Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

Bài tập cá nhân

1. Phân tích đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Từ đó rút ra ưu thế và
hạn chế của nền kinh tế thị trường
1.1 Đặc trưng của nền kinh tế thị trường
Nền kinh tế thị trường, với tư cách là một sản phẩm của nền văn minh nhân loại,
đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển phức tạp. Trong quá trình nghiên cứu,
K.Marx đã phát hiện ra những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường, bao
gồm:
Thứ nhất, kinh tế thị trường đòi hỏi sự đa dạng của các chủ thể kinh tế, nhiều
hình thức sở hữu. Các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật
Các chủ thể kinh tế có thể là nhà nước, người sản xuất, người tiêu dùng hay các
chủ thể trung gian. Mỗi chủ thể đều giữ vai trò quan trọng riêng. Song, họ đều có
cơ hội để tiếp cận các nguồn lực phát triển có hiệu quả, cũng như được tự do sản
xuất, kinh doanh theo luật pháp, không bị phân biệt đối xử, cùng phát triển lâu dài,
hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Các hình thức sở hữu có thể là tư hữu, công
hữu…
Thứ hai, thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực xã hội
thông qua hoạt động của các thị trường bộ phận như thị trường hàng hóa, thị
trường dịch vụ, thị trường sức lao động, thị trường tài chính, thị trường bất động
sản, thị trường khoa học công nghệ...
Trong nền kinh tế thị trường, các nguồn lực sẽ tự động chảy về các ngành mà tại
đó chúng được sử dụng hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao và nhằm cân bằng cung
cầu trên thị trường. Ví dụ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thị trường khẩu trang,
vật tư y tế… khan hiếm trầm trọng, nguồn cung vô cùng hạn chế. Do đó, rất nhiều
nhà máy và cơ sở sản xuất khẩu trang, kim tiêm… mọc lên. Nguồn nhân lực và tư
bản đổ dồn về thị trường này để đảm bảo cung ứng đủ cầu về thiết bị y tế.
Cũng vì đặc trưng này mà nhà nước được cho là không nên can thiệp quá sâu
vào nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều hàng hóa, dịch vụ
cần thiết, cầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu (ví dụ như giáo dục) nên không
thu hút được nhà đầu tư tư nhân. Lúc này, nhà nước phải là chủ thể thực hiện trách
nhiệm của mình để đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Thứ ba, giá cả được hình thành theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh vừa là
môi trường, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển.
Đây chính là đặc trưng thể hiện rõ nét sự chi phối của quy luật kinh tế, đặc biệt
là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu. Ví dụ, một chiếc áo có
giá trị (tính bằng tiền theo hao phí lao động xã hội cần thiết) là 500.000 VND thì
giá cả thị trường sẽ được xác định dựa trên cơ sở đó và xoay quanh mức giá cân
bằng đó. Nếu mức giá quá cao hoặc quá thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà sản
xuất hoặc người tiêu dùng. Vì vậy, lượng cung và lượng cầu trên thị trường sẽ thay
đổi. Khi đó, quan hệ cung cầu sẽ tự động điều chỉnh để giá cả về điểm cân bằng
cung – cầu. Để đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận và giành được ưu thế trên thị trường,
các nhà sản xuất luôn chịu áp lực cạnh tranh, phải tiến hành cải tổ kĩ thuật hay
chiến lược để tăng năng suất lao động. Từ đó, điều chỉnh giá cả thị trường của sản
phẩm.
Thứ tư, động lực trực tiếp của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế
thị trường là lợi nhuận và lợi ích kinh tế - xã hội.
Đối với chủ thể tư nhân, (doanh nghiệp, người tiêu dùng), họ luôn đặt mục tiêu
lợi ích lên hàng đầu khi tham gia vào hoạt động kinh tế. Ví dụ, doanh nghiệp mở
rộng sản xuất khi giá cả nguyên vật liệu rẻ và giá cả thị trường không đổi bởi khi
đó, lợi nhuận của họ tăng lên. Người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm nhiều
hơn khi có các chương trình khuyến mại bởi họ cảm thấy mình được “hời”. Đối
với chủ thể là nhà nước, có thể vì lợi ích kinh tế song phải đảm bảo cả lợi ích xã
hội. Ví dụ, các dự án đầu tư công như điện, đường, trường, trạm ... Nhà nước vừa
phải hướng tới mục tiêu kinh tế, nhưng vừa phải cân đối phù hợp với thu nhập của
mọi thành phần nhân dân.
Thứ năm, nhà nước là chủ thể điều tiết nền kinh tế thị trường. Nhà nước là chủ
thể thực hiện chức năng quản lý, chức năng kinh tế, thực hiện khắc phục những
khuyết tật của thị trường, thúc đẩy những yếu tố tích cực, đảm bảo sự bình đẳng xã
hội và sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ sáu, kinh tế thị trường là nền kinh tế mở, tức, thị trường trong nước quan hệ
mật thiết với thị trường quốc tế.
Đặc trưng này làm tăng tính liên kết trên thị trường thế giới đồng thời cũng tăng
sự phụ thuộc kinh tế giữa các quốc gia. Khi đó, nền kinh tế có cơ hội tiếp xúc và
“rèn luyện” nên sức đề kháng tăng lên, tạo động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên,
việc mở cửa có thể tiềm ẩn nguy cơ về an ninh kinh tế, sự xâm lăng về văn hóa,
khủng hoảng, ô nhiễm môi trường hay phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc.
1.2 Ưu thế và khuyết tật của nền kinh tế thị trường
Từ phân tích các đặc trưng phổ biến, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được
những ưu thế và khuyết tật của nền kinh tế thị trường.
1.2.1 Ưu thế
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường luôn tạo động lực mạnh mẽ cho sự hình thành ý
tưởng mới của các chủ thể kinh tế.
Nền kinh tế thị trường trở thành phương thức hữu hiệu kích thích sự sáng tạo
trong hoạt động của cá thể, chủ thể kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động
tự do của họ, qua đó, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Nền kinh tế
thị trường chấp nhận những ý tưởng sáng tạo mới trong thực hiện sản xuất kinh
doanh và quản lý. Nền kinh tế thị trường tạo môi trường rộng mở cho các mô hình
kinh doanh mới theo sự phát triển của xã hội.
Ví dụ, sự sáng tạo ra các sản phẩm mới, hiện đại giúp cho nhu cầu của người
tiêu dùng được đáp ứng đầy đủ hơn. Đồng thời, nhà sản xuất tăng lợi nhuận nhờ
chiếm ưu thế trên thị trường. Hay sự sáng tạo trong kĩ thuật giúp cải thiện năng
suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và do đó nhà sản xuất tối đa hóa lợi nhuận
nhờ bán được nhiều hàng hóa hơn; người tiêu dùng cũng được lợi nhờ giảm chi phí
tiêu dùng.
Thứ hai, nền kinh tế thị trường luôn phát huy tốt nhất tiềm năng của mọi chủ
thể, các vùng miền cũng như lợi thế quốc gia.
Từ đặc trưng thứ hai, có thể thấy, mọi tiềm năng, lợi thế đều có thể được phát
huy, đều có thể trở thành lợi ích đóng góp cho xã hội. Thông qua vai trò gắn kết
của thị trường mà nền kinh tế thị trường trở thành phương thức hiệu quả hơn hẳn
so với nền kinh tế tự cấp tự túc hay nền kinh tế kế hoạch hóa để phát huy tiềm
năng, lợi thế của từng thành viên, từng vùng miền trong quốc gia, của từng quốc
gia trong quan hệ kinh tế với phần còn lại của thế giới.
Thứ ba, nền kinh tế thị trường luôn tạo ra các phương thức để thỏa mãn tối đa
nhu cầu của con người, từ đó thúc đẩy tiến bộ, văn minh xã hội.
Nền kinh tế thị trường với sự tác động của các quy luật thị trường luôn tạo ra sự
phù hợp giữa khối lượng, cơ cấu sản xuất với khối lượng, cơ cấu nhu cầu tiêu dùng
của xã hội. Nhờ đó, nhu cầu tiêu dùng về các loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau
được đáp ứng kịp thời; người tiêu dùng được thỏa mãn nhu cầu cũng như đáp ứng
đầy đủ mọi chủng loại hàng hóa, dịch vụ. Thông qua đó, nền kinh tế thị trường trở
thành phương thức để thúc đẩy văn minh, tiến bộ xã hội.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phát triển của nhân loại thông qua quá trình lịch
sử. Chỉ xét riêng thị trường thực phẩm, nếu như trước kia, cơm ăn áo mặc là mối
quan tâm hàng đầu của con người, việc thiếu lương thực khiến tình trạng suy sinh
dưỡng luôn ở mức báo động thì ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận với vô số các
loại thực phẩm cao cấp và đảm bảo sức khỏe.
Tuy mang trong mình những ưu thế nổi bật đó, nền kinh tế thị trường vẫn tiềm
ẩn những khuyết tật
Thứ nhất, nguy cơ khủng hoảng. Khủng hoảng có thể là khủng hoảng cục bộ,
khủng hoảng tổng thể, khủng hoảng với mọi loại thị trường. Do yếu tố tiềm ẩn này
mà các quốc gia khó dự đoán được thời điểm xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, theo
K.Marx, những cuộc khủng hoảng lớn có chu kì 8-12 năm.
Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng toàn
cầu giai đoạn 2019 đến nay do đại dịch Covid-19…
Thứ hai, nền kinh tế thị trường cũng không tự khắc phục được những rủi ro tiềm
ẩn.
Nền kinh tế thị trường không tự khắc phục được xu hướng cạn kiệt tài nguyên
không thể tái tạo, suy thoái môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Do các chủ thể
sản xuất trong nền kinh tế thị trường luôn đặt mục tiêu lợi nhuận tối đa nên luôn
tạo ra ảnh hưởng tiềm ẩn đối với nguồn lực tài nguyên, suy thoái môi trường. Cũng
vì động cơ lợi nhuận, các chủ thể sản xuất kinh doanh có thể vi phạm cả nguyên
tắc đạo đức để chạy theo mục tiêu làm giàu thậm chí phi pháp, góp phần gây ra sự
xói mòn đạo đức kinh doanh, thậm chí cả đạo đức xã hội.
Ngày nay, biến đổi khí hậu là một vấn đề nóng bỏng trên thế giới mà nguyên
nhân chính là do hoạt động của con người gây ra. Trong đó, rác thải công nghiệp từ
hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỉ trọng khá lớn.
Thứ ba, nền kinh tế thị trường không tự khắc phục được hiện tượng phân hóa
giàu nghèo gay gắt.
Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng phân hóa xã hội về thu nhập, về cơ hội
là tất yếu. Điều này xảy ra do sự khác biệt tốc độ thích nghi của mỗi chủ thể kinh
tế. Bản thân nền kinh tế thị trường không thể tự khắc phục được hiện tượng phân
hóa sâu sắc. Các quy luật thị trường luôn phân bổ lợi ích theo mức độ và loại hình
hoạt động tham gia thị trường, cộng với tác động của cạnh tranh mà dẫn đến sự
phân hóa như một tất yếu.
Như vậy, nền kinh tế thị trường gồm 6 đặc trưng cơ bản với các ưu thế và
khuyết tật song song tồn tại. Do đó, nền kinh tế thị trường thuần túy không tồn tại
mà vẫn có sự can thiệp của bàn tay nhà nước. Đến nay, nền kinh tế thị trường vẫn
là hình thức sản xuất cao nhất và là sản phẩm của văn minh nhân loại.
2. Liên hệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
hiện nay
Tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể hay chế độ chính trị xã hội của mỗi quốc gia mà
mỗi nền kinh tế thị trường lại có thể có đặc trưng và mô hình riêng. Trong đại hội
lần thứ 13 của Đảng, Việt Nam đã xác định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của
kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với
từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Thực tế, khi so sánh thực trạng nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thị trường
nói chung, ta nhận thấy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam bao hàm các đặc trưng cơ bản nhưng cũng có những khác biệt nhất định so
với nền kinh tế thị trường nói chung, phù hơp với bối cảnh của đất nước nhờ có sự
lãnh đạo của nhà nước.
Thứ nhất, về mục tiêu.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo các
quy luật của thị trường đồng thời góp phần hưởng tới từng bước xác lập một xã hội
mà ở đó dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có sự điều tiết của
Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam länh dao. Kinh tế thị trường ở Việt Nam
được xác định vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội thông
qua giải phóng sức lao động vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong
khi ở các nước tư bản chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường là mục tiêu hướng đến.
Thứ hai, về quan hệ sở hữu và thành phần kinh tế
Trước hết về quan hệ sở hữu, nền Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta hiện nay có hai loại hình sở hữu tư liệu sản xuất và sản phẩm là sở
hữu tư nhân(sở hữu cá thể, tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân) và sở hữu công cộng
(sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể của người lao động).
Việc xác định rõ các hình thức sở hữu là cơ sở để xây dựng các thành phần kinh
tế, biểu hiện đó là nền kinh tế có nhiều thành phần kinh tế. Mỗi thành phần kinh tế
dựa trên một hình thức sở hữu nhất định.
Về hình thức sở hữu nhà nước có thành phần kinh tế nhà nước như: doanh
nghiệp Nhà nước. Về hình thức sở hữu tập thể có thành phần kinh tế tập thể như
Hợp tác xã. Về hình thức sở hữu tư nhân có thành phần kinh tế tư nhân như công
ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn. Về hình thức sở hữu hỗn hợp có các hình
thức liên doanh liên kết doanh nghiệp nhà nước với tư nhân như cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nhà nước có thể nắm cổ phần của doanh
nghiệp.
Thứ ba, về quan hệ quản lí kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có sự can thiệp của
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vào quá trình kinh tế nhằm khắc phục những
hạn chế khuyết tật của thị trường và định hướng thị trường theo mục tiêu đã định.
Sự can thiệp này có thể bằng công cụ quy định của Pháp luật, hoặc bằng các thực
thể điều tiết khác như doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sự can thiệp này không áp
đặt cực đoan, vẫn phải tôn trọng quy luật khách quan của thị trường. Nhà nước
được coi là bàn tay hữu hình đắc lực để khắc phục các khuyết tật của nền kinh tế
thị trường thông qua các chính sách vĩ mô và các công cụ điều tiết.
Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thị trường xăng dầu Việt Nam, giá cả
xăng dầu biến động lớn, gây sốc cho nền kinh tế, Nhà nước sử dụng công cụ điều
tiết thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2000đ/lit để đảm bảo hạn chế
tối đa nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Thứ tư, về quan hệ phân phối
Có nhiều hình thứ phân phối
+ Phân phối theo kết quả lao động: bản chất của hình thức này dựa trên kết quả
về chất lượng, số lượng lao động, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không
làm không hưởng.
+ Phân phối theo hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn: ví dụ, như dựa trên
kết quả sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp lỗ hay lãi, hoặc dựa trên lợi
tức đóng góp vốn là nhiều hay ít.
+ Phân phối thông qua hệ thống phúc lợi tập thể và xã hội: như hệ thống quỹ
phúc lợi hưu trí, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa... các các công
trình phúc lợi xã hội mà nhân dân được hưởng.
Trong đó phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, phân phối theo
phúc lợi là những hình thức phân phối mang tính chất định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Thứ năm, về quan hệ giữa gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội
Mục tiêu cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”, cho nên, chúng ta không thực
hiện tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà ngoài mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế còn phải đảm bảo tính công bằng xã hội; phát triển kinh tế đi đôi với phát
triển văn hóa - xã hội.
Công bằng xã hội được biểu hiện ở các khía cạnh công bằng về thu nhập, lao
động việc làm, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách thu nhập, chính sách ưu
đãi với ngừoi có công… Nền kinh tế dù có chỉ số tăng trưởng cao, nhưng khoảng
cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn, thất nghiệp giá tăng, bất bình đẳng thu nhập…
hậu quả sẽ tệ nạn xã hội xuất hiện, tác động tiêu cực trở lại tới nền kinh tế, và kìm
hãm nền kinh tế. Khi thực hiện các chính sách công bằng xã hội, sẽ tạo điều kiện
bảo đảm sự phát triển bền vững, nó cũng chính là mục tiêu của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam.
Trong khi đối với các nước tư bản chủ nghĩa, ngày nay cũng đặt ra vấn đề giải
quyết công bằng xã hội. Song nó chỉ được đặt ra khi những tác động tiêu cực đe
dọa sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản, hay nói cách khác giải quyết vấn đề công
bằng xã hội đối với các nước tư bản chủ nghĩa chỉ là phương tiện để duy trì chế độ
tư bản chủ nghĩa chứ không phải là mục tiêu của chế độ đó.
Thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển và nền kinh tế còn yếu ớt nên
nhà nước vẫn can thiệp khá sâu vào nền kinh tế, điển hình như vai trò chủ đạo của
hệ thống ngân hàng trên thị trường tài chính (95%) hay sự đan xen lớn giữa các
hình thức công hữu và tư hữu. Đây là ưu thế giúp cho kinh tế nước ta được bảo vệ
và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển lớn mạnh. Trong lịch sử, cũng có những
giai đoạn nền kinh tế được nâng đỡ quá nhiều dẫn đến tình trạng suy thoái, trì trệ.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu tiến trình hội nhập và mở cửa, nền
kinh tế được giao lưu và mở rộng hơn, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hình thức
tư hữu tăng lên. Khi đó, lại tiếp tục xuất hiện vấn đề trong bình đẳng giữa các chủ
thể, ví dụ như việc tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước và doanh
nghiệp tư nhân.
Nhìn chung, nước ta mới ở chặng đầu tiên trên con đường phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết,
đòi hỏi các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách phải linh hoạt, sáng tạo tùy theo
điều kiện kinh tế xã hội trong nước và thế giới để tiến đến hoàn thành mục tiêu
công nghiệp hóa, hiên đại hóa, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh

You might also like