Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

Đây thôn Vĩ Dạ

C. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM


I. KHỔ MỘT
1. Câu hỏi tu từ và lời mời gọi
- Không giống với các bài thơ khác, mở đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ lại không phải là một câu
miêu tả hay câu cảm thán, mà là câu hỏi tu từ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Thôn Vĩ Dạ nằm ngay trên bờ sông Hương nổi tiếng bởi những vườn cây trái cây tươi
bốn mùa, với những ngôi nhà duyên dáng....
- Lại nói về câu hỏi tu từ ở câu đầu của bài thơ, mở đầu một câu hỏi đã lạ, lại không có người trả
lời, khiến mạch cảm xúc của bài thơ trở nên bâng khuâng khó tả. Tuy không ở gần, không được
một lần về thăm Vĩ Dạ, nhưng bằng với nỗi nhớ da diết đã đưa Hàn Mặc Tử về với quê hương.
Phải chăng cái hay của ý thơ ở đây chính là cái sự không rõ ràng, không thể phân định ấy?
+ Câu thơ vừa như một câu hỏi, lại vừa như một lời trách móc. Vừa là một lời trách cứ nhẹ
nhàng, nhưng cũng lại là một lời mời ý nhị, e ấp của bóng hồng xứ Huế.
+ Nếu là một lời trách cứ, phải chăng đang trách tác giả sao lâu không về thăm thôn Vĩ? Trách
người còn nhớ hay đã quên mà chẳng ghé thăm? Nêu nhìn nhận theo hướng này, thôn Vĩ trong
câu thơ là một chốn cũ, có người xưa đang mong đợi một vị khách quay lại ghé thăm.
- Chỉ một câu “sao anh không về” mà nghe lòng nghẹn lại, như thể nó dồn nén tất cả sự chờ
mong, khắc khoải đến mỏi mòn, tha thiết. “Anh” ở đây là ai? Là tác giả? Phải chăng chất Huế đã
ngấm vào cả nhịp thơ, khiến câu thơ bỗng trở nên cũng dịu dàng, uyển chuyển như thanh âm của
người con gái Huế mang nét đẹp man mác buồn.
 Bài thơ đặt ra một câu hỏi day dứt, nhức nhối mở đầu, và cả bài thơ sẽ là sự trả lời cho câu
hỏi đó, sẽ cho ta hiểu vì sao Hàn Mặc Tử phải tự hỏi mình như thế, vì sao thi sĩ muốn về lại thôn
Vĩ mà không thể nào về được nữa. Từ câu hỏi này, bao nhiêu là cái đẹp của Vĩ Dạ, của Huế,
đẹp, tuyệt đẹp cứ hiện lên trong bài thơ – trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử – nhưng sao mà chiếm
lĩnh được nữa?
2. Cảnh vườn thôn Vĩ
- Khung cảnh Vĩ Dạ dần hiện ra với bao nhiêu cảnh, vừa có nắng vừa màu sắc rực rỡ, lại vừa có
hình ảnh của những cành trúc đung đưa trước ngõ nhà ai. Cái tài cái độc đáo của tác giả là gợi ra
sự tưởng tượng mới lạ cho chính người đọc:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
+ Câu thơ có hai chữ “nắng”, chữ “nắng” sau bổ sung và làm rõ nét nghĩa cho chữ nắng trước:
“nắng mới lên” là nắng mới bắt đầu cho một ngày. Ở thời điểm đó, những sắc xanh vừa mới
được hồi sinh bóng tối đón nhận ánh nắng mới lên của bình minh thanh tân, gợi nhắc lại những
câu thơ của Tố Hữu:
Nắng xuân tưới trên thân dừa xanh dịu
Tàu cau non thấp thoáng muôn gợn xanh
Ánh nhởn nhơ đùa quả non trắng phếu
Và chảy tan qua kẽ lá cành chanh.
+ “Nắng mới lên” là nắng sớm bình minh, cảnh được nhìn từ xa với bao trìu mến, vẫy gọi. Hàng
cau cao vút, thẳng tắp là hình ảnh thân thuộc của Vĩ Dạ, ở đây, hầu như vườn nhà nào cũng có
một, hai hàng cau thẳng tắp, vút cao lên như đón chào du khách từ xa, như trầm mặc trong
sương sớm, lắng nghe chuông chùa Diệu Đế, Thiên Mụ, và tắm ánh bình minh rạng ngời tàu
cau. Nhịp thơ 1/3/3: Nhìn/ nắng hàng cau/ nắng mới lên như nhịp bước khoan thai của khách xa,
rồi đứng dừng lại trầm ngâm ngắm nhìn nắng mới trên những tàu cau xanh biếc rạng ngời.
+ Không trực tiếp ở Vĩ Dạ, nhưng với nỗi niềm nhớ Vĩ Dạ tha thiết khiến tác giả có thể tưởng
tượng ra cảnh chính mình đang đặt bước chân về với quê hương thân yêu. Mỗi câu thơ như dẫn
ra một vẻ đẹp của nơi đây, không những thế, ngôn từ dùng để miêu tả khung cảnh, không chỉ
đẹp mà còn có tính gợi. Mọi thứ như đều hòa hợp và ánh lên một vẻ đẹp thanh tú, thuần khiết.
Hình ảnh hàng cau gợi ra những vẻ đẹp thanh thoát, cao vút và vươn lên đón ánh nắng sớm mai.
Len lỏi vào đó là những tia nắng bình minh vừa rực rỡ lại vừa dịu dàng, như trải lên cho Vĩ Dạ
một vẻ thân thiện lại đây sự mời mọc. Nắng ở đây càng trở nên đẹp hơn, kì lạ hơn khi tác giả
khoác cho nó với ngôn từ “nắng mới lên” thật tinh khiết mà cũng thật trong trẻo, không một chút
gợn của một ngày dài đã trải qua.
- Tác giả như dẫn dắt người đọc đi sâu hơn vào khung cảnh của thôn Vĩ, và với biện pháp so
sánh, những vườn tược nơi đây đã trở thành những thứ mà dưới con mắt của một người nghệ sĩ
được hóa thành chổn hữu tình: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc như một lời trầm trồ, ngạc
nhiên thốt lên trước vẻ đẹp lộng lẫy của cỏ cây, hoa trái:
+ Chữ “mướt” nói lên trạng thái óng ả mượt mà của cây lá đang độ phát triển non tơ. Một từ
“quá” ở liền đó đã đẩy cảnh của nhân vật trữ tình lên đến độ cao nhất của cao trào gợi vườn thôn
Vĩ Dạ như một viên ngọc không chỉ ngời ngời sắc xanh mà còn tỏa vào không gian những sắc
xanh.
+ “Vườn ai” không xác định, một chút ngỡ ngàng bâng khuâng. Đích thị là vườn xuân của cô
gái, của nhà em; của lòng em, vẫn là cảnh cũ người xưa, nhưng đã lâu chưa về chơi nên ngỡ
ngàng mới thốt lên như vậy. Vườn tược Vĩ Dạ xanh tươi và sum sê bốn mùa. Nhịp thơ uyển
chuyển kết hợp với từ ngữ mang tính tượng hình cao, cảnh vật nơi đây như càng thêm huyền bí,
đẹp đẽ, vừa có màu của nắng mới lên, vừa có màu xanh mướt của những khu vườn, mọi thứ đều
tươi mới, đầy nhựa sống. Lá xanh mỡ màng ướt đẫm sương đêm, láng mướt lên, ánh ngời lên
dưới nắng hồng bình minh màu xanh ngọc bích. Hai tiếng “mướt quá” và hình ảnh so sánh
“xanh như ngọc” là những nét vẽ thân tình đã tô đậm cái hồn của cây lá trong “vườn ai”. Tưởng
như nghe thấy tiếng nhựa đang chuyển lên cành lá xôn xao. Tất cả đều tưng bừng, rạo rực, đầy
sức sống. Chỉ có vườn xuân mới có màu xanh mướt mỡ màng như ngọc vậy. Chỉ có “vườn em”
mới đáng yêu và hữu tình như thế!
- Câu cuối của khổ một gợi ra nhiều suy nghĩ và liên tưởng nhất:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
+ Phải chăng là hình ảnh lá trúc đang sà xuống những khu vườn vuông vắn tươi đẹp của xứ huế,
hay những cành trúc đang buông mình trước cửa của những ngôi nhà xứ Huế. Đâu đấy lại gợi ra
vẻ e ấp của cô gái Huế với khuôn mặt phúc hậu, gợi ra vẻ đẹp duyên dáng mà cũng kín đáo. Lá
trúc thanh mảnh biếc xanh đã làm tôn thêm vẻ đẹp phúc hậu của gương mặt chữ điện. Nhiều
người đồng tình khẳng định khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt phúc hậu, hiện lành, trung thực,
ca dao Huế đã từng có câu:
Mặt em vuông tượng chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có thời
Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung
Anh thương em không thương bạc thương tiền
Mà anh thương cái khuôn mặt chữ điền của em.
Gương mặt cô gái Huế thường gắn liền với chiếc nón bài thơ.
+ “Lá trúc che ngang” là một nét vẽ tài hoa, gợi tả thấp thoáng gương mặt thiếu nữ. Một nét vẽ
rất đẹp gợi tả vẻ dịu dàng, duyên dáng và tình tứ của thiếu nữ sông Hương. Đã có giai nhân vin
cành mẫu đơn. Đã có mĩ nhân ngắm hoa Tử Kim nở, bức thêu dở dang trên đôi tay thon nhỏ,
nõn nà. Cây đẹp, cảnh đẹp và người đẹp là thế! Hàn Mặc Tử cũng tả ít mà gợi nhiều như các tao
nhân nghìn xưa. Có màu phơn phớt hồng bình minh. Có màu ngọc xanh mướt của cây lá. Có
đường nét thanh mảnh xinh xắn của lá trúc. Và còn có gương mặt dịu dàng, e ấp, phúc hậu của
thiếu nữ. Nếu tách riêng khổ thơ này ra khỏi bài thơ, nó là một bài tứ tuyệt đặc sắc. Cảnh và
người đều thương mến bâng khuâng. Bức tranh quê hương xinh đẹp, tràn đầy sức sống mơn
mởn và có sức quyến rũ lạ lùng.
 Ba câu thơ, mỗi câu là một chi tiết trong vườn. Tất cả hợp lại, ánh lên vẻ bình dị, cao sang,
tươi tắn đầy sức sống. Bức tranh cảnh vật ấy chỉ có thể là sản phẩm của một tâm hồn yêu đời
khao khát sống. Vậy mà khi viết những câu thơ này Hàn Mặc Tử đang mắc bệnh nan y, cảnh vật
hết sức bi thương:

Tôi đang còn đây hay ở đâu


Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu.
(Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử)
Thậm chí, Hàn Mặc Tử còn ví mình là cung nữ bị bỏ quên:
Ngoài kia xuân đã thăm hay chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Chẳng có niềm trăng hay ý nhạc
Có những cung nữ nhớ thương vua.
(Nhớ thương- Hàn Mặc Tử)
Tấm bưu thiếp và lời hỏi thăm của Hoàng Cúc với Hàn Mặc Từ thực sự là thuốc tiên
dược để kẻ bất hạnh được nhìn đời bằng con mắt yêu đời khiến cái gì cũng biếc rờn, tươi non
tràn đầy sức sống. Vĩ Dạ trở thành tín hiệu của cuộc đời trần thể ấm lòng tình người, về Vĩ Dạ là
về với cuộc đời. Ẩn chứa bên trong bức tranh phong cảnh tươi đẹp là nỗi buồn man. Đầu từ “ai”
(trong “vườn ai”) gợi một vẻ đẹp quá tầm tay, hành trình về Vĩ Dạ trở thành hành trình không
thể thực hiện được.
3. Nhận xét chung khổ thơ
- Bức tranh vườn quê thôn Vĩ, để lại một dư vang đẹp về cảnh sắc thiên nhiên sống dậy mãnh
liệt trong tâm tưởng nhà thơ và một dư vị buồn trong nỗi đau nuối tiếc của thi sĩ.
- Chỉ với bốn câu thơ thôi, mà Hàn Mặc Tử như vừa dẫn chúng ta đi tới thôn Vĩ vậy, một vẻ e
ấp, tươi đẹp hiện ra rất hài hòa nhưng đúng chất của một Huế thơ mộng. Tất cả chỉ được khơi
gợi qua hoài niệm của tác giả nhưng mọi thứ lại trở nên có hồn thanh khiết, đầy sức sống.
II. KHỔ HAI
1. Bức tranh phong cảnh với đủ cả gió mây sông nước
- Cùng không gian là thôn Vĩ Dạ nhưng thời gian có sự biến đổi từ “nắng mới lên” sang chiều
tà. Tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng có sự biến đổi lớn. Trong mắt thi nhân, bầu trời hiện lên
với “gió theo lối gió, mây đường mây” trong cảnh chia li, uất hận:
+ Thực tại phiêu tàn bắt đầu bao trùm cả bài thơ. Nhịp thơ 4/3 cùng với hai hình ảnh đối lập:
“gió” và “mây” đã gợi lên nỗi buồn vì mây và gió trôi nổi, lang thang chính vì thế mà nó bay
thẳng vào thơ của Hàn Mặc Tử. Cái buồn sẵn có của nó kết hợp với vần thơ của tác giả thì chính
nó đã tự làm cho nó buồn hơn bởi: gió đi theo đường của gió, mây theo đường của mây, gió và
mây từ nay xa cách nhau, không còn là bạn đồng hành của nhau nữa nên không còn lí do gì để
gặp nhau. Mượn hình ảnh mây và gió tác giả muốn nói lên tâm trạng buồn của mình, về sự xa
cách của mình và người yêu và cũng có thể sự xa cách đó là vĩnh viễn vì Hàn Mặc Từ bây giờ
đã là một phế nhân, đang nằm chờ cái chết.
+ Biện pháp nhân hóa cho chúng ta thấy điều đó. “Gió theo lối gió” theo không gian riêng của
mình và mây cũng thế. Câu thơ tách thành hai vế đối nhau, mở đầu vế thứ nhất là hình ảnh
“gió”, khép lại cũng bằng “gió”, mở đầu về thứ hai là “mây”, kết thúc cũng là “mây”. Từ đó cho
ta thấy “mây” và “gió” như những kẻ xa lạ, quay lưng đối với nhau. Đây thực sự là một điều
nghịch lí bởi lẽ có gió thổi thì mây mới bay theo, thế mà lại nói gió theo lối gió mây đường mây.
Thế nhưng trong văn chương chấp nhận cách nói phi lí ấy. Tại sao tâm trạng của nhân vật trữ
tình vốn rất vui sướng khi về với thôn Vĩ Dạ trong buổi ban mai đột nhiên lại thay đổi đột biến
và trở nên buồn như vậy? Trong mộng tưởng, Hàn Mặc Tử đã trở về với thôn Vĩ nhưng lòng lại
buồn chắc có lẽ bởi mối tình đơn phương và những kỉ niệm đẹp với cảnh và người con gái xứ
Huế mộng mơ làm nên tâm trạng ấy. Quả thật Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Truyện
Kiều - Nguyễn Du) nên cảnh vật xứ Huế vốn thơ mộng, trữ tình lại bị nhà thơ miêu tả vô tình, xa
lạ đến như vậy.
- Bầu trời buồn, mặt đất cũng chẳng vui gì hơn khi dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay:
+ Dòng sông Hương hiện lên mới buồn làm sao với những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt. Với
biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu” đã làm cho hình ảnh dòng nước trở nên u buồn, xa
vắng. “Dòng nước buồn” vì tự mang trong lòng một tâm trạng buồn hay nỗi buồn chia phôi của
gió - mây đã bỏ buồn vào dòng sông? Câu thơ này dường như còn thể hiện nhịp sống thường
ngày của người dân nơi đây, một lối sống êm đềm và buồn tẻ.
+ “Buồn thiu” – một nỗi buồn sâu thẳm, không nói nên lời. Mặt nước buồn hay chính là con
sóng lòng “buồn thiu” của thi nhân đang dâng lên không sao giấu được. “Hoa bắp lay” gợi tả
những hoa bắp xám khô héo, úa tàn đang “lay” rất khẽ trong gió. Cảnh vật trong thơ buồn đến
thế là cùng.
+ Hình ảnh “hoa bắp lay” gợi một nỗi buồn hiu hắt – một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt
đất, từ đất, gió, mây đến dòng nước và hoa bắp trên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm
trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ
chỉ là hư ảo trong mộng tưởng.
 Cõi nhân gian ăm ắp sự sống, biêng biếc sắc màu đã nhường chỗ cho một vũ trụ lạc điệu, hiu
hắt của tâm trạng tăm tối u buồn: thân bệnh – tâm bệnh. Đây chính là thực trạng thân phận của
thi sĩ.
2. Lòng khát khao yêu đời trong những câu hỏi khắc khoải
- Đêm xuống, trăng lên, tâm trạng của nhân vật trữ tình lại thay đổi:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.
+ Sông Hương “buồn thiu” lúc đêm dưới ánh trăng đã trở thành “sông trăng” thơ mộng. Cắm
sào đậu bên trên con sông đó là “thuyền ai đậu bến”, làm bức tranh càng trữ tình, lãng mạn.
+ Những chi tiết thực (thuyền, sông, trăng) đã góp phần tạo nên cảnh ảo: một con thuyền một
dòng sông bọc trong trăng, vạn vật như rũ bỏ hết màu sắc đường nét phàm trần để thấm đẫm ánh
trăng. Nó gợi cho ta nhớ đến câu thơ rất đỗi phong lưu của Nguyễn Công Trứ:
Gió trăng chứa một thuyền đầy
Của kho vô tận biết ngày nào vơi.
(Mặt nước)
Và người đọc cũng không quên trong thơ Hàn Mặc Tử, trăng là hình tượng luôn trở đi trở
lại, là máu thịt, là tài sản của thi nhân. Thi sĩ chẳng đã từng rao bán:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Vầng trăng trong câu thơ này là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình yêu chưa bị
phôi pha:
Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu...
(Trăng và thơ - Hàn Mặc Tử)
Hàn Mặc Tử rất yêu trăng nhưng vầng trăng ở các bài thơ khác không giống thế này. Một
ánh trăng gắt gao, kì quái, một ánh trăng khêu gợi, lả lơi:
Gió tít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng kho.
Hay:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
(Bẽn lẽn - Hàn Mặc Tử)
Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con
thuyền đầy trăng... Không gian “bến sông trăng” nghe sao mà quen thuộc đến thế:
Bến sông trăng ôi nỗi nhớ
Đã đi qua mong tìm đến
Biết khi nào được gặp lại em yêu hỡi.
(Bến sông trăng - Trần Thanh Tùng)
Trong cái lãnh cung của sự chia lìa, vốn không có “niềm trăng và ý nhạc” nên nhà thơ ao
ước có trăng về như một niềm khao khát, một tri âm, một vị cứu tinh.
- Hình ảnh “thuyền” và “sông trăng” đẹp, hài hòa biết bao. Khách đến thôn Vĩ cất tiếng hỏi xa
xăm: Có chở trăng về kịp tối nay?
+Liệu “thuyền ai” đó có chở trăng về kịp nơi bến hẹn, bến đợi hay không? Câu hỏi tu từ vang
lên như một nỗi lòng khắc khoải chờ đợi, ngóng trông được gặp gương mặt sáng như “trăng”
của người thôn Vĩ trong lòng thi nhân. Như thế mới biết nỗi lòng của nhà thơ dành cho cô em
gái xứ Huế tha thiết biết nhường nào. Tình cảm ấy quả thật là tình cảm của:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm nào dễ mấy ai quên.
(Cái thuở ban đầu – Thế Lữ)
+ Không biết thuyền có chở trăng về kịp cho người trên bến đợi hay không? Đó là một câu hỏi
biểu lộ niềm lo lắng của một số phận không có tương lai. Tác giả hiều căn bệnh của mình nên
ông mặc cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình. Giờ đây đối với ông, sống là chạy đua
với thời gian, ông luôn tranh thủ từng ngày, từng buổi trong cái quỹ thời gian còn quá ít ỏi của
mình.
+ Chữ “kịp” nghe thật xót xa, đau đớn, gây nên nỗi xót thương cho người đọc. Bằng câu hỏi tu
từ có chở trăng về kịp tối nay? cùng với hình ảnh vừa hư vừa thực ở đoạn cuối thơ vừa như khắc
khoải, bồn chồn, vừa như hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang rời xa, biết khi nào trở lại. Đây
chính là nỗi ước ao tha thiết với một nỗi buồn man mác của Hàn Mặc Tử khi vọng nhớ về thôn
Vĩ Dạ.
 Sự thay đổi bút pháp miêu tả cho thấy cảnh chuyển từ rất xa rất nhanh - một đặc điểm của thơ
Hàn Mặc Tử. Dẫu cuộc đời lìa bỏ phũ phàng, vẫn níu kéo tha thiết với cuộc sống nơi trần thế, đó
chính là thông điệp nhân văn của hai câu thơ này.
3. Nhận xét chung khổ thơ
- Cảnh nên thơ quá, thơ mộng quá! Và cũng đa tình quá! Thơ lồng trong ngôn ngữ thơ thật là tài
tình, thật là đẹp với xứ Huế mộng mơ. Tác giả đã lướt bút viết nên những câu thơ nhẹ nhàng,
sâu kín nhưng hàm chứa cả tình yêu bao la, nồng cháy đến vô cùng.
- Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm tâm tư của một nhà thơ sắp phải giã từ cuộc đời. Lời thơ vì thế
trầm buồn, sâu lắng, đầy suy tư. Bạn đọc đương thời yêu thơ của Hàn Mặc Tử bởi thi nhân đã
nói hộ họ những tình cảm sâu lắng nhất, thầm kín nhất của mình trong thời đại cái “tôi”, cái bản
ngã đang tự đấu tranh để khẳng định.
III. KHỔ BA
1. Hình ảnh người thiếu nữ
- Một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong cái mênh mông, bao la của trời đất. Đó là sự hi
vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Mặc dù lời thơ thấm đẫm cái
buồn của tâm trạng nhưng tác giả vẫn không quên gợi cho ta về cảnh đẹp của Huế cũng như con
người ở đây:
Mơ khách đường xa, khách đường xa.
+ Vườn đẹp, trăng đẹp và bây giờ là đến hình bóng đẹp của người “khách đường xa” . Điệp từ
“khách đường xa” kết hợp với nhịp thơ 4/3 thể hiện nỗi niềm trông ngóng đến da diết của tác
giả. Đây còn là cách nói về nỗi cách xa nhưng không chỉ có không gian mà còn có sự xa cách về
tâm hồn và tình cảm.
+ Có thể “đường xa” là xa về không gian, về thời gian nhưng cũng có thể là “đường đến trái tim
xa”, cho nên tất cả chỉ gói gọn trong một chữ “mơ” duy nhất.
- Hình ảnh “sương khói” cùng với cụm từ “nhìn không ra” gợi lên hình ảnh của cô gái thôn Vĩ
ngày xưa chập chờn trong cõi mộng tạo cho nhà thơ một cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn. Mà
tại sao lại “nhìn không ra”? Có lẽ là do màu áo trắng của cô gái Huế trắng quá hòa lẫn vào làn
sương mờ ảo. Thật ra “nhìn không ra” không phải là không nhìn ra, đây chỉ là một cách nói để
cực tả sắc trắng - trắng một cách kì lạ, bất ngờ. Hình ảnh gần gũi thân thương của “em” đã trở
thành nhân cách, xa vời, hư ảo. Để rồi tất cả chỉ còn lại trong
Áo em trắng quá nhìn không ra
Câu thơ như đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau: do lẫn vào sương khói, đó là cách
cực tả sắc trắng ở mức độ tuyệt đối, tận cùng. Cách hiểu thứ hai có vẻ hợp lí hơn cả. Hàn Mặc
Tử vốn sành tả sắc trắng với một cảm quan đặc biệt. Trong Mùa xuân chín là một sắc trắng đến
nhức mắt:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
+ Hình ảnh “áo em trắng quá” đã tạo ra một thế giới tràn đầy ánh sáng tinh khôi, thơ mộng
khiến Hàn Mặc Tử đam mê, khao khát.
 Hình ảnh người khách đường xa cứ xa dần mờ khuất dần trong cõi mơ, hình ảnh “em” cũng
là hình ảnh cuộc đời mà nhà thơ yêu nhớ đang bị nhòa đi bởi sắc áo trắng huyền hoặc, cụm từ
“nhìn không ra” càng làm rõ hơn nỗi bất lực của nhà thơ khi thấy cuộc đời mỗi lúc một xa dần,
thậm chí không còn cảm nhận được nữa.
2. Thế giới hư vô hiện rõ trong làn sương khói
- Hình như giữa giai nhân áo trắng ấy với thi nhân có một khoảng cách nào đó khiến thi nhân
không khỏi không nghi ngờ:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.
+ Trong mạch văn bản, “ở đây” không phải là Huế hay Quy Nhơn mà là nói đang có sự tái hiện
của anh, nơi anh đang sống trong sự chia lìa cách trở, để hướng về nơi ấy, cõi nhân gian ăm ắp
sự sống, biêng biếc sắc màu, ấm lòng tình người mà còn ý thức được mình chỉ là kẻ đứng ngoài,
trong một bài thơ khác thi sĩ đã viết:
Anh đứng cách xa nghìn thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
Em cười anh cũng cười theo nữa
Để nhắn hồn anh đã đến nơi.
(Lưu luyến)
Giữa anh và nơi ấy là khoảng cách của “sương khói”: sương khói không gian, thời gian
sương khói của mối tình vô vọng.
+ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh phác họa một cảnh tượng mờ mờ, ảo ảo lại còn có cả sương và
khói khiến cho ta thấy con người này đang ở ranh giới giữa hai thế giới sống và chết, và thế giới
nào cũng lờ mờ đáng sợ.
 Câu thơ diễn tả rất “đắt” nỗi đau của một con người đang phải đối mặt với sinh - lão - bệnh -
tử. Tác giả đã cố níu kéo, cố bám víu nhưng không được vì cảnh và đời chỉ toàn là “sương” với
“khói”. Điều đặc biệt ở câu thơ này là ngoài nói về nỗi đau, tác giả còn miêu tả rất thực về cảnh
Huế – kinh thành sương khói. Trong màn sương khói ấy, con người như nhòa đi và có thể tình
người cũng nhòa đi nên tác giả rất sợ điều đó.
- Từ cõi hư vô ấy, câu hỏi cuối cùng vang lên như một nỗi xót xa, tuyệt vọng của một con người
tha thiết mê đắm với cuộc đời, khao khát bộc lộ tình yêu đời và khắc khoải kiếm tìm sự đồng
cảm, đồng điệu, nay phải xa cuộc đời, một mình cô đơn chìm trong cõi riêng lạnh lẽo, tối tăm:
Ai biết tình ai có đậm đà?
+ Tác giả không dám khẳng định tình mình với cô gái Huế mà chỉ nói “ai” – điệp từ “ai” dường
như xuyên suốt cả bài thơ, khổ thơ nào cũng có sự hiện diện của “ai”, từ “vườn ai”, “thuyền ai”
và bây giờ thì “ai biết tình ai:... trong đó, tính chất phiệm chỉ của đại từ “ai” khiến cảm giác bơ
vơ, cô độc tăng lên bởi ai đó thuộc về cõi thực ngoài kia, cõi Hàn Mặc Tử không nguôi mong
nhớ. Đặt trong hệ thống ấy, “tình ai” sẽ là tình của cuộc đời, cách hiểu này gợi nỗi chua xót: xa
cách chia lìa với cuộc đời, nhà thơ vẫn băn khoăn, khắc khoải không biết có ai trong cuộc đời
ngoài kia còn nhớ tới mình không?
+ Ở câu thơ cuối hai đại từ “ai” chỉ hai người trong mối quan hệ khăng khít. Tín hiệu tình người
có nhưng chưa đủ để cứu rỗi linh hồn, nhất là những linh hồn bất hạnh. Nhà thơ mong cái tuyệt
đỉnh của tình người: đậm đà. Câu thơ có chút hờn giận nhẹ nhàng, có phủ bóng hoài nghi và trên
hết là sự ghi nhận một tấm lòng.
 Câu thơ ngân xa như một tiếng than, nỗi đau của Hàn Mặc Tử như đang trải ra, vào cõi mênh
mông vô cùng. Lời thơ dường như nhắc nhở nhưng không bộc lộ tuyệt vọng hay hi vọng mà là
toát lên một sự thất vọng. Sự thất vọng của một thi nhân - người chủ của những mối tình
“khuấy” mãi không thành khối của một trái tim khao khát yêu thương mà không bao giờ và mãi
mãi không có tình yêu trọn vẹn. Lời thơ như một lời thanh minh khiến cho ta cảm thấy cảm
thông và xót xa cho tác giả nhiều hơn.
3. Nhận xét chung khổ thơ
- Cảnh vừa thực vừa mơ xứ Huế nhạt nhòa trong làn sương khói, người thiếu nữ Huế thoáng
hiện, kín đáo và duyên dáng trong màu áo trắng tinh khôi.
- Nghệ thuật: điệp từ “khách đường xa”, cùng với câu hỏi tu từ cuối bài thơ: Ai biết tình ai có
đậm đà? – vừa thể hiện phong cảnh, vừa khắc họa tâm cảnh. Con người mà nhà thơ nói đến là
con người xa vắng, trong hoài niệm bâng khuâng. Em đẹp dịu dàng, duyên dáng nhưng khó nắm
bắt, khó chiếm lĩnh quá, em ngày càng trở nên xa vời nhạt nhòa trong sương khói. Nhà thơ luôn
cảm thấy mình hụt hẫng, chới với trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng
mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhòa và mờ đi cùng sương khói. Nỗi trăn trở, dằn vặt
trong lòng, nỗi cô đơn trống vắng, niềm khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa
đôi.
IV. TỔNG KÉT
- Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm
hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ
pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử
đã phác họa ra trước mặt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống.
- Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt
trong lòng người đọc. Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ
nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ. Đây là một nghệ sĩ tài hoa,
một trái tim suốt cuộc đời luôn thổn thức tình yêu, một tâm hồn thi sĩ đã biến những nỗi đau
thương, bất hạnh của đời mình thành những đóa hoa thơ, mà trong đó thơm ngát nhất, thanh
khiết nhất là Đây thôn Vĩ Dạ.
- Đây thôn Vĩ Dạ vẫn xanh tươi trong vườn thơ Việt Nam. Nó góp phần đưa Hàn Mặc Tử vào vị
trí là một trong những đỉnh cao của Thơ mới. Với bài thơ này, ta hiểu vì sao Chế Lan Viên lại
nhận xét: Tôi dám chắc với các người rằng, sau này những gì tầm thường mực thiết kia sẽ tan
biến đi, còn lại một chút gì của thời này đó là Hàn Mặc Tử.

You might also like