Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Báo cáo Thực tập Khảo cổ học

Họ và tên: Chử Đình Tuân

Lớp: QH – 2021 – X – LS

Mã sinh viên: 21030913

Ngành: Lịch sử

Địa điểm: xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Về những mảnh ký ức đẹp đẽ...

Tôi vẫn luôn tự hào (có phần tự cao) rằng tôi là sinh viên khoa Sử trường Tổng hợp
truyền thống, anh hùng và với bất cứ sự khoe mẽ nào của tôi với người khác thì đều là
sinh viên trường Tổng hợp, khoa Sử. Chẳng phải ngẫu nhiên, và cũng chẳng riêng gì tôi,
sinh viên khoa Sử nào cũng như vậy, chúng tôi có những điều kiện, những đặc quyền để
có thể phát triển sự học một cách tốt đẹp nhất. Một trong số những đặc quyền ấy là đợt
thực tập khai quật khảo cổ học – chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm trong mỗi sinh viên khoa
Sử. Với riêng tôi, cũng không ngoại lệ, tôi nhớ mãi những mảnh ký ức ấy và tôi nghĩ, nó
nên là những “mảnh” cho hợp lý với trí nhớ dòng thời gian và những gì tôi thu lượm
được...

Đoàn chúng tôi theo sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Hữu Mạnh và anh Lê Văn Phúc khai
quật tại địa điểm xã Thiện Kế, một địa danh quan trọng trong nghiên cứu lịch sử - khảo
cổ nhiều thời kỳ nhưng chưa được chú trọng đến mấy. Chúng tôi khai quật Văn hóa Gò
Mun – một trong những Văn hóa tiền Đông Sơn, đây là địa điểm văn hóa Gò Mun xa
nhất về phía Bắc cho đến nay. Mặc dù tôi có những quan tâm về các văn hóa tiền – sơ sử
nói chung nhưng thực sự chưa biết một di chỉ thực sự được khai quật như nào, các di tích
ra làm sao và có những loại hình di vật nào. Tôi háo hức được tham gia một cuộc khai
quật trọn vẹn và được học thêm kiến thức, kinh nghiệm. Tôi xin trích dẫn một câu của
triết gia hậu hiện đại Michel Foucault khi nói về lập trường chính trị của mình: “Tôi nghĩ
tôi có thể được định vị ở hầu hết phân khu trên bảng kiểm kê lập trường chính trị, lần lượt
hết vị trí này đến vị trí khác, đôi khi đồng thời cùng lúc:...”, trên công trường khai quật,
có lẽ tôi cũng như vậy, cũng “hết vị trí này đến vị trí khác”. Trên hố, mỗi người một việc,
người thì cuốc, người nạo, người xúc đất, đổ đất, đập đất,... Tôi thì khác, lúc thì đang cặm
cụi ở dưới hố, lúc khác tôi lại đang đập đất cùng với chị em,... Tôi thường tự nhận mình
là làm “part time” bởi tôi chẳng thể nào ngồi im một chỗ để làm một công việc và tôi
cũng muốn được nhìn toàn cảnh một cuộc khai quật sẽ diễn ra như thế nào. Chắc cũng
bởi vì thế mà tôi nhận thấy rằng tôi đã học được nhiều... Tôi được làm việc cùng bạn bè,
được anh Phúc và thầy hướng dẫn, chỉ bảo nhiều để sau này học nghề, làm nghề...

Tôi thích cảm giác được sờ, nắm và rồi hiểu về những di vật, di tích đã cách đây mấy
ngàn năm, có lẽ vì vậy mà tôi thích học sử, thích khảo cổ. Tôi cũng dự định từ năm nhất
rằng sẽ học chuyên ban Khảo cổ, sẽ đi khai quật và cũng phần nào ý thức được tôi phải
có trách nhiệm với cái nghề, cái nghiệp này. Có một lần trên công trường, ở hố 3, hố khai
quật mà tôi gắn bó nhất, chúng tôi khi đó đã đào đến lớp thứ 6 và phát hiện xương ở trong
vách đá. Vì đã đào qua lớp đó và cũng vì thời gian có hạn mà không thể tiếp tục mở rộng
khai quật nữa nên đã bỏ qua lớp xương ăn trong vách đó. Chẳng hiểu vì sao mà tự dưng
cảm xúc dâng trào, muốn khóc ứ đọng đến cổ. Tôi cố kìm nén ra ngồi riêng một góc
châm điếu thuốc và bắt đầu nghĩ... Tôi muốn làm nghề, tôi hiểu mình nên có trách nhiệm
với nó (dù chẳng ai bắt ép tôi phải thế hay cần tôi phải như thế) nhưng kiến thức, kinh
nghiệm chưa có, chưa đủ thì sao mà có thể làm được. Rồi tôi lại nghĩ, tôi sẽ phải đi suốt
nếu như sau này có làm nghề. Và cái nghề này, ngành khoa học này liệu xã hội đã hiểu
đúng về nó chưa, đã chú ý như thế nào, cả người trong và ngoài ngành... Đó là những
điều hiện lên trong đầu óc non nớt của tôi về Khảo cổ học, về cái nghiệp “lật trang sách
đất để giở trang sách đời” rồi sẽ phải Đọc – Đi – Đào – Đau Đáu – Đau Đầu như GS Trần
Quốc Vượng đã nói. Tôi sẽ tiếp tục phải học, phải làm để những điều mà tôi mong mỏi
không chỉ còn ở trong suy nghĩ.

Chúng tôi – nửa lớp K66 Lịch sử trong 15 ngày khai quật được sinh hoạt cùng nhau, cùng
sống, cùng làm việc và chơi đùa cùng nhau, đó có lẽ là điều mà không ai trong chúng tôi
nghĩ đến nếu như không có đợt thực tập này. Khi học ở trường, chúng tôi chỉ học cùng
nhau vài môn chuyên ngành và chẳng ai có đủ thời gian cũng như khoảng cách để có thể
nói chuyện, giao tiếp với nhau. Trên mạng xã hội cũng vậy, mỗi người có một không gian
riêng của mình, bận lo những mối lo khác riêng mình. Thực sự thì đến trước khi đi khai
quật, lớp tôi là một tập thể nhưng rời rạc và có phần rệu rã, đó là suy nghĩ thật lòng của
tôi. Nhưng khi được ở cùng nhau, mọi chuyện đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Tôi
vẫn luôn muốn mọi người trong lớp đoàn kết, gắn bó với nhau, còn phần mình thì tôi
muốn đứng ở ngoài quan sát sự phát triển tốt đẹp đó. Tôi sẽ chẳng muốn và chẳng thể kể
lể ra hết được sự thay đổi đó. Tình cảm giữa người với người, giữa bạn bè với nhau, cùng
nhau đã đưa những cá thể với những mối bận tâm khác nhau trở về, và lập một “khế ước
tinh thần”. Tình bạn bè, tình yêu nam nữ, những người không quen trở nên thân thiết, tinh
thần tập thể,... tất cả chúng... tôi vẫn thường tự ví trong đầu rằng đó như việc triết học
tình cảm của Rousseau đã đưa Kant trở về từ thử thách truy tìm lý tính con người.

Không chỉ được thực hành khai quật Khảo cổ học, một việc học chuyên môn mà theo góc
nhìn của mình, tôi còn thấy cả cách tiếp cận Nhân học khi chúng tôi sống nhờ, ở nhờ với
dân. Nghĩa là ngoài việc khai quật trên hố, chúng tôi còn phần nào học được phương
pháp điền dã nhân học. Chúng tôi khi đến với Thiện Kế vẫn còn lạ nước lạ cái, còn e dè
nhưng sau một khoảng thời gian, người dân ở đó quý chúng tôi mà chúng tôi cũng thân
thiết với họ như người nhà. Có những câu chuyện mà tôi không tiện kể ra nhưng những
câu chuyện đó, tình huống đó đã làm cho chúng tôi, riêng tôi gắn bó, thân thiết với người
dân. Tôi thường nghĩ rằng, con người chúng ta ai cũng như nhau, và việc những người từ
thành phố đến như chúng tôi có thái độ “bề trên” là điều không phải. Chỉ khi ta sống, hòa
mình vào đời sống nơi đó, nhìn nơi đó như là nhân vật chính trong câu chuyện của ta thì
lúc đó ta mới thật sự thành công cả về mặt tình cảm và công việc – khai quật của ta. Như
Claude Lévi-Strauss trong Tristes Tropiques rằng đã chán ngán những chuyến du ký mà
nhân vật chính là ta, nhân vật chính ở đây phải là những miền đất, những dân tộc, con
người mà ta gặp, sống cùng họ, hiểu họ thì đó là điền dã dân tộc học, nhân học.
Một vài những mảnh ký ức về một thời đáng nhớ, tôi đã được học, được chơi, đã được
thấy và đã được thực hành. Từ mảnh đất Thiện Kế, riêng tôi đã cảm nhận được tình cảm
từ nhân dân, tình bạn bè và tình cảm thầy – trò nảy sinh và phát triển. Tôi sẽ mãi nhớ một
thời sinh viên khoa Sử trường Tổng Hợp...

You might also like