Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

Câu 1(8,0 điểm):

Vụ tổ chức khủng bố IS đánh bom và xả súng đẫm máu ở Paris (Pháp) ngày 13-11-2015 khiến
129 người thiệt mạng và cả thế giới bàng hoàng. Tại buổi tưởng niệm các nạn nhân, một video của
hãng truyền thông Le Perit Journal đã ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố người Pháp
gốc Việt và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch vừa xảy ra. Chỉ sau một thời gian
ngắn, video này đã lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội và ngay lập tức nhận được hơn
11 triệu lượt chia sẻ trên Facebook.
Khi được hỏi về chuyện xảy ra ở Paris, cậu bé hồn nhiên cho biết, đó là do những người độc ác
gây ra. Cậu bé còn nói cần phải chuyển nhà vì người độc ác có súng, có thể bắn chết người. Người
bố ở bên cạnh dịu dàng trấn an con trai đừng nên lo lắng, sau đó còn dạy cậu bé: “Họ có súng còn
chúng ta có hoa. Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng.”
(Nguồn Baotreonline, ngày 30 tháng 01 năm 2016)
Anh/chị suy nghĩ gì về lời trấn an con trai của người bố: “Họ có súng còn chúng ta có hoa. Những
bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng”?

DÀN Ý

1. Mở bài:
Cuộc sống vốn là một khối vuông rubik muôn màu muôn sắc mà mỗi mặt, mỗi màu đều là
một phần của nó. Thế nên, ta không thể đánh giá vội cuộc đời này là đẹp hay xấu chỉ bởi
nhìn qua mảng đen tối mà quên mất đi màu hồng vốn có của nó. Đâu đó, trong những ngõ
ngách của cuộc sống, cái đẹp trong sáng ẩn sâu bên trong tâm hồn con người vẫn có thể hiện
hữu dẫu trong những cái tưởng chừng chỉ là sự đau thương, mất mát, thống khổ! Câu chuyện
trên là một minh chứng cho điều đó! Dù rơi vào hoàn cảnh tan tốc, éo le, nhưng với người bố
trong câu chuyện, ông vẫn luôn giữ cho mình một sức mạnh, đó là sức mạnh của niềm tin, tin
vào cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, tin vào một tương lai tươi sáng, và ông đã dạy con mình
bài học quý giá ấy thông qua câu nói: “Họ có súng còn chúng ta có hoa. Những bông hoa có
thể chiến đấu chống lại những họng súng”.
2. Thân bài:
a. Giải thích câu nói và rút ra bài học:
- Súng: là hình ảnh đại diện cho cái ác, cái xấu.
- Hoa: là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp, sự chính nghĩa, là tấm lòng lương thiện của
con người
- “Những bông hóa có thể chiến đấu lại những họng súng”: tấm lòng lương thiện của
con người sẽ luôn đấu tranh với cái tàn ác, xấu xa và chiến thắng bao giờ cũng thuộc
về chính nghĩa
 Câu nói đã mang đến cho chúng ta bài học và thông điệp hết sức sâu sắc, ý nghĩa: dù
cuộc đời bao giờ cũng tồn tại những mảng màu đen tối, dù cái ác, cái xấu vẫn luôn hiện
hữu từng ngày trong lớp màn hiện thực của xã hội nhưng con người cũng đừng vì nó
mà lãng quên đi cái đẹp. Bởi lẽ, trong khối rubik vuông vức nhiều mảng ấy tuy có “đen”
nhưng vẫn có “hồng”, thế nên hãy luôn nhớ rằng chính nghĩa sẽ luôn ở xung quanh và
bảo vệ chúng ta, rồi cái ác cũng sẽ bị khuất phục trước cái thiện, những họng súng vô
tình ấy rồi sẽ phải chịu thua trước những bông hoa của chính nghĩa, của công lý.
 Lời khuyên dạy của người bố trong câu chuyện như muốn gửi gắm đến chúng ta một
sức mạnh, sức mạnh của niềm tin, của sự can đảm “ hãy dùng bông hoa đẹp đẽ trong
tâm hồn của mỗi người để chiến đấu lại những họng súng xấu xa của những kẻ bất
lương!”
b. Bàn luận về câu nói: Hoàn toàn đồng tình với câu nói
- Những bông hoa tuy nhỏ bé, tưởng chừng yếu ớt đấy nhưng chúng luôn cống hiến hết
hương sắc của mình cho cuộc đời, dâng tặng vẻ đẹp cho cuộc sống => cũng như
những người mang trong mình trái tim lương thiện, họ sẽ luôn đấu tranh để bảo vệ, gìn
giữ những điều tốt đẹp cho xã hội, dù có phải hy sinh mình đi nữa, nhưng họ vẫn sẽ là
những cánh hoa thật đẹp rơi trong gió.
- Vũ khí đích thực để chiến đấu với cái ác không gì khác là một tấm lòng lương thiện, là
trái tim nhân ái của con người, là niềm tin của họ vào công lý, chính nghĩa, vào sự
chiến thắng tất yếu trước những điều xấu xa, phi nghĩa
- Họ có súng thì đã sao, nòng súng của họ có thể đâm xuyên qua tim người khác nhưng
liệu rằng có thể giết chết đi sự thiên lương bên trong tâm hồn con người? “Họ có súng
thì chúng ta có hoa”
- Sẽ thật khó để bài trừ cái xấu ra khỏi xã hội nhưng không vì thế mà chúng ta không
hành động, thay vì ngồi im chỉ để chứng kiến những tội ác ấy làm vấy bẩn bức tranh
cuộc sống tươi đẹp, mỗi người phải có niềm tin vào chính mình, tin vào sự lương thiện
trong tâm hồn mình, tin vào cái thiện, cái chính nghĩa để cùng nhau hành động => tất
cả chúng sẽ soi đường dẫn lối để chúng ta tìm ra được ánh sáng, hướng đi tươi đẹp cho
cuộc đời “ những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những hộng súng” là bởi lẽ đó.
- Chiến thắng dành cho chính nghĩa, cho sự thiên lương là một điều tất yếu của cuộc
sống, là quy luật của cuộc đời => những kẻ xấu xa mang trong mình những tội ác sẽ
sớm bị trừng phạt bởi sức mạnh của chính nghĩa, bởi chính tòa án lương tâm sẽ đi theo
ám ảnh họ đến suốt cuộc đời => cái giá đắt phải trả cho những kẻ chỉ biết “cầm súng”
chống lại chính nghĩa thay vì nuôi dưỡng, nâng niu bông hoa lương thiện vốn có của
chính mình.
- Câu nói là hồi chuông đánh thức niềm tin, sức mạnh nội tại bên trong trái tim mỗi
người => tin vào những điều tốt đẹp dẫu trong hoàn cảnh éo le nhất => tin vào sự
chiến thắng của chính nghĩa => niềm tin ấy chắn chắn sẽ đưa con người đi đúng
hướng, vượt qua tất cả mọi thử thách để biến khao khát ấy trở thành hiện thực.
- Khi biết đấu tranh vì chính nghĩa, tin vào chính nghĩa thì chắc chắn đó sẽ là liều thuốc
tinh thần hữu hiệu giúp con người chữa lành những vết thương đau của mình, nâng đỡ
tâm hồn ta bước qua nghịch cảnh
c. Dẫn chứng : Cuộc sống vốn có rất nhiều những tấm gương đáng ngưỡng mộ như thế
khi mà họ biết dùng chính sự thiên lương của mình để đấu tranh với cái ác, gìn giữ
chính nghĩa, và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người khác:
 Trước 24 tiếng đồng hồ khi vụ đánh bom và khủng bố diễn ra ở Paris, ngôi làng
Beirut ở Liban cũng đã diễn ra một cuộc đánh bom tự sát khủng khiếp do chính
IS gây ra đã cướp đi hơn 143 mạng người. Nhưng con số thương vong này sẽ
còn lớn hơn rất nhiều nếu không có sự xuất hiện của anh Adel Termos – người
hùng đã dũng cảm ôm chặt lấy kẻ đánh bom trước khi hắn xông vào nhà thờ.
Chính anh đã hy sinh hạnh phúc gia đình của mình để cứu lấy rất nhiều những
gia đình khác, để cứu lấy những người bố, những người mẹ cho những cho đứa
trẻ ngoài kia. Khi được hỏi về ba mình, con anh Adel đã trả lời rằng: “Bố con là
một người hùng và con tự hào về bố”.
=> Con người tưởng chừng như sẽ rất sợ hãi trước cái chết cận kề, ấy vậy mà
nhờ vào trái tim nhân hậu, sự lương thiện của mình, chính điều đó đã mang đến
cho anh một sức mạnh to lớn để chiến đấu với cái ác, để bảo vệ mọi người =>
hành động cao cả khiến tất cả chúng ta thật ngưỡng mộ và xúc động.
d. Phê phán:
- Những kẻ xấu xa, gian ác, luôn hướng tới những điều tiêu cực, luôn chiến đấu cho
những cái phi nghĩa, phi công lý, phi nhân đạo => bản chất con người khi sinh ra vốn
hề không xấu xa, nhưng chỉ vì sự tham sân si của bản thân đã làm tha hóa đi bản chất
vốn có ấy => làm biến chất một con người khiến họ trở thành “tội đồ” của nhân loại.
- Những kẻ hèn nhát không dám đứng lên để đấu tranh vì chính nghĩa, bị quyền lực, cái
xấu che đậy những điều tốt đẹp trong tâm hồn => đi theo cái xấu, và chống lại cái
chính nghĩa.
e. Mở rộng
- Trên cuộc hành trình đi tìm chính nghĩa hẵn sẽ gặp rất nhiều những khó khăn, thách
thức, một cá nhân đơn lẻ sẽ không thể nào đủ sức chống lại cái xấu của xã hội => rất
cần sự đoàn kết của mỗi cá nhân trong cộng đồng, cùng nhau chung tay bảo vệ cái
thiện, cùng nhau tiếp thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua chúng => những điều phi
thường lớn lao luôn được hình thành từ rất nhiều những điều giản đơn trong cuộc
sống.
- Tôi tin rằng sự kiên trì, bản lĩnh to lớn của mỗi người kèm với đó một tinh thần quyết
tâm, không bỏ cuộc thì dù có phải hy sinh, hay mất mát nhiều hơn thế nhưng ta vẫn sẽ
chấp nhận và luôn cống hiến hết tất cả những gì mình có để gìn lấy sự chính nghĩa, và
tất nhiên một chiến thắng tất yếu sẽ luôn dành cho những ai luôn đứng về cái thiện,
những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
f. Liên hệ bản thân
- Khi đối mặt với cái xấu, cái ác, hay thậm chí là những giây phút tăm tối trong cuộc đời
=> Phải biết cách tự tạo dựng cho mình niềm tin, sức mạnh để vươn lên, chiến đấu
- Trên chặng đường phía trước mà tôi đang bước đến, hẵn sẽ đầy rẫy những đầy gai
nhọn, vì thế tôi cần phải chuẩn bị cho mình một tinh thần thép và một đôi chân thép.
Để dù cho cuộc đời này có mang đến cho tôi bao lần đau thương, mát mát, dù thẳm
sâu trong trái tim ấy là bao vết sẹo hằn sâu theo năm tháng, nhưng tôi vẫn sẽ dùng
niềm tin, sức mạnh nội tại của chính mình để nuôi dưỡng và làm nở những bông hoa
tươi đẹp nơi góc khuất tâm hồn .
g. Tổng kết vấn đề: Tóm lại, thông qua câu chuyện trên và đặc biệt là lời răng dạy của
người bố, tất cả đã gửi gắm đến mỗi người chúng ta thông điệp ý nghĩa, nhân văn:
- Chính nghĩa sẽ luôn chiến thắng cái ác
- Cuộc sống chưa bao giờ tồn tại khái niệm của sự tuyệt đối, thế nên dù con người có
đấu tranh ra sao nhưng hẵn rằng hiện thực vẫn còn đó, nó vẫn sẽ luôn tồn tại những
mảng màu đen tối. Thế nhưng, Một xã hội tốt đẹp không phải là nơi mà cái xấu, cái ác
không nảy sinh, hiện hữu, mà đó phải là nơi con người ta cùng nhau chiến đấu để tiêu
diệt, loại trừ chúng. => Như thế mới được xem là một xã hội tốt đẹp đúng nghĩa
3. Kết bài:
Câu chuyện trên và đặc biệt là câu nói của người bố “Họ có súng còn chúng ta có hoa.
Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng” đã mang đến cho tôi nhiều
suy nghĩ sâu sắc. Dường như mỗi khi đối mặt với những “gai nhọn” trong cuộc sống, con
người đều chỉ biết chìm vào mảng màu đen tối của nó mà quên mất rằng trong ta vẫn còn có
một thứ vũ khí vô giá đó là niềm tin, tin vào cái thiện, vào những điều tích cực rồi sẽ nở hoa
ngay cả khi cuộc đời có đầy rẫy những đau thương, mất mát! Thế nên, dù trong bất cứ tình
huống nào, dù có tồi tệ đến đâu nhưng xin hãy tin vào chính nghĩa, hãy tin vào những điều tốt
đẹp sẽ xảy đến, hãy tin vào quy luật tất yếu đó của cuộc sống và hãy tìm cho mình lý do để
tin tưởng những điều ấy, tôi chắc rằng bao giờ “sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”, và cái ác chắc
chắn sẽ bị khuất phục trước cái thiện, trước niềm tin, sức mạnh, trái tim yêu thương và một
tâm hồn giàu nghị lực của con người, cũng như “những bông hoa tươi đẹp rồi sẽ chiến thắng
những họng súng vô tình” .

Câu 2 (12,0 điểm):


Bàn về thơ, Sóng Hồng khẳng định:
“Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp.”
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua một số tác phẩm thơ giai đoạn 1945-1975 trong
chương trình Ngữ văn 12.
DÀN Ý
1. Mở bài:
“Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, và cũng không nên là ánh trăng lừa dối” (Nam Cao).
Nền văn học đúng nghĩa là khi nó phản ánh chân thật giá trị cái đẹp đến từ nghệ thuật. Đó
không phải là cái đẹp giả tạo hay tưởng tượng mà đích thực phải là cái đẹp hiện hữu ngay
trong chính con người, thời đại! Thơ cũng thế, một kiệt tác thật sự phải đến từ chính trái tim,
tâm hồn của một người nghệ sĩ chân chính về con người, thời đại! Thơ không chỉ là thơ,
không chỉ là những con chữ vô hồn hiện mình lên mặt giấy, mà thơ còn là khúc ca của cảm
xúc, “là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”
2. Thân bài:
a. Giải thích câu nói:
- Thể hiện “con người”: là việc khai phá và kí thác nên những tâm tư, tình cảm, vẻ đẹp,
phẩm chất bên trong con người.
- Thể hiện “thời đại”: ý nói đến hiện thực cuộc sống. Văn học nào thời đại đó, sự phát
triển của văn học phải gắn liền với từng bước tiến của xã hội mà trong đó thơ ca cũng
không phải là trường hợp ngoại lệ! Dù hiện thực có phá vỡ những nguyên tắc trong
lòng người đọc đi nữa nhưng cốt lõi thơ phải khởi phát từ cuộc đời, sau đó mới đi qua
tâm hồn người nghệ sĩ và thành những tiếng thơ đẹp đẽ .Cuộc đời sẽ mãi mãi là nơi
khởi đầu và là đích đến của thơ ca nói riêng hay văn chương nói chung.
 Người nghệ sĩ phải đi tìm và khai phá từng ngõ ngách của xã hội để phản ánh con người và
thời đại một cách chân thành nhất nhưng cũng phải cao đẹp nhất.
- “Cao đẹp” ở đây không phải là thoát ly với thực tại mà là sự “cao đẹp” trong cảm xúc,
trong tấm lòng của thi nhân - những con người luôn mài mò, lao động nghiêm túc để
khám phá ra vẻ đẹp đằng sau bức màn hiện thực xã hội, tìm kiếm vẻ đẹp nơi góc khuất
tâm hồn và thể hiện nó trong từng vần thơ, trang viết của mình. Dù đó có phải là một
một xã hội éo le, bi đát, dù con người có lâm vào hoàn cảnh khốn cùng nhất nhưng với
tinh thần và sứ mệnh của một người cầm bút, bắt buộc mỗi người phải tự đào sâu và
khám phá cho chính mình . Bởi lẽ, chỉ có như thế và chỉ có như thế, những áng thơ ấy
mới thật sự “thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”.
b. Bàn luận – chứng minh: đồng tình với nhận định
*Thơ ca thể hiện con người:
- Thơ và đời luôn gắn liền với nhau và luôn hướng tới tâm điểm là con người
- Thơ góp phần thể hiện tâm tư, cảm xúc của con người, “là thay lời muốn nói” cho
những tiếng lòng đang khao khát được bộc lộ
 Sóng (Xuân Quỳnh): nói về niềm khao khát yêu và được yêu của con người,
ước mơ được chạm đến tình yêu đích thực, vĩnh hằng trong cuộc đời cùng với
đó là những nỗi niềm lo lắng, suy tư của nữ thi sĩ khi đứng trước biển khơi,
sóng biển => nỗi lòng của Xuân Quỳnh cũng là nỗi lòng của rất nhiều những cô
gái ngoài kia
“Trước muôn trùng sóng biển./ Em nghĩ về em, anh/ Em nghĩ về biển lớn/ Tự
nơi nào sóng lên”.....”
 Tây Tiến (Quang Dũng): thể hiện nỗi nhớ da diết, triền miên của nhà thơ về
vùng đất Tây Tiến, con người Tây Tiến “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về
rừng núi nhớ chơi vơi”
 Hay trong Việt Bắc (Tố Hữu): từng vần thơ hiện lên như những câu hát giàu
cảm xúc, khắc họa tình cảm sâu sắc, sự gắn bó mặn mà, thủy chung, nồng nàn
của cả đồng bào Việt Bắc và những cán bộ về xuôi
“ Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” ...
“Mình về mình có nhớ không/ Ta về ta nhớ những hoa cùng người”...
 Mỗi vùng đất qua đi đều để lại lòng người dấu ấn rất riêng “ Khi ta ở đất chỉ là nơi ở/ Khi ta
đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên)
- Thơ còn bộc lộ lên được những phẩm chất quý giá, tốt đẹp của con người ngay trong
hoàn cảnh éo le, khó khăn, đầy thiếu thốn:
 Tây Tiến (Quang Dũng) dù hiện thực có khốc liệt, dù hoàn cảnh chiến đấu có
gian nan đến thể nào nhưng bên trong người lính vẫn là khí phách hiên ngang,
lạc quan, mang trong mình vẻ đẹp hào hoa lãng mạn của những người lính trẻ
Hà Thành tuổi mười tám đôi mươi nhưng cũng thật bi tráng, sẵn sàng hy sinh
tuổi trẻ này, cuộc đời này cho tổ quốc, non sông
“ Đoàn binh Tây Tiến không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt
trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm/ Rải rác biên
cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh
về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
 Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) vẻ đẹp của những con người vô danh, bình dị
nhưng đã cống hiến hết mình, góp tên, góp tuổi, góp số phận của mình để xây
dựng nên hình hài cho Đất Nước
“ Họ đã sống và chết./ Giản dị và binh tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng
họ đã làm nên Đất Nước”
 Sóng (Xuân Quỳnh): vẻ đẹp chủ động của người con gái trên cuộc hành trình
tìm kiếm tình yêu đích thực cho đời mình
“ Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nỗi mình/ Sóng tìm ra
tận bể
 Con người luôn là cái đích cuối cùng mà văn học nói chung hay thơ ca nói riêng đều muốn
hướng tới, để nhằm nuôi dưỡng, giáo dục tâm hồn, nhân cách của mỗi người
*Thơ ca thể hiện thời đại:
- Người nghệ sĩ được mệnh danh là thư kí trung thành của thời đại. Thế nên, thơ ca bao
giờ cũng phải là tấm gương phản chiếu chân thật hiện thực của cuộc sống
- Thơ ca phải bén rễ từ cuộc đời, được hình thành và bồi đắp nên từ chính trái tim đa
sầu đa cảm của các thi nhân
- Thơ ca nào thời đại đó => thơ ca mà xa rời với thực tế, thời đại chỉ có thể là một mớ
giấy và những con chữ vô giá trị mà thôi!
 Tây Tiến (Quang Dũng) khắc họa hiện thực chiến đấu đầy gian nan, khó khăn,
thử thách nơi núi rừng Tây Bắc hiểm trở, hoang vu nhưng cũng rất đỗi thơ
mộng trữ tình
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thẳm thẵm/ Ngàn thước lên cao ngàn thước
xuống/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
 Việt Bắc (Tố Hữu): cuộc sống chiến đấu tuy gian khổ, khó khăn, thiếu thốn
nhưng đó lại là những năm tháng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc khi mà
con người ta dám hy sinh thân mình để giữ lấy quê hương.
“ Ta đi ta nhớ những ngày/ Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi/ Thương nhau,
chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nữa chăn sui đắp cùng.
* Thơ ca phải phán ánh con người và thời đại một cách cao đẹp nhất.
- “Cao đẹp” không đi liền với ánh trăng lừa dối, mà “cao đẹp” đích thực phải là những
phát hiện độc đáo, sáng tạo qua quá trình lao động miệt mài, chăm chỉ, nghiêm túc
của người nghệ sĩ nhằm mang đến những giá trị đúng đắn, ý nghĩa cho văn chương
- Những vẻ đẹp được phát hiện phát phải gắn liền với con người và thời đại, không
được xa rời thực tế dù bối cảnh xã hội có nghiệt ngã, đau thương nhưng sứ mệnh của
những người cầm bút là phải vén bức màn đen tối đó lên để khai phá những vẻ đẹp,
những góc khuất tâm hồn được ẩn giấu đằng sau lớp màn hiện thực ấy.
- Từ đó, thi nhân sẽ bộc lộ cảm xúc của mình một cách chân thành, cũng như thể hiện
sâu sắc giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực trong đứa con tinh thần của mình.
- Nhiệm vụ của thơ ca không chỉ phản ánh con người và thời đại mà còn phải thể hiện
sâu sắc cả hai yếu tố trên một cách cao đẹp nhất – cao đẹp ở cảm xúc, tâm hồn, giá trị
nhân văn.
- Thế nên bao giờ cũng thế, thơ ca vốn luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải đi sâu vào cuộc
đời, tìm hiểu cặn kẽ từng ngõ ngách trong cuộc sống để phát hiện ra những điều chưa
ai phát hiện, khai phá nên những vẻ đẹp mà chưa ai khai phá, sáng tạo những gì chưa
ai sáng tạo.
 Tây Tiến (Quang Dũng): dù hiện thực cuộc sống chiến đấu có gian khổ, thiếu
thốn đến đâu, dù chiến trường có tàn khóc như thế nào đi nữa, nhưng những
người lính Tây Tiến ấy vẫn luôn giữ trong mình những phẩm chất, vẻ đẹp đáng
quý => Đặc biệt hơn cả là hai hình ảnh lấy đi bao cảm xúc của người đọc “Áo
bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc lên độc hành => dù viết về sự
hy sinh nhưng ta không hề cảm thấy một chút nỗi buồn nào của sự bi lụy mà
trái lại đó còn là tinh thần bi tráng của những đứa con vĩ đại của dân tộc –
những con người “chẳng tiếc đời xanh” để “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”
=> Quang Dũng đã nói về sự hy sinh cao cả bằng một cái nhìn cao đẹp, không
hề bi lụy chìm trong nỗi đau mà là ngợi ca để nâng đỡ tâm hồn con người đứng
lên sau những mất mát, đau thương => Thi nhân hết sức khéo léo, tài tình khi
đưa bài thơ của mình trở thành khúc ca hào hùng nhất, ngợi ca những con
người đã ngã xuống vì hai tiếng độc lập cho dân tộc.
c. Mở rộng:
- Trách nhiệm giới văn nghệ sĩ: đào sâu hiện thực cuộc sống, đánh già đa chiều, thấu
hiểu con người và thời đại dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Bởi lẽ sự thấu hiểu trong văn
chương, thơ ca mới là giá trị cơ bản trong việc thể hiện con ngưởi và thời đại một
cách cao đẹp.
- Trách nhiệm người đọc: lắng nghe, cảm nhận từng vần thơ bằng chính trái tim mình:
trái tim đồng điệu với trái tim, tâm hồn đồng điệu với tâm hồn. Để rồi từ đó, ta sẽ thấu
hiểu hết được ý đồ, tâm tư, cảm xúc của thi sĩ cũng như sự cao đẹp trong cách thể hiện
con người, thời đại qua mỗi tác phẩm.
d. Tổng kết lại
- “ Thơ chỉ trào ra khi trong ta cuộc sống đã thật đầy”=> Thơ ca đúng nghĩa phải viết
nên từ chính cuộc sống, phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp nhất nhưng
cũng phải thật chân thành, không bị rơi vào cái “giả tạo” hay “mơ tưởng”
- Văn học nói chung hay thơ ca nói riêng bao giờ cũng bén rễ từ thực tại, sau đó được
sàng lọc kĩ lưỡng qua trái tim, tâm hồn của người nghệ sĩ chân chính. Để rồi từ đó, họ
sẽ chấp bút nên những vần thơ được khởi phát từ chính tiếng lòng của mình. Chỉ có
như thế và chỉ có như thế, thơ ca mới thật sự rung lên trong con người những cảm xúc
đẹp đẽ nhất, chân thành nhất, ghi lại trong tâm hồn mỗi người những dấu ấn sâu sắc
đặc biệt khó phai => Thơ ca đích thực phải là một thơ ca như thế, mang lại những giá
trị đúng nghĩa như thế, thể hiện con người và thời đại cao đẹp như thế.
3. Kết bài:
Tóm lại, tôi muốn đi đến một kết luận rằng : “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một
cách cao đẹp.” Những người nghệ sĩ chân chính sẽ luôn lao động miệt mài, khai thác mọi
khía cạnh, góc nhìn của cuộc sống để từ đó sáng tác nên thật nhiều những trang thơ thơm
thảo, gửi tặng đến cho đời, cho con người những áng thơ bất hủ về con người, thời đại một
cách cao đẹp! Thơ hay là hay cả hồn lần xác, hồn thơ là hồn của thi nhân, tiếng thơ là tiếng
lòng của người nghệ sĩ, bao giờ cũng thế thơ phải là khúc hát chân thành nhất, cảm xúc nhất
và cao đẹp nhất! Chỉ có như thế, thơ ca mới thật sự ghi dấu mãi trong lòng người đọc và tồn
tại vĩnh hằng theo thời gian!

You might also like