Sức mạnh tuyên truyền từ Đức Quốc xã đến ISIS

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 3

Sức mạnh tuyên truyền: Từ Đức Quốc xã tới ISIS

Nguồn: Irina Bokova & Sara Bloomfield, “Did Goebbels Win?”, Project Syndicate,
25/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tại Đức vào những năm 1930, các lãnh đạo Đảng Quốc xã đã biết dùng sức mạnh của
truyền thông đại chúng nhằm truyền bá lòng hận thù và chủ nghĩa bài Do Thái. “Tuyên
truyền,” Hitler viết, “là thứ vũ khí thực sự khủng khiếp trong tay của một chuyên gia.”
Trong quá trình vươn lên nắm quyền, Đức Quốc xã đã triển khai các công nghệ truyền
thông hiện đại tinh vi, gồm cả radio và phim ảnh, để giành chiến thắng trong “trận chiến
tư tưởng” – và do đó định hình dư luận và hành vi của những người dân vốn có học thức
trong một nền dân chủ non trẻ.

Đức Quốc xã đã bị tiêu diệt nhưng tuyên truyền thì vẫn còn, và tiềm năng của nó còn
nguy hiểm bao giờ hết. Khi chúng ta kỷ niệm lần thứ 71 Ngày Giải phóng Trại Tập trung
Auschwitz-Birkenau (27/01/1945 – 27/01/2016), các nhóm cực đoan trên toàn thế giới đã
sử dụng các công nghệ mới để kích động hận thù và tiếp tục các cuộc giết người hàng
loạt và diệt chủng.

Đó là lý do tại sao UNESCO đã quyết định chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Kỷ niệm Các
Nạn nhân của Thảm sát Holocaust năm nay là “Từ Ngôn từ đến Diệt chủng: Tuyên truyền
bài Do Thái và Thảm sát Holocaust.” Nhân dịp này, UNESCO và Bảo tàng Ký ức Thảm
sát Holocaust của Mỹ (USHMM) cùng nhau tổ chức triển lãm “Nhà nước lừa dối: Sức
mạnh Tuyên truyền của Đức Quốc xã” (State of Deception: The Power of Nazi
Propaganda) tại trụ sở UNESCO.

Đầu những năm 1930, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhiều người
Đức sẵn sàng bỏ qua chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc xã, bởi vì họ bị thu hút bởi
các khía cạnh khác trong thông điệp của Đảng này. Đức Quốc xã nhận ra điều này: Trong
thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử năm 1932, họ dựa vào nghiên cứu dư luận xã hội
lúc bấy giờ để thăm dò nhu cầu, hy vọng, và nỗi sợ hãi của người lao động cổ cồn xanh
và cổ cồn trắng, tầng lớp trung lưu, phụ nữ, nông dân và thanh niên. Theo đó, các nhà
tuyên truyền của Đức Quốc xã đã hạ bớt giọng điệu bài Do Thái và thể hiện hình ảnh
Đảng của họ là lực lượng chính trị duy nhất có khả năng tạo ra việc làm và nâng cao đời
sống cho người dân Đức. Tương tự, họ cũng giành được lá phiếu của các phụ nữ – những
người mới giành được quyền bầu cử – bằng cách mô tả mình là những người bảo vệ phụ
nữ Đức truyền thống và người bảo vệ gia đình.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Hitler nhận được cảm tình của nhiều người, kể cả những
người trẻ đang muốn giành lại các lãnh thổ và sức mạnh quân sự đã mất của nước Đức.
Nhưng chủ nghĩa bài Do Thái vẫn ở vị trí trung tâm trong thế giới quan của Đức Quốc
xã. Ngay khi đảng này lên nắm quyền vào năm 1933, họ đã bắt đầu triển khai chính sách
bài Do Thái. Đức Quốc xã đã loại bỏ tất cả các nguồn tin thay thế, đốt sách và bắt giữ các
nhà báo để chuẩn bị cho mục tiêu thành lập một châu Âu thống nhất của “chủng tộc
Aryan.”

Ngày nay, trong một thế giới liên kết lẫn nhau, các cá nhân và nhóm phi chính phủ theo ý
thức hệ cực đoan có thể sử dụng sức mạnh của các công nghệ mới để định hình thái độ và
niềm tin, và kích động bạo lực trên quy mô toàn cầu. Kể từ năm 2014, Nhà nước Hồi giáo
(ISIS) đã đăng tải hơn 700 video tuyên truyền bằng tất cả các ngôn ngữ chính, các video
này được làm dành riêng cho từng nhóm đối tượng khác nhau, nhằm tối đa hóa phạm vi
và tác động của các thông điệp của chúng.

Gần 50.000 tài khoản Twitter của ISIS đang tuyên truyền lòng hận thù, tìm cách khai thác
sự thiếu hiểu biết, bất khoan dung và chia rẽ trong xã hội. Những người trẻ tuổi đang là
mục tiêu tuyển quân của chúng. Trong các vùng lãnh thổ chúng chiếm đóng, ISIS khủng
bố và giết người dựa vào tôn giáo và văn hóa của họ. Một báo cáo gần đây của USHMM
kết luận rằng ISIS đã thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Yazidi thiểu số đang
chịu sự kiểm soát của chúng.

Một xu hướng đáng lo ngại khác là những lời lẽ mang tính thù hằn người dân tộc thiểu số
và người nhập cư đang được sử dụng ngày càng tinh vi hơn. Luận điệu bạo lực, loại trừ,
và phân biệt đối xử đã trở lại châu Âu – vùng đất của Thảm sát Holocaust. Những người
theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lợi dụng cuộc khủng hoảng người tị nạn, trong bối
cảnh lo sợ các cuộc tấn công khủng bố, để giành được số lượng lớn người ủng hộ.

Triển lãm “Nhà nước lừa dối” cho chúng ta thấy cách mà tuyên truyền có thể gây ra
những hậu quả chết người. Thảm sát Holocaust bắt đầu bằng lời nói, chứ không phải giết
người hàng loạt. Chúng ta phải nhớ làm thế nào “chất độc” bài Do Thái và phân biệt
chủng tộc, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, và toàn bộ hệ thống chính trị,
văn hóa và giáo dục, đã khiến cả một châu lục chìm trong bạo lực quy mô lớn và diệt
chủng.
Ngày nay, nhằm chống lại tuyên truyền hận thù, thách thức của chúng ta là phải khai thác
sức mạnh của công nghệ truyền thông mới để củng cố chủ nghĩa đa nguyên và phẩm giá
con người, nhằm chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bài Do Thái và phủ nhận Thảm
sát Holocaust. Cuộc chiến mới này chỉ có thể giành chiến thắng nếu chúng ta cập nhật và
nâng cấp các công cụ giáo dục, văn hóa, khoa học, và truyền thông. UNESCO đã được
thành lập cách đây 70 năm vì mục đích này, và họ đang khởi xướng một chương trình
toàn cầu nhằm giáo dục về Holocaust và phòng chống diệt chủng, cùng với các chính phủ
và giáo viên đem lịch sử sự kiện này vào lớp học.

Chỉ riêng bom đạn không thể đánh bại chất độc chính trị. Chúng ta còn phải giành chiến
thắng trên mặt trận tư tưởng. Trường học, bảo tàng, và phương tiện truyền thông phải bồi
dưỡng nhận thức để giúp giới trẻ phát triển kỹ năng tư duy phê phán. Giới trí thức, nghệ
sĩ, và những người của công chúng phải nhấn mạnh đến sự nguy hiểm khi thờ ơ trước
những nhóm tán thành việc không khoan dung và loại trừ người khác. Và các nhà lãnh
đạo chính trị nên khuyến khích hòa nhập xã hội và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cách để
chúng ta có thể an ủi các nạn nhân của Thảm sát Holocaust – không chỉ để tiếc thương
người đã chết, mà còn để trao quyền cho những người đang sống.

Irina Bokova là Tổng Giám đốc của UNESCO. Sara Bloomfield là Giám đốc Bảo tàng
Ký ức Thảm sát Holocaust của Mỹ.

https://www.project-syndicate.org/commentary/oppose-new-propaganda-of-hatred-by-iri
na-bokova-and-sara-bloomfield-2016-01

You might also like