BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG- MỸ NGA

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

- SUY NGHĨ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN-


Cùng với sự phát triển vượt bậc trong thời đại công nghệ và kĩ thuật,
đời sống vật chất và tinh thần của con người luôn ngày càng được nâng
cao, chất lượng về giáo dục, y tế, văn hóa vẫn không ngừng phát triển.
Thế nhưng, bên cạnh những nỗ lực vươn lên của toàn xã hội, vẫn còn rất
nhiều những vấn nạn đi song song, tồn tại đồng thời thậm chí ngày càng
được dấy lên nhiều hơn nữa. Giáo dục ngày nay đang tiến xa hơn trên đà
chất lượng mũi nhọn và những mặt tích cực về tri thức, thế nhưng khi
nhắc đến lĩnh vực này, đó không chỉ là những bảng vàng thành tích, là
nơi con người được đào tạo và rèn luyện, mà còn là nơi của vấn nạn bạo
lực học đường diễn ra, một mặt tối tăm nhưng nổi cộm của biết bao hệ
thống nhà trường và các cơ sở giáo dục. Bạo lực học đường, nỗi ám ảnh
của biết bao nhiêu thế hệ học sinh, là vấn đề nan giải cho phía nhà
trường, cho gia đình và cho toàn xã hội.

Trước hết, như thế nào là bạo lực học đường? Bạo lực là hành vi sử
dụng vũ lực để de dọa người khác nhằm mục đích nhất định. Trong phạm
vi trường lớp, bạo lực học đường là những hành vi trái với chuẩn mực
đạo đức xã hội, vi phạm phát luật, là sự xâm phạm về thân thể và đời
sống tinh thần của học sinh bằng các hành động như đánh đập, chửi bới
hay thậm chí là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, làm tổn thương tinh
thần của một học sinh nào đó. Bạo lực học đường hiện nay ngày càng
diễn biến phức tạp với nhiều hình thức khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực lên
một hay nhiều cá nhân trong môi trường học tập không chỉ về mặt thể xác
mà còn hành hạ, dày dò về mặt tâm lý, tinh thần. Đây là một trong những
vấn đề nóng hổi, nghiêm trọng đặt ra cho ngành giáo dục cũng như cho
một xã hội văn minh, tiến bộ hơn.

Theo Liên Hợp Quốc, ước tính rằng mỗi năm có 246 triệu bé gái và
bé trai bị bạo lực trong và xung quanh trường học. Tại Việt Nam, theo số
liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy trong một
năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và
ngoài trường học. Những con số biết nói này đã lột tả trực diện về thực
trạng đáng báo động về vấn nạn bạo lực học đường. Hơn 90% đối tượng
thực hiện hành vi này là những học sinh có độ tuổi từ 11-18 tuổi. Trước
đây, bạo lực học đường chỉ diễn ra bằng những hành động chửi bới, đánh
hội đồng, xỉ nhục, lăng mạ danh dự và nhân phẩm nhưng cùng với sự
phát triển của xã hội, nhiều nhóm bạn đăng đàn, “bóc phốt”, quay video,
clip đánh nhau lên các nền tảng mạng xã hội, cô lập, làm tổn thương
nghiêm trọng về mặt đời sống tâm lý, tinh thần của nạn nhân, bạo lực
bằng lời nói đôi khi nguy hiểm hơn, ảnh hưởng sâu sắc hơn đến một con
người. Học sinh bị bạo lực chịu nhiều bất công, tổn thương và đau đớn,
đối tượng có hành vi bạo lực học đường thì nhởn nhơ, đắc thắng, xem đó
là chiến tích, là hay ho, thích hợp với cá tính của mình. Đặc biệt hơn,
những bạn học sinh còn lại dù chứng kiến tình trạng ấy ngay trước mắt
nhưng cũng không biết làm gì khác hơn, một phần bất lực, một phần sợ
hãi người tiếp theo chịu trận lại chính là bản thân mình.

Trước thực trạng thương tâm và đáng lên án như thế, nguồn cơn nào
những sự việc ấy xảy ra? Đi từ phía học sinh, xuất phát từ sự chuyển biến
không đồng nhất và ổn địng trong tâm lý của lứa tuổi thiếu niên, thời
điểm con người thiếu những trải nghiệm thực tế, dẫn đến bức bối, muốn
giải thoát, muốn thử sức mình với những kích thích bên ngoài mà chưa
được chọn lọc hợp lý. Trong ngưỡng cửa bước ra xã hội xung quanh,
những đứa trẻ ấy chưa suy nghĩ được sâu xa và thậm chí chưa thấu hiểu
được chính bản thân mình và không chịu được hoàn toàn trách nhiệm với
những hành động mà mình gây ra, họ chỉ luôn ham muốn thể hiện mình,
cái tôi cao luôn chờ chực bộc phát với mọi người.

Nhà tâm lý học J.Waston B.F Skinner cho rằng “ tất cả các hành vi
đều có thể được học tập khi có điều kiện thích hợp”, con người thường sẽ
bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, vì thế mà những hành vi hay
chuyển biến bên ngoài mỗi người đều có một sự ảnh hưởng nhất định đến
việc hình thành tính cách, suy nghĩ và tư tưởng. Về phía gia đình, người
ta thường nói, gia đình là gốc rễ của mỗi người, là yếu tố đầu tiên dẫn đến
sự hình thành nhân cách và định hướng sống. Đặt trong trường hợp bạo
lực học đường, giáo dục từ phía gia đình cũng chiếm một phần khá quan
trọng, một số gia đình quá lo toan chuyện áo cơm nên ít quan tâm đến
con, học sinh sẽ thiếu sự quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu và kiểm soát hợp
lý dẫn đến việc con tự do, tự tại, không có sự quản thúc học tập, tiếp xúc
sớm với những môi trường không lành mạnh như văn hóa bạo lực, hình
thành những nét tính cách hung hăng, tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều học
sinh lớn lên trong môi trường bố mẹ thường xuyên cãi vả, gây gỗ, đánh
đập, đó cũng là một trong những vết thương tâm lý to lớn với học sinh,
chứng kiến nhiều cảnh tượng như vậy, phía con cái cũng cảm thấy khó
khăn khi đan cài quá nhiều cảm xúc và khi không biết giải thoát như thế
nào cho đúng, bạo lực gia đình cũng là cầu nối để dẫn đến bạo lực học
đường. Ngoài ra, nhiều gia đình vì quá khắt khe, quản chế con khiến cho
học sinh cảm thấy khó chịu, bức bối rồi giải thoát nguồn năng lượng ấy
lên bạn bè và cũng có nhiều ông bố bà mẹ quá thương yêu mà lại chiều
chuộng con cái, điều ấy cũng dẫn đến tư tưởng thoải mái suy nghĩ, muốn
làm sao thì làm của học sinh khi quá dễ dàng để thỏa mãn tay chân mình
với người mà bản thân không thích.
Đối với môi trường diễn ra vấn nạn này, trong nhà trường, nguyên
nhân trước tiên sẽ đến từ sự xuất hiện hạn chế của những chương trình
giáo dục kĩ năng sống, “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhà trường và các cơ
sử giáo dục hiện nay còn quá nặng về kiến thức học thuật mà lãng quên đi
nhiệm vụ giáo dục, trồng người. Những buổi ngoại khóa thiếu chiều sâu
và giáo viên chuyên môn phụ trách, dẫn đến tình trạng truyền tải hời hợt,
không thuyết phục, chưa tác động sâu vào tư tưởng của học sinh. Mặt
khác, trong công tác xử lý tình trạng bạo lực học đường, một số giáo viên
chưa theo sát lớp, xử lý không triệt để, sợ ảnh hưởng đến thành tích, thi
đua, thậm chí cố gắng ếm chuyện, cho qua một cách ấm ức, bắt buộc.

Cuộc sống xã hội đang ngày càng đi lên với đa dạng phương tiện
thông tin đại chúng, học sinh sẽ được tiếp cận sớm các trang mạng xã hội
và đây cũng chính là nơi hình thành nên lối sống của con người. Nếu
không được chọn lọc hợp lý, học sinh dễ rơi vào những trào lưu tiêu cực,
xu hướng đá đểu, bốt phốt nhau, tư tưởng “dân anh chị”, làm “đại ca, chị
đại” rồi ức hiếp bạn bè ngay trong môi trường học tập. Cùng với đó,
nhiều học sinh tiếp xúc nhiều trong môi trường không lành mạnh, nơi
nhiều đối tượng nghỉ học sớm, va vào các tệ nạn xã hội, lập bè phái, hội
nhóm ăn chơi,.. ảnh hưởng xấu đến học sinh và ảnh hưởng qua lại đến
các em trong nhà trường.

Không phải ngẫu nhiên mà bạo lực học đường trở thành vấn đề nóng
hổi và nan giải trong giáo dục nói riêng và trong toàn xã hội nói chung.
Biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm, những cá nhân hay đội nhóm
đáng lên án vì hành vi của mình bởi lẽ những hậu quả mà bạo lực để lại
thật sự rất nghiêm trọng cho cá nhân và cho cộng đồng. Trước hết là bản
thân học sinh, người bị bạo lực học đường phải hứng chịu những nỗi đau
từ thể xác đến tinh thần, bị đánh đập giàn dụa trong nước mắt, đối mặt
với nỗi sợ khủng khiếp là đến trường và gặp mặt bạn bè, tâm lý các bạn
không muốn đi học, luôn thường trực cảm giác ảm ảnh bao trùm.“ Những
vết thương nơi đầu gối thì dễ lành hơn những đổ vỡ trong trái tim” (Phạm
Lữ Ân), nghiêm trọng nhất vẫn là những ảnh hưởng về tinh thần, học sinh
dễ bị cô đơn, suy sụp, có bóng ma tâm lý,... những điều ấy như những
liều thuốc ru ngủ sức sống con người, dần dà trở nên nặng nề hơn, đưa
đến những kết cục thương tâm chẳng ai ngờ đến. Hàng loạt vụ việc vừa
xảy ra gây chấn động dư luận, tối 15.4 tại nhà riêng, nữ sinh N.T.Y.N.
(SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh) tự
tử vì không thể chịu đựng được bạo lực học đường. Ngày 21.10.2022, tại
Trường THCS Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội), em H.X.Q bị bạn tụt quần
ba lần trong một buổi học dẫn đến xấu hổ, uất ức rồi nhảy lầu, gây chấn
thương nặng. Những thông tin như thế cứ tiếp diễn, mỗi một ngày qua đi,
có biết bao nhiêu câu chuyện, bi thương là hậu quả của bạo lực học
đường, để lại nhiều tiếc nuối, nhiều ám ảnh, nhiều dư chấn về sau.

Khi những đứa con trở về nhà, mang theo tâm lý một nạn nhân của
bạo lực học đường, chúng trở nên thu mình hơn, dễ xa cách gia đình hơn.
Nếu con cái đánh nhau, bị xử phạt, nhiều người làm cha mẹ dễ nổi nóng,
chửi mắng thậm chí lại sử dụng vũ lực với con, không khí gia đình căng
thẳng hơn, cha mẹ đổ lỗi cho nhau. Có những câu chuyện không may
mắn ơn, nhiều gia đình vì vấn nạn này mà mất con mãi mãi. "Gia đình
mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục
chăm bẵm” (Trích lời của người thân một nạn nhân), nỗi đau này không
một gia đình nào có thể gồng gánh nỗi.

Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn cho cả
không khí trường học và học sinh trong nhà trường, họ cảm thấy lo sợ,
không an toàn ngay chính nơi mình được bảo đảm và gắn bó mỗi ngày.
Bạo lực học đường làm mất đi tình cảm bạn bè ở lứa tuổi học sinh, ảnh
hưởng đến thi đua, thành tích của lớp, của trường, đặt một gánh nặng
không nhỏ cho phía thầy cô và nhà trường.

Hậu quả của bạo lực học đường đang hiện diện khắp nơi trong cuộc
sống không chỉ riêng học sinh trong phạm vi học tập và giáo dục. Đây là
vấn nạn lớn của xã hội, đòi hỏi nhiều thành phần xã hội chung tay, giải
quyết và đẩy lùi. Bạo lực học đường tồn tại như một mặt tiêu cực của
giáo dục, cản trở sự phát triển đi lên của nhiều mặt tích cực phía trước,
hình thành những thế hệ có tư tưởng bạo lực, giải quyết vấn đề bằng nắm
đấm, con người cũng ngày càng vô cảm, thờ ơ.

Trước những hậu quả nghiêm trọng mà bạo lực học đường gây ra, ta
cần những giải pháp thiết thực hơn để không đưa vấn nạn này đi xa hơn
nữa. Đối với học sinh, cần được nâng cao về hiểu biết, nhận thức,suy
nghĩ và tư tưởng về bạo lực và bạo lực học đường, nghiêm túc chấp hành
nội quy trường lớp, rèn luyện đời sống lành mạnh, xây dựng tình cảm bạn
bè trong sáng, yêu thương nhau. Tránh xa bạo lực và tuyệt đối không sử
dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, học cách xử lý nhiều tình huống khác
nhau, trao dồi thêm kĩ năng sống, học cách hiểu và phát triển chính mình.
Đối với gia đình, cha mẹ cần tạo ra môi trường tốt đẹp để nuôi dạy con
cái, hướng con đến những lối sống tích cực hơn, biết quan tâm, lắng nghe
và hỗ trợ khi con cần sự giúp đỡ, sự thấu hiểu chân thành sẽ khiến gia
đình gần nhau hơn, dễ dàng yêu thương và sẻ chia cùng nhau. Đối với
nhà trường và xã hội, luôn không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy,
các tiết học ngoại khóa, tăng cường kĩ năng sống, hun đúc tư tưởng tích
cực, lành mạnh cho học sinh. Giáo viên nên chú tâm, theo sát quá trình
học của học sinh, quan tâm, sẻ chia kịp lúc với những em gặp vấn đề về
tâm lý, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực học đường, ngăn
chặn khả năng tiếp diễn trong lớp học nói riêng và toàn trường nói chung.
Tiếng nói của học sinh có thể không đồng nhất với giáo viên và các bậc
cha mẹ, người trưởng thành, nhưng chính các em là thế hệ tương lai,
tiếng nói từ thực tiễn đã phải thôi thúc những người lớn hơn thấu hiểu,
quan tâm nhiều hơn nữa, vấn nạn này đặt ra cho xã hội biết bao nhiêu câu
hỏi khó có câu trả lời về thế hệ, về công lý, về đúng sai, tốt xấu,..

Bạo lực học đường không phải vấn nạn quá xa lạ với mỗi người trong
đời sống hiện nay, biết bao nhiêu giấy báo, biết bao nhiêu tiếng lòng,
những trang nhật ký, những lá thư để lại nhiều oan ức, nhiều nỗi lo, hay
nhiều điều trăn trở. Cần thiết hơn và cấp bách hơn chính là việc nhận thức
và đẩy lùi thực trạng đáng báo động này. Tất cả đều cần những cánh tay
thiết thực từ cộng đồng chứ không chỉ riêng học sinh hay nhà trường,
giáo dục là quốc sách hàng đầu và giáo dục cần được hạn chế những vấn
nạn như bạo lực học đường để phát triển tích cực hơn, góp phần tạo nên
những thế hệ con người vừa có tri thức để viết tiếp tương lai và vừa có
văn hóa, có tấm lòng tốt đẹp để gìn giữ tình người, dựng xây một cộng
đồng gắn kết, lành mạnh, một xã hội văn minh, tiến bộ hơn.

You might also like