
được chuẩn hóa quá cao. Mỗi cá nhân cùng học một thứ, theo
cùng một cách bất kể niềm đam mê và sở thích của người đó
ra sao. Kết quả là một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học có thể
không biết mình giỏi cái gì, sở trường, thế mạnh của mình là
gì và mình thích làm gì. Nếu chúng ta hỏi một đứa trẻ bảy
tuổi, có thể các em nói được cho chúng ta biết các em muốn gì
còn hơn một sinh viên tốt nghiệp Đại học vì hệ thống giáo dục
của chúng ta đã khiến học sinh mai một đam mê thay vì khám
phá chúng (NEXT School, 2016).

THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TỐT HƠN • 95


NHỮNG KHÁC BIỆT TRONG CÁCH HỌC
Thời lượng học cần thiết của mỗi người mỗi khác. Thời gian
cần thiết để làm một hoạt động nào đó cũng rất khác nhau tùy
vào từng hoạt động và môn học. Tuy nhiên, ở trường học, ai
cũng được giao cho một lượng thời gian như nhau để học một
chủ đề cụ thể. Một nhóm có thể thích học thông qua sách vở
và các văn bản, tài liệu, trong khi nhóm khác có thể thích học
thông qua các đoạn video và hình ảnh. Một em có thể hiểu bài
hơn nếu được thảo luận với các bạn. Em khác lại hiểu rõ và
nhanh hơn nếu được thực hành. Giáo án cá nhân hóa để tất
cả học sinh có thể học những điều như nhau theo những cách
khác nhau và trong khoảng thời gian khác nhau dường như
quá xa vời và không thể đáp ứng (NEXT School, 2016).

CÁCH GIẢNG DẠY


Trẻ em được nghe thầy cô giảng bài hơn năm tiếng mỗi ngày
trong một không gian mà 30 đứa trẻ phải giữ trật tự lắng nghe
bài giảng mà không có sự tương tác nào. Giáo viên là trung
tâm của quá trình giảng dạy; do đó, dù giáo viên có làm gì thì
trong một hình thức học tập thể như hiện nay, thế nào cũng có
em thấy chán vì các em đã biết kiến thức rồi, hoặc không hiểu
gì hết vì bị tụt hậu. Vì lo rằng không thể kiểm soát được, nhà
trường cấm học sinh sử dụng thiết bị cầm tay trong lớp học để
tiếp cận kiến thức có sẵn. Nền giáo dục của chúng ta vẫn được
thiết kế theo kiểu giáo viên là nguồn thông tin duy nhất trong
lớp học. Với cách tiếp cận này, chúng ta chỉ đang lãng phí thời
giờ vàng ngọc của học sinh (NEXT School, 2016).

96 • UNLOCKED
TẠI SAO CHÚNG TA CẦN GIẢI QUYẾT SÁU VẤN ĐỀ NÀY?
Chúng ta phải hiểu rằng trẻ em ngày này sẽ bước vào lực
lượng lao động trong khoảng những năm 2045-2050. Khi đó
máy tính đã vượt xa con người về khả năng ghi nhớ hoặc tính
toán. Nếu chúng ta để con cái mình cạnh tranh với máy tính
xem “ai là người làm theo hướng dẫn tốt hơn” thì chắc chắn
con người sẽ thua đậm.

Vì chúng ta lường trước là đến năm 2050 có hơn chín tỷ người


trên hành tinh này và vì sự dịch chuyển lao động đang trở nên
dễ dàng hơn, nên con cái chúng ta sẽ không chỉ tìm những công
việc gần nhà (UN DESA, 2019). Các con sẽ phải chuẩn bị sẵn
sàng cho những công việc có sự cạnh tranh quốc tế. Vì thế, việc
bồi dưỡng bản sắc cá nhân, tìm cách thích nghi với thế giới
và tạo ra tầm ảnh hưởng tới người khác là điều vô cùng quan
trọng đối với thành công của trẻ.

Với tình trạng ngày càng có nhiều công việc được tự động
hóa vào năm 2050, chúng ta cần tự hỏi liệu mình đã chuẩn bị
tốt cho con trước một tương lai như thế đang gõ cửa? Những
kỹ năng mà các con đang học ở trường có giúp ích gì để con
sẵn sàng bước vào đời?

GIÁO DỤC Ở NHỮNG QUỐC GIA TÔI TỪNG SỐNG


Tôi lớn lên ở Cộng hòa Séc, một đất nước nằm ở trái tim của
châu Âu với khoảng 10 triệu dân. Cộng hòa Séc được bao

THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TỐT HƠN • 97


quanh bởi các quốc gia khác, không có biển. Thủ đô Prague
vẫn có nhiều đường phố được lát đá. Di tích lịch sử và văn
hóa ở đây vô cùng phong phú. Nhiều tòa nhà và cây cầu hiện
nay đã được dựng từ thế kỷ 14 hoặc trước đó. Tôi cảm thấy
mình thật may mắn khi được lớn lên ở đây. Tôi có cơ hội trải
nghiệm hệ thống giáo dục nơi đây. Theo đó, giáo dục bắt buộc
không được thiết kế là 12 lớp học phổ thông mà chỉ có 10 lớp.
Tuy nhiên, để vào Đại học, học sinh phải học thêm một cấp
học nữa sau cấp Hai.

Có ba lựa chọn cho trường sau cấp Hai này. Đầu tiên là
gymnasium và lựa chọn thứ hai là trường kỹ thuật/chuyên nghiệp.
Một trường gymnasium có thể tương đương với trường cấp Ba
ở Mỹ, chương trình chung bao gồm nhiều môn học hình thành
từ những môn ở cấp Hai. Ngược lại, trường kỹ thuật/chuyên
nghiệp đào tạo một lĩnh vực cụ thể, như là khách sạn hoặc kỹ
sư. Trường dạy nghề là kiểu trường thứ ba, mà sau khi học
xong, các em có thể đi làm ngay (NCEE, 2006).

Cái lợi của hệ thống này đã quá rõ ràng, vì sau 10 năm học
tập bắt buộc, đến năm 15 tuổi, mỗi học sinh có ba lựa chọn.
Những ai không muốn học nữa và muốn làm việc càng sớm
càng tốt thì có thể vào trường dạy nghề rồi đi làm trong độ
tuổi 17, 18 tuổi. Những ai chưa biết trong tương lai mình có
muốn vào Đại học hay không có thể học một chuyên ngành
ở trường kỹ thuật/chuyên nghiệp, sau đó nộp đơn vào Đại
học. Nhóm thứ ba theo học trường gymnasium sẽ học để chuẩn

98 • UNLOCKED
bị cho trường Đại học hoặc cao đẳng. Thời gian học trong
trường này là bốn năm.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu người ta được trao cho quá
nhiều lựa chọn họ sẽ bị rối – không thể đưa ra quyết định
(Krockow, 2018). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm và quan sát
của tôi thì ba lựa chọn này là con số tối ưu. Học sinh có đủ
chứ không quá nhiều lựa chọn đến mức choáng ngợp. Hơn
nữa, ba lựa chọn này lại hoàn toàn khác nhau, bởi thế học
sinh thường không gặp bối rối trong việc chọn hướng đi cho
tương lai của mình.

Hệ thống giáo dục như của Cộng hòa Séc, có thể cung cấp đa
dạng nhiều loại hình lao động cho xã hội, nơi không phải nghề
nào cũng cần giáo dục Đại học hoặc hoàn thành 12 năm phổ
thông trước khi chuyên về một lĩnh vực nào đó.

Tuy nhiên, Séc không phải là quốc gia duy nhất đưa các lựa
chọn vào trong hệ thống giáo dục của mình. Pháp cũng có
lối tiếp cận tương tự. Một trong những khác biệt chính là
trường cấp Ba của Pháp được gọi là lycée, hay trường kỹ
thuật/chuyên nghiệp được gọi là lycée professionnel, kéo dài chỉ
ba năm (ONISEP – Trung tâm thông tin đào tạo và hướng
nghiệp của Pháp, 2021).

Nhìn vào các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc hoặc
Việt Nam (cả hai nước tôi đều đã từng sống và làm việc), hệ

THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TỐT HƠN • 99


thống này ở một mức nào đó tương tự với những hệ thống
ở Liên minh châu Âu. Hết lớp chín, học sinh có thể hoặc tiếp
tục học cấp Ba, hoặc đi học nghề (cả Trung Quốc và Việt Nam
học sinh đều có thể chọn trường nghề sau khi học xong lớp
năm) (Stephens, Warren và Harner, 2015). Tuy nhiên, ở Việt
Nam, nếu học sinh muốn học trường kỹ thuật/chuyên nghiệp
sau cấp Hai, thì các em vẫn phải hoàn thành lớp 12, tương tự
như hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ, trọng tâm ưu
tiên là hầu hết mọi học sinh đều hoàn thành 12 năm phổ thông
(Trines, 2017).

Sau khi sống, quan sát và nói chuyện với các học sinh ở Việt
Nam kể từ năm 2018, tôi nhận ra cũng vì áp lực xã hội, hầu
hết cha mẹ và học sinh đều xem việc học hết lớp 12 là một
việc phải làm. Chỉ học hết lớp chín được xem là một thất bại
và gần như không được xã hội chấp nhận, cho dù người đó
có muốn làm những công việc không đòi hỏi bằng Đại học
hoặc bằng tốt nghiệp cấp Ba. Quan điểm này có thể thay đổi
khi cha mẹ nhận ra rằng con cái họ không giỏi trong một việc.
Nhưng nếu học sinh được cha mẹ hỗ trợ, nếu con được bồi
dưỡng thế mạnh và sở thích của mình thì con sẽ phát triển,
phát huy được tiềm năng nhanh hơn là đợi đến lúc học xong
cấp Ba hoặc có một tấm bằng Đại học.

LỘ TRÌNH LÝ TƯỞNG
Tôi sẽ nói đến lộ trình bắt đầu từ lúc lên ba cho đến năm
15 tuổi.

100 • UNLOCKED
Trước năm lớp sáu, giáo viên và các nhà quản lý tập hợp
thông tin về sở thích và thế mạnh tiềm năng của học sinh vào
một hồ sơ, để sau này cung cấp cho những “nhà tư vấn” ở
cấp Hai và người hướng dẫn thực tập của các em. Đây là khi
công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Công nghệ có thể hỗ
trợ cha mẹ và những người làm giáo dục hiểu cách thức học
tập của học sinh. Công nghệ có thể theo dõi mức độ tham gia
của trẻ trong các hoạt động khác nhau. Nó có thể đo tốc độ
hoặc tỷ lệ trả lời đúng của học sinh. Từ những số liệu này,
chúng ta có thể nhận thấy năng lực của học sinh qua bài tập
đó. Nếu chúng ta có thể quan sát sự phát triển của trẻ như thế
từ lúc ba tuổi đến tận năm 11 tuổi, thì đó có thể là chín năm
với đầy đủ số liệu thống kê. Sau đó, chúng ta có thể đưa ra
những kết luận sáng suốt, và rồi thiết kế trải nghiệm học tập
cho phù hợp với thiên hướng của trẻ.

Trường Trung học Cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc
hướng dẫn và giúp học sinh tìm ra lĩnh vực mình muốn trở
nên xuất sắc trong tương lai. Học sinh cấp Hai nên được đi
thực tập ngay trong các công ty và cơ quan, bắt chước và học
hỏi trong đời sống thực từ những người làm chuyên môn,
những người sẽ hướng dẫn cho các em. Chương trình học
cấp Hai nên dành thời gian để các em nghiên cứu, tự học và
thực hiện những dự án theo sở thích của mình.

Tôi tin rằng với trải nghiệm học tập lý tưởng, bất cứ ai học
xong lớp chín đều đã xác định rõ lĩnh vực yêu thích của mình,

THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TỐT HƠN • 101


thế mạnh của mình và có một hồ sơ năng lực trong một lĩnh
vực cụ thể nào đó. Tức là đến năm 15 tuổi, học sinh đã có thể
đưa ra một hồ sơ những sản phẩm mình tạo ra trong lĩnh vực
mà mình yêu thích.

TỔNG KẾT CHƯƠNG


Giáo dục là đóng vai trò quan trọng đối với thành công của
mỗi người trong cuộc sống, và đó là lý do tại sao chúng ta cần
thiết kế những “trải nghiệm học tập lý tưởng” phù hợp với
những phong cách học tập khác nhau của học sinh. Từ hệ
thống giáo dục của Cộng hòa Séc và những nước khác được
đề cập tới ở chương này, bài học rút ra ở đây là hãy trao cho
học sinh quyền lựa chọn.

Để giúp mỗi học sinh phát huy tối đa tiềm năng của mình,
chúng ta cần giải quyết sáu vấn đề của hệ thống giáo dục hiện
tại, như đã được trường NEXT chỉ ra. Cả ngày làm theo chỉ
dạy, học thuộc kiến thức hoặc nghe giảng – tất cả những điều
này khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi và chán học. Thay vào
đó, chúng ta cần để các em hợp tác với nhau, tự tìm kiếm dữ
kiện và trình bày hiểu biết của các em.

Hãy giúp học sinh có được niềm vui học tập.

102 • UNLOCKED
CHƯƠNG 7

TÔN TRỌNG
NHỮNG KHÁC BIỆT
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Tại sao cùng được lớn lên trong một gia đình mà trẻ vẫn
khác nhau?
2. Có bao nhiêu phong cách học tập?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 103


Giả sử có một học sinh cấp Hai tên là Mark, học không khá
lắm môn sinh học. Kết quả là cậu bị điểm thấp và thiếu tự tin.
Nhưng nếu đưa cậu ra khỏi lớp học, hòa vào môi trường tự
nhiên thì Mark sẽ hiểu ngay được cuộc sống của động thực vật
và làm bài kiểm tra rất tốt.

Chắc chắn là có nhiều cách học tập khác nhau và cho dù giáo
viên chỉ có tám học sinh trong lớp, giáo án được thiết kế tuyệt
vời với rất nhiều hoạt động hoặc theo mô hình tương tác
chăng nữa thì thể nào cũng có một học sinh bị tụt lại và một
học sinh tiến bộ vượt bậc trong một hoạt động cụ thể. Với
cùng một hoạt động nhưng mỗi em lại có mức độ phản hồi
khác nhau. Một số học nhanh hơn thông qua xem video. Một
số học nhanh hơn thông qua việc đọc hoặc thảo luận theo cặp
với bạn. Nếu giáo viên biết hầu hết các em đều thích học qua
video thì giáo viên đó có thể chuẩn bị nhiều video hơn. Nếu
giáo viên biết các em hợp với việc đọc tài liệu thì có thể đưa
nhiều bài đọc vào giáo án dạy.

Vấn đề là giáo viên chỉ có thể quan sát các em trên lớp để xác
định khả năng học tập của các em. Một giáo viên có thể dạy
hơn 100 em một tuần. Không dễ gì mà nhớ được phong cách
tiếp thu kiến thức ưa thích của tất cả.

Cá nhân tôi, dù lớp học chỉ có 12 em thôi, tôi cũng khó mà


nhớ nổi phong cách học của mỗi em vì không có cách nào để
dễ dàng ghi lại tương tác của mỗi em với mỗi hoạt động. Mặc

104 • UNLOCKED
dù mỗi tuần tôi chỉ dạy khoảng 10 lớp, nhưng như thế đã là
120 em rồi. Để giải quyết vấn đề, tôi đã tạo ra một danh sách
trong Excel để ghi lại mức độ hưởng ứng với các hoạt động
của các em. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian, bởi
thế tôi đã không dùng nữa.

Vì một giáo viên chỉ có thể chuẩn bị một giáo án cho một lớp
học nên thật khó có thể thỏa mãn được mọi học sinh (chưa nói
một số nơi còn yêu cầu giáo viên dạy một giáo án chuẩn hóa,
tức là lớp nào cũng dạy giống nhau, cũng có các hoạt động
như nhau). Ở những trường yêu cầu làm giáo án riêng, giáo
viên có thể đưa vào các hoạt động khác nhau để đảm bảo mỗi
học sinh hưởng ứng với ít nhất một cách dạy học nào đó. Thế
nhưng việc này cũng còn xa mới được xem là hiệu quả.

Giả sử thầy Scott có một lớp học khoảng 25 học sinh. Thầy
chuẩn bị một giáo án để dạy về tế bào gốc. Với sự nhiệt tâm
của mình, thầy đưa ra các video tương tác, sau đó để các em
thảo luận. Một số học sinh trong lớp như Saskia tiếp thu được
tốt nhất nếu xem một đoạn video ngắn về tế bào gốc. Trong khi
số khác như Domcia không tiếp thu tốt lắm bằng việc nghe mà
sẽ hiểu bài hơn khi đọc một bài báo ngắn. Rồi đến Fei, em hào
hứng với tế bào gốc hơn nếu được làm thí nghiệm. Nếu thầy
Scott chỉ có ba học sinh nữ này trong lớp thì việc nhớ mỗi em
một phong cách học sẽ đơn giản hơn nhiều. Thế nhưng, thầy
Scott có những 25 học sinh, và thật khó cho thầy để biết rõ em
nào hào hứng với kiểu hoạt động nào. Và còn khó hơn nữa

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 105


khi thầy phải dạy sao cho tất cả học sinh, trong đó có cả Saskia,
Domcia và Fei, đều tiếp thu bài tốt nhất.

Vậy, giải pháp ở đây là gì? Có một vài phương án như:


• Lớp học một thầy một trò
• Mỗi học sinh một giáo án
• Sử dụng công nghệ để ghi lại mức độ tham gia của học
sinh với các hoạt động khác nhau

Lựa chọn đầu tiên có vẻ rất tốn kém và nhà trường có lẽ


không có đủ giáo viên để tổ chức học riêng như vậy cho mọi
học sinh. Lựa chọn thứ hai không thực tế, vì chuẩn bị giáo
án tốn rất nhiều thời gian. Do đó, giải pháp tối ưu là sử dụng
công nghệ để hiểu rõ hơn mỗi học sinh, thu thập thông tin về
phản hồi của mỗi em với mỗi hoạt động, và rồi giáo viên có
thể sử dụng dữ liệu đó lên kế hoạch giảng dạy. Nếu khả quan
hơn nữa, công nghệ có thể giúp giáo viên tự động soạn giáo
án riêng, phù hợp cho từng học sinh. Nhờ đó, chúng ta vẫn
có thể dạy theo mô hình một thầy một trò cho nhiều học sinh
cùng lúc.

Kiểu công nghệ này thường được gọi là AI (trí tuệ nhân tạo).
Nó thu thập số liệu và dữ liệu để phân tích hành vi của chúng
ta. Công nghệ này đã được sử dụng trên mạng Internet để
marketing và bán hàng hiệu quả hơn. Tôi chắc chắn là chúng
ta ai cũng từng nhận ra sau khi tìm kiếm một cái gì đó trên
Google, sản phẩm ấy lại xuất hiện liên tục trên các trang mạng

106 • UNLOCKED
xã hội hoặc trong các quảng cáo trên các trình duyệt của mình.
Nếu không thu thập dữ liệu về những gì ta hứng thú và quan
tâm thì mạng xã hội sẽ đưa ra những bài đăng không liên
quan từ những người không can hệ, và gợi ý những sự kiện
và trang không liên quan. Nếu nội dung trên Facebook không
dính dáng gì đến sở thích và mối quan tâm của bạn, bạn vẫn
sử dụng mạng xã hội này chứ?

Giáo dục hiện nay cũng vậy, cũng không liên quan gì đến nhu
cầu của học sinh. Chúng ta không thu thập dữ liệu về học
sinh và do đó, giáo viên không biết gì về sở thích và mối quan
tâm của các em. Giáo án của chúng ta do đó thường không
liên quan gì đến nhu cầu và mong muốn của các em. Không
được trao cho công cụ cần thiết để thành công trong học tập,
bởi thế không có gì ngạc nhiên khi mà nhiều học sinh không
thích đi học.

Không có thông tin về phong cách học phù hợp với học sinh,
các nhà giáo dục sẽ khó có thể giúp các em làm chủ một lĩnh
vực nào đó. Nhờ biết được khuynh hướng của các em, giáo
viên có thể đưa ra những video phù hợp, những bài tập và các
công cụ học tập khác. Khả quan hơn nữa là AI có thể tự động
kết hợp các công cụ và những tài liệu học tập thích hợp cho
mỗi em. Do đó, chúng ta nên học tập cách tận dụng AI trong
thương mại để áp dụng trong giáo dục.

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 107


CÁC KIỂU TRÍ THÔNG MINH VÀ PHONG CÁCH HỌC TẬP
Mặc dù công nghệ AI đã có sẵn, chúng ta vẫn cần điều chỉnh
và ứng dụng nó trong giáo dục. Vậy các tổ chức giáo dục hiện
chưa có điều kiện tiếp cận với AI hay công nghệ tương tự để
hiểu thêm phong cách học tập của các em và soạn giáo án cho
phù hợp với khuynh hướng của mỗi học sinh thì có thể làm
gì vào lúc này?

Bước đầu tiên là nhận ra rằng có rất nhiều kiểu học tập khác
nhau. Tiến sĩ Howard Gardner, một nhà tâm lý người Mỹ và
là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, đã xác
định có chín kiểu trí thông minh (Vital, 2014). Theo từ điển
Cambridge, trí thông minh là khả năng học, hiểu và đưa ra
đánh giá hoặc ý kiến dựa trên lập luận, chứng cứ (Cambridge
Dictionary). Trí thông minh không phải là phong cách học
tập. Tuy nhiên, dựa trên các kiểu trí thông minh, chúng ta
có thể đơn giản hóa và chia người học thành chín nhóm sau
(Vital, 2014):

1. Người thiên về toán học hoặc “logic” thích các con số, số
liệu, thích giải quyết vấn đề hoặc lý luận. Người học này
thích những bài học liên quan đến thông tin số liệu thú vị.

Nhà tâm lý và cũng là nhà tư vấn giáo dục, Ann Logsdon,


đã nói rằng: “Khi tham gia một dự án nhóm, người học
thiên về toán học và logic có thể muốn đóng góp bằng cách
đưa ra các chương trình, danh sách, lập ra các mục tiêu

108 • UNLOCKED
theo số liệu rõ ràng, phân loại ý tưởng, thiết lập các bước
thực hiện cụ thể trong bản kế hoạch, theo dõi tiến độ của
cả nhóm và xây dựng báo cáo dữ liệu” (Logsdon, 2020).

2. Người thiên về “lời nói” hoặc ngôn ngữ học tập hiệu quả
nhất thông qua từ ngữ như đọc hoặc viết. Người này rất
giỏi đọc hiểu và viết lách.

“Người thiên về lời nói và ngôn ngữ thường thích các dự


án viết lách, các buổi thuyết trình, lớp kịch nghệ, hùng
biện, các lớp ngôn ngữ và báo chí”, Ann Logsdon nói thêm
(Logsdon, 2020).

3. Người thiên về “không gian” hay thị giác tiếp nhận thông
tin thông qua hình ảnh hoặc sơ đồ. Các mô hình không
gian ba chiều sẽ khiến họ ngạc nhiên và thích thú.

Theo như Madilyn Smith viết trong một bài báo của Mind-
valley, phụ huynh hoặc giáo viên chúng ta có thể nhận ra
em nào có thiên hướng về không gian, có cảm giác phương
hướng tốt thì rất giỏi dùng bản đồ và hiếm khi bị lạc. Học
sinh đó cũng giỏi về màu sắc và hội họa (Smith, 2020).

4. Người có khiếu “âm nhạc” có thể hiểu rõ hơn qua các âm


thanh và bài hát. Lắng nghe là một lợi thế lớn của người
này và những hoạt động liên quan đến các đoạn ghi âm có
thể hữu ích cho việc học tập rất nhiều.

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 109


Theo Madilyn Smith: “Người có khiếu về âm thanh thường
nhớ những gì giáo viên nói và hào hứng tham gia lớp học.
Các em thích học khi có âm thanh nền. Những em này có
kỹ năng trong việc báo cáo, thuyết trình và thường ứng
dụng vần điệu vào việc ghi nhớ” (Smith, 2020).

5. Người thiên về “vận động” hoặc thể chất thích học thông
qua hành vi sờ chạm và di chuyển. Nắm một vật có thực,
thực hành trong phòng thí nghiệm, tất cả những hoạt
động như thế sẽ cuốn hút các em có khuynh hướng này
vào bài học.

Cô Smith còn nói thêm rằng: “Những người thiên về vận


động có trí nhớ rất tốt (chỉ cần hướng dẫn một lần là làm
được). Các em không tiếp thu chừng nào chưa được tận
tay làm việc đó. Các em thích tham gia đóng vai để thu
nhận thông tin mới” (Smith, 2020).

6. Người thiên về giao tiếp, kết nối sẽ học thông qua các cuộc
đối thoại và trao đổi. Làm việc một mình là một áp lực và
không hiệu quả đối với các em. Trong khi đó các em có
thể hiểu bài hơn nhiều nếu được thảo luận với các bạn
trong lớp.

Là một giáo viên cấp Hai, Melissa Kelly gợi ý: “Giáo viên
có thể giúp học sinh phát huy trí thông minh liên quan đến

110 • UNLOCKED
giao tiếp, kết nối bằng một số hoạt động cụ thể, ví dụ như
tổ chức dự án nhóm, thực hiện các cuộc phỏng vấn học
đường hoặc tổ chức khảo sát và lấy ý kiến” (Kelly, 2019).

7. Người “hướng nội” và thích độc lập làm việc tốt hơn khi
được làm một mình trong dự án cá nhân ở không gian
yên tĩnh. Nếu được làm việc một mình mà không bị người
khác gây xao lãng thì các em sẽ học tập tốt hơn.

Rasool Somji, chuyên viên nghiên cứu tâm lý thực nghiệm


ở trường Đại học Oxford, đã chia sẻ rằng: “Một số chiến
lược để dạy cho người học này là đặt câu hỏi, để bạn biết
các em đang nghĩ gì và cảm thấy gì hoặc giải thích tại sao
tài liệu bài học lại quan trọng vì người học độc lập thường
quan tâm đến kết quả” (Somji, 2018).

8. Người học “tự nhiên” thì tiếp thu tốt hơn khi ở ngoài lớp
học, khi ở trong tự nhiên (hoặc nếu phải ở trong lớp học thì
môi trường cũng cần tương đương với môi trường tự nhiên).

Thầy Somji giải thích: “Người học ‘tự nhiên’ xử lý thông


tin bằng cách làm việc và trải nghiệm trong tự nhiên. Các
em học cách tìm ra các khuôn mẫu trong tự nhiên và sử
dụng logic khoa học để hiểu.” Thầy cũng nói thêm là để
học sinh hiểu bài tốt hơn, giáo viên có thể đưa thêm nhiều
thí nghiệm, thực nghiệm vào bài học (Somji, 2018).

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 111


9. Người học kiểu “hiện sinh” thì tiếp thu tốt nhất khi có thời
gian suy tư hoặc nói về những vấn đề mang tính triết học
nhiều hơn thông qua những cuộc chuyện trò sâu sắc.

Melissa Kelly nói rằng những người có kiểu học này có thể
nhìn ra bức tranh toàn cảnh. Họ thường thích đặt câu hỏi
về cuộc sống, cái chết và nhiều thứ khác nữa (Kelly, 2019).

Mỗi người là tổng hòa của những phong cách học tập khác
nhau. Và phong cách học tập phần nhiều thay đổi đa dạng.
Không ai chỉ học theo mỗi một phong cách.

Giáo viên có thể theo dõi mức độ tham gia nhiệt tình của học
sinh đối với các hoạt động để hiểu rõ hơn phong cách học tập
của các em và dần phát hiện mỗi em phù hợp với phong cách
nào trong số chín phong cách trên.

Theo dõi và thu thập dữ liệu về học sinh như các em thích học
phần nào – bài tập sáng tạo, thực hành hoặc tiếp thu kiến thức
đơn thuần, cũng như thời gian các em cần để hoàn thành một
hoạt động cụ thể nào đó là việc rất hữu ích. Nhờ đó, chúng
ta có cái nhìn toàn diện về việc học của các em, trong đó có
những phương diện làm thế nào, khi nào và bao lâu để tối ưu hóa
trải nghiệm học tập, từ đó dẫn đến kết quả tốt nhất.

Quan sát các tương tác của học sinh trong một nhóm cũng
là cách làm thực tế. Một số học sinh học tập rất tốt khi làm

112 • UNLOCKED
việc cùng với một kiểu người cụ thể nào đó hoặc trong một
nhóm cân bằng. Khi nhắc đến việc học theo nhóm, chúng
ta không thể bỏ qua chuyện các em thích học với ai. Những
mối tương tác trong nhóm là rất quan trọng. Nếu hợp với
những người trong nhóm thì chúng ta sẽ làm việc tốt hơn
so với khi làm việc với những người không có tinh thần hợp
tác với mình.

Nếu trường học có nhiều máy tính bảng, giáo viên có thể
dùng ứng dụng để đánh giá phản ứng của học sinh với nhiều
hoạt động khác nhau và dần dần xây dựng hồ sơ của học sinh
đó bằng những dữ liệu thu thập được. Trong các lớp học có
trợ giảng, họ có thể thực hiện một phần việc quan sát và theo
dõi này. Dù là ở đâu, học sinh cũng được quyền đưa ra đánh
giá của bản thân với các hoạt động khác nhau. Dần dần theo
thời gian, những thông tin này sẽ tập hợp lại và đem đến
phản hồi giá trị cho giáo án của giáo viên.

Vì là người quyết định nên giáo viên có thể chọn hoạt động
nào cân bằng ý thích của các học sinh trong toàn nhóm.

Gần đây, tôi có cuộc trò chuyện với cô Minh, cô có hai con
gái sinh đôi 10 tuổi. Cô đang tìm gia sư toán cho con mình
và được giới thiệu đến một người rất có uy tín. Cô thuê gia
sư đó cho cả hai cô con gái của mình là Ly và Lan, và không
hiểu tại sao Ly tiến bộ rõ rệt chỉ sau vài tháng trong khi Lan
thì không.

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 113


“Vì giá thuê gia sư đó không rẻ và người đó rất có uy tín, đã
dạy nhiều học sinh và giúp các con tiến bộ, nên tôi mặc nhiên
nghĩ rằng hẳn là vấn đề nằm ở con gái tôi,” cô Minh chia sẻ.
“Là mẹ, lẽ tự nhiên là tôi thúc Lan học tập chăm chỉ hơn, tập
trung hơn và làm nhiều bài tập về nhà hơn,” cô nói thêm.
“Giờ nghĩ lại, tôi nhận ra mỗi cô con gái có một cách học riêng
và mỗi con lại giỏi trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
Ly, con gái đầu của tôi, có thể thích cách dạy kiểu truyền thụ
của gia sư này, con thứ hai của tôi, Lan, có lẽ chỉ là cần một
phong cách học tập khác, một cách giải thích khác cho cùng
một vấn đề”, cô Minh kết luận.

Để học sinh tiến bộ, cha mẹ và thầy cô phải để ý mỗi học sinh
có một kiểu học khác nhau. Có chín loại trí thông minh, bởi
thế đừng kết luận ngay con có thể học kiểu nào trước khi thử
nghiệm với cả chín phong cách kia.

114 • UNLOCKED
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Tóm lại, nếu chúng ta bắt đầu tận dụng công nghệ sẵn có như
AI vào trong giáo dục, chúng ta có thể thiết kế bài học phù
hợp hơn với lợi ích của tất cả các học sinh. Thu thập dữ liệu
trong lớp học trực tuyến và hiểu về phong cách học tập của
các em trong lớp học một thầy một trò thì bớt phức tạp hơn
trong lớp học với sĩ số lớn. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần tìm ra
cách để hiểu, thu thập và lưu trữ thông tin một cách an toàn
về thói quen của học sinh trong lớp học. Chúng ta cũng nên
chia sẻ thông tin này với các giáo viên khác trong suốt quá
trình các em học trong nhà trường qua các cấp, để các giáo
viên mới cập nhật và thích nghi nhanh hơn với môi trường
lớp học tương ứng.

Không có hai đứa trẻ nào giống nhau dù lớn lên trong cùng
một gia đình. Do đó, cả giáo viên và cha mẹ đều nên quan sát
trẻ để tìm hiểu cách dẫn dắt trẻ thay vì ép buộc các em theo
con đường không phù hợp.

Để hỗ trợ trẻ tìm ra mục đích sống của đời mình ngay trong
trường học, trước hết chúng ta cần hiểu được những khác
biệt độc đáo trong cách học của mỗi em.

TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT • 115


CHƯƠNG 8

CHUYỂN SANG
PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Thế nào là thực học?


2. Giáo dục sẽ như thế nào nếu không có những bài kiểm tra
và điểm số (theo kiểu truyền thống)?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC • 117


Mỗi người tiếp thu nhanh chậm mỗi khác. Bạn có khi chỉ cần
nghe giảng 30 phút là đã hiểu được toàn bộ các kiểu câu điều
kiện trong ngữ pháp tiếng Anh. Cũng bài giảng ấy, có người
phải nghe hai hoặc thậm chí nhiều lần mới hiểu được như
bạn. Để giúp mọi người “làm chủ” được khái niệm câu điều
kiện, thời gian bỏ ra là tương đối linh hoạt.

Sal Khan là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất
lĩnh vực giáo dục, và anh rất ủng hộ việc học làm chủ kiến
thức. Hiện nay, hầu hết các trường trên thế giới đều phân thời
gian học theo tiết học cố định. Tức là, mỗi học sinh phải học
một bài cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể, dẫn đến kết
quả học tập của các em rất khác nhau. Ví dụ, sau ba tháng,
cả lớp phải làm một bài kiểm tra, có em được 7 điểm, có em
được 8 điểm và có em được 9 điểm. Thế nên, thời gian học đã
được cố định còn kết quả mỗi em mỗi khác. Sau bài kiểm tra,
mọi người đều chuyển qua bài khác thường là khó hơn, dựa
trên nền tảng kiến thức đã học trước đó (Khan, 2015).

Khan chia sẻ một câu chuyện về các học sinh:

“Mấy ngày đầu giúp em họ tôi học, tôi đã nhận ra điều này.
Nhiều học sinh gặp khó khăn với môn toán ngay từ đầu vì các
em đã bị hổng kiến thức quá nhiều. Do đó, tới khi học môn đại
số, em có chút lúng túng với vài công thức đại số căn bản, và vì
thế, các em nghĩ mình không có khiếu toán học” (Khan, 2015).

118 • UNLOCKED
Do đó, chúng ta phải làm ngược lại, để làm sao kết quả thì cố
định còn thời gian thì linh hoạt, vì mỗi học sinh học tập ở một
tốc độ khác nhau. Thực ra, chúng ta đã áp dụng phương pháp
này trên mọi phương diện của cuộc sống, như Khan trình bày
dưới đây:

“Yếu tố cần phải linh hoạt là thời gian và thời điểm học, còn yếu
tố không thể thay đổi là mục tiêu học sinh phải làm chủ được kiến
thức đó. Trong cuộc sống, bạn đã làm chủ nhiều phương diện
bằng cách ấy. Trong võ thuật, bạn tập những động tác, kỹ năng
của đai trắng chừng nào thuần thục thì mới có thể chuyển lên đai
vàng. Tập nhạc cụ cũng vậy: bạn tập đi tập lại một bài sơ đẳng
đến chừng nào thuần thục thì mới tiếp tục chuyển sang bài khó
hơn” (Khan, 2015).

Thời gian cố định, kết quả khác nhau có khả năng là mô hình
hiệu quả. Trước thời đại công nghệ, giáo viên là nguồn thông
tin duy nhất và giáo viên cũng là con người, cũng chỉ có một
khoảng thời gian ngắn ngủi dành cho mỗi em.

Còn bây giờ, ví dụ, học sinh đã có thể xem đi xem lại bài
giảng bao nhiêu lần cũng được, ở tốc độ nào cũng được và
muốn dừng bài giảng lại ở đoạn nào, bao lâu cũng được.
Trước đây, khi chưa có công nghệ, học sinh chỉ được nghe
giáo viên giảng một lần. Vì đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhiều
lớp học đã phải chuyển sang trực tuyến. Kết quả là, giáo viên
khắp nơi trên thế giới đều phải nhanh chóng làm quen với

CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC • 119


việc dạy qua lớp học ảo. Và rồi, họ có thể ghi hình lại bài
giảng chỉ bằng một cú nhấp chuột.

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG XÃ HỘI


Ngoài việc chuyển cách dạy sang thời gian linh hoạt, kết quả
cố định, Khan cũng chia sẻ quan điểm của mình về những
thay đổi hiện nay của thế giới.

Anh so sánh xã hội trong thời đại công nghiệp:

Trong thời đại công nghiệp, xã hội là một kim tự tháp. Ở chân
kim tự tháp, bạn cần sức lao động của con người. Ở lưng chừng,
bạn có các bộ phận xử lý thông tin, có một bộ máy hành chính và
ở trên cùng bạn có những người chủ tư bản, những doanh nhân
khởi nghiệp và tầng lớp sáng tạo (Khan, 2015).

Với xã hội thời đại công nghệ thông tin:

...Chúng ta đã biết rõ chuyện gì đang diễn ra vì chúng ta đang


tiến vào cuộc cách mạng thông tin. Ở chân kim tự tháp, tự động
hóa đang chiếm ưu thế. Thậm chí ở tầng giữa, việc xử lý thông
tin, máy tính cũng đã làm rất giỏi. Bởi vậy, xã hội chúng ta đang
đứng trước một câu hỏi là: toàn bộ việc sản xuất hiện đại này
đang diễn ra nhờ có công nghệ, vậy thì ai tham gia vào việc đó?
Có phải công nghệ sẽ leo lên tới tầng trên cùng của kim tự tháp,
trong trường hợp đó thì chúng ta sẽ làm gì? (Khan, 2015).

120 • UNLOCKED
Tôi cũng cho rằng tự động hóa đang lấy đi các công việc mà
máy móc làm việc năng suất hơn, chính xác hơn con người
và giá cả mua máy cũng hợp lý hơn. Nếu chúng ta cứ đào tạo
con cái, học sinh chúng ta làm những việc mà máy móc đã giỏi
sẵn rồi thì các em sẽ phải đối mặt với một tương lai vô cùng
khó khăn.

Do đó, Khan đề xuất việc đảo ngược kim tự tháp này:

Hoặc chúng ta có thể làm điều gì đó tham vọng hơn? Hãy thử
đảo ngược kim tự tháp này để hầu hết mọi người đứng trong
tầng lớp sáng tạo, với tư cách là một doanh nhân khởi nghiệp,
một nghệ sĩ, hoặc một nhà nghiên cứu? (Khan, 2015).

Việc chúng ta cần làm chính xác là đảo ngược kim tự tháp
này. Thay vì để nguồn lực con người cạnh tranh với máy
móc, chúng ta nên chuyển càng nhiều người lên đỉnh kim tự
tháp càng tốt. Việc này sẽ khả thi nếu ai cũng có cơ hội mở
khóa toàn bộ tài năng của mình. Thử tưởng tượng phần lớn
mọi người đều tận dụng được thế mạnh, sự sáng tạo và sở
thích, đam mê của mình. Tất cả những điều này đều sẽ khả
thi nếu chúng ta bắt đầu từ giáo dục, nơi mà mọi học sinh
đều làm chủ những gì mình đang học, nơi các em không bị
hổng kiến thức.

Làm thế nào để đảm bảo học sinh không bị hổng kiến thức?
Chúng ta nên làm gì để áp dụng việc thực học mỗi ngày?

CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC • 121


Trường học nên làm gì? Thực học có thể áp dụng được trong
các trường lớp hay không?

THỰC HỌC TRONG THỰC TẾ


Thực học không phải lúc nào cũng khó. Dưới đây là một số
gợi ý của tôi:

1. Học sinh – Nếu học sinh đạt điểm 9 trong một bài kiểm
tra, các em có thể lên mạng tìm tài liệu, như những đoạn
video hướng dẫn học, để biết thêm về 10% kiến thức
mình chưa hiểu.

2. Phụ huynh – học sinh không phải lúc nào cũng tự giác và
chủ động học thêm sau khi đã đạt 9 điểm kiểm tra. Do đó,
các con cần có sự hỗ trợ của cha mẹ. Cha mẹ có thể cùng
con dành chút thời gian tìm kiếm tư liệu và tìm hiểu để
nắm chắc lượng kiến thức đó.

3. Giáo viên – Phụ huynh không phải lúc nào cũng có thời
gian để tìm kiếm tài liệu cho nhiều môn khác nhau của con
cái. Với phần lớn cha mẹ, 9 điểm đã là tốt lắm rồi. Trong
trường hợp đó, giáo viên cần hỗ trợ và cố gắng tìm kiếm
bài tập hoặc tư liệu dạy trực tuyến để các em tham khảo.

4. Chính phủ – từ kinh nghiệm của riêng tôi, tôi biết giáo
viên thường xuyên không có thời gian để tìm kiếm tài liệu

122 • UNLOCKED
hướng dẫn trực tuyến cho mỗi học sinh trong lớp có sĩ số từ
10 đến 15 em (trong hầu hết các trường học ở những nước
phát triển, một lớp bình thường có 25 đến 30 em, còn trong
những quốc gia đang phát triển, sĩ số một lớp bình thường
có thể lên tới 50 em). Do đó, các cấp quản lý giáo dục của
chính phủ cần hỗ trợ đưa ra bài tập về nhà và các video
hướng dẫn, cũng như cung cấp cả đường link để giáo viên
làm tài liệu tham khảo trong chương trình học.

5. Các công ty công nghệ giáo dục (EdTech) – ngay cả khi cơ


quan phụ trách nội dung giảng dạy đã cung cấp bài tập và
tài liệu hướng dẫn cho giáo viên đi chăng nữa thì giáo viên
vẫn cần phải dành nhiều thời gian để chữa bài, giải thích lỗi
cho các em trong các bài tập và chú ý chỉ bảo kỹ càng cho
riêng từng em một. Nếu có trợ giảng (teaching assistant - TA)
trong lớp thì sẽ hữu ích cho giáo viên rất nhiều. Tuy nhiên,
như thế thì cơ sở giáo dục đó sẽ phải tốn thêm chi phí và
các trợ giảng thì không phải lúc nào cũng biết lựa chọn
đúng tài liệu cho mỗi học sinh. Đây chính là lúc cần đến các
công ty công nghệ giáo dục. Trước hết, công nghệ có thể
tự động kết hợp các bài tập, video hướng dẫn và những tài
liệu khác một cách phù hợp cho riêng từng học sinh dựa
trên những điểm kiến thức các em chưa nắm vững. Công
nghệ còn có thể tự động chữa bài tập về nhà và bộ câu hỏi,
tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho giáo viên. Các em có
thể làm đi làm lại bài tập và được sửa lỗi cho đến khi nào
làm chủ được kiến thức hoặc kỹ năng mong muốn.

CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC • 123


Đừng quên rằng bất cứ ai không đạt 10 điểm cũng cần hỗ
trợ thêm để làm chủ khái niệm hoặc kiến thức mục tiêu, chứ
không chỉ những người đạt dưới 7 điểm. Hiện nay, chúng ta
đã có công nghệ cho phép 100% học sinh nắm vững được
100% kiến thức trên một quy mô lớn. Chúng ta chỉ cần tập
trung ưu tiên thêm chút nữa cho việc này là được.

BẢNG ĐIỂM HỌC TẬP VÀ BẢNG ĐIỂM THỰC HỌC


Nếu chúng ta áp dụng phương pháp thực học, cho phép học
sinh học đến khi hoàn toàn hiểu nội dung mục tiêu, thì chúng
ta cũng cần thay đổi cách kiểm tra kiến thức của học sinh.

Hiện nay, với kiểu đánh giá hiện tại ở các trường học, cuối
mỗi kỳ, học sinh nhận được một bảng danh sách các môn
được cho điểm từ A đến F, gọi là một bảng điểm học tập. Bảng
điểm này thể hiện mức độ nắm kiến thức của em ở các môn
học khác nhau. Trong môi trường thực học, bảng điểm này là
thừa vì học sinh đều đạt điểm A ở tất cả các môn.

Giả sử có một học sinh tên là Kate đang học lớp 7, và cuối
năm học, Kate được điểm A môn văn học, điểm B môn toán,
điểm C môn sinh. Điểm C không có nghĩa là điểm trượt môn,
bởi thế dù Kate chỉ hiểu khoảng 60% kiến thức, nhưng em
vẫn được lên lớp 8. Cuối năm lớp 8, Kate nhận được điểm B
môn văn, điểm C môn toán và điểm A môn sinh vì các chủ đề
trong môn sinh năm lớp 8 có vẻ thú vị với em hơn nhiều trong

124 • UNLOCKED
khi môn văn và môn toán lại không khiến em hứng thú mấy.
Như chúng ta có thể thấy, bảng điểm chỉ là một sự ghi nhận,
không thúc đẩy hay khuyến khích học sinh học tốt hơn một
môn nào đó, và cũng không nói cho chúng ta biết chính xác
học sinh đó biết gì hay có thể làm gì.

Thay vì thế, có một cách tốt hơn nhiều đó là Bảng điểm thực
học. Bảng này sẽ cho thấy Kate đã làm chủ kiến thức và kỹ
năng nào (Sturgis, 2020).

Cuối năm, thay vì có điểm A môn văn như trong bảng điểm
truyền thống, Bảng điểm thực học sẽ thể hiện rằng Kate đã
hiểu rõ văn học châu Âu thế kỷ 20. Trong môn sinh học, Kate
biết sử dụng kính hiển vi để phân tích các vi sinh vật, và trong
môn toán, Kate đã có thể giải được phương trình nhiều biến
số ở cả hai vế. Thay vì có điểm số cho các môn, Kate sẽ nhận
được một danh sách những khả năng đã thành thục.

Bảng điểm thực học có thể trình bày dưới dạng kỹ thuật số,
vạch ra quá trình tiến bộ của học sinh theo các năm, để thể
hiện thế mạnh và những lĩnh vực xuất sắc của học sinh.

Tôi xin trình bày hình dung của mình về Bảng điểm thực học
này trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính phủ xác định trước
kiến thức cần làm chủ sau các năm học:
• Ví dụ đầu năm lớp bảy, Kate nhận được một danh
sách những kiến thức và kỹ năng cần nắm vững cùng

CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC • 125


các nguồn tài liệu gợi ý từ giáo viên sinh học, văn học
và toán học. Sau đó, Kate có cả một năm học, khoảng
10 tháng, để nắm vững những nội dung đó.
• Em có thể tham gia các lớp học. Em có thể học trực
tuyến thông qua phần mềm hoặc trên Google. Em có
thể nói chuyện với các bạn, đọc sách hoặc bất cứ cách
nào để hiểu kiến thức tốt nhất.
• Rồi em có thể thường xuyên làm các bài trắc nghiệm
hoặc các bài kiểm tra trên mạng, bao nhiêu lần cũng
được cho đến khi nào em nắm vững được toàn bộ kiến
thức thì thôi. Kết quả từ những bài trắc nghiệm đó sẽ
được tự động gửi đến giáo viên để họ biết Kate liên tục
gặp khó khăn với điểm kiến thức nào.
• Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, em có thể gặp giáo viên một
lần để đảm bảo đang đi đúng hướng, để đến cuối năm
em thể hiện mình hiểu toàn bộ kiến thức trong tất cả
các môn.

Với lối tiếp cận này, Kate sẽ tự học được, nhờ sử dụng mọi
nguồn tài nguyên sẵn có, và những bài kiểm tra sẽ phản ánh
rõ môn nào em cần đào sâu thêm nữa. Giáo viên của em sẽ
có nhiệm vụ giống như cố vấn và người hướng dẫn, đưa ra
những lời khuyên và gợi ý về các tài liệu tham khảo bổ sung
để giúp Kate đi đúng hướng. Kate có thể tự lập thời khóa
biểu cho mình và quyết định học cái gì, học khi nào và học
như thế nào là tốt nhất. Có thể em ấy sẽ học văn bằng cách
nói chuyện với các bạn vào buổi sáng, học toán bằng cách học

126 • UNLOCKED
trực tuyến vào buổi chiều và học môn sinh bằng cách đọc sách
vào buổi tối. Sẽ không cần đến bài tập về nhà vì Kate sẽ tìm
ra cách tự mình nắm vững nội dung kiến thức. Các bài giảng
của giáo viên sẽ được ghi hình lại trước và đăng tải trên mạng
(giúp giáo viên tiết kiệm rất nhiều thời gian vì họ không cần
phải giảng đi giảng lại một điều nữa). Thay vào đó, giáo viên
sẽ dành nhiều thời gian hơn cho riêng mỗi học sinh như Kate,
để thực sự giúp đỡ em khi em gặp khó khăn.

Nếu chúng ta chuyển sang phương pháp thực học này thì học
sinh sẽ được trang bị sẵn sàng hơn cho cuộc sống thực vì các
em đã tự học. Chúng ta sẽ tận dụng được những nguồn tài
nguyên tuyệt vời có sẵn trong thời đại thông tin này. Chúng ta
sẽ để giáo viên làm đúng nhiệm vụ của họ, tức là dành nhiều
thời gian hơn cho mỗi cá nhân học sinh và giúp các em khi các
em cần. Và quan trọng nhất là, mọi học sinh đều nắm vững
kiến thức khi kết thúc năm học.

Trong thời đại thông tin này, việc giáo viên đứng trước bục
giảng thật là vô ích vì giáo viên không còn là nguồn thông tin
duy nhất nữa. Việc coi bài kiểm tra là đích đến cuối cùng cũng
vô ích khi chúng đáng ra chỉ nên là những trạm kiểm soát để
học sinh hướng tới việc làm chủ kiến thức.

Như nhà nghiên cứu giáo dục Thomas Guskey từng nói:
“Trong phương pháp thực học, những bài kiểm tra, bài thi
không phải kiểu như ‘làm một lần rồi thôi’ hoặc ‘không qua

CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC • 127


thì chịu chết’; thay vào đó, chúng chỉ là phương tiện để giúp
học sinh liên tục nỗ lực học tập” (Kampen, 2019).

TỔNG KẾT CHƯƠNG


Ngược lại với những gì chúng ta đang áp dụng trong hệ thống
giáo dục, phương pháp thực học là phương pháp rất nên cân
nhắc để áp dụng.

Thực học có thể giúp chúng ta lật ngược kim tự tháp, tạo ra
một xã hội mà phần lớn mọi người có thể làm những công
việc đòi hỏi kỹ năng cao, như bác sĩ, nhà nghiên cứu hoặc
doanh nhân khởi nghiệp. Để tất cả mọi người có thể làm việc
với 100% tiềm năng của mình, họ cần làm chủ mọi kiến thức
mục tiêu và những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp mong
muốn. Mà điều này thì xuất phát từ lòng hiếu kỳ và một nền
tảng giáo dục vững vàng được hình thành từ hệ thống trường
học của chúng ta.

128 • UNLOCKED
CHƯƠNG 9

KẾT HỢP
CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Việc học trực tuyến/trực tiếp có lợi thế/bất cập nào?


2. Tôi sẽ để con học theo nhóm hay học một mình?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 129


Từ năm 2018, tôi đã trực tiếp trải nghiệm những thuận lợi và
hạn chế của nhiều hình thức giảng dạy trên lớp học theo nhóm
cũng như lớp học cá nhân, lớp học trực tuyến lẫn lớp học trực
tiếp. Mỗi tuần, tôi dạy khoảng 20 tiếng trên lớp trực tiếp (học
theo nhóm) và ba đến bốn tiếng dạy cá nhân (trực tiếp). Trong
năm 2020, khi tình hình thay đổi vì đại dịch COVID-19, gần
như mọi tiết học đều chuyển sang trực tuyến. Hơn nữa, tôi
tham gia một công ty khởi nghiệp về giáo dục. Công ty của
chúng tôi mở các lớp học cả trực tuyến lẫn trực tiếp, cả học
nhóm lẫn học riêng. Tôi hiểu được những thay đổi theo nhu
cầu thị trường và biết rằng một tổ chức giáo dục có thể thỏa
mãn nhu cầu của học sinh, phụ huynh và giáo viên tới mức
nào. Ngay cả trong thời đại dịch, học sinh vẫn cần phải học
tập và tất cả các trường đều đang nhanh chóng làm quen với
điều kiện giảng dạy mới.

Với tư cách là một giáo viên, cá nhân tôi phải thừa nhận rằng
tôi thích dạy học trên lớp hơn trên mạng, vì tôi có thể trực tiếp
gặp gỡ các em và khuyến khích các em vận động qua nhiều
hoạt động khác nhau trong tiết học.

Tuy nhiên, khi đại dịch vẫn còn diễn ra, tôi dần dần học cách
thích nghi với những bài giảng trực tuyến để học sinh vẫn có
thể vui vẻ học tập cho dù gần như không vận động chút nào.
Ví dụ, tôi cho các em chơi trên Kahoot! hoặc trò đoán từ qua
tranh. Tôi cũng thích dạy nhóm hơn là dạy riêng từng em
một vì tôi có thể thay đổi không khí hoạt động trong nhóm,

130 • UNLOCKED
chỉ cần chia các em thành nhóm đôi, nhóm ba… là được.
Mặc dù vậy, có một số dạng hoạt động, như những buổi tư
duy và tư vấn, thì tập trung chú ý riêng từng em tỏ ra hiệu
quả hơn.

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về giáo dục bàn chuyện nên dạy
và học trên mạng cho từng em hay tổ chức nhóm học sinh và
dạy trên lớp. Do đó, chúng ta sẽ nói tới một số mặt thuận lợi và
hạn chế của từng hình thức (trên mạng, trên lớp, theo nhóm,
cá nhân) trong chương này, trong đó, chúng ta sẽ chú ý tới tính
khả thi của hình thức đó đối với một cơ sở hoặc công ty giáo
dục cũng như tính tới thị hiếu hiện nay của người học.

HỌC THEO NHÓM


THUẬN LỢI
Một thế mạnh rất lớn của việc học theo nhóm là tương tác xã
hội giữa người với người, giúp cho người học phát triển các
kỹ năng cảm xúc – xã hội.

Theo nghiên cứu có tên là Học hợp tác (Cooperative Learning)


của Richard M. Felder và Rebecca Brent từ Đại học bang
Carolina,trong học nhóm, các em có cơ hội góp ý cho nhau.
Các em có thể phản biện nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất
cho một vấn đề và cũng khuyến khích, hỗ trợ nhau cùng học
tập. Thông qua hình thức học này, các em tập làm việc nhóm,
tập lãnh đạo và trau dồi kỹ năng lắng nghe trong khi vẫn làm

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 131


việc trong các nhóm đa dạng về số lượng, như hai người hoặc
nhóm lớn hơn (Felder và Brent, 2007).

Khi tôi hỏi một đồng nghiệp tại sao cô lại thích dạy theo nhóm
hơn là dạy cá nhân, cô ấy trả lời rằng: “Bầu không khí, sự
tương tác, năng lượng trong phòng học rất khác, nhất là khi
dạy cho các em nhỏ hơn. Dạy đông học sinh thì giáo viên dễ
tổ chức nhiều loại hình hoạt động, dễ chia nhóm các em hơn.
Tôi cũng nhận ra là hình thức học này cũng giúp thúc đẩy học
sinh hoàn thành bài tập về nhà vì các em sẽ thấy buồn nếu
mình là người duy nhất chưa hoàn thành.”

HẠN CHẾ
Mặt khác, thời gian để từng em tương tác trực tiếp với giáo
viên sẽ ít đi. Một số em có thể nổi bật trong lớp, khiến cho các
em khác ít dịp được thể hiện mình.

Việc học nhóm cũng dễ tạo điều kiện phát sinh ảnh hưởng
xấu giữa các em, nhất là ở học sinh nhỏ tuổi hơn. Cha mẹ đôi
khi không hề hay biết con mình đang nghe thấy những từ ngữ
khiếm nhã hoặc nhìn thấy trẻ khác ăn những đồ ăn vặt không
tốt cho sức khỏe.

Một bất lợi nữa là thật khó có thể nhóm được những em có
cùng trình độ và thiên hướng học tập như nhau. Trong một
nhóm mà học sinh có phong cách học khác nhau, thì dù xuất
phát điểm kiến thức giống nhau, mỗi em có thể tiến bộ ở tốc

132 • UNLOCKED
độ khác nhau do phương pháp dạy của giáo viên không phải
lúc nào cũng phù hợp với tất cả.

Hỗ trợ đồng đều cho các em và khuyến khích những em trầm


hơn chăm phát biểu để học sinh tham gia đều vào bài học có
thể là việc khó cho một giáo viên, kể cả tôi. Dù tôi có chuẩn
bị bài học kỹ càng bao nhiêu thì lúc nào cũng có một học sinh
làm quá nhanh và một học sinh còn cần thêm rất nhiều thời
gian lẫn sự hỗ trợ để hoàn thành một hoạt động nào đó.

Làm việc trong công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục, tôi
cũng thấm thía nỗi khó khăn khi phải xếp đủ học sinh trong
cùng một khoảng thời gian (cùng một lớp học). Đặc biệt là khi
dạy ngoại ngữ, tốt nhất các học sinh cùng lớp nên có trình độ
đầu vào tương đương nhau.

HỌC MỘT THẦY MỘT TRÒ


THUẬN LỢI
Trong lớp học một thầy một trò, dựa trên nhu cầu và mục
đích của học sinh mà các giáo viên có thể “may đo” nội dung
bài học phù hợp với riêng từng em. Bên cạnh đó, lên lịch học
cũng dễ dàng hơn vì có ít người hơn.

Kimberly White làm việc tại Christa McAuliffe Academy


School of Arts and Sciences (CMASAS – Học viện Nghệ thuật
và Khoa học Christa McAuliffe) ở Oregon, một ngôi trường

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 133


tin tưởng vào cá nhân hóa giáo dục, đã chia sẻ một vài nguyên
nhân cho thấy tại sao học một thầy một trò lại có ích cho học
sinh. Trước hết, lớp học không diễn ra khi thiếu học sinh thế
nên học sinh sẽ không bao giờ bỏ lỡ kiến thức. Thứ hai, học
sinh có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình. Các em không
sợ trả lời sai hoặc sợ câu hỏi của mình bị coi là ngớ ngẩn do
áp lực bạn bè như trong lớp học nhóm. Tiếp nữa, giáo viên có
thể điều chỉnh hoặc thay đổi toàn bộ giáo án, lộ trình học tập
hoặc thậm chí cả thời hạn làm bài để làm sao có lợi cho học
sinh nhất. Thứ tư, cô White chia sẻ: “Không có yếu tố gây mất
tập trung hoặc kích thích thái quá của một lớp học đông bạn
bè nên học sinh có thể tập trung hoàn toàn vào người hướng
dẫn và bài học” (White).

HẠN CHẾ
Ngược lại, lớp học một thầy một trò cũng có một vài bất lợi.

Thiếu tương tác xã hội có thể bất lợi cho học sinh khi các em
phát triển những kỹ năng liên quan đến con người, những kỹ
năng này ngày càng quan trọng vì làm việc theo nhóm và hợp
tác với nhau đang ngày càng được đánh giá cao trong xã hội
chúng ta hiện nay.

Thứ hai, học sinh có thể không có cảm giác thi đua. Cạnh
tranh nhiều khi cũng lành mạnh và có thể thúc đẩy các em nỗ
lực tiếp thu kiến thức khi tự so sánh mình với các bạn. Bên
cạnh đó, học cá nhân còn tốn nhiều chi phí và vì hoàn cảnh

134 • UNLOCKED
tài chính mà nhiều cha mẹ không thể kham nổi kiểu học này
cho con mình.

Công ty khởi nghiệp của chúng tôi cũng gặp vấn đề về học
phí của các lớp học. Một mặt, giáo viên dạy một thầy một trò
không chấp nhận tiền lương thấp hơn so với dạy theo nhóm
vì cũng phải tốn bằng ấy thời gian và sự chuẩn bị.

Hãy tưởng tượng bạn là một giáo viên dạy tiếng Anh như là
ngôn ngữ thứ hai (ESL), có một trung tâm ngoại ngữ đề xuất
trả bạn 20 đô la cho một giờ dạy một nhóm 15 học sinh. Thế
rồi, có một lựa chọn nữa là dạy cá nhân một tiếng thì tiền công
dạy là 15 đô la một giờ. Thời gian bạn bỏ ra để chuẩn bị cho
bài học cũng như nhau. Do đó, dễ hiểu là tại sao bạn thích
được trả 20 đô la cho cùng một khối lượng công việc hơn.

Mặt khác, 20 đô la là quá cao đối với hầu hết các học sinh, dẫn
tới việc chúng tôi, với tư cách một công ty khởi nghiệp, dần rời
xa những lớp học một thầy một trò.

Từ góc nhìn của học sinh, việc học lớp đông người trong
một trung tâm ngoại ngữ có thể chỉ mất 5 đô mỗi em mỗi
giờ, bởi thế gấp bốn lần số tiền đó cho một giờ học cá nhân
là quá tốn kém.

Hơn nữa, từ góc nhìn của trường học hoặc công ty, việc tổ
chức lớp học theo nhóm có thể đem đến nhiều lợi nhuận

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 135


hơn, với biên lợi nhuận khả quan hơn là tổ chức những lớp
học một thầy một trò.

HỌC TRỰC TUYẾN


THUẬN LỢI
Học trực tuyến có một lợi thế tuyệt vời là sự linh hoạt về địa
điểm. Ở những nước đang phát triển, nơi cơ sở hạ tầng vẫn
chưa hoàn thiện và nạn tắc đường vẫn xảy ra hàng ngày thì
việc học trực tuyến trở thành một sự giải thoát cho nhiều bậc
phụ huynh đưa đón con đi học.

Trong một cuộc trò chuyện trên lớp học trực tuyến, tôi hỏi
các học sinh đang học cấp Hai là các em thích gì ở việc học
trực tuyến, ngoài việc có thể học ngay trong phòng mình và
không phải tốn thời gian đi lại. Một em học sinh tên là Thủy
nói đùa: “Em không phải đi giày hoặc mặc quần dài, em có
thể tắt camera khi không muốn thầy nhìn thấy em, em có thể
nói chuyện riêng với bất cứ bạn nào trong lớp, và thậm chí em
trai em cũng có thể ngồi gần đó để học ké.” Các em học sinh
rất sáng tạo. Thỉnh thoảng các em nghĩ ra những ý tưởng bất
ngờ hết sức.

Một lợi ích nữa của việc học trực tuyến là có thể dễ dàng ghi
hình lại các bài học và học sinh có thể mở đoạn video đó để
xem lại khi cần.

136 • UNLOCKED
Học thông qua các nền tảng trực tuyến cũng tạo điều kiện để
ứng dụng công nghệ mới nhất nhằm thu thập dữ liệu, từ đó
hiểu rõ hơn mức độ tham gia của các em học sinh.

Việc học trực tuyến cũng giúp gia tăng tính an toàn và giảm
rủi ro tai nạn xảy ra không chỉ trên đường mà cả trong lớp
học. Tôi chuyên dạy các học sinh nhỏ từ 6 đến 15 tuổi, tôi tận
mắt chứng kiến việc học trên lớp đôi khi nguy hiểm tới mức
nào khi các em chạy nhảy và làm đau bạn khác.

Một ngày mùa xuân năm 2019, trong một lớp học ESL gồm
15 học sinh (các em từ bảy đến chín tuổi), tôi chia lớp học
thành năm nhóm. Tôi dán những tấm thẻ từ vựng về động vật
khắp phòng và đến lượt mình, mỗi học sinh trong mỗi nhóm
sẽ chạy và đập vào tấm thẻ viết đúng tên con vật được đọc lên.
Nhóm nào đập trước tiên sẽ được một điểm. Chuyện là trong
một nhóm, có một học sinh rất hiếu thắng, em ấy muốn chiến
thắng bằng bất cứ giá nào. Khi đang chạy, em cố tình đẩy bạn
để được là người đầu tiên đập vào thẻ từ vựng. Bạn học sinh
kia bị đẩy, ngã vào tường và khóc suốt cả buổi. Đó chỉ là một ví
dụ trong rất nhiều chuyện đã xảy ra. Dù tôi đã cố gắng tránh
thương tích đến cỡ nào thì cũng khó có thể lường trước được
những biến cố trong lớp học trực tiếp. Những tình huống này
không bao giờ xảy ra trong lớp học trực tuyến. Và đó là một
điều tuyệt vời vì tôi có thể tập trung nhiều vào nội dung và
chất lượng bài học hơn là giải quyết các vấn đề về an toàn.

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 137


HẠN CHẾ
Mặt trái của việc học trực tuyến là thiếu sự tương tác thực sự.
Ngồi trong phòng một mình có thể không tốt cho tâm sinh lý,
dần dần khiến các em trở nên xa cách về mặt xã hội. Hơn nữa,
nếu các em phải ngồi nhiều giờ liền trước màn hình thì việc đó
có thể gây hại cho thị lực và tầm nhìn của các em.

Bác sĩ Jennifer Katzenstein, trưởng khoa tâm lý và tâm lý thần


kinh ở Bệnh viện Nhi Hopkins All Children’s Hospital, đã nhận
ra tác động của việc học từ xa đối với trẻ ở mọi lứa tuổi: “Sử
dụng màn hình lâu hơn đã được chứng minh là có liên quan
đến việc gia tăng trầm cảm, lo âu và những vấn đề về khả năng
chú ý quan sát” (Balram, 2020).

Hơn nữa, học trực tuyến cũng phụ thuộc nhiều vào sự ổn
định của đường truyền Internet và những thiết bị điện tử
khác. Việc học có thể thường xuyên bị gián đoạn. Học trực
tuyến cũng yêu cầu học sinh phải biết sử dụng các nền tảng
công nghệ thông tin, việc này có thể không hợp lắm với
những học sinh còn nhỏ và với những em không rành về
công nghệ.

Một số học sinh có thể cũng gặp vấn đề trong việc ngồi yên
một chỗ để học, khiến các em khó theo dõi bài học, hoặc các
em có thể làm gián đoạn cả lớp. Trong suốt thời đại dịch, tôi
phải dạy một lớp trực tuyến gồm bảy học sinh, và hầu hết các
em đều ổn. Nhưng một số học sinh ngồi trong lòng cha mẹ,

138 • UNLOCKED
và một em thậm chí còn chạy loanh quanh khắp phòng mình
trong cả tiết học vì em không thể tập trung và ngồi yên được.

Những học sinh lớn hơn có thể ngồi yên, nhưng rồi lại dẫn
đến một vấn đề khác. Theo bản tin Đại học John Hopkins
(JHU) tháng 4 năm 2020, việc học trực tuyến đã tác động lớn
tới mức độ hoạt động thể chất của học sinh. Amrita Balram,
một trong những tác giả của bản tin này, đã đề cập rằng việc
không di chuyển giữa các lớp học khiến một số học sinh ngồi
yên liên tục hàng tiếng đồng hồ trước máy tính của mình.
Divisha Jaiswal, một sinh viên của trường JHU đã chia sẻ:
“Tôi thực sự nhớ những lúc đi bộ, và chỉ ngồi trước máy tính
khiến tôi cực kỳ trì trệ và lười biếng” (Balram, 2020). Cha mẹ
quyết định để con cái học trực tuyến phải đảm bảo con vẫn
được vận động thể chất đầy đủ và tương tác với mọi người.

Tại sao học trực tuyến (trong suốt đại dịch COVID-19) lại không hiệu quả?
Có thể đây là lần đầu tiên cha mẹ tiếp xúc với việc học trực
tuyến. Mọi tổ chức giáo dục, trong đó có trường công, đều
đang thích nghi với những kỹ thuật giảng dạy mới. Vì tất cả
các hoạt động đều diễn ra trên mạng nên nếu không có sự điều
chỉnh nào thì nhiều học sinh có thể cảm thấy chán nản ở một
mức độ nào đó. Cha mẹ có thể không nhận ra sự tiến bộ của
con trong khi con học trực tuyến.

Và tại sao việc học trực tuyến này vẫn còn quan trọng trong tương lai?
Vì thế giới đang ngày càng kết nối hơn bao giờ hết, làm việc

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 139


từ xa đã ngày càng trở nên phổ biến. Có thể tiếp thu thông tin
từ những cuộc họp trên mạng là điều vô cùng thiết yếu đối với
bất cứ ai đang làm việc. Cứ tiếp tục như thế này, trong tương
lai, công việc sẽ đòi hỏi con cái chúng ta phải biết làm việc
thành thạo trên mạng. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho con là
đưa việc học trực tuyến trở thành một phần chương trình dạy.

HỌC TRỰC TIẾP (TRÊN LỚP)


THUẬN LỢI
Một lợi ích tuyệt vời của việc học trực tiếp là cải thiện kỹ năng
xã hội và kỹ năng liên quan đến con người. Trước, trong và
sau tiết học, học sinh có thể chuyện trò và đùa vui với nhau.

Một lợi ích nữa là giáo viên dễ dàng đọc được ngôn ngữ cơ
thể của học sinh hơn. Mặc dù trong khi học trực tuyến, cả giáo
viên và học sinh đều có thể nhìn thấy nhau nhưng nhiều khi
chúng ta không bật camera lên hoặc camera không hoạt động.

Trong một bài nghiên cứu trên tờ tạp chí the Journal of
Neuroscience (Khoa học thần kinh) của Susan R. Barry, một giáo
sư sinh hóa thần kinh của khoa Sinh trường Đại học Mount
Holyoke, có một thử nghiệm để các đối tượng trò chuyện với
nhau trong khi nói chuyện hoặc là mặt đối mặt hoặc là quay
lưng lại với nhau. Cùng lúc đó, hoạt động não bộ được ghi lại
bằng máy chụp quang cận hồng ngoại (NIRS).

140 • UNLOCKED
Giáo sư Barry giải thích: “Kỹ thuật này quan sát những thay
đổi trong hoạt động mạch máu não, những thay đổi này phản
ánh hoạt động của não bộ.”

Giáo sư Barry còn nói thêm: “Khi các đối tượng nói chuyện
mặt đối mặt, chứ không quay lưng lại với nhau, thì họ có
những hoạt động tương tự ở vỏ não trước trán dưới. Ở vùng
vỏ não đó chứa các tế bào thần kinh gương, chúng hoạt động
tích cực trong suốt thời gian diễn ra một hoạt động cụ thể nào
đó” (Barry, 2013). Từ thí nghiệm và nghiên cứu này, chúng ta
có thể nhận ra khi nói chuyện mặt đối mặt, người ta dễ kết nối
cảm xúc, thấu hiểu và cảm thông với nhau hơn. Nói chuyện
quay lưng lại với nhau cũng giống như nói chuyện trên điện
thoại hoặc gọi video và tắt camera đi. Người ta cảm thấy xa
cách hơn và khó kết nối với nhau.

Một lợi thế nữa của việc học trên lớp là không có sự gián đoạn
do công nghệ và không phải phụ thuộc vào sự ổn định của
đường truyền Internet. Hơn nữa, nếu một học sinh không có
các dụng cụ và tài liệu học tập cơ bản như giấy bút thì giáo
viên có thể cho mượn.

Mới đây, trong một tiết học trực tuyến với các học sinh tiểu
học, tôi định tổ chức hoạt động “viết theo mô tả”. Trong hoạt
động đó, các em phải có một tờ giấy, một cái bút chì và lắng
nghe tôi để vẽ một con robot. Mục đích là để ôn lại kiến thức về

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 141


các hình khối. Tôi rất bất ngờ là có em còn không có sẵn một
tờ giấy ở nhà, và vì đây là lớp học trên mạng nên tôi không thể
cung cấp cho các em được. Do đó, tôi phải bỏ qua hoạt động
ấy. Lúc đó, tôi nhận ra học trên lớp có lợi đến thế nào.

HẠN CHẾ
Mặt khác, với học trực tiếp, học sinh có thể tốn nhiều chi phí
và thời gian hơn vì các em sẽ phải tốn thời gian, tiền bạc để
đến trường. Khi số lượng học sinh ngày càng tăng, chúng ta
cũng sẽ nhận ra ngày càng có nhiều phương tiện giao thông
đi lại trên đường, nhất là vào những giờ cao điểm, khiến cho
tình trạng tắc đường ngày càng tệ hơn qua các năm, nhất là
ở những nước đang phát triển khi mà tốc độ đô thị hóa đang
nhanh hơn so với tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tôi hiện đang sống ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Nơi đây
là ví dụ rất rõ cho sự phát triển nhanh chóng về dân số và tốc
độ đô thị hóa của một thành phố. Tương tự như những thành
phố khác ở Đông Nam Á, ở đây giao thông thường xuyên tắc
nghẽn trong giờ cao điểm vì mọi người đều đổ ra đường đi
làm và vì có rất nhiều học sinh đến trường. Vì phương tiện
giao thông công cộng chậm hơn phương tiện cá nhân nên
nhiều người đã chọn tự lái xe đưa con em đến trường vào
buổi sáng, có khi đi 7km cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ.

Từ quan điểm của nhà trường hoặc của doanh nghiệp, sẽ


phát sinh nhiều chi phí cố định hơn khi học trực tiếp, như

142 • UNLOCKED
thuê không gian trường lớp, nhất là khi họ mở rộng quy mô
hoặc mở thêm nhiều chi nhánh.

TỔNG KẾT CHƯƠNG


Tóm lại, như chúng ta có thể thấy, có nhiều thuận lợi và hạn
chế đối với mỗi loại hình dạy học. Do đó, lựa chọn loại hình
nào là phụ thuộc vào mong muốn của học sinh. Học sinh có
thể kết hợp nhiều loại hình với nhau để học tập tốt nhất.

Mỗi phương pháp đều có mặt hạn chế nhưng cũng có mặt
mạnh mà chúng ta có thể tận dụng để tối đa hóa kết quả học
tập. Là phụ huynh, tôi muốn con mình vừa được học nhóm
vừa được học riêng với tỷ lệ 50/50. Học nhóm có thể giúp
con cải thiện các kỹ năng xã hội. Ngược lại, học riêng cho
phép con đặt nhiều câu hỏi hơn, lấp đầy nhiều lỗ hổng kiến
thức và củng cố kiến thức bị bỏ lỡ khi học nhóm. Đồng thời,
tôi cũng muốn con vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp. Tỷ
lệ 50/50 cũng là lý tưởng. Trong lớp học trực tiếp, con có thể
tương tác thực sự với các bạn, trong khi trong lớp học trực
tuyến, con vẫn có thể tham gia lớp học cho dù đang đi đâu đó
ngoài thành phố.

Học sinh cần được tiếp cận đa dạng các hình thức học với
tỷ lệ hợp lý, để các em có thể bồi dưỡng thật tốt những thiên
hướng học tập của mình sau này.

KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP • 143


CHƯƠNG 10

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP


Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Học kết hợp (blended learning) là gì?


2. Thế nào là quan niệm mới về bài tập về nhà?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 145
Tôi là một thầy giáo và khi dạy bài mới, tôi nhận ra, ngay từ
đầu, một số học sinh đã không hiểu tôi đang dạy gì vì các em
không chú ý. Tôi không thể giảng đi giảng lại cho những học
sinh nào chưa theo kịp vì hầu hết các em khác đã hiểu bài rồi.
Ngay cả khi biết là em nào đó cần giảng chậm lại thì tôi cũng
không thể làm chậm bài giảng của cả lớp. Tôi không thể tạo
điều kiện để các em nghe tôi giảng đi giảng lại bao nhiêu lần
các em cần cũng được. Nhất là khi trong bài học có những
khái niệm chủ chốt, thể nào cũng có em bỏ lỡ mất thông tin
quan trọng.

Thật khó có thể cùng lúc hỗ trợ cho riêng từng em trong lớp.
Nhưng nếu chia lớp ra thành các nhóm, để học sinh làm việc
độc lập với nhau thì việc quan tâm chú ý sát sao đến từng
nhóm nhỏ đó sẽ dễ dàng cho tôi hơn.

Vậy học kết hợp là gì?

Theo quan niệm phổ biến nhất thì học kết hợp là kết hợp
giữa học trực tuyến và trên lớp, nhằm để tận dụng được
những nguồn tài nguyên sẵn có trên mạng. Hiện tại có tới 12
mô hình học kết hợp (TeachThought). Theo một nghiên cứu
có tên là Preparing for the Digital University (Chuẩn bị cho trường
Đại học Công nghệ số), học kết hợp đã chứng minh là cho kết
quả học tập tốt hơn so với những kiểu học riêng rẽ (Valamis,
2021). Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng 70% học sinh nói

146 • UNLOCKED
rằng các em học hiệu quả nhất trong lớp học kết hợp và 60%
giáo viên công nhận học kết hợp cải thiện khả năng học tập
của học sinh (Pandurov, 2021).

Cô Catlin R. Tucker, giáo viên từ trường Trung học Windsor ở


California, đã áp dụng việc học kết hợp này trong lớp học của
mình. Cô chia sẻ: “Tôi đã từng trải qua nên tôi biết chỉ nhắc
đến việc kết hợp công nghệ vào một lớp học truyền thống thôi
là đã thấy khó khăn tới mức nào rồi. Tôi cảm thấy e ngại và
lo lắng. Tôi biết đây là một bước đi lớn – nhưng phần thưởng
của nó thậm chí còn lớn hơn” (Tucker, 2013).

Để không làm bạn cảm thấy quá tải, tôi sẽ chỉ giới thiệu hai mô
hình mà tôi tin là đơn giản, dễ áp dụng nhưng cũng vẫn sẽ có
tác động to lớn đến trải nghiệm học tập nói chung.

LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC


Có thể mô hình đơn giản nhất nhưng lại hiệu quả nhất là lớp
học đảo ngược (flipped classroom). Mô hình này dựa trên một ý
tưởng đơn giản là hoán đổi mục đích làm bài tập về nhà và
mục đích học trên lớp.

Tất cả chúng ta đều đã quen với trình tự dạy học là giáo viên
dạy bài mới trên lớp, sau đó giao bài tập về nhà để học sinh
thực hành kiến thức mới được học đó.

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 147


Vì thời gian trên lớp có hạn, giáo viên chỉ dạy bài mới một
lần (có nghĩa là học sinh không được nghe giảng đến lần thứ
hai) và theo một phong cách (hoặc là giáo viên viết lên bảng
hoặc thỉnh thoảng trình bày dưới dạng video), nhiều học sinh
có thể không hiểu bài mới. Sau đó, giáo viên cho bài tập để
học sinh làm ở nhà.

Hãy tưởng tượng một học sinh chăm chỉ tên là Lealdo (học
lớp bốn, khoảng 10 tuổi) ghi chép cẩn thận bài mới thuộc
môn toán. Lealdo hợp với việc học qua thị giác, còn nghe
giảng thì khó tiếp thu trừ khi em được nghe lại nhiều lần. Do
đó, Lealdo cố gắng làm bài tập toán, nhưng các phân số quá
khó, và em không hiểu những gì cô Green, cô giáo của em,
giải thích.

Trong tiết toán tiếp theo, cô Green kiểm tra bài tập về nhà.
Lúc nào cũng có vài học sinh không hoàn thành, hoặc vì
các em lười biếng, bận rộn, hoặc chỉ vì các em không hiểu
bài, kể cả khi học sinh đã rất cố gắng ở lớp cũng như ở nhà
như Lealdo. Cô Green không có thời gian để ôn tập cùng với
những em không làm bài tập về nhà và cô phải dạy tiếp bài
mới cho cả lớp theo yêu cầu của chương trình.

Với cách dạy này, học sinh nào không hiểu bài trước và không
làm bài về nhà thì sẽ bị hổng kiến thức (đối với các em nhỏ
tuổi thì một giáo viên tận tâm có thể gửi tin nhắn cho cha mẹ
nói rằng em học sinh đó liên tục không hoàn thành bài tập về

148 • UNLOCKED
nhà, và rất có thể mọi thầy cô đều làm như vậy). Càng ngày
càng có nhiều lỗ hổng nên cho đến khi có bài kiểm tra hoặc
bài thi tiếp theo, em đó sẽ bị điểm thấp. Tình trạng này cứ lặp
đi lặp lại, sau đó học sinh không lên nổi lớp (một trường học
hoặc cơ sở giáo dục quan tâm đến học sinh có thể tổ chức dạy
phụ đạo để các em không bị đúp lớp, nhưng việc này tốn chi
phí và nhân lực).

Những gì mà các em cần là được học bài mới theo cách thích
hợp hơn với mình, dựa trên phong cách học tập của mình.
Đây chính là lúc lớp học đảo ngược có thể hữu ích. Học sinh
có thể lên mạng (để đọc báo, xem video, sắp xếp các cuộc gọi
với các bạn trong lớp để thảo luận, kết nối với ai đó cách xa
hàng ngàn cây số...) để bước đầu làm quen với chủ đề mới
này. Các em có thể đọc lại, xem lại hoặc nói chuyện với các
bạn bao nhiêu cũng được, nhanh chậm thế nào cũng được,
miễn là để hiểu được bài học này. Và rồi, khi học sinh đến
lớp, các em dành thời gian trên lớp để thực hành, để đào sâu
hơn vấn đề, để hỏi giáo viên cho những điều khúc mắc và cần
giải đáp, để hiểu chủ đề bài học rõ ràng hơn.

Bây giờ, hãy tưởng tượng là giáo viên của Lealdo, cô Ivey, có
một lớp học đảo ngược. Cô Ivey đã làm một video giảng về
phân số. Lealdo có thể mở video đó ở nhà và xem đi xem lại,
thực hành tính phân số cho buổi lên lớp vào ngày mai. Khi
Lealdo đến lớp, giáo viên giao bài tập về phân số cho các em.
Lealdo có thể làm bài tập về kiến thức mới mẻ đó dưới sự chỉ

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 149


bảo của giáo viên, lúc này cô có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào
cần thiết. Tổng thời gian thì không đổi, nhưng các công đoạn
đã được đảo ngược để có lợi cho học sinh.

Những nhà phê bình ngay lập tức phản đối kiểu lớp học đảo
ngược này, họ cho rằng: “Biết đâu ở nhà học sinh không học gì
thì sao?” Chắc chắn là trong kiểu lớp học này, học sinh cần phải
được làm quen, được khuyến khích và được trao thưởng khi đã
nhiệt tình và chủ động hơn trong việc học của mình. Hy vọng là
với kiểu học theo phương pháp các em thích, với tốc độ các em
thấy phù hợp, kiến thức mới do đó cũng bớt nhàm chán hơn so
với kiểu học truyền thống. Tuy nhiên, cũng có nhiều giải pháp
cho những học sinh không chuẩn bị bài ở nhà. Giáo viên có thể
sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau để đảm bảo học sinh làm
quen với nội dung mới, như chia nhóm để ít nhất có một em
chuẩn bị bài ở nhà và chia sẻ kiến thức học được với cả nhóm,
hoặc ngay từ đầu tiết học, giáo viên có thể giảng sơ lược những
phần quan trọng của bài mới với cả lớp.

Một hạn chế khác của phương pháp lớp học đảo ngược này
là học sinh sẽ cần một thiết bị (máy tính để bàn hoặc xách tay,
máy tính bảng hoặc điện thoại) có kết nối Internet ở nhà. Với
sự phổ biến Internet ngày càng tăng và giá thành của các thiết
bị đó càng giảm trên toàn cầu, vấn đề này đang ngày càng thu
hẹp lại. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được mô hình lớp học đảo
ngược, nhà trường cần đảm bảo 100% học sinh đều có thể học
trực tuyến tại nhà. Bà Elizabeth Trach công tác tại Schoology

150 • UNLOCKED
có nói rằng: “Điều kiện trang bị thiết bị điện tử có thể khiến cho
sự phân biệt giàu nghèo ngày càng rõ rệt và học sinh không tiếp
cận được với công nghệ có thể sẽ gặp khó khăn” (Trach, 2020).
Vào tháng 12 năm 2021, tôi phỏng vấn cô Annie Balbuena, một
giảng viên Đại học ở Philippines, cô chia sẻ rằng trong đại dịch
COVID-19, nhiều học sinh của cô gặp khó khăn trong việc học
trực tuyến vì gia đình các em chỉ có một thiết bị điện tử để học.
Nhiều anh chị em dùng chung một thiết bị và nếu trùng lịch thì
chỉ có một người được học.

Nếu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề kỹ thuật này và


động viên học sinh làm quen với nội dung bài mới ngay khi ở
nhà thì thời gian trên lớp chắc chắn sẽ giá trị hơn.

XOAY VÒNG HOẠT ĐỘNG


Xoay vòng hoạt động (station rotation) là một mô hình học khác có
thể khiến cho lớp học sôi nổi hơn. Đúng như tên gọi của nó,
trong mô hình lớp học này, học sinh quay vòng giữa các vị
trí trong phòng học (mỗi vị trí là một hoạt động khác nhau).
Cả lớp không làm cùng một hoạt động trong cùng một thời
gian mà các em có thể chia thành những nhóm nhỏ. Trong khi
nhóm này đang thực hiện một hoạt động chung thì nhóm khác
có thể thực hiện một hoạt động riêng, hoặc trên giấy hoặc trên
mạng nếu có điều kiện. Ví dụ, các em có thể làm trắc nghiệm
trên máy tính hoặc máy tính bảng. Mọi người vẫn ở trong một
lớp học và giáo viên có thể giám sát và hỗ trợ tất cả các nhóm.

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 151


Mô hình này cho phép giáo viên rời khỏi vị trí trung tâm lớp
học, biến học sinh thành trung tâm trong trải nghiệm học tập.
Với mô hình xoay vòng hoạt động, chúng ta có thể đảm bảo
học sinh nào cũng đang làm việc, hoặc với giáo viên, hoặc
với các bạn, hoặc độc lập. Mô hình này cũng có thể được áp
dụng với nhiều kiểu tư thế hoạt động khác nhau (đứng, ngồi,
ngồi bàn thông thường). Điều này cũng góp phần tạo nên môi
trường năng động.

Ví dụ trường hợp cô Spinks là một giáo viên dạy tiếng Anh và


mục tiêu của cô cho bài học sắp tới là ôn lại từ mới liên quan
đến các loại rau thơm, như mùi tây, thì là, hoặc rau mùi. Thay
vì đứng trước lớp yêu cầu các em mở sách ra và ôn lại bài học
trong sách thì cô có thể chia lớp thành ba hoạt động sau.

Hoạt động đầu tiên, những học sinh như Lealdo có thể làm
việc một mình với bài tập tìm từ, củng cố cách đánh vần từ.
Hoạt động thứ hai, học sinh sử dụng tai nghe và máy tính bảng
để tự nghe phát âm chuẩn của các từ. Lúc đó, cô Spinks có thể
dành thời gian với nhóm còn lại ở hoạt động thứ ba để kiểm
tra khả năng hiểu nghĩa từ của các em, giúp các em thảo luận
và suy nghĩ về cách dùng những thứ rau thơm này.

Về việc học kết hợp, theo nghiên cứu của viện Clayton
Christensen Institute cùng với trung tâm New Teacher Center
và quỹ Silicon Schools Fund, những trường như KIPP LA

152 • UNLOCKED
(Knowledge is Power Program ở Los Angeles), Summit Public
Schools hoặc trường Navigator Schools có tiếng là ủng hộ
phương pháp này. Trong một cuộc phỏng vấn, cô Colleen
Kennedy, giáo viên của trường KIPP LA (chuyên về mô hình
xoay vòng hoạt động), đã chia sẻ rằng khi không có mặt cô, các
em vẫn chuyên tâm học tập. Vì học theo nhóm nhỏ nên các em
có nhiều cơ hội để nói chuyện với cô Kennedy và với các bạn,
cho dù lớp học có 27 em. Tùy theo nhu cầu của mỗi nhóm mà
cô giáo có những hướng dẫn khác nhau (New Teacher Center).

Tuy nhiên, có một số hạn chế trong mô hình này mà chúng ta


cần phải nhớ.

Đầu tiên, trong mô hình này, thời gian cho từng hoạt động bị
ấn định từ trước. Tức là trong mỗi hoạt động, các em chỉ có
một khoảng thời gian cố định như nhau. Đây có thể là một
vấn đề vì các em học ở tốc độ khác nhau.

Có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, như cô Sharon


Wright, một huấn luyện viên về học tập kết hợp. Cô nói: “Lúc
chuông rung lên báo hiệu chuyển hoạt động, tôi nghe có vài
tiếng thở dài từ cả phía học sinh lẫn giáo viên. Học sinh đang
làm một hoạt động trực tuyến nên đang tập trung cao độ và
không muốn rời đi, và đồng thời, giáo viên cũng nói rằng họ
cần vài phút với một nhóm học sinh nào đó để đảm bảo các
em nắm vững nội dung.”

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 153


Hạn chế thứ hai là trật tự trải nghiệm học tập của mỗi nhóm
khác nhau, trong khi cả Lealdo và Stephanie có thể đều cần
đi theo cùng một trật tự. Hãy tưởng tượng có ba hoạt động
trong lớp học gọi là hoạt động 1, 2 và 3. Học sinh chia thành
các nhóm A, B, và C. Nhóm A (có Lealdo) sẽ làm hoạt động
1, nhóm B (có Stephanie) sẽ làm hoạt động 2, và nhóm C sẽ
làm hoạt động 3 trong một khoảng thời gian cố định. Sau khi
hết thời gian, mỗi nhóm sẽ chuyển sang hoạt động tiếp theo.
Lealdo bắt đầu từ hoạt động 1 thì sẽ chuyển sang hoạt động
2 và rồi cuối cùng là hoạt động 3. Nhóm của Stephanie bắt
đầu từ hoạt động 2 thì sẽ chuyển sang hoạt động 3 và rồi kết
thúc bằng hoạt động 1. Do đó, trật tự trải nghiệm không giống
nhau, mặc dù nếu giống nhau thì có thể hữu ích hơn cho các
em. Trật tự các hoạt động của một học sinh là do giáo viên
quyết định. Từ quan sát và sự thấu hiểu học sinh, giáo viên có
thể chia nhóm và sắp xếp các hoạt động sao cho trật tự phù
hợp với mỗi em nhất.

Cuối cùng, việc xoay vòng hoạt động không phù hợp với mọi
loại hình môn học và nhiệm vụ. Ví dụ, chúng không phù hợp
nhất với việc viết bài luận. Thường thì chúng ta áp dụng mô
hình này để dạy bài mới hoặc ôn lại các khái niệm.

Do đó, nhiều trường học, trong đó có trường Summit Public


Schools, đang áp dụng mô hình Flex (mô hình linh hoạt) cho
việc học kết hợp. Trong mô hình này, học sinh chuyển qua các
hoạt động lúc nào là tùy, chỉ cần các em đã hoàn thành hoạt

154 • UNLOCKED
động trước. Trong khâu chuẩn bị, mô hình Flex này sẽ khó tổ
chức hơn nhiều so với mô hình lớp học đảo ngược hoặc mô
hình xoay vòng hoạt động. Giáo viên sẽ phải có mặt cùng lúc
trong tất cả các hoạt động khác nhau khi từng em học sinh
một chuyển sang các hoạt động theo tốc độ làm việc của riêng
mình. Do đó, trong mô hình Flex, các phòng học chính chia
làm nhiều phòng nhỏ và phòng thí nghiệm khác nhau, mỗi
phòng có một giáo viên riêng để dạy bất cứ khi nào học sinh
chuyển sang.

TỔNG KẾT CHƯƠNG


Tất cả các mô hình kết hợp đều có mặt lợi và bất lợi. Nhà
trường có thể xem xét và chọn mô hình dựa trên không gian
và nguồn tài nguyên sẵn có của mình. Mục đích chính của
mô hình xoay vòng hoạt động là tạo điều kiện cho giáo viên
dành nhiều thời gian hơn với một nhóm nhỏ để hỗ trợ các em
tốt hơn. Trong khi điểm mấu chốt của mô hình lớp học đảo
ngược là để học sinh được học theo tốc độ phù hợp với riêng
mình. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là làm sao cho học sinh
làm chủ toàn bộ các kỹ năng và thông tin được dạy, có thể áp
dụng kiến thức vào đời sống thực và để học sinh hiểu tốt hơn
nội dung cần đạt. Học kết hợp là một công cụ vô cùng hữu ích
trong việc đạt được những mục tiêu đôi khi tham vọng nhưng
vẫn vô cùng xứng đáng này.

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 155


03

ỨNG DỤNG

PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP • 157


CHƯƠNG 11

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN


Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Tại sao mọi đứa trẻ cần một người hướng dẫn?
2. Tôi có thể sử dụng những phương pháp nào để hướng
dẫn trẻ?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN • 159


Ai trong đời cũng có những mục tiêu muốn chạm đến, những
thử thách cần vượt qua và những lần cảm thấy bế tắc. Tìm
kiếm và/hoặc trở thành người khai vấn sẽ khiến ta hài lòng
hơn với bản thân và với công việc của mình (ICF). Như Liên
đoàn Khai vấn Quốc tế (International Coaching Federation -
ICF) đã định nghĩa, khai vấn là đồng hành cùng quá trình tư
duy, sáng tạo, một hành trình truyền cảm hứng để người được
hướng dẫn phát triển hết tiềm năng bản thân và tiềm năng
nghề nghiệp của mình. Theo ICF, quá trình khai vấn thường
giải phóng trí tưởng tượng, khả năng làm việc và lãnh đạo
mà trước đây chưa được khai mở. Trong chương này, chữ
“người được khai vấn” và “học sinh” được sử dụng tương
đương nhau vì tôi muốn chỉ ra rằng chúng ta nên xem học
sinh như những người được khai vấn.

Nếu cả người khai vấn và người được khai vấn đồng lòng
quyết tâm thì việc khai vấn này có thể khơi mở tiềm năng của
người được khai vấn, và tiềm năng đó sẽ thể hiện ra bằng
những kết quả hữu hình. Vai trò của người khai vấn ở đây là
lắng nghe, đặt câu hỏi, thấu hiểu và truyền cảm hứng. Trong
những buổi huấn luyện này, người hướng dẫn cần tìm hiểu
những giá trị, niềm tin và cảm xúc của người được khai vấn.
Thông qua toàn bộ quá trình này, người được khai vấn sẽ
nhận ra mình cần làm gì để phát triển bản thân (Everett, 2014).

Thấu hiểu bản thân vốn dĩ đã là một kỹ năng khó. Người khai
vấn có thể giúp học trò của mình xác định những kỹ năng sở

160 • UNLOCKED
trường và những kỹ năng cần được cải thiện. Người học cũng
cần cởi mở tiếp thu những đánh giá mang tính xây dựng và
hiểu được thiện ý của người hướng dẫn.

Bất cứ phụ huynh hay giáo viên nào cũng có thể trở thành
người hướng dẫn và sử dụng một số kỹ thuật cơ bản để giúp
các em học sinh suy ngẫm về cuộc sống, về những ưu tiên sự
nghiệp và khát vọng bản thân. Khi các học em đã quen hơn
với những kỹ thuật này và phát triển ở một mức nào đó, các
em cũng có thể bắt đầu tự huấn luyện bản thân.

Những ưu tiên và khát vọng có thể thay đổi theo thời gian.
Do đó, việc thực hành thường xuyên là vô cùng hữu ích, ví dụ
cứ sau sáu tháng hoặc sau một cột mốc ý nghĩa nào đó trong
cuộc đời của học trò. Khi những ưu tiên thay đổi, quan trọng
là cần phải ghi nhớ rằng mọi mô hình huấn luyện đều dành
cho mục tiêu lâu dài.

GROW (PHÁT TRIỂN)


Công cụ đầu tiên là mô hình GROW, viết tắt của: Goals
(Mục tiêu), Reality (Thực tế), Options (Lựa chọn) và Will
(Ý chí).

Mô hình GROW được Ngài John Whitmore và đồng nghiệp


tìm ra vào cuối thập niên 1980. Kể từ đó đến nay, nó đã trở
thành mô hình hướng dẫn nổi tiếng nhất thế giới trong việc

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN • 161


giải quyết vấn đề, đặt mục tiêu và nâng cao hiệu quả công
việc (Performance Consultants).

Ban đầu, một người phải xác định mục tiêu và khát vọng mà
họ muốn đạt được trong một giai đoạn nhất định. Sau đó, họ
phải viết ra tình trạng hiện tại của mình liên quan đến mục
tiêu hoặc khát vọng đó. Tiếp theo, người đó cần phải động
não để nghĩ ra mọi lựa chọn mình có được để thực hiện hóa
mục tiêu đó. Cuối cùng, quan trọng là lập ra một kế hoạch
hành động với tất cả những bước nho nhỏ - tức là làm gì và
khi nào, và tốt nhất là đặt ra những mục tiêu có thể đo đếm
được (Mindtools).

Để minh họa mô hình GROW trong thực tế, tôi xin đưa ra ví
dụ về chính bản thân mình. Tôi bắt đầu học tiếng Pháp hồi
còn học cấp Ba và lúc nào cũng muốn đắm mình trong nền
văn hóa đó hơn nữa. Lên Đại học, tôi tham gia một tổ chức
sinh viên toàn cầu tên là AIESEC (Association Internationale
des Étudiants En Sciences Économiques et Commerciales –
Tổ chức Quốc tế của Sinh viên Ngành Khoa học Kinh tế và
Thương mại). Là thành viên, tôi có cơ hội tham gia nhiều hội
thảo, hội nghị và được gặp nhiều người hướng dẫn. Khoảng
năm thứ hai, tôi được biết đến mô hình GROW. Sau đó, tôi
đã đặt mục tiêu là phải sống ở Pháp ít nhất là sáu tháng trước
tuổi ba mươi. Lúc ấy tôi mới chỉ học tiếng Pháp trong trường
và tôi biết rất ít về văn hóa cũng như ẩm thực của Pháp. Sau

162 • UNLOCKED
khi có một mục tiêu rõ ràng và vạch ra vị trí hiện tại của mình,
tôi đã nghĩ ra vài lựa chọn giúp mình đạt được mục tiêu đó.
Tôi có thể theo học một trung tâm ngôn ngữ Pháp để bổ túc
thêm phần hội thoại ngoài những bài trên trường. Tôi cũng
có thể tham gia một khóa học để tập trung lấy chứng chỉ tiếng
Pháp. Ở trường, tôi có thể đọc thêm sách bằng tiếng Pháp về
nước Pháp và xem nhiều hơn bộ phim nói tiếng Pháp có phụ
đề tiếng Pháp. Tôi cũng có thể du lịch đến Pháp với gia đình
thông qua một đại lý du lịch hoặc tìm một cộng đồng người
Pháp trong thành phố của tôi, tham gia mọi sự kiện văn hóa
mà họ tổ chức. Sau khi lên danh sách những lựa chọn, tôi
quyết định làm những gì dễ dàng trong khả năng thời gian và
ngân sách của mình trước. Rồi tôi sắp xếp các bước theo dòng
thời gian và viết một danh sách những việc cần làm cho mỗi
bước tương ứng. Nói tóm lại, tôi đã hoàn thành mọi mục tiêu
đã viết ở trên và đã đến Pháp sống, học tập trong gần nửa năm.

Không quá ngạc nhiên khi GROW là mô hình huấn luyện nổi
tiếng nhất thế giới. Nó rất dễ làm theo và từ trải nghiệm của
mình, tôi có thể nói rằng nó thực sự hiệu quả! Nó phù hợp
như đo ni đóng giày cho từng cá nhân và có thể áp dụng cho
cả mục tiêu lớn lẫn mục tiêu nhỏ.

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN • 163


THE WHEEL (BÁNH XE)
The Wheel là mô hình khai vấn thứ hai. Mô hình ấy giống
như bánh xe chia thành tám phần bằng nhau, tương tự như
khi bạn cắt một chiếc pizza vậy (Elsey, 2022). Mỗi phần xác
định một ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mỗi người.

Cụ thể hơn, có thể lấy ví dụ về một người muốn cải thiện khả
năng lãnh đạo của mình. Mỗi một trong tám phần này nên
được đặt tên theo kỹ năng nào mà người đó nghĩ là sẽ giúp
họ trở thành người lãnh đạo tuyệt vời, từ những kỹ năng giao
tiếp, quản lý thời gian, kỹ năng bán hàng, kỹ năng quản lý tài
chính, động lực và sự kiên trì cho đến kỹ năng đọc tài liệu.

Mỗi phần của bánh xe sẽ được đánh giá trên thang điểm từ
1 tới 10. 1 là ở giữa bánh xe và 10 là ở rìa bánh xe. Sau đó,
người ấy sẽ suy nghĩ và tự đánh giá bản thân mình ở mỗi kỹ
năng như thế. Việc cho điểm này hoàn toàn mang tính chủ
quan, mặc dù người đánh giá có thể dựa trên những người
mà họ ngưỡng mộ làm tiêu chuẩn. Đó là những người sở hữu
một kỹ năng cụ thể nào đó ở mức thượng thừa mà họ muốn
một ngày nào đó có thể đạt được như vậy.

Khi bánh xe này đã được phân chia và được cho điểm, nhìn
vào nó, người ta có thể nhận thấy mình cần phải tập trung cải
thiện kỹ năng nào trong một khoảng thời gian nhất định mà
họ muốn. Sau đó, họ có thể lập ra một kế hoạch hành động
khả thi, vững chắc với những thời hạn đi kèm kết quả định

164 • UNLOCKED
lượng được để cải thiện mỗi lát cắt trong bánh xe. Nếu cần,
họ có thể lặp lại quá trình này nhanh chậm tùy ý sao cho đạt
được sự tiến bộ trông thấy và quyết định có phải thêm bước
nào nữa hay không (Elsey, 2022).

SƠ ĐỒ VENN
Công cụ thứ ba là sơ đồ Venn với ba tới bốn hình tròn chồng
lên nhau.

Hình tròn thứ nhất bao gồm mọi đam mê và sở thích. Hình
tròn tiếp theo bao gồm các sở trường hoặc những việc mà
người đó làm giỏi. Hình tròn thứ ba chỉ ra khoảng trống hoặc
nhu cầu mà xã hội đang cần lấp đầy và hình tròn thứ tư (thỉnh
thoảng được gộp vào hình tròn thứ ba) liệt kê những gì mà xã
hội sẵn sàng bỏ tiền ra cho chúng. Sau khi liệt kê tất cả những
điều này, cá nhân đó có thể tìm kiếm điểm giao của tất cả
những hình tròn và tập trung thời gian cũng như công sức của
mình vào đó (Rinnelt, 2017).

Ví dụ một người thích giúp đỡ người khác. Người đó muốn


chia sẻ kiến thức, những cuộc trò chuyện và biết cách giảng
giải rất rõ ràng. Thế mạnh của người đó là nói chuyện trước
đám đông, điều phối nhóm và hỗ trợ người khác. Người này
tìm ra những con số thống kê cho thấy trong xã hội có những
người trẻ không chắc chắn định hướng sau tốt nghiệp và cần
nhiều sự giúp đỡ để tìm lối đi cho mình. Do đó, người này

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN • 165


cho rằng có một số người sẵn sàng trả hàng nghìn đô la mỗi
năm để được huấn luyện về sự nghiệp.

Sau khi sáp nhập bốn hình tròn này lại, người này có thể, ví
dụ, nhận ra họ có khả năng trở thành huấn luyện viên phát
triển cá nhân cho những người ở độ tuổi 20. Đến bước tiếp
theo, người này sẽ phải một lần nữa nghĩ ra một kế hoạch
hành động cụ thể hơn để trở thành một nhà huấn luyện giỏi,
như tham gia một khóa học có lấy chứng chỉ, làm video huấn
luyện miễn phí hoặc viết blog chia sẻ những kỹ thuật khai vấn.

COMPASS
COMPASS là kỹ thuật khai vấn thứ tư, nơi người được khai
vấn có thể tìm thấy hướng đi cuộc đời của mình.

Từ compass bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ, dựa trên chữ Latin
com – nghĩa là “cùng nhau” và passus nghĩa là “một bước hoặc
tốc độ”. Từ này định nghĩa rất chính xác quá trình khai vấn
trong đó người hướng dẫn và người được hướng dẫn cùng
nhau tiến về phía trước theo hướng mà người được hướng
dẫn muốn đi (Everett, 2014).

Sau buổi đầu tiên, hai bên tiếp tục thu thập thông tin để
nhất quán với con đường phát triển của người được hướng
dẫn. Để bắt đầu, người hướng dẫn cần hiểu được “Current
situation – Tình trạng hiện tại”, những gì đang diễn ra trong
đời sống của người được hướng dẫn, và tại sao người ấy lại

166 • UNLOCKED
muốn được hướng dẫn. Rồi đến “Objective – Mục tiêu”, mục
tiêu hoặc những kết quả mong muốn từ những buổi hoặc cả
quá trình hướng dẫn này. Thứ ba là “Motivation – Động lực”,
để hiểu lý do vì sao người đó muốn có kết quả và mục tiêu cụ
thể đó. Tiếp nữa là “Pace – Tốc độ”, đây là khi cả hai người
đều cùng nhau lập khung thời gian để đạt các kết quả. Bước
tiếp theo là “Action – Hành động” hoặc một kế hoạch hành
động với những bước cụ thể để đạt được kết quả cuối cùng
(Everett, 2014). Từ đây, người được hướng dẫn bắt đầu tự
bước đi bằng đôi chân của chính mình trước khi có buổi huấn
luyện tiếp theo.

Sau một thời gian, người hướng dẫn kết nối với người được
hướng dẫn một lần nữa để “Stocktake – Nhìn lại”, tức là tổng
kết những gì đã xảy ra và thảo luận về “Subsequent – Diễn
biến tiếp theo”, tức là những bước đi tiếp theo. Thảo luận về
những điều mới học được từ những hành động gần đây sẽ
giúp tìm ra con đường tiến đến mục tiêu phía trước.

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN • 167


TỔNG KẾT CHƯƠNG
Với bất kỳ người khai vấn nào, càng hiểu rõ người được khai
vấn thì càng tốt. Do đó, anh ta có thể để học trò mình hoàn
thành một số bài kiểm tra tính cách, như DISC (Dominance
– Influence – Steadiness – Compliance hay Thống trị – Ảnh
hưởng – Điềm đạm – Hòa hợp) hoặc MBTI (Myers-Briggs
Type Indicator – Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs). Những
bài trắc nghiệm này sẽ nói cho người hướng dẫn biết nhiều
hơn về hành vi và tính cách của người được hướng dẫn. Bên
cạnh những bài trắc nghiệm tính cách, còn có những bài kiểm
tra khác cho chúng ta biết nhiều hơn về phong cách lãnh đạo
hoặc vai trò trong đội nhóm mà người được hướng dẫn mong
muốn, trong đó có bài trắc nghiệm vai trò Belbin mà nhiều
người biết đến.

Khi huấn luyện, người hướng dẫn cũng cần để cho học trò
của mình tự đánh giá về khả năng đối diện với CRAP, tức
là với “Criticsm” (chỉ trích), “Rejection” (từ chối), “A**holes”
(những kẻ đê tiện) và “Pressure” (áp lực) (St. John, 2005). Để
theo dõi tiến độ hoặc để ghi lại những đánh giá, quan sát,
người ta thường khuyên người được hướng dẫn viết nhật ký,
một dạng ghi chép đặc biệt để có thể chia sẻ với thầy của mình
trong mỗi buổi huấn luyện.

Là cha mẹ hoặc giáo viên, chúng ta cũng có thể sử dụng


nhiều kỹ thuật để giúp đỡ và hướng dẫn học sinh phát triển
đúng hướng. Các kỹ thuật hướng dẫn được nhắc đến trong

168 • UNLOCKED
chương này có thể áp dụng cho bất cứ ai, vì chúng đặt ra
những câu hỏi xác đáng để người học phải suy nghĩ, tự ngẫm
và tìm ra câu trả lời cho riêng mình trong khi phân tích một
cách tích cực cuộc sống của bản thân. Người hướng dẫn cần
hiểu được học trò của mình. Một học trò nhỏ tuổi có thể cần
giúp đỡ để phát triển ý thức về bản thân nhiều hơn, trong
khi học trò lớn hơn có thể cần nhiều nhận xét mang tính xây
dựng quyết liệt hơn.

Những phương pháp hướng dẫn này có thể thực sự hữu ích
để học sinh xác định rõ mình muốn gì và làm thế nào để duy
trì con đường tiến tới các mục tiêu. Thông qua những kỹ thuật
được nói ở trên, tìm kiếm mục đích sống và đạt được những
mục tiêu đã trở thành một việc thực tế chứ không phải chỉ là
giấc mơ viển vông, để rồi từ đó dẫn tới sự phát triển vượt bậc
trong tương lai.

KHAI VẤN – HƯỚNG DẪN • 169


CHƯƠNG 12

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ


GIÁO DỤC (EDTECH)
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Con tôi có thể sử dụng những ứng dụng thú vị nào?


2. Làm thế nào công nghệ có thể giúp tôi hiểu được con hơn?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) • 171


Một tối nọ vào tháng 3 năm 2020 ngay sau khi đại dịch toàn
cầu bắt đầu, Nadia, cô bạn Đại học của tôi gọi điện đến. Tôi
đang sống ở Hà Nội, Việt Nam, còn cô ấy sống ở Los Angeles,
California, cách nhau tầm 14 múi giờ. Cô ấy nghĩ ra ý tưởng về
một dự án học trực tuyến mà cô ấy muốn áp dụng cho học sinh
Việt Nam. Ý tưởng này lấy cảm hứng từ trường Outschool ở
Mỹ. Trường này cung cấp rất nhiều khóa học trực tuyến. Trước
khi đăng ký một khóa học nào đó trên Outschool, học sinh có
thể đọc những bài đánh giá về giáo viên cũng như về chính khóa
học ấy, cùng với tổng số lượng học sinh đã đăng ký học.

Nadia đặt tên dự án học trực tuyến này là DaMon Education.


Mục tiêu của nó là cung cấp các bài giảng trực tuyến dạy ngoại
ngữ, kỹ năng mềm hoặc thậm chí cả những bài luyện tập thể
hình. Sau khi tôi tham gia cùng Nadia, chúng tôi đã thử dùng
Zoom, Google Meet hoặc Skype làm nền tảng để giảng bài. Là
những người sáng lập, chúng tôi dạy những khóa đầu tiên về
chủ đề công dân toàn cầu và khả năng làm việc bất cứ nơi nào
trên thế giới. Hóa ra, đó là trải nghiệm tuyệt vời đối với cả học
viên lẫn chúng tôi. Chúng tôi tìm ra học viên, và học viên tìm
thấy chúng tôi thông qua sự giới thiệu truyền miệng và thông
qua mạng xã hội.

Chúng tôi đã thích nghi bằng cách sử dụng whiteboard (bảng


trắng điện tử), khảo sát ý kiến và thậm chí cả ứng dụng chia
nhóm để việc học mang tính tương tác hơn. Đột nhiên, chúng

172 • UNLOCKED
tôi nhận ra rằng, nhờ có công nghệ, Nadia có thể tìm kiếm học
viên trên khắp Việt Nam trong khi vẫn sống ở Los Angeles.

Sau khi tự mình giảng dạy, chúng tôi bắt đầu hợp tác với
các giáo viên khác để cung cấp nhiều khóa học khác nhau
trên DaMon Education. Chúng tôi không tuyển dụng ai cả và
chúng tôi thậm chí còn chẳng tạo nội dung bài học nữa. Mục
đích của chúng tôi chỉ là kết nối giáo viên với học viên. Chúng
tôi chỉ đơn giản là một nền tảng để giáo viên có thể tổ chức các
khóa học của chính mình. Đến tháng 8 năm đó, chúng tôi đã
làm việc với khoảng 30 giáo viên và chúng tôi có các khóa học
trải dài từ học tiếng Hàn, đến quản lý thời gian, cho tới yoga.
Khi quy mô của chúng tôi ngày càng mở rộng, toàn bộ quá
trình duyệt giáo viên và lên lịch với học viên bắt đầu ngày càng
phức tạp nếu chỉ làm thủ công. Thế là, chúng tôi tìm cách tự
động hóa. Chúng tôi đã đưa nhiều công nghệ vào để giáo viên
mới tự tổ chức trên nền tảng của chúng tôi cũng như để học
viên tự đăng ký các khóa học mà không có sự can thiệp của
chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi có thể nói rằng mình đã là một
phần của thế giới công nghệ giáo dục (EdTech).

ĐÔI ĐIỀU VỀ EDTECH


Các công ty EdTech là những công ty công nghệ, thường là
các công ty khởi nghiệp, tập trung vào đổi mới giáo dục –
nhiều trong số đó hiện đang được thành lập trên khắp thế giới

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) • 173


(Holon IQ). Độc giả trong những xã hội phương Tây có thể
đã quen với những cái tên công ty như Udemy, Quizlet hoặc
Masterclass, cũng như các công ty Trung Quốc hợp tác với
các nhà giáo dục phương Tây như VIPKid hoặc iTutorGroup.
Tuy nhiên, tổng giá trị của cả năm công ty kể trên (khoảng
12,55 tỷ USD tại thời điểm tháng 10 năm 2021) cũng vẫn
chưa bằng gã khổng lồ EdTech ByJu’s của Ấn Độ với giá trị là
18 tỷ đô vào tháng 10 năm 2021 (Holon IQ , 2021).

Theo Holon IQ , tính đến thời điểm tháng 1 năm 2022, có


khoảng 33 công ty kỳ lân EdTech (công ty kỳ lân là công ty tư
nhân với giá trị trên 1 tỷ đô la). 16 công ty trong số này là ở
Mỹ, 8 ở Trung Quốc và 5 ở Ấn Độ, các nước: Canada, Israel,
Australia và Áo, mỗi nước có một công ty (Holon IQ , 2022).

Mặc dù có những 33 công ty kỳ lân EdTech, nhưng các công


ty khởi nghiệp EdTech vẫn chưa chiếm đến 4% tổng số 1.000
công ty kỳ lân trong mọi lĩnh vực ngành nghề trên toàn thế
giới (CB Insights). Nhu cầu đưa công nghệ vào trường học
trên khắp thế giới đã chứng tỏ là một nguồn tiềm năng rất lớn
trong ngành giáo dục nhưng chưa được khai phá.

Trong năm 2020, thị trường giáo dục toàn cầu có giá trị là
5,4 nghìn tỷ đô la, trong đó EdTech có giá trị là 227 tỷ đô,
chỉ chiếm khoảng 4%. Mặc dù EdTech chiếm tỷ lệ không cao
trong tổng chi phí cho giáo dục nhưng nó đang ngày càng gia

174 • UNLOCKED
tăng đáng kể. Chỉ từ năm 2019 đến năm 2020, EdTech đã
tăng tới 24%, từ 183 tỷ đô đến 227 tỷ đô (Holon IQ , 2020).

Đến năm 2016, CB Insights đã công bố sơ đồ công ty công


nghệ EdTech trong một trang giấy (CB Insights, 2016). Bao
gồm 13 loại công ty EdTech khác nhau:
1. Các nền tảng học trực tuyến mở rộng – đưa ra nhiều loại
video bài học và khóa học theo nhiều chủ đề và lĩnh vực
khác nhau. Coursera, Udemy hoặc Khan Academy là những ví
dụ tiêu biểu cho những nền tảng này.
2. Hệ thống quản lý học tập – giúp giáo viên, học sinh và
phụ huynh hợp tác với nhau tốt hơn. Giáo viên có thể tổ
chức tài liệu giảng dạy vào một chỗ. HotChalk, Remind và
Nearpod là những công ty đáng chú ý trong hạng mục này.
3. Giáo dục sớm cho trẻ – các công ty trong nhóm này
thường tạo ra những video hoặc trò chơi giáo dục mang
tính tương tác cho trẻ em, như những sản phẩm của công
ty Speakaboos.
4. Học ngôn ngữ – giúp mọi người trên khắp thế giới học
ngoại ngữ trực tuyến. Ví dụ, Duolingo rất phổ biến với
nhiều người tự học. 51Talk hoặc TutorGroup cũng là những
ví dụ khác, chuyên về dạy tiếng Anh cho người Trung
Quốc vì học tiếng Anh đang ngày càng phổ biến ở đây.
5. Những công cụ học tập cho thế hệ trẻ – những thẻ nhớ và
trò chơi có âm thanh - hình ảnh. Các nhà giáo dục thường
dùng Kahoot! và Picmonic.

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) • 175


6. Đào tạo doanh nghiệp – giúp các tổ chức lớn tạo nội dung
đào tạo nhân viên mới vào hoặc cung cấp khóa đào tạo bổ
sung cho nhân viên cũ. EdCast hoặc Inkling là hai công ty
khởi nghiệp tập trung vào tạo điều kiện cho trải nghiệm này.
7. Trực tuyến đến trực tiếp – những nền tảng trong mục này
cung cấp các dịch vụ như như gia sư sau giờ học. Những
nền tảng này, giống như Yuanfudao, đang ngày càng trở nên
phổ biến ở các nước như Trung Quốc.
8. Quản lý nhà trường – các công cụ như chương trình
Parchment giúp nhà trường và người quản lý hỗ trợ giáo
viên tốt hơn hoặc tổ chức ghi hình và quản lý bản ghi lời
giảng trực tuyến.
9. Trường học hiện đại – các công ty khởi nghiệp với mục
đích tái tạo trải nghiệm học tập cho học sinh đang xây
dựng những ngôi trường và phần mềm cho riêng mình.
Minerva hay UniversityNow đang tập trung vào việc tái
tạo trải nghiệm học tập ở cấp Đại học.
10. Soạn chương trình học – những nền tảng tạo nội dung
giáo dục, như những cuốn sách, video và thẻ nhớ tương
tác trực tuyến. Apex Learning hoặc Cengage Learning là
một trong số những nền tảng như thế.
11. Tìm kiếm – giúp học sinh và phụ huynh tìm kiếm trường
lớp, các chương trình, các điểm đánh giá và những thông
tin bổ sung để đưa ra quyết định, lựa chọn đúng đắn hơn.
GreatSchools là một ví dụ.
12. Học về công nghệ - các công ty khởi nghiệp cung cấp công

176 • UNLOCKED
cụ để học các kỹ năng lập trình hoặc những kỹ năng công
nghệ thông tin khác. Trong tương lai có rất nhiều công việc
yêu cầu kiến thức công nghệ. Udacity hay Codeacademy
đã chiếm vị trí tiên phong trong lĩnh vực này.
13. Chuẩn bị bài kiểm tra – những nền tảng này, như ByJu’s
của Ấn Độ, BenchPrep của Mỹ hoặc Xiaozhan Jiaoyu
của Trung Quốc, giúp học sinh chuẩn bị cho các bài thi
chuẩn hóa.

Trong thời đại thông tin hiện nay, nhu cầu của chúng ta phụ
thuộc vào khả năng tìm kiếm tài liệu trên mạng vì nó cho
phép bất cứ ai cũng có thể tìm tòi, nghiên cứu và hình thành
chính kiến hoặc đơn giản là chỉnh sửa các bài luận. Có vô vàn
những chương trình và ứng dụng trực tuyến nổi tiếng đang
dọn đường để bước vào thế giới EdTech đáp ứng mọi nhu
cầu học tập. Có nhiều ví dụ, trong đó có Elsa Speak. Phần
mềm này giúp những người học tiếng Anh cải thiện phát âm
hoặc ngữ pháp. Nó giúp người viết chỉnh sửa những lỗi ngữ
pháp, rèn văn phong súc tích, rèn cách chọn từ trong khi viết
lách như viết luận hoặc viết sách.

Nhiều công ty EdTech đang góp phần không nhỏ trong việc
thay đổi giáo dục, nhưng công chúng nói chung có thể còn
chưa biết nhiều về họ. Người ta không biết nhiều về những
cải tiến trong công nghệ giáo dục vì không có nhiều quảng cáo
EdTech, do thiếu nguồn tài trợ trong ngành này.

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) • 177


Gần đây, để xúc tiến những thay đổi trong ngành giáo dục,
các nhà đầu tư đang ngày càng chủ động đầu tư vào các công
ty EdTech. Một số quỹ thậm chí còn được thành lập để chủ
yếu tập trung vào đầu tư cho các công ty giáo dục như Learn
Capital hoặc Rethink Education. Kapor Capital hoặc một quỹ
có tên là “500 Startups” cũng rất năng nổ đầu tư vào các công
ty EdTech (Index by TNW).

Thật không dễ dàng để có cái nhìn bao quát bức tranh EdTech
toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ Holon IQ và CB Insights, chúng ta
có một bức tranh rõ ràng hơn về những công ty nắm vai trò
chủ chốt trong ngành này.

HIỂU VỀ HỌC SINH


Là giáo viên, tôi vẫn thường băn khoăn không biết có công
nghệ EdTech nào giúp làm giáo án hay không. Hơn thế nữa,
tôi băn khoăn liệu có cách nào để dạy không chỉ một giáo án
trong một tiết học hay không, tức là mỗi giáo án được thiết kế
cho những phong cách học khác nhau của học sinh. Để việc
giảng dạy linh hoạt, phong phú với nhiều phương pháp khác
nhau, kiểu như hoạt động nghe dành cho học sinh hoặc một
nhóm này trong khi tổ chức hoạt động đọc cho một học sinh
hoặc một nhóm kia. Nếu có được một công cụ như vậy thì sẽ
tạo ra được sự khác biệt trông thấy trong lớp học, thay vì chỉ
có “một bài giảng, một giáo án cho tất cả” mà mọi giáo viên
đều biết là không hiệu quả. Không có EdTech, giáo viên sẽ

178 • UNLOCKED
tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị nhiều giáo án cho một tiết
học, chứ chưa nói gì đến thời gian thu thập những tư liệu cá
nhân hóa.

Trong diễn đàn Global Education and Skills (Giáo dục và


Kỹ năng toàn cầu), ông Jan Lynn-Matern đến từ Emerge
Education (một quỹ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp
EdTech) đã chia sẻ: “Tác động thực sự sẽ xảy ra khi chúng ta
tạo điều kiện cho giáo viên làm việc hiệu quả hơn.” Rồi ông
đưa ra ví dụ về một công ty khởi nghiệp tên là Tailor-ED.
Công ty này thu thập dữ liệu để hiểu về phong cách học tập
ưa thích của học sinh. Họ nhóm những học sinh có phong
cách học tập ưa thích tương tự nhau và giúp giáo viên lập
giáo án cho mỗi nhóm. Ông Lynn-Matern nói thêm: “Việc
này tạo điều kiện cho giáo viên dạy học như họ đã được đào
tạo trong trường Đại học, tức là sử dụng nhiều kiểu giảng dạy
khác nhau, nhưng trong thực tế việc này lại không khả thi, vì
thời gian dành cho một tiết học như thế là quá nhiều” (Global
Education Series, 2019).

Sau khi vào xem website tailor-ed.com, tôi nhận ra công cụ


này dựa trên cơ sở dữ liệu mà họ đã thu thập. Sau mỗi bài
học, họ yêu cầu học sinh đánh giá để cá nhân hóa tốt hơn bài
giảng sau này.

Tại sao công nghệ lại có thể tạo ra một cú hích tuyệt vời đến thế cho trải
nghiệm học tập?

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) • 179


Công nghệ có thể giám sát và xác định sở thích dựa trên hàng
ngàn điểm dữ liệu từ mỗi cá nhân. Thu thập dữ liệu bằng
cách này thì một người làm không xuể. Các giáo viên cũng có
thể lưu trữ một thư viện các nội dung được đa dạng hóa trên
đám mây, rồi sau đó công nghệ có thể lựa chọn và kết hợp với
nhau dựa trên hồ sơ cá nhân của mỗi học sinh. Các nhà giáo
dục do đó có thể cung cấp nội dung học tốt hơn cho những
học sinh khác nhau, giúp các em duy trì sự hào hứng học tập
và tạo ra thói quen học tập chủ động hơn.

Giáo viên vẫn đóng vai trò chính trong trải nghiệm học tập.
Tuy nhiên với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên có thể có cái
nhìn rõ ràng, chi tiết hơn đối với tiến bộ của học sinh để từ đó
có những hỗ trợ thích hợp cho các em.

HIỂU VỀ CON CÁI


Là cha mẹ, tôi nhận thấy con gái mình lúc nào cũng muốn
xem YouTube, cho dù con chưa đến 2 tuổi. Khi nhìn thấy
con say sưa xem những video trên YouTube Kids như vậy, tôi
bỗng nảy ra ý tưởng để con học thông qua các video. Khi lớn
lên, ngoài việc học ở trường và tham gia các hoạt động ngoại
khóa, con chắc chắn vẫn tiếp tục xem các video trong những
lúc rảnh rỗi. Do đó, là cha mẹ, chúng ta nên tìm cách biến
việc xem video trở nên có ý nghĩa, để tận dụng việc học “đa
phương tiện” mà trẻ ngày nay đang thích thú.

180 • UNLOCKED
Sau khi xem và tiếp thu được kiến thức, trẻ có thể thực hành
một dự án và chia sẻ thành quả của mình với thế giới. Nhờ
các dự án, các con dần dần xây dựng được bộ kỹ năng cho
mình. Các con bồi dưỡng lòng ham học hỏi ở một lĩnh vực
mà sau này có thể là niềm đam mê của các con. Và nhờ các
con chia sẻ thành quả của mình mà cha mẹ có thể quan sát sự
tiến bộ và hỗ trợ bằng những nguồn lực khác để tiếp tục thúc
đẩy sở thích của con.

Trong khi viết chương này, tôi lướt qua một trang web thú
vị tên là DIY.org. Trang web đó chứa nhiều video cho trẻ em
từ bốn tuổi trở lên. Các video đi kèm với một dự án thực tế
để các con có thể làm theo sau khi xem. Nhờ có website DIY.
org, trẻ có thể trở thành nhà phát minh máy móc, là nhà soạn
nhạc hoặc họa sĩ. Tôi rất bất ngờ khi biết giá thành của nó lại
dễ chịu đến thế, chỉ khoảng 7,99 đô la cho một tháng đăng ký
(DIY, 2022).

Chúng ta phải hiểu trẻ em ngày này đang tiếp thu thông tin
như thế nào để duy trì sự hào hứng, sự tập trung của các con
và để con đi đúng quỹ đạo. Hiện nay, nguồn tài nguyên phong
phú, đa dạng đã sẵn có hơn bao giờ hết cho tất cả mọi người
có thể tận dụng.

Với tư cách phụ huynh, tôi vẫn đang tìm kiếm một công ty
EdTech giúp tôi thu thập mọi thông tin về sở trường, thế

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH) • 181


mạnh, điểm yếu hoặc sở thích của con tôi để hệ thống trên
một nền tảng. Tôi sẽ nhờ các giáo viên, gia sư, bạn học, người
thân trong gia đình và bất cứ ai tiếp xúc với con để lại một
dòng phản hồi và nhận xét dưới góc nhìn của mình vì có rất
nhiều thứ mà trẻ hoặc cha mẹ khó có thể tự nhận ra. Dựa
trên dữ liệu về những gì các con thích thú, những gì các con
không ưa, hoặc những việc các con làm dễ dàng, chúng ta có
thể giúp con khơi mở toàn bộ tiềm năng.

TỔNG KẾT CHƯƠNG


Có rất nhiều nền tảng EdTech. Ngành này đang phát triển
và nhiều công ty khởi nghiệp mới đang ra đời mỗi ngày nên
việc bắt kịp mọi ý tưởng đổi mới sáng tạo có lẽ là không dễ
dàng, nhưng các trang như Holon IQ có thể giúp bạn cập
nhật những tin tức mới nhất.

Để học sinh có thể khơi mở toàn bộ tiềm năng của mình và


tìm ra mục đích sống của cuộc đời trước khi hoàn thành việc
học ở trường, EdTech có thể đóng vai trò là nơi cung cấp dữ
liệu cho giáo viên và phụ huynh để họ thiết kế nội dung và giáo
án phù hợp với nhu cầu của mỗi em khi cần.

182 • UNLOCKED
CHƯƠNG 13

TRUYỀN CẢM HỨNG


Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ
và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Thế nào là một trường học lý tưởng?


2. Học sinh sẽ làm gì ở trường học lý tưởng đó?

Câu trả lời của bạn:


..........................................................................................
..........................................................................................
..........................................................................................
.........................................................................................
.........................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
TRUYỀN CẢM HỨNG • 183
Có phải việc học lúc nào cũng diễn ra trong lớp? Có phải học
sinh nào cũng học theo cùng một thời khóa biểu? Có phải chỉ
có giáo viên mới cung cấp được kiến thức? Có phải giáo viên
luôn đứng trước lớp?

Ngày càng có nhiều trường học thử nghiệm những cách tiếp
cận mới và nhận thấy nhiều kết quả tích cực khi cung cấp cho
học sinh trải nghiệm học tập phi truyền thống, tức là kiến thức
có thể được chia sẻ giữa bạn bè với nhau và giáo viên đứng
bên cạnh hỗ trợ, học sinh có thể học tập trong khi vẫn đang du
lịch khắp thế giới hoặc mỗi học sinh có một chương trình học
khác nhau.

Không dễ gì liệt kê hết được những trường học này, vì luôn


cũng có những trường đạt được những kết quả tuyệt vời và
những lứa học sinh rất giỏi, chỉ là họ chưa được biết đến nhiều
qua truyền thông mà thôi. Hơn nữa, trong thập kỷ tới sẽ có
rất nhiều trường được thành lập với các lối tiếp cận mới mẻ,
độc đáo. Hiểu được điều này, tôi đã tạo ra một danh sách toàn
diện, giới thiệu sơ lược về một số trường học nổi bật và những
chương trình hiện đang phổ biến trên toàn cầu. Tôi cũng hy
vọng bạn đọc sẽ kết nối với tôi để đề cử một trường học mà
bạn tin là rất xuất sắc, vì tôi luôn muốn bổ sung những trường
này vào danh sách cho những lần tái bản sau.

184 • UNLOCKED
BIG PICTURE LEARNING
Theo Business Insider, những trường thuộc mạng lưới trường
theo phương pháp Big Picture Learning (BPL) là một trong
số những trường học đổi mới sáng tạo nhất thế giới (Weller,
2016). Những trường này trải khắp nước Mỹ và nhiều quốc
gia trên thế giới. Chương trình học của trường ưu tiên cho
những dự án dựa trên sở thích, những dự án này đồng hành
với học sinh trong suốt hành trình 12 năm học phổ thông của
mình. Học sinh cũng được hướng dẫn bởi các cố vấn, họ
làm việc trong những lĩnh vực mà học sinh mong muốn được
tham gia trong tương lai. Để thu thập những trải nghiệm thực
tế, mỗi học sinh sẽ tham gia một khóa thực tập trong một cơ
quan hoặc một công ty liên quan đến chủ đề dự án của mình.

Ở trường, học sinh được chia thành những nhóm nhỏ, được
gọi là tổ tư vấn. Mỗi nhóm này sẽ được một cố vấn hỗ trợ và
dẫn dắt để cá nhân hóa việc học thông qua việc xác định sở
thích, tìm ra cách học tốt nhất và những động lực thúc đẩy
các em. Mô hình Big Picture Learning cũng nhận được lời
khen ngợi của những người có tầm ảnh hưởng như Clayton
Christensen, giáo sư trường Harvard Business School và tác
giả của nhiều đầu sách về đổi mới sáng tạo, cũng như những
lãnh đạo có tiếng toàn cầu như Bill Gates và Barack Obama
(NEXT School, 2016).

Big Picture Learning dần được áp dụng ở nhiều quốc gia ngoài
Hoa Kỳ, trong đó có Kenya. Trong một cuộc phỏng vấn với tổ

TRUYỀN CẢM HỨNG • 185


chức Big Picture Learning, một học sinh lớp 11 ở Kenya tên là
Barlin Muteyo đã chia sẻ rằng dự án của mình trong suốt năm
học 2020 là về đại dịch COVID-19. Muteyo nói: “Mục tiêu
dự án của em là nâng cao nhận thức của những người lớn
tuổi cũng như những người sống xung quanh họ và cung cấp
những đồ dùng thiết yếu mà họ cần.” Em ấy thực hiện những
buổi phỏng vấn thực tế, đã nghiên cứu và theo dõi sự thay đổi
tích cực trong cộng đồng của mình (BPLearning, 2020).

Những dự án thực tế mà học sinh chọn theo đuổi đem lại lợi
ích cho mọi quốc gia và mọi cộng đồng. Trong những quốc gia
đang phát triển như Kenya, vì thiếu nguồn lực nên sự đóng
góp của các học sinh thậm chí còn giá trị hơn nữa bởi lẽ chúng
có thể tạo ra tác động tích cực to lớn ở chính nơi các em sống.
Các dự án thực sự đem lại thay đổi lâu dài cho người dân,
nhờ đó học sinh cũng cảm thấy tự tin hơn, các em chuyên tâm
học hành để trở thành nhà quản lý dự án, cải thiện kỹ năng
giải quyết vấn đề và thực sự áp dụng những kiến thức học
được từ nhà trường.

TRƯỜNG THINK GLOBAL


Trong ba năm liền, trường THINK Global là trường học
được HundrED, một tổ chức phi chính phủ tìm kiếm, vinh
danh và chia sẻ những phương pháp đổi mới giúp truyền cảm
hứng trong giáo dục phổ thông. Học sinh cấp Ba của trường

186 • UNLOCKED
mỗi năm được đến bốn nước khác nhau. Đây được xem như
một trường “vừa học vừa đi du lịch” vậy, vì học sinh được
sống và học ở khắp nơi trên thế giới. Nhà trường tin rằng nhờ
vừa học tập vừa thấm nhuần văn hóa ở một cộng đồng địa
phương, học sinh sẽ kết nối được với thế giới, và điều đó sẽ
tạo động lực để các em phát triển cộng đồng. Nhà trường rất
tự hào giới thiệu những ví dụ tiêu biểu như học sinh tìm hiểu
về sinh học tại bốn môi trường học khác nhau trong một năm
(cuốn catalogue giới thiệu chương trình dạy của trường có
hình ảnh đời sống sinh vật dưới biển quan sát trong hoạt động
lặn biển ở bãi san hô Great Barrier Reef), đọc về những tác
giả ở đất nước họ ra đời (như đọc Homer khi lần theo hành
trình của Odysseus ở Hy Lạp), thảo luận về triết học ở chính
nơi khái niệm triết học đó ra đời... Nhờ những mô hình học
tại chỗ như thế này, học sinh sẽ có những trải nghiệm đáng
nhớ (HundrED).

Trong suốt ba năm, học sinh sẽ đến tổng cộng 10 quốc gia, trải
dài khắp năm châu. Những quốc gia có thể bao gồm Botswana,
Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Oman, Panama, Bosnia và
Herzegovina, Úc, Chile, và Hy Lạp. Mỗi năm, học sinh đến
ba nước mới, lúc nào kết thúc năm học cũng ở Hy Lạp, do đó
cả năm sẽ đi được bốn nước. Năm học được thiết kế sao cho
học sinh có bốn kỳ, mỗi kỳ có một tuần học trực tuyến, sau đó
là tám tuần học thực địa, tiếp theo đó là năm tuần nghỉ ngơi.
Không có kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, học sinh có tổng cộng 20

TRUYỀN CẢM HỨNG • 187


tuần nghỉ để nghiền ngẫm những gì đã học được và dành thời
gian bên gia đình, bạn bè (THINK Global School).

Pauli Cendoya và Tiana Seger đều học ở THINK Global


School. Cả hai đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với một
đại diện của trường rằng thách thức lớn nhất khi bắt đầu đi
học là phải rời xa gia đình và tự mình bước vào thế giới rộng
lớn ngoài kia với một nhóm hoàn toàn xa lạ (THINK Global
School, 2018). Nhưng, một trong những điều mà toàn bộ trải
nghiệm này đã dạy các em là hãy đặt câu hỏi ngược lại cho
những niềm tin cố hữu của mình (THINK Global School,
2017). Nhờ thăm thú những nơi hoàn toàn khác với nơi ở
của mình và gặp gỡ những người từ những nền văn hóa hoàn
toàn khác, học sinh đã phát triển khả năng giao tiếp và hợp
tác toàn cầu. Khả năng này sẽ đi theo các em suốt cả cuộc đời.
Các em suy nghĩ sâu sắc hơn về mọi việc mình làm và sẵn sàng
làm việc với đồng nghiệp trên khắp thế giới.

NHỮNG TRƯỜNG HỌC KẾT HỢP (BLENDED LEARNING)


KIPP (Knowledge is Power Program), Public Charter Schools,
Navigator Schools và Summit Public Schools ở Hoa Kỳ đều
là những trường giữ vai trò chính trong khóa học kết hợp
miễn phí trên Coursera, có tên là Blended Learning: Personalizing
Education for Students (Học kết hợp: cá nhân hóa giáo dục cho học
sinh). Khóa học này được Brian Greenberg, Rob Schwartz và

188 • UNLOCKED
Michael B. Horn dẫn dắt và được trung tâm New Teacher
Center, quỹ Silicon Schools Fund và viện Clayton Christensen
Institute phát triển (tất cả ba cơ sở này đều tập trung vào đổi
mới trong giáo dục). Trong tất cả những trường này, học sinh
chủ động tham gia vào việc thiết kế quá trình học của mình và
có nhiều quyền tự chủ trong một ngày học ở trường. Trường
KIPP chuyên về mô hình “xoay vòng hoạt động”, trong đó học
sinh luân chuyển giữa các hoạt động trong cùng lớp học, trong
khi trường Navigator Schools tập trung vào “xoay vòng phòng
thí nghiệm”. Ở đó, học sinh luân chuyển giữa các lớp học
truyền thống khác nhau cùng một phòng máy tính. Trường
Summit làm việc với mô hình “Flex” của phương pháp học
kết hợp. Trong đó, ở không gian trung tâm trang bị nhiều máy
tính, tiếp đến là nhiều phòng học nhỏ, nơi học sinh có thể làm
việc theo các nhóm nhỏ hoặc tương tác với giáo viên. Giáo
viên do đó không đứng trước lớp, mà đứng bên cạnh để hỗ
trợ khi các em cần.

Việc đưa học sinh vào mô hình học kết hợp, để vừa được học
một mình, vừa được đến trường và tự do tự học với máy tính
bảng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nhiều học sinh có thể
không quen học kiểu này. Do đó, cô Caitlin Travaille, một giáo
viên của trường Navigator, đã chia sẻ rằng nhà trường dành
hai tuần đầu năm học không dạy bất cứ nội dung gì, chỉ để đào
tạo cho học sinh trở nên độc lập hơn (New Teacher Center).

TRUYỀN CẢM HỨNG • 189


Có rất nhiều mô hình học kết hợp, và các trường có thể chọn
mô hình nào phù hợp với mình nhất. Phải mất thời gian để rèn
luyện học sinh làm chủ việc học, nhưng một khi các em đã tự
chủ học tập, trường học sẽ bắt đầu mang nhiều ý nghĩa hơn.

TRƯỜNG KHAN LAB


Một cách nữa để trao cho học sinh quyền tự chủ là thông qua
khái niệm thực học. Trong môi trường thực học, học sinh học
một chủ đề cho đến khi nào các em hiểu thấu đáo. Có nhiều
câu hỏi trắc nghiệm lặp đi lặp lại thay vì những bài kiểm tra
chỉ làm một lần, để giúp học sinh nhận ra những lỗ hổng kiến
thức của mình. Học sinh đi từ chủ đề này đến chủ đề khác
theo tốc độ của riêng mình và lấp đầy lỗ hổng kiến thức trước
khi chuyển sang bài học khác cao cấp hơn.

Như Sal Khan từng nói rất nhiều về khái niệm học làm chủ
kiến thức này, ông cũng áp dụng nó trong trường mình,
ngôi trường mang tên Khan Lab School (KLS). Khẩu hiệu
của trường là “Ai cũng là giáo viên. Ai cũng là học sinh.” Có
nghĩa là giáo viên không còn là nguồn thông tin duy nhất nữa
(KLS). Giáo viên học từ học sinh và ngược lại, hoặc học sinh
có thể học hỏi lẫn nhau. Thay vì giáo viên giải thích một chủ
đề mới, học sinh có thể đứng trình bày trước lớp. Thay vì chỉ
học trong sách, học sinh có thể hỏi lẫn nhau. Nếu học sinh bế
tắc ở một vấn đề nào đó, các em có thể xem video hướng dẫn,
tìm kiếm trên mạng, hỏi giáo viên hoặc hỏi bạn bè.

190 • UNLOCKED
Nhà trường có nhiều “phòng thí nghiệm” tùy vào hoạt động
mà học sinh thích thú. Có phòng “Phát minh” ở đó học sinh có
thể thiết kế, xây dựng và làm mô hình. Có phòng “Ý tưởng”
để động não, tư duy, hoặc phòng “Nói chuyện” rất hữu ích để
thảo luận về các ý tưởng và bàn bạc tìm cách giải quyết các
vấn đề (Weller, 2017).

Khan Lab School cũng chia học sinh thành những lớp nhiều
độ tuổi khác nhau, gọi là các cấp độc lập (IL). Ví dụ, trong
cấp IL 1, có nhiều học sinh từ tuổi mẫu giáo đến tuổi học lớp
1. Trong cấp IL 2, chúng ta sẽ thấy thường có học sinh lớp
2 hoặc lớp 3. Cấp độc lập cao nhất là cấp 7. Học sinh ở đây
thường từ lớp 11 và lớp 12 trong hệ thống truyền thống. Ở
mỗi lớp độc lập, học sinh đều được khuyến khích làm việc với
nhau và hỗ trợ nhau, đó chính xác là tinh thần của khẩu hiệu
nhà trường (KLS).

TRƯỜNG BRIGHTWORKS
Trường tiếp theo, Brightworks, là nơi mà trẻ có thể làm chính
những gì mà cha mẹ ngăn con không được làm. Trẻ có thể
nghịch bẩn, có thể chơi với lửa, hoặc tháo tung các thiết bị
gia dụng (Weller, 2016). Trong ngôi trường này, học sinh khám
phá các ý tưởng và theo đuổi sở thích của mình thông qua một
cấu trúc gọi là một “cung học tập”. Mỗi cung có một chủ đề
trung tâm, được khám phá từ nhiều góc độ khác nhau. Học
sinh tương tác với chủ đề này theo ba giai đoạn khác nhau, là

TRUYỀN CẢM HỨNG • 191


khám phá, thể hiện và trải nghiệm (Pegg). Trong một email hồi
âm vào tháng 10 năm 2021, Justine Macauley, Chủ nhiệm Ban
Tuyển sinh trường Brightworks, chia sẻ rằng những chủ đề này
được nhà trường lựa chọn dựa trên sở thích của học sinh cũng
như thực tế đang diễn ra ngoài thế giới.

Ví dụ, một học sinh tên là Simon chọn chủ đề về gió. Simon
có thể khám phá về năng lượng gió, về khí tượng học, về
các chuyến bay và nghệ thuật từ những góc nhìn khác nhau
để thông qua đó hiểu rõ về gió. Sau đó, Simon tìm kiếm các
chuyên gia trong các lĩnh vực, kết nối và tạo mối quan hệ với
họ. Simon lấy công cụ và vật liệu từ nhà trường để tự mình
thử nghiệm như làm diều hoặc lắp đặt các tua bin. Em khám
phá năng lượng gió nhờ lòng hiếu kỳ của mình trước khi quyết
định chọn một dự án thực tế để làm.

Rồi đến giai đoạn tiếp theo, Simon sẽ phải hoàn thành dự án
đã chọn, trong khung thời gian “cung học tập” đó. Simon có
thể làm thuyền và lái chiếc thuyền đó hoặc tạo ra một tác phẩm
nghệ thuật thị giác về vòi rồng. Trong giai đoạn cuối cùng, khi
đã gần đến thời hạn, Simon ra mắt tác phẩm của mình. Trong
toàn bộ quá trình làm việc theo một cung như vậy, Simon ghi
chép về tác phẩm của mình trong một hồ sơ chi tiết. Hồ sơ này
có tác dụng như là một hồ sơ năng lực và bảng điểm.

Một năm ở Brightworks có ba cung, thỉnh thoảng có những


chuyến đi thực tế đan xen. Không có bài kiểm tra và điểm số.

192 • UNLOCKED
Sự tiến bộ và nỗ lực trong quá trình học tập của học sinh được
thể hiện trong hồ sơ năng lực, hồ sơ ấy sẽ tiết lộ toàn bộ quá
trình học tập (Brightworks).

TRƯỜNG ØRESTAD GYMNASIUM


Nếu bạn từng tưởng tượng một trường nào đó không có
phòng học thì đã có một nơi như thế đang hoạt động rồi.
Trường nằm ở thủ đô Đan Mạch, tên là Ørestad Gymnasium.
Trường này không có phòng học, bởi thế học sinh học trong
môi trường mở nơi mọi tư liệu giảng dạy đều dưới dạng kỹ
thuật số (Ørestad Gymnasium).

Thiết kế của ngôi trường này cho thấy tinh thần cởi mở và
linh hoạt về quy mô nhóm, đa dạng từ cá nhân đến các nhóm,
đến các lớp và cả một trường. Thiết kế đó cũng phản ánh tinh
thần hướng tới một môi trường học tập năng động hơn, giống
với đời thực hơn và nỗ lực đưa công nghệ thông tin vào như
là một công cụ chính (Architonic).

Nhà trường muốn đổi mới dựa trên quan niệm giảng dạy coi
học sinh như là một cá thể chủ động sáng tạo thay vì là đối
tượng tiêu thụ kiến thức và muốn trao cho học sinh một khao
khát tự nhiên đối với việc học – không chỉ trong nhà trường
mà còn trong mọi phương diện của cuộc sống bản thân. Do
đó, giáo viên cố gắng kích thích cả tính hiếu kỳ học thuật lẫn
hiếu kỳ thực tế. Vì tòa nhà là một phòng học khổng lồ, học

TRUYỀN CẢM HỨNG • 193


sinh cảm thấy mình là một phần trong một cộng đồng rộng
lớn, ở đó các em học cách tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ, nếu một
học sinh quá ồn, việc đó sẽ làm phiền tới cả trường, bởi thế
thiết kế của tòa nhà tạo ra một bầu không khí nơi mà hành vi
của học sinh phản ánh sự quan tâm lẫn nhau (Ashoka).

Anders Hassing là giáo viên tại trường Ørestad Gymnasium và


Cecilie Larsen là học sinh của trường. Trong một cuộc phỏng
vấn với kênh truyền thông Denmarkdotdk, thầy Hassing nói:
“Tòa nhà là một căn phòng thông suốt khổng lồ, ai cũng nhìn
thấy ai đang làm gì.” Thầy Hassing chuẩn bị và trình bày mọi
thứ trên mạng, bởi thế thầy không cần phải dạy bằng phấn
trắng, bảng đen. Thầy nói thêm: “Tôi hoàn toàn rảnh tay
để hỗ trợ học sinh và có vai trò như là một huấn luyện viên
và nhà tư vấn.” Cecilie Larsen còn bổ sung thêm là học sinh
trong trường phải chịu trách nhiệm với việc học của mình, mà
đó là một việc khá hệ trọng với các em khi các em bắt đầu tới
một ngôi trường như thế này (Denmarkdotdk, 2013).

Tôi tin rằng môi trường này đã tạo ra áp lực tự nhiên để học
tập. Nhìn mọi người đang hăng say học hành, hẳn là tự nhiên
tôi cũng sẽ cảm thấy ngại ngùng nếu ngồi mãi mà không làm
gì cả.

194 • UNLOCKED
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Như chúng ta có thể thấy, có rất nhiều ví dụ tuyệt vời trên
khắp thế giới và danh sách này thậm chí còn chưa đầy đủ.
Tương lai dường như sẽ rất hứa hẹn. Nếu chúng ta có thể lan
tỏa và chia sẻ những phương pháp đổi mới từ trường này tới
trường khác, nếu các trường có thể đồng hành, hợp tác cùng
nhau để áp dụng những phương pháp học hiệu quả nhất, thì
con em chúng ta sẽ rất háo hức đến trường.

Có những phương pháp cho phép học sinh tự chủ hơn đối
với việc học của mình và buộc các em phải kết nối các phần
kiến thức lại với nhau bằng cách áp dụng kiến thức lý thuyết
vào thực hành, trong đời sống thực. Những trường như
Brightworks, Think Global hay Big Picture Learning, tất cả
đều đi theo những nguyên tắc này. Hơn nữa, nhìn vào trường
Ørestad Gymnasium, chúng ta có thể thấy thiết kế ngôi trường
cũng có thể giúp học sinh có được cái nhìn rất khác về việc
học, tức là học không nhất thiết lúc nào cũng chỉ trong một
căn phòng đóng kín.

Trao cho học sinh quyền tự chủ hơn cũng có nghĩa là trao cho
các em nhiều trách nhiệm hơn, mà có thể đây chính là cách để
giúp các em khám phá mục đích sống của mình trước khi tốt
nghiệp và giúp các em nuôi dưỡng đam mê và thế mạnh của
bản thân trong đời sống thực.

TRUYỀN CẢM HỨNG • 195


KẾT LUẬN
HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Tôi có một ước mơ. Ước mơ của tôi là được chứng kiến một
hệ thống giáo dục không có những bài kiểm tra áp lực, không
có bài tập về nhà vô nghĩa, không phải học thuộc các dữ kiện
và phí thời gian vào việc học những nội dung không thực tế,
mà học sinh thường sẽ quên ngay. Tôi hy vọng là mình vẫn
còn sống cho đến ngày mà học sinh nào cũng được hưởng
nền giáo dục cá nhân hóa và theo nhu cầu, để khi rời khỏi mái
trường, học sinh sẽ nhận ra cá tính, thế mạnh của mình, niềm
đam mê và sở trường của mình trong xã hội này.

Chúng ta cần giúp học sinh yêu thích việc học. Chúng ta cần
khuyến khích các em học tập suốt đời. Khi mọi thứ trở nên
khó khăn hoặc khi học sinh vấp ngã, chúng ta cần hỗ trợ để
các em đứng dậy và xem thất bại như là một cơ hội học tập.

Ở nhà, cha mẹ cần tập cho mình thói quen để con đặt nhiều
câu hỏi, thử những điều mới và để con được phạm lỗi. Khi
trẻ mắc lỗi, thay vì quở mắng con, cha mẹ có thể giúp con tìm
hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh sau này. Mặc dù ban

KẾT LUẬN • 197


đầu lỗi lầm có thể là điều dở, nhưng nếu có cái nhìn khác đi về
nó thì lỗi lầm lại trở thành điều hay. Nó cũng có thể biến thành
tính cách, thành bản lĩnh và kỹ năng sống đồng hành tích cực
với các cá nhân trong tương lai.

Trong nhiều năm và nhiều thập kỷ sắp tới, thị trường nghề
nghiệp sẽ thay đổi và chuyển biến nhanh chóng. Tôi hy vọng
chúng ta có thể dạy dỗ con cái mình và tái đào tạo lực lượng
lao động hiện nay cho phù hợp với thời cuộc – nhưng cách
duy nhất chính là ủng hộ và tiếp tục đưa công nghệ vào giáo
dục. Muốn thế, mọi bên tham gia đều cần phải nỗ lực tiên
phong. Trước hết, chúng ta cần tập trung dạy những kỹ năng
phù hợp với cá nhân người học thay vì chú trọng kiến thức.
Ngày nay, kiến thức đã có thể tiếp cận trực tuyến nhưng kỹ
năng thì cần nhiều sự bồi dưỡng hơn. Trong xã hội hiện đại,
học sinh sẽ phải đương đầu với vô vàn bất trắc và phải biết
giải quyết những tình huống, những khó khăn mà thế giới
chưa từng gặp phải trước đây.

TIẾP THEO SẼ LÀ GÌ?


Bây giờ, bạn đã đọc xong cuốn sách này rồi. Tôi hy vọng,
với những kiến thức và công cụ được chia sẻ ở đây, bạn sẽ
sẵn sàng ủng hộ hoặc trở thành đại sứ thúc đẩy những thay
đổi trong giáo dục. Bạn có thể bắt đầu bằng cách khơi mào
những cuộc thảo luận, chia sẻ ý kiến của riêng mình và những
ý tưởng từ cuốn sách này với những người xung quanh cũng

198 • UNLOCKED
như trong cộng đồng của bạn. Cảm ơn bạn vì đã sẵn sàng tiếp
bước hành trình thay đổi này.

Bạn đã rút ra được đôi điều từ tôi và tôi cũng muốn học tập
bạn! Vì có nhiều trường và nhiều công ty EdTech ở ngoài kia
đang làm rất nhiều việc tuyệt vời để cải tiến giáo dục, tôi mong
bạn sẽ đề xuất cho tôi những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, ý
nghĩa và hiệu quả. Tôi sẽ đưa vào cuốn sách này trong những
lần tái bản sau. Bạn có thể dễ dàng liên lạc với tôi trên mạng
xã hội tại địa chỉ @unlockedbydp. Tôi vô cùng trân trọng
những góp ý của bạn.

Chúng ta hãy cùng nhau làm việc này! Hãy cùng nhau thay
đổi nền giáo dục để giúp những thế hệ tiếp theo khơi mở toàn
bộ tiềm năng của mình!

KẾT LUẬN • 199


TÀI LIỆU THAM KHẢO
NHỮNG CUỐN SÁCH THAM KHẢO NÊN ĐỌC:
Blended: Using Disruptive Innovation to Improve
Schools (Kết hợp: ứng dụng đổi mới mang tính đột phá
để nâng cao chất lượng trường học) của Heather Staker và
Michael B. Horn

Creative Schools: The Grassroots Revolution That’s


Transforming Education (Những ngôi trường sáng tạo:
cuộc cách mạng căn bản thay đổi nền giáo dục) của Tiến
sĩ Ken Robinson và Lou Aronica

Educated (Được đi học) của Tara Westover

Grit: The Power of Passion and Perseverance (Bản lĩnh: Sức


mạnh của đam mê và lòng kiên trì) của Angela Duckworth

How Children Succeed: Grit, Curiosity, and the Hidden


Power of Character (Trẻ em thành công như thế nào:
bản lĩnh, lòng hiếu kỳ và sức mạnh bí ẩn của tính cách)
của Paul Tough

TÀI LIỆU THAM KHẢO • 201


Raising Critical Thinkers: A Parent’s Guide to Growing
Wise Kids in the Digital Age (Dạy con tư duy phản biện:
hướng dẫn dành cho cha mẹ để dạy trẻ thông thái trong
thời đại kỹ thuật số) của Julie Bogart

Stop Stealing Dreams (what is school for?) (Đừng đánh


cắp ước mơ (trường học sinh ra để làm gì?)) của Seth Godin

StrengthsFinder 2.0 (Tìm ra thế mạnh 2.0) của Tom Rath

The 7 Habits of Highly Effective Teens (Bảy thói quen


thành công cho trẻ tuổi teen) của Sean Covey

The Defining Decade: Why Your Twenties Matter—And


How to Make the Most of Them Now (Thập niên quyết
định: Tại sao những năm 20 của chúng ta lại quan trọng
– và làm thế nào để tận dụng chúng ngay từ bây giờ) của
Meg Jay

The Montessori Toddler: A Parent’s Guide to Raising a


Curious and Responsible Human Being (Em bé Montessori:
Hướng dẫn để nuôi dạy đứa trẻ ham học hỏi và có trách
nhiệm) của Simone Davies

The One World Schoolhouse: Education Reimagined


(Ngôi trường One World (Một Thế Giới): Giáo dục dưới
một hình dung mới) của Salman Khan

202 • UNLOCKED
LỜI CẢM ƠN
Tôi mãi biết ơn tất cả bạn bè, người thân, các thầy cô và đồng
nghiệp vì đã khích lệ tôi trong suốt hành trình viết sách này.

Xin cảm ơn tất cả những người mà tôi đã phỏng vấn. Cảm ơn


các bạn đã bớt chút thời gian trong lịch làm việc bận rộn của
mình để nói chuyện với tôi.

Cảm ơn mọi người ở Viện Creator, nhất là Eric Koester, vì đã


mời tôi tham dự chương trình “book school”.

Cảm ơn đội ngũ New Degree Press vì đã cung cấp mọi thứ
để cho ra đời cuốn sách này. Đặc biệt cảm ơn tới các biên
tập viên Angela Ivey, Lauren Sweeney và Jessica Fleischman vì
luôn mang lại cho tôi sự an tâm, vì con mắt sắc sảo và sự kiên
định của các bạn giúp tôi duy trì trách nhiệm với chính mình.
Trong suốt nhiều tháng làm việc với tôi, các bạn đã động viên,
giúp tôi an tâm rất nhiều.

Cuốn sách này ra đời được cũng nhờ một cộng đồng những
người đã tin tưởng sâu sắc vào tôi tới mức họ còn đặt trước

LỜI CẢM ƠN • 203


sách, tài trợ cho chiến dịch tiền trạm ra mắt sách và giúp tôi
giới thiệu cuốn sách này tới nhiều người trước cả khi sách
được in ra. Cảm ơn tất cả các bạn. Các bạn thật tuyệt vời!
Thế giới này vẫn có thật nhiều người ấm áp, nhiệt thành!

Danh sách những người bạn tôi mà tôi muốn cảm ơn dưới
đây là được sắp xếp theo bảng chữ cái:

Alisa Kartyshova Erica Del Vecchio


Aneta Andrle Fei Peng
Barbora Novakova Frantisek Kraus
Barbora Repcinova Debnarova Gary Spinks
Blanka Bajtlerova Helena Fiserova
Bui Le Hong Thao My Hieu-ck RAY
Bui Minh Chau Hoang Nguyen Quynh Chi
Chen Chen Hoang Thuy Nga
Cung Nguyen Hanh Iva Janeckova
Cung Thai Anh Ivana Kostelanska
Daniel Matous Jakub Smolka
Daniel Patek Jakub Zajic
Dao Hong Ngoc Jan Iser
David Chlebecek Jan Komrska
David Hudson Jan Korinek
Debora Scott Jan Pecnik
Dominika Winograd Jana Pospisilova
Duong Duc Anh Jaroslava Kucerova

204 • UNLOCKED
Jhay Bonifacio-Downing Ma Cristina Palomares
Josef Sevcik Mai Tuong Van
Judit Ferencz Marek Vogl
Justine Sanchez Catacutan Marketa Dvorakova
Juvy Cruz Bangalisan Marketa Svobodova
Karel Budik Martin Hnath
Katarina Chovanova Martin Mikes
Katarina Sabova Martin Svorc
Katerina Kochova Martin Tusl
Katka Khanh Nguyen Michaela Bernathova
Khuat Mai Ngan Michaela Drapelova
Khuat Minh Phuong Michaela Lunackova
Kseniia Martynenko Michal Wasserbauer
La Minh Thu Mihai Zamfir
Laura Patricia Amber Dawes Millie Appleton
Le Linh Ngoc Miroslav Sala
Le Nha Truc Miroslav Stola
Lealdo de Gois Andrade Monika Habrova
Lee Shun Jian Nadia Ho Torres
Linda Luongova Nadine Koecher
Lucie Bathova Natalia Gmucova
Lucie Hanzlickova Nguyen Hong Anh
Lukas Jenicek Nguyen Huynh Hai Anh
Lukas Halda Nguyen Le Nhat Linh
Lukas Hlavac Nguyen Mai Anh
Lukas Vitek Nguyen Minh Ngoc

LỜI CẢM ƠN • 205


Nguyen Ngoc Anh Simona Foldesova
Nguyen Phan Linh Sona Petrickova
Nguyen Phuong Thuy Stephanie Ma
Nguyen Thanh Tu Taghe Ludovic
Nguyen Thi Hoai Thanh Tereza Schusterova
Nguyen Thi Hong Thuy Tereza Vilimkova
Nguyen Thi Ngoc Lan Tran Le Hang
Nguyen Thi Thanh Thuy Tran Thi Minh
Nguyen Thi Thu Huyen Tran Vu
Nguyen Thi Thuy Quynh Trieu Thanh Giang
Nguyen Truc Ly Tung Nguyen
Nguyen Viet Anh Vaclav Kopecky
Nikola Pertl Vit Javurek
Olha Pushchak Vit Vojta
Pavol Toth Vojtech Zehnalek
Pawel Gorski Vu Canh Toan
Petra Outratova Vu Dinh Hung
Petra Palfi Vu Ngoc Anh
Petra Skrbkova Vu Viet Ha
Pham Thanh Hang Vu Xuan Quy
Pham Thao Huong Zuzana Babiakova
Radim Bily Zuzana Chlupackova
Ram Verba Salazar Zuzana Docekalova
Ranee Ros Esteban Solamo và K K, người muốn được
Saskia Vallendar ẩn danh.
Simon Kolar

206 • UNLOCKED
(Nadia Ho Torres là người đã giới thiệu tôi với viện Creator
(Creator Institute). Chính từ viện này mà tôi đã học được cách
viết sách và trở thành tác giả. Aneta Andrle là beta reader
(người đọc thử bản thảo để góp ý) với những lời góp ý mang
tính xây dựng nhất. Và David Chlebecek là người đã dành
khoản tài trợ giá trị nhất cho cuốn sách này.

Những người nhắc đến bên trên đến từ 18 quốc gia khác
nhau, và ở thời điểm họ giúp đỡ tôi thì họ đang sống ở 24
quốc gia khác nhau. Chúa phù hộ các bạn!)

LỜI CẢM ƠN • 207


PHỤ LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
Leprince-Ringuet, Daphne. “Robots Will Take 50 Million Jobs
in the Next Decade. These Are the Skills You’ll Need to
Stay Employed.” (Robot sẽ chiếm 50 triệu công việc trong
thập kỷ tới. Những kỹ năng bạn cần có để không bị thất
nghiệp) ZDNet, July 13, 2020.
https://www.zdnet.com/article/robots-will-take-50-mil-
lion-jobs-in-the-next-decade-these-are-the-skills-youll-
need-to-stay-employed/.

McKeown, Francis. “44% of Students Don’t Know What


They Want to Do After Graduation.” (44% sinh viên chưa
biết mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp) Concrete, ngày
10 tháng 2, 2015.
https://www.concrete-online.co.uk/44-students-don’t-
know-want-graduation/.

NEXT School. “Welcome to the Revaolution.” (Chào mừng


tới cuộc cách mạng) Chỉnh sửa lần cuối vào năm 2016.
Truy cập vào ngày 30 tháng 9, 2021.
https://www.nextschool.org.

PHỤ LỤC • 209


United Nations Department of Economic and Social Affairs
(Ban Kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc - UN DESA).
“Growing at a Slower Pace, World Population Is Expected
to Reach 9.7 Billion in 2050 and Could Peak at Nearly 11
Billion around 2100.” (Tốc độ gia tăng dần chậm lại, dân số
thế giới có thể đạt tới 9,7 tỷ vào năm 2050 và lên đến đỉnh
điểm là 11 tỷ khoảng năm 2100) ngày 17 tháng 6, 2019.
https://www.un.org/development/desa/en/news/popu-
lation/world-population-prospects-2019.html.

World Health Organization (Tổ chức Y tế thế giới - WHO).


“Aging and Health.” (Tuổi già và sức khỏe) ngày 4 tháng
10, 2021.
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/age-
ing-and-health.

CHƯƠNG 1
Big Picture Learning. “BPL International” (BPL quốc tế) Truy
cập vào ngày 4 tháng 4, 2021.
https://www.bigpicture.org/apps/pages/international.

Grow with Google. “Career Certificates.” (Phát triển cùng


Google – chứng chỉ sự nghiệp) Truy cập vào ngày 3 tháng
8, 2021.
https://grow.google/certificates/.
Grow with Google. “Google IT Certificates.” (Phát triển cùng

210 • UNLOCKED
Google – Chứng chỉ Google IT) Truy cập ngày 3 tháng 8, 2021.
https://grow.google/programs/it-support/#?modal_ac-
tive=none.

Mire, Sam. “What Is the Future of Education? 23 Experts


Share Their Insights.” (Đâu là tương lai của giáo dục? Ý
kiến của 23 chuyên gia) Disruptor Daily. Ngày 15 tháng 5,
2019.
https://www.disruptordaily.com/what-is-the-future-of-ed-
ucation-11-experts-share-their-insights/.

NEXT School. “Inside NEXT.” (Bên trong trường NEXT)


Ngày 23 tháng 11, 2018. Video, phút 28:51.
https://www.youtube.com/watch?v=GavEeQHWF_U.

CHƯƠNG 2
International Labour Organization (Tổ chức Lao động quốc tế
- ILO). “Tripartite Constituents” (Ba bên) Truy cập ngày 18
tháng 10, 2020.
https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/who-we-are/
tripartite-constituents/lang—en/index.htm.

Kyllönen, Marjo. “Teaching Skills for the Future: How Helsin-


ki and Finland Are Leading the Way With #PBL.” (Những
kỹ năng dạy học cho tương lai: Helsinki và Phần Lan tiên
phong với #PBL) FE News, 25 tháng 1, 2020.

PHỤ LỤC • 211


https://www.fenews.co.uk/featured-article/40872-teach-
ing-skills-for-the-future-how-helsinki-and-finland-are-lead-
ing- the-way.

Nghiem, Hue. “Newly Graduated Engineers: 100 percent


Retraining?” (Kỹ sư mới tốt nghiệp: 100% phải đào tạo
lại?) Tien Phong, 25 tháng 10, 2019.
https://tienphong.vn/ky-su-moi-ra-truong-100-phai-dao-
tao-lai-post1145754.tpo.

CHƯƠNG 3
Cambridge Dictionary. Tra từ “Restlessness.” Truy cập vào
ngày 22 tháng 11, 2020.
https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/
restlessness.

Covey, Stephen R. The 7 Habits of Highly Effective People:


Powerful Lessons in Personal Change. (7 thói quen của người
thành công: những bài học hữu ích để thay đổi bản thân)
London: Simon & Schuster, 1989.

Jana, Laura. “QI Skills.” (Những kỹ năng đặt câu hỏi) Tiến sĩ
Laura Jana. Truy cập ngày 9 tháng 11, 2021.
http://www.drlaurajana.com/qi-skills/.

Leopold, Till Alexander, Vesselina Ratcheva, và Saadia


Zahidi. “Chapter 1: The Future of Jobs and Skills.”

212 • UNLOCKED
(Chương 1: Nghề nghiệp và các kỹ năng trong tương lai)
trong The Future of Jobs Report (Báo cáo về tương lai của
các nghề nghiệp). World Economic Forum (Diễn đàn Kinh
tế thế giới). Ngày 1 tháng 1, 2016.
https://reports.weforum.org/future-of-jobs-2016/chap-
ter-1-the-future-of-jobs-and-skills/#view/fn-1.

Seiter, Courtney. “What Is a 5 Whys? Step-by-Step Guide to


Running a 5 Whys Exercise.” (5 câu hỏi Tại sao? Hướng
dẫn từng bước để thực hành đặt 5 câu hỏi tại sao) Buffer.
Ngày 9 tháng 9, 2018.
https://buffer.com/resources/5-whys-process/.

Singh, Amika, Léonie Uijtdewilligen, Jos W. R. Twisk, Willem


van Mechelen, Mai J. M. Chinapaw. “Physical Activity and
Performance at School: A Systematic Review of the Lit-
erature Including a Methodological Quality Assessment.”
(Hoạt động thể chất và năng lực học tập ở trường: đánh
giá hệ thống về tài liệu trong đó có đánh giá chất lượng
phương pháp) Arch Pediatr Adolesc Med. 2012; 166 (1):
49–55.
https://doi.org/10.1001/archpediatrics.2011.716.

The School of Life. “Lao Tzu.” (Lão Tử) Truy cập vào ngày
22 tháng 11, 2020.
https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-great-
eastern-philosophers-lao-tzu/.

PHỤ LỤC • 213


Tomporowski, Phillip D. “Effects of Acute Bouts of Exercise
on Cognition.” (Tác động của những đợt tập luyện cường
độ cao đối với tri nhận) Acta Psychologica. 2003; 112 (3):
297–324.
https://doi.org/10.1016/s0001-6918(02)00134-8.

CHƯƠNG 4
Brain, Marshall. How Stuff Works (Cách mọi thứ vận hành) New
York: Chartwell Books, 2010.

Brown, Lachlan. “The Importance Of Developing Curiosity.”


(Vai trò của việc phát triển tính hiếu kỳ) Psych Central. 26
tháng 5, 2015.
https://psychcentral.com/blog/the-importance-of-devel-
oping-curiosity#5.

Gruber, Matthias J., Bernard D. Gelman, và Charan Ranganath.


“States of Curiosity Modulate Hippocampus- Dependent
Learning via the Dopaminergic Circuit.” (Những trạng thái
hiếu kỳ điều tiết việc học dựa trên hồi hải mã thông qua
mạch Domapinergic) Neuron. 2014; 84 (2): 486–496.
https://doi.org/10.1016/j.neuron.2014.08.060.

Jobs, Steve. “Text of Steve Jobs’ Commencement Address.”


(Văn bản bài diễn văn khai mạc của Steve Job) Stanford
News. 14 tháng 6, 2005.
https://news.stanford.edu/2005/06/14/jobs-061505/.

214 • UNLOCKED
Lok, Dan. “Dan’s Story.” (Câu chuyện của Dan) Dan Lok.
Truy cập ngày 10 tháng 1, 2021.
https://danlok.com/dan-lok-story/.

Sykes, Timothy. “5 Traits of Successful People.” (5 đặc điểm


của người thành công) Entrepreneur. 20 tháng 6, 2018.
https://www.entrepreneur.com/article/315161.

TEDxTalks. “The Unstoppable Force—The Real Difference


Between Success And Failure | Dan Lok | TedxSFU.”
(Những lực bất khả kháng – sự khác biệt đích thực giữa
thành công và thất bại | Dan Lok | TedxSFU) ngày 8
tháng 3, 2017. Video, phút 17:59.
https://youtu.be/qvNyo1-AK6o.

CHƯƠNG 5
Hill, Catey. “The No.1 Job Billionaires and Multimillionaires
Held Before They Got Filthy Rich.” (Công việc đầu tiên
của các nhà tỷ phú và triệu triệu phú trước khi họ giàu có)
MarketWatch. Ngày 6 tháng 3, 2020.
https://www.marketwatch.com/story/the-no-1-job-bil-
lionaires-and-multi-millionaires-had-before-they-became-
filthy-rich-2019-01-10.

Kiyosaki, Robert. Rich Dad’s Guide to Investing: What the Rich


Invest in, That the Poor and the Middle Class Do Not! (Hướng
dẫn đầu tư của cha giàu: người giàu đầu tư vào những thứ mà

PHỤ LỤC • 215


người nghèo và trung lưu không đầu tư!) New York: Warner
Books, 2000.

National Financial Educators Council (Hội đồng các nhà


giáo dục tài chính quốc gia - NFEC). “Financial Literacy
Statistics.” (Thống kê về kiến thức tài chính cơ bản) Truy
cập vào ngày 16 tháng 12, 2020.
https://www.financialeducatorscouncil.org/financial-liter-
acy-statistics/.

Organization for Economic Co-operation and Development (Tổ


chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD)/International
Network of Financial Education – Mạng lưới quốc tế về giáo
dục tài chính - INFE). Financial Education in Schools (Giáo dục tài
chính trong nhà trường). Paris: OECD Publishing, 2012.
https://www.oecd.org/daf/fin/financial-education/
FinEdSchool_web.pdf.

Oxfam International. “Richest 1 Percent Bagged 82 Percent


of Wealth Created Last Year—Poorest Half of Humanity
Got Nothing.” (1% số người giàu nhất bỏ túi 82% tài sản
được tạo ra vào năm ngoái – một nửa dân số nghèo nhất
không có gì cả) Thông cáo báo chí ngày 22 tháng 1, 2018.
https://www.oxfam.org/en/press-releases/richest-1-per-
cent-bagged-82-percent-wealth-created-last-year-poorest-
half- humanity.

216 • UNLOCKED
Tiến sĩ Williams, Dr. Brian. “Sales Training: 21 Mind-Blowing
Sales Stats.” (Đào tạo bán hàng: 21 số liệu bất ngờ về bán
hàng) Brevet. Truy cập ngày 17 tháng 12, 2020.
https://blog.thebrevetgroup.com/21-mind-blowing-sales-
stats.

CHƯƠNG 6
Krockow, tiến sĩ Eva M. “Too Much Choice.” (Quá nhiều lựa
chọn) Psychology Today. Ngày 9 tháng 10, 2018.
https://www.psychologytoday.com/us/blog/stretching-
theory/201810/too-much-choice

National Center on Education and the Economy (Trung tâm


giáo dục và kinh tế quốc gia - NCEE). “Profile of the Czech
Republic’s Education System.” (Hồ sơ về hệ thống giáo
dục của cộng hòa Séc) New Commission on the Skills of
the American Workforce (Ủy ban mới về những kỹ năng
và lực lượng lao động Hoa Kỳ), 2006. Truy cập ngày 20
tháng 10, 2020.
http://www.ncee.org/wp-content/uploads/2013/10/
Czech- Education-System.pdf.

National Office for Information on Education and Professions


(Văn phòng quốc gia về thông tin giáo dục và nghề nghiệp
- ONISEP). “The Plan of Studies After the Baccalaureate.”
(Kế hoạch học tập sau tú tài) Cộng hòa Pháp. Ngày 7 tháng
11, 2021.

PHỤ LỤC • 217


https://www.onisep.fr/Choisir-mes-etudes/Apres-le-bac/
Le-schema-des-etudes-apres-le-bac.

NEXT School. “Six Problems with Our School System.” (6 vấn


đề trong hệ thống trường học của chúng ta). Ngày 15 tháng
12, 2016. Video, phút 5:56.
https://youtu.be/okpg-lVWLbE.

Stephens, Maria, Laura K. Warren, Ariana L. Harner. “The


Education System in China.” (Hệ thống giáo dục ở Trung
Quốc) trong Comparative Indicators of Education in the
United States and Other G-20 Countries: 2015 (Những
chỉ số đối chiếu về giáo dục ở Hoa Kỳ và các quốc gia
khác trong nhóm G-20: năm 2015). National Center for
Education Statistics (Trung tâm quốc gia thống kê giáo
dục - NCES).
December 31, 2015.
https://nces.ed.gov/pubs2016/2016100/app_a5.asp.

Trines, Stefan. “Education in Vietnam: Current Trends and


Qualifications.” (Giáo dục ở Việt Nam: Những xu hướng
và chất lượng hiện nay) World Education News and Reviews
(WENR). Ngày 8 tháng 11, 2017.
https://wenr.wes.org/2017/11/education-in-vietnam.

United Nations Department of Economic and Social Affairs


(UN DESA). “Growing at a Slower Pace, World Population

218 • UNLOCKED
Is Expected to Reach 9.7 Billion in 2050 and Could Peak at
Nearly 11 Billion around 2100.” (Gia tăng dần chậm hơn,
dân số thế giới có thể đạt tới 9,7 tỷ vào năm 2050 và lên
đến đỉnh điểm là 11 tỷ khoảng năm 2100) Ngày 17 tháng
6, 2019.
https://www.un.org/development/desa/en/news/popu-
lation/world-population-prospects-2019.html.

CHƯƠNG 7
Cambridge Dictionary. “Intelligence.” Truy cập ngày 14 tháng 12,
2021.
https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/
intelligence.

Kelly, Melissa. “Teaching Students Identified with Interper-


sonal Intelligence.” (Dạy học sinh có trí thông minh liên
nhân) ThoughtCo. Cập nhật vào ngày 3 tháng 7, 2019.
https://www.thoughtco.com/interpersonal-intelligence-8091.

Kelly, Melissa. “Teaching Students With Existential Intel-


ligence.” (Dạy học sinh có Trí thông minh hiện sinh)
ThoughtCo. Cập nhật ngày 15 tháng 1, 2019.
https://www.thoughtco.com/existential-intelligence-pro-
file-8097.

Logsdon, Ann. “Logical-Mathematical Learning Style.”


(Phong cách học thiên về Logic-toán học) Verywell Family.

PHỤ LỤC • 219


Cập nhật vào ngày 26 tháng 7, 2021.
https://www.verywellfamily.com/mathematical-logical-
learners-2162782.

Logsdon, Ann. “Understanding the Verbal Linguistic Learning


Style.” (Hiểu về phong cách học thiên về ngôn ngữ bằng
lời) Verywell Family. Cập nhật vào ngày 17 tháng 4, 2020.
https://www.verywellfamily.com/verbal-linguistic-learn-
ing- style-2162785#citation-5.

Smith, Madilyn. “Understanding the 8 Types of Learning


Styles.” (Hiểu về 8 phong cách học tập) Mindvalley. Ngày
16 tháng 1, 2020.
https://blog.mindvalley.com/types-of-learning-styles/.

Somji, Rasool. “Teaching Strategies For The 8 Different


Learning Styles.” (Các chiến lược dạy học cho 8 phong
cách học tập khác nhau) Virtualspeech. Ngày 17 tháng 4,
2018.
https://virtualspeech.com/blog/teaching-strategies-
different-learning-styles.

Vital, Mark. “9 Types of Intelligence—Infographic.” (9 kiểu trí


thông minh – sơ đồ thông tin) Adioma. Ngày 17 tháng 3, 2014.
https://blog.adioma.com/9-types-of-intelligence-infographic/.

220 • UNLOCKED
CHƯƠNG 8
Kampen, Maria. “How Mastery Learning Helps Every
Student Succeed.” (Thực học giúp mọi học sinh thành
công thế nào) Prodigy. Ngày 30 tháng 9, 2019.
https://www.prodigygame.com/main-en/blog/mastery-
learning/.

Khan, Salman. “Let’s Teach For Mastery—Not Test Scores.”


(Hãy dạy để học sinh làm chủ kiến thức – chứ không phải
để lấy điểm số) Quay vào tháng 11 năm 2015 tại New York,
NY. TED video, phút 10:41.
https://www.ted.com/talks/sal_khan_let_s_teach_for_
mastery_not_test_scores.

Sturgis, Chris. “Mastery Learning In Action.” (Thực học trong


thực tế) MTC Insights. Mastery Transcript Consortium. Ngày 11
tháng 6, 2020.
https://mastery.org/mastery-learning-in-action/.

CHƯƠNG 9
Balram, Amrita. “How Online Learning Can Affect Student
Health.” (Học trực tuyến có thể tác động đến sức khỏe của
học sinh) The Johns Hopkins News-Letter. April 20, 2020.
https://www.jhunewsletter.com/article/2020/04/
how-online- learning-can-affect-student-health.

PHỤ LỤC • 221


Barry, tiến sĩ Susan R. “Face-To-Face.” (Mặt đối mặt) Psychology
Today. 25 tháng 3, 2013.
https://www.psychologytoday.com/us/blog/eyes-the-
brain/201303/face-face.

Felder, Richard M., và Rebecca Brent. “Cooperative Learning.”


(Học hợp tác) ACS Symposium Series. 2007; 970: 34–53.
https://doi.org/10.1021/bk-2007-0970.ch004.

White, Kimberly. “8 Reasons Why One-On-One Teaching


Benefits Students.” (8 lý do tại sao dạy một thầy một trò lại
có lợi cho học sinh) Christa McAuliffe Academy School of Arts
and Sciences. Truy cập ngày 9 tháng 3, 2021.
https://www.cmasas.org/8-reasons-why-one-one-instruc-
tion-benefits-students.

CHƯƠNG 10
New Teacher Center. “Blended Learning: Personalizing Education
for Students—Role of the Teacher at KIPP LA.” (Học kết
hợp: cá nhân hóa giáo dục cho học sinh – vai trò của giáo
viên ở KIPP LA) Coursera. Truy cập ngày 15 tháng 3, 2021.
Video, phút 10:27.
https://www.coursera.org/learn/blending-learning-per-
sonalization/lecture/BNbh5/role-of-the-teacher-at-kipp-la.

Pandurov, Marija. “35 Exciting Blended Learning Statistics.”


(35 con số thống kê thú vị về việc học kết hợp) Mark In Style.

222 • UNLOCKED
Ngày 8 tháng 5, 2021.
https://markinstyle.co.uk/blended-learning-statistics/.

TeachThought Staff. “12 of the Most Common Types of


Blended Learning.” (12 dạng học kết hợp phổ biến nhất)
TeachTought (blog). Accessed February 3, 2021.
https://www.teachthought.com/learning/12-types-of-
blended-learning/.

Trach, Elizabeth. “A Beginner’s Guide To Flipped Classroom.”


(Hướng dẫn cho người mới đầu chuyển sang phòng học
đảo ngược) Schoology Exchange (blog). Ngày 1 tháng 1, 2020.
https://www.schoology.com/blog/flipped-classroom.

Tucker, Catlin. “The Basics of Blended Instruction.” (Những


điều cơ bản về giảng dạy kết hợp) ASCD. Ngày 1 tháng 3,
2013.
http://www.ascd.org/publications/educational-leader-
ship/mar13/vol70/num06/The-Basics-of-Blended-In-
struction.aspx.

Valamis. “Blended Learning.” (Học kết hợp) Cập nhật vào


ngày 11 tháng 5, 2021.
https://www.valamis.com/hub/blended-learning.

PHỤ LỤC • 223


CHƯƠNG 11
Elsey, Emma-Louise. “The Complete Guide to the Wheel
of Life (for Coaches).” (Hướng dẫn đầy đủ cho Bánh xe
cuộc sống (cho những người hướng dẫn)) Coaching Blog,
The Coaching Tools Company. Cập nhật ngày 4 tháng 2, 2022.
Truy cập ngày 9 tháng 2, 2022.
https://www.thecoachingtoolscompany.com/wheel-of-
life- complete-guide-everything-you-need-to-know/.

Everett, Nesrin. “Coaching Model: The COMPASS.” (Mô


hình hướng dẫn: COMPASS) International Coach Academy.
Ngày 11 tháng 12, 2014.
https://coachcampus.com/coach-portfolios/coach-
ing-models/nesrin-everett-the-compass/.

International Coaching Federation (ICF). “About ICF: All


Things Coaching.” (Về liên đoàn huấn luyện quốc tế: Mọi
điều về huấn luyện) Cập nhật vào ngày 13 tháng 10, 2021.
https://coachingfederation.org/about.

Mind Tools Content Team. “The GROW Model of Coaching


and Mentoring: A Simple Process for Developing Your
People.” (Mô hình hướng dẫn và cố vấn GROW: quy trình
đơn giản để phát triển nhân viên của bạn) MindTools. Truy
cập ngày 13 tháng 10, 2021.
https://www.mindtools.com/pages/article/newLDR_89.htm.

224 • UNLOCKED
Performance Consultants. “The GROW Model.” (Mô hình
GROW) Truy cập ngày 13 tháng 10, 2021.
Accessed October 13, 2021.
https://www.performanceconsultants.com/grow-model.

Rinnelt, Jens. “Purpose Venn Diagram.” (Sơ đồ mục tiêu


Venn) Human Business. Ngày 8 tháng 2, 2017.
http://www.humanbusiness.eu/purpose-venn-diagram/.

St. John, Richard. “8 Secrets of Success.” (8 bí mật thành


công) Quay phim vào tháng 2 năm 2005 tại Monterey,
California. TED video, phút 3:17.
https://www.ted.com/talks/ichard_st_john_8_secrets_of_
success#t-11068.

CHƯƠNG 12
CB Insights. “Reinventing School: 106 Ed Tech Startups Across
Learning Management, Language Teaching, And More.”
(Tái phát minh trường học: 106 công ty khởi nghiệp về
công nghệ giáo dục trong những lĩnh vực quản lý học tập,
dạy ngôn ngữ và hơn nữa) Ngày 3 tháng 5, 2016.
https://www.cbinsights.com/research/ed-tech-market-
map-company-list/.

“The Complete List of Unicorn Companies.” (Danh sách đầy


đủ các công ty kỳ lân) Truy cập ngày 9 tháng 2, 2022.

PHỤ LỤC • 225


https://www.cbinsights.com/research-unicorn-companies.
DIY. Discover Everything Your Child Can Be (Khám phá tiềm năng con
cái bạn). 2022.
https://diy.org/#courses.

Global Education Series. “The Secrets Behind A Successful


EdTech Pitch.” (Những bí mật đằng sau một bài giới thiệu
EdTech thành công) Ngày 23 tháng 3, 2019. Video, phút
37:03.
https://www.youtube.com/watch?v=SHZfR5S3bxk.

Holon IQ. “2021 Global Learning Landscape.” (Bức tranh học


tập toàn cầu năm 2021) Truy cập ngày 3 tháng 4, 2021.
https://www.globallearninglandscape.org.

Holon IQ. “Global EdTech Market to Reach $404B by 2025—


16.3% CAGR.” (Thị trường EdTech toàn cầu đạt 404 tỷ
đô la đến năm 2025 – 16,3% tỷ lệ tăng trưởng kép hàng
năm) Ngày 6 tháng 8, 2020.
https://www.holoniq.com/notes/global-education-tech-
nology-market-to-reach-404b-by-2025/.

Holon IQ. “Global EdTech Unicorns.” Các công ty kỳ lân


EdTech trên toàn cầu) Cập nhật ngày 27 tháng 1, 2022. Truy
cập vào ngày 9 tháng 2, 2022.
Accessed February 9, 2022.
https://www.holoniq.com/edtech-unicorns/.

226 • UNLOCKED
Index by TNW. “EdTech: Investors.” (Công nghệ giáo dục:
Các nhà đầu tư) Truy cập vào ngày 13 tháng 10, 2021.
https://index.co/market/edtech/investors.

CHƯƠNG 13
Architonic. “Ørestad College: Copenhagen S, Denmark
2007.” (Đại học Ørestad: Copenhagen, Đan Mạch) Truy
cập vào ngày 14 tháng 12, 2021.
https://www.architonic.com/en/project/3xn-orestad-
college/5100079.

Ashoka. “Ørestad Gymnasium.” Truy cập vào ngày 15 tháng


12, 2021.
https://www.ashoka.org/en/story/orestad-gymnasium.

BPLearning. “Meet A BPL School—Kenya Big Picture Learn-


ing.” (Gặp một trường theo phương pháp BPL – Kenya Big
Picture Learning) Ngày 9 tháng 12, 2020. Video, phút 10:39.
https://www.youtube.com/watch?v=1-VYEGm2Vz4.

Brightworks. “How We Learn: The Arc.” (Cung học tập) Truy


cập ngày 22 tháng 12, 2020.
https://www.sfbrightworks.org/how-we-learn/the-arc/.

Denmarkdotdk. “One Room—One School.” (Trường học một


phòng) Ngày 11 tháng 3, 2013. Video, 2:50.
https://youtu.be/dEla4CltzmI.

PHỤ LỤC • 227


Greenberg, Brian, Rob Schwartz, và Michael B. Horn. “Blended
Learning: Personalizing Education for Students.” (Học kết
hợp: Cá nhân hóa giáo dục cho học sinh) Coursera. Truy cập
ngày 17 tháng 12, 2020.
https://www.coursera.org/learn/blending-learning-per-
sonalization#about.

HundrED. “Innovations: THINK Global School.” (Những


cải tiến: trường THINK Global School) Truy cập ngày 17
tháng 12, 2020.
https://hundred.org/en/innovations/think-global-school-
f58c2497-3493-4b1e-b8b9-61ab3472e8cb#9a623868.

Khan Lab School (KLS). “The KLS Model: Mastery-Based


Academics.” (Mô hình KLS: Thực học) Truy cập ngày 20
tháng 12, 2020.
https://www.khanlabschool.org/academics/the-kls-mod-
el/mastery-based-academics.

Khan Lab School (KLS). “The KLS Model: Mixed-Age.” (Mô


hình KLS: đa dạng độ tuổi) Truy cập ngày 14 tháng 12, 2021.
https://www.khanlabschool.org/academics/the-kls-model/
mixed-age-learning.

New Teacher Center. “Blended Learning: Personalizing Education


for Students—Preparing Students for Blended Learning.”
(Học kết hợp: Cá nhân hóa giáo dục cho học sinh – chuẩn
bị cho học sinh học theo phong cách học hòa tan) Coursera.

228 • UNLOCKED
Truy cập ngày 17 tháng 12, 2020. Video, phút 6:17.
https://www.coursera.org/lecture/blending-learning-person-
alization/preparing-students-for-blended-learning-CS0gU.

NEXT School. Welcome to the Revolution (Chào mừng đến với cuộc
cách mạng) 2016.
https://www.nextschool.org.

Ørestad Gymnasium. “Innovative Teaching Methods.”


(Những phương pháp dạy học cải tiến) Truy cập ngày 9
tháng 3, 2021.
https://oerestadgym.dk/in-english/our-teaching/.

Pegg, Mike. “B Is for Brightworks: An Extraordinary School.”


(B là Brightworks: một ngôi trường phi thường) The Positive
Encourager (blog). Truy cập ngày 22 tháng 12, 2020.
https://www.thepositiveencourager.global/brightworks-an-
extraordinary-school/.

THINK Global School. “Pauli Cendoya THINK Global School


Testimonial.” (Pauli Cendoya cảm nhận về trường THINK
Global School) Ngày 3 tháng 8, 2018. Video, phút 1:36.
https://youtu.be/ewxEZWBqpSQ.

THINK Global School. “The Changemaker Curriculum: A World


Class Education for a Changing World.” (Chương trình học
tạo ra thay đổi: một nên giáo dục đẳng cấp thế giới cho một

PHỤ LỤC • 229


thế giới đang thay đổi) Truy cập vào ngày 12 tháng 10, 2021.
https://thinkglobalschool.org/academics/the-changemaker
-curriculum/.

THINK Global School. “Tiana Seger THINK Global School


Testimonial.” (Tiana Seger cảm nhận về trường THINK
Global School) Ngày 28 tháng 1, 2017. Video, phút 1:34.
https://youtu.be/aAQbSaGTo_M.

Weller, Chris. “The 14 Most Innovative Schools In The


World.” (14 trường cải tiến nhất thế giới) Business Insider.
Ngày 10 tháng 10, 2016.
h t t p s : / / w w w. bu s i n e s s i n s i d e r. c o m / m o s t - i n n ova -
tive-schools- in-the-world-2-2016-10.

Weller, Chris. “The Founder of Khan Academy Built the


Ultimate School for Kids to Work and Play Together—Take
a Look Inside.” (Nhà sáng lập học viện Khan Academy xây
dựng một ngôi trường tuyệt vời cho trẻ để học tập và chơi
đùa cùng nhau – hãy cùng khám phá) Business Insider. Ngày
6 tháng 10, 2017.
https://www.businessinsider.com/khan-lab-school-tour-
inside-sal-khans-newest-school-2017-10#the-school-has-
various-labs-depending-on-the-activity-students-are-en-
gaged-in-4

230 • UNLOCKED
VỀ TÁC GIẢ
David Pham sinh ra ở Việt Nam vào
năm 1990. Từ bé, anh luôn là một
đứa trẻ tò mò với niềm ham mê quan
sát con người và cuộc sống xung
quanh. Lên 5 tuổi, cha mẹ của David
đưa anh đến sống ở Cộng hòa Séc, hy
vọng sẽ đem đến cho anh môi trường
học tập và phát triển tốt hơn.

May sao, việc chuyển nơi sống này đã thành công đem đến
cho David những cơ hội bước ra thế giới. Niềm đam mê
của anh với việc dạy học ban đầu nảy mầm từ một khóa
thực tập tình nguyện với AIESEC (Association Internationale
des Étudiants En Sciences Économiques et Commerciales) ở
Bra-xin năm 2010, một tổ chức lãnh đạo mà anh là một
thành viên năng nổ và đáng tự hào. Trong anh có một khát
khao mãnh liệt là được góp phần thay đổi thế giới, niềm khát
khao đó thôi thúc anh theo đuổi cơ hội đến trụ sở của Liên
Hợp Quốc tại New York tham gia hội nghị thường niên Liên

VỀ TÁC GIẢ • 231


Hợp Quốc mô phỏng (Model United Nations). Hội nghị này
đã nhấn mạnh rất nhiều vấn đề toàn cầu mà loài người đang
phải đối mặt, và hệ thống giáo dục hiện nay là một trong số
những vấn đề đó. Sau hội nghị, David càng nhận rõ tính cấp
bách và tầm quan trọng đối với việc góp phần vào sự cải tiến
giáo dục.

Theo đuổi con đường học vấn, anh đạt tấm bằng thạc sĩ về
Kinh doanh Quốc tế của trường Kinh tế ở Prague, Cộng hòa
Séc. Sau này, anh tiếp tục trở thành giáo viên đạt chứng nhận
CELTA (Certificate in English Language Teaching to Adults)
và có hơn 4.000 giờ dạy học (dạy cả nhóm và cá nhân, trực
tuyến và ngoại tuyến). Mục tiêu của anh là sử dụng những kỹ
năng giảng dạy đáng quý để thực hiện nghiên cứu về sự phát
triển của con người và tư vấn cho các tổ chức giáo dục.

Trở thành một công dân toàn cầu, David tiếp tục học tập
ở Pháp, làm việc ở Anh và Trung Quốc, và du hành tới
Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, cũng như 40 quốc gia khác
nhau trên khắp thế giới. Sau khi đã thu lượm những trải ng-
hiệm và những ý tưởng đa văn hóa vô giá, anh quyết định quay
trở về Việt Nam. Sống với vợ và con gái, David hiện nay đang
tập trung vào mục đích sống của mình là cải thiện nền giáo dục
cho những thế hệ tương lai. Cuốn sách của anh là một bước
đi nữa để tiến gần hơn tới mục tiêu này. Anh tin tưởng sâu sắc
rằng học theo lối ứng dụng và cá nhân hóa là điều quan trọng

232 • UNLOCKED
đối với sự ổn định của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
David khuyến khích bạn kết nối với anh ấy trên Facebook và
những nền tảng mạng xã hội khác theo địa chỉ @unlockedbydp
hoặc qua email của anh unlockedbydp@gmail.com.

VỀ TÁC GIẢ • 233


Ấn phẩm đặc biệt được phối hợp thực hiện bởi

Đối tác liên kết: Công ty CP sách Thái Hà - Số 119 C5 Tô Hiệu, Nghĩa Tân, quận
Cầu Giấy, Hà Nội
UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG THƯƠNG

Trụ sở: 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


Tel: (024) 3934 1562
Fax:a (024) 3824 2551
Website: http://nhaxuatbancongthuong.com

Chịu trách nhiệm xuất bản:


GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP: TRƯƠNG THU HIỀN
Biên tập viên nhà xuất bản: Trương Hữu Thắng
Biên tập viên: Khánh Ly
Sửa bản in: Minh Hiền
Thiết kế bìa: Như Phạm
Trình bày: Như Phạm

In 1.100 cuốn, khổ 14,5 x 20,5 cm tại Công ty TNHH In Thanh Bình, địa
chỉ: Số 432 đường K2 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Số đăng ký KHXB: 1791-2023/CXBIPH/04-88/CT. Quyết định xuất
bản số: 115/QĐ-NXBCT cấp ngày 08/06/2023. In xong và nộp lưu
chiểu năm 2023.

ISBN: 978-604-362-873-9

You might also like