Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 54

Chức năng văn học

Dụ ngôn về cái hang – Platon

Platon luận tội thi nhân – Chu Quang Tiềm

Lương tâm của từ ngữ (The Conscience of Words) – Susan Sontag

Tại Sao Văn Chương? (Why Literature?) – Mario Vargas Llosa

Giá trị của văn chương – Mario Vargas Llosa

Văn chương cứu rỗi nhân loại – Nguyễn Hoàng Đức


I. Dụ ngôn về cái hang, Platon, Lê Dọn Bàn dịch

Socrates nói chuyện với Glaucon1

(Những dòng in nghiêng là lời của Glaucon)

[Socrates:] Và bây giờ, tôi đã nói, hãy để tôi tỏ rõ cho thấy trong một hình ảnh minh hoạ bản chất của
chúng ta, được soi sáng hay không được soi sáng, xa đến đâu: – Hãy nhìn kìa! Những con người sống trong
một cái hang dưới đất, nó mở rộng – như một cái miệng – về phía có ánh sáng, và kéo dài hết chiều dọc cái
hang; những người này đã ở đây từ thời họ thơ ấu, chân và cổ họ bị xiềng khiến không thể di chuyển, và chỉ có
thể nhìn thấy về phía trước họ, vì xiềng quanh cổ đã ngăn họ không thể xoay đầu. Phía trên và sau họ, cách một
khoảng xa, có một ngọn lửa cháy sáng, và giữa ngọn lửa và những người tù có một đường đi đắp cao; và nếu
bạn nhìn, bạn sẽ thấy một bức tường thấp xây dọc đường đi, giống như màn hình vốn những người chơi rối
có ở đằng trước họ, trên đó, họ trưng bày những con rối.

[Glaucon:] Tôi thấy.

Và bạn thấy không, tôi đã nói, những người đi qua, dọc theo bức tường, mang đủ loại những bình,
chậu, lọ vại, và những tượng và những khuôn hình của những thú vật, làm bằng gỗ và đá và bằng nhiều vật
liệu khác loại, chúng xuất hiện trên tường. Một số người trong đám họ nói năng, số người khác im lặng.2

Ông đã cho tôi thấy một hình ảnh lạ lùng, và họ là những người tù lạ lùng.

Giống như chính chúng ta, tôi trả lời, và họ chỉ thấy những cái bóng của chính họ, hay những cái bóng
của người này hoặc người kia cùng bọn, vốn ngọn lửa chiếu hắt lên bức tường đối diện của cái hang?

Đúng thật, anh ta nói; làm thế nào họ có thể nhìn thấy bất cứ điều gì, ngoài những cái bóng, nếu như
họ không bao giờ được phép chuyển động đầu của họ?

Và của những đối tượng vốn chúng đương được mang đi trong cách thức giống thế, họ tất có thể chỉ
nhìn thấy những cái bóng?

Đúng, anh ta nói.

1
Anh của tác giả Plato – nhân vật đang cùng bàn luận với Socrates.
Republic gồm 10 quyển, hay tập sách, trong đó có ba câu chuyện nổi Kếng, thường gọi là:
a. Parable of the Cave, hay các tên khác: Myth of the Cave, Metaphor of the Cave, The Cave Analogy, Plato's Cave, hay the
Allegory of the Cave (quyển VII).
b. Metaphor of the Sun (quyển VI), và
c. Analogy of the Divided Line (quyển VI).
Nhan đề là do các tác giả khác nhau khi trích dẫn đã đặt, để gọi cho Kện lợi. Parable of the Cave được trích dẫn nhiều nhất, nên cũng
có nhiều tên gọi khác nhau. Plato đã dùng ba câu chuyện này, chúng đều mang những ý nghĩa tượng trưng, để minh họa quan điểm
siêu hình của ông về tri thức luận: Ẩn dụ về Mặt Trời (the metaphor of the sun), Chuyện tượng trưng cái hang (Allegory of the cave),
và rõ ràng hơn cả là Chuyện tượng trưng về đường thẳng phân đoạn (Analogy of the Divided Line). Trong hai tên gọi phổ thông của
câu chuyện này, “allegory of the cave” và “Parable of the cave”, tôi theo Russell, chọn nhan đề thứ hai, nên dịch là “Dụ Ngôn Cái
Hang”
2
Những người này không in bóng lên tường.
Và nếu như họ đã có khả năng trò chuyện với nhau, phải chăng không giả định là họ đang gọi tên cho
những gì đã thực sự ở phía trước họ, có đúng không?

Rất đúng

Và giả định thêm rằng nhà tù đã có một tiếng vang vốn đến từ phía bên kia, không phải là họ chắc chắn
sẽ tưởng tượng khi một trong những người đi qua lên tiếng, là cái giọng nói họ nghe được đã đến từ những
cái bóng đang đi qua?

Không phải hỏi, anh ta trả lời.


Đối với họ, tôi đã nói, sự thật sẽ là không-gì khác hơn, nhưng đúng là những cái bóng của những khuôn
hình.

Điều ấy là hẳn nhiên

Và bây giờ nhìn lại, và xem những gì sẽ tự nhiên đến tiếp theo, nếu những người tù được thả ra, và thôi
không mù quáng nữa về sai lầm của họ. Đầu tiên, khi bất kỳ một người nào trong số họ được tự do, và buộc
thình lình đứng dậy, và quay ngoái cổ lại, bước đi và nhìn về phía ánh sáng, anh ta sẽ bị đau nhói mạnh; ánh
sáng lòa chói sẽ làm anh khốn khổ, và anh ta sẽ không có khả năng thấy được những thực tại của những gì vốn
trong trạng thái trước đó của anh, anh ta đã nhìn thấy những cái bóng; và sau đó, hiểu ra được một vài người
nói với anh ta, rằng những gì anh nhìn thấy trước đó đã là một ảo ảnh, nhưng bây giờ, khi anh được tiếp cận
gần hơn đến thực thể, và mắt của anh chuyển sang với hiện hữu chân thực hơn, anh có một thị lực rõ ràng
hơn, – anh sẽ trả lời những gì? Và bạn có thể tưởng tượng xa thêm nữa rằng người hướng dẫn của anh chỉ vào
những đối tượng khi chúng đương đi qua và yêu cầu anh ta gọi tên chúng, – anh ta sẽ không lúng túng bối rối
hay sao? Liệu anh ta không tưởng tượng những cái bóng; mà anh đã thấy được trước đó, chúng thật hơn so
với những đối tượng mà hiện giờ được chỉ cho anh?

Không gì đúng hơn nữa.

Và nếu như anh bị buộc phải nhìn thẳng vào ánh sáng, không phải là mắt anh sẽ đau, nó sẽ làm anh
quay mắt đi không nhận, và nhìn những đối tượng của thị giác mà anh có thể thấy, và qua đó anh sẽ nhận thức
là trong thực tế, chúng rõ ràng hơn những gì mà hiện nay đang được chỉ cho anh ta?

Đúng, anh nói.

Và lại giả sử một lần nữa, rằng anh miễn cưỡng bị kéo lên một cái dốc đứng và gồ ghề dẫn lên cao, và
giữ chặt cho đến khi anh ta bị đẩy ra trước sự hiện diện của chính mặt trời, không có khả năng là anh ta bị đau
và tức tối khó chịu sao? Khi anh tiến ra ánh sáng, đôi mắt của anh sẽ bị chói, và anh sẽ không có khả năng nhìn
thấy bất-cứ-gì tất cả, của những gì bây giờ được gọi là những thực tại.

Trong một giây lát, không thấy gì tất cả, anh nói.
Phải cần cho anh quen dần với cảnh tượng của thế giới bên trên. Và đầu tiên, tốt nhất là anh sẽ xem
những cái bóng, tiếp theo là những phản chiếu của những con người và những đối tượng khác trong nước, và
sau đó là tự chính những đối tượng, rồi sau nữa, anh sẽ nhìn ánh sáng của mặt trăng, và những ngôi sao và vòm
trời lấp lánh; và anh sẽ xem bầu trời và những ngôi sao ban đêm tốt hơn là mặt trời hoặc ánh sáng của mặt trời
ban ngày?

Chắc chắn thế


Cuối cùng, anh sẽ có khả năng nhìn mặt trời, và không chỉ những phản chiếu của anh trong nước,
nhưng anh sẽ thấy anh ta trong chỗ đứng của riêng anh, và không trong chỗ khác; và anh sẽ lặng nhìn anh như
anh ta là.

Chắc chắn thế


Sau đó, anh sẽ tiến tới lập luận rằng đây là cái ông đem cho mùa và năm tháng, và là hộ mệnh của tất cả
những gì trong thế giới hữu hình, và trong một cách nhất định nào đó, là nguyên nhân của tất cả mọi thứ mà
anh và những đồng bạn của anh đã từng quen nhìn thấy?

Hiển nhiên, anh nói, lần đầu tiên anh sẽ nhìn thấy mặt trời và rồi sau đó lý luận về ông trời.

Và khi anh nhớ lại chốn cư trú cũ của anh, và sự khôn ngoan nơi cái hang và những đồng bạn tù, bạn
không giả định rằng anh sẽ tự khen ngợi mình về sự thay đổi, và thương hại những người bạn?

Dĩ nhiên, anh ta sẽ.

Và nếu như họ đã ở trong thói quen trao vinh dự giữa bọn họ với nhau cho những người quan sát
nhanh nhất những hình bóng đi qua, và nhận xét cái nào trong chúng đã đi trước, và cái nào đã đi tiếp theo
sau, và những cái nào đã đi cùng với nhau, và do đó ai là người giỏi nhất có thể rút ra kết luận về tương lai, bạn
có nghĩ rằng anh ta sẽ thiết đến vinh dự và tiếng tăm loại như vậy, hay thèm muốn với những người sở hữu
chúng hay không? Phải chăng anh ta sẽ không nói như Homer, “Tốt hơn là làm đầy tớ nghèo cho một ông chủ
nghèo”,3 và cam chịu bất cứ gì, hơn là nghĩ như họ nghĩ, và sống như cách sống của họ?

Vâng, anh nói, tôi nghĩ rằng anh ta thà chịu đựng bất cứ điều gì hơn là vui thú với những khái niệm sai
lầm và sống trong cách thức khốn khổ, này.

Hãy tưởng tượng thêm một lần nữa, tôi đã nói, một người giống như vậy thình lình ra giữa ánh mặt
trời thay cho tình trạng cũ của mình; có phải là anh ta mà không chắc chắn muốn mắt anh ở trong hoàn toàn
tối đen?

3
Trong Odyssey 11.489-90. Bóng ma của Achilles đã chết, nói những lời này với Odysseus xuống thăm âm phủ (Hades). Khi hỏi ông có
hãnh diện hay không vì cái chết nổi Kếng của ông vang dội khắp thế giới, Achilles trả lời là với ý là “ông thà (sống) làm một kẻ lao
động cực nhọc, phục vụ cho một người nào đó khác, một người không đất cát, với rất ít (vật chất), hơn là làm vua của tất cả những
kẻ chết”
Là chắc chắn, anh nói.

Và nếu như có một cuộc thi, và anh ta phải đua tài với những người tù người vốn đã chưa bao giờ rời
khỏi cái hang, bằng cách đo lường những cái bóng, trong khi thị giác của anh vẫn còn yếu, và trước khi mắt
anh trở thành ổn định (và thời gian vốn cần thiết để có được thói quen mới này của thị giác có thể là rất đáng
kể) phải chăng anh sẽ không là lố bịch buồn cười?4 Mọi người sẽ nói về anh rằng anh đã đi lên, rồi đi xuống trở
lại với mắt nhìn bị huỷ hoại, và rằng tốt hơn là ngay cả đừng có nghĩ đến chuyện đi lên trên; và nếu như có bất
kỳ một ai nào cố gắng mở khoá cho một ai khác, và dẫn kẻ này lên tới ánh sáng, hãy để họ bắt đúng kẻ phạm
tội, và họ sẽ buộc kẻ này chịu tội chết5.

Không phải hỏi han gì, anh nói.

Toàn thể câu chuyện này, tôi đã nói, bây giờ bạn có thể nối vào, Glaucon thân yêu ơi, với luận chứng
trước; căn nhà tù là thế giới của thị giác, ánh sáng của nguồn lửa là mặt trời, và bạn sẽ không hiểu lầm tôi nếu
bạn giải thích cuộc hành trình hướng lên cao là sự đi lên của hồn người vào trong thế giới trí tuệ theo như tin
tưởng nghèo nàn của tôi, vốn do ước muốn của bạn, tôi đã bày tỏ, cho dù đúng hay sai, có Zeus biết. Nhưng,
dù đúng hay sai, ý kiến của tôi là trong thế giới của kiến thức, ý tưởng về sự tốt lành xuất hiện sau cùng tất cả6,
chỉ được nhìn thấy với một nỗ lực, và khi nhìn thấy, cũng được suy ra là tác giả phổ quát của tất cả những gì
đẹp và đúng, sinh thành của ánh sáng, và chúa tể của ánh sáng trong thế giới hữu hình này, và là nguồn gốc
trực tiếp của lẽ phải và sự thật trong trí tuệ, và rằng đây là sức mạnh vốn dựa trên đó người nào nếu hành động
theo lý trí, hoặc trong đời sống công cộng hoặc riêng tư, người ấy phải không rời mắt nhìn khỏi nó.

II. Platon luận tội thi nhân, Chu Quang Tiềm (1897-1986), Lê Thời Tân dịch

4
Nhà viết kịch Aristophanes đã viết một hài kịch The Clouds, diễu cợt Socrates, trình bày ông như một trí giả khùng điên, đầu ở ‰t
trên mây.
5
Plato hẳn phải nghĩ về Socrates đã bị tòa án ở Athens buộc tội chết, là người thày vốn Plato xem là sáng suốt vào bậc nhất.
6
“the idea of good”, hay “the form of the good” – chỉ ý tưởng tuyệt đối, hay những thể dạng vĩnh cửu bất biến. Đây là đoạn quan
trọng – tôi thêm một bản dịch khác, mới hơn của G.M.A Grube, 1972 – cho rõ nghĩa:
Socrates nói với Glaucon:
Toàn thể hình ảnh, này Glaucon, phải được đặt vừa vặn chung với những gì tôi đã nói trước đây. Lĩnh vực hữu hình có thể
nhìn thấy giống tự như nhà tù ngụ cư, và ánh sáng của nguồn lửa bên trong nó là như năng lực của mặt trời. Và nếu như bạn diễn
giải hành trình đi lên cao và sự học hỏi về những gì ở bên trên như hành trình đi lên cao của hồn người đến lĩnh vực trí óc có thể nhận
thức được, bạn sẽ nắm bắt được những gì tôi muốn truyền đạt, bời vì đó là những gì bạn đã muốn nghe bàn về. Không biết nó là
đúng hay không, chỉ có thần linh biết. Nhưng đây là tôi đã thấy như thế nào: trong lĩnh vực có thể biết được, thể dạng chân thực là
điều cuối cùng được xem thấy, và chỉ với khó khăn mới đến được nó. Tuy nhiên, một khi một ai đã thấy nó, người ấy phải kết luận
rằng nó là nguyên nhân của tất cả những gì là đúng và đẹp trong bất cứ-gì, rằng nó sản xuất vừa cả ánh sáng vừa cả những nguồn
gốc của nó trong lĩnh vực hữu hình, và trong lĩnh vực trí óc có thể nhận thức được, nó kiểm soát và sinh sản chân lý và hiểu biết, thế
nên bất kỳ ai, nếu người ấy hành động mẫn nhuệ trong công hay tư, phải nhìn thấy nó
(G. M. A. Grube, Plato Republic. Hacke“ Pub Co Inc, Indianapolis, U.S., 1992 – 2nd ediKon. pp.187-189).
Vào lúc Platông7 viết sách – quãng thời gian giữa thế kỷ III và thế kỷ IV trước công nguyên – thời đại
hoàng kim của văn học Hy Lạp đã trôi qua, không kể Hôme8 đã là người của đời nảo đời nào mà đến cả nhà bi
kịch cuối cùng Ơripít9 cũng đã từ giã cõi đời. Thời đại mà Platông sống là thời đại của văn xuôi và triết học.

Lúc này các nhà triết học đã dần dần chuyển niềm hứng thú đối với các nền tảng vũ trụ sang xã hội
nhân sinh, thơ và các nghệ thuật khác cũng dần dà trở thành trung tâm điểm của hoạt động nghiên cứu.

Nói chung, một sự phát triển hay chuyển biến của một phong trào văn nghệ, thường đều diễn ra sau
khi một phong cách cố định của nền văn nghệ vừa chịu một sự lay động. Khi phong cách đã cố định, mọi người
quen thuộc đi rồi thì không còn có cái nhu cầu về việc phải có sự suy xét trở lại nữa. Đến lúc nó bị lay động,
phái duy tân công kích, phái thủ cựu bảo vệ – thế là phê bình và lý luận văn nghệ mới ra mặt. Thời đại Platông
là thời đại biến đổi nhanh chóng của văn học Hy Lạp. Phong cách cố định của các tác gia Hy Lạp đã bị Ơripít
làm lay động. Ông là đại biểu của chủ nghĩa lãng mạn cổ điển. Ơripít một mình rời bỏ thần quyền đi nghiên
cứu con người, rời bỏ giáo huấn đạo đức đi bàn nghệ thuật, rời bỏ “văn ngôn” để dùng “bạch thoại”, rời bỏ
những quy định điển phạm cũ kỹ để tiếp thu ảnh hưởng ngoại lai. Đương thời, những kẻ ôm mối lo về thế đạo
nhân tâm, trông thấy biến chuyển lớn lao đó đều run rẩy lo sợ. Nhà bi kịch Arixtôphanex trong tác phẩm Con
ếch đã lôi Ơripít đến trước mặt Diêm Vương để đòi trừng phạt vì tội làm hại đến thuần phong mĩ tục. Platông
cũng như Arixtôphanex ôm cùng một “nỗi lo thế đạo nhân tâm”, có điều quan điểm của Platông lại hoàn toàn
khác. Người cổ Hy Lạp là cả một mâu thuẫn lớn, mà Platông là mâu thuẫn của mối mâu thuẫn lớn ấy. Ngày
nay ngắm nhìn đủ loại các kiệt tác nghệ thuật của Hy Lạp cổ – từ đền đài, tượng đá, phù điêu, bích hoạ…
chúng ta đều nghĩ người cổ Hy Lạp là một dân tộc rất yêu cái đẹp, đồng thời cũng rất có năng lực thẩm mỹ.
Có cảm tưởng dường như ngoài việc sáng tạo và thưởng thức cái đẹp ra họ chẳng còn toan tính mưu cầu gì
nữa. Trong mắt của rất nhiều tác gia nửa sau thế kỷ XIX, người cổ Hy Lạp chỉ là như thế, cũng hệt như họ,
ngồi trong tháp ngà hát bài “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Thế nhưng trên thế gian này lại dường như không có
dân tộc nào thực tế hơn được người cổ Hy Lạp. Đối với người Hi Lạp, “mỹ” và “thiện” đều chỉ dùng một chữ
Karos. Cơ hồ có thể nói xa rời “thiện” thì cũng không còn gọi là “mỹ” nữa. Người cổ Hy lạp coi trọng Hôme
và các nhà thơ khác, không phải chỉ là vì họ có thể nói những lời đẹp đẽ, mà vì họ có thể tuyên truyền giáo
huấn, có ích cho thế đạo nhân tâm. Arixtôphanex10 công kích Ơripít, chính là vì ông này đã vứt bỏ quan niệm
truyền thống đó.

Tư tưởng Platông dường như đã đổi mới, mà thực tế vẫn là truyền thống. Vì ông cũng giống như người
đương thời, tin tưởng giá trị của văn nghệ phải được đánh giá từ quan điểm chính trị và luân lý. Ảnh hưởng
của thơ ca âm nhạc đối với nhân tâm thế đạo như thế nào là vấn đề quan trọng cấp thiết của người cổ Hy Lạp.

7
Platon, khoảng 447-347 tr. CN (Anh: Plato) – môn đồ của Xôk’ratêx’ (Socrates). Các chú thích của người dịch.
8
Homeros, khoảng thế kỷ IX-VIII tr.CN (Pháp: Homere, Anh: Homer).
9
Euripides, khoảng 480-406 tr.CN – một trong ba nhà kịch lớn nhất của Hy Lạp cổ đại
10
Aristophanes, 446-385 tr.CN – tác gia đại biểu của hài kịch Hy Lạp thời kỳ đầu, được tôn xưng là “cha đẻ của hài kịch”. Ăng ghen
khen là “nhà thơ có ‰nh khuynh hướng nhất”.
Platông trước tác theo lối toàn dùng đối thoại, chủ và khách hỏi đáp với nhau, làm sáng tỏ cái lý sâu xa
bằng những điều đơn giản, từng bước từng bước dẫn dắt vào trung tâm của vấn đề; Lời hay ý đẹp của ông rất
giống thơ, vì thế ông là người được các nhà thơ nói chung thích đọc nhất trong số các triết gia. Thế nhưng lúc
Platông xây dựng “nước cộng hoà lý tưởng” thì lại nhất loạt xua đuổi các nhà thơ ra ngoài biên giới. Mâu thuẫn
to lớn này mãi mãi khiến người đời kinh ngạc. Platông rốt cuộc yêu quý thơ hay là phản đối thơ? Bảo ông yêu
thơ, chúng ta có thể tìm thấy chứng cớ trong các tác phẩm của ông. Mà nói ông công kích thơ, chúng ta lại
cũng có thể tìm thấy chứng cứ chính từ các tác phẩm của ông. Ông là một nhà hoạt kê nổi tiếng, chúng ta khó
mà quả quyết được chỗ nào ông nói thật, chỗ nào ông đùa cợt. Vì thế, sách của ông xem ra dễ là vậy, mà nghiên
cứu thì thực là khó. Tuồng như đúng mà tuồng như sai, có vẻ là nghiêm trang mà có thể là đùa bỡn, dường
như mâu thuẫn mà thực ra là không. Những người đọc sách của ông thường vẫn bị các chiêu đó làm cho hoa
cả mắt.

Nói khái quát, tư tưởng văn nghệ của Platông đã kinh qua ba lần thay đổi. Thời trẻ ông nhấn mạnh
linh cảm của thơ, xem thi nhân cũng quan trọng ngang với triết gia, ông cho rằng mục đích cao nhất của nhân
sinh là ở chỗ vén mở bức màn của ảo tưởng, ngắm nhìn cái đẹp thuần tuý. Vào thời trung niên ông thay đổi
chủ trương, cho rằng thơ và các nghệ thuật khác đều chỉ có thể mô phỏng được cái bề ngoài không có thực của
thế gian, không tránh khỏi việc che khuất mất chân lý, làm mê hoặc lòng người. Về già, Platông lại hơi hoà
hoãn, chủ trương để cho thơ được tồn tại song phải có điều kiện. Nhìn chung toàn bộ tư tưởng cũng như thái
độ đối với thơ của Platông trươc sau đều ít nhiều có tính thù địch.

Quan điểm nghệ thuật của Paltông được suy ra từ toàn bộ triết học của ông. Triết học đó lấy “ý niệm”
(ideas) làm trung tâm, cái gọi là ý niệm chính là “vẻ chung” mà các nhà logic học vẫn nói. Ví dụ, “trắng” trong
“người da trắng”, “trắng” trong “ngọc trắng” và “trắng” trong “ngựa trắng” đều là “vẻ chung” hoặc “ý niệm”,
còn “trắng” mà có thể chỉ cho thấy được bởi một người da trắng, một con bạch mã hay một viên bạch ngọc đó
là “dạng riêng”. “Vẻ chung” tựa hồ giống với “khái niệm” trong tâm lý học mà thực ra lại không giống với “khái
niệm”. “Khái niệm” là sản phẩm của hoạt động tâm lý, vẻ chung và ý niệm thì lại tồn tại khách quan độc lập.
“Dạng riêng” là cá thể, “vẻ chung” là tính chất cùng có; dạng riêng có thể dùng giác quan để thể nghiệm, vẻ
chung thì giác quan không thể trải nghiệm được mà phải được tìm hiểu bằng lý trí. Theo Platông phạm vi của
trải nghiệm không chứa đựng chân lý, một là vì giác quan mà sự trải nghiệm mượn dùng là thô sơ không đáng
tin, không thể làm công cụ để phát hiện chân lý, hai là vì dạng riêng biến hoá vô thường, là thật trong một thời
điểm, địa điểm cụ thể này, nhưng ở một chỗ, một lúc khác thì không còn là thật nữa. Thế giới các hiện tượng
mà chúng ta tiếp xúc bằng các giác quan như cảnh trong mộng, toàn là hư ảo. Chỉ có vẻ chung hay ý niệm
trường tồng bất biến. Chẳng hạn, “trắng” của “tuyết trắng” có thể tiêu tan còn cái “trắng” ý niệm thì không có
tính thời gian, tính không gian. Nó vĩnh viễn có thể dùng vào tất cả các sự vật được gọi là “trắng”, cho nên thế
giới chân thực duy nhất là thế giới ý niệm.
Thế giới hiện tượng và thế giới ý niệm có mối quan hệ gì? Theo Platông thế giới ý niệm là bản thể, thế
giới hiện tượng là cái bóng của nó. Dùng một lối nói khác, cái trước là nguyên thể, cái sau là bản sao không
hoàn thiện. Chúng ta tiếp xúc bằng giác quan cái thế giới này, thật giống cảnh một người tù bị giam trong một
cái động đá tối, nhìn thấy bóng của một kẻ đang đi trên triền đất phía sau lưng mình di chuyển trên vách đá
trong động, bèn cho đấy là chân lý. Kỳ thực, cái bóng đó là từ chỗ kẻ bộ hành mà chúng ta không nhìn thấy
chiếu vào.

Chân lý – tức là thế giới ý niệm – rốt cuộc có thể nhận biết ra sao? Platông tin tưởng linh hồn bất diệt,
có thể độc lập rời khỏi thân xác. Trong lúc nó chưa ngụ ở một thể xác, linh hồn đều là thấm nhuần trong thế
giới ý niệm, thưởng ngoạn cái đẹp thuần tuý chí thiện mà không trở ngại gì cả. Linh hồn lúc đó hưởng thụ
niềm cực lạc thiên tiên. Sau khi linh hồn “hạ thế”, từ thế giới ý niệm nhập vào thể xác thì mới bị thể xác che
lấp, đem hình ảnh hư ảo ngộ nhận làm chân lý. Những tội luỵ mà linh hồn phải mang lấy trong cái thế giới
cảm quan này có thể được đưa vào trong thế giới ý niệm, trải qua một sự gột rửa tội lỗi của vòng luân hồi đời
đời kiếp kiếp mới có thể trở lại trạng thái tinh thuần. Sự thuần mỹ chí thiện mà linh hồn thấy được trong thế
giới ý niệm cũng có thể mang vào thế giới cảm quan, cho nên tuy nó chịu sự che khuất của xác thịt mà vẫn có
khả năng hồi ức trở lại cái thuần mỹ chí thiện từng thấy được trong thế giới lý tưởng trước đó. Nhưng hồi ức
đương nhiên không có rõ ràng chính xác như tự mắt mình trông thấy. Năng lực hồi ức của từng người cũng
mạnh yếu khác nhau, cho nên chân lý được hồi ức có sự khác biệt ít nhiều về mức độ tinh xác hay thô sơ.
Chướng ngại của hồi ức chính là xác thịt, nếu muốn có hồi ức được chân lý từng thấy ở tiền kiếp, tất phải vén
mở sự che khuất của nhục thể. Người thường không có cái bản lĩnh đó, chỉ những người yêu đương chân
chính, đại triết gia và thi nhân mới có cái tài này. Vì vậy, thi nhân và triết gia hoàn toàn không phải là hai loại
khác nhau, điều mà bọn họ mong cầu cũng hoàn toàn không phải là hai thứ khác nhau – đều là muốn vén mở
bức màn của nhục thể, dõi nhìn cái thuần mỹ chí thiện của thế giới lý tưởng.

Vén mở tấm màn che của nhục thể để dõi nhìn cái thuần mỹ chí thiện của thế giới lý tưởng, trong phút
chốc khai thông bừng tỉnh – trạng thái tâm lý đó chính là “linh cảm” (inspiration), điều mà chính là Platông
đã từng nói. Linh cảm đến, có lúc là do ân huệ của thần linh, có lúc là do sự tu dưỡng của chính mình. Platông
trong tác phẩm “Cùng cuộc rượu” (Sumposium) và Phaedrus nói rõ con đường nên đi của quá trình tu dưỡng.
Ông cho rằng thi nhân và triết gia đều men theo lộ trình thám hiểm của linh hồn, hành hương tới cái thuần
mỹ chí thiện của thế giới lý tưởng để bái vọng. Bọn họ khi linh cảm đã đến thì như mắc chứng điên, cơ hồ như
đã gần gũi được thần linh. Khi chưa đạt đến mức độ đó, thì không thể trở thành thi nhân được. Phần 224
trong Phaedrus có đoạn:

“Có chứng cuồng điên do thần linh dấy lên. Nó chiếm ngự một tâm hồn thuần phác, thổi lên nguồn
cuồng nhiệt, khởi dẫn tiết tấu thơ, khiến nó ca vịnh công tích chất ngất vĩ đại của những bậc anh hùng xa xưa
để giáo dưỡng kẻ hậu sinh. Nếu chưa có nguồn nhiệt đó mà lại đến chỗ thi thần để gõ cửa, thì dù là ai đi chăng
nữa và bất luận nghệ thuật của anh ta cao cường đến mấy, anh ta và thơ của anh ta tất vĩnh viễn bị thi thần
đóng cửa khước từ”.
Trong tác phẩm Ion, thuyết linh cảm này càng được phát huy đến độ. Ion là một người diễn xướng
tương đương với diễn viên kịch và người biểu diễn khúc nghệ thời cận đại. Xôk’ratex’11 nói với ông ta:

“Ông diễn xướng thơ Hôme tuyệt vời như vậy, quyết không phải bản thân có nghệ thuật gì, mà là vì có
một loại thần lực hoặc linh cảm như là đá nam châm đang xui giục ông. Đá nam châm không những có thể
hút nhiều vòng sắt mà còn có thể truyền sức hút cho những vòng sắt đó, khiến hấp dẫn được những vòng sắt
khác nữa. Cho nên, có lúc nhiều vòng sắt và những vật có chất sắt nhờ vào sức hút của mảnh nam châm mà có
thể kết dính thành một dây chuyền dài. Thi thần truyền cảm đến nhà thơ, nhà thơ lại đem nó truyền cho người
khác, cứ thế truyền rộng dần ra, cũng như sức hút của mảnh nam châm kết dính nhiều vòng sắt thành một
chuỗi vậy. Phàm là nhà thơ lớn mà không tuân theo quy luật một cách cẩn thận lại đạt đến đỉnh cao, đều ở
trong trạng thái linh cảm thôi thúc mới viết được những tác phẩm đẹp đẽ, hài hoà. Khi đó họ tuồng như tạm
thời bị một thứ tinh linh ngoại lai ứng nhập vào – thượng đế tựa hồ có dụng ý vứt bỏ hết lý trí của tất cả các
nhà thơ, các nhà dự đoán, các nhà chiêm tinh, khiến họ trong trạng thái mê cuồng đi làm sứ giả, làm người
phát ngôn cho đức ngài. Chúng ta nên biết rằng thi nhân ngâm lên những câu như ngọc, như ngà là ở vào lúc
tinh linh đang nhập kề vào, thi nhân nói thay cho thượng đế, chứ không phải là phát biểu lời của mình”.

Có ba điểm đáng chú ý trong đoạn này. Thứ nhất, Platông coi trọng các nhà thơ. Nhà thơ nhờ linh cảm
chứ không nhờ nghệ thuật. Nhà thơ trong cơn linh cảm là kẻ truyền dịch giữa thượng đế và nhân loại. Thơ là
trí tuệ mà thượng đế đã khẳng định, giá trị của nó tất nhiên không thua triết học. Thứ hai, Platông đã nhìn
thấy sự bất hủ của tinh linh nhân loại từ phương diện nghệ thuật. Thơ là biểu hiện của tinh linh, độc giả đem
luồng tinh linh đó từ một truyền đến mười, mười truyền trăm để đạt đến vô cùng. Trong những không – thời
gian khác nhau, các độc giả của một bài thơ muốn bản thân bài thơ đem tâm linh kết thành một mạch liền tựa
như nam châm truyền sức hút vào một chuỗi các vòng sắt vậy. Thuyết “sự kéo dài của chủng tộc về mặt tinh
thần” này, Platông đã phát triển rất tường tận trong tác phẩm Sumpisium. Một người đàn ông chọn yêu một
người phụ nữ đẹp, trên thực tế chỉ là để phó thác cho cô ta một mầm sống để cô ta dưỡng dục nó, tiếp nối sự
phát triển của nòi giống. Triết gia và thi nhân cũng chọn yêu lớp trẻ với tâm linh đẹp đẽ, dụng ý là nhằm mang
trí tuệ, tinh linh của mình phó thác cho bọn thanh niên, mong họ nuôi dưỡng chúng, di truyền cho đời sau.
Cũng giống như phụ nữ dưỡng dục đứa con để tiếp nối nòi giống vậy. Thứ ba, Platông không xem thơ là một
nghệ thuật, ông cho thơ là một việc trên cả nghệ thuật, thuần tuý là nhờ linh cảm chứ không trông cậy ở sức
người. Thơ mà về sau trong tác phẩm Nước cộng hoà lý tưởng Platông đã công kích quyết không phải là thứ
thơ của linh cảm mà là thứ thơ của nghệ thuật. Chữ “thơ” trong triết học Platông vốn có hai nghĩa: Một là
biểu hiện của linh cảm, một là sản phẩm của mô phỏng. Platông ủng hộ thứ thơ trong ý nghĩa trước, công kích
thứ thơ theo ý nghĩa sau.

11
Socrates, 409-399 tr.CN, triết gia Hy Lạp cổ đại.
Tác phẩm lớn nhất của Platông là Nước cộng hoà lý tưởng. Bộ sách này vốn là một đề cương kiến quốc
hoặc một hiến pháp dùng cho nước lý tưởng. Nó được phân làm mười cuốn, cuốn sau cùng chuyên thảo luận
công dụng và bản chất của thơ. Đó là một thiên hùng biện về tội lỗi của nhà thơ, văn viết rất thú vị, nghĩa lý
cũng không sai lầm như những người bình thường vẫn tưởng tượng. Hai tư tưởng gia rất có khí lực thời cận
đại – G.Rusô12 và L.Tônxtôi13, rõ ràng chịu ảnh hưởng của Platông. Thế nhưng sự công kích văn nghệ châu
Âu cận đại của hai ông đâu có triệt để và rung động người đọc được như trong quyển mười của Nước cộng
hoà lý tưởng. Vì vậy, bộ sách này thật đáng để chúng ta suy ngẫm thật kỹ càng.
Platông công kích nhà thơ, quyết không vì ông không yêu thơ. Platông yêu thơ thực sự, cho nên cũng
rất biết ảnh hưởng to lớn của thơ ca. Theo ông, ảnh hưởng đó là có hại, con đường quan trọng của nhân sinh
là ở chỗ lấy lý trí chế ngự tình cảm, cho nên Platông không thể vì yêu thích thơ mà lại khoan dung cho nó:

“Xin nói câu thực lòng, bạn đừng giãi bày gì với các nhà bi kịch, các nhà thơ, sự mô phỏng của họ quả
dễ dàng nhiễu loạn đầu óc khán thín giả… Tôi không thể không nói, tuy từ nhỏ đã kính yêu Hôme, mà nói ra
đây thì không tránh được có gì đó không phải. Hôme là nhà thơ, nhưng lòng kính trọng một người không thể
vượt qua lòng kính trọng chân lý,14 lòng tôi nghĩ ra sao xin được nói ra như vậy…”

Vậy thì, chúng ta sẽ nghe ông nói vậy. Ông nêu ra hai tội lớn để công kích nhà thơ. Tội thứ nhất từ góc
độ triết học mà xét ra ở phương diện bản chất của thơ. Lại xuất phát từ góc độ chính trị và giáo dục, ông xét
tội thứ hai của thơ về mặt ảnh hưởng của nó. Bản chất thơ có thể khái quát trong một câu: “Mô phỏng của mô
phỏng”. Ở trên chúng ta đã nói qua, có hai thế giới trong triết học Platông, một “thế giới ý niệm” thuần tuý,
một “thế giới hiện tượng” được thể nghiệm bởi các giác quan. Thế giới hiện tượng chỉ là “mô phỏng”, là “bản
rập”, là cái bóng của thế giới ý niệm. Thế giới mà nhà thơ và nhà nghệ thuật mô phỏng là thế giới nào? Platông
trả lời dứt khoát rằng bọn họ đều căn cứ vào những sự vật cá biệt, thể nghiệm được bằng giác quan, cho nên
chỉ mô phỏng thế giới hiện tượng, cái thế giới mà bản thân nó đã là mô phỏng, là thác bản hoặc cái bóng của ý
niệm. Nghệ thuật mô phỏng hiện tượng cho nên chỉ là “mô phỏng của cái mô phỏng”, “bản rập của một thác
bản”, “cái bóng của một ảo ảnh”. Hiện tượng và chân lý đã cách nhau một tầng, thơ và nghệ thuật sẽ lại cách
chân lý bởi hai tầng.

Lấy ví dụ, người thợ mộc làm giường trước tiên đều phải rõ “như thế nào gọi là giường”, đó chính là
“ý niệm”. Anh ta chỉ có thể làm một cái giường cá biệt, chứ không thể sáng tạo ra một ý niệm mà mọi cái
giường cùng có. Kẻ sáng tạo cái “ý niệm” đó là Thượng Đế. Cái giường mà hoạ sĩ vẽ ra lấy cái giường mà ông
thợ mộc đóng ra làm căn cứ. Hoa sĩ mô phỏng vẻ bên ngoài sẽ thay đổi trong những không – thời gian không
giống nhau của cái giường, chứ không phải là mô phỏng cái bản chất bất biến theo thời gian cùng không gian

12
Jean Jacques Rousseau (1712-1778) nhà văn, nhà triết học phái Ánh sáng, người đi Kên phong trong phong trào lãng mạn. Năm 38
tuổi nổi Kếng với luận văn Sự phát triển của khoa học và nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay không. “Thư gửi
Dalămbe về sân khấu” (1788) lên án nghệ thuật sân khấu, cho kịch chủ yếu gây thích thú, do đó phá hoại thuần phong mỹ tục.
13
Lev Nikolajevitsh Tolstoi (1828-1910) đại văn hào Nga, say mê Rousseau. Trong luận văn Nghệ thuật là gì xem nghệ thuật làm lây
lan ¢nh cảm.
14
Đáp lại Platon, Aristoteles cũng từng nói “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.
của giường. Giường có ba loại, loại của Thượng Đế, loại của thợ mộc, loại của hoạ sĩ. Thợ mộc bắt chước
thượng đế, hoạ sĩ thì bắt chước thợ mộc mà lại không thể làm ra một cái giường có thể dùng được như thợ
mộc, chỉ có thể vẽ ra hình dáng của một cái giường. Người thợ mộc đối với việc làm giường còn có một kỹ xảo
và tri thức; nhà hoạ sĩ tuy có thể vẽ giường mà lại không có kỹ xảo và tri thức đó. Cho nên, muốn biết làm
giường, ta nên đi học hỏi thợ mộc, chứ không thể thỉnh giáo chỗ hoạ sĩ. Cũng thế thi nhân tuy có thể miêu tả
đủ kỹ nghệ và cách sống trong nhân gian, mà đối với những thứ đó anh ta quả vẫn cứ là một người ngoại đạo.

“Vậy thì, lúc Hôme nói chuyện chiến tranh, sách lược cầm quân, chính trị, giáo dục – đủ các nghề cao
quý, chúng ta nên vặn ông một câu: “Hôme thân yêu, giả dụ ông không cách ngăn hai tầng với chân lý, giả dụ
ông không chỉ là một kẻ mô phỏng, một kẻ sao chép bề ngoài, dám hỏi ông đã từng giúp cải cách chính phủ
cho nước nào như Lycurgus15 đã cải cách thành bang Sparta và như rất nhiều chính trị gia khác đã cải cách bao
nhiêu thành thị khác? Nước nào gọi ông là nhà lập pháp, là ân nhân của nước nhà như Athens chúng ta xưng
tụng đối với Solon16 vậy? Ai đã gọi ông là nhà lập pháp xin trả lời xem!”
Lời chất vấn trên thực ra là một khiêu khích đối với quan điểm tuyên truyền giáo huấn truyền thống
của nhà thơ. Mục đích tối cao của nhân sinh là chân lý, nếu muốn biết được chân lý, chúng ta nên thỉnh giáo
các triết gia, không nên tới chỗ các nhà thơ, bởi vì họ là những người mô phỏng của mô phỏng, cách xa hai
tầng với chân lý. Ta vẫn thường cho thi nhân đặc biệt về trí tuệ, đó là một mê tín. Xôkratêx’ trong Tự biện có
nói ông ta tìm kiếm khắp nơi người nào thông minh hơn mình, và ông cũng từng tìm đến chỗ thi nhân, nhưng
phát hiện ra họ không những không biết gì về các sự vật thông thường, mà đến cả chuyện thơ của mình tuyệt
diệu ra sao cũng thường chẳng nói được là tại sao.

Lời trách móc Hôme của Platông còn có một ý nghĩa quan trọng khác. Ông nói: “Thà làm người anh
hùng để thi nhân ca ngợi, còn hơn là làm một thi nhân ca ngợi anh hùng”. Chính là Êpicurôx’17 đã tuyên bố:
“Triết nhân làm thơ không bằng sống giữa thơ”. Hoặc nói cách khác, thà lấy cuộc sống để biểu hiện thơ còn
hơn là dùng ngôn từ để biểu hiện thơ. Platông chưa từng không thể thưởng thức thơ, nhưng ông cho cuộc
sống là một nghệ thuật còn quan trọng hơn. Một cuộc sống mỹ mãn mới là một bài thơ thực sự. Nền pháp
luật mà hai Lycurgus và Solon đã chế định cho thành bang Sparta và Athens chính là những bài thơ lớn của họ.
Hôme tuy trong thơ từng nói đến pháp luật mà rốt cuộc cũng chưa từng định ra được luật pháp cho một nước
nào. Thi nhân so với những nhà lập pháp trên, chung quy vẫn thấp dưới một bậc.

Platông lại xuất phát từ quan điểm chính trị – giáo dục, xét tới ảnh hưởng của thơ để nêu lên cái tội
thứ hai: thơ là mô phỏng. Bất kể là đối với bản thân nhà thơ hay đối với thính giả mà nói, ảnh hưởng của thơ
đều cực kỳ nguy hiểm. Nhìn từ phía bản thân nhà nghệ thuật thì sức lực mỗi con người có khuynh hướng
riêng, muốn việc gì cũng biết làm, kết quả thường chẳng có việc nào làm được tốt cả. Ví dụ, một bi kịch gia
không nhất định có thể diễn hài kịch, một người giỏi giang giải quyết công chuyện không nhất định viết được

15
Lycurgus, 800-730 trước CN – Cha đẻ của thành bang Sparta.
16
Solon, 638-558 trước CN, người có công lớn đối với thành bang Athens.
17
Epicuros, 341-270 tr.CN – nhà triết học duy vật và vô thần Hy Lạp cổ đại. Học thuyết luận lý của ông coi trọng sự hưởng lạc hợp lý,
cho mục đích của triết học là hạnh phúc (Pháp: Epicure; Anh: Epicurus).
thơ văn. Nhà nghệ thuật phải mô phỏng các nghề, cho nên cũng không thể thành thạo hết các nghề. Ông ta
phải mô phỏng đủ dạng tính cách, kết quả tính cách ông ta trở nên mềm yếu bất định. ví dụ, mô phỏng một
kẻ điên, lâu quen đi thành chuyện thường, cử chỉ nói năng sẽ khó tránh khỏi nhiễm phải bộ dạng kẻ điên. Cho
nên Platông cực lực phản đối các nhà chấp chính trong nước lý tưởng học tập bất cứ mô phỏng nào, đặc biệt
là diễn kịch.

Từ phía thính giả mà nói, ảnh hưởng của thơ càng tệ nữa. Nhân tính có ba thành phần, cao nhất là lý
trí, thứ hai là tình cảm, thấp nhất là dục vọng. Tình cảm và dục vọng chịu sự tiết chế từ lý trí mới có thể có đức
hạnh. Cũng rất giống với trong một nước, công- thương nhân và quân nhân chịu sự chi phối của triết gia mới
có thể có chính nghĩa. Lý trí của dân chúng nói chung là bạc nhược, không trấn áp được tình cảm. Thi nhân
thì lại hoan nghênh cái nhược điểm đó của nhân loại, chuyên đi kích động tình cảm, buông bỏ lý trí. Tình cảm
càng chịu sự kích thích, nhu cầu kích thích sẽ càng bức thiết hơn, lâu thành ra một thứ mê nghiện khiến lý trí
sẽ ngày một khó điều khiển hơn. Ví dụ, tính người ta vốn hay xót xa thương cảm. Bi kịch chính là lợi dụng
những nhược điểm ấy để đánh động người xem. Trong Nước cộng hoà lý tưởng, Xôk’ratex’ nói với người đối
thoại:

“Trong lúc sầu khổ, chúng ta thường nghĩ khóc lóc sùi sụt là để nguôi đi u uất. Cái xu hướng tự nhiên
này bình thường đều bị lý trí trấn áp, nhưng nhà thơ thì lại tìm cách thoả mãn nó. Chúng ta vốn không hay để
cho lý trí và thói quen phát huy đến độ hoàn mỹ những phần tốt đẹp trong tính cách, cho nên thường mất đi
sự phòng hờ đối với những tâm trạng xót xa, thương cảm rồi buông thả mặc nó, vì nghĩ rốt cuộc những đau
khổ đó là của kẻ khác. Chúng ta bụng nghĩ, nghe một người kêu than anh ta tốt bụng đáng thương ra sao,
nhân đó mà tán dương anh ta, thương xót anh ta, cũng chẳng phải là việc nhục nhã gì. Hơn nữa, một sự trải
nghiệm như vậy thường vẫn mang kèm một khoái cảm. Chúng ta việc gì phải hy sinh mất cái khoái cảm và thứ
thơ khơi dẫn lên cái khoái cảm đó? Nhưng chúng ta không nghĩ đến chuyện không hay của người khác thường
vẫn liên luỵ đến bản thân ta. Chúng ta thoạt đầu dùng cái đau khổ của người khác nuôi dưỡng cho tâm lý xót
xa thương cảm của mình, sau đó gặp lúc bản thân mình đau khổ, thì sẽ không tránh khỏi cũng như người khác-
không thể lấy lí trí khống chế được tình cảm. Và rồi càng xót xa thương cảm cho chính đau khổ của mình hơn”.
Platông cho rằng người ta phải có phong cách trượng phu, vấp đau khổ mà xót xa thương cảm, cho dù
đối với mình hay đối với người đều là đáng ngượng. Cho nên, ông phản đối bi kịch nuôi dưỡng xót xa thương
cảm. Đến cả hài kịch cũng mắc cùng một bệnh:

“Lúc bạn xem hài kịch hoặc nghe người ta pha trò, những lời mà lúc bình thường bạn nói mà thấy
ngượng, những việc mà bạn làm thấy rầy, bây giờ diễn ra trước mặt mọi người, bạn sẽ không còn ngại nó quê
tục gì nữa. Trái lại còn cảm thấy vui vẻ nữa. Như vậy chẳng phải cũng giống như xem bi kịch đó sao? Tính con
người ta vốn có khuynh hướng cười cợt, đùa tếu. Bình thường bạn có ý thức kìm nén nó lại vì sợ xung quanh
bảo bạn là thằng hề. Bây giờ xem hài kịch, bạn để cho khuynh hướng đó được phát triển hoàn toàn, kết quả sẽ
không tránh khỏi lây nhiễm kiểu cách của anh hề”.
Platông từ tâm lý xót xa, thương cảm, vui cười mở rộng đến những tình cảm khác và phủ nhận đồng
loạt:

“Loại những tình cảm như dục tính, phẫn nộ cho đến sự đau khổ, khoái cảm hay dục vọng thông
thường đều như thế cả. Thơ không từ bỏ chúng, trái lại tưới tắm, dung dưỡng chúng, làm cho chúng ta chịu
cho chúng chi phối. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, chúng ta nên có thể chi phối được chúng”.

Vì nguyên cơ đó, Platông cho rằng thơ có hại đối với nhân tâm thế đạo. Ông đặc biệt phản đối Hôme.
Platông cho rằng một nước muốn cường thịnh, nhân dân cần có một tín ngưỡng trung tâm. Tín ngưỡng trung
tâm của người Hy Lạp là thần linh và anh hùng. Thần linh và anh hùng đều là những khuôn mẫu hoàn mỹ, vì
thế người ta ngưỡng mộ họ, bắt chước họ. Hôme mô tả thần như người trần, hoang tàng bậy bạ, không từ
điều ác nào cả. Anh hùng cũng được ông miêu tả chả khác phàm nhân, không thể chế ngự được dục tình bằng
lý trí như Akhilêux’18 ngang ngạnh, tàn nhẫn, tham lam. Tất cả đều kém xa người anh hùng lý tưởng.

Phá hoại tín ngưỡng trung tâm của quốc dân như vậy, đúng là dính liền với việc làm nguy hại đến mệnh
hệ của quốc gia. Người Hy Lạp tôn Hôme là nhà giáo dục lớn. Platông cực lực phản đối quan điểm ấy.
Xôk’ratêx’ cảnh cáo đối phương:

“Nếu bạn gặp đám tín đồ của Hôme tán dương ông là nhà giáo dục, bảo ông ta có ích phong hoá và
bảo chúng ta nên đọc kỹ nghĩ sâu thơ Hôme, tìm kiếm trong đó những tiêu chuẩn ngôn – hành, thì bạn chớ
ngại bày tỏ lòng kính yêu đối với đám đó; Xét cái vòng suy nghĩ của cả đám thì họ vốn cũng là người tốt thôi.
Bạn chẳng ngại thừa nhận Hôme là nhà bi kịch lớn nhưng trong lòng bạn phải nắm cho vững điều này, trừ phi
là thơ ca tụng thần linh và danh nhân, bạn chớ cho phép bất cứ thứ thơ nào khác lưu hành trong nước. Nếu
bạn để cho nữ thần thơ ca mồm đường miệng mật bước chân đến – cho dù nàng tự sự hay trữ tình, ngự trị
quốc gia bạn sẽ là khoái cảm và thống cảm, chứ không phải là hai thứ mà mọi người cùng công nhận tốt nhất:
pháp luật và lý tính”.

Nêu ra hai tội đó xong, Platông rắc rảy cho thi nhân ít nước hoa, đội cho họ vòng nguyệt quế, nói một
thôi những lời khách sáo, rồi cung kính nhã nhặn tiễn họ ra khỏi nước cộng hoà lý tưởng.

Về già, Platông viết bộ Pháp Luật. Trong đó, cái mà ông dự trù cũng vẫn là một nước lý tưởng, có điều
cái “lý tưởng quốc” đó tương đối bình dị dễ gần. Thái độ đối với thơ cũng khoan dung hơn so với trước. Ông
thừa nhận Thi thần là do Thượng Đế sai xuống để cứu chữa nhược điểm cho loài người. Thơ ca, âm nhạc và
vũ đạo không thể hoàn toàn xoá bỏ. Vì rằng người ta sinh ra là có nhu cầu hoạt động, yêu thích tiết tấu. Có
điều ông vẫn cho rằng mục đích cao nhất của nghệ thuật ở chỗ giáo dục điều thiện. Nếu nghệ thuật phản bội
mục đích đó, thì phải chịu sự cấm đoán của pháp luật. Điêu khắc Ai Cập theo dùng một phong cách cố định
lâu nay mấy nghìn năm rất được Platông khen ngợi. Ông cho rằng thơ cũng nên như vậy. Platông chủ trương
chế định ba loại âm nhạc và ca khúc sẵn dùng cho thiếu niên, trung niên và tuổi già. Thơ ca dùng cho thiếu
niên nên tuyệt đối thuần khiết; tuổi tác càng lớn càng đòi hỏi kích thích hưng phấn, ca nhạc họ dùng cũng dần

18
Akhileus, nhân vật anh hùng trong Ilias của Homere.
dần thêm vào phần kích thích tình cảm. Nếu theo chủ trương này, thơ mà một quốc gia lý tưởng nên có – đại
khái giống với loại thơ tụng thần mà giáo hội công giáo dùng, do nhà nước chế định và ban bố cho dân chúng.

Platông đã tự nói qua, “lý tưởng quốc” của ông là xây dựng cho thần nhân và con cái của thần nhân,
thành ra trong phương hướng sách lược kiến quốc của ông đâu đâu ta cũng bắt gặp những sự nghiêm túc bất
cận nhân tình. Trong “pháp luật” ông nói: “Thượng đế nếu cho phép, tôi còn muốn dự trù một nước lý tưởng
loại thứ ba”. Nước lý tưởng thứ hai mà “pháp luật” miêu tả so với nước lý tưởng loại thứ nhất tương đối cận
nhân tình. Đáng tiếc nước lý tưởng loại thứ ba chưa được miêu tả ra thì Platông đã chết rồi. Chúng ta có thể
tưởng tượng rằng trong nước lý tưởng loại thứ ba, Platông có lẽ càng hạ tầm mắt xuống thấp hơn nữa; Ở đó
các nhà thơ chắc có thể giữ được một vị trí khá quang vinh. Platông trong “Lý tưởng quốc” sau khi xua đuổi
các nhà thơ ra khỏi biên giới, chẳng phải là tựa hồ vẫn có ít nhiều lưu luyến đó sao.

“Mặc dù nói thế, chúng ta còn phải thanh minh với thi thần một câu: nếu thi thần đủ lý do biện hộ,
chứng minh được nàng nên ở lại trong Lý tưởng quốc, chúng ta cũng rất tự nguyện hoan nghênh nàng quay
lại. Chúng tôi cũng rất biết ma lực của nàng, chỉ là không muốn để cho ma lực đó chẻ khuất mất chân lý. Người
đối thoại của tôi, anh chẳng phải cùng mối đồng cảm với tôi, cảm thấy thần thơ, nhất là lúc nàng dựa kề Hôme,
quả là có một thứ ma lực mê người đó sao?”

Chứng kiến cảnh lưu luyến không nỡ rời ấy, chúng ta có thể tưởng tượng được Platông rốt cuộc khi
cắt đứt duyên phận với nàng thơ, quả đã kinh qua sự dày vò tinh thần kịch liệt mới hạ được quyết tâm đó.19 Ở
đây chúng ta cũng không cần thiết tiếp nhận sự khiêu khích của ông, đi viết một bài biện hộ cho thi thần. Bởi
vì, từ Arixtôtêlex – đệ tử của ông cho đến bây giờ, để bênh cho thần thơ đã không biết bao người tranh cãi với
Platông.

Những người hơi biết tý chút về bản thân nghệ thuật, đều thấy tội thứ nhất mà Platông nêu ra là không
đúng. Sai lầm của ông là ở chỗ đem thơ và nghệ thuật hoàn toàn xem thành “mô phỏng”. Trong tiếng Hy lạp
nghĩa của từ “mô phỏng”20 vốn rất mơ hồ, trong Nghệ thuật thi ca21 của Arixtôtêlex22, nó dường như đồng
nghĩa với “biểu hiện”, “sáng tạo”. Platông thì chỉ xem nó chỉ là sự sao chép trung thành. Theo lời ông, là thơ
như vẽ tranh, vẽ tranh giống như môn chụp ảnh ngày nay, chỉ thu lấy vẻ bề ngoài sự vật:

“Bất cứ người nào đều có thể dùng một cách nào đó để chế tạo các sự vật. … Cách tiện nhất là lấy một
cái gương soi rọi từ nhiều phía, lúc gương di chuyển, bạn sẽ tạo ra trời đất, tinh thú, cỏ cây, các con vật, bình
lọ, cả bản thân bạn nữa ở trong gương. … Nhưng đó chỉ là chế tạo ngoại hình”.

19
Đoạn chót Quyển 10 (Nước cộng hoà lý tưởng): “Chúng ta phải nén lòng mà cắt đứt quan hệ với Thi thần như người đang yêu phải
làm khi phát hiện nhân ¢nh là người nguy hiểm”.
20
Mimesis.
21
Bản dịch Kếng Việt: Arixtôtơ, Nghệ thuật thơ ca, Nxb. Văn hoá, 1964.
22
Aristoteles, 384-347 tr.CN – triết gia lỗi lạc của cổ Hy Lạp, “Người bác học nhất trong số các triết gia đương thời” (Pháp: Aristote;
Anh: Aristole).
Hy Lạp cổ chưa có nghề chụp ảnh, nhưng điều mà Platông chỉ ra chính là thuật chụp ảnh ngày nay.
Ông cho rằng hoạ sĩ và nhà thơ làm ra cái ngoại hình, cũng giống như việc lấy tấm gương di chuyển theo các
hướng thu lấy hình ảnh sự vật. Platông hoàn toàn không chú ý đến sự sáng tạo của nghệ thuật, quên rằng cái
nhà thơ và hoạ sĩ “mô phỏng” không phải là cái diện mạo vốn có của sự vật mà là cái sự vật mà họ thấy được
trong con mắt của mình, cái sự vật họ hình dung được trong tâm trí. Sự vật trước tiên phải thực hiện một bước
ngoặt chuyển vào tâm trí nhà nghệ thuật rồi mới ngoại xạ ra thành tác phẩm. Trong bước chuyển ngoặt đó, sự
vật chính là được nhào nặn qua cái lò của tưởng tượng và tình thú. Bước nhào luyện đó chính là “sáng tạo”
hoặc “lý tưởng hoá”. Cách nhìn nghệ thuật của Platông là một thứ chủ nghĩa tả thực cực đoan. Chúng ta đều
biết chủ nghĩa tả thực cực đoan là phản nghệ thuật vậy. Còn như về vấn đề thơ và chân lý Arixtôtêlex’ nói rất
trúng:

“Nhiệm vụ của nhà thơ không ở việc miêu tả sự vật dĩ nhiên mà ở chuyện biểu hiện cái sự vật tất nhiên.
Đây chính là nói vật hợp với luật tất yếu hay đúng với luật ngẫu nhiên… Thơ còn quan trọng, còn triết học học
hơn so với lịch sử, vì rằng thơ biểu hiện cái lý chung (vẻ chung), lịch sử chỉ ghi chép sự thực (dạng riêng)”.23
Tức là nói, thơ tuy nó có “chân lý của thơ”, trong đó có sự biến đổi tương thừa nhau, tuy không có
tính chân thực của lịch sử, nhưng lại có tính tất nhiên nội tại. “Chân lý thơ” dung nạp sự sáng tạo chủ quan,
mà sáng tạo chủ quan đó phải hợp tình lý, khiến người ta quên đó là hư cấu chủ quan. Đem logic học ra mà
nói, thơ là thứ phán đoán giả định. Giả định A là đúng, thì B về lý cũng không thể là không đúng. Phàm là nhà
lôgíc học đều biết tính tất nhiên của giả định so với phán đoán chắc nịch kiểu “A” là “B” còn chắc chắn khó
đánh đổ hơn.

Một điều nữa, những ai hơi biết về tâm lý học và mỹ học đều biết cáo trạng thứ hai của Platông cũng
khó thành tội. Platông chưa phân rõ văn nghệ và đạo đức, một mực đem các tiêu chuẩn đạo đức vào đánh giá
giá trị văn nghệ. Sai lầm này đã từng được các triết gia cận đại như Căngtơ24 và Becsông25 chỉ ra, chúng ta khỏi
phải nhắc lại. Vả lại, chủ nghĩa lý tính cực đoan của Platông và các chứng của tâm lý học xung đột mạnh mẽ
với nhau. Tình cảm đến cùng kiếp sống, bản thân nó quyết không phải là một thứ gì hư hỏng. Phàm là một
nhân sinh quan lành mạnh, đều nên chú trọng sự phát triển điều hoà tự do đa phương diện của nhân tính.
Platông giống như tín đồ Thanh giáo, muốn dùng một bộ phận của nhân tính (lý trí) đè nén một bộ phận
khác của nhân tính (tình cảm, dục vọng). Cho dù sự trấn áp đó có thành công, kết quả cũng là một sự phát
triển dị dạng và tàn tật. Huống hồ tâm lý học ngày nay đã từng chứng minh một cách rõ ràng lối trấn áp đó là
nguyên nhân của mọi bệnh trạng tâm lý. Tình cảm vốn đòi hỏi được phát tiết, kị tích uất. Công dụng của văn

23
Nguyên văn “cộng tướng” và “thù tướng”. Trong Siêu hình học Aristote giải thích “… nghệ thuật xuất hiện khi nào trong một số loạt
suy xét kinh nghiệm được xác định một quan điểm chung về những sự vật giống nhau”, “cái chung” của Aristote khiến ta suy nghĩ
đến khái niệm “điển hình” trong lý luận văn học hiện đại. Trong Chương IX Nghệ thuật thơ ca ông lại nói “cái chung thể hiện ở chỗ
con người với ‰nh cách như thế, sẽ nói hoặc làm theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên”. Thơ ca theo ông, bắt chước “cái có
thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên” (Chương VI). Như vậy “lý chung”, “vẻ chung”, “cái chung” và cái có thể xảy ra
(sự vật tất nhiên) là hai mặt của một vấn đề. Luận điểm của Aristote chống đối trực diện với Platon, khẳng định vai trò nhận thức
hiện thực của nghệ thuật.
24
Immanuel Kant (1724 – 1804) – triết gia Đức.
25
Henri Bergson (1859 – 1941) – triết gia Pháp.
nghệ chính là ở chỗ tạo cho tình cảm một cơ hội tự do phát tiết. Lý đó Arixtôtêlex’ thấy rất rõ, cho nên khi
định nghĩa bi kịch, ông đặc biệt nhấn mạnh cái công dụng phát tán những tình cảm xót thương, sợ hãi… của
văn nghệ. Ảnh hưởng của văn nghệ quả thật có ích cho sức khoẻ tinh thần, đâu có đáng sợ như Platông miêu
tả.26

Học thuyết Platông giải quyết vấn đề có chỗ quá khích, điều này không còn phải ghi ngờ gì nữa. Có
điều nếu chúng ta quên mất thời đại và mục đích đặc biệt của Platông, hoàn toàn chỉ dùng con mắt người ngày
nay đi phê bình ông thì cũng sẽ không tránh được không có công bằng thích đáng. Thời đại mà Platông sống
là thời đại suy vi của văn học Hy Lạp, cũng lời thời đại suy sụp của chủ nghĩa anh hùng và tôn giáo thần linh.
Ông suy tìm nguyên nhân suy đồi của phong hoá, cho rằng thi nhân nên gánh một phần trách nhiệm, vì vậy
đã dứt khoát phủ nhận thơ, tuy bản thân ông cũng biết sức hấp dẫn vĩ đại của thi ca. Đồng thời chúng ta cũng
đừng quên thời đại Platông là thời đại văn học và triết học thay thế cho nhau. Bản thân Platông là triết gia, ông
cho rằng chân lý là thứ mà chỉ triết gia là có thể tìm kiếm được. Trước đó, các nhà thơ Hy Lạp hô hào nhau vì
việc làm cho dân chúng hiểu được chân lý – đó quả là một việc tranh danh đoạt quyền. Platông trong quyển
10 Nước cộng hoà lý tưởng dường như đứng trên địa vị một triết gia, dành quyền chính trị – giáo dục với khối
văn nhân về cho khối triết gia. Platông lên tiếng là vì vậy, nên cũng không tránh khỏi quá khích.

Cho dù Platông có sai đến mức nào, ông cũng đã nắm chắc được vấn đề căn bản của văn nghệ, công
lao đó không thể phai mờ. Đó là vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và nhân sinh suy cho cùng là như thế nào. Hơn
2000 năm sau, chúng ta thấy G.Ruxô nghĩ như Platông, Platông nghĩ như L.Tônxtôi. Ba vị ấy đều không phải
là những người không có nghiên cứu văn học, cũng chẳng phải là những tư tưởng gia mà người đời có thể xem
thường. Trong những hoàn cảnh thời đại khác nhau, họ đều đạt đến kết luận như nhau. Thực tế đó quả đáng
cho chúng ta phải đắn đo cân nhắc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn đối với vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và
nhân sinh, chớ có dễ dàng chào đón những ý kiến phiến diện của những kẻ hô hào “văn nghệ vị nghệ” và
những nhà mỹ học phái hình thức cận đại.27

III. Lương tâm của từ ngữ, Susan Sontag28 (1933–2004), 2001, Nguyễn Huy Hoàng dịch

Chúng ta băn khoăn về từ ngữ, nhà văn chúng ta. Từ ngữ có nghĩa. Từ ngữ có hướng. Chúng là mũi
tên. Những mũi tên mắc trong lớp da thô của thực tại. Và từ ngữ càng phơi bày, càng khái quát, chúng càng

26
Đầu chương VI của Nghệ thuật thi ca, Aristote dùng thuật ngữ “Katharsis” (Catacxit) khi nói về tác động ¢nh cảm của bi kịch. Cùng
với “Mimesis”, Katharsis là thuật ngữ được thảo luận và giải thích theo nhiều cách. Thông thường nó được hiểu là sự thanh lọc cảm
xúc, sự tẩy rửa tâm lý (xem thêm, chẳng hạn Tâm lý học nghệ thuật của L.Vưgôtxki). Mở rộng vấn đề, chúng ta có thể liên hệ đến
S.Freud khi ông phân ‰ch vô thức và L.Tolstoi với thuyết nghệ thuật làm lây lan ¢nh cảm.
27
Bài này Chu Quang Tiềm viết những năm 1935 trở về trước. Chữ “cận đại” trong Hán ngữ khi phân kỳ lịch sử thường chỉ thời gian
từ giữa thế kỷ XIX đến thời kỳ Ngũ – Tứ.
28
Susan Sontag (1933–2004) là nhà văn, nhà làm phim, và nhà hoạt động chính trị người Mỹ. Bà được trao giải NBCC cho tác phẩm
phi hư cấu năm 1978 cho cuốn On Photography, giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 2000 cho cuốn In America, giải
Jerusalem năm 2001, và giải Friedenspreis và giải Hoàng tử xứ Asturias năm 2003. “The Conscience of Words” là diễn từ nhận giải
Jerusalem của bà vào tháng 5 năm 2001, và được in trong Susan Sontag, At the Same Time: Essays and Speeches, eds. Paolo
Dionardo and Anne Jump (Farrar, Straus and Giroux, 2007).
giống những căn phòng hay đường hầm. Chúng có thể mở rộng, hoặc thu hẹp. Chúng có thể bị một mùi hôi
thối lấp đầy. Chúng thường nhắc chúng ta về những căn phòng khác, nơi chúng ta muốn cư ngụ hoặc nơi mà
chúng ta nghĩ mình đang sống. Có thể có những không gian mà chúng ta đánh mất nghệ thuật hay trí tuệ của
việc cư ngụ. Và cuối cùng những thể tích ý định tinh thần ấy chúng ta không còn biết cách cư ngụ, sẽ bị bỏ rơi,
bị bịt lại, bị đóng cửa.

Chúng ta muốn nói gì, ví dụ, khi nói “hòa bình”? Có phải chúng ta muốn nói đến một sự vắng mặt của
xung đột? Có phải chúng ta muốn nói đến một sự lãng quên? Có phải chúng ta muốn nói đến một sự tha thứ?
Hay chúng ta muốn nói đến một sự mỏi mệt vô cùng, một sự kiệt sức, một sự trút bỏ hận thù?

Với tôi có vẻ cái mà đa số mọi người muốn nói đến khi nói “hòa bình” là chiến thắng. Chiến thắng của
phía họ. Đấy là ý nghĩa của “hòa bình” đối với họ, trong khi đối với những người khác hòa bình nghĩa là thất
bại.

Nếu bén rễ cái ý tưởng rằng hòa bình, trong khi về nguyên tắc là đáng mong muốn, kéo theo một sự từ
bỏ không thể chấp nhận được những tuyên bố chính đáng, thì tiến trình hợp lý nhất sẽ là thực hành chiến
tranh không bằng mọi biện pháp. Những lời kêu gọi hòa bình sẽ có cảm giác nếu không gian dối thì chắc chắn
là quá sớm. Hòa bình trở thành một không gian mà người ta không còn biết cách cư ngụ. Hòa bình phải được
tái định cư. Tái thuộc địa hóa…

***

Và chúng ta muốn nói gì khi nói “danh dự”?

Danh dự như một tiêu chuẩn chính xác của hành vi cá nhân dường như thuộc về một thời đã xa.
Nhưng thói trao danh dự—để tâng bốc mình và người khác—vẫn không suy giảm.

Trao danh dự là khẳng định một tiêu chuẩn mà người ta tin là thuộc sở hữu chung. Nhận một danh
dự là tin, trong một khoảnh khắc, rằng ta xứng đáng với nó. (Người xứng đáng nhất nên nói, bằng tất cả chừng
mực, rằng họ không phải là không xứng với nó.) Từ chối một danh dự được trao thì có vẻ thô lỗ, không thân
thiện, tự phụ.

Một giải thưởng tích lũy danh dự—và khả năng trao danh dự—bằng lựa chọn vinh danh ai mà nó đã
đưa ra trong những năm trước.

Theo tiêu chuẩn này, hãy xem xét giải thưởng được đặt cái tên dễ gây luận chiến là Jerusalem, giải
thưởng mà trong lịch sử tương đối ngắn ngủi của nó, nó đã được trao cho một số trong số những nhà văn xuất
sắc nhất trong nửa sau thế kỷ 20. Dù bằng bất kỳ tiêu chí rõ ràng nào nó là một giải thưởng văn chương, nó lại
không được gọi là Giải Jerusalem về Văn chương mà được gọi là Giải Jerusalem về Tự do của Cá nhân trong
Xã hội.
Có phải mọi nhà văn giành được giải thưởng này đều thực sự ủng hộ Tự do của Cá nhân trong Xã hội?
Có phải đó là điểm chung của họ—mà giờ tôi phải nói là “chúng tôi”?

Tôi nghĩ là không.

Họ không chỉ đại diện cho một phổ ý kiến chính trị rộng. Một số gần như còn chưa động đến những
Từ ngữ Lớn: tự do, cá nhân, xã hội…

Nhưng quan trọng không phải là nhà văn nói gì, mà quan trọng là nhà văn là gì.

Nhà văn—tôi muốn nói đến thành viên của cộng đồng văn chương—là hiện thân của sự bền bỉ (và sự
cần thiết) của tầm nhìn cá nhân.

Tôi muốn dùng “cá nhân” như một tính từ hơn là một danh từ.

Sự tuyên truyền không ngừng trong thời đại chúng ta về “cá nhân” với tôi có vẻ hết sức đáng ngờ, do
bản thân “tính cá nhân” ngày càng trở thành một từ đồng nghĩa với tính ích kỷ. Một xã hội tư bản trở nên có
tư lợi trong việc ca ngợi “tính cá nhân” và “sự tự do”—thứ có thể có ý nghĩa không hơn gì quyền được không
ngừng phóng đại bản ngã, và tự do mua, tự do sắm, tự do tận dụng, tự do tiêu thụ, tự do làm cho lỗi thời.

Tôi không tin có giá trị cố hữu nào trong việc tu dưỡng bản ngã. Và tôi nghĩ không có nền văn hóa nào
(dùng theo nghĩa chuẩn mực) lại không có một tiêu chuẩn về lòng vị tha, về sự đối nhân. Tôi tin có một giá trị
cố hữu trong việc mở rộng ý thức của chúng ta về việc đời sống con người có thể là gì. Nếu văn chương đã lấy
tôi làm một dự án, đầu tiên là một độc giả và sau là một nhà văn, thì nó như là một phần mở rộng của những
đồng cảm của tôi với những bản ngã khác, những miền khác, những giấc mơ khác, những từ ngữ khác, những
lãnh thổ quan tâm khác.

***

Là một nhà văn, một người làm văn, tôi vừa là một người kể chuyện vừa là một người suy nghĩ. Các ý
tưởng thay đổi tôi. Nhưng tiểu thuyết không được làm từ ý tưởng mà được làm từ hình thức. Các hình thức
ngôn ngữ. Các hình thức biểu cảm. Tôi không có câu chuyện trong đầu cho đến khi tôi có hình thức. (Như
Vladimir Nabokov nói: “Mô hình sự vật đến trước sự vật.”) Và—ẩn hay ngầm—tiểu thuyết được tạo ra từ ý
thức của nhà văn về việc văn chương là gì hoặc có thể là gì.

Mỗi tác phẩm của nhà văn, mỗi màn biểu diễn văn chương là, hoặc tương đương, một mô tả về chính
văn chương. Bảo vệ văn chương đã trở thành một trong những chủ đề chính của nhà văn. Nhưng như Oscar
Wilde nhận xét, “Một sự thật trong nghệ thuật là một sự thật mà sự mâu thuẫn của nó cũng đúng.” Diễn giải
Wilde, tôi sẽ nói: Một sự thật về văn chương là một sự thật mà sự đối lập của nó cũng đúng.

Do đó văn chương—và tôi nói một cách chuẩn định (prescriptively), chứ không chỉ mô tả
(descriptively)—là sự tự ý thức, nghi ngờ, do dự, câu nệ. Nó còn là—một lần nữa, chuẩn định cũng như mô
tả—bài ca, sự ngẫu hứng, sự chúc tụng, hạnh phúc.
Những ý tưởng về văn chương—không như những ý tưởng về tình yêu chẳng hạn—gần như không
bao giờ xuất hiện trừ trong phản hồi với những ý tưởng của người khác. Chúng là những ý tưởng phản động.

Tôi nói thế này là vì tôi có ấn tượng là các bạn—hay hầu hết mọi người—đang nói thế khác.

Do đó tôi muốn dọn chỗ cho một niềm đam mê lớn hơn hay một thực hành khác. Các ý tưởng đem
lại sự cho phép—và tôi muốn cho phép cho một cảm giác hay một thực hành khác.

Tôi nói thế này khi các bạn đang nói thế khác, không chỉ vì các nhà văn, đôi khi, là các đối thủ chuyên
nghiệp. Không chỉ để khắc phụ sự mất cân bằng hay sự một chiều của bất kỳ thực hành nào có đặc điểm của
một thể chế—và văn chương là một thể chế— mà bởi vì văn chương là một thực hành bắt nguồn từ những
khát vọng vốn đã mâu thuẫn.

Quan điểm của tôi là bất cứ mô tả nào về văn chương cũng không đúng—tức là, mang tính giản lược;
thuần túy luận chiến. Trong khi muốn nói trung thực về văn chương thì nhất thiết phải nói trong những
nghịch lý.

Do đó, mỗi tác phẩm văn chương quan trọng, xứng danh văn chương, đều là hóa thân của một lý tưởng
về sự riêng biệt, về một tiếng nói đơn nhất. Nhưng văn chương, vốn là một sự tích lũy, lại là hóa thân của một
lý tưởng về sự đa, sự bội, về sự pha trộn.

Mỗi quan niệm về văn chương mà chúng ta có thể nghĩ đến—văn chương như là sự tham gia xã hội,
văn chương như là sự theo đuổi các cường độ tâm linh riêng tư, văn chương dân tộc, văn chương thế giới—
đều là, hoặc có thể trở thành, một hình thức của sự tự mãn tinh thần, hay sự tự đại, hay sự tự khen mừng.

Văn chương là một hệ thống—một hệ thống số nhiều—các tiêu chuẩn, tham vọng, lòng trung thành.
Một phần của chức năng luân lý của văn chương là bài học về giá trị của sự đa dạng.

Dĩ nhiên, văn chương phải hoạt động trong các biên giới. (Giống như mọi hoạt động của con người.
Hoạt động vô biên duy nhất là chết.) Vấn đề là những biên giới mà hầu hết mọi người muốn vẽ ra sẽ bóp nghẹt
sự tự do được là cái mà nó có thể là của văn chương, sự tự do được kích động trong mọi sự sáng tạo và năng
lực của nó.

Chúng ta sống trong một nền văn hóa theo đuổi việc hợp nhất mọi lòng tham, và một trong những sự
đa dạng ngôn ngữ rộng lớn và vẻ vang của thế giới, ngôn ngữ mà tôi nói và viết, giờ là ngôn ngữ chủ đạo. Tiếng
Anh đã đóng một vai trò tương tự như vai trò của tiếng Latin ở châu Âu thời trung cổ, trên quy mô thế giới
và đối với các nhóm dân số chủ yếu là lớn hơn trong các nước trên thế giới.

Nhưng khi sống trong một nền văn hóa ngày càng mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia, chúng ta cũng
ngập trong những tuyên bố ngày càng mang tính phân hóa của các bộ lạc thật sự hoặc mới tự thành lập.
Những ý tưởng nhân văn cũ—về nền cộng hòa văn chương, về văn chương thế giới—đang bị tấn công
ở mọi nơi. Chúng có vẻ, với một số người, ngây thơ, cũng như bị vấy bẩn vì nguồn gốc của chúng trong lý
tưởng đại Âu—có người sẽ nói là lý tưởng trung tâm châu Âu chủ nghĩa—về các giá trị phổ quát.

Những quan niệm về “tự do” và về “quyền” đã trải qua một sự xuống cấp đáng kể trong những năm
gần đây. Ở nhiều nước, quyền của nhóm được trao sức nặng lớn hơn quyền của cá nhân.

Trong khía cạnh này, những gì mà những người làm văn làm có thể ngầm củng cố độ tin cậy của tự do
biểu đạt, và của các quyền cá nhân. Ngay cả khi những người làm văn đã hiến dâng công trình của mình để
phụng sự cho bộ lạc hay cộng đồng mà họ thuộc về, những thành tựu của họ với tư cách nhà văn vẫn phụ
thuộc vào việc vượt lên trên mục tiêu này.

***

Những phẩm chất khiến một nhà văn nhất định có giá trị hay được ngưỡng mộ đều có thể tìm thấy
trong sự riêng biệt của giọng nói nhà văn.

Nhưng sự riêng biệt này, vốn được nuôi dưỡng trong riêng tư và là kết quả của một quá trình học nghề
lâu dài trong suy ngẫm và cô đơn, lại liên tục bị thử thách bởi vai trò xã hội mà các nhà văn thấy mình được
kêu gọi đảm nhận.

Tôi không nghi ngờ quyền được tham gia tranh luận các vấn đề công, được liên hiệp và thực hành tình
đoàn kết với những người khác có chung tư tưởng của các nhà văn.

Quan điểm của tôi cũng không phải là những hoạt động như thế đưa nhà văn ra xa cái địa điểm bên
trong, ẩn dật, lập dị nơi văn chương được tạo ra. Gần như mọi hoạt động khác tạo nên việc có một cuộc đời
cũng vậy.

Nhưng tình nguyện, bị khuấy động trước những mệnh lệnh của lương tâm hay của mối quan tâm,
tham gia vào tranh luận công và hành động công là một chuyện. Nhưng đưa ra ý kiến theo yêu cầu—những
phát biểu mang tính đạo đức—lại là chuyện khác.

Không phải: Đã ở đây, làm chuyện đó. Mà: Ủng hộ chuyện này, chống lại chuyện đó.

Nhưng nhà văn không nên là một cỗ máy ý kiến. Như một nhà thơ da màu ở đất nước tôi nói, khi bị
một số người Mỹ gốc Phi trách cứ vì không làm những bài thơ về sự hèn hạ của phân biệt chủng tộc, “Nhà văn
không phải cái máy hát.”

Công việc đầu tiên của nhà văn không phải là có ý kiến mà là nói lên sự thật… và từ chối đồng lõa với
những lời dối trá và thông tin sai lệch. Văn chương là ngôi nhà của sắc thái và sự trái ngược với những giọng
nói đơn giản hóa. Công việc của nhà văn là khiến những kẻ hủy hoại tinh thần trở nên khó tin tưởng hơn.
Công việc của nhà văn là khiến chúng ta thấy thế giới như nó vốn thế, đầy đủ nhiều tuyên bố và bộ phận và
kinh nghiệm khác nhau.
Mô tả thực tế là công việc của nhà văn: những thực tế hôi hám, những thực tế tươi sáng. Bản chất của
trí tuệ mà văn chương đem lại (số nhiều của thành tựu văn chương) là giúp chúng ta hiểu rằng, bất cứ chuyện
gì đang diễn ra, chuyện khác vẫn đang luôn luôn tiếp diễn.

Tôi ám ảnh với cái “chuyện khác” ấy.

Tôi ám ảnh với xung đột của các quyền và các giá trị mà tôi trân trọng. Ví dụ như việc—đôi khi—nói
lên sự thật không thúc đẩy công lý. Việc—đôi khi—thúc đẩy công lý có thể sẽ đòi hỏi đàn áp một phần nhiều
sự thật.

Nhiều người trong số những nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, trong hoạt động của họ với tư cách
là tiếng nói công, đã đồng lõa với việc đàn áp sự thật để thúc đẩy những gì mà họ hiểu là (đã là, trong nhiều
trường hợp) những lý tưởng chính nghĩa.

Quan điểm của riêng tôi là, nếu phải chọn giữa sự thật và công lý—dĩ nhiên, tôi không muốn chọn—
tôi chọn sự thật.

***

Dĩ nhiên, tôi tin vào hành động công chính. Nhưng người hành động có phải là nhà văn?

Có ba việc khác nhau: nói, việc tôi đang làm lúc này; viết, cái mang lại cho tôi bất cứ thứ quyền gì mà
tôi có đối với giải thưởng không thể so sánh được này; và tồn tại, là một người tin vào tình đoàn kết chủ động
với những người khác.

Như Roland Barthes nhận xét, “Người nói không phải người viết, và người viết không phải người tồn
tại.”

Và dĩ nhiên tôi có ý kiến, những ý kiến chính trị, một số hình thành trên cơ sở đọc và bàn luận, và suy
ngẫm, nhưng không phải từ kinh nghiệm trực tiếp. Xin phép chia sẻ với các bạn hai ý kiến của tôi—những ý
kiến khá dễ đoán, với lập trường công khai của tôi về những vấn đề mà tôi có một số kiến thức trực tiếp.

Tôi tin rằng thuyết trách nhiệm tập thể, như một cơ sở cho sự trừng phạt tập thể, chưa bao giờ được
chứng minh, về mặt quân sự hay về mặt luân lý. Tôi muốn nói việc sử dụng hỏa lực không cân xứng đối với
dân thường, phá dỡ nhà cửa và hủy diệt vườn tược của họ, tước kế sinh nhai và quyền có việc làm, được đi
học, được hưởng dịch vụ y tế, quyền tiếp cận mà không bị ngăn cản các thị trấn và cộng đồng láng giềng… tất
cả như một hình phạt đối với hoạt động quân sự thù địch có thể hoặc thậm chí có thể không ở vùng lân cận
những dân thường này.

Tôi cũng tin rằng sẽ không thể có hòa bình ở đây cho đến khi việc cấy các cộng đồng Israel vào các vùng
lãnh thổ [Palestine] dừng lại và theo sau—sớm tốt hơn muộn—là giải thể các khu định cư và rút các đơn vị
quân sự đóng ở đó để bảo vệ họ.
Tôi đánh cược rằng hai ý kiến này của tôi được nhiều người trong hội trường này chia sẻ. Tôi ngờ
rằng—dùng một thành ngữ Mỹ cũ—mình đang giảng đạo cho ca đoàn.

Nhưng tôi có giữ những ý kiến này với tư cách là một nhà văn không? Hoặc tôi có giữ những ý kiến đó
với tư cách một con người có lương tâm rồi dùng vị thế nhà văn của mình để thêm tiếng nói của mình vào
những người khác nói điều tương tự? Sức ảnh hưởng mà một nhà văn có thể triển khai là hoàn toàn ngẫu
nhiên. Giờ nó là một khía cạnh của văn hóa người nổi tiếng.

Có gì đó thô bỉ trong việc phổ biến công khai ý kiến về những vấn đề mà ta không có kiến thức trực
tiếp sâu rộng. Nếu tôi nói về cái mà tôi không biết, hoặc biết chớp nhoáng, thì đây chỉ đơn thuần là gây ý kiến.

Tôi nói điều này, quay lại phần đầu, như một vấn đề danh dự. Danh dự của văn chương. Dự án có một
tiếng nói cá nhân. Các nhà văn nghiêm túc, những người sáng tạo văn chương, không nên chỉ thể hiện bản
thân khác với diễn ngôn bá quyền của truyền thông đại chúng. Họ phải nằm ở phía đối lập với giọng điệu
chung của chương trình tin tức và chương trình đối thoại.

Vấn đề của ý kiến là người ta mắc kẹt với chúng. Và bất cứ khi nào nhà văn hoạt động như là nhà văn,
họ đều thấy… nhiều hơn.

Bất kể có gì ở đó cũng luôn luôn có nhiều hơn. Bất kể chuyện gì đang diễn ra cũng có chuyện khác tiếp
diễn.

Nếu bản thân văn chương, công việc vĩ đại đã được tiến hành (trong nhãn quan của chúng ta) gần ba
thiên niên kỷ này, là hiện thân của một trí tuệ—và tôi nghĩ là có và nằm ở trung tâm của tầm quan trọng mà
chúng ta trao cho văn chương—thì đó là bằng cách thể hiện bản chất đa bội của sự riêng tư của chúng ta và
những định mệnh chung của chúng ta. Nó sẽ nhắc nhở chúng ta rằng có những mâu thuẫn, đôi khi là những
xung đột không thể giản lược, giữa những giá trị mà chúng ta trân trọng nhất. (Đây là ý nghĩa của “bi kịch.”)
Nó sẽ nhắc nhở chúng ta về cái “cũng” và “cái khác nữa.”

Trí tuệ của văn chương khá trái ngược với việc có ý kiến. “Không có gì là lời cuối của tôi về bất cứ
chuyện gì,” Henry James nói. Ra ý kiến, ngay cả những ý kiến đúng đắn—bất cứ khi nào được hỏi—làm hạ
thấp những gì mà các tiểu thuyết gia và nhà thơ làm tốt nhất, đó là đỡ đầu cho sự suy tư, là theo đuổi sự phức
tạp.

Thông tin sẽ không bao giờ thay thế sự tường minh. Nhưng có một thứ nghe giống như thông tin, trừ
việc nó tốt hơn—tôi muốn nói đến trạng thái có thông tin; tôi muốn nói đến kiến thức cụ thể, xác định, chi
tiết, đặc lịch sử, trực tiếp—là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với nhà văn nếu muốn bày tỏ ý kiến
trước công chúng.

Hãy để những người khác, những người nổi tiếng và các chính trị gia, nói với chúng ta với thái độ bề
trên; dối trá. Nếu việc vừa là nhà văn vừa là một giọng nói công có thể phục vụ cho bất cứ điều gì tốt hơn thì
đó sẽ là các nhà văn sẽ xem việc xây dựng ý kiến và đánh giá là một trách nhiệm khó khăn.
Một vấn đề khác của ý kiến. Chúng là những đại diện của sự tự bất động. Những gì nhà văn làm phải
giải phóng chúng ta, phải xáo động chúng ta. Mở ra những con đường của lòng trắc ẩn và những mối quan
tâm mới. Nhắc nhở chúng ta rằng có thể, chỉ là có thể, chúng ta muốn trở nên khác đi, và tốt hơn, so với chúng
ta hiện nay. Nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể thay đổi.

Như Đức hồng y Newman nói, “Ở một thế giới cao hơn thì khác, nhưng ở dưới đây sống là thay đổi,
và hoàn hảo là thay đổi thường xuyên.”

Và tôi muốn nói gì khi nói từ “hoàn hảo”? Là tôi sẽ không cố gắng giải thích mà chỉ nói, Sự hoàn hảo
làm tôi cười. Không phải hoài nghi, tôi phải nói thêm. Mà cười vui vẻ.

***

Tôi biết ơn vì đã được trao giải thưởng Jerusalem. Tôi nhận nó như một vinh dự cho tất cả những ai
tận tâm với nghiệp văn chương. Tôi nhận nó trong sự kính trọng dành cho tất cả những nhà văn và những độc
giả ở Israel và ở Palestine đang đấu tranh để tạo ra văn chương từ những giọng nói riêng biệt và sự đa dạng của
sự thật. Tôi nhận giải thưởng đại diện cho sự hòa bình và hòa giải của những cộng đồng tổn thương và sợ hãi.
Sự hòa bình cần thiết. Những nhượng bộ cần thiết và những dàn xếp mới. Sự đào thải khuôn mẫu cần thiết.
Sự duy trì đối thoại cần thiết. Tôi nhận giải—giải thưởng quốc tế này, được tài trợ bởi một hội chợ sách quốc
tế—như một sự kiện tôn vinh, trên tất cả, nền cộng hòa quốc tế văn chương.

IV. Tại Sao Văn Chương? (Why Literature?), Mario Vargas Llosa29, 2001, Phan Quỳnh Trâm dịch, Hoàng
Ngọc Tuấn hiệu đính

Tại các hội chợ sách hay các thư quán, tôi vẫn thường gặp cảnh một người đàn ông lịch sự đến và xin
tôi chữ ký. “Để cho vợ tôi, con gái tôi, hay mẹ tôi”, ông ấy giải thích. “Cô/bà ấy là một người say mê đọc sách
và yêu thích văn chương”. Tôi hỏi ngay: “Còn ông thì sao? Ông không thích đọc à?” Câu trả lời hầu như lúc

29
Mario Vargas Llosa được trao giải Nobel Văn Chương năm 2010 trước hết với tư cách một người viết Kểu thuyết lớn, người đã
“khắc họa những cơ cấu quyền lực”, “những hình ảnh sắc sảo về những cuộc phản kháng, nổi loạn và thất bại của cá nhân” trong xã
hội hiện đại, như lời phát biểu của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tuy nhiên, không nên quên Llosa còn là một cây bút đa thể loại (mulK-
genre writer). Ngoài truyện, ông còn viết kịch, viết kịch bản phim, viết báo, viết phê bình và Kểu luận văn học. Ở lãnh vực nào ông
cũng có những thành tựu xuất sắc. Công trình phê bình của ông về Gabriel García Márquez (García Márquez: Story of a Deicide,
1971) — nguyên thủy là một luận án Kến sĩ, sau được in thành sách, dày trên 800 trang — cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách
sâu sắc nhất về tác giả cuốn Trăm năm cô đơn. Những cuốn sách của Llosa về Gustave Flaubert, (The Perpetual Orgy: Flaubert and
“Madame Bovary”, 1975), về Jean-Paul Sartre và Albert Camus (Between Sartre and Camus, 1981), và về Victor Hugo (The
TemptaKon of the Impossible, 2004) được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, Llosa còn viết rất nhiều Kểu luận. Theo Llan Stavans, giáo sư
văn học tại Amherst College và là chủ biên cuốn tuyển tập văn học LaKn (The Norton Anthology of LaKno Literature), sự nghiệp văn
học của Llosa có thể được chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi ông ứng cử Tổng thống tại Peru vào năm 1990. “Trước, ông là
một nhà văn và là một chính trị gia tập sự; văn chương là một ám ảnh. Sau, Kểu thuyết không còn làm ông bận tâm nhiều nữa. Thay
vào đó, ông là một Kểu luận gia xuất sắc hàng đầu.”

Các bài Kểu luận văn học của Vargas Llosa là kết Knh của một tri thức uyên bác của một giáo sư đại học lâu năm và nổi Kếng và một
sự nhạy cảm phi thường của một nhà văn bậc thầy. Dĩ nhiên, trong cách nhìn của ông về văn học không phải không có vấn đề, ví dụ
sự nghi ngờ của ông đối với các phát minh kỹ thuật mới gắn liền với sinh hoạt văn học trên thế giới trong những năm gần đây. Tất cả
những ưu và khuyết điểm ấy có thể dễ dàng được nhìn thấy trong bài Kểu luận “Tại sao văn chương” dưới đây.
nào cũng giống nhau: “Dĩ nhiên là tôi thích đọc, nhưng tôi bận bịu lắm.” Tôi đã nghe những lời giải thích như
vậy cả hàng chục lần: người đàn ông ấy, cũng như hàng ngàn người đàn ông khác giống ông ta, có quá nhiều
chuyện quan trọng để làm, có quá nhiều nghĩa vụ, có quá nhiều trách nhiệm trong đời sống, đến nỗi họ không
có thể phí thời giờ quý báu của họ để vùi mình vào một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ, hay một bài tiểu luận
văn học từ giờ này qua giờ khác. Theo quan niệm phổ biến này, văn chương là một hoạt động có thể miễn trừ;
hiển nhiên nó rất cao quý và hữu ích cho việc rèn luyện mỹ cảm và phong thái lịch lãm, nhưng chủ yếu nó chỉ
là trò tiêu khiển, một thứ trang sức mà chỉ có những người có nhiều thời gian giải trí mới đáp ứng được. Nó
là cái gì có thể lấp vào khoảng trống giữa các trận thể thao, các cuốn phim, một ván bài hay một ván cờ; và nó
có thể bị hy sinh không chút đắn đo khi người ta dành “ưu tiên” cho những công việc và những bổn phận
không thể buông bỏ trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

Dường như rõ ràng là văn chương càng ngày càng trở thành một hoạt động của nữ giới. Trong các tiệm
sách, các cuộc hội nghị hay các buổi đọc sách công cộng của các nhà văn, thậm chí, ngay trong các khoa nhân
văn ở đại học, đàn bà rõ ràng là nhiều hơn đàn ông. Trước nay người ta vẫn thường giải thích là các phụ nữ
thuộc tầng lớp trung lưu đọc nhiều vì họ làm việc ít giờ hơn nam giới, và quá nhiều phụ nữ cảm thấy họ có
những lý do thích đáng hơn đàn ông để biện minh cho thời gian mà họ dành cho những chuyện huyễn tưởng
và ảo tưởng. Tôi có phần dị ứng với lối giải thích căn cứ vào việc phân chia nam và nữ thành hai phạm trù đông
cứng và gán cho mỗi phái tính những ưu và khuyết điểm đặc thù của nó; nhưng không nghi ngờ gì nữa là càng
ngày số lượng độc giả văn chương càng ít, và trong số ít ỏi còn lại ấy, phụ nữ chiếm đa số.

Hiện tượng này hầu như diễn ra khắp nơi. Tại Tây-ban-nha, chẳng hạn, một cuộc thăm dò mới đây do
Tổng Hội Nhà Văn Tây-ban-nha thực hiện cho thấy có một nửa dân số trong cả nước chưa bao giờ đọc một
cuốn sách nào cả. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, trong cái thiểu số người đọc sách, số phụ nữ thừa nhận có đọc
sách cao hơn số nam giới khoảng 6.2 phần trăm, một sự chênh lệch có vẻ như đang lớn dần. Tôi vui cho những
phụ nữ này, nhưng tôi cảm thấy buồn cho nam giới, và cho cả hàng triệu người có khả năng đọc nhưng lại
không chịu đọc.

Họ khiến tôi thấy thương hại cho họ không phải chỉ vì họ không biết đến cái lạc thú mà họ đánh mất,
nhưng còn vì tôi tin là một xã hội không có văn chương, hay một xã hội trong đó văn chương bị xua đuổi —
như một tật xấu ngấm ngầm — ra ngoài lề đời sống xã hội và cá nhân, và bị biến thành một cái gì giống như
một thứ giáo phái tà đạo, thì đó là một xã hội bị mắc đọa trở thành man rợ về phương diện tinh thần, và thậm
chí có nguy cơ đánh mất nền tự do của nó. Tôi muốn đưa ra một số lập luận để phản đối cái ý tưởng cho văn
chương là chuyện phù phiếm, và để bênh vực cho quan điểm xem nó là một trong những công việc tiên quyết
và thiết yếu của trí tuệ, một hoạt động bất khả thay thế trong việc xây dựng công dân trong một xã hội hiện đại
và dân chủ, một xã hội của những cá nhân tự do.

Chúng ta sống trong kỷ nguyên chuyên môn hoá kiến thức, nhờ sự phát triển phi thường của khoa học
và kỹ thuật và từ việc phân mảnh tất nhiên của kiến thức thành vô số chuyên ngành hẹp khác nhau. Xu hướng
văn hoá này, dù gì đi nữa, chắc hẳn sẽ nổi bật lên trong những năm sắp tới. Chắc chắn là việc chuyên môn hoá
mang lại nhiều lợi ích. Nó mở ra những khám phá sâu hơn, những thí nghiệm lớn hơn; nó chính là động cơ
của sự tiến bộ. Tuy nhiên, nó cũng có những hậu quả tiêu cực, vì nó xoá bỏ những đặc tính trí thức và văn hoá
thông thường vốn cho phép nam và nữ cùng tồn tại, giao tiếp và có cảm giác liên đới với nhau. Chuyên môn
hoá dẫn đến sự thiếu vắng mối cảm thông xã hội, đến việc phân chia con người vào những khu biệt cư (ghetto)
của các kỹ thuật viên và chuyên viên. Sụ chuyên môn hoá kiến thức đòi hỏi những thứ ngôn ngữ chuyên môn
hoá và những loại mã tự càng ngày càng có tính chuyên ngành, vì thông tin càng ngày càng trở thành chuyên
biệt và khu biệt hoá. Đây là tình trạng đặc dị hoá và phân cách hoá mà một câu cách ngôn ngày xưa đã cảnh
báo chúng ta: đừng quá chú mục vào cành hay lá mà quên chúng là bộ phận của cây; hoặc quá chú mục vào
cây mà quên chúng là bộ phận của rừng. Ý thức về sự hiện hữu của rừng tạo nên cảm giác về tính khái quát,
cảm giác về sự tuỳ thuộc, vốn là điều kiện nối kết xã hội lại với nhau và ngăn ngừa cho nó khỏi bị phân tán
thành hằng hà sa số những sự cá biệt mang tính tự kỷ. Tính tự kỷ của quốc gia cũng như của cá nhân tạo nên
bệnh hoang tưởng và sự cuồng sảng, bóp méo hiện thực, từ đó làm nảy ra ra sự thù hận, chiến tranh và ngay
cả hoạ diệt chủng.

Trong thời đại của chúng ta hiện nay, khoa học và kỹ thuật không thể đóng một vai trò nhất quán, chỉ
vì sự phong phú vô tận của kiến thức cũng như tốc độ tiến hoá của nó đã dẫn đến sự chuyên môn hoá và những
điều khó hiểu của nó. Nhưng văn chương đã, đang và, cho đến chừng nào nó còn tồn tại, sẽ tiếp tục là một
trong những mẫu số chung của kinh nghiệm nhân sinh qua đó loài người có thể nhận biết chính họ và có thể
tương thoại với nhau, bất kể những khác biệt đến đâu chăng nữa về nghề nghiệp, về những dự định trong đời
sống, về trú xứ địa lý và văn hoá, về hoàn cảnh riêng tư của từng người. Nó đã giúp cho các cá nhân, với tất cả
những nét cá biệt của cuộc sống của họ, vượt qua lịch sử: với tư cách là độc giả của Cervantes, Shakespeare,
Dante và Tolstoy, chúng ta hiểu nhau xuyên qua không gian và thời gian, và chúng ta cảm thấy chính mình là
thành viên của cùng một chủng loại, bởi vì, qua những tác phẩm mà các nhà văn này đã sáng tạo, chúng ta học
được điều gì chúng ta cùng chia sẻ với nhau như những con người, điều gì vẫn còn là đại đồng giữa tất cả chúng
ta bên dưới cơ man những tiểu dị đã phân hoá chúng ta. Không có gì bảo vệ một con người tốt hơn trước sự
ngu xuẩn của thành kiến, sự kỳ thị chủng tộc, óc bè phái trong tôn giáo và chính trị, và chủ nghĩa dân tộc độc
tôn, cho bằng cái sự thật từng hiển lộ bất biến trong những tác phẩm văn chương lớn: rằng con người, nam
cũng như nữ, thuộc mọi quốc gia và xứ sở, đều nhất thiết bình đẳng với nhau, và chỉ có sự bất công mới gieo
rắc trong họ mầm mống của óc kỳ thị, nỗi sợ hãi và sự bóc lột.

Không có gì tốt hơn văn chương để dạy cho chúng ta thấy, giữa những sự dị biệt về sắc tộc và văn hoá,
sự giàu có của di sản nhân loại, và biết quý trọng những sự dị biệt này như một thực chứng của sự sáng tạo đa
diện của nhân loại. Đọc những áng văn chương hay là một kinh nghiệm lạc thú, dĩ nhiên; nhưng đó cũng còn
là một kinh nghiệm để tìm hiểu chúng ta là gì và như thế nào, trong sự nguyên vẹn cũng như sự bất toàn của
con người, với những hành động, những giấc mơ và những bóng ma của chúng ta, riêng lẻ cũng như trong
những mối quan hệ nối liền chúng ta với kẻ khác, trong hình ảnh công cộng cũng như trong những góc khuất
bí ẩn của ý thức chúng ta.
Cái tổng thể phức tạp của những sự thật đầy nghịch lý này — theo cách nói của Isaiah Berlin — đã làm
nên chính bản chất của điều kiện nhân sinh. Trong thế giới ngày nay, cái kiến thức quán triệt và sinh động này
về con người chỉ có thể được tìm thấy trong văn chương. Thậm chí không có bất cứ ngành nhân văn nào khác
— kể cả triết học, lịch sử hay các bộ môn nghệ thuật, và chắc chắn không phải các bộ môn khoa học xã hội —
có thể có được cái kiến quan nhất quán này, cái diễn ngôn phổ quát này. Ngay cả các ngành nhân văn cũng
phải chịu thúc thủ trước sự phân hoá và vi phân hoá hiểm nghèo của kiến thức, tự cô lập trong những nhánh
tri thức mang tính kỹ thuật càng ngày càng trở nên manh mún, ở đó, ý tưởng và từ vựng vượt ra ngoài tầm với
của con người bình thường.

Một số phê bình gia và lý thuyết gia thậm chí còn muốn biến văn chương thành một khoa học. Nhưng
điều đó sẽ không bao giờ xảy ra bởi tác phẩm hư cấu không hiện hữu để chỉ tra vấn một giới vực đơn lẻ của
kinh nghiệm. Nó hiện hữu để làm phong phú cái tổng thể của cuộc nhân sinh xuyên qua sự tưởng tượng, một
cái tổng thể không thể bị chia cắt, tháo rời, hay giảm thiểu thành một chuỗi những sơ đồ hay công thức mà
không bị biến mất. Đó chính là ý nghĩa của cái kiến quan của Proust rằng “cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối
cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương.” Nói thế, không
phải là ông đang phóng đại và cũng không phải là ông chỉ đang diễn tả tình yêu đối với nghiệp văn của chính
mình. Ông đang xiển dương cái dự kiến đặc thù rằng, nhờ văn chương, cuộc nhân sinh sẽ được hiểu rõ hơn và
được sống tốt hơn, và rằng để sống cuộc nhân sinh một cách trọn vẹn hơn người ta cần phải sống nó và chia sẻ
nó với những kẻ khác.

Mối tương giao thân ái mà văn chương thiết lập giữa người và người, thúc đẩy họ đối thoại với nhau và
làm cho họ có ý thức về một nguồn gốc chung và một mục tiêu chung, là mối tương giao vượt qua mọi giới
hạn mang tính thời gian. Văn chương đưa chúng ta trở lại quá khứ và nối liền chúng ta với những con người
của những thời đại đã qua, những con người đã đặt ra những câu chuyện, đã thưởng thức và đã mơ mộng qua
những văn bản truyền lại cho chúng ta, những văn bản hôm nay cho phép chúng ta cũng thưởng thức và mơ
mộng như thế. Cái cảm nhận mình là thành viên trong kinh nghiệm nhân sinh tập thể vượt qua thời gian và
không gian này là thành tựu lớn nhất của văn hoá, và không có gì đóng góp nhiều hơn vào việc phục hồi nó
trong từng thế hệ cho bằng văn chương.

Borges luôn luôn cảm thấy bực mình khi bị hỏi: “Văn chương dùng để làm gì?” Dường như ông cảm
thấy đó là một câu hỏi ngu xuẩn; với câu hỏi đó, ông chỉ muốn trả lời: “Chẳng có ai lại hỏi tiếng hót của chim
hoàng yến hay cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp để làm gì.” Nếu những cái đẹp như thế hiện hữu, và nếu, nhờ chúng,
cuộc sống bớt xấu và bớt buồn đi, dù chỉ trong một thoáng, thì việc tìm kiếm những lý do thực tế để biện giải
cho nó không phải là quá đỗi nhảm nhí sao? Nhưng cái câu hỏi ấy dù sao cũng là một câu hỏi hay. Bởi vì tiểu
thuyết và thơ không giống với tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân mây; bởi vì chúng không được
tạo ra một cách tình cờ hay tự nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, và bởi vậy, người ta có quyền
hỏi tại sao chúng được sáng tạo, chúng được sáng tạo như thế nào, mục đích của chúng là gì và tại sao chúng
lại tồn tại lâu đến như vậy.
Các tác phẩm văn chương được sinh ra, như những bóng ma vô hình tướng, trong đáy sâu ý thức của
nhà văn, được phóng chiếu vào đó bởi sức mạnh tổng hợp của vô thức, và sự mẫn cảm của nhà văn trước thế
giới chung quanh, và những cảm xúc của hắn; và chính từ tất cả những điều này, qua cuộc đấu tranh với chữ
nghĩa, nhà thơ hay người kể chuyện dần dần tạo ra hình thức, thể mạo [của tác phẩm], sự chuyển động, tiết
tấu, hoà điệu, và cuộc sống. Một cuộc sống hư tạo, dĩ nhiên, một cuộc sống được tưởng tượng ra, một cuộc
sống được làm bằng ngôn ngữ — tuy vậy người ta vẫn tìm kiếm cuộc sống hư tạo này, có người thường xuyên
tìm kiếm, có người thỉnh thoảng, bởi vì cuộc sống thực thì thiếu thốn đối với họ, và cũng không có khả năng
ban phát cho họ những gì họ mong muốn. Văn chương không bắt đầu hiện hữu qua tác phẩm của một cá
nhân riêng lẻ. Nó chỉ hiện hữu khi nó được người khác đón nhận và khi nó trở thành một phần của cuộc sống
xã hội — khi nó, nhờ việc đọc, trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ.

Một trong những hiệu quả lợi ích đầu tiên của văn chương diễn ra ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng
không có một nền văn chương bằng chữ viết thì sẽ tự diễn đạt ít chính xác hơn, ít phong phú về sắc độ tình
cảm hơn, và cũng ít minh bạch hơn so với một cộng đồng nơi mà công cụ thông tri chính, tức là chữ viết, đã
được trau dồi và được hoàn thiện qua các văn bản văn chương. Một nhân loại không đọc, không được văn
chương chạm đến, thì giống như một cộng đồng mù điếc và mắc bệnh vong ngữ, phải chịu đựng những khó
khăn to lớn trong việc thông tri do cái ngôn ngữ thô thiển của nó gây ra. Điều này cũng đúng cả với từng cá
nhân nữa. Một người không đọc, hoặc đọc ít, hoặc chỉ đọc những thứ rơm rác, là một kẻ thiểu năng: hắn có
thể nói rất nhiều nhưng chẳng phát biểu được bao nhiêu, bởi từ vựng của hắn thiếu thốn phương tiện để tự
diễn tả.

Đây không chỉ là một sự hạn chế về ngôn ngữ. Nó còn thể hiện một hạn chế trong tri thức và trong sự
tưởng tượng. Nó là sự nghèo nàn về tư tưởng, vì lý do đơn giản là những ý tưởng, những khái niệm mà xuyên
qua đó chúng ta nắm bắt được những bí ẩn của điều kiện nhân sinh, không thể tồn tại bên ngoài ngôn từ.
Chúng ta học cách nói một cách chính xác — và sâu sắc, mạnh mẽ, tinh tế — từ những áng văn chương hay,
và chỉ từ những áng văn chương hay mà thôi. Không có bất cứ chuyên ngành hay bộ môn nghệ thuật nào khác
có thể thay thế văn chương trong việc thủ tác thứ ngôn ngữ mà con người cần để thông tri. Phát ngôn trôi
chảy, sở hữu và tuỳ nghi sử dụng một ngôn ngữ phong phú và sinh động, có khả năng tìm ra lối diễn tả thích
nghi cho mọi ý tưởng và mọi cảm xúc mà ta muốn truyền đạt, tức là được chuẩn bị tốt hơn để suy nghĩ, để
giảng dạy, để học hỏi, để đàm thoại, và cũng để tự do tưởng tượng, để mơ mộng, để cảm nhận. Một cách kín
đáo, chữ nghĩa vọng âm trong mọi hành động của chúng ta, kể cả những hành động ngỡ như không dính líu
gì đến ngôn ngữ. Và khi ngôn ngữ phát triển, nhờ văn chương, và đạt đến cao độ của sự tinh xảo và phong
cách, nó làm gia tăng khả năng thưởng thức của con người.

Văn chương thậm chí còn ban cho tình yêu, dục vọng và cả hành động tính giao cái phẩm cách của sự
sáng tạo nghệ thuật. Không có văn chương, ngôn ngữ nhục cảm sẽ không hiện hữu. Tình yêu và lạc thú sẽ
nghèo nàn hơn, chúng sẽ thiếu hẳn sự tao nhã và tinh tế, chúng sẽ không thể đạt tới độ mãnh liệt mà sự phóng
tưởng trong văn chương mang lại. Không phải là cường điệu khi nói rằng một cặp tình nhân đã từng đọc
Garcilaso, Petrarch, Gongora hay Baudelaire sẽ đánh giá lạc thú và nghiệm sinh lạc thú cao hơn những người
mù chữ đã bị những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình biến thành những kẻ ngớ ngẩn. Trong một thế
giới mù chữ, tình yêu và dục vọng sẽ không khác gì những thứ làm thoả mãn thú tính, chúng cũng không vượt
qua khỏi sự thoả mãn thô lậu của những bản năng sơ khai.

Các phương tiện truyền thông thính thị cũng không được trang bị để có thể thay thế văn học trong việc
dạy con người sử dụng một cách tự tin và khéo léo những khả tính phong phú phi thường mà ngôn ngữ hàm
chứa. Ngược lại, những phương tiện truyền thông thính thị có khuynh hướng hạ thấp ngôn từ xuống mức độ
thứ cấp so với hình ảnh, vốn là thứ ngôn ngữ tiên khởi của những phương tiện truyền thông này; và hạn chế
ngôn ngữ vào việc diễn đạt bằng lời nói, đến mức tối thiểu cần thiết, rời xa khỏi phương diện văn bản bằng
chữ viết của nó. Đánh giá một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình có tính “văn chương” là một cách
bày tỏ lịch sự để nói rằng nó nhàm chán. Vì lý do này, các chương trình văn học trên đài phát thanh hoặc trên
đài truyền hình hiếm khi thu hút được quần chúng. Theo như tôi biết, trường hợp ngoại lệ duy nhất cho quy
luật này là chương trình Apostrophes của Bernard Pivot ở Pháp. Và điều này khiến tôi nghĩ rằng văn chương
không chỉ là điều kiện thiết yếu để có được một kiến thức đầy đủ và sự tinh thông ngôn ngữ, mà số phận của
nó còn vĩnh viễn gắn liền với số phận của sách in, cái sản phẩm kỹ nghệ mà nhiều người hiện nay tuyên bố là
đã hết thời.

Điều này làm tôi nhớ đến Bill Gates. Cách đây không lâu ông đã đến Madrid và ghé thăm Viện Hàn
Lâm Hoàng Gia Tây-ban-nha sau khi viện này tham gia vào một dự án chung với Microsoft. Bên cạnh những
điều khác, Gates đã cam đoan với các thành viên của Viện Hàn Lâm rằng chính ông sẽ bảo đảm rằng ký tự “fl”
không bao giờ bị gỡ bỏ khỏi phần mềm máy computer — một lời hứa khiến cho 400 triệu người nói tiếng Tây-
ban-nha ở khắp năm châu thở phào nhẹ nhõm, bởi sự loại bỏ một ký tự quan trọng như vậy khỏi không gian
mạng sẽ gây ra nhiều vấn đề to lớn. Tuy nhiên, ngay sau khi bày tỏ một sự nhượng bộ ưu ái đối với tiếng Tây-
ban-nha, và ngay cả trước khi rời khỏi khuôn viên của Viện Hàn Lâm, Gates lại thú nhận trong một cuộc họp
báo là ông mong sẽ đạt được mục tiêu cao nhất của ông trước khi ông qua đời. Mục tiêu ấy, ông giải thích, là
đặt dấu chấm hết cho giấy viết rồi sau đó là sách in.

Trong cách phán đoán của Gates, sách là những vật thể đã lỗi thời. Ông đưa ra lập luận rằng màn hình
máy computer có thể thay thế giấy trong mọi chức năng mà trước nay giấy đã đảm nhiệm. Ông còn nhấn mạnh
rằng, chẳng những ít phiền hà hơn, máy computer còn chiếm ít không gian hơn, dễ dàng vận chuyển hơn; và
đồng thời việc truyền tải tin tức và văn chương bằng những phương tiện truyền thông điện tử này, thay vì báo
giấy và sách in, sẽ có cái lợi về môi sinh trong việc ngăn chặn sự phá huỷ rừng cây, một tai hoạ vốn là hậu quả
của kỹ nghệ giấy. Người ta sẽ tiếp tục đọc, Gates trấn an các thính giả của ông, nhưng họ sẽ đọc trên màn hình
máy computer, và nhờ vậy môi trường sinh thái sẽ có nhiều chất diệp lục hơn.

Tôi không có mặt để nghe bài diễn văn ngắn ấy; tôi chỉ biết các chi tiết từ báo chí. Nếu tôi có mặt ở đó,
chắc hẳn tôi đã la ó phản đối Gates khi ông tuyên bố một cách sỗ sàng cái ý định gửi thẳng tôi và các đồng
nghiệp của tôi, những người viết sách, vào hàng ngũ những người thất nghiệp. Và tôi sẽ tranh cãi một cách
quyết liệt đối với sự phân tích của ông ấy. Liệu màn hình có thể thay thế sách trên mọi phương diện? Tôi không
chắc. Tôi hoàn toàn nhận thức được cuộc cách mạng to lớn mà những công nghệ mới như Internet đã đem lại
trong các lãnh vực truyền thông và chia sẻ thông tin, và tôi thú nhận là Internet đã cung ứng sự hỗ trợ vô giá
hàng ngày cho công việc của tôi; nhưng lòng biết ơn của tôi đối với sự tiện lợi vô ngần ấy không bao hàm một
niềm tin là màn hình điện tử có thể thay thế cho giấy viết, hay việc đọc trên một máy computer có thể thay thế
cho việc đọc văn chương. Đó là một hố thẳm mà tôi không thể vượt qua. Tôi không thể chấp nhận cái ý tưởng
rằng một hành động đọc mang tính phi thiết thực hay phi thực dụng, một hành động [thuần tuý thưởng thức
văn chương] không nhằm tìm kiếm thông tin hay một sự thông tri hữu dụng và cấp thiết nào cả, vốn có thể
đạt được bằng việc đọc một cuốn sách in, mà lại cũng có thể nắm bắt trên màn hình máy computer sự hoà
nhập của những giấc mơ và những khoái lạc của ngôn từ với cùng một cảm nhận riêng tư, cùng một sự tập
trung của trí óc và một sự cô liêu trong tâm linh như thế.

Có thể thành kiến này là hệ quả của sự thiếu thực tập, và của mối liên quan dài lâu của văn chương với
sách in và giấy viết. Nhưng mặc dù tôi thích lướt mạng để xem tin tức thế giới, tôi sẽ không bao giờ mở màn
ảnh ra để đọc một bài thơ của Gongora hay một cuốn tiểu thuyết của Onetti hay một bài tiểu luận của Paz, bởi
vì tôi chắc chắn rằng hiệu quả của việc đọc bằng cách ấy sẽ không giống như đọc một cuốn sách. Tôi tin chắc,
mặc dù tôi không thể chứng minh được điều đó, rằng với sự biến mất của sách in, văn chương sẽ phải chịu một
tai hoạ nghiêm trọng, thậm chí một tai hoạ chí tử. Thuật ngữ “văn chương” sẽ không biến mất, dĩ nhiên.
Nhưng nó gần như chắc chắn sẽ được dùng để biểu thị một loại văn bản khác xa với những gì hôm nay chúng
ta hiểu về văn chương, cũng như những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình khác xa với những vở bi
kịch của của Sophocles và Shakespeare.

Vẫn còn một lý do khác để ban cho văn học một vị thế quan trọng trong sinh mệnh của các quốc gia.
Không có nó, óc phê phán, vốn là động cơ đích thực của sự chuyển hoá lịch sử và là thành trì tốt nhất cho sự
tự do, sẽ phải chịu một tổn thất không thể bù đắp được. Bởi vì tất cả những áng văn chương hay đều mang
tính triệt để, và đặt ra những câu hỏi triệt để về cái thế giới chúng ta đang sống. Trong tất cả những văn bản
văn chương vĩ đại, thường không do chủ ý của tác giả, đều có mầm mống của khuynh hướng nổi loạn.

Văn chương không có nghĩa gì cả đối với những con người tự thoả mãn với vốn liếng của họ, những
người bằng lòng với cuộc sống họ đang sống. Văn chương là thực phẩm của tinh thần nổi loạn, là nơi truyền
bá những tư tưởng bất thoả hiệp, là chốn ẩn náu cho những người có quá nhiều hay quá ít trong đời. Người
ta tìm kiếm thánh địa trong văn chương để không cảm thấy bất hạnh hay để không cảm thấy bất toàn. Cưỡi
ngựa song song với con Rocinante khẳng khiu và chàng Hiệp sĩ ngơ ngác trên những cánh đồng ở La Mancha,
vượt đại dương trên lưng của một con cá voi cùng với thuyền trưởng Ahab, uống thuốc độc cùng với Emma
Bovary, trở thành một con bọ với Gregor Samsa: đó là tất cả những cách thế mà chúng ta đã phát minh ra để
thoát khỏi những sự sai lầm và những gánh nặng của cuộc sống bất công này, một cuộc sống buộc chúng ta
luôn luôn chỉ là một con người không thay đổi trong khi chúng ta muốn được sống như nhiều con người khác
nhau, để có thể thoả mãn những khát vọng từng ám ảnh chúng ta.
Văn chương làm nguôi đi sự bất mãn nhức nhối này chỉ trong giây lát — nhưng trong cái khoảnh khắc
huyền diệu ấy, trong sự đình chỉ tạm thời ấy của cuộc sống, ảo ảnh văn chương nâng chúng ta lên và đưa chúng
ta ra ngoài lịch sử, và chúng ta trở thành những công dân của một vùng đất phi thời, và bằng cách đó, chúng
ta trở thành những kẻ bất tử. Chúng ta trở nên nồng nhiệt hơn, phong phú hơn, phức tạp hơn, hạnh phúc
hơn và sáng suốt hơn lúc chúng ta đang sống với những lề thói ràng buộc của cuộc sống bình thường. Khi gấp
sách lại và rời bỏ cõi hư cấu của văn chương, chúng ta trở về với cuộc sinh tồn thực tế và so sánh nó với miền
đất lộng lẫy mà chúng ta vừa mới rời khỏi. Một nỗi thất vọng to tát đang chờ đón chúng ta! Tuy nhiên một sự
nhận thức lớn lao cũng chờ đón chúng ta, nói một cách cụ thể, cuộc sống huyễn tưởng trong tiểu thuyết thì
tốt hơn — đẹp hơn và đa dạng hơn, dễ lĩnh hội hơn và hoàn hảo hơn — cuộc sống mà chúng ta sống khi tỉnh
thức, cuộc sống bị câu thúc bởi những giới hạn và sự tẻ nhạt của thân phận chúng ta. Như thế, những áng văn
chương hay, những áng văn chương đích thực, luôn mang tính chất đập phá, bất phục tùng và nổi loạn: một
sự thách đố đối với những gì sẵn có.

Làm sao chúng ta không khỏi cảm thấy bị dối lừa sau khi đọc Chiến Tranh và Hoà Bình hay Đi Tìm
Thời Gian Đã Mất rồi trở về thế giới của chúng ta — cái thế giới của những chi tiết vụn vặt, những giới hạn và
cấm đoán nằm chờ chúng ta ở mọi nơi và, từng bước, làm hỏng những ảo ảnh của chúng ta? Thậm chí còn
hơn cả nhu cầu duy trì sự trường tồn văn hoá và nhu cầu làm phong phú ngôn ngữ, sự đóng góp lớn lao nhất
của văn chương vào sự tiến bộ của con người có lẽ là để nhắc nhở chúng ta (một cách vô tình, trong đa số
trường hợp) rằng thế giới này được tạo dựng một cách tệ hại; và rằng những kẻ giả vờ hiểu ngược lại, những
kẻ có quyền lực và may mắn, thì đang nói dối; và rằng thế giới có thể được cải thiện, và được tạo dựng tương
tự như những thế giới mà trí tưởng tượng và ngôn ngữ của chúng ta có thể sáng tạo ra. Một xã hội tự do và
dân chủ phải có những công dân có trách nhiệm và có tinh thần phê phán, ý thức được sự cần thiết phải liên
tục khảo sát cái thế giới mà chúng ta đang cư ngụ, và cố gắng làm nó gần giống với cái thế giới mà chúng ta
muốn sống, mặc dù việc đó càng ngày càng là một điều bất khả. Và không có phương tiện nào tốt hơn để kích
động sự bất mãn đối với cuộc sinh tồn cho bằng việc đọc những áng văn chương hay; không có phương tiện
nào tốt hơn để hình thành những công dân độc lập và có óc phê phán, những con người không bị thao túng
bởi những kẻ cai trị họ, và những con người được phú cho một sự vận động tinh thần thường trực và một trí
tưởng tượng mạnh mẽ.

Tuy vậy, cho rằng văn chương mang tính nổi loạn bởi nó kích cảm ý thức của độc giả về sự bất toàn của
thế giới thì không có nghĩa là những văn bản văn chương sẽ gây ra những biến động xã hội tức thời hoặc sẽ
thúc đẩy những cuộc cách mạng nhanh chóng xảy ra hơn — theo cái cách mà các giáo hội và các nhà cầm quyền
có vẻ nghĩ như thế khi họ thiết lập sự kiểm duyệt. Những hiệu ứng xã hội và chính trị của một bài thơ, một vở
kịch hay một cuốn tiểu thuyết thì không thể lường trước được, bởi vì chúng không được tạo ra một cách tập
thể và cũng không được trải nghiệm một cách tập thể. Chúng được sáng tạo bởi những cá nhân và được đọc
bởi những cá nhân, vốn rất khác nhau ở những kết luận mà họ rút ra từ những điều họ viết hay đọc. Vì lý do
đó, rất khó, hay thậm chí bất khả, để thiết lập những mẫu thức chính xác. Hơn nữa, những hệ quả xã hội của
một tác phẩm văn chương có thể không mấy liên quan đến phẩm chất mỹ học của nó. Một cuốn tiểu thuyết
tầm thường của Harriet Beecher Stowecó vẻ như đã đóng một vai trò quyết định trong việc nâng cao nhận
thức xã hội và chính trị về những sự kinh tởm của chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Nói rằng khó mà xác định những tác
động ấy của văn chương thì không có nghĩa là những tác động ấy không tồn tại. Điều quan trọng là những tác
động ấy được tạo nên bằng hành động của những công dân mà tính cách của họ đã được hình thành một phần
từ những cuốn sách.

Những áng văn chương hay, trong lúc tạm thời xoa dịu sự bất mãn của con người, thực ra lại khiến sự
bất mãn ấy tăng thêm, bởi nó giúp cho phát triển một thái độ phê phán và bất thoả hiệp với cuộc sống. Thậm
chí có thể nói rằng những áng văn chương hay thường khiến con người cảm thấy bất hạnh hơn. Sống bất mãn,
và gây chiến với cuộc sinh tồn, nghĩa là tìm kiếm những điều có thể không có ở đó, nghĩa là tự dấn thân vào
những cuộc chiến vô ích, như những cuộc chiến mà Đại tá Aureliano Buendia đã chiến đấu trong Trăm Năm
Cô Đơn, biết rõ là ông sẽ thua hoàn toàn. Tất cả những điều này có thể đúng. Nhưng cũng đúng nữa là nếu
không có sự nổi loạn chống lại cái tầm thường và nhếnh nhác của cuộc sống, thì chúng ta chắc hẳn vẫn sống
trong tình trạng sơ khai, và lịch sử chắc hẳn đã dừng lại. Ý thức cá nhân độc lập chắc hẳn đã không được hình
thành, khoa học và kỹ thuật chắc hẳn đã không tiến bộ, nhân quyền chắc hẳn đã không được công nhận, và tự
do chắc hẳn đã không tồn tại. Tất cả những điều này đều sinh ra từ sự ưu phiền, từ những hành động phản
kháng đối với một cuộc sống được cảm nhận là bất túc hoặc không thể chịu đựng được. Đối với cái tinh thần
khinh miệt cuộc sống vốn như nó hiện bày — và loay hoay truy vấn với sự điên khùng của Don Quixote, mà
cơn điên khùng ấy lại xuất phát việc từ việc đọc những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ — thì văn chương đã đóng một
vai trò thúc đẩy tuyệt vời.

Hãy thử làm một cuộc tái hiện lịch sử huyễn tưởng. Hãy hình dung một thế giới không có văn chương,
một nhân loại chưa từng được đọc thơ hay tiểu thuyết. Trong thứ văn minh còi cọc ấy, với vốn từ vựng sơ giản
trong đó những tiếng rên rỉ và những động tác quơ tay múa chân như khỉ giữ vai trò quan trọng hơn ngôn từ,
thì những tính từ nào đó chắc hẳn đã không tồn tại. Những tính từ đó là: “quixotic”, “Kafkaesque”,
“Rabelaisian”, “Orwellian”, “sadistic”, và “masochistic”, toàn là những chữ có gốc rễ từ văn chương. Hiển
nhiên, trong chúng ta chắc hẳn vẫn còn có những người điên, và những nạn nhân của chứng hoang tưởng và
những phức cảm bách hại cuồng, và những người bị bệnh thèm ăn lạ lùng và hoang dâm vô độ và những con
vật hai chân thích gây đau đớn cho kẻ khác hoặc thích chịu đựng sự đau đớn. Nhưng chúng ta chắc hẳn đã
không biết nhận thấy, đằng sau những hành vi cực đoan ấy — những hành vi vốn bị cấm đoán bởi các quy
phạm văn hoá của chúng ta —, là những đặc tính cơ bản của điều kiện nhân sinh. Chúng ta chắc hẳn đã không
khám phá ra những đặc điểm riêng của chúng ta, như những tài năng hiếm hoi cỡ Cervantes, Kafka, Rabelais,
Orwell, de Sade và Sacher-Masoch đã khai mở cho chúng ta thấy.

Khi cuốn tiểu thuyết Hiệp khách tài hoa Don Quixote xứ La Mancha mới xuất hiện, những độc giả
đầu tiên của nó đã chế nhạo cái kẻ mơ mộng đến mức ngông cuồng cũng như các nhân vật khác trong cuốn
tiểu thuyết này. Ngày nay chúng ta biết rằng thái độ khăng khăng của chàng kỵ sĩ mặt buồn khi chàng nhìn
thấy những cối xay gió thành ra những gã khổng lồ, và trong lối hành động có vẻ như kỳ quặc của chàng, thực
ra là hình thức cao nhất của sự đại lượng, và là một biện pháp để chống lại những đau khổ trong thế giới này
với hy vọng sẽ thay đổi nó. Chính những ý niệm của chúng ta về lý tưởng, về chủ nghĩa lý tưởng, mang đậm ý
nghĩa đạo đức tích cực, chắc hẳn đã không như chúng ta hiểu hôm nay, chắc hẳn đã không trở thành những
giá trị rõ ràng và được tôn trọng, nếu chúng đã không được nhập thể vào nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết
nhờ sức thuyết phục của thiên tài Cervantes. Cũng có thể nói như thế về nhân vật Quixote nữ nhỏ nhắn và
thực dụng, Emma Bovary, người chiến đấu một cách cuồng nhiệt để sống một đời sống huy hoàng đầy đam
mê và xa xỉ mà bà được biết qua những cuốn tiểu thuyết. Như một con bướm, bà đã đến quá gần ngọn lửa và
bị nó đốt cháy.

Những phát kiến của tất cả các nhà sáng tạo lớn trong văn chương đã khai nhãn chúng ta về những khía
cạnh ẩn khuất của điều kiện nhân sinh của chính chúng ta. Những phát kiến ấy giúp chúng ta truy tầm và lĩnh
hội cặn kẽ hơn về cái vực thẳm chung của nhân loại. Khi chúng ta nói “Borgesian”, chữ ấy ngay lập tức làm
xuất hiện sự phân cách giữa tâm trí chúng ta với cái trật tự duy lý của thực tại, và dẫn chúng ta vào một vũ trụ
huyễn tưởng, một cấu trúc tinh xảo và tao nhã của tinh thần, hầu như luôn luôn giống như một mê cung và
tính bí nhiệm, mang đầy những liên tưởng và ám dụ văn chương, mà những nét đặc thù của chúng không xa
lạ với chúng ta, bởi vì, qua chúng, chúng ta nhận ra được những khát vọng ẩn khuất và những sự thật thầm
kín của tính cách chúng ta, mà chỉ nhờ vào sự sáng tạo văn chương của Jorge Luis Borges thì những điều ấy
mới trở nên rõ nét.

Chữ “Kafkaesque” đến với ý nghĩ của chúng ta, như cơ chế hội tụ của những chiếc máy ảnh cũ với
những ống kính xếp giống như chiếc thủ phong cầm, mỗi khi chúng ta, ở vị thế những cá nhân vô phương tự
vệ, cảm thấy bị đe doạ bởi những guồng máy áp bức của quyền lực vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ và bất
công trong thế giới hiện đại — những chế độ độc tài, những đảng phái được tổ chức theo hàng dọc, những
giáo hội bất khoan dung, những thái độ quan liêu ngột ngạt. Nếu không có những truyện ngắn và tiểu thuyết
viết bằng tiếng Đức của người đàn ông Do Thái khốn khổ ấy ở Prague, kẻ luôn sống trong trạng thái đầy cảnh
giác, chắc hẳn chúng ta đã không thể hiểu được cảm giác bất lực của những cá nhân bị cô lập, hay nỗi khiếp sợ
của những dân tộc thiểu số bị đàn áp và kỳ thị, phải đối mặt với những quyền lực toàn trị có thể nghiền nát họ
và tiêu diệt họ mà bọn tay sai không cần phải xuất đầu lộ diện.

Tính từ “Orwellian”, người anh em họ đầu tiên của tính từ “Kafkaesque”, diễn tả cảm giác hoang mang
khủng khiếp, cái cảm nhận về sự phi lý tột cùng, gây ra bởi các chế độ độc tài toàn trị của thế kỷ 20, những chế
độ độc tài tinh vi nhất, tàn bạo nhất, và triệt để nhất trong lịch sử, ở sự kiểm soát mọi hành vi và phản ứng tâm
lý của các thành viên trong xã hội. Trong cuốn 1984, George Orwell, với văn phong lạnh lùng và đầy ám ảnh,
đã một nhân loại bị nô dịch hoá bởi Đại Ca, một chúa tể tuyệt đối, kẻ, thông qua một sự kết hợp đầy hiệu quả
của khủng bố và kỹ thuật hiện đại, đã huỷ diệt sự tự do, sự tự phát và sự bình đẳng, và biến xã hội thành một
cái tổ ong của những người máy vô hồn. Trong cái thế giới ác mộng này, ngôn ngữ cũng tuân theo quyền lực,
và bị biến thành “newspeak”; thứ ngôn ngữ mà tất cả phát kiến và chủ quan tính đều bị tẩy sạch, biến thành
một chuỗi những lời nói rập khuôn nhằm duy trì sự nô lệ của cá nhân đối với hệ thống. Thực tế thì lời tiên
đoán khủng khiếp của cuốn 1984 đã không xảy ra, và chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô đã đi theo con đường
của chế độ phát xít toàn trị ở Đức và ở những nơi khác, và không lâu sau đó, nó cũng bắt đầu kiệt quệ ở Trung
Quốc, và ở những xứ lạc hậu như Cuba và Bắc Hàn. Nhưng cái nguy cơ ấy không bao giờ tan biến, và chữ
“Orwellian” tiếp tục được dùng để diễn tả cái nguy cơ ấy, và giúp chúng ta hiểu về nó.

Như vậy, tính chất phi thực của văn chương, những điều nói dối của văn chương, cũng là một phương
tiện quý giá cho việc nhận thức những thực tại ẩn khuất nhất của nhân loại. Những sự thật nó tiết lộ không
phải lúc nào cũng đáng hãnh diện; và đôi khi hình ảnh của chúng ta hiện ra trong chiếc gương của những cuốn
tiểu thuyết và những bài thơ là hình ảnh của một con quái vật. Điều này xảy ra khi chúng ta đọc về sự giết chóc
kinh khủng vì tình dục do Sade tưởng tượng, hay những vết thương sâu hoắm và những cuộc hiến tế tàn bạo
đầy rẫy trong những cuốn sách ác nghiệt của Sacher-Masoch và Bataille. Đôi lúc cảnh tượng kinh tởm và dã
man đến mức không chịu nổi. Tuy nhiên, điều tệ hại nhất trên những trang sách này không phải là máu, là sự
nhục mạ, hay là cái thú ghê tởm của sự hành hạ; điều tệ hại nhất là việc khám phá ra rằng tính bạo động này và
tính vô độ này không xa lạ gì với chúng ta, mà chính là một phần sâu thẳm trong bản tính nhân loại. Những
con quái vật hau háu phạm tội này ẩn náu trong những ngóc ngánh sâu kín nhất của con người chúng ta, và
từ trong bóng tối nơi chúng trú ẩn, chúng tìm một dịp thuận lợi để hiện nguyên hình, để lập ra thứ luật lệ cho
cho cái khát vọng không kiềm chế có khả năng tiêu diệt lẽ phải, cộng đồng và ngay cả sự sống. Và không phải
khoa học đã thám hiểm đầu tiên vào những nơi tối tăm ấy trong tâm trí con người, và phát hiện ra khả năng
tàn phá và tự huỷ đã hình thành nên nó. Chính văn chương đã phát hiện ra điều này. Một thế giới không có
văn chương chắc hẳn sẽ phần nào mù loà, không nhìn thấy những nơi sâu kín khủng khiếp này, những nơi mà
chúng ta cần phải khẩn cấp nhận ra.

Lạc hậu, man rợ, thiếu nhạy cảm, lỗ mãng trong lời nói, vô tri và sống theo bản năng, không có đam mê
và thô lậu trong tình yêu, cái thế giới không có văn chương này, cơn ác mộng mà tôi đang mô tả, chắc hẳn sẽ
có những đặc điểm chính của nó là thái độ tuân thủ và sự khuất phục mà con người thường tỏ ra trước quyền
lực. Trong ý nghĩa đó, cái thế giới này chắc hẳn cũng chỉ là một thế giới đơn thuần của động vật. Những bản
năng gốc sẽ quyết định các hoạt động thường nhật của một cuộc sống mà đặc trưng của nó là sự tranh giành
để sinh tồn, sự sợ hãi trước vô minh, và sự thoả mãn các nhu cầu thể xác. Sẽ không có chỗ cho tâm hồn. Hơn
nữa, trong cái thế giới này, sự đơn điệu tột độ của cuộc sống sẽ đồng hành với cái bóng nham hiểm của sự bi
quan, cái cảm giác rằng cuộc sống con người là những gì nó phải là và sẽ luôn là như thế, không một ai và
không một điều gì có thể thay đổi được nó.

Khi tưởng tượng về một thế giới như vậy, người ta thường dễ hình dung ra những con người sơ khai
quấn những cái khố, những cộng đồng nhỏ bé theo những thứ tôn giáo mang tính ma thuật và sinh tồn ngoài
lề của đời sống hiện đại ở châu Mỹ Latin, châu Đại Dương, và châu Phi. Nhưng tôi còn nghĩ đến một sự thất
bại khác. Cơn ác mộng mà tôi cảnh báo không phải là hậu quả của sự kém-phát-triển mà là của sự phát-triển-
quá-độ. Như một hệ quả của công nghệ và sự phụ thuộc của chúng ta vào nó, chúng ta có thể tưởng tượng
một xã hội trong tương lai đầy những màn hình máy vi tính và những cái loa phát thanh, và không có sách, hay
một xã hội mà trong đó những cuốn sách — nghĩa là, những tác phẩm văn chương — đã rơi vào tình trạng
giống như thuật giả kim trong kỷ nguyên vật lý: một sự hiếu kỳ sơ cổ do một thiểu số loạn thần kinh thực hành
trong những hầm mộ của nền văn minh truyền thông. Tôi e rằng cái thế giới mang tính điều khiển học này, dù
cho nó rất phú cường, cái tiêu chuẩn cao của cuộc sống và cái thành tựu khoa học của nó chắc hẳn sẽ hết sức
mọi rợ và hoàn toàn vô hồn — một nhân loại thụ động của những người máy hậu-văn-chương đã từ bỏ tự do.

Tất nhiên, có nhiều khả năng là điều không tưởng rùng rợn này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Đoạn kết câu
chuyện của chúng ta, đoạn kết của lịch sử, chưa được viết ra, và không thể định trước được. Những gì chúng
ta sẽ trở thành thì hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn và ý chí của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn ngăn
ngừa sự khô kiệt của trí tưởng tượng, ngăn ngừa sự biến mất của lòng bất ưng đáng quý vốn giúp tinh luyện
sự cảm nhận của chúng ta và dạy cho chúng ta cách phát ngôn hùng hồn và mạnh mẽ, cũng như ngăn ngừa sự
giảm thiểu quyền tự do của chúng ta, thì chúng ta phải hành động. Chính xác hơn, chúng ta phải đọc.

V. Giá trị văn chương, Mario Vargas Llosa, 1985, Nguyễn Huy Hoàng dịch30

Nghề nghiệp nhà văn của tôi bắt đầu từ quan niệm văn chương không tồn tại trong một không gian
nghệ thuật khép kín mà bao trùm một vũ trụ đạo đức và dân sự lớn hơn. Đây chính là cái thúc đẩy mọi thứ
mà tôi từng viết. Than ôi, nó cũng đang biến tôi thành một con khủng long mặc quần, vây quanh bởi những
chiếc máy tính.

Thống kê cho chúng ta biết trước đây chưa từng có nhiều cuốn sách được xuất bản và bán như hiện
nay. Vấn đề là gần như bất cứ ai mà tôi gặp đều không còn tin rằng văn chương phục vụ cho bất kỳ mục đích
nào lớn hơn việc giảm bớt sự nhàm chán trên xe buýt hay tàu điện ngầm, hoặc có bất kỳ tham vọng nào lớn lao
hơn việc được chuyển thể thành kịch bản truyền hình hoặc điện ảnh. Văn chương đã theo đuổi cái nhẹ. Đó là
lý do tại sao các nhà phê bình như George Steiner đã bắt đầu tin rằng văn chương đã chết, và làm thế nào mà
các nhà văn như V. S. Naipaul đã bắt đầu tuyên bố rằng họ sẽ không viết thêm một cuốn tiểu thuyết nào nữa
bởi thể loại ấy giờ đây khiến họ ghê tởm.

Nhưng trong bối cảnh bi quan về văn chương này chúng ta nên nhớ có nhiều người vẫn lo ngại về các
nhà văn. Nhìn vào bè lũ tội phạm đang cai trị Nigeria và đã hành quyết nhà văn Ken Saro-Wiwa; những kẻ bức
hại Taslima Nasreen ở Bangladesh; những giáo sĩ đã ban hành fatwa với Salman Rushdie; những kẻ bảo căn
chủ nghĩa Hồi giáo ở Algeria đã cắt họng hàng chục nhà báo, nhà văn, và diễn viên; những kẻ ở Cairo đã tài trợ
cho cuộc tấn công suýt lấy mạng Naguib Mahfouz; và tất cả những chế độ ở Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung
Quốc, Lào, Miến Điện và các nơi khác, nơi kiểm duyệt chiếm ưu thế và nhà tù đầy những nhà văn.

30
Tiểu luận dưới đây ban đầu là một bài nói chuyện năm 1985, sau đó được đăng trên Prospect Magazine năm 1997. Nó cũng được
phát triển thành diễn từ nhận giải Friedenspreis năm 1996 và in dưới nhan đề “Dinosaurs in Difficult Times” trong Vargas Llosa,
Notes on the Death of Culture: Essays on Spectacle and Society, ed. and trans. John King (New York: Farrar, Straus & Giroux, 2015).
Như vậy ở các nước đáng lẽ phải văn minh nhất—các nước tự do và dân chủ nhất—văn chương đang
trở thành một thú vui mà không có giá trị thực, trong khi ở các nước nơi tự do bị hạn chế, văn chương lại bị
coi là nguy hiểm, phương tiện của những tư tưởng lật đổ. Nhà văn và nhà thơ ở các nước tự do, những người
nhìn nghề nghiệp của mình với sự thất vọng, nên mở mắt nhìn vào một phần thế giới rộng lớn vẫn chưa được
tự do. Điều đó có thể cho họ can đảm.

Tôi có một cái nhìn cổ điển: Tôi tin văn chương phải gắn mình vào những vấn đề của thời đại. Một tác
giả phải viết với niềm tin rằng những gì anh ta đang viết có thể giúp người khác trở nên tự do hơn, nhạy cảm
hơn, sáng suốt hơn; mà không có ảo tưởng tự mãn của nhiều trí thức rằng tác phẩm của họ giúp kiềm chế bạo
lực, giảm thiểu bất công hay thúc đẩy tự do. Bản thân tôi đã sai lầm quá nhiều, và tôi đã thấy nhiều nhà văn mà
tôi ngưỡng mộ cũng sai lầm—thậm chí dùng tài năng của họ để phục vụ cho những lời dối trá ý thức hệ và tội
phạm của nhà nước—để lừa dối bản thân. Nhưng trong khi không ngừng giải trí, văn chương phải đắm mình
vào cuộc sống của đường phố, vào quá trình khai mở của lịch sử, như trong những thời kỳ tươi sáng nhất. Đây
là cách duy nhất mà một nhà văn có thể giúp những người cùng thời và cứu vớt văn chương khỏi trạng thái
mong manh mà dường như đôi lúc nó phải chịu đựng.

Nếu mục đích duy nhất của văn chương là giải trí thì nó không thể cạnh tranh với những hư cấu tràn
ra khỏi những màn hình lớn nhỏ của chúng ta. Một ảo ảnh tạo nên bằng từ ngữ đòi hỏi sự tham gia tích cực
của người đọc, một nỗ lực của trí tưởng tượng và đôi lúc, trong văn chương hiện đại, của những kỳ công phức
tạp của ký ức, liên tưởng, và sáng tạo. Khán giả của truyền hình và điện ảnh không cần đến những thứ ấy nhờ
có hình ảnh. Điều này khiến họ lười biếng và ngày càng dị ứng với giải trí trí tuệ đầy thử thách.

Tôi nói điều này mà không hề thù địch với các phương tiện nghe nhìn; quả thật, tôi tự nhận mình là
một người nghiện điện ảnh—tôi xem hai hoặc ba bộ phim một tuần—và cũng thích một chương trình truyền
hình thú vị. Nhưng từ kinh nghiệm cá nhân tôi có thể nói tất cả những bộ phim tuyệt vời mà tôi thích đều
không giúp tôi hiểu được mê cung của tâm lý con người như tiểu thuyết của Dostoevsky, hay giúp bộc lộ
những cơ chế của xã hội như tiểu thuyết của Tolstoy và Balzac, hay ghi lại những đỉnh cao và vực thẳm của trải
nghiệm như Mann, Faulkner, Kafka, Joyce, hay Proust.

Hư cấu trên màn ảnh mãnh liệt trong trước mắt nhưng phù phiếm về tác động: nó chiếm lấy chúng ta
rồi thả chúng ta ra gần như tức thì. Hư cấu văn chương giam cầm chúng ta suốt đời. Sẽ là xúc phạm nếu nói
rằng tác phẩm của những tác giả mà tôi đề cập ở trên là giải trí. Bởi lẽ, trong khi thường được đọc trong trạng
thái hưng phấn cao, tác động quan trọng nhất của một cuốn sách hay lại nằm ở sau đó, khả năng in sâu ký ức
theo thời gian. Hào quang ấy vẫn sống trong tôi bởi nếu không có những cuốn sách mà tôi đã đọc, tôi đã không
phải là tôi bây giờ, bất kể điều này xấu hơn hay tốt hơn, và tôi cũng đã không tin cái mình vẫn tin, với tất cả
những sự nghi ngờ và chắc chắn đã duy trì tôi. Những cuốn sách ấy đã định hình tôi, thay đổi tôi, tạo nên tôi.
Và chúng vẫn tiếp tục thay đổi tôi, cùng lúc với cuộc sống mà tôi so sánh với chúng. Từ những cuốn sách ấy
tôi học được rằng thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ và nó sẽ luôn như thế—đó không phải lý do để chúng
ta tránh làm bất cứ điều gì có thể để giữ cho nó khỏi trở nên tồi tệ hơn. Chúng dạy tôi rằng trong sự đa dạng
về văn hóa, chủng tộc, và tín ngưỡng của chúng ta, như những diễn viên trong vở kịch của con người, chúng
ta xứng đáng được tôn trọng như nhau. Chúng cũng dạy tôi biết tại sao chúng ta hiếm khi nhận được điều đó.
Không gì giúp chúng ta nhận ra được nguồn gốc của sự tàn ác mà con người có thể giải phóng như một nền
văn chương tốt.

Nếu không có một nền văn chương dấn thân thì sẽ ngày càng khó kiềm chế sự bùng nổ của các cuộc
chiến tranh, diệt chủng, xung đột sắc tộc và tôn giáo, các cuộc tị nạn và hoạt động khủng bố vốn có nguy cơ
trở nên ngày càng nhiều và đã đập tan những hy vọng lớn lao mà sự sụp đổ của Bức tường Berlin mang lại.
Cơn sững sờ mà Liên minh châu Âu chứng kiến thảm họa Balkan—200.000 người chết và việc thanh tẩy sắc
tộc giờ đây được hợp pháp hóa nhờ các cuộc bầu cử—cho thấy bằng chứng chứng minh sự cần thiết của việc
đánh thức ý chí tập thể đờ đẫn khỏi cơn tự mãn vốn dìm nó xuống. Gỡ bỏ khăn bịt mắt, bày tỏ cơn phẫn nộ
trước bất công, và chứng minh rằng vẫn còn chỗ cho hy vọng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, là tất cả
những gì mà văn chương làm tốt, mặc dù đôi lúc nó bị nhầm lẫn trong mục tiêu và bảo vệ cái không thể bảo
vệ.

Chữ viết có trách nhiệm đặc biệt trong việc làm những điều ấy bởi nó nói lên sự thật tốt hơn bất cứ
phương tiện nghe nhìn nào. Về bản chất những phương tiện ấy chỉ lướt qua bề mặt của sự việc và hạn chế hơn
nhiều trong tự do biểu đạt. Sự phức tạp phi thường mà nhờ đó các bản tin ngày nay có thể đưa chúng ta vào
những sự kiện trên khắp năm châu đã biến tất cả chúng ta thành khán giả và biến thế giới thành một sân khấu
lớn, hoặc đúng hơn là một bộ phim. Thông tin nghe nhìn—rất ngắn ngủi, rất nổi bật, và rất hời hợt—khiến
chúng ta nhìn lịch sử như sự hư cấu, đẩy chúng ta ra xa bằng cách che giấu nguyên nhân và bối cảnh đằng sau
một chuỗi các sự kiện được mô tả sống động. Điều này đẩy chúng ta vào trạng thái tiếp nhận thụ động, vô cảm
về đạo đức và trì trệ về tâm lý, tương tự như trạng thái đem lại từ hư cấu trên truyền hình và các chương trình
khác mà mục đích duy nhất chỉ là giải trí.

Đó là một trạng thái hoàn toàn chính đáng, tất cả chúng ta đều muốn thoát khỏi thực tại; trên thực tế,
đó là một trong những chức năng của văn chương. Nhưng khiến thực tại trở nên không thực, biến lịch sử
thực tế thành hư cấu lại là tác động của việc giải ngũ công dân, khiến anh ta cảm thấy được miễn trừ mọi trách
nhiệm dân sự, khuyến khích niềm tin rằng việc can thiệp vào một lịch sử mà kịch bản đã được viết sẵn là nằm
ngoài tầm tay của bất cứ ai. Dọc theo con đường này chúng ta có thể sẽ rơi vào một thế giới không có công dân,
chỉ có khán giả, một thế giới mà dù nền dân chủ hình thức có thể được duy trì thì chúng ta vẫn chấp nhận tình
trạng thờ ơ mà các nền độc tài hằng mong thiết lập.

Một vấn đề lớn khác của phương tiện nghe nhìn là chi phí sản xuất rất cao. Không thể tránh khỏi, điều
này ám ảnh mọi lựa chọn chủ đề của nhà sản xuất và cách kể lại câu chuyện. Mong mỏi thành công không phải
biểu hiện của sự phù phiếm của nhà làm phim, mà là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ cơ hội nào để làm ra
một bộ phim (hoặc bộ phim tiếp theo). Sự phù hợp của phương tiện nghe nhìn không chỉ phát sinh từ nhu
cầu tiếp cận đối tượng rộng nhất có thể, mà còn xuất phát từ thực tế là do phương tiện truyền thông đại chúng
có tác động trực tiếp vào các khu vực rất lớn của dư luận, nhà nước kiểm soát truyền hình và điện ảnh nhiều
hơn bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác, ngay cả trong đất nước tự do nhất. Không phải bị kiểm duyệt
một cách công khai, dù điều đó có thể xảy ra; mà bị giám sát, điều chỉnh, và chỉ dẫn. Chúng được khuyên tránh
đề cập đến một số vấn đề nhất định và được khuyến khích chỉ mang tính giải trí đơn thuần.

Đây là nguyên nhân dẫn đến trách nhiệm của văn chương. Tự do rất quý, nhưng không đất nước nào
có thể bảo đảm nó sẽ tồn tại trừ khi nó được thực thi và bảo vệ. Văn chương, nợ đời mình từ tự do, giúp chúng
ta hiểu rằng tự do không sinh ra từ một bầu trời trong xanh; nó là một lựa chọn, một niềm tin, một con tàu tư
tưởng cần được liên tục bổ sung và thử thách. Văn chương cũng có thể giúp chúng ta hiểu rằng dân chủ là
phương tiện tốt nhất mà chúng ta đã tìm ra để ngăn chặn chiến tranh; ngày nay luận đề của Kant còn đúng
hơn khi ông viết nó. Trong ít nhất một thế kỷ nay, chiến tranh luôn được tiến hành giữa các nền độc tài, hoặc
bởi các chế độ toàn trị chống lại các nền dân chủ. Gần như chưa có hai nền dân chủ nào từng tiến hành chiến
tranh với nhau. Không thể có bài học nào rõ ràng hơn. Đối với các nước tự do, cách tốt nhất để thúc đẩy hòa
bình là thúc đẩy dân chủ.

Một nhà văn dấn thân thì không cần từ bỏ những cuộc phiêu lưu với trí tưởng tượng hay những thử
nghiệm với ngôn ngữ; anh ta không cần từ bỏ rủi ro; cũng không cần từ bỏ tiếng cười hay vui chơi, bởi nhiệm
vụ giải trí của anh ta không cần mâu thuẫn với trách nhiệm xã hội. Giải trí, lôi cuốn, mê hoặc—đó là cái mà
những bài thơ lớn, những bi kịch lớn, những tiểu thuyết và tiểu luận lớn luôn luôn làm. Không ý tưởng hay
nhân vật trong văn chương nào có thể tồn tại nếu không mê hoặc chúng ta, như con thỏ từ chiếc mũ của nhà
ảo thuật.

Trong những năm sống lưu vong ở Pháp, trong khi châu Âu bị đe dọa bởi sự phát triển của chủ nghĩa
Quốc xã, Walter Benjamin dành thời gian của mình cho thơ của Charles Baudelaire. Ông đã viết một cuốn
sách về Baudelaire mà không hoàn thành nó, nhưng những đoạn viết rời rạc vẫn được đọc một cách say mê.
Sao lại là Baudelaire? Sao lại chọn chủ đề ấy trong một thời gian như vậy? Khi đọc Benjamin, chúng ta phát
hiện ra Les Fleurs du Mal chứa đựng câu trả lời cho những câu hỏi như đô thị văn minh sẽ phát triển như thế
nào và cảnh ngộ của cá nhân trong các xã hội đại chúng sẽ ra sao. Hình ảnh Benjamin nghiền ngẫm Baudelaire,
trong khi những vòng tròn áp bức sau này đã lấy đi cuộc đời ông đang siết lên người ông, là một hình ảnh cảm
động. Đồng thời, nhà triết học Karl Popper, đang lưu vong ở phía bên kia thế giới, ở New Zealand, đã bắt đầu
học tiếng Hy Lạp cổ đại và đắm mình trong Plato để cống hiến phần đóng góp của mình cho cuộc chiến chống
chủ nghĩa toàn trị. Một cuốn sách quan trọng xuất hiện: Xã hội mở và những kẻ thù của nó. Benjamin và
Popper, một nhà Marxist và một nhà tự do chủ nghĩa, hai nhân vật dấn thân và đặc sắc trong những dòng tư
tưởng lớn mà họ đã làm mới lại, đã chứng tỏ rằng thông qua văn bản, chống lại nghịch cảnh là có thể. Họ cho
thấy khủng long có thể đối mặt với những giai đoạn khó khăn—và vẫn hữu dụng.
VI. Văn chương cứu rỗi nhân loại, trích trong Ý hướng tính văn chương, Nguyễn Hoàng Đức, 1999

Văn là người! Văn chương bởi con người, cho con người và vì con người. Song văn chương không phải
là con người bằng xương bằng thịt mà văn chương là ý nghĩa, là hình ảnh về con người. tuy vậy văn chương
không chỉ là hình ảnh giống như chiếc bóng của con người đổ xuống mặt đường, đổ lên tường vách, lên cuộc
đời, mà văn là con người ở mức cao hơn, một con người đang phóng về phía trước với dự phóng cao cả siêu
việt của nó bằng một ý chí làm người mỗi ngày một người hơn. Bởi vậy mà chữ Văn được xem xét như là đã
vượt qua chặng bán khai mọi rợ để đi vào ánh sáng minh huệ. Và khi con người đã tiến bộ về tâm thức, tình
bác ái và lối sống thì con người được xem như là đang bước vào con đường nhân văn, nhân bản và nhân đạo.
Đó là chữ VĂN, nghề VĂN trên bình diện phổ quát, còn ở phương diện đặc thù: Văn là con người, nhưng
con người của chữ nghĩa và giáo dục và con người đó hành động vì chữ nghĩa và giáo dục.

Nhà văn là ai? Anh ta thiết yếu là con người của chữ nghĩa, bởi chữ nghĩa và cho chữ nghĩa. Tất yếu
không có nhà văn mù chữ, nhà văn tuyệt đối vô học. Khi nói nhà văn của chữ nghĩa thì không có nghĩa là nhà
văn chỉ làm cái việc:

Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ


Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu
(Xuân Diệu)

Chữ nghĩa không phải món rêu rao làm hàng suông cho cuộc đời, hoặc đọc véo von để phỉnh nịnh đôi tai thích
nghe vần điệu, âm thanh, hoặc kích động tâm trí thích giật gân kỳ quái của những tâm hồn nông nổi. Chữ
nghĩa tự thân phải hướng đến nhiệm vụ đền trả những bó lượm ngôn từ, kiến thức mà nó gặt hái trên cánh
đồng giáo dục bằng cách gieo trồng lại chính chữ nghĩa cho cánh đồng đó. Hơn nữa bổn phận của chữ nghĩa
phải hướng đến chân lý, công lý, và đạo lý làm người.

Văn là người. Vậy chúng ta phải hướng đến con người nào? Con người tinh khiết trong suốt như pho
tượng thánh pha lê? Hay con người trầm đục u mê trong lạc thú như động vật? Không! Chúng ta hướng đến
một con người chẳng phải thần thánh cũng chẳng phải động vật, một con người ở giữa trần gian, một con
người ở trên đất đứng giữa thế giới này, một con người nhân loại cao cả như Kant nói: “Con người vì thuộc
về nhân loại, là một cứu cánh tự thân và không phải bị hạ xuống cấp phương tiện”.

Con người là “một cứu cánh tự thân” nghĩa là con người phải là mục đích nhắm tới chính mình, con
người là cứu cánh tối hậu của mình, là chủ nhân ông tôn vinh mình lên xứng với nhân phẩm cao cả nhất như
hình ảnh và trí tuệ của con người ở bên trên tất cả những tạo vật khác, và con người sẽ sống với nhau - với bạn
đời của mình trong sự tin cậy, bình đẳng và nhân ái xứng đáng như thể cuộc sống là trọn vẹn cho con người
và vì con người. Con người tận hiến cho chính con người, cho xã hội của con người chứ không phải là vật thí
thân cho bất kể mục đích phi nhân bản - hoặc ngoài mục đích của con người. Lý tưởng cần đạt đến con người
chính là con người, đó là lý tưởng về một nhân loại lương hảo, công chính, tự do, và bác ái.
Con người là cứu cánh của con người!

Con người là lý tưởng của con người!

Cứu cánh là gì? Lý tưởng là gì? Cùng đích điều đó có phải là tinh thần thăng tiến đưa thân xác con
người vào dự phóng – vào giá trị của một tâm hồn khao khát thăng hoa tuyệt đối. Hegel đã chẳng từng nói:
“Cứu cánh là cứu cánh của tinh thần”. Bởi thế khi nhắm đưa con người vào cứu cánh, sứ mệnh của văn chương
có thoát khỏi bổn phận cứu vãn linh hồn mà Platon nhắc nhở: “Người ta hết lòng chăm sóc đến sự giầu có,
danh vọng mà không để ý đến tư tưởng, sự cứu vãn linh hồn” (Apologie). Còn ngả đường nào khác hơn nữa?
Văn chương còn định làm gì khác hơn là tham dự vào cuộc hành trình của tư tưởng và khích khởi linh hồn?
Chúng ta hãy bám sát cái sứ mệnh chữ nghĩa của văn chương, thì thấy rằng: Chữ nghĩa chỉ là hình ảnh, là ý
nghĩa cuộc đời, về cuộc đời, chứ không phải chính thực tại cuộc đời đang phập phồng thở thứ dưỡng khí của
trần gian. Đời sống văn chương là đời sống ảo huyền hoặc của bút mực đang hành trình trên những trang giấy
phi thực tại.

Nhưng văn chương là gì? Nó là hình ảnh, là biểu tượng, là quan niệm, vậy nó thiết yếu sát cánh với đời
sống suy tưởng và đời sống tinh thần. Một cuốn sách không ăn được, nhưng nó là thức ăn để bổ dưỡng tinh
thần. Tuy nhiên văn chương không phải là thứ mây ngũ sắc phiêu lãng bồng bềnh trôi trên tận tầng trời bỏ
mặc trần gian lam lũ trong những thân xác nặng nề. Linh hồn là linh hồn khi nó thiết yếu sát cánh và cấu kết
với thân xác, và trong dự phóng cao cả của mình, nó muốn đưa đưa người anh em thể xác cật ruột của nó về
cứu rỗi nơi ngưỡng cửa mở vào trời. Đó là đời sống toàn diện của con người: linh hồn và thể xác. Đó cũng là
lẽ sống toàn diện của văn chương: cứu rỗi linh hồn và thể xác cùng một trật. Nhưng trước hết chúng ta hãy
cứu rỗi thân xác đã, bởi thân xác luôn bị dè bỉu, hạ thấp và quên lãng như một công dân thấp cổ bé họng hay
ô uế của nước tâm hồn. Trong Kinh Cựu Ước, sách Cô-rinh-tô, Chúa Trời có phán: “Đối với bộ phận ta cho
là ô nhục, ta phải săn sóc hơn cả. Như bộ phận nhục dục chẳng hạn, ta phải chăm nom như thể vinh hạnh
nhất. Còn đối với bộ phận tự nhiên đã cao quí, thì ta không cần tôn trọng bằng”.

Thân xác phải được tôn trọng như một sáng tạo sáng láng kề cận cùng linh hồn. Vả lại trong vương
quốc cứu cánh siêu việt cao vòi vọi của linh hồn, thân xác là nền móng, nó phải được coi sóc tận tình như một
công dân chịu nhiều thiệt thòi nhất – đó cũng là bổn phận bình đẳng và biết ơn của linh hồn, thánh Bernard
nói: “Cái thiêng liêng không đi trước cái súc vật, trái lại cái thiêng liêng chỉ đến sau, vì vậy trước khi mang hình
ảnh người cõi trời, chúng ta phải bắt đầu mang hình ảnh người cõi thế.”

Một Đức Chúa Jê-su chịu đóng đanh trên thập giá để chở mang bớt gánh nặng ô nhục của kiếp người
đầy đoạ trần gian, và Ngài hứa trở lại trong ngày tận thế để cứu vớt những công dân của Ngài. Và nhân danh
Đức Chúa Cha, Ngài đã tuyên xưng để an lòng kẻ dưới thế: “Nước trời không phải ở trần gian này nhưng bắt
đầu từ trần gian này”.
Một Đức Phật đã ngộ Niết bàn trở lại cõi phù sinh trầm luân bể khổ để cứu độ chúng sinh còn mê
muội, với một nỗi niềm day dứt rằng: “Còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì ta cũng chưa thành
Phật”.

Vậy nhà văn làm gì, tham dự vào cuộc đời để cứu rỗi cuộc đời? Văn chương vì mọi người và cho mọi
người. Nhưng trước hết và mãi mãi là vậy, văn chương nhắm đến mọi người qua từng nhịp cầu tâm hồn, từng
trái tim độc giả. Văn chương trước hết là một cuộc đối thoại với độc giả của một tâm hồn văn sĩ riêng biệt, nó
là cuộc đối thoại chữ nghĩa nhân văn của trái tim phóng rọi và trái tim hấp thụ, và ngược lại là cuộc đối thoại
của những tia sáng phản tỉnh - độc giả với tâm thức tiếp thâu của nhà văn.

Nhưng mà khởi đầu văn học cứu rỗi ai? Berger nói: “Văn chương bao giờ cũng là một nỗ lực giải phóng
cá nhân”.

Đây là nền tảng đầu tiên, và ít nhất nếu bạn muốn phản đối điều đó, thì bạn cũng nên chấp nhận nó
như bước khởi đầu sáng tạo của bản ngã nhà văn.

***

Nhà văn là ai?

Trước hết anh phải là anh đã, nghĩa là anh phải mang lấy bản ngã của mình như một tác giả có bản ngã
riêng biệt, và từ bản ngã ấy anh mới hình thành lên tác phẩm với những nhân vật của mình. Cái bản ngã của
anh để xác định rằng: tác phẩm là của anh, tư tưởng tác phẩm là của anh, bút pháp là của anh.

Nhà văn sáng tạo trước hết là bởi mình, qua mình, sau đó mới từ mình phóng rọi đến độc giả thị kiến
của mình. Tác phẩm của nhà văn chỉ là một bức thư nhiều trang đời ấp ủ của tác giả gửi đến người tình: bạn
đọc. Simenon nói: “Viết lách không phải là một nghề nghiệp mà là một khuynh hướng về bất hạnh.

Tại sao vậy?... Nếu một người có nhu cầu thúc bách phải trở thành nghệ sĩ bởi vì hắn cần tìm kiếm
mình qua những nhân vật của hắn, qua tất cả các tác phẩm của hắn”.

Nhà văn là bản ngã của mình, bởi lẽ nhà văn có bổn phận phải mang lấy danh tác giả của mình, nhà
văn hứng lấy cuộc thăng trầm khốc liệt của thời gian, đón nhận vinh quang của giới bạn đọc, cũng như búa
rìu từ tứ phía của công luận. Nhà văn mang lấy tên mình, anh không trốn nổi khỏi bản ngã của mình cũng
như không thể nào biệt xứ khỏi thân phận văn chương của mình. Và khi nhà văn muốn cứu rỗi mình như cứu
rỗi một bản ngã đầu tiên trên thế giới cũng là lẽ đương nhiên và chính đáng. Sartre đã trình bày cuộc cứu rỗi
bản ngã bế tắc của mình như: “Về sau tôi đã trình bày vui vẻ rằng con người thật là bế tắc, tôi đây cũng bế tắc,
nhưng tôi khác người ở chỗ tôi có sứ mệnh tuyên bố sự bế tắc ấy ra, nhờ đó sự bế tắc này được biến hình, trở
thành khả thể thâm sâu nhất của tôi, bàn đạp cho vinh dự của tôi”.
Sự giải thoát bế tắc của nhà văn được xem như nỗ lực đầu tiên để biến cải và đào luyện chính mình trở
thành một tiềm năng với khả thể thâm sâu nhất. Nhà văn mang trọng trách như một ngọn đèn muốn phóng
rọi vào tinh thần nhân loại ánh sáng nhân văn tự bản ngã của mình, bởi thế việc đầu tiên của nhà văn là phải
trải nghiệm thử thách và biết tự đào luyện mình trở thành một bản ngã ưu tú và riêng có, như vậy mới mong
toả sáng hay tham dự vào cuộc dấn thân cứu rỗi con người một cách xứng đáng nhất. Bởi vậy, trước sáng tạo,
trước sự toả rọi của tia chiếu sáng tạo cần đào luyện, cứu rỗi chính bản ngã sáng tạo của mình. Thích Minh
Châu nói: “Chỉ có một cuộc cách mạng quan trọng và có ý nghĩa, đó là cuộc cách mạng nội tâm của cá thể
sáng tạo. Cách mạng nội tâm là cuộc cách mạng của ý thức, của tư tưởng toàn diện con người”.

Sau cuộc cách mạng nội tâm bùng nổ, cá thể sáng tạo phải lên đường, lên đường thực hiện sứ mệnh
của mình bởi một lẽ vô cùng hiển nhiên là mọi đời sống đều phải thực hiện cứu cánh của nó, và mọi năng lực
đều nhắm tới sự giải thoát toàn diện con người khỏi đời sống gian truân còn hằn sâu dấu vết đoạ đầy. Con
người như một Odyssey dũng lược muốn chủ động bước vào cuộc hành trình gian nan trắc trở mong tìm về
quê hương, chốn hạnh phúc của mình, chứ không chịu há miệng chờ sung đón đợi ân sủng cứu rỗi từ thiên
thai Ô-lanh-pơ rót xuống, mà trước hết con người muốn tự cứu rỗi lấy mình bằng chính hành động của mình.
Sartre đã nói: “Có Chúa hay không có Chúa, cũng vậy thôi, con người vẫn phải tự cứu rỗi lấy mình”.

Bạn có nghĩ rằng sẽ có một Thiên Chúa mặc áo cho bạn không? Có một Thiên Chúa bón mớm cho
bạn không? Không! Thiên Chúa cho chúng ta hoa hồng, chúng ta hãy chịu khó trưng cất lấy nước hoa cho
đời sống của mình. Có một châm ngôn là: “Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, còn con người tạo dựng những quốc
gia của mình”. Bạn thử nghĩ xem, nếu như có một Thiên Chúa toàn năng đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không
muốn cất khỏi vai con người gánh nặng phải tự đào luyện lấy mình, mà ngược lại Thiên Chúa còn đổ thêm
xuống đầu con người những gian nan đầy thử thách, những nẻo đường chông gai, những nạn hồng thuỷ,
những núi lửa, những động đất... để thử sức xem con người có ngã lòng? Không! Dù thế nào đi nữa, con người
luôn phải xây lấy diện mạo của mình, xây lên đất đứng của mình, và xây nên lịch sử của mình. Đó là sự nghiệp
của con người, một sự nghiệp bất khả từ thác trách nhiệm khi con người phải mang lấy sứ mệnh làm người.

Song con người không chỉ thiết kế thế giới của mình bằng những thành phố, hệ thống dẫn nước, bến
cảng, đường bộ, và đường sắt, mà nhiệm vụ tối cao hơn của con người là phải xây lên giá trị của tâm hồn sao
cho nó xứng danh phẩm giá của con người. Bởi vậy khi xây dựng thế giới, cùng một trật hãy xây dựng linh
hồn, cũng vậy khi khôi phục thế giới hãy khôi phục linh hồn. Gagnon nói một câu theo tinh thần Kinh Thánh:
“Khôi phục cả thiên hạ mà đánh mất linh hồn nào có ích gì”.

Xây dựng giá trị linh hồn! Tái thiết giá trị linh hồn! Khôi phục giá trị linh hồn! Cứu chuộc linh hồn!
Cứu rỗi linh hồn! Đó phải là cứu cánh cao cả của tất cả các cây bút nhân văn.

Bạn là nhà văn, bạn muốn làm gì hơn nữa? Cây bút của bạn có đào được kênh, có xây được móng, có
lợp được mái hay không?
Không! Sứ mệnh của bạn là tham gia vào việc cứu rỗi và gìn giữ tâm hồn nhân loại. Và muốn làm được
việc đó, trước hết bạn phải trở nên một ngọn đèn sáng láng đã. Tagore nói: “Không bao giờ một ngọn đèn đã
tắt có thể thắp sáng một ngọn đèn khác” (Jamais une lampe eteinte n’a pu en allumer une autre).

***

Nhà văn trước hết là một cá nhân độc lập, một bản ngã đặc thù. Nghĩa là anh phải là anh đã: anh là tài
năng của anh, là trách nhiệm của anh, là vinh quang của anh, và cả sự thiếu hụt của anh. Khi anh xây xong bản
ngã đích thực phong phú cho mình, thì anh mới mong nhân danh chính mình để tuyên xưng hay loan báo
những thị kiến của mình cho bạn đọc. Thánh Gandhi nói: “Người nào có khả năng trở thành một cá nhân
mới có thể hoà hợp với nhân loại” (Ce qui est possible pour un individu est possible pour l’ensemble de
l’humanite’).

Muốn trở thành một cá nhân, anh phải quay mặt vào tâm hồn mình để nhìn nhận chính mình như
cách mà Socrate đã làm “connais toi- toi même” – Hãy tự hiểu mình! Như vậy anh phải trở thành ốc đảo cô
độc tự xây lấy giá trị cho mình bằng cách phản tỉnh chính tâm hồn mình, tự đào luyện tri thức cho thông tuệ,
nuôi dưỡng tình cảm cho dạt dào bằng ngả đường bản ngã của mình. Anh hãy xác định: bản ngã của anh là
độc lập! Ngòi bút của anh là cô đơn! Lời tâm sự thổn thức của con tim anh với độc giả là riêng rẽ! Sáng tạo
tinh thần của anh là biệt lập với những lối mòn mà kẻ khác đã vãng lai tam phiên tứ hồi! Và nếu nhà văn không
chịu trở nên cái anh ta là, thì anh chẳng có bất cứ hành trang nào để mong khai sinh sáng tạo. Anh hãy nghe
lời tuyên cáo của chính Karl Marx: “Tư tưởng và hành động nhất loạt, chẳng qua chỉ là tin tưởng mù quáng
và thừa lệnh một cách thụ động như xác chết” (theo Allians der Sozialisstischen – Die Zeit 9/3/1962).

Nhà văn không có bản ngã chỉ là cái xác chết mấp máy lời hấp hối của chiếc máy ghi âm sinh học, anh
ta sẽ chẳng có lấy một cái tôi để đặt tên mình là tác giả.

Chẳng còn cách nào khác, bạn phải tự xây lên bạn. Và không còn cách nào tốt hơn cho một ngòi bút
là khơi chảy ngọn nguồn chân lý bằng chính cái bản ngã tác giả đang khát khao chân lý. Hãy trở nên chân lý
về mình! Đó là con đường chính đáng mà một Shakespeare, một Dostoievski, một Albert Camus, một Jack
London... đã từng làm. Muốn trở nên chân lý về mình bạn hãy bắt đầu bằng cách: “Chỉ có một điều duy nhất
quan trọng là mỗi người phải dám nhìn thẳng vào bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi mình có lường gạt
mình bằng con đường tinh vi” (Thích Minh Châu).

Sau khi nhà văn đã trở nên chân lý về mình, khởi từ giá trị đích thực nơi mình, anh bắt đầu sự nghiệp
như một chân tác giả, và anh viết những lời, những trang sách cho tác phẩm mang lấy chân giá trị, chân thẩm
mỹ, những tư tưởng và tình cảm trăn trở đích thực. Và khi mà anh đã trở thành một ngọn đèn sáng tỏ rồi, nào
bây giờ anh hãy thắp sáng cho những ngọn đèn khác!
Thắp sáng người khác! Còn gì đáng ao ước hơn thế! Còn gì hạnh phúc hơn thế! Bởi thế anh hãy tham
gia vào việc đánh thức kẻ khác. Anh hãy nghe Henry Miller: “Đối với tôi, những nhà cách mạng đích thực duy
nhất là những kẻ đánh thức kẻ khác, những yếu nhân như Jê-su, Lão Tử, Đức Phật Thích Ca, Ahhanato,
Ramakrisna, Krisnamurti. Tiêu chuẩn tôi dùng là cuộc đời: những người đó đứng thế nào trong tương quan
với cuộc đời. Chẳng phải họ đã thành công trong việc lật đổ một chính phủ, một tôn giáo hay một nguyên tắc
luân lý... Đúng hơn là họ ảnh hưởng đến cuộc đời như thế nào”.

Nhà văn thiết yếu là nhà văn của bạn đọc. Không có nhà văn cho riêng mình - thứ nhà văn khoá cửa
trùm chăn trước cuộc đời. Bởi vậy, sau khát vọng hoá giải cứu rỗi chính mình, sự nghiệp của nhà văn thiết yếu
phải hướng đến tha nhân và nhân loại. Dostoievski đã từng nói một câu đầy da diết: “Nếu tất cả không được
cứu rỗi, một mình được cứu rỗi mà làm gì”.

Nhà văn không cứu rỗi cho riêng mình, anh phải mang lấy sứ mệnh tinh thần của văn nhân: cứu rỗi
người khác. Nhà văn không viết văn cho riêng mình đọc, anh phải viết cho độc giả và vì độc giả của mình. Văn
chương chỉ có nổi ý nghĩa và có nổi một chỗ đứng ở đời bởi vì nó tham dự vào cuộc đời như một nỗ lực cống
hiến trái tim, khối óc của nhà văn; bởi nếu văn chương không làm được gì hơn là phun châu nhả ngọc những
ngôn từ phù phiếm véo von vô bổ, thì văn chương quả là thứ xa xỉ vô ích vì nó chẳng mang lại được hiệu ứng
thiết thực như mỹ phẩm son phấn của các quí bà quí cô. Henry Miller nói: “Đừng băn khoăn về văn chương
(Don’t worry about literature). Nếu chúng ta có thể làm được việc gì khác thay vì văn chương thì hãy làm cái
việc khác đấy”.

Nhưng nhà văn không làm việc gì khác hơn là vun đắp cho sự nghiệp văn chương của mình mỗi ngày
một đồ sộ ý nghĩa tận hiến cho đời sống, bởi văn chương cao cả hơn nhiều việc hát ru những ngôn từ sáo rỗng.
William Faulkner đã nói về sứ mệnh của văn chương như sau: “Nghệ thuật thông thường là kích thích mãnh
liệt cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời”.

Nhà văn là người thổi sinh khí vào đời sống bằng cách kêu gọi đào luyện một ý chí sống cao thượng
quả cảm. Nhà văn không phải kẻ ru ngủ đời sống trong lạc thú và mê muội. Song sinh khí mà nhà văn muốn
thổi cho đời sống không phải thứ sinh khí cứu chuộc của Đấng trên cao, mà là thứ sinh khí của trần gian tha
thiết còn khổ ải, bầm dập, nhức nhối này – đó là thứ sinh khí của chính con người đang đi trên mặt đất muốn
cứu rỗi và thánh hoá ngay dưới cõi thế này. Bởi vậy, sứ mệnh của nhà văn là sứ mệnh ở trong đời sống, giữa
đời sống và dưới trần gian - một sứ mệnh gạn đục khơi trong ngay ở giữa cuộc đời còn vẩn đầy bất công, đau
khổ và bệnh hoạn. Trước hết văn chương hãy “xuống thế” và sống “dưới thế”, thánh Gioan Climaque nói:
“Người nào hướng nhiều về sự dâm dục là người hay thương xót, trái lại những kẻ hướng nhiều về sự tinh
khiết không biết tin yêu”.

***

Văn là người! Văn chương là cuộc đời!


Bởi thế trước hết nhà văn sống như một con người bình dị, anh tham gia vào cuộc sống tại thế để xây
dựng, gạn lọc và cứu rỗi đời sống tại thế bằng chính ngòi bút của mình. Andre’ Gide nói: “Sự sai lầm vĩ đại là
tìm cách đặt cuộc đời bên ngoài tác phẩm”. Còn Henry Miller thì khẳng định: “Với tôi sách vở là con người,
và cuốn sách của tôi là chính con người toi, dâm đãng, hiếu động, trầm tư, thận trọng, dối trá và thành thực
một cách quỉ quái” (Song of my life).

Để cứu rỗi cuộc đời trước hết hãy sống cuộc đời toàn vẹn đã. Để cứu rỗi linh hồn trước hết hãy cứu
rỗi thân xác đã. Để cứu rỗi vũ trụ trước hết hãy cứu rỗi trần gian này đã. Peguy nói: “Cái thiêng liêng cũng là
xác thịt... phúc cho những kẻ chết vì đất thịt này” (Heureux ceux qui sont morts pour la terre charnelle). Và
một Pascal cũng đặt công cuộc cứu rỗi con người vào cuộc hành trình tuần tự từ động vật đến thần thánh,
ông nói: “Con người không phải là thần thánh cũng không phải là súc vật, nhưng sự bất hạnh muốn rằng kẻ
nào muốn làm thần thánh sẽ làm súc vật” (L’ homme n’est ni ange. Ni bete, et le malheur veut que qui veut
faire l’ange fait la bete).

Con người là con người sống giữa cuộc đời, và ở giữa đời sống nhà văn tìm thấy tha nhân và xã hội, anh
sẽ tham dự vào sự nghiệp chung của loài người bằng con người tác giả của mình, Sartre nói: “Không phải trú
ẩn ở một nơi nào đó mà chúng ta khám phá ra chúng ta, nhưng là trên đường đi, trong thành phố, ở giữa đám
đông, là sự vật ở giữa sự vật, làm người giữa mọi người.”

Khi sống cùng mọi người, nhà văn đối thoại với tha nhân, tìm kiếm tha nhân, kết ước với tha nhân, và
anh bắt tay vào sự nghiệp của mình: “Nâng đỡ con người và khuyến khích con người trong cuộc chiến đấu để
sinh tồn và thường tồn ghê gớm này là thiên chức của nhà văn.

Nhà văn không được chiều theo yếu đuối và sa đoạ của con người, không thể có một thứ nghệ thuật
hư vô, không thể có một thứ nghệ thuật đòi chết. Không thể có một thứ nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao
giờ cũng phải khẳng định” (W. Faulkner).

Muốn cứu rỗi cuộc đời, trước hết nghệ thuật phải đòi sống, nghệ thuật phải khẳng định ý chí sống của
mình. Nietzsche: “Không có nghệ thuật bi quan... nghệ thuật tự khẳng định” (Il n’ y a pas d’art pessimist...
l’art affirme. Volonte’ de puissance).

Nhà văn phải khẳng định sức sống, giá trị đời sống bằng sứ mệnh nghệ thuật của mình nhưng mà theo
chiều hướng cứu rỗi – nâng cao – thánh hoá đời sống, chứ không phải đòi cho đời sống cái quyền tồn tại ù lỳ
sự bất dịch hay vắng bóng một cứu cánh cao viễn hướng về miền đất hứa.

“Nhà văn không được nói về cô đơn, hắn phải nói về cô đơn và sức mạnh. Nhà văn không được nói về
đau khổ, hắn phải nói về đau khổ cao quí và giải thoát. Nghĩa là hắn phải trình bày “cuộc đời toàn diện”. Và
hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim, hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói
về tình dục thay về tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để bổ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đoạ thay
vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đoạ như một cám dỗ thánh thiện và như một bước đầu trưởng thành. Nghĩa
là hắn phải nói về con người toàn diện vậy” (W. Faulkner).

Nhà văn như một đại diện cao quí của sứ mệnh xướng ngôn tiếng nói con người về cuộc đời. Nhà văn
phải dùng tiếng nói của mình để hoà sắc cùng tiếng nói con người mỗi ngày thêm phong phú, dạt dào và sâu
sắc. Nhà văn phải viết để trợ giúp con người vượt qua những khúc mắc gian khó của cuộc đời bước vào con
đường thánh thiện. Và cuối cùng nhà văn hãy ca tụng sự nghiệp vượt thắng bước về thánh thiện của linh hồn
con người bất khuất và cao cả.

W. Faulkner nói: “Con người bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vật một mình nó có tiếng nói không
thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh chịu đựng. Bổn
phận của thi sĩ, của nhà văn là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách
nâng cao tâm hồn con người”.

***

Nhà văn phải có được một bản ngã tác giả. Bản ngã đó trước hết là độc lập, đứng riêng rẽ và tự tồn. Khi
có một bản ngã tự tồn thì lập tức ý thức tự do – cái ý thức mẹ đẻ của sáng tạo mới nảy sinh. Không có tự do,
theo Karl Marx thì con người chỉ thừa lệnh một cách thụ động. Một thụ sinh không bao giờ có thể sản sinh
sáng tạo. Sáng tạo buộc phải là tạo phẩm của một chủ nhân ông có được tự do, tự do đó làm nên và qui định
rằng: tác phẩm đã được hun đúc và thành quả theo đúng dự phóng và lao động của kiến trúc sư – cha đẻ tác
phẩm. Bởi vậy, khi nhà văn xây lên bản ngã tự tại của mình, cùng lúc anh xây lên tự do đầu tiên để tự nguyện
dấn thân vào sự nghiệp sáng tạo. Mounier nói: “Tôi chỉ tạo vận mệnh cho tôi khi tôi dùng tự do của tôi với
những phản kháng”.

Tự do làm nên vận mệnh, bởi lẽ tự do là khởi điểm đưa tác giả vào cuộc lựa chọn trước cuộc hành trình
sáng tạo, một sáng tạo của tác giả chứ không phải thứ bản sao hay dập khuôn người khác. Kierkegaard nói:
“Tồn tại đối với con người đó là hữu tự do và trách nhiệm, đó là hữu lựa chọn và dấn thân” (Exister, pour
l’homme, c’est etre libre et responsable, c’est choisir s’engager).

Khi có tự do con người chân chính lựa chọn thái độ dấn thân chủ động; kẻ bạo ngược lười nhác lựa
chọn thái độ bị động, cơ hội, vui đâu chầu đấy để kiếm chác. Nhà văn chân chính không lựa chọn thái độ bị
động vì anh không muốn là thụ sinh, là phù sinh cho chính tác phẩm của mình. Nhà văn chân chính muốn
trở thành cha đẻ đích thực cho tác phẩm của mình, muốn vậy anh hãy bắt tay vào. Kinh Gita có câu: “Đừng
để cho ý niệm của nhà ngươi trở thành hậu quả của hành động và cũng đừng đắm mình vào con đường thụ
động”.

Nhà văn với sứ mệnh nhân văn của mình, sứ mệnh mong nâng cao tâm hồn con người như một cứu
rỗi thánh thiện không thể có mặt ở đời như một đoá phù du đua sắc hớn hở mong mời gọi những ánh mắt
ham vui nông nổi của cuộc đời; trái lại nhà văn đến như một kẻ trợ lực tâm hồn nhân loại, và để làm được điều
đó anh hãy tận hiến như những con người chân chính nhất. Nhà văn, nghề văn, viết văn không phải là món
nghề mong vừa kiếm được tiền một cách sạch sẽ vừa ấn loát được tên tuổi mình một cách đại trà để vinh danh
trên sách báo. Nhà văn khi bước vào nghề, cũng như một con người chân chính khi có mặt ở đời thì phải luôn
tâm niệm rằng: “Con người đã không đến để được cung phụng, song để phục vụ và hiến sinh mạng mình làm
giá cứu chuộc nhiều người” (Tân Ước, Kinh Matheus).

Nhưng nhà văn đến để phụng hiến cuộc đời như thế nào? Anh có viết về những tấm lụa đang sột soạt
triền miên trên da thịt để móc túi những kẻ chỉ quen chìm ngập trong lạc thú hay không? Anh có viết về những
chiêu võ độc hại, những quyền cước, những đầu rơi máu chảy như là bản năng thích bạo hành của con người
hay không? Anh có viết để biến dạng chân lý vì những đồng tiền bố thí của kẻ giầu có hay không? Anh có viết
như thể ngòi bút mảnh dẻ lông ngỗng của anh phải vào hùa với đao búa của kẻ mạnh để ức hiếp kẻ yếu hèn?
Không! Chắc hẳn đó không phải là cách viết của một nhà văn chân chính. Muốn phụng hiến cuộc đời, nhà
văn trước hết phải “xuống tầu” đã, phải bắt tay vào chính cuộc đời còn đầy nhọc nhằn cát bụi này. Lacroix
nói: “Cần biết hoà vào nhơ bẩn để tẩy rửa nó”.

Đây cũng là một ý tưởng dấn thân hết sức triệt để mà Sartre cũng bày tỏ rốt ráo trong cuốn “Những
bàn tay bẩn” (Les maines sales). Và cụm từ “bàn tay bẩn” đã trở nên khá quen thuộc và gây nên một ý niệm
định hình về cuộc dấn thân khá phổ quát trong giới văn bút. Theo đó thì ý tưởng của Sartre là: tôi căm thù
những bàn tay sạch bởi chúng vô can lãnh cảm trước cuộc đời. Và tôi yêu những bàn tay bẩn, những bàn tay
bắt vào công cuộc dọn dẹp cuộc đời.

Quả vậy! Bàn tay sạch là bàn tay của những kẻ ăn trên ngồi trốc, bàn tay của cậu ấm cô chiêu hay bàn
tay của mấy ả đào kép – bán bar lúc nào cũng sửa sang tinh tươm xanh xanh đỏ đỏ. Còn bàn tay của những
người cần lao, những người có trách nhiệm thu dọn tẩy uế cuộc đời, những người thợ gốm sáng tạo đang nhào
đất nung sành sứ thì phải lấm lem. Đó là thái độ cần lao tích cực trước cuộc đời. Tuy nhiên, thực tế đây đó
hoặc nơi nơi vẫn còn nhan nhản những kẻ bước vào cuộc đời thủng thẳng như đi dạo chốn ăn chơi hưởng lạc
của trần gian. Và cũng không thiếu cây bút sống như vậy, họ sống như những tao nhân mặc khách đến cưỡi
ngựa xem hoa cuộc đời. Văn học thi ca lúc ấy chỉ là thứ uống rượu làm thơ, là thứ để đọc đọc, ngâm ngâm,
thù thù, tạc tạc. Với họ văn chương chỉ là một mảnh đất sạch sẽ tươi mát để kiếm chác tiền bạc và danh vọng
giữa cuộc đời còn khổ luỵ này.

Không! Một nhà văn chân chính không làm như vậy! Không viết như vậy! Nhà văn chân chính phải là
kẻ đi tiên phong trên trường chữ nghĩa – giáo dục và tư tưởng con người. Như một Dostoievski khắc khoải
trăn trở trong luồng gió cải cách tinh thần của một nước Nga to xác khổng lồ lạc hậu đang trở mình hốt hoảng
xung đột và sợ hãi; như một Tagore chia xẻ lòng mình với sự nghiệp đòi độc lập của dân tộc Ấn Độ khao khát
tự do; như một Jack London lần theo những dấu chân dẫm lên bùn tuyết gian truân của những tay đào vàng
đi tìm kiếm tài nguyên cho nước Mỹ trong những ngày khai quốc; như một Albert Camus chia xẻ nổi đau đớn
của kiếp người trong “Dịch hạch”; như một Geoghiu Virgille gào thảm thiết khúc bi sầu đẫm máu của súng
liên thanh, xe tăng, trọng pháo, hàng rào kẽm gai của Đại chiến thế giới hai; như một Jean Paul Sartre gào la
thống khổ cho sự đổ nát về vật chất và tinh thần của một thế giới đang tuyệt vọng trong và sau thảm hoạ chiến
tranh thế giới hai.

Nhà văn, thi sĩ là những kẻ sáng tạo, vậy anh phải đi vào lãnh địa hoang vu chưa từng ai biết đến để sáng
tạo ra dấu vết của mình. Hơn nữa như một kẻ tiên phong can trường nhất, sáng tạo của nhà văn phải vượt lên
những bước tiên phong của con người xã hội, chứ nhà văn không phải thợ cày chỉ quen mui sống trên những
mảnh đất gieo trồng đã quen thuộc mong được nhàn nhã an phận khi gặt hái, chẳng cần mệt nhọc. Bởi thế
không có nhà văn thích lui về địa hạt quen hơi bén tiếng đã rào chắn củng cố kỹ càng uy danh của mình như:
tôi là nhà văn viết về mỏ, tôi là nhà văn của những mảnh đất huê lợi phần trăm, tôi là nhà văn của chiiến sĩ...
Không! Con người là con người toàn diện, là con người mang lấy muôn ngàn diện mạo về con người, thậm
chí mang cả diện mạo phi con người, vậy văn chương không phải nỗ lực mô tả những khuôn mặt nhẵn lỳ sự
quen thuộc, càng không phải là cuộc lui về cố thủ trong khuôn viên đã mòn gót chân sáng tạo.

Sáng tạo đòi luôn luôn mới mẻ, bởi sáng tạo là phép lạ của cái mới. Và nhà văn chỉ cao quí khi anh vượt
lên với tư tưởng tiền phong sáng láng của mình mong hướng đạo tâm hồn nhân loại. Hãy làm như một
Dostoievski, một Jack London đã từng làm. Hãy làm như nền văn học Pháp đã cố xây lấy diện mạo của mình
bằng cuộc cách mạng cắt đi cuống nhau của nền văn hoá mẹ đẻ Latin đã từng nuôi ẵm mình hàng chục thế kỷ.
Hãy làm theo tấm gương của những nhà văn tiền bối Việt Nam ở thế hệ “khai sáng” mở cửa đầu tiên với thế
giới, họ đã cố gắng thoát thai khỏi đồng quê bùn lầy lạc hậu trong chuỗi thời gian thế kỷ để lao đến ngoại vi
của một ánh sáng thành thị còn đang ngỡ ngàng bật lên những ngọn đèn đầu tiên.

Đối với nhà văn, sứ mệnh dấn thân hay tiền phong của anh không nằm ở chỗ: anh sẽ tìm cách nổi danh
thế nào? Tác phẩm của anh sẽ in bao nhiêu? Anh sẽ thu được bao nhiêu tiền? Anh sẽ giữ chức gì? Chúng ta
thử ngẫm: những cuốn sách của Aristote chẳng có mấy người đọc nổi nhưng nó đã truyền vào não trạng loài
người trên 2000 năm rồi mà vẫn chẳng hề suy giảm ánh sáng truyền bá thông thái của nó; nó là cuốn sách “bà
mẹ vĩ đại”, và con người chẳng thể nào thống kê nổi cuốn sách đã đẻ ra bao nhiêu cuốn sách khác? Thuyết
tương đối của Einstein có mấy người hiểu nhưng nó đã trùm một cái bóng lồng lộng lên cuộc đời như thế nào,
ai có thể lượng giá nổi nó? Sứ mệnh cứu rỗi loài người của Đức Phật Thích Ca cùng đích chỉ là giác ngộ đưa
chúng sinh vào con đường viên giác thế giới - một thế giới như chân lý về nó và cho nó.

Nhà văn cũng vậy, sứ mệnh cao cả nhất của anh là hướng đích chân lý để lôi cuốn tâm hồn bạn đọc.
Chỉ có vậy là cao cả! Và cũng chỉ chừng ấy thôi đã quá đủ rồi. Henry miller nói: “Thi sĩ có ích lợi gì trừ khi hắn
đạt đến viễn tưởng về cuộc đời, trừ khi hắn sẵn sàng hy sinh cuộc đời để chứng minh chân lý và vẻ rực rỡ của
thị kiến hắn”.
Nếu nhà văn không viết cho chân lý thì hắn sẽ viết cái gì? Chẳng lẽ hắn muốn viết về một cuộc đời méo
mó, một cuộc đời tô son trát phấn cho thực tại còn đầy ngang trái bệnh hoạn đang cần cứu rỗi. Không! Sứ
mệnh của nhà văn là cứu rỗi cuộc đời, là giúp con người sống chân lý, chứ văn chương không phải sứ mệnh
của một cửa hàng uốn tóc lo sửa móng bôi son cho cuộc đời. Simenon nói: “Tôi nghĩ tiểu thuyết gia có bổn
phận phải trình bày con người đích thực chứ không phải con người của tuyên truyền”.

Nhà văn viết cho chân lý! Bởi vì chẳng có sứ mệnh nào cao cả hơn là sứ mệnh chân lý. Nhà văn dấn
thân cho chân lý, và cuối cùng cây bút của nhà văn là cây bút tận hiến đến tận cùng con đường chân lý của
mình. Và nhà văn hãy lắng nghe niềm hoan hỉ say sưa vô bờ của mình khi anh bước đi và hướng cùng đích con
đường chân lý: “Cuối cùng thì sự thật sẽ thắng... nhưng sự thật không thể thắng nếu chúng ta không có niềm
tin không gì lay chuyển nổi, một lòng kiên nhẫn tột cùng” (Gandhi).

Nhưng nhà văn dấn thân cho đời sống chân lý thế nào? Có phải nhà văn xoay sở làm tất cả mọi việc để
mong nhìn thấy một xã hội tiến bộ? Không! Tốt hơn hết bạn hãy viết văn đi! Và bạn hãy nghe lời khuyên
thành thật của thánh Gandhi: “Lòng tận hiến càng thuần khiết thì công cuộc tiến bộ càng tiến nhanh”.

Bạn là nhà văn, bạn có định sáng tác một chút nhạc để có tên nhạc sĩ? Bạn có định vẽ một chút để thành
hoạ sĩ không? Bạn có định ngâm nga một vài vần điệu để thành thi sĩ không?... Hoặc giả bạn có định viết một
chuyện cho tháng năm để kiếm ít gạo mùa vừa gặt, hay một chùm thơ vào tháng chạp để kiếm ít nếp chiêm để
giành đến tết? Không! Chỉ có một con đường giành riêng cho bạn, con đường văn học! Bạn hãy viết văn như
thể mang lấy sự nghiệp văn duy nhất! Đó là sự nghiệp, là sứ mệnh cầm bút riêng có của bạn.

Khi thánh Gandhi nói phải tận hiến một cách thuần khiết là nhân danh chính những kinh nghiệm đấu
tranh của ông. Chính nhờ kiên gan theo đuổi sự nghiệp bất bạo động của mình, ông đã đưa dân tộc vào con
đường độc lập đầy nhân bản. Khi thánh Gandhi tổ chức một cuộc biểu tình mới, có một số người vì quá khích
đã mang theo vũ khí bằng cách tin tưởng rằng họ có thể đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi một cách nhanh
chóng hơn bằng cả hai thủ đoạn: bất bạo động và bạo động. Khi biết tin đó thánh Gandhi đã dẹp cuộc biểu
tình đi, ông nói: “Vấn đề chính yếu không phải chỉ giành độc lập cho Ấn Độ, mà đào luyện cho dân tộc một
phẩm giá tự tại để xứng đáng sống trong độc lập”.

Đúng vậy, một dân tộc nếu không mang một phẩm chất kiêu hùng tự trọng, thì dân tộc đó mãi mãi chỉ
là một tâm hồn nô lệ dù đang ở trên mảnh đất đã rào chắn kỹ của mình.

Phấn đấu vì một tinh thần thuần khiết, đó là một kinh nghiệm đã mở màn rất sớm từ buổi bình minh
của lịch sử trí tuệ nhân loại. Đó là cách mà hàng loạt triết gia, học giả chân đi dép cỏ, vận những tấm vải quây
lấy thân mình một cách lượt thượt giản dị, những Thale, Anximander, Pythagore, Heraclite, Socrate, Platon,
Aristote, Lão Tử, Trang Tử... đã làm. Tại sao những con người ấy có thể thành công trong sự nghiệp thông
thái của mình? Có phải vì họ biết sống trong điều kiện thanh thản để suy tưởng nghiền ngẫm những ý tưởng
còn đang thai nghén, và họ tự do trao đổi, tranh luận để tìm ra chân lý. Chính vì được trải nghiệm một xã hội
khá lý tưởng mà các triết gia cổ đại cho rằng: Một xã hội chỉ tiến bộ khi mọi người được tạo điều kiện thoải
mái để suy tưởng cũng như hành động theo suy tưởng đặc thù tối ưu của mình.

Các học giả phải suy tư trong tinh thần thuần khiết! Đó là phương châm của những đại học giả Hy
Lạp. Và họ đã tạo dựng những giá trị nào cho thế giới thì bạn cũng đã thấy rồi. Ngày nay đến lượt thời đại của
chúng ta, đến lượt chúng ta, chúng ta có định theo đuổi một sự nghiệp tinh thần thuần khiết hay không? Hay
chúng ta có cách nào khác hơn để đạt đến sự thông thái bằng cách tổ hợp những ý tưởng còn đang vụn vặt để
nhào nặn món thập cẩm cho trí tuệ của mình? Bạn có tin những dải đất hỗn tạp nửa bùn nửa đá có thể xây
lên những đỉnh non sừng sững hoặc cùng lắm chúng chỉ tụ thành những dải đồi bé mọn lúp xúp lô nhô? Còn
những đỉnh non cao vòi vọi chọc thủng những tầng mây kia, dãy Alpe, dãy Hymalaya phải chăng chúng không
được chất lên từ đá tuyền tinh khiết nhất?

Những phiến đá tinh khiết nhất đã xây lên những đỉnh cao sừng sững nhất! Còn những viên đá tổ ong
làm nên những đỉnh non có bõ bèn gì! Bởi vậy bạn hãy theo đuổi sự thuần khiết, đó cũng chính là ý chí cháy
bỏng mãnh liệt của bạn mà ý chí thì chẳng bao giờ hỗn tạp. Bạn hãy noi gương con đường của thánh Gandhi:
“Sự thuần khiết về phương tiện phải ngang bằng với sự thuần khiết về cứu cánh” (La purete’ des moyens doit
egaler la purete’ de la fin).

***

Con người tạo dựng nên xã hội và quốc gia của mình. Bởi vậy, khi bạn tự cứu rỗi lấy mình không phải
bạn chỉ mong mình bạn được giải thoát và sung sướng, mà bạn đang tham dự vào sự nghiệp cứu rỗi con người
nói chung - bởi chính bạn là một con người. Tuy vậy sự cứu rỗi của bạn còn phải hướng đến hay rọi sáng vào
xã hội, ở đó bạn mong ước xây lên một bầu không khí cao cả đẹp đẽ với tha nhân. Vì vậy cùng với việc cứu rỗi
mình, như một công dân chân chính nhà văn phải tham dự vào công cuộc cứu rỗi xã hội bằng sứ mệnh nhân
văn cao cả, bằng ý chí mãnh liệt, bằng tư tưởng siêu việt và bằng ngòi bút không biết mệt mỏi của mình. Bạn
hãy nhớ: sự nghiệp làm người là sự nghiệp thanh lọc đau đớn. Và bạn hãy tìm cách chia vui với cuộc đời, với
xã hội bằng một sự nghiệp dấn thân đau đớn của mình. Đó là sự nghiệp cao cả mà bạn sẵn sàng tham gia vào
quá trình mang thai giá trị nhân loại. Song trước hết, bạn hãy cùng những công dân khác tham gia vào việc xây
dựng quốc gia của mình. Con người trước hết phải làm bổn phận công dân đã! Thánh Gandhi nói: “Không
một quốc gia nào từng lớn lên mà không trải qua cuộc thanh lọc bằng ngọn lửa đau đớn của nó” (Aucun pays
ne’ s’est jamais eleve’ sans s’etre purifie’ au feu de la souffrance ).

Lịch sử con người chỉ là những di chứng của những cuộc đấu tranh vì tự do. Vì tự do cho con người,
đó là mục đích cao cả đầu tiên mà ngòi bút “nhỏ bé” của nhà văn tham dự vào với một ý chí thôi thúc mãnh
liệt. Và cùng với các triết gia, các tư tưởng gia, nhà văn tham dự vào cuộc đấu tranh vì tự do cho con người
như một người đi tiên phong vào lãnh địa tự do đầu tiên: đó là tư tưởng. Nhà văn phấn đấu vì lý tưởng này.
Nguyễn Văn Trung có nói: “Khi không có tự do chính trị, tất cả đều là chính trị và sự phân biệt giữa nhà văn
và người công dân không còn nữa".

Nhà văn thiết yếu sống trong một thời đại, bởi vậy sau khi phụng hiến quốc gia như một công dân văn
chương, nhà văn phải hướng về thời đại của mình, thực hiện bổn phận thời đại của mình và cứu rỗi thời đại
của mình. Raugh nói: “Luân lý chân chính là luân lý của thời mình, chỉ có kẻ nào sống dưới thời mình mới
thực sự là người... Đề tài suy tư luân lý, ấy là tờ nhật báo. Là đường phố, là cuộc đời, là trận chiến diễn ra từng
ngày”.

Văn chương trước hết và luôn luôn phải viết vì thời đại của mình. Vì cơn đau nhức nhối trăn trở của
thời đại! Viết về bệnh dịch của thời đại! Nhà văn phải bám sát đời sống. Một đời sống phải là chất liệu thực tại
nóng chảy cho nhà văn và là nền móng chân lý của tác phẩm văn học. Nhà văn phải bám sát nỗi đói khổ rách
rưới của dân chúng, nỗi bất công của xã hội, những biến cố, tai nạn, khủng bố, chiến tranh, bạo hành xảy ra
trên đường phố, trong làng mạc, ở khắp quốc gia hay trên thế giới. Nghĩa là nhà văn phải viết về một con người
thời đại toàn diện: nào hạnh phúc và bất hạnh, nào vinh quang hay điếm nhục, nào tự do hay nô lệ, nào tình
yêu cao thượng hay tình dục khả ố, nào công chính hay bất công, lương hảo hay tội ác... Nghĩa là tác phẩm của
nhà văn phải hít phả từng hơi thở sống còn của thời đại, bởi chẳng còn lúc nào khác, chẳng còn cơ hội nào
khác để nhà văn có thể thực hiện sứ mệnh thời đại của mình. Sartre: “Chúng ta không muốn bỏ rơi thời đại
chúng ta: chúng ta chỉ có cuộc sống này để sống, ở giữa cuộc chiến tranh này và cách mạng này”.

Đó là thái độ tận hiến cho thời đại, một thái độ hoà vào thời đại để phục vụ và cứu rỗi thời đại. Một
thái độ hiện sinh tích cực của nhà văn. Mỗi nhà văn có trở nên vĩnh cửu như một Homer, một Victor Hugo,
một Dostoievski thì trước hết anh phải có khả năng tự xây lên đầy ắp giá trị ở thời đại của mình. Nhưng khởi
sự anh hãy dấn thân cho thời đại của mình bằng một ý chí quả cảm kiên trinh đã, chúng ta hãy nghe Nietzsche
xác quyết một ý chí vượt thắng hùng tráng trong nỗi thống khổ của thời đại: “Chính trong thời gian đau ốm,
chúng ta không được phép bi quan, cũng vậy chính trong thời đại bi thảm, chúng ta phải chấm dứt mọi triết
lý bi đát”.

Người Trung Hoa có câu “Thiên kinh vạn quyển hữu nghĩa vi tiên”: nghìn kinh vạn quyển lấy nghĩa
làm đầu. Nghĩa ở đây là nghĩa làm người, nghĩa đạo lý làm người, nghĩa đối nhân xử thế, nghĩa sống với mọi
người trong tình nhân ái, nghĩa của luân lý đạo đức con người.

Bởi vậy khi nhà văn thực hiện sứ mệnh ngòi bút của mình, anh không thể trốn tránh phải làm bổn
phận giáo dục vốn có của chữ nghĩa. Chữ nghĩa của anh phải hướng tới cuộc đào luyện một con người càng
ngày càng nhân ái và tốt đẹp hơn, và hơn nữa anh phải có sứ mệnh hướng đạo tâm hồn độc giả về chân lý, về
lý tưởng làm người, về vùng đất thánh thiện con người bằng cách kêu gọi con người lên đường thực hiện
những dự phóng cao viễn của con người: “Giáo dục phải kêu gọi cá thể lên đường, liên tục lên đường và chối
bỏ tất cả những nơi nương tựa yếu đuối” (Thích Minh Châu).
Sau khi kêu gọi con người lên đường, nhà văn phải tiếp tục nuôi dưỡng không mệt mỏi sứ mệnh khích
lệ trong con người hành hương dòng máu nóng luôn hăm hở nhiệt thành hoàn tất hình ảnh hoàn hảo toàn
diện của con người, Donald Butler nói: “Người thầy phải là một con người đánh thức trong học trò khao khát
học hỏi. Người thầy phải là người cộng tác với Chúa để hoàn hảo con người” (The teacher should be a person
who awaken in the pupil the desire to learn. The teacher should be a co-worker with God in perfecting man).

Nhà văn không chỉ là một người thầy ở trong bốn bức tường của nhà trường, nhà văn là một người
thầy đã trưởng thành ở giữa cuộc đời, vậy anh hãy làm bổn phận của anh đi, bổn phận: kích thích mãnh liệt ý
chí say sưa cuộc đời và một ý chí lên đường không mệt mỏi để hoàn hảo con người. Nhưng cùng đích cái mẫu
hình con người mà nhà văn hướng tới là ai? Đó là cái con người đang nhảy vọt khỏi chính mình để lấp đầy
khát vọng chân lý, khát vọng lý tưởng và khát vọng làm người siêu việt của nó. Nghĩa là khao khát của nhà văn
phải là khao khát xây lên một con người dân danh lý tưởng về chính con người. Nietzsche nói: “Ta yêu thích
những con người không tìm kiếm đằng sau những vì tinh tú mà ta yêu những con người hy sinh cho trần gian
để ngày kia trần gian thuộc về siêu nhân”.

Nhà văn phải viết vì một con người hôm nay, vì thế giới hôm nay và vì thời đại của mình. Song cái lý
tưởng mà khao khát của nhà văn hướng đến vẫn là một giá trị nhân loại trong trọn vẹn thời gian và không gian
lịch sử. Nhà văn viết cho hôm nay nhưng nhân danh khát vọng tinh thần mãi mãi của vĩnh cửu. Nhà văn
không thể thoát khỏi việc cắm rễ vào quá khứ cũng như việc vươn những tán lá dự phóng đến tương lai, bởi
lẽ con người là con người của lịch sử và con người của dòng thời gian miên viễn bất tận. Văn chương cũng vậy.
Nhà văn tham dự vào công cuộc cứu rỗi thời đại của mình với mong ước trọn vẹn rằng anh đang muốn cứu
rỗi con người và nhân loại nói chung. Và chỉ có thế, và phải như thế nhà văn mới trở thành nhà văn của mọi
thời đại, nhà văn của con người phi lằn giới thời gian và địa lý. Chỉ có thế nhà văn mới trở nên cao quí hơn,
bởi lẽ: “Ai không biết hy sinh cho thế giới này, người đó chẳng bao giờ thấy được thế giới khác” (Kinh Gita).

Một Homer dũng khí can trường mã thượng của cây bút khải diễn chiến cuộc thành Troy độc nhất vô
nhị trong thiên trường ca Iliade đã trở nên bất tử trên giấy mực!

Một Victor Hugo chia xẻ nỗi đau của thị dân Paris trong nghịch cảnh xa hoa và đói khát, cao thượng
và hèn mạt trước cuộc cách mạng thảm khốc diễn ra trên đường phố giữa quân vương và bạo lực quân vương
đã trở nên bất tử!

Một Shakespeare than vãn cùng vua Lia bị con cái đẩy khỏi ngai vàng lộng lẫy ra giữa gió loạn cuộc đời
để nếm trải mùi bần hàn cơ cực khốn khổ của dân chúng, đã trở nên bất tử!

Nhà văn như giá trị mà anh uống ở suối nguồn nhân loại, như giá trị dồi dào ngữ văn mà anh gặt hái
trên cánh đồng nhân loại, như những giá trị chân lý mà anh học được của những tấm gương nhân loại, thì anh
phải viết trả ơn cho giá trị nhân loại trọn vẹn và mãi mãi. Nhà văn không thể vĩ đại nếu anh chỉ chăm chăm viết
cho những thời vụ ăn xổi ở thì, viết cho những lãnh địa rào chắn của quê hương, viết cho cái này hay cái nọ,
viết cho bên hữu hay bên tả của con sông, viết cho đêm hoặc ngày, viết cho vinh quang hay thất bại, viết cho
lạc thú hay đau khổ.

Không! Con người là toàn diện! Cuộc sống là toàn diện! Chân lý là toàn diện! Nhà văn chỉ vĩ đại khi
anh viết nhân danh cái toàn diện và toàn hảo, khi ngòi bút của anh viết vượt không gian và thời gian bay đến
vĩnh hằng. Sartre nói: “Xác định lập trường từ cái riêng biệt của thời đại, chúng tôi bắt gặp cái vĩnh cửu, và
nhiệm vụ của nhà văn là bày tỏ giá trị vĩnh cửu bao hàm trong những giao tranh xã hội chính trị.”

Nhà văn phải dấn thân cứu rỗi đời sống! Nếu đó là cách nói vui tai theo kiểu “thơ ngâm phú đọc” thì
chẳng có gì to tát. Nhưng đó là cách nói mong biến thành những dòng chữ, những trang giấy, những tác phẩm
thành dòng chảy hoà vào thực tại cuộc đời thì đó quả là một đính ước khởi đầu một sự nghiệp cam go, gian
truân và thống khổ. Bởi lẽ, nếu văn học viết cho dân nghèo, viết cho lợi ích của đông đảo công chúng thời đại,
viết cho những tâm hồn, những tình cảm trong sáng, viết cho chân lý, viết cho công lý thì nền văn học đó luôn
đứng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ hắc ám; hoặc khi nền văn học muốn bày tỏ một cuộc
cách mạng tinh thần làm đảo lộn các giá trị cổ truyền hướng đến một giá trị tinh khôi cấp tiến khác thì nền văn
học đó lại trở nên một “mặt hàng” bị chính công chúng tẩy chay, nhà văn trở nên hiệp sĩ bị ruồng bỏ ở chính
con tim bạn đọc của mình. Bạn là nhà văn, bạn lựa chọn lối nào? Lối viết thù tạc cưỡi ngựa xem hoa, vô thưởng
vô phạt kiếm sống chơi? Hay lối viết cho chân lý để hứng chịu những bi kịch không phải đầu cũng phải tai?

Con người như một giọt nước, nó hoà vào thênh thang dòng chảy để sống cuộc đời vui hưởng ý nghĩa
cộng tồn một cách vô tư của nó. Khi giọt nước quên mình đi, thì nó càng tan loãng và nhảy nhót trong dòng
nước, và lúc đó nó hoà nhập vào cuộc đời toàn diện. Nó được sống nhiều nhất. Henry de Moutherlant nói:
“Đời ta sẽ trở nên thú vị khi nào ta nhất quyết xem thường nó”. Và Saroyan cũng nói: “Chương trình kế hoạch
của tôi là sống vô hạn định” (It is my plan to stay alive indefinitely).

Bạn là nhà văn, với con người của nhà văn và nhân danh văn chương, bạn hãy để tâm viết như thế nào
cho cuộc đời, viết được gì cho cuộc đời, đó là điều chính yếu! Bạn đừng quá để ý sống như thế nào trong cuộc
đời để được nhàn nhã, vinh quang và nhiều bổng lộc. Điều đó không phải là không chính đáng, và có thể nếu
bạn thích những thứ đó, bạn hãy chuyển sang nghề khác. Bởi lẽ bạn là nhà văn, bạn viết về cuộc đời cho mọi
người, cùng một lúc nếu bạn vừa muốn thu hái thành quả của văn chương vừa muốn thu hái lợi ích duy sinh
ở đời, bạn buộc phải chơi lối “đi đêm tháu cáy”, cùng lúc đánh tráo, đánh đổi thu về cả hai giá trị. Nếu bạn
làm như vậy thì bạn đọc sẽ được gì? Có phải bạn đọc chỉ có được một không khí văn chương uế tạp đã vấy
bùn lên hơi thở trong lành của đời sống? Không! Bạn phải tự hiến mình! Đó là nhiệm vụ cao cả của của con
người nói chung và của nhà văn nói riêng. Kinh Gita có câu: “Thế giới này gắn liền với hành động, hành động
phải được hoàn tất vì danh nghĩa đức hy sinh” (tr.32).

Nhà văn cứu rỗi cuộc đời bằng cách nào? Có phải anh tham dự vào ánh sáng vinh quang của cuộc đời
để cứu rỗi cuộc đời? Có phải anh viết như thể loan báo tên tuổi còn ẩn giấu của mình cho công chúng biết Có
phải anh viết như thể chia vui với cuộc đời đã tràn đầy niềm hoan lạc của tinh thần công lý cũng như sự dồi
dào của cơm áo? Không! Nhà văn phải cứu rỗi cuộc đời bằng cách mang lấy thập giá đau khổ của cuộc đời, và
sứ mệnh của nhà văn là biến cải thập giá đau khổ đó thành giá đỡ cứu chuộc, cũng như tôn vinh sự nghiệp tự
thanh lọc đau đớn của con người. Bạn hãy đi theo con đường của Chúa Jê-su như Gagnon nói: “Sự đau khổ
và sự chết, vốn là án phạt tội, đã hoá nên giá chuộc tội” (Thủ lãnh, tr.358).

Sứ mệnh nhân văn là một sứ mệnh cao quí! Bạn hãy theo đuổi nó đến tận cùng, và đừng nản lòng! Hãy
theo đuổi nó và nỗ lực đi tới cùng đích con đường mà bạn đã chọn như một định mệnh duy nhất cao cả của
mình. Henry Miller nói: “Mỗi người có một định mệnh riêng, mệnh lệnh duy nhất là theo đuổi nó, là chấp
nhận nó, bất kể nó dẫn mình đến đâu”.

Khi nhà văn lựa chọn cho mình con đường chân lý, nhà văn hãy bền bỉ theo đuổi cuộc tận hiến đó đến
tận cùng, bất kể hậu quả có diễn ra thế nào đi nữa. Bạn hãy tin rằng, có nguyên nhân chắc chắn phải có kết
quả, bởi lẽ kết quả chỉ là thụ sinh tất yếu của nguyên nhân. Khi bạn đã lựa chọn cho mình một nguyên nhân
phụng sự chân lý, bạn hãy chắc tâm vào sự lựa chọn dấn thân đó như một nguyên nhân khởi đầu cao quí, và
bạn hãy theo đuổi con đường chân lý đó đến tận cùng.

Khi dấn thân cho con đường chân lý bạn hãy tự chuẩn bị và xác định cho mình một niềm tin vững chãi
rằng: sẽ chẳng có một con đường chân lý trơn tru dễ dàng, trái lại con đường chân lý luôn là con đường chông
gai đầy thử thách cam go, nhưng bạn sẽ phải vững bước đi trên con đường đó mà chẳng được nao núng ngã
lòng. Nhà văn phải vượt thắng mọi gian khó để nhắm tới cứu cánh cứu rỗi của mình. P. H. Lawrence nói:
“Bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai, nhưng chúng ta phải đi vòng quanh hay
bò quay trở lại. Chúng ta phải sống thây kệ biết bao bầu trời đã sụp.”

Bạn hãy vững tâm thực hiện sứ mệnh cứu rỗi cao cả của mình, và hãy vui lòng rằng bạn đọc sẽ biết ơn
bạn, công chúng sẽ ghi dấu nỗ lực cũng như thành quả tận hiến của bạn trong công cuộc mà bạn đã phụng
hiến hết sức mình để nâng đỡ và nâng cao tâm hồn con người lên. William Faulkner đã tôn vinh sự nghiệp của
các thi sĩ, văn sĩ như sau: “Tiếng nói của các thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó
còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những trụ cột giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng
nữa.”

Vượt lên tất cả, bạn hãy cống hiến sự nghiệp văn bút cho thời đại của bạn, cho lịch sử thanh lọc tâm
hồn của con người, cho giá trị nhân loại hằng tồn. Bạn là nhà văn, bạn đừng vừa viết vừa lo chiêm ngắm giá trị
của mình! Hãy để cho bạn đọc ngắm nghía và đánh giá giá trị của bạn! Đừng lo rằng những nỗ lực cống hiến
của bạn không được ai biết đến hoặc không được đánh giá một cách công tâm, thời gian sẽ chọn lọc và lựa
chọn tất cả các giá trị một cách sáng suốt công bằng! Chẳng có điều gì trá nguỵ có thể lọt lưới thời gian! Bạn
hãy yên tâm dấn thân cho sự nghiệp văn chương của mình khi nghe văng vẳng lời khuyên của Jasper ở bên tai:
“Số phận của mỗi triết gia thăng trầm theo nhu cầu của mỗi thời đại. Quên lãng của người đời đối với mỗi triết
gia không có nghĩa là triết gia ấy không có”.

Với cây bút của mình, nhà văn hãy viết mãi mãi, viết không ngừng nghỉ! Viết như một kẻ hành hương
chẳng dừng bước trên nẻo đường chẳng dừng bước trên nẻo đường chân lý hướng về vùng đất hứa!

Hãy đốt cháy trái tim mình lên mà viết! Hãy nổi gió tâm hồn lên mà viết! Hãy siêu phóng linh hồn lên
mà viết!

Hãy viết mãnh liệt, viết để cuộc sống trào vọt cuộn chảy ra khỏi tác phẩm!

Viết như thể trang cuối cùng cuốn sách của bạn là trang đầu mở vào cuộc đời thênh thang lồng lộng!

You might also like