Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 2

Nghe "Vào hạ", nhớ Lê Hựu Hà

Lê Hựu Hà- Một con người đi trước thời của mình, để lại
những bài hát cho dù tưởng như hồn nhiên vô tư, vẫn ẩn
chứa trong đó những suy ngẫm của cả một đời nghệ sĩ với
nhiều ước vọng còn dang dở…
Những ngày đầu hạ tới, đi ra đường, tỉ lệ nghe được bài "Vào hạ" của nhạc sĩ Lê Hựu Hà là rất
cao, cũng như dịp Tết thế nào cũng có lúc ta nghe được bài "Điệp khúc mùa Xuân" của Quốc
Dũng. Và khi những câu hát quen thuộc vang lên: "Trời nhẹ dần lên cao, hồn tôi dường như
bóng chim"… thì ta chợt nhớ vậy là tác giả bài hát ấy đã về tới "chốn nao bình yên" của mình đã
15 năm rồi (mất ngày 11-5-2003, vì tai biến mạch máu não). 15 năm ấy, âm nhạc đại chúng ở
Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhưng bài "Vào hạ" và nhiều ca khúc nổi tiếng của Lê Hựu Hà
vẫn còn đó, cứ được hát, được vang lên rộn ràng…

Cháy bỏng tình yêu đời, yêu người

Trong bài "Vào hạ" có một câu hát: "Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời/đời bọt bèo phù du kiếp
người/dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười/ vì đời còn mùa hạ tươi vui/ và lòng còn nhiều điều
muốn nói…", tưởng như bâng quơ thôi nhưng qua đó người ta nhớ và liên tưởng đến con
đường âm nhạc mà nhạc sĩ Lê Hựu Hà và các đồng môn của mình đã đi, từ thuở ra đời dòng
nhạc mang tên Phượng Hoàng khuấy động âm nhạc miền Nam đầu những năm 1970.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà Ảnh: TƯ LIỆU

Bài hát đang rất rộn ràng, đến đây như chùng lại vì một câu suy tư, một lời triết lý rất giản dị về
cuộc đời. Chính những suy tư ấy đã làm nên sự khác biệt, làm nên chỗ đứng của Lê Hựu Hà
ngay từ khi mới xuất hiện trong giới âm nhạc. Phượng Hoàng là cái tên ban nhạc nhưng bây
giờ nhắc tới người ta thường hiểu đó là một dòng ca khúc được Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung
Cang viết ra hơn 40 năm trước, cùng với tiếng hát Elvis Phương. Sau này, những bài hát ấy dù
được nhiều ca sĩ khác hát lại thì dấu ấn của bộ ba "huyền thoại" kia vẫn khó phai mờ.

Giữa giai đoạn nhạc boléro, nhạc tình vẫn đang là thời thượng, âm nhạc của Lê Hựu Hà như
mang tính dự báo, đi trước thời đại. Người ta đang vỗ về an ủi nhau trong những mối tình sướt
mướt thì Lê Hựu Hà kêu gọi: "Bạn thân ơi cố gắng yêu thương đời, dù đời không yêu ta hãy cứ
yêu thương hoài"… (Yêu người và yêu đời); "Hãy nhìn xuống chân biết bao người khốn cùng,
sống đời tối tăm như loài giun" (Hãy nhìn xuống chân); "Hãy vui lên bạn ơi, thời gian chẳng cho
ta một giờ để cười" (Hãy vui lên bạn ơi)… toàn là những câu hát cháy bỏng một tình yêu đời
yêu người, như thể anh rất sốt ruột với những lâm ly buồn bã xung quanh nên phải tìm cách
xốc người ta lên bằng tiết điệu rock với những bài ca thôi thúc như thế.

Như những kẻ lạc thời


Nhưng có vẻ như ngay cả ở giai đoạn nổi tiếng nhất, Lê Hựu Hà và ban nhạc Phượng Hoàng
vẫn như những kẻ lạc thời. Họ đi trước thời đại hơi nhanh, khi số đông dường như chưa bắt kịp
được với tư duy âm nhạc mới mẻ như thế, trong khi đây lại là loại âm nhạc cần có số đông,
hướng tới số đông. Sau này, khi Lê Hựu Hà chuyển hẳn qua viết tình ca cho nhiều ca sĩ hát, có
những bài hát trở thành hit (ăn khách) rất đình đám, được đông đảo khán - thính giả biết đến và
yêu thích, không biết tâm trạng của ông thế nào, bởi khi ông cần nhiều người nghe nhạc của
mình nhất, hình như số đông ấy còn… chưa kịp ra đời.

Dù sao, ở giai đoạn sung sức nhất trong âm nhạc, Lê Hựu Hà đã may mắn có được một tiếng
hát như Elvis Phương để truyền tải được những chất ngất, những dồn nén trong tâm tư của
mình thể hiện qua từng bài hát. Họ cùng nhau làm nên một thời trong đời sống âm nhạc. Vào
những năm sau, khi không còn viết nhạc như thời trong ban Phượng Hoàng nữa, Lê Hựu Hà lại
may mắn một lần nữa có được bên mình giọng hát nổi tiếng nhất nhì Việt Nam - ca sĩ Nhã
Phương. Nhã Phương đã là nguồn cảm hứng để Lê Hựu Hà viết nên những bài tình ca đẹp
nhất một thời: "Hãy yêu như chưa yêu lần nào", "Chờ một tiếng yêu", "Vị ngọt đôi môi"… Nhã
Phương có đủ độ nồng nàn để những bản tình ca như thế thăng hoa, có lẽ Lê Hựu Hà cũng
không cần thêm một Elvis Phương thứ hai, bởi thời thế đã khác, âm nhạc của chính nhạc sĩ
cũng đã khác.

Tuy nhiên, bài "Vào hạ", viết ở giai đoạn cuối thập niên 1980, cho Nhã Phương hát, lại giống
như một sự trở về với những âm thanh, tiết tấu và màu sắc âm nhạc của thời Phượng Hoàng,
vì thế nó rất khác với những bài Lê Hựu Hà viết ra trong giai đoạn này, đa số là tình ca.

Bây giờ, trong sự trở lại ồn ào của các dòng nhạc thời trước, nhắc tới Lê Hựu Hà có thể cái tên
ấy không thời thượng bằng nhiều cái tên khác. Nhưng có lẽ số phận đã an bài cho người nhạc
sĩ ấy một cuộc đời, một sự nghiệp như vậy. Một con người đi trước thời của mình và chấp nhận
đứng sau vùng sáng của những ngôi sao, để lại những bài hát cho dù tưởng như hồn nhiên vô
tư, vẫn không quên gửi gắm trong đó những suy ngẫm của cả một đời nghệ sĩ với nhiều ước
vọng còn dang dở…

Một chốn nương náu khác

Ngày nay, lần giở lại những bài hát Lê Hựu Hà đã viết, nghe lại những bản thu âm nhuốm màu
thời gian, chợt thấy là ngay ở giai đoạn Phượng Hoàng, thời của những bài ca hừng hực sự
dấn thân với đời, Lê Hựu Hà có một chốn nương náu khác để những lời ca tình tứ thật đẹp ra
đời, làm nền tảng cho giai đoạn tình ca sau này, đó là soạn lời Việt cho những bản nhạc Âu -
Mỹ được du nhập vào Sài Gòn khi đó. Có tới cả trăm bài đã được Lê Hựu Hà viết lời Việt cho
những ca sĩ trào lưu nhạc trẻ thập niên 1970 hát, có những bài mà phần lời Việt đã trở thành
"kinh điển" thậm chí nhiều người còn quên đi cả bản gốc, như "Nỗi đau dịu dàng" (Killing me
softly), "Đồng xanh" (Green fields) và đây cũng là một mảng quan trọng trong tàng thư âm nhạc
mà ông để lại, sau khi chia tay cuộc đời 15 năm trước.

MINH ĐỨC

You might also like