TLHTLSCHTKT

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 6

CHƯƠNG 1

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA


MÔN LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT KINH TẾ

Mục tiêu của chương:


Cung cấp các kiến thức cơ bản về:
- Khái niệm Lịch sử các học thuyết kinh tế
- Đối tượng nghiên cứu môn học
- Phương pháp nghiên cứu môn học
- Ý nghĩa của việc nghiên cứu môn học
1.1. Đối tượng nghiên cứu của môn học lịch sử các học thuyết kinh tế
Lịch sử các học thuyết kinh tế là một môn khoa học xã hội nghiên cứu quá trình phát
sinh, phát triển, đấu tranh và thay thế lẫn nhau của các hệ thống quan điểm kinh tế của
các giai cấp cơ bản trong các hình thái kinh tế- xã hội khác nhau.
Đối tượng nghiên cứu của môn Lịch sử các học thuyết kinh tế là các hệ thống quan
điểm kinh tế của các đại biểu, các giai cấp khác nhau trong các hình thái kinh tế - xã hội
khác nhau gắn với các giai đoạn lịch sử nhất định. Nó chỉ ra những cống hiến, những giá
trị khoa học cũng như phê phán có tính lịch sử những hạn chế của các đại biểu các trường
phái kinh tế học.
Như vậy, lịch sử các học thuyết kinh tế chỉ nghiên cứu những quan điểm kinh tế đã
được hình thành một hệ thống nhất định. Hệ thống các quan điểm kinh tế là tổng hợp những
tư tưởng kinh tế, giải thích thực chất của hiện tượng kinh tế nhất định, có mối liên hệ phụ
thuộc lẫn nhau và tư tưởng kinh tế đó phát sinh như là kết quả của sự phản ánh các quan
hệ sản xuất vào ý thức.
Những quan điểm kinh tế chưa thành hệ thống nhưng có ý nghĩa lịch sử thuộc môn
Lịch sử tư tưởng kinh tế. Trong lịch sử tư tưởng kinh tế, các quan điểm kinh tế của thế giới
cổ đại, các trào lưu đối lập khác cũng như các trường phái dân tộc được trình bày kế tiếp
nhau theo tiến trình lịch sử. Do vậy, không thể đồng nhất đối tượng nghiên cứu của môn
lịch sử các học thuyết kinh tế với đối tượng nghiên cứu của môn kinh tế chính trị hay môn
lịch sử tư tưởng kinh tế. Lịch sử các học thuyết kinh tế chỉ là một bộ phận cấu thành của
lịch sử tư tưởng kinh tế.
Môn lịch sử các học thuyết kinh tế còn có mối quan hệ với lịch sử phát triển kinh tế
quốc dân. Môn Lịch sử kinh tế quốc dân nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế của các
quốc gia, rút ra thành tựu và các khó khăn trở ngại của sự phát triển, nguyên nhân của thành
tựu và sự hạn chế của tiến trình phát triển kinh tế trong từng giai đoạn lịch sử của một quốc
gia. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá tính khoa học và thực tiễn các quan điểm kinh tế, tư
tưởng và các học thuyết kinh tế của các tác giả và các trường phái kinh tế, là cơ sở để chúng
phê phán, lựa chọn và thay thế lẫn nhau trong lịch sử.
1.2. Phương pháp nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế
Lịch sử các học thuyết kinh tế là môn khoa học xã hội mang tính hiện thực khách
quan. Nhưng hiện thực khách quan rất phức tạp và luôn biến động, do vậy, để nghiên cứu
môn lịch sử các học thuyết kinh tế, cần sử dụng những phương pháp khoa học, đó là:
Phương pháp duy vật biện chứng: Hệ thống các quan điểm kinh tế là kết quả của việc
nghiên cứu, phản ánh quan hệ sản xuất vào ý thức con người trong những giai đoạn lịch sử
nhất định. Các quan điểm kinh tế là yếu tố quan trọng của kiến trúc thượng tầng tư tưởng xã
hội. Phương thức nhận thức khoa học chỉ ra rằng cần phải tìm kiếm nguồn gốc ra đời của các
lý luận kinh tế, những điều kiện phát triển và diệt vong của chúng ở ngay trong cơ sở kinh
tế xã hội.
Phương pháp lịch sử: Nguyên tắc chung cho phương pháp luận của lịch sử các học
thuyết kinh tế là nghiên cứu một cách có hệ thống các quan điểm kinh tế, đồng thời đánh
giá đúng công lao, hạn chế của các nhà kinh tế trong mỗi giai đoạn lịch sử. Điều đó đòi hỏi
việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế phải tuân thủ một cách triệt để nguyên tắc
lịch sử. Không nên xem xét các lý luận kinh tế của giai đoạn quá khứ bằng tiêu chuẩn hiện
tại mà phải đánh giá ý nghĩa của chúng căn cứ vào trình độ phát triển khoa học kinh tế của
thời đại ấy.
Nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế đòi hỏi phải sử dụng phương pháp phê
phán; phương pháp tiếp cận hệ thống; tính kế thừa và phát triển của các trường phái kinh
tế trong lịch sử. Sự tồn tại, phát triển của hoạt động thực tiễn và các lý luận kinh tế đều có
tính lịch sử, trong đó con người luôn phê phán kinh nghiệm cũng như lý luận của các thế
hệ trước, từ đó kế thừa, phát triển lý luận đó vào hoạt động kinh tế - xã hội của xã hội mình.
Chính vì vậy, các học thuyết kinh tế bản thân nó có tính độc lập tương đối và có ảnh hưởng
nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
1.3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế
Lịch sử các học thuyết kinh tế là một môn khoa học độc lập chiếm một vị trí quan
trọng trong số các khoa học xã hội. Lịch sử các học thuyết kinh tế có các chức năng đó là:
chức năng nhận thức, chức năng tư tưởng, chức năng thực tiễn và chức năng phương pháp
luận.
- Chức năng nhận thức:
Cũng như mọi khoa học khác, lịch sử các học thuyết kinh tế trước hết thực hiện chức
năng nhận thức. Chức năng này yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá các quan điểm kinh tế
của các đại biểu, các trường phái khác nhau theo quan điểm lịch sử cụ thể.
- Chức năng tư tưởng:
Những quan điểm kinh tế phát sinh, phát triển trong điều kiện kinh tế - xã hội nhất
định, gắn liền với những giai cấp nhất định, phục vụ mục đích, lợi ích cho các giai cấp đó.
- Chức năng thực tiễn:
Chức năng của lịch sử các học thuyết kinh tế không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận một
cách đơn giản các quan điểm kinh tế, bảo vệ lợi ích giai cấp mình mà còn giúp thế hệ sau
nhận thức và cải tạo được hiện thực kinh tế - xã hội dựa trên những bài học của lịch sử.
- Chức năng phương pháp luận:
Lịch sử các học thuyết kinh tế với tư cách là môn khoa học có chức năng phương
pháp luận. Nó cung cấp một cách có hệ thống các quan điểm, các lý luận kinh tế làm cơ sở
lý luận cho các khoa học kinh tế khác. Đặc biệt là các môn nghiên cứu các vấn đề liên quan
đến kinh tế thị trường, như kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, marketing và các môn kinh tế
khác.
Với những chức năng trên, việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế là rất cần
thiết, là một bộ phận không thể tách rời của việc nghiên cứu các khoa học kinh tế trong
giai đoạn hiện nay.
Tư duy khoa học là sự phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, nhưng hiện thực
khách quan rất phức tạp và thường xuyên biến động. Vì vậy, việc nghiên cứu các nguồn
gốc của những phạm trù cơ bản, các quy luật và những vấn đề khác của kinh tế chính trị
không thể bỏ qua tính lịch sử của chúng. Do đó, chỉ có thể hiểu được một cách sâu sắc và
hoàn chỉnh kinh tế chính trị học sau khi nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế.
Việc nghiên cứu Lịch sử các học thuyết kinh tế giúp cho người học mở rộng và nâng cao
những hiểu biết về nền kinh tế thị trường, các hiện tượng kinh tế, những kiến thức cần thiết
trong việc nghiên cứu, xây dựng những đường lối phát triển kinh tế đất nước và chiến lược
kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay nói chung và nước ta nói riêng, việc nghiên
cứu lịch sử học thuyết kinh tế càng cần thiết để hiểu biết và nắm vững các chủ trương của
Đảng trong công cuộc đổi mới, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
TÓM TẮT CHƯƠNG

Lịch sử các học thuyết kinh tế là một môn khoa học xã hội nghiên cứu quá trình phát
sinh, phát triển, đấu tranh và thay thế lẫn nhau của các hệ thống quan điểm kinh tế của các giai
cấp cơ bản trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau.
Đối tượng nghiên cứu của môn học là các hệ thống quan điểm kinh tế của đại biểu
các giai cấp khác nhau trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau gắn với các giai đoạn
lịch sử nhất định.
Lịch sử các học thuyết kinh tế chỉ nghiên cứu những quan điểm kinh tế đã được
hình thành một hệ thống nhất định. Những quan điểm kinh tế chưa thành hệ thống có ý
nghĩa lịch sử thuộc môn Lịch sử tư tưởng kinh tế.
Phương pháp nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế là phương pháp duy vật biện
chứng phương pháp logic - lịch sử, phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp phân tích
- tổng hợp, phương pháp đối chiếu – so sánh.Việc nghiên cứu hệ thống các quan điểm kinh
tế đòi hỏi phải thực hiện một cách triệt để nguyên tắc lịch sử. Không nên xem xét di sản
của quá khứ bằng tiêu chuẩn hiện tại, không nên đánh giá ý nghĩa của chúng căn cứ vào
trình độ phát triển của khoa học kinh tế hiện nay. Ngoài ra, việc nghiên cứu Lịch sử học
thuyết kinh tế còn đòi hỏi sử dụng phương pháp phê phán, phương pháp tiếp cận hệ thống
để nhằm vạch rõ những thành tựu khoa học, những hạn chế cũng như sự kế thừa, phát triển
các quan điểm kinh tế của các đại biểu khác nhau.
Mục đích nghiên cứu Lịch sử các học thuyết kinh tế nhằm cung cấp một cách có hệ thống
các quan điểm, các học thuyết kinh tế của các trường phái, các đại biểu tiêu biểu trên thế giới
gắn với điều kiện lịch sử xuất hiện của chúng.
Đối với sinh viên các trường đại học thuộc khối kinh tế, việc nghiên cứu lịch sử các
học thuyết kinh là rất cần thiết. Các nhà khoa học kinh tế, nhà quản lý kinh tế chỉ khi nắm
chắc và hiểu sâu sắc, hoàn chỉnh các học thuyết kinh tế mới có đầy đủ hơn những kiến thức
cơ bản về các phạm trù, quy luật, lý luận kinh tế để hoạch định, chỉ đạo, thực thi các chính
sách kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thị trường.

You might also like