Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 2

ĐỀ TÀI 3: NĂM III

SỨ VỤ CỦA LINH MỤC

Nói về sứ vụ của linh mục, Công Đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về “Chức vụ và đời sống các linh mục”
(Presbyterorum Ordinis) đã viết: “Do Chức Thánh và sứ mệnh lãnh nhận nơi các vị Giám Mục, các linh mục
được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô, là Thầy, là Linh Mục và là Vua; các ngài tham dự vào chức vụ của
Người: ngày ngày kiến tạo Giáo Hội ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh
Thần” (PO, 1). Các ngài không phải tự mình mà trở nên linh mục nhưng là do “chính Chúa đã cắt đặt giữa các
tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và
nhân danh Chúa Kitô họ chính thức thi hành chức vụ Linh Mục cho loài người” (PO, 2).

Như vậy, sứ vụ của linh mục tóm gọn trong ba phương diện sau: Ngôn sứ, Tư tế và Lãnh đạo.

1. LINH MỤC LÀ NGÔN SỨ - NGƯỜI CỦA TIN MỪNG

Loan báo Lời Chúa là sứ mạng hàng đầu của linh mục: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và sống điều
con dạy” (Huấn từ của ĐGM trong Nghi Thức Truyền Chức Linh mục). Thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, đang
cần được loan báo Tin Mừng, nên trách nhiệm này ngày càng trở thành khẩn thiết. Vì thế, linh mục cần hiểu biết,
yêu mến và thấm nhuần Tin Mừng để nhiệt thành loan báo Lời Chúa cho mọi người.

Để tác vụ Lời Chúa đạt nhiều kết quả, linh mục cần dành ưu tiên cho chứng tá đời sống, nó biểu lộ sức mạnh của
tình yêu Thiên Chúa và làm cho lời rao giảng thêm tính thuyết phục. Bổn phận người rao giảng là thông truyền
Lời Chúa để giúp mọi người hoán cải và nên thánh. Vì thế, không được giải thích tuỳ tiện hay làm sai lệch hoặc
thay đổi nội dung sứ điệp, nhưng luôn cố gắng diễn đạt cách trung thực để Lời Chúa được đón nhận, thấu hiểu
và thi hành, cách riêng là trong giảng lễ và dạy giáo lý (KCN, 62). Trong bổn phận thi hành chức năng ngôn sứ
của mình, linh mục luôn chú ý tới việc truyền giáo, đặc biệt là truyền giáo cho những người chưa nhận biết
Chúa. Ý thức truyền giáo phải luôn sống động mạnh mẽ trong tâm hồn linh mục. Lòng yêu thương các linh hồn
và sự nhiệt thành tông đồ sẽ giúp linh mục sẵn sàng đi đến phục vụ ở những giáo điểm xa xôi thiếu thốn khi
được Đức Giám mục giáo phận đề nghị.

Với sự cộng tác của cộng đoàn Kitô hữu, linh mục tìm cách giới thiệu Chúa cho anh em chưa nhận biết Chúa, tạo
điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu giáo lý và nâng đỡ đức tin người dự tòng. Những cuộc thăm viếng, những
hoạt động từ thiện, bác ái, văn hoá, thể thao,… cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc Phúc Âm hoá.

2. LINH MỤC LÀ TƯ TẾ (PO, 5)

Là thừa tác viên của Đức Kitô, linh mục thi hành Chức Tư tế qua việc cử hành phụng vụ, nhất là các Bí tích. Để
khỏi rơi vào thái độ duy hình thức, linh mục phải sống và giúp giáo dân sống đầy đủ ý nghĩa của các Bí tích.

Trong 7 bí tích thì bí tích Thánh Thể là trung tâm và là cao điểm của đời sống Hội Thánh. Khi cử hành Thánh
Lễ, linh mục đặt vào đó tất cả tâm trí của mình, cũng như giúp cộng đoàn tích cực tham dự cùng sốt sắng lãnh
nhận Lời Chúa và Mình Chúa. Ngoài ra, trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay, nhiều người đã đánh mất ý thức
về tội. Vì thế, linh mục cần huấn luyện lương tâm cho giáo dân để họ biết nhận định đúng đắn về tội lỗi.

Khi siêng năng và sốt sắng cử hành Bí tích Hoà Giải trong tinh thần hy sinh, quảng đại, nhẫn nại và khôn
ngoan, linh mục sẽ làm hiện rõ lòng thương xót và nhân từ của Chúa Giêsu Cứu Thế. Bí tích Hoà giải đưa
người tội lỗi trở về, gặp lại Thiên Chúa là Đấng yêu thương tha thứ, chứ không phải là một sinh hoạt thuần tuý
tâm lý. Dù số hối nhân có quá đông, cũng không nên giảm thiểu việc cử hành Bí tích thành một việc mang tính
hình thức. Vào những dịp có đông người xưng tội, các linh mục hãy sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

Luôn ý thức rằng Bí tích là những phương tiện chuyển thông ơn thánh, linh mục sẽ tìm cách làm sao cho các Bí
tích mang lại hiệu quả dồi dào cho đời sống giáo dân. Luôn tuân thủ những quy định của Giáo luật.

3. LINH MỤC LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO (TRONG TƯ CÁCH LÀ MỤC TỬ)

Được xức dầu Thánh Thần, như Đức Kitô là Đầu và là Mục tử, linh mục được sai đến với mọi người trong tư
1
cách mục tử tốt lành của đoàn chiên. Vì thế, noi gương Đức Kitô, Thủ lãnh các Mục tử, linh mục sẽ yêu thương
gắn bó, lo lắng, tận tụy và hy sinh vì đoàn chiên. Đoàn chiên này bao gồm cả những tín hữu lẫn những người
chưa gia nhập Hội Thánh (KCN, 77).

Tình yêu của Đức Kitô luôn thúc bách các linh mục trong sứ vụ tông đồ. Đức ái mục vụ là nguyên lý nội tại, là
nhân đức thôi thúc đời sống thiêng liêng và sức năng động hướng dẫn mọi hoạt động mục vụ của linh mục, có
khả năng thống nhất đời sống nội tâm với những sinh hoạt đa dạng và phức tạp. Sự thống nhất ấy dựa trên một
lựa chọn căn bản, đó là sống như Đức Kitô đã sống, thực thi ý muốn của Chúa Cha và hoàn thành sứ mạng
Chúa Cha đã trao. Với đức ái mục vụ, linh mục diễn tả hành vi và phong cách của Đức Kitô Mục tử đến chỗ tận
hiến mình để mưu ích cho đoàn chiên. Đành rằng những gì linh mục đã làm được vẫn có giá trị, nhưng chính
tấm lòng quảng đại trao hiến chính mình mới biểu lộ rõ ràng tình yêu cao cả của Đức Kitô dành cho đoàn chiên.
Thái độ căn bản của người mục tử là luôn tin tưởng vào sứ mạng của mình: làm vinh Danh Chúa và cứu rỗi các
linh hồn. Sứ mạng này được thực hiện trong hy sinh thập giá và chắc chắn sẽ kết trái trong vinh quang phục
sinh. Có tin tưởng vào sứ mạng, linh mục mới phấn khởi thi hành tác vụ tôi tớ và mới dám liều mạng sống
mình vì Chúa và vì đoàn chiên (PDV, 11-18).

Để có thể trung thành và chu toàn tác vụ mục tử, linh mục phải là người nhiệt thành quảng đại, tận tụy hy
sinh, khiêm tốn, hiền lành, kiên trì, nhẫn nại, nhân hậu, bao dung,... Trong tư cách lãnh đạo, linh mục phải
gương mẫu, uy tín, can đảm, bình tĩnh, chân thành... Cũng cần trang bị cho mình những khả năng cần thiết:
sự khôn ngoan, tính thực tế trong thuật lãnh đạo, cách xử thế, sự hiểu biết giáo dân, đắc nhân tâm ,... Khi
phục vụ Dân Chúa, linh mục biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá cũng như vai trò đặc biệt của giáo dân, biết
lắng nghe và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của họ, biết đón nhận những kinh nghiệm và khả năng
của họ trong những lãnh vực chuyên môn. Linh mục cần quan tâm đến tất cả mọi thành phần, các hội đoàn
trong giáo xứ, luôn hướng dẫn, nâng đỡ họ sống Phúc Âm; cố gắng loại trừ những tranh chấp, chia rẽ và bất
hoà.

Việc giúp đỡ những người nghèo khổ trong giáo xứ vẫn luôn là lời chứng hùng hồn cho tình bác ái Kitô giáo.
Linh mục sẽ quan tâm thăm viếng, an ủi, trợ giúp, luôn tôn trọng nhân phẩm người nghèo và nếu được, tìm cách
giúp họ thoát khỏi thảm cảnh nghèo đói. Đối với những ngừơi già yếu, bệnh tật, linh mục cần cảm thông, an ủi,
động viên tinh thần và nâng đỡ vật chất, giúp họ nhận ra ý nghĩa tích cực của đau khổ để quảng đại thông phần
vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Linh mục luôn mau mắn ban bí tích Xức dầu và thường xuyên trao
Mình Thánh Chúa để họ đón nhận sức mạnh và tình yêu của Chúa và Hội Thánh.

Những tội nhân công khai cũng không bị loại trừ khỏi đức ái mục vụ. Noi gương Đấng đã đến để tìm kiếm và
cứu chữa những gì đã hư mất, linh mục vẫn dành cho họ sự đối xử bác ái nhất. Cả khi gặp sự chống đối, linh
mục vẫn giữ thái độ bình tĩnh và khoan dung. Tránh dùng các biện pháp chế tài, và nhất là đừng lạm dụng các
Bí tích như những phương tiện trừng phạt.

KẾT LUẬN

Là những ứng sinh linh mục tương lai, mỗi người chúng ta hãy nhìn lên mẫu gương Đức Kitô – Vị Mục Tử
Nhân Lành bằng cầu nguyện, học hỏi, luyện tập mỗi ngày để nếu Chúa muốn mình trở thành linh mục của Chúa
thì sẽ là một linh mục như lòng Chúa mong ước và giáo dân mong đợi.

THẢO LUẬN

1. Hãy đọc kỹ chủ đề ở nhà. Lên lớp chia nhóm thảo luận chủ đề khoảng 30 phút. Số thời gian còn lại yêu cầu
các nhóm cử người thuyết trình vấn đề nhóm thảo luận.
2. Bạn hãy kể về một mẫu gương linh mục đã in sâu vào tâm hồn bạn.
3. Bạn hướng tới một mẫu gương linh mục như thế nào? Mỗi ngày bạn đã làm gì để hướng tới mẫu gương đó?
Ban MVOG
Ghi chú:
PO: Presbyterorum Ordinis (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các linh mục);
KCN: Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục.
PDV: Pastores Dabo Vobis: Những mục tử như lòng Chúa mong ước.

You might also like