Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 5

HỌ VÀ TÊN: ĐÀO NGUYỄN NGÂN TRÂM SỐ: 38

ĐỀ 4: PHÂN TÍCH 10 CÂU THƠ TIẾP THEO CỦA BÀI THƠ “VIỆT BẮC”:

"Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."

Bài làm

Thơ ca như một bông hoa tuyết nhẹ nhàng hạ cánh bên bờ của hiện thực, khiến người đọc mê
mẩn chiêm ngưỡng và quyện lòng mà không chút đắn đo. Nếu ví thế giới nghệ thuật là một bức tranh
muôn màu, muôn vẻ, thì thơ chính là một mảng màu tươi sáng và đẹp đẽ, say đắm lòng người với vô
vàn cung bậc xúc cảm như Voltaire đã viết: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, những tâm hồn đa sầu, đa
cảm”. Nhắc đến thơ ca kháng chiến, ta không thể nào quên đi hình ảnh của một người chiến sĩ làm thơ,
là “cánh chim đầu đàn" của thơ ca cách mạng Việt Nam - Tố Hữu. Mỗi tác phẩm của ông như mang
trong mình tiếng nói của thời đại, một thời đại bi tráng của dân tộc, một thời đại đất nước ngập chìm
trong bom đạn, khó khăn. Song chưa bao giờ ta bắt gặp ở thơ Tố Hữu sự bi thương đến cùng cực, thơ
ông như một bản tình ca dịu dàng, đằm thắm, lạc quan, khơi dậy trong lòng độc giả những rung cảm
khôn nguôi. Một trong những kiệt tác thơ ca của Tổ Hữu chính là tác phẩm “Việt Bắc” - khúc tình ca sâu
nặng, thủy chung của người cán bộ Tố Hữu đối với nhân dân, với Cách mạng đã “gây xúc động” bao
trái tim yêu thơ qua bao tháng năm dài. Đọc bài thơ, ta không chỉ thấy ở đó những luyến lưu mà còn là
những gam màu độc đáo của núi rừng - một bức tranh tứ bình về cảnh sắc và con người Việt Bắc được
tác giả khắc họa bằng những nét bút mềm mại, trữ tình và cũng lắm thiết tha :

"Ta về, mình có nhớ ta

...

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."


Lật giở từng trang viết của Tố Hữu, ta như thấy trọn cả một bức tranh toàn cảnh về cảnh sắc và
con người Việt Bắc, hòa cùng những xúc cảm dạt dào mà tác giả đã gửi gắm phía sau trang thơ. Mười
lăm năm gắn bó nghĩa tình, Tố Hữu đã từng bộc bạch: "Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn
tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi". Có lẽ chính vì thế, đan cài với những nỗi nhớ da diết, ta lại nhìn
thấy trong trang viết cả bức tranh cảnh vật và con người nơi đây vừa hiện thực vừa thơ mộng, thi vị, gợi
rõ những nét riêng biệt, sống động đã khắc sâu vào tâm trí nhà thơ. Nếu ở những câu thơ đầu, tác giả
họa nên một khung cảnh chia li đầy ngậm ngùi, luyến tiếc với những nỗi nhớ cứ cuộn trào như thác lũ
thì đến đây, nỗi nhớ về cảnh vật và con người Việt Bắc đã giúp tác giả dệt nên bức tranh tứ bình đẹp
như xứ thần tiên :

"Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người."

Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã ngân lên một khúc ca của nỗi nhớ bâng khuâng, day dứt, nhưng
tác giả đặt ra không chỉ để hỏi mà còn bày tỏ cảm xúc tha thiết. Điệp từ “ta” với âm “a” xuất hiện bốn
lần, thể hiện sự ngân vang khắp trang thơ, gợi sự nhớ nhung luôn tuôn chảy. Kết hợp với điệp từ “nhớ”
nhấn mạnh nỗi nhớ luôn hướng về thiên nhiên, con người Việt Bắc của người đi, không muốn về xuôi,
không muốn xa nơi mà mình đã gắn bó với bao kỉ niệm. Điệp ngữ ‘’Ta về’’ như một lời dạm hỏi của
người ra đi. Liệu rằng khi rời xa chiến khu, nhân dân Việt Bắc có còn nhớ về những con người đã gắn bó
mười lăm năm ở mảnh đất này ? Liệu những kỉ niệm có còn vẹn nguyên hay một ngày nào đó rồi sẽ
quên lãng trong những bộn bề của cuộc sống? Cái đẹp của câu thơ nằm ở hình ảnh “hoa cùng người”.
Phải chăng con người cũng là một bông hoa của núi rừng Việt Bắc. Ta về chẳng biết mình có nhớ ta
không, nhưng ngay cả khi mình không nhớ ta thì ta vẫn cứ nhớ mình. Mà nỗi nhớ ấy mới duyên dáng và
tế nhị làm sao. Đó là sắc điệu trữ tình và tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.

Chính nỗi nhớ đó đã mở ra những vẻ đẹp của bức tranh mỗi mùa, mở đầu vẻ đẹp đó là bức
tranh mùa đông đưa ta đến với điểm nhìn đầu tiên của tác giả là thị giác:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèn cao nắng ánh dao gài thắt lưng.‘’

Nhắc đến mùa đông ta thường nhớ đến cái lạnh thấu xương da, cái ảm đạm của những ngày
mưa phùn gió bấc, cái buồn bã của khí trời u uất. Nhưng đến với Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thì thật lạ.
Mùa đông bỗng ấm áp lạ thường. Hình ảnh “rừng xanh” cho thấy thiên nhiên Việt Bắc được quan sát
nhìn từ xa. Thể hiện một bức tranh tràn đầy sức sống, đầy tươi mát và tràn đầy năng lượng của cuộc
sống hàng ngày. “Rừng xanh” giống như những lá phổi của trái đất, giúp sự sống và nuôi dưỡng con
người được tốt nhất. Có lẽ kháng chiến Việt Bắc thu - đông đã chiến thắng vào mùa đông nên cảnh vật
nơi đây cũng khác hẳn lúc bình thường. Màu sắc xanh của núi rừng, đặc biệt có ”hoa chuối đỏ tươi”
điểm lên khu rừng xanh mát đó. Khác với những cảnh vật khác, mùa đông lá rụng, thiên nhiên héo tàn,
cảnh vật u tối, ảm đạm theo đúng quy luật tự nhiên để mùa xuân đâm chồi nảy lộc thì cây cối ở đây lại
đi trái với quy luật đó. Điều đó cho ta thấy được sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên nơi đây
luôn mạnh mẽ, luôn trỗi dậy cho dù mùa đông có giá lạnh cỡ nào thì hoa vẫn đỏ, rừng vẫn xanh. “Hoa
chuối” không chỉ mọc ở ven đường, không chỉ đơn thuần là cảnh đẹp mà đó chính là nguồn sống của
con người nơi đây, bởi lẽ, có thức ăn là có sự sống. Mở đầu cho bức tranh mùa đông, là mở đầu cho sức
sống, cho chiến thắng. Những hình ảnh được sử dụng trong câu thơ này có tác dụng gợi hình, gợi cảm,
làm tăng cảm xúc độc giả giúp cho lối diễn đạt được mãnh liệt hơn. Đằng sau bức tranh đẹp đẽ đó là
đôi bàn tay của người dân cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó. Hình ảnh “đèo cao” chính là đặc trưng của Việt
Bắc, là con đường mà hàng ngày người dân phải đi qua để lên núi làm nương rẫy, kiếm thức ăn, lương
thực để trồng trọt, kiếm sống. Họ đón nhận được những ánh mặt trời, những ánh mặt trời đó như chiếu
rọi vào tâm hồn họ, xoa dịu đi sự vất vả, gợi mở một tương lai, một sự khởi động và vực dậy. Dân gian
có câu "Rừng vàng biển bạc”, nơi đây, rừng chính là cái nổi cuộc sống của họ, là nơi họ gắn bó, làm việc
để kiếm sống hàng ngày. Những cụm từ “rừng xanh’’, ‘’đèo cao” với “dao gài thắt lưng" là hình ảnh quá
đỗi thân thuộc của lao động vùng núi, thể hiện sự chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó, hăng say
công việc. Sau những tháng ngày gian khổ để giành độc lập thì giờ đây, họ là những người đang xây
dựng đất nước phát triển một cách thầm lặng, một đức tính vô cùng cao quý của nhân dân ta.

Nếu như mùa đông đón ta với hình ảnh “rừng xanh”, “hoa chuối đỏ” thì giờ đây, tác giả đưa
người đọc đến với bức tranh mùa xuân trong trẻo, trắng tinh khôi của "hoa mơ":

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.”

Hai chữ ‘’trắng rừng’’ như bao trọn hết những mơ mộng, lấn át hết cả những xanh tươi của lá,
bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng dịu dàng của hoa mơ. Động từ ‘’nở’’ làm cho sức sống mùa xuân
lan tỏa và tràn đầy nhựa sống. Nhà thơ đã chọn dùng từ ‘’ngày xuân’’ thay cho ‘’mùa xuân’’ tựa như
cách ông biểu hiện nỗi nhớ sâu sắc cho từng ngày tháng với chiến khu thật ý nhị và tinh tế. Bức tranh ấy
càng trở nên tươi tắn hơn nữa bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người với hoạt động ‘’chuốt từng sợi
giang’’. Chi tiết “từng sợi” cho thấy sự tỉ mỉ, cẩn thận, chú tâm công việc, luôn khéo léo trong công việc
của mình dù là chi tiết nhỏ nhất. Tố Hữu đã ý nhị ca ngợi tinh thần, đức tính cao đẹp của con người Việt
Bắc nơi đây. “Từng” còn thể hiện tình yêu thương cho từng sản phẩm, từng đứa con tinh thần của mình.
Bởi đức tính tỉ mĩ, luôn hết lòng vì công việc nên họ đã trở thành hậu phương vững chắc cho chiến sĩ
yên tâm trên mọi mặt trận. Xuôi theo mạch cảm xúc, những vẻ đẹp nên thơ, mơ mộng của núi rừng hiện
lên rực rỡ và tròn đầy, hạ về mang theo sự rộn rã của tiếng ve, tiếng hè thật tươi tắn và sống động:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình"

Ở bức tranh mùa đông, tác giả cảm nhận bức tranh bằng thị giác thì đến bức tranh mùa hè này,
tác giả cảm nhận bằng thính giác với tiếng ve ngày hè đang đến. Hình ảnh “rừng xanh hoa chuối”, “mơ
nở trắng rừng" rồi đến “rừng phách đổ vàng” với nhiều hình ảnh, màu sắc nổi bật khác nhau, tất cả đều
là điểm nhấn không hề có vẻ đẹp nào mờ nhạt cả. Động từ “đổ” là một động từ mạnh, diễn tả sự vàng
lên đồng loạt của cây phách đầu hè. Màu sắc cùng âm thanh như hòa quyện vào nhau, mùa hè có nắng
vàng óng ả giờ đây có thêm những rừng phách nghiêng nghiêng màu lá, tiếng ve râm ran vang vọng cả
đất trời. Một bức tranh sơn mài được vẽ nên bằng hoài niệm, lung linh ánh sáng và màu sắc, rộn rã âm
thanh như một cảnh sắc thực đang hiện ra trước mắt. Từ thính giác để lắng nghe anh thanh chuyển qua
thị giác để cảm nhận sắc màu, Tố Hữu đã vô cùng tài tình trong việc sử dụng nghệ thuật chuyển đổi
cảm giác để biến mùa hè trở nên sinh động và tràn ngập niềm vui. Hiện lên cùng với đó là hình ảnh cô
gái, có thể đó là một người mẹ, người chị, một cô gái trẻ đang cặm cụi, hăng say công việc của mình.
Qua đó, ta thấy được rằng, người phụ nữ không chỉ đẹp khi đứng cạnh những bông hoa sặc sỡ mà còn
đẹp trong cốt cách, tâm hồn, đức tính khi lao động việc làm. Một cô gái đang hái măng, thể hiện sự cô
đơn, hoang vắng giữa núi rừng, đang ngày đêm cống hiến lặng lẽ cho đất nước. Hình ảnh “măng” là
hình ảnh quen thuộc của người dân Việt Nam, là một thức ăn đạm bạc, giản dị, là một sản vật quý giá
của núi rừng, đã nuôi dưỡng người dân nơi đây. Trong bài ”Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: “Thu
ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Dù hình ảnh “măng” trong hai tác phẩm là
khác nhau nhưng vẫn hiện lên sự trân trọng những thức quà của thiên nhiên ban tặng họ.

Chia tay với hình ảnh hoa mơ, hoa chuối, ta đến với mùa thu - mùa tạo cho con người cảm giác
bình yêu bởi có sự xuất hiện của “ánh trăng":

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Bức tranh thiên nhiên êm đềm hiện ra nên thơ với ánh trăng tỏa sáng, chiếu rọi khắp khu rừng.
Động từ ‘’rọi’’ trong hình ảnh ‘’trăng rọi hòa bình’’ làm cho câu thơ mang một màu sắc tươi sáng, đầy hi
vọng về tương lai đất nước. Ánh trăng hòa bình chiếu rọi khắp chiến khu, một ngày nào đó đất nước sẽ
bình yên, chiến tranh sẽ thôi giày xéo, nhân dân được yên bình. Điều đó đã mang lại động lực để thúc
đẩy người dân nơi đây tiếp tục sống, lao động và cống hiến cho đất nước. Ánh trăng trong thơ Tố Hữu
tỏa sáng chan hòa giữa mùa thu dịu mát thanh bình, thu và trăng cùng đánh dấu thời điểm kết thúc
cuộc kháng chiến oanh liệt, cùng ‘’rọi’’ qua từng vòm cây kẽ lá, ‘’rọi’’ vào lòng kẻ ở - người đi một xúc
cảm thiêng liêng trong niềm biết ơn, trân trọng những năm tháng từng gắn bó. Giữa khung cảnh đất
trời thơ mộng ấy, đâu đấy một tiếng hát ngân lên, đó có thể là khúc ca, những lời ca cùng nhau chung
vui, chia sẻ ăn mừng chiến thắng hòa bình. Cũng có thể là lời ăn tiếng nói hàng ngày, cùng nhau trò
chuyện, cười đùa vui vẻ. Nhưng giờ đây, ta không thể ngồi lại, đoàn tụ với cùng với những con người
đó, bởi mọi thứ đã đi vào kỉ niệm, nỗi nhớ. Câu nói "ân tình thủy chung" đã khéo léo khép lại bức tranh
tứ bình trong niềm thương nhớ không nguôi, da diết, mặn nồng. Giờ đây, nhìn lại những khoảnh khắc
một thời gian khó, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau thích nghi, vượt qua những khắc nghiệt của núi
rừng nơi đây, rồi cùng ăn cơm muối mặn, cùng ngủ, cùng nằm, cùng chiến đấu hướng về tổ quốc rồi
cũng có lúc bị thương, bị sốt thì người dân nơi đây đã ân cần chăm sóc, lo lắng như một gia đình thứ
hai của họ. Tất cả đã gói gọn hai chữ “kỉ niệm”, nó đã góp mặt trong cuộc đời của mình, dù vui hay khổ
hay đau buồn, mất mát thì cũng luôn giữ lại trong mình.
Chỉ với mười câu thơ đặc sắc đó, tác giả đã mang đến cho người đọc cảm xúc khó tả. Bức tranh
thiên nhiên đầy sức sống cho dù ở bất cứ mùa nào, dù giá lạnh nhất ở nơi sương mù, đèo cao, núi rừng
hiểm trở đến những hoa mơ lan tỏa khắp không gian rồi những tiếng ve ở rừng phách, kết thúc nó với
cái kết viên mãn của hình ảnh "ánh trăng" hiền hòa, đầy sức sống, niềm vui. Ngoài tình yêu thiên nhiên
của tác giả là tình yêu đối với con người, nhờ có họ - những người dân cần cù, tỉ mỉ, cần mẫn, hăng say
yêu lao động, luôn ở phía sau, làm hậu phương vững chắc hỗ trợ chiến sĩ cách mạng và cống hiến lặng
thầm cho đất nước mà từ đó bức tranh tứ bình trở nên gần gũi, gắn liền, hòa quyện giữa con người với
thiên nhiên, hiện lên một bức tranh sinh động của cảnh vật, đức tính yêu lao động của con người. Đoạn
thơ thể hiện rất rõ phong cách thơ ông; vừa trữ tình sâu lắng, vừa đậm đà tính dân tộc. Việc sắp xếp sự
xuất hiện của các mùa trong năm thể hiện dụng ý nghệ thuật đặc biệt, từ ‘’nhớ’’ được lặp lại nhiều lần,
mỗi lần mang sắc thái khác nhau theo cấp độ tăng tiến, thể hiện những rung động chân thật, thắm thiết
của nhà thơ. Một Việt Bắc để thương, để nhớ, mãi mãi là những hồi ức đẹp đẽ nhất, đọng mãi dư âm
trong lòng người thưởng thức.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang trong mình một câu chuyện đằng sau nét chữ. Thơ ca
không giản đơn ở khía cạnh bộc lộ cảm xúc, thơ ca chân chính phải mang lại cho độc giả những cảm
xúc mãnh liệt, sự rung cảm sâu sắc để mỗi người đều mở lòng và sống một cuộc sống tinh thần tốt hơn.
Qua Việt Bắc, Tố Hữu đã vô cùng thành công khi miêu tả một bức tranh tứ bình đầy màu sắc, say đắm
lòng người ‘’bằng tình cảm là rốn cuộc đời’’ mà chính mình đã chứng kiến, cảm nhận trong những năm
tháng gắn bó với chiến khu, để lại trong tâm trí bạn đọc về một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tràn
đầy vẻ đẹp của những con người lam lũ, chịu thương chịu khó, cống hiến hết sức mình cho đất nước,
cho cách mạng. Nỗi nhớ giờ đây đã trở nên có hình khối, đưuọc nhà thơ bộc lộ rõ nét bằng một hồn
thơ nhẹ nhàng, đậm đà bản sắc dân tộc, tựa hương mộc lan dịu dàng, mơ màng và tỏa hương thơm
ngát giữa khu rừng mênh mông của thơ ca.

You might also like