Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

2.2.

Thực tiễn áp dụng công cụ phái sinh trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá tại
NHTMCP Á Châu
2.2.1. Nghiệp vụ kỳ hạn
2.2.1.1. Quy tắc sử dụng hợp đồng kỳ hạn tại ACB
a, Số tiền ký quỹ
Để đảm bảo tính cam kết thực hiện hợp đồng, khách hàng cần ký quỹ tại ngân
hàng ACB một khoản tiền như sau: Số tiền ký quỹ = % x số lượng giao dịch = ….
Vào ngày ký kết hợp đồng, ngân hàng được phép trích tiền gửi tài khoản thanh toán
của khách hàng để ký quỹ. ACB sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền ký quỹ và tiền lãi ký quỹ
sau khi khách hàng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình cho ngân hàng.
Số tiền ký quỹ có thể thực hiện bằng ngoại tệ hoặc VND theo tỷ giá quy đổi do
ngân hàng quyết định.
Số tiền ký quỹ được hưởng mức lãi suất do ngân hàng quyết định trong từng
thời kỳ.
b, Xuất trình chứng từ
Khách hàng chỉ được yêu cầu xuất trình chứng từ thanh toán chứng minh mục
đích sử dụng ngoại tệ hợp pháp cho ngân hàng theo các quy định quản lý ngoại hối
hiện hành khi dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ vào ngày ký kết hợp đồng và vào
ngày hiệu lực thanh toán của hợp đồng.
c, Mục đích sử dụng ngoại tệ
Khách hàng cam kết sử dụng ngoại tệ theo đúng pháp luật và các quy định của
Chính phủ về quản lý ngoại hối và sử dụng ngoại tệ, và chịu hoàn toàn trách nhiệm
trước pháp luật về việc sử dụng này.
d, Thực hiện hợp đồng
Hai bên có nghĩa vụ phải thực hiện thanh toán đầy đủ trên toàn bộ trị giá hợp
đồng vào ngày hiệu lực thanh toán.
Trước ngày hiệu lực thanh toán của hợp đồng khách hàng có thể yêu cầu thực
hiện giao dịch ngoại tệ bù trừ bằng cách ký kết với ngân hàng một hợp đồng kỳ hạn
khác có cùng số lượng, cùng ngày hiệu lực thanh toán nhưng trái chiều với hợp đồng
này theo tỷ giá kỳ hạn do ngân hàng tính toán và quyết định. Đến ngày hiệu lực thanh
toán, bên này phải trả tiền chênh lệch giá cho bên kia, chứ không giao nhận ngoại tệ
thực tế.
Vào ngày hiệu lực thanh toán của hợp đồng, nếu khách hàng không chuẩn bị
đầy đủ toàn bộ số tiền phải thanh toán cho ngân hàng hoặc không xuất trình chứng từ
chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ hợp pháp cho ngân hàng trong trường hợp
dùng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ kỳ hạn, thì ngân hàng vẫn thực hiện hợp đồng
kỳ hạn này và đồng thời thực hiện luôn một giao dịch ngoại tệ bù trừ bắt buộc có cùng
số lượng nhưng trái chiều với hợp đồng kỳ hạn này theo tỷ giá giao ngay hiện hành do
ngân hàng niêm yết hai chiều gồm giá mua và giá bán tính tại thời điểm thực hiện giao
dịch ngoại tệ bù trừ để làm cơ sở thanh toán tiền chênh lệch giá, chứ không giao nhận
ngoại tệ thực tế .
Trong trường hợp các chứng từ xuất trình của khách hàng cho thấy số lượng
ngoại tệ thực tế được chứng minh mục đích sử dụng nhỏ hơn giá trị của hợp đồng kỳ
hạn này, ngân hàng sẽ chỉ thực hiện hợp đồng kỳ hạn cho khách hàng với số lượng tối
đa bằng với phần ngoại tệ có thể xuất trình chứng từ của khách hàng. Đối với phần
ngoại tệ còn lại mà khách hàng không chứng minh được mục đích sử dụng, ngân hàng
sẽ thực hiện luôn một giao dịch ngoại tệ bù trừ bắt buộc.
Trong trường hợp thanh toán chậm tiền chênh lệch giá, bên vi phạm sẽ chịu
mức phạt tối đa bằng 150 % lãi suất cho vay ngắn hạn hiện hành do ngân hàng công
bố trong từng thời kỳ.
e, Thanh lý hợp đồng
Hợp đồng chấm dứt hiệu lực và mặc nhiên được thanh lý sau khi hai bên đã
thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.
f, Rủi ro khi thực hiện hợp đồng kỳ hạn
Hợp đồng kỳ hạn là công cụ lâu đời nhất, và có lẽ vì lý do đó mà nó ít phức tạp
nhất. Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng giữa 2 bên. Người mua và người bán, để mua hoặc
bán tài sản vào một ngày trong tương lai với giá đã thỏa thuận ngày hôm nay. Nếu vào
ngày đáo hạn, giá thực tế cao hơn giá thực tế thì người sở hữu hợp đồng sẽ kiếm được
lợi nhuận; nếu ngược lại thì người sở hữu hợp đồng sẽ chịu một khoản lỗ.
Bản thân hợp đồng kỳ hạn mang trong mình 3 loại rủi ro:
Thứ nhất: Nếu giá thực tế vào ngày đáo hạn hợp đồng cao hơn giá mong đợi,
rủi ro vốn có của công ty sẽ làm giảm giá trị công ty nhưng sự sụt giảm này sẽ được
đền bù bằng lợi nhuận của hợp đồng kỳ hạn. Vì vậy, hợp đồng kỳ hạn cung cấp một
cách phòng ngừa rủi ro hoàn hảo.
Thứ hai, rủi ro tín dụng hay rủi ro không có khả năng chi trả của hợp đồng. Rủi
ro này có hai chiều, người sở hữu hợp đồng hoặc là người nhận được hoặc là người
chi trả, phụ thuộc vào biến động giá cả thực tế của tài sản cơ sở.
Thứ ba, giá trị của hợp đồng kỳ hạn chỉ được giao nhận vào ngày nào đáo hạn
của hợp đồng, không có khoản chi trả nào được thực hiện vào ngày ký kết hoặc trong
thời hạn của hợp đồng. Vậy nên, bản thân những hợp đồng kỳ hạn có chứa nhiều rủi
ro nhất trong các công cụ phái sinh.
2.2.2. Nghiệp vụ hoán đổi
2.2.2.1. Quy tắc sử dụng nghiệp vụ hoán đổi tại ACB
Trong hợp đồng giao dịch hoán đổi, hai bên ngân hàng và khách hàng thỏa
thuận với nhau một số nội dung chính như sau:
a, Thời hạn giao dịch
Thời hạn giao dịch hoán đổi có thể từ 3 ngày đến 6 tháng. Nếu ngày đáo hạn
rơi vào ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ thì hai bên sẽ thỏa thuận chọn một ngày đáo hạn
thích hợp và thời hạn hợp đồng sẽ tính trên số ngày thực tế.
b, Điều kiện thực hiện
Giao dịch hoán đổi áp dụng đối với khách hàng có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy phép kinh doanh
- Xuất trình các chứng từ chứng minh nhu cầu sử dụng ngoại tệ
- Mở tài khoản ngoại tệ và tài khoản VND ở ngân hàng
- Trả phí giao dịch theo quy định
- Duy trì một tỷ lệ đặt cọc tối đa không quá 5% trị giá hợp đồng để đảm bảo việc
thực hiện hợp đồng
- Ký hợp đồng giao dịch hoán đổi với ngân hàng
c. Ngày thanh toán
Trong giao dịch hoán đổi, ngày thanh toán bao gồm hai loại ngày khác nhau là
ngày hiệu lực và ngày đáo hạn:
- Ngày hiệu lực là ngày thực hiện thanh toán giao dịch giao ngay
- Ngày đáo hạn là ngày thực hiện thanh toán giao dịch có kỳ hạn
d. Xác định tỷ giá hoán đổi
Một hợp đồng hoán đổi liên quan đến hai loại tỷ giá: tỷ giá giao ngay và tỷ giá
có kỳ hạn, trong đó:
- Tỷ giá giao ngay là tỷ giá do ngân hàng niêm yết tại thời điểm giao dịch do hai
bên thỏa thuận
- Tỷ giá có kỳ hạn được tính trên cơ sở tỷ giá giao ngay, chênh lệch lãi suất giữa
VND và ngoại tệ, và số ngày thực tế của hợp đồng
e, Quy trình thực hiện giao dịch hoán đổi
Tại NHTMCP ACB quy trình thực hiện giao dịch hoán đổi tiến hành qua các
bước sau:
- Khách hàng có nhu cầu thực hiện giao dịch hoán đổi đến để liên hệ với phòng
kinh doanh tiền tệ của ngân hàng
- Căn cứ vào cung và cầu ngoại tệ, phòng kinh doanh tiền tệ sẽ chào giá và kỳ
hạn cụ thể cho khách hàng
- Nếu khách hàng đồng ý giá cả thì hai bên sẽ ký hợp đồng hoán đổi

2.3. Đánh giá việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh nhằm phòng vệ rủi ro
tỷ giá tại NHTMCP Á Châu
2.3.1. Thành tựu đạt được trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng công cụ tài
chính phái sinh của NHTMCP Á Châu
2.3.1.1. Giao dịch kỳ hạn
Doanh số giao dịch kỳ hạn của ACB tương đối lớn, chứng tỏ giao dịch ngoại tệ
kỳ hạn rất cần thiết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và việc vận dụng
giao dịch kỳ hạn của ACB cũng rất hiệu quả.
Góp phần giúp ACB và các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro ngoại hối một
cách hiệu quả.
Tạo thêm một kênh cung cấp ngoại tệ với rủi ro tỷ giá đã được bảo hiểm, giúp
các doanh nghiệp nhập khẩu chủ động nguồn ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu
với chi phí cố định trước.
2.3.1.2. Giao dịch hoán đổi
Tạo thêm một kênh cung ứng tiền hiệu quả, giúp NHNN điều tiết thị trường
tiền tệ khi nền kinh tế bất ổn, ACB thiếu vốn VND trong khi thừa vốn ngoại tệ.
Tạo kênh phòng ngừa rủi ro tỷ giá ngoại tệ cho các doanh nghiệp cũng như
ngân hàng khi thực hiện các giao dịch hoán đổi với ngân hàng nước ngoài.
2.3.1.3. Giao dịch quyền chọn
Trong thời gian triển khai thí điểm thưc hiện quyền chọn tiền tệ, ACB đã mạnh
dạn đưa ra thị trường hợp đồng quyền chọn VND/USD và được sự hưởng ứng của rất
nhiều doanh nghiệp, cho thấy phản ứng tích cực từ thị trường đối với loại giao dịch
này.
Là một công cụ rất linh hoạt giúp các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá rất
hiệu quả.
Quy định pháp lý về sử dụng quyền chọn rất thông thoáng, đối tượng sử dụng
giao dịch này rất đa dạng.
2.3.2. Những hạn chế trong quá trình áp dụng các sản phẩm phái sinh để phòng
ngừa rủi ro tỷ giá
2.3.2.1. Những hạn chế của giao dịch kỳ hạn
Doanh số giao dịch kỳ hạn ở ACB hiện nay nhìn chung tuy có cao nhưng chưa
chiếm được tỷ trọng lớn so với giao dịch giao ngay, bất chấp sự biến động của tỷ giá
ngoại tệ và những căng thẳng cung cầu trên thị trường trong suốt một thời gian dài
vừa qua. Điều này chứng tỏ giao dịch kỳ hạn chưa phải là lựa chọn phổ biến nhất đối
với các doanh nghiệp dù có nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Như đã phân tích ở trên, cách tính tỷ giá làm cho tỷ giá kỳ hạn luôn cao hơn tỷ
giá giao ngay tại thời điểm thực hiện giao dịch kỳ hạn đã làm kém đi tính hấp dẫn của
loại hình giao dịch này.
Ngoài ra còn có những hạn chế do đặc trưng của hợp đồng kỳ hạn:
Giao dịch kỳ hạn là giao dịch bắt buộc nên khi đáo hạn dù bất lợi hai bên vẫn
phải thực hiện hợp đồng.
Tính thanh khoản thấp do nghĩa vụ của mỗi bên nhìn chung không thể chuyển
giao cho bên thứ ba.
Hợp đồng kỳ hạn chỉ đáp ứng được nhu cầu khi khách hàng cần mua bán một
lượng ngoại tệ trong tương lai còn ở hiện tại không có nhu cầu mua hoặc bán ngoại tệ.
2.3.2.2. Những hạn chế của giao dịch hoán đổi
Hợp đồng hoán đổi mặc dù khắc phục được nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn ở
chỗ thỏa mãn được nhu cầu ngoại tệ của khách hàng ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên
hợp đồng hoán đổi vẫn còn vướng phải hạn chế như hợp đồng kỳ hạn là loại hợp đồng
bắt buộc thực hiện khi đáo hạn bất chấp tỷ giá giao ngay trên thị trường lúc đó như thế
nào.
Hợp đồng hoán đổi đối với khách hàng là các doanh nghiệp một phần bị hạn chế là do
quy định của NHNN. Từ 18/03/2009, NHNN đã ban hành công văn số 1819/NHNN –
QLNH V/v chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ, theo đó, Thống đốc NHNN có
yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối không được sử dụng kết
hợp công cụ phái sinh nhằm mục đích mua bán USD giao ngay với giá cao hơn trần
biên độ do NHNN quy định. Trong khi đó, hợp đồng hoán đổi của ACB chủ yếu thực
hiện qua từng gói sản phẩm có kết hợp với hợp đồng kỳ hạn nhằm gia tăng tiện ích và
linh hoạt dòng tiền cho khách hàng, đã phần nào bị thu hẹp, doanh số giao dịch còn
nằm ở mức thấp.
2.3.2.3. Những hạn chế của việc phát triển thị trường giao sau ngoại tệ
Giao dịch giao sau phổ biến ở các nước có thị trường tài chính phát triển,
không chỉ trên thị trường ngoại hối mà còn thực hiện trên thị trường chứng khoán và
thị trường hàng hóa. Ở ACB nói riêng và Việt Nam nói chung chưa thực hiện loại giao
dịch này trên thị trường ngoại tệ, chủ yếu có 3 lý do chính:
Khả năng nhận thức: để giao dịch được đưa ra thị trường thì điều kiện tiên
quyết là các bên liên quan phải nhận thức rõ về loại giao dịch này. Các bên liên quan
được đề cập trong giao dịch này bao gồm: các nhà hoạch định chính sách, sở giao dịch
và khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể về
giao dịch giao sau ngoại tệ từ các nhà hoạch định chính sách. Việc tổ chức sở giao
dịch cho một thị trường giao sau chưa được thiết lập và cuối cùng là sự am hiểu của
các khách hàng tham gia vẫn còn rất hạn chế.
Mức độ hiệu quả của thị trường: nói đến mức độ hiệu quả của thị trường tức là
nói đến phản ứng nhanh nhạy của tỷ giá đối với tất cả thông tin có liên quan. Nếu thị
trường hiệu quả thì tỷ giá phản ánh nhanh tất cả các thông tin có liên quan. Tuy nhiên,
tình trạng thông tin bất cân xứng hiện nay trên thị trường trong nước còn rất phổ biến,
việc tiếp cận thông tin của hai bên thường phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, trang
thiết bị phục vụ cho việc tiếp cận thông tin của các bên.
Cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch: bao gồm cả phần cứng là địa điểm và cơ sở
vật chất phục vụ giao dịch; phần mềm là các quy định, thể chế giao dịch và hệ thống
thanh toán bù trừ phục vụ cho giao dịch hằng ngày. Hiện nay cơ sở hạ tầng để phục vụ
cho thị trường giao sau ngoại tệ vẫn còn nhiều hạn chế.
2.3.2.4. Những hạn chế của giao dịch quyền chọn
Thị trường quyền chọn chỉ có một chiều, chỉ có một số ngân hàng bán và khách
hàng mua. Tính cạnh tranh kém nên phí không sát, trên thực tế phí Quyền chọn rất cao
và vì vậy số lượng khách hàng rất ít nên chưa khuyến khích được giao dịch này phát
triển. ACB chưa có khả năng tự doanh quyền chọn mà chỉ mới thực hiện vai trò trung
gian hưởng hoa hồng giữa khách hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài.
Các đối tượng khách hàng hầu hết chưa nắm vững về loại hình giao dịch này.
Chưa có nhiều văn bản pháp lý quy định và hướng dẫn về thực hiện nghiệp vụ
này trong khi đây là một loại hình giao dịch rất phức tạp. Đến khi NHNN ngừng thí
điểm thực hiện quyền chọn VND/USD thì thị trường này gần như thu hẹp hoàn toàn,
các doanh nghiệp không còn vận dụng để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Tất cả những hạn chế đó đã kìm hãm sự phát triển của thị trường, các giao dịch
ngoại hối phái sinh như một nguồn để mua ngoại tệ chứ chưa phải nhằm mục đích
phòng ngừa rủi ro tỷ giá là chính.
2.3.2.5. Những hạn chế khác trong việc phát triển thị trường phái sinh
Không riêng ACB, thị trường phái sinh ở Việt Nam nói chung còn khá mới mẻ,
do đó không tránh khỏi những hạn chế:
Nhà nước chưa có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm
phái sinh, trước mắt chỉ thấy nhiều hạn chế đối với nhà cung cấp dịch vụ.
Thiếu đào tạo thực tế về sản phẩm phái sinh. Đây là thực trạng khá phổ biến ở
Việt Nam. Các chuyên gia đào tạo về sản phẩm phái sinh hiện cho cả nhà cung cấp
dịch vụ và đối tượng sử dụng còn quá ít. Đồng thời, số đơn vị cung cấp và tham gia
giao dịch phái sinh không nhiều, chính vì vậy thực tiễn ứng dụng sản phẩm phái sinh
ở Việt Nam còn rất hạn chế.
Còn nhập nhằng giữa phòng ngừa rủi ro và đầu cơ. Doanh nghiệp không nghĩ
rằng sử dụng sản phẩm phái sinh là trả một khoản tiền để phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho
mình, đồng thời chủ động trong các kế hoạch kinh doanh và kiểm soát được chi phí
trong tương lai, thay vào đó họ chỉ mong muốn kiếm được lợi nhuận và không muốn
lỗ.
Thông tin về sản phẩm phái sinh khó tiếp cận. Điều này liên quan đến mức độ
“khó hiểu” và không đầy đủ của các hướng dẫn về sản phẩm phái sinh của tổ chức
cung cấp sản phẩm phái sinh và của các tài liệu đào tạo. Sở dĩ như vậy là vì sản phẩm
phái sinh là một chủ đề khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn đáng kể. Điều này cho thấy
Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên gia am hiểu sâu về sản phẩm phái sinh có thể giải
thích một cách đơn giản dễ hiểu vấn đề này cho doanh nghiệp.

You might also like