Bìa TIEU LUAN PTCTNV

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 11

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

TIỂU LUẬN

LOẠI HÌNH TÁC GIẢ NHÀ NHO


NGUYỄN BỈNH KHIÊM QUA
BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI TẬP

Học phần: Khuynh hướng văn học và loại hình


tác giả văn học trung đại Việt Nam
Sinh viên thực hiện: Trương Thị Phương Hiền
Mã sinh viên: 3170122035
Lớp: 22SNV2
Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Quang Huy

Đà Nẵng, 12/2023
1. Giới thiệu chung về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và tác phẩm Bạch Vân quốc
ngữ thi tập
1.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm
1.1.1. Tiểu sử
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) húy là Vân Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch
Vân am cư sĩ, là người Hải Dương nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng . Xuất thân
từ một gia đình trí thức Nho học, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ nhỏ đã thông minh, hiếu học.
Xét một cách toàn diện lịch sử Việt Nam thế kỷ 16, nhiều người đã gọi Nguyễn Bỉnh
Khiêm là "cây đại thụ văn hóa dân tộc", hay nói theo cách khác, ông đã được xem là
đại diện tiêu biểu nhất của lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam trong thế kỷ nhiều biến
động lớn này. [6]
1.1.2. Bối cảnh xã hội
Thế kỉ XVI, chính quyền nhà Lê trở nên suy yếu “Cuộc khủng hoảng vào cuối
thời Lê Sơ là cuộc khủng hoảng bước đầu của chế độ phong kiến, kết thúc thời kỳ phát
triển cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam.” [3; tr 213]. Trong hoàn cảnh suy
thoái kéo dài, Mạc Đăng Dung nổi lên nắm lấy binh quyền, phế truất vua Lê, lập nên
triều đại nhà Mạc. Triều Mạc ra đời đem đến những đóng góp tích cực đối với lịch sử
dân tộc về văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, kinh tế,..
1.1.3. Cuộc đời và trải nghiệm
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra thời xã hội loạn lạc nên dù giỏi vẫn giấu tài. Đợi
khi xã hội yên ổn, ông ra thi tài đỗ Trạng nguyên rồi làm quan dưới triều Mạc. Đến
giữa năm 50 của thế kỉ XVI, lòng vua loạn, gian thần triều đình kết bè phái nhiễu loạn
triều chính, ông dâng sớ xin chém đầu 18 tên loạn thần nhưng không được chấp nhận.
Nguyễn Bỉnh Khiêm xin về quê trí sĩ được 2 năm nhưng sau đó lại trở lại giúp triều
đình nhà Mạc đến khi 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm treo mũ từ quan, về ở ẩn tại quê
nhà mà mở trường dạy học, lập quán,....Đến năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm mất,
hưởng thọ 94 tuổi, học trò truy tôn là Tuyết Giang Phu tử.
1.2. Vài nét về tác phẩm Bạch Vân quốc ngữ thi tập
1.2.1. Các tác phẩm chính
Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại nhiều tác phẩm lớn như: Bạch Vân am thi tập viết bằng
chữ Hán nay còn lại 800 bài, Bạch Vân quốc ngữ thi tập khoảng 160 bài,.. Ngoài để lại
nhiều tác phẩm văn học, Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại nhiều câu sấm Trạng. Các tập sấm
ký thường viết bằng chữ Nôm như Trình Quốc công sấm ký, Trình tiên sinh quốc
ngữ,,.
1.2.2. Vài nét về tác phẩm Bạch Vân quốc ngữ thi tập

1
Bạch Vân quốc ngữ thi tập hay còn gọi là Trình quốc công Bạch Vân quốc ngữ
thi tập được sáng tác trong khi ông về ở ẩn tại quê nhà. Số lượng bài thơ trong tập thi
theo Tổng tập Văn học Việt Nam khoảng trên 170 bài, trong mỗi bài, ông không đặt
tiêu đề cụ thể. Trong tập thơ Nôm Đường luật này hầu hết là bài thơ vịnh cảnh, vịnh
vật nơi thanh nhàn nhằm thể hiện những suy tư sâu lắng về thế thái, khuyên răn con
người, triết lý sống của tác giả.
2. Khảo sát tác phẩm Bạch Vân quốc ngữ thi tập
2.1. Đặc điểm về nội dung của Bạch Vân quốc ngữ thi tập
Tác giả Lê Trí Viễn khi tìm hiểu tập Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh
Khiêm có nhấn mạnh: “Trong Bạch Vân quốc ngữ thi tất cả đều không có đầu đề,
nhưng xét chung thì xoay quanh một số đề tài nhất định: Sự suy tàn của đạo đức phong
kiến, cuộc đời nhàn dật, phong cảnh thiên nhiên, ý nghĩ về bổn phận với vua với nước”
[ Dẫn theo 5; tr 473]. Có thể nói, hầu hết, trong tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập,
Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về chủ đề vịnh vật nhưng nội dung chứa đựng muốn hướng
tới là những triết lý sâu xa.
2.1.1. Thiên nhiên

Viết về thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm ưu ái cho nó chiếm phần nhiều trong
Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Điều này khá dễ hiểu vì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn
nơi lánh đời của mình bên bờ sông Tuyết Hàn để gần gũi với thiên nhiên hơn. Nguyễn
Bỉnh Khiêm cho rằng mình cũng giống như Trương Lương, từ bỏ tước lộc dến ẩn náu
tại núi Cốc thành dể tu tiên “Vắng lui đường lợi khôn đi đỗ/ Rộng hẹp lòng nhân mặc
nghỉ ngơi/ Kham hạ Lưu hầu từ Hán lộc/ Cố thành bấu ẩn Xích Tùng chơi” Bài số 21
[2; tr 393]. Tương tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên, lấy
sông nước, cây cỏi, trăng thu làm thú vui cho mình “Cửa xuân rợp, gió đưa cầm/ Mùa
tới hay thủa bụng im./ Mặt trời vàng, còn in bóng thỏ/ Đầu non bạc, đã chặt cây chim.”
Bài số 42 [2; tr 403] hay “Hương đầy tiệc khách hoa khi rụng/ Hứng đầy vườn xuân,
chim thuở kêu” Bài số 37 [2; tr 401]. Ông sử dụng nhiều những hình ảnh thiên nhiên
giản dị, quen thuộc, tuy nhiên trong số ít những bài, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn sử dụng
những hình ảnh cao quý như tùng, trúc, cúc, mai :“Mai bạc lạnh quen nhiều tháng
tuyết,/ Cúc vàng thơm đổi mấy phen hoa.”Bài số 14 [2; tr 390]

Thiên nhiên không chỉ đơn thuần đẹp mà nó còn giúp nuôi sống con người “Bếp
chè hâm đã, sôi măng trúc,/ Nương cỏ cày thôi, vãi hạt muồng. /Cửa vắng ngựa xe
không quýt ríu,/ Cơm no tôm cá kẻo thèm thuồng.” Bài số 38 [2; tr 401]. Thiên nhiên
trở thành nguồn thức ăn đạm bạc, đậm chất quê nhà nuôi sống con người qua hàng

2
ngày “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.” Bài số 73 [2; tr
408].
Thông qua đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vẽ ra bức tranh thiên nhiên cùng người
ẩn sĩ gắn bó với thiên nhiên nơi thôn dã, đã hòa mình vào sự sống tĩnh tại với thiên
nhiên, vũ trụ vô hạn. Không những thế, xen vào nội dung các bài thơ thuộc các chủ đề
khác thì những vần thơ về thiên nhiên cũng chính là phương tiện để tác giả truyền tải
thông điệp tư tưởng, triết lý “nhàn dật” của ông.
2.1.2. Triết lý về cuộc sống
2.1.2.1. Triết lý về thế sự
Tệ hại của chế độ phong kiến đã làm băng hoại nhân tâm thế đạo. Tác phẩm
của Nguyễn Bỉnh Khiêm lên án thói đời, đen bạc, tham lam, hám lợi, trọng của hơn
người “Giàu sang người trọng, khó: ai nhìn?/Mấy dạ yêu vì kẽ lở hèn,/Thuở khó, dẫu
chào, chào cũng lặng/Khi giàu, chẳng hỏi, hỏi thì quen/Lặng, kẻo lân la nồi bạ
men/Đạo nọ, nghĩa này, trăm tiếng bướm/Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền.” Bài số 5
[2; tr 386]. Các bài thơ của ông nhiều lần đề cập đến lối sống thực dụng vì xoay quanh
tiền bạc “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.” Bài số 71 [2; tr
407]. Đối với ông, chuyện giàu - nghèo là chuyện hết mực thường tình bởi thời thế
thay đổi là chuyện không thể nắm bắt, cũng không thể lường trước được “Vũng nọ ghê
khi làm bãi cát/ Doi kia có thuở lút hòn Thai.... Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai” Bài số
2 [2; tr 385]. Vũng nước dù nhỏ nhưng cũng có thể làm bến đậu cho thuyền, chỗ đất
cao doi lên kia cũng có thể thụt xuốn trở thành vũng sâu. Cơ trời đảo lộn nào biết nay
sau, chỉ biết thuận theo ý trời mà làm.
Không chỉ đề cập đến sự tha hóa vì tiền bạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn phê
phán những người ham danh lợi. Rất nhiều lần, Trạng Trình đề cập đến hai chữ công
danh trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập, “tham, phải áng công danh lụy,” Bài số 24 [2;
tr 395], “công danh hai chữ đã nhường người” Bài số 109 [2; tr 420], “Vì danh cho
phải lụy đôi phen” Bài số 22 [2; tr 394]. Trạng Trình xa lánh chốn thế sự “lao xao”
nhiễu nhương, điên loạn lòng người để giữ gìn phẩm chất của một nhà nho quân tử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không để cho công danh phù hoa làm mờ mắt mình. Chính cụ
cũng đã từng xin 2 năm đi trí sĩ, cũng đã nhận đủ danh lợi thì giờ đây công danh cũng
chỉ là mây mờ đã qua “Danh lợi lâng lâng: gió thổi hoa” Bài số 1 [2; tr 384] “Nhìn
xem phú quý tựa chiêm bao” Bài số 73 [2; tr 408].
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, ham danh lợi là một điều không nên nhưng thân
là người tài, quân tử vẫn phải biết cống hiến sức mình cho đất nước “Quân tử mới hay
nơi xuất xứ/Trượng phu cũng có chí anh hùng/ Nhân tài làm trọng, đời nào khỏi?” Bài
số 34 [2; tr 400]. Thân là quân tử, phải biết tiến lui thích hợp, chờ thời cơ để đem lực

3
mình ra cống hiến cho đất nước “Người quân tử nọ yêu danh tiết... Ngẫm nghĩ năm
pho Kinh, Sử/ Tập thành ba quyển lược thao/ Rồng thiêng dành sức chờ xuân noãn..”
Bài số 63 [2; tr 406].
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã nhiều lần thể hiện thái độ chính trị của mình
khi đứng giữa sự lựa chọn về triều đại Mạc - Trịnh Nguyễn. Ông xem đất nước này
đều là của chung, không đứng về phía triều đại nào cả “Trạng Trình không chọn chủ
cũng là một hình thức chọn chủ - là sự lui về ở ẩn” [7; tr 479]. Theo bài số 28 “Nước
non, nào phải của ai đâu?/ Nhiều ít công tư cũng mặc dầu/ Cõ chăng gũi giàng, không
chẳng lụy./ Được chăng háo, mất chăng âu/”. Thiên hạ, giang sơn đều là của chung.
Không ai giữ làm riêng ai, không có cũng chẳng lụy ai. Vì thế, theo ông, được cũng
không lấy làm vui sướng mà mất cũn không có gì phải âu lo. Dưới tình hình rối ren,
đất nước chiến tranh như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi cuộc sống thái bình, nó đủ
thời Nghiêu Thuấn “Dầu trí, dầu ngu sinh phải thì,/ Ấy là phúc cả đứng nam nhi/ No
lòng, ấm cật đời Nghiêu Thuấn,..” Bài số 61 [2; tr 404] hay “Xuân hoa đua nở rở
phong quang/ Khúc văn thơ đọc đời Nghiêu Thuấn/ Khúc thái bình nhớ chúa Vũ,
Thang.” Bài số 90 [2; tr 414]. Ca ngợi với mục đích mong cho đất nước ta cũng trở
nên như vậy, mong vua ta, chúa ta cũng anh minh, sáng suốt không kém gì nước Hán
“Ước được tôi hiền, chúa thánh minh.” khi nhà Mạc ngày càng mục rỗng và thối nát.
Nếu như các bài thơ đầu trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập là các bài thơ
chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo và tư tưởng Lão - Trang thì bắt đầu từ bài 150 (trong
Tổng tập văn học Việt Nam) trở đi chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo. Như trong
bài 154- Giới tham, Nguyễn Bỉnh Khiêm răn người có lòng tham “”Tượng trời âu đã
quá đồng cân/ Định cho ai, ắt có phần./ Muốn vô nhua, khôn lẽ được/ Ơn phi phận,
khá đều phân/ Đủ no hay vậy xin thong thả/ Sạo sục làm chi, huống nhọc nhằn..” [2; tr
426]. Không những thế, ông còn răn người ham mê sắc đẹp “Có chồng con bao xiết
nỗi,/Hay bùa thuốc ấy thói đời!/ Kham hiền, luận ác “dâm vi thủ”/ Cẩn cho hay, chẳng
phải chơi” Bài số 158 [2; tr 426]. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn khuyên răn con người,
giáo huấn họ để sống hoàn thiện hơn. Những vấn đề tư tưởng triết lý mà Nguyễn Bỉnh
Khiêm đưa ra thể hiện những truyền thống đạo lý của dân tộc, góp phần tích cực vào
việc bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn của con người. Vì thế thơ ông mang đậm tính triết
lý, giáo huấn con người.
2.1.2.2. Cầu nhàn, tri túc
Khi về quê ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống cuộc đời nhàn hạ của mình theo
triết lý tri túc thường lạc. Ông hài lòng với những gì mình đang có và không ham
muốn thứ danh phận hão huyền. Và tư tưởng “nhàn” trở thành một quan niệm sống,
một cách sống đối lập với công danh. Nhàn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn đậm lý

4
tượng của Lão - Trang, thân nhàn lẫn tâm nhàn. Tâm thế lánh đời tìm đến nơi thanh
cao, hòa đồng cùng tự nhiên là nơi ông giữ gìn kĩ phẩm giá của một nhà nho thực thụ.
Sống trong cái nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm ra cái thú nhàn, biến nhàn trở thành lẽ
sống, một quan điểm sống cho riêng mình. Đã chọn sống nhàn thì tâm tư không còn
chứa chỗ cho thế sự phiền não, lung lay lòng người “Ta đã thanh nhàn, người phú quý/
Dễ đâu hầu được lọn hai đàng.” Bài số 90 [2; tr 414]. Khi đã đưa ra lựa chọn của mình
thì không thể vừa đi trên con đường phú quý, vừa đi trên con đường ẩn dật mà thanh
nhàn được
Sống tri túc thường lạc là cách sống thanh nhàn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã
làm khi quy ẩn. Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn biết đủ, tự làm cho đời sống của mình đầy
đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Khi thấy danh lợi đã đủ thì quay về con đường thanh nhàn.
Không thấy thốn thiếu vật chất khi sống qua ngày cùng với thiên nhiên. Không thấy
vất vả khi phải sinh hoạt trong điều kiện nghèo nàn: ăn tre, trúc, măng, giá; tắm sen, ao
hồ. Thấy đủ đầy khi tâm hồn mình đã hòa vào trong thiên nhiên: sáng ngắm cây cỏ, tối
ngắm khói trăng “Thu nguyệt sáng soi thông tử phủ/ Xuân hoa đua nở rỡ phong
quang.” Bài số 90 [2; tr 414] “Trăng thanh gió mát ấy tương thức/ Nước biếc, non
xanh ấy cố tri.” Bài số 84 [2; tr 412] Nguyễn Bỉnh Khiêm sống an nhàn ẩn dật, an lòng
với cảnh nghèo khó, sống chan hòa với thiên nhiên với vũ trụ. Ông bị ảnh hướng bởi
tư tưởng Lão - Trang đề cao thái độ dứt khoát, ứng xử hợp lý khi đã ở đỉnh cao công
danh, phải biết đủ để lui về, sống đời nhàn tản, ung dung.
2.2. Đặc điểm về nghệ thuật của Bạch Vân quốc ngữ thi tập
2.2.1. Thể thơ sáng tác trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập
Thể thơ được sử dụng trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập là thơ Nôm Đường luật,
phổ biến nhất là thể thất ngôn bát cú, đã được cải biến thành thể bát cú pha xen những
câu sáu chữ với những câu bảy chữ gọi là Đường luật pha lục ngôn....Khi nhận xét về
ngôn ngữ thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Gia Khánh viết " Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh
Khiêm xét về mặt ngôn ngữ văn học, là một bước tiến, là một gạch nối giữa thơ Nôm
thế kỷ thứ XV và thơ Nôm thứ XVII [1; tr 41]. Việc xen những câu sáu chữ giữa các
câu thơ bảy chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú cũng rất tự do, không thể qui định
cụ thể. “Trời cũng biết nơi lành dữ” (Bài 1 câu thứ 7) hay “Giàu chỉnh chện, khó lai
rai” (Bài 2 câu thứ nhất) ... Thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có
nhưng câu thơ đối xứng đạt trình độ nghệ thuật cao mà vẫn giản dị. “Thu ăn măng
trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống/ Nhìn
xem phú quí tựa chiêm bao (Bài 73). Nhờ đối mà ta hiểu được phong cách sống giản
dị, dân giã của ông. Nhịp của thể thơ được gieo theo nhịp 3/4, thỉnh thoảng vẫn có
nhịp 4/3 hoặc 2/4, những câu sáu chữ được gieo nhịp hết sức linh động: 2/2/2, 1/2/3,

5
3/3,..Chẳng hạn bài thơ số 38: Tính thơ dại/ hãy còn đeo,...Rằng còn /một túi thơ treo.
Hay “Than/ phải áng công danh lụy. Muộn/ do con tạo hóa trêu - bài 25 Với cách ngắt
nhịp đó, tác giả có tạo ra nhịp thơ đa dạng, sinh động, tránh sự đơn điệu. Việc phá vỡ
nhịp điệu vốn có của thơ luật Đường, có tác dụng làm cho hồn thơ dân tộc trở nên phát
triển hơn, phát triển theo hướng dân tộc, tạo ra bản sắc riêng cho thơ Nôm Đường luật.
2.2.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập
2.2.2.1. Ngôn ngữ giản dị, nôm na, đẫm chất liệu dân tộc
Ngoài việc sử dụng từ Hán - Việt, Bạch Vân quốc ngữ thi tập chủ yếu vẫn sử
dụng các từ ngữ giản dị, nôm na. Yếu tố thơ Nôm trong hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật
thể hiện qua ngôn ngữ đời sống. Nguyễn Bỉnh Khiêm đem ngôn ngữ đời sống nào vào
trong thơ Nôm Đường một cách tự nhiên như vậy. Tác giả đã sử dụng khẩu ngữ, từ
ngữ mang chất liệu đời sống hằng ngày vào trong văn học như: nhá rau lại tiếc..nếm
ếch còn thèm.., vếu váo câu thơ cũ rích/ khề khà chén rượu hăng xì,..Các từ ngữ được
sử dụng trong lời ăn tiếng nói được sử dụng với tần suất cao: thảng mảng, mặc kệ,
thèm nỡ, đà quen,....Việc ngôn ngữ thơ giản dị, dễ hiểu là lẽ hiển nhiên bởi hầu hết đối
tượng mà Nguyễn Bỉnh Khiêm miêu tả là những sự vật, sự việc xung quanh đời sống
con người. Vì thế “thành phần ngôn ngữ đời sống làm cho thơ Nôm Đường luật có
một gương mặt giản dị, hồn nhiên, chất phác, khác thơ Đường luật Hán thường trang
trọng, tao nhã, mực thước.”[7, tr.599]
Nhà thơ đã tiếp thu tinh hoa của văn học dân gian để làm giàu cho thi liệu của
mình tạo ra những vần thơ giàu hình ảnh, cảm xúc, giàu chất trí tuệ mà vẫn rất giản dị,
đậm chất dân gian. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng thành ngữ “rút dây động rừng” và
“Vuốt mặt phải nể lỗ mũi” trong bài 89 như sau: “Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ/ Rút
dây lại nể động rừng chăng?” Kết quả của việc tiếp thu văn học dân gian là làm cho
làm cho tính dân tộc, tính nhân dân càng đậm đà, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức được
về nguồn gốc, truyền thống của mình. Đồng thời, đây là sự phát triển tích cực hình
thức thơ Nôm Đường luật theo hướng dân tộc.
2.2.2.2. Ngôn ngữ giàu tính gợi hình
Để có thể tạo ra một thế giới ngôn ngữ tài hoa như vậy, hiển nhiên không thể
thiếu sự góp mặt của từ láy và cả một hệ thống từ loại: danh, động, tính từ. Nguyễn
Bỉnh Khiêm sử dụng các từ ngữ đối lập với nhau về tính chất cũng xuất hiện nhiều
theo quy luật đối lập âm dương: Giàu ><khó, vinh ><nhục, thua >< được,.. để thể
hiện quy luật của vũ trụ. Không có thứ gì trong thế giới ngôn ngữ của Nguyễn Bỉnh
Khiêm mà không cựa quậy, không ngập tràn sự sống, không sống động. Ngoài ra, ông
còn sử dụng các tính từ chỉ màu sắc như: xanh, bạc, biếc, trắng,.. để chỉ sắc màu, vẻ
đẹp của thiên nhiên. Có thể thấy, không chỉ ngôn ngữ giàu hình tượng mà còn thể hiện

6
rõ sắc màu, đường nét, âm thanh. “Dắng dỏi bên tai cầm suối,/ Dập dìu trước mặt tán
sen./ Xuân về, hoa nở mùi hương nức,/Khách đến, chim mừng dáng mặt quen.” - bài
127. Việc sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo thanh khiến cho bức tranh nghệ thuật của Hồ
Xuân Hương trở nên chân thực hơn, sống động hơn, khắc họa được vẻ đẹp của thiên
nhiên một cách đa dạng, đa chiều.

2.2.2.3. Sử dụng điển cố, điển tích


Việc vận dụng hệ thống điển cố trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa thể hiện
được đặc trưng hình thức của thơ ca trung đại, vừa là nét độc đáo trong lối thể hiện bút
pháp nghệ thuật của nhà thơ. Là một nhà nho uyên bác, thông tuệ, Nguyễn Bỉnh
Khiêm đương nhiên cũng thuần thục về các điển cố, điển tích Nho giáo. Điều đó
chứng tỏ, nhà thơ phải có vốn văn hoá uyên bác mới có thể sử dụng một cách hiệu quả
điển cố bộc lộ cái lõi của điều muốn đề cập trong văn học Việt Nam thời trung đại.
Các điển cố được sử dụng vô cùng hiệu quả như: Cửa Khổng Sân Trình, Ái Tần, non
Thục, Lưu hầu, Cốc Thành, Xích tùng, Tô Tần,..

Việc sử dụng các điển cố, điển tích được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng có hai
cách: nhắc trực tiếp đến tên của các ẩn sĩ, cư sĩ hoặc chỉ gợi đến “không gian ẩn dật
của họ để thông qua đó, gợi nhớ đến các nhân vật từng ở ẩn” [4; tr 49].Chẳng hạn như
tác giả nhắc đến Lưu hầu là tước phong của ẩn sĩ Trương Lương từ bỏ tước lộc để về
tu tiên ở Xích Tùng hay khi nhắc đến ẩn sĩ Lâm Bô, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến Hồ
Tây “Hồ Tây thuyền nổi, hoa mai bạc” vì Hồ Tây là nơi ẩn sĩ Lâm Bô từng trồng hoa
Việc sử dụng các điển cố, điển tích đã thể hiện rõ nhất nhưng cũng sâu kín tâm sự
ngổn ngang của tác giả, đồng thời thể hiện rõ về cuộc sống và tư tưởng ẩn dật của các
nho sĩ giúp đạt được hiệu quả nghệ thuật cao.

3. Loại hình tác giả nhà nho ẩn dật trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập
3.1. Hình tượng tác giả trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập
3.1.1. Hình tượng nhà nho ưu tư
Trong thơ văn của mình, hình tượng nhà nho ưu tư xuất hiện khi mọi lý tưởng
bổn phận của con người bắt đầu thay đổi vì thời thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm hoài vọng về
một triều đại, về những ngày tháng tốt đẹp đã qua và khao khát về một sự đổi thay.
Tuy cuộc sống ông lựa chọn là cầu nhàn và tri túc nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong
từng câu chữ của mình vẫn thường trực trước những vấn đề của đất nước, những vấn
đề rối ren trong xã hội lúc bấy giờ. Trong thơ của mình, tác giả thường đề cập đến
những bài học, triết lí hay những vấn đề về trung hiếu với dân, với nước. Dù ở ẩn hay

7
không ở ẩn, tấm lòng của ông vẫn hướng đến cuộc sống của nhân dân “Ấm cật no làng
hay phận đủ/ Đổi công toan lợi mặc ai dầu.” - bài 131 Ông mong muốn đời sống nhân
dân được ấm no, đủ đầy như dân nhân nước Thuấn, Nghiêu. Trong nỗi suy tư về đời
sống nhân dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng bày tỏ sự tiếc nuối, hổ thẹn vì đã phụ lòng
trung hiếu của mình. “Nghĩa cà luống quên tôi chúa cũ/ Thề xưa nỡ phụ nước non
xanh.” - bài 13 Khi đem so sánh giữa phú quý và nhàn các, ông đã viết “Nghĩa cả
luống quên tôi chúa cũ/ Thề xưa nỡ phụ nước non xanh..” Bài số 13[2; tr 390]. Chính
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ quên “nghĩa cả”, đành bỏ đạo làm tôi đối với vua Mạc,
đành bỏ tất cả vì không nỡ phụ lời thề ước xưa vui cùng đời ẩn dật. Tuy đã phụ lòng
vua nhưng ông vẫn một lòng “Ưu ái một niềm hằng nhớ chúa” Bài 109 bởi “Ơn chúa
chẳng quên một bữa cơm.”
Ngoài nỗi suy tư về đất nước, nhân dân, trong từng câu thơ của Nguyễn Bỉnh
Khiêm cũng ngập tràn nỗi suy tư về thế sự. Trong xã hội rối ren “quân bất quân, thần
bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử”, đạo đức của con người được đề cao......

3.1.2. Hình tượng nhà nho nhàn cư, thoát tục


Lựa chọn con đường cầu nhàn, tri túc, hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện
trong câu thơ của mình là một nhà nho nhàn cư, thoát tục. Cảnh ẩn dật thanh nhàn,
Nguyễn Bỉnh Khiêm không cầu mong danh lợi, phú quý, dành thời gian cuối đời để
sống chan hòa với cỏ cây, thiên nhiên. Do đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên như một
ẩn sĩ, cư sĩ sống thuận theo tự nhiên, tự thay đổi cách sống của mình sao cho phù hợp
với tự nhiên. “Nhàn” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng đến là học thuyết vô vi của Lão
Tử, là sự lựa chọn của ông. Chủ trương lối sống nhàn dật với triết lý vô vi, tu tâm
dưỡng tính. Nhà nho hiện lên với cuộc sống nhàn dật, tràn ngập những tiêu sái, thú,
“vui thú ẩn”, “đủng đỉnh”, “thong thả”, “cười khúc khích”, “hát nghêu ngao”, “được
nhàn”, “phúc được về nhàn”... con người quên hết những sầu lo để trở thành những
bậc tiên khách mặc tao... trong một phong cốt ưu du, thoát tục: “Thanh nhàn ấy ắt là
tiên khách / Được thú ta đà có thú ta”
Nếu Nguyễn Trãi về nhàn là bất đắc dĩ thì đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm lại là sự
tự nguyện. Đó là sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm như là sự lựa chọn một lối
sống, một cách ứng xử, một thú vui, sở thích. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, cảnh tiên ngay
ở cõi tục, hạnh phúc thần tiên ngay ở cõi lòng thanh tịnh của mình. Có được điều đó là
nhờ người quân tử đã thấu đạt lẽ hóa sinh ở đời, nhẹ đường công danh, xa vòng phú
quý, an nhiên tự tại ngay giữa cõi đời vốn nhiều tục lụy.
3.2. Đánh giá về kiểu loại hình tác giả nhà nho ẩn dật trong Bạch Vân quốc ngữ
thi tập

8
Tác giả nhà nho ẩn dật là một tỏng những loại hình tác giả độc đáo, hình thành,
vận động và phát triển gần như song song với tác giả nhà nho hành đạo trong suốt lịch
sử văn học trung đại Việt Nam, thuộc nhà nho chính thống. Nhà nho ẩn dật gồm những
nhà nho chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong hành đạo, nhập thế nhưng khi về
ở ẩn lại tiếp thu tư tưởng của Lão- Trang, Phật giáo. Với những nhà nho thuộc kiểu ẩn
dật đến khi có cơ hội thì quay lại triều đình thì ẩn dật là vấn đề của sự tu tâm dưỡng
tính. Với việc lựa chọn lui về ở ẩn, nhà nho ẩn dật đã để lại một số lượng sáng tác lớn,
có giá trị trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Chẳng hạn như Nguyễn Trãi về
ở ẩn để Hộ Đạo, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đã chấp nhận gắn bó với ẩn dật. Nhưng
dù có quay lại hay không thì kiểu nhà nho này cũng đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng vô
vi, tiêu dao nhàn tản, giải phóng khỏi xã hội và hòa nhập vào thiên nhiên. Họ tìm được
sự thiếu thốn từ tư tưởng Lão- Trang kể cả vật chất đến tinh thần từ thức ăn đến tâm
nhàn, trí nhàn, ung dung tự tại mà khước từ vật chất. Ngoài chịu ảnh hưởng bởi tư
tưởng Nho giáo, Lão - Trang, số ít nhà nho ẩn dật như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chịu
ảnh hưởng bới tư tưởng Phật giáo bởi triết lý sâu xa về đạo đức như giới, sắc, tham,
sân, si,..

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.Đinh Gia Khánh (1983) Thơ, văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội.

9
2.Đinh Gia Khánh chủ biên (2005) , Tổng tập văn học Việt Nam, tập 5, NXb Khoa học
xã hội.
3.Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 2, NXB GD, Hà Nội.
4.Lê Văn Tấn, Hồ Thu Giang, (2019) Tạp chí khoa học, Điển cố và điển tích trong thơ
của tác giả nhà nho ẩn dật Việt Nam thời trung đại, số 34/2019.
5.Trần Thị Băng Thanh – Vũ Thanh (2001), Nguyễn Bỉnh Khiêm- về tác gia và tác
phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6.Đỗ Lai Thúy (2015), Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nguyễn Bỉnh Khiêm – Người mở
đầu cho những lựa chọn, số 376.
7.Trần Ngọc Vương chủ biên (2007), Văn học Việt Nam thế kỉ X - XIX những vấn đề lí
luận và lịch sử, NXB GD Hà Nội.

10

You might also like