CHIẾC LƯỢC NGÀ. ÔNG SÁU

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Banlzac đã từng nói: “Nhà văn phải là nhà thư ký trung thành của thời đại”.

Những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được ghi chép
lại bởi nhiều tác giả, tái hiện trong biết bao tác phẩm văn học để đời, lưu dấu mãi
cho đến tận ngày nay. Trong đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng với truyện ngắn
“Chiếc lược ngà” không thể không được kể đến. Truyện đã cho người đọc thấu
hiểu, cảm nhận tình cha con thiêng liêng, sâu sắc mà ông Sáu dành cho bé thu
trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
Ra đời năm 1966- thời điểm gay go, ác liệt bậc nhất của cuộc kháng chiến
chống Mĩ tại chiến trường Nam Bộ, đoạn trích “Chiếc lược ngà” mở đầu bằng cuộc
gặp nhau sau tám năm xa cách của hai cha con, bé Thu lại không nhận ông Sáu là
ba vì vết sẹo dài trên má đã khiến ông khác đi, đến lúc nhận ra thì cũng là lúc ông
Sáu phải lên đường. Ở căn cứ, ông Sáu ngày đêm mong ngóng được trở về cùng
con, nhưng tiếc thay, hi sinh cận kề, ông chỉ kịp gửi lại chiếc lược ngà cho bạn
mình mà không một lời trăng trối.
Ông Sáu dành một tình yêu sâu đậm, da diết dành cho con trong những ngày
ở nhà. Sau tám năm xa cách, ông cuối cùng cũng có dịp về thăm nhà. Sự xúc động,
vui sướng của ông Sáu được thể hiện trên suốt quãng đường đi. Ông “cứ nôn nao”,
“không thể chờ xuồng vào bến”, “nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra
…”. Tiếng gọi “Thu! Con” của ông như một sự kìm nén được bộc lộ ra, với hi
vọng con sẽ chạy xô đến và ôm chầm lấy mình. Nào ngờ, bé Thu đã từ chối nó,
còn là từ chối một cách thật “kì lạ” đối với ông. Con bé ngơ ngác khi nghe gọi tên,
cảm giác sợ sệt khi nhìn vào vết thẹo đỏ ửng của ông rồi vội vã bỏ chạy. Điều này
làm ông tủi hổ, đau đớn vô cùng. Liệu đó có phải là vì tình thương con chất chứa
trong tám năm đằng đẵng trên chiến trường của ông lại bị gạt đi một cách phũ
phàng và đường đột đến như vậy?
Tình cảm của ông Sáu đối với con còn được thể hiện trong ba ngày nghỉ
phép sau đó, khi ông cố gắng để thay đổi thái độ của con. Ông chẳng đi đâu xa,
luôn ở cạnh vỗ về con. Nhưng đứa bé lại bướng bĩnh, mẹ kêu gọi ba vào ăn cơm
thì không chịu gọi, rồi chỉ gọi trổng lên: “Vô ăn cơm”, “cơm chín rồi” khiến ông
Sáu chỉ biết “quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu cười”. Mọi thứ được đẩy lên
đỉnh điể khi ông Sáu không giữ được mình mà vung tay đánh con trong bữa cơm
khi nó hất văng cái trứng cá ông gắp cho nó. Rõ ràng ông chẳng hề có ý định làm
vậy, nhưng sao đứa con cứ mãi như thế? Chiến tranh đã thay đổi cuộc đời ông,
bom đạn đã làm mất đi hình hài xưa kia của ông, nếu như không là chiến tranh thì
đã không có vết thẹo, mà không có nó, con gái có lẽ đã nhận ông là ba ngay từ
đầu?
Mọi sự đau đớn, buồn tủi của ông Sáu cuối cùng cũng kết thúc bằng tiếng
gọi “ba” thốt lên đầy tha thiết từ đứa con nhỏ lúc chia tay khiến ông vỡ òa trong
hạnh phúc, “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Vì tiếng gọi của Tổ
quốc, một người lính cách mạng như ông đã gác lại tình cảm riêng để quay lại
chiến trường, nhưng không có nghĩa tình yêu với con của ông bị vơi đi mà còn trở
nên mãnh liệt, cảm động gấp bội phần.
Tình cảm của ông Sáu dành cho con không chỉ được thể hiện trong những
ngày ở nhà mà con sâu đậm hơn thế khi trở về căn cứ kháng chiến. Nó đan xen
giữa niềm thương, nỗi nhớ con gái và sự day dứt, ân hận khôn nguôi vì đã nỡ lòng
đánh con. Ông mang theo lời hẹn ước của con: “Ba về! ba mua cho con một cây
lược nghe ba”. Hôm đó, ông Sáu “hớt hải chạy về, trên tay cầm khúc ngà đưa lên
khoe…”, mặt thì “hớn hở như một đứa trẻ được quà”, qua đó có thể thấy sự vui
sướng trong ông to lớn đến nhường nào khi tìm được một khúc ngà làm lược cho
con. Những khi rảnh, ông tranh thủ cưa những chiếc răng ngà, cứ cưa thêm vài
răng, bụi ngà rơi xuống lại càng nhiều, rồi chẳng mấy chốc đã xong cây lược. Tất
cả tâm tư, tình cảm đều được ông gửi gắm vào việc tạo nên nó. Ông làm một cách
tỉ mỉ, chau chuốt như “một người thợ bạc”, kì công khắc lên hàng chữ: “yêu nhớ
tặng Thu con của ba”. Lòng thương con vô bờ ấy đã biến ông Sáu- một người
chiến sĩ- trở thành một nhà nghệ nhân chế tác ra một tác phẩm duy nhất, cũng là
đáng giá nhất trong cuộc đời- chiếc lược ngà dành cho bé Thu, một chiếc lược nhỏ
nhắn, không cầu kì nhưng kết tinh trong nó là sự đằm thắm, mộc mạc và thiêng
liêng của tình thương ông Sáu dành cho con gái. Hằng đêm, mỗi khi nhớ con, ông
lại lấy cây lược ra để nhìn ngắm rồi mài lên tóc cho thêm bóng, thêm mượt. Nó
chưa chải được lên mái tóc của con, song cũng gỡ được những nút thắt trong tâm
hồn ông Sáu, làm dịu đi nỗi ân hận và thắp lên niềm hy vọng về một ngày không
xa được gặp lại và trao tận tay món quà đó cho con bé.
Đau đớn thay, sau tất cả, cuộc đời lại dẫn người lính cách mạng này đến một
đoạn kết thật đau thương. Chưa kịp tặng cây lược cho con, ông Sáu đã hi sinh
trong một trận càn lớn của quân Mĩ-ngụy. Trước lúc nhắm mắt đi xuôi, ông trao lại
chiếc lược ngà- một biểu tượng sáng trong, bất diệt của tình cảm giữa cha con ông
cho ông Ba- một chiến hữu thân thiết, với cái nhìn tha thiết, nhờ ông trao lại cho
con gái. Đến lúc nghe được ông Ba trả lời: “Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu”,
ông Sáu mới có thể an lòng mà rời khỏi thế gian. Như những câu hát trong bài
“Tình cha”: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương/ Ngọt ngào như dòng nước trôi
đầu nguồn”, tình cảm của người cha đến cuối cùng vẫn là như vậy, luôn hướng về
người con mà chẳng thể đổi dời. Ông Sáu ra đi không để lại một lời trăng trối,
nhưng chính chiếc lược ngà nhỏ nhắn, hay rộng lớn hơn là tình phụ tử sâu nặng đã
là di chúc ý nghĩa nhất của ông dành cho bé Thu.
Trong xuyên suốt tác phẩm, hình tượng nhân vật ông Sáu được khắc họa là
một người cha yêu thương con vô bờ bến, để lại trong lòng bạn đọc bao xúc cảm
và mến phục, cũng là nhờ một phần không nhỏ ở cách miêu tả và xây dựng tính
cách nhân vật của Nguyễn Quang Sáng. Tác giả đã đặt nhân vật trung tâm của
mình vào một tình huống tuy bất ngờ nhưng cũng thật hợp lí, bộc lộ tâm tư của
nhân vật một cách thật tự nhiên với những từ ngữ địa phương Nam Bộ. Bên cạnh
đó, với cách chọn ngôi kể thứ nhất với người bạn tâm giao- ông Ba là người dẫn
mạch truyện, tác giả đã cho người đọc một cái nhìn khách quan về các sự việc
cũng như bày tỏ sự đồng cảm với nhân vật ông Sáu.
Có thể khẳng định rằng, chiến tranh đã qua đi từ ngày thống nhất lịch sử,
song truyện ngắn “Chiếc lược ngà” vẫn giữ cho mình một sức sống mãnh liệt cho
đến hiện tại. Nổi bật hơn hết là tình cha con sâu nặng giữa ông Sáu và con, cũng
như gợi lên nỗi đau thương của chiến tranh gây mất mát, tan hoang cho biết bao
gia đình. Từ đó, mỗi chúng ta càng phải trân trọng tình phụ tử đồng thời phải trân
quý, gìn giữ cuộc sống hòa bình ta đang được hưởng hôm nay.

You might also like