Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 17

Phong cách thơ Tố hữu

Nói thơ Tố Hữu là thơ trữ tình điệu nói là xác định chất liệu ngôn ngữ và cách tổ chức lời thơ
của nó. Hoàn toàn không có nghĩa rằng thơ Tố Hữu là lời nói thông thường. Trái lại, tác giả
thường gọi thơ ông là “tiếng hát”, “bài ca” : Tiếng hát đi đày, Tiếng hát sông Hương, Tiếng hát
trên đê, Tiếng hát sang xuân, Bài ca mùa xuân 1961, Bài ca xuân 71, Một khúc ca xuân, Khúc
ca vui, Bài ca quê hương,…
Trong thơ ông thường nói :

 Thơ ta ơi, hãy cất cao tiếng hót


Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta…
 Thơ ơi thơ sẽ hát ca gì…
Trong tâm sự, ông thường khẳng định : “Ta phải ca hát cuộc đời chúng ta”, “Ta phải ca hát cuộc
đời chúng ta sao cho anh em xa của mình được sướng lây, mừng cho mình, mừng cho đời” . Rõ ([1])

ràng, tiếng hát, thơ hát là một quan niệm thơ nhất quán, vững bền của nhà thơ Tố Hữu.
Nhưng thơ của Tố Hữu không phải là thể thơ để hát hay để ngâm theo điệu sẵn. Người ta ít
phổ nhạc thơ Tố Hữu và cũng ít thành công, mà ngâm thì thường làm trung hoà mất cái giọng rất
gợi cảm, nhiều vẻ của tác giả. Phân tích các bài thơ mà tác giả gọi là “hát”, “ca”, thì chúng căn
bản chẳng khác gì những bài khác không được gọi bằng cái tên ấy. Như vậy, “hát”, “ca” không
phải là khái niệm về một thể tổ chức lời thơ.

Mặt khác, trong thơ Tố Hữu, thiên nhiên, đất nước, con người, đều có thể cất tiếng hát ca :
“Dòng sông rộn tiếng ca”, “những con đường ca hát”, những “sóng biển vẫn dập dìu ca hát”,
“Tiếng hát ta bay lộng giữa đời”, “Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”, “Cầm tay nhau hát vui
chung”, “Tất cả dưới cờ, hát lên và bước”, “Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát”, “Đèo Lũng Lô
anh hò chị hát”, “Hỡi em gái, hãy hát mùa xuân tới”. Bác Hồ “cho cả muôn đời một khúc ca”, cả
nước “Nghìn năm quanh Bác bản hoà ca”,… Như vậy, hát ca là trạng thái thơ của thế giới và con
người, là chất thơ của thơ Tố Hữu, là cái nhìn nghệ thuật của thơ ông.

Hát ca là trạng thái say sưa, phơi phới bay bổng với lý tưởng, niềm tin của tâm hồn, là trạng thái
tinh thần khát khao mãnh liệt, ngùn ngụt nhiệt huyết trong cuộc đấu tranh cách mạng, là trạng
thái nảy nở sinh sôi tột độ của xã hội và tự nhiên, là sự toả sáng của các phẩm chất giá trị.

Tiếng hát là biểu hiện của tâm hồn bị kích thích cao độ đến mức ngân vang. Đó là chất thơ
của thời đại cách mạng và hồi sinh, đối lập lại với cái bình thường, quá độ, nhợt nhạt, trung tính,
già cỗi, chết chóc, lặng lẽ, vật thể. Nó cũng đối lập với cái siêu thoát, u hoài, cô đơn, buồn thảm,
… Chất thơ này làm cho thơ trữ tình điệu nói của Tố Hữu mang sắc thái say mê, bay bổng, cao
cả, nhiệt huyết.

Advertisement

Điều này thể hiện trong chủ đề từ ngữ của toàn bộ thơ Tố Hữu. Hình ảnh ngôn từ của thơ ông
thể hiện một thế giới đang bừng sáng, bốc cháy, nóng bỏng. Ông thích nói đến mặt trời chân lý,
mặt trời lên, đỏ như sao Hoả, sáng sao Kim, chói lọi khối sao băng, cả địa cầu thành một ngôi
sao, muôn vạn vì sao dẫn đường… Tố Hữu hình như ít thích mặt trăng bởi ánh sáng của nó dịu
nhẹ quá. Ông thích mặt trời nóng bỏng, chói chang. Nắng trong thơ ông nói chung bao giờ cũng
ấm sáng, rực rỡ : nắng tràn, nắng chói, nắng rọi, nắng soi, đầy nắng, nắng rực, nắng vàng, nắng
tươi, nắng chang chang, nắng lửa, nắng say, nắng thơm, nắng mới tinh, nắng đu đưa, nắng đỏ,
khoai dát nắng.
Ông thích những hình ảnh nóng cháy – ngọn đuốc thiêng liêng, tim ta làm ngọn lửa, trái tim
nóng bỏng, đoạn đường xưa cát bỏng lưng đồi, nóng bỏng lời kêu gọi của Trung ương, nỗi nhớ
cháy bỏng, Lửa cháy trong lòng ta gió lộng, thơ mang cánh lửa, những dòng thơ lửa cháy, Anh
muốn thiêu bằng mắt lũ đê hèn, Lửa kêu lửa giữa miền Nam rực lửa, Mà nghe nóng rực chiến
khu rộn ràng, Và cứ tưng bừng theo lửa sống, Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên, ngọn đèn đêm
gió, ngọn đèn công lý, ngọn đèn như trái tim thương nước.
Cả thế giới trong thơ Tố Hữu, ngoại trừ bọn phản động, tất thảy đều phát sáng. Từ con
người ánh đôi mắt sáng, sáng long lanh, rạng mặt người, mỗi con người tự sáng, trái tim như
ngọc sáng ngời, sáng trong như ngọc một con người, cái miệng cười tươi sáng dặm dài, mái tóc
vàng toả rạng chiến công, trắng phau răng cười ;đến chiếc mũ tai bèo cũng Sáng trên đầu như
một mảnh trời xanh ; cả môi trường xung quanh và sự nghiệp đều phát sáng : gươm trần sáng
quắc, ánh gươm độc lập, xanh loè mã tấu, niềm tin tươi ánh thép, óng xanh lúa, đường nhựa dài
óng ả, hố bom lấp lánh, xuân toả gương trong, rừng lá nón ngời ngời, Sáng nghìn năm lịch sử –
Điện Biên, Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời, Nhìn lên Việt Bắc Cụ Hồ sáng soi, Sáng đường
đôi mắt Bác hằng trông, đường Hồ Chí Minh sáng đế n mai sau, sáng muôn lòng vạn kiếp sau,
Đường đi muôn dặm đã ngời mai sau,… Cùng với nắng sáng là ấm : ấm bàn tay, ấm nắng hanh,
ấm từng tiếng, ấm hơi Người…
Cảnh vật trong thơ Tố Hữu thường được miêu tả trong độ nảy nở, xinh đẹp tột cùng : Căng
đầy sức dậy dáng non tơ, Đường nở ngực những hàng dương liễu nhỏ, rực lúa chiêm trăng
bướm bướm vàng, mùa hè chín mẩy, ga hồng đôi má, cầu thơm mùi sơn, áo nâu non náng chói,
Mái trường tươi roi rói ngói son, Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi, lụa Nam Định đẹp tươi mát
rượi, Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn, Mía lên mật thân tím màu áo cưới, sum suê chợ Bưởi,
tíu tít Đồng Xuân, Cuba ngọt lịm đường, phởn phơ bò giống, xanh rì cỏ non, bắp mẩy, mía giòn,
thơm ngon, xoài ngọt, rừng cao su xanh non thẳng tắp, Mỗi ngày vui một quả trứng hồng…
Những sự vật còn xấu, nghèo, thiếu thốn, thì được mô tả trong trạng thái đầy đặn, thuần nhất
tuyệt đối, bất biến : Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến, Hồn vẫn tươi vui thơm ngát tình
đời, Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ, Trái tim lớn không sợ gì súng đạn…
Trước thế giới ấy, con người luôn giữ một niềm mê say, rung động mãnh liệt. Nhà thơ
thường dùng những từ : bâng khuâng, ngẩn ngơ, mê mải, say đắm, quên, mơ, mộng, rộn ràng,
náo nức, bồn chồn. Cùng với trạng thái mê say của tâm hồn là những biểu hiện của cơ thể : bay,
chạy, nhảy, thẳng lưng, ngẩng đầu, bốc, lồng, múa, hát, huýt gió, nện gót, gõ gót, reo hò, tung
cánh, hớn hở bàn tay, bay bổng chân đi…
Căn cứ vào hệ thống từ ngữ này hoàn toàn có cơ sở để kết luận rằng thơ Tố Hữu là tiếng thơ mê
say, bay bổng, cao cả, nhiệt huyết. Mê say và bay bổng vì nó tập trung thể hiện các mặt tốt đẹp,
viên mãn nhất của hiện thực cách mạng, cao cả vì là tiếng thơ khẳng định sức mạnh tuyệt đối của
tinh thần và nhiệt huyết gắn liền với niềm khát khao hiến dâng cho lý tưởng. Đó là tiếng thơ đậm
đà sắc thái lãng mạn cách mạng, thấm nhuần khát vọng thực hiện lý tưởng và say mê với lý
tưởng đang được thực hiện.
Việc sử dụng rộng rãi các từ ngữ mang nội dung tột cùng, thể hiện những tình cảm căng thẳng
cao độ, chứng tỏ khuynh hướng thơ Tố Hữu muốn tác động tới người đọc bằng sự rung động
mãnh liệt của tình cảm, muốn làm lây truyền tình cảm mình sang người đọc hơn là muốn tác
động bằng suy nghĩ phân tích tỉnh táo. Tố Hữu không chỉ tác động tới người đọc bằng một tâm
trạng bùng cháy, mà còn bằng cả thể trạng cháy bỏng của thi sĩ nữa. Và đó là một nét của thi
pháp cổ điển.

Quả thật, những bài thơ hay nhất của Tố Hữu thường là những bài say mê, bay bổng tột bậc, ý
thơ phơi phới như cờ bay trong gió, lời thơ cuồn cuộn như sóng tràn mênh mông, nhịp thơ giục
giã, náo nức như đoàn quân xung trận.

Tuy nhiên, tiếng thơ Tố Hữu lãng mạn cách mạng chủ yếu ở khí phách, ở cách nhìn, còn về
ngôn ngữ thì về cơ bản thơ Tố Hữu mang tính chất cổ điển. Điều này thể hiện trong cách dùng từ
của tác giả. Xét đến các định ngữ nghệ thuật mà nhà thơ dùng, ta thấy tuyệt đại bộ phận chúng
đều chỉ các thuộc tính khách quan, điển hình của sự vật. Đó là tóc xanh, mắt đen, biển biếc, ngói
son, áo nâu, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, bắp mẩy, ánh thép xanh ngời, gió lộng, suối trong,
trăng sáng, đường dài, ngọt lịm đường,… Nhà thơ nói chung không biến đổi màu sắc, thuộc tính
tự nhiên cố định của sự vật. Trong các trường hợp chuyển nghĩa, nhà thơ thiên về sử dụng các
định ngữ truyền thống mang tính chất trang sức : gan sắt, dạ vàng, lòng son, gót đỏ, hồn thơ, tay
trắng, trời tơ, biển ngọc, đường vàng, đường xanh, sử đỏ, thước vàng, nét vàng lịch sử, nước
trời ngọc bích, gót chân tơ, chân son,… Một số định ngữ nghệ thuật mới, mang tính chất lãng
mạn, tạo ra hình ảnh mới về thế giới : dòng thơ lửa cháy, cánh lửa, đảo say, viết những dòng
ánh sáng, màu xanh hy vọng, biển máu, gieo hạt giống,… nói chung không nhiều.
Chính vì vậy, đã có nhận định : “Thơ Tố Hữu ít có những tìm tòi sắc sảo về ngôn từ”, “không có
thiên hướng tạo ra những hình ảnh độc đáo tân kỳ có thể gây được những bất ngờ đối với người
đọc” .
([2])

Đúng là nhà thơ ít tìm tòi từ ngữ mới, ít có nhu cầu phát hiện một cái nhìn riêng in dấu trong hệ
thống từ ngữ mới. Xét trong toàn bộ, Tố Hữu thiên về sử dụng vốn từ vựng của thơ ca cổ điển,
dân gian, và một số của thơ ca lãng mạn, những từ ngữ có sẵn với những cách tổ chức quen
thuộc. Nhưng như thế không có nghĩa là nhà thơ không có nguyên tắc độc đáo trong sử dụng từ
ngữ, hình ảnh.

Trên kia chúng tôi đã nói câu thơ Tố Hữu ít tính chất mê hoặc trong việc dùng từ, nhưng không
có ý nói là thơ Tố Hữu ít chất mê hoặc. Bởi mê hoặc, khêu gợi, tạo ma lực, thu hút, thể hiện hành
vi ý chí, động tác tình cảm,… là đặc trưng của thơ trữ tình nói chung, phân biệt với tự sự và kịch.
Chính nhu cầu mê hoặc, cảm xúc và gây chú ý đã tạo ra các thủ pháp nghệ thuật chỉ có ở thơ trữ
tình.

Thơ Tố Hữu thiên về tạo mê hoặc trong cảm xúc, suy tưởng :

 Em là ai, cô gái hay nàng tiên ?


Em có tuổi hay không có tuổi …
 Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi !
 Thế này chăng, thuở xưa hoang dã
Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thuỷ Tinh…
 Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.
 Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
 Có những lúc trên đường thiên lý
Ta đang đi, bỗng thấy lạ lùng
Trên đầu ta, trời rộng vô cùng
Và trước mặt, đất dài vô tận…
Lối mê hoặc của thơ Tố Hữu không nhằm tạo ra khách thể mới, thực tại mới, mà hướng vào phát
hiện ý nghĩa ở bề sâu. Tư duy thơ Tố Hữu không thiên về phát hiện ý nghĩa sâu bằng cách biến
cải hình ảnh bộ mặt khách quan của thế giới, hoặc tạo ra những nghịch lý theo kiểu “Phút khóc
đầu tiên là phút Bác Hồ cười”, “Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt”, “Đức Chúa Trời của chúng
mặt xa tăng”, “Khi chúng nói hoà bình, là chúng đang ngắm bắn” (Chế Lan Viên).

Thơ Tố Hữu mê hoặc bằng cách cảm xúc. Ngay các từ suy lý, các câu hỏi tu từ đã tạo ra sự mê
hoặc trong cấp suy tưởng, chứ không ở cấp thực tại, sự kiện.

Ngoài ra, Tố Hữu thường “mê hoặc” bằng động tác trữ tình của cá nhân trữ tình : “ta nện gót”,
“ta chạy”, “ta bay”, “Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt”, “Hãy đưa tôi nắm chặt lấy bàn tay.
Của bạn”…
Thủ pháp mê hoặc ấy làm cho thế giới trong mắt nhà thơ vẫn giữ được tính khách quan,
toàn vẹn. Nhiệm vụ nghệ thuật của nhà thơ là tạo ra một cái nhìn say mê bay bổng đối với đời
sống chứ không cải biến nó thành một thế giới chủ quan.

III

Thơ Tố Hữu trung thành với quan niệm thẩm mỹ truyền thống, cho rằng cái đẹp là một đối
tượng để trực quan chứ không phải là đối tượng để chiếm hữu. Tố Hữu thường nhấn mạnh đến
chỗ thơ là “tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người”, tình cảm nhân dân hồn nhiên,
người làm thơ “nên gắng đạt tới sự hồn nhiên ấy”. “Cái hồn nhiên của ta là tự nhiên thấy đau khi
có chân nào đạp lên cỏ hoa. Không kịp suy nghĩ, đã thấy đau rồi, như một thứ phản ứng sinh lý.
Không những xúc cảm hồn nhiên mà diễn đạt ra cũng bằng hình ảnh hồn nhiên, giọng điệu, tiếng
nói hồn nhiên”, “Con anh thợ rèn thì tự nhiên có trong đầu óc hình ảnh người cha với cái búa,
cái bễ. Con anh công nhân đường sắt thì dễ có trong đầu óc cái vun vút mạnh mẽ của xe lửa, con
người nông dân thì có hình ảnh đồng lúa, bãi sông,… Những hình ảnh quen thuộc ấy đến với họ
cả trong giấc ngủ, trong tiếng ru, giọng hát ngày đêm…” .([3])

Như vậy hồn nhiên là tự nhiên, đối lập với mọi thứ cố tình, nhân tạo. Hồn nhiên, theo nguyên
nghĩa chữ Hán, là sự vật trong tính toàn vẹn, là trạng thái đầy đặn, không bị cắt chia, tách bạch.
Đó chính là quan niệm về chất thơ trực quan.
Trong các ví dụ nêu trên, khi thể hiện các ảo giác thi vị, tác giả đều dùng các từ “hay”, “hoặc”,
“bỗng thấy”, “như”,… để không phá vỡ tính hồn nhiên của cảm thụ. Khuynh hướng trực quan
làm tác giả giữ nguyên các ý nghĩa và từ ngữ truyền thống, nhất là các từ thể hiện cái nhìn trực
quan xưa :

 Nắng rực trời tơ và biển ngọc


Đảo tươi một dải lụa đào bay…
 Đồng lúa làng tre nắng vàng rắc phấn
Sương lung linh núi gấm mây tơ…
 Ôi những nàng xuân rất dịu dàng
Hát câu quan họ chuyến đò ngang
Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy
Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng.
Trong các hình tượng ngôn ngữ mang tính chất trực quan ấy, nhà thơ thể hiện ý nghĩa bằng cách
ký thác và ngụ ý, bằng đối chiếu, ví von, bằng ảo giác thoáng qua, hoặc câu hỏi tu từ, nghĩa là
bằng những cách không phá vỡ tính trực quan của hình tượng. ý nghĩa của hình tượng thường
không bộc lộ ngay trong nhóm từ hay dòng thơ mà bộc lộ trong khổ thơ hoặc giữa các khổ trong
toàn bài. Nội dung câu “Nắng rực…” và “Đảo tươi…”toát ra trong đối chiếu với khổ thơ
sau : Ngày xưa, bạn hỡi, mới dăm năm – Roi vọt trên lưng thịt tím bầm, còn ý nghĩa câu “Đồng
lúa…” chỉ thấy rõ khi đọc đến câu : Phải không vậy trong tay ta, tất cả – Bỗng đua nhau sống
dậy gấp nghìn lần.
Tính chất trực quan, không phá vỡ hệ thống hình ảnh thơ truyền thống và tạo lại hình ảnh
mới mang tính chất cá nhân làm Tố Hữu ít sử dụng các ẩn dụ. ẩn dụ cho phép hoà hợp vào một
hình tượng thơ thống nhất các hiện tượng rất xa nhau, đôi khi thậm chí là không kết hợp với
nhau được. Nó bao hàm khả năng phá vỡ các ranh giới giữa cái cao cả và cái thấp hèn, gần gũi
và xa xôi, nghiêm túc và buồn cười, tinh thần và vật chất. Nó là một trong các phương pháp cơ
bản để khắc phục sự sáo mòn của từ. Nhưng ẩn dụ cũng bao hàm nguy cơ là chuyển trọng tâm
của từ ra các ý nghĩa phụ, thứ yếu, làm hình ảnh chồng chất hình ảnh, che khuất hiện thực.

Với cảm quan cổ điển, Tố Hữu chủ yếu vận dụng ba phương thức tu từ là tương phản, ví von
và hô ứng. Chúng tạo thành phương thức tư duy thơ tiêu biểu của ông.
Tương phản là biện pháp nghệ thuật thông thường hầu như nhà thơ nào cũng có sử dụng. Tuy
nhiên, trong thơ cổ xưa, hầu như chủ yếu khai thác các phương thức tạo hình tương đồng. Các
hình ảnh tương phản rất ít. Và cái chính là nó đóng vai trò quan trọng trong tổ chức bài thơ.
Những câu kiểu ” Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ – Người khôn, người đến chốn lao xao”. “Trên ghế
bà đầm ngoi đít vịt – Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”,… chỉ đóng vai trò cục bộ. Điều thú vị là
phần lớn các cặp câu đối trong thơ xưa thường dùng tương phản để tạo cái tương đồng (kiểu :
“Năm canh máu chảy đêm hè vắng – Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ”, hay ” Lom khom dưới
núi tiều vài chú – Lác đác bên sông chợ mấy nhà”).

Chỉ sang thế kỷ XX tương phản mới trở thành phương tiện nghệ thuật chủ yếu. Một phần vì thơ
luật lùi lại đằng sau và thơ tự do nổi lên hàng đầu mà tương phản lại là một nguyên tắc tổ chức
cơ bản của thơ tự do. Chính là tương phản nổi lên từ một không khí thời đại tràn ngập những
mâu thuẫn trong tồn tại xã hội và ý thức con người, xung đột gay gắt trong tư tưởng và cảm xúc.
Mặt khác, tương phản được chú ý do nhu cầu tăng cường và bộc lộ vai trò nhận thức của thơ, do
khát vọng đem lại cho thơ một sự căng thẳng, năng động nội tại.

Ở Tố Hữu tương phản thể hiện rất rõ cho thơ trữ tình chính trị điệu nói của ông. Nó là nguyên
tắc xây dựng ý thơ, câu thơ, khổ thơ của ông :
 Khi ta đã say mùi hương chân lý
Đời đắng cay không một chút ngọt bùi
Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng…
 Ai tưởng ngàn năm nương đất ấy
Tài hoa tinh kết ngọc long lanh
Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh…
 Ôi đâu phải, qua đêm dài lạnh cóng
Mặt trời lên là hết bóng mù sương !
Ôi đâu phải, qua đoạn đường lửa bỏng
Cuộc đời ta bỗng chốc hoá thiên đường !
 Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh
Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy…
 Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay…
 Đâu phải đường xanh, đường qua máu chảy…
 Thiếu tất cả ta rất giàu dũng khí
 Anh đã chết rồi, anh còn sống mãi
 Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm.
 Kỳ diệu thay ! Nơi cháy lửa napan
Trụi lá cây rừng, hạt lúa thành than
Lại là đất xanh tươi cuộc sống
Và xanh nhất màu xanh hy vọng…
Các tương phản trên đều xoáy vào sự đối lập của các ý thức xã hội, các ý thức đối địch, ta có thể
gọi nó là “tương phản ý thức hệ”. Mặt khác tương phản của thơ Tố Hữu không chỉ xây dựng trên
sự liên tưởng của các hình ảnh đối lập, mà còn mang hình thức tư duy, lập luận rõ ràng. Yếu tố
lô gích nổi lên, nằm cùng dãy với các yếu tố hình tượng làm câu thơ mang tính chất hùng biện
mạnh mẽ. Tuy nhiên điều đó không làm câu thơ khô khan, bởi như đã nói trên, chất thơ Tố Hữu
là chất thơ khí phách, toát ra từ ngữ khí – ngữ khí có một ý vị đặc biệt trong thơ Tố Hữu.

Tương phản ý thức hệ trong thơ Tố Hữu thực chất là tương phản giữa thơ và “văn xuôi”, thanh
và tục, cao cả và thấp hèn, giữa xả thân vì nghĩa và tham sống, vị kỉ ; giữa hiên ngang bất khuất
và quỵ luỵ, yếu hèn, tự do và nô lệ, thể hiện ưu thế tuyệt đối của yếu tố tinh thần so với vật chất,
nhất là vật chất sinh hoạt. Vật chất sinh hoạt ở thơ Tố Hữu hầu như luôn được dùng để tương
phản với tâm hồn cao cả và bất diệt, thể hiện một chất thơ vượt lên trên tồn tại vật chất :
 Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
 Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi
 Củ khoai củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng
 Đọt lau, rau má, vả xanh
Đói lòng hát khúc quân hành vẫn vui.
 Mưa bom bão đạn lòng thanh thản
Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười.
 Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.
 Bữa cơm muối măng non bí đỏ
Cuộc đời vui có Bác mà ngon…
 Tươi rồi cuộc sống thanh tao
Bữa cơm hến cũng ngọt ngào lòng ta.
 Quần áo trắng một màu thanh khiết
Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết…
 Sống hiên ngang, sống thanh cao
Quê hương, biết mấy tự hào lòng ta…
Tố Hữu đã kết hợp nhuần nhị tương phản ý thức hệ với chất thơ tinh thần, khí phách của thơ cổ
điển. Đó là sự phát huy chất thơ truyền thống trong tinh thần cách mạng hiện đại.

Có ý kiến cho rằng việc Tố Hữu sử dụng rộng rãi biện pháp đối lập trong Từ ấy (Xuân lòng,
Tiếng hát sông Hương, Dửng dưng, Hãy đứng dậy, Liên hiệp lại) để cấu tạo bài thơ, tiện cho
việc trình bày quan điểm, nhưng dễ cứng nhắc, đơn điệu, nó là sản phẩm không tránh khỏi trong
tình hình nghệ thuật chưa theo kịp tư tưởng.
Đó là một luận điểm chưa được thoả đáng, bởi nó ngầm ý đòi hỏi ở Từ ấy những đặc điểm của
một sáng tác thơ kiểu khác. Và mặt khác, nó cũng ngầm cho rằng khi nghệ thuật theo kịp tư
tưởng thì đối lập trở nên không cần thiết nữa. Theo chúng tôi, chính là đối lập tạo nên sức mạnh
hấp dẫn của các bài thơ ấy. Và nói chung, đối lập, và rộng hơn, tương phản làm cho tư duy sắc
bén nổi bật.
Nếu tương phản là nguyên tắc tổ chức chủ yếu làm cho cảm xúc thơ căng thẳng, sâu sắc, thì
ví von là biện pháp mở rộng ý thơ rất cơ bản của Tố Hữu. Thơ Tố Hữu sử dụng ví von rất nhiều,
phần lớn các bài đều có, có bài thơ ngắn mà ba bốn ví von liền. Thậm chí, nếu muốn nhấn
mạnh, có thể nói Tố Hữu là nhà thơ ví von.
Ví von thường gặp trong lời nói, thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân gian, người xưa ghép vào
“lục nghĩa” của thơ là “phú, tỷ, hứng, phong, nhã, tụng” nhưng tính chất căn bản của nó là văn
xuôi, bởi bao hàm các yếu tố so sánh rõ rệt : “như”, “tựa hồ”, “như thế”, “giống”,… Chính vì
vậy nó được sử dụng phổ biến trong các sử thi của Homer, trong các tiểu thuyết sử thi như Chiến
tranh và hoà bình của L.Tônxtôi và Đi tìm thời gian đã mất của M. Proust.
Khác với ẩn dụ có sự đồng nhất, thay thế hoàn toàn giữa hai vật đem ví, ví von do có hư từ
mà giữ lại khoảng cách giữa chúng với nhau, giữa chủ thể và khách thể, tác giả và thế giới, làm
tư duy mang tính chất suy lý, không xoá nhoà ranh giới các vật, đảm bảo cho cảm thụ một tính
trực quan tự nhiên. Và, nếu ẩn dụ dường như giấu tác giả đi thì ví von, ngược lại, công khai bộc
lộ lập trường tác giả một cách rõ rệt, dễ hiểu. Với các đặc điểm đó, ví von trở thành phương thức
tư duy nghệ thuật cơ bản của Tố Hữu.

Chức năng chung của ví von là làm cho hiện tượng, sự vật được nói đến trở nên cụ thể, cung cấp
một quan niệm rõ rệt về chúng. Chính vì vậy, ví von thường thể hiện rất rõ đặc điểm và tính chất
của quan niệm tác giả đối với cuộc đời. Trong ca dao chẳng hạn, các ví von thường mang một
tính chất “cụ tượng”, vật thể (Cổ tay em trắng như ngà – Đôi mắt em liếc như là dao cau,… Gái
có chồng như gông đeo cổ – Trai không vợ như phản gỗ long đanh,…).
Thơ ca lãng mạn vốn thiên về ẩn dụ mà ít dùng ví von. Trong các trường hợp ít ỏi, ví von dùng
để miêu tả cảm giác (“Đời nhạt tẻ như tàu không đổi chuyến”, “Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm
xúc – Như thuyền ngư phủ lạc trong sương”…).

Nói chung, ví von trong các tác giả khác nhau đều có đặc sắc riêng nghĩa là vật mẫu ví đều mang
điểm nhìn riêng của tác giả. ở Tố Hữu, vật mẫu ví không chỉ là điển hình, tiêu biểu, mà cái chính
là chúng chỉ ra cái hình ảnh lý tưởng, chuẩn mực, mục tiêu, điều khao khát thực hiện của người
cách mạng :

 Chúng đã giết, nhưng làm sao giết được


Hồn chúng tôi quẩn quanh cùng đất nước
Như bóng dừa ôm những xóm làng yêu
Như bóng cò bay sớm sớm chiều chiều
Như sông lạch vẫn tắm đồng xanh mát
Như sóng biển vẫn dập dìu ca hát.
 Em sẽ đi, trên đường ấy, thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng…
 Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em. Gò Nổi, Kỳ Lam…
 Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt…

Nhìn chung, ví von của Tố Hữu rất tiêu biểu cho tư duy thơ của ông. Phần nhiều các ví von
không làm cho sự vật, con người cụ thể hơn mà là khái quát hơn, cao hơn, trừu tượng và bóng
bẩy hơn. Nếu gọi thành phần sau chữ “như” là vật mẫu ví, thì nói chung vật mẫu ví trong thơ Tố
Hữu thường là các hiện tượng thiên nhiên hùng vĩ, các chuyện thần linh, huyền thoại, cổ tích,
những giá trị tinh thần truyền thống, chứng tỏ từ sâu thẳm, hồn thơ Tố Hữu là một hồn thơ cổ
điển, cao cả, đồng thời ví von của ông chủ yếu thuộc loại ví von ca ngợi, biểu dương. Đó là ví
von của trữ tình sử thi.
Dĩ nhiên thơ Tố Hữu cũng có các ví von mang vật mẫu ví xấu như :

 Lũ đế quốc như bầy quỷ sống…


 Xác tăng như xác bọ hung đen bờ…
 Lũ đế quốc nhìn ta đứng đó…
Như một bầy cú vọ trong đêm…
Đó là mặt trái của ví von ca ngợi – ví von phê phán, huỷ diệt mang tính chất nguyền rủa kiểu
dân gian.

Loại ví von miêu tả (“Nghe như cưa xé, tiếng ve rít dài…” Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh –
Trên mình em đau đớn cả thân cành…”) rất hiếm, nhưng khá đặc sắc.
Ngoài ra, Tố Hữu cũng có một số ví von ca ngợi, nhưng vật mẫu ví không hướng về thiên nhiên,
lịch sử, huyền thoại, mà hướng về đời sống hiện tại như một ví dụ rất thú vị và bất ngờ.
 Đời vui thế hôm nay mở cửa
Như dãy hàng bách hoá của ta
 Sáng nay xuân lại đến đẹp mười lần
Như em vậy, hỡi em quàng khăn đỏ.
Vật mẫu ví quá cụ thể và bé nhỏ so với vật được ví làm cho sự “khập khiễng” vốn có trong mọi
ví von nổi bật hẳn lên khác thường, nghe như câu đùa, nhưng cảm xúc lại nghiêm túc, sâu lắng.

Ở Từ ấy, trong khuôn khổ trữ tình đời tư, nhiều ví von mang dấu ấn cảm xúc cá nhân đầy ý vị
lãng mạn của một thời :
Đường thơm tho như mật bộng trưa hè
Không gian hồng như giấc mộng đê mê…
Ví von là một hiện tượng độc đáo trong sáng tác thơ Tố Hữu, thể hiện sự kết hợp thơ trữ tình
điệu nói sử thi với chất thơ cao cả, bay bổng, vừa hiện đại, vừa cổ kính của ông.

Cùng với ví von, hô hứng cũng là một biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của thơ Tố Hữu, bắt nguồn
từ truyền thống nghệ thuật lâu đời của thơ ca dân tộc. Trong thơ ca truyền thống con người
dường như luôn hành động cảm xúc theo tiếng gọi sâu thẳm của đất trời :
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
(Truyện Kiều)
Và hành động, tấm lòng con người cũng lay động được thiên cơ :

Lấy tình thâm trả nghĩa thâm


Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
(Truyện Kiều)
Hô ứng làm thế giới nghệ thuật trong thơ ca truyền thống đạt được sự thống nhất hài hoà cao độ
giữa người và thiên nhiên, tình và cảnh. Thơ Tố Hữu cũng là một thế giới hô ứng như thế. Nhà
thơ xem thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất trước đất trời và con người, trước tự nhiên và xã hội.
Quan hệ thơ và hiện thực được hiểu như quan hệ hô ứng tự nhiên giữa tiếng hót con chim trước
mùa quả chín :
Thơ ta ơi, hãy cất cao tiếng hót
Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta
Mùa thu đó đã bắt đầu trái ngọt
Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa
Tâm hồn nhà thơ rung động hô ứng với mọi biểu hiện nhỏ nhất của đất nước ở cả hai miền :

 Có thể nào khuây, cỏ cây vẫn nhắc


Từng ngọn cỏ, cành cây Miền Bắc
Vẫn rung rinh theo gió tự Miền Nam
Cả đôi miền xao xuyến tiếng ve ran !
 Ôi miền Nam, vì sao mỗi lúc
Mây chiều xa bay giục cánh chim
Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc
Một câu hò… cũng động trong tim ?
Hoặc :
Mấy hôm nay, như đứa nhớ nhà
Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra
Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng
Miền Nam dậy, hò reo náo động !…
Niềm vui trong thơ Tố Hữu cũng là một niềm vui hô ứng :

Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt


Trống rung, tim ta đập nhịp bồn chồn
Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc
Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
Đôi cánh mở của đất trời giải phóng
Hoặc :

Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện


Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh
Thơ đã hát, mát trong lời chúc :
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Tam Đảo, Ba Vì, vui núi xuân xanh…
Hô ứng cũng là một biện pháp nghệ thuật độc đáo. Nó không phải ví von (A như B), không phải
ẩn dụ (A là B), mà là cộng hưởng, lây lan (A theo B, A gọi B, A cùng B, A nghe B, A động B, A
đáp lại B) làm cho cảnh vật, thế giới con người hoà quyện, hài hoà, nhịp nhàng trong những vận
động chung như là làn sóng cuồn cuộn lây lan từ thế giới vào con người và ngược lại.

Tại sao Tố Hữu lại hay thể hiện mình thành người chạy, nhảy, bay, đi đều bước, nện gót, huýt
gió, hát ca ? Tại sao nhà thơ lại hay hô, gọi, nhắn, nhắc, chào, mời ? Đó là hình tượng nhà thơ
như là người hô ứng với dòng lịch sử phát triển cuồn cuộn, với cuộc sống không ngừng đổi thay,
náo nức, tưng bừng. Dòng suy nghĩ của nhà thơ cũng hô ứng với đổi thay của đất trời :

Phải chăng vui đã đến tuần


Nên con én biếc liệng gần liệng xa
én bay mặt sóng Hồng Hà
én bay vào lại bay ra gọi đàn
Hay :

Con chim reo… con chim reo rộn rã


Những niềm vui vừa lạ vừa thân
Đất nước cả hai miền giục giã
Một mùa hoa trái mới tới gần…
Chim én, chim chích ở đây không phải là hình ảnh ví von hay ẩn dụ, tượng trưng mà chỉ là một
hình ảnh hô ứng gợi ra một cái gì đang biến đổi trong cả nước, nhưng chưa rõ rệt. Cũng như thế,
nhà thơ luôn lắng nghe được một cái gì chắc chắn, nhưng mơ hồ, như thực, như mơ :
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi lại
Đã nghe hồn thời đại bay cao…
Đất nước trong thơ Tố Hữu ở trong thế gọi nhau :

 Bắc Sơn gọi Nam Kỳ khởi nghĩa


Sống một ngày hơn mấy mươi năm
Lửa căm giận sôi dòng máu chảy
Sức mỗi người bỗng hoá thành trăm.
 Một lời nghe vút tiếng roi
Nghe sông gọi suối nghe voi gọi bầy…
 Hòn than nhỏ cũng bừng lên ánh sáng
Thác Bà reo, gọi điện sông Đà…
 Bỗng hôm nay nghe mùa thu mới gọi
Bao nhiêu vui chất chứa bấy nhiêu ngày
ùa cả dậy, vui tràn đầy, chói lọi
Những trái tim, ánh mắt, bàn tay !
Cả hoa màu, cây cối cũng hô ứng với con người :

 Người hợp tác nên lúa dày thêm đó…


 Lúa đứng thẳng hàng quyết tâm năm tấn…
Và con người luôn hô ứng với thiên nhiên, đất trời, lịch sử :

 Người con gái đi nhanh trên đê nhỏ


Bước chân sáo tóc bồng giữa gió.
Bỗng nghiêng đầu như chim lắng trời cao
Tiếng máy cày nghe đâu đó xôn xao…
 Lửa kêu lửa giữa miền Nam rực lửa…
Như trái tim Anh, ôi lửa nào bằng…
 Hãy nghe tiếng những người đang sống
Như biển động ầm ầm tiếng sóng
Và hãy nghe cả tiếng người xưa
Như gió khơi reo vọng rừng dừa…
 Quê hương ta nghe phấp phới trong lòng
Đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông
Lắm khi hô ứng trong những hình tượng đối ngẫu kín đáo :

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ


Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.
Hay :

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát


Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca.
Có khi cả bài thơ dài đối đáp như Việt Bắc, thực chất kết cấu theo lối hô ứng – người ở hô, người
đi ứng, để cuối cùng “Ngược xuôi đôi mặt một lời song song”.
Tất cả những hiện tượng đó cho thấy hô ứng là biện pháp nghệ thuật cơ bản của Tố Hữu làm cho
thơ ông hài hoà, nhịp nhàng, âm vang, đồng vọng. Trong thơ trữ tình Việt Nam hiện đại dễ
thường Tố Hữu là người sử dụng hô ứng nhiều nhất và đa dạng nhất, làm cho thơ ông đậm đà sắc
thái dân tộc. Tính chất hô ứng nổi bật trong hệ thống tạo hình của thơ Tố Hữu cho phép ta nghĩ
rằng, chính ví von mà chúng tôi đã nói ở trên, chẳng phải gì khác mà chỉ là một dạng đặc biệt
của hô ứng ! Đó là con người hô ứng với thiên nhiên hùng vĩ, với huyền thoại, lịch sử cổ xưa,
với truyền thống, với lý tưởng và thời đại cách mạng !

Hô ứng là kiểu nhà thơ có truyền thống lâu đời trong quan niệm xem nhà thơ như mặt nước
hay cây trúc. Dĩ nhiên Tố Hữu tuyệt nhiên không phải là nhà thơ thụ động hô ứng theo ngọn gió
thời đại, mà là nhà thơ có lý tưởng, khuynh hướng và mục đích cách mạng rõ rệt. Nhưng tính
chất hô ứng làm cho thơ Tố Hữu mang một hình thức biểu hiện nổi bật. Thật là giản đơn cái ý
kiến phê bình coi tính chất “tự biểu hiện”, “tự ca hát” trong tập Từ ấy như là dấu hiệu “còn cách
xa quần chúng”, “chưa bắt rễ vào những gian lao, vất vả của quần chúng”. Tất nhiên không thể
đòi hỏi ở Từ ấy một chiều sâu như nhà thơ có thể có trong các tập thơ sau đó. Nhưng vấn đề lý
thú ở đây không phải là chiều sâu tư tưởng, mà là hình thức trữ tình. Nhà thơ tự coi mình là một
cơ quan cảm ứng của thời đại.
Có lần Tố Hữu nói : “ở nước mình, phải là gỗ đá mới không rung động. Ngồi một chỗ thì khô
cằn, chứ đi đâu cũng bừng bừng sức sống. Không làm thơ cũng phải huýt sáo, cũng phải động
chân động tay cho sướng” .([4])

Đúng là có sự tự biểu hiện, nhưng không phải là tự biểu hiện của một cái gì cá nhân, cá biệt, chủ
quan, mà là của những rung động, xôn xao của đất nước và thời đại. Và, phải sống sâu sắc cuộc
sống chung của dân tộc, như thế nào thì mới tự biểu hiện được như vậy ! Đó là một lối tự biểu
hiện khác hẳn với tự biểu hiện của Thơ mới lãng mạn, với chủ nghĩa biểu hiện.

Tố Hữu không chấp nhận luận điểm xem “nghệ thuật, ấy là tuyệt đối mình” theo một ý nghĩa
chủ quan, cá nhân chủ nghĩa. Đối với ông, “đối với người cộng sản, cái lý tưởng chung là cái lẽ
sống riêng lớn nhất của mình, và mọi lẽ sống riêng đều có thể và phải nằm trong cái lý tưởng
chung” .
([5])

Như vậy cái riêng là sự biểu hiện của cái chung và tự biểu hiện là một cách biểu hiện của cái
chung. ở đây, hô ứng là cách biểu hiện cái chung qua cái riêng cũng như sự biểu hiện của cái
riêng đối với cái chung. Và đó mới là cá tính của thơ Tố Hữu.

Ông là nhà thơ truyền thống trong tính hô ứng và “hư tâm” như cây trúc. Nhưng ông lại hiện đại
vì hô ứng với không khí cách mạng thời đại vô sản và “hết mình” với Nhân dân và Dân tộc. Nếu
sự hô ứng của nhà thơ xưa thường thể hiện trong trữ tình thể trạng và trầm tư hướng nội, thì hô
ứng của thơ Tố Hữu xen lẫn hành trang và tâm trạng và đặc biệt nhất là nó không trầm tư hướng
nội mà thốt lên lời tâm tình hướng ngoại, tức là hướng tới người nghe, bạn đọc, chia sẻ với mọi
người đồng chí trong lối trữ tình điệu nói.

Nét nổi bật của thơ biểu hiện của Tố Hữu là không có sự đối lập giữa chủ thể và khách thể, mà
chỉ có đối lập giữa chủ thể và chủ thể (“ta” và “chúng nó”) hoặc giữa khách thể và khách thể
(“Đâu phải đường xanh, đường qua máu chảy,…). Chính vì vậy thơ Tố Hữu thiên về khêu gợi,
khẳng định cái đồng ý, đồng tình, đồng chí hơn là phát hiện một ý mới hay phá bỏ, đối lập một ý
thức cũ.
Đó chính là chỗ mạnh và cũng là chỗ giới hạn của thơ Tố Hữu.

Rõ ràng vấn đề không ở chỗ “cách xa” hay “chưa bắt rễ” mà ở chỗ giới hạn của một kiểu tư duy.
Những cách lý giải quan hệ “riêng”, “chung” trong thơ Tố Hữu từ góc độ triết học hay đạo đức
cộng sản nói chung đều đúng, nhưng không trúng vì thường là che lấp mất cái độc đáo trong hình
thức trữ tình của nhà thơ !

IV

Tố Hữu có một quan niệm sâu sắc về tiếng vang của thơ. Năm 1961, Tố Hữu cũng nói thơ
bao gồm “cả tiếng vang lên trong chữ, tiếng vang của cả khoảng cách giữa những chữ, những
dòng” Mười lăm năm sau, ông lại nói : “Thơ là cái đó : sự im lặng giữa câu, từ. Nếu người ta
([6])

lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế. Thơ phải chăng là
điều ấy, mơ ở trong thực, cái vô hình trong cái hữu hình. Những màu sắc ở trong màu trắng ? Đó
là điều mà người ta gọi là sự tinh diệu của ngôn ngữ và của tâm hồn” . Không phải âm vang của
([7])

câu chữ, của chữ a, chữ b, của nguyên âm và phụ âm, mà là âm vang trong im lặng : âm vang của
tâm hồn ! Sự tương phản, đối chọi, sự hô ứng, cộng hưởng chính là cách tạo tiếng dội vang rất
đặc trưng của thơ Tố Hữu.
Nhưng nếu cái âm vang của thơ trữ tình điệu ngâm giống như cái âm vang trong hội hoạ, thì âm
vang trong thơ Tố Hữu chủ yếu thuộc âm vang của thơ điệu nói. Nhưng đúng như nhà thơ nói,
đó không phải là âm vang của câu chữ, của chữ a, chữ b, mà là tiếng dội “vang lên trong chữ,
tiếng vang của cả khoảng cách giữa những chữ, những dòng” . ([8])

Biện pháp cơ bản để tạo ra âm vang trong chữ và giữa chữ, giữa dòng của thơ Tố Hữu là trùng
điệp. Trùng điệp là sự lặp lại các đơn vị khác nhau của văn bản để tạo ra một ý nghĩa thứ ba vốn
không có trong bản thân các đơn vị đó khi tách riêng ra.
Thật khó mà tìm thấy trong thơ Việt Nam hiện đại một nhà thơ thứ hai sử dụng trùng điệp tài
tình và đặc sắc như Tố Hữu ! Nhà thơ sử dụng trùng điệp ở trên tất cả mọi cấp độ. Trùng điệp cả
khổ thơ (để nguyên hay có biến đổi), trùng điệp câu hay cấu trúc nhóm từ (liền nhau hay cách
quãng) nhưng thường dùng nhất là trùng điệp kiểu câu, điệp vần, điệp chữ, điệp ý.

Có thể đơn cử một ví dụ tiêu biểu là bài Ta đi tới. Bài thơ 12 đoạn, hầu như đoạn nào cũng trùng
điệp câu chữ. Đoạn 1 có 12 dòng điệp 7 chữ đường : đường cái, đường ta rộng thênh thang tám
thước, đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
– Đường cách mạng dài theo kháng chiến – Đến hôm nay đường xuôi về biển… Đoạn 2 có 9
dòng thì điệp 6 chữ ai : ai qua, ai xuôi, ai về, ai xuống, ai vào, ai về… Đoạn 3 điệp ý chín năm
với ba nghìn ngày, trời mây tự do : trong sáng tuyệt trần, trời thu xanh thắm, mây bay, ngày đẹp,
mây của ta trời thắm của ta. Đoạn 4 điệp các động từ khôi phục : sáng lại, về lại, xanh lại, lại
mọc, lại hát,… Đoạn 5, 6,7 điệp các câu nhắn miền Nam, đoạn 8 điệp lời thề : “Dù ai”, “lòng ta
vẫn”, đoạn 9 điệp “những bàn chân đã vùng dậy”, đoạn 10 điệp thế đi tới : “Rắn như thép, vững
như đồng”, “Cao như núi, dài như sông”,… Đoạn 11 điệp chữ “một” : một trời, một biển và đoạn
12 điệp “lòng ta chung một.
Ngoài ra hầu hết trong các khổ, đoạn đều có sự trùng điệp, nguyên âm, điệp vần, điệp thanh.
Chẳng hạn :
Sông Thao nao nức sóng dồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.
Hoặc :

Nắng chói sông Lô


Hò ô tiếng hát
Chuyến phà rào rạt
Bến nước Bình Ca.
Sự đan quyện xoắn xuýt các vần, các nguyên âm cùng hình, cùng loại tạo cho các bài thơ, đoạn
thơ sự thống nhất chặt chẽ như người ta thường nói là “hơi thơ liền mạch”, “nhạc thơ cuồn
cuộn”, “thế thơ đi tới”. Nhiều ý kiến đã khẳng định thơ Tố Hữu giàu nhạc điệu. Có người chỉ ra
bài này giống hò kéo gỗ, bài kia tựa điệu hát ru, bài nọ là hát đối đáp, hoặc giả bài này giống vè,
bài kia giống ca dao. Nhưng so sánh ấy nhiều khi không tránh khỏi tính trực quan, gán ghép.

Ông Đặng Thai Mai nói một cách khái quát : “Tiếng nói Việt Nam luôn luôn hát lên thành âm
nhạc trong thơ Tố Hữu” . Điều đó rất đúng, nhưng các khái niệm “hát”, “âm nhạc” phải hiểu
([9])

một cách ẩn dụ, bởi lẽ thơ không phải nhạc và nhạc điệu các bài, các tập cũng rất khác nhau.
Trên kia đã nói “hát” đối với Tố Hữu là trạng thái say sưa, bay bổng, bùng cháy của đất nước và
tâm hồn. Thơ Tố Hữu chủ yếu là thơ trữ tình điệu nói. Như thế nghĩa là sự trùng điệp dày đặc
của thơ Tố Hữu trước hết thể hiện nguyên tắc hô ứng trên phương diện văn bản, nhằm khêu gợi
cảm xúc luôn luôn ở mức độ căng thẳng, bão hoà.

Không nên hiểu nhạc điệu trong thơ Tố Hữu như một cái gì giống với điệu ru, điệu ca, điệu hò
một cách giản đơn. Ngay số bài thơ mang nét điệu ấy trong toàn bộ thơ Tố Hữu cũng rất ít. Nhạc
điệu thơ Tố Hữu một phần rất lớn gắn liền với hình thức trùng điệp của thơ ông. Hoàn toàn có
thể miêu tả tất cả các hình thức trùng điệp tạo ra nhạc điệu của từng câu thơ, bài thơ, tập thơ.
Nhưng cái chính là phải tìm ra quy luật chung của nhạc điệu thơ Tố Hữu.

Toàn bộ sự trùng điệp dày đặc của thơ Tố Hữu có thể quy vào hai loại : điệp câu và điệp vần.

Thực chất các kiểu điệp khổ, điệp cách dòng, điệp từ đầu, điệp nhóm từ… đều là điệp câu, điệp
thành phần câu làm cho ngữ khí điệu nói có một sức vang ngân nội tại. Ngay trong bài Ta đi
tới vừa nhắc trên đây, hầu hết đều là lối điệp này :
Ai đi Nam Bộ
Tiền Giang, Hậu Giang
Ai vô Thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng
Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn rau cắt rốn của ta !
Ai đi Nam, Ngãi, Bình, Phú, Khánh Hoà
Ai vô Phan Rang, Phan Thiết
Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc
Khu Năm dằng dặc, khúc ruột miền Trung
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng…
Theo V. Kôginốp thì từ lâu người ta đã công nhận rằng tên gọi địa lý, nhất là những tên gọi ít
quen có khả năng tạo ra một thứ ma thuật âm thanh và nhiều nhà thơ đầu thế kỷ XX đều sùng bái
thủ pháp này . “Ma thuật âm thanh” của Tố Hữu tạo ra bằng trùng điệp câu, và các địa danh đất
([10])

nước quen thuộc cứ mở rộng mãi ra không gian bài thơ, làm cho lời nhắn của tác giả càng thêm
mênh mang, đồng vọng.
Điệp câu (thành phần câu) là bản sắc chủ yếu của thơ điệu nói Tố Hữu, làm cho lời thơ hùng
biện, đanh thép, hoặc tha thiết, day dứt, êm ái :
 Ôi, chết thế, không thể nào chết được !
Không thể chết, những người dân yêu nước
Những con người không chịu ô danh
Những con người không muốn chiến tranh
Những người cha không muốn nhơ quốc thể
Những người mẹ không muốn con nô lệ !
 Nếu mai đây có chết một thân tôi

Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu


Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da

Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa !

Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé !…


Giống như nghệ thuật diễn thuyết hùng biện, mỗi từ, mỗi ý quan trọng phải được nhắc đi nhắc lại
nhiều lần dưới nhiều hình thức để chúng khắc sâu vào tâm trí người nghe và không bị thoảng qua
như gió bay, lời điệp trong thơ Tố Hữu luôn xoáy vào các nốt nhạc chủ âm của tư tưởng và tâm
hồn :

 Khi ta đã say mùi hương chân lý

Đời đắng cay không một chút ngọt bùi


Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng.
 Xuân trong sáng, xuân thơm, xuân ríu rít
Nhưng xuân đâu tươi đẹp, không xuân lòng ?
Ôi xuân nay chỉ là xuân lạnh chết
Trong hồn đau phẫn uất của công nông !

 Đi, bạn ơi đi ! Sống đủ đầy


Sống trào sinh lực, bốc men say
Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh, dù trong một phút giây..
 Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu
Cho da tôi dày dạn với ngày mai
Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu
Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai…

 Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác


Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm.

Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác


Bác thường trăn trở, nhớ miền Nam !

 Nhớ người mẹ nắng cháy lưng


Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học i tờ


Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan


Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều


Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

 Đi ta đi, khai phá rừng hoang

Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng


Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy, cho điện xoay chiều ?


Câu điệp của Tố Hữu hầu như bao giờ cũng xoáy vào chủ âm của tứ thơ, của tình cảm, tạo thành
cái khí thơ mạnh mẽ của ông với tư cách là thơ điệu nói.

Việc nghiên cứu nhạc điệu của thơ Tố Hữu cho đến nay nói chung vẫn tiến hành theo các hình
thức láy âm của thơ cổ như song thanh, điệp vận, vần lưng trong câu, vần ôm, vần liền, tượng
thanh, tượng hình… nhưng hầu như không quan tâm tới điệp câu (thành phần câu) điệu nói. Điều
đó khác nào như đứng trước một ngôi nhà hiện đại mà chỉ say mê với mấy đường hoa văn cổ
truyền. Lối điệp này không phát triển trong thơ cổ điển nghiêng về chất hoạ. Đáng chú ý là hầu
như chỉ với hình thức điệp này, nguồn tình cảm chủ quan mãnh liệt của cái tôi nhà thơ mới dạt
dào tuôn chảy, tung mở, lai láng.

Điệp câu là lối thơ mới hoàn toàn không có trong thơ cổ điển, một lối thơ mà vị trí và cấu trúc
câu thường bị quy định chặt chẽ bằng cách luật. Trong điều kiện đó, cái hay của thơ thường bộc
lộ tập trung ở “thần cú” hay “nhãn tự”. Do vậy, đối với lối phê bình chuyên thẩm câu hay từ đắt,
lối điệp câu đặc trưng này của Tố Hữu đã lọt ra ngoài tầm chú ý.

Nhưng Tố Hữu đồng thời cũng là nhà thơ cổ điển từ trong cốt tuỷ, nên ông không đối lập điệu
thơ này với điệu thơ kia, mà thường là kết hợp nhuần nhuyễn chúng với nhau tạo thành những
câu thơ đầy luyến láy như kiểu “Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát”, “Đường bạch dương sương
trắng, nắng tràn”, “Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa – Mát rượi lòng ta, ngân nga tiếng hát”,
“Mênh mông Vônga bài ca chiến thắng…”.

Loại luyến láy này làm cho tình cảm giao hoà, ý thơ nét hoạ quyện thành một khối, và cả tâm
hồn nhà thơ như cũng nhập vào với thiên nhiên, đất trời. Nhưng không được thổi phồng vai trò
luyến láy trong nhạc thơ Tố Hữu. Luyến láy thanh vận chỉ đóng vai trò bổ sung như một thứ bồi
âm làm cho thơ đậm đà ý vị. Nhưng chỗ nào yếu tố luyến láy phát triển thì ở đó cái giọng điệu
riêng của nhà thơ liền bị hoà tan. Như vậy, thơ Tố Hữu là một sự kết hợp trữ tình điệu nói vốn
nhiều điệp câu, điệp ngữ với yếu tố miêu tả luyến láy cổ truyền.

Tóm lại, thơ Tố Hữu, dù sử dụng nhiều thể thơ cổ truyền như lục bát, bảy chữ, song thất lục bát,
v.v. căn bản vẫn là thơ trữ tình điệu nói. Ông đã đưa lời nói thường, nhất là lời nói chính trị và
tâm tình đầy trang nghiêm, thắm thiết vào thơ, mở rộng câu thơ tự bên trong, làm cho nó giàu
giọng điệu đời sống, làm cho tiếng thơ quyền uy của thời đại trở nên đa dạng, muôn màu. Tố
Hữu đã kết hợp nhuần nhuyễn chất thơ bay bổng, say mê hiện đại với lối cảm thụ thơ có tính
chất trực quan cổ truyền, làm cho thơ ông vừa say người mãnh liệt, lại vừa trang nghiêm cổ kính.
Thơ Tố Hữu đã kết hợp các biện pháp tương phản ý thức hệ, ví von ca ngợi, hô ứng và trùng điệp
dày đặc làm thành một thể thơ thống nhất độc đáo, vừa dân tộc, vừa hiện đại, không lẫn với bất
cứ nhà thơ nào khác. Thơ Tố Hữu là thơ âm vang, âm vang của giọng điệu hoà với âm vang
luyến láy. Đó là những phạm trù thi pháp rất Tố Hữu, tạo thành gương mặt thơ độc nhất vô nhị
của ông.

You might also like