Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 1

The New City Catechism

Giáo Lý Vấn Đáp


Thành Phố Mới
PHẦN 1
Đức Chúa Trời, Sự Sáng Tạo,
Sự Sa Ngã, Và Luật Pháp

Q1
Hy vọng duy nhất của chúng ta
khi sống và chết là gì?
Đó là chúng ta không thuộc về
mình, mà cả thân thể và linh hồn
đều thuộc về Chúa và Chúa Cứu
Thế Jêsus của chúng ta.

Q2
Đức Chúa Trời là ai?
Đức Chúa Trời là đấng sáng tạo và
duy trì tất cả mọi người và tất cả
mọi thứ. Ngài là vĩnh hằng, vô
hạn, và không hề thay đổi về
quyền năng và sự trọn vẹn, lòng
nhân từ và sự vinh hiển, sự khôn
ngoan, công minh, và chân lý của
Ngài. Chẳng có gì xảy ra mà không
qua Ngài và bởi ý Ngài.

Q3
Đức Chúa Trời có mấy thân vị?
Có ba ngôi trong một Đức Chúa
Trời chân thần và hằng sống duy
nhất: Đức Chúa Cha, Đức Chúa
Con, và Đức Chúa Thánh Linh. Ba
ngôi giống nhau về bản thể, bình
đẳng về quyền năng và vinh hiển.

Q4
Đức Chúa Trời tạo dựng chúng
ta như thế nào và để làm gì?
Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta
người nam và người nữ theo hình
ảnh của Ngài để biết Ngài, yêu
Ngài, sống với Ngài, và tôn vinh
Ngài. Do đó, việc chúng ta sống để
làm vinh hiển Chúa là điều đúng
đắn.

Q5
Đức Chúa Trời còn tạo ra những
gì khác nữa?
Đức Chúa Trời đã tạo ra tất cả mọi
thứ bằng lời phán quyền năng của
Ngài, và tất cả sự tạo dựng của
Ngài đều rất tốt lành; tất cả mọi
thứ đều hưng thịnh dưới sự tể trị
yêu thương của Ngài.

Q6
Chúng ta có thể tôn vinh Chúa
như thế nào?
Chúng ta tôn vinh Chúa bằng cách
vui hưởng, yêu kính, tin cậy Ngài,
và bằng cách vâng theo ý muốn,
mệnh lệnh, và luật pháp của Ngài.

Q7
Luật pháp của Đức Chúa Trời
yêu cầu chúng ta phải làm gì?
Luật pháp yêu cầu sự vâng lời
cách cá nhân, hoàn hảo, và không
ngừng; là chúng ta yêu mến Chúa
với tất cả tấm lòng, linh hồn, lý trí
và sức lực; và yêu người lân cận
như chính mình. Những gì Chúa
cấm thì không bao giờ được làm
và những gì Chúa truyền thì luôn
luôn phải thực hiện.

Q8
Luật Pháp của Chúa trong Mười
Điều Răn dạy gì?
Trước mặt Ta, ngươi chớ có các
thần khác. Các ngươi không được
làm cho mình một thần tượng nào
theo hình dạng của bất cứ điều gì
ở trên trời cao hoặc dưới đất, hoặc
dưới nước—các ngươi không
được sấp mình trước chúng hay
thờ lạy chúng. Các ngươi không
được dùng tên Đức Chúa Trời
cách thiếu tôn kính. Phải nhớ ngày
Sa-bát và giữ làm ngày thánh. Phải
hiếu kính cha mẹ. Các ngươi
không được giết người. Các ngươi
không được ngoại tình. Các ngươi
không được trộm cắp. Các ngươi
không được làm chứng dối nghịch
cùng người khác. Các ngươi
không được tham lam.

Q9
Đức Chúa Trời yêu cầu điều gì
trong điều răn thứ nhất, thứ hai,
và thứ ba?
Thứ nhất, chúng ta phải biết và tin
cậy Chúa là Đức Chúa Trời duy
nhất chân thật và hằng sống. Thứ
hai, chúng ta phải tránh tất cả các
thần tượng và không được thờ
phượng Chúa không đúng cách.
Thứ ba, chúng ta dùng Danh của
Chúa với sự kính sợ và lòng cung
kính, tôn kính Lời và công việc của
Ngài.

Q 10
Đức Chúa Trời yêu cầu điều gì
trong điều răn thứ tư và thứ
năm?
Điều thứ tư, vào ngày Sa-bát,
chúng ta dành thời gian trong sự
thờ phượng Chúa chung và riêng
tư, nghỉ các công việc thường
ngày, cùng phục vụ Chúa và người
khác, bởi đó chúng ta đang dự
phần trong sự yên nghỉ vĩnh cửu.
Điều thứ năm, chúng ta yêu
thương và kính trọng cha mẹ của
mình, tuân theo sự kỷ luật và
hướng dẫn của cha mẹ trong
đường lối Chúa.

Q 11
Đức Chúa Trời yêu cầu điều gì
trong điều răn thứ sáu, thứ bảy,
và thứ tám?
Điều thứ sáu, chúng ta không làm
tổn thương, hoặc ghét, hay là thù
địch với người lân cận chúng ta,
nhưng phải nhẫn nại và bình an,
đối đãi kẻ thù của chúng ta với tình
yêu thương. Điều thứ bảy, chúng
ta tránh sự tà dâm, phải sống trong
sạch và trung tin, cho dù trong hôn
nhân hay cuộc sống độc thân, phải
tránh tất cả các hành động, cách
nhìn, lời nói, suy nghĩ, hoặc ham
muốn bất khiết, và bất cứ điều gì
có thể dẫn đến sự bất khiết. Điều
thứ tám, chúng ta không lấy những
thứ thuộc về người khác mà không
được phép, cũng không giữ lại bất
cứ điều gì tốt lành mà chúng ta có
thể làm lợi cho một ai đó.

Q 12
Đức Chúa Trời yêu cầu điều gì
trong điều răn thứ chín và thứ
mười?
Điều thứ chín, chúng ta không dối
trá, lừa gạt, nhưng phải nói ra lẽ
thật với lòng yêu thương. Điều thứ
mười, chúng ta cần thỏa lòng,
không ghen tỵ với bất cứ ai hoặc
oán giận những gì Chúa đã ban
cho họ hay cho mình.

Q 13
Có ai vâng giữ được luật pháp
của Đức Chúa Trời cách trọn
vẹn không?
Kể từ sự sa ngã, không có một con
người nào có thể giữ trọn luật
pháp của Chúa, mà liên tục vi
phạm trong tư tưởng, lời nói và
hành động.

Q 14
Có phải Chúa đã tạo ra chúng ta
vốn không thể giữ luật pháp của
Ngài không?
Không, nhưng vì sự bất tuân của
tổ phụ đầu tiên của chúng ta, là A-
đam và Ê-va, nên toàn bộ cõi sáng
tạo đều sa ngã; chúng ta đều sinh
ra trong tội lỗi và lầm lạc, bại hoại
trong bản chất, và không thể giữ
trọn luật pháp của Chúa.

Q 15
Nếu không ai có thể vâng giữ
được luật pháp, thì mục đích
của luật pháp là gì?
Để chúng ta có thể biết được bản
chất và ý muốn thánh khiết của
Chúa, bản chất của tội lỗi và sự
bất tuân trong tấm lòng chúng ta;
qua đó mà nhìn biết chúng ta cần
một Đấng Cứu Thế. Luật pháp
cũng dạy và khuyên chúng ta sống
một đời sống xứng đáng với Đấng
Cứu Thế của chúng ta.

Q 16
Tội lỗi là gì?
Tội lỗi là chối bỏ hoặc phớt lờ Đức
Chúa Trời trong thế giới mà Ngài
đã tạo dựng, chống nghịch Ngài
bằng cách sống mà không nhận
biết Ngài, không đạt được hoặc
không thực hiện những yêu cầu
trong luật pháp của Ngài, kết quả
dẫn đến sự chết của chúng ta,
cũng như sự đổ vỡ của mọi tạo
vật.

Q 17
Thờ lạy hình tượng là gì?
Thờ lạy hình tượng là tin cậy nơi
những tạo vật chứ không phải
Đấng Tạo Hóa để mong nhận
được hy vọng và hạnh phúc, ý
nghĩa và an ninh cho mình.

Q 18
Chúa có để sự bất tuân và thờ
lạy hình tượng của chúng ta
không bị trừng phạt không?
Không, mỗi một tội là sự chống
nghịch lại quyền tể trị, sự thánh
khiết, và sự tốt lành của Chúa,
cũng như chống nghịch lại luật
pháp công chính của Ngài, và
Chúa nổi giận cách công bình với
tội lỗi của chúng ta và sẽ trừng
phạt chúng trong sự phán xét công
minh của Ngài trong cả đời này, và
trong đời sau.

Q 19
Có cách nào để thoát khỏi sự
trừng phạt và được nhận lại ơn
của Đức Chúa Trời không?
Có, để thỏa mãn công lý của Ngài,
chính Chúa, duy bởi lòng thương
xót, Ngài hòa giải chúng ta với
chính Ngài và giải cứu chúng ta ra
khỏi tội lỗi và sự trừng phạt đối với
tội lỗi, qua một Đấng Cứu Chuộc.

Q 20
Đấng Cứu Chuộc là ai?
Đấng Cứu Chuộc duy nhất là Chúa
Cứu Thế Jêsus, Con Đức Chúa
Trời hằng hữu, trong Con ấy chính
Đức Chúa Trời trở nên giống như
loài người và chính Ngài chịu hình
phạt cho tội lỗi của chúng ta.

PHẦN 2
Đấng Christ, Sự Cứu Chuộc, Ân
Điển

Q 21
Đấng Cứu Chuộc nào có thể
đem chúng ta trở lại với Đức
Chúa Trời?
Đấng ấy phải là con người thật và
cũng là Đức Chúa Trời thật.

Q 22
Tại sao Đấng Cứu Chuộc phải là
con người thật?
Vì trong bản chất con người, Ngài
mới có thể vâng giữ luật pháp trọn
vẹn thay cho chúng ta và gánh lấy
sự trừng phạt vì tội lỗi của nhân
loại; và cũng bởi đó Ngài mới có
thể cảm thông với sự yếu đuối của
chúng ta.

Q 23
Tại sao Đấng Cứu Chuộc phải là
chính Đức Chúa Trời?
Nhờ bản chất thiêng liêng của
Ngài, nên sự vâng phục và sự chịu
khổ của Ngài mới có thể trọn vẹn
và hiệu quả; và cũng nhờ đó Ngài
mới có thể gánh lấy sự thịnh nộ
công chính của Đức Chúa Trời đối
với tội lỗi mà vẫn chiến thắng sự
chết.

Q 24
Tại sao Đấng Christ, Đấng Cứu
Chuộc cần phải chết?
Vì sự chết là hình phạt cho tội lỗi,
Đấng Christ đã sẵn lòng chết thay
cho chúng ta để giải cứu chúng ta
ra khỏi quyền lực và hình phạt của
tội lỗi rồi đem chúng ta trở lại với
Đức Chúa Trời. Bởi sự chết đền tội
thay cho chúng ta, chính Ngài cứu
chuộc chúng ta thoát khỏi hỏa
ngục và đem lại sự tha thứ tội lỗi,
sự công chính, và sự sống đời đời.

Q 25
Có phải bởi sự chết của Đấng
Christ mọi tội lỗi của chúng ta
sẽ được tha thứ không?
Phải, bởi vì sự chết của Đấng
Christ trên thập tự giá đã trả hết
mọi hình phạt cho tội lỗi của chúng
ta. Bởi ân điển, Đức Chúa Trời đã
ban sự công chính của Đấng
Christ cho chúng ta, như thể nó là
của riêng chúng ta, và Chúa sẽ
không còn nhớ đến tội lỗi của
chúng ta nữa.

Q 26
Sự chết của Đấng Christ còn
cứu chuộc điều gì khác nữa?
Sự chết của Đấng Christ là khởi
đầu của sự cứu chuộc và sự làm
mới lại hết thảy tạo vật đã sa ngã,
tức là Ngài dùng quyền năng mình
mà quy mọi sự về cho sự vinh hiển
của Ngài, và ích lợi cho cõi sáng
tạo.

Q 27
Có phải tất cả mọi người đã hư
mất bởi A-đam sẽ đều được
cứu bởi Đấng Christ không?
Không, chỉ những người được
chọn bởi Đức Chúa Trời và hiệp
nhất với Đấng Christ bởi đức tin.
Song Đức Chúa Trời, với lòng
thương xót, đã bày tỏ ân điển phổ
quát ngay cả với người không
được chọn, bằng cách hạn chế tác
hại của tội lỗi và khiến cho mọi nền
văn hóa được phát triển vì sự tốt
lành của nhân loại.

Q 28
Sau khi chết, điều gì sẽ xảy ra
cho những người không hiệp
nhất với Đấng Christ bởi đức
tin?
Vào ngày phán xét họ sẽ phải nhận
sự đoán phạt khiếp sợ nhưng công
minh của Chúa. Họ sẽ bị ném ra
khỏi sự hiện diện tốt lành của
Chúa mà vào trong hỏa ngục, để
chịu hình phạt công minh và đau
khổ đời đời.

Q 29
Nhờ đâu chúng ta được cứu?
Chỉ bởi đức tin trong Chúa Cứu
Thế Jêsus Christ và sự chết chuộc
tội thay trên thập tự giá của Ngài;
vậy, dù chúng ta phạm tội bất tuân
Đức Chúa Trời và vẫn còn hướng
về tất cả các điều ác, song, Đức
Chúa Trời, không bởi bất cứ công
đức nào của riêng chúng ta, nhưng
chỉ bởi ân điển mà thôi, Ngài quy
sự công chính hoàn hảo của Đấng
Christ cho chúng ta khi chúng ta ăn
năn và tin vào Ngài.

Q 30
Đức tin trong Chúa Jêsus Christ
là gì?
Đức tin trong Chúa Jêsus Christ là
sự công nhận chân lý tất cả mọi
điều mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ
trong Lời Ngài, là tin cậy nơi Ngài,
cũng là tiếp nhận và chỉ trông cậy
vào Ngài để được ơn cứu rỗi như
Ngài đã bày tỏ cho chúng ta trong
phúc âm.

Q 31
Trong đức tin thật chúng ta tin
điều gì?
Tất cả mọi điều được phán dạy
cho chúng ta trong phúc âm. Bài
Tín Điều Các Sứ Đồ thế hiện
những điều chúng ta tin: Chúng ta
tin Đức Chúa Trời toàn năng là
Cha, Là Đấng dựng nên trời đất.
Chúng ta tin Đức Chúa Jêsus
Christ là Con Độc sanh của Đức
Chúa Trời, là Chúa chúng ta: Ngài
được thai dựng bởi Thánh Linh,
sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, Chịu
thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-
lát, Chịu đóng đinh trên thập tự
giá, chịu chết và chôn; Ngài xuống
âm phủ. Đến ngày thứ ba, Ngài từ
kẻ chết sống lại; Ngài thăng thiên,
ngồi bên hữu Đức Chúa Trời toàn
năng là Cha; Từ đó, Ngài sẽ trở lại
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta tin Đức Chúa Thánh
Linh, Chúng ta tin hội thánh phổ
thông, sự cảm thông của thánh đồ,
sự tha tội, sự sống lại của thân
thể, và sự sống đời đời. Amen.

Q 32
Sự xưng công chính và sự
thánh hóa có nghĩa là gì?
Sự xưng công chính nghĩa là
chúng ta được xưng công chính
trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự
chết và sống lại của Đấng Christ
cho chúng ta. Sự thánh hóa nghĩa
là sự công chính của chúng ta tiếp
tục tăng trưởng, bởi sự vận hành
của Đức Thánh Linh trong đời
sống chúng ta.

Q 33
Những người có đức tin trong
Đấng Christ có nên tìm kiếm sự
cứu rỗi qua công đức riêng của
mình hay bất cứ nơi nào khác
không?
Không, họ không nên, vì tất cả mọi
điều cần thiết cho sự cứu rỗi đều
được tìm thấy trong Đấng Christ.
Tìm kiếm sự cứu rỗi qua việc lành
tức là chối bỏ Đấng Christ là Đấng
Cứu Chuộc duy nhất.

Q 34
Vì chúng ta được cứu chuộc
duy bởi ân điển, và chỉ qua
Đấng Christ, chúng ta vẫn phải
làm việc lành và vâng lời Chúa
phải không?
Phải, vì Đấng Christ đã cứu chuộc
chúng ta bởi huyết Ngài, cũng làm
mới lại chúng ta bởi Thánh Linh
Ngài, để đời sống của chúng ta thể
hiện tình yêu và lòng biết ơn với
Đức Chúa Trời; để chúng ta được
xác quyết về đức tin bởi bông trái
thuộc linh; và để nếp sống thánh
khiết của chúng ta có thể chinh
phục người khác cho Đấng Christ.

Q 35
Nếu chúng ta chỉ được cứu
chuộc nhờ ân điển, bởi đức tin,
thế thì đức tin này đến từ đâu?
Tất cả mọi ân tứ chúng ta nhận
lãnh đều đến từ Đấng Christ qua
Đức Thánh Linh, bao gồm cả đức
tin.

PHẦN 3
Đức Thánh Linh, Sự Phục Hồi,
Sự Tăng Trưởng Trong Ân Điển

Q 36
Chúng ta tin gì về Đức Thánh
Linh?
Ngài là Chúa, Đồng Hằng Hữu với
Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,
và Đức Chúa Trời ban vĩnh viễn
Đức Thánh Linh cho tất cả mọi tín
hữu.

Q 37
Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng
ta như thế nào?
Đức Thánh Linh cáo trách chúng ta
về tội lổi, an ủi chúng ta, hướng
dẫn chúng ta, ban cho chúng ta
những ân tứ thuộc linh và sự mong
muốn để vâng lời Chúa; và Ngài
làm cho chúng ta có thể cầu
nguyện và hiểu được Lời Chúa.

Q 38
Sự Cầu Nguyện là gì?
Cầu nguyện là dốc đổ tấm lòng của
chúng ta với Đức Chúa Trời trong
lời ngợi khen, nài xin, xưng tội, và
tạ ơn.

Q 39
Chúng ta nên cầu nguyện với
thái độ nào?
Với tình yêu thương, sự kiên trì, và
lòng biết ơn; với sự đầu phục
khiêm nhường trước ý muốn của
Đức Chúa Trời, vì biết rằng, bởi
Đấng Christ, Ngài luôn luôn nghe
lời cầu nguyện của chúng ta.

Q 40
Chúng ta nên cầu nguyện điều
gì?
Toàn bộ Lời của Đức Chúa Trời
định hướng và cảm thúc chúng ta
về điều chúng ta nên cầu nguyện,
cũng như lời cầu nguyện mà chính
Chúa Jêsus đã dạy chúng ta.

Q 41
Lời Cầu Nguyện (Chung) Chúa
Jêsus đã dạy là gì?
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
Danh Cha được tôn thánh, Nước
Cha được đến, ý Cha được nên, ở
đất như ở trời. Xin Cha cho chúng
con hôm nay đồ ăn đủ ngày. Xin
Cha tha tội cho chúng con như
chúng con cũng tha người phạm
tội nghịch cùng chúng con. Xin chớ
để chúng con bị cám dỗ, song cứu
chúng con ra khỏi điều ác. Vì
nước, quyền, vinh hiển, đều thuộc
về Cha đời đời vô cùng. Amen

Q 42
Lời Chúa cần được đọc và nghe
như thế nào?
Với sự siêng năng, chuẩn bị, và
cầu nguyện; để chúng ta có thể
nhận lãnh Lời Chúa trong đức tin,
cất giữ Lời Chúa trong lòng, và
thực hành Lời ấy trong đời sống
của chúng ta.

Q 43
Có những Thánh Lễ nào?
Các Thánh Lễ đều do Đức Chúa
Trời ban cho và được thiết lập bởi
Đấng Christ, đó chính là Lễ Báp-
têm và Lễ Tiệc Thánh, là những
dấu hiệu và ấn chứng bên ngoài
thể hiện cho sự hiệp nhất của
chúng ta với nhau là một cộng
đồng đức tin bởi sự chết và phục
sinh của Đấng Christ. Bởi việc
nhận các Thánh Lễ đó, Đức Thánh
Linh thêm lên sự khẳng định và ấn
chứng đầy trọn lời hứa của phúc
âm cho chúng ta.

Q 44
Lễ Báp-têm là gì?
Lễ Báp-têm là phép rửa bằng
nước trong Danh Đức Chúa Cha,
Đức Chúa Con, và Đức Thánh
Linh; Báp-têm biểu hiện và ấn
chứng sự làm con nuôi của chúng
ta trong Đấng Christ, sự làm sạch
tội lỗi của chúng ta, và sự cam kết
rằng chúng ta thuộc về Đức Chúa
Trời và Hội Thánh của Ngài.

Q 45
Báp-tem bằng nước có rửa sạch
mọi tội lỗi của mình không?
Không, chỉ có dòng huyết của
Đấng Christ và sự đổi mới của
Đức Thánh Linh mới có thể tẩy
sạch mọi tội lỗi của chúng ta.

Q 46
Lễ Tiệc Thánh là gì?
Đấng Christ truyền cho tất cả các
Cơ Đốc nhân ăn bánh và uống
chén trong sự kỷ niệm biết ơn về
Ngài và sự chết của Ngài. Tiệc
Thánh kỷ niệm sự hiện diện của
Chúa ở giữa chúng ta; đưa chúng
ta vào sự hiệp thông với Đức Chúa
Trời và với nhau; và nuôi dưỡng
linh hồn chúng ta. Tiệc Thánh cũng
báo trước ngày chúng ta sẽ đồng
ăn và uống với Đấng Christ ở trong
Vương Quốc của Đức Chúa Cha.

Q 47
Lễ Tiệc Thánh có thêm bất cứ
điều gì vào công việc cứu chuộc
của Đấng Christ không?
Không, Đấng Christ đã chết một
lần đầy đủ cả. Tiệc Thánh là một
bữa tiệc giao ước kỷ niệm công
tác cứu chuộc của Đấng Christ;
cũng là một phương tiện để khiến
đức tin của chúng ta mạnh mẽ hơn
khi chúng ta nhìn trông nơi Ngài,
và dự phần trước tiệc cuới Chiên
Con. Nhưng những người dự tiệc
với tấm lòng không hối cải thì sẽ
ăn và uống sự đoán xét cho chính
mình.

You might also like