Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 31

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

BAN CHẤP HÀNH TP. HỒ CHÍ MINH


---------------------------------

CÔNG TRÌNH DỰ THI


GIẢI THƯỞNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC EURÉKA
LẦN THỨ 25 NĂM 2023

TÊN CÔNG TRÌNH: Nghiên cứu chế tạo màng lọc bụi mịn từ sợi nano/micro
PVA/Chitosan có khả năng phân hủy sinh học định hướng ứng dụng làm khẩu
trang.

LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU: hóa học


CHUYÊN NGÀNH: hóa học cao phân tử

Mã số công trình :.................................


TÓM TẮT
Ngày nay, việc sử dụng khẩu trang khá phổ biến, loại khẩu trang được sử dụng
nhiều nhất trên thị trường là khẩu trang y tế. Thế nhưng, khẩu trang y tế lại có nhiều
nhượt điểm như: không có khả năng ngăn cản những loại bụi mịn có kích thước nhỏ như
bụi mịn PM 2,5; không có khả năng ức chế vi khuẩn lẫn khả năng phân hủy sinh học. Vì
thế, nhóm đã đề ra đề tài “Nghiên cứu chế tạo màng lọc bụi mịn từ sợi nano/micro
PVA/Chitosan có khả năng phân hủy sinh học định hướng ứng dụng làm khẩu trang”
được đề ra nhằm khắc phục những nhược điểm của khẩu trang y tế.

Màng sợi nano/micro PVA/Chitosan được nghiên cứu và chế tạo bằng phương
pháp electrospinning có đường kính sợi và đường kính lỗ nhỏ giúp việc lọc bụi mịn PM
2,5 đạt hiệu quả cao. Màng có khả năng ức chế vi khuẩn và phân hủy sinh học. Vì vậy,
màng sợi nano/micro PVA/Chitosan có tiềm năng ứng dụng làm khẩu trang.
Khẩu trang có thiết kế phổ thông phù hợp với đại đa số người tiêu dùng, với thiết
kế này, khẩu trang có khả năng tháo lắp, thay thế màng lọc bụi mịn và phần thải ra môi
trường chính là màng có khả năng phân hủy sinh học nhằm làm giảm lượng rác thải do
khẩu trang y tế gây ra.
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT
Ký hiệu/Chữ viết tắt Tên đầy đủ
PVA Polyvinyl acohol
PVAc Polyvinyl acetate
CS Chitosan
GA Glutaraldehyde
BÁO CÁO CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN
Đặt vấn đề:

Hiện nay môi trường đang bị đe dọa trầm trọng vì tốc độ công nghiệp hóa, đô thị
hóa càng lúc càng cao, các nhà máy, công trình, xí nghiệp, xưởng sản xuất hàng ngày,
hàng giờ đã và đang thải ra ngoài môi trường rất nhiều khí thải, chất thải nguy hại, dẫn
đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và hậu quả là sức khỏe của con người bị đe
dọa nghiêm trọng. Ở Việt Nam hiện tại thì vấn đề đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm
không khí do bụi mịn, đặc biệt là bụi mịn PM 10, PM 2,5 (hạt bụi có đường kính bé hơn
2,5 micromet). Đây là yếu tố rất nguy hại tác động trực tiếp đối với sức khỏe con người.
Đặc biệt là trong tình hình bệnh dịch do Virus Corona gây ra hiện nay. Tổ chức y tế thế
giới WHO đã khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để phòng chống
lây nhiễm. Do đó nhu cầu sử dụng khẩu trang là rất lớn, không chỉ ở khu vực Việt Nam
mà còn trên toàn thế giới. Hiện tại có một số loại khẩu trang thương mại phổ biến trên thị
trường như khẩu trang 3M, khẩu trang y tế và khẩu trang giấy.
Hiện nay, việc sử dụng khẩu trang y tế vẫn là chủ yếu. Trên thế giới, khối lượng
khẩu trang được thải ra môi trường rất khủng khiếp, trung bình có khoảng 100 triệu chiếc
được thải ra mỗi ngày. Ứng với mối chiếc khẩu trang là 3 g. Như vậy, có khoảng 300 tấn
khẩu trang được thải ra, con số này tương đương với lượng ống hút nhựa được thải ra
hằng ngày. Thế nên, nhóm nghiên cứu khoa học chúng em có định hướng thiết kế khẩu
trang dùng nhiều lần với cơ chế tháo lắp màng lọc bụi mịn PM 2,5 và phần thải ra môi
trường chính là màng nano/micro PVA/CS có khả năng phân hủy sinh học nhằm hạn chế
việc ô nhiễm môi trường do khẩu trang y tế gây ra.
Đối tượng nghiên cứu:

Màng sợi có đường kính nano/micro từ PVA/CS chế tạo bằng phương pháp
electrospinning và được nối mạng ngang bằng GA.

Phạm vi/ giới hạn nghiên cứu:

Nghiên cứu các điều kiện để chế tạo sợi nano/micro từ PVA/CS.

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến đường kính sợi tạo thành.

Tối ưu các thông số để tạo sợi có đường kính nhỏ nhất.

Tối ưu các thông số để chế tạo màng sợi nano/micro PVA/CS có đường kính nhỏ hơn 2,5
micromet.

Vai trò/ tính ứng dụng/ hiệu quả kinh tế - xã hội của kết quả nghiên cứu:

Màng sợi nano/micro từ PVA/CS có khả năng phân hủy sinh học, kháng khuẩn,
lọc được bụi mịn, giá thành rẻ, ứng dụng cho việc sản xuất khẩu trang hứa hẹn sẽ đem lại
lợi ích lớn, đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu ô
nhiễm môi trường.

Mục tiêu - Phương pháp:


Mục tiêu:
- Tạo được màng từ sợi PVA/CS có đường kính 500 nm đến 1,5 micromet.
- Tạo được màng có đường kính lỗ nhỏ hơn 2,5 micromet.
- Màng có khả năng kháng khuẩn.
Tạo sợi nano/micro bằng phương pháp electrospinning:
Sợi nano polymer:

Sợi nano polymer được định nghĩa là vật liệu polymer dạng sợi có đường kính nhỏ
hơn 1 μm, và có những tính chất nổi trội so với vật liệu bình thường. Chúng có những đặc
tính như diện tích bề mặt, độ xốp và độ bền kéo lớn. Có nhiều phương pháp để chế tạo
vật liệu nano dạng sợi, trong đó có kỹ thuật electrospinning. Kỹ thuật này đã được chứng
minh là một trong những phương pháp đơn giản để tạo sợi có đường kính từ vài chục
nano mét đến vài micro mét.

Màng sợi nano chế tạo bằng phương pháp electrospinning đã và đang được nghiên
cứu ứng dụng trong xử lý môi trường để loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm như: Bụi (đặc
biệt là bụi mịn PM 2,5), các hợp chất màu, kim loại nặng trong không khí và nước, …

Hiện nay, vật liệu sợi nano chế tạo bằng phương pháp electrospinning vẫn là
hướng nghiên cứu sẽ được tiếp tục trong tương lai để chế tạo các vật liệu thông minh giải
quyết các vấn đề về môi trường, năng lượng và đời sống.

Phương pháp electrospinning:

Electrospinning là một kỹ thuật tạo sợi từ polymer dung dịch hoặc polymer nóng
chảy bằng cách sử dụng lực tĩnh điện (điện trường). Sợi electrospun có đường kính rất
nhỏ (từ nanomet đến micromet) so với quá trình kéo sợi thông thường (kéo sợi nóng
chảy, kéo sợi dung dịch…).

Nguyên tắc tạo sợi: Đặt áp cao vào đầu phun và bảng thu sợi (được nối đất) để
tạo một điện trường lớn (10 - 40 kV). Dòng điện I tạo ra rất nhỏ, làm đầu phun bị nhiễm
điện. Sau đó bơm dung dịch polymer đi qua đầu phun này, dung dịch polymer cũng bị
nhiễm điện, dung dịch polymer phun ra được gia tốc bởi điện trường và chuyển động
theo chiều của điện trường. Kết quả là, dung dịch polymer được tăng tốc đều và hình
thành một sợi mỏng với bán kính nhỏ từ micromet đến nanomet. Trong quá trình di
chuyển trong khoảng không giữa các điện cực, dung môi bốc hơi một phần và polymer
hóa rắn ở dạng sợi, các sợi này nằm hỗn loạn trên điện cực tạo thành màng.
Hình 3.1 Cấu tạo hệ thống electrospinning.
Hệ thống bơm dung dịch: gồm kim tiêm, xilanh, thiết bị truyền lực.
Bộ tạo điện thế cao.
Bản thu sợi.

Chế tạo màng sợi nano/micro PVA/CS:

PVA và Chitosan được hòa tan trong axit axetic nồng độ 2%. Sau khi các
polymer được hòa tan hoàn toàn trong axit axetic thành dung dịch đồng nhất, sau đó sẽ
được đưa vào hệ thống electrospinning để tiến hành tạo sợi. Màng sợi nano PVA/CS
được đưa vào khay và nhỏ vào đó 5 giọt Glutaraldehyde rồi bọc kính khay lại, tiếp
theo sẽ được sấy chân không ở 60oC để tạo phản ứng nối mạng ngang giữa GA và
PVA, ngoài ra sấy chân không cũng nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn dung môi axit
axetic khỏi sợi nano PVA/CS. Màng này sau đó sẽ được đưa đi phân tích hình thái sợi
và đường kính lỗ màng.
Để tối ưu hóa các điều kiện tạo sợi và thu được màng có đường kính lỗ nhỏ hơn
2,5 micromet. Các thông số tạo sợi sẽ được khảo sát như sau:
Ảnh hưởng của nồng độ polymer (PVA/CS)/dung môi đến đường kính sợi: Nồng độ
polymer/dung môi sẽ được khảo sát qua các nồng độ 6 wt.%, 8 wt.%, 10 wt.%, 14 wt.
%.
Ảnh hưởng của tỷ lệ PVA/CS đến đường kính sợi: Tỷ lệ PVA/CS sẽ được khảo sát qua
các tỷ lệ 100:00 w/w, 98:02 w/w, 97:03 w/w, 96:04 w/w.
Khảo sát đường kính sợi và kích thước lỗ bằng phương pháp SEM.
Khảo sát khả năng kháng khuẩn của màng PVA/CS bằng thử nghiệm In vitro với vi
khuẩn Ecoli.
Khảo sát hiệu quả lọc khí, độ chênh áp của màng PVA/CS bằng thử nghiệm lọc khí với
bụi mịn.
Khảo sát độ thoáng khí và hiệu suất thoát khí của màng PVA/CS.
Khả năng tạo màng; vật liệu kết dính để cô lập các phân tử sinh học.
Kết quả - Thảo luận:
Nội dung lý thuyết:

Tóm lược PVA:

Năm 1924, hai nhà khoa học Hermann và Haechnel đã tổng hợp thành công
polyvinyl alcohol bằng cách thủy phân polyvinyl acetate trong môi trường ethanol và
potassium hydroxide. PVA là một loại nhựa nhiệt dẻo, không độc hại và có khả năng
phân hủy sinh học. Ở nhiệt độ thường, PVA là chất rắn vô định hình và tính chất vật lý
của nó phụ thuộc vào mức độ trùng hợp và mức độ thủy phân trong quá trình sản xuất.

Điều đặc biệt là PVA là polymer duy nhất không được tổng hợp bằng phương
pháp trùng hợp các monomer vì vinyl alcohol không bền dễ chuyển thành acetaldehyde.
Thế nên, PVA chỉ được tổng hợp bằng cách thủy phân PVAc.

PVA thường được ứng dụng làm màng bọc thực phẩm, làm tấm phim chụp ảnh, là
vật liệu tiềm năng trong lĩnh vực in 3D và hơn hết là ứng dụng trong lĩnh vực y sinh vì nó
ít kết dính với protein và có độc tính thấp.

Cấu tạo và các tính chất cơ bản:


Hình 4.1 Công thức cấu tạo của Polyvinyl acohol.

Tên gọi: Polyvinyl acohol – PVA.

Công thức tổng quát: (C2H4O)x.

Hình 4.2 PVA ở trạng thái rắn.

Bảng 4.1 Tính chất của PVA

Dạng Bột hoặc hạt

Màu sắc Trắng đục hoặc kem

Tỉ trọng riêng 1,27 – 1,31

Thể tích riêng (in3/lb) 22,9 – 21,1

Tính bắt cháy Cháy với tốc độ của giấy

Đặc điểm Không mùi, không vị


Khối lượng phân tử 26 300 – 30 000

Mật độ nhóm -OH (%) 86,5 – 89

Nhiệt nóng chảy (oC) 180 -190

Nhiệt dung riêng (cal/g.độ C) 0,4

Ảnh hưởng của ánh sáng Không ảnh hưởng

Ảnh hưởng của acid mạnh Hòa tan hoặc phân hủy

Ảnh hưởng của base mạnh Chảy mềm hoặc hòa tan

Ảnh hưởng của acid yếu Chảy mềm hoặc hòa tan

Ảnh hưởng của base yếu Chảy mềm hoặc hòa tan

Ảnh hưởng của dung môi hữu cơ Không ảnh hưởng

Cơ tính:

Độ bền kéo và tính kéo dài của màng phụ thuộc vào độ trùng hợp của PVA. Thế
nên, khi độ trùng hợp tăng dẫn đến độ bền cơ tính cũng tăng theo. Tuy nhiên, độ ẩm cũng
là một yếu tố ảnh hưởng đến tính cơ tính của màng. Nếu ở độ ẩm thấp, màng PVA cứng
và giòn, còn nếu độ ẩm cao thì màng sẽ hóa dẻo và mềm hơn do sự tác dụng của hơi
nước. Như vậy, độ ẩm ảnh hưởng đến tính giòn hoặc dẻo và mềm hoặc cứng của màng.

Khả năng phân hủy sinh học:

PVA có khả năng phân hủy sinh học dưới những tác động của tự nhiên thông qua
các vi sinh vật như tảo, vi khuẩn hoặc nấm nhằm chuyển hóa polymer thành Carbon
dioxide, methane và nước. Đối với PVA là loại polymer kỵ khí nên cần khoảng 2 tháng để
thực hiện phân hủy sinh học trong môi trường kỵ khí.

Khả năng Blend với các polymer khác:

Khả năng blend với các polymer khác để tăng tính cường các tính chất của PVA.
Thông thường, PVA sẽ được blend với các polymer thiên nhiên nhằm làm chất độn lẫn
cải thiện khả năng phân hủy sinh học của PVA. Những loại polymer thiên nhiên thường
dùng để blend với PVA: Cellulose, pectin, lignin, tinh bột,… Và đặc biệt là Chitosan
được blend với PVA giúp tăng khả năng kháng khuẩn và tăng khả năng phân hủy sinh
học.

Chitosan:

Lịch sử của Chitosan - dẫn xuất chính của Chitin, Chitosan bắt đầu được nghiên
cứu vào năm 1859 bởi nhà khoa học Rouget. Tuy nhiên, tên gọi của Chitosan được công
bố vào năm 1894 bởi Hoppe-Seyler [1].

Cấu tạo:

Chitosan là polymer có phần lớn gốc glucocopyranose ở dạng deacetyl hóa. Chitin hiếm
khi được tìm thấy hoàn toàn ở dạng N-acetyl hoặc acetamido, Chitosan cũng không bị
khử acetyl hoàn toàn trừ các trường hợp có điều kiện khắc nghiệt. Cả hai đều không được
tìm thấy ở trạng thái tinh khiết trong tự nhiên mà đa số kết hợp với các polysacarit,
protein và có lẽ là khoáng chất khác. Chitin có thể được coi là cellulose với hydroxyl ở vị
trí C2 được thay thế bằng nhóm acetamido. Cấu trúc của Chitin là poly- β -(1-4)-N-acetyl-
D-glucosamine [2].

Hình 4.3 Công thức cấu tạo của Chitosan.

Tính chất hóa học:


- Khả năng tạo màng; vật liệu kết dính để cô lập các phân tử sinh học.
- Tính chất sinh học, tính tương thích sinh học: tính kết dính sinh học; hoạt tính sinh
học; không độc hại; phân hủy sinh học; có thể hấp phụ; hoạt tính kháng khuẩn
(nấm, vi khuẩn, vi rút); tính kháng axit, chống loét và chống ung thư; chất chống
đông máu; hoạt tính hạ mỡ máu.
- Bao gồm các nhóm phản ứng mạnh mẽ cho liên kết nối mạng ngang và hoạt hóa.
- Cấu trúc D-glucosamine cứng nhắc; tính ưa nước cao, độ kết tinh.
- Polyme sinh học cation với mật độ điện tích cao (một điện tích dương trên mỗi dư
lượng glucosamine).
- Tính bazơ yếu; nhóm amin bị khử proton hoạt động như một nucleophile mạnh
(pKa 6.3).
- Cho phép hình thành liên kết hydro liên phân tử; độ nhớt cao.
- Không hòa tan trong nước và dung môi hữu cơ; hòa tan trong dung dịch axit
loãng.
- Tạo thành muối với axit hữu cơ và vô cơ.
- Chất keo tụ; tương tác với các phân tử mang điện tích âm.
- Đặc tính bẫy và hấp phụ.

Tính năng kháng khuẩn của Chitosan:

Chitosan có thể thu được chủ yếu bằng cách deacetyl hóa Chitin bằng NaOH.
Deacetyl hóa chitin không chỉ cải thiện khả năng hòa tan trong môi trường axit mà còn
làm tăng hoạt tính kháng khuẩn. Chitosan là một loại chất đồng trùng hợp ngẫu nhiên bao
gồm các đơn vị N-acetyl-D-glucosamine và D-glucosamine. Tỷ lệ khác nhau của hai đơn
phân sẽ làm cho Chitosan có mức độ deacetyl hóa (DD), dạng acetyl hóa (PA) và trọng
lượng phân tử khác nhau, có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt tính kháng khuẩn của
Chitosan [3].

Ba mô hình đã được đề xuất, mô hình được chấp nhận nhất là sự tương tác giữa
các phân tử Chitin/Chitosan tích điện dương và màng tế bào vi sinh vật tích điện âm.
Trong mô hình này, sự tương tác được trung gian bởi các lực tĩnh điện giữa các nhóm
NH3+ được proton hóa và các gốc âm, có lẽ bằng cách cạnh tranh với Ca 2+ cho các vị trí
âm điện trên bề mặt màng. Sự tương tác tĩnh điện này dẫn đến sự can thiệp kép: i) bằng
cách thúc đẩy những thay đổi về tính chất của tính thấm của thành màng, do đó gây ra sự
mất cân bằng thẩm thấu bên trong và do đó ức chế sự phát triển của vi sinh vật và ii) bằng
cách thủy phân peptidoglycan trong màng tế bào, thành vi sinh vật, dẫn đến rò rỉ các chất
điện giải nội bào như ion kali và các thành phần protein có trọng lượng phân tử thấp khác
(ví dụ: protein, axit nucleic, glucose và lactate dehydrogenase). Quan sát dưới kính hiển
vi điện tử truyền qua những thay đổi siêu cấu trúc của 22 tế bào S. simulans khi tiếp xúc
với chitosan tích điện dương. Có thể quan sát và xác định các phân tử chitosan bám trên
bề mặt tế bào vi khuẩn. Tại các vị trí tương tác, người ta đã ghi nhận rằng màng tế bào trở
nên tách rời cục bộ khỏi thành tế bào, tạo ra các cấu trúc “giống như không bào” bên
dưới thành tế bào. Sự tách rời tạo ra các ion và dòng nước, gây ra sự giảm áp suất bên
trong vi khuẩn. Xác nhận trực quan về quá trình ly giải màng hiệu quả cũng đã được báo
cáo trên vi khuẩn gram âm và gram dương [4].

Vì cơ chế như vậy dựa trên tương tác tĩnh điện, nó gợi ý rằng số lượng amin bị
cation hóa càng nhiều thì hoạt tính kháng khuẩn càng cao. Điều này cho thấy Chitosan có
hoạt tính cao hơn chitin và điều này đã được thực nghiệm khẳng định.

Tóm lược phương pháp crosslinking:

Liên kết nối mạng ngang (crosslinking) là một trong những phương pháp quan
trọng để tăng cơ tính, độ đàn hồi và làm biến đổi một số tính chất của polymer được ứng
dụng đáng kể trong nhiều lĩnh vực như công nghệ composite, cao su… Bằng phương
pháp nối mạng ngang, nhiều vật liệu polymer có được những tính chất tuyệt vời, bao gồm
[5]:

- Độ ổn định về kích thước và tỉ lệ rão thấp.


- Khả năng kháng dung môi.
- Trong nhiều trường hợp có thể làm méo nhiệt độ cao hoặc hóa mềm nhiệt.

Hình 4.4 Các cấu trúc mạng có thể hình thành.

Sự hình thành cấu trúc mạng phụ thuộc vào động học của vô số phản ứng liên kết
ngang với số lượng nhóm chức và liên kết trong đó. Polymer có liên kết ngang với nhóm
chức kém hoạt động sẽ kém hiệu quả trong việc xây dựng cấu trúc mạng nếu so với nhóm
chức hoạt động cao [6].

Về cơ bản, cấu trúc nối mạng ngang được tạo thành bằng 2 cách:

Nối những phân tử polymer tuyến tính thành cấu trúc mạng vô hạn.

Xây dụng phân tử đa chức năng có khối lượng phân tử thấp để tạo nên các cao
phân tử có cấu trúc phân nhánh và nối ngang liên tục.

Phương pháp nối mạng ngang vật lý: Sử dụng nguồn bức xạ năng lượng cao để
tạo ra các trạng thái chuyển tiếp kích thích trung gian có thể phân hủy và tạo ra các
nguyên tử hydro và các gốc hữu cơ tự do. Cách tạo liên kết ngang phổ biến là dùng bức
xạ điện từ (bức xạ γ) từ một đồng vị phóng xạ hoặc các electron năng lượng cao (bức xạ
β) từ máy gia tốc điện tử được sử dụng để chuyển năng lượng vào chuỗi phân tử [7].

Phương pháp nối mạng hóa học: dùng hóa chất và các chất xúc tác hóa học để
tạo liên kết ngang trong các chuỗi phân tử.
Cả hai phương pháp nối mạng ngang vật lý và hóa học đều mang khả năng cải
thiện lại những tính chất cơ học bị khiếm khuyết của polymer. Tùy vào vật liệu, hoàn
cảnh và độ hiệu quả mong muốn, chúng ta có thể lựa chọn phương pháp phù hợp để ứng
dụng tạo liên kết ngang.

Trong đề tài nghiên cứu này, việc chọn phương pháp nối mạng hóa học, sử dụng
GA để cải thiện đặc tính kháng nước của PVA là phù hợp với điều kiện trang thiết bị và
kinh tế, lẫn yêu cầu đề kỹ thuật.

Cơ chế tạo liên kết nối mạng ngang PVA bằng GA:

Polyvinyl alcohol (PVA) là một loại nhựa nhiệt dẻo có khả năng phân hủy sinh
học với nhiều tiềm năng ứng dụng khác nhau. Do có độc tính thấp, PVA được sử dụng
rộng rãi để chế tạo chất dẫn thuốc, băng vết thương, tạo màng, sản xuất sợi và in ấn 3D,
… Tuy nhiên, vì nhạy cảm độ ẩm và tỷ lệ hấp thụ nước cao mà tính cơ học của PVA
không được tốt, để cải thiện các tính chất vật lý bị hạn chế, có thể sử dụng phương pháp
tạo liên kết ngang hóa học [8].
Trong số các chất crosslinked dùng để tạo liên kết nối mạng ngang cho PVA thì
GA là chất có nhiều ưu điểm như dễ giá thành rẻ, dễ thao tác và phù hợp trong quá trình
phun tạo màng. Nên trong đề tài này sẽ chọn GA làm chất liên kết nối mạng hóa học.

Hình 4.5 Cơ chế


crosslinking giữa PVA và GA.

Cơ chế phản ứng của GA và PVA trong môi trường H + được trình bày như sau.
Proton H+ của acid sẽ tấn công vào nguyên tử O giàu điện tích dương ở nguyên tử C của
nhóm -CHO tăng lên. Tiếp theo là giai đoạn giải phóng một proton hình thành hợp chất
bán acetal. Sản phẩm trung gian được bền hóa bằng cách tách phân tử nước, hình thành
cation tương ứng.

Cơ chế tạo liên kết nối mạng ngang Chitosan bằng GA:

Hình 4.6 Cơ chế crosslinking giữa Chitosan và GA.

Các nhóm aldehyde phản ứng tức thì với các nhóm –NH 2 dọc theo chuỗi Chitosan
sau khi đưa các hạt trung bình chitosan ướt vào dung dịch glutaraldehyde. Liên kết nối
mạng ngang giữa các nhóm aldehyde rất dễ phản ứng với các nhóm amino tự do trong
Chitosan nên khi phản ứng giữa nhóm aldehyde với các nhóm amine hình thành liên kết
cộng hóa trị và kết nối các polymer Chitosan.

Quy trình phun tạo màng nano/micro PVA/CS:


Hình 4.8 Quy trình phun tạo màng nano/micro PVA/CS.

Bước 1: Cân khối lượng PVA và Chitosan tương ứng với từng nồng độ và chuẩn bị dung
môi CH3COOH 2 wt. %.

Bước 2: Cho khối lượng chất tan PVA và Chitosan và dung môi vào trong chai thủy tinh
tương ứng với từng nồng độ, cho cá từ vào, đậy nắp chai lại rồi để lên máy khuấy từ, sau
đó gia nhiệt lên 80 oC và tốc độ khuấy là 300 rpm, khi tan hết tắt nhiệt, giảm tốc độ khuấy
xuống còn 100 rpm rồi để khuấy qua đêm.

Bước 3: Cho dung dịch PVA/CS vào trong xi-lanh và lắp vào máy phun tạo sợi
electrospinning, tiến hành cài đặt thông số sao cho phù hợp.

Bước 4: Màng sau khi tạo thành được tháo khỏi hệ thống electrospinning, và được
crosslinking với GA ở nhiệt độ 60 oC trong 3 tiếng.

Bước 5: Màng sau khi crosslinked được sấy chân không, sấy ở 60 oC trong 3 tiếng nhằm
loại bỏ dung môi ở 60 oC trong 3 tiếng nhằm loại bỏ dung môi.

Quy trình thí nghiệm đo độ chênh áp, hiệu suất lọc bụi mịn:
Hình 4.9 Quy trình thí nghiệm đo độ chênh áp, hiệu suất lọc bụi mịn.

Bước 1: Cắt màng sợi nano/micro PVA/CS sao cho vừa với đường kính khoang lọc và
lắp vào mô hình lọc bụi mịn.

Bước 2: Cài đặt máy đo khối lượng bụi mịn ở cả hai đầu trước và sau màng. Lắp máy đo
độ chênh áp ở hai đầu ống và lắp ống nối với máy hút chân không.

Bước 3: Sử dụng bụi mịn cấp vào buồng chứa phía trước màng, khởi động máy hút chân
không.

Bước 4: Ghi nhận các thông số và tính toán:

- Tính QF (Quality Factor: chỉ số chất lượng lọc bụi mịn) [9]:

QF :Chỉ số chất lượng lọc lọc bụimịn (Pa-1).

η : Hiệu suất lọc khí ( % ) .

∆ p : Độ chênh áp suất ( Pa ) .

- Tính hiệu suất lọc khí η:

f0: Nồng độ bụi mịn trước khi qua màng lọc (ppm).

f1: Nồng độ bụi mịn sau khi qua màng lọc (ppm).

Tỉ số PVA/CS 97:03 w/w:

a b
Hình 4.24 a) Đầu mũi kim trong quá trình phun tạo màng. b) Màng sợi nano/micro
PVA/CS 97:03 w/w sau khi lấy khỏi hệ thống phun. c) Kết quả phân tích SEM của
màng PVA/CS 97:03 w/w.

Với nồng độ dung dịch PVA/CS 97:03 w/w, quá trình phun diễn ra ổn định, về
cảm quan màng sợi nano/micro PVA/CS 97:03 w/w mịn và đều như trên [Hình 4.24-b].
Việc tăng thêm hàm lượng Chitosan khiến cho độ nhớt tăng theo nhưng vẫn phù hợp với
điều kiện phun, nên vẫn hình thành nón taylor trên đầu kim và sợi được kéo ra liên tục
[Hình 4.24-a].

Thông qua kết quả phân tích SEM và quá trình phân tích dữ liệu, đường kính sợi
trung bình của màng PVA/CS 97:03 w/w là 0,14± 0,05 µm, đường kính sợi nhỏ vượt quá
mục tiêu đã đề ra (nhỏ hơn rất nhiều khi so với đường kính bụi mịn PM 2,5). Đường kính
lỗ trung bình của màng là 0,20± 0,08 µm, sự đan xen giữa các sợi tương đối đồng đều đã
tạo ra các lỗ có kích thước ổn định [Hình 4.24-c]. Việc đường kính lỗ nhỏ có thể giúp
cho việc cản bụi mịn được tốt hơn.

aa b

Hình 4.25 a) Biểu đồ phân bố đường kính sợi màng PVA/CS 97:03 w/w. b) Biểu đồ
phân bố đường kính lỗ màng PVA/CS 97:03 w/w.

Từ biểu đồ phân phối đường kính sợi PVA/CS 98:02 wt/wt [Hình 4.25-a], biên độ
rất rộng trải dài từ 0,05 µm đến 0,25 µm, đường kính sợi sẽ tập trung nhiều nhất vào
khoảng 0,10 µm đến 0,15 µm. Đồ thị có xu hướng lệch phải, đường kính sợi phân phối
rất đồng đều.
Đường kính lỗ có biên độ trải dài từ 0,05µm đến 0,35µm, tập trung chủ yếu vào
khoảng 0,15µm đến 0,20µm. Đồ thị có xu hướng lệch phải như [Hình 4.25-b], kích
thước lỗ ổn định và đồng đều nhau.
Tỉ số PVA/CS 96:04 w/w:

a b

Hình 4.26 a) Đầu mũi kim trong quá trình phun tạo màng. b) Màng sợi nano/micro
PVA/CS 96:04 w/w sau khi lấy khỏi hệ thống phun. c) Kết quả phân tích SEM của
màng PVA/CS 96:04 w/w.

Với nồng độ dung dịch PVA/CS 96:04 w/w, quá trình phun mất dần tính ổn định,
về cảm quan màng sợi nano/micro PVA/CS 96:04 w/w khá mịn, nhưng xuất hiện nhiều
giọt bắn lớn trên màng [Hình 4.26-b]. Do có tỉ lệ Chitosan trong dung dịch tương đối
cao, làm mất tính ổn định so với điều kiện phun nên làm cho nón taylor chuyển từ đầu
tròn sang đầu nhọn và bị bắn hạt rất nhỏ trong quá trình kéo sợi [Hình 4.26-a].

Từ kết phân tích SEM và quá trình phân tích dữ liệu, đường kính sợi trung bình
của màng PVA/CS 96:04 w/w là 0,11± 0,03 µm, đường kính sợi của màng PVA/CS 96:04
w/w rất nhỏ nên đã vượt quá yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, hàm lượng Chitosan khá cao, làm
cho các hạt xuất hiện trên sợi nhiều [Hình 4.26-c]. Đường kính lỗ trung bình của màng là

a b

0,20± 0,09 µm, có đường kính lỗ nhỏ có thể lọc được bụi mịn, nhưng do quá phun không
ổn định nên màng PVA/CS 96:04 w/w không phù hợp với tiêu chí đề ra.

Hình 4.27 a) Biểu đồ phân bố đường kính sợi màng PVA/CS 96:04 w/w. b) Biểu đồ
phân bố đường kính lỗ màng PVA/CS 96:04 w/w.

Từ biểu đồ phân phối đường kính sợi PVA/CS 96:04 w/w, biên độ trải dài từ 0,055
µm đến 0,220 µm, đường kính sợi sẽ tập trung nhiều nhất vào khoảng 0,080 µm đến
0,100 µm; từ 0,120 µm đến 0,140 µm và giảm dần về hai phía. Đồ thị phân bố có xu
hướng hai đỉnh như [Hình 4.27-a], biểu đồ phân có biên độ khá thấp nhưng phân bố
không đều.

Kích thước lỗ có biên độ trải dài từ 0,039 µm đến 0,500 µm, tập trung chủ yếu vào
khoảng 0,100 µm đến 0,150 µm và 0,300 µm đến 0,350 µm. Đồ thị có xu hướng phân
phối hai đỉnh như [Hình 4.27-b], và phân bố không đều.
Tỉ số PVA/CS 95:05 w/w:

a b

Hình 4.28 a) Đầu mũi kim trong quá trình phun tạo màng. b) Màng sợi nano/micro
PVA/CS 95:05 w/w sau khi lấy khỏi hệ thống phun. c) Kết quả phân tích SEM của
màng PVA/CS 95:05 w/w.

Với nồng độ dung dịch PVA/CS 95:05 w/w, không thể phun tạo màng sợi, về cảm
quan màng sợi nano/micro PVA/CS 95:05 w/w không đều và chỉ có một phần nhỏ tạo
thành màng [Hình 4.28-b]. Do tỉ lệ Chitosan trong dung dịch quá cao làm cho độ nhớt
của dung dịch rất cao dẫn đến điều kiện phun không còn phù hợp, dẫn đến nón taylor
không được hình thành trên đầu kim và hạt bị bắn liên tục lên bảng thu [Hình 4.28-a].
Việc tạo sợi chỉ được một phần rất nhỏ nên không thể ứng dụng làm màng lọc được.

Thông qua kết quả SEM và quá trình phân tích dữ liệu, đường kính sợi trung bình
của màng PVA/CS 95:05 w/w là 0,08± 0.04 µm, với đường kính sợi cực kì nhỏ. Trên
[Hình 4.28-c], với tỉ lệ Chitosan trên không chỉ bắn hạt lớn mà còn bắn những hạt li ti và
dính lên sợi tạo thành vệt loang. Đường kính lỗ trung bình của màng là 0,15± 0,08 µm,
đường kính lỗ trung bình của màng rất nhỏ có khả năng cản được bụi mịn PM 2,5. Tuy
nhiên, với tỉ lệ PVA/CS 95:05 w/w không thể tạo màng sợi.

a b
b

Hình 4.29 a) Biểu đồ phân bố đường kính sợi màng PVA/CS 95:05 w/w. b)
Biểu đồ phân bố đường kính lỗ màng PVA/CS 95:05 w/w.

Qua biên độ phân phối đường kính sợi màng PVA/CS 95:05 w/w trải dài từ 0,04
µm đến 0,30 µm, đường kính sợi sẽ tập trung nhiều nhất vào khoảng 0,05 µm đến 0,10
µm. Đồ thị phân bố có xu hướng lệch phải như [Hình 4.29-a], biên độ khá ngắn.

Kích thước lỗ có biên độ rộng trải dài từ 0,099µm đến 1,000µm, tập trung chủ yếu
vào khoảng 0,150 µm đến 0,200 µm. Đồ thị có xu hướng lệch phải như [Hình 4.29-b],
mặc dù đường kính sợi rất nhỏ nhưng đường kính lỗ lại có biên độ rất rộng và phân bố
không đều.
Nhận xét chung:

Các màng PVA trên được phun theo thông số sau:

Bảng 4.4 Thông số về điều kiện phun tạo màng, đường kính sợi trung bình và
đường kính lỗ trung bình theo các tỉ lệ PVA/CS khác nhau

Tỉ số PVA/CS (w/w) Khoảng cách (cm) Điện thế (kV) Tốc độ cấp liệu
(mL/h) Thời gian phun (h) Đường kính sợi trung bình (µm) Đường kính lỗ
trung bình (µm) Nhận xét

97:03 8 24 2,0 3,0 0,14± 0,05 0,20± 0,08 Màng phun ổn


định, màng mịn, đều, đường kính sợi trung bình và đường kính lỗ trung bình ổn định
với tỉ lệ Chitosan phù hợp.

96:04 8 24 2,0 3,0 0,11± 0,03 0,20± 0,09 Màng phun không
ổn, xuất hiện nhiều hạt trên màng, đường kính sợi trung bình và đường kính lỗ trung bình nhỏ
nhưng không ổn định.

95:05 8 24 2,0 3,0 0,08± 0,04 0,15± 0,08 Không thể phun
tạo màng, xuất hiện nhiều hạt trên bảng thu, đường kính sợi trung bình và đường kính lỗ
trung bình rất nhỏ nhưng phân phối không đều.

Từ bảng 4.4 màng nano/micro PVA/CS 97:03 w/w đáp ứng được những yêu cầu
đề ra về đường kính sợi và đường kính lỗ rất nhỏ và ổn định, phù hợp để ứng dụng làm
khẩu trang.
Khảo sát độ chênh áp và hiệu quả lọc bụi mịn phụ thuộc vào độ dày màng:

Độ dày 10 µm:

Sau khi chọn tỉ số PVA/CS tiếp theo đây sẽ khảo sát đến độ dày màng ảnh hưởng
đến các thông số lọc khí.

a b c

dd e

Hình 4.30 a) Khối lượng bụi mịn còn lại sau khi qua màng PVA/CS 10 µm. b) Khối
lượng bụi mịn trước khi qua màng PVA/CS 10 µm. c) Thiết bị đo độ chênh áp. d)
Màng PVA/CS 10 µm trước khi lọc. e) Màng PVA/CS 10 µm sau khi lọc.

Như [Hình 4.30-a,b,c] nồng độ bụi mịn còn lại sau khi đi qua màng lọc là 48
ppm, nồng độ bụi mịn trước khi qua màng lọc là 600 ppm và độ chênh áp trung bình khi
lọc là 56 Pa, hiệu suất thoát khí có giá trị là 92,00 % và chỉ số chất lượng lọc bụi mịn là
0,451 Pa-1, hiệu suất lọc bụi mịn của màng khá thấp do độ dày của màng không cao. Như
[Hình 4.30-d,e] màng có khả năng cản bụi mịn chưa tốt. Màng PVA/CS 10 µm rất dễ
thủng nên cần phải tăng độ dày lên thêm.

Độ dày 20 µm:

a b c

d e

Hình 4.31 a) Khối lượng bụi mịn còn lại sau khi qua màng PVA/CS 20 µm. b) Khối
lượng bụi mịn trước khi qua màng PVA/CS 20 µm. c) Thiết bị đo độ chênh áp. d)
Màng PVA/CS 20 µm trước khi lọc. e) Màng PVA/CS 20 µm sau khi lọc.

Như [Hình 4.31-a,b,c] nồng độ bụi mịn còn lại sau khi đi qua màng lọc là 2 ppm,
nồng độ bụi mịn trước khi qua màng lọc là 600 ppm và độ chênh áp trung bình khi lọc là
168 Pa, hiệu suất thoát khí có giá trị là 99,667 % và chỉ số chất lượng lọc bụi mịn là
0,034 Pa-1, hiệu suất lọc bụi mịn của màng tốt. Như [Hình 4.31-d,e] màng có khả năng
cản bụi mịn, lượng bụi mịn PM 2,5 được cản lại khá nhiều. Màng PVA/CS 20 µm có thời
gian thí nghiệm lọc khí ổn định.
Nhận xét chung:

Các màng đều được cố định tỉ số PVA/CS 97:03 w/w, chỉ thay đổi độ dày để khảo
sát sự ảnh hưởng của độ dày đến thông số lọc bụi mịn PM 2,5 và được thể hiện qua bảng
sau:

Bảng 4.5 Giá trị về độ chênh áp, hiệu suất lọc và chỉ số chất lượng lọc bụi mịn của
màng nano/micro PVA/CS với các độ dày màng khác nhau

Độ dày màng (µm) 10 20 40 60


∆ p (Pa) 56 168 536 712

η (%)

92,0000 99,6667 >99,6667 >>99,6667

QF (Pa-1)

0,4510 0,0309 - -

Qua các phân tích và bảng giá trị trên ta thấy được màng PVA/CS 10 µm có chỉ số
chất lượng lọc bụi mịn khá cao vì có độ chênh áp thấp, nhưng màng lại có hiệu suất lọc
kém và không đạt chuẩn vì hiệu suất lọc chỉ 92 % kém nhất trong các màng đã khảo sát.
Màng PVA/CS 40 µm và 60 µm có độ chênh áp quá cao nên không hợp để làm màng lọc
ứng dụng cho khẩu trang. Màng PVA/CS 20 µm có kết quả lọc bụi mịn tốt, hiệu suất lọc
cao, là chỉ số chất lượng lọc bụi mịn cũng khá cao.

Kết luận: màng PVA/CS 20 µm phù hợp để ứng dụng làm khẩu trang.
Kết luận – đề nghị:
Nghiên cứu đã thành công với màng lọc bụi mịn PM 2,5 ứng dụng làm khẩu
trang. Màng nano/micro PVA/CS được crosslinking bằng GA có các thông số như sau:
Nồng độ dung dịch: 10 wt. %.
Tỉ lệ PVA/CS: 97:03 w/w.
Độ dày màng: 20 µm.
Đường kính sợi trung bình: 0,14± 0,05 µm.
Đường kính lỗ trung bình: 0,20± 0,08 µm.
Độ chênh áp: 186 Pa.
Hiệu suất lọc: 99,6667 %.
Chỉ số chất lượng lọc bụi mịn: 0,0309 Pa-1.
3
cm
Độ thông thoáng: 7,26x10-5( 2
).
c m . phút
Hiệu suất thoát khí: 10,26 %.
Có khả năng ức chế vi khuẩn, kháng nước và phân hủy sinh học.
Như vậy màng có thông số vượt trội hơn khẩu trang N95 rất nhiều vì độ chênh
áp của N95 là 350 Pa trong khi màng có độ chênh áp thấp hơn rất nhiều, mà khả năng
cản bụi mịn lại cao hơn nhiều. Tuy nhiên, khẩu trang của nhóm còn hạn chế về mặt
thẩm mĩ nên cần khắc phuc, mặc dù thiết kế rất sáng tạo.
Kết luận, màng nano/micro PVA/CS có tính ứng dụng cao và phù hợp cho
việc định hướng làm khẩu trang.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Izabela Dziedzic, Ahmet Kertmen, "Methods of Chitosan Identification: History and
Trends," 2022. [Online]. Available:
http://nanobioletters.com/wp-content/uploads/2022/09/LIANBS124.094.pdf.
[2] Vida Zargar, Morteza Asghari, Amir Dasht, "A Review on Chitin and Chitosan
Polymers: Structure, Chemistry, Solubility, Derivatives, and Applications," 2014,
pp. 204-207.
[3] Jianhui Li, Shaoling Zhuang, "Antibacterial activity of chitosan and its derivatives
and their interaction mechanism with bacteria: Current state and perspectives,"
2020. [Online]. Available:
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0014305720316980.
[4] R. C. Goy, "A Review of the Antimicrobial Activity of Chitosan," 2009.
[5] L. E. Nielsen, "CROSSLINKING-EFFECT ON PHYSICAL PROPERTIES OF
POLYMERS," 1968.
[6] Ray A . Dickie, S. S. Labana, Ronald S. Bauer, "Cross-Linked Polymers Chemistry,
Properties, and Applications," 1988.
[7] T. Walsh, "The Plastic Piping Industry in North America," 2011. [Online]. Available:
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/B9781437735147100340.
[8] Amit Kumar Sonker, Kalpana Rathore, Rajaram Nagarale, Vivek Verma,
"Crosslinking of Polyvinyl Alcohol (PVA) and Effect of Crosslinker Shape
(Aliphatic and Aromatic) Thereof," 2017.
[9] Yinjing Yang, Shichao Zhang, Xinglei Zhao, Jianyong Yu, Bin Ding , "Sandwich
structured polyamide-6/polyacrylonitrile nanonets/bead-onstring composite
membrane for effective air filtration," 2015.
[10] TCVN 5092-1990 Vật liệu dệt vải, phương pháp xác định độ thoáng khí.

You might also like