Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Phân tích bài thơ Tiếng thu

Bài làm
Không phải ngẫu nhiên mà mùa thu lại mang đến cho con người một cảm giác thoải mái và
thư giãn đến lạ, bởi vì ẩn chứa trong khung cảnh ấy là cả một thế giới riêng, với những nét
riêng, những sắc thái riêng sẵn sàng được đón nhận. Đồng thời, thu không chỉ là nơi để con
người có thể trân trọng cái đẹp về vật chất mà còn là nơi để ta hòa mình vào cái hồn của
thiên nhiên, vào sự chuyển giao của vạn vật muôn loài giữa hạ và đông - hai mùa hoàn toàn
trái ngược nhau. Dường như ở đó, thiên nhiên như muốn gửi gắm đến ta một một khoảnh
khắc mà cái đẹp bừng tỉnh trước khi bước vào một mùa đông lạnh giá, khi mà sự sống sẽ lụi
tàn theo thời gian, và để nâng niu những vẻ đẹp mùa thu tường chừng như vô hình nhưng lại
rất hữu hình trong tâm hồn của con người, nhà thơ Lưu Trọng Lư – một thành viên tiêu biểu
của phong trào Thơ mới - đã sáng tác nên bài thơ “Tiếng thu” – bản hòa âm ngôn từ của
thiên nhiên (như lời Chu Văn Sơn đã viết), xuất bản năm 1939, hứa hẹn với người đọc một
hồn thơ sâu lắng và ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên.
Tiếng thu
“Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu


lá thu kêu xào xạc,
cao nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?”

Để mở đầu biết bao cái đẹp hàm súc mà nhà thơ muốn gửi gắm, chúng ta trước hết phải có
được cái nhìn tổng quan về những yếu tố mở đầu tác phẩm. Nhan đề của bài thơ không phải
là cái gì quá trừu tượng, thay vào đó là sự gần gũi, quen thuộc với người đọc, để lại một ấn
tượng tốt trước khi người đọc đi sâu vào bài thơ. Sỡ dĩ như vậy là vì nó chỉ gồm hai từ “Tiếng
thu”, thể hiện rõ nét cái chất giản dị, súc tích mà tác giả Lưu Trọng Lư muốn thể hiện trong
những tác phẩm văn học của mình và theo đó cũng gợi nên nhũng vang ngân êm dịu nhưng
lại làm xao xuyến lòng người của mùa thu. Tiếng thu là nhũng âm thanh huyền điệu, là một
bản giao hưởng của vạn vật muôn loài, gợi cho con người vô vàn những cảm giác khác nhau
khi lắng nghe những âm điệu đó và có thể khiến cho họ liên tưởng về những điều sâu sắc
hơn cả cảnh vật mùa thu. Như ở trong những dòng chữ đầu tiên của bài thơ, khi chứng kiến
cảnh ngày thu thông qua con mắt của tâm hồn thi ca, tác giả đã tự hỏi chính mình rằng: mình
có nghe thấy thiên nhiên mùa thu đang thổn thức giữa ánh trăng mờ không? Chi tiết này
được thể hiện thông qua sự giới thiệu của hai nhân vật trữ tình trong tác phẩm, một nhân vật
giấu mặt, đóng vai trò hỏi, thể hiện tâm trạng băn khoăn, tò mò về cảnh sắc mùa thu và một
nhân vật được coi là “em”, đa số sẽ hiểu rằng đây là một nhân vật khác nhưng thực chất
“em” là một con người giả định, tượng trưng cho chính thân phận của tác giả. Dường như,
nhà thơ đang tự kiểm chứng bản thân mình về việc có thể nghe thấy được cái bản hòa âm
mà thiên nhiên muốn gửi đến hay không, một chi tiết sẽ được duy trì xuyên suốt bài thơ. Sự
duy trì tâm trạng này có thể dự đoán được khi hai dòng thơ đầu được gộp lại với nhau thành
một câu hỏi, báo hiệu cho những lời tự hỏi bản thân của tâm hồn thi sĩ giữa chốn thu trong
những câu thơ tiếp nối, chúng tiến triển theo cung bậc cảm xúc, trở nên mãnh liệt, dâng trào
hơn khi càng về những dòng chữ cuối cùng của tác phẩm, thể hiện rõ được thủ pháp nghệ
thuật dàn xếp bố cục độc đáo, mới lạ so với những bài thơ khác cũng viết về đề tài mùa thu.

Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự cảm xúc tăng tiến theo từng câu thơ,
từng câu hỏi của tác giả khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của thiên nhiên, gợi về nhiều ấn
tượng và liên tưởng sâu sắc với khán giả bạn đọc. Đi từ việc tác giả hỏi chính mình về khung
cảnh mùa thu, về những âm thanh vang vọng khắp không gian dưới ánh trăng mờ ảo, thơ
mộng, cho đến việc nhà thơ liên tưởng đến nỗi nhớ người chồng đi xa của người vợ phải
sống cô đơn, lẻ loi ở nhà, nỗi khắc khoải chờ mong người chồng trở về trong tấm lòng của
người cô phụ và cuối cùng, hỏi lại chính mình về bức tranh của vạn vật, muôn loài trong mùa
thu, với những âm thanh không thể nghe thấy mà chỉ có thể cảm nhận được, tạo nên kết cấu
đầu cuối tương ứng tinh tế, đặc sắc, giúp hình thành một trình tự triển khai nội dung mạch
lạc, rõ ràng và thú vị với người đọc.

Có ý kiến cho rằng, bài thơ “Tiếng thu” cần được bố trí làm ba khổ thơ và có thể trong quá
trình in đã có một lỗi sai nhỏ nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì nội dung mà Lưu Trọng Lư
muốn truyền tải đến người đọc vẫn còn đó, với ba câu hỏi mà tác giả muốn dành ra cho bản
thân đã phân chia bài thơ một cách rõ ràng, với những điều nổi bật cần được chú ý. Ở khổ
thơ thứ nhất, ngoài việc cảm nhận những vẻ đẹp của cảnh sắc mùa thu, tác giả còn liên
tưởng về một nỗi nhớ, khắc khoải chờ mong thật sâu sắc, trong đó chứa đựng một tâm trạng
buồn, cô đơn, lẻ loi và một mong muốn được đoàn tụ ngày hôm nào của người vợ khi phải
xa người chồng trong một khoảng thời gian dài. “Rạo rực” là tính từ, đồng thời là từ láy bộc lộ
cảm xúc của con người, cũng giống như từ “thổn thức” ở trong hai câu thơ trước vậy, và từ
đó, những liên tưởng sâu sắc phát sinh từ chính tâm hồn thi sĩ, từ chính tấm lòng của nhà
thơ khi đứng giữa khung cảnh thiên nhiên mùa thu dễ chịu, thoải mái càng được bộc lộ rõ
hơn. Dường như, những bản hòa ca mà sự sống muốn gửi đến đã chiếm trọn một con người
viết thơ, viết văn cống hiến cho đời, đã gợi cho nhà thơ những hình ảnh trong trí tưởng
tượng phong phú nhưng cũng khá quen thuộc đối với người đọc, được làm rõ ở hình ảnh “kẻ
chinh phu” và “người cô phụ”, một cách dùng từ ngữ hay của nhà thơ, đồng thời làm cho bài
thơ trở nên giàu nhịp điệu hơn là nhờ có phối hợp vần “u”, giống như phối hợp vần “ưc”
xuyên suốt tác phẩm. Sau khi liên tưởng đến nỗi nhớ một người chồng đảm đang, nhân hậu
của một người vợ thủy chung, nhà thơ đã quay trở lại khung cảnh thiên nhiên mùa thu nhưng
giờ đây, những chi tiết về thiên nhiên đã được bộc lộ một cách cụ thể, chi tiết hơn, không
kém chất nghệ sĩ được chắt chiu trong từng câu thơ:
“Em không nghe rừng thu
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?”
Một lần nữa, hình ảnh “em” lại xuất hiện và một lần nữa, cảnh ngày thu lại được gợi tả qua
những dòng thơ giản dị, tinh tế của Lưu Trọng Lư. Trong cánh rừng thu rậm rạp, những chiếc
lá đang “kêu xào xạc”, không phải là “rơi xào xạc” là vì chất trầm và đục đặc trưng được gợi
tả, cho thấy được vẻ âm u và huyền bí của rừng già. Trong cánh rừng đó là một chú nai
vàng, vẻ mặt ngơ ngác, mát mở to, đang bước đi trên những thảm lá vàng khô đang rụng,
từng ngày đi qua là lá càng rụng nhiều, tạo nên một tông màu sáng sủa khi người đọc hình
dung được bức tranh mà tác giả muốn vẽ nên thông qua những hình ảnh trong đoạn thơ
trên. Một khung cảnh mùa thu lại hiện lên trong con mắt của nhà thơ, trong con mắt người
đọc, quả là gần gũi, quen thuộc và thanh bình, yên tĩnh với bản giao hưởng của những
những nốt trầm, nốt cao của sự sống trong thời khác chuyển giao đặc biệt này.

Nói tóm lại, mặc dù đã ra đời cách đây gần một thế kỉ, “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư vẫn là
một tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý đến từ khán giả bạn đọc, cũng như được
những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại như ông Chu Văn Sơn tìm hiểu sâu rộng
về những gì mà tác giả muốn gửi gắm thông qua những giai điệu hòa ca của bản nhạc mang
tên: mùa thu. Hơn nữa, dưới sự mơ hồ nhưng huyền điệu của những âm thanh mùa thu, là
một tâm hồn thi ca với những xúc cảm tinh tế, độc đáo và một cái nhìn mang chất nghệ sĩ đã
làm nên biết bao những giá trị nghệ thuật của tác phẩm, làm sống lại khoảnh khắc mùa thu
trong tâm hồn của con người, “thổn thức” và “rạo rực” những vẻ đẹp của vạn vật muôn loài.

You might also like