Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 5

Họ và tên: Vũ Thị Tố Trinh

Lớp: 2205VTTB

Mã sinh viên: 2205VTTB071

ĐỀ BÀI: PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH UY TÍN CỦA NGƯỜI
CÁN BỘ QUẢN LÝ, LÃNH ĐẠO. ĐƯA RA Ý KIẾN CỦA BẢN THÂN VỀ
VẤN ĐỀ UY TÍN CỦA NGƯỜI CÁN BỘ QUẢN LÝ, LÃNH ĐẠO HIỆN NAY.

BÀI LÀM

1. Khái niệm

1.1. Uy tín là gì?

Theo tác giả Lã Thu Thuỷ trong bài “Những khía cạnh Tâm lý học xã hội của uy
tín người lãnh đạo” đã viết: “Uy tín được hiểu theo hai khía cạnh sau đây:

- Quyền lực và sự tín nhiệm.

- Ảnh hưởng tới ai đó và được người đó tôn trọng, khâm phục.”

Hiểu một cách khái quát, uy tín là sự ảnh hưởng của quyền lực và sức mạnh tinh
thần của một cá nhân, một nhóm xã hội đến các cá nhân, nhóm xã hội khác khiến
họ tin tưởng, nể phục mà tuân theo các yêu cầu của cá nhân và nhóm xã hội đó một
cách tự giác.

1.2. Uy tín của người cán bộ quản lý, lãnh đạo

- Uy tín của người cán bộ quản lý, lãnh đạo là sự kết hợp hài hoà giữa uy quyền
của chủ thể, quản lý cũng là sự kết hợp giữa uy quyền của chủ thể với sự ảnh
hưởng của người đó đến người khác, được người khác tôn trọng, tín nhiệm và kính
phục. Nó được công nhận một cách tự nhiên và hoàn toàn tự nguyện. Sự tôn trọng
tín nhiệm, kính phục của mọi người đối với người lãnh đạo phụ thuộc vào quyền
lực, ưu thế, sức cảm hoá, thuyết phục của chính bản thân chủ thể lãnh đạo. Uy tín
người lãnh đạo quản lý là sự kết hợp giữa quyền lực của chủ thể và sự tín nhiệm,
phục tùng của khách thể.

- Uy tín của người cán bộ quản bộ, lãnh đạo là sự ảnh hưởng của quyền uy và sức
mạnh của người quản lý đối với cấp dưới khiến cấp dưới tin tưởng, cảm phục và
tuân theo các quyết định của người quản lý một cách tự giác.

- Uy tín của người cán bộ quản lý, lãnh đạo là sự thống nhất giữa những điều kiện
khách quan với những nhân tố chủ quan:

+ Những điều kiện khách quan: người cán bộ quản lý, lãnh đạo nào cũng có chức
vụ, quyền hạn và các trọng trách được giao phó trong tổ chức, cơ chế quản lý xã
hội, sự tác động tới công tác tổ chức cán bộ, các điều kiện hoạt động giao tiếp của
người quản lý. Ngoài ra, có thể kể đến các yếu tố khách quan tác động trực tiếp
hoặc gián tiếp đến việc xây dựng uy tín của người quản lý như trình độ nhận thức,
tâm trạng, thái độ và lòng tin của tổ chức nơi người quản lý thực thi công việc của
mình.

+ Những nhân tố chủ quan: nhân cách của người quản lý, phong cách quản lý, sự
tín nhiệm và phục tùng tự nguyện của quần chúng và cấp dưới, ý thức phê và tự
phê của người quản lý. Những phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo trong
trường hợp tương xứng với các yêu cầu, chức vụ mà họ đảm nhiệm sẽ giúp họ xác
lập được uy tín. Ngược lại, khi không có sự tương xứng này, người lãnh đạo khó
có thể xác lập được điều kiện cần thiết. Ngoài ra, các yếu tố chủ quan khác như: sự
đánh giá cao của cấp trên, sự ủng hộ, khâm phục của đồng nghiệp và nhân viên; tác
phong làm việc...

Khi phân tích uy tín của người lãnh đạo, cần chú ý tới các nhân tố tâm lý xã hội
khác có liên quan như: tâm thế của mọi người đối với người lãnh đạo, dư luận tập
thể, bầu không khí ở tập thể, các quá trình thích nghi giao tiếp, cảm hoá, thuyết
phục và bắt chước lẫn nhau trong từng đơn vị và tổ chức khác nhau.

2. Các yếu tố cấu thành nên sự uy tín của người cán bộ, quản lý:

Uy tín là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự nỗ lực chủ quan của một
người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất
là những yếu tố sau đây: - Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt,
trước hết là về mặt phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sạch, tận tụy, khiêm tốn,
“mình vì mọi người”; sự thấu cảm và chia sẻ. - Có học thức cao, năng lực lãnh đạo
và quản lý giỏi; tầm hiểu biết sâu rộng, bao gồm cả nhãn quan chính trị, trình độ
nhận thức và vốn sống; sự đổi mới và khả năng thích nghi; khát vọng và hoài bão. -
Có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành xuất sắc
chức vụ mà mình đảm trách. - Nắm vững kỹ năng lãnh đạo, ứng xử có văn hóa; có
quan hệ đúng đắn, trước hết là với những người cùng cộng tác hoặc có quan hệ
trực tiếp với mình; biết tự kiểm soát, tự kiềm chế. Tóm lại là hội đủ cả ba yếu tố:
Tâm, Tầm, Tài. Các tố chất cá nhân ở trên đều là những tố chất cần thiết quan
trọng cho một cán bộ lãnh đạo để tạo nên phong cách lãnh đạo dân chủ, hòa đồng;
biết chủ động kiểm soát trí tuệ, cảm xúc của mình thì người cán bộ đó đã và đang
xây dựng thành công hình tượng, uy tín của một nhà lãnh đạo. Uy tín không phải
từ trên trời rơi xuống. Nó là kết quả của sự phấn đấu rèn luyện gian khổ, bền bỉ của
bản thân cán bộ. Người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong tập thể
bằng chính tài năng, đức độ, nghị lực, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực
tế của mình chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ hoặc bằng thủ đoạn và tiểu
xảo. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng
sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo
đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt
chước”. Uy tín không phải bao giờ cũng tỉ lệ thuận với chức vụ. Chức vụ chỉ là
điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, còn uy tín là cái quyết định sự
tồn tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật thông thường, chức vụ
trước sau cũng sẽ mất theo. Giữa chức vụ và uy tín có mối quan hệ chặt chẽ với
nhau. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như là
mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội
dung. Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp hiện nay, xuất hiện hai loại:thứ
nhất, ngộ nhận mình có uy tín. Những người này thường tự đánh giá rất cao về
mình, luôn tỏ ra mình là nhân vật quan trọng, có uy tín mà không trau dồi uy tín.
Thứ hai, dùng thủ đoạn để tạo dựng uy tín. Họ thường ve vãn, lôi kéo lập bè cánh;
công kích, nói xấu, hạ uy tín người khác và đề cao mình. Trước mặt cấp trên họ
xun xoe, nịnh bợ lấy lòng, tỏ vẻ mình là đệ tử thân cận; sau lưng thì họ sẵn sàng trở
mặt, nói xấu, bịa đặt. Họ chỉ làm và tìm mọi cách dành lấy những việc dễ làm, dễ
nổi tiếng; không ngại ngùng tô vẽ thành tích và “tranh công đổ lỗi”.

3. Ý kiến của bản thân về vấn đề uy tín của người cán bộ quản lý, lãnh đạo
hiện nay:

Hiện nay, tình trạng giảm sút và mất uy tín ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã và
đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Việc củng cố và
nâng cao uy tín của cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp,
các ngành trở thành một yêu cầu quan trọng, cấp thiết không chỉ đối với tổ chức
mà với chính mỗi cán bộ lãnh đạo. Để có thể xây dựng, củng cố và nâng cao uy tín
của người cán bộ lãnh đạo, có một số giải pháp sau:

Một là, người cán bộ lãnh đạo cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, thực hiện lý
tưởng của Đảng, phục vụ nhân dân, không được lấy uy tín làm mục đích mà phải
coi đó là phương tiện, điều kiện để thực hiện mục đích lãnh đạo. Như thế uy tín sẽ
được giữ gìn và bảo vệ từ mọi phía, nhất là từ phía nhân dân và cấp dưới. Mỗi cán
bộ lãnh đạo phải có phương hướng, biện pháp để tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và
nâng cao uy tín của mình. Đây là biện pháp quan trọng và quyết định nhất. Phải
thường xuyên tự giác tu dưỡng rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cần
thiết, có thái độ nghiêm khắc với bản thân, đề cao tính tự chủ, tự kiềm chế, tự điều
chỉnh, đặc biệt là luôn đề cao tự phê bình và phê bình.

Hai là, các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo
phát huy hết phẩm chất, tài năng của mình, quan tâm củng cố và nâng cao uy tín
của người cán bộ lãnh đạo bởi uy tín của cá nhân họ cũng là uy tín của tổ chức. Sự
quan tâm đó sẽ góp phần giữ vững và nâng cao uy tín thực của người cán bộ lãnh
đạo, đồng thời khắc phục những hiện tượng tạo uy tín giả.

Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát uy tín của đội ngũ cán bộ lãnh đạo bằng
cách lấy phiếu tín nhiệm của tổ chức, ý kiến đóng góp của cán bộ cấp dưới, của
nhân dân một cách nghiêm túc, chân thực.

Bốn là, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp
hành Trung ương khóa XI và tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập, làm theo
tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiên quyết thực hiện các
nhóm giải pháp cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi đôi với việc tăng cường
giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ , công chức. Cần có quy chế để từng
cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý các cấp từ Trung
ương trở xuống phải đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
với những nội dung cụ thể sao cho sát hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác của
mình và phải có kiểm điểm gắn liền với kiểm điểm công tác hàng tháng.

You might also like