Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

2 THU NHẬP, 0 CON CÁI - LÀ ÍCH KỶ HAY SỐNG CHO BẢN THÂN?

DINK - Dual Income, No Kids - Gấp đôi thu nhập, không con cái là một trào lưu rất
phổ biến tại các nước phương Tây. Và trong những năm gần đây, đang có xu hướng
“nhập tịch” ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Và Việt Nam cũng bị tác
động ít nhiều từ trào lưu này. Vậy, 2 thu nhập, 0 con cái, liệu có phải một lối sống ích
kỷ, đi ngược lại với truyền thông vốn có, hay chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn sống
cho bản thân và tận hưởng của sống riêng của mình?

1. Tại sao lại lựa chọn lối sống DINK?


So với thế hệ của ông bà, cha mẹ, rõ ràng tư tưởng của chúng ta đã có sự thay đổi
đáng kể. Thay vì chọn cách lập gia đình sớm, sinh con đẻ cái càng nhiều càng tốt để lo
hương hỏa ông bà, thì người trẻ ngày càng có xu hướng “trì hoãn” việc cưới xin và
hạn chế có con trong giai đoạn phát triển sự nghiệp. Do đó, nhìn chung, việc một
người lựa chọn lối sống DINK 2 thu nhập - 0 con cái xuất phát từ hai lý do chính: Sự
tối ưu về mặt tài chính và Sự tự do thoải mái khi không có sự ràng buộc về con cái.

Đầu tiên, hãy cùng nói về sự tối ưu về mặt tài chính


Có rất nhiều người cho rằng “hôn nhân chính là nấm mồ của tình yêu”. Nguyên nhân
xuất phát của quan niệm này là bởi, sau khi kết hôn, có quá nhiều thứ cần phải lo lắng,
ngay cả khi yêu nhau cả hai cũng không thể ngờ tới được. Không có thời gian cho
nhau vì cả hai bận kiếm tiền để lo chu toàn hai bên nội ngoại, chưa kể đến các thể loại
mời cưới, sinh nhật,.... ti tỉ thứ trên đời cần dùng đến tiền. Mà trong đó, số tiền chi cho
việc sinh con, nuôi con, phát triển cho con đã tốn phần lớn quỹ tài chính của mỗi gia
đình.

Đặc biệt, tại những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, với chi phí sinh
hoạt đắt đỏ, cộng với giá của bất động sản luôn ở mức cao ngất ngưỡng, việc một
người làm công ăn lương bình thường sở hữu nhà và đất không phải là chuyện dễ
dàng gì. Tiền thuê nhà hằng tháng luôn chiếm một phần lớn trong ngân sách chi tiêu
của một gia đình. Đồng thời, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ từ lúc sơ sinh cho đến
khi chúng có khả năng tự lập là một con số khổng lồ. Chưa kể đến việc, làm sao để tạo
điều kiện tốt nhất cho con mình sinh hoạt, học tập lại là một bài toán khác. Chỉ với
những phép liệt kê đơn giản như vậy đã có thể thấy được một thực tại rằng, nếu bạn
không có con, cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

Ngoài ra, trong những năm trở lại gần đây, nhất là sau cuộc Đại suy thoái toàn cầu,
việc có được một công việc ổn định, tự nuôi sống được bản thân và gia đình của mình
gần như trở thành một lẽ sống tất yếu. Với phương châm “bán mình cho tư bản” nhiều
người trẻ chọn cách lao đầu vào công việc để có thể tận hưởng nhiều dịch vụ giải trí
hơn, đi được nhiều nơi hơn, thay vì nghỉ việc và ở nhà chăm con. Với rất nhiều “giai
thoại”, những “tấm gương” từ những thế hệ đi trước, câu chuyện người phụ nữ “ăn
bám” chồng dường như trở thành một nỗi ám ảnh khó mà có thể phai nhạt đi trong
người trẻ. Do đó, để đánh đổi việc sinh ra thêm một đứa trẻ, gánh lấy thêm trên vai
một khoản chi tiêu khổng lồ nữa, thà rằng chọn lấy nhau, và nhân đôi tài chính lại là
sự lựa chọn nghe hợp lý hơn cả.

Chính vì vậy, việc không có con, đồng nghĩa với câu chuyện, bạn đã tiết kiệm được
một số tiền kha khá. Với khoản tiền này, bạn đã có thể dùng chúng để tận hưởng cuộc
sống, mua thời gian cho mình bằng các máy móc hiện đại để trợ lực mà không cần
phải tính toán quá nhiều thứ khác. Điều này là không gì bàn cãi.

Tiếp theo, đó chính là sự tự do và thoải mái khi không vướng bận con cái
Không cần nhìn đi đâu quá xa vời, trong chính gia đình của bạn đây thôi, bố mẹ đi đâu
việc đầu tiên cũng phải nghĩ đến con, làm gì, ăn gì, mua gì cũng sẽ nghĩ đến con. Nếu
xét về khía cạnh tình cảm gia đình, đó là điều tốt, nhưng nếu nhìn nhận ở phương diện
sức khoẻ tinh thần, thì chưa chắc. Bởi lẽ, khi một người dành quá nhiều sự quan tâm
đến cho một người, sự vật, hiện tượng, về lâu về dài dù ít dù nhiều sẽ cũng khiến bản
thân mệt mỏi. Áp lực phải nuôi dạy một đứa trẻ thành người tốt, có ích cho xã hội từ
lâu đã trở thành một “nghĩa vụ” bắt buộc đối với đấng sinh thành. Dù bạn có nuôi dạy
chúng tốt đến đâu, nhưng chỉ cần chúng phạm lỗi, thì tất cả mọi sai lầm đều do bạn.
Việc nuôi dạy một đứa trẻ không giống với việc huấn luyện thú cưng. Nó phức tạp
hơn rất nhiều.

Như đã đề cập ở trên, việc bạn không có con sẽ giúp bạn dư dả rất nhiều về mặt thời
gian. Bạn có toàn bộ thời gian cho mình, cho đối phương, không phải chia năm xẻ bảy
để chăm lo cho một đứa trẻ ăn hoặc phải tốn hàng giờ để dạy chúng học.

2. Rủi ro khi lựa chọn DINK


Trong bất kỳ vấn đề gì, đều sẽ có hai mặt của chúng, DINK cũng vậy. Câu hỏi đặt ra ở
đây là, “liệu lựa chọn DINK có thực sự xứng đáng hay không?” bởi lẽ bạn sẽ bỏ qua
giai đoạn tốt nhất để sinh nở, bạn sẽ chậm hơn hoặc không thể cảm nhận được cảm
giác hạnh phúc khi chào đón một sinh linh chào đời. Và hơn hết, là bạn phải đối mặt
với định kiến của xã hội, đặc biệt là từ bố mẹ của cả hai.

Khoảng cách thế hệ là một trong những thách thức lớn nhất cho những ai lựa chọn
DINK. Áp lực về việc phải “sinh cho cụ một đứa cháu để bồng” phải sinh một thằng
nhóc để nối dõi tông đường, phải thế này phải thế kia bla bla,... điều này ảnh hưởng
rất lớn đến cảm xúc và chất lượng đời sống vợ chồng. Trong trường hợp các đôi có sự
phụ thuộc về mặt kinh tế đối với gia đình gốc, vấn đề sẽ càng thêm nan giải nếu phụ
huynh có những “trừng phạt” về kinh tế và mối quan hệ.

Ngoài ra, bất kỳ ai lựa chọn DINK đều có khả năng phải đối mặt với một định kiến về
việc không sinh con là biểu hiện của sự ích kỷ và lối sống hưởng thụ. Trước những
kiểu công kích này, nếu bạn không phải là một người có một trái tim sắc đá, một cái
đầu đủ lạnh để bình tâm, thì quả thật sẽ là một đòn tâm lý nặng nề.

Đồng thời, DINK không phải là lựa chọn của mình bạn, mà phải xuất phát từ cả hai
phía. Bạn cần phải thuyết phục đối phương, nếu không sẽ rất khó để hoà hợp và duy
trì cuộc sống hôn nhân. Nếu kết quả không như mong muốn, buộc một trong hai phải
chọn bước từ bỏ, hoặc là bạn từ bỏ DINK, hoặc là bạn từ bỏ cuộc hôn nhân này. Bất
kể sự lựa chọn nào đều đi đến một kết quả không mong muốn và đau lòng.

Tuy nhiên, có rất nhiều sẽ lầm tưởng DINK là cả một đời người. Nhưng không, DINK
chỉ đơn giản là sự lựa chọn ở một giai đoạn nhất định của đời người mà thôi. Do đó,
bạn hoàn toàn có thể lựa chọn việc có con ở giai đoạn sau, khi bạn 40 50 tuổi. Điều đó
không có gì sai cả, miễn là bạn đã sẵn sàng chào đón một sinh linh đến với cuộc đời
của mình.

3. Kết luận
DINK là một phong cách sống mới, và rất khó để mọi người có thể chấp nhận nó ngay
lập tức. Điều này cũng từng xảy ra với việc “sống thử trước hôn nhân” của thế hệ
trước. Lựa chọn DINK là một quan điểm của mỗi người, mà cái gì đã thuộc về quan
điểm sẽ rất khó để phân định đúng và sai, chỉ có thích hợp hay không đối với từng cá
nhân cụ thể. Việc có một đứa trẻ trong cuộc sống của mình, chắc hẳn đó là niềm hạnh
phúc và rất đỗi thiêng liêng. Nhưng, nếu có bất kỳ ai lựa chọn hạnh phúc theo hướng
ngược lại, thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường, vì đó là lựa chọn của mỗi người.

DINK không phải là tất cả, và nó không phải là yếu tố thành bại để quyết định liệu
rằng cuộc sống của bạn có hạnh phúc hay không. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn
DINK, bạn cần phải cân nhắc và suy nghĩ rất nhiều. Như đã nói trước đó, bạn hoàn
toàn có thể thay đổi quan điểm khi đã ở tuổi 40 50. Nhưng, bạn cũng cần chuẩn bị tinh
thần và tâm lý để đối mặt với thực tại, đây không phải là độ tuổi lý tưởng để mang thai
và sinh con. Cũng như việc ở độ tuổi này rất khó có con, thậm chí là không thể.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở một thời đại đã cởi mở hơn rất nhiều, cho phép tất cả
chúng ta được phép trải nghiệm và cá nhân hoá hơn bao giờ hết. Có rất nhiều sự lựa
chọn, và DINK cũng chỉ là một sự lựa chọn. Hạnh phúc có rất nhiều cách định nghĩa,
và mỗi người sẽ chọn cho mình một cách khác nhau. Vì vậy, không có gì đáng lên án,
cũng không có gì đáng xấu hổ nếu bạn lựa chọn DINK. Học cách yêu sự lựa chọn của
bản thân và tôn trọng quyết định của người khác, là điều mà chúng ta cần học.

You might also like